Năm nay, năm học ở trường bắt đầu từ giữa tháng Mười, khi mặt đất đã hoàn toàn đóng băng. Mùa thu, học sinh các lớp trên làm việc ở nông trang tập thể một tháng rưỡi, dùng xe chở lúa từ đồng về nhà, đập lúa, thu hoạch bắp cải, đào khoai tây…
Bây giờ mọi người ngày càng ít phàn nàn về khẩu phần ăn ít đi của mình, về việc thiếu xà phòng, muối, diêm…
Người ta đã quen dần với khó khăn, thiếu thốn và mất mát. Ai cũng hiểu, cũng cảm thấy thực sự là muốn thắng kẻ thù nham hiểm, không thể không hi sinh, mất mát được. Nhưng chính trong những khó khăn ấy, người ta đã trở nên vững vàng hơn, cứng rắn hơn, và sống bằng hi vọng, niềm tin vào thắng lợi đang đến.
Khi các đoàn tàu chở đầy khí tài của bọn Đức bị phá huỷ từ phía Tây về thì cả những người ở các đường xa nhất của Taisét cũng chạy tới xem. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, công nhân các xưởng sửa chữa đầu máy và toa xe, nhân viên bẻ ghi và các nhân viên bàn giấy cũng kéo đến…
Mọi người xem chiếc xe tăng Đức bị phá hỏng như xem một vật sống:
- Thế nào ông bạn, người ta nện cho ông bạn ở đâu thế?
- Ở đâu, ở đâu! Ở trên đất của ta chứ ở đâu! Không thấy răng xích còn dính đất đen đấy à?
- Chắc ông bạn không lấy làm hài lòng lắm khi bị người ta lật tung tháp tăng ra một bên thế này nhỉ? Đáng lẽ không nên dẫn xác vào nơi người ta không mời đến thì hơn. Đáng đời lắm. Không hiểu mày đã giết bao nhiêu người rồi trước khi người ta kịp hỏi tội mày thế này?
Mấy người công nhân cơ khí chui vào trong xe, lấy ta gõ gõ vào thành xe, lắng tai nghe, vừa ngắm nghía các lỗ thủng, vừa trò chuyện với nhau.
- Không hiểu dao cắt thép có cắt được nó không?
- Sao lại không? Thì nó cũng từ thép mà ra thôi. Cứ cho vào lửa một tí là cắt được tuốt. Thép nó kể cũng không đến nỗi tồi lắm…
- Không hiểu loại đạn gì mà lại bắn thủng được bụng nó thế này?
Một hôm các cậu bé tìm được trong xe tăng những mảnh mũ vỡ bị cháy xém và mấy mẩu vải của một chiếc áo sơ mi màu xám. Chúng được chuyền xem từ tay người này sang tay người khác như bằng chứng của một sự báo thù.
Sau đó một đoàn đại biểu mang quà và các đồ ấm như giầy, quần áo, mũ của tỉnh Ircrútxcơ ra mặt trận đã chở về. Mấy ngày liền ở câu lạc bộ, các đại biểu đã kể về cuộc tấn công của quân ta, về các cuộc gặp gỡ giữa họ và các chiến sĩ. Họ cho mọi người xem những huân chương của bọn Đức - những hình chữ thập bằng nhựa và huy chương bằng nhôm.
- Hítle bây giờ cay cú lắm. Bị nếm đòn đau, hắn đã bắt đầu vung tay phát những loại huy chương.
Một tối, khi mọi người đang nín thở lắng nghe các đại biểu kể chuyện thì phía đường sắt bỗng có tiếng ầm ì, sèn sẹt rồi một chốc sau, một tiếng nổ lớn vọng lại, làm rung kính các cửa sổ. Còi tàu được kéo lên inh ỏi.
- Tai nạn rồi! – trong phòng có ai đó kêu to, và mọi người chen nhau ùa ra cửa, chạy ra đường. Đã có nhiều nhân viên nhà ga chạy về hướng xưởng cơ khí.
- Tàu quân sự chở hàng! - họ kêu to
Lúc này đội của Giamin đang thu dọn các thanh ốp bị hỏng. Bên kia bờ rào, cách khoảng 100 mét đã là đường sắt. Các cậu thấy một đoàn tàu chở hàng chạy về phía tây, kéo từng hồi còi dài, vẻ lo lắng. Một chốc sau, có tiếng tàu hãm sèn sẹt, tiếng ầm ầm, tiếng kim khí va vào nhau và cuối cùng là tiếng nổ.
Các cậu bỏ việc, chạy bổ ra cổng. Những gì các cậu thấy, có thể làm ngạc nhiên cả những người từng trải nhất: gần hai chục toa hàng năm lăn bên mép đường. Các toa còn ở trên mặt đường thì chồng chất lên nhau, tạo thành những đống hình chóp quái dị. Các cậu nghe tiếng những thanh kim khí trên toa va vào nhau gãy, kêu ken két và thấy bộ khung các toa bị ép co rúm lại một cách dễ dàng.
Chiếc đầu máy “FEĐ” bị dựng đứng, toà than lăn xuống vệ đường nồi hơi nổ tung, phía trong còn phì phì phụt ra. Bánh xe vẫn còn quay nhanh như muốn bấu víu vào một cái gì đấy. Trước đầu máy là một toa bị ép co rúm như hộp hơi đàn phong cầm. Toa này cũng bị thủng mấy chỗ và than sạch, loại tốt, từ phía trong ào ào tuôn ra. Phía sau nó là một thùng chứa chất lỏng loại 60 tấn bị uốn cong, hai bên phồng lên. Khi mọi người đứng tụ xung quanh khá đông, chiếc thùng bỗng nứt ở giữa và từ đó phun ra một dòng chất lỏng màu vàng, sủi bọt. Có người kêu to:
- A-xít đấy! – và tất cả chạy dạt ra.
Đúng lúc này các cậu thấy người phụ trách toa tàu đang bị vùi dưới tuyết. Anh ta đã chết, đôi mắt bình thản nhìn lên trời.
- Ở đây có người! – các cậu kêu to, sợ không dám lại gần xác chết.
Một người nào đó trong đám người lớn, nói:
- Các đồng chí ơi, phải cứu người bị nạn. Sao lại đứng nhìn thế? Hãy đi tìm đi, cứ đi dọc theo đoàn tàu! – bây giờ thì anh ta ra lệnh thực sự. Thấy Giamin và các bạn vẫn lúng túng đứng quanh người phụ trách tàu đã chết, anh ta gọi lại gần, bảo: - Các cậu hãy nhanh chóng kiểm tra các toa bị bắn ra xa xem có ai cần cứu không, - Và dặn thêm – Có điều phải cẩn thận đấy nhé!
Các cậu khập khễnh đi dọc theo đoàn tàu méo mó, nằm lăn bên đường, leo lên thành toa xem xét bên trong. Không ở đâu thấy người nữa. Nhưng bỗng từ chiếc đầu máy bị lật đứng, các cậu nghe như có tiếng ai đang rên.
- Các cậu có nghe gì không? – Gôga hỏi
- Có…
- Hay có thể là người lái tàu?
- Không phải người lái tàu đâu. Người ta đã tìm thấy anh ta cách đây 30 mét. Toàn thân bị bỏng – Côlia đáp
- Hay thợ đốt than hoặc phụ máy? – Gôga lại hỏi - Người ta chưa tìm thấy họ
- Dễ họ chết đuối trong nồi hơi chắc? - thằng Rỗ khinh khỉnh cười và chỉ về chiếc nồi hơi bị lật ngược vẫn còn bốc khói. Rồi hắn hít hít mũi như chó – Các cậu xem ở đây nhé, để mình đi lại đằng này, - Lênca chỉ tay vào khoảng không rồi vội đi về hướng chiếc thùng chứa.
Lúc này tiếng rên nghe đã rõ, như từ dưới mặt đất lên.
- Các cậu ơi, hay anh ta bị than vùi lấp nhỉ? – Côlia hỏi
- Đúng đấy, tiếng rên nghe từ chiếc toa trước đầu máy – Giamin đồng ý với bạn – Ta thử tìm trong toa ấy xem sao.
Các cậu bắt đầu đi quanh toa xe. Bỗng Gôga nhìn thấy dưới một đống than có cái gì đang động đậy.
- Đây rồi! - cậu hoảng sợ nói
Mọi người lắng nghe. Đúng thế, tiếng rên vọng lại từ phía ấy. Các cậu chạy xô lại đống than rồi lấy tay vội vàng moi than ra.
- Mũ đấy, - Gôga thì thào, quan sát vật vừa đào được lên.
- Thế thì đầu anh ta cũng phải gần đây thôi, - Côlia khẽ nói
- Đừng nói đùa. Đào nhanh lên – Giamin nói và ngay lúc đó, cũng sợ sệt như Gôga, kéo dài giọng.
- Ta-ay…
Côlia và Gôga đứng lặng người, nhìn Giamin, chờ đợi. Trong đống than, các cậu thấy những ngón tay dính đầy dầu ma dút khẽ động đậy như muốn bám vào than.
- Nhanh lên các cậu ơi, nhanh lên! – Giamin kêu lên, vẫn còn thấy sợ vì ấn tượng những ngón tay đen gây nên – Chà, giá có xẻng nhỉ! Lênca đâu rồi?
Không có ai trả lời cậu.
Cuối cùng các cậu đã moi được người bị nạn lên. Anh ta nằm sấp, hổn hển thở, chiếc áo ấm dính đầy mỡ, hai ống quần bông bỏ trong ủng. Vất vả lắm mới lật được anh ta nằm ngửa mặt lên trời. Anh ta định nhổm dậy, hắt hơi mạnh.
- Anh nằm yên, nằm yên. Chúng em sẽ làm ngay, - Giamin dỗ dành anh ta như với một đứa trẻ - Côlia, chạy đi gọi mọi người lại.
Lúc này các nhân viên chữa cháy đã đánh xe ngựa tới. Công an cũng xuất hiện. Những con ngựa mồ hôi ướt đẫm giận dữ nhìn đám người và muốn kéo những chiếc thùng nặng đầy nước chạy xa hơn. Các nhân viên cứu hoả, người mặc áo khoác vải bạt rộng thùng thình được thắt chặt bằng nhiều thắt lưng to bản có dây xích đang làm việc tích cực và trật tự. Đã lâu ở Taisét không có cháy nên bây giờ họ làm việc hăng lắm. Vòi rồng được nhanh chóng dỡ ra, gắn vào máy bơm rồi cắm vào thùng đựng nước.
- Nào, các đồng chí tránh ra, tránh ra! Đừng cản trở người khác làm việc! Giúp chúng tôi bơm nước có tốt hơn không? - một người rậm râu vừa kêu to, vừa luôn luôn sửa chiếc mũ sáng loáng trên đầu.
- Yêu cầu mọi người tránh ra xa hơn nữa! - một đồng chí công an khẽ đẩy mọi người về một phía, nói - Ở đây nguy hiểm. Bất cứ lúc nào một tàn lửa nhỏ cũng có thể làm nổ tung tất cả... Nào, đứng tránh ra…
Một số bộ đội cũng đã đến. Họ vừa khẽ nói chuyện với nhau, vừa thận trọng xem xét đầu máy và các toa.
- Các cậu làm gì ở đây? - một đồng chí đại uý dong dỏng cao thấy các cậu nghiêm khắc hỏi – Ai đấy? – và chỉ vào người bị nạn đang nằm.
- Có lẽ người trên đầu máy. Chúng em vừa đào anh ta lên, - Côlia trả lời.
- Có trời mà biết được thế này là thế nào! - đồng chí sĩ quan quay lại những người cùng đi, giận dữ nói – Tàu quân sự chở hàng mà lại nhận vào đường đang bận, vì sao?
Thật chẳng ai hiểu. Các cậu ấy vừa đào được một người.
Sợ những người tò mò chú ý, anh ta nói nhỏ, giọng bình tĩnh hơn:
- Cám ơn các em. Bây giờ về nhà đi. Ở đây tự các anh cũng giải quyết được việc. Cần phải gửi ngay người bị nạn vào bệnh viện.
Thằng Rỗ bỗng xuất hiện, mỗi tay xách một chiếc xô dúm dó mà công nhân ở xưởng rèn vẫn hay dùng để múc nước bẩn.
- Trong khi các cậu hí hoáy đào bới anh này lên thì xem mình đã kiếm được gì này! - hắn phấn khởi nói, vẻ sung sướng lộ ra mặt, nhưng thấy có người lạ vội im bặt, định chuồn.
- Lại đây, - đồng chí đại uý vẫy ngón tay ra hiệu bảo hắn lại gần - Lại đây cho xem đã “kiếm” được gì nào!
Lênca rụt rè lại gần người sĩ quan và miễn cưỡng chỉ vào những cái hắn mang đến. Trong một xô là dầu thực vật, còn trong xô kia là một thứ bột màu vàng.
- Cái gì thế này? - người sĩ quan nghiêm khắc hỏi
- Dầu..
- Còn đây?
- Bột trứng…
- Lấy ở đâu?
- Trong các hòm đằng kia… Nhiều lắm…
- Cái gì? - đồng chí đại uý đỏ bừng mặt - Cậu có biết là đang cầm cái gì trong tay không?
- Bột trứng… - thằng Rỗ nhắc lại, càng lúng túng hơn trước.
- Thứ bột trứng này có thể cho cậu về chầu diêm vương đấy! Đây là thuốc nổ! Đồ ngốc!
Thằng Rỗ tái mặt:
- Em còn giấu hai hòm nữa ở đằng kia… Em… tưởng… là bột trứng - hắn lắp bắt nói, lúng túng không biết đặt chiếc thùng đựng thuốc nổ ở đâu.
- Xamôkhin, đi theo cậu này và lấy ngay “bột trứng” của cậu ta đi - đồng chí đại uý nghiêm khắc bảo người trung uý đi cạnh – Và xem xem còn ai giấu bột này nữa không. Chứ cứ để họ nấu “bột trứng” này lên thì có ngày… Nhân tiện, làm thế nào đừng để những người như cậu này lấy hết dầu.
- Nào đi, và chỉ cho biết cậu đã kịp dấu “bột trứng” của mình ở đâu, - đồng chí trung uý nói rồi theo thằng Rỗ đi về phía xưởng cơ khí.
Cái tin đoàn tàu gặp tai nạn và có dầu đổ làm xao động dân Taisét. Người ta mang thùng, mang chậu, mang bì đi lấy “bột trứng”. Có tiếng đồn là bộ đội không muốn mọi người lấy hết “bột trứng” nên đã nói đó là thuốc nổ. Nhưng rồi, thấy xung quanh đoàn tàu đổ có nhiều công an đứng gác, dù sao họ cũng không thể không lo ngại.
Thứ bột vàng thì người ta tránh, nhưng tuyết thấm mỡ thì được xúc từng xẻng cho vào thùng, vào chậu. Về nhà, cái thứ hỗn hợp ấy được đem đốt nóng, dầu nổi lên trên, còn xỉ, than và đá thì lắng xuống. Chờ lắng xong, dầu được múc từng thìa cẩn thận đổ sang một cái lọ khác. Cứ làm thế ít lần là có được một thứ dầu có thể đem dùng, mặc dù kể ra vẫn còn ít mùi dầu tây và xỉ than. Nhưng bây giờ có ai thèm chú ý tới cái điều vụn vặt ấy.