Tôi cảm thấy người bẩn đến nỗi phải tự hỏi mình xem có nên đi tắm một lần nữa hay không. Mặc dầu tôi hoàn toàn sạch sẽ, người không bốc mùi, nhưng tôi có cảm giác người mình thối hoặc như Lazare(1) thời ông ta. Lê bước vào trong bếp, tôi tắt ga dưới xoong và dưới ấm đun nước, trở lại phòng khách, đưa cổ chai cognac lên miệng tợp một hụm lớn. Vô ích. Cả tiếng chuông telephon cũng không lôi được tôi ra khỏi tâm trạng đờ đẫn. Tuy vậy tôi vẫn nhấc ống nghe lên.
- Ai đấy?
- Hans, anh làm sao thế? Sabine Emonds nói. Và vì tôi vẫn im lặng, chị nói tiếp: Tại sao phải đánh điện! Thấy ngay là có chuyện gì quan trọng đây! Nghiêm trọng đến thế sao?
- Phải, còn hơn thế, tôi nói giọng ỉu xìu.
- Tôi đưa bọn trẻ đi dạo, Karl thì đi vắng, anh ấy đưa lớp học đi thăm một trường học ở nông thôn. Tôi phải tìm người trông hộ bọn trẻ rồi mới có thể quay về gọi cho anh.
Giọng nói của chị vẫn có cái vẻ hăng hái, cạu cạu như xưa. Tôi không quyết định được xem có nên hỏi vay tiền chị không. Từ khi cưới nhau, Karl dùng tất cả thì giờ vào việc kiếm sống. Khi giữa chúng tôi có một sự bất hòa, anh ta có ba con và sắp có thêm một đứa nữa, nhưng tôi không có can đảm để hỏi Sabine xem chị đã sinh đứa thứ tư chưa. Trong nhà họ vẫn bao trùm một không khí hằn học nặng nề; những quyển sổ chết tiệt trong đó Karl miệt mài với đủ mọi thứ tính toán tìm cách thoát khỏi cảnh khó khăn với số tiền lương của anh, luôn luôn bỏ vương vãi khắp nơi, và khi còn lại một mình với tôi anh cũng không bao giờ quên "cởi mở" với tôi, lao vào một trong những "câu chuyện giữa đàn ông với nhau" kinh khủng của anh về nỗi bất hạnh mà việc sinh đẻ liên hồi và bao giờ cũng kết thúc câu chuyện bằng cách đổ lỗi cho nhà thờ Cơ Đốc (với sự có mặt của tôi... quá quắt!). Lúc ấy, như một con chó bị đánh, anh nhìn tôi, và nói chung đây đúng là lúc Sabine chọn để lại cho chúng tôi với con mắt đầy thù oán nhìn chồng, bởi vì chị ta lại mới mang thai. Và cuối cùng, vì thật sự yêu nhau, họ ngồi sát lại với nhau và khóc. ở nhà trong, bọn trẻ gây mất trật tự, đánh đổ một cách thích thú chậu đái đêm đầy ắp, vứt những chiếc bao tay vệ sinh ướt đẫm lên mặt tường bởi giấy sơn mới toanh. Và Karl đáng thương vẫn luôn luôn nói về "kỉ luật", về "sự phục tùng hoàn toàn, tuyệt đối!" Chỉ còn có cách trở vào với bọn trẻ trong buồng cố vỗ về chúng thôi... Tôi tìm cách bắt chúng phải yên lặng, cho chúng xem vài trò khôi hài, nhưng cũng không sao làm chúng yên hơn được chút nào. Gào lên một cách thích thú, chúng còn tìm cách bắt chước tôi. Cuối cùng mỗi chúng tôi phải bế một đứa đặt lên đùi mình và cho mỗi đứa uống một hụm rượu vang ở cốc của chúng tôi. Bấy giờ Karl và Sabine bắt đầu tranh luận với nhau về những cuốn sách nhỏ và những cuốn lịch chỉ dẫn về các thời kì không bị mang thai. Điều đó cũng không tránh được cho họ lần lượt cho ra đời hết đứa này đến đứa khác. Họ không hề nghĩ rằng những cuộc bàn cãi như vậy có thể làm chúng tôi đau lòng, tôi và Marie, chúng tôi không sao có được một đứa con. Cuối cùng, khi đã ngà ngà say, Karl thốt ra những lời nguyền rủa Rome, chất lên đầu Giáo hoàng và các Giáo chủ hồng y những lời nguyền rủa tồi tệ nhất, và điều đáng nực cười nhất là chính tôi lại là người bênh vực Giáo hoàng. Marie, người sành sỏi nhất trong lĩnh vực này, ra sức giải thích với Sabine và Karl là các quan chức của Rome không thể chấp nhận một thái độ khác được. Họ trao đổi với nhau bằng một cái nhìn có thể hiểu được là: "Dù sao, hai đứa này, chúng phải biết những mánh khóe chết tiệt để có thể không bao giờ bị kẹt..." Thế rồi một trong hai đứa trẻ cuối cùng vì quá ủ rũ đã vồ lấy một cốc vang làm đổ tóe rượu lên những quyển vở học sinh Karl vẫn chất đống trên mặt bàn. Đối với Karl, chuyện khuyên bảo học trò về trật tự và kỉ luật, rõ ràng rất buồn phiền khi phải trả lại cho chúng những quyển vở vấy bẩn vì rượu vang. Tiếp theo là những chiếc bợp tai, những tiếng khóc và sau khi ném cho chúng tôi cái nhìn "a, các người đàn ông", Sabine lôi Marie vào trong bếp nhấp cà phê. Chắc là họ trao đổi với nhau một trong những "câu chuyện giữa đàn bà với nhau" mà Marie đánh giá không hơn gì sự đánh giá của tôi về những "câu chuyện giữa đàn ông với nhau". Còn lại một mình với tôi, Karl bắt đầu nói chuyện về tiền nong, với một giọng đầy trách móc như muốn nói là: Tôi nói chuyện đó với cậu, vì cậu là một gã tử tế, mặc dầu cậu chẳng hiểu gì hết về chuyện này.
- Sabine, tôi thở dài, tôi hoàn toàn nguy kịch: về nghề nghiệp, về tinh thần, về thể xác, và tài chính... tôi bị...
- Anh nên biết, tôi nghĩ là anh đói, lúc nào anh cũng có thể tìm thấy ở chỗ chúng tôi xúp nóng.
Tôi cảm động, không trả lời. Thật là lương thiện và không có gì là kiểu cách.
- Anh nghe đấy chứ? Chị nói.
- Có, tôi nghe đây, chậm nhất là trưa ngày mai tôi sẽ đến nhà anh chị ăn phần xúp của tôi... Và nếu có bao giờ anh chị cần đến một người trông trẻ, tôi... tôi ...
Tôi không thể nói tiếp... Tôi thấy lúc này khó nói đến chuyện tiền nong với chị, một việc mà tôi vẫn giúp không cho chị. Không kể cái chuyện ngu xuẩn bỗng thoáng trở lại trong đầu tôi về quả trứng mà tôi đã cho Gregor ăn.
- Này, bạn muốn gì đấy, nói đi! Sabine nói và cười.
- Nếu chị có thể giới thiệu tôi với bạn bè, dù sao tôi vẫn có telephon ... và tôi sẽ không tính đắt hơn người khác.
Chị không trả lời. Rõ ràng chị thấy ngao ngán.
- Nghe này, cuối cùng chị nói, tôi phải đi đây, nhưng cho tôi biết, chuyện gì đã xảy ra vậy?
Hình như chị là người cuối cùng đã không đọc bài báo của Kostert và, không quen ai trong nhóm câu lạc bộ, chị cũng không thể biết được gì về chuyện xảy ra giữa Marie và tôi.
- Sabine, tôi nói, Marie đã bỏ tôi... để lấy một Zỹpfner nào đó.
- Trời ơi! Chị thốt lên, không thể thế được.
- Tuy nhiên, đó là sự thật.
Chị không nói gì, và tôi nghe thấy tiếng gõ vào cửa buồng telephon. Chắc là có một tên ngu xuẩn nào đó muốn gọi telephon để giải thích với bạn song ca nào của hắn về thắng lợi hắn đã chiếm được tình cảm của một cô bồ.
- Đáng lẽ anh phải cưới cô ấy, Sabine thì thầm, tôi muốn nói là... ô, anh biết tôi muốn nói gì.
- Phải, tôi biết, và tôi muốn thế, nhưng lúc bấy giờ tôi được biết là trước hết phải có giấy chứng nhận của phòng hộ tịch và sau đó tôi còn phải đảm bảo bằng giấy tờ, bằng giấy tờ chị biết không, là tôi phải dạy dỗ con cái theo giáo lí Cơ Đốc.
- Nhưng cuối cùng, có phải rồi cái đó đã làm tong hết mọi chuyện không?
Những tiếng đập vào cửa buồng telephon trở nên kịch liệt hơn.
- Tôi không biết, tôi nói, có phải đấy là điểm xuất phát không... nhưng những yếu tố khác đã xen vào mà tôi không hề biết... Gác máy thôi, Sabine bé nhỏ của tôi, nếu không chị có thể bị khốn đốn với cái tên đang bị kích động ở bên ngoài đấy. ở cái đất nước này có đầy rẫy những quái thai ấy.
- Vậy, hứa đến đấy nhé, chị nói, nên nhớ là bao giờ cũng có xúp nóng cho anh.
Tôi nghe thấy tiếng nói của chị nhỏ đi. Chị còn thì thầm: "Thật là chuyện hèn mạt, hèn mạt!", nhưng trong lúc bối rối, thay vì gác máy, chị đã đặt nó lên mặt ván kệ chỗ để quyển danh bạ. Tôi cũng nghe thấy tên nọ nói: "A, đã quyết rồi đấy!", nhưng Sabine chắc đã bỏ đi rồi. Bằng một giọng chói tai, tôi hét vào telephon: "Cứu tôi với, cứu tôi với!" Tên nọ tưởng thật, hắn nắm lấy ống nói, hỏi: "Tôi có thể làm được gì cho ông không?" Hắn có một giọng nói bình tĩnh, chững chạc, rất đàn ông, nhưng chắc là đã ăn một thứ gì chua chua, có lẽ là cá trích hun khói.
- Alô! Alô, hắn tiếp tục.
- Ông là người Đức đấy chứ? Tôi hỏi. Tôi có nguyên tắc là chỉ nói chuyện với người Đức thôi.
- Một nguyên tắc tuyệt vời đấy, hắn nói, nhưng ông có chuyện gì đấy?
- Tôi lo cho CDU. Ông có bỏ phiếu đều đều cho CDU không?
- Sao, tất nhiên! Hắn kêu lên như bị xúc phạm.
- Thế thì tôi yên tâm!
Và tôi gác máy.
------
(1) Nhân vật mắc bệnh hủi trong bài ngụ ngôn Người giàu tồi, sách Phúc Âm.