Hai tuần đầu khách quen cũng như lạ không ngớt tới nhà Xtêphan. Không phải lần đầu tiên ở đây người ta mới thấy chiến tranh làm tàn phế con người thế nào. Biết bao đoàn tàu cứu thương đã chạy qua Taiset và người Taiset cũng đã được tận mắt nhìn thấy thương binh đủ các loại: bỏng, cụt tay, cụt chân, hỏng mắt... và rất thông cảm với họ. Còn riêng đối với Xtêphan thì ai nhìn cũng thấy lòng đau nhói.
Trong trí nhớ mọi người, Xtêphan là một người khỏe mạnh, lực lưỡng, bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác. Có người từ rừng taiga ra đóng móng ngựa à? - Có Xtêphan! Biết tính Xtêphan như vậy, người ta thường tìm đến tận nhà.
- Này cậu, đóng giúp cái móng ngựa đi. Ngựa mình bị long móng sắt… Khập khà, khập khễnh. Tiền công bao nhiêu không quan trọng…
Xtêphan ngắm nhìn con ngựa, dạo quanh như thể sắp mua nó rồi đặt bàn tay to lớn của mình lên cổ ngựa, vuốt ngược chiếc bờm của nó. Gặp cái lông sâu nào là bác cẩn thận nhổ sạch. Thấy được vuốt ve, con ngựa ngoảnh cổ lại, cái mồm nham nhám cà vào tay bác.
- Được, cần giúp thì giúp - Xtêphan nói, rồi cột ngựa vào cổng, đặt bên cạnh một chiếc bàn con bằng sắt với bộ đồ nghề.
- Thế khung giữ ở đâu, ông bạn? Làm thế nào mà đóng móng được?
- Đây, khung giữ ở đây - Xtêphan chỉ vào bộ đùi to lớn của mình cho người nông dân đang ngạc nhiên xem.
- Con ngựa này không thuần lắm đâu, nó có thể đá đấy.
- Không sao, rồi sẽ đâu vào đấy hết - Xtêphan nheo một mắt mỉm cười, rồi lại gần con ngựa, bình tĩnh nắm lấy đầu gối chân sau của nó. Con ngựa co mình, vẫy tai, chân đạp lia lịa - Nào, đứng yên, đừng sợ - Xtêphan nói, nghe dịu dàng một cách lạ lùng, khiến ít có con ngựa nào không đứng yên.
Lúc này Xtêphan mới nhấc chân ngựa lên, khéo léo bẻ khuỷu gối lại rồi để lên đùi mình. Con ngựa định giẫy ra nhưng cảm thấy chân bị giữ chặt, đành đứng im, đôi mắt đỏ hằn học nhìn quanh.
Xtêphan đo vòng móng. Hơi rộng.
- Thế có chết người ta không chứ! -người nông dân thất vọng.
- Đúng, chân ngựa của bác không lấy gì làm to lắm..
- Không có cái khác à?
- Cái nào cũng như cái nào cả.
- Đồ chết tiệt! Đã thế cho đi móng không cho cùn chân đi!
- Đừng chửi nó! - Xtêphan nói rồi dùng hai tay bóp mạnh chiếc vòng sắt. Mặt bác đỏ bừng, săn lại như đá. Trên vai, dưới làn áo mỏng, thịt cuộn lên như sóng. Vòng sắt kêu răng rắc như kính vỡ, lớp gỉ bọc ngoài bong ra.
Chủ ngựa đứng nhìn hết sức khâm phục, thậm chí còn tỏ vẻ hoảng sợ nữa. Còn Xtêphan thì giơ vòng sắt ra trước mặt, nheo mắt ướm thử.
Suốt thời gian Xtêphan đóng móng người nông dân không nói một lời. Người này ngạc nhiên nhìn Xtêphan dùng ngón tay uốn cong những chiếc đinh thẳng một cách dễ dàng và con ngựa bất kham của ông thì ngoan ngoãn đứng yên.
- Này, cậu ạ, phải nói thật, cậu đúng là một tay thợ khéo! Bóp cong cả cần sắt! Chịu thật! Ba rúp đây, cầm lấy! - người nông dân cảm ơn, nói.
- Sao bác lại làm thế? Nếu mỗi lần đóng móng ngựa mà nhận ba rúp thì tôi không phải làm việc gì nữa. Từ bé tôi vốn yêu ngựa..
- Bác ạ, nếu mà Xtêphan nhà tôi được người ta khen thì anh ta thú nhất rồi! - Grunhia nói. Chị vẫn có thói quen thích xem chồng làm việc.
Thế mà người ấy từ mặt trận trở về, nay đã trở thành một người tàn phế. Lòng thương của bà con láng giềng càng tăng thêm vì người nào cũng có người thân thích ngoài mặt trận và biết là họ cũng có thể trở về tàn phế như vậy.
Giữa tháng Năm tuyết đã tan hết ở các vườn rau, và sáng sáng mặt đất lại bốc hơi như trong nhà tắm. Nhưng trong rừng taiga, ở những chỗ cây bị bão quật gẫy, tuyết hãy còn nhiều. Băng trên sông Biruxa đã tan, chỉ còn đọng lại ở những vũng sâu ven bờ, làm thành những đám trắng lấp lánh lạc điệu giữa nền cây tim tím. Bầy quạ đen như những quả bóng nhỏ, thỉnh thoảng lại vô cớ kêu lên quạ quạ, có lẽ chỉ cốt để người ta khỏi nghĩ sai về mình là quạ gì mà chẳng thấy kêu tiếng nào cả.
Từ ngày Xtêphan trở về, không hiểu sao cụ Cudia già đi trông thấy. Một hôm cụ rủ Giamin và Côlia cùng đi câu đêm vào hôm thứ bảy. Nước đã khá sạch, vác câu đi không đến nỗi phải vác câu về không.
- Ta đi kiếm cho Xtêphan ít con. Trước kia anh chàng vẫn thích đi câu đêm, ngay cả khi băng vừa tan... Chắc ngoài mặt trận anh chàng thèm cá lắm - ông cụ nghĩ thành tiếng.
Các cậu đồng ý ngay. Để tới chỗ câu trước khi trời tối, các cậu xin đốc công cho nghỉ việc trước một giờ. Lúc đầu Piôt Pêtrovich nhất định không cho, nhưng sau thấy nói là đi câu cá cho Xtêphan mới chịu nhượng bộ.
- Sao không bảo thế ngay từ đầu? Tất nhiên là phải giúp đỡ bác ta rồi. Tôi cũng sẵn sàng đi ngay, khốn nỗi tan tầm còn phải làm ít việc.
Đúng lúc Giamin sắp bước chân ra khỏi nhà thì Gôga chạy đến báo tin cho đội trưởng mình biết là ca vừa qua cậu đã hàn được 73 thanh ốp tất cả, và xem thử ba cái thấy múi hàn rất đẹp.
- Thế là bây giờ chúng ta tất cả đều là lao động tiên tiến! Cậu hiểu chứ? Và rồi chúng ta sẽ còn làm tốt hơn nữa!
Đang bị kích động và mải say sưa về kỷ lục của mình, nên tới khi thấy Giamin bỏ dây câu cắm vào túi, Gôga mới biết đội trưởng của mình định đi đâu.
Thím Samsura dặn con:
- Con lấy thêm chiếc áo ấm nữa. Đêm trời hãy còn lạnh, đất lại ẩm.
- Thế còn mình? - Gôga hỏi.
- Thì cùng đi, nhưng phải nhanh lên mới được - Giamin đáp.
Khi mọi người ra tới sông nhánh thì trời đã tối. Họ chọn một chỗ khô ráo trong rừng cạnh sông rồi bắt đầu nhóm lửa. Họ lấy một khúc gỗ tùng cạnh đấy và đốt lửa lên rồi chất thêm cành lá khô lên trên. Lửa cháy hừng hực, tiếng nổ lách tách như ngô rang. Xung quanh bừng sáng hẳn lên, và nước bên bờ sông ửng đỏ. Bóng tối quánh lại như nước, bầu trời sà xuống trên ngọn cây. Đằng sau vòm sáng của đống lửa là bóng tối mênh mông dễ sợ. Móc mồi vào lưỡi câu xong, cụ Cudia cho quăng dây câu cắm xuống nước. Các cậu chặt cành thông chuẩn bị chỗ nằm qua đêm. Cụ Cudia mang lại một cành liễu có nụ còn đầy lông mịn như nhung. Các cậu dùng răng nhá mấy cái rồi nhè ra ngay vì nụ liễu bây giờ không còn ngọt như một tuần trước đấy nữa.
- Chờ củi cháy hết là ta đi ngủ thôi, các cháu ạ. Sáng mai phải dậy sớm - ông cụ vừa nói vừa cời đống lửa.
Không hiểu sao hôm nay cụ Cudia có vẻ ốm yếu khác thường. Làm cái gì cũng uể oải, nói thì lại càng chán hơn - cứ ề à từng tiếng một.
Gạt đống lửa lớn đã tàn sang bốn bên, các cậu trải các cành cây lên mặt đất đã được đốt nóng, lấy cành thông phủ lên trên rồi nằm xuống cạnh nhau. Một chốc sau cả ba đã ngủ thiếp đi.
Bên đống lửa nhỏ, cụ Cudia ngồi một mình và gật đâu theo dòng suy nghĩ. Bóng cụ in xuống đất, lẫn vào lá cây. Cái bóng to, hơi gù, luôn chuyển động. Có thể nghĩ là chỉ cần muốn, con người nom bên ngoài xấu xí kia, bỗng chốc có thể bay lên các vì sao được.
Ông cụ nghĩ gì trong đêm tháng Năm ấy, khi đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn ngọn lửa nhảy múa, lắng nghe tiếng đất trở mình, thì không ai biết cả.
Dòng sông Biruxa nằm im nửa năm nay, bây giờ đang reo lên, tràn qua các tảng đá, vỗ vào bờ rào rạt. Sâu trong rừng, quanh các bụi thông rậm, tuyết chất đống đang tan dần kêu thành tiếng buồn bã. Có tiếng vịt trời kêu lên và tiếp đó là tiếng ngỗng trời đáp lại. Con sóc thấy động ngơ ngác nhìn xuống ngọn lửa rồi lặng lẽ biến mất trong vòm lá. Vài con dẽ giun vỗ cánh muộn màng bay sang đầm nước bên cạnh. Từ một nơi rất xa nào đó có tiếng chó sói tru lên rồi giữa chừng bỗng dừng lại một cách đột ngột. Trong giấc mơ, con cáo bỗng gầm gừ như khóc..
Trong hơi thở ấy của thiên nhiên, ông cụ đã nhìn thấy và hiểu được tính vĩnh cửu của cuộc sống.
Con người này đã sống một cuộc sống thật phong phú, sống một cách trọn vẹn hào phóng. Người ấy không giữ các chức vụ quan trọng, không hề ganh tị với ai, mà ngược lại, như một đứa trẻ, bao giờ cũng vui mừng vì hạnh phúc người khác.
Khi cụ Cudia làm việc ở trại ngựa, hình như cả công nhân đánh xe lẫn cán bộ phụ trách trại không ai để ý đến thân hình gầy gò nhưng linh lợi của cụ. Người trông ngựa già này làm rất nhiều việc khác nhau. Một lúc phải trông ngựa - thỉnh thoảng cho ăn, cho uống, nhặt cất bộ cương của một người nào đó bỏ quên mà không một lời càu nhàu, có lúc nếu hỏng còn chữa cho nữa, hay không quản trời rét và bẩn, giúp những người đánh xe rét cóng và mệt mỏi thắng ngựa vào xe. Còn bây giờ trại trở nên cô quạnh hẳn đi. Những người đánh xe hay cãi nhau hơn vì dầu bôi xe, vì dây cương, hay nhiều khi không vì gì cả. Người ta làm việc một ngày, thường không muốn nhường nhịn ai một điều gì cả. Ai cũng muốn chóng làm xong việc để về nhà. Có khi họ còn ngầm đổi của nhau lúc thì dây vòng cổ ngựa, lúc thì dây cương hay đinh trục xe... Trước kia những việc tương tự cũng có, nhưng cụ Cudia biết hòa giải mọi người, bêu xấu những người có lỗi, và như người ta nói, còn biết không “vạch áo cho người xem lưng”. Người trông ngựa già được mọi người vị nể, thậm chí có người còn sợ nữa. Con người ấy trong sạch như mặt trời.
....Người ta có cần sinh ra, chết đi rồi lại sinh ra không nhỉ? Cụ Cudia tin là cần, rất cần là đằng khác. Sao lại không cần được? Cứ lấy bản thân cụ mà xem. Cụ đã cảm thấy hạnh phúc vì đã sống một cuộc sống như vậy. Giá mà ai cũng sống như thế, bôn ba khắp nơi, đưa chính quyền lại cho nhân dân, từng biết thế nào là hạnh phúc của con người.
Cụ đã sống những phút giây hạnh phúc thật sự. Cụ đã yêu chân thành, yêu đến mức trái tim phải đau đớn. Có thể vì thế mà bây giờ nó mới yếu như vậy chăng? Nếu không, sao nó lại hay giở chứng thế? và lúc đó mọi nỗi đau khổ như đã bị lãng quên... Nếu Marơpha. vợ cụ, một con người bao giờ cũng đôn hậu và hai con của cụ, Ivan và Maria còn sống, thì hạnh phúc của cụ còn lớn hơn chừng nào! Không, cuộc sống được trao cho con người thật quả không vô ích! Không vô ích! Có điều cần phải biết sống mà thôi. Phải sống làm sao để người khác hạnh phúc. Có người cứ vơ, vơ mãi, làm giàu mà chẳng có hạnh phúc. Con người lúc sinh thời phải được hưởng hạnh phúc. Chính quyền Xôviết được thành lập cũng vì thế. Rồi đây vặn cổ bọn Hitle xong, mọi người sẽ đỡ vất vả hơn... Tất nhiên không phải ngay mà được. Cũng như sau khi bị cháy nhà, có phải là ổn định ngay cuộc sống được đâu. Hơn nữa, đây lại là một đám cháy kinh khủng, đến nỗi làm tàn phế cả những người như Xtêphan.
Phải, Xtêphan, một người đàn ông đã làm cho những người đàn ông khác phải nổi ghen, thế mà anh ta đã trở về... Anh ta là người may mắn! Vợ anh ta cũng là người may mắn. Các con anh vui mừng. Thế thì tại sao? Tại vì anh đã trở về với trái tim của con người. Giả thử anh ta có những ba cái chân, nhưng không có trái tim, thì ai cần anh ta chứ? Phải chăng chỉ có bản thân anh ta cần mà thôi. Không, mọi người đang cần con người đó làm những điều tốt lành…
Gôga đã cắt đứt dòng suy nghĩ của người coi ngựa già. Vừa tỉnh dậy và đang co ro vì lạnh, cậu hỏi:
- Cụ Cudia ơi, bây giờ nhấc dây câu cắm được chưa?
- Được rồi cháu ạ, đi đi. Xem không khéo ngã đấy.
Một chốc Gôga kêu lên:
- Cụ Cudia! Ở đây ba dây câu cắm đã nhấc lên rồi. Các dây ấy đang nằm trên bờ.
“Sao lại thế được nhỉ? Hay trong bóng tối nhấc nhầm của ai chăng? Nhưng quanh đây hình như không có ai cả cơ mà” - vừa luồn qua bụi cây ông cụ vừa nghĩ vậy.
Quả đúng vậy: cả ba dây câu cắm bị quăng lên mặt đất, còn ướt.
- Hừ…ừ - trong lúc phân vân, ông cụ kéo dài giọng - Chắc lại có anh nào đến hốt trước rồi.
- Hay Côlia và Giamin đã nhấc trước, - Gôga hỏi.
- Có thể lắm, lẽ nào lão lại ngủ thiếp đi một lúc?
Gỡ các dây câu cắm xong, cụ Cudia và Gôga lại quăng chúng xuống nước. Nhấc bốn dây câu còn lại, họ bắt được một con cá sộp nặng ước chừng một cân rưỡi.
- Đấy, cháu thấy không? Ta đi thế này có phải vô ích đâu- ông cụ nói, lúc này giọng đã vui vẻ trở lại - Bây giờ có cái chiêu đãi Xtêphan rồi. Loại cá này mà nấu ám thì tuyệt...
Bên đống lửa, ông cụ hỏi Giamin và Côlia có ai đã nhấc dây câu cắm không. Hai cậu nhìn nhau rồi lại nhìn Gôga, vẻ không hiểu.
- Hay là câu?
- Không, không tin hỏi cụ Cudia xem.
- Nếu vậy, ngủ tiếp đi, các cháu - ông cụ bỗng nhiên bảo thế - Sáng mai hẵng hay..
Nhưng không cậu nào ngủ tiếp được nữa.
Trời sáng lúc nào không biết: hình như có một bàn tay vô hình nào đó đã nhấc chiếc màn tối khỏi rừng taiga.
- Hãy đi nhặt cành khô và chặt cây khô đi, các cháu. Chứ ban ngày chẳng có lúc nào mà làm đâu - ông cụ đề nghị và treo lên đống lửa đang tắt dần chiếc ấm nấu nước bằng đồng chứa đầy cả phúc bồn tử. - Và nhân tiện các cháu thử nhấc dây câu cắm lần nữa. Để lão thử đi sâu vào trong rừng xem. Có thể hái được ít hoa anh đào cũng nên.
Các cậu ồn ào chạy tới bờ sông. Cụ Cudia dắt rìu vào lưng, tay cầm ít than, thong thả đi theo các cậu.
- Các cậu ơi, nhìn xem ai đã đi ở đây này - có tiếng Côlia từ bờ sông vọng lại. Cậu cẩn thận quan sát những dấu chân hằn trên cát ướt.
- Lúc nãy mình và cụ Cudia đi lối ấy - Gôga đáp lại.
- Đây không phải dấu chân cậu và cụ Cudia. Giày có quấn dây thừng, thấy không? - Côlia ngồi xổm chỉ cho mọi người xem một đường lõm kéo dài như có ai lấy ngón tay dí xuống mà kéo, bây giờ đã có ít nước ngấm vào - Mà chân thì vòng kiềng như chân gấu ấy…
Giamin tiến sâu vào bụi liễu một tí rồi kêu to:
- Đây còn bao nhiêu dấu chân nữa!
Gôga và Côlia chạy lại.
- À, thì ra người nhấc trộm dây câu cắm của ta ở đây đấy! - Gôga đoán như vậy.
- Nào, ta đi tìm hắn!
- Tất nhiên rồi. - Côlia gật đầu, cầm lấy chiếc gậy nặng ướt nước - Hắn mà còn chối thì giã cho hắn một trận.
Nhìn những đám cỏ chưa kịp nhú lên bị giẫm nát cũng biết là thủ phạm vừa mới đi sâu vào rừng xong.
Qua suối nước chảy róc rách, Giamin chui vào một bụi anh đào rậm rồi bỗng kêu lên:
- Kia kìa!
- Đâu?
- Đấy, lưng hắn kia! Giamin quay lại khẽ bảo Gôga - Tớ nói vờ để dọa đấy. Biết đâu hắn ở đấy cũng nên.
- Đợi đấy! - Gôga nói to, và lúc ấy, bỗng có tiếng lá cây sột soạt vào bên phải phía trước.
- Kia kìa! - Giamin kêu to, lần này thì kêu thật, thậm chí có cái vẻ vui mừng của trẻ con nữa.
Trước mắt mấy cậu đang đứng ngạc nhiên, trong bụi rậm cách các cậu bảy, tám bước là một người đàn ông râu ria xồm xoàm, vàng hoe, mặc chiếc áo ngắn rách bươm, cổ đen. Chiếc mũ lông bị cháy sém mấy chỗ kéo trùm tận mắt.
-Gì mà làm ầm lên thế? - người lạ mặt gắt rồi bỗng nghẹn lời. Nhưng rồi hắn lại nói ngay, dằn từng tiếng: - A, à, thì ra là mày, thằng vô đạo. Mày rình tao, đồ chó! - Hắn rút từ ngực ra một khẩu súng trường nòng cưa ngắn.
Giamin còn chưa nhận ra người lạ mặt là ai thì Gôga đã nhảy ra phía trước, giang hai tay kêu to:
- Bố!!!
- Tránh ra, Gôga! - Prônca lên đạn.
- Bố không được bắn! - Gôga nói không thành tiếng.
- Tránh ra, nhóc con! Tránh ra kẻo muộn... Nếu không ta bắn cả hai!...
Prônca đã bước ra khỏi bụi cây. Hắn nghĩ: “Cứ để chúng đi…” nhưng lập tức một ý nghĩ khác nguy hiểm hơn đã đến với hắn: “Thằng vô đạo này mà thoát thì hắn sẽ khai báo, và sáng mai bọn chúng sẽ đến vây bắt như bắt chó sói. Không, phải cho hắn chầu trời! Gôga sẽ giữ kín cho mình…”
- Tránh ra, tao bảo! - Prônca lại thét lên, chĩa nòng súng về phía trước.
Lúc ấy Côlia chạy lại, mặt nhợt nhạt nhưng đầy lòng cương quyết lao vào Prônca.
- Cả mày nữa, con rắn con..
- Cụ Cudia!- vừa kịp định thần, Giamin kêu lên.
Thấy Côlia lại, cậu biết là Prônca không thể bắn tất cả một lúc được, và các cậu có thể thắng hắn.
- Lần cuối cùng tao bảo mày: Gôga, tránh ra! - hắn khó nhọc nói như có gì vướng mắc trong cổ họng.
- Lão đang lại đây, các cháu ơi, đang lại đây… - Có tiếng sột soạt của cành khô sau lưng Prônca - Các cháu ở đâu… Ê, mày làm gì đấy? - Thấy Prônca chĩa súng về phía các cậu, ông cụ ngạc nhiên nhưng hỏi với giọng hết sức bình tĩnh.
- Cụ Cudia, tránh ra! - Gôga kêu to và lúc này, Prônca quay người, hầu như không ngắm, đã bóp cò…
- Các cậu xông vào Prônca như đàn laica săn mồi, thi nhau đấm và vật hắn xuống đất. Cây xung quanh gẫy răng rắc. Các cậu thở hổn hển. Khi thấy mình sắp thua bọn trẻ. Prônca văng tục, dọa dẫm. Hắn định đẩy Côlia ra nhưng cậu ta cứ bám chặt sau lưng như con linh miêu bám mồi. Sực nhớ tới con dao, Prônca đưa tay định lấy, Gôga trông thấy, kêu to:
- Dao đấy!
Giamin định giữ tay Prônca nhưng không đủ sức. Cậu co người, cắn vào tay hắn. Prônca kêu thé lên. Hắn khéo léo hất Côlia xuống và quỳ gối. Gôga kéo mạnh khẩu súng về phía mình đến đau cả bả vai. Cậu tránh không nhìn mặt bố. Giamin thấy miệng mình đầy máu, máu của ai thì cậu không biết, chỉ thấy tay Prônca đã cứng đờ.
Cuối cùng Côlia vớ được chiếc gậy có mấu, phang cho hắn một cái vào cổ, làm hắn ngã ngửa. Prônca rên hừ hừ, mắt trợn ngược, toàn thân hắn mềm nhũn. Các cậu trói chặt cả tay lẫn chân hắn.
Gôga khóc nức nở.
Chưa kịp bình tĩnh trở lại, Giamin và Côlia chạy tới chỗ cụ Cudia. Ông cụ đang ngồi co trên mặt đất, nhăn nhó, tay ôm bụng. Trông cụ như bỗng nhỏ hẳn lại.
- Có lẽ hắn bị thương nặng lắm - cụ Cudia yếu ớt nói - Để Gôga chạy về làng gọi mọi người… Các cháu còn lại hãy canh gác nó cẩn thận... Để hắn không thể gây thêm những tai họa khác nữa. Còn Xtêphan thì đã có món cá ám..
....Vào một ngày nắng ấm, cả làng Taiset đã đi đưa đám cụ Cudia. Không hiểu ông cụ có biết mình có nhiều bạn thế không? Có lẽ là biết, nếu không cụ đã chẳng yêu đời đến thế!
Khi mọi người đã ra về, các cậu trồng một cây bạch dương trắng toát, một cây thông xanh rờn và một cây tùng màu đỏ sẫm bên mộ cụ. Cạnh nghĩa địa, bác Xtêphan đang ngồi chờ các cậu trên xe ngựa..
Con ngựa kéo chiếc xe kẽo kẹt lăn trên mặt đường gồ ghề đã bắt đầu bốc bụi.
HẾT PHẦN MỘT