Khi chuông telephon kêu, tôi hơi phân vân một lúc. Thực ra tôi chỉ đợi có tiếng chuông ở cửa để ra đón Léo. Đặt cây ghi ta xuống, chăm chăm nhìn vào máy nói rồi nhấc ông nghe lên:
- Alô?
- Hans phải không? Léo hỏi.
- Phải anh rất vui là em sẽ đến!
Không có câu trả lời, mà là một tiếng ho húng hắng. Tôi đã không nhận ra ngay được tiếng của nó.
- Em có tiền cho anh đây, cuối cùng nó nói.
Tiền - từ đó vang lên một cách lạ thường. Đúng là Léo có những ý nghĩ kì lạ về vấn đề tiền nong. Có thể nói là nó không có nhu cầu gì về tiền: không hút thuốc, không uống rượu, không đọc một tờ báo buổi chiều nào và chỉ đi xem phim khi ít nhất có năm người nó hoàn toàn tin tưởng giới thiệu cuốn phim. Điều đó xảy ra cứ hai hoặc ba năm một lần. Nó thích đi bộ hơn là đi xe điện. Khi nó nói đến tiền, tôi lại chìm đắm trong u sầu. Nếu nó nói có "một ít" tiền, tôi sẽ biết đó là hai hoặc ba mác. Nuốt nước bọt, tôi hỏi với giọng khàn khàn vì thấp thỏm.
- Bao nhiêu?
- Ô, nó nói, bảy mươi mác!
Với nó, tôi cho đó là một số tiền rất lớn nó có thể có được, người ta gọi đó là số tiền cho nhu cầu cá nhân, có thể kéo dài được trong hai năm: Thỉnh thoảng một vé ra sân ga, một thỏi kẹo bạc hà, một groschen cho người ăn xin. Nó cũng chẳng cần có diêm và nếu phải mua một hộp để, nếu nhỡ ra, cần phải châm thuốc lá cho "các cấp trên" của nó, thì cũng phải cả năm mới hết, ấy là còn phải luôn luôn dắt theo trong túi, trông vẫn còn như mới. Tất nhiên thỉnh thoảng nó cũng phải đến hiệu cắt tóc, nhưng nó có thể trích tiền ở "kinh phí học tập" do bố tôi chi. Trước kia, nó cần phải bỏ tiền ra mua vé cho các buổi hòa nhạc, mặc dầu đại bộ phận các lần là do mẹ tôi ưu tiên mua cho nó. Người giàu thường nhận được tặng phẩm nhiều hơn so với người nghèo, và cái mà người giàu bắt buộc phải bỏ tiền ra mua thì nói chung là họ mua được với giá rẻ. Mẹ tôi có cả một danh sách những người bán buôn và tôi không có gì phải ngạc nhiên khi biết là bà được mua tem thư bán hạ giá. Bảy mươi mác, đối với Léo là một số tiền đáng kể. Đối với tôi lúc này cũng thế, nhưng tất nhiên nó còn chưa biết là tôi đương "nhất thời không phương cứu chữa" như người ta thường nói ở nhà chúng tôi.
- Thật tuyệt vời, Léo, rất cám ơn em... Em sẽ mua mang đến cho anh một bao thuốc chứ?... Tôi nghe thấy nó ho húng hắng, và vì nó không trả lời, tôi nói tiếp: em có nghe không đấy?
Có thể tôi đã làm nó khó chịu vì đã muốn dùng ngay tiền của nó để mua thuốc lá.
- Được, được, nó nói, nhưng vì... nó ấp úng, nói lắp bắp: em không, nói với anh thế nào... em không ... em không thể đến được...
- Sao? Tôi kêu lên, em không thể đến được sao?
- Đã chín giờ kém mười lăm và chín giờ em đã phải có mặt ở trường.
- Nếu em về chậm thì bị rút phép thông công à?
- Em xin anh, nó nói có vẻ phật ý.
- Em không thể xin được một giấy phép hoặc cái gì tương tự hay sao?
- Muộn quá rồi. Có lẽ phải đến trưa mai mới xin phép được.
- Và nếu đúng em có về chậm, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
- Em sẽ bị adhortation(1) rất nghiêm khắc, nó nói nhẹ nhàng.
- Anh không nhớ nhiều lắm tiếng Latinh, tôi nói, nhưng nghe em nói như là về chuyện một cái vườn!
Nó như muốn mỉm cười:
- Một cái máy xén cỏ thì đúng hơn!... Khá khó chịu đấy, anh ạ.
- Nào, thây kệ, anh không muốn bắt buộc em phải chịu cái chuyện... Nhưng em biết không, Léo, sự có mặt của một con người sẽ rất tốt đối với anh lúc này.
- Sẽ khá rắc rối, em muốn anh hiểu cho em. Không phải em sợ bị adhortation, nhưng giả dụ em bị thêm một lần nữa trong tuần này, thì việc sẽ được ghi vào hồ sơ của em, và như vậy em sẽ phải báo cáo lên scrutinium(2).
- Lên cái gì?... nói chầm chậm xem nào.
Nó thở dài, khẽ càu nhàu, rồi chậm rãi nhắc lại:
- Scrutinium.
- Trời ơi, Léo! Người ta có thể nghĩ đó là sự phân tích côn trùng!... và còn cái chuyện hồ sơ, thế ra giống như ở IR.9 của Anna à? ở cái trường đó cũng thế, mọi việc đều được ghi vào hồ sơ, y như đối với những tên có lí lịch tư pháp vậy?
- Em xin anh, Hans, chúng ta không nên trong vài phút còn lại, đi cãi nhau chung quanh vấn đề hệ thống giáo dục của chúng em.
- Thôi vậy, nếu điều đó làm em phiền lòng. Nhưng phải có một cách nào khác... anh muốn nói: một cách đánh lạc hướng... nhảy qua tường hoặc làm cái gì tương tự, như ở IR.9. Có nghĩa là anh muốn góp ý với em, dù chặt chẽ đến đâu hệ thống nào cũng có những sơ hở của nó.
- Vâng, có đấy, như ở trong quân đội, nhưng em ghê tởm chuyện đó: em muốn xử sự đứng đắn.
- Chẳng lẽ em không thể vì anh mà vượt qua được sự ghê tởm ấy, chỉ một lần nhảy qua tường!
Nó thở dài và có lẽ còn lắc đầu:
- Không thể để đến ngày mai được hay sao? Nếu cần em có thể vắng mặt trong buổi nghe nói chuyện và đến anh vào hồi chín giờ. Chẳng lẽ khẩn cấp đến như vậy? Anh mới đến Bonn có mấy tiếng đồng hồ.
- Không phải thế, anh sẽ còn ở lại đây một thời gian. Nhưng ít ra hãy cho anh địa chỉ của Heinrich Behlen, anh muốn gọi cho ông ta. Có thể từ Cologne hoặc từ đâu đó ông ấy sẽ đến được chỗ anh. Anh bị thương ở đầu gối, em biết không, không có tiền, không có hợp đồng... và không có Marie. Ô, từ giờ đến mai, tình cảnh của anh cũng chẳng có gì thay đổi, tất nhiên: anh vẫn còn bị thương, không có tiền, không có hợp đồng và không có Marie... như vậy chẳng có gì là khẩn cấp cả. Nhưng có lẽ, thời gian qua, Heinrich đã là cha xứ và có thể ông ta đã có được một cái gì đó như một chiếc xe máy? Em nghe đấy chứ?
- Vâng, nó trả lời giọng mệt mỏi.
- Cho anh địa chỉ của ông ấy đi, và số telephon của ông ta.
Nó không trả lời, nhưng thở dài như một linh mục đã ở phòng nghe xong tội cả một thế kỉ, não ruột vì những tội lỗi và sự điên rồ của nhân loại.
- A, cuối cùng nó nói, hẳn đã phải có một sự cố gắng để tự chủ, anh không biết gì ư?
- Cái gì, em nói đi, Léo, nói rõ xem!
- Heinrich không còn là linh mục, nó nói thì thầm.
- Anh tưởng là người ta vẫn có thể là linh mục khi còn hơi thở, bao nhiêu lâu cũng được.
- Tất nhiên, nhưng ông ta không còn sử dụng giáo chức của ông ta nữa. Ông ấy đã bỏ đi... đi biệt tích nhiều tháng nay, không để lại dấu vết.
Rõ ràng phải khó nhọc lắm nó mới thổ lộ ra được với tôi điều bí mật này.
- Chà! Tôi nói, cuối cùng rồi ông ta cũng sẽ lại xuất hiện... rồi, một ý nghĩ chợt đến với tôi: ông ta ra đi một mình? Tôi hỏi.
- Không phải, Léo trả lời thiểu não, ông ta ra đi với một cô gái.
Nghĩ đến cô gái, tôi thấy thương hại cho cô ấy. Cô ta chẳng phải là một tín đồ Cơ Đốc giáo và đau khổ vì phải sống trong một phòng khách sạn nào đó với một linh mục hoàn tục, chịu đựng tất cả những chuyện vụn vặt, bên cạnh "sự ham muốn xác thịt", quần áo bừa bãi, dải đeo quần, đĩa đầy mẩu thuốc lá, vé xem phim đã xé... và bắt đầu thấy tiền nong khan hiếm,... và mỗi khi xuống quầy lấy bánh mì, thuốc lá hoặc một chai rượu, cô ta sẽ chạm trán với một bà chủ khách sạn nào đó có bộ mặt quàu quạu. Cô cũng không thể nói: "Chồng tôi là một nghệ sĩ, phải, một nghệ sĩ!" Tôi thấy thương cho cả hai người, nhưng thương cô gái hơn so với Heinrich. Trường hợp này, đối với một phó linh mục không đáng chú ý như ông ta, các nhà chức trách nhà thờ hẳn phải có cách đối xử thật nghiêm khắc để làm gương. Nếu là Sommerwild, họ sẽ nhắm mắt làm ngơ. Nhưng cô giúp việc cho Heinrich không phải là một cô gái da vàng khè, trái lại đó là một cô gái phơi phới, xinh tươi có tên là Maddalene, một cô nấu ăn xuất sắc, lúc nào cũng chải chuốt và nhí nhảnh hồn nhiên.
- Nếu vậy, tốt hơn là anh không nhờ đến ông ta lúc này!
- Trời, Léo kêu lên, sao anh có thể coi nhẹ vấn đề đến như vậy.
- Thế em muốn thế nào, anh không phải là đức giám mục của Heinrich, cũng không có gì liên quan trực tiếp đến câu chuyện. Chỉ những chuyện bên rìa làm anh băn khoăn thôi. ít ra em cũng có địa chỉ của Edgar hoặc số telephon của anh ta chứ?
- Edgar Wieneken à?
- Phải. Em còn nhớ anh ta chứ? Các cậu đã gặp nhau tại nhà chúng ta ở Cologne. Hơn nữa, khi còn nhỏ, chúng ta cùng đến vui đùa ở nhà bố mẹ anh ấy và chén xà lách trộn khoai tây.
- Em nhớ, tất nhiên. Nhưng theo em biết, Wieneken lúc này không ở Đức: Có người nói là anh ấy tham gia một đoàn nghiên cứu nào đó, ở ấn Độ hoặc ở Thái Lan, em không biết chính xác.
- Em biết chắc không?
- Phải, gần như thế... à, em nhớ ra rồi, chính Heribert đã nói với em như thế.
- Ai? Tôi hét lên, ai nói với em?
Không có tiếng trả lời. Cũng không có tiếng thở dài. Bây giờ thì tôi đã biết lí do tại sao nó không chịu đến gặp tôi.
- Ai? Tôi lại hét lên, nhưng vẫn không có tiếng trả lời.
Nó đã quen cái kiểu ho húng hắng ở phòng xưng tội, tôi cũng đã thỉnh thoảng nghe thấy khi tôi đứng đợi Marie ở nhà thờ.
- Tốt hơn là ngày mai, tôi nói nhẹ nhàng, em cũng không phải đến anh nữa. Cũng đáng tiếc nếu em phải bỏ cuộc nghe nói chuyện của em. Đơn giản anh chỉ muốn đợi xem em có thể nói với anh là em cũng đã gặp Marie.
Hình như nó không biết làm gì khác hơn là thở dài và ho húng hắng. Nó thở dài một cách nặng nề, lâu và khổ sở.
- Không cần trả lời anh, tôi nói, nói đơn giản chuyện của anh với cái con người tử tế anh đã hai lần gặp ở đầu dây nói hôm nay.
- Ztruer?
- Anh không biết tên ông ta, nhưng anh thấy ông ta rất tử tế.
- ở đây không ai coi trọng ông ta, ông ta... nói thế nào nhỉ... Ông ta được nghỉ hưu. (Léo cũng nặn ra được một cái gì giống như một tiếng cười khẽ). Ông ta thích thỉnh thoảng lẻn vào chỗ đặt telephon để nói chuyện lố lăng.
Tôi đứng lên và, qua một khe màn cửa, nhìn xem giờ ở cột đồng hồ ngoài đường. Đã chín giờ kém ba phút.
- Em nên đi thôi, tôi nói, nếu không em sẽ lại bị ghi vào hồ sơ của em đấy. Và nhất là không nên bỏ cuộc nghe nói chuyện của em sáng mai.
- Nhưng xin anh hiểu cho em! Nó nói giọng van lơn.
- Mẹ kiếp! Anh rất hiểu... quá hiểu là đằng khác!
- Đúng ra anh là người như thế nào nhỉ?
- Anh là một diễn viên hài đi thu lượm những khoảnh khắc. Chào!
Và tôi gác máy.
------------
(1) Phạt đi làm vườn.
(2) Ban kiểm tra.