Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> NHỚ LẠI VÀ SUY NGHĨ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 37437 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NHỚ LẠI VÀ SUY NGHĨ
Zhukov

Chương 20

LÚC 3 giờ 50 ngày 1-5, tổng tham mưu trưởng lục quân Đức, tướng bộ binh Crếp được đưa đến sở chỉ huy tập đoàn quân cận vệ 8. Hắn nói rằng, hắn được ủy quyền tiếp xúc với Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân để thương lượng ngừng bắn.
Lúc 4 giờ, V.I. Chui-cốp báo cáo bằng điện thoại với tôi rằng tướng Crếp cho biết, Hít-le đã tự tử hồi 15 giờ 50 ngày 30-4. Tiếp đó V.I. Chui-cốp đọc cho tôi nghe nội dung bức thư của Gơ-ben gửi Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô. Thư viết rằng:
“Căn cứ vào di chúc của phuy-re[1] vừa tự nguyện từ giã cõi đời, chúng tôi ủy quyền cho tướng Crếp làm việc này. Chúng tôi thông báo cho vị đứng đầu nhân dân Liên Xô rằng, hôm nay lúc 15 giờ 50, phuy-re đã tự sát. Trên cơ sở quyền hợp pháp, phuy-re trong di chúc đã giao lại toàn bộ chính quyền cho Đi-ô-nít, tôi và Boóc-man. Tôi ủy quyền cho Boóc-man đặt quan hệ với vị đứng đầu nhân dân Liên Xô. Mối quan hệ ấy đang cần thiết để đàm phán hòa bình giữa các cường quốc chịu những tổn thất lớn lao nhất. Gơ-ben”.

Kèm theo bức thư của Gơ-ben là bản di chúc của Hít-le cùng với danh sách chính phủ đế chính mới. Hít-le và những người làm chứng cùng kí vào di chúc (đề rõ: lúc 4 giờ ngày 29-4-1945).
Thấy thông báo ấy quan trọng, tôi lập tức cử đồng chí phó của tôi, đại tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki, đến sở chỉ huy của V.I. Chui-cốp để nói chuyện với tên tướng Đức này. V.Đ. Xô-cô-lốp-xki có nhiệm vụ buộc Crếp phải nhận phát-xít Đức đầu hàng không điều kiện.
Liên lạc được với Mát-xcơ-va, gọi điện thoại nói chuyện với I.V. Xta-lin. Người đang ở nhà nghỉ. Vị tướng thường trực nghe điện thoại nói:
- Xta-lin vừa chợp mắt.
- Yêu cầu đánh thức hộ. Việc gấp lắm không thể đợi đến sáng được.
Thoáng một cái I.V. Xta-lin đã đến máy điện thoại. Tôi báo cáo về tin Hít-le tự tử và Crếp đến, cùng việc cử tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki đến nói chuyện với hắn. Tôi yêu cầu Người cho chỉ thị.
I.V. Xta-lin nói:
- Hỏng rồi! Thằng đểu. Tiếc là không bắt sống được nó. Xác Hít-le ở đâu?
- Tướng Crếp báo rằng xác Hít-le bị thiêu hủy rồi.
- Nói với V.Đ. Xô-cô-lốp-xki rằng - Tổng tư lệnh tối cao nói - không có đàm phán gì hết ngoài việc đầu hàng không điều kiện, không đàm phán với Crếp, cũng không đàm phán với một tên nào của Hít-le. Nếu không có chuyện gì thật đặc biệt thì từ bây giờ đến sáng đừng gọi điện thoại, tôi muốn nghỉ một chút. Mai chúng ta có diễu binh 1-5.
Diễu binh 1-5... Diễu hành 1-5... Sao những cái đó gần gũi và quý báu đối với người Xô-viết đến thế, đặc biệt đối với người ở xa Tổ quốc! Tôi hình dung rất rõ, mai đây trên Hồng trường sẽ rầm rập bước chân của các đơn vị thành Mát-xcơ-va. Từ sáng sớm, tất cả họ đều tề chỉnh ở vị trí của mình. Sau bài phát biểu của người duyệt binh, các đơn vị trang nghiêm đi qua trước lăng V.I. Lê-nin, trước các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ, dọc bức tường cổ kính điện Crem-lanh, chân đều bước mà lòng đầy tự hào về sức mạnh chiến thắng của Lực lượng vũ trang Xô-viết đã giải phóng châu Âu khỏi tai họa của chủ nghĩa phát-xít.
Gần 5 giờ sáng, tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki gọi điện thoại báo cáo với tôi về cuộc nói chuyện đầu tiên với tướng Crếp.
- Chúng nó láu cá lắm, - V.Đ. Xô-cô-lốp-xki nói. - Crếp tuyên bố rằng hắn không được ủy quyền quyết định vấn đề đầu hàng không điều kiện. Vấn đề ấy, theo hắn, chỉ có chính phủ mới của Đức do Đi-ô-nít cầm đầu mới có quyền quyết định. Crếp muốn ngừng bắn hình như cốt để tập hợp được chính phủ Đi-ô-nít ở Béc-lanh. Tôi thấy chúng ta phải cho chúng chầu Diêm vương[2] nếu chúng không nhận đầu hàng không điều kiện.
- Đúng đấy, Va-xi-li đa-ni-lô-vích ạ, - tôi trả lời, - cậu bảo cho nó biết đến 10 giờ mà Gơ-ben và Boóc-man không đầu hàng không điều kiện thì chúng ta sẽ nện một đòn đủ mạnh để vĩnh viễn đập nát ý muốn đề kháng của chúng. Bọn tay chân Hít-le hãy suy nghĩ về những sự hy sinh vô nghĩa của nhân dân Đức và trách nhiệm riêng của chúng về sự liều lĩnh này.
Đúng giờ qui định vẫn không thấy Gơ-ben và Boóc-man trả lời.
Lúc 10 giờ 40, quân ta bắn như vũ bão vào những điểm còn lại của khu vực phòng ngự đặc biệt ở trung tâm thành phố. Lúc 18 giờ V.Đ Xô-cô-lốp-xki báo cáo rằng bọn trùm của Đức đã cử người của nó đến. Nó báo rằng Gơ-ben và Boóc-man từ chối đầu hàng không điều kiện.
Để trả lời chúng, 18 giờ 30, quân ta dùng lực lượng rất mạnh mở đợt tiến công cuối cùng vào trung tâm thành phố, nơi có văn phòng đế chính và sào huyệt của bè lũ cận thần của Hít-le.
Tôi không nhớ rõ là mấy giờ, nhưng lúc trời vừa tối, tư lệnh tập đoàn quân xung kích 3, tướng V.I. Cu-dơ-nét-xốp gọi điện thoại hồi hộp báo cáo:
- Một đoàn xe tăng Đức khoảng 20 chiếc vừa chọc thủng khu vực của sư đoàn cận vệ 53, mở hết tốc lực chạy về phía tây bắc ven ngoài thành phố.
Rõ ràng là tên nào đó đang định lủi khỏi Béc-lanh.
Nảy ra những phán đoán rất không lành. Có người nói, có thể, toán xe tăng đã chạy thoát ấy có mang theo Hít-le, Gơ-ben và Boóc-man.
Lập tức, bộ đội được báo động chiến đấu, quyết giữ không cho một tên nào chuồn khỏi Béc-lanh. Tư lệnh tập đoàn quân 47 Ph.I. Péc-khô-rô-vích, tư lệnh tập đoàn quân 61 P.A. Bê-lốp, tư lệnh tập đoàn quân 1 Bộ đội Ba Lan S.G. Pô-pláp-xki nhận được chỉ thị bịt kín tất cả đường sá, ngõ ngách ra phía tây và tây bắc. Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng cận vệ 2, tướng X.I. Bốc-đa-nốp, và tư lệnh tập đoàn quân xung kích 3, tướng V.I. Cu-dơ-nét-xốp, nhận được lệnh lập tức tổ chức truy kích trên tất cả các hướng, tìm và diệt toán xe tăng này.
Rạng ngày 2-5, các chiến sĩ xe tăng của ta phát hiện được toán xe tăng này ở tây bắc Béc-lanh 15 km, và đã tiêu diệt chúng. Một số xe bị cháy, một số bị bắn tan, Trong những tên chết không thấy bọn tay chân thân cận của Hít-le. Qua các xe tăng bị cháy không thể hiểu chúng thuộc đơn vị nào.
Lúc 1 giờ 50 đêm 2-5, đài phát thanh của bộ tham mưu phòng thủ Béc-lanh phát đi liền mấy lần bằng tiếng Đức và tiếng Nga mấy câu:
“Chúng tôi cử đại diện đến chiếc cầu trên đường Bít-mác. Chúng tôi chấm dứt các hành động quân sự”.
Lúc 6 giờ 30 sáng ngày 2-5 có báo cáo: trong khu vực của sư đoàn cận vệ 47, có tướng Vây-linh quân đoàn trưởng quân đoàn xe tăng 56 đầu hàng. Các sĩ quan của quân đoàn bộ cũng đầu hàng nốt. Trong lần lấy cung sơ bộ, Vây-linh khai rằng trước đây mấy hôm hắn được đích thân Hít-le cử làm tư lệnh phòng thủ Béc-lanh.
Vây-linh đồng ý ngay là hắn sẽ ra lệnh cho quân của hắn chấm dứt kháng cự. Đây là toàn văn lời hắn kêu gọi và ký tên, do đài phát thanh truyền đi sáng ngày 2-5:
“Ngày 30-4, phuy-re đã tự sát, như vậy là đã để chúng ta, những người thề trung thành với phuy-re, ở lại một mình. Theo lệnh của phuy-re, quân đội Đức chúng ta phải tiếp tục chiến đấu bảo vệ Béc-lanh mặc dù đạn dược đã cạn và trong tình hình chung này, sự tiếp tục kháng cự của chúng ta là vô nghĩa.
Tôi ra lệnh: chấm dứt ngay kháng cự.
Ký tên: Vây-linh (tướng pháo binh, nguyên tư lệnh phòng thủ Béc-lanh)”.
Cùng ngày ấy, khoảng 14 giờ tôi được báo rằng thứ trưởng bộ tuyên truyền, bác sĩ Phri-se vừa mới đầu hàng đề nghị cho phát biểu trên đài kêu gọi quân Đức chấm dứt kháng cự. Để nhanh chóng kết thúc chiến đấu, chúng tôi đồng ý.
Phát biểu xong, Phri-se được đưa đến chỗ tôi. Trong khi lấy cung, hắn nhắc lại những điểm chính mà chúng tôi đã nắm được qua cuộc nói chuyện với Crếp. Ta cũng biết Phri-se là một trong những người thân cận nhất của Hít-le, Gơ-ben và Boóc-man.
Hắn cho biết, 29-4, Hít-le triệu tập cuộc họp những thân cận của hắn lúc đó có mặt Boóc-man, Gơ-ben, Ác-xman và Crếp và nhiều người chủ trì khác trong bộ máy cầm quyền phát-xít.
Bản thân Phri-se không tới họp nhưng sau đó được Gơ-ben thông báo lại tỉ mỉ.
Theo Phri-se, gần đây, đặc biệt từ 20-4, khi quân đội Liên Xô bắn vào Béc-lanh, Hít-le hầu như bị quẫn, nhiều lần lên cơn thần kinh. Chốc chốc hắn lại lập luận một cách rời rạc về thắng lợi sắp đến(!).
Về những kế hoạch cuối cùng của Hít-le, Phri-se nói rằng hắn không biết chính xác, nhưng có nghe rằng, khi quân Nga tiến công Ô-đe thì có người trong giới cầm quyền đi về Béc-tết-ga-đen và nam Ti-ron. Người ta gửi tiếp cho người ấy nhiều kiện hàng. Bộ tổng tư lệnh do Hít-le cầm đầu đáng lẽ cũng bay đến đó. Đến phút cuối cùng, khi quân Liên Xô đến gần Béc-lanh, người ta tính chuyện sơ tán về Slét-vích Gôn-stên. Máy bay trực sẵn ở khu vực văn phòng đế chính nhưng thình lình bị không quân Liên Xô đánh tan.
Phri-se không cho biết gì thêm. Hôm sau, ông ta được đưa về Mát-xcơ-va để lấy cung tỉ mỉ.
Xin có vài lời về trận chiến đấu cuối cùng, kết thúc ở Béc-lanh.
Ngày 1-5, sư đoàn 248 (sư đoàn trưởng, tướng N.D. Ga-lai) và sư đoàn 230 (sư đoàn trưởng, đại tá Đ.K. Sít-cốp) thuộc tập đoàn quân của N.E. Béc-da-rin đánh chiếm nhà bưu điện quốc gia và tiến công bộ tài chính đối diện với văn phòng đế chính. Cùng ngày, sư đoàn 301 (sư đoàn trưởng, đại tá V.X. An-tô-nốp) hiệp đồng với bộ binh 248 đánh chiếm sở Giét-ta-pô và bộ hàng không.
Tối 1-5, hai sư đoàn bộ binh 301 và 248 thuộc tập đoàn quân xung kích 5 ra quân lần cuối đánh chiếm văn phòng đế chính. Chiến sự trên các đường vào và ở bên trong diễn ra rất ác liệt Trợ lý phòng chính trị quân đoàn bộ binh 9, nữ thiếu tá An-na Vla-đi-mi-rốp-na Ni-cu-li-na chiến đấu vô cùng táo bạo trong một mũi đột kích của trung đoàn bộ binh 1050. Cùng với các sĩ quan I. Da-vư-đốp và Ph. Sa-pô-va-lốp, nữ đồng chí đã cắm lá cờ đỏ lên nóc văn phòng đế chính.
Sau khi chiếm được văn phòng, đại tá V.E. Sép-xốp, sư phó sư đoàn bộ binh 301, được cử làm tư lệnh quân quản văn phòng đế chính.
Số phận kẻ thù kết liễu lúc 15 giờ ngày 2-5. Bọn sống sót của binh đoàn phòng thủ Béc-lanh đều đầu hàng, tất cả hơn 7 vạn người, không kể số bị thương. Trong những ngày cuối cùng nhiều người trong số những người cầm súng đánh nhau với ta hình như đã chạy tán loạn và trốn mất.
Ngày 2-5-1945 là ngày thắng lợi vĩ đại của nhân dân Liên Xô, của các Lực lượng vũ trang Liên Xô, của những Đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến tranh này, và của nhân dân toàn thế giới.
Ngày ấy, trong mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh có nói: “Các binh đoàn của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 hiệp đồng cùng các binh đoàn của Phương diện quân U-crai-na, sau những trận chiến đấu ngoan cường trên đường phố đã hoàn toàn tiêu diệt đạo quân Đức phòng thủ Béc-lanh, và hôm nay, 1-5, đã chiếm đóng hoàn toàn thủ đô nước Đức, thành phố Béc-lanh trung tâm của chủ nghĩa đế quốc Đức, sào huyệt của bọn xâm lược Đức
Sau khi chiếm được văn phòng đế chính, tôi đã đến đấy cùng với thượng tướng N.E. Béc-đa-rin, ủy viên hội đồng quân sự tập đoàn quân, trung tướng Ph.E. Bô-cốp và nhiều đồng chí tham gia đánh chiếm nơi này để xác định việc tự sát của Hít-le, Gơ-ben cùng bè lũ.
Đến nơi, chúng tôi gặp ngay một khó khăn. Theo báo cáo thì tất cả các xác chết đều được bọn Đức đem chôn cả; nhưng ở đâu và ai chôn - tuyệt nhiên không ai biết. Có nhiều lập luận khác nhau về vấn đề này.
Những tù binh, chủ yếu là trong số bị thương, không cho biết điều gì về Hít-le và phe lũ. Họ đều nói không thấy và không biết ai, ngoài đại đội trưởng của họ. Số tù binh bắt được ở văn phòng thì ít, tất cả chỉ vài chục người. Có lẽ, lúc cuối cùng, bọn SS, số sĩ quan và bọn cầm quyền còn lại đều lẩn tránh trong thành phố theo các lối bí mật.
Chúng tôi tìm những đống lửa có thể là nơi đã thiêu xác Hít-le và Gơ-ben, nhưng không thấy. Thật ra chúng tôi đã thấy dấu vết các đống lửa nhưng kích thước của nó bé. Và lính Đức đã nấu nước ngay tại đấy rồi.
Chúng tôi kết thúc việc xem xét văn phòng khi được báo cáo đã phát hiện ở dưới hầm sáu đứa con của Gơ-ben. Thú thật là lúc đó tôi không đủ can đảm xuống nhìn những đứa trẻ bị bố mẹ giết. Cạnh hầm trú ẩn có xác hai vợ chồng Gơ-ben. Để nhận dạng, chúng tôi lôi bác sĩ Phri-se đến. Phri-se xác nhận đúng là chúng nó.
Những tình tiết nói trên làm tôi hoài nghi ý kiến về Hít-le tự sát; hơn nữa chúng tôi cũng không phát hiện được cả Boóc-man.
Lúc đó tôi cho rằng: đến phút cuối cùng không có hy vọng bên ngoài ứng cứu, Hít-le chẳng lẽ lại không bí mật chuồn đi sao?
Tôi đã phát biểu điều đó ở Béc-lanh trong cuộc họp báo với các phóng viên Liên Xô và nước ngoài.
Sau đó ít lâu, nhờ nghiên cứu điều tra, lấy cung của nhân viên y tế riêng của Hít-le,v.v... chúng tôi lại có thêm tin tức bổ sung, chính xác hơn rằng Hít-le đã tự sát. Tôi cho rằng, nghi ngờ về vụ tự sát của Hít-le là không có cơ sở.
Phần lớn bọn đầu sỏ phát-xít, trong đó có Gơ-rinh, Him-le, Cây-ten và I-ốt đều đã tranh thủ thời gian chuồn khỏi Béc-lanh, mỗi đứa một nơi.
Trước phút cuối cùng, chúng nó và Hít-le, như con bạc liều, vẫn hy vọng vào “con bài cầu may” có thể cứu phát-xít Đức và bản thân chúng. Ngày 30-4 và cả ngày 1-5 bọn tay chân Hít-le vẫn còn tính chuyện kéo dài thời gian thất bại hoàn toàn, cố điều đình để đưa chính phủ mới thành lập của Đi-ô-nít vào Béc-lanh nhằm giải quyết việc đầu hàng của Đức.
Tướng Crếp, nhà ngoại giao quân sự có kinh nghiệm, tìm hết cách lôi kéo cho được tướng V.I. Chui-cốp vào cuộc đàm phán dài ngày, nhưng cái trò ấy đã không đạt. Tôi đã nói rằng, V.Đ. Xô-cô-lốp-xki được ủy quyền đàm phán đã tuyên bố dứt khoát với Crếp: chỉ chấm dứt các hành động quân sự trong điều kiện quân phát-xít Đức đầu hàng Đồng minh hoàn toàn và không điều kiện. Tới đây, cuộc nói chuyện bị gián đoạn. Vì tay chân bọn Hít-le lúc đó không chấp nhận đầu hàng không điều kiện, quân ta đã nhận được lệnh: diệt hết quân địch ngay tức khắc.
Sáng ngày 3-5 tôi cùng với tư lệnh quân quản thành phố Béc-lanh N.E. Béc-da-rin, ủy viên hội đồng quân sự tập đoàn quân Ph.E. Bô-cốp, ủy viên hội đồng quân sự Phương diện quân K.Ph. Tê-lê-ghin cùng nhiều đồng chí đến xem xét nhà quốc hội Đức và những nơi giao chiến trong khu vực này. Đi cùng với chúng tôi để giải thích là con trai của Vin-hem Pích: Ác-tua Pích, người đã chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội Liên Xô. Ác-tua Pích biết rõ Béc-lanh, nhờ thế chúng tôi dễ nghiên cứu các điều kiện trong đó quân ta phải chiến đấu.
Mỗi bước đi, mỗi hòn đất, mỗi viên đá ở đây nói lên rõ ràng hơn bất cứ lời văn nào rằng, trên những nẻo đường dẫn đến văn phòng đế chính và nhà quốc hội Đức, và ngay trong những tòa nhà ấy cuộc chiến đấu đã diễn ra thật là sống mái.
Nhà quốc hội - đó là một tòa nhà rất đồ sộ, tường dày, pháo cỡ trung bình bắn không thủng. Phải cần đến pháo hạng nặng. Mái nhà cong và các kiến trúc lớn ở các tầng trên giúp kẻ địch tập trung được hỏa lực nhiều tầng vào tất cả các đường dẫn đến nó.
Điều kiện chiến đấu ngay trong nhà quốc hội cũng rất gay go và phức tạp. Nó đòi hỏi không những các chiến sĩ phải dũng cảm mà còn phải rất linh hoạt, thận trọng, sáng suất, nhanh chóng cơ động từ chỗ nấp này sang chỗ nấp kia, bắn thật trúng vào kẻ địch. Các chiến sĩ của ta đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ ấy, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Các cột ở cửa nhà quốc hội và các tường đều đầy chữ viết của chiến sĩ ta. Trong những câu ngắn gọn, súc tích, trong những chữ ký giản đơn của các chiến sĩ, sĩ quan và tướng lĩnh ta, đã toát lên niềm tự hào về những con người Xô-viết, về các Lực lượng vũ trang Xô-viết, về Tổ quốc và Đảng của Lê-nin.
Chúng tôi cũng viết lên đây mấy chữ của mình, do đó các chiến sĩ có mặt ở đây liền nhận ra chúng tôi và vây quanh chúng tôi thành một vòng dày đặc. Thế là phải đứng ở đây gần một giờ nói chuyện thân mật với anh em. Họ hỏi nhiều lắm. Nào bao giờ có thể về nhà, có để bộ đội ở lại chiếm đóng nước Đức không, chúng ta có đánh nhau với Nhật Bản không,v.v...
Ngày 7-5, Tổng tư lệnh gọi điện thoại đến Béc-lanh thông báo:
- Hôm nay ở thành phố Rê-im-xơ, bọn Đức đã ký văn bản đầu hàng không điều kiện. Gánh nặng chủ yếu của chiến tranh - người nói tiếp - đè trên vai nhân dân Liên Xô chứ không phải các nước Đồng minh, vì vậy việc đầu hàng phải được ký trước Bộ Tổng tư lệnh tất cả các nước khối Liên minh chống Hít-le chứ không phải chỉ trước bộ tổng chỉ huy quân Đồng minh.
I.V. Xta-lin tiếp:
- Tôi cũng không đồng ý với việc chúng không ký văn bản đầu hàng ở Béc-lanh, trung tâm của sự xâm lược phát-xít. Chúng tôi đã thống nhất với các nước Đồng minh coi việc ký văn bản ở Rê-im-xơ chỉ là bản đầu hàng sơ bộ. Ngày mai đại diện của bộ tổng chỉ huy Đức và đại diện của bộ tổng tư lệnh quân Đồng minh sẽ đến Béc-lanh. Đồng chí được cử làm đại diện Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô. Mai, Vư-sin-xki đến chỗ đồng chí. Khi văn bản được ký xong xuôi, Vư-sin-xki ở lại làm phó tư lệnh phụ trách chính trị. Đồng chí được cử làm Tổng chỉ huy khu vực chiếm đóng của Liên Xô trên đất Đức đồng thời sẽ là Tổng tư lệnh Quân đội Liên Xô chiếm đóng ở đó.
Rạng sáng ngày 8-5, A.Ya. Vư-sin-xki đến Béc-lanh. Đồng chí mang đến tất cả những văn kiện cần thiết về việc Đức đầu hàng và cho biết về những đại diện bộ tổng chỉ huy Đồng minh.
Từ sáng ngày 8-5, lần lượt tới Béc-lanh đủ các phóng viên, thông tin viên các báo chí lớn nhất trên thế giới và phóng viên nhiếp ảnh. Họ tới để ghi lại giờ phút lịch sử tuyên bố nước Đức phát-xít bị tiêu diệt trên pháp lý, xác nhận sự phá sản vĩnh viễn của tất cả các kế hoạch phát-xít, các tham vọng và hành động thù địch loài người của chúng.
Trưa hôm ấy tại sân bay Tem-pen-gốp đã có đủ đại diện bộ tổng chỉ huy quân Đồng minh gồm thống chế không quân Anh Ác-tua V. Tê-đe, tư lệnh không quân chiến lược Mỹ, tướng Xpa-át và tổng tư lệnh lục quân Pháp tướng đ-lát đờ Tát-xi-nhi.
Đón họ tại sân bay có vị phó của tôi, đại tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki, tổng quân quản đầu tiên thành phố Béc-lanh, thượng tướng N.E. Bée-da-rin, ủy viên Hội đồng quân sự tập đoàn quân, trung tướng Ph.E. Bô-cốp và một số đại biểu Quân đội Liên Xô. Rời sân bay, các đại diện Đồng minh đi về Các-lơ-xkhoóc nơi sẽ tiếp nhận sự đầu hàng không điều kiện của bộ chỉ huy Đức.
Từ thành phố Phlen-xbua đến sân bay này, dưới sự giám sát của các sĩ quan Anh, còn có thống chế Cây-ten, thủy sư đô đốc Phri-đê-bua và thượng tướng không quân XSum được ủy quyền của Đi-ô-nít đến ký văn bản Đức đầu hàng không điều kiện.
Tại Các-lơ-xkhoóe thuộc khu đông Béc-lanh, trong tòa nhà hai tầng của nhà ăn cũ của trường công binh Đức, người ta chuẩn bị một gian phòng làm lễ ký văn bản đầu hàng.
Đến nơi, sau khi nghỉ một lát, tất cả đại diện bộ chỉ huy quân Đồng minh đều đến chỗ tôi để thống nhất các vấn đề thủ tục của sự kiện gây chấn động này.
Chúng tôi chưa kịp vào gian buồng dành để tọa đàm thì một dòng ký giả Mỹ, Anh đã cuồn cuộn đến; ngay tại bục đá họ đã tiến công tôi bằng bao nhiêu câu hỏi. Họ mang đến cho tôi một lá cờ hữu nghị của quân Đồng minh trên có thêu dòng chữ: Quân đội Mỹ kính chào Hồng quân.
Các ký giả vừa rời khỏi phòng họp thì chúng tôi bắt đầu thảo luận ngay một loạt vấn đề liên quan đến việc đầu hàng của bọn Hít-le.
Lúc ấy thống chế Cây-ten và những người cùng đi ngồi ở phòng khác.
Theo lời các sĩ quan của ta, Cây-ten và những người trong đoàn Đức rất ngượng. Nhìn những người xung quanh, Cây-ten nói:
- Đi qua các phố của Béc-lanh, tôi rất đỗi xúc động về mức độ bị phá hủy.
Những người của ta ở đây trả lời hắn:
- Ngài thống chế, thế ngài có xúc động khi theo lệnh ngài, người ta đã quét sạch hàng nghìn thành phố, làng mạc của Liên Xô và hàng triệu người của chúng tôi, trong đó có hàng nghìn trẻ con bị vùi dập dưới những đống gạch ngói không?
Cây-ten tái mặt, ngượng ngùng nhún vai, không trả lời.
Theo quy ước trước, đúng 23 giờ 45, Tê-đe, Xpa-át và Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi, đại diện bộ chỉ huy Đồng minh, A.Ya. Vư-sin-xki, K.Ph. Tê-lê-ghin, V.Đ. Xô-cô-lốp-xki, v.v... tập trung trong phòng của tôi cạnh gian phòng bọn Đức sẽ ký văn bản đầu hàng không điều kiện.
Đúng 24 giờ chúng tôi vào phòng.
Mọi người ngồi vào bàn. Bàn ở cạnh tường, trên tường có quốc kỳ Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp.
Trong phòng, sau chiếc bàn dài phủ dạ xanh là các tướng lĩnh của Hồng quân mà quân đội của họ trong thời gian rất ngắn đã đánh tan quân phòng thủ Béc-lanh và đánh gục các thống chế phát-xít kiêu căng, các tên phát-xít đầu sỏ cùng toàn bộ nước Đức phát-xít. Ở đây cũng có mặt nhiều ký giả, phóng viên nhiếp ảnh Liên Xô và nước ngoài.
Tôi tuyên bố khai mạc:
- Chúng tôi, đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và bộ tổng chỉ huy quân Đồng minh được ủy quyền của các chính phủ khối Liên minh chống Hít-le chấp nhận ở bộ chỉ huy quân sự Đức sự đầu hàng không điều kiện của nước Đức. Mời các đại diện của bộ tổng chỉ huy Đức vào phòng.
Mọi người quay nhìn về phía cửa ra vào, nơi sắp xuất hiện những kẻ đã từng tuyên bố hợm hĩnh với toàn thế giới về khả năng của mình tiêu diệt chớp nhoáng nước Pháp, nước Anh và sau đó chỉ một tháng rưỡi - hai tháng, cả Liên Xô.
Thống chế Cây-ten, cánh tay phải của Hít-le, là người đầu tiên từ từ bước qua ngưỡng cửa. Người hắn hơi cao, mặc lễ phục gọn gàng. Hắn giơ chiếc gậy thống chế lên chào đại biểu Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô và quân Đồng minh.
Thượng tướng Stum vào tiếp theo. Người hắn vừa tầm, đôi mắt tỏ ra gian giảo nhưng bất lực. Vào cùng lúc đó là thủy sư đô đốc Phri-đê-bua, một người già trước tuổi.
Bọn Đức ngồi riêng một bàn đặt ở lối ra vào.
Thống chế Cây-ten từ từ ngồi xuống, ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi ở bàn đoàn chủ tịch. Ngồi cạnh Cây-ten là Stum và Phri-đê-bua. Các sĩ quan tùy tùng đứng sau ghế của chúng.
Tôi hướng về phía đoàn Đức:
- Trong tay các ông đã có đủ văn bản đầu hàng không điều kiện chưa, các ông đã nghiên cứu nó chưa và có được quyền ký văn bản ấy không?
Câu hỏi của tôi được thống chế không quân Tê-đe nhắc lại bằng tiếng Anh.
- Vâng, chúng tôi đã nghiên cứu và sẵn sàng ký - thống chế Cây-ten lúng búng trả lời và giao cho tôi thư của đô đốc Đi-ô-nít.
Trong thư nói rõ: Cây-ten, Khôn Phri-đê-bua và Stum được ủy quyền ký văn bản đầu hàng không điều kiện.
Đây hoàn toàn không phải là ông Cây-ten kiêu hãnh chấp nhận sự đầu hàng của nước Pháp bị chinh phục. Bây giờ trông hắn thật thảm hại, mặc dầu hắn vẫn cố giữ một chút tư thế nào đó.
Tôi đứng dậy nói:
- Yêu cầu đoàn Đức đến gần bàn. Các ông ký vào văn bản đầu hàng không điều kiện của nước Đức.
Cây-ten đứng dậy ngay, buồn rầu nhìn chúng tôi và cúi nhìn xuống, chậm rãi lấy chiếc gậy thống chế trên bàn, thẫn thờ bước đến bên bàn chúng tôi. Kính một mắt của hắn rơi và mắc vào sợi dây buộc giày. Hắn thẹn đỏ mặt.
Thượng tướng Stum, thủy sư đô đốc Khôn Phri-đê-bua và các sĩ quan Đức cũng đến cạnh bàn.
Cây-ten ngồi sát mép ghế và từ từ ký cả thảy năm bản. Stum và Phri-đê-bua cũng đều ký vào đấy.
Ký xong, Cây-ten rời bàn, đeo găng tay phải và định làm lóe lên một chút tư thế nhà binh, nhưng trông cũng chẳng ra sao cả.
Hắn lặng lẽ rời chiếc bàn.
Lúc 0 giờ 43 ngày 9-5 kết thúc việc ký văn bản đầu hàng không điều kiện. Tôi tuyên bố đoàn Đức rời khỏi phòng.
Cây ten, Phri-đê-bua, Stum nghiêng người đứng lên và cúi đầu đi ra. Các sĩ quan tham mưu của chúng theo sau.
Thay mặt Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô tôi thân mật chúc mừng mọi người có mặt nhân ngày chiến thắng này. Mọi người bắt tay chúc mừng nhau. Nhiều người vui mừng đến rớm nước mắt. Vây quanh tôi là những bạn chiến đấu: V.Đ. Xô-cô-lốp-xki, M.X. Ma-li-nin, K.Ph. Tê-lê-ghin, N.A. An-ti-pen-cô, V.Ya. Côn-pắc-chi, V.I. Cu-dơ-nét-xốp, X.I. Bốc-đa-nốp, N.E. Béc-da-rin, Ph.E. Bô-cốp, P.A. Bê-lốp, A.V. Goóc-ba-tốp, v.v...
- Các bạn thân mến - tôi nói với các bạn chiến đấu, - tôi và các bạn có một niềm vinh dự lớn. Trong trận chiến đấu cuối cùng này, nhân dân, Đảng và Chính phủ tin tưởng giao cho chúng ta nhiệm vụ đưa quân đội Xô-viết vinh quang đến tiến công chiếm Béc-lanh. Quân đội Xô-viết, trong đó có các bạn, những người cầm quân tiến đánh Béc-lanh, đã đáp lại lòng tin đó một cách xứng đáng. Tiếc rằng nhiều người trong chúng ta không còn nữa. Nhưng chắc là các đồng chí đó của chúng ta cũng rất đỗi vui mừng trước thắng lợi hằng mong mỏi mà vì nó, họ đã hy sinh không chút nào quản ngại. Nhớ đến những người bạn gần gũi, những đồng chí chiến đấu không còn sống đến ngày phấn khởi này thì những người dù đã không chút sợ hãi quen nhìn thẳng vào cái chết, dù cố nén xót thương, cũng không cầm được nước mắt.
Lúc 0 giờ 50 ngày 9-5-1945 cuộc họp chấp nhận đầu hàng không điều kiện của quân đội Đức kết thúc.
Tiếp đó là tiệc mừng trong không khí rất hào hứng.
Mở đầu bữa tiệc, tôi nâng cốc mừng chiến thắng của khối Liên minh chống Hít-le. Tiếp đó thống chế Ác-tua Tê-đe phát biểu, tướng Pháp Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi, rồi tướng không quân Mỹ Xpa-át lần lượt lên bày tỏ ý kiến. Ai cũng nói đến cái làm day dứt dòng họ suốt những năm nặng nề ấy. Tôi nhớ họ nói nhiều, nói một cách hân hoan và tỏ ra hết sức mong muốn mãi mãi củng cố các mối quan hệ hữu nghị giữa các khối Liên minh chống phát-xít. Các tướng Liên Xô, những người Mỹ, người Pháp, người Anh đều nói như vậy, và tất cả chúng tôi đều muốn tin rằng trong tương lai nó sẽ như vậy.
Tiệc vui kết thúc bằng một buổi ca múa. Múa nhiều hơn cả là các tướng Liên Xô. Tôi cũng không kìm lòng được. Một cái gì đó trong thời thanh niên đã dấy lên trong tôi. Tôi đã tham gia với điệu múa dân gian “Nga”. Mọi người chia tay về nhà và ra sân bay giữa tiếng nổ vang của các loại vũ khí bắn mừng chiến thắng. Súng nổ khắp các khu phố Béc-lanh và cả ngoại thành. Súng nổ lên trời, những mảnh đạn rơi xuống đất. Và sáng ngày 9-5 việc đi lại không được an toàn tuyệt đối. Nhưng, nguy hiểm đó khác biết bao nhiêu so với những hiểm nghèo mà chúng tôi trải qua trong những năm dài chiến tranh!
Văn bản đầu hàng không điều kiện được gửi ngay sáng hôm ấy về Đại bản doanh.
Điều đầu tiên của văn bản ghi rõ:
“1. Trước Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân và đồng thời trước Bộ tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh Đồng minh, chúng tôi, ký tên dưới đây, nhân danh bộ tổng chỉ huy Đức, nhận rằng, tất cả các lực lượng vũ trang chúng tôi trên bộ, dưới biển và trên không, cũng như tất cả các lực lượng hiện đang dưới quyền bộ chỉ huy Đức chịu xin đầu hàng không điều kiện”.
Trưa đó có điện thoại báo cáo cho tôi biết rằng, tất cả văn kiện về việc đầu hàng của phát-xít Đức đều đã nhận được và đã đệ trình lên Tổng tư lệnh tối cao.
Thế là cuộc chiến tranh đẫm máu đã kết thúc. Phát-xít Đức và phe lũ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đối với nhân dân Liên Xô, con đường dẫn đến thắng lợi thật là gay go. Nó phải trả giá bằng hàng triệu sinh mạng. Và ngày nay mọi người trung thực trên thế giới nhìn về những ngày quá khứ đầy lo âu của Thế chiến thứ hai, với niềm thông cảm và kính trọng sâu sắc, đều nhớ đến những chiến sĩ chống phát-xít đã hy sinh để cho nhân loại được tự do, thoát khỏi ách nô lệ của bọn phát-xít.
Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô xuất phát từ nghĩa vụ quốc tế và tinh thần nhân đạo của mình, đã áp dụng mọi biện pháp kịp thời giải thích cho toàn thể chiến sĩ Xô-viết rõ, ai là thủ phạm thực sự của chiến tranh và tội ác, để mọi người không có ý nghĩ muốn trừng phạt nhân dân lao động Đức về những tội ác mà bọn phát-xít đã gây ra trên đất nước chúng ta. Đối với những người lao động Đức, người Xô-viết có một quan điểm rõ rệt: cần giúp họ nhận ra sai lầm, nhanh chóng gột sạch những tàn tích của chủ nghĩa quốc xã mà hòa mình vào gia đình chung của các dân tộc yêu chuộng tự do, và phương châm cao nhất của họ trong tương lai phải là hòa bình và dân chủ.
Ở Béc-lanh và vùng ven hãy còn chiến sự, nhưng Bộ chỉ huy Quân đội Liên Xô trên cơ sở nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đã bắt tay vào tổ chức đời sống bình thường cho nhân dân Béc-lanh.
Cơ sở của việc thiết lập và hoạt động của các cơ quan quyền lực quân sự và dân sự là mệnh lệnh số 5 ngày 23-4-1945 của Hội đồng quân sự Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1. Mệnh lệnh ghi rằng:
“Toàn bộ quyền cai quản trên lãnh thổ Đức thuộc về Hồng quân do Bộ chỉ huy quân sự thực hiện thông qua các cấp chỉ huy quân quản của các thành phố và các khu vực.
Trong từng thành phố đều có chỉ huy quân quản. Cơ quan chấp hành thì gồm người địa phương: trong các thành phố, cử thị trưởng, trong các thị trấn, các xã thì cử trưởng phố, xã trưởng chịu trách nhiệm trước chỉ huy quân quản về việc động viên, tổ chức nhân dân thi hành tất cả các mệnh lệnh và chỉ thị...”
Trên cơ sở mệnh lệnh ấy, ngày 28-4-1945, vị tư lệnh quân quản Béc-lanh, Anh hùng Liên Xô, thượng tướng N.E. Béc-da-rin công bố mệnh lệnh số 1 về việc chuyển toàn bộ chính quyền ở Béc-lanh vào tay ủy ban quân quản Liên Xô.
Trong mệnh lệnh ấy, đồng chí tuyên bố với nhân dân thành phố rằng, đảng phát-xít của Đức và các tổ chức của nó đều phải giải tán, mọi hoạt động của nó đều bị cấm.
Mệnh lệnh qui định về thái độ của nhân dân và xác định những điều cơ bản cần thiết để bình thường hóa đời sống trong Béc-lanh.
Ủy ban quân quản Trung ương đã tổ chức trong tất cả 20 khu của Béc-lanh những ủy ban quân quản khu gồm các sĩ quan của ta và trước tiên là những cán bộ chuyên môn - kinh tế và các nhân viên kỹ thuật, các kỹ sư. Trong một số tiểu khu thì xây dựng ủy ban quân quản tiểu khu.
Trong bước đầu công tác, các ủy ban quân quản Liên Xô phải giải quyết nhiều việc rất khó trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp.
Vì chiến sự đã diễn ra ngay ở Béc-lanh nên trong số 250.000 ngôi nhà của thành phố có gần 30.000 ngôi nhà bị hủy hoại hoàn toàn, hơn 20.000 ngôi nhà bị hủy hoại một nửa, hơn 150.000 ngôi nhà bị hư hại vừa. Vận tải trong thành phố ngừng hoạt động. Ba phần tư số ga xe điện ngầm bị ngập nước, 225 chiếc cầu bị bọn phát-xít phá hoại. Bãi để xe và mạng điện của hệ thống xe điện thành phố hầu như hoàn toàn hư hỏng. Các phố, đặc biệt là ở giữa thành, đầy mảnh đạn, toàn bộ hệ thống phục vụ công cộng (các nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy hơi đốt, hệ thống cống rãnh thoát nước) ngừng hoạt động.
Công việc đầu tiên của quân đội Liên Xô đóng ở Béc-lanh là dập tắt các đám cháy, dọn vệ sinh và chôn xác chết, phá mìn còn gài lại. Cần cứu đói ngay cho nhân dân Béc-lanh, phải tổ chức cung cấp lương thực vì việc này đã bị cắt đứt trước khi Quân đội Liên Xô vào Béc-lanh. Rất nhiều trường hợp từng toán người suốt mấy tuần không được nhận lương thực.
Bộ chỉ huy Liên Xô không tài nào giải quyết hết các việc ấy mà không phải huy động đông đảo nhân dân địa phương tích cực tham gia.
Các Hội đồng quân sự, các ủy ban quân quản, các cán bộ chính trị đã động viên vào làm việc ở các cơ quan quản lý khu phố trước hết những người cộng sản Đức vừa thoát khỏi các trại tập trung, những chiến sĩ chống phát-xít và những người Đức dân chủ khác, mà giữa chúng ta với anh em đó đã có sự hiểu biết trên tình bạn bè.
Thế là người ta bắt đầu thành lập những cơ quan tự quản của Đức, cơ quan của Liên minh dân chủ chống phát-xít. Trong các cơ quan ấy có khoảng 1/3 là Đảng viên cộng sản. Họ làm việc thân ái hòa hợp với những người xã hội dân chủ và những nhà chuyên môn trung thực.
Phòng chính trị do đại tá A.I. Ê-li-da-rốp phụ trách đã hoạt động rất mạnh ở Béc-lanh.
Tháng 5-1945, Hội đồng quân sự phương diện quân với mục đích bình thường hóa sinh hoạt đã ra nhiều nghị quyết quan trọng, đặc biệt là:
Ngày 11-5, quyết định số 063 về cung cấp lương thực cho nhân dân Đức ở Béc-lanh. Trong đó nêu rõ tiêu chuẩn và thể thức phân phối lương thực.
Ngày 12-5, quyết định số 064 về khôi phục và bảo đảm hoạt động bình thường của ngành phục vụ công cộng ở Béc-lanh.
Ngày 31-5, quyết định số 080 về cung cấp sữa cho trẻ con Đức ở Béc-lanh.
Và đã ra các quyết định khác về bình thường hóa việc cung cấp thực phẩm và sinh hoạt của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động đang làm công việc khôi phục thành phố.
Viện trợ đầu tiên cưa Chính phủ Liên Xô đến Béc-lanh là 96.000 tấn ngũ cốc, 60.000 tấn khoai tây, gần 50.000 súc vật để giết thịt, đường, mỡ, v.v...
Nhờ các biện pháp cấp tốc ấy nên đã thủ tiêu được nạn đói của nhân dân Đức.
Các cơ quan quân quản Liên Xô, các cơ quan chính trị của phương diện quân, của bộ đội phòng vệ và của các ủy ban quân quản đã tham gia đắc lực trong việc ổn định đời sống của nhân dân Đức Những người Đức dân chủ ngày càng tích cực hoạt động xung quanh các cơ quan quân quản. Hoài nghi và lo sợ bị khủng bố mà bọn quốc xã hay đe dọa đã tiêu tan dần.
Có lần, trong khi đi quanh ven thành phố Béc-lanh tôi chú ý đến một đám đông nhộn nhịp hơi lạ, trong đó thấy cả các chiến sĩ ta. Phần lớn là phụ nữ và trẻ con. Xe dừng, tôi đến gần, vì tưởng rằng những người thường dân ở đây là người Liên Xô vừa thoát khỏi các trại tập trung phát-xít. Tôi dừng lại lắng nghe. Một chiến sĩ ta, bế đứa bé trai tóc hoe vàng khoảng lên bốn nói:
- Tôi không còn vợ, mất cả con trai lẫn con gái trong khi gia đình sơ tán khỏi Cô-nô-tốp. Tất cả đều chết trong chiếc xe lửa trúng bom của bọn Đức. Chiến tranh kết thúc, thế là tôi phải sống cô đơn. Cho tôi cậu bé này đi. Có lẽ bọn SS đã giết bố mẹ nó rồi.
Có người đùa:
- Thằng bé trông cũng giống anh đấy...
Một phụ nữ đứng cạnh nói tiếng Đức:
- Tôi không cho đâu. Cháu tôi đấy, tôi sẽ nuôi nó.
Có người dịch lại, anh chàng tỏ vẻ buồn.
Tôi liền góp ý kiến:
- Anh bạn nghe tôi. Khi về Tổ quốc nhất định sẽ tìm được con trai. Bên chúng ta còn bao nhiêu là trẻ mồ côi! Còn tốt hơn nữa cơ, cậu sẽ tìm được một đứa bé cùng với cả mẹ nó.
Các chiến sĩ cười vang, và em bé Đức cũng mỉm cười. Chiến sĩ chúng ta mở ba-lô cho trẻ con và phụ nữ bánh mì, đường, đồ hộp, lương khô, cậu bé trên tay người chiến sĩ được ăn kẹo. Người lính hôn đứa trẻ và thở dài.
Người chiến sĩ Xô-viết có tâm hồn đẹp quá, tôi nghĩ thế và bắt chặt tay anh ta.
Lúc đó tôi không đeo quân hàm, mặc áo da ngắn, nhưng mọi người vẫn nhận ra tôi. Thế là tôi bị giữ lại mất nửa giờ để trả lời khá nhiều câu hỏi của những người đứng vây quanh. Tiếc là tôi không ghi tên các chiến sĩ ấy. Chỉ nhớ được họ thuộc tập đoàn quân xung kích 5 của tướng N.E. Béc-da-rin.
Ngày 9-5, theo ủy nhiệm của Hội đồng quốc phòng, A.I. Mi-côi-an đi máy bay đến chỗ chúng tôi; đồng chí muốn xem thành phố còn lại những gì và sinh hoạt của nó giờ ra sao.
Xuống xe gần một cửa hàng lương thực đang phân phối bánh mì cho dân Đức theo phiếu của Liên Xô phát, A.I. Mi-côi-an đến gần những phụ nữ đang xếp hàng. Trông họ có vẻ kiệt sức.
- Bà thấy thế nào sau khi quân đội Liên Xô chiếm Béc-lanh? - Mi-côi-an hỏi. - Bà nói mạnh dạn đi, đây là nguyên soái Giu-cốp, đồng chí sẽ nghiên cứu nhu cầu của bà con ở đây và sẽ làm tất cả theo khả năng của chúng tôi.
- Đây là đồng chí A.I. Mi-côi-an, - tôi nói, - phó chủ tịch Hội đồng ủy viên nhân dân. Đồng chí đến đây theo ủy quyền của Chính phủ Liên Xô, xem nhân dân sinh hoạt ra sao, có những nhu cầu gì để viện trợ cho bà con Béc-lanh trong phạm vi có thể.
Họ vây chúng tôi ngay và tranh nhau nói:
- Không bao giờ chúng tôi tin là có ông thủ trưởng Nga cấp cao như thế có thể đến xếp hàng và tìm hiểu nhu cầu của những thường dân Đức. Người ta cứ đem người Nga ra dọa chúng tôi...
Một phụ nữ đứng tuổi đến gần A.I. Mi-côi-an, hồi hộp nói:
- Phụ nữ Đức rất cảm ơn các ông đã giúp chúng tôi khỏi chết đói.
Và bà quay lại cậu bé đứng cạnh:
- Chào các thủ trưởng Liên Xô đi vì các ông đã tiếp tế bánh mì và có thái độ tốt với chúng ta.
Em im lặng, nghiêng người về phía trước.
Cùng với A.I. Mi-côi-an, A.V. Khru-lép và N.A. An-ti-pen-cô, chúng tôi nghiên cứu cẩn thận khả năng của chúng ta viện trợ lương thực, thuốc men cho nhân dân Đức. Mặc dầu Liên Xô còn nhiều khó khăn lớn, chúng tôi đã tìm hết cách để viện trợ. Chúng tôi đã thấy rõ nét mặt của những người dân Béc-lanh khi họ được cung cấp bánh mì, bột, cà phê, đường, đôi khi có một ít mỡ và thịt...
Chấp hành chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng và chính phủ Liên Xô, chúng tôi đã giúp nhân dân Đức tất cả những gì có thể làm được để nhanh chóng tổ chức sinh hoạt lao động của họ. Chúng tôi đã đem tài sản lấy được như xe vận tải, lúa giống phân phối hết, còn ngựa và nông cụ lấy trong các trang trại của bọn bá tước Đức thì giao cho những công nhân nông nghiệp để họ xây dựng các tập đoàn sản xuất.
Van-te Un-brích đến Béc-lanh. Tôi chưa hề gặp đồng chí ấy nhưng đã nghe rất nhiều về nhà lãnh đạo kiên cường và rất nguyên tắc của những người cộng sản Đức. Cùng đi với Un-brích còn có nhiều đồng chí cộng sản Đức khác. Quan tâm đầu tiên của các đồng chí là không để xảy ra cái gì đáng tiếc trong quan hệ giữa nhân dân Đức với các chiến sĩ chúng ta. Các đồng chí Đức nhấn mạnh rằng công nhân và thường dân Đức đã nhận rõ Hồng quân không phải là những người đi trả thù mà là những người đến giải phóng họ khỏi chủ nghĩa phát-xít.
Chúng tôi đề nghị Van-te Un-brích đến thăm các đơn vị Hồng quân và cử các đồng chí Đức đến nói chuyện với anh em. Đề nghị ấy được chấp nhận. Nói chuyện xong ra về, các đồng chí Đức giữ lại nhiều tình cảm tốt đẹp về các chiến sĩ chúng ta, về trình độ giác ngộ chính trị và lòng nhân đạo của anh em.
Sau khi chiếm được Béc-lanh, chúng tôi thường tiếp xúc với Vin-hem Pích, Van-te Un-brích và các đồng chí Đức khác đang làm việc không ngừng để thanh toán hậu quả nặng nề của chiến tranh và ách thống trị của chủ nghĩa phát-xít.
Tôi được làm quen với Ốt-tô Grốt-tơ-vôn, một người lãnh đạo nổi tiếng cánh tả của Đảng Xã hội dân chủ Đức rất gần gũi với những người cộng sản. Giữa Vin-hem Pích, Van-te Un-brích và Ốt-tô Grốt-tơ-vôn đã có những cuộc hiệp thương tích cực về việc thành lập Đảng Xã hội thống nhất Đức gồm những đảng viên cộng sản và những người Xã hội dân chủ cánh tả. Sau đó một năm, ngày 21-4-1946 đã hoàn thành việc thành lập Đảng Xã hội thống nhất đức. Cơ quan lãnh đạo của Đảng được bầu ra, công tác vận động công nhân, nông dân, trí thức lao động được triển khai rộng.
Giữa tháng 5-1945, Hội đồng quân sự phương diện quân triệu tập hội nghị gồm đại biểu các tầng lớp xã hội Đức, cán bộ công nghiệp, vận tải, y tế, các ngành phục vụ công cộng, các cơ quan văn hóa và các sĩ quan thuộc các cơ quan quân quản.
Tham gia hội nghị có Phó chủ tịch Hội đồng ủy viên nhân dân A.I. Mi-côi-an, bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đức Van-te Un-brích cùng nhiều nhà hoạt động Đảng và xã hội Đức.
Hội nghị thảo luận các vấn đề tiếp tục làm cho sinh hoạt trong thành phố, việc cung cấp cho nhân dân trở nên bình thường lại và tìm mọi cách khôi phục vận tải, các xí nghiệp phục vụ công cộng, tổ chức sinh hoạt văn hóa ở Béc-lanh.
Ngày 14-5, tư lệnh quân quản Béc-lanh, thượng tướng N.E. Béc-da-rin đã cùng với ban giám đốc mới của sở xe điện ngầm khai mạc đường xe điện ngầm thứ nhất, và cuối tháng 5 thì khai thác 5 đường nữa, tổng cộng dài 61 km.
Ngày 19-5 làm lễ thành lập cơ quan thị chính Béc-lanh. N.E. Béc-da-rin đọc báo cáo về chính sách của Chính phủ Xô-viết đối với Béc-lanh; bác sĩ thị trưởng Véc-ne giới thiệu với mọi người về cơ quan thị chính bao gồm những nhà hoạt động trong phong trào dân chủ chống phát-xít mà ai cũng biết.
Cả thành phố rộn ràng việc khôi phục và thu dọn gạch ngói, rác rưởi. Tham gia công việc này, bên cạnh các cán bộ chuyên môn và nhân dân Đức còn có các kỹ sư và nhiều đơn vị chuyên môn của Quân đội Liên Xô. Cuối tháng 5, những ga đường sắt chính và những bến sông trong thành phố đã hoạt động trở lại nhằm bảo đảm tiếp tế bình thường cho Béc-lanh chất đốt và lương thực.
Cùng lúc ấy 21 trạm bơm nước của thành phố đã hoạt động, 7 nhà máy hơi đốt được khôi phục để cung cấp cho thành phố 34 vạn mét khối hơi đốt trong một ngày. Các xí nghiệp và nhân dân ở các khu phố chính của Béc-lanh hầu như được bảo đảm đầy đủ hơi đốt và nước.
Trong tháng 6, xe điện của thành phố đã chở khách trên 51 đường, tổng cộng dài 498 km.
Ngày 25-5, theo lệnh của N.E. Béc-da-rin, đã tổ chức lại cảnh sát thành phố, tòa án và cơ quan công tố. Phụ trách bộ máy cảnh sát ở Béc-lanh là Pôn Mác-gráp, một người đã tích cực tham gia phong trào “Nước Đức tự do”.
Các cơ quan quân quản Béc-lanh với sự giúp đỡ của những người cộng sản và những người dân chủ Đức đã ra sức tổ chức và phát triển cơ cấu dân chủ trong thành phố.
Đài phát thanh Béc-lanh hoạt động từ ngày 13-5.
Hôm sau, các vị lãnh đạo ủy ban quân quản cùng với các giám đốc nhà hát: Gút-xtáp Gri-út-ghen, Ê-rít Lê-gan và Pôn Véc-ne đã thảo luận về những biện pháp nhằm chuẩn bị khai mạc các nhà hát ở Béc-lanh.
Giữa tháng 6 ở Béc-lanh có 120 rạp chiếu bóng mở cửa, chiếu các phim nghệ thuật và tài liệu Liên Xô. Hàng vạn người dân Béc-lanh hào hứng đến xem.
Một biện pháp rất quan trọng về chính trị và văn hóa của chính quyền Xô-viết là phát hành trong nhân dân tờ báo của các đơn vị Quân đội Liên Xô ở Đức. Tờ báo lấy tên là “Quan sát hàng ngày” và xuất bản bằng tiếng Đức. Số đầu tiên ra ngày 15-5 và nó nhanh chóng được hưởng ứng rộng rãi. Tờ báo có nhiệm vụ giải thích cho nhân dân Đức chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Chính phủ Liên Xô, kể những sự thật về Liên Xô, về sứ mệnh quốc tế của Hồng quân. Tờ báo giải thích cặn kẽ về các biện pháp khôi phục các ngành phục vụ công cộng và nâng cao văn hóa ở Béc-lanh, bóc trần bản chất của chủ nghĩa phát-xít, kêu gọi nhân dân Đức đem hết sức mình khôi phục thật nhanh chóng sinh hoạt bình thường trong Béc-lanh.
Vài ngày sau lại phát hành tờ báo thứ hai “Béc-lin-ne Xây-tung”, cơ quan của Tòa thị chính Béc-lanh.
Trong-6, đã thống nhất các lực lượng hoạt động cho một nền văn hóa dân chủ ở Béc-lanh. Thành lập “Cun-tua-bun-đơ”, Hội liên hiệp phục hưng văn hóa dân chủ Đức.
Giữa tháng 5, theo chỉ thị của ủy ban quân quản Liên Xô và Tòa thị chính, trong nhiều khu phố đã sôi nổi mở trường học. Cuối-6 có 580 trường bắt đầu dạy 233.000 trẻ em. Đã tổ chức 88 câu lạc bộ trẻ em.
Theo mệnh lệnh số 2 của Chủ tịch ủy ban quân chính Liên Xô, trên phần đất đai do Quân đội Liên Xô chiếm đóng, các đảng chống phát-xít được phép hoạt động. Nhân dân được bảo đảm quyền gia nhập các công đoàn và các tổ chức tự do nằm mục đích bảo đảm quyền lợi của mình.
“Biện pháp ấy của cơ quan quân sự xã hội chủ nghĩa là điều bất ngờ và ngạc nhiên đối với tuyệt đại đa số người Đức. Nó thể hiện lòng tin của chính quyền Xô-viết vào các lực lượng dân chủ của nhân dân Đức và vào chương trình của họ nhằm triệt tận gốc chủ nghĩa phát-xít và cải tạo dân chủ nước Đức” - nhà sử học Cộng hòa dân chủ Đức Khoóc Siu-xle đã viết như vậy.
Sau đó Ốt-tô Grốt-tơ-vôn cũng nhận xét, mệnh lệnh số 2 của Chủ tịch ủy ban quân chính Liên Xô ở Đức “đã thúc đẩy mạnh mẽ đời sống chính trị trong khu vực Liên Xô chiếm đóng”. Đồng chí còn viết:
“Còn có thể tìm đâu trong lịch sử một quân đội chiếm đóng, chỉ năm tuần sau khi kết thúc chiến tranh, đã cho nhân dân nước bị chiếm đóng được phép xây dựng đảng, phát hành báo và cả tự do hội họp và phát biểu ý kiến?”.
Ngày 11-6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đức ra lời kêu gọi có tính chất cương lĩnh đối với nhân dân Đức. Đó là văn kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử, nó trình bày chương trình xây dựng nước Đức dân chủ chống phát-xít. Nhân dân Đức được hưởng quyền xây dựng đời sống trên nền tảng dân chủ.
Ngay những tháng đầu tiên sau khi kết thúc chiến tranh, các cơ quan dân chủ tự quản Béc-lanh, cũng như trong toàn khu vực Liên Xô chiếm đóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đức và sự tham gia của Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô đã tiến hành một loạt những cải cách kinh tế - xã hội. Cải cách dân chủ về ruộng đất mang lại ruộng đất cho gần một triệu người lao động Đức và chấm dứt sự tồn tại của giai cấp yun-ke[3] Phổ, một trong những chỗ dựa chính của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát-xít Đức, thủ tiêu bọn tư bản lũng đoạn kếch xù, giải tán các tổ chức liên hợp kinh doanh. Những tên quốc xã cũng bị đuổi ra khỏi các cương vị lãnh đạo kinh tế, xã hội, văn hóa của thành phố. Trong các nhà máy, thi hành chế độ ngày làm 8 giờ và chế độ nghỉ phép thống nhất cho mọi người lao động.
Tôi nhớ rõ là Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã theo dõi những chủ trương rất quan trọng ấy với sự quan tâm đặc biệt và với tinh thần hiểu biết cụ thể các điều kiện sinh hoạt của nhân dân lao động Đức. Riêng I.V. Xta-lin đã trực tiếp cho nhiều ý kiến quý báu về hướng chính của công tác ấy. Người xem xét các vấn đề dưới góc độ vì lợi ích của giai cấp công nhân quốc tế và cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình và an ninh ở châu Âu.
Khi quân đội và bộ máy hành chính Mỹ, Anh và Pháp vào các khu tây Béc-lanh thì trong thành phố sinh hoạt căn bản đã bình thường và đủ điều kiện để tiếp tục phát triển.
Ngày 16-6-1945, ban quân quản Liên Xô và tập đoàn quân xung kích 5 gặp một việc không lành. Tư lệnh tập đoàn quân, tư lệnh quân quản Liên Xô đầu tiên của Béc-lanh, Anh hùng Liên Xô, thượng tướng Ni-cô-lai E-ra-xtô-vích Béc-da-rin đã hy sinh trong khi thừa hành nhiệm vụ.
Anh hùng Liên Xô, thượng tướng A.V. Goóc-ba-tốp được cử đến làm tư lệnh quân quản Béc-lanh và tư lệnh tập đoàn quân xung kích 5.
Chỉ huy tập đoàn quân 3 trong chiến dịch Béc-lanh, đồng chí đã hoàn thành rực rỡ nhiệm vụ tiêu diệt quân Đức bị vây ở đông nam Béc-lanh. Phụ trách quân quản Béc-lanh, Goóc-ba-tốp tỏ ra là người có tài tổ chức và đã làm tất cả mọi việc trong phạm vi có thể để tích cực tiếp tục khôi phục sinh hoạt bình thường của nhân dân lao động Đức.
Tôi muốn biểu dương các hoạt động có kết quả của các ủy viên Hội đồng quân sự tập đoàn quân xung kích 5 trung tướng Ph.E. Bô-cốp và đại tá X.I. Tuyn-pa-nốp, những người đã hết lòng giúp đỡ các đồng chí Đức và Tòa thị chính Béc-lanh, các cơ quan tự quản địa phương và các ủy ban quân quản Liên Xô ở Béc-lanh.
Đối với Quân đội Liên Xô, chiến dịch kết thúc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại lại là chiến dịch Pra-ha. Quân đội Liên Xô còn phải tiêu diệt nốt tàn quân Đức ở Tiệp Khắc và giải phóng Tiệp Khắc khỏi ách chiếm đóng của Đức.
Ngay từ mồng 5-5, Bộ Tổng tư lệnh đã được tin về cuộc khởi nghĩa của người Séc ở Pra-ha và về những cuộc chiến đấu của quân khởi nghĩa chống quân Đức. Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các Phương diện quân U-crai-na 1, 2, 4 cấp tốc hành quân đến Pra-ha để giúp những người khởi nghĩa đánh lui quân đội của Hít-le đang đàn áp họ.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, các phương diện quân đưa ngay bộ đội cơ động của mình đến đấy. Trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 5, quân ta đã đến khu vực Pra-ha, và sáng sớm thì vào thành phố, được nhân dân nhiệt liệt chào mừng.
Từ lúc đó cũng chấm dứt sự chống cự có tổ chức của quân Đức ở Tiệp Khắc, Áo và miền nam nước Đức. Quân Đức vội vã rút lui về phía tây với âm mưu đầu hàng quân Mỹ. Ở đây quân đội Liên Xô đã bịt kín đường. Chúng định dùng sức mạnh của vũ khí để chuồn đi nên đã bị thiệt hại nặng nề. Bộ chỉ huy quân Mỹ vi phạm điều cam kết đồng minh của họ, không ngăn cản quân phát-xít Đức rút lui về khu vực của họ, thậm chí còn tiếp tay thêm.
Những hiện tượng như thế chúng tôi còn nhận thấy cả trên khu vực quân đội Anh. Bộ chỉ huy Liên Xô tuyên bố phản đối các ông đồng minh này, nhưng không ăn thua gì.
Sư đoàn của Vla-xốp, những tên phản bội tổ quốc hối hả chạy về khu vực có quân Mỹ. Nhưng nó đã bị quân đoàn xe tăng 25 do thiếu tướng E.I. Phô-mi-nức chỉ huy ngăn chặn rất quyết liệt. Bản thân Vla-xốp cũng có mặt trong sư đoàn. Có chủ trương bắt sống y để xử trí thật đích đáng về tội phản bội tổ quốc của y. Lữ đoàn trưởng lữ xe tăng 162, đại tá I.P. Mi-sen-cô được giao nhiệm vụ ấy. Và nhiệm vụ trực tiếp bắt Vla-xốp giao cho toán xe tăng dưới quyền chỉ huy của đại úy M.I. Ya-cu-sép.
Vla-xốp bị bắt trong một chiếc ô-tô tách rời đoàn xe của y. Y vờ làm lính ốm trốn dưới đống đồ đạc và trùm chăn kín. Chính những người bảo vệ y phát hiện ra. Vla-xốp và đồng lõa bị Tòa án quân sự kết án xử tử và bị hành quyết ngay.
Thế là một nhà nước phát-xít khủng khiếp đã sụp đổ tan tành.
Các lực lượng vũ trang Liên Xô và quân các nước Đồng minh được sự giúp đỡ của các lực lượng giải phóng dân tộc Pháp, Nam Tư, Ba Lan, Tiệp Khắc, v.v...đã làm tròn nhiệm vụ tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít ở châu Âu. Cuộc xâm lăng của bọn Hít-le kéo dài gần 6 năm trời đã kết thúc. Cả loài người tiến bộ đều da diết mong thoát khỏi cuộc chiến tranh với phát xít Đức.
Tôi thấy khó, và cũng thấy không cần thiết phải nêu bật một người nào đó trong những người đã tham gia chiến dịch Béc-lanh trận chiến đấu chung kết vô cùng lớn cuối Thế chiến thứ hai. Mỗi người chiến sĩ đều chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ của mình với sự nỗ lực chủ quan cao nhất. Nói chung, nhiệm vụ tiêu diệt quân địch trong chiến dịch, trong đợt chiến đấu hay trong một trận chiến đấu đều là công việc chung của tất cả những người tham gia.
Trong khi chỉ huy bộ đội, tôi được sự giúp đỡ của cả tập thể bộ tham mưu đầy kinh nghiệm của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 đứng đầu là tướng M.X. Ma-li-nin.
Cần nói rằng khi nào tổng kết chiến tranh, phải biểu dương thích đáng tất cả những người làm việc trong các cơ quan tham mưu.
Tôi cũng muốn lưu ý rằng, thời gian tiêu diệt đạo quân Đức ở Béc-lanh và chiếm thủ đô Đức vẻn vẹn có 16 ngày đêm. Đó là thời gian ngắn kỷ lục đối với một chiến dịch phức tạp có tính chiến lược như vậy.
Ngày nay có kẻ ở phương Tây định thu nhỏ những khó khăn mà Quân đội Liên Xô phải khắc phục trong các chiến dịch kết thúc năm 1945 và khi đánh chiếm Béc-lanh.
Với tư cách người tham gia chiến dịch Béc-lanh, tôi cần nói rằng, đây là một trong những chiến dịch khó nhất của chiến tranh thế giới thứ hai. Gần 1 triệu quân địch phòng thủ trên hướng chiến lược Béc-lanh đã chiến đấu rất ác liệt. Đặc biệt trên các điểm cao Dê-ê-lốp, ở ven thành và ngay trong thành phố. Quân đội Liên Xô trong chiến dịch kết thúc này đã bị tổn thất lớn, gần 30 vạn người chết và bị thương.
Qua trao đổi với Ai-xen-hao, Mông-gô-mê-ri, các sĩ quan và tướng của quân Đồng minh, tôi mới biết rằng, sau khi vượt qua sông Ranh, quân Đồng minh không phải đánh trận nào ra trò với bọn Đức cả. Các đơn vị quân Đức chỉ chống cự qua loa, sau đó, nhanh chóng rút lui và đầu hàng bọn Mỹ, Anh. Những số liệu dưới đây xác nhận thiệt hại hết sức thấp của quân Đồng minh trong các chiến dịch kết thúc.
Chẳng hạn, theo số liệu của Ph.S Pô-ghiu nêu trong cuốn sách “Bộ tổng chỉ huy”, tập đoàn quân 1 của Pát-tôn (Mỹ) trong ngày 23-4-1945 chỉ mất có 3 người, nhưng cũng trong ngày đó đã bắt được 9 nghìn sĩ quan và lính Đức.
Đội quân 3 triệu người của Mỹ hành quân từ sông Ranh sang phía đông, đông nam và đông bắc đã tổn thất bao nhiêu? Rõ ràng, họ chỉ mất có 8.351 người, trong khi đó, tù binh Đức thì hàng trăm nghìn cả lính, sĩ quan và tướng.
Nhiều người chỉ huy quân sự phương Tây, kể cả bộ tổng chỉ huy quân Đồng minh viễn chinh ở châu Âu, vẫn cứ đưa ra những kết luận xằng bậy cho rằng, sau những đợt chiến đấu ở Ác-đen và khi quân Đồng minh tiến đến sông Ranh, bộ máy quân sự của Đức đã bị đập tan không cần thiết phải mở chiến cục mùa xuân 1945 nữa. Ngay cựu tổng thống Ai-xen-hao, năm 1965, khi trả lời phỏng vấn của một phóng viên ở Si-ca-gô tên là Ét-vác Phô-li-rít Lia-vét, đã tuyên bố:
“Nước Đức đã bị bại trận hoàn toàn sau những trận ở Ác-đen... Đến ngày 16-1 mọi việc đều kết thúc, và bất cứ người nào có lý trí đều hiểu rằng đó là kết thúc. Bất cứ chiến cục mùa xuân nào đều không cần thiết. Chiến tranh kết thúc hình như 60 hay 90 ngày trước đó”.
Nói thế không thể nào nghe được.
Mọi người đều biết, giữa tháng Giêng năm 1945, Hồng quân mở cuộc tiến công từ tuyến Tin-dít - Vác-xô-vi - Xan-đô-mia nhằm tiêu diệt quân địch ở Đông Phổ và Ba Lan. Tiếp đó đề ra kế hoạch tiến công vào trung tâm nước Đức để chiếm Béc-lanh và tiến đến sông En-bơ, eòn các đơn vị ở phía nam thì chuẩn bị giải phóng Tiệp
Khắc và Áo.
Theo kiểu nói của Ai-xen-hao thì Quân đội Liên Xô ngay từ tháng Giêng năm 1945 không cần mở chiến cục mùa xuân. Như thế có nghĩa là kết thúc chiến tranh mà không đạt một mục tiêu quân sự - chính trị cơ bản nào, và cũng không đến được đường biên giới nào của phát-xít Đức chưa nói đến việc chiếm Béc-lanh. Nói ngắn hơn, đó là làm cái điều mà Hít-le và phe lũ mơ tưởng khi chúng ngồi dưới hầm trong văn phòng đế chính, có nghĩa là sẽ gây thất vọng cho tất cả những ai mong muốn những chuyển biến lớn trong thời đại chúng ta.
Việc tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít ở châu Âu đòi hỏi các nước liên minh chống Hít-le phải động viên lực lượng vũ trang và phương tiện vật chất rất lớn. Để giải quyết các nhiệm vụ tối quan trọng ấy cần có sự hiểu biết lẫn nhau và ý chí tiêu diệt bọn phát-xít cho đến lúc chúng phải đầu hàng vô điều kiện.
Không một ai có thể bác bỏ điều này: Liên Xô phải chịu gánh nặng chủ yếu của cuộc chiến đấu chống phát-xít. Đây là cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu và gay go nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh mà nhân dân ta phải tiến hành trong quá khứ.
Cuộc chiến tranh tàn khốc hủy hoại gần 3 năm đã diễn ra trực tiếp trên đất đai Liên Xô. Hơn 20 triệu người Liên Xô đã hy sinh trên các chiến trường, dưới những đống tro tàn của các thành phố, làng mạc, bị bắn giết, hành hạ chết mòn trong các “trại giết người” của bọn Hít-le. Hơn 70.000 thành phố, xóm làng, thôn ấp bị phá trụi. Cả nước bị tổn hại gần 30% của cải. Xưa nay chưa hề có sự khủng bố hàng loạt vô nhân đạo nào bằng những cuộc khủng bố mà bọn chiếm đóng Đức đã gây ra trên đất nước chúng ta. Ai có thể phủ nhận điều này.
Có nước nào, dân tộc nào trong Liên minh chống phát-xít lại hy sinh nặng nề như Liên Xô, và có ai đã dùng một lực lượng lớn đến như thế để đập tan một kẻ thù đe dọa cả nhân loại hay chưa.
Không có lấy một quả bom rơi trên đất Mỹ. Không một viên đạn đại bác nào bắn vào các thành phố của Mỹ. Trong suốt những năm chiến tranh nước Anh chỉ có 264.433 người bị giết[4].
Tuy nhiên, nhân dân Liên Xô biết rõ công lao của nhân dân Mỹ, Anh, của những người lính, sĩ quan, tướng đã làm hết khả năng để nhích gần đến giờ chiến thắng phát-xít Đức. Chúng ta chân thành tường nhớ đến những thủy thủ Anh, Mỹ đã hy sinh, những người vượt biển cả gió to, bất chấp đường dài mà mỗi hải lý là một đoạn hiểm nguy sinh tử, mang hàng đến cho chúng ta theo hiệp nghị quy định. Chúng ta đánh giá cao tinh thần anh dũng quên mình của những người tham gia kháng chiến trong nhiều nước châu Âu.
Đối với tất cả các quân chủng của lực lượng viễn chinh Đồng minh châu Âu, cần thừa nhận một cách khách quan phẩm chất và tinh thần chiến đấu mà họ đã biểu lộ trong khi chiến đấu chống kẻ thù chung.
Không phải ngẫu nhiên, khi quân ta cùng quân Đồng minh gặp nhau trên sông En-bơ và ở các nơi khoe, họ đã chân thành chúc mừng nhau vì đã chiến thắng phát-xít Đức và đều bày tỏ hy vọng giữ được tình hữu nghị sau chiến tranh.
Chiến tranh là sự thử thách nghiêm khắc và sự kiểm tra toàn diện đối với chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Liên Xô. Qua sự kiểm tra đó có thể xác nhận tính hơn hẳn và sức sống của nó.
Diễn biến của chiến tranh và sự kết thúc của nó đã chỉ rõ vai trò quyết định của đông đảo nhản dân trong chiến tranh. Người Xô-viết nào trong quân đội và đội du kích, trong nhà máy và phòng thiết kế, ở nông trường tập thể và quốc doanh cũng đều không hề tiếc sức mình, họ quyết cống hiến hết tài, lực mình để tiêu diệt quân thù.
Công nhân, nông trang viên, trí thức đã lao động trong điều kiện rất gay go, ăn không đủ no, ngủ không đẫy giấc. Phụ nữ và thiếu niên làm thay chỏ những người ra tiền tuyến. Toàn bộ nền kinh tế quốc dân được xây dựng trên cơ sở mới đã chứng minh bước tiến bộ của mình. Trong những năm chiến tranh, công nghiệp của chúng ta trong những điều kiện đấu tranh vũ trang vô cùng khó khăn chống kẻ địch mạnh, một kẻ địch đã gây cho ta thật nhiều thiệt hại nặng nề về vật chất, đã sản xuất nhiều gấp đôi số khí tài hiện đại của nước Đức Hít-le, kẻ đã có chỗ dựa là tiềm lực quân sự cả châu Âu.
Ngay trong những lúc khó khăn nhất, lúc quân thù hầu như nắm quyền khống chế, nhân dân Liên Xô vẫn không chịu bó tay, không hốt hoảng trước những đòn tiến công của quân thù.
Họ đã đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản, khắc phục một cách vẻ vang mọi khó khăn và giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.
Đảng Cộng sản Liên Xô là người thực sự cổ vũ, tổ chức chúng ta. Trong những năm dài thử thách của chiến tranh gian khổ, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh; những người con ưu tú của Đảng đã đứng hàng đầu trong cuộc đấu tranh vũ trang. Đến cuối chiến tranh, ngoài tiền tuyến có hơn 3 triệu đảng viên - hơn nửa tổng số đảng viên của Đảng (bốn chiến sĩ có một đảng viên), và đợt chiến sĩ gia nhập Đảng lớn nhất là vào những tháng gay go nhất của năm 1941-1942. Đảng viên, đoàn viên, ở ngoài tiền tuyến cũng như ở hậu phương, đều đã đi đầu trong cuộc chiến đấu anh hùng bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân và quân đội đã nhìn thấy ở những người đảng viên, ở Đảng của Lê-nin mẫu mực của chủ nghĩa yêu nước Xô-viết cao cả và lòng trung thành với chủ nghĩa quốc tế.
Tôi cũng muốn nêu rõ tầm quan trọng hết sức lớn của báo chí Liên Xô trong việc tuyên truyền cổ vũ, giáo dục lòng yêu nước trong những năm chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Những đặc phóng viên, những phóng viên của các báo trung ương và địa phương, những
phóng viên nhiếp ảnh quả cảm, xông xáo, các nhân viên đài phát thanh toàn Liên Xô, tất cả đều đã hoạt động rất anh dũng ở hàng đầu ở ngoài tiền tuyến hiểm nghèo và vô cùng gay go.
Cục thông tin toàn Liên Xô có uy tín rất lớn ngay cả trên toàn thế giới; nó là nguồn tin tức xác thực nhất từ các chiến trường của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Điểm qua kết quả, chúng ta cần một lần nữa đánh giá thích đáng những nỗ lực phi thường và lòng dũng cảm của quân và dân ta đã chiến đấu bảo vệ Mát-xcơ-va trong năm 1941 gay go và khó khăn
Đế quốc đề ra cho chúng mục tiêu tiêu diệt nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, nô dịch các dân tộc ở nhiều nước khác.
Các văn kiện, chỉ thị, bản đồ, trong đó bè lũ Hít-le đã phác ghi số phận châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ mà chúng muốn gán cho sau khi chúng tiêu diệt được Liên Xô, đến nay đã ngả màu vàng. Nhưng cũng nên nhớ lại nó mỗi khi suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, mỗi khi suy nghĩ đến cái mà nói chung những cuồng vọng thống trị toàn cầu có thể dẫn đến.
Tính chất giai cấp không khoan nhượng, không thỏa hiệp trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít và lực lượng vũ trang của nó đã ảnh hưởng có ý nghĩa quyết định đến chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật của Quân đội Liên Xô, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao chỉ đạo.
Nghệ thuật quân sự Xô-viết sau khi đã khắc phục những khó khăn của thời kỳ đầu chiến tranh, trong giai đoạn thứ hai, dựa vào sự ủng hộ của toàn dân, đã giành được chủ động hoàn toàn từ tay quân thù và đã tổ chức hàng loạt chiến dịch tiến công rất to lớn có ý nghĩa chiến lược.
Để nâng cao hình thức và phương pháp tiến hành chiến tranh, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao, Bộ Tổng tham mưu, bộ tư lệnh và tham mưu các phương diện quân, các tập đoàn quân, trong quá trình chiến tranh, đã ra sức tổng kết kinh nghiệm tiền tiến và vận dụng vào bộ đội.
Những nhân tố thắng lợi quan trọng nhất của các chiến dịch tiến công năm 1943 - 1945 là phương pháp tiến công mới của pháo binh và không quân; là việc sử dụng tập trung những binh đoàn lớn cơ giới, xe tăng, không quân hiệp đồng mưu trí với các tập đoàn quân bộ đội hợp thành trong các chiến dịch có quy mô chiến lược; là cải tiến căn bản việc chuẩn bị chiến dịch và các phương pháp chỉ huy bộ đội.
Trong quá trình chiến tranh, đi đôi với các lực lượng lục quân, chúng ta đã nhanh chóng phát triển không quân cùng nghệ thuật chiến đấu và nghệ thuật chiến dịch của nó. Nhờ thế trong giai đoạn kết thúc, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ trên không. Các chiến sĩ lái của ta trong thời chiến đã chiến đấu rất anh dũng. Hoạt động cùng với bộ đội mặt đất, không quân đã đánh mạnh, đánh giỏi trên khắp chiều sâu chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Đến cuối chiến tranh, không quân của ta đã có ưu thế về trang bị khí tài.
Các tập thể dưới sự lãnh đạo của các đồng chí sau đây đã thành công rực rỡ, chế tạo được máy bay quân sự rất tốt: A.N. Tu-pô-lép, A.I. Mi-côi-an, A.A. Bla-gôn-ra-vốp, A.A. Ác-khan-ghen-xki, N.N. Pô-li-các-pốp, A.X. Ya-cốp-lép, X.V. I-li-u-sin, X.A. La-vốt-skin, V.M. Pết-li-a-cốp, S.P. Cô-rô-lép, P.O. Xu-khôi, Gi.Ya. Cô-tin, A.N. Crư-lốp, V.Ya. Cli-mốp, M.I. Cô-skin, V.G. Gra-bin, X.G. Gô-ri-nốp, M.I. Gu-rê-vích, V.A. đéc-chi-a-rép, A.A. Mi-cu-lin, B.I. Sa-vư-rin, G.X. Spa-ghin.
Bên cạnh lục quân và không quân, hải quân của ta cũng tác chiến thắng lợi. Hàng chục binh đoàn và hàng trăm đội lính thủy đánh bộ đã hoạt động trên bộ, và khắp nơi họ đều tỏ ra dũng cảm tuyệt vời được nhân dân hết lời ca ngợi.
Bắt đầu từ năm 1944, chiến lược quân sự Xô-viết dựa trên tiềm lực kinh tế và quân sự vô cùng to lớn của cả nước, với ưu thế về lực lượng và phương tiện, đã mở những chiến dịch tiến công với sự đồng thời tham gia của hai, ba, bốn... phương diện quân, hàng chục nghìn khẩu pháo, hàng nghìn xe tăng, súng cối phản lực và máy bay chiến đấu. Những lực lượng và phương tiện hùng hậu ấy đã giúp Bộ chỉ huy Liên Xô chọc thủng bất cứ dải phòng ngự nào của địch, đánh rất sâu, bao vây những đạo quân lớn, nhanh chóng chia cắt và tiêu diệt chúng trong một thời gian ngắn.
Nếu ở khu vực Xta-lin-grát, các Phương diện quân Tây-nam, Sông Đông, Xta-lin-grát phải mất gần hai tháng rưỡi để tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn quân của Pao-luýt, thì trong chiến dịch kết thúc Béc-lanh như đã nói trên, đạo quân chiến lược của Đức trên 40 vạn người đã bị tiêu diệt và bắt hết trong vòng 16 ngày đêm.
Trong việc chuẩn bị tất cả các chiến dịch tiến công, Quân đội Liên Xô đã hết sức chú ý tạo yếu tố bất ngờ bằng cách ngụy trang cẩn thận về chiến dịch và chiến thuật, bằng chế độ biên soạn hết sức bí mật các văn kiện chiến dịch và nghiêm khắc hạn chế phổ biến trong tất cả các cấp từ Đại bản doanh tới bộ dội. Đặc biệt chú ý tập trung kín đáo lực lượng và phương tiện trên những hướng tiến công chủ yếu và nghi binh ở các khu vực khác không dự định tiến công.
Trong thời gian chiến tranh chống phát-xít Đức, Quân đội Liên Xô đã mở nhiều chiến dịch lớn, có những chiến dịch chưa từng có trong lịch sử chiến tranh về quy mô và về cách thực hiện. Có thể nêu lên trận Xta-lin-grát, trận ở vòng cung Cuốc-xcơ, trận ở Mát-xcơ-va, chiến dịch Ya-xư - Ki-si-nép, trận tiêu diệt quân Đức ở Bê-lô-ru-xi, chiến dịch Vi-xla - Ô-đe và chiến dịch kết thúc Béc-lanh.
Trong tác chiến phòng ngự chúng ta không thể quên được tinh thần ngoan cường dũng cảm của Quân đội Xô-viết trong các trận ở Lê-nin-grát, Xê-vát-xtô-pôn và Ô-đét-xa.
Tất cả các chiến dịch tiến công và phản công lớn của Quân đội Liên xô từ mùa hè 1942 đều xuyên suốt tinh thần độc đáo, kiên quyết mãnh liệt và triệt để. Các trận chiến đấu và chiến dịch diễn ra liên tục suốt bốn mùa. Không có mùa đông tuyết phủ rét buốt nào, không có ngày mưa tầm tã nào, không có lầy lội nào của mùa xuân và mùa thu có thể ngăn cản đà phát triển liên tục của các chiến dịch, mặc dầu đó là những lúc quân ta phải mang hết tâm sức ra chịu đựng.
Điểm nổi bật quan trọng nhất về chiến lược của Liên Xô trong những năm 1944 - 1945 là tinh thần đặc biệt tích cực mở các chiến dịch tiến công trên khắp mặt trận Xô - Đức với những mục đích rất kiên quyết. Nếu trong thời kỳ đầu và một phần trong thời kỳ thứ hai, Quân đội Liên Xô chỉ tiến công sau khi quân Đức mất hết khả năng tiến công (có nghĩa là phản công), thì tất cả các chiến cục trong giai đoạn kết thúc chiến tranh rõ ràng bắt đầu ngay bằng những trận tiến công mạnh mẽ của quân ta vào trận địa phòng ngự có chuẩn bị sẵn của địch.
Chúng ta có thể cùng một lúc liên tục mở trên nhiều hướng những chiến dịch tiến công lớn trong các năm 1944 - 1945 là vì mặt trận ở đây đã thu hẹp lại và so sánh lực lượng tiếp tục chuyển biến có lợi Quân đội Liên Xô. Phương pháp tiến hành tiến công chiến lược ấy có hiệu quả đặc biệt vì nó tước được của dịch khả năng tự do cơ động và làm cho chúng bị ngăn chặn khắp nơi.
Về hình thức, các chiến dịch tiến công chiến lược thật là nhiều vẻ. Nổi bật nhất là những chiến dịch bao vây và tiêu diệt địch bằng những đòn đánh vào hướng chúng đang di động hay bằng cách ép chúng xuống biển, chia cắt chúng ra để tiêu diệt gọn từng phần. Chiến dịch bao vây là hình thức chiến dịch tiến công chiến lược có hiệu quả nhất. Điều kiện thuận lợi để mở rộng chiến dịch ấy là thế hơn hẳn của quân ta đối với quân địch.
Quân đội Liên Xô, trong suốt chiến tranh, đã tác chiến ban đêm một cách rất mưu trí và táo bạo. Lối đánh này trước chiến tranh được coi là “hành động trong điều kiện đặc biệt”. Trong chiến tranh nó trở thành thông thường. Nó lại trở thành phổ biến đặc biệt rộng rãi trong năm 1943 - 1945, khi quân ta mở những chiến cục có tính chất chiến lược hết sức lớn. Địch thường tránh hoạt động ban đêm; khi buộc phải đánh đêm, chúng bị mất chủ động và không dám cơ động.
Bắt đầu từ năm 1943, những trận đánh gặp địch đã có tác dụng lớn. Kinh nghiệm chiến tranh cho thấy, trong đánh gặp địch, chiến thắng thuộc về bên nào chuẩn bị tốt cho loại chiến đấu phức tạp này. Ở đây điều đặc biệt quan trọng cần nhớ là luôn luôn và trong mọi lúc, ngay khi bắt gặp địch, phải nhanh tay hơn địch: chiếm các tuyến có lợi, triển khai, khai hỏa, bọc sườn, công kích mãnh liệt.
Đánh gặp địch đòi hỏi chỉ huy phải táo bạo và luôn chủ động, luôn sẵn sàng chỉ huy chiến đấu một cách quả đoán, mưu trí, tích cực.
Các lực lượng du kích Liên Xô đã anh dũng hoạt động để hỗ trợ cho các chiến dịch tiến công của ta thắng lợi. Hơn 3 năm, du kích không hề cho quân thù được yên một phút, họ phá đường giao thông và trừng trị bọn chúng ở hậu địch. Quân đội Liên Xô tiến vào lãnh thổ Ba Lan, Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Nam Tư, Hung-ga-ri cũng được sự giúp đỡ to lớn của lực lượng yêu nước do các Đảng Cộng sản và Đảng xã hội ở các nước đó lãnh đạo.
Ở các tỉnh bị tạm chiếm của nước Cộng hòa liên bang Nga, theo thống kê chưa đầy đủ, các đội du kích bao gồm 260.000 người báo thù cho nhân dân. Ở U-crai-na có 220.000, ở Bê-lô-ru-xi – 374.000. Địch buộc phải bố trí ở hậu phương chúng một lực lượng rất lớn để lập một mặt trận thứ hai nhằm chống quân du kích. Điều ấy đã tác động nghiêm trọng đến tình hình chung của bọn Đức ngoài mặt trận và cuối cùng tác động đến kết cục của chiến tranh.
Ta nên tưởng nhớ đến những nhà lãnh đạo xuất sắc các tổ chức du kích bí mật, những người chỉ huy các đội và các binh đoàn du kích đã làm hết sức mình để đánh địch, hiệp đồng mưu trí với quân chủ lực. Đó là các đồng chí: V.A. Béc-ma, P.P. Véc-si-gô-ra, X.Ya. Véc-si-nin, P.K. Pô-nô-ma-ren-cô, T.A. Stơ-rô-ca-cha, A. Ph. Phê-đô-rốp, X.X. Bên-chen-cô, M. Gu-xây-in Da-đê, Ph. A. Ba-ra-nốp, X. A. Cốp-pắc. E.A. Cô-dơ-lốp, V.I. Cô-dơ-lốp, X.V. Rút-nét, V.K. Xlô-nốp, A.N. Xa-bu-rốp, M. Su-ma-út-scát, Đ.N. Mết-yê-đép, M.I. Na-u-mốp, P.D. Ca-li-nin.
Các chiến sĩ biên phòng cũng lập nhiều công tích lớn đối với Tổ quốc. Họ chịu đựng trước tiên những đòn tiến công của địch. Họ làm hết sức để phá tan kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng của Hít-le. Theo kế hoạch này thì các đội biên phòng sẽ bị quét sạch trong vòng vài giờ sau khi chúng đột nhập.
Bộ đội biên phòng đã chiến đấu ngoan cường trên biên giới với kẻ địch có ưu thế; tiếp đó họ cùng với Hồng quân chiến đấu quên mình để bảo vệ từng tấc đất của Liên Xô.
Trong chiến đấu bảo vệ Mát-xcơ-va, nhiều trung đoàn biên phòng (những đội biên phòng cũ) cùng với các đơn vị Hồng quân đã quyết tử chiến đấu trên các hướng Vô-lô-cô-lam-xcơ, Mô-gia-ích, Na-rô, Phô-min-xcơ, Ma-lô-ya-rô-xláp. Trong chiến đấu ở vòng cung Cuốc-xcơ, tập đoàn quân 70 đã lập thành tích rực rỡ. Tập đoàn quân này gồm các chiến sĩ biên phòng Viễn Đông, Trung Á và Da-bai-can.
Quân biên phòng đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng ngay ở hậu địch, diệt các bộ máy hành chính của chúng, phá hủy đường giao thông. Trong chiến tranh, quân biên phòng đã bảo vệ hậu phương ở Hồng quân, đánh thắng tất cả bọn thám báo biệt kích địch thâm nhập.
Trong chiến tranh hiện đại, sự chỉ đạo đúng đắn có ý nghĩa rất lớn. Nó là một lĩnh vực rộng rãi gồm nhiều nhân tố quân sự - chính trị, tinh thần, vật chất, tâm lý, và hợp thành một bộ phận rất quan trọng của khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự. Những năm trước chiến tranh, khoa học quân sự Xô-viết nghiên cứu chưa đầy đủ vấn đề quan trọng ấy. Tất cả chúng tôi đành phải ra sức nắm lấy khoa học và tập chỉ huy bộ đội ngay trong chiến tranh. Trong vấn đề này, lúc đầu, Bộ chỉ huy Liên Xô ở vào tình thế không lợi so với bộ chỉ huy quân Đức. Khi tiến công Liên Xô, chúng ta đã có khá nhiều kinh nghiệm tiến hành chiến tranh.
Cùng với ưu thế chung của quân ta ngày càng tăng so với quân phát-xít Đức, nghệ thuật quản lý người và trang bị kỹ thuật quân sự cũng phát triển. Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Hội đồng quốc phòng và Đại bản doanh cũng được nâng cao.
Theo lệ thường, hàng ngày Bộ tổng tham mưu báo cáo với Tổng tư lệnh hai, ba lần. Thường thì tổng tham mưu trưởng hay tổng tham mưu phó thứ nhất làm việc này. ngoài những bản báo cáo, cục tác chiến còn lên một bản đồ đặc biệt cho Tổng tư lệnh trong đó ghi rõ diễn biến chiến sự ở từng thời điểm.
Tổng tư lệnh biết rõ và đánh giá cao các thủ trưởng của Bộ tổng tham mưu A.M. Va-xi-lép-xki và A.I. An-tô-nốp. Người thường gọi các tướng của các cục tác chiến Bộ tổng tham mưu như V.Đ. I-va-nốp, N.A. Lô-mốp, X.M. Stê-men-cô, A.A. Gư-dơ-lốp đến để cùng Người xem xét tỉ mỉ kế hoạch hay sự diễn biến của địch. Khi có điều gì chưa rõ, thì trực tiếp gọi điện trao đổi với các tư lệnh hay các bộ tham mưu phương diện quân.
Trong quá trình diễn biến chiến sự, đôi khi Tổng tư lệnh trao đổi bằng điện thoại với các tư lệnh tập đoàn quân, trường hợp khẩn cấp thì nói chuyện thẳng với các sư đoàn trưởng. Các tư lệnh binh đoàn cũng có lúc trao đổi trực tiếp như vậy bằng điện thoại dã chiến.
Từ mùa thu năm 1942, sau khi giải thể Bộ Tổng tư lệnh ba hướng, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao vận dụng hình thức chỉ huy mới - thông qua các đại diện của mình. Chế độ ấy tồn tại đến cuối chiến tranh và tỏ ra là đúng. Đại diện của Đại bản doanh được phái tới các khu vực trọng yếu để phối hợp sự nỗ lực của các phương diện quân và giúp họ tổ chức chỉ huy các chiến dịch. Đôi trường hợp họ phải trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch của nhiều phương diện quân.
Thật ra thì chế độ chỉ huy những hoạt động chiến đấu lớn trực tiếp ngoài mặt trận thông qua các đại diện của Đại bản doanh, bên cạnh mặt ưu điểm cũng còn một số thiếu sót. Tại Bộ thường có lúc chỉ còn một mình Tổng tư lệnh, ở Bộ Tổng tham mưu thường vắng thủ trưởng.
Nội dung đặt kế hoạch chiến đấu ở khâu Đại bản doanh gồm có: định ra mục đích và hình thành các ý đồ chiến cục và chiến dịch, xác định phương hướng các mũi chủ công, bố trí binh lực và khí tài theo các hướng ấy và đề ra nhiệm vụ của các phương diện quân và cả việc bảo đảm vật chất và kỹ thuật cho chiến dịch.
Từ thời kỳ thứ hai của cuộc chiến tranh (từ chiến dịch Xta-lin-grát - trung tuần tháng 11-1942), kế hoạch các chiến cục được chuẩn bị hai, ba tháng trước khi mở màn và được dự kiến rất sâu. Chuẩn bị chiến cục mới, Đại bản doanh lúc nào cũng phổ biến cho các tư lệnh phương diện quân nhiệm vụ của họ xuất phát từ ý đồ chung của chiến cục. Các tư lệnh phương diện quân, về phần mình, căn cứ vào những chỉ thị cơ bản đã nắm được, đề đạt lên Bộ Tổng tham mưu ý kiến của mình về kế hoạch chiến dịch của phương diện quân. Ơù đây, ý kiến ấy được nghiên cứu, cân nhắc, và báo cáo lên Đại bản doanh.
Nói chung chế độ chỉ đạo về chiến lược của Liên Xô lúc đó rất thích hợp và bảo đảm bố trí lực lượng rất nhanh, làm kế hoạch chu đáo và tiến hành thắng lợi các chiến dịch có tính chất chiến lược.
Một đặc điểm của sự chỉ đạo đó là sự tập trung rất nghiêm nhưng sự tập trung này không những không tước bỏ mà tạo điều kiện cho các tư lệnh phương diện quân đề đạt ý kiến sáng tạo của mình. Trong số các đồng chí này, nhiều người là những nhà cầm quân lỗi lạc có tài thao lược.
Về nghệ thuật chỉ huy của Đức và các đối phương của chúng ta, nói chung trong Thế chiến thứ hai, tôi không thể nhất trí với ý kiến cho rằng nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của quân Đức là xoàng. Hồi đầu chiến tranh, nghệ thuật ấy ở mức cao, chúng biết dựa vào và phát huy được thực lực nắm trong tay.
Trong giai đoạn hai của chiến tranh, trình độ nghệ thuật quân sự của các bên đối chiến bắt đầu ngang nhau; khi quân ta có kinh nghiệm tiến hành chiến tranh và Bộ chỉ huy Liên Xô có trong tay mình số lực lượng và phương tiện cần thiết, thì nó vượt xa bọn Đức về  nghệ thuật quân sự, đặc biệt trong việc giải quyết những nhiệm vụ chiến lược.
Trong giai đoạn 3 (từ 1944 đến 1945), khi so sánh lực lượng và phương tiện tăng vọt có lợi cho Quân đội Xô-viết, nghệ thuật quân sự Xô-viết vươn lên trình độ hoàn thiện cao. Nghệ thuật chiến lược của bọn chỉ huy Đức, từ lúc Quân đội Liên Xô phản công ở Xta-lin-grát, bắt đầu đi xuống, và đến 1945 thì sụp hẳn.
Còn sự lãnh đạo quân sự - chính trị tối cao của phát-xít Đức, của Hít-le và cận thần của y, thì ngay từ đầu rõ ràng là phiêu lưu. Gây ra những cuộc xâm lược về quân sự và chính trị, chúng đã đưa nước Đức đến vực thẳm, đến tai họa cho cả nước, đặc biệt khi chúng liều lĩnh gây chiến với Liên Xô. Rõ ràng khối phát-xít không đủ sức làm điều đó
Hít-le và phe lũ không đánh giá đúng sức phòng thủ của Liên Xô và sức mạnh tiềm tàng trong lòng chế độ xã hội và Nhà nước Liên Xô, trong nền kinh tế Xô-viết và trong tinh thần yêu nước cao cả của nhân dân Liên Xô.
Giữa thán 5-1945, Tổng tư lệnh gọi tôi về Mát-xcơ-va.
Tôi không biết mục đích, hỏi cũng không tiện; đối với quân nhân càng không nên hỏi.
Về tới Mát-xcơ-va tôi đến gặp ngay A.I. An-tô-nốp ở Bộ Tổng tham mưu. Ở đó tôi mới biết rằng Hội đồng quốc phòng hiện đang nghiên cứu vấn đề thi hành những cam kết mới của ta đối với Mỹ và Anh về việc Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản.
Lúc bấy giờ ở Bộ Tổng tham mưu đang mở hết tốc lực làm kế hoạch tác chiến cho lục quân, không quân và hải quân.
Từ Bộ Tổng tham mưu, tôi dùng điện thoại báo cáo với I.V.Xta-lin rằng tôi đã về đến nơi. Tôi nhận ngay được chỉ thị có mặt ở Crem-lanh lúc 8 giờ tối. Xem ra còn thừa đủ thì giờ, tôi đến Mi-khai-in I-va-nô-vich Ca-li-nin vì đồng chí đã gọi điện thoại cho tôi ở Béc-lanh yêu cầu khi về Mát-xeơ-va nhất thiết ghé lại kể cho đồng chí nghe về chiến dịch Béc-lanh.
Tôi thật lòng yêu mến Mi-khai-in I-va-nô-vích Ca-li-nin vì đồng chí giản dị và rất giàu vốn sống, vì đồng chí khéo dùng từ ngữ bình thường giải thích những hiện tượng phức tạp nhất trên đời.
Mi-khai-in I-va-nô-vích hỏi phấn khởi đón tiếp tôi. Đồng chí làm việc hết sức trong những năm ấy, trông người không được khỏe. Mặc dầu tuổi cao, đồng chí luôn đến thăm các đơn vị bộ đội đang chiến đấu, gặp gỡ chiến sĩ, cán bộ, dành cho họ những lời lẽ sâu sắc và nồng nhiệt.
Mi-khai-in I-va-nô-vích hỏi rất kỹ về việc đánh chiếm Béc-lanh, tình hình tổ chức đời sống của nhân dân Đức, hoạt động của Đảng Cộng sản Đức mà phần lớn Đảng viên đã bị bọn Hít-le giết hại một cách hết sức dã man.
Nói chuyện với Mi-khai-in I-va-nô-vích xong, tôi đến Tổng tư lệnh. Trong phòng, ngoài các ủy viên Hội đồng quốc phòng còn có mặt ủy viên nhân dân Hải quân. N.G. Cu-dơ-nét-xốp, A.I. An-tô-nốp, chủ nhiệm hậu cần của Hồng quân A.V. Khru-lép, một số tướng phụ trách quân ở Bộ Tổng tham mưu.
A-lếch-xây I-nô-ken-ti-ê-vích báo cáo các phương án của Bộ Tổng tham mưu điều động bộ đội và phương tiện vật chất sang Viễn Đông và việc tập trung nó cho các phương diện quân trong tương lai. Theo dự kiến của Bộ Tổng tham mưu thì toàn bộ việc chuẩn bị tác chiến với Nhật Bản đòi hỏi thời gian là ba tháng.
Tiếp đó I.V. Xta-lin hỏi:
- Chúng ta có nên kỷ niệm Chiến thắng phát-xít Đức bằng cách tổ chức Duyệt binh Chiến thắng ở Mát-xcơ-va, và mời những anh hùng xuất sắc nhất, chiến sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan và tướng về dự không?
Mọi người nhiệt liệt ủng hộ gợi ý ấy và góp nhiều ý kiến thực hiện. Vấn đề ai sẽ duyệt binh chiến thắng và ai chỉ huy duyệt binh lúc ấy không bàn, nhưng mỗi người trong chúng tôi đều cho rằng đi duyệt binh phải là Tổng tư lệnh tối cao.
Thế là A.I. An-tô-nốp được phân công chuẩn bị các phương tiện cần thiết cho cuộc duyệt binh và dự thảo chỉ thị. Hôm sau tất cả tài liệu ấy đều được đệ trình I.V. Xta-lin duyệt.
Quy định mời về duyệt binh: mỗi phương diện quân sau đây cử một trung đoàn hỗn hợp: Phương diện quân Ca-rê-li, Lê-nin-grát, Pri-ban-tích, Bê-lô-ru-xi 1, 2, 3, U-crai-na 1, 2, 3, 4; trung đoàn hỗn hợp hải quân, trung đoàn hỗn hợp không quân.
Thành phần các trung đoàn bao gồm các Anh hùng Liên Xô, các đồng chí được tặng Huân chương Vẻ vang, những nhà thiện xạ, những chiến sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan có huân chương cao nhất.
Chỉ huy các trung đoàn hỗn hợp của phương diện quân phải là các tư lệnh phương diện quân.
Lá cờ đỏ cắm trên nóc nhà quốc hội Đức ở Béc-lanh, các lá cờ chiến đấu của quân phát-xít Đức bị Quân đội Xô-viết tước đoạt trong chiến đấu đều được mang về Liên Xô.
Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, việc chuẩn bị duyệt binh được đẩy mạnh. Trung tuần tháng 6, tất cả các đơn vị tham gia duyệt binh đều mặt lễ phục mới và bắt đầu duyệt thử.
Ngày 12-6, Mi-khai-in I-va-nô-vích Ca-li-nin trao cho tôi Ngôi sao Anh hùng Liên Xô thứ ba.
Tôi không nhớ rõ, hình như 18 hay 19 tháng 6, Tổng tư lệnh gọi tôi đến nhà nghỉ mát.
Ngươi hỏi tôi đã quên đi ngựa chưa. Tôi trả lời:
- Thưa không, tôi không quên.
- Thế thì được rồi, đồng chí phải duyệt binh chiến thắng. Chỉ huy duyệt binh sẽ là Rô-cô-xốp-xki.
Tôi trả lời:
- Cảm ơn đồng chí đã dành cho tôi vinh dự đó, song tôi thiết nghĩ nếu đồng chí duyệt binh thì hay hơn. Đồng chí là Tổng tư lệnh có quyền và có nhiệm vụ duyệt binh.
I.V. Xta-lin nói:
- Tôi duyệt binh thì hơi già. Đồng chí duyệt đi, vì trẻ hơn.
Đội hình duyệt binh xếp theo thứ tự theo một tuyến chung gồm các phương diện quân đã chiến đấu từ phải sang trái. Bên sườn phải bố trí trung đoàn Ca-rê-li, tiếp đó Lê-nin-grát, Pri-ban-tích 1,v.v... Sườn trái bắt đầu là U-crai-na 4, trung đoàn hỗn hợp hải quân và các đơn vị của Quân khu Mát-xcơ-va.
Mỗi trung đoàn hỗn hợp được đặc biệt chọn cách đi mà họ thích nhất. Duyệt thử tiến hành ở Sân bay Trung ương, lần thử cuối cùng thì ở Hồng trường. Trong một thời gian ngắn, tất cả các trung đoàn hỗn hợp đều được huấn luyện và chu đáo và đều có khí thế cao.
Ngày 22-6, các báo cáo đều đăng mệnh lệnh sau đây của Tổng tư lệnh:
“Để chào mừng chiến thắng nước Đức trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, ngày 24-6-1945 tại Hồng trường ở Mát-xcơ-va, sẽ tổ chức duyệt binh của các đơn vị quân đội tham chiến, Hải quân và các đơn vị quân khu Mát-xcơ-va - lấy tên là Duyệt binh chiến thắng...
Tiếp nhận cuộc Duyệt binh chiến thắng là Phó Tổng tư lệnh tối cao, nguyên soái Liên Xô G.K. Giu-cốp, chỉ huy duyệt binh là nguyên soái Liên Xô K.K. Rô-cô-xốp-xki.
Tổng tư lệnh tối cao
Nguyên soái Liên Xô
Xta-lin
Mát-xcơ-va, ngày 22-6-1945”.
Đây rồi, những ngày chờ mong và không sao quên được! Nhân dân Liên Xô 4 năm chờ đợi giây phút này. Những chiến sĩ Anh hùng được Đảng của Lê-nin cổ vũ, dưới sự chỉ huy của những cán bộ nổi tiếng đã trải qua quãng đường chiến đấu bốn năm gay go kết thúc bằng những thắng lợi rực rỡ ở Béc-lanh.
Ngày 24-6-1945, tôi dậy sớm hơn ngày thường.
Tôi nhìn qua cứa sổ xem thông báo của các chiến sĩ khí tượng có đúng không. Hôm qua anh em dự báo là sáng nay trời âm u, mưa bụi. Tôi mong lúc này họ dự báo sai?
Nhưng, chán quá! Lần này dự báo thời tiết của anh em lại đúng.
Trời Mát-xcơ-va âm u và mưa bụi thật. Tôi gọi điện thoại liên lạc với tư lệnh không quân, đồng chí này nói rằng trên phần lớn các sân bay, thời tiết không cho phép bay. Có thể diễu binh chiến thắng không được long trọng theo ý muốn.
Nhưng không! Người Mát-xcơ-va vẫn hớn hở bước nhịp nhàng trong tiếng nhạc hùng tráng tiến thẳng tới Hồng trường tham gia diễu hành trong ngày lịch sử này. Những nét mặt vui tươi của họ, rừng khẩu hiệu, biểu ngữ và lời ca đẹp đẽ đã tạo nên không khí hoan hỉ bao trùm.
Những người không tham gia diễu hành ở Hồng trường đứng chật ních các vỉa hè. Làn sóng vui tươi và tiếng reo “hoan hô” chào mừng chiến thắng phát-xít đã kết chặt họ với những người diễu hành, với bộ đội. Sự nhất trí đó đúng là sức mạnh không gì phá vỡ được
Đúng 10 giờ kém ba phút tôi đã ngồi trên ngựa ở cổng Xpát. Tôi nghe rõ tiếng hô “Nghiêm” tiếp theo đó là những tràng vỗ tay.
Chuông đồng hồ điểm 10 giờ. Hình như tim tôi đập nhanh hơn. Tôi thúc ngựa đi thẳng ra Hồng trường. Từng âm thanh hùng tráng của bản nhạc “Lẫy lừng” của Glin-ca vang lên lúc này sao thân yêu đối với mỗi người Nga đến thế! Quảng trường lại im lặng như tờ, chỉ còn vang lên tiếng rành rọt của vị tư lệnh duyệt binh, nguyên soái Liên Xô K.K. Rô-cô-xốp-xki mà chắc chắn cũng hồi hộp không kém tôi. Báo cáo của đồng chí đã thu hút tôi và tôi trở lại bình tĩnh.
Những lá quân kỳ từng cổ vũ quân ta xông lên diệt thù, những gương mặt đầy dũng khí dạn dày với chiến tranh, những cặp mắt ngời sáng tự hào, những bộ quân phục mới lấp lánh huân chương và quân hàm, tất cả đã tạo nên bức tranh xúc động không sao quên được.

Tiếc rằng nhiều người con trung thành của Tổ quốc vừa ngã xuống trong chiến đấu với kẻ thù khát máu không còn sống đến ngày hân hoan này, đến ngày thắng lợi này.
Trong khi đi chào bộ đội, tôi thấy nước mưa chảy ròng trên quân hiệu cài ở mũ kê-pi của họ, nhưng vì niềm vui đang tràn ngập, không ai để ý đến mưa ướt.
Phấn khởi đặc biệt đã bao trùm lên mọi người khi những Trung đoàn Anh hùng nghiêm bước đi qua lăng Lê-nin. Đi đầu các trung đoàn này là những vị tướng, những vị nguyên soái binh chủng và nguyên soái Liên Xô đã từng lập công vẻ vang trong chiến đấu với quân Đức.
Phút giây không có gì so sánh nổi là lúc 200 chiến sĩ đã tham chiến, theo nhịp trống hùng tráng, đã đến đặt tại lăng Lê-nin 200 lá quân kỳ của phát-xít Đức.
Những kẻ mang đầu óc phục thù, những người say mê các cuộc phiêu lưu quân sự hãy nhớ lấy sự kiện này!
Duyệt binh Chiến thắng xong là tiệc chiêu đãi của Chính phủ mừng những người tham gia duyệt binh. Có mặt trong buổi chiêu đãi là các vị lãnh đạo Đảng và chính phủ, các vị trong Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, các vị trong Trung ương Đảng, Chính phủ, các vị cán bộ cao cấp của Hồng quân và Hạm đội, các nhà hoạt động khoa học, công nghiệp, nông nghiệp, văn học nghệ thuật.
Trong buổi chiêu đãi, mọi người nghe nhiều bài diễn văn nhiệt liệt chào mừng đảng đã đoàn kết nhân dân Liên Xô chiến đấu chống quân thù, đã tổ chức nên lực lượng vũ trang để tiêu diệt kẻ địch, nhiệt liệt chào mừng các lực lượng vũ trang Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn phát-xít Đức, nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp và nghệ thuật đã bảo đảm mọi nhu cầu vật chất và tinh thần cho các lực lượng vũ trang ta trong chiến đấu chống kẻ địch mạnh, có kinh nghiệm và tàn bạo, nhiệt liệt chào mừng nhân dân Liên Xô vĩ đại.
Trở về vị trí công tác của mình, những người tham gia diễu binh còn giữ khá lâu những cảm tưởng dẹp đẽ của cuộc diễu bỉnh trọng thể và buổi chiêu đãi ở điện Crem-lanh...
Trở về Béc-lanh, chúng tôi kiến nghị với người Mỹ, người Anh, người Pháp, tổ chức diễu binh chào mừng chiến thắng phát-xít Đức ngay tại Béc-lanh. Qua một thời gian chúng tôi mới nhận được phúc đáp hưởng ứng. Cuộc diễu binh gồm Quân đội Liên Xô và quân đội Đồng minh được quyết định tiến hành vào tháng 9 ở khu vực nhà quốc hội Đức và cổng Brăng-đen-bua là những nơi Quân đội Liên Xô đánh trận cuối cùng để chiếm Béc-lanh vào ngày 1 – 2 tháng 5-1945.
Các bên nhất trí là các Tổng chỉ huy Quân đội Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp ở đây đi duyệt binh.
Tham gia diễu hành có tất cả các binh chủng của bộ đội mặt đất. Không quân và hải quân không được huy động vì ở khá xa Béc-lanh.
Sắp đến lúc duyệt binh rồi. Quân đội Liên Xô chuẩn bị rất chu đáo. Chúng tôi cố găng trước hết mời tham gia diễu binh những chiến sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan và các tướng đặc biệt xuất sắc khi đánh chiếm Béc-lanh và các ổ đề kháng chủ yếu của chúng là nhà quốc hội và văn phòng đế chính. Mọi việc đều được chuẩn bị theo như đã thỏa thuận với Đồng minh.
Nhưng sắp đến ngày diễu binh, chúng tôi thình lình được báo, vì nhiều lý do nên các tổng chỉ huy quân Đồng minh không thể đến Béc-lanh dự lễ duyệt binh chiến thắng, họ ủy quyền cho các tướng của họ tham gia.
Tôi báo cáo ngay cho I.V. Xta-lin.
Nghe báo cáo xong, Xta-lin nói:
- Chúng muốn hạ thấp ý nghĩa diễu binh chiến thắng ở Béc-lanh đấy. Đồng chí xem, chúng nó vẫn cứ chơi cái lối ấy. Mặc xác bọn chúng, đồng chí cứ tự duyệt binh lấy, hơn nữa chúng ta có nhiều quyền hơn chúng về việc này.
Lễ diễu binh của khối Liên minh chống Hít-le đã tiến hành đúng giờ quy định. Tham gia lễ này có đạo quân Liên Xô đánh chiếm Béc-lanh, có quân Mỹ, Anh, Pháp vào đây chiếm đóng các khu tây của thành phố.
Đi duyệt bộ đội xong, chúng tôi đọc diễn văn nêu bật chiến công lịch sử của Quân đội Liên Xô và các lực lượng viễn chinh Đồng minh.
Bộ binh, xe tăng, pháo binh Liên Xô tiến bước trong đội hình tuyệt đẹp. Xe tăng và pháo tự hành của chúng ta đường bệ lắm.
Trong số quân Đồng minh, nổi hơn cả là quân đội Anh.
Tại nơi diễu binh có mặt gần 2 vạn dân Béc-lanh. Họ đều hân hoan chào mừng lễ tượng trưng cho tình hữu nghị của khối Liên minh chống Hít-le, chào mừng thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của Quân đội Liên Xô ở ngay nơi mà từ đó bọn phát-xít đã gây ra nạn xâm lược đẫm máu trên khắp châu Âu. 

---
[1] tức Hít-le – ND.
[2] Nguyên văn: đi theo bà quỷ - ND.
[3] địa chủ lớn ở Phổ - ND.
[4]  Sưu tập thống kê chiến tranh, Luân Đôn, 1945, tr. 13.

<< Chương 19 | Chương 21 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 174

Return to top