Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Thương người xa xứ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17903 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thương người xa xứ
QUỲNH DAO

CHƯƠNG 5

Và, như thế, Chí Tường bắt đầu lao mình vào chiếc lò rèn nghệ thuật của thành phố La Mã. Và, lập tức, chàng cảm thấy mình bị đốt cháy ngay bởi những tia lửa rực rỡ, sáng ngời của kinh đô nghệ thuật này, làm cho bầu máu nóng trong con người chàng sôi sục, tinh thần của chàng suốt ngày ở trạng thái vui mừng và phấn khởi hẳn lên. Chàng cảm thấy mình bị mê hoặc bởi nghệ thuật, mê hoặc bởi điêu khắc, mê hoặc bởi La Mã.
Đi học không được bao lâu, chàng khám phá ra rằng mình đang đi học ở một trường thuộc loại "quý tộc", học phí của Học viện Nghệ Thuật Quốc Gia không cao lắm, thế nhưng, chàng lại đi học ở một Học viện Nghệ Thuật tư nhân. Những người bạn học của chàng đến từ khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất là từ Thụy Sĩ và Anh quốc. Những người bạn học có gương mặt Đông phương, gần như tìm không ra, đi học được một tháng, chàng mới phát giác ra được hai người Đông phương, thế nhưng đó lại là hai người Nhật mà chàng khó thể nào gần gũi được. Chàng rất khó tìm được một người bạn nào ở trường học, mà thật sự, chàng cũng không có thì giờ và hứng thú đi kết bạn. Những ngày tháng đó, chàng phải lo đối diện với những khó khăn về ngôn ngữ, chàng phải tập cho quen với đời sống ngoại quốc, chàng phải tiếp thu những sự chỉ đạo của giáo sư, những thì giờ còn lại, chàng tiêu pha hết vào những nơi như Bảo tàng viện Quốc Gia, Villa Borghese và giáo đường thánh Phê-Rô v.v... một cách say mê và cuồng nhiệt.
Sự bận rộn làm cho chàng không thể lo lắng gì đến sinh hoạt của mình, và cũng không đủ sức hỏi han gì đến sinh hoạt của Chí Viễn. Mỗi ngày Chí Viễn phải đi làm đến khoảng một giờ sáng mới về đến nhà, lúc đó, phần lớn chàng đã ngủ say, đợi đến khi chàng thức dậy đi học, Chí Viễn vẫn còn đang ngủ say. Mỗi ngày chàng đón xe bus đi đến trường, buổi trưa chàng ăn qua loa ở trường hoặc phía bên ngoài đở dạ, buổi chiều tan học về nhà, Chí Viễn lại đã đi làm rồi. Buổi cơm tối của chàng, Chí Viễn đã sắp xếp sẵn cả, chàng "ăn cơm tháng" ở nhà ông Cao, chàng không biết Chí Viễn tính toán với nhà ông Cao như thế nào, nhưng, cha con ông Cao, đối với chàng thật sự như trong gia đình, luôn luôn lúc nào cũng thay đổi đủ thứ món ăn cho chàng vừa miệng. Mỗi ngày, thời gian chàng gặp cha con ông Cao, còn nhiều hơn thời gian chàng gặp Chí Viễn. Do đó, chàng cũng thật sự gần gũi và quen thuộc với Ức Hoa nhiều hơn.
Sau bữa ăn tối, chàng thường ngồi trong phòng ăn của nhà họ Cao, nói chuyện qua loa với Ức Hoa. Ức Hoa thường hay pha một bình café thơm phưng phức, cho chàng một ly, và bắt đầu yên lặng làm việc. Lúc nào nàng cũng có thật nhiều việc để làm: dọn dẹp chén đũa, quét sạch căn phòng, sắp xếp lại dụng cụ làm việc của cha, hoặc ngồi trước chiếc bàn máy may, may may vá vá... ở trong căn phòng ăn đó, thật sự còn rất nhiều những thứ khác, bàn máy may, máy cắt da, thau nước ngâm những miếng da, và đủ thứ dụng cụ mà ông Cao cần dùng để làm giày. Ức Hoa lúc nào cũng làm việc không ngừng, công việc nhà làm xong, nàng giúp cha ngâm những miếng da vào trong thau nước, hoặc sắp xếp những đơn đặt hàng, hoặc tính toán sổ sách... ngoài ra, Chí Tường còn khám phá ra rằng, ngay cả quần áo mền gối của anh em chàng, cũng đều do Ức Hoa giặt giặt ủi ủi, thậm chí, ngay cả phòng của chàng, đều do Ức Hoa mỗi ngày đi sang quét dọn sạch sẽ.
Có một đêm, chàng hỏi:
- Ức Hoa, cô quen với anh tôi lúc nào vậy?
Ức Hoa lặng lẽ ngẩng đầu lên nhìn chàng, nàng đang ngồi vắt đường biên cho chiếc váy đầm. Cho dù nàng có bận rộn bao nhiêu, nhưng luôn luôn bao giờ nàng cũng cho người ta cái cảm giác ung dung, nhàn nhã, an nhiên, trầm tĩnh.
Ức Hoa cất tiếng nói, giọng nàng nhẹ nhàng, gương mặt bình lặng, đôi mắt mơ màng nhớ về quá khứ:
- Năm đó tôi mười bốn tuổi, anh ấy đi vào tiệm của chúng tôi lần đầu tiên, trên tay cầm đôi giày da đã đi đến lủng đế... anh ấy đứng tựa vào chiếc quầy phía bên ngoài, há miệng ra cười toe toét với tôi, hỏi tôi có phải là người Trung Hoa hay không? Khi tôi dùng tiếng Quan Thoại trả lời với anh ấy là phải, anh đã nhảy phóc lên cao có chừng ba thước, ôm chầm lấy tôi thảy lên không...
Nàng cúi gầm mặt xuống ra chiều xấu hổ:
- Lúc đó tôi rất gầy rất nhỏ, tuy rằng đã mười bốn tuổi, nhưng vẫn giống như một đứa trẻ...
Hơi dừng lại một chút, nàng tiếp tục nói:
- Sau đó anh ấy và ba tôi nói chuyện với nhau, ba hỏi anh ấy, đi giày làm sao mà tới lủng lỗ ở đế như thế? Anh ấy trả lời rằng: "Làm sao mà lại không đi lủng đế giày ở vùng đất La Mã này cho được?"... Lúc đó, anh ấy cũng giống như anh bây giờ, phát điên, phát cuồng vì thành phố La Mã, nhất là anh ấy vui vẻ, yêu đời, kiêu hãnh và đầy lòng tự tin.
Nàng thở ra một hơi dài thật nhẹ. Chí Tường rúng động nhìn Ức Hoa, chàng rất ít khi nghe Ức Hoa nói chuyện nhiều như thế, từ trước đến nay, nàng thường rất trầm lặng và yên tĩnh.
- Đó là tám năm về trước rồi nhỉ?
- Đúng vậy, lúc đó, Chí Viễn mới đến La Mã ba tháng, chỉ biết nói những tiếng Ý thật đơn giản, anh ấy nói với tôi, câu tiếng Ý đầu tiên mà anh ấy học được là "ma ma mi a", câu thứ nhì là...
Gương mặt nàng đỏ lên, thấp giọng cười nói:
- ... là một câu nói tục! Lần đó, anh ấy nói chuyện rất lâu với ba, lúc đó, anh ấy ở chỗ khá xa nơi này, sau đó, anh ấy dọn nhà cũng hết mấy lần, càng dọn càng gần, hai nhà càng lúc càng thân, như thể trong gia đình... ở La Mã, rất khó tìm được bạn người Trung Hoa.
Nàng cúi đầu xuống, lại tiếp tục may vá.
Chí Tường chăm chú nhìn nàng, nhấp một ngụm café, chàng ngồi suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng chàng nói:
- Ức Hoa, anh Hai nhất định không cho tôi đến ca kịch viện, cô có thể nào nói cho tôi biết, anh ấy diễn vai trò gì trong những vở kịch ở kịch viện không? Tôi đến đây hơn một tháng rồi, mà chưa bao giờ nghe anh ấy luyện giọng cả! Tôi còn nhớ, trước khi anh ấy xuất ngoại, ngày nào cũng phải luyện giọng hết, dĩ nhiên, cũng có thể là những khi tôi đã đi học, anh ấy mới luyện giọng!
Chiếc đầu của Ức Hoa vẫn cúi thấp xuống, nàng không nói chuyện, cũng không ngửng đầu lên, những động tác ở ngón tay hơi dừng lại một chút, sau đó lại may nhanh hơn.
Ông Cao đi vào, trên người ông quấn chiếc khăn quấn ngang eo bằng da, ông lấy một bó dây da, một mặt đi trở ra ngoài, một mặt nói với Chí Tường:
- Cậu không biết gì nhiều về ca kịch viện ở đây đâu, La Mã có hai ca kịch viện, một cái là La Mã ca kịch viện, một cái là Lộ Thiên ca kịch viện - ở ngoài trời. Ca kịch viện cũng có mùa, chứ không phải đêm nào cũng có đâu. Những người Đông Phương chúng ta, có thể hát hòa âm ở những vở kịch hát trong ca kịch viện, có thể nói là hay lắm rồi đấy!
Ông quay người đi ra phía ngoài, tiếp theo đó, là tiếng những sợi dây da kéo nghe sột soạt vang lên.
Chí Tường cảm thấy hơi có chút rối loạn, hai ca kịch viện, như vậy, Chí Viễn làm việc ở ca kịch viện nào? Đầu óc chàng càng lúc càng rối rắm.
Ức Hoa đứng dậy, rót thêm cho Chí Tường một ly café. Ánh mắt nàng lặng lẽ, nhìn Chí Tường như nài nỉ, nàng thấp giọng nói thật nhỏ:
- Anh giúp tôi một chuyện được không?
- Chuyện gì?
- Đừng nên đem những gì chúng ta nói đêm nay kể lại cho anh ấy nghe! Đừng nên hỏi anh ấy! Đừng nên hỏi anh ấy điều gì hết!
Chàng chú ý nhìn Ức Hoa, lần đầu tiên chàng phát hiện ra đôi mắt của Ức Hoa vừa đen, vừa sâu, và cũng vô cùng quyến rũ.
- Nói cho tôi biết, anh ấy làm việc ở ca kịch viện nào?
Giọng của Ức Hoa thật nhẹ:
- Mùa của ca kịch viện lộ thiên là từ tháng bảy đến tháng chín, bắt đầu từ mùa thu, thì ở La Mã ca kịch viện. Nhưng mà, đừng nên đi tìm anh ấy! Đừng bao giờ đi tìm anh ấy, anh sẽ làm tổn thương tự ái của anh ấy đấy!
Đêm đó, chàng bị mất ngủ. Nằm trên giường, chàng nhìn thẳng lên trần nhà, ngẩn ngơ suy nghĩ, không có cách chi chìm vào giấc ngủ. Mãi cho đến khi Chí Viễn trở về.
Đi vào phòng ngủ, Chí Viễn nhìn thấy chàng vẫn còn thức, có hơi kinh ngạc.
- Sao? Chưa ngủ sao?
Chàng nói bằng một giọng buồn bực:
- Ngủ không được!
Chí Viễn cởi chiếc áo khoác ngoài ra, mùa thu của La Mã, đã có chút hơi lạnh gây gây, nhất là đêm khuya, khí hậu tương đối thấp.
- Nhớ nhà hử? Có phải ba mẹ có thư đến không?
- Hôm nay không có!
Chàng nhìn Chí Viễn, trên áo sơ mi của anh ấy có dấu vết của đất bùn, trên mặt cũng có, anh ấy đóng vai gì trong vở kịch? Hát hòa âm? Chàng nhìn trừng trừng vào vầng trán của Chí Viễn. Trên đó, đã có những nếp nhăn. Hát hòa âm? Thậm chí không phải là vai phụ, không phải vai phụ của vai phụ, không phải một người diễn kịch, mà chỉ là một người trong đám người hát hòa âm? Như vậy, nét mệt mỏi trên gương mặt của anh ấy là sự mệt mỏi về tinh thần? Tám năm! Tám năm học tập cực khổ, để chỉ được là một người hát "hòa âm"?
Chí Viễn kéo chiếc ghế, ngồi bên cạnh giường chàng, chăm chú nhìn thẳng vào chàng, nghiên cứu:
- Sao vậy? Trông em như đang có tâm sự gì đó!...
Đột nhiên đôi chân mày của Chí Viễn nhướng lên, đôi mắt sáng rực lên:
- ... Để anh đoán xem nhé! Khi một người đàn ông mất ngủ, thì chỉ có thể vì một chuyện... phải Ức Hoa không? Mấy lúc gần đây, giữa hai đứa em đã có chút tiến triển gì rồi phải không?
Chí Viễn đốt lên một điếu thuốc, mỉm cười nhìn chàng chăm chú. Chàng hơi ngẩn người ra, lẩm bẩm trong miệng:
- Ức Hoa? Ức Hoa là một cô gái rất tốt!
Chí Viễn đưa tay đấm lên nệm giường một cách phấn khởi:
- Anh đã nói với em từ lâu rồi mà! Thằng anh của em không gạt em đâu! Ánh mắt của thằng anh em bao giờ cũng hơn hẳn những người khác! Thằng anh em chọn bạn gái cho em bao giờ cũng không sai mà! Nói cho anh biết, sự tiến triển của các em ra sao rồi?
Chàng lơ đễnh hỏi:
- Sự tiến triển gì? Đâu có tiến triển gì.
Chí Viễn hơi nhíu mày:
- Nói cái gì vậy? Anh nói cho em nghe, Chí Tường, đối với những người con gái như Ức Hoa, em cần phải nhẫn nại một chút mới được, cô ấy là một người rất trầm lặng, rất kín đáo, không giống như những đứa con gái người Ý, ngày thứ nhất gặp mặt, ngày thứ hai đã có thể nồng nàn hơn lửa. Do đó, em phải nhẫn nại, dẫn cô ấy ra ngoài đi chơi, La Mã là vùng đất nói chuyện ái tình hạng nhất thế giới... thật mà, có phải mỗi đêm em đều dẫn cô ấy đi chơi không?
- Chưa bao giờ!
Chí Viễn kêu lên kinh ngạc:
- Chưa bao giờ? Em thật là một thằng ngố! Hoàng hôn của thành phố La Mã, xe ngựa, mặt trời lặn, trăng lên... em hoàn toàn không hề lợi dụng hay sao? Vậy mỗi đêm em ở nhà cô ấy làm gì?
- Nói chuyện.
- Nói chuyện gì?
Chí Tường nhìn Chí Viễn chăm chú, chàng buột miệng nói:
- Nói chuyện về anh!
Chí Viễn hơi ngẩn người, nhìn trừng trừng vào Chí Tường. Chí Tường nhìn chàng, chầm chậm lắc đầu:
- Anh Hai, anh đang làm một việc phí sức mà thôi! Thật sự mà nói, em không hề có ý theo đuổi Ức Hoa! Nếu không, em sẽ không bao giờ bỏ phí mặt trời lặn và hoàng hôn của La Mã đâu!
- Chí Tường, em đừng có ngố như thế!
Chí Tường lăn người qua, đưa mặt vào vách tường, nói một cách lặng lẽ:
- Em không ngố đâu! Nếu như trong hai anh em chúng ta có người ngố, thì người đó tuyệt đối không phải là em!
Và như thế, bây giờ đến lượt Chí Viễn mất ngủ!
Đêm hôm sau, khi Chí Tường về đến nhà, chàng nhìn thấy trên chiếc bàn học trong phòng có một tờ giấy nhỏ của Chí Viễn để lại cho chàng, trên đó viết rằng:
"Chí Tường: Đừng nên bỏ qua những ngày tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời, trời đêm mùa Thu của La Mã có rất nhiều thi vị, em làm ơn mời nàng đi dạo bằng xe ngựa, hoặc dẫn nàng đi ngồi ngắm phố ở quán café lề đường. Trên bàn có 5000 lire, em cầm đi mà tiêu dùng."
Chàng nhìn 5000 lire trên bàn, nhìn tấm giấy nhỏ của Chí Viễn. Ngó bộ, Chí Viễn ngỡ chàng không mời Ức Hoa đi chơi, là tại vì không có tiền. Tiền! Đúng vậy, chàng không có nhiều tiền, thế nhưng, chàng cũng không bao giờ thiếu tiền xài, mỗi lần, cứ cách một khoảng thời gian vừa phải, Chí Viễn lại để một số tiền vào trong túi áo chàng! Tiền! Một người hát hòa âm có thể kiếm được bao nhiêu một tháng? Mỗi ngày vào buổi chiều, anh ấy lại làm thêm công việc gì? Chàng ngồi đó ngẩn ngơ, trầm tư nghĩ ngợi.
Chiếc đồng hồ nhỏ trên bàn chỉ mười giờ, mười giờ tối! Ca kịch viện hẳn là vô cùng náo nhiệt? Ca kịch viện La Mã lúc nào cũng đầy ắp người là người, vé vào cửa cũng đắt kinh hồn! Đột nhiên, chàng cảm thấy một thoáng bốc đồng, chộp lấy 5000 lire trên bàn, chàng quơ vội chiếc áo khoác, xông ra phía ngoài cửa, chạy xuống dưới đường.
Gọi một chiếc taxi, chàng đi thẳng đến La Mã ca kịch viện.
Chỗ bán vé đã đóng cửa, người nhân viên đứng trước cửa rạp bảo chàng ngày mai hãy đến. Ngày mai, có thể ngày mai chàng sẽ không còn can đảm để đến đây nữa. Chàng đi tới đi lui, đi lui đi tới trước cửa rạp rất nhiều lần. Đêm mùa Thu, trời mát lạnh hiu hiu, một vầng trăng cong cong mềm mại, đang nằm vắt vẻo phía trời cao, không xa lắm, có một khu quãng trường, một bức tượng đồng đang đứng sừng sững dưới màu trắng nhạt nhòa của ánh trăng Thu lạnh lẽo.
Đôi chân chàng đi tới đi lui nãy giờ đã mỏi nhừ, gió Thu lạnh ngắt thổi lên người chàng, hơi lạnh se sắt cả tay chân. Chàng đi vòng về phía đàng sau ca kịch viện, vô tình, nhìn thấy phía sau đó là cửa vào hậu trường sân khấu.
Chàng hỏi người gác cửa:
- Tôi có thể vào trong để tìm một diễn viên chăng?
Không ngờ, chàng được người gát cửa cho vào một cách dễ dàng.
Lần đầu tiên đi vào ca kịch viện, hậu trường sân khấu lộn xộn, mất trật tự hơn sự tưởng tượng của chàng nhiều, rất nhiều người chạy tới chạy lui, có rất nhiều công nhân đang khuân vác những phông cảnh kịch trường, có rất nhiều diễn viên đang chờ tới phiên mình ra sân khấu. Chàng từ phía sau bức màn nhung nhìn thẳng về phía trước, những đầu người dày đặc, những balcon dành riêng cho khách thượng hạng, những khán giả ăn mặc đúng mốt, đúng thời. Trên sân khấu, một nữ diễn viên giọng Soprano đang dùng giọng ca truyền cảm hát một khúc nhạc chàng không biết, chàng vén nhẹ một góc bức màn, từ góc độ đó, chàng có thể nhìn thấy được những diễn viên trên sân khấu, quả thực, đây là một ca kịch viện đại quy mô, có rất nhiều diễn viên trên sân khấu, thế nhưng dưới những bộ y phục sân khấu và son phấn hóa trang, chàng thật sự không thể nào nhìn ra được Chí Viễn đang đứng ở góc nào trên đó!
Y phục sân khấu? Son phấn hóa trang? Trong đầu chàng hơi có chút rối loạn! Chàng chưa bao giờ nhìn thấy Chí Viễn với son phấn hóa trang trên mặt, hẳn là không dễ gì nhận ra chàng. Buông nhẹ bức màn xuống, chàng đứng thẳng người, bắt đầu đứng ngẩn ngơ ở đó, bàng hoàng nghĩ ngợi.
Đột nhiên, chàng nhìn thấy Chí Viễn!
Đúng vậy, đó là Chí Viễn, không phải ở phía trước sân khấu, không phải ở phía trên sân khấu, mà là ở hậu trường! Chí Viễn đang đi thẳng về hướng chàng đang đứng, trên lưng chàng vác một cây cột dàn cảnh thật to, đang chuẩn bị đi vào khu nhà chứa các dụng cụ sân khấu. Trong khoảnh khắc cả hai anh em cùng chạm mặt nhau đó, cả hai người đều cùng chấn động đến cực điểm, cây cột dàn cảnh đó suýt chút đã từ trên lưng Chí Viễn lăn đùng xuống đất, chàng vội vàng dùng hai tay giữ chặt lại, những ngón tay của chàng bấu thật chặt trên cây cột. Tuy rằng đó là cây cột giả, nhưng hiển nhiên nó cũng không nhẹ gì cho lắm, phần lưng Chí Viễn bị sức nặng đó đè đến cong cong xuống! Chàng đã đứng dừng lại, sắc mặt trắng bệch, hơi thở gấp rút, trừng trừng nhìn vào Chí Tường.
Đây chính là câu trả lời cho tất cả những bí mật! Không phải là đại diễn viên, không phải là vai phụ, không phải là vai phụ trong những vai phụ, không phải là người hát hòa âm... không phải là gì cả! Chàng là một công nhân của ca kịch viện, một công nhân khuân vác, làm những công việc lặt vặt của ca kịch viện! Đây chính là câu trả lời, đây chính là tất cả! Đây chính là nguyên nhân chàng không cho Chí Tường đến ca kịch viện!
Chí Tường cảm thấy một dòng máu nóng từ ngực chàng xông thẳng lên não, trong nhất thời, chàng cảm thấy mình không có cách chi đứng lại ở đó, không có cách chi đối diện với Chí Viễn, càng không có cách chi nghe tiếng vỗ tay đang đột nhiên vang lên như sấm nỗ ở phía dưới sân khấu ngoài kia... từ trong cổ họng chàng, phát ra một tiếng kêu bi thương, quay phắt người lại, chàng chạy như điên như cuồng ra khỏi ca kịch viện.
Chí Viễn buông cây cột trên tay xuống, kêu lên một tiếng:
- Chí Tường!
Chí Tường đã xông ra đến ngoài đường lớn, gió Thu lạnh ngắt thổi tạt vào mặt, làm cho sợi dây thần kinh nào đó trong đầu chàng tỉnh táo lại đôi chút, chàng đút hai tay vào túi áo khoác, cất bước thất thểu đi về phía trước. Sau đó, chàng nghe có tiếng bước chân đuổi theo, Chí Viễn đã rượt theo chàng, hơi thở hào hển.
Chí Viễn đi đến bên chàng, kêu lên:
- Chí Tường!... Xin lỗi em, đúng lý ra, anh không nên dấu em, thật sự, ngày đầu tiên em đến đây, anh đã định nói, thế nhưng, anh không có cách chi nói được nên lời!...
Chàng hả miệng hớp vào một hơi dài lạnh lẽo, giọng chàng vang lên trong làn gió đêm nghe thật yếu ớt và tội nghiệp:
- ... Anh đã gạt em, gạt ba mẹ, anh không hề lấy được một mảnh bằng nào hết, anh không hề tốt nghiệp ra trường... anh chỉ là một người công nhân! Buổi chiều, anh làm việc ở một công xưởng, buổi tối làm ở ca kịch viện! Đó là bộ mặt thật của anh! Em biết là ở ngoại quốc, đời sống không phải dễ dàng...
Giọng chàng càng nói càng thấp, cuối cùng nghẹn hẳn lại.
Làm công nhân ở công xưởng! Khuân vác phông cảnh ở ca kịch viện! Trời ạ! Chí Tường cắn chặt hàm răng, không có cách chi mở miệng được, Chí Viễn đưa tay kéo lấy chàng, quay mặt chàng lại đối diện mình. Dưới ánh đèn, Chí Viễn nhìn thấy hai dòng lệ, đang từ trong khóe mắt của Chí Tường lăn dài xuống má.
Chàng khàn giọng nói:
- Chí Tường! Làm công nhân cũng không đến đổi xấu hổ như em tưởng tượng đâu...
- Không! Không phải!...
Rút cuộc rồi Chí Tường cũng kêu lên được thật to, chàng cảm thấy có một luồng sức nóng, như đang xé tung lồng ngực chàng, xông thẳng ra ngoài:
- ... Không phải xấu hổ! Không phải! Em đang nghĩ đến, là những số tiền anh liên tục gửi về, lệ phí của em, cái trường học quý tộc đáng ghét mà em đang theo học, và số tiền 5000 lira mà anh để lại cho em chiều nay!
Chí Viễn nhìn chàng, gương mặt trắng bệch khôi phục lại sắc hồng thật nhanh chóng, đôi mắt chàng lấp lánh dưới ánh đèn đêm:
- Anh gánh vác nổi, Chí Tường, em yên tâm, anh gánh vác nổi mà! Chỉ cần em lo học hành cho đàng hoàng, tất cả những chuyện khác em không cần biết tới! Thằng anh của em vẫn còn rất khỏe mạnh, rất rắn chắc, em xem nè, bắp thịt của anh còn dẻo dai biết mấy!
Chí Tường cảm thấy mình sắp nổ tung đến nơi, chàng đưa tay vịn vào một vật gì đó bên cạnh mình, vật đó lạnh lẽo, cứng nhắc, bất giác, chàng ngẩng đầu lên nhìn, thì ra anh em chàng đã vô tình đi đến trước bia đá kỷ niệm những anh hùng vô danh, chàng đang vịn vào một tượng đá không tên, bức tượng đó được làm bằng đá hoa cương trắng, chiếc đầu màu trắng đang hướng về phía trời cao tăm tối một cách nghiêm trang, tề chỉnh, dưới ánh trăng mờ ảo, bức tượng hiện lên một nét đẹp u uất, hùng tráng và thê lương.
Chàng tựa đầu mình vào trên nền đá hoa cương lạnh lẽo của bức tượng không tên đó. Chí Viễn đưa tay ra ấn lên vai chàng, giả vờ nói như thật vui vẻ:
- Thay vì làm một vai phụ trong những vai phụ, thà rằng làm một công nhân còn hơn, em nói phải không?
Gió đêm từ phía quảng trường Venezia trống trải thổi đến, hơi lạnh căm căm.

<< CHƯƠNG 4 | CHƯƠNG 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 861

Return to top