Ở Taisét, người ta còn nhớ rất lâu về cái chết của cụ Xuđacốp, ông nội Gôga, mặc dù ông cụ chết từ hồi chiến tranh chưa xảy ra. Thì dễ thường có ai chết hai lần đâu.
Ai cũng gọi ông cụ là Mirôn Ivanôvích. Thậm chí cả Prônca, con trai cụ, cũng không thể gọi khác ngoài “Mirôn Ivanôvích”, và Gôga cũng cố không chịu thua người lớn về mặt này.
Mirôn Ivanôvích Xuđacốp là một người có thân hình khoẻ mạnh. Ông cụ từ Bêlôruxia đến Xibêri từ hồi còn chiến tranh thế giới thứ nhất. Vì có nghề trong tay nên ông cụ nhanh chóng kiếm được việc làm ở ga Taisét, lúc ấy hãy còn bé tí. Bấy giờ ông cụ mua ngôi nhà của lão Crivôukhốp. Lão này cùng gia đình dọn đến ở trên một mảnh đất cạnh sông Biruxa. “Ồn quá, chật quá. Chỉ toàn mùi khói. Thật chẳng được yên thân chút nào”. - Crivôukhốp giải thích việc mình đột ngột dọn nhà đi chỗ khác như vậy.
Ở Taisét lúc ấy chưa có đường lớn, chỉ có mấy chục ngôi nhà làm bằng gỗ thông lâu năm ghép lại, chen chúc nhau dọc hai bên đường tàu như một tổ kiến. Những cây thông cổ thụ to lớn mọc sát nách nhà, mùa xuân vừa đến người ta đã hạ chúng xuống. Mùa hè cây sẽ khô, khi thu về người ta cưa ngắn từng đoạn, chẻ thành củi, chất đống dưới mái che. Vì thế mà nhiều gốc cây cụt cứ nhô lên giữa các nhà, và đường đi từ nhà này đến nhà nọ ngoằn nghèo như rắn bò.
Mirôn Ivanôvích làm nghề sửa chữa xe kiểm ray, biết hàn và mạ thiếc rất giỏi. Những người sống lâu năm ở đây thấy ngay ông cụ là một người cần thiết cho vùng. Mirôn Ivanôvích là người đầu tiên ở đây trồng cà chua và trồng dưa chuột trong nhà kính. Cuối tháng Tám, ông cụ hái cà chua xanh, cho vào ủng dạ, để lên lò sưởi hay cạnh đấy cho chín dần, rồi hào phóng đem chia cho người địa phương, cũng vì thế mà vợ cụ, Lukêria đay nghiến cụ suốt ngày đêm. Bất chấp những lời càu nhàu của bà vợ, Mirôn Ivanôvích vẫn dạy láng giềng mình cách trồng dưa chuột, lúc đầu để trong nhà, và sau khi cái lạnh mùa xuân đã qua, đem ra trồng trong nhà kính. Nhiều khi ông còn giúp họ làm nhà kính nữa. Những lúc như thế, bà vợ ông thật như ngồi trên lửa. Thỉnh thoảng bà lại sai cậu bé Prônca đi tìm bố và ra lệnh là không được về một mình. Cậu bé chạy bổ đi tìm bố (thời ấy vườn nhà cũng rất rộng, ngoài khoai tây, người ta còn trồng cả kiều mạch, đại mạch và kê nữa), từ xa cậu hổn hển gọi to:
- Mirôn Ivanôvích! Mirôn Ivanôvích! Mẹ gọi về. Mẹ bảo là con phải dẫn bố về, nếu không mẹ sẽ vặn cổ con.
- Bảo với mẹ là bố sẽ về ngay bây giờ!
- Không! Mirôn Ivanôvích, thế thì con sợ lắm, không dám về đâu – Prônca vẫn bướng bỉnh nói, đưa mắt tức giận nhìn người láng giềng, vì bác ta mà bố cậu không về được.
- Vâng, tôi hiểu. Mirôn Ivanôvích. Bác về đi. Cảm ơn bác đã giúp đỡ. Bây giờ tôi tự làm lấy nốt được rồi, - người láng giềng nói.
Ở nhà, bão táp đang chờ ông cụ. Lukêria xông vào chồng:
- Tôi với ông ở đây mấy năm rồi, thử hỏi đã cóp nhặt được những gì? Ông dạy không cho người ta, vì tiếng cảm ơn mà đem cây con cho họ, rồi ngày lễ lại bê bát dưa chuột và cà chua đi mời nữa! Chỉ có thằng ngốc mới không lấy tiền! Tất cả những thứ đó phải lấy tiền…
- Thôi đi, bà ơi – Mirôn Ivanôvích cất giọng ồ ồ nói, nhẹ nhàng gạt những ngón tay co quắp vì tức giận của bà vợ khỏi mặt mình – Kìa, đừng để thằng Prônca nó trông thấy…
- Thì đã sao? cứ cho nó thấy, cho nó nhìn vào cái mặt của kẻ phung phí! – Lukêria rít lên, hùng hổ định xông vào cấu mặt chồng.
Cứ thế nhiều năm trôi qua. Láng giềng biết vậy cố tránh không nhờ cụ giúp đỡ, sợ ông cụ khổ. Còn Mirôn Ivanôvích thì ngày một ít nói hơn, rồi dần dần hoàn toàn không tiếp xúc với ai nữa. Được mẹ khen, Prônca cũng tìm đủ trò trêu bố: khi thì giấu các thỏi thiếc, khi thì vất đồ nghề của cụ mỗi nơi một cái, thậm chí mấy lần còn sang phá nhà kính của láng giềng nữa.
Ngay trước chiến tranh, Mirôn Ivanôvích làm thợ đốt lò hơi ở nhà tắm công cộng mới xây bằng gạch. Nhà tắm mới là một sự kiện lớn đối với dân Taisét, mặc dù nhà ai cũng đã có một buồng tắm riêng, rất tốt, và bất kì ông chủ nào cũng lấy làm hãnh diện nếu nhà mình có nhiều người đến tắm, và khách tắm xong hài lòng nói: “Chà, chỗ thay quần áo rộng quá! Hơi mới đặc, dày làm sao! Đá bốc nóng cứ như là lửa ấy! Còn chổi lá à? mềm, thơm, lá non như chồi mới nở…”
Người ta đào móng xây nhà tắm công cộng này từ mùa đông. Thời ấy chưa có máy xúc, tất cả phải làm bằng tay. Trên chỗ sẽ xây nhà tắm suốt ngày đêm từng đống thân cây to không ngớt bị đem ra đốt sưởi. Những người đào đất ngồi xung quanh thong thả hút thuốc, nói với nhau về tình hình thời sự quốc tế. Họ bảo thế nào Hítle cũng đánh Liên Xô, còn cánh trẻ thì có ý kiến ngược lại; chiến tranh sẽ không xảy ra, vì đã kí hiệp ước không tấn công rồi, mà có xảy ra đi nữa, chúng ta cũng sẽ cho Hítle biết tay. Xem đấy, chúng ta cũng đã có bao nhiêu tay súng cự phách rồi.
Giamin và các bạn thường hay đến chơi gần đây. Các cậu thích thú đứng nhìn người lớn đào lớp đất đóng băng lâu đời.
Hai người thi nhau quai những chiếc búa tạ nặng xuống đầu những chiếc cọc sắt dài một mét. Tiếng kim loại va vào nhau chan chát, đập vào tai đến khó chịu, nhưng xem cái công việc khéo léo này. Những chiếc cọc chậm chạp cắm sâu vào lớp đất đóng băng chặt cứng. Có khi người ta đóng mấy cọc lại một chỗ làm thành một hàng rào thép rồi tiếp đến là cả một tảng đất to tướng sụp đổ lấp lánh như quặng.
Công việc tiến hành một cách chậm chạp. Đất được chuyển đi bằng những chiếc xe cút kít trên đường lát gỗ ọp ẹp. Giờ nghỉ trưa, thỉnh thoảng người lớn lại cho các cậu kéo xe, lần nào cũng không quên dặn: “Chở vừa thôi nhé”
Mirôn Ivanôvích làm việc trong nhà tắm hơi mới xây bằng gạch này. Những tưởng bây giờ thì không có gì có thể làm ông cụ lo lắng nữa. Ngay cả lúc áp suất trong lò hơi giảm, và người tắm lấy chậu gõ ầm ĩ vào ghế đá. Mirôn Ivanôvích cũng bình tĩnh nói:
- Không sao. Để lão cho thêm ít than, hơi sẽ bốc, và nước sẽ nóng ngay. Trong đời cái gì cũng phải có tuần tự của nó.
Cả những lúc ngoài đường máy nước bị đóng, ông cụ hoàn toàn không có lỗi, thế mà người tắm vẫn cứ gọi trách. Mirôn Ivanôvích hiểu được vì sao mọi người bực mình. Cụ lại gần tường, nơi treo chiếc máy điện thoại trông như một hộp thư bằng gỗ đóng vụng về, rồi cầm lấy tay quay, quay như xay thịt. Chiếc máy kêu ù ù, lọc cọc, từng tràng chuông ngắn thỉnh thoảng lại réo giật lên. Với cái giọng đều đều và hình như có vẻ còn thích thú nữa. Mirôn Ivanôvích nói:
- Alô, alô! Cho nói với nhà máy nước… Alô!
Có lúc người tắm còn lấy chổi lá hay chậu che người lom khom chạy sang phòng nồi hơi làm ầm ĩ lên. Ông cụ vẫn tiếp tục quay máy, bình tĩnh nói:
- Ngồi xuống, làm gì mà như cháy nhà thế? Chỉ tổ cản trở không cho người ta xin nước…
Một hôm, trước khi đóng cửa nhà tắm, ông cụ quan sát kĩ nồi hơi, leo lên gác kiểm tra những thùng nước trên ấy xong tụt xuống bảo bà coi nhà tắm đang lau nền và xếp các chậu không lại một chỗ, đi về, để phòng hơi và phòng tắm đấy cụ quét dọn cho. Bà kia vui mừng cảm ơn cụ, đi về nhà, còn ông cụ thì vào phòng hơi. Ông cụ thường tắm hơi rất nóng, cánh thanh niên trẻ ít có anh nào chịu nổi. Nhưng hôm nay cụ tắm uể oải. Khi chiếc chổi rụng gần hết lá, chỉ còn trơ trọi cành không đập vào cái thân già đang giãn ra của ông cụ, ông cụ mới leo xuống để đầu mình dưới vòi nước đang chảy…
Ông cụ kêu lên một tiếng, lấy hai bàn tay mệt mỏi đầy gân xanh che mặt rồi ngồi lên sàn xi măng. Những dòng nước nóng bỏng vẫn tiếp tục chảy trên trán, trên lưng và vai cụ. Vẫn nhắm mắt, cụ mò mẫm như một người mù lần sang phòng cạnh, vất vả lắm mới sờ thấy vòi nước lạnh, rồi mở khoá cho nước dội lên đầu… Ông cụ không kêu to, không nhảy tung vì đau đớn quá sức, mà vẫn như mọi khi, bình tĩnh, lặng lẽ làm những điều trên…
… Sáng hôm sau, bà coi nhà tắm là người đầu tiên nhìn thấy cụ. Cụ nằm bất tỉnh trên sàn nhà, hai tay ôm đầu. Vòi nước lạnh vẫn chảy.
Ở nhà cụ, người ta chẳng lấy làm băn khoăn vì sao hết giờ làm mà không thấy cụ về. Khi sắp ngủ, Gôga hỏi: “Sao mãi không thấy Mirôn Ivanôvích về?” – thì bà cậu bảo – “Ngủ đi cháu, không có chuyện gì xảy ra với Mirôn Ivanôvích đâu”.
Hôm sau người ta báo tin cho gia đình là ông cụ bị bỏng nặng phải đưa vào bệnh viện vào hầu như không còn hi vọng qua khỏi. Cùng ngày hôm ấy, vợ cụ và con trai đã bắt đầu lo chuyện chôn cất. Để khỏi tốn tiền, Prônca quyết định tự đóng lấy áo quan. Hắn nằm trên tấm ván, cộng thêm về phía đầu hai lòng bàn tay nữa rồi ra lệnh cho Gôga lấy bút chì đánh dấu. Đứng dậy, hắn thành thạo ước lượng chiều dài tấm ván, khịt khịt mũi rồi rút ngắn thêm một tí.
- Có lẽ bây giờ thế là ổn… - hắn kết luận.
Mẹ hắn đi lại nói:
- Cao chừng này này…
Gôga và mẹ cậu định khóc nhưng bà nội cậu gạt phăng đi:
- Khóc gì mà khóc? Chúa đòi thì ông ấy phải trả hồn lại cho Chúa, thế thôi!
- Bố ơi, đừng làm hộp cho Mirôn Ivanôvích, ông có giường rồi, - cậu bé Gôga bảo Prônca
- Bác sĩ họ nói, con ạ, là Mirôn Ivanôvích không còn là người của thế giới này nữa, - Prônca an ủi con - Thế cũng đủ cho ông cụ rồi…
Nhưng, trước con mắt ngạc nhiên của mọi người, Mirôn Ivanôvích đã qua khỏi. Chính cụ cũng không lấy làm mừng như các bác sĩ điều trị cho cụ.
- Một trường hợp độc nhất vô nhị trong ngành y!
- Đã bị bỏng gần một nửa!
- Phải nói là cơ thể cụ khoẻ lắm, Mirôn Ivanôvích ạ! - các bác sĩ và y tá vừa tiễn cụ vừa nói.
Khi ông cụ về nhà thì mùa thu đã sắp qua. Tuyết bắt đầu rơi, trời dần dần trở lạnh. Tới cổng người y tá đánh xe ngựa dìu cụ xuống xe, phủi phủi các bụi cỏ trên quần áo cụ.
- Bây giờ để tôi tự đi cũng được, - Xin chân thành cảm ơn mọi người, - Mirôn Ivanôvích nói rồi tự tay mở chiếc cổng to, nặng.
Ông cụ bước vào phòng ngoài và rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc quan tài đang dựng cạnh tường. “Không lẽ bà già đã trả linh hồn cho Chúa rồi sao?” - cụ lo lắng nghĩ - Chắc vì thế mà không ai đến thăm mình” – Ông cụ lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy con trai và vợ đang ngồi cạnh bàn trong nhà, ung dung uống trà…
- Kìa ông, Mirôn Ivanôvích! – Gôga ở trên giường sung sướng kêu to.
Cô con dâu từ phía trong bước ra rụt rè nói:
- Chúa đã phù hộ bố! - rồi thút thít khóc, lại đi vào phòng của mình.
- Người ta đã thả cho về rồi à? Mirôn Ivanôvích? - cả vợ và con trai cùng hỏi một lúc.
- Ừ… Không mừng hay sao? Chiếc áo quan là cho ai thế? – ông cụ lo lắng hỏi - Thế mà tôi, lạy Chúa, cứ sợ là ở nhà có ai đã…
- Bố đóng đấy ông ạ! – Gôga nói to – Bà bảo làm
- Im! Tao xoắn lưỡi bây giờ! Toàn những chuyện không đâu - Mụ Xuđacôva mắng cháu – Mirôn Ivanôvích, mừng cho ông đã khỏi bệnh. Thấy không, chúa nhân đức lắm. Chúa vẫn tha thứ cho những người nô lệ lầm lỗi của mình.
- Và rõ ràng Chúa cũng nhân đức với bà, chứ không đã lôi ruột phanh gan bà ra rồi, - có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời vợ chồng lâu dài của mình, Mirôn Ivanôvích đã nói với vợ gay gắt như vậy. Ông cụ thong thả cởi áo ngoài ra, - Bà nên cho tôi ăn một cái gì thì hơn là ngồi mà nhắc đến Chúa của bà như thế! Bà không thấy ăn cháo bệnh viện tôi chỉ còn xương với da đây à?
- Chẳng trách người ta vẫn nói bác sĩ và y tá; y tiếc gì đấy, cả lũ ăn hết phần của bệnh nhân, thật không sai - mụ già hiểu lời chồng theo ý mình.
- Tôi không bảo thế, - Mirôn Ivanôvích càng giận hơn trước - Họ lấy máu của họ cho tôi, mà bà thì nói “họ ăn hết phần”! Bà nghe chứ, Lukêria, họ lấy máu của họ cho tôi, họ là những người như thế đấy! Tôi gầy là vì tôi không ăn được một tí gì, hiểu không?
- Làm gì mà không hiểu, Mirôn Ivanôvích? – Lukêrai vội nói. Lần đầu tiên trong đời, mụ thấy ông già tức giận thực sự, và mụ thầm hiểu bây giờ không phải là lúc nên cãi lại, - Ông chờ tôi một tí, tôi đi nấu ăn bây giờ…
- Mirôn Ivanôvích, ông ơi, - từ trên giường Gôga nói vọng xuống, - thế mà ở nhà mọi người đã chuẩn bị đưa đám ông rồi đấy. Bà cháu đã nấu rượu và cứ phàn nàn luôn là ông có nhiều bạn quá…
- Có câm đi không, thằng khốn khiếp kia! – Prônca vừa chửi vừa bỏ ra phòng ngoài. Có tiếng thùng, đòn gánh va mạnh vào nhau, và tiếng một cái gì rơi mạnh xuống đất…
- Ít ra cũng để thằng bé yên chứ! - mẹ Gôga rụt rè nói và đi lại gần bố chồng, - Chào bố, Mirôn Ivanôvích, chúc mừng bố đã khỏi bệnh. Chuyện gì đã xảy ra trong nhà tắm thế?
- Để yên cho người ta ăn! Cô ngồi trong góc của mình có hơn không? – Lukêria không bằng lòng, nói.
- Chúng tôi có mấy khi được nói chuyện với nhau đâu, - ông cụ bênh con dâu, - Có lẽ trong nhà tắm bố bị chóng mặt. Già rồi.
Ăn xong, ông già nằm xuống chiếc phản cạnh cửa, rồi nhanh chóng thiếp đi. Nhưng rồi ông cụ cũng chẳng ngủ được. Láng giềng bắt đầu đến thăm cụ. Chẳng mấy chốc căn nhà đã chật ních người đến nỗi lớp băng mỏng trên mặt kính cửa sổ đầy hơi nước. Họ tranh nhau hỏi ông cụ tắm làm sao đến nỗi quên cả đâu là vòi nước nóng, đâu là vòi nước lạnh. Ông cụ nói nhiều về bác sĩ, những người cho cụ máu và da của mình.
- Nghĩa là máu cụ bây giờ là máu người khác, phải không Mirôn Ivanôvích?
- Thật quả có thế! - mụ già lúng túng trong miệng - Trước kia cứ như con cừu non, còn bây giờ thì đố ai dám cãi lại một câu.
- Bà nên dọn cái gì lên bàn thì hơn. Rượu bà nấu để chờ tôi “khỏi bệnh” ở đâu? Mụ già của tôi thế đấy!
Mụ vợ càu nhàu chui xuống hầm nhà lục lọi hồi lâu rồi cuối cùng cũng mang lên một ít việt quất muối, một bình rượu tự nấu và rượu ngâm phúc bồn tử.
- Nghĩa là, Mirôn Ivanôvích, người ta đã vá lại da cho bác, tôi hiểu thế có đúng không? - cụ láng giềng Mêphôdi hỏi.
- Đúng thế, chứ không bây giờ tôi đâu còn được nói chuyện với bác ở đây.
- Mirôn Ivanôvích, cụ có thể cho chúng tôi xem người ta vá da người khác cho cụ ở đâu được không? Muốn xem tí thử nó ra làm sao? – một người đã ngà ngà say hỏi
- Ăn uống đi đã, tôi sẽ cho xem sau.
Uống xong hai ba cốc, khách nói chuyện càng hăng hơn trước, hoàn toàn quên hẳn việc ông cụ phải nghỉ. Mà Mirôn Ivanôvích cũng không bảo họ về vì biết những người này đến với ý tốt.
Khi khách ra về thì đêm đã khuya. Ông cụ ngủ thiếp trên phản, đầu gối lên chiếc áo ấm. Mụ già say rượu không ngớt chửi những người láng giềng đến ăn uống phá sản nhà mụ, rồi mụ lại quay sang mắng chị con dâu thu dọn bát đĩa chậm. Mụ đổ các chỗ rượu ngâm quả uống thừa vào một chiếc cốc, lấy màng phễu lọc lại một lần nữa, vứt xác quả ra sân rồi rót vào chai, để trong góc.
Cầu nguyện xong, lẩm bẩm chửi một lúc nữa, mụ đi nằm.
Chị con dâu lấy chiếc chăn đắp lên người Mirôn Ivanôvích, đứng cạnh cụ một lúc rồi lặng lẽ đi vào buồng mình, ở đấy Prônca đang say, khò khè ngáy.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Prônca lại uống rượu nữa. Hắn choàng lên người chiếc áo ấm, bỏ đi lấy cỏ cho bò. Vợ hắn đun nước nấu cháo lỏng cho bò. Chị này còn đang chưa kịp quàng khăn lên đầu, đã thấy hắn chạy bổ vào nhà như một thằng điên.
- Ngỗng… ngỗng chết hết cả rồi…
- Chết là chết thế nào, mày nói gì thế? – bà mẹ hắng hoảng sợ nói
- Chết hết rồi, mẹ ạ, con lấy chân đá hai con, dựng thế nào lại ngã ra thế đấy.
Mụ già cuống lên, cho vội đôi chân không tất vào ủng, một tay xỏ vào ống áo ấm, tay kia đỡ chiếc khăn trên đầu chạy ra.
Một chốc sau, mụ quay vào, ngồi lên chiếc hòm có bịt sắt cạnh giừơng, hai tay để lên đầu gối, lẩm bẩm như người sắp chết:
- Sao Chúa trừng phạt con thế này? Có ba tá ngỗng đều bắt chết dịch cả…
Chị con dâu đứng cạnh lò sưởi, tay vẫn xách chiếc thùng, ngạc nhiên nhìn mẹ chồng. Thậm chí cả khi Mirôn Ivanôvích vào bệnh viện, trông mụ cũng không thảm hại như thế. Lúc ấy mụ chỉ buồn rầu nói: “Thế là Mirôn Ivanôvích đã sống hết đời của mình… Chúa ban cho ông cuộc sống, bây giờ Chúa lấy lại… Mong cho ông được lên thiên đường!”
- Sao lại đứng thế hả? - mụ quát con dâu - Chạy ngay ra nhà để đồ đạc, trong lúc chúng còn ấm, thì phải nhổ lông chứ!
- Nhỡ ra chúng bị bệnh truyền nhiễm thì sao? - chị con dâu rụt rè lên tiếng.
- Truyền nhiễm, truyền nhiễm! - mụ già nhai lại - Đừng có làm như tiểu thư ấy. Đừng có để mất của - Rồi mụ lại bắt đầu than vãn ầm lên: - Tại mấy đứa hàng xóm ấy mà. Cho chúng ăn, cho chúng uống để thế này đây… Chúng thấy, chúng ghen tị mà. Đứa nào mắt cũng cứ xói vào đây nên mới nông nỗi này… Không biết rồi sẽ còn gì nữa… - Và cũng ngay liền đó, mụ quay sang con trai, dịu giọng nói – Còn con, Prônca, chạy giúp vợ con đi… Phải làm nhanh lên để không đứa nào thấy thế mà sung sướng được. Giấu thật nhanh, thật gọn để bịt miệng cái quân lắm mồm, lắm mép lại…
Khoảng 11 giờ thì cả đàn ngỗng đã được vặt trụi lông đem xa ra tận mép vườn chờ chiều đi làm về, Prônca sẽ đào hố chôn chúng.
Bực mình Lukêria quay sang chửi chồng, kể ra cũng không lấy gì làm hùng hổ và to tiếng lắm, rằng vì ông mà nhà mụ gặp tai nạn này. Ông cụ chỉ im lặng đi lại trong phòng, không để ý đến việc bà vợ đang cuống quít, đay nghiến mình. Thỉnh thoảng cụ đến gần chiếc cửa sổ, lấy lòng bàn tay to lớn của mình xoa xoa mặt kính mờ nước, nhìn ra ngoài tuyết trắng. “Mình sẽ ở nhà thêm một vài tuần gì đó rồi đi làm, - cụ nghĩ bụng, vẫn nhìn qua cửa sổ - Làm ở phòng hơi bây giờ cũng vất vả đấy, ban đầu làm anh trông nhà tắm vậy…À, mà cái gì thế kia?” – Mirôn Ivanôvích đưa tay áo lau kính, kêu to:
- Trông kìa, bà mày! Lại mà xem có lạ không? Ông cụ phá lên cười vang nhà.
- Không lẽ ông già điên rồi sao? – Lukêria lẩm bẩm rồi đi lại gần chồng – Nào, cái gì mà cười âm lên như thằng điên thế? Đâu? - Mụ ẩy ông cụ ra một bên dán mặt vào tấm kính - Lạy chúa, lạy chúa! - mụ làm dấu thánh – Hay đây là điềm báo của Chúa?
- Không nhận ra đàn ngỗng của bà à? – Mirôn Ivanôvích cười to đến nỗi Gôga và mẹ cậu hoảng sợ nhìn cụ
- Ông im đi! Ngỗng của tôi chết dịch rồi
Những con ngỗng bị vặt trụi lông trần truồng vừa kêu vừa chạy toán loạn trong sân. Một vài con ngã chúi xuống tuyết rồi lại vất vả cố gượng dậy…
- Không lẽ chúng sống lại? - mụ già sợ sệt hỏi
- Thì chúng có chết đâu, chỉ có bà vội vặt lông chúng, thành ra bây giờ chúng phải trần truồng như vậy, - Mirôn Ivanôvích lại phá lên cười – Mà này, thế hôm qua bà cho chúng ăn gì? – ông cụ quay về phía vợ hỏi
- Như mọi ngày - hạt mạch, bánh mì ngâm nước…
- Hôm qua còn lại bao nhiêu là xác quả ngâm rượu mẹ để ở đâu? - chị con dâu hỏi
- Vứt ra sân… Không lẽ vì chúng ăn phải quả?
Mirôn Ivanôvích lại phá lên cười
- Nghĩa là cả ngỗng chúng cũng uống rượu mừng tôi khỏi bệnh đấy! Thế này thì còn lâu tôi mới chết.
Mụ già vừa xuýt xoa kêu lên, vừa cầm chiếc rìu nặng vẫn dùng để chẻ củi, chạy ra sân, bắt đầu chém cổ những con ngỗng trụi lông đang nửa say nửa tỉnh.
Còn Mirôn Ivanôvích thì không được sống lâu như cụ nghĩ. Làm người coi nhà tắm được một tuần, một hôm cụ bỗng gặp Đunhia ở ngoài đường, bà này trước kia làm việc ở nhà tắm. Bà này chào cụ rồi trách:
- Đáng nhẽ cụ không nên chiếm mất việc của tôi, Mirôn Ivanôvích ạ, - bà cúi nhìn xuống đất, tay xoắn xoắn góc khăn - Ở nhà tắm khoẻ hơn, lại ấm, còn bây giờ phải làm việc trên tuyến đường sắt, đem xà beng ra mà cậy ray… vác tà vẹt… Sáng dậy không làm sao mà ra khỏi giường được, lưng đau nhừ.
- Đunhia, tôi có biết thế đâu?... Hơn nữa, kể cũng bất tiện; để một người như chị phải nhìn những người đàn ông trần truồng.
- Tôi quen rồi, và còn cảm thấy như mình là đàn ông ấy, chứ làm ở đây nặng quá… Mirôn Ivanôvích, cụ đừng giận tôi nhé.
Sau lần gặp ấy, về nhà ông cụ cảm thấy bối rối không yên. Cũng may là tối ấy cụ láng giềng Mêphôđi lại sang. Chưa tới cửa, ông cụ đã oang oang hỏi thăm sức khoẻ chủ nhà rồi đứng yên một chỗ, chiếc mũ không ngớt chuyền từ tay này sang tay kia.
“Ông lão làm sao thế nhỉ?” – Mirôn Ivanôvích cố đoán
- Mirôn Ivanôvích, thấy bác có chổi lá đập nóng lắm… Cho tôi một đôi đi. Con trai tôi, thằng út, Anđrây ấy mà, bác nghe chứ, nó vừa từ Mông Cổ về. Nó là cán bộ Hồng Quân, nghe nói đánh bọn Nhật cạnh một chiếc hồ nào đó bên ấy. Nó được thưởng một chiếc huy chương bằng bạc nguyên chất đấy, - cụ Mêđôphi nói một hơi.
- Có ngay, bác Mêđôphi ạ. Để tôi leo lên gác, chọn cho vị anh hùng của bác những chiếc tốt nhất.
- Thế thì cảm ơn bác lắm. Mirôn Ivanôvích ạ!
Mirôn Ivanôvích mặc áo ấm đi ra, một chốc sau nghe rõ tiếng cụ đặt chiếc thang lên gác. Còn cụ Mêđôphi thì vẫn tiếp tục kể về con trai mình cho Lukêra mặc dù mụ này không nghe cụ.
- Cái quân Nhật ấy mà, người bé nhưng đánh hăng lắm - Cụ ngồi lên chiếc hòm gỗ được che bằng một tấm thảm nhiều mảnh vải sặc sỡ may lại, rồi sôi nổi nói tiếp – Nghe nói bọn chúng được dạy tự mổ bụng mình ra đấy. Nếu ai khác mà kể thì có chém tôi cũng chẳng tin, chứ đằng này chính thằng Anđrây nhà tôi…
- Hừ,… không lẽ lại thật thế à? – Lukêra lên tiếng.
- Mà cái này có cái tên kì lắm… Kiarakhari gì đấy. Bác Cudia cũng đã kể cho tôi. Bác ta cũng đánh nhau với chúng mà. Có điều, ở ngoài biển, tất nhiên không vất vả như thằng nhà tôi.
Có lẽ ông cụ còn nói rất nhiều về thằng con trai anh hùng của mình nếu bà chủ nhà không thẳng thừng ngắt lời:
- Thôi, nói thế đủ rồi, chứ tai tôi đã mệt lắm. Mong sao Mirôn Ivanôvích chóng xuống. Mà ông ấy làm gì trên ấy mà lâu thế? Leo lên gác, gặp cái nào lấy cái ấy, gì mà phải chọn, tất cả đều như nhau. Hay bác lên xem thử, để tôi soi đèn cho.
Ông cụ miễn cưỡng đứng dậy, Likêria theo sau, tay cẩn thận cầm chiếc đèn.
Cụ Mêphôđi chưa leo lên gác, đã ngạc nhiên hỏi:
- Sao Mirôn của bà ngã nằm xoài như thế kia? Nào, xem nào… - ông cụ nhanh nhẹn leo lên rồi gọi to xuống.. – Đèn, đưa đèn đây. Hình như có chuyện gì xảy ra với Mirôn Ivanôvích thì phải.
Lukêria theo bậc thang nhẹ nhàng leo lên, khẽ nói:
- Lạy chúa, khéo cháy nhà thì khốn!
Ánh lửa soi rõ thân hình bé nhỏ của cụ Mêphôđi bên cạnh Mirôn Ivanôvích to lớn đang nằm xoài. Mặt cụ úp xuống gác sàn, nách cắp chặt mấy bó lá. Chiếc nắp quan tài nặng nề nằm nghiêng chổng vênh lên đầu cụ, che lấp nửa mặt. Một chiếc đinh lớn cắm sâu vào thái dương. Dòng máu chảy trên mặt đã kịp đông