Giamin nghe nói là các bạn lớp cậu học cũ quyết định tổ chức một buổi tối khiêu vũ. Côlia đã nói điều này với cậu khi giờ nghỉ trưa kết thúc, mà Côlia thì do gặp Nhura ngoài phố, cô bé vẫn nhanh mồm nhanh miệng như mọi khi, đã kể cho cậu nghe tất cả những tin tức mới mà cô biết. Cô giáo dạy toán Nhina Mikhailốpna, sơ tán từ Lêningrat tới, nhận được giấy báo tử: chồng cô là phi công đã hi sinh. Còn học sinh lớp trên sẽ đến nông trang tập thể lao động một tháng kể từ ngày mồng một tháng chín.
- Các cậu tới khiêu vũ nhé, - lúc chia tay, Nhura mời - đến đấy sẽ biết cả. Chứ không, chỉ rặt bọn con gái. Bọn nữ mình chán nhảy với nhau lắm rồi.
Học sinh lớp trên thường đi tới những buổi khiêu vũ, mà thực ra cũng chẳng còn nơi nào hơn mà đi nữa. Phim ở câu lạc bộ công nhân thì hoạ hoằn lắm mới có. Nếu có nghệ sĩ nào đó tới biểu diễn thì cũng không tài nào vào xem được. Còn trên sân khiêu vũ thì mọi người có thể nghỉ ngơi, giải trí, tạm quên chiến tranh.
Thấy Giamin bảo là muốn đi khiêu vũ, mẹ cậu gật đầu:
- Tất nhiên rồi, nên đi, con ạ. Suốt mùa hè thậm chí con chẳng vào rạp chiếu bóng lần nào.
- Nhưng con biết mặc gì mà đi bây giờ? – Giamin đỏ mặt hỏi.
Thấy vậy, mẹ cậu lấy ra một bộ com-lê đen của anh cậu, khâu vén tà áo lên, sửa lại ống áo và thân lưng rồi là lại cẩn thận. Chiếc quần thì được kéo lên gần tới ngực, lấy thắt lưng thắt chặt, còn hai ống thì được nhét vào ủng.
- Chà, trông con diện quá! – bà mẹ âu yếm nói và nhìn con trai như đã lâu lắm không gặp – Con lớn hẳn lên rồi đấy, giống anh con như đúc…
Và thế là, lần đầu tiên trong suốt cả mùa hè, Giamin đi dự buổi khiêu vũ tổ chức trong vườn, cạnh câu lạc bộ. Thậm chí đây cũng chẳng phải là vườn nữa, mà chỉ là một khu đất con, có hàng rào màu xanh, với dăm cây dương, hè đến lại nở bông trắng xoá, và một ít bụi cây thấp bị dê gặm trụi. Giữa vườn là sân khiêu vũ, được ngăn bằng những thanh gỗ mỏng. Cạnh cửa ra vào thường có thím Masa ngồi soát vé. Thím là một người đàn bà cao to, chẳng thua gì một thủ trưởng lực lưỡng. Thím thường cất giọng oang oang hỏi:
- Này, định đi bừa vào đâu thế? Không thấy người ta đang ngồi đây à? Chìa vé ra! Ghê nhỉ! Không thì xì tiền đây.
Ít người cãi lại thím. Ngay cả Lênca cũng phải gờm vì lần đầu tiên cậu định đi chui không vé đã bị thím cho biết tay, phải bẽ mặt.
- Này, định đi bừa đâu thế? – Thím Masa hỏi, vẫn cái giọng oang oang như mọi khi – Chìa vé ra!
- Cái gì, cái gì? Vé nào? - thằng Rỗ trâng tráo hỏi lại
- Đừng có giở cái giọng ấy ra! Còn trẻ lắm, con ạ! – Thím Masa gằn giọng nắm chặt tay áo hắn – Vé đâu, đưa đây! Tao bảo! Nếu không thì biết tay đấy! – và thím dơ nắm tay hộ pháp của mình trước mặt hắn.
- Có buông ra không? - thằng Rỗ gầm gừ, cho tay trái vào túi vẻ hăm doạ.
- A, định doạ tao đấy hả? – thím Masa hét lên rồi nhẹ nhàng lấy chân gạt hắn ngã xuống đất – Không có tiền mua vé thì hỏi xin tử tế, không được giở trò lếu láo…
Sau vụ này, lần nào thằng Rỗ cũng mua vé tử tế, và thím Masa cũng chẳng bao giờ nhắc lại với hắn cái lần gặp gỡ đầu tiên ấy.
Cạnh sân khiêu vũ là bệ dàn nhạc, linh hồn của cả buổi khiêu vũ. Nhạc công là những thanh niên bề ngoài trông khoẻ mạnh nhưng một số thì bị bẹt chân nặng. Một số khác làm việc ở đường sắt, thuộc vào diện không thể điều đi đâu được. Họ ăn mặc khá diện; ủng cao cổ, áo ngắn bó chẽn, mũ lưỡi trai bé không đủ che mái tóc. Nghe nói loại mũ này đang là mốt thịnh hành ở tất cả các thành phố lớn.
Thường thì một lúc chỉ bốn người chơi, còn những người khác thì xuống nhảy. Ít ai có thể bằng họ về khoa nhảy. Trông họ ôm các cô gái quay những vòng tuyệt đẹp thì không người nào không lấy làm khâm phục. Khi có máy hát thay nhạc thì đám nhạc công hoàn toàn làm chủ sân khiêu vũ. Các cô gái sung sướng vì được mời. Những cô xinh nhất mỉm cười ngoan ngoãn theo họ ra sân.
Giamin cũng thích nhảy, nhất là địêu van-xơ “Trên núi đồi Mãn Châu Lí”. Mặc dù các nhạc công chơi sai bét, nghe nhạc Giamin nhớ tới cụ Cudia, người vẫn hay lẩm bẩm hát điệu van-xơ ấy. Kể ra, nghe nó và nhớ tới cụ Cudia đã khuất có làm cậu thoáng buồn thật. Nhưng cậu vẫn thích địêu nhạc quen thuộc này. Người nhảy với Giamin bao giờ cũng là một cậu nào đấy trong số các bạn trai. Cậu xấu hổ không dám mời các cô gái nhảy, và lấy làm ghen tị khi thấy bọn con trai bằng tuổi thản nhiên, không hề bối rối là gì, cầm tay các cô gái dắt ra chính giữa sân.
Hôm nay, tới dự khiêu vũ Giamin mong ước được mời Tamara cùng nhảy.
Cậu chững chạc đi qua trước mặt thím Masa, đàng hoàng chìa vé cho thím rồi đưa mắt nhìn quanh. Mới chỉ có ít người tới. Giamin lấy làm mừng khi thấy Tamara chưa tới, nghĩa là cậu sẽ có đủ thời gian suy nghĩ nên mời cô nhảy thế nào và nói với cô những gì. Thậm chí, cậu còn muốn dàn nhạc bắt đầu chơi ngay bây giờ để cậu mời thử một cô gái nào đấy trước đã. Giamin đã để ý thấy một ốc, nhìn lên dàn nhạc, nhưng ở đấy cả nhạc công lẫn nhạc cụ đều chưa có. Chỉ bây giờ Giamin mói chú ý nhìn các cô gái vẫn hay nhảy với cánh nhạc công. Cô nào mặt cũng hơi buồn. Đã bắt đầu có tiếng người nói, vẻ không hài lòng:
- Nổi nhạc lên thôi!
- Dàn nhạc đâu rồi?
- Chủ tịch câu lạc bộ?
Thím Masa móc khoá vào cửa, bước ra chính giữa sân khiêu vũ, cất giọng oang oang:
- Xin các đồng chí bình tĩnh. Sẽ bắt đầu ngay bây giờ, không phải về đâu mà sợ. Sẽ múa đến một giờ sáng.
- Sao dàn nhạc vẫn chưa thấy?
- Bây giờ tôi sẽ giải thích. Các nhạc công ấy à? Các bạn thân mến ạ, họ đã được động viên vào quân đội sáng nay rồi. Ông chủ tịch câu lạc bộ suốt từ trưa tới giờ đang tìm xem có ai biết chơi loại đàn nào không.
- Thế thì cho vặn máy hát lên!
- Cả người phụ trách máy hát cũng nhập ngũ. Nhưng không sao, lát nữa ông chủ tịch tới. Ông ấy biết làm việc này. Tôi chỉ biết sử dụng máy quay tay thôi.
Tiếng xì xào bực tức lại nổi lên trên sân khiêu vũ. Giamin lấy làm tiếc là đã gặp một buổi tối như thế này. Cậu đã định bỏ về thì ông chủ tịch tới. Theo sau ông là một người thọt chân trái, mang một chiếc đàn phong cầm đựng trong chiếc hộp cũ kĩ. Có tiếng cười chế giễu. Anh này đỏ mặt, ngồi xuống chiếc ghế cạnh góc, lấy từ chiếc hộp ra một miếng vải nhung phủ lên đầu gối.
- Kìa, xem kìa! Tội nghiệp anh chàng, lại còn mang cả vải giải giường theo nữa! – có người nào đó thốt lên – Hay là quẳng cho anh ta chiếc khăn lau mũi nhỉ?
Không để ý tới những lời nhạo báng người nghệ sĩ kì lạ này để chiếc đàn lên gối, đưa ngón tay sờ nhanh phím đàn từ trên xuống dưới, và từ dưới lên trên rồi bắt đầu chơi bài “Chiếc khăn xanh”. Trước đây ở Taisét chưa có ai biết chơi bài này cả, nên bây giờ ai cũng phải đứng lặng người mà nghe.
Sau này ông chủ tịch đã kể lại cho mọi người nghe ông đã tìm được một người chơi phong cầm giỏi như vậy ra sao. Mà người này chẳng bao lâu đã trở thành một người hết sức cần thiết không thể thay thế được trong đời sống của dân Taisét.
- Một lần tôi vào ga, - ông chủ tịch kể - thấy cạnh lò sưởi có một người gầy gò mặc áo ấm có chiếc đàn phong cầm. Anh ta ngồi trên ghế hơ hơ đôi tay của mình. Mọi người bảo anh ta chơi thử, - có chơi mới hòng người ta cho tiền. Ai cũng muốn nghe một bản nhạc nào đấy thật hay, nhưng anh ta vẫn ngồi im, tiếp tục hơ tay như trước. Có người đã bảo: “Anh ta chắc không biết chơi, bảo anh ta làm gì. Ai có nửa lít rượu muốn đổi lấy chiếc đàn thì có lẽ anh ta xin giơ cả hai tay”.
“Cho tôi miếng bánh mì, tôi sẽ chơi” – anh ta bỗng nói
“Nghe anh ta nói kìa, khôn không? Đưa bánh mì cho anh ta!”
Lúc ấy, một quân nhân chống nạng ngực đeo hai sọc vàng đi tới, nói:
“Bánh mì thì không có, anh bạn nghệ sĩ ạ, chỉ có hai miếng bích cốt thôi. Có chơi không?”
“Đưa đây!” – anh ta chìa tay
“Không được, trước hết phải chơi đã rồi nhận bánh sau! Dân nhà lính không lừa ai bao giờ. Hay định chơi khăm bọn này đấy?”
“Thôi được, chơi bài gì nào? Có điều, phải giữ lời đấy nhé!”
Và anh ta cầm đàn, lấy tay nhẹ nhàng vuốt mặt phím rồi bắt đầu chơi, hay đến nỗi cả đám đông đang ầm ĩ trước cửa bán vé cũng phải đứng lặng mà nghe. Lúc đầu anh ta chơi bài “Chiếc khăn xanh”, rồi đến bài “Cô gái tiễn người yêu ra mặt trận” và nhiều bài khác nữa. Anh ta chỉ ngừng chơi khi nghe người lính bảo:
“Anh bạn ạ, hay lắm, khỏi phải nói. Này, ăn đi, thịt hộp đấy, mở nắp rồi đấy. Đừng giận mình nhé. Cậu là một người chơi đàn tuyệt diệu, cứ như là xoáy vào lòng người ta ấy. À, mà sao cậu phải lang thang thế này?”
“Thế đấy, đời người lúc thế này, lúc thế nọ, - anh ta ngượng nghịu nói và đưa mắt nhìn xung quanh – Đã hai ngày nay tôi chưa đựơc miếng nào vào bụng. Đây là tuần thứ hai từ khi tôi lên đường về nhà. Tiền hết…” Anh ta thận trọng cho chiếc đàn vào hộp và đứng dậy.
Ngày hôm sau vẫn thấy anh ta ở nhà ga. Người ta trò chuyện với anh ta. Thì ra anh ta đã tốt nghiệp trường trung cấp âm nhạc….
Thấy tất cả nhạc công của ta đã nhập ngũ, tôi liền nhớ tới anh ta và đi ngay ra ga. Anh ta vẫn còn ở đây… Tôi nói đúng không, Misa? – ông chủ tịch hỏi anh ta.
- Đúng cả, có điều ông quên nói đến việc cho tôi tắm và quần áo mới…
- Điều ấy, Misa ạ, không liên quan gì đến việc ta đang nói đây – ông chủ tịch nhíu mày.
Các chàng trai và cô gái quay tròn dưới điệu nhạc đượm buồn. Thậm chí, Giamin không nhận thấy Tamara đã cùng các bạn gái đến từ bao giờ.
Trong khi cậu đang suy nghĩ có nên đến với cô ta hay không thì Nhura giật tay Tamara, gật đầu về phía cậu, liếng thoắng nói với Tamara một điều gì đó.
“Địêu nhảy sau thế nào mình cũng mời Tamara. Mình sẽ đi tới và nói: “Cho phép tôi được mời chị cùng nhảy?”… Thế thôi, có gì mà phải sợ…” – Giamin nghĩ vậy và cảm thấy hồi hộp hơn trước.
Sau điệu van-xơ, Giamin rụt rè đi lại chỗ các cô gái. Chào xong, cậu hỏi họ bây giờ đang làm gì, lúc nào thì năm học bắt đầu. Rồi cậu nói về các vì sao, rằng các vì sao mới đẹp làm sao, - nhiều lần xem phim cậu thấy các chàng trai vẫn bắt đầu nói chuyện với các cô gái như vậy. Tamara và các bạn nhìn nhau cười. Giamin đỏ mặt, không biết nói gì nữa. Cậu có cảm giác như tất cả đang nhìn và lắng nghe những lời nói ngốc nghếch của cậu.
Cuối cùng, Misa đã chơi đến bài “Anđriusa”. Ai mà chẳng thuộc lời của bài hát chân thành và hơi có phần lả lơi này:
Ơi, Anđriusa, tại sao chúng ta phải buồn?
Chớ vội cất đàn, hãy chơi to lên nào
Chơi lên cho núi đồi phải nhảy
Và các vườn cây xanh tươi phải xào xạc!...
Giamin vẫn đỏ mặt, lo lắng nghĩ: “Mong sao Nhura không mời Tamara nhảy trước mình”. Cuối cùng, cậu lấy hết can đảm, lại gần Tamara khẽ nói:
- Ta ra nhảy đi…
Mấy giây mà Giamin chờ Tamara trả lời đối với cậu lâu như hàng thế kỉ. Nếu cô từ chối thì cậu sẽ nói to cho mọi người nghe: “Tôi muốn thử cô ấy đấy thôi…”
- Mình đã nghĩ là cả điệu này cậu cũng không mời mình đấy. Đi hái quả cũng có cho theo đâu… - Tamara mỉm cười rất cởi mở làm Giamin lập tức quên hết những gì cậu vừa nghĩ.
Cậu hoàn toàn ngây ngất vì hạnh phúc. Cậu nghe thấy hơi thở của cô, mái tóc quăn của cô đã mấy lần chạm má cậu. “Cô ta bé và mảnh dẻ làm sao” - cậu nghĩ và tưởng như có thể nâng cô lên hai tay mà nhảy cũng được.
- Sao trước đây cậu không mặc bộ quần áo này? – Tamara đột ngột hỏi - Cậu mặc vừa lắm, - cô nói tiếp, chân thật.
- Thật chứ?
- Tất nhiên rồi, - cô gái lại mỉm cười
- Mình tiễn Tamara về nhà nhé? - cậu hỏi rồi dừng nhảy, hoảng sợ vì chính câu hỏi của mình. Cậu không nhận thấy người khác đang va vào mình, trách cậu đứng cản họ nhảy.
- Thế nào tất cả chúng ta cùng về cùng nhau. Nhà chúng ta ở gần nhau cả mà. Một mình, mình sợ lắm, - cô gái trả lời, vẻ như lúng túng.
- Không, mình muốn tiễn Tamara về một mình kia, - Giamin nói, giọng đã tự tin hơn
- Được, - nghĩ một lúc, Tamara khẽ đáp
Ban đêm trời đã rét, báo hiệu một mùa thu đang đến. Hơi lạnh. Giamin và Tamara đi bên nhau, ngón tay họ lúc thì khẽ chạm vào nhau, đan chéo vào nhau, lúc thì gỡ ra, xa nhau. Rồi bỗng Giamin bắt đầu nói, nói nhanh về việc cậu sẽ học và làm việc, sau này cậu sẽ tới Mátxcơva. Cậu rất muốn thấy thành phố này, dù chỉ thấy một lúc thôi…
- Đây là ước mơ thứ hai của mình, - Giamin nói
- Thế ước mơ thứ nhất là gì? – Tamara tinh nghịch hỏi
- Bây giờ mình không thể nói… Một ngày nào đó, tự Tamara sẽ hiểu.
Hai người lại im lặng.
Họ đứng rất lâu cạnh nhà Tamara. Giamin cởi áo ngoài khoác lên vai cô. Chiếc áo che kín cô gái như một chiếc bành tô. Nghe có tiếng chân đang bước, họ đứng khuất sau bóng một cây dương cổ thụ cạnh cổng nhà.
- Mình ấm rồi, cầm lấy – cô gái thì thầm nói và cởi chiếc áo ra - Chắc cậu rét lắm?
- Hoàn toàn không. Mình là dân Xibêri mà, - và Giamin lại khoác chiếc áo lên vai cô gái
- Ngày mai cậu phải đi làm, về đi!
- Không. Tamara về trước.
- Nếu vậy, mình tiễn Giamin nhé. Được không? – Tamara nói
- Được, - Giamin cầm tay Tamara.
Họ chậm rãi đi dọc đường làng
- Nhà Giamin đây rồi, về đi. Cầm lấy áo này. Mình chạy về nhà đây.
- Khoan, gượm đã, thế không được, - Giamin khẽ giật tay cô gái – Bây giờ mình sẽ tiễn Tamara. Có thể Tamara sẽ gặp điều không hay, biết đâu đấy. Đêm đã khuya. Còn ở đây thì có con chó nào mà không biết mình?
- Không, không cần. Gần đây thôi mà. Việc gì phải sợ cho mình? – Tamara từ chối – Thôi, thế cũng được - cuối cùng cô đồng ý.
Cứ thế, họ tiễn nhau cho đến khi mặt trời bừng sáng ở phương đông, giấu kín các vì sao ở một nơi nào đấy