Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Thương người xa xứ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17913 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thương người xa xứ
QUỲNH DAO

CHƯƠNG 6

Chí Tường nằm ngửa trên giường, đôi mắt mở thật to, nhìn trừng trừng lên phần trần nhà trước mắt. Trên trần nhà có một vết nước loang lỗ, giống như hình một đầu người mình sư tử, chàng đã nhìn vết nước đó, suốt hơn ba tiếng đồng hồ rồi!
Chí Viễn ngồi bên cạnh giường, hút thuốc liên miên, nguyên cả căn phòng bao phủ một lớp khói mờ mờ, chiếc gạt tàn thuốc trên bàn học, cũng đã chất đầy tàn thuốc lá. Cả hai anh em, một người ngồi đó, một người nằm kia, người nào cũng mãi lo suy nghĩ về tâm sự của mình.
Cuối cùng, Chí Viễn phá tan bầu không khí im lặng, giọng nói chàng khàn đục, tâm tình kích động:
- Chí Tường, em có thể nào hào sảng một chút không? Đàn ông con trai, đại trượng phu sống trong trời đất, có thể co có thể giãn! Anh không lấy chuyện làm công nhân là buồn khổ, thế mà sao em lại giống như là đến ngày tận thế vậy? Em phải hăng hái lên dùm anh một chút, vui vẻ một chút, được không? Nếu như em vẫn còn cứ cú rủ co ro như thế, thì anh thật sự nổi giận đó nhé, anh nói cho em biết! Anh thật sự nổi giận bây giờ à!
Chí Tường từ trên giường ngồi phắt dậy, nhìn trừng trừng vào Chí Viễn:
- Anh Hai, em nghĩ ra rồi!
- Nghĩ ra cái gì?
- Ngày mai, em sẽ đến trường xin nghĩ học, đi tìm một công việc làm, cả hai anh em mình hợp sức làm việc, kiếm tiền gửi về cho ba mẹ, trả hết phần nợ đang có, sau đó, em đi làm, anh tiếp tục học phần thanh nhạc dang dở của anh, vì em hãy còn trẻ, còn rất nhiều thời gian...
Gương mặt của Chí Viễn trở nên đỏ gấc, chàng giận dữ đập tay xuống bàn nghe đánh bốp một cái, chàng đã thật sự nổi giận, đôi mắt chàng chứa đầy lửa bừng bừng, tròng trắng mắt nổi đầy gân đỏ:
- Nói bậy! Đừng bao giờ nhắc đến chuyện thanh nhạc của anh nữa, Nếu như anh có thực tài, có thể học được thành công, thì anh đã trở thành nhà thanh nhạc từ lâu rồi!
Chí Viễn tiếp:
- Anh nói cho em biết, Chí Tường, em đã buộc anh phải nói ra sự thật phủ phàng, anh coi như đã xong rồi, anh không còn là một thiên tài mang đầy hùng tâm tráng khí của tám năm về trước nữa! Từ lâu, anh đã không còn gì nữa cả, từ lâu, anh đã chỉ là một vật phế thải! Trước khi em đến đây, anh không hề biết rằng cuộc đời của mình còn có một ý nghĩa gì? Từ lúc em đến đây, trẻ tuổi, ưu tú, mang đầy hoài bão... anh lại hình như thấy được hình ảnh của mình tám năm về trước, anh mới coi như sống lại thêm một lần nữa! Từ nhỏ, ai cũng đều nói em là hình ảnh của anh, nếu như em đã là hình ảnh của anh, thì những gì anh không làm được, em phải làm hộ cho anh, những gì anh đã thất bại, em phải làm cho thành công, những gì anh bỏ dở dang nửa đường, em phải hoàn thành nó! Chỉ cần anh có thể vun bồi cho em, giúp em đi đến thành công, thì coi như anh đã không sống thừa, cuộc đời của anh cũng sẽ có giá trị hơn! Em biết không? Em hiểu không?
Chí Tường ngạc nhiên, nhíu mày nhìn Chí Viễn, không hiểu, chàng lớn tiếng nói:
- Em không biết, em không hiểu! Tại sao anh lại buông rơi hy vọng của mình? Tại sao anh lại đem hy vọng của anh đặt vào em chứ? Anh không hề có lý một chút nào cả!
Chí Viễn chụp ngay vào bờ vai của Chí Tường, kêu lên thật to:
- Hãy nhìn anh xem! Anh đã ba mươi hai tuổi rồi! Chưa bao giờ có một nhà thanh nhạc nào bắt đầu ở tuổi ba mươi hai! Em hãy còn trẻ, những bức họa của em đã được học viện nghệ thuật công nhận, em sẽ trở thành một nhà nghệ thuật vĩ đại! Nếu như bây giờ em đi làm công, em sẽ trở thành giống như anh...
Chí Tường chỉ lắc đầu quầy quậy:
- Em không cần biết! Em không thể dùng những đồng tiền anh đi làm công nhân cực khổ, để đi học trong cái trường nghệ thuật đắt tiền như vậy được! Thà rằng em không thành một thứ gì hết, chứ cũng không muốn đi học ở cái trường đắt như quỷ đó nữa! Cho dù anh có nói như thế nào đi nữa, ngày mai em cũng sẽ đến trường xin thôi học...
Chí Viễn dùng sức nhấc Chí Tường dậy, nhìn trừng trừng vào mắt của chàng, giọng chàng rít ra từ kẻ răng:
- Em có chịu nói chuyện cho đúng lý hay không?
- Dĩ nhiên là em nói chuyện đúng lý! Và cũng vì muốn cho đúng lý, nên em mới không thể tiếp tục học nữa!
Giọng của Chí Viễn, trầm thấp nhưng chứa đầy sức mạnh, ánh mắt chàng nhìn Chí Tường hừng hực lửa:
- Em muốn cho cha mẹ ôm hận suốt đời hay sao? Anh đã coi như bỏ đi rồi, em cũng muốn mình bị hủy diệt hay sao? Chí Tường, hãy dùng lý trí của em một chút, suy nghĩ cho kỷ một chút, hãy để cho hai đứa con thiên tài của ba mẹ, dù sao cũng phải có một đứa học được thành tài chứ! Ba mẹ có một đứa con đi làm công nhân ở ngoại quốc là đủ rồi, chẳng lẽ cả hai đứa đều cùng đi làm công nhân cả sao?
Giọng nói của Chí Viễn, đau đớn biết mấy, thành khẩn biết mấy, điều đó làm cho Chí Tường bị đánh ngã hoàn toàn. Chàng nhìn anh mình, nói không nên lời, đôi chân mày chau lại, đau khổ. Chí Viễn từ từ buông chàng ra, từ từ đứng dậy, đi vòng vòng trong phòng, từng vòng, rồi lại từng vòng. Chí Tường dùng tay chống cằm, đầu óc chàng là cả một phiến rối loạn, trái tim chàng vừa chua xót, vừa đau khổ, vừa đắng cay. Một lúc sau, chàng mới nói lên một câu thật thống thiết:
- Anh làm công, em đi học, anh bảo em làm sao học cho nổi?
Chí Viễn dừng lại trước mặt chàng, nói bằng một giọng sôi nổi:
- Em sẽ học nổi! Nhất định là em sẽ học nổi! Nếu như em vẫn còn sự kính trọng và sùng bái thằng anh này của em như khi xưa, nếu như em không vì anh là một người công nhân mà coi thường anh, thì, em hãy vì anh mà tiếp tục học! Dành lại niềm kiêu hãnh cho anh! Chí Tường! Coi như em làm cho anh vậy!
Chí Tường ngước mắt lên, nhìn thẳng vào Chí Viễn:
- Anh Hai, đó là hy vọng của anh chăng?
- Đó là toàn bộ hy vọng của anh! Hy vọng lớn nhất đời của anh!
Chàng gần như kêu lên bằng một giọng thống khổ.
Chí Tường cúi thấp đầu, yên lặng không nói, một lúc sau, chàng lại ngẩng đầu lên, nhìn Chí Viễn thật lâu, thật lâu, sau đó, chàng mới nói bằng một giọng cương quyết, khẳng định rằng:
- Thôi được! Em nghe lời anh! Em sẽ tiếp tục học! Thế nhưng, em phải đổi sang học viện Nghệ Thuật Quốc Gia để học, học phí ở đó rẻ hơn bên đây. Ngoài ra, em còn muốn dùng thời giờ rảnh rổi của mình, tìm một công việc gì đó để làm thêm!
Chí Viễn nói:
- Em có thể chuyển sang học viện Nghệ Thuật Quốc gia để học, thế nhưng, ở đó cần phải thi vào, chưa chắc đã sắp xếp cho em vào học lớp như ý muốn, còn ở trường bên đây, đã có mấy ông giáo sư đều thưởng thức tài của em. Trường học ở đây lại theo chế độ tín chỉ, em có thể lấy nhiều tín chỉ, hoàn thành môn học sớm, tốt nghiệp sớm. Anh khuyên em đừng nên đổi trường, đừng nên vì chuyện nhỏ mà mất chuyện lớn! Còn như việc làm thêm đấy à? Em miễn nói đến chuyện đó dùm anh đi! Thay vì đi làm thêm, em dùng thì giờ đó để học thêm dùm anh thì tốt hơn!
- Anh Hai!
Chí Tường cắn chặt răng, chàng không biết phải nói thêm gì nữa, đành phải im lặng.
Chí Viễn vỗ thật mạnh vào vai Chí Tường một cái, đôi tròng mắt chàng long lanh ngấn lệ, nhưng trên môi lại nở một nụ cười an ủi. Chàng nói:
- Em chịu rồi, phải không? Em không còn đổi ý nữa rồi, phải không? Anh biết mà, dù sao, em cũng là em của anh! Anh biết em sẽ không phụ lòng anh, anh biết! Em giống anh, cũng cứng đầu như anh, cũng háo thắng như anh!
Cuộc tranh luận kết thúc, Chí Tường lại nằm vật trở xuống giường, chẳng đặng đừng! Chàng lại tiếp tục nhìn lên vết nước ố loang trên trần nhà. Tâm tình kích động đã qua đi, thay thế vào đó, là một sự đau đớn và khổ sở ngấm ngầm lan rộng. Chí Viễn cũng nằm lên giường, giống như em, chàng cũng nhìn lên vết nước loang trên trần nhà. Có một khoảng thời gian thật lâu, trong phòng im lặng không một tiếng động, sau đó, Chí Tường hỏi bằng một giọng trầm thấp, bình lặng:
- Bác Cao và Ức Hoa, đều giúp anh dấu em, phải không?
- Tại vì anh bảo họ dấu em.
Chí Tường thở dài thật nhẹ:
- Em giống như một thằng ngố! Một thằng ngốc!
Chí Viễn đưa tay tắt đèn:
- Đừng nên trách móc gì nữa hết, Chí Tường! Định mệnh vẫn không đến nổi nào tệ bạc đối với chúng ta, anh đã có một đứa em là em, em đã có một người anh là anh, ba mẹ đã có hai đứa con là chúng ta, định mệnh đã không đến nổi nào tệ bạc với chúng ta, Chí Tường, đừng nên oán trách gì hết. Ngủ đi, cố gắng ngủ một chút, sáng mai em còn phải đi học nữa!
Đôi mắt Chí Tường nhìn ra cửa sổ, trời đã tờ mờ sáng, ngoài song cửa đã hiện sắc trắng. Chàng nằm đó, dùng toàn bộ tâm trí gậm nhắm những câu nói của Chí Viễn; định mệnh vẫn không đến nổi nào tệ bạc với chúng ta, vì chúng ta đã có nhau, và ba mẹ đã có cả hai chúng ta? Càng nghĩ chàng càng cảm thấy xót xa, càng nghĩ chàng càng cảm thấy trên vai mình, gánh một gánh trách nhiệm vô cùng nặng nề! Trước mắt chàng hiện lên hình ảnh Chí Viễn vác cây trụ đá trong hí viện, thấp thoáng đâu đó, chàng cảm thấy cây trụ đá đó, cũng đè nặng lên vai mình; trụ đá của La Mã! Trụ đá của hoàng cung Quirinal! Trụ đá của cổ thành La Mã! Và cũng là trụ đá của gia đình mình! Trụ đá của anh mình! Chàng tự lẩm bẩm:
- Mình phải vác nó lên! Mình phải vác nó! Cho dù đó là của mình, hay là của anh Hai!

***
Đêm đó, chàng vẫn đến nhà họ Cao ăn cơm tối như thường lệ, hiển nhiên, cha con nhà họ Cao đã biết việc chàng khám phá ra bí mật của Chí Viễn, vì chàng im lặng, nên cha con họ Cao cũng vô cùng im lặng. Sau khi ăn cơm xong, Ức Hoa cũng đưa cho chàng một ly café như thường lệ, sau đó, nàng dựng bàn ủi lên, bắt đầu ủi quần áo, Chí Tường chú ý nhìn, thấy đó toàn là quần áo của hai anh em chàng.
Ông Cao bình thường làm việc ở nhà ngoài, đêm nay, ông lại đem chiếc hộp đựng đồ nghề để vào nhà trong, vặn thêm đèn lên, đeo mắt kiếng vào, ông bắt đầu ngồi may giày dưới đèn, sợi dây da xuyên lên xuyên xuống từ những lỗ thủng đã xỏ sẵn của đôi giày da, ông Cao dùng sức kéo sợi dây lên lên xuống xuống, dây da xuyên qua lỗ thủng, phát ra từng tiếng kêu đơn điệu.
Chí Viễn cầm ly café trên tay, trầm ngâm mở miệng:
- Bác Cao, từ đây mỗi tối, cháu đến học làm giày với bác nhé, được không?
Xuyên qua cặp kính lão, ông già ngước lên nhìn chàng một cái, ông trả lời chàng không liên quan gì đến câu hỏi:
- Chí Viễn giống như con trai của bác, bao nhiêu năm nay, bác chứng kiến cảnh cậu ấy phấn đấu, vùng vẩy, ngã xuống. Bác muốn giúp cậu ấy, nhưng không biết phải giúp như thế nào? Trước khi cháu đến, có một khoảng thời gian rất lâu, Chí Viễn không hề biết cười, cũng không hề có sức sống. Sau đó, có một hôm, cậu ấy đến đây tìm chúng ta, vui mừng hớn hở, vừa cười vừa nhảy nói rằng, cháu sắp đến đây. Từ đó về sau, lúc nào cậu ấy cũng nói về cháu, từ sáng đến tối, những bức họa cháu gửi đến, cậu ấy đem gửi đi các trường, tìm giáo sư, xin giấy nhập học. Cuối cùng, chọn cho cháu học viện nghệ thuật này, học phí rất mắc, nhưng giáo sư ở đó thưởng thức tài của cháu nhất. Đợi đến khi cháu đến đây, cậu ấy giống như một người hoàn toàn khác hẳn, cậu ấy lại có mục đích chính xác của đời sống, lại có sự tự tin, lại có hy vọng... Cậu ấy đem tất cả hy vọng đặt hết vào người cháu, mong muốn vun bồi cho cháu trở thành một nghệ thuật gia, chứ không phải muốn cho cháu trở thành một người thợ làm giày.
Ông già ra sức kéo sợi dây lại thật chặt.
Chí Tường cảm thấy toàn thân rúng động, chàng ngồi đó nhìn ông già, trong lòng ngẩn ngơ. Mái tóc bạc phau phau, những ngón tay đã bị màu da thuộc dính vào không rửa sạch được, những động tác thành thạo nhanh nhẹn. Một người thợ làm giày già lão! Đôi mắt dưới làn kính lão kia, chứa đựng bao nhiêu trí tuệ, nhìn thấy bao nhiêu cuộc đời!
Chàng từ từ cất giọng hỏi:
- Bác Cao, bác quen với anh hai cháu lâu rồi, bác có thể nào nói cho cháu biết, tại sao anh ấy không học cho xong chương trình thanh nhạc mà anh ấy đã chọn? Tám năm trước, khi anh ấy rời khỏi Đài Loan, anh là một thiên tài được công nhận!
Ông già cúi đầu xuống, một mặt làm việc, một mặt thật trầm tĩnh, dùng một giọng nói không cao không thấp, như thể đang kể lại một câu chuyện cổ tích thời xa xưa, từ từ nói rằng:
- Tám năm trước, cậu ấy quả thật là một thiên tài! Cậu ấy theo học thanh nhạc ở học viện Âm Nhạc Quốc Gia, trong trường, cậu ấy đã từng diễn rất nhiều vở nhạc kịch, lại đóng vai chính. Thế nhưng, nghe nói gia đình của các cậu phải mượn nợ cho cậu ấy đi du học ngoại quốc, vì vậy, sau những giờ học, cậu ấy còn phải lo cố gắng làm việc, để gửi tiền về nhà. Nói cho đúng ra, đời sống của phần lớn các sinh viên du học ở ngoại quốc đều rất khổ sở, phải lo ứng phó với bài vở đã là một việc đòi hỏi toàn bộ tâm trí, lại còn phải phân tâm ra làm việc thêm, do đó bị mất đi học bổng, muốn có được tiền đóng học phí, lại gửi tiền về nhà, cậu ấy đã làm việc cực như trâu.
Ông già tiếp:
- Lúc đó, cơ thể của cậu ấy khỏe mạnh, lại bướng bỉnh háo thắng, mỗi lần đến kỳ nghĩ hè, cậu ấy thường đi làm những công việc mà những người khác không chịu làm, làm càng cực, tiền lương càng cao. Và như thế, năm năm trước, khi cậu ấy đã sắp ra trường, mùa Đông năm đó, cậu ấy xin được một công việc ở trên núi. Năm đó, tuyết rơi nhiều hơn những năm khác, bọn họ làm đường trên núi, dưới những trận mưa tuyết, núi bị lở, cậu ấy bị chôn sống dưới tuyết, khi moi ra được, cậu ấy gần như chỉ còn hơi thở thoi thóp, sau đó, cậu ấy bị mắc chứng bệnh viêm phổi và viêm khí quản, phải nghỉ học, nằm bệnh viện hết hai tháng!
Chí Tường kinh hoàng mở to đôi mắt:
- Ở nhà ba mẹ và cháu không hề hay biết gì về chuyện đó!
Ông già ngẩng đầu lên đưa mắt nhìn chàng một cái, rồi lại cúi xuống tiếp tục làm việc:
- Các sinh viên du học có thói quen là, báo chuyện vui chứ không báo chuyện buồn, cậu ấy không chịu báo tin về nhà, cũng không chịu tìm đến sứ quán để nhờ giúp đỡ, lúc đó, chỉ có bác và Ức Hoa lo cho cậu ấy. Dù sao, cơ thể của cậu ấy phải được kể là khỏe mạnh, phục hồi lại rất nhanh, thế nhưng, giọng hát của cậu ấy thì hoàn toàn bị hủy hoại...
Ông già để kim chỉ xuống, từ từ ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào Chí Tường:
- ... Cậu có bao giờ nghe ai nói, người bị hư giọng hát, có thể học được thanh nhạc chăng? Đừng nói gì đến ca kịch, ngay cả một bài hát nhi đồng phổ thông, cậu ấy cũng không hát được nữa!
Chí Tường cắn cắn răng, đầu óc quay cuồng quay nhìn sang hướng khác, vừa đúng lúc nhìn thấy Ức Hoa đang ủi quần áo, lúc đó, có hai giọt nước mắt, lặng lẽ từ trong đôi mắt của Ức Hoa, rơi xuống trên chiếc áo nàng đang ủi, Ức Hoa vội vàng đưa bàn ủi đẩy tới một cái, chỉ nghe phát ra một tiếng "xèo" thật nhỏ, hai giọt nước mắt đã biến mất không để lại một dấu vết gì.
Ông già để đồ nghề vào trong hộp, lui cui đứng dậy:
- Do đó, Chí Tường, cậu đừng nên suy nghĩ lung tung gì nữa cả, không cần phải tìm việc làm, cũng đừng nên cảm thấy có lỗi với Chí Viễn, điều cậu có thể làm được, là cố gắng học hành, cố gắng học vẽ, đợi đến khi cậu có chút thành tựu, thì Chí Viễn cũng sẽ được cứu rỗi!...
Ông đi đến bên Chí Tường, dịu dàng đặt bàn tay mình lên trên bàn tay của chàng, thấp giọng nói thêm một câu:
- ... Hãy giúp cậu ấy! Chí Tường! Cậu ấy là một thanh niên rất tốt! Những gì cậu có thể làm được, là cố gắng học hành, chứ không phải tìm việc làm!
Chí Tường và ông già yên lặng nhìn nhau, bên tai họ, chỉ có tiếng xì xèo phát ra từ chiếc bàn ủi của Ức Hoa vẫn đang đẩy tới đẩy lui.

<< CHƯƠNG 5 | CHƯƠNG 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 915

Return to top