Bác sĩ tạm thời cấm Giamin học tiếp: cậu bị chấn động não
Mấy ngày qua, hiệu trưởng Ruvim Ixacôvích đến thăm cậu
- Chào em, Giamin - đứng ở ngưỡng cửa, ông lau mắt kính rồi mỉm cười đặt kính lên mũi - Thầy lại thăm xem có giúp em được gì không. Sức khoẻ thế nào?
Có tiếng khe khẽ của mẹ Giamin từ hầm nhà vọng lên:
- Giamin, hình như có ai đến thì phải…
- Vâng, thầy hiệu trưởng… - Giamin hoảng sợ đáp
- Thầy hiệu trưởng? Sao con không gọi mẹ một tiếng? Thế mà mẹ cứ ngồi nhặt khoai tây dưới này, không hay biết gì.
Một chốc sau đã thấy thím Samsura từ dưới bếp đi lên
- Chào thầy… Cảm ơn thầy đã đến thăm cháu. Để tôi đi đặt ấm nước…
- Ấy không, không cần đâu bác ạ. Tôi tới nói chuyện một tí rồi lại phải đi ngay thôi mà, - Ruvim Ixacôvích ngồi xuống chiếc ghế cạnh người ốm
Giamin cảm thấy lúng túng, cậu không bao giờ nghĩ là ông hiệu trưởng có thể tới thăm cậu.
Còn bối rối chưa đáp lại đầy đủ lời chào của thầy giáo. Giamin đã vội nói một mạch:
- Vâng, xin mời thầy ngồi… Không hiểu em có được thi lại một lúc cùng các bạn không? Em sẽ không tới trường nhưng em sẽ học ở nhà. Các bạn sẽ đưa bài học và bài kiểm tra cho em…
Sau khi ông hiệu trưởng tới xưởng cơ khí gặp đốc công Xamôrucốp và yêu cầu bác ta nói với các công nhân trẻ về việc tiếp tục học, nhiều cậu đã viết đơn, nhưng không phải ai cũng theo học đến cùng; một số học được một tuần đã thôi, số khác bỏ khá nhiều giờ, còn Giamin, tuy có lúc vắng mặt nhưng bài tập về nhà bao giờ cũng cố làm đủ.
- Biết làm thế nào được, năm nay có lẽ phải chịu thôi, đành phải chờ vậy – ông hiệu trưởng nói.
- Không, thưa thầy, không ạ! Phải mất một năm thì tiếc lắm! – Giamin nói to.
Ruvim Ixacôvích đứng dậy, chậm rãi đi đi lại lại trong phòng. Thím Samsura ngồi ở góc cố không quấy rầy hai người đang nghiêm túc nói chuyện với nhau.
- Giamin ạ, em biết đấy, sức khoẻ không phải là chuyện thứ yếu. Em cần suy nghĩ cẩn thận, và hỏi ý kiến bác sĩ lần nữa. Nên chờ thu tới, khoẻ hẳn thì lúc đó mọi việc sẽ tốt đẹp.
- Thưa thầy không, chỉ cần thầy cho phép, các bạn sẽ giúp em… - Giamin khẩn khoản nhìn ông hiệu trưởng.
Ở Taisét, hiệu trưởng là người mới đến. Ông sơ tán từ Kiép tới. Trong lúc đi đường, một lần gặp máy bay địch oanh tạc, cả nhà ông đã chết, còn ông bị thương, tới Taisét và ở hẳn lại đấy, thay thầy hiệu trưởng cũ Caxépxki, một người còn trẻ và rất cương nghị.
Ruvim Ixacôvích có đôi vai hẹp, vẻ mặt ốm yếu. Đôi mắt màu ô-liu hơi lồi của ông đượm buồn. Cặp môi dày hoàn toàn không thích hợp với khuôn mặt nhỏ, hầu như trẻ con của ông.
- Người giúp em phải là người rất nghiêm chỉnh, - ông hiệu trưởng liếc nhìn Giamin qua cặp kính dày.
- Tamara Crưgianôva hứa sẽ giúp đỡ em, - Giamin buột miệng nói và lấy làm xấu hổ.
- Ừ, kể ra cũng biết chọn người đấy. Cô bé là một người nghiêm chỉnh, giỏi toán, và cái quan trọng nhất là biết độc lập suy nghĩ. Thế cô ta đã đồng ý chưa?
- Có lẽ… Chắc chắn là thế…
- Nếu vậy, theo tôi, em có thể dự thi với tư cách là thí sinh tự do được, - đôi mắt ông hiệu trưởng ánh lên - Tất nhiên, chúng tôi còn phải hỏi thêm ý kiến bác sĩ. Còn em thì phải chăm chỉ và kiên trì đấy. Tôi phải nói trước với em điều đó, mặc dù các thầy giáo đều nhận xét tốt về em. Em nên nhớ rằng sau lớp chín, chỉ còn một năm nữa là thi tốt nghiệp… À, mà sao tôi nói nhiều với em như thế làm gì nhỉ? – đôi mắt ông ta lại ánh lên qua cặp kính – Tôi nghe nói là chính em cũng chịu trách nhiệm về tính mạng người khác và em là đội trưởng ưu tú phải không?
- Bây giờ đội trưởng là Côlia Xôcôlốp. Họ sẽ bố trí em đi đâu, em chưa biết… Có điều em sẽ đi học….
- Được, chúng ta đồng ý với nhau như thế. Chắc bây giờ thế nào người ta cũng giao cho em một việc nào đó nhẹ nhàng hơn. – Ông hiệu trưởng tạm biệt Giamin và thím Samsura rồi bước ra cửa, nét mặt lại đượm buồn như cũ.
Hôm sau Giamin tới trường gặp Tamara. Cậu có thể tới thẳng nhà nhưng ngại gặp mẹ cô ấy. Bà là một phụ nữ người thấp, chắc, linh hoạt, và không hiểu sao lần nào gặp Giamin cũng có vẻ không niềm nở lắm. Hơn nữa, cậu cũng xấu hổ vì sợ người cậu bốc mùi dầu mỡ và than cháy. Và hơn nữa, cậu có cảm giác là thế nào mẹ Tamara cũng đoán biết được tình cảm của cậu, sẽ nổi giận và hoàn toàn cấm không cho con gái mình gặp cậu nữa. Đó mới là điều đáng sợ nhất.
Đứng chờ chuông báo giờ chơi cạnh phòng gửi áo ngoài. Giamin lên tầng hai, nơi học sinh các lớp trên học. Hai năm qua, cậu lớn hẳn lên. Bây giờ cậu lấy làm lạ khi thấy các học sinh nam đồng tuổi với cậu, mà sao không chín chắn, hời hợt, chạy đi chạy lại, xô đẩy nhau nói cười ầm ĩ, còn các cô bé thì chẳng hiểu vì sao lại kêu lên the thé. Ở chỗ cậu làm việc mà thế thì thế nào cũng bị người lớn khiển trách hay bị bạt tai nữa là khác.
Giamin hết sức ngạc nhiên khi thấy Tamara đi ngang cùng với một cậu lạ mặt điển trai nào đó mà không nhìn thấy cậu. Cậu này đang say sưa kể cho Tamara nghe một chuyện gì đấy, đầu hơi nghiêng về phía cô bé. Giamin chú ý thấy chốc chốc cậu ta lại sờ lên mái tóc xoăn của mình như muốn biết tóc có còn ở trên đầu hay không. Rồi như một chiếc máy, Giamin cũng vô tình sờ lên mái đầu bù xù như lông nhím của mình, và lần đầu tiên cậu lấy làm tiếc là đầu của cậu húi ngắn. Cậu không bao giờ nghĩ rằng mái tóc có thể tôn vẻ đẹp của một người đến như vậy…
Tamara chăm chú nghe và cũng vừa mỉm cười vừa nói chuyện với cậu ta, rồi cậu này cầm tay cô, kể một chuyện gì đó chắc vui lắm vì Tamara đã phá lên cười. Giamin không còn thấy các cậu con trai đang chạy đi chạy lại, không còn nghe người khác chào mình, hỏi mình những gì. Trước mắt cậu bây giờ chỉ có Tamara đang mỉm cười và cái cậu công tử bột đỏm dáng mới tới Taisét kia, rõ ràng là hắn cảm thấy nhiều người đang chú ý tới mình, và vì thế tỏ ra rất kênh kiệu. Giamin muốn đến kéo Tamara khỏi cái cậu lạ mặt bụ sữa, đang đi đôi giày da bốc-can bóng lộn lên một cách khiêu khích kia. Giamin cảm thấy đôi chân mình như mọc rễ xuống đất, đôi chân đựơc bọc trong đôi giày chắp vá bằng những mảnh ủng da cũ có đế làm bằng lốp ô tô không hề biết mòn là gì. Cậu bực bội hết sức, và hình như quên cả việc đến đây làm gì nữa. Lần đầu tiên trong đời, Giamin cảm thấy ghen tị với những người mặc đẹp và sạch sẽ hơn mình.
Bỗng Tamara nhìn thấy Giamin. Cô đỏ mặt gỡ tay cậu kia, đi lại gần Giamin:
- Có chuyện gì xảy ra thế? Công việc thế nào? Sẽ học chứ? Khoẻ không? – cô bé dồn dập hỏi và giới thiệu cậu kia đang đi lại gần với Giamin – Các cậu làm quen với nhau đi. Đây là Daixép Valêra cũng là người Mátxcơva. Bố cậu ấy được cử xuống đây công tác…
Giamin ngắm Valêra, vất vả lắm mới tự kiềm chế nổi để không nói một câu gì đó thật đau, thật cay độc…
- Kìa, làm quen với nhau đi! – Tamara lại nhắc.
- Valêra, - cậu ta tự giới thiệu, chìa bàn tay trắng cho Giamin, chiếc đầu đẹp hơi ngả về phía sau.
- Giamin, - Giamin nói qua kẽ răng rồi chìa bàn tay ngả màu nâu vì khói và gỉ sắt, với những ngón tay ngắn.
Tiếng chuông réo cắt đứt câu chuyện của họ.
- Valêra vào trước đi, - Tamara nói rất âu yếm, Giamin cảm thấy như thế - mình cần phải nói chuyện với Giamin một lúc và sẽ vào ngay bây giờ - không hiểu sao mặt cô bé bỗng từ từ ửng đỏ.
Cậu kia đưa mắt nhìn Giamin từ đầu đến chân, khẽ uốn cong đôi môi mọng nước rồi bỏ đi vào lớp, tiếng đế giầy kêu rất rõ. Giamin không biết nên bắt đầu thế nào. Bỗng Giamin nói một mạch, nói rất nhanh:
- Tamara biết không, lúc đầu mình tưởng cậu ta đẹp trai. Sau trông kĩ ra thì chẳng thấy gì đặc biệt cả. Con trai ở đây khối đứa còn hơn thế. Kể ra cậu ta ăn mặc cũng khá diện và mái tóc…
- Cậu nói về ai thế? – Tamara ngắt lời
- Không đoán ra à? Về ông bạn người Mátxcơva của Tamara đấy. Người cầm tay Tamara dắt đi và kể một chuyện gì đấy vui vui ấy mà…
- Thì đã sao? Can gì đến cậu? – Tamara quay phắt người bỏ chạy vào lớp.
Trong giờ học, Tamara nhận được một mảnh giấy của Valêra: “Cái cậu quê kệch vừa đến kia là ai? Tên gì mà kì thế? Tay mình mãi bây giờ vẫn còn bốc mùi dầu hoả! D.V”
Tamara đọc xong, không thể tin được đấy là Valêra viết, một người bao giờ cũng được thầy giáo nêu gương cho người khác học tập: nào cậu ta lịch sự, quần áo lúc nào cũng gọn gàng, còn mái tóc thì đựơc chải chuốt cẩn thận, và không bao giờ đi học muộn…”
Không hiểu sao các thầy giáo cứ làm ra vẻ không biết là hàng ngày Valêra được người khác chở đến trường bằng chiếc xe có ngựa khoẻ và nhanh kéo.
“Hừ, đồ bám váy con gái! Lại dám nói: mãi bây giờ tay còn bốc mùi dầu hoả! Nếu Giamin là đồ quê kệch thì mày là một con thỏ ”. Tamara giận dữ nhìn về phía Valêra rồi đưa mảnh giấy cho Nhura.
- Hắn nói về ai đấy?
- Về Giamin…
- Giamin à? Cậu ta đến đây?
- Ừ, lúc ra chơi…
- Valêra có biết gì về cậu ấy đâu mà nói thế? Còn cậu trả lời thế nào? – Nhura không nhận thấy mình đã to tiếng từ lúc nào. Cô giáo quở trách hai cô bé. Họ im lặng trở lại. Nhưng một chốc sau, Nhura không nén nổi và lại thì thầm: - Mình nói cậu biết là Valêra của cậu không đáng xách dép cho Giamin đâu.
- Sao cậu bảo Valêra là của mình?
Cô giáo lại quở trách hai người lần nữa:
- Nhura, chú ý nghe giảng, kẻo chốc nữa lại bảo là không hiểu gì.
Nhura ngoan ngoãn gật đầu, nhưng ngay lúc ấy cô mở nắp bàn viết lên và nói thầm:
- Sao cậu có thể đi cùng với một thằng kênh kiệu như hắn trong giờ ra chơi được nhỉ?
- Thì chính cậu chẳng xuýt xoa khen cậu ta còn gì? “Chà, cậu ấy mới lịch sự làm sao, đẹp trai làm sao, mới trông cũng biết là người Mátxcơva”, - Tamara cãi lại
- Mình… mình nghĩ như vậy
Thì thầm với nhau một lúc, đôi bạn đã thảo được câu trả lời như sau: “V.D. Không ngờ cậu là một người xấu, độc ác như thế. Từ nay không được đến gần bọn mình. Còn lâu cậu mới bằng bọn con trai ở đây. Tay cậu không bốc mùi dầu hoả thật, nhưng toàn người cậu lại sặc mùi kênh kiệu, tự mãn. Một cậu công tử bột rất hợm hĩnh, không hơn không kém!” Nhura còn muốn viết thêm một câu gì đấy, nhưng Tamara ngăn lại:
- Thôi, thế cũng quá lắm rồi…
Một tuần sau, Nhura và Tamara đi quanh quẩn cạnh nhà Giamin chờ cậu đi làm về.
Trời tối dần, tuyết ngả màu xanh nhạt. Sao bắt đầu nhấp nháy trên bầu trời. Trăng đầu tháng treo lơ lửng như chiếc khuyên vàng. Lạnh như cắn vào da thịt mà mãi vẫn không thấy Giamin đâu.
- Chắc cậu ta đã về nhà rồi, - Tamara phá tan sự im lặng – Mà mình thì cứ đứng chờ thế này…
- Chẳng nhẽ về rồi mà mình không nhìn thấy?
Hai người lại im lặng:
- Mình nhớ Mátxcơva quá! – Tamara nói
- Cậu sướng thật đấy, được sống ở Mátxcơva – Nhura thở dài - Ở đấy nhà to xây bằng gạch, và xe điện, tàu điện ngầm… Còn mình thì chẳng biết gì ngoài Taisét này. Suốt đời chưa vào rạp hát… Cậu là người hạnh phúc…
- Ở Taisét cũng thích. Bênh cạnh là rừng, mùa hè rất nhiều hoa. Người ở đây tốt, các bạn chân thành…
- Thật thế à? Cậu cũng thích ở đây?
- Thích lắm, Nhura ạ. Về Mátxcơva mình sẽ rất nhớ đây. Chà, sau chiến tranh nếu cậu và các bạn trai của chúng mình tới Mátxcơva chơi thì hay quá. Mình sẽ dẫn các bạn đi xem hết mọi nơi trong thành phố: công viên, rạp hát, viện bảo tàng…
Mải nói chuyện, hai cô không nhận thấy Giamin đang lại gần. Cậu này muốn lánh mặt nhưng Nhura kịp ngăn lại:
- Xem kìa, người ta đứng chờ dễ đến một tiếng đồng hồ rồi mà cậu ta lại định… Có ai xử sự như thế bao giờ không? Sao lặng thinh thế? Hay không nhận ra bọn mình?
- Không nhận ra…
- Sao cậu không tới trường? – Nhura hỏi và khoác tay Giamin.
- Thế này là thế nào? – Giamin lúng túng định gỡ tay Nhura.
Còn Nhura thì vẫn tiếp tục nói liến thoắng:
- Cậu biết không, Tamara đã cho Valêra một bài học nên thân, hai tai cứ tha hồ mà vểnh lên. Không tin à? Hỏi Tamara mà xem.
- Gì mà phải hỏi, chính mình đã nhìn thấy họ, - Giamin đáp, giọng bực bội, - Lúc ấy hai tai cậu ấy cũng vểnh lên rồi, nhưng Tamara làm ra vẻ không nhìn thấy… - Giamin quay sang Tamara – Thôi chào các bạn, mình về, ở nhà có việc…
- Khoan đã, khoan đã! – Nhura lại khoác tay Giamin – hai cậu nói chuyện với nhau đi. Để mình chạy về nhà, kẻo mẹ mình lại trách. Còn phải vắt sữa bò… - nói rồi cô bé ù té chạy.
- Nào, sao lại còn đứng lại? Chạy theo đi kẻo không một mình tớ ăn thịt mất bây giờ… - Giamin chua xót nói, nhưng trong thâm tâm cậu hoảng sợ nghĩ bụng: Bây giờ Tamara sẽ bỏ chạy mất, nếu vậy thì sao? Lâu lâu không thấy cô bé, cậu đã thấy buồn.
- Mình có việc muốn nói với cậu! – Tamara bỗng nói - Mặc dù cậu đang vội về nhà…
Tamara quay người bước đi. Cô bước chậm rãi như đang dạo chơi. Cô nghe có tiếng chân sau lưng. Cô ngoái đầu lại: Giamin đang vội vàng đuổi theo. Họ đi cạnh nhau, không ai nói một lời nhưng rất hiểu nhau. Cả hai đều thấy nhẹ nhàng, sung sướng, quên hết cả giận dữ. Tuyết lạo xạo dưới chân nghe thích đến nỗi muốn hát vang lên, muốn chạy, chạy thật xa, thật xa… Khó mà tin chỉ mấy phút trước đây, họ còn ngại ngùng không dám nhìn mặt nhau.
- Giamin có muốn khoác tay mình cùng đi không? – Tamara bỗng hỏi
- Mình sợ làm bẩn áo Tamara, - Giamin lúng túng nói – Bành tô của Tamara mới quá, mà của mình thì thế này…
- Thì đã sao? Mình muốn tn khoác tay mình cùng đi.
- Thật à? – Giamin vụng về khoác tay cô bé, khẽ nói: - Ấm quá!
- Ừ… - Tamara gật đầu, khẽ rùng mình vì lạnh.
Họ đi với nhau rất lâu và lấy làm sung sướng là trên đời này bây giờ chỉ có mình họ.
Tới nhà Tamara, họ dừng lại. Giamin hỏi Tamara có định giúp cậu học không. Cậu rất muốn trong năm nay cũng học xong lớp chín để không bị thua Tamara. Sau này họ sẽ cùng thi vào đại học, có thể cùng vào một trường nữa.
- Giamin lại chỗ mình, chúng ta cùng học với nhau – Tamara đồng ý ngay…
Thấy con về, thím Samsura càu nhàu;
- Thức ăn nguội hết cả rồi. Trời đã khuya mà con cứ ở đâu đâu, làm mẹ lo sợ không để đâu cho hết…
- Con ghé vào trường, mẹ ạ, hôm nay có dạ hội mà – Giamin ngập ngừng thanh minh.
- Thế mà người rét cóng lên như thế à, - bà mẹ cố giấu nụ cười trên môi
Giamin rửa ráy cẩn thận rồi đứng trước tấm gương nhỏ, tróc thuỷ ngân treo trên chiếc đinh, sờ vào mái tóc nham nhở của mình, nói:
- Mẹ à, từ nay con không cắt tóc ngắn nữa, được không? Cắt thế hai tai vểnh ra, và đầu thì trông cứ như là cái gì ấy…
- Chờ chiến tranh kết thúc, tha hồ con muốn cắt kiểu nào thì cắt. Để tóc dài thì phải chải luôn, gội luôn, và xà phòng phải tốt….
- Ở trường con thấy một cậu mới tới có mái tóc đẹp lắm! – Giamin nói rồi ngồi xuống bàn ăn.
Giamin học với Tamara chỉ vẻn vẹn được hai hôm. Cùng học có cả Nhura. Các cô bé thay nhau giúp đỡ cậu.
Nhura thích tự mình nói nhiều hơn và lấy làm hài lòng khi Giamin nói: “Mình hiểu cả rồi”. Còn Tamara thì giảng xong thế nào cũng bắt nhắc lại.
- Nhưng mình hiểu cả rồi cơ mà! – Giamin bướng bỉnh đáp
- Tốt lắm, giấy đây, chứng minh lại định lí xem nào.
Việc học của họ bị ngắt quãng một cách đột ngột. Một lần mẹ Tamara đi làm về, nói với cô con gái:
- Bây giờ thì tôi hiểu sao hôm qua cô bị điểm ba…
- Mẹ ơi, nhưng chúng con học với nhau. Con và Nhura phải giúp cậu ấy, - Tamara định cãi lại
- Con giúp cậu ấy, còn chính con thì học như thế nào? Chẳng bao lâu rồi đến lượt phải giúp con.
- Kìa, sao bác nói thế? – Nhura lên tiếng bênh vực bạn và bắt đầu xếp sách vào cặp
Mẹ Tamara không chú ý đến Nhura vẫn tiếp tục trách con gái:
- Cứ giúp đi, để rồi phải đúp lại năm nữa…
- Mẹ! – Tamara oà khóc, bỏ chạy ra khỏi phòng.
Giamin muốn lặng thinh, nhưng không nhịn được nữa, nói: - Sao bác lại làm phật lòng Tamara thế?
- À, ra còn thêm anh bênh cô ta! Tự tôi, tôi cũng biết phải làm gì? Bản thân mình thì thiếu giáo dục lại còn muốn bày vẽ cho người lớn.
- Ta đi thôi, Nhurơca! – Giamin nói và vì quá kích động, đã đội ngược mũ trước ra sau
- “Nhurơca, Tamarơca”. Đến cả xưng hô lịch sự cũng không biết.
Nhura và Giamin bước ra khỏi phòng.
Sau lần ấy có đến một tháng rưỡi Giamin không gặp Tamara. Không hiểu sao cậu cảm thấy hơi ngượng. Cậu học ở nhà một mình, buổi tối đến nhà ông hiệu trưởng nhờ ông giúp đỡ. Ruvim Ixacôvích không những chỉ bảo cho cậu phải học phần nào, mà còn giảng giải để cậu hiểu những định lí phức tạp.