Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> dưới cái nhìn của anh hề

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14624 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

dưới cái nhìn của anh hề
Heinrich boell

Chương 6
Tôi nhét vào sau lưng tất cả những chiếc gối tựa có trong tầm tay,  nhấc cao đầu gối có vết thương lên, kéo máy telephon vào gần hơn  nữa, tự hỏi dù sao cũng tốt hơn nếu có thể trở lại bếp lấy ra chai  cognac để trong tủ lạnh.
"Những khó khăn về mặt nghề nghiệp" của tôi từ miệng mẹ tôi  thốt ra có âm vang của tâm địa độc ác. Bà cũng không buồn che đậy  sự đắc chí của bà. Tôi đã tỏ ra quá ngây thơ khi cho rằng, ở Bonn  không ai biết về những thất bại của tôi. Nếu mẹ tôi biết, thì bố tôi  cũng biết, và cùng một lúc cả Léo, và qua Léo đến tai Zpfner, đến  cả bọn ở câu lạc bộ và cuối cùng đến Marie. Điều này sẽ làm em đau  khổ ghê gớm, đau khổ hơn cả tôi. Nếu tôi quyết tâm bỏ rượu, tôi có  thể mau chóng trở lại vị trí mà Zohnerer, người đại lí của tôi đánh  giá "trên trung bình là cái chắc", điều đó cho phép tôi đứng vững  hai mươi hai năm nữa trước khi xuống suối vàng. Zohnerer không  ngớt ca ngợi "cơ sở thủ công rộng lớn" của tôi. Ông ta không hiểu gì  về nghệ thuật; dù sao đi nữa với một sự ngây thơ hầu như thiên tài,  ông chỉ đánh giá nó dưới góc độ hiệu quả. Ngược lại trong nghề thủ  công, ông có một số tri thức và biết rất rõ là tôi có thể biểu diễn ở  những quán rượu có khiêu vũ, bỏ qua những khu vực tiền thù lao  chỉ có ba mươi mác, trong hai mươi năm nữa. Với Marie, tình hình  rất khác. "Sự thất bại trong nghệ thuật" của tôi và sự khốn khổ của  tôi, điều tôi không thấy có gì đáng gọi là nghiêm trọng lắm, lại sẽ  làm em rất khổ tâm. Dù sự việc tốt hay xấu, sự buồn phiền trong  tình yêu hay về một "thất bại trong nghệ thuật", người ngoài cuộc -  mà trên đời thì có ai lại có thể ở vào địa vị của người khác được -  bao giờ cũng cho là tốt hơn hoặc xấu hơn người trong cuộc. Tôi mặc  nhiên có thể biểu diễn ở những nơi tồi tàn và thực hiện những tiết  mục hài tốt hoặc chỉ làm những trò hề đơn giản trước một đám  khán giả gồm các bà nội trợ theo đạo Cơ Đốc hay các bà phước. Chỉ  phiền là tiền thù lao của các tổ chức tôn giáo thật thảm hại. Một bà  chủ tịch của tổ chức tôn giáo tất nhiên cho rằng năm mươi mác đã là một món tiền đáng kể và ai thu nhập được như vậy hai mươi lần  trong một tháng thì quả là quá ngon lành. Nếu lúc đó tôi đưa bà ta  xem những hóa đơn thanh toán tiền phấn sáp và giải thích cho bà  ta hiểu được rằng để tập luyện tôi cần phải có một căn buồng ở  khách sạn diện tích rộng hơn trên hai ba mét thì bà ta có thể sẽ  nghĩ là cô bạn nhỏ của tôi xài sang hơn nữ hoàng Saba(1). Nhưng  nếu như lúc đó tôi thú thật với bà ta là tôi hầu như chỉ tự nuôi sống  bằng trứng giội nước sốt, canh thang, thịt băm và cà chua, thì bà ta  sẽ làm dấu thánh cho tôi là kém dinh dưỡng vì thiếu một bữa ăn  trưa chắc nịch mỗi ngày. Nếu cuối cùng tôi kể cho bà ta nghe là tôi  có tật thích đọc báo buổi chiều, hút thuốc lá và chơi cờ tào cáo, có  thể bà ta sẽ cho tôi là một tên bịp bợm. Đã từ lâu, tôi không còn  tranh luận với ai về nghệ thuật và về tiền nong. Nghệ thuật và tiền  nong hễ cứ so đọ với nhau là không đi đến đâu cả: nghệ thuật không  tránh khỏi được trả giá hoặc quá thấp hoặc quá cao. Một hôm tôi  gặp ở một gánh xiếc rong Ănglê một diễn viên hài còn hiểu biết hơn  tôi gấp hai mươi lần về mặt mĩ thuật và mười lần về mặt thủ công;  vậy mà anh được trả thù lao có mười mác một tối. Anh ta tên là  James Ellis, bốn mươi tuổi. Tôi mời anh đi ăn tối: trứng giăm bông,  rau xà lách và bánh kem mứt táo. Anh thấy ngấy: anh chưa bao giờ  ăn nhiều đến như vậy trong một bữa ăn từ mười năm nay. Từ ngày  gặp James, tôi không còn nhắc đến nghệ thuật và tiền nong nữa.
Để cho công việc đi đến đâu hay đến đấy, không đòi hỏi gì hơn  nữa, tôi chờ ngày xuống suối vàng. Marie có những lí thuyết hoàn  toàn khác trong đầu. Em luôn luôn nói với tôi về "thông điệp". Theo  em, tất cả đều là thông điệp, ngay cả việc tôi làm; điệu tôi sao mà  thanh thản, sao mà thành kính, sao mà trong trắng v.v... Thật kinh  khủng, tất cả những gì ẩn náu trong đầu một tín đồ Cơ Đốc giáo.  Những người này không thể không lao vào những uốn éo trí tuệ mỗi  khi uống một li rượu ngon: đối với họ bất kể như thế nào cũng phải  "nhận thức được" là rượu có ngon và ngon vì những lí do nào. Còn  về nhận thức thì họ không có gì phải học hỏi ở những người mácxít.  Trước đấy mấy tháng tôi có mua một cây ghi ta và tuyên bố với  Marie là tôi có ý định soạn một bài hát - lời và nhạc - tự tôi sẽ hát và đệm đàn, em có vẻ khiếp sợ. Em coi đó là dưới "mức" của tôi. Tôi  nói lại là dưới mức suối thì chỉ có lạch. Em không hiểu những hình  tượng đó và tôi sợ phải giải thích. Người ta muốn hiểu thế nào thì  hiểu, không hiểu cũng chẳng cần. Tôi không phải là người đoán  mộng.
Người ta có thể đã nghĩ là những sợi dây tôi buộc vào những con  rối đã đứt, nhưng ngược lại tôi vẫn nắm chắc chúng. Tôi lại thấy tôi  nằm kềnh ra trên sân khấu của Hiệp hội, ở Bochum, say khướt và  đầu gối sây sát, trong phòng ran lên những tiếng xì xào thương hại  và tôi lại thấy mình là đê hèn: tôi không đáng được thương hại đến  như vậy; đối với tôi đáng lẽ người ta nên huýt sáo vì dù có đúng là  bị thương, kiểu đi khập khễnh của tôi hoàn toàn không phải vì một  chút thương tật không đáng kể ấy. Tôi muốn giành giật lại Marie  và đã bắt đầu đấu tranh theo cách của tôi cho tình yêu, cái mà,  trong những cuốn sách của em, người ta gọi là "sự ham muốn xác  thịt".

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 962

Return to top