Tôi đã quên không hỏi xem nó đã làm gì trong thời gian ở quân đội, sẽ có một hôm hoặc một dịp nào đó tôi đặt ra câu hỏi đó với nó. Nó không ngớt ca ngợi việc ăn uống (khá hơn nhiều so với những gì ngưòi ta cho chúng tôi ăn ở nhà!), coi chuyện lao dịch là "vô cùng có ích về mặt sư phạm" và việc tiếp xúc với dân chúng "bổ ích một cách kì diệu". Tóm lại, tôi miễn phải hỏi lại nó. Cả đêm không chợp được mắt, nó sẽ cựa quậy trên chiếc giường ở trường Dòng của nó, bị dằn vặt vì hối hận, tự hỏi dù sao cũng sẽ phải đến tôi hay không. Tôi sẽ nói với nó là theo tôi tốt hơn cả là nó nên đi học thần học ở Bắc Mĩ hoặc ở Moscow, bất cứ ở đâu trừ ở Bonn. Tại sao nó không hiểu rằng, ở đây, giữa một Sommerwild và một Blothert, không có chỗ cho nó đặt tên cho cái nó gọi là đức tin của nó? ở Bonn, một Schnier quy đạo và còn gửi gắm số phận của mình cho giáo chức thì sẽ chỉ là để làm tăng thị giá chứng khoán. Tôi sẽ phải nói chuyện với nó về những vấn đề này một lần cho xong, tốt nhất là vào "đúng ngày" của mẹ chúng tôi. Chúng tôi, những đứa con phản bội, chúng tôi sẽ vào trong bếp ngồi với Anna uống cà phê và gợi lại những thời xa xưa, những thời oanh liệt khi đó trong vườn nhà chúng tôi người ta tập ném lựu đạn chống tăng và có những chiếc xe hơi của lực lượng phòng thủ - khi chúng tôi buộc phải để cho quân đội đến ở nhà chúng tôi - đậu trước hàng rào. Một sĩ quan - có lẽ là một thiếu tá - cùng với các hạ sĩ quan và binh lính, xe có cờ hiệu v.v... tất cả những anh chàng này chỉ mơ tưởng đến trứng rán, rượu cognac, thuốc lá và đùa cợt nhả nhớt với những người hầu gái dưới nhà bếp. Tuy nhiên thỉnh thoảng họ cũng tỏ ra nghiêm chỉnh và lên mặt quan trọng: họ xếp thẳng hàng trước nhà trong khi tay sĩ quan, rất tự hào về bản thân, một tay nhét vào bên trong áo khoác như một diễn viên tồi đóng vai một đại tá trước khi gào lên một điều gì đó quan hệ đến "chiến thắng cuối cùng". Cảnh tượng thật khó chịu, buồn cười và phi lí biết nhường nào. Và khi có tin đồn là bà Wieneken cùng với một số bà khác ban đêm đã bí mật luồn rừng, vượt giới tuyến quân Đức và quân Mĩ, đi đến nhà một người anh của bà ta để kiếm bánh mì, ông ta là chủ nhà hàng bánh mì ở phía bên kia, thì vẻ quan trọng của các ngài trở nên vô cùng đáng sợ. Tay sĩ quan có ý định đem xử bắn Wieneken và hai trong số các bà cùng đi vì tội gián điệp và phá hoại (bà Wieneken trong khi bị hỏi cung đã thú nhận là có nói chuyện ở phía bên kia với một người lính Mĩ). Nhưng lúc đó - lần thứ hai trong đời ông, nếu tôi không nhầm - bố tôi đã tỏ ra cương quyết: ông đã đánh tháo các bà ra khỏi nhà giam tạm thời, xưởng giặt ở nhà chúng tôi, và đem giấu họ vào nhà thuyền bên bờ sông. Với một sự can đảm thật sự, ông chửi mắng tay sĩ quan và tay này cũng không thua ông về mồm miệng. Thật tức cười, tay sĩ quan với các huân chương nảy lên ở trên ngực vì phẫn nộ, trong khi mẹ tôi, với giọng dịu dàng của bà, nói: "Thời này, các ngài, dù sao cũng cần phải có giới hạn chứ!" Tóm lại, điều duy nhất nặng nề đối với bà trong trường hợp này là phải nghe hai "ngài" chửi mắng nhau. Bố tôi gào lên: "Nếu cần thì bắn tôi trước khi động vào các bà ấy... bắn đi...!" và cởi khuy áo, ông đưa ngực ông ra trước mặt tay sĩ quan. Nhưng quân Mĩ đã tiến đến bờ sông Rhin; binh lính phải rút chạy và các bà có thể ra khỏi nhà thuyền. Thực ra, cái làm cho tên sĩ quan này trở nên lố bịch, chính là những huân chương của hắn. Có lẽ nếu không có chúng, hắn còn có thể giữ được phần nào phẩm giá. Khi tôi thấy, vào "ngày nhất định" của mẹ tôi, tất cả những gã thảm hại ấy trưng ra những huân chương của chúng. Tôi không thể không nghĩ đến tay sĩ quan nọ, ít ra so với hắn thì tấm huân chương của Sommerwild: Pro ecclesia(1) và cái gì đó cũng tạm chấp nhận được. ít ra Sommerwild cũng đã hoàn thành một công trình bền vững cho nhà thờ của hắn: hắn giúp đỡ chu đáo các "nghệ sĩ" của nhà thờ. Hơn nữa hắn có đủ nhận thức để thấy các huân chương "tự nó" là cái gì đáng buồn. Hắn chỉ đeo huân chương vào dịp đi rước, dự các buổi lễ long trọng và các buổi thảo luận được truyền hình. Đối với hắn, như vậy cũng làm mất đi ở hắn sự bẽn lẽn còn sót lại, dù sao ta cũng phải công nhận hắn không hoàn toàn vô liêm sỉ. Nếu thời đại của chúng ta được gọi tên, thì phải gọi nó là: thời đại của sự đồi bại. Người ta đã quen với từ ngữ của các cô gái điếm. Hôm sau ngày có cuộc thảo luận được truyền hình về "nghệ thuật hiện đại có mang tính tôn giáo hay không?" mà Sommerwild tham gia, tôi gặp hắn ở ngoài phố. Hắn lập tức hỏi tôi: "Trông tôi có được không? Anh thấy tôi có được không?" Đúng là loại câu hỏi một gái điếm đặt ra với khách hàng sau hoạt động. Để cho được đầy đủ cần thêm: "Nhất là đừng quên giới thiệu em với bạn bè của anh". Hôm đó, tôi trả lời hắn: "Chưa bao giờ thấy anh có gì là hay, là tốt, nên hôm qua tôi không thể thấy có gì hay, tốt ở anh cả". Hắn có vẻ khổ sở vì câu nói của tôi mặc dầu khi nói tôi đã rất gượng nhẹ trong việc diễn đạt ấn tượng hắn gây ra cho tôi. Đơn giản là tôi thấy thật tởm. Thích thú với trò trí tuệ rẻ tiền, hắn đã "quay" người đối thoại với hắn, một đảng viên Xã hội hơi vụng về, ít ra cũng đã đạt được ý đồ biến ông ta thành một tên đần độn. Sau khi đã xảo trá hỏi: "Vậy là ông coi phong cách đầu tiên của Picasso(1) như là nghệ thuật trừu tượng?" hắn chỉ trích thậm tệ người đối thoại khốn khổ tóc hoa râm này trước mười triệu khán giả khi ông ta lẩm nhẩm điều gì đó vì "sự dấn thân", bằng cách tung ra "a, chắc là ông muốn nói về nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, kể cả chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa?".
Sáng hôm sau, gặp hắn ở ngoài đường, tôi tuyên bố là tôi thấy hắn tồi, lúc ấy tôi có cảm tưởng tôi đã huỷ hoại một con người. Chỉ một trong mười triệu khán giả có nhận xét không tốt về hắn cũng đủ tác động dữ dội đến tính kiêu căng của hắn. Nhưng bù lại hắn đã được toàn thể báo chí Cơ Đốc giáo nhất loạt tâng bốc là hắn, báo chí nói, đã dành được một thắng lợi lớn vì "chính nghĩa".
Tôi châm một điếu-trước-điếu thuốc lá cuối cùng của tôi rồi, nhấc lên cây ghi ta, vừa bật lên vài nốt nhạc trong khi còn nghĩ xem sẽ kể lại và hỏi thêm Léo điều gì nữa. Tôi chỉ cần nói chuyện nghiêm túc với nó, thì có thể nó sẽ dứt khoát được hoặc tiếp tục chuẩn bị thi tú tài hoặc sợ một Scrutinium. Tôi cũng tự hỏi xem có nên hát hay không các bài Kinh Cầu nguyện. Có lẽ tốt nhất là nên thôi. Chỉ cần có người nào đó có ý nghĩ cho tôi là tín đồ Cơ Đốc giáo, là bọn họ sẽ tức khắc tuyên bố tôi là "người của họ" và từ đó tung ra một đơn tuyên truyền hay ho (họ luôn luôn sẵn sàng lợi dụng nói chuyện), từ đó không tránh khỏi khối sự hiểu lầm và những tình tiết rắc rối, lộn xộn. Sẽ không ai hiểu được rằng, dù không thuộc giới Cơ Đốc giáo, tôi đơn giản hoàn toàn tìm thấy cái đẹp trong các bài Kinh Cầu nguyện và có cảm tình với người nữ Do Thái trẻ mà những bài kinh ấy được dâng lên. Chúa cũng biết là bằng mưu mẹo nào họ phát hiện ra ở tôi hàng triệu những catholon trước khi lôi tôi ra trước máy truyền hình... và làm tăng vọt thị giá chứng khoán. Tôi sẽ phải tìm ra một bài hát khác, thật đáng tiếc... thật ra tôi rất muốn hát các bài Kinh Cầu nguyện, nhưng ở thềm sân ga Bonn, việc này sẽ chỉ đẻ ra sự lộn xộn. Đáng tiếc! Tôi đã chuẩn bị kỹ bài hát, chưa kể là tôi còn đệm đàn ghi ta rất tuyệt, ora pro nobio!
Tôi đứng dậy đi hoàn tất việc chuẩn bị ra sân khấu. Zohnerer, ông bầu của tôi chắc chắn sẽ không thể không "bỏ rơi" tôi khi tôi chỉ mới bắt đầu cất lên tiếng hát của tôi, đệm đàn ghi ta, trên đường phố. A, nếu tôi đã "thực sự" hát những bài Kinh Cầu nguyện, Tantum Ergo và tất cả những bài tôi đã chuẩn bị từ nhiều năm khi nằm duỗi người ra trong bể tắm của tôi, thì có thể ông đã "chấp thuận": dù sao cũng là một nguồn lợi tốt, gần như là việc họa các bức tranh Đức Mẹ. Tôi có đủ lí do để tin rằng tình bạn của ông ta đối với tôi là chân thành - những đứa con của thế kỉ có lòng nhân ái hơn là những đứa con của ánh sáng - "Theo cách buôn bán" tôi sẽ là người bỏ đi đối với ông ta từ cái giờ phút tôi ngồi ở thềm sân ga Bonn.
Tôi lại đã có thể đi không khập khễnh. Như vậy không còn cần phải lúng túng với chiếc thùng đựng cam nữa, chỉ cần một chiếc tràng kỉ cắp bên cánh tay trái, cây ghi ta bên cánh tay phải... và bắt đầu công việc! Tôi hãy còn hai điếu thuốc lá: có thể hút một điếu, còn một điếu làm mồi nhử đặt trong lòng chiếc mũ màu đen của tôi. Nếu mà có một đồng tiền đặt bên cạnh điếu thuốc! Tôi lục hai bên túi quần, lộn ngược túi ra: vài chiếc vé xem phim, một quân cờ tào cáo, một khăn tay bằng giấy nhem nhuốc, nhưng không có tiền. Tôi lại mở ra ngăn kéo tủ quần áo ở phòng ngoài: một bàn chải quần áo, một tờ biên lai Semaine Religieuse(1) của thành phố Bonn, một chai bia, nhưng không có tiền. Tôi tiếp tục lục lọi tất cả các ngăn bếp (vô ích), rồi các ô ngăn kéo ở trong phòng ngủ: cúc áo và các gọng căng cổ áo, măng sét, bít tất, khăn tay, nhưng không có tiền. Cũng không có gì trong túi chiếc quần vải màu xanh. Hoàn toàn không có gì. Lôi ra chiếc quần xám sẫm màu, tôi bỏ thõng nó xuống sàn như một tấm lông thỏ lột, cả chiếc sơmi trắng, rồi mặc vào chiếc quần màu xanh và chiếc áo sợi đan màu lơ da trời: tuyệt! chưa bao giờ trông tôi đẹp mã đến như thế. Tôi trát lên mặt một lớp phấn quá dầy. Từ ngày bỏ vương vãi các ống bột ấy, chất dầu đã khô đi, và kem phấn trên mặt tôi đã tróc ra, để lộ những đường nứt như mặt một bức tượng người ta mới đào lên. Bộ tóc đen trên đầu tôi hơn bao giờ hết trông như bộ tóc giả. Tôi bắt đầu lâm râm một điệu thoáng xảy ra trong đầu: Giáo hoàng Jean tội nghiệp, dù CDU có nói như thế nào, cũng không phải là con lừa trong ngụ ngôn và không thể vì thế mà trở thành con bò sữa. Không phải là một sự khởi đầu tồi, và ủy ban Trung ương chống tội phạm thánh không thể có ý kiến gì được ở đây. Tôi sẽ còn sáng tác thêm nhiều đoạn và gộp tất cả lại thành một điệu balát. Tôi sẵn sàng khóc rơi nước mắt, nhưng vướng hoá trang, những giọt nước mắt sẽ làm hỏng sự hoàn chỉnh của lớp kem phấn nứt nẻ, bong tróc. Có thể sẽ khóc sau khi công việc đã xong xuôi, nếu vẫn còn muốn. Thói quen nghề nghiệp là sự bảo vệ tốt nhất, chỉ các Thánh và những người không chuyên mới có thể bị đánh đập đến chết. Lùi xa ra khỏi mặt gương, tôi tự rút sâu hơn vào chính mình, đồng thời lại tự tách ra khỏi mình. Nếu, sau khi thấy tôi trong trạng thái này, Marie còn có thể dùng bàn là tẩy đi những vết sáp trên bộ đồng phục kỵ sĩ thành Malte của chồng em, thì sẽ là sự kết thúc, em sẽ chết và chúng ta sẽ chia li. Tôi có thể sẽ khóc trên mộ em... Miễn là họ đều có đủ tiền lẻ khi họ đi qua trước mặt tôi: Léo hơn một đồng groschen chút ít; Edgar Wieneken từ Thái Lan trở về có thể có một đồng tiền vàng cổ; và ông nội ở Iochia về, chắc sẽ cho tôi một tấm séc gạch chéo. Thời gian qua tôi đã học được cách đổi các tấm séc của ông thành tiền mặt. Mẹ tôi có thể thấy là hợp lí khi cho tôi từ hai đến năm pfenning, và Monika Silvs có lẽ sẽ cúi xuống ôm hôn tôi, còn Sommerwild, Kinkel và Fredebeul, thấy cách thức của tôi là bất nhã, thực chất nhằm để gây nên sự phẫn nộ, một điếu thuốc cũng không thèm quẳng vào trong mũ của tôi.
Thỉnh thoảng, khi người ta không đợi chuyến tàu nào từ phía Nam tới trong nhiều giờ nữa, tôi sẽ phóng xe đạp đến chỗ Sabine Emonds ăn một đĩa xúp. Có thể Sommerwild sẽ gọi cho Zỹpfner ở Rome, khuyên hắn nên xuống tàu ở Godesberg; trong trường hợp đó, bằng xe đạp, tôi sẽ đến ngồi trên thảm cỏ trước ngôi biệt thự có khu vườn bố trí theo chiều dốc xuống, hát lên bài hát của tôi. Marie sẽ đi ra, sẽ nhìn tôi và sẽ chết hoặc sống. Trong tất cả bọn họ, bố tôi là người duy nhất có thể làm tôi đau lòng, ông thật đã rất tốt vì đã cứu sống được ba người phụ nữ mà tay thiếu tá đã muốn đem xử bắn và thật rất tốt đã đặt bàn tay ông lên vai tôi. Lúc đó, mặt tôi hóa trang- tôi thấy nó phản chiếu trong gương - trông tôi không chỉ giống ông mà là người giống hệt ông, và bây giờ tôi hiểu ra là vì sao việc quy đạo của Léo đã làm ông phẫn nộ. Còn đối với Léo, tôi thấy không có gì phải thương hại: nó có đức tin của nó.
Khi tôi xuống thang máy, chưa đến chín giờ ba mươi, chợt nhớ đến con người rất ngoan đạo, O. Kostert, còn nợ tôi một chai rượu và sự chênh lệch giữa một vé tàu hạng nhất với một vé tàu hạng nhì, tôi tự hứa với mình là sẽ gửi cho hắn một bức thiếp không dán tem để ít nhiều trừng phạt lương tâm hắn. Hơn nữa, hắn còn phải chuyển đến cho tôi vé hành lí... May ra có thể không phải chạm trán bà hàng xóm cùng tầng, bà Grebsel xinh đẹp, nếu không tôi lại sẽ phải phân vua đủ thứ với bà ta. Nếu bà ta thấy tôi ngồi ở thềm sân ga thì sẽ không còn gì để nói nữa... Tôi chỉ còn thiếu tấm bưu thiếp của tôi: cục than bánh.
Tối tháng Ba, bên ngoài trời mát. Tôi kéo cổ áo vét lên, đội mũ vào và kiểm tra lại xem có đúng còn điếu thuốc lá cuối cùng hay không. Sao lại không nghĩ đến việc mang theo chai cognac nhỉ? Nó có tác dụng trang trí, nhưng nghĩ lại tôi thấy nhãn hiệu nhận ra được ở nút chai của nó có thể làm hại tôi: không ai lại đi cho tiền một tay chơi sang với rượu cognac loại ấy. Chiếc gối tựa bên cánh tay trái và cây ghi ta bên cánh tay phải, tôi tìm đường ra ga. Chỉ trên đường đi tôi mới nhận ra một vài dấu hiệu thời kì mà ở đây người ta coi là "điên loạn ". Một cậu thiếu niên chuyếnh choáng hơi men, hoá trang Fidel Castro, tìm cách lôi kéo tôi, nhưng tôi tránh đi. ở thềm sân ga, một tốp matadors và Dones(1) Tây Ban Nha đứng đợi xe taxi. Tôi quên mất là đương có hội carnaval(2). Như vậy thật ổn đối với tôi. Không ở đâu một tay chuyên nghiệp che giấu mình tốt hơn là ở giữa những người không chuyên. Sau khi đã đặt chiếc gối tựa vào bậc thứ ba từ dưới lên ở thềm sân ga, tôi ngồi xuống, bỏ mũ ra, đặt vào đó, điếu thuốc lá cuối cùng: không quá đúng giữa, không quá sát vành mũ, như thế nó được rơi từ trên xuống. Rồi tôi cất tiếng hát: Giáo hoàng Paul tội nghiệp... Không ai nhìn ngó gì tôi, như vậy càng hay. Trong vòng một hoặc hai tiếng đồng hồ sau, tôi sẽ gây cho họ sự tò mò. Khi nghe thấy tiếng phát thanh viên từ trong ga, tôi ngừng hát: người ta báo trước một chuyến tàu từ Hambourg đến. Tôi trở lại với bài hát của tôi. Khi đồng tiền đầu tiên rơi vào trong mũ của tôi, tôi giật nảy mình khiếp sợ: đó là một đồng groschen. Nó chạm vào điếu thuốc, đẩy điếu thuốc hơi lệnh quá về phía vành mũ. Tôi đặt lại điếu thuốc, không ngừng hát bài hát của tôi.
- Đâu là chỗ khác nhau? Hẳn là Besewitz tinh tế hơn tôi và đối với các ông hắn là công cụ quan trọng truyền đức tin!
------------
(1) Vì giáo hội.
(1) Picasso (1887-1973): Họa sĩ, nhà hình học, nhà điêu khắc nổi tiếng Tây Ban Nha, tác giả bức Guernica (1937).
(1) Tuần lễ tôn giáo.
(1) Các tay đấu bò tót và các bà (hóa trang).
(2) Hội trước mùa chay Cơ Đốc giáo.