CUỐI tháng 9-1944, tôi từ Bun-ga-ri trở về Đại bản doanh. Vài ngày sau, Tổng tư lệnh tối cao cử tôi đến khu vực Vác-xô-vi vùng hoạt động của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 và 2.
Trước hết, tôi muốn tìm hiểu tình hình ở ngay Vác-xô-vi, nơi bộ chỉ huy quân Đức đang đàn áp vô cùng tàn bạo những người khởi nghĩa trong thành phố. Bọn Đức khủng bố nhân dân thật dã man. Thành phố bị phá tan hoang. Hàng nghìn dân lành bị chết trong cảnh đổ nát ấy.
Chúng tôi được biết rằng, bộ tư lệnh phương diện quân, bộ tư lệnh tập đoàn quân 1 Bộ đội Ba Lan đều không được Bua Cô-ma-rốp-xki báo cho biết trước về cuộc khởi nghĩa đang chuẩn bị. Về phía mình, Bua Cô-ma-rốp-xki cũng không muốn phối hợp cuộc khởi nghĩa của nhân dân Vác-xô-vi với hoạt động của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1. Khi cuộc khởi nghĩa đã nổ ra rồi mới có một người địa phương vượt qua sông Vi-xla tới báo cho Bộ tư lệnh Quân đội Xô-viết biết. Ngay cả Đại bản doanh cũng không biết trước.
Hai sĩ quan bộ đội nhảy dù được Tổng tư lệnh tối cao cử đến gặp Bua Cô-ma-rốp-xki để liên lạc và phối hợp hành động, nhưng Bua Cô-ma-rốp-xki không chịu tiếp.
Để chi viện cho nhân dân Vác-xô-vi đang khởi nghĩa, Quân đội Liên Xô và Ba Lan, thi hành chỉ thị của bộ tư lệnh Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 đã vượt qua sông Vi-xla và đánh chiếm khu bờ sông ở Vác-xô-vi. Song, phía Bua Cô-ma-rốp-xki cũng vẫn không có những hành động hiệp đồng với chúng tôi. Cách độ một ngày sau, bọn Đức điều động một lực lượng lớn đến khu bờ sông và dồn các đơn vị của ta lại. Tình hình trở nên gay go, nặng nề. Chúng ta bị tổn thất lớn. Sau khi thảo luận tình hình đã xảy ra và thấy không có khả năng đánh chiếm Vác-xô-vi, bộ tư lệnh phương diện quân quyết định rút bộ đội khỏi khu bờ sông và trở về bên bờ của mình.
Tôi xác nhận rằng, bộ đội ta đã làm tất cả những gì có thể làm để chi viện cho những người khởi nghĩa, mặc dầu, tôi xin nhắc lại, cuộc khởi nghĩa đã không phối hợp với Bộ tư lệnh Liên Xô ở một mức độ nào hết.
Trước và sau khi buộc phải rút quân ra khỏi Vác-xô-vi, Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 vẫn tiếp tục giúp đỡ những người khởi nghĩa, dùng máy bay thả lương thực, thuốc men, đạn dược xuống.
Về vấn đề này, tôi còn nhớ báo chí phương Tây đã tung ra nhiều luận điệu xảo trá hòng đánh lạc hướng dư luận xã hội.
Những ngày đầu tháng 10, tôi có đến tập đoàn quân 47 của tướng Ph.I. Péc-khô-rô-vích đang tiến công giữa Mốt-lin và Vác-xô-vi.
Vì tiến công trên địa hình bằng phẳng, tập đoàn quân 47 bị tổn thất lớn, đã lâm vào tình trạng hết sức mệt mỏi và suy yếu. Tình hình tập đoàn quân 70 bên cạnh, giao chiến với địch trong khu vực Xê-rốt-xcơ - Pun-tu-xcơ cũng không hơn gì.
Tôi không có nhiệm vụ tổ chức và cũng không rõ mục tiêu của cuộc tiến công này, một cuộc tiến công đang làm tiêu hao nặng bộ đội ta. K.K. Rô-cô-xốp-xki đồng ý với tôi và theo đồng chí nói thì Đại bản doanh đã giao cho tập đoàn quân 47 nhiệm vụ tiến ra Vi-xla đến đoạn Mốt-lin - Vác-xô-vi và mở rộng những căn cứ bàn đạp trên sông Na-rép.
Tôi gọi điện báo cáo tình hình với Tổng tư lệnh tối cao, đề nghị đồng chí cho ngừng tiến công trên khu vực của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, vì cuộc tiến công ấy không có triển vọng, và đề nghị ra lệnh chuyển bộ đội cánh phải của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 và cánh trái của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 sang phòng ngự để có điều kiện được nghỉ ngơi và tiến hành bổ sung.
Tổng tư lệnh tối cao trả lời:
- Ngày mai, đồng chí cùng với Rô-cô-xốp-xki về Đại bản doanh trực tiếp trao đổi ý kiến. Chào đồng chí.
Chiều ngày hôm sau, tôi và K.K. Rô-cô-xốp-xki đã có mặt ở Đại bản doanh.
Ngoài Tổng tư lệnh tối cao ra, còn có A I. An~tô-nốp và V.M. Mô-lô-nốp.
Chào hỏi xong, I.V. Xta-hn nói:
- Yêu cầu các đồng chí báo cáo đi.
Tôi mở bản đồ và bắt đầu báo cáo. Tôi thấy I.V.Xta-lin có vẻ đang tức giận. Lúc Người tới gần bản đồ, lúc đi ra xa, xong lại tới gần; khi thì nhìn chằm chằm vào tôi, khi nhìn vào bản đồ, rồi vào K.K. Rô-cô-xốp-xki. Đồng chí bỏ cả ống píp ra, một biểu hiện thường có mỗi khi đồng chí thiếu bình tĩnh hoặc không hài lòng về một điều gì.
- Đồng chí Giu-cốp, - V.M. Mô-lô-nốp ngắt lời tôi - đồng chí đề nghị ngừng tiến công vào lúc quân địch đang bị đánh tan, chúng đang không chịu nổi sức ép của quân ta. Đề nghị ấy liệu có hợp lý không?
- Địch đã kịp xây dựng phòng ngự và điều động lên phía trước những đội dự bị cần thiết. - Tôi có ý kiến - Chúng hiện đang đánh lui những đợt tiến công của bộ đội ta. Còn chúng ta thì đang bị những thiệt hại thật không cần thiết.
- Đồng chí ủng hộ ý kiến của Giu-cốp à? - I.V. Xta-lin hỏi K.K. Rô-cô-xốp-xki.
- Vâng, tôi cho rằng, sau một thời gian căng thẳng kéo dài, nên cho bộ đội tạm ngưng tiến công và chấn chỉnh lại đội ngũ.
- Tôi nghĩ rằng, địch cũng biết lợi dụng thời gian tạm ngưng này không kém hơn đồng chí, - Tổng tư lệnh tối cao nói. - Thế nhưng nếu không có quân chi viện và tăng cường xe tăng và pháo binh cho tập đoàn quân 47, thì tập đoàn quân đó có thể tiến ra Vi-xla, tới giữa Mốt-lin và Vác-xô-vi được không?
- Thưa đồng chí Xta-lin, thật là khó nói, - K.K. Rô-cô-xốp-xki trả lời, - Địch cũng có thể tăng cường cho hướng này chứ ạ.
- Thế còn đồng chí, đồng chí nghĩ sao? -Tổng tư lệnh nhìn và hỏi tôi.
- Tôi cho rằng, cuộc tiến công này không đem lại cho ta ngoài sự thiệt hại, - Tôi nhắc lại. - Đứng về ý nghĩa chiến dịch, chúng ta chưa thật cần khu vực tây bắc Vác-xô-vi. Theo tôi, nên đánh vu hồi Vác-xô-vi ở phía tây nam, đồng thời giáng một đòn đột kích mạnh thọc sâu, chia cắt chúng trên hướng chung tới Lốt-dơ - Pô-dơ-nan. Hiện nay phương diện quân không có lực lượng để làm việc đó, nhưng sẽ phải tập trung lực lượng lại. Đồng thời cần chuẩn bị cẩn thận cho cả những phương diện quân bên cạnh để họ sẽ cùng hành động trên hướng Béc-lanh.
- Các đồng chí tạm về và suy nghĩ thêm một lần nữa, chúng tôi ở đây hội ý với nhau một chút - I.V. Xta-lin ngắt lời tôi, nói.
Tôi và K.K. Rô-cô-xốp-xki về phòng nghỉ và lại trải bản đồ ra nghiên cứu.
Chừng 20 phút sau, chúng tôi trở lại phòng làm việc của Tổng tư lệnh tối cao để nghe cách giải quyết của đồng chí.
Tổng tư lệnh tối cao nói:
- Chúng tôi hội ý với nhau ở đây và đã đồng ý quyết định cho bộ đội ta chuyển sang phòng ngự. Còn về phần những kế hoạch sau này, chúng ta sẽ thảo luận sau. Các đồng chí có thể ra về được.
Tôi và K.K. Rô-cô-xốp-xki lặng lẽ chia tay nhau, mỗi người có một suy nghĩ riêng. Tôi đến Bộ ủy viên nhân dân quốc phòng, còn K.K. Rô-cô-xốp-xki chuẩn bị lên đường về phương diện quân.
Ngày hôm sau Tổng tư lệnh tối cao gọi điện cho tôi:
- Đồng chí thấy thế nào, nếu như việc lãnh đạo tất cả các phương diện quân sau này do Đại bản doanh nắm?
Tôi hiểu rằng, đồng chí muốn nói đến việc giải thể chế độ đại diện của Đại bản doanh trước đây được tổ chức ra để chỉ huy hiệp đồng giữa các phương diện quân. Tôi cũng cảm thấy, ý định ấy không phải mới nảy sinh sau cuộc tranh luận hôm qua.
Tôi trả lời:
- Vâng. Số lượng các phương diện quân đã ít đi, chính diện chung cũng co lại, lãnh đạo các phương diện quân có thuận tiện hơn. Đại bản doanh hoàn toàn có thể chỉ đạo trực tiếp các phương diện quân.
- Đồng chí không phật ý mà nói như vậy chứ?
- Phật ý về việc gì kia ạ? Tôi nghĩ rằng, tôi và A.M. Va-xi-lép-xki sẽ không bị thất nghiệp.
Ngay tối hôm đó, Tổng tư lệnh tối cao gọi tôi tới nhà riêng và nói:
- Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 ở trên hướng Béc-lanh. Chúng tôi định cử đồng chí tới hướng ấy.
Tôi trả lời, sẵn sàng chỉ huy bất kì phương diện quân nào.
I.V. Xta-lin nói:
- Đồng chí vẫn là Phó Tổng tư lệnh tối cao đấy. Bây giờ tôi nói chuyện với K.K. Rô-cô-xốp-xki.
Sau khi báo cho K.K. Rô-cô-xốp-xki biết quyết định của mình, I.V. Xta-lin đề nghị đồng chí chuyển sang chỉ. huy Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2.
Cuối tháng 10-1944, Đại bản doanh cùng một số ủy viên Hội đồng quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng đã nghiên cứu về các chiến dịch kết thúc cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Vẫn như trước, Đảng Cộng sản tiếp tục đoàn kết mọi người và thống nhất mọi nỗ lực của nhân dân xung quanh mục tiêu chính là đánh thắng quân thù trong thời gian ngắn nhất, đồng thời ngày càng chú ý tạo những điều kiện thuận lợi để khôi phục một cách toàn diện nền kinh tế sau khi kết thúc chiến tranh và nhanh chóng chuyển sang công cuộc xây dựng thời bình.
Vấn đề nhiên liệu và năng lượng đã được giải quyết có kết quả. Sản xuất gang, thép dát, máy cái, máy kéo phát triển với những quy mô lớn, nhiều lò cao, lò đúc thép, và những máy dát thép đã đi vào sản xuất.
Nhân dân ở hậu phương, phấn khởi trước những thắng lợi ngoài tiền tuyến, đã làm việc gấp hai, gấp ba. Họ say sưa dựng lại các công xưởng và nhà máy bị tàn phá, khôi phục giao thông vận tải và những hầm mỏ bị sập, gieo hạt trên những mảnh đất còn nóng bỏng lứa chiến đấu, đẫm máu và mồ hôi của các chiến sĩ.
Hồng quân ngày càng dựa vững chắc vào nền kinh tế quốc dân đang lớn mạnh. Quy mô tác chiến lớn thêm, tốc độ tiến công dồn dập hơn, yêu cầu đối với công nghiệp chiến tranh cao hơn nhưng tất cả vẫn được thỏa mãn đầy đủ.
Năm 1944, xe tăng và pháo tự hành sản xuất được 29.000 cỗ, máy bay - hơn 40.000 chiếc. Số xe tăng hạng nặng IC-2 có trang bị đại bác 122 ly, xe tăng hạng trung cải tiến T-34, máy bay tiêm kích Yak-3, máy bay cường kích IL-10, máy bay ném bom tốc độ nhanh TU-A gửi ra tiền tuyến tăng gấp 2 - 3 lần.
Tất cả những việc đó cho thấy rằng, trang bị kỹ thuật quân sự ưu việt do những nhà chế tạo có tài năng làm ra, đã được sân xuất hàng loạt. Về tính năng chiến thuật, kỹ thuật, các khí tài của ta không những hơn Đức, mà còn hơn cả khí tài của nhiều nước khác nữa.
Những thành quả của nền kinh tế Liên Xô cho phép bảo đảm mọi thứ cần thiết không riêng cho Lực lượng vũ trang Liên Xô, mà còn có thể chi viện cho các dân tộc ở Trung Âu và ở Đông Nam châu Âu trong cuộc đấu tranh giải phóng nước họ. Ví như, trong thời gian đó và ít lâu sau, Liên Xô đã giao cho quân đội Ba Lan 3.500 khẩu pháo, 1.200 máy bay, 1.000 xe tăng, khoảng 700.000 súng trường và tiểu liên, 18.000 xe tăng. Quân đội Nam Tư nhận được 4.429 khẩu pháo và súng cối, khoảng 500 máy bay, 1.329 điện đài và nhiều dụng cụ chiến tranh khác[1].
Vào thời gian này bộ đội Liên Xô đã đuổi hết quân phát-xít Đức ra khỏi lãnh thổ của mình, khôi phục được biên giới nhà nước, trừ vùng Cua-li-an-di, và đã chuyển một phần những hoạt động chiến sự sang lãnh thổ nước Đức phát-xít và các nước Đông Âu.
Các Phương diện quân Pri-ban-tích 1 và 2 chiếm lĩnh tuyến Tu-cum-xơ - Mê-men - sông Nê-man đến Yu-buốc. Các Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 3 và 2 chiếm lĩnh tuyến Yu-buốc - sông đào tháng Tám - Lôm-gia - Xê-rốt-xcơ với hai căn cứ bàn đạp trên sông Na-rép. Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 và U-crai-na 1 chiếm lĩnh phòng ngự theo tuyến ven Vác-xô-vi - Pra-ha - sông Vi-xla - Ya-xlô. Hai phương diện quân này có ba căn cứ bàn đạp ở khu vực Mác-nu-xép - Pu-la-va - Xan-đô -mia.
Tuyến mặt trận của bộ đội Liên Xô còn ăn xa nữa tới Lê-vít-xe - E-xtéc-gôm - hồ Ba-la-tôn - Pét. Sau đấy là đến nơi bố trí của các đơn vị Quân đội Bun-ga-ri.
Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư, đứng đầu là nguyên soái I.B. Ti-tô đã tiến tới tuyến Bu-cô-va - Cha-chác - Xplít đến tận biển A-đri-a-tích.
Bộ đội của Mỹ, Anh và Pháp, sau khi giải phóng nước Pháp, Bỉ và một phần đất Hà Lan, đã tiến ra cửa sông Ma-át ở Hà Lan, và xa nữa đến biên giới nước Đức, Thụy Sĩ mãi tới sát phòng tuyến Xi-ét-phri-ét.
Nước Đức đã bước vào thời kì gay go. Đến cuối năm 1944 sản xuất vũ khí ở đó đã tụt hẳn xuống. Nó bị dồn ép từ bốn phía: đông, đông nam, nam và tây. Có thể nói rằng đến cuối năm 1944, nước Đức bị hãm vào một vồng vây chiến lược, khó lòng thoát ra nổi.
Trong thời gian ấy, hỏi cung bất kỳ một tù binh Đức nào, chúng tôi đều không lấy một tên nào còn tỏ ra tin tưởng vào khả năng thắng lợi của nước Đức. Tất cả bọn chúng đều tuyên bố “Nước Đức sẽ thất bại”, “Hít-le sẽ thất bại”. Tuy vậy, Hít-le vẫn ra sức tiến hành hết biện pháp tổng hợp này đến biện pháp tổng hợp khác. Vây cánh của hắn đã đàn áp tàn nhẫn bất kỳ người nào không tin vào chế độ của hắn hoặc eo một tí ý nghĩ nào khác với hắn. Sau vụ mưu sát Hít-le ngày 20-7-1944, bọn Giét-ta-pô đã trả thù hết sức dã man.
Ngày 18-10, chúng đem ra thi hành sắc lệnh tổ chức Phôn-cơ-stua[2] của chính phủ. Theo sắc lệnh ấy, những người Đức lứa tuổi từ 18 đến 60 bị động viên nhập ngũ. Đội dân vệ ấy do Him-le lãnh đạo và được sứ dụng làm đội quân dự bị.
Chúng tôi biết rõ rằng, lực lượng dân vệ Phôn-cơ-stua không thể chịu nổi những đòn tiến công của quân đội chính quy đầy kinh nghiệm và được trang bị tốt của chúng ta. Bọn Hít-le thậm chí còn thành lập ra cả quân đoàn phụ nữ. Tất cả những biện pháp trên là những hoạt động tuyệt vọng, qua đó chúng ta thấy rõ: nước Đức đang dốc hết những sức lực cuối cùng, mưu toan kéo dài sự thất bại không thể nào tránh khỏi.
Tuy vậy đến cuối năm 1944, nước Đức vẫn còn sức đánh phòng ngự và tích cự chống cự lại. Lực lượng vũ trang của chúng vẫn còn khoảng 7,5 triệu người, trong đó quân đội đang tác chiến chiếm 5,3 triệu. Vẫn như trước kia, ngay trong giai đoạn cuối cùng, bộ chỉ huy Đức giữ lại ở mặt trận phía đông phần lớn lực lượng của chúng: 3,1 triệu người, 28.500 khẩu pháo và súng cối, khoảng 4.000 xe tăng và pháo tiến công, chừng 2.000 máy bay chiến đấu.
Ở đây cần chú ý là chính diện trên mặt trận Xô - Đức đã co hẹp lại gần một nửa, vì vậy mật độ phòng ngự quân địch tăng lên.
Bộ đội Liên Xô trong thời gian này có ưu thế hơn quân địch về mọi chỉ số. Đến cuối năm 1944, quân đội đang tác chiến của ta có khoảng 6 triệu người, hơn 91.400 khẩu pháo và súng cối, chừng 11.000 xe tăng và pháo tự hành, hơn 14.500 máy bay.
Chính là nhờ vào tính ưu việt của nền kinh tế quốc dân, tinh thần lao động quên mình và ba năm dốc sức lớn lao của hàng chục triệu người, nhờ có đường lối chính trị biết nhìn xa thấy rộng và sự lãnh đạo vững chắc của Đảng nên một quân đội đông đảo như thế mới có thể đứng vững trên bờ cõi của Liên Xô cho đến tận ngày kết thúc chiến tranh. Không phải dễ dàng mà nhân dân ta đã xây dựng được những lực lượng vũ trang có ưu thế đáng kinh ngạc như thế so với quân thù.
Quân đội Ba Lan, Tiệp Khắc, Ru-ma-ni và Bun-ga-ri tham gia chiến đấu diệt trừ quân phát-xít, càng tăng thêm sức mạnh của chúng ta. Đến đầu năm 1945, tổng quân số các nước trên lên tới trên 32 vạn người.
Những phi công người Pháp trong trung đoàn không quân “Noóc-măng-đi Nê-man” thuộc biên chế Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 3 chiến đấu rất dũng cảm.
Ngoài mặt trận phía tây, quân đội Mỹ, Anh, Pháp có 87 sư đoàn biên chế đầy đủ và trang bị rất tốt với 6.500 xe tăng và hơn 10.000 máy bay. Chống lại những lực lượng đó, bộ chỉ huy Đức chỉ có tất cả 74 sư đoàn quân số ít ỏi với 1.600 xe tăng và pháo tiến công, chừng 1.750 máy bay chiến đấu.
Do đó, các nước Đồng Minh chẳng bao lâu sau khi mở mặt trận thứ hai đã hơn địch 2 lần về số người, 4 lần về xe tăng, 6 lần về máy bay.
Ở Ý,, bọn Đức có 31 sư đoàn trang bị yếu chống với 21 sư đoàn và 9 lữ đoàn quân đội Đồng minh.
Sau khi phân tích toàn diện tình hình và khả năng tất cả những nước tham chiến, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao quyết định chuẩn bị và tiến hành vào đầu năm 1945 trên tất cả các hướng chiến lược những chiến dịch tiến công mạnh với những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Đánh tan quân địch ở Đông Phổ, và chiếm miền Đông Phổ.
- Tiêu diệt bọn địch ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Áo.
- Tiến ra tuyến cửa sông Vi-xla - Brôm-béc (Bứt-gốt) - Pô-đơ-nan - Blét-lau (Vrốt-xláp) - Mô-ráp-xca - ô-xtơ-ra-va - Viên.
Những cố gắng chủ yếu của chiến cục kết thúc dược quyết định tập trung trên hướng Vác-xô-vi - Béc-lanh, là hướng mà Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 sẽ tiến công. Việc tiêu diệt bộ phận địch ở Cua-li-an-di (tập đoàn quân 16 và 18) được giao cho các Phương diện quân Pri-ban-tích 2 và 1 và Hạm đội Ban-tích. Đồng thời các đơn vị này làm cả nhiệm vụ kìm không cho địch điều động những lực lượng của chúng đang bị giam hãm ở vùng biển Ban-tích sang các mặt trận khác.
Thời gian này, Đại bản doanh tiếp xúc đều đặn với Bộ tổng tư lệnh quân đội viễn chinh các nước Đồng minh Phương Tây. Chúng ta được biết là bộ tư lệnh Mỹ, Anh, Pháp đang chuẩn bị một chiến dịch tiến công nhằm tiêu diệt quân Đức trong các vùng Rua, Xa-rơ và tiến vào trung tâm nước Đức. Còn những mũi đột kích thứ yếu thì họ dự định mở trên những hướng chiến lược phía nam và đông nam.
Ở đây cần chú ý đến một chi tiết quan trọng. Lúc này Béc-lanh ở cách tuyến mặt trận của Liên Xô và tuyến mặt trận của các nước Đồng minh một khoảng cách như nhau. Và không phải ngẫu nhiên, trong những hồi kí của mình, Sớc-sin đã nhiều lần nhắc tới Béc-lanh, coi đó là mục tiêu mà quân đội các nước Đồng minh muốn đánh chiếm, mặc dầu, theo hiệp nghị đã thỏa thuận giữa những người đứng đầu các chính phủ, đó là trách nhiệm của bộ đội Liên Xô.
Việc phối hợp hoạt động của bộ đội các nước Đồng minh và Liên Xô trong thời kì này chủ yếu là bằng con đường trao đổi tin tức giữa bộ tư lệnh tối cao các bên.
Tôi cần nói là thời gian này I.V. Xta-lin tin vào các thông báo của Đ. Ai-xen-hao. Các tin tức tài liệu về kế hoạch và hành động của bộ đội ta được Bộ Tổng tham mưu trao qua các phái đoàn quân sự Mỹ và Anh. Ngoài ra, những người đứng đầu chính phủ có định kỳ trao đổi với nhau các thông điệp nói đến những vấn đề về nguyên tắc hoạt động của hai bên.
Trong những thư từ trao đổi với tổng thống Ru-dơ-ven có thể thấy rằng, trong thời kì này, việc thực hiện hiệp nghị giữa Liên Xô và Mỹ trên vấn đề trao đổi viện trợ và cả trên những vấn đề chiến lược đều rõ ràng, minh bạch.
Còn đối với Sớc-sin thì không thể nói như vậy được. Thư từ của ông ta không được cởi mở, qua đó thấy rõ lòng thèm khát ngấm ngầm muốn chiếm những vùng trung tâm nước Đức. Điều đó, tất nhiên, đã buộc chính phủ Liên Xô phải cảnh giác hơn.
Tôi thấy không cần trích dẫn ra đây những thư từ trao đổi giữa U. Sớc sin, Ph. Ru-dơ-ven và I. Xta-lin, vì nó đã được công bố cả.
Nếu như ngày nay chú ý lật lại những thư từ trên, ta càng thấy rõ hơn nữa là Sớc-sin nuôi dưỡng ý định thiết lập sau chiến tranh ở giữa châu Âu những quốc gia mà đứng đầu là những chính phủ bị lệ thuộc vào các nước đế quốc phương Tây.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1944, do Tổng tư lệnh tối cao phân công, tôi có nhiệm vụ nghiên cứu kĩ những vấn đề trong chiến cục kết thúc chiến tranh, trước hết là kế hoạch các chiến dịch trên hướng Béc-lanh.
Tôi lấy làm hài lòng nhận xét rằng, Bộ Tổng tham mưu trong thời kì này đã đạt tới một trình độ nghệ thuật rất cao trong việc đặt kế hoạch các chiến dịch tiến công lớn có ý nghĩa chiến lược.
Phân tích tình hình, Bộ Tổng tham mưu đã xác định đúng rằng, hướng Béc-lanh là nơi địch sẽ kháng cự quyết liệt nhất. Kết quả rất hạn chế của các cuộc tiến công của quân ta trong tháng 10 (các Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 3, 2 và 1) và việc các phương diện quân trên buộc phải chuyển sang phòng ngự trong những ngày đầu tháng 11 trên toàn mặt trận hướng Tây đã xác minh những tính toán trên là đúng.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Bộ Tổng tham mưu, với những cán bộ chủ chốt của Bộ Tổng tham mưu như A.I. An-tô-nốp, X.M. Stê-men-cô, A.A. Grư-dơ-lốp và N.A. Lô-mốp - những đồng chí trong công tác chỉ đạo tác chiến đã luôn luôn tỏ ra là những người rất giỏi xây dựng kế hoạch chiến dịch, chiến lược.
Theo ý kiến của Bộ Tổng tham mưu, trước hết, những phương diện quân ở phía nam của ta phải mở cuộc tiến công vào hướng Viên. Làm như vậy, chắc chắn sẽ buộc bộ chỉ huy Đức phải điều những đơn vị lớn của chúng đang đóng ở trước mặt các phương diện quân của ta ở phía tây sang để củng cố hướng chiến lược đông nam, là hướng quyết định vận mệnh ở miền Nam và Đông Nam nước Đức.
Trong khi đặt kế hoạch tiến công của các phương diện quân trên hướng Tây, đã phát hiện thấy một vấn đề hắc búa ở Đông Phổ. Số là, ở đây địch có một cụm quân rất lớn với hệ thống phòng ngự phát triển mạnh, đưa vào những công trình xây đắp lâu bền, địa hình phức tạp khó vượt qua và những ngôi nhà xây dựng bằng đá vững chắc trong các vùng dân cư và thành phố.
Thật đáng buồn khi phải nhắc đến một thiếu sót của Đại bản doanh là đã không tiếp thu ý kiến nêu ra từ mùa hè về sự cần thiết tăng cường lực lượng cho các phương diện quân đang hoạt động trên hướng Đông Phổ. Nếu có lực lượng tăng cường thì ở đây có thể bẻ gẫy được phòng ngự địch trong hành tiến khi chiến dịch Bê-lô-ru-xi phát triển thắng lợi. Nhưng bây giờ thì cụm quân địch ở Đông Phổ đã có thể uy hiếp mạnh cuộc tiến công của bộ đội ta trên hướng Béc-lanh rồi.
Ngày 1 hoặc 2 tháng 11, tôi không nhớ chính xác, Tổng tư lệnh tối cao triệu tập tôi và A.I. An-tô-nốp đến để nghiên cứu kế hoạch mở những chiến dịch mùa đông. Sau khi đã thống nhất ý kiến trước với tôi, A.I. An-tô-nốp báo cáo đề án kế hoạch. Lần này Tổng tư lệnh tối cao cũng vẫn thấy không cần làm theo đề nghị chung của chúng tôi là tăng cường thêm một tập đoàn quân nữa cho Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 để tiêu diệt cụm quân địch ở Đông Phổ. Tập đoàn quân này chúng tôi đề nghị lấy trong thành phần của các phương diện quân vùng Ban-tích, mà ở đó theo chúng tôi, quân ta nên chuyển sang phòng ngự sau khi đã vây hãm tập đoàn quân 16 và 18 của địch ở Cua-li-an-di.
Sau những ngày lễ tháng 10, chúng tôi cùng với Bộ Tổng tham mưu bắt tay vào xây dựng mọi chi tiết của kế hoạch tiến công của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1.
Thời gian này, bộ tư lệnh và bộ tham mưu phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 cũng đã gửi về Bộ Tổng tham mưu những dự kiến chính của mình về việc tiến hành chiến dịch, những dự kiến ấy về cơ bản đáp ứng với tình hình. Chúng tôi đã thảo luận nhiều lần với K.K. Rô-cô-xốp-xki và M.X. Ma-li-nin về những dự kiến ấy.
Như đã nói đến ở phần trên, tôi không đồng ý đánh vào Vác-xô-vi qua sông Vi-xla, ý kiến đó tôi đã báo cáo lên và được Tổng tư lệnh tối cao chấp nhận.
Ngày 15-11, tôi đến Liu-blin. Hôm sau thì nhận được lệnh chỉ định tôi làm tư lệnh Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 (ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân là tướng K.Ph. Tê-lê-ghin), còn K.K. Rô-cô-xốp-xki cũng được chỉ định ngay trong bản mệnh lệnh ấy làm tư lệnh Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2.
Lưu lại 2 ngày ở Liu-blin gặp gỡ với đồng chí B. Bê-rút, các đồng chí của Đảng Công nhân và ủy ban dân tộc giải phóng Ba Lan, ngày 18-11, tôi về cơ quan bộ tư lệnh phương diện quân.
Trước cuối tháng 11, bộ tham mưu phương diện quân đứng đầu là đồng chí M.X. Ma-li-nin đã nghiên cứu xong kế hoạch tiến công và chuẩn bị để gửi lên Đại bản doanh Bộ Tổng tham mưu những đề nghị bổ sung quân số và phương tiện vật chất. Bộ tham mưu, cơ quan tham mưu hậu cần của phương diện quân và các đồng chí tư lệnh các binh chủng đã làm một khối lớn công tác tính toán dự trù lực lượng và phương tiện cho chiến dịch sắp tới. Đồng chí Phó tư lệnh phương diện quân phụ trách hậu cần trung tướng N.A. An-ti-pen-cô và đồng chí tham mưu trưởng hậu cần, tướng M.K. Sli-ác-ten-cô đã đảm đương khối lượng công tác rất phức tạp này.
Đến cuối tháng 11, kế hoạch được phê chuẩn. Tổng tư lệnh tối cao chưa xác định dứt khoát thời hạn bắt đầu chiến dịch, nhưng có đề ra hướng phải chuẩn bị xong trong những ngày 15 – 20-1.
Nhiệm vụ và thời hạn đề ra trên đây đòi hỏi ở bộ đội, các cơ quan tham mưu, hậu cần và chỉ huy phải tiến hành nhiều công tác lớn và phức tạp.
Công tác chuẩn bị chiến dịch Vi-xla - Ô-đe khác hẳn công tác chuẩn bị các chiến dịch trước đây có quy mô tương tự ở nước ta.
Trước kia, chúng ta có được những nguồn tin tức trinh sát tốt là các đội du kích của ta hoạt động ở phía sau lưng quân địch. Còn ở đây không có những nguồn tin đó.
Bây giờ khai thác tin tức địch chủ yếu dựa vào tình báo, trinh sát bằng máy bay và trinh sát của bộ đội hoạt động trên mặt đất.
Bộ tư lệnh và cơ quan tham mưu các cấp phải đặc biệt chú ý tới mặt công tác quan trọng đó.
Những đường sắt và đường cái chuyên chở của hậu cần chúng ta lúc này nằm trên đất đai Ba Lan, ở đây, ngoài những người bạn chân chính và nhân dân trung thực với chúng ta ra, còn có cả bọn tình báo địch. Những điều kiện mới đó yêu cầu chúng ta phải đặc biệt cảnh giác, hết sức giữ bí mật về mọi cuộc tập trung, điều động bộ đội và những dự trữ vật chất.
Hồi đó các tổ chức Đảng trong quân đội theo chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương đã giải thích sâu rộng yêu cầu về tư cách của bộ đội ta khi hoạt động ở nước ngoài là nơi chúng ta đến không phải để xâm lược mà để giải phóng khỏi ách chiếm đóng của quân giặc. Trong tất cả các đơn vị bộ đội thuộc phương diện quân, còn triển khai rộng hơn nữa công tác giáo dục trên nhằm làm cho các cán bộ và chiến sĩ ta khi đến đất Ba Lan sẽ không có một hành động vô ý thức nào.
Chúng ta đã đặt mối quan hệ bình thường với các cơ quan chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội Ba Lan và đã được các cơ quan, đoàn thể đó hết sức giúp đỡ. Về phía mình, bộ đội chúng ta cũng đã chia sẻ với nhân dân Ba Lan tất cả những gì chúng ta có. Như vậy là ngay từ bước đầu, từ những buổi gặp gỡ ban đầu đã xây đắp được nền móng của tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Liên Xô và Ba Lan, những người đã từng cùng chịu ách chiếm đóng của quân giặc.
Để chuẩn bị chiến dịch một cách thiết thực hơn, Hội đồng quân sự phương diện quân quyết định tổ chức cuộc diễn tập với nội dung, tình huống giống như chiến dịch sắp tới. Tham gia diễn tập có tất cả tư lệnh các tập đoàn quân, các ủy viên Hội đồng quân sự, tham mưu trưởng, tư lệnh các quân đoàn độc lập, phó tư lệnh hậu cần phương diện quân, tư lệnh và chủ nhiệm các binh chủng. Bộ tham mưu phương diện quân đã chuẩn bị rất đầy đủ và cuộc diễn tập đã diễn ra thật hào hứng và bổ ích. Ngay trong diễn tập, cơ quan lãnh đạo ngành hậu cần của phương diện quân đã báo cáo, sau đó đưa ra thảo luận kĩ về các vấn đề bảo đảm vật chất kỹ thuật.
Các đồng chí tư lệnh tập đoàn quân sau đó lại tổ chức diễn tập trong phạm vi đơn vị mình. Tất cả những công việc chuẩn bị trên, nhất là các cuộc thảo luận về các vấn đề có liên quan đến các chiến dịch sắp tới đã giúp cho toàn thể các cán bộ lãnh đạo hiểu sâu hơn vị trí của mỗi người, đồng thời nắm được đầy đủ kế hoạch hiệp đồng với các đơn vị bên cạnh, không quân, bộ đội cơ động, pháo binh và công binh.
Vì hai bàn đạp để triển khai chiến dịch thì tương đối nhỏ, mà số quân tập trung thì rất lớn, nên công tác tổ chức hậu cần cho bộ đội vô cùng phức tạp. Vấn đề đó lại càng phức tạp thêm nữa vì trong quá trình phát triển của chiến dịch, có một thời gian chúng ta phải cung cấp cho bộ đội mọi thứ cần thiết cho chiến đấu và sinh hoạt bằng một số rất ít đường sá trên hai bàn đạp đó.
Để đặt mối quan hệ hiệp đồng giữa hai bàn đạp trên được chặt chẽ hơn nữa, ngày 4-1, cơ quan tham mưu tập đoàn quân 59 của tướng V.Ya. Côn-pắc-chi đã tổ chức cuộc diễn tập với tất cả các tư lệnh binh đoàn trong tập đoàn quân. Tôi có mời các đồng chí V.I. Chui-cốp, tư lệnh tập đoàn quân 8, N.E. Béc-da-rin, tư lệnh tập đoàn quân xung kích 5, và các đồng chí tư lệnh các tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 và 2 là M.E. Ca-tu-cốp và X.I. Bốc-đa-nốp cùng với các tham mưu trưởng tập đoàn quân đó tham dự cuộc diễn tập này.
Đến cuối tháng 12, tôi lại đáp máy bay về Đại bản doanh để thảo luận với Tổng tư lệnh tối cao về một loạt vấn đề có liên quan đến việc phê chuẩn lần cuối cùng kế hoạch chung của những chiến dịch kết thúc chiến tranh.
Ý định của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao về những chiến dịch kết thúc cuộc chiến tranh trên hướng chiến lược phía tây hình thành xong vào tháng 11-1944. Việc xác định sớm kế hoạch chiến lược tạo điều kiện cho các phương diện quân có thể nghiên cứu tỉ mỉ mọi vấn đề của chiến dịch, chiến lược, các vấn đề bảo đảm về chính trị và vật chất.
Trước khi mở mũi đột kích trực tiếp vào Béc-lanh, có quy định mở trên hướng chiến lược phía tây hai chiến dịch tiến công lớn: một ở Đông Phổ bằng lực lượng của các Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 và 3, một trên hướng Vác-xô-vi-béc-lanh bằng lực lượng của các Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 và U-crai-na 1.
Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 có nhiệm vụ đột kích vào hướng chung tới Pô-dơ-nan. Phương diện quan U-crai-na 1 có nhiệm vụ tiến ra Ô-đe (Ô-đra) đến tây bắc Glô-gan (Glô-gúp), Brét-xlau (Vuốt-lốp) Ra-ti-bo (Rát-xi-bút). Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 đánh thẳng vào cụm địch đóng ở Đông Phổ. Các đơn vị chủ lực của phương diện quân làm nhiệm vụ chia cắt cụm quân địch này tiếp tục chiến đấu ở Đông Phổ mãi tới đầu tháng 2. Các tập đoàn quân cánh trái của phương diện quân, khi tiến tới hạ lưu sông Vi-xla, quá phía bắc Brôm-béc (Bứt-gốt) sẽ chuyển sang phòng ngự.
Mục tiêu trước mắt của chiến dịch mà Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 phải đạt được là đột phá phòng ngự quân địch cùng một lúc trên hai hướng, và sau khi đánh tan cụm địch ở Vác-xô-vi - Ra-đôm, sẽ tiến tới đường kinh tuyến Lốt-dơ. Sau đó có nhiệm vụ tiến công theo hướng chung đến Pô-dơ-nan tới tuyến Brôm-béc (Bứt-gốt) - Pô-dơ-nan và quá phía nam, ở đây sẽ liên lạc để phối hợp về chiến thuật với bộ đội của Phương diện quân U-crai-na 1.
Kế hoạch tiến quân tiếp sau chưa đặt ra, vì Đại bản doanh chưa thể biết trước là khi bộ đội của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 tiến ra tuyến Brôm-béc (Bứt-gốt) - Pô-dơ-nan, tình huống sẽ diễn biến ra sao. Có thể là cuộc tiến công của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 sẽ chậm trễ, và nếu như vậy, thì nhiệm vụ đánh vu hồi và cô lập cụm địch ở Đông Phổ do Bộ Tổng tư lệnh tối cao đặt ra không thể hoàn thành được. Đến lúc ấy, Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 có thể phải tung một phần lớn lực lượng của mình sang phía bắc để chi viện cho Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2.
Còn về phần đơn vị bạn bên trái, chúng tôi tin tưởng là anh em sẽ không tụt lại. Phương diện quân U-crai-na 1 có lực lượng gần bằng phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, thêm nữa, cả hai phương diện quân thực ra lại tiến công kề bên nhau. Căn cứ vào đó, chúng tôi cho rằng, sẽ không phải triển khai lực lượng của mình ở hướng nam. Đại bản doanh cũng thấy không cần dự kiến cho các đơn vị của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 quay xuống hướng tây nam và nam.
Ngoài ra cũng không thể sớm đề ra nhiệm vụ tiếp sau được vì trong điều kiện một chiến dịch tiến công sâu hàng mấy trăm km, bộ chỉ huy quân địch có đầy đủ khả năng để cơ động các lực lượng dự bị của chúng. Ví dụ như, chúng có thể điều động các đơn vị bổ sung lấy ở mặt trận phía tây nam, rút những lực lượng của cụm quân đang bị vây hãm ở Cua-li-an-di về, và cuối cùng, có thể cơ động dọc theo chính diện mà tập trung những lực lượng cần thiết trên một trong các đoạn phòng ngự để tích cực chống lại ta.
Vì vậy Đại bản doanh thấy nên tùy theo diễn biến của tình hình mà sau này hãy quy định nhiệm vụ tiếp sau của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1.
Chiến dịch do Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 mở, thoạt đầu gọi là chiến dịch Vác-xô-vi - Pô-dơ-nan, về sau, khi tiến đến Ô-đe, tới vùng Kiu-xtơ-rin, đổi thành chiến dịch Vi-xla - Ô-đe.
Chiến dịch xây dựng theo kế hoạch như sau. Mũi đột kích chủ yếu sẽ mở từ căn cứ bàn đạp Mác-nu-sép bằng lực lượng của các tập đoàn quân xung kích 5, 61 và tập đoàn quân cận vệ 8, các tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 và 2. Ngoài ra từ đằng sau cánh phải của tập đoàn quân 61, sau khi vượt qua sông Pi-lít-xa, sẽ cho các binh đoàn của tập đoàn quân 1 Bộ đội Ba Lan của tướng Pô-pláp-xki bước vào chiến đấu để từ phía nam tiến công thẳng vào Vác-xô-vi.
Tập đoàn quân 61 của tướng P.A. Bê-lốp, sau khi vượt qua sông Pi-lít-xa sẽ tiến công vòng qua Vác-xô-vi theo hướng chung tới Xô-kha-chép, đồng thời dùng một phần lực lượng đột kích vào phía tây Vác-xô-vi. Tập đoàn quân xung kích 5 của tướng N.E. Béc-da-rin, sau khi chọc thủng phòng ngự địch sẽ tiến công theo hướng chung tới Ô-doóc-cúp và tiếp sau tới Gơ-nét-nô. Tập đoàn quân cận vệ 8 của tướng V.I. Chui-cốp, sau khi đột phá được sẽ tiến công bên trái tập đoàn quân 5 theo hướng chung tới Lốt-dơ và xa nữa tới Pô-dơ-nan.
Tập đoàn quân không quân 16 của tướng X.I. Ru-đen-cô sẽ yểm hộ cho các hoạt động của bộ đội trên mặt đất. Quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 của tướng V.V. Criu-cốp tiến theo sau tập đoàn quân cận vệ 2, có nhiệm vụ tiến công dọc theo sông Vi-xla vào hướng chung tới Brôm-béc (Bứt-gốt). Tập đoàn quân xung kích 3 làm thê đội 2 của phương diện quân.
Từ bàn đạp Pu-la-va, các tập đoàn quân 59 và 33, được tăng cường hai quân đoàn xe tăng 11 và 9, sẽ mở mũi đột kích thứ yếu đánh theo hướng chung tới Ra-đôm và xa nữa tới Lốt-dơ. Sau khi đột phá, sẽ dùng bộ phận lực lượng sườn trái tập đoàn quân 33 và quân đoàn xe tăng 9 đột kích vào Xcác-gi-xcơ - Ca-me-na nhằm hợp vây và tiêu diệt bọn địch đóng ở Ken-xe - Ra-đôm. Đội dự bị của phương diện quân - quân đoàn kỵ binh 7 của tướng M.P. Côn-xtan-ti-nốp - tiến quân trong thê đội 2 của phương diện quân.
Một ngày đêm sau, tập đoàn quân 47 của tướng Ph.I. Péc-khô-rô-vích sẽ tiến công vào tây bắc Vác-xô-vi. Sư đoàn 2, tập đoàn quân 1 Bộ đội Ba Lan cũng tiến công vào hướng đó.
Nhiệm vụ trước mắt của phương diện quân đặt ra có chi tiết hơn: tiêu diệt cụm quân địch đóng ở Vác-xô-vi - Ra-đôm - Lốt-dơ và chiếm Vác-xô-vi. Nhiệm vụ tiếp sau thì chỉ vạch ra trên những nét chung và sẽ được xác định cụ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trước mắt (khi đặt kế hoạch chiến dịch ở cấp phương diện quân có thể làm như vậy).
Trong khi đặt kế hoạch, chúng tôi xuất phát từ chỗ phải đánh một kẻ địch có kinh nghiệm, ngoan cố và mạnh mà chúng tôi đã biết rõ.
Về tổ chức đột phá phòng ngự địch, chúng tôi đã suy nghĩ nhiều, làm sao để pháo và không quân bắn chuẩn bị được tốt hơn, để đột phá được toàn bộ chiều sâu phòng ngự chiến thuật của địch, nhanh chóng đưa các lực lượng cơ động, chỗ dựa chủ yếu của ta vào đột phá.
Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch đã tiến hành nhiều biện pháp lừa địch nhằm che giấu quy mô và hướng đột kích, nhất là hướng đột kích chủ yếu của cuộc tiến công sắp tới. Chúng tôi tìm đủ mọi cách làm cho địch thấy là ta sẽ tập trung bộ đội đánh vào Vác-xô-vi
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tin hoàn toàn rằng, địch sẽ bị lừa mà không biết được ý định thực sự của ta. Chúng tôi lo rằng, nếu phán đoán ra việc chuẩn bị của ta, địch sẽ rút chủ lực của chúng từ tuyến 1 vào tung thâm, làm cho ta sẽ phải bắn hàng trăm nghìn quả đạn vào những bãi trống.
Sau khi phân tích toàn diện tình hình và thảo luận tất cả những ý kiến “đồng ý” và “không đồng ý” với những đồng chí tư lệnh và chủ nhiệm các binh chủng, chúng tôi đi tới quyết định, sát trước khi tổng công kích sẽ cho tiến hành trinh sát chiến đấu thật mạnh, và để yểm hộ cho nó, sẽ cho pháo bắn mạnh trong 30 phút.
Lực lượng đánh vào tiền duyên địch lấy ở mỗi sư đoàn 1 - 2 tiểu đoàn bộ binh cùng với xe tăng và pháo tự hành. Cuộc tiến công trinh sát ấy được sự yểm hộ không những của pháo binh mà cả của không quân.
Không chịu nổi đợt tiến công của các tiểu đoàn trinh sát trên, địch bắt đầu rút khỏi tiền duyên phòng ngự vào bên trong. Lúc đó, sau khi cho toàn bộ pháo binh bắn mạnh hơn nữa, và tung lực lượng lớn không quân ra tập kích vào những mục tiêu sâu trong phòng ngự địch, các tập đoàn quân đã dùng tất cả các đơn vị thê đội 1 của mình bắt đầu tiến công đồng loạt.
Ngay trong ngày đầu chiến dịch, lúc 13 giờ, quân đoàn xe tăng 11 đã bước vào chiến đấu.
Từ đó cuộc đột phá phát triển bình thường, và chúng tôi đã tiết kiệm được hàng nghìn tấn đạn đại bác rất cần cho sau này.
Sang ngày thứ 2 của chiến dịch, các tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 và 2, quân đoàn xe tăng 9 tiến vào chiến đấu. Sức đột kích của các binh đoàn xe tăng làm rung chuyển ngay toàn bộ phòng ngự chiến thuật và chiến dịch của địch. Bước tiến vọt của tập đoàn quân xe tăng cận vệ 2 tới vùng Gi-rác-đúp - Xô-kha-chép cùng là việc tập đoàn quân 47 chiếm được đoạn phía bắc Vác-xô-vi trên bờ nam sông Vi-xla đã buộc quân địch phải bắt đầu rút nhanh ra khỏi Vác-xô-vi.
Trong khi rút ra khỏi thành phố, bọn giặc đã tàn phá nặng thủ đô Ba Lan và tàn sát hàng loạt nhân dân thành phố.
Các Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 và 3 tiến công ở bên phải Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, có nhiệm vụ đánh tan cụm địch đóng ở Đông Phổ và chiếm Đông Phổ.
Lực lượng chủ yếu của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 có nhiệm vụ phải tiến tới vùng Ma-ri-en-bua và cắt cụm địch ở Đông Phổ không cho không liên lạc với Đông Pô-mê-ra-ni, Đan-xích và Gơ-dư-nha.
Phương diện quân này tiến công từ bàn đạp Ru-gian qua Mla-va. Mũi đột kích thứ yếu là từ bàn đạp Xê-rốt-xki theo hướng chung tới Ben-xcơ, Líp-nô. Tập đoàn quân 70 tiến quân dọc bờ bắc sông Vi-xla, có nhiệm vụ không cho địch rút từ giải tiến công của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 sang bên kia sông Vi-xla.
Cuộc tiến công bắt đầu ngày 13-1. Hôm đó Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 (tư lệnh là nguyên soái Liên Xô K.K. Rô-cô-xốp xki, ủy viên Hội đồng quân sự - tướng N.E. Xu-bô-tin, tham mưu trưởng - tướng A.N. Bô-gô-liu-bốp) có một bộ phận lực lượng chuyển sang tiến công đồng thời với Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 3 (tư lệnh là tướng I.Đ. Chéc-ni-a-khốp-xki, ủy viên Hội đồng quân sự - tướng V.E. Ma-ca-rốp, tham mưu trưởng - tướng A.P. Pô-crốp-xki). Ngày hôm sau quân chủ lực của K.K. Rô-cô-xốp-xki mới tiến quân trên hướng Mla-va.
Địch ở đây ngoan cố kháng cự lại. Cuộc tiến công phát triển rất chậm và mãi đến ngày 19-1, sau khi đưa tất cả bộ đội xe tăng và cơ giới của Phương diện quân vào chiến đấu, mới hoàn thành đột phá và đánh chiếm được Mla-va, Psa-xnứt và Xê-kha-núp. Tập đoàn quân 47 và tập đoàn quân cận vệ 2 tiến quân thắng lợi đã đảm bảo vững chắc cho sườn trái của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2.
Bộ đội Phương diện quân U-crai-na 1 (tư lệnh là nguyên soái Liên Xô I.X. Cô-nép, ủy viên Hội đồng quân sự - tướng K.V. Trai-mu-cốp, tham mưu trưởng - tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki) ngày 12-1 bắt đầu tiến công ở bên trái Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, từ bàn đạp Xan-đô-mia. Mệnh lệnh của Đại bản doanh qui định nhiệm vụ cho Phương diện quân U-crai-na 1 là đến ngày 10 - 11 của chiến dịch phải chiếm được tuyến Pê-tơ-rô-cốp - Chen-xtô-khốp - Mê-khúp và phát triển tiến công tới Bre-xlau.
Cuộc tiến công của Phương diện quân U-crai-na 1 phát triển tốt. Ngay trong ngày đầu, đã đột phá dải phòng ngự địch và các đơn vị thê đội 1 của phương diện quân đã tiến lên được 20 km. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 của tướng P.X. Rư-ban-cô và tập đoàn quân xe tăng 4 của tướng Đ.Đ. Lê-liu-sen-cô bước vào chiến đấu đã làm nốt nhiệm vụ đột phá và tiến vào tung thâm chiến dịch, đánh tan những đội dự bị của địch đang tới gần.
Trong cuốn hồi kí viết về chiến dịch lịch sử ở Vi-xla, tướng Đức K. Ti-pen-xkiếc đã tả những trận đánh ấy như sau:
“Đòn đột kích mạnh đến nỗi chẳng những nó đập tan các sư đoàn thê đội 1, mà còn đánh bại cả những đội dự bị lớn khá mạnh được điều động lên sát mặt trận theo nghiêm lệnh của Hít-le. Những đội dự bị ấy đã bị đợt pháo bắn chuẩn bị của quân Nga gây cho thiệt hại, và sau này, do hậu quả của cuộc tổng rút lui, nó cũng không được sử dụng theo kế hoạch”[3].
Đối với lời nói trên đây của K. Ti-pen-xkiếc có thể bổ sung thêm là không thể nào sử dụng các đội dự bị đó, vì chúng đã bị bộ đội của Phương diện quân U-crai-na 1, Bê-lô-ru-xi 1 tiêu diệt hoàn toàn.
Ngày 17-1, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 của P.X. Rư-ban-cô và tập đoàn quân cận vệ 5 của A.X. Gia-đốp đã chiếm thành phố Chen-xtô-khốp, còn tập đoàn quân 59 và 60 bắt đầu giao chiến tại những ngả đường phía bắc vào Cra-cốp.
Trong vòng 6 ngày tiến công, Phương diện quân U-crai-na 1 tiến được 150 km tới tuyến Ra-đôm - Chen-xtô-khốp- bắc Cra-cốp - Tác-núp. Phía trước Phương diện quân tình hình đã trở nên thuận lợi để phát triển tiến công tới Ô-đe.
Cuộc tiến công của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 bắt đầu ngày 14-1 cũng phát triển thắng lợi.
Ngay chính K. Ti-pen-xkiếc đã viết:
“Đến tối ngày 16-1[4] trên khu vực từ sông Ni-da đến sông Pi-lít-xa, quân Đức không còn trận địa liên tục và dày đặc nữa. Mối nguy cơ đang treo lơ lửng trên đầu các đơn vị của tập đoàn quân 9 hiện còn phòng ngự tại Vi-xla gần Vác-xô-vi và quá phía nam. Lực lượng dự bị đã không còn nữa”.
Ngày 17-1, Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 đã tiến lên ngang Phương diện quân U-crai-na 1. Hôm ấy các đơn vị của tập đoàn quân 1 Bộ đội Ba Lan đã vào chiếm Vác-xô-vi. Theo sau nó là các đơn vị Xô-viết thuộc tập đoàn quân 47 và 61.
Giống hệt như sau lần quân Đức bị tiêu diệt ở Mát-xcơ-va, sau trận thất bại ở Vác-xô-vi, Hít-le cũng lần lượt xử tội các tướng lĩnh của hắn. Tư lệnh cụm tập đoàn quân “A” thượng tướng I. Gác-pe bị thượng tướng Ph. Séc-ne thay thế, còn tướng lục quân T. Bu-xe thì thay tướng X. Li-út-vít, tư lệnh tập đoàn quân 9.
Về cảnh hoang tàn của thành phố, Hội đồng quân sự Phương diện quân báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao như sau:
“Bọn phát-xít dã man đã phá hủy Vác-xô-vi - thủ đô của Ba Lan. Giống những tên bạo chúa hung tàn, chúng đã phá trụi hết khu phố này đến khu phố khác. Những xí nghiệp công nghiệp lớn nhất bị phá sạch sành sanh. Nhà cửa của dân cư đã đổ sập hoặc bị thiêu hủy. Kinh tế của thành phố bị phá hoại. Hàng vạn nhân dân bị giết, những người còn lại bị đuổi đi. Rõ là một thành phố chết”.
Nghe nhân dân Vác-xô-vi kể lại sự tàn bạo dã man của bọn phát-xít Đức trong thời gian chiếm đóng và nhất là trước khi chúng rút lui, thật khó mà hiểu được tâm lý và trạng thái tinh thần của chúng.
Các chiến sĩ và sĩ quan Ba Lan đặc biệt đau xót trước tình hình đó. Tôi đã thấy cảnh các chiến sĩ từng được tôi luyện trong lửa đạn phải rơi nước mắt và cũng thấy ngay khí thế của anh em thề nguyện quyết tâm trừng trị bọn giặc đã mất tính người ấy. Còn về phần các chiến sĩ Xô-viết, tất cả chúng tôi đều căm phẫn đến cực độ và đầy quyết tâm trừng phạt đích đáng bọn phát-xít đã gây ra các tội ác đó. Quân ta dũng cảm và nhanh chóng bẻ gãy mọi sự chống cự của địch, tiến mạnh về phía trước.
Trước tình hình chiến dịch phát triển thắng lợi, ngày 17-1, Đại bản doanh đã xác định nhiệm vụ cho các phương diện quân trên hướng Ô-đe như sau.
- Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 phải chiếm được tuyến Bứt-gốt Pô-dơ-nan trước ngày 2 - 4 tháng 2.
- Phương diện quân U-crai-na 1 cho chủ lực tiếp tục tiến công vào Brét-xlau và trước ngày 30-1 phải tiến ra sông Ô-đe, tới phía nam Le-xnô. Ngày 20 - 22-1 các tập đoàn quân bên sườn trái phải giải phóng được Cra-cốp.
Để chặn cuộc tiến công của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, bộ tổng chỉ huy Đức điều động sư đoàn xe tăng “ Đại Đức” từ Đông Phổ và 5 sư đoàn từ phía tây sang vùng Lốt-dơ nhưng số lực lượng đó đã bị đánh tan, thậm chí ngay từ khi chúng chưa kịp triển khai. Quân ta tiến đánh nhanh, khủng khiếp đến nỗi bọn Đức mất hết mọi hy vọng có thể ngăn chặn được bộ đội Liên Xô ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Ba Lan.
Ngày 19-1, quân ta giải phóng thành phố Lốt-dơ, còn bộ đội cánh phải của Phương diện quân ngày 23-1 làm chủ thành phố Bư-gốt. Sáng ngày 23-1, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 bắt đầu tiến đánh Pô-dơ-nan. Ít lâu sau, bộ đội của tập đoàn quân 69, rồi cả tập đoàn quân cận vệ 8 cũng tiến đến Pô-dơ-nan. Cánh trái của phương diện quân tiến vào vùng Ya-rốt-xưn, ở đó đã có thể hiệp đồng về chiến thuật với cánh phải của Phương diện quân U-crai-na 1.
Trưa ngày 25-1, Tổng tư lệnh tối cao nói chuyện bằng điện thoại với tôi. Nghe xong báo cáo, đồng chí hỏi ý định hành động của chúng tôi sau này thế nào.
Tôi trả lời:
- Địch đã mất tinh thần, và hiện nay chúng không đủ sức chống cự lại một cách đáng kể. Chúng tôi quyết tâm tiếp tục tiến công nhằm đưa bộ đội của Phương diện quân tiến tới Ô-đe. Hướng cơ bản của cuộc tiến công nhằm tới Kiu-xtơ-rin, ở đây chúng tôi sẽ gắng chiếm được một bàn đạp. Cánh phải của phương diện quân triển khai trên hướng bắc và tây bắc, đối diện với cụm quân địch đóng ở Đông Pô-mê-ra-ni. Cụm ấy bây giờ không còn là mối nguy cơ trực tiếp quan trọng nữa.
I.V. Xta-lin nói:
- Tiến ra Ô-đe, các đồng chí tách khỏi sườn Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 hơn 150 km. Hiện nay không thể làm như vậy được. Cần đợi Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 kết thúc chiến dịch ở Đông Phổ và chuyển lực lượng sang bên kia sông Vi-xla đã.
- Việc đó mất bao nhiêu thời gian?
- Khoảng 10 ngày. Đồng chí hãy tính toán xem, - I.V. Xta-lin bổ sung - phương diện quân U-crai-na 1 hiện nay không thể tiến quân xa hơn nữa và không thể bảo vệ bên trái các đồng chí, vì còn phải mất một số thời gian để thanh toán bọn địch ở vùng Ốp-pen (ô-pô-le) - Ca-tô-vít-xe.
- Tôi đề nghị không nên ngừng cuộc tiến công của bộ đội Phương diện quân, vì sau này khi vượt qua phòng tuyến Mê-dê-rít chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn. Để bảo đảm cho sườn phải của phương diện quân, chỉ cần tăng cường thêm một tập đoàn quân nữa thôi.
Tổng tư lệnh tối cao hứa sẽ suy nghĩ, nhưng ngày hôm ấy, chúng tôi không nhận được ý kiến trả lời.
Ngày 26-1, trinh sát của tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 tới sát phòng tuyến Mê-dê-rít và bắt được một toán đông tù binh. Theo lời khai của chúng thì nhiều khu vực tại phòng tuyến không có quân Đức chiếm đóng, đơn vị của chúng mới tới đây. Bộ tư lệnh phương diện quân liền hạ quyết tâm cho chủ lực tiến thật nhanh tới Ô-đe, và cố chiếm lấy bàn đạp bên bờ tây sông Ô-đe trong hành tiến.
Để bảo đảm cho chủ lực của phương diện quân trong khi tiến ra Ô-đe không bị địch từ phía Đông Pô-mê-ra-ni đột kích vào, phương diện quân đã quyết định cho triển khai trên phía bắc tập đoàn quân xung kích 3, tập đoàn quân 1 Bộ đội Ba Lan, các tập đoàn quân 47, 61 và quân đoàn kỵ binh cận vệ 2.
Lực lượng để tiêu diệt quân địch đóng ở Pô-dơ-nan chỉ còn lại bộ phận của tập đoàn quân cận vệ 8, tập đoàn quân 69 và tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1. Việc đánh chiếm thành phố Pô-dơ-nan giao cho bộ tư lệnh tập đoàn quân cận vệ 8. Thời gian ấy chúng tôi cho rằng, địch bị vây hãm ở đây chỉ trên dưới hai vạn quân, nhưng thực tế có đến 6 vạn, vì vậy cuộc chiến đấu trong thành phố kéo dài đến tận 23-2.
Chúng tôi còn tính rằng, trước khi các đơn vị của phương diện quân tiến tới sông Ô-đe, địch không thể tổ chức phản kích từ Pô-mê-ra-ni tới, và trong trường hợp nếu có nguy cơ đó, chúng tôi vẫn còn kịp điều động một số bộ đội từ Ô-đe về để đánh tan cụm Pô-mê-ra-ni của địch. Sau này tình hình đã diễn biến đúng như vậy.
Sau mấy lần trao đổi ý kiến thêm, Tổng tư lệnh tối cao đồng ý với đề nghị của bộ tư lệnh phương diện quân. Đồng chí căn dặn chúng tôi phải suy nghĩ kỹ đến sườn phải của mình, nhưng không cho thêm lực lượng bổ sung. Sự quan tâm của Đại bản doanh đến việc phải tổ chức bảo vệ sườn phải của chúng tôi là hoàn toàn có căn cứ. Những sự kiện diễn ra về sau này chứng minh rằng, mối nguy cơ bị địch đột kích từ phía Đông Pô-mê-ra-ni ngày càng tăng.
Cuộc tiến công phát triển rất nhanh. Chủ lực của phương diện quân sau khi đánh tan những đơn vị rời rạc của địch và bẻ gãy sức kháng cự của chúng tại phòng tuyến Mê-dê-rít, ngày 1 - 4 tháng 2 đã tiến ra Ô-đe và chiếm được một bàn đạp vô cùng quan trọng bên bờ phía tây con sông trong vùng Kiu-xtơ-rin.
Tôi không thể không nói lên ở đây, dù là vài lời, về những hành động anh hùng của tập đoàn quân xung kích 5, người lãnh đạo là tướng N.E. Béc-da-rin và ủy viên Hội đồng quân sự - trung tướng Ph.E. Bô-cốp.
Phần công lao lớn trong việc đánh chiếm bàn đạp thuộc về chi đội phái đi trước của tập đoàn quân xung kích 5. Chỉ huy chi đội là đại tá X.Ph. Ê-xi-pen-cô, sư đoàn phó sư đoàn bộ binh cận vệ 89 và đại diện Hội đồng quân sự tập đoàn quân 5, phó chủ nhiệm chính trị tập đoàn quân, trung tá Đ.Đ. Sa-pô-sni-cốp.
Trong chi đội có trung đoàn bộ binh 1006 thuộc sư đoàn bộ binh 266, lữ đoàn xe tăng độc lập 220 do trung tá A.N. Pa-scốp chỉ huy, trung đoàn xe tăng hạng nặng độc lập 89, trung đoàn pháo cơ động chống tăng và trung đoàn súng cối 487.
Sáng ngày 31-1, chi đội phái đi trước tiến công vượt sông Ô-đe và chiếm được bàn đạp trong khu vực Ki-nít-xơ - Grô-xơ - Nôi-en-đoóc-phơ - Rê-phen-đơ.
Bộ đội Xô-viết xuất hiện tại một nơi cách Béc-lanh có 70 km là một điều bất ngờ đến khủng khiếp đối với quân Đức.
Lúc chi đội đột nhập vào thành phố Ki-nít-xơ, lính Đức còn đang bình yên giong chơi trong các phố xá, quán ăn vẫn đầy bọn sĩ quan, tàu hỏa trên tuyến đường Ki-nít-xơ - Béc-lanh vẫn chạy đúng giờ thông tin liên lạc vẫn hoạt động bình thường.
Trên bàn đạp đã chiếm được, đại tá I.L. Tê-rê-khin, các tiểu đoàn trưởng bộ binh Ph.K. Cráp-xốp, P.E. Pla-tô-nốp, và I.Ya. Chê-rết-ních, các tiểu đoàn trưởng pháo binh Giác-cốp và I-li-a-sen-cô đã tổ chức trận địa phòng ngự vững chắc. Các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy hiểu rằng quân Đức sẽ cố gắng đến mức tối đa để hất bộ đội bật lại bên kia sông Ô-đe.
Sáng ngày 2-2, địch bắn pháo và súng cối dữ dội vào đội hình chiến đấu của chi đội. Tiếp theo là máy bay địch xuất hiện. Vùng bàn đạp rung chuyển vì bom, đạn đại bác và súng cối nổ liên hồi. Lửa đạn hoành hành khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đấy bọn địch Hít-le được xe tăng yểm hộ từ ba mặt tiến công vào chi đội phái đi trước của ta.
Quân địch mặc dầu bị thiệt hại nặng, vẫn ngoan cố bò lên. Xe tăng của chúng đã lọt vào khu vực trận địa pháo binh ta, và khống chế được một số đại đội pháo binh. Tình hình thật vô cùng nghiêm trọng. Có nguy cơ xe tăng địch tiến vào phía sau chi đội, và nếu thế thì thật khó mà giữ vững được tuyến đang chiếm lĩnh. Có lúc đại đội pháo binh của đại úy Ph.K. Cráp-xốp chỉ còn lại một khẩu pháo chống tăng. Khẩu đội ấy, do thượng sĩ N.A. Ben-xki chỉ huy phải chiến đấu một mình chống lại 8 xe tăng địch.
Toàn bộ dự trữ đạn dược của khẩu đội còn có 13 viên đạn.
Ni-cô-lai Ben-xki đếm lại một lần nữa số đạn. Đúng vậy, đạn chỉ còn có 13 viên, mà xe tăng địch 8 chiếc.
Đồng chí nói với các chiến sĩ:
- Chúng ta sẽ đánh giáp lá cà, thực sự giáp lá cà. Chúng ta sẽ hy sinh, nhưng quyết không để quân địch vượt qua.
Thượng sĩ N.A. Ben-xki và những bạn chiến đấu của đồng chí là Các-ghin và Cơ-che-riu-xốp là những chiến sĩ giàu kinh nghiệm. Tinh thần ngoan cường và nghệ thuật chiến đấu của các đồng chí đã quyết định thắng lợi của trận đánh.
Các đồng chí đẩy pháo trước vào trong một nhà kho, đục thủng một lỗ tường và đặt pháo ở tư thế ngắm trực tiếp. Ở đây tránh được đạn địch nhưng có thể bắn vào sườn xe tăng chúng.
Tiếng xích sắt đã nghe rõ mồn một. Thượng sĩ N.A. Ben-xki trực tiếp lấy đường ngắm. Chiếc xe tăng đi đầu cách không đầy 150 mét. Chữ thập ngoặc phát-xít đã hiện rõ lên.
Cố gắng giữ bình tĩnh, thượng sĩ N.A. Ben-xki lấy đường ngắm, chờ cho xe tăng đến gần nữa. Bắn. Đầu đạn xuyên đúng vào thùng nhiên liệu Ngọn lửa đỏ cháy rực trên xe tăng. Viên đạn thứ hai cũng trúng mục tiêu - xe tăng thứ hai đứt xích không sao cựa quậy được. Một phút sau ngọn lửa phủ lấy chiếc xe tăng thứ ba. Một trận đánh tuyệt đẹp.
Năm chiếc xe tăng của bọn phát-xít bốc cháy trước chiến hào chúng ta. Ba chiếc còn lại quay đằng sau chạy...
Thượng sĩ Ni-cô-lai Ben-xki được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ vì đã anh dũng chiến đấu trong trận đánh ấy. Các chiến sĩ khác trong khẩu đội cũng được tặng thưởng Huân chương.
Quân đoàn bộ binh cận vệ 26 (quân đoàn trưởng - trung tướng P.A. Phia-xốp, chủ nhiệm chính trị - đại tá Đ.N. An-đrây-ép) tiến sau chi đội phái đi trước bắt đầu chiếm lĩnh và mở rộng bàn đạp.
Dưới sự chỉ huy của trung tá B.I. Ba-ra-nốp và chủ nhiệm chính trị đại tá X.V. Cu-dốp-cốp, sư đoàn cận vệ 94 của quân đoàn đã chiến đấu để vượt sông Ô-đe. Các trung đoàn cận vệ 286 và 283 chiến đấu tại bàn đạp đã đánh ngã bọn địch chống cự lại. Trung đoàn pháo binh cận vệ 199 của sư đoàn (trung đoàn trưởng là trung tá I.Ph. Giê-rép-xốp, trung đoàn phó phụ trách công tác chính trị - thiếu tá V.I. O-ri-a-bin-xki) đã chiến đấu quên mình tại đây.
Đại đội pháo binh cận vệ của thượng úy P.A. Mi-rô-nốp cũng đạt thành tích thật xuất sắc. Lúc xung phong đại đội trưởng bị thương, thượng úy cận vệ A-vê-li-chép lên thay. Trong ngày hôm ấy đại đội đã cùng với bộ binh anh dũng đánh lui 6 đợt xung phong của địch. Thượng sĩ I-van Vôn-cốp và trung sĩ G.I. Snét-xốp tổ trưởng Đảng của đại đội đã chiến đấu vô cùng gan dạ.
Các chiến sĩ tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh 1050 (tiểu đoàn trưởng là Ph.K. Sa-pô-va-lốp, tiểu đoàn phó phụ trách công tác chính trị - I.Ph. Ô-xi-pốp) đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng tập thể trong trận đánh lại những cuộc tiến công của xe tăng địch. Anh em trong tiểu đoàn đã đẩy lùi nhiều đợt xung phong của xe tăng và bộ binh địch trong những điều kiện cực kỳ khó khăn.
Tại đây đặc biệt nổi bật là những chiến sĩ và cán bộ thuộc tiểu đoàn 3, tiểu đoàn trưởng là đại úy A.Ph. Bô-gô-mô-lốp. Đồng chí bị thương nặng nhưng không rời trận địa và vẫn tiếp tục chỉ huy tiểu đoàn. A.Ph. Bô-gô-mô-lốp được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì đã chiến đấu hết sức dũng cảm.
Trong các trận chiến đấu này tất cả các chiến sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan tiểu đoàn 1, trung đoàn bộ binh 1008 đều được tặng thưởng huân chương và huy chương. Tiểu đoàn trưởng M.A. A-lếch-xây-ép và bí thư tổ chức Đảng trong tiểu đoàn, thượng úy Cu-li-nua U-xen-bê-cốp được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cao quý. Các trung đoàn bộ binh 1008 và 1010 thuộc sư đoàn bộ binh 266 được tặng thưởng huân chương Xu-vô-rốp hạng III vì đã biểu hiện chủ nghĩa anh hùng tập thể. Lịch sử cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại còn ghi lại biết bao nhiêu mẩu chuyện chiến đấu nói lên đầy đủ hình ảnh trọn vẹn của người chiến sĩ Xô-viết anh hùng. Và cũng thật đau xót, vì còn nhiều chiến sĩ không được nêu tên? Tuy vậy, công lao vĩ đại của các chiến sĩ vô danh đó đối với lịch sử không vì thế mà bị xóa bỏ.
Kết quả sau trận đánh dài ngày này là bàn đạp được mở rộng đến 44 km. Và lực lượng đột kích của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 đã bắt đầu từ bàn đạp ấy tiến công vào Béc-lanh.
Đến thời gian đó, bên cánh phải của phương diện quân, sức kháng cự của địch tăng lên rõ rệt. Trinh sát không quân và bộ binh xác định thấy chúng đang điều quân và tập trung ở Pô-mê-ra-ni một số lớn lực lượng.
Cần có những hành động thật nhanh và kiên quyết để thanh toán mối nguy cơ đang đe dọa từ phía bắc lại. Ngày 2-2, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 nhận lệnh của Hội đồng quân sự phương diện quân chuyển giao khu vực của mình cho các đơn vị bạn, sau đó hành quân vượt sông lên phía bắc để tập trung lại trong vùng A-n-xvan-đe. Quân đoàn xe tăng 9 và quân đoàn kỵ binh cận vệ 7, một số lớn các đơn vị pháo binh, công binh và phương tiện vật chất cũng được điều động đến đấy.
Mối nguy cơ quân Đức phản công từ phía đông Pô-mê-ra-ni lại ngày một tăng thêm.
Ngày 31-1, Hội đồng quân sự phương diện quân gửi lên Tổng tư lệnh tối cao bản báo cáo với nội dung sau:
“1. Do chỗ cánh trái của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 còn rớt lại đằng sau cánh phải của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 quá xa nên chính diện của phương diện quân đến hết ngày 31-1 lên tới 500 km.
Nếu sườn bên trái của K.K. Rô-cô-xốp-xki còn tiếp tục dừng lại thì tất nhiên địch sẽ có những hành động tích cực đánh vào sườn phải của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 đang bị trải rộng.
Tôi đề nghị lệnh cho K.K. Rô-cô-xốp-xki dùng tập đoàn quân 70 tiến công ngay vào hướng tây, dù phải đánh vào chỗ đất nhô ra bên kia sườn phải của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1.
2. Đề nghị giục I.X. Cô-nép tiến nhanh hơn nữa tới sông Ô-đe.
Giu-cốp, Tê-lê-ghin”.
Báo cáo lần này của chúng tôi không được Tổng tư lệnh tối cao trả lời ngay và phương diện quân cũng không nhận được sự giúp đỡ cụ thể, mãi ngày 8-2, Đại bản doanh mới lệnh cho Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 chuyển sang tiến công vào ngày 10 -2 từ tuyến Grau-đen-xơ - Rát-xê-bua nhằm tiêu diệt quân địch ở Đông Pô-mê-ra-ni, chiếm đan-xích và tiến ra bờ biển Ban-tích.
Ngày 10-2, Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 bắt đầu tiến công, nhưng vì không đủ lực lượng nên không thể hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ đã giao. Ngày 24-2, khi lực lượng dự bị còn nguyên vẹn của Đại bản doanh là tập đoàn quân 19 tới tăng cường thì Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 bắt đầu tiến công lại.
Ngày 1-3, các đơn vị của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 cũng chuyển sang tiến công, dùng các tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 và 2 làm lực lượng đột kích chủ yếu. Đòn đột kích mạnh của số lực lượng lớn nói trên làm cho cuộc tiến công của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 mạnh hẳn lên.
Ngày 5-3, bộ đội của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 tiến đến bờ biển Ban-tích và chiếm được Cô-dơ-lin (Cô-sa-lin), sau đó thì tất cả các tập đoàn quân của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 đều quay sang phía đông, tiến về phía Gơ-đư-nha, Đan-xích (Gơ-đan-xcơ). Tập đoàn quân xe tăng 1 của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, sau khi tiến vào vùng Con-béc (Cô-lốp-giéc) thì được lệnh của Đại bản doanh tạm thời chuyển thuộc sang Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 để tiêu diệt quân địch ở vùng Gơ-đư-nha. Các đơn vị cánh phải Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 làm nhiệm vụ quét tàn quân địch, tiến ra vùng bờ biển Ban-tích tới hạ lưu sông Ô-đe.
Đến đây, tôi cho rằng, đã đến lúc có thể đi sâu vào phân tích tỉ mỉ hơn một vấn đề mà nhiều tác giả đã nêu lên trong các tập hồi ức đặc biệt là trong cuốn hồi ức của nguyên soái Liên Xô V.I. Chui-cốp. Đó là vấn đề: tại sao bộ tư lệnh Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 trong những ngày đầu tháng 2, sau khi đã tiến đến sông Ô-đe lại không được Đại bản doanh quyết định cho tiến công ngay vào Béc-lanh.
Trong những hồi ức viết đăng trên các tạp chí “Tháng Mười” và “Lịch sử cận đại và hiện đại”, V.I. Chui-cốp xác nhận rằng, “có thể chiếm được Béc-lanh trong tháng 2. Và như vậy, tự nhiên là chiến tranh có thể kết thúc sớm hơn”[5].
Nhiều chuyên gia quân sự đã phát biểu trên các báo chí phản đối quan điểm đó của đồng chí V.I. Chui-cốp[6], nhưng V.I. Chui-cốp cho rằng, “những ý kiến phản đối ấy không phải của những người đã tham gia tích cực vào chiến dịch Vi-xla - Ô-đe, mà, hoặc là của những người đã thảo ra những mệnh lệnh của I.V. Xta-lin và của phương diện quân chủ trương đình chỉ cuộc tiến công vào Béc-lanh và mở chiến dịch Đông Pô-mê-ra-ni, hoặc là, của tác giả một số những tác phẩm lịch sử”[7].
Tôi phải nói rằng, trong chiến dịch tiến công vào Béc-lanh mọi việc không đơn giản như V.I. Chui-cốp hình dung.
Ngày 26-1, khi thấy rõ ràng là địch không thể nào kìm nổi cuộc tiến công của ta tại những phòng tuyến của chúng trên đường tiếp cận tới Ô-đe, chúng tôi có sơ bộ đề nghị lên Đại bản doanh những điểm dưới đây:
Đến ngày 30-1, bộ đội phương diện quân sẽ tiến ra tuyến Béc-lin-khen (Bác-li-néc) - Lan-xơ-béc (Gô-giúp - Vê-li-cô-pôn-xki) - Grét-xơ (Grút-dích). Ở đó sẽ phải dồn cơ quan hậu cần lên gần, bổ sung dự trữ, và từ sáng ngày 1 – 2 tháng 2 lại tiếp tục tiến công nhằm vượt sông Ô-đe trong hành tiến.
Tiếp sau, đề nghị sẽ phát triển tiến công nhanh, mạnh trên hướng Béc-lanh, tập trung những nỗ lực chủ yếu để vu hồi Béc-lanh từ phía đông bắc, bắc và tây bắc.
Ngày 27-1, Đại bản doanh phê chuẩn đề nghị ấy.
Ngày 28-1, cả tư lệnh Phương diện quân U-crai-na 1, nguyên soái Liên Xo I.X. Cô-nép cũng gửi về Đại bản doanh đề nghị giống như vậy. Đề nghị này nêu ra nhiệm vụ tiêu diệt cụm địch đóng ở Brét-xlau, và đến ngày 25 – 28 tháng 2 tiến ra sông En-bơ, còn cánh phải của phương diện quân thì hiệp đồng với Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 đánh chiếm Béc-lanh.
Ngày 29-1, Đại bản doanh cũng đã phê chuẩn đề nghị ấy.
Thật vậy, đúng như V.I. Chui-cốp xác nhận, vào thời gian đó trên những ngả đường vào Béc-lanh lực lượng quân địch có bị hạn chế, phòng ngự chúng bị suy yếu. Vì đã biết rõ tất cả, nên bộ tư lệnh phương diện quân chúng tôi mới ra chỉ thị cho các đơn vị thuộc quyền như sau:
“Gửi Hội đồng quân sự các tập đoàn quân, tư lệnh các quân chủng, binh chủng và chủ nhiệm hậu cần phương diện quân.
Tôi thông báo những dự kiến về hành động trong thời gian tới đây và đánh giá vắn tắt tình huống:
1. Quân địch ở phía trước phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 lúc này không có những đơn vị lớn để phản kích.
Chúng không có cả chính diện phòng ngự liên tục. Hiện nay chúng đang giữ từng hướng một và trên nhiều khu vực, chúng đang mưu toan giải quyết nhiệm vụ phòng ngự bằng những hoạt động tích cực.
Chúng ta có những tin tức sơ bộ cho biết, địch sẽ rút ngoài mặt trận phía tây của chúng về 4 sư đoàn xe tăng và 5 - 6 sư đoàn bộ binh. Những binh đoàn ấy, chúng sẽ ném sang mặt trận phía đông.
Đồng thời địch tiếp tục điều những đơn vị lấy ở miền ven biển Ban-tích và Đông Phổ sang.
Chắc là trong 6 - 7 ngày tới đây, quân địch sẽ tập trung được những đơn vị điều từ ven biển Ban-tích và Đông Phổ trên tuyến Svét - Stác-gác - Nôi Sét-tinh nhằm bảo vệ Pô-mê-ra-ni, không cho chúng ta tiến đến Stét-tinh và vịnh Pô-mê-ra-ni.
Còn các đơn vị từ mặt trận phía tây của chúng sang, có lẽ, sẽ được tập trung sang vùng Béc-lanh để làm nhiệm vụ phòng ngự trên những đường tiếp cận Béc-lanh.
2. Nhiệm vụ các đơn vị thuộc phương diện quân là trong 6 ngày tới đây sẽ hoạt động tích cực để củng cố thắng lợi đã giành được, dồn tất cả những đơn vị còn sót lại sau lên phía trước, bổ sung chừng 2 cơ số nhiên liệu, 2 cơ số đạn dược, và ngày 15 - 16 tháng 2, tiến vọt lên chiếm Béc-lanh.
Để củng cố những kết quả đã giành được, trong các ngày mồng 4 đến hết mồng 8 tháng 2, cần phải:
a) cho các tập đoàn quân 5, 8, 69, 33 chiếm những bàn đạp bên bờ phía tây sông Ô-đe. Chú ý là các tập đoàn quân cận vệ 8 và 69 nên có một căn cứ đầu cầu chung giữa Kiu-xtơ-rin và Phrăng-cơ-phua.
Nếu có thể được, nên cho bàn đạp của các tập đoàn quân 5 và 8 nối liền nhau.
b) tập đoàn quân 1 Bộ đội Ba Lan, các tập đoàn quân xe tăng 47, 51, 2 và quân đoàn kỵ binh 2 cần phải đánh bật địch sang bên kia tuyến Rát-xê-bua - Phan-ken-bua - Stác-gác - An-đam – sông Ô-đe. Kế đó, sau khi để lại đội trắc vệ chờ các tập đoàn quân của phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 tiếp cận tới, sẽ tập trung lại tại sông Ô-đe để đột phá.
c) ngày 7 – 8 tháng 2, cần giải quyết gọn cụm địch đóng ở Pô-dơ-nan - Snai-đơ-mi-un.
d) phương tiện để tăng cường đột phá nói chung vẫn là những phương tiện các tập đoàn quân hiện có.
e) bộ đội xe tăng và pháo tự hành đến ngày 10-2 phải đưa đi tiểu tu trung tu xong, và sẵn sàng chiến đấu.
g) không quân phải triển khai xong, có ít nhất 6 cơ số nhiên liệu tại các sân bay.
h) hậu cần của phương diện quân, tập đoàn quân, và các binh đoàn đến ngày 9 – 10 tháng 2 phải hoàn toàn sẵn sàng phục vụ cho giai đoạn quyết định của chiến dịch.
Giu-cốp, Tê-lê-ghin, Ma-li-nin”
Song, như đã nói ở trên, trong những ngày đầu tháng 2 thực sự đã có mối nguy cơ nghiêm trọng là địch sẽ tổ chức phản kích từ phía Đông Pô-mê-ra-ni vào sườn và phía sau các đơn vị chủ lực của phương diện quân đang tiến tới Ô-đe. Về vấn đề này ta hãy xem lời khai của thống chế Đức, Cây-ten:
“Trong tháng 2, tháng 3 năm 1945 dự định dùng bàn đạp ở Pô-mê-ra-ni để tổ chức phản kích vào các đơn vị đối phương đang tiến công về Béc-lanh. Kế hoạch quy định sau khi có chỗ dựa trong vùng Grút-đôn, các đơn vị của cụm tập đoàn quân “Vi-xla” sẽ đột phá chính diện quân Nga, và băng qua thung lũng hai con sông Vác ta và Nét-xe đánh vu hồi vào phía sau Kiu-xtơ-rin”.
Ý đồ ấy còn được cả thượng tướng Gu-đê-ri-an xác nhận thêm:
“Bộ chỉ huy Đức có ý định sử dụng những lực lượng của cụm tập đoàn quân “Vi-xla” mở mũi phản kích chớp nhoáng trong khi quân Nga chưa kịp điều những lực lượng lớn đến tiền duyên và chưa phán đoán ra ý định của ta”[8].
Những lời chứng nhận của giới lãnh đạo quân sự nước Đức phát-xít trích dẫn ra đầy đủ cho ta thấy rõ, nguy cơ địch uy hiếp từ phía Đông Pô-mê-ra-ni là có thực. Tuy nhiên Bộ tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 đã kịp thời áp dụng những biện pháp cần thiết để tích cực đối phó lại.
Hồi đầu tháng 2 ở vùng giữa hai con sông Ô-đe và Vi-xla quân Đức có các tập đoàn quân 2 và 11, gồm tất cả 16 sư đoàn bộ binh, 2-4 sư đoàn xe tăng, 3 sư đoàn mô-tô cơ giới, 4 lữ đoàn, 8 cụm chiến đấu. Theo tin của trinh sát ta, lực lượng chúng vẫn tiếp tục dồn tới đó.
Ngoài ra, trong vùng Stét-tin (Sết-xin) có tập đoàn quân xe tăng 3 mà bộ chỉ huy phát-xít Đức có thể sử dụng hoặc trên hướng Béc-lanh, hoặc để tăng cường cho cụm quân của chúng ở Đông Pô-mê-ra-ni (điểm này thực tế đã xảy ra).
Liệu bộ tư lệnh Liên Xô có thể nào lại liều lĩnh cứ cho chủ lực của phương diện quân tiếp tục tiến công vào Béc-lanh trong điều kiện phía bắc đang có mối nguy cơ nghiêm trọng ấy không?
V.I. Chui-cốp viết: “... Bàn về liều lĩnh, thì trong chiến tranh không hiếm chuyện phải liều lĩnh. Nhưng trong trường hợp này liều lĩnh hoàn toàn có căn cứ. Trong chiến dịch Vi-xla - Ô-đe bộ đội ta đã tiến sâu trên 500 km, và từ Ô-đe tới Béc-lanh còn lại tất cả có 60 - 80 km”[9].
Tất nhiên, có thể coi thường mối nguy cơ ấy mà cho cả hai tập đoàn quân xe tăng và 3 - 4 tập đoàn quân bộ đội hợp thành thẳng tiến đến Béc-lanh, và tới sát được Béc-lanh. Nhưng bằng mũi đột kích từ phía bắc lại, địch rất dễ dàng phá vỡ các đơn vị trắc vệ của ta để tiến đến các bến vượt sông Ô-đe và sẽ hãm các đơn vị của phương diện quân tại vùng Béc-lanh trong một tình thế rất nguy hiểm.
Kinh nghiệm chiến tranh chỉ ra rằng, được phép liều lĩnh nhưng không được phép đào hố để tự chôn mình. Về mặt này ta có bài học rất bổ ích là cuộc tiến công của Hồng quân vào Vác-xô-vi năm 1920. Lúc đó cuộc tiến quân không được bảo đảm và thiếu dự kiến của các đơn vị Hồng quân đã không thắng lợi, trái lại đã dẫn đến những tổn thất nặng nề cho phương diện quân miền Tây.
“Nếu như chúng ta đánh giá một cách khách quan lực lượng của cụm quân Hít-le đóng ở Pô-mê-ra-ni, - V.I. Chui-cốp viết, - chúng ta sẽ tin chắc rằng, bất kỳ sự uy hiếp nào của địch đối với lực lượng đột kích chủ yếu của ta ở hướng Béc-lanh đều có thể bị bộ đội của phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 hạn chế không cho lan rộng”.
Thực tế đã đánh đổ lời xác nhận đó.
Lúc đầu nhiệm vụ đánh tan địch ở Đông Pô-mê-ra-ni đã được giao cho chính lực lượng của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 giải quyết nhưng lực lượng ở đó còn xa mới đủ để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 10-2, cuộc tiến công của phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 bắt đầu, nhưng tiến triển rất chậm. Trong 10 ngày, bộ đội mới tiến được 50 - 70 km.
Cùng lúc đó quân địch mở mũi phản kích ở vùng phía nam Stác-ga, đã ép được bộ đội ta lại và tiến về phía nam được 12 km.
Trước tình hình đang diễn biến, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao quyết định sử dụng 4 tập đoàn quân bộ đội hợp thành và 2 tập đoàn quân xe tăng của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 vào nhiệm vụ giải quyết bọn quân Hít-le tài Đông Pô-mê-ra-ni, lực lượng chẳng lúc này lên tới 40 sư đoàn.
Như mọi người đều biết, mãi đến cuối tháng 3, 2 phương diện quân mới tiêu diệt xong cụm địch đóng ở Đông Pô-mê-ra-ni. Xem ra quả bồ đào có vỏ cứng như thế đấy?
V.I Chui-cốp cho rằng, để tiến công vào Béc-lanh trong tháng 2-1945, Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 và U-crai-na 1 có thể tách ra 8 - 10 tập đoàn quân, trong đó có 3 - 4 tập đoàn quân xe tăng[10].
Cũng không thể đồng ý về điểm này được. Hồi đầu tháng 2, trên hướng Béc-lanh trong số 8 tập đoàn quân bộ đội hợp thành và 2 tập đoàn quân xe tăng của phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, chỉ còn lại 4 tập đoàn quân không đầy đủ[11]. Các lực lượng còn lại của phương diện quân đã buộc phải cho quay sang phía Đông Pô-mê-ra-ni để tiêu diệt cụm địch đóng ở đó.
Phương diện quân U-crai-na 1, trong thời gian từ mồng 8 đến hết ngày 24 tháng 2 đang mở chiến dịch tiến công ở tây bắc Brét-xlau (Vrốt-xláp). Chủ lực của nó (4 tập đoàn quân bộ đội hợp thành, 2 tập đoàn quân xe tăng và 2 tập đoàn quân không quân) đều tham gia chiến dịch ấy. Ở đây, quân địch, sau khi điều động được một số lực lượng đáng kể đến, đã ngoan cố chống cự lại.
Trong vòng 17 ngày tiến công, các binh đoàn của Phương diện quân U-crai-na 1 tiến sâu được 100 km, ra đến sông Nây-xe. Phương diện quân có ý định vượt sông và phát triển tiến công sang phía tây nhưng không thành công, vì vậy phải chuyển sang phòng ngự dọc theo bờ phía đông con sông ấy.
Cũng cần thấy rằng, trong quá trình chiến dịch Vi-xla - Ô-đe các đơn vị ta cũng bị sứt mẻ nghiêm trọng.
Đến ngày 1-2, quân số các sư đoàn bộ binh trung bình còn khoảng 5.500 người, mà tập đoàn quân cận vệ 8 chỉ còn từ 3.800 đến 4.800 người mỗi sư đoàn. Hai tập đoàn quân xe tăng có 740 xe tăng (trung bình mỗi lữ đoàn xe tăng có khoảng 40 xe nhưng có nhiều lữ đoàn chỉ còn 15 - 20 xe). Tình hình của Phương diện quân U-crai-na 1 cũng giống như vậy.
Ngoài ra, pháo đài và thành phố Pô-dơ-nan nằm sâu ở hậu phương phương diện quân vẫn còn trong tay địch, và mãi đến 23-2, các đơn vị do đích thân V.I. Chui-cốp chỉ huy cũng vẫn không chiếm được nó.
Cuối cùng, không nên quên vấn đề bảo đảm vật chất cho một bộ đội đã tiến công liên tục 20 ngày và tiến sâu hơn 500 km.
Tất nhiên, với tốc độ tiến quân cao như vậy thì hậu cần còn bị rớt lại sau, và bộ đội sẽ cảm thấy thiếu những phương tiện vật chất, nhất là nhiên liệu. Không quân cũng không thể chuyển theo, vì rằng trong thời gian này tất cả những sân bay dã chiến đều bị mưa làm hư hỏng.
Không thấy tất cả những khó khăn phức tạp của tình hình hậu cần trong hoàn cảnh đó, V.I. Chui-cốp viết:
“Nếu như Đại bản doanh và Bộ tham mưu các phương diện quân tổ chức cung cấp tốt, kịp thời chuyển đến Ô-đe số đạn dược, nhiên liệu và lương thực cần thiết, nếu như không quân kịp di chuyển tới những sân bay vùng ven Ô-đe và bộ đội công trình cầu phà bảo đảm được những bến vượt cho bộ đội qua sông đó, thì 4 tập đoàn quân ta tập đoàn quân xung kích 5, cận vệ 8, tập đoàn quân xe tăng 1 và 2 trong đầu tháng 2 đã có thể phát triển tiến công tới Béc-lanh, vượt thêm chặng đường 80 - 100 km và kết thúc chiến dịch lớn ấy bằng việc chiếm được thủ đô của nước Đức trong hành tiến”[12].
Phán quyết về một vấn đề quan trọng như vậy mà đưa ra quá nhiều vào những “nếu như” thì không thể được coi là nghiêm chỉnh, dù là đối với người viết hồi ký. Nhưng ngay những điều mà V.I. Chui-cốp công nhận, như cung cấp gặp khó khăn, không quân và các đơn vị cầu phà còn rớt lại sau đủ nói lên rằng, trong những điều kiện như vậy mà cứ kiên quyết tiến công vào Béc-lanh thì quả là một sự phiêu lưu đúng nhất với ý nghĩa của nó.
Như vậy là, trong tháng 2-1945, Phương diện quân U-crai-na 1, Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1, không phương diện quân nào có thể tiến hành chiến dịch Béc-lanh được.
V I Chui-cốp viết: “Ngày 4-2, tư lệnh Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 triệu tập cuộc họp ở cơ quan tham mưu tập đoàn quân 69. Có mặt đồng chí tư lệnh phương diện quân, tư lệnh các tập đoàn quân Béc-da-rin, Côn-pắc-chi, Bốc-đa-nốp và tôi. Chúng tôi đang ngồi quanh bàn thảo luận kế hoạch tiến công vào Béc-lanh thì chuông điện thoại đổ hồi. Tôi ngồi sát bên máy và nghe rất rõ cuộc nói chuyện bằng điện thoại Xta-lin gọi máy. Xta-lin hỏi, Giu-cốp đang ở đâu và làm gì. Nguyên soái trả lời là đang họp bàn với các tư lệnh tập đoàn quân trong cơ quan tham mưu của tập đoàn quân Côn-pắc-chi, và cùng nghiên cứu với các đồng chí ấy kế hoạch tiến công vào Béc-lanh.
Tôi nghe thấy, sau khi báo cáo xong đã xảy ra điều hoàn toàn bất ngờ đối với tư lệnh phương diện quân là, Xta-lin yêu cầu đình ngay việc bàn kế hoạch nói trên mà phải bắt tay vào đặt kế hoạch mở chiến dịch tiêu diệt quân Hít-le thuộc cụm tập đoàn quân “Vi-xla” đang đóng ở Pô-mê-ra-ni”
Tiếc thay, ngày 4-2, ở cơ quan tham mưu tập đoàn quân 69 lại không có cuộc họp ấy? Vì vậy cuộc nói chuyện bằng điện thoại với I.V. Xta-lin như V.I. Chui-cốp viết cũng không có nốt.
Ngày 4 – 5 tháng 2, tôi có việc ở cơ quan tham mưu tập đoàn quân 61, tập đoàn quân này bố trí quân bên cánh phải của Phương diện quân ở Pô-mê-ra-ni để chống lại cụm địch đóng ở đó. Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 1, M.E. Ca-tu-cốp cũng không thể có mặt trong cuộc hội nghị hoang đường này, vì rằng theo mệnh lệnh của phương diện quân ngày 2-2-1945 số 00244 thì từ sáng ngày 3-2 đồng chí phải điều động bộ đội từ Ô-đe tập kết về vùng Phri-đê-béc - Béc-lin-khen - Ban-xbéc.
Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 2 thì bị bệnh nên cũng không thể có mặt trong cuộc hội nghị đó (thời gian ấy tướng A.I. Rát-di-ép-xki làm quyền tư lệnh tập đoàn quân). Còn chính V.I. Chui-cốp thì ngày 3-2 đang ở trong thành phố Pô-dơ-nan, còn báo cáo với tôi về diễn biến của trận đánh chiếm pháo đài và thành phố.
Có lẽ, trí nhớ đã làm V.I. Chui-cốp lầm lẫn.
Cần phải nói là tập đoàn quân cận vệ 8 của V.I. Chui-cốp khi tới Ô-đe chỉ còn một nửa số binh đoàn có trong biên chế. Số còn lại mãi đến ngày 23-2 vẫn tiến công Pô-dơ-nan.
Sau khi chuyển được bộ đội của phương diện quân về Pô-mê-ra-ni, tại Ô-đe còn hơn 3 tập đoàn quân rưỡi và tình hình trên hướng Béc-lanh ngay từ những ngày đầu tháng 2 bắt đầu phức tạp hơn.
Ngày 2 và 3 tháng 2 không quân Đức liên tục bắn phá vào đội hình chiến đấu của tập đoàn quân xung kích 5 của N.E. Béc-da-rin tại bàn đạp đã chiếm lĩnh được ở gần sông Ô-đe. Trong hai ngày đó máy bay địch đã xuất kích 5.008 lần chiếc, gây nên tổn thất nặng cho bộ đội của tập đoàn quân 5.
Địch ra sức tìm cách thủ tiêu bàn đạp của ta ở Kiu-xtơ-rin.
Những đơn vị địch mới điều động từ các mặt trận khác về để đánh vào bàn đạp bắt đầu xuất hiện. Tư lệnh tập đoàn quân xung kích 5, N.E. Béc-da-rin yêu cầu không quân ta tăng cường hoạt động. Nhưng vì thời tiết xấu, máy bay không thể hoạt động tích cực được.
Đây là một trong những bức điện tôi gửi cho Hội đồng quân sự tập đoàn quân 5. Qua đó sẽ dễ dàng hình dung thấy diễn biến của tình hình:
“Gửi Hội đồng quân sự tập đoàn quân xung kích 5, các quân đoàn trưởng và sư đoàn trưởng trong tập đoàn quân xung kích 5.
Tập đoàn quân xung kích 5 có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là phải giữ vững bàn đạp đã chiếm lĩnh được bên bờ phía tây sông Ô-đe, và phải mở rộng cho được bàn đạp đó, chí ít cũng phải đạt được 20 km chính diện và 10 - 12 km chiều sâu.
Tôi yêu cầu tất cả các đồng chí nhận rõ trách nhiệm trước lịch sử là phải hoàn thành nhiệm vụ đã giao, và sau khi giải thích cho bộ đội hiểu điều đó, phải xây dựng cho mọi người ý chí thật kiên cường và tinh thần đặc biệt dũng cảm.
Đáng tiếc là lúc này chúng tôi không thể cho không quân chi viện các đồng chí, vì mọi sân bay đều hư hỏng, máy bay không thể cất cánh được. Trái lại máy bay địch lại cất cánh từ những sân bay ở Béc-lanh có đường băng bê-tông. Các đồng chí nên:
1. ẩn nấp sâu xuống dưới đất;
2. tổ chức hỏa lực cao xạ dày đặc;
3. chuyển sang hoạt động ban đêm, mỗi lần xung phong nên có mục đích hạn chế;
4. ban ngày đánh lui những đợt xung phong của địch;
Hai, ba ngày nữa, địch sẽ xuống sức.
Chúc các đồng chí và bộ đội do các đồng chí lãnh đạo thu được thắng lợi quan trọng có ý nghĩa lịch sử, thắng lợi ấy các đồng chí không những có thể dành được, mà có trách nhiệm phải bảo đảm.
G. Giu-cốp”
V.I. Chui-cốp khẳng định rằng ý kiến về khả năng đánh chiếm Béc-lanh từ tháng 2-1945 là do đồng chí đã nêu lên đầu tiên trong cuộc hội nghị khoa học quân sự ở Béc-lanh năm 1945, nhưng lúc đó không được đem ra bàn rộng rãi.
Đúng, vấn đề đó có được nêu lên trong hội nghị, nhưng không phải do V.I. Chui-cốp, mà do thiếu tướng X.M. E-niu-cốp, đại diện Bộ Tổng tham mưu. Theo tôi còn nhớ, và dựa vào văn bản tốc ký ghi chép lời phát biểu của đồng chí ấy trong hội nghị, thì V.I. Chui-cốp không có một lời nào nói về vấn đề này cả.
Nhưng chúng ta hãy trở lại những sự kiện xảy ra trong tháng 3-1945.
Các Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 2 và 1 đã kết thúc chiến dịch Đông Pô-mê-ra-ni. Trong chiến dịch, cụm quân địch đóng tại đây bị tiêu diệt hoàn toàn, và đến cuối tháng 3 ta đã chiếm được cả vùng Đông Pô-mê-ra-ni. Phương diện quân U-crai-na 1 trong tháng 2 và 3 mở hai chiến dịch ở Xi-lê-di và đến cuối tháng 3 đã tới sông Nây-xe tiến lên ngang các đơn vị của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi 1 đã bám sông Ô-đe từ trước.
Như thế, kết quả chiến dịch Vi-xla - Ô-đe là đã giải phóng được phần lớn Ba Lan, và đã đưa chiến sự chuyển sang đất Đức. Khoảng 60 sư đoàn quân Đức bị tiêu diệt. Bộ chỉ huy Đức buộc phải điều động hơn 20 sư đoàn lấy từ những khu vực khác trên mặt trận Xô - Đức, từ mặt trận phía tây và mặt trận Ý tới để xây dựng trận tuyến phòng ngự mới trên hướng Béc-lanh.
Cuộc tiến công của bộ đội Liên Xô từ Vi-xla đến Ô-đe là mẫu mực của một chiến dịch tiến công có tính chất chiến lược lớn nhất, tiến công liên tục với tốc độ trung bình 25 - 30 km trong ngày, còn riêng các tập đoàn quân xe tăng thì tốc độ trung bình là 45 km, cá biệt có khi tới 70 km một ngày. Đó là tốc độ đầu tiên đạt được trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Mở được một chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược, với một tốc độ tiến quân nhanh như thế trước hết là do tình huống chung ngoài mặt trận đã được cải thiện, tinh thần chiến đấu của bộ đội Xô-viết được nâng cao, tương quan lực lượng ngày càng thay đổi có lợi cho ta và nghệ thuật tác chiến được phát triển không ngừng ở các khâu chiến thuật, chiến dịch và chiến lược.
Lực lượng có tác dụng chủ yếu để phát triển tiến công trên các mặt trận sau khi chọc thủng phòng ngự địch là các tập đoàn quân xe tăng, các quân đoàn xe tăng, và cơ giới độc lập. Các binh đoàn này, hiệp đồng với không quân là những quả đấm cơ động nhanh, có uy lực lớn, đã dọn đường tiến cho các tập đoàn quân bộ đội hợp thành.
Sau khi tiến vào đột phá, các tập đoàn quân xe tăng và các quân đoàn cơ giới đã phát triển cuộc tiến công với toàn bộ lực lượng, ngày đêm không cho địch phút nào nghỉ ngơi. Những chi đội phái đi trước rất mạnh đã mở những mũi đột kích thọc sâu, và không tham đánh những trận kéo dài với những bộ phận lẻ quân địch.
Các tập đoàn quân xe tăng và những quân đoàn xe tăng độc lập hiệp đồng chặt chẽ với không quân đã mở những mũi đánh mạnh, nhanh, chia cắt trận tuyến địch, tiến chiếm các đường giao thông của chúng, chiếm những bến vượt sông và các đầu mối đường sá làm cho hậu phương địch hoang mang, rối loạn.
Bộ đội xe tăng thiết giáp thọc sâu vào sau lưng quân địch cũng ngăn cản không cho quân phát-xít Đức được sử dụng phần lớn những tuyến phòng ngự đã chuẩn bị từ trước. Từ sau khi quân ta chọc thủng những phòng tuyến vùng sông Vi-xla cho đến lúc quân ta tiến tới đường kinh tuyến Pô-dơ-nan, quân địch thực tế đã không thể tổ chức được phòng ngự vững chắc tại bất cứ một tuyến đã chuẩn bị từ trước nào.
Trong chiến dịch Vi-xla - Ô-đe, kế hoạch lừa địch của Bộ Tư lệnh Liên Xô đã hoàn toàn thành công, kết quả là đã giành được sự bất ngờ về chiến dịch, chiến thuật. Những lời khai của sĩ quan, binh lính địch bị bắt làm tù binh chứng minh rằng, bộ chỉ huy Đức trước lúc ta tiến công không hề biết những ý định thực của bộ đội ta.
Đây là một số lời khai của chúng.
Đại úy Pét-xôn khai:
- Tôi tin chắc rằng, thậm chí đến ngày 14-1-1945 bộ chỉ huy Đức cũng vẫn chưa nắm được hướng đột kích chủ yếu của quân Nga. Họ cũng không biết quân Nga sẽ tiến công bằng những lực lượng như thế nào.
Trung úy Vi-xen-ghe khai:
- Theo kinh nghiệm những năm qua, chúng tôi tin chắc là năm nay quân Nga sẽ mở cuộc tiến công vào mùa đông. Bộ chỉ huy Đức cũng thừa nhận như vậy. Song, khi quân Nga bắt đầu tiến công, chúng tôi thấy rằng, bộ chỉ huy của chúng tôi, trong mọi trường hợp đều không biết cả quy mô lẫn hướng chủ yếu của trận đánh.
Trung úy Cô-xphen khai:
- Bộ chỉ huy Đức cho rằng cuộc tiến công của quân Nga sẽ mở vào cuối tháng Chạp năm 1944. Sau đấy, các sĩ quan đã nhiều lần nhắc đến là tiến công sẽ bắt đầu trước ngày 15-1-1945, song vẫn không biết được chính xác thời hạn.
Quân địch, tất nhiên, đã rất khó chịu phản ứng lại từng phát súng của chúng ta. Chúng chờ đợi đòn đột kích của ta, mặc dầu không hình dung nổi lực lượng của cuộc tiến công đang chuẩn bị, và nhất định chúng cho rằng cuộc tiến công ấy sẽ phải bắt đầu từ những bàn đạp. Nhưng chưa chắc có ai lại thích dùng những lực lượng rất lớn để tổ chức một cuộc tiến công trong đó phải vượt một con sông rộng và chảy siết như sông Vi-xla và chính vì thế mà giai đoạn đầu của chiến dịch bị kéo dài ra. Đúng vậy, ngay có một số đồng chí của ta trong phương diện quân cũng có những đề nghị giống như thế. Các đồng chí ấy cho rằng phía trước các bàn đạp của ta là tuyến phòng ngự của địch được tổ chức sâu thành nhiều tuyến, còn ở các chỗ khác, dọc theo sông Vi-xla, thực ra chỉ có các đơn vị trắc vệ.
Nếu thông qua phương án đó tức là đã thông qua phương án tổ chức tiến công vượt con sông rộng hàng km trong những điều kiện rất bất lợi và ở đây không có khả năng đưa ngay xe tăng, phương tiện đột phá quan trọng nhất vào chiến đấu. Bộ đội cơ động và khối pháo binh chủ yếu trong trường hợp ấy cũng không thể nhanh chóng vượt sông để bảo đảm phát triển cuộc tiến công một cách mạnh mẽ.
Không phải bàn cãi gì nữa, tiến công từ những bàn đạp đó sẽ có nhiều khó khăn lớn: địch có thể sử dụng pháo binh và không quân gây cho ta thiệt hại lớn. Nhưng chúng ta đã chuẩn bị trước hỏa lực phản pháo mạnh, và cả đòn tập kích của không quân.
Chiến dịch Vi-xla - Ô-đe về mặt vật chất được chuẩn bị tốt, và các tổ chức hậu cần của phương diện quân và tập đoàn quân đã làm tròn nhiệm vụ của mình một cách rất xuất sắc.
Song, khi bộ đội ta tiến đến phòng tuyến Mê-dê-rít và cái gọi là chiến lũy Pô-mê-ra-ni, thì các tập đoàn quân bắt đầu cảm thấy việc cung cấp nhiên liệu, xăng dầu và đạn dược thông dụng nhất không được đều đặn nữa. Sở dĩ như thế là do nhiều nguyên nhân, mà trước hết là vì chúng ta đã tiến công nhanh gấp hai lần tốc độ đã quy định. Đường giao thông tiếp tế đã phải kéo dài hàng trăm km, các trục đường sắt thì trong thời gian ấy chưa hoạt động được vì bị phá hoại nặng, lại không có cầu qua sông Vi-xla.
Qua thông báo của Tổng tư lệnh tối cao và Bộ Tổng tham mưu tôi được biết, trong những tháng 1, 2 và 3, bộ đội của Phương diện quân U-crai-na 4 tiến công ở Các-pát, phối hợp với bộ đội của Phương diện quân U-crai-na 1.
Phương diện quân U-crai-na 2 và 3 trong những tháng 1, 2 và nửa đầu tháng 3 năm 1945 làm nhiệm vụ đánh phòng ngự chống lại các đơn vị phát-xít Đức tiến công nhằm đánh bật bộ đội ta trở về bên kia sông Đa-nuýt, giải vây cho số quân của chúng đang bị vây hãm ở Bu-đa-pét và do đó mà củng cố được khu vực phòng ngự của chúng trên đất Hung-ga-ri.
Qua những trận đánh gay go ác liệt, bộ đội các Phương diện quân U-crai-na 3 và 2 đã gây cho lực lượng xung kích địch những thiệt hại nặng, đánh lui mọi âm mưu của chúng hòng tiến đến Đa-nuýt, và đến giữa tháng 3 đã tạo được điều kiện chuyển sang tiến công trên hướng Viên.
Trong thời gian từ 16-3 đến hết ngày 15-4, bộ đội của các Phương diện quân U-crai-na 2 và 3 mở chiến dịch tiến công vào Viên, tiêu diệt được hơn 30 sư đoàn địch thuộc cụm tập đoàn quân “Nam”.
Đến giữa tháng 4, quân ta đã hoàn toàn quét sạch quân phát-xít Đức ra khỏi Hung-ga-ri và phần lớn lãnh thổ Tiệp Khắc tiến vào nước áo, giải phóng Viên và mở đường tiến vào những khu vực trung tâm Tiệp Khắc. Nước Đức bị mất hẳn những nguồn dầu hỏa ở Hung-ga-ri, Áo và nhiều xí nghiệp sản xuất trang bị, binh khí kỹ thuật.
Kết quả những chiến dịch của các Phương diện quân U-crai-na 2 và 3 từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1945 là sườn phía nam tuyến trận địa chiến lược của bộ dội Xô-viết đã tiến lên ngang với các phương diện quân đang hoạt động trên hướng Béc-lanh. Tiến tới bờ phía đông sông Ô-đe và Nây-xe trên một đoạn kéo dài từ biển Ban-tích đến Goóc-lít-xơ và che kín được hai bên sườn, thế là bộ đội Liên Xô đã chiếm được những tuyến xuất phát có lợi cho trận đánh cuối cùng nhằm tiêu diệt bọn địch đống ở Béc-lanh và chiếm Béc-lanh.
Bên cánh trái mặt trận Xô - Đức, bộ đội ta tiến vào vùng Viên, và ở phía nam, đã chiếm được những trận địa thuận lợi cho cuộc tiến công sâu vào nước áo và vào phía nam nước Đức...
Bên phía tây, lực lượng vũ trang các nước Đồng minh của chúng ta trong tháng 2 và 3, sau khi vượt sông Ranh, đã hợp vây được cụm lớn quân phát-xít Đức ở Rua. Ngày 17-4, cụm đó đầu hàng.
Sau khi những lực lượng chủ yếu quân Đức trên mặt trận Xô - Đức bị tiêu diệt và các nước Đồng minh đã tiến quân vượt sông Ranh thì mối thảm họa không tài nào thoát khỏi đã treo lơ lửng trên nước Đức phát-xít. Nước Đức không còn lực lượng để tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang. Chiến tranh đến lúc kết thúc thì, trong quan hệ giữa ta với các nước Đồng minh đã nổi lên nhiều vấn đề chính trị gay gắt. Và điều đó hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.
Tình trạng dề dà trước đây của bộ chỉ huy Mỹ - Anh đã biến thành sự hấp tấp đến cùng cực. Chính phủ Anh và Mỹ thúc giục bộ chỉ huy lực lượng viễn chinh ở châu Âu phải tiến quân thật nhanh vào những vùng trung tâm nước Đức để chiếm lấy nó trước khi bộ đội Liên Xô tiến tới.
Ngày 1-4-1945, U.Sớc-sin viết cho Ph.Đ. Ru-dơ-ven: “Quân đội Nga, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ chiếm toàn bộ nước Áo và tiến vào Viên. Nếu họ lại chiếm cả Béc-lanh nữa thì liệu có tạo nên cho họ một sự đánh giá quá phóng đại cho rằng họ đã góp phần lớn nhất vào thắng lợi chung của chúng ta hay không, và việc đó có dẫn họ đến một trạng thái tâm lý có thể gây nên những khó khăn nghiêm trọng vô cùng to lớn mai sau hay không? Vì vậy tôi cho rằng, đứng về quan điểm chính trị, chúng ta cần tiến vào nước Đức, càng sâu sang phía đông càng tốt, và nếu Bée-lanh nằm trong phạm vi ta có thể với tới, cố nhiên, ta phải chiếm lấy”.
Như sau này tôi được biết, bộ chỉ huy quân đội Anh và cả nhiều tướng lĩnh Mỹ đã tìm mọi cách chiếm được Béc-lanh và những vùng đất đai phía bắc và phía nam nó.
Trong thời gian chiến dịch Đông Pô-mê-ra-ni, vào khoảng ngày 7 hoặc 8 tháng 3, tôi được Tổng tư lệnh tối cao triệu tập về Đại bản doanh bằng máy bay.
Xuống máy bay tôi đến thẳng nhà riêng của I.V. Xta-lin. Đồng chí đang ở nhà, và không được khỏe lắm.
Sau khi hỏi và nghe tôi báo cáo về một số tình hình ở Pô-mê-ra-m và Ô-đe, Tổng tư lệnh tối cao nói:
- Chúng ta đi dạo một lát, tôi thấy trong người khó ở.
Nhìn phong thái bên ngoài, từ dáng đi đến giọng nói thấy đồng chí có vẻ đang bị yếu mệt nhiều về thể xác. Trong vòng 4 năm chiến tranh, I.V. Xta-lin đúng là đã lao lực quá nhiều. Đồng chí làm việc căng thẳng trong suốt cả cuộc chiến tranh, thường xuyên mất ngủ, đau đớn chịu đựng những tổn thất, nhất là trong những năm 1941-1942. Tất cả những sự việc ấy không thể không có ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sức khỏe của đồng chí.
Trong lúc dạo chơi, I.V. Xta-lin bất ngờ nói chuyện cho tôi nghe về thời thơ ấu của mình.
Câu chuyện kéo dài chừng một tiếng đồng hồ, xong, đồng chí nói:
- Ta uống trà đi, chúng ta cần nói chuyện thêm.
Trên đường trở về nhà, tôi hỏi:
- Đồng chí Xta-lin, từ lâu tôi muốn biết tin cháu Ya-cốp, con trai của đồng chí. Có tin tức gì về số phận của cháu không ạ?
Đồng chí không trả lời ngay vào câu hỏi này. Đi thêm chừng trăm bước, đồng chí mới nói, giọng khàn khàn:
- Không cứu được Ya-cốp thoát khỏi ngục tù. Bọn giết người đã bắn chết nó. Theo những tin tức thăm hỏi được, chúng đã nhốt nó cách xa các tù binh khác, dụ dỗ nó phản bội Tổ quốc.
Lặng đi một phút, đồng chí nói thêm, giọng đanh lại:
- Không, Ya-cốp sẽ chọn bất kỳ cái chết nào chứ quyết không phản bội Tổ quốc.
Tôi cảm thấy, đồng chí rất đau đớn về cái chết của con trai.
Ngồi vào bàn, I.V. Xta-lin còn lặng đi một lúc lâu, chưa muốn ăn. Sau đó, như vẫn còn tiếp tục suy nghĩ, đồng chí đau xót nói:
- Cuộc chiến tranh nặng nề biết bao. Chiến tranh đã cướp đi biết bao sinh mạng con người. Có lẽ, ít có gia đình nào không mất những người thân...
I.V. Xta-lin kể cho tôi nghe về Hội nghị Yan-ta. Tôi thấy đồng chí tỏ vẻ hài lòng về kết quả hội nghị, bình luận tốt về Ru-dơ-ven.
I.V. Xta-lin cho biết, vẫn như trước kia, đồng chí cố làm cho các nước Đồng minh phải chuyển sang tiến công để đánh tan nước Đức phát-xít nhanh hơn nữa. Khi có cuộc họp ở Crưm thì quân ta đang tác chiến căng thẳng ở Ô-đe, Đông Phổ, miền ven biển Ban-tích, Hung-ga-ri và những vùng khác. Lúc đó Tổng tư lệnh tối cao đã yêu cầu quân đội các nước Đồng minh tiến công. Họ còn cách Béc-lanh 500 km nhưng họ đã đồng ý. Từ đó việc phối hợp hành động của hai bên được cải tiến rõ rệt.
Tổng tư lệnh tối cao kể lại tỉ mỉ những hiệp nghị ký kết với các nước Đồng minh về quản lý nước Đức sau khi chúng đầu hàng, về “bộ máy kiểm soát nước Đức”, về cách phân chia lãnh thổ Đức thành các vùng chiếm đóng và cả các tuyến mà bộ đội Liên Xô và bộ đội Đồng minh phải tiến tới.
Chi tiết về tổ chức “bộ máy kiểm soát nước Đức” và chính quyền tối cao nước Đức, đồng chí không nói đến. Mãi sau này tôi mới được biết.
Đường biên giới quốc gia sau này của Ba Lan ở phía tây cũng được tất cả các bên thỏa thuận. Đường biên giới ấy chạy dọc theo Ô-đe và Nây-xe (phía tây). Nhưng trong vấn đề thành phần chính phủ tương lai của Ba Lan thì có sự bất đồng ý kiến sâu sắc.
I.V. Xta-lin nói:
- Sớc-sin muốn có một nước Ba Lan tư bản, rất xa lạ với chúng ta, nằm kề bên chúng ta. Nhưng chúng ta không thể cho phép làm như vậy được. Chúng ta muốn từ nay về sau, mãi mãi có một nước Ba Lan hữu nghị với chúng ta, và nhân dân Ba Lan cũng mong muốn thế.
Một lát sau, đồng chí nhận xét:
- Sớc-sin đang ra sức thúc giục Mi-cô-lai-chích. Ông ta cư trú bên Anh hơn 4 năm trời. Người dân Ba Lan không công nhận ông ta. Nhân dân Ba Lan đã tiến hành cuộc bầu cử của mình...
A.N. Pô-xcrê-bư-sép bước vào, trao cho I.V. Xta-lin một số văn kiện. Tổng tư lệnh tối cao đọc lướt nhanh, xong rồi nói với tôi:
- Đồng chí đi đến Bộ Tổng tham mưu, cùng với An-tô-nốp nghiên cứu những dự kiến về chiến dịch Bée-lanh. Đến mai, lúc 13 giờ chúng ta lại gặp nhau tại đây.
Tôi cùng với A.I. An-tô-nốp làm việc tại văn phòng của tôi hết số thì giờ còn lại trong ngày và cho đến tận nửa đêm. A.I. An-tô-nốp kể cho tôi nghe nhiều điều thú vị trong hội nghị Yan-ta.
Chúng tôi nghiên cứu lại một lần nữa những dự thảo chủ yếu của kế hoạch và những tính toán cho việc tiến hành chiến dịch có ý nghĩa chiến lược ở Béc-lanh với sự tham gia của 3 phương diện quân. Vì vấn đề này đã được nhiều lần bàn đến trong Đại bản doanh và trong Bộ Tổng tham mưu, nên chỉ cần căn cứ vào tình hình chiến dịch phải kéo dài ở Đông Phổ, Đan-xích và miền ven biển Ban-tích mà xem có điều gì cần xác định sửa đổi lại thôi.
Hôm sau, Tổng tư lệnh tối cao gọi điện thoại cho A.I. An-tô-nốp, bảo chúng tôi đến chỗ đồng chí vào lúc 20 giờ chứ không phải 13 giờ.
Tối hôm đó, trong lúc thảo luận về chiến dịch Béc-lanh, có mặt nhiều đồng chí ủy viên Hội đồng quốc phòng. Người báo cáo là A.I. An-tô-nốp.
Tổng tư lệnh tối cao phê chuẩn tất cả những đề nghị và lệnh ra những chỉ thị cần thiết để chuẩn bị toàn diện cho chiến dịch có ý nghĩa quyết định trên hướng chiến lược Béc-lanh.
---
[1] Sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc Đức trong Thế chiến thứ hai. Những bài báo và văn kiện. Mát-xcơ-va, Nhà xuất bản Quân sự, năm 1960, tr. 86.
[2] dân vệ
[3] K. Ti-pen-xkiếc - Lịch sử Thế chiến thứ hai.
[4] tức là ngày thứ 3 của cuộc tiến công – TG.
[5] Lịch sử cận đại và hiện đại, 1965, số 2, tr. 6.
[6] Tạp chí lịch sử quân sự, 1965, số 3, tr. 74 - 76, 80 - 81, số 4, tr. 62 - 64.
[7] Lịch sử cận đại và hiện đại, 1965, số 2, tr. 7.
[8] Gu-đê-ri-an - Hồi ký của người lính.
[9] Lịch sử cận đại và hiện đại. 1965, số 2, tr. 7.
[10] Lịch sử cận đại và hiện đại, 1965, số 2, tr 7.
[11] tập đoàn quân xung kích 5, một nửa tập đoàn quân cận vệ 8, tập đoàn quân 69 và 33. Tập đoàn quân cận vệ 8 và tập đoàn quân 69 phải để lại mỗi nơi 1 quân đoàn để chiến đấu chiếm Pô-dơ-nan.
[12] “Tháng Mười”, 1964, số 4, tr. 128 - 129.