Một hôm, không hiểu sao Côlia tới xưởng làm việc có vẻ buồn, lúc nào cũng muốn tách riêng ra một chỗ. Khi Nunhikianốp khen cậu:
- Làm việc khá lắm, Côlia ạ. Con giống bố. Dạo này Xtêpan có khoẻ không? Không buồn chứ? – Côlia chỉ khịt khịt mũi im lặng.
- Côlia, làm sao chỉ khịt mũi? Miệng ngậm hột thị rồi hay sao? - Nunhikianốp lại hỏi - Bố dạo này thế nào, không nghe à? Định đến chơi đã lâu nhưng chẳng có một phút nào rỗi cả.
- Thì chuyện gì có thể xảy ra với bố cháu? Vẫn sống… - Côlia lúng búng trong miệng, không nhìn bác thợ nguội.
- À, mày nói về bố mày thế hả? Bằng này tuổi đã bướng rồi thì hơi sớm đấy, cháu ạ! - Nunhikianốp nghiêm khắc nói. – Hay mày nghĩ bố mày bây giờ không trị được mày nữa… Thế thì tao có thể giúp ông ấy một tay. .. Ghê nhỉ!
Côlia lúng túng bỏ chiếc búa xuống bàn
- Thôi, hãy nhìn thẳng và nói cho bác nghe nào, bố đánh à? - Nunhiakianốp dịu giọng hỏi và đặt tay lên vai cậu – Không được trách bố, cháu ạ. Có chuyện gì xảy ra à?
- Cháu hút thuốc, thế là bố cháu… Cháu bảo cháu có quyền, chưa gì bố cháu đã cầm lấy roi…
- Chỉ có thế mà bị ăn đòn, ha ha! - thằng Rỗ nói chen vào - Từ năm mười hai tuổi tớ đã phì phèo, có ai làm gì tới được đâu? Mà giả sử có định làm gì đi nữa thì mình sẽ…
- Không ai nói chuyện với cậu! Nhà ai có phép tắc luật lệ nhà ấy! - Nunhiakiacốp ngắt lời hắn rồi quay sang Côlia. – Đau lắm hả?
- Đau. Bác đã biết cánh tay bố cháu rồi đó. Đánh mấy người vẫn không mệt…
- Tớ mà thế thì thế nào tớ cũng… - thằng Rỗ lại chêm vào - Cậu làm việc có phiếu lương thực công nhân…
- Đã bảo là không được nói leo, khi người lớn đang nói chuyện với nhau! - Nunhikianốp xẵng giọng, - Còn cháu, Côlia ạ, đừng giận bố cháu. Xtêpan làm thế là để giữ cho cháu đấy thôi.
- Lúc nhỏ bố cháu có đánh cháu bao giờ đâu, thế mà bây giờ…
- Bác hiểu, bực mình lắm chứ! Nhưng cần hiểu bố cháu. Thần kinh căng thẳng, cháu là người biết điều, phải hiểu bố cho đúng. Một người bố như thế chẳng bao giờ muốn điều xấu cho con mình đâu… Còn hút thuốc thì không nên. Sau này còn kịp dùng cái của nợ ấy.
Khi Nunhikianốp đi khỏi, Giamin mơ màng nói:
- Nếu mình có bố, Côlia ạ, bố mình làm gì mình cũng sẽ chịu được hết. Cậu biết không, thấy mọi người có bố, mình rất thèm! Hầu như mình không nhớ gì về bố mình cả. Khi bố mình mất, mình hãy còn rất bé…
… Một lần, cách đây đã lâu nhưng Giamin vẫn còn nhớ rất rõ, mặc dù lúc ấy cậu mới hơn năm tuổi. Cậu cùng bố đi trên một đoàn tàu dài, rất dài, màu sặc sỡ, toa đỏ, toa xanh lẫn lộn nhau, không hiểu sao được gọi là “Maxim Goócki”. Giamin rất thích ngồi bên cửa sổ toa tàu nhìn ra những làng mạc, thành phố đang chạy nhanh về phía sau như sợ người ta bốc bỏ lên đoàn tàu dài, rất dài này mà chở đi, nhìn ra những ngôi nhà nhỏ màu vàng vụt thoáng qua, những người nhân viên đường sắt tay cầm những lá cờ bé tí vẫy đoàn tàu.
- Này bố, mấy bác kia có biết con không? - cậu hỏi khi thấy họ, và lần nào cậu cũng rụt rè giơ tay vẫy lại
- Sao lại không? Nếu các bác ấy không vẫy cờ với con thì nghĩa là đường không đi được. Con đã biết là gặp người quen thì phải chào, mà mấy bác này thì biết hết tất cả những ai đi trên tàu.
- Vâng! – Giamin đáp, gật đầu ra chiều suy nghĩ, cái đầu khá to, hai tai vểnh lên. Đôi mắt xanh của cậu long lanh sung sướng.
Lần nào Giamin cũng cố nhìn thấy người nhân viên cầm cờ trước và gọi to:
- Bác ơi, chào bác! – và vẫy tay cho tới khi người này khuất hẳn mới thôi.
Không hiểu sao ở các ga người ta gọi tất cả hành khách đi trên tàu cùng bố cậu là những người đi di cư. Giamin thích điều đó vì thế nghĩa là cả tàu đều là bà con. Tuy nhiên, không ít “người bà con” của Giamin hay cãi lộn với nhau vì nước sôi, vì củi vụn, than đốt lò sưởi, hay chửi, giơ xô, giơ ấm lên doạ nhau, hay thậm chí còn đánh nhau nữa. Thấy vậy, các bác đội cát két đỏ mặc áo có hàng cúc trắng doạ sẽ cho họ xuống tàu và tống vào nhà giam. Có lẽ nhà giam là cái gì đáng sợ lắm vì những người đang đánh nhau nghe thế liền lặng lẽ ai về toa người ấy. Nhưng tàu vừa chuyển bánh, họ đã thò đầu qua cửa sổ tiếp tục chửi nhau, người này cầu mong người kia phải chết sặc, chết nghẹn vì nước sôi và củi vụn đáng nguyền rủa kia… Giamin không hiểu sao nước lại đáng nguyền rủa? Vì nó làm hại ai đâu. Và làm sao người ta có thể chết sặc, chết nghẹn vì nước?
Tới các nhà ga lớn, những “người bà con” của Giamin ùa ra khỏi toa và toả đi các góc hẻm vắng vẻ.
- Phải cho tàu đi ngay thôi, mấy bác đội cát két đỏ nói - kẻo không, họ lại gây dịch ở đây mất. Nhìn xem họ đang làm gì kìa, - rồi chỉ tay về phía những người di cư đang ngồi chồm hổm dưới các toa tàu, sau các nhà, trong góc vườn…
Nói rồi mấy bác này rung chuông to giống như chiếc mũ của một chiến binh ngày xưa. Đầu đấm của các toa chạm vào nhau ầm ầm rồi đoàn tàu từ từ chuyển bánh.
Đoàn tàu nấn ná như không muốn đi tiếp.
Giamin rất thích ngồi trên đùi bố nghe người lớn nói chuyện. Tối tối, người lớn thường hay mở cửa sổ rồi ngồi xuống giường và bắt đầu nói với nhau đủ mọi chuyện. Mọi người cùng nhớ lại quê hương cũ Baskiria, làng xóm, những người ở lại… Không hiểu sao họ nói chuyện rất khẽ dù chưa ai ngủ. Mặt trăng như một quả bóng vàng nhợt lăn trên bầu trời, chạy theo như được cột với đoàn tàu bằng một sợi dây vô hình. Họ ngồi im, mơ màng nhìn theo mặt trăng và kể cho nhau nghe câu chuyện về một cô bé mồ côi bị dì ghẻ đang đêm bắt đi lấy nước và nhất định phải đi qua sông, theo con đường do ánh trăng trải trên mặt nước. Cô bé hoảng sợ, khóc van, xin dì ghẻ đừng bắt mình đi vào chỗ chết như vậy. Nhưng mụ kia không nghe, đưa cho cô bé chiếc đòn gánh, hai chiếc thùng gỗ nặng rồi nắm tay cô lôi ra bờ sông.
“Theo đường ánh trăng này mà sang bờ bên kia múc nước mang về đây!” - mụ nói và đẩy cô bé về phía trước.
Cô bé nức nở khóc, nhắm mắt bước xuống sông. Nhưng lạ chưa kìa! Cô bé bước trên đường, ánh trăng trắng bạc như đi trên cầu. Cô bước nhẹ nhàng, không nghe thấy tiếng mụ dì ghẻ gọi cô quay lại.
Và thế là cô bé lên mặt trăng…
Một người thò đầu ra khỏi cửa, còn những người nằm tầng trên giường thì nhìn lên mặt trăng qua mặt kính cửa sổ bé tí, và khẽ nói chuyện với nhau, vẻ huyền bí.
- Mình thấy, mình thấy rồi. Cô ta đấy kìa!
- Chiếc đòn gánh và đôi thùng vẫn ở trên vai cô bé đáng thương.
- Trông mặt cô ta buồn không.
Còn Giamin thì dù có cố tìm cô bé và chăm chú nhìn lên mặt trăng đến đâu cũng vẫn không thấy gì cả. Mặt trăng trêu cậu, chạy rất nhanh, như thi với đoàn tàu.
Mọi người đã đi nằm, đang thiu thiu ngủ. Một chốc sau, người thì ngáy, người thì rên, có người còn giận dữ chửi nhau.
Cậu bé Giamin lay bố hỏi:
- Này bố, bố, sao cô bé kia biết được mụ dì ghẻ không phải là mẹ của mình?
- Có lẽ người ta nói cho cô ấy biết. Ngủ đi!
- Thế người ta có nói cho con biết không?
- Cái gì? Thôi ngủ đi!
- Thế mẹ con bây giờ là mẹ đẻ hay dì ghẻ?
- Hừ, con nói vớ vẩn gì thế, ngủ đi. Nghe cho lắm chuyện vào… - Rồi bố cậu đưa tay âu yếm xoa đầu cậu, ghì vào lòng, khẽ nói – Con là con cưng của cả nhà. Con út mà.
Giamin lặng thinh, nhưng một chốc sau lại thì thầm hỏi bố.
- Sao mọi người thấy cô bé trên mặt trăng mà con thì không, hả bố? Hay con không biết nhìn?
- Biết chứ, sao lại không. Ngủ đi. Trên mặt trăng có ai đâu mà con thấy được. Con không thấy gì là đúng. Mong sao sau này lớn lên con thấy hết mọi chuyện…
Ngày hôm sau, bố cậu đã không dậy được nữa, người nóng bừng, lúc nào cũng đòi uống nước. Mẹ cậu luôn ở bên cạnh, nhưng không cho cậu lại gần bố.
- Mẹ ơi, cho con nằm với bố, con nằm yên mà. Người bố ấm, ấm lắm…
- Để nó lại đây nằm với tôi, kẻo sau này lại… - bố cậu nói.
Đoàn tàu vẫn tiếp tục đi về hướng đông. Tíêng bánh đập đều trên đường ray. Công nhân phục vụ đầu máy thay nhau một ngày đêm mấy lần… Giamin cảm thấy tất cả các ga và những người làm việc trên ga đều giống nhau. Và cậu lấy làm khó hiểu sao cả tàu là “bà con” với cậu mà bố cậu ốm, không thấy ai đến thăm.
Mấy ngày sau, tàu đỗ lâu hơn thường lệ trên một nhà ga nhỏ cạnh rừng taiga. Những “người bà con” của Giamin vẫn nhốn nháo, ầm ĩ tranh nhau lấy than, lấy củi như trước. Trên sân ga, các bà bán bánh khoai tây rán rao inh ỏi. Các cậu bé mập mạp, vẻ cứng cáp mời mọi người mua kẹo nhai bằng nhựa thông. Một mẩu bằng ngón tay út mà các cậu đòi những một rúp. Hành khách tò mò ngắm nhìn mẩu kẹo màu nâu còn bốc mùi nhựa cây. Một số cho vào miệng thử nhưng vội nhổ ra ngay, không chờ cục nhựa mềm và tan trong miệng.
- Xi gắn chứ kẹo đâu mà kẹo!
- Có cái gì ngon lành đâu?
- Đây là kẹo nhựa thông, phải nhai chứ ai bảo ăn – các cậu bé Xibêri giải thích.
Ở ga này, Giamin thấy các bác mặc áo trắng tới toa cậu, đặt bố cậu người mềm nhũn như một đứa bé lên một chiếc cáng rồi khiêng đi. Sau đó người ta vây toa cậu lại, phun một thứ thuốc gì đấy mùi sặc sụa, những người trong toa được chuyển đến một chỗ cách li…
Một thời gian sau, gia đình Giamin dọn đến ở một ngôi nhà bé tí, có hai cánh cửa sổ lâu nay vẫn để trống, ở ven làng. Sau vườn đã là rừng taiga, nhiều khi đến dễ sợ, nhất là ban đêm, khi thời tiết xấu, những cây thông lâu đời điên cuồng cọ lá vào nhau, rên rỉ như những người khổng lồ thực sự.
Một sáng đầy nắng, anh của Giamin thăm bố ở bệnh viện về. Anh của cậu như một hành khất cứ nấn ná bên ngưỡng cửa, rồi Giamin không hiểu sao anh cậu lại nhăn mặt, khó nhọc nói:
- Bố chết rồi…
Nghe hai tiếng “chết rồi” này, mẹ cậu đứng lặng người rồi ngã xuống đất. Và Giamin cảm thấy hai tiếng đó đã mang vào nhà cậu một sự im lặng ghê sợ…
Trong nhà mọi người bỗng oà lên khóc. Còn Giamin thì như một con bê lạc mẹ, hết đi lại chỗ các chị lại đến với các anh nhưng chẳng ai để ý đến cậu. Thấy vậy, cậu ngồi xuống ngưỡng cửa, cũng thút thít khóc, vì cậu ấm ức lắm. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì, mọi người vẫn thờ ơ với cậu như trước. Cậu thút thít khóc thêm chốc nữa rồi nằm xuống chiếc phản trần, ngủ thiếp đi.
Cậu chợt tỉnh vì tiếng ồn ào chung quanh. Nhà cậu đầy người lạ, Giamin chạy ra đường, thấy bố cậu đang nằm trên xe ngựa, người quấn đầy vải giải giường trắng, và đang ngủ say, mặc dù mặt trời chiếu thẳng vào mặt.
- Bố ơi! – Giamin sung sướng kêu lên chạy ra gần chiếc xe - Bố ơi! Dậy đi! Dậy đi - cậu lay bố, rồi vuốt chòm râu màu hung, sờ cái mũi nhọn lạnh buốt của bố rồi bỗng rụt tay lại như bị bỏng.
Người lớn từ trong nhà đi ra. Các anh cậu dìu mẹ cậu. Mẹ cậu im lặng đứng trước người chết, nức nở khóc rồi ngã xuống, ôm lấy ngực bố cậu.
Vẫn như cũ, không ai để ý tới Giamin. Hình như không ai nhìn thấy hay nghe tiếng cậu, mặc dù mấy lần cậu khẽ gọi bố và mẹ.
Cậu không hiểu cái gì đã xảy ra với người lớn. Một số thì lặng lẽ đi lại trong sân, số khác im lặng đứng bên bố cậu, buồn rầu nhìn mẹ, các anh và chị cậu.
Sau đấy, năm người đàn ông lạ mặt cầm xẻng, thúc ngựa gióng xe đi ra khỏi sân. Còn những người phụ nữ tất cả đều ở lại nhà cậu.
- Tôi… để tôi cùng đi… - mẹ cậu chạy theo chiếc xe.
- Không được, bà chị ạ - một người vấn khăn trên đầu nghiêm khắc nói – Bà chị biết đấy, kinh côran không cho phép phụ nữ đạo Hồi có mặt khi chôn người chết. Bà chị có thể làm mộ người ấy mất linh thiêng…
- Không đâu.. Thánh Alakhơ sẽ tha lỗi cho tôi - mẹ cậu nức nở, cố giãy khỏi những vòng tay của các bà láng giềng đang giữ chặt.
Giamin, với tư cách là nam giới, đã có mặt khi người ta chôn bố cậu xuống đất. Cậu đứng ra xa một chỗ, ngơ ngác nhìn người ta chôn xác bố cậu xuống lỗ huyệt và những gì đang xảy ra xung quanh. Cậu tin chắc đây chỉ là một trò chơi kéo dài và khó hiểu nào đó của người lớn. Các anh cậu khóc, Giamin cũng đi lại, thút thít:
- Em muốn về… Sao người ta lại giấu bố ở đây? Kéo bố lên khỏi hố đi.. Ở đây không tốt đâu. Em muốn về nhà…
Mấy người đàn ông lạ mặt không hề để ý tới Giamin, miệng luôn lẩm bẩm một cách đều đều cảm ơn thánh Alakhơ đã cho gặp chỗ đất mềm nên huyệt đào không đến nỗi vất vả lắm
- Cứ xem thì biết, người chết là một người nhân đức - một người nhỏ nhắn, mặt nhăn nheo, lấy tay bóp vụn một mẩu đất, nói.
Các anh của Giamin không nghe tiếng cậu đang đứng cạnh khóc thút thít và luôn miệng đòi về. Các anh cậu đứng lặng nhìn xuống đất như những pho tượng. Giamin bước lại gần lỗ huyệt, và hết sức ngạc nhiên vì lúc nãy người ta cho bố cậu xuống đó mà bây giờ không thấy bố đâu. Dưới ngách, cậu thấy một vật gì trăng trắng và một người đàn ông đang cẩn thận đóng chặt cái ngách ấy bằng những thanh gỗ đều, phẳng. Khi người này leo lên khỏi huyệt, mọi người cầm xẻng, vội xúc đất lấp lại.
Giamin ngạc nhiên nhìn mọi người và không biết nên làm gì tiếp. Rõ ràng là không ai cần đến cậu, nhưng một người lạ mặt bảo cậu cũng lấy đất ném xuống hố.
- Để làm gì? – Giamin hỏi và liền nói thêm – Không, cháu không ném đâu… Tại sao các bác lại làm thế? Chắc bố cháu đau lắm… - rồi cậu vừa khóc vừa chạy ra đứng một bên. Cậu không thể hiểu nổi tại sao người ta lại xử tệ với bố cậu như thế, tại sao lại lấp đất vào hố để không cho bố cậu dậy nữa. Dưới ấy chắc khó chịu lắm. Thế mà đất cứ đầy dần lên miệng hố. Một thoáng sau, đã nổi lên một ụ đất sét màu đỏ.
Mọi người lặng lẽ rời khỏi nghĩa địa. Về đến cổng nhà, Giamin dừng lại:
- Sao để bố ngoài ấy?
- Đi thôi, nào cháu, đi thôi - một người nào đấy nói rồi lấy tay ẩy nhẹ Giamin về phía trước.
- Không, cháu quay lại với bố cháu đây! - cậu kêu to và chạy ngược trở lại.
Anh cả cậu chạy theo và bế cậu trên tay dỗ:
- Nào, về nhà, mẹ đang chờ. Còn bố, sẽ về sau… Về nhé, Giamin…
- Bố về thế nào được? Người ta lấp bố xuống hố rồi.. Bố chết rồi… Em muốn đến với bố… - Giamin giãy giụa trên tay anh.
Hôm sau Giamin ốm.
Sau này, ít khi cậu nói về bố với những người khác. Cậu giữ gìn những kỉ niệm về người bố như giữ gìn một báu vật, và bao giờ cũng cảm thấy rõ thế nào là cuộc sống của một người con thiếu bố. Và nếu có ai trong số các bạn cậu nói về bố mình là cậu liền lẳng lặng bỏ đi chỗ khác. Cậu không muốn người ta biết cậu vẫn thường thấy bố trong mơ, và bao giờ đến, bố cậu cũng cưỡi ngựa.
Lần nào bố cũng hỏi về cuộc sống của cậu. Cậu trả lời là mọi cái đều tốt, có điều thiếu bố, cậu thấy hết sức bỡ ngỡ… Và không hiểu sao, lần nào mơ đến đây cậu cũng chợt tỉnh dậy. Cậu còn nằm hồi lâu, không dám động đậy, từ từ mở mắt, hi vọng bố cậu sẽ trở lại với cậu. Nhưng bố cậu vẫn cứ ở một nơi nào đấy, mờ mờ ảo ảo, chỉ làm cậu thêm đau đớn. Giamin lại nhắm mắt, nói rất khẽ, rất khẽ:
- Bố ơi, trở lại với con. Con chờ bố lâu lắm rồi… Con rất cần có bố.