KHI đã luống tuổi, người ta khó mà nhớ hết những gì đã xảy ra trong đời mình. Năm tháng, sự kiện và công việc đã xoá mất khá nhiều trong trí nhớ tất cả những gì trong thời thơ ấu và thanh niên. Nhớ chăng được chỉ là những điều không thể quên đi.
Tôi sinh ngày 19-11-1896 (lịch cũ) trong một ngôi nhà nằm ở giữa làng Xtơ-ren-cốp-ca, tỉnh Ca-lu-ga. Ngôi nhà đó rất cũ kỹ, một góc đã bị lún. Trải qua thời gian, rêu và cỏ đã mọc kín tường và mái. Trong nhà chỉ có mỗi một phòng có hai cửa sổ.
Cha mẹ tôi cũng không biết ai đã cất ngôi nhà này từ bao giờ. Theo các người đã sống lâu năm ở đây kể lại thì hồi xưa có một người đàn bà goá không có con, tên là An-nu-sca Giu-cô-va ở nhà này. Để đỡ cô quạnh, bà đã nhận ở trại mồ côi một đứa bé 2 tuổi về nuôi – đó là cha tôi. Không người nào rõ bố mẹ đẻ của đứa bé ấy là ai, vả lại cha tôi cũng không cố công tìm hiểu gốc tích của mình nữa. Chỉ biết rằng một người đàn bà nào đó đã bỏ đứa bé mới 3 tháng ở trước cửa nhà nuôi trẻ mồ côi với một tấm giấy ghi: “Con tôi tên là Côn-stăn-tin”. Không ai biết được tại sao người đàn bà tội nghiệp ấy lại phải bỏ con mình trên thềm nhà nuôi trẻ mồ côi. Người đó đã dẫn tới hành động như thế vì thiếu tình thương con? Hay đúng hơn hết là vì lâm vào một hoàn cảnh khó khăn, không lối thoát?
Khi bà mẹ nuôi chết, cha tôi đã gần 18 tuổi. Cha tôi vào học nghề thợ giày ở làng U-gốt-xki Da-vốt. Sau này cha tôi kể lại rằng học nghề chủ yếu chỉ là làm công việc vặt trong nhà. Lại còn phải giữ con cho chủ và chăn nuôi gia súc. “Học” như vậy được chừng 3 năm thì cha tôi đi tìm chỗ khác. Cha tôi đi bộ đến Mát-xcơ-va và cuối cùng tìm được việc làm ở xưởng giày Vây-xơ. Xưởng Vây-xơ còn có cửa hàng giày mẫu nữa.
Tôi không biết chi tiết, nhưng theo cha tôi kể thì ông cũng nằm trong số nhiều công nhân bị đuổi và trục xuất khỏi Mát-xcơ-va sau sự kiện năm 1905 vì đã tham gia biểu tình. Từ đó cho đến khi chết, vào năm 1921, ông chỉ làm nghề thợ giày và làm ruộng, không đi ra khỏi làng nữa. Mẹ tôi là U-xti-na Ác-tê-mi-ép-na, sinh ra lớn lên trong một gia đình nghèo xác nghèo xơ ở làng Choóc-nai-a Gri-a-dơ bên cạnh.
Khi cưới nhau thì mẹ tôi đã 35 tuổi và cha tôi đã 50. Cả hai người đều tái hôn. Sau khi đã kết hôn lần đầu, hai người đều góa sớm.
Mẹ tôi rất khoẻ. Bà có thể nhấc bổng bao lúa 5 pút[1] và vác đi được một chặng đường rất xa. Người ta nói là mẹ tôi vốn khoẻ giống ông bố. Ông ngoại Ác-tem của tôi đã từng chui xuống bụng ngựa và nhấc bổng nó lên hoặc nắm đuôi, nhảy tót một cái ngồi cưỡi lên lưng ngựa.
Cảnh túng bấn và nghề thợ giày của cha tôi chẳng kiếm chác được bao lăm buộc mẹ tôi phải làm thêm nghề vận chuyển. Mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu, mẹ tôi làm đồng. Cuối mùa thu, bà vào phố huyện Ma-lô-ya-rô-xla-vét lấy hàng thực phẩm phụ để chở thuê đến thành phố U-gốt-xki Da-vốt cho những người buôn. Mỗi chuyến đi bà kiếm được 1 rúp đến 1 rúp 20 cô-pếch. Nhưng nếu trừ tiền cỏ ngựa, ngủ trọ ở thành phố, ăn uống, sửa giày, v..v... thì chẳng còn được bao nhiêu. Tôi nghĩ trong từng đó thời gian, người ăn xin còn kiếm được nhiều hơn.
Nhưng còn việc gì mà làm nữa? Đó là số phận của những người nghèo hồi đó, và mẹ tôi cũng đành phải tảo tần, nhẫn nhục như vậy. Nhiều người đàn bà ở làng tôi cũng phải làm thế để khỏi chết đói. Họ chở hàng từ Mô-lô-ya-rô-xla-vét, Xéc-pu-khốp và những nơi khác, lặn lội đường trơn, gió rét, con mọn để cho các ông bà già yếu ở nhà trông coi.
Phần lớn nông dân làng tôi sống trong nghèo đói. Ruộng đất của họ đã ít lại xấu. Công việc đồng áng chủ yếu do đàn bà, người già và trẻ con làm. Đàn ông đi làm mướn thời vụ ở Mát-xcơ-va, Pê-téc-bua và các thành phố khác. Họ kiếm không được bao nhiêu, ít người trở về làng có nặng túi tiền.
Tất nhiên trong làng cũng có bọn phú nông rất giàu. Chúng sống sung sướng, có nhà cao cửa rộng, sáng sủa, đầy đủ tiện nghi; trong chuồng nhiều trâu bò, gà lợn; trong kho sẵn thóc, sẵn bột. Con cái chúng ăn ngon mặc đẹp, học trong các trường tốt. Những bần nông ở làng chúng tôi đều làm việc cho chúng là chính, công sá ít ỏi; kẻ thì lấy dược ít bánh mì, người thì đổi thóc giống, có người chỉ kiếm được vài bữa ăn.
Chúng tôi là con nhà bần nông, đã từng chứng kiến bao cảnh nước mắt mồ hôi, cay đắng đó của mẹ chúng tôi. Mừng rỡ biết bao khi mẹ chúng tôi ở Ma-lô-ya-rô-xla-vét đem về cho vài cái bánh bàng khô? Nhất là trước ngày lễ Nô-en hay lễ Phục sinh mà mẹ chúng tôi dành dụm được ít tiền mua cho vài chiếc bánh ngọt có nhân thì thật là vui mừng khôn xiết!
Khi tôi lên năm, chị tôi lên bảy, mẹ tôi lại đẻ thêm một em trai nữa tên là A-lếch-xây. Nó gầy quá, mọi người đều lo nó không sống nổi. Mẹ tôi thì thường khóc và nói:
- Lấy gì để bồi bổ cho con? Bánh mì và nước lã chăng?
Sau khi đẻ được mấy tháng, mẹ tôi lại quyết định vào thành phố để làm thuê. Láng giềng gần lại, khuyên mẹ tôi nên ở nhà săn sóc thằng bé, nó còn yếu cần phải có sữa mẹ. Nhưng vì sợ cả nhà chết đói, mẹ tôi buộc lòng phải ra đi và để A-lếch-xây lại cho chúng tôi săn sóc. Nhưng được non một năm thì nó chết. Người ta chôn nó vào mùa thu ở nghĩa địa U-gốt-xki Da-vốt. Tôi và chị tôi rất thương tiếc A-li-ô-sa[2] và thường đến thăm mộ nó luôn. Còn nỗi đau buồn của cha mẹ chúng tôi thì thật là khôn nguôi.
Trong năm ấy, chúng tôi lại gặp một chuyện rủi ro khác nữa. Mái nhà sập vì đã quá cũ kỹ.
- Phải rời khỏi nơi này ngay! - Cha tôi nói - Không thì chúng ta sẽ chết bẹp. Bây giờ còn ấm, chúng ta hẵng dọn xuống dưới nhà kho rồi sau hãy hay. May ra có ai cho ở nhờ vào nhà tắm hay nhà lẫm cũng được.
Tôi còn nhớ mẹ tôi đã khóc và nói với chúng tôi:
- Biết làm sao bây giờ, các con! Thôi hãy dọn đồ đạc xuống dưới kho.
Cha tôi đắp một cái lò con để nấu ăn, còn chúng tôi cố thu xếp chuyển hết đồ đạc trong nhà vào kho.
Dọn nhà xong, bạn của ba tôi đến và nói đùa:
- Sao, Cô-xchu-kha, nghe nói cậu bất hoà với thổ công nên ông ấy đuổi cậu đi ấy à?
- Sao lại bất hoà? - Cha tôi nói - Nếu bất hoà thì ông ấy đã đè bẹp chúng tôi rồi!
- Bây giờ cậu định liệu thế nào? – Bác Na-da-rứt, người bạn hàng xóm của cha tôi hỏi.
- Chưa biết nghĩ thế nào đây...
- Còn nghĩ gì nữa. - Mẹ tôi xen vào - Dắt con bò ra chợ ngay. Bán bò để mua gỗ. Ngoảnh đi ngoảnh lại, mùa hè qua giờ đấy, mùa đông đến thì chữa nhà sao được.
- Chị U-xti-na nói đúng đấy! - Đám đàn ông tán thành.
- Đúng thì đúng rồi, nhưng một con bò thì không đủ, - cha tôi nói - Mà ngoài con bò, chúng tôi chỉ còn con ngựa già.
Mọi người đều im lặng, nhưng ai cũng hiểu rằng: cái khó khăn nhất đang ở trước mắt chúng tôi.
Sau đó chỉ một thời gian, không biết cha tôi mua ở đâu được một ít gỗ giá phải chăng, lại trả làm nhiều lần. Láng giềng giúp chúng tôi chở về và đến tháng 11 thì nhà làm xong. Mái lợp bằng rạ.
- Không sao, ta cứ ở đây, khi nào giàu ta sẽ làm nhà đẹp hơn, - mẹ tôi nói.
Nhìn ngoài thì nhà chúng tôi xấu hơn các nhà khác, bậc thềm lát bằng ván cũ, cửa sổ thì bằng những mảnh kính ghép lại. Nhưng chúng tôi rất vui, vì mùa đông đến, dù sao cũng có một xó ấm để nương thân, còn chật thì chật thật, nhưng như người ta nói “chịu chật chứ không chịu nhục”.
Mùa đông năm 1902, tôi lên bảy. Mùa đông ấy gia đình chúng tôi rất khổ. Đó là năm mất mùa, lúa chỉ đủ ăn đến nửa tháng Chạp. Cha mẹ tôi kiếm được bao nhiêu tiền thì chỉ đủ mua bánh mì, muối và trả nợ. May nhờ có hàng xóm khi thì cho chúng tôi bát canh, khi thì bát cháo. Việc tương trợ như vậy ở nông thôn không phải là một trường hợp đặc biệt, mà đó là một tập quán hữu ái, tương trợ lẫn nhau của người Nga trong cơn neo túng.
Sang mùa xuân thì đỡ hơn vì trên sông Ô-gu-bli-an-ca và Rốt-va có khi câu cá rất dễ. Sông Ô-gu-bli-an-ca là một con sông nhỏ, cạn có nhiều chỗ bùn. Phía trên làng Cô-xchin-ca, gần xóm Bô-lốt-xki, nơi các con suối bắt đầu hợp lại thành ngọn sông, có chỗ rất sâu tập trung rất nhiều cá. Trên sông Ô-gu-bli-an-ca, đặc biệt là vùng làng tôi và làng Ô-gúp, có nhiều cá trôi, cá vược, cá mè, có khi câu được hàng giỏ. Những ngày câu được nhiều, tôi còn chia cá cho hàng xóm để trả ơn họ cho canh, cho cháo.
Bọn trẻ con chúng tôi rất thích đi câu cá trên sông Prốt-va ở khu núi Mi-khai-lép-xki. Đường đến chỗ đó phải đi qua khu rừng bồ đề rậm rạp và khu rừng bạch dương thần tiên, có nhiều cây dâu và hoa dại, và cuối mùa hè lại nhiều nấm. Đàn ông ở các làng lân cận thường đến cạy vỏ cây làm dép mà ở vùng chúng tôi người ta thường gọi là “dép rọ ngày lễ”.
Bây giờ không còn các khu rừng đó nữa. Bọn xâm lược Đức đã chặt trụi cả, và sau Chiến tranh giữ nước vĩ đại, nông trường đã cày làm đất trồng trọt.
Một bận, vào mùa hè, cha tôi nói:.
- Này, Ê-go, con đã lớn, tám tuổi rồi. Đến lúc phải đi làm việc rồi đấy! Hồi bằng tuổi con, bố đã làm việc không kém gì người lớn. Ngày mai, vác cào đi với chị mà cắt cỏ, phơi ra rồi chất lại thành đống.
Tôi rất thích cắt cỏ và thường theo người lớn đi cắt cỏ. Nhưng giờ đây, tôi đi cắt cỏ với ý thức đi làm chứ không phải đi chơi như trước. Tôi rất hãnh diện vì tôi đã tham gia lao động và trở thành có ích cho gia đình. Tôi thấy các bạn cùng lứa tuổi với tôi cũng cầm cào ngồi trên các xe ngựa khác.
Tôi rất cố gắng làm việc, và được người lớn khen, tôi rất thích. Nhưng có lẽ tôi đã cố quá sức nên bàn tay phồng lên. Tôi rất xấu hổ không dám nói với ai cả và cố hết sức chịu đựng. Cuối cùng, những chỗ phồng vỡ ra và tôi không thể nào cào cỏ được nữa.
- Không can gì! - Cha tôi nói và lấy giẻ buộc tay cho tôi. Mất mấy ngày tôi không cầm được cào, mà chỉ giúp chị tôi chuyển cỏ dồn lại thành đống. Bọn trẻ con cười tôi. Nhưng mấy ngày sau, tay tôi khỏi và lại làm việc không kém gì bọn chúng.
Đến mùa gặt lúa mì, mẹ tôi bảo:
- Con ạ! Đã đến lúc con tập gặt được rồi đấy. Mẹ đã mua cho con một cái liềm mới ở trên phố rồi. Sáng mai mẹ con ta đi gặt.
Tôi gặt không đến nỗi tồi, nhưng không bao lâu tôi lại thất bại một lần nữa. Muốn cho thành tích của mình nổi bật, tôi hấp ta hấp tấp đưa liềm vào ngón tay út bên trái. Mẹ tôi lo quá. Tôi cũng vậy. Cô Pra-xcô-vi-a là người hàng xóm, cũng làm cạnh đấy, lấy cỏ nhọ nồi đắp lên tay tôi và lấy giẻ buộc chặt lại.
Đã bao nhiêu năm qua, vết sẹo ở ngón tay út bên trái vẫn còn nhắc tôi nhớ lại thất bại đầu tiên của mình trên mặt trận nông nghiệp...
Mùa hè lao động trôi qua rất nhanh. Tôi đã làm quen công việc đồng áng và khoẻ thêm.
Mùa thu năm 1903 đã tới gần. Đối với tôi từ đây bắt đầu một thời kỳ quan trọng. Bọn trẻ con cùng tuổi với tôi chuẩn bị đi học. Tôi cũng chuẩn bị đi học. Tôi cố gắng học chữ in theo sách tập đánh vần của chị tôi. Mùa thu ấy trong làng có thêm năm đứa trẻ nữa bắt đầu đi học, trong số đó có bạn thân nhất của tôi là Li-ô-sca Cô-lô-tưa-nưi. “Cô-lô-tưa-nưi” là tên họ người ta đặt thêm cho nó, còn tên họ chính của nó cũng là Giu-cốp. Trong làng tôi có bảy hộ có họ là Giu-cốp. Để phân biệt người cùng họ, người ta thường gọi thêm tên mẹ. Chị em tôi thì gọi là U-xtin, con nhà khác là Áp-đô-tin, con nhà khác nữa thì gọi là Ta-ti-a-nin, v..v...
Chúng tôi học ở trường dòng của làng Vê-lit-cô-vô, cách nhà tôi một ki-lô-mét rưỡi. Trẻ con bốn làng Lư-cô-vô, Vê-lit-cô-vô, Xtơ-ren-cốp-ki và Ô-gu-bi cùng học ở đấy.
Nhiều đứa được bố mẹ mua cho cặp da và chúng thường giơ cặp ra khoe. Tôi và Li-ô-sca, không có cặp da mà chỉ có một cái túi xách khâu bằng vải bạt. Tôi báo mẹ tôi là mang túi đi học như đeo bị đi ăn xin ấy, tôi không đeo túi nữa đâu.
- Khi nào bố mẹ có tiền, -mẹ tôi nói - nhất định mẹ sẽ mua cặp cho con. Bây giờ thì con hãy mang túi này đi học đã.
Chị Ma-sa dẫn tôi đến trường. Chị tôi đã học lớp hai. Lớp tôi có 15 đứa con trai và 13 đứa con gái.
Sau khi làm quen với lớp, thầy giáp xếp chúng tôi ngồi vào từng bàn. Bọn con gái ngồi bên trái, bọn con trai ngồi bên phải. Tôi rất muốn ngồi với Cô-lô-tưa-nưi nhưng thầy giáo bảo chúng tôi không ngồi chung với nhau được vì Li-ô-sca chưa biết qua một chữ nào, người lại bé. Nó ngồi ở bàn đầu, còn tôi ngồi ở bàn cuối. Li-ô-sca nói với tôi là nó sẽ cố gắng học nhanh cho thuộc hết chữ cái rồi nhất định chúng tôi sẽ được ngồi chung. Nhưng sự thật lại không xảy ra như vậy. Li-ô-sca luôn luôn ở trong số học sinh kém nhất. Vì nó không thuộc bài nên thường phải ở lại lớp sau khi tan học, nhưng nó lại hết sức chịu khó nên không bị các thầy quở mắng.
Thầy giáo chúng tôi là Xéc-gây Ni-cô-lai-ê-vich Rê-mi-dốp, một nhà giáo có kinh nghiệm và tốt. Thầy không phạt oan và không to tiếng với bọn trẻ bao giờ. Học sinh rất kính trọng và vâng lời thầy. Bố thầy Xéc-gây Ni-cô-lai-ê-vich là một ông giáo trầm tĩnh và tốt bụng, là một chức sắc và dạy “kinh thánh” ở trường chúng tôi.
Thầy Xéc-gây Ni-cô-lai-ê-vich và anh thầy, bác sĩ Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vich, đều là người vô thần. Họ đi nhà thờ chỉ vì lịch sự mà thôi, cả hai anh em thầy đều hát trong đội đồng ca của nhà thờ. Tôi và Li-ô-sca đều tốt giọng nên được cho vào đội đồng ca nhà trường.
Tất cả trẻ con làng tôi đều được lên lớp hai với điểm tốt, chỉ có Li-ô-sca mặc dù tập thể chúng tôi đã giúp đỡ nhiều nhưng không được lên, vì nó bị 2 về môn “kinh thánh”.
Chị tôi học cũng kém, phải học lại lớp hai. Cha mẹ tôi quyết định bắt chị tôi thôi học về làm việc trong nhà. Chị Ma-sa khóc nức nở và phân trần là không phải tại chị ấy, chỉ vì phải bỏ mất nhiều bài quá để trông em bé A-li-ô-sa ở nhà khi mẹ đi vận chuyển. Tôi cũng bênh chị Ma-sa, tôi nói, cha mẹ người ta cũng làm việc, cũng đi vận chuyển, nhưng con người ta không phải bỏ học, bạn của chị Ma-sa vẫn đi học. Cuối cùng mẹ tôi đồng ý. Chị tôi mừng lắm và tôi cũng mừng thay cho chị.
Chúng tôi rất thương mẹ chúng tôi. Với trí khôn của trẻ con, chúng tôi cũng biết là mẹ chúng tôi rất vất vả. Hơn nữa, cha tôi ở Mát-xcơ-va lại ít gửi tiền về và mỗi lần gửi thì rất ít. Trước kia, hàng tháng cha tôi gửi 2 - 3 rúp về cho mẹ tôi, gần đây có khi gửi 1 rúp, có khi còn ít hơn. Hàng xóm nói rằng không chỉ một mình cha tôi, mà mọi người công nhân khác ở Mát-xcơ-va đều kiếm được ít tiền như vậy.
Tôi còn nhớ vào cuối năm 1904 cha tôi về làng. Chị; em tôi rất mừng. Chúng tôi vẫn hằng mong cha về cho quà Mát-xcơ-va. Nhưng cha tôi bảo chuyến này không mang được thứ gì về cả. Ông bị mổ ruột thừa mất 20 ngày, nằm bệnh viện ra, về thẳng nhà, tiền xe cũng phải vay bè bạn.
Mọi người trong làng đều kính trọng cha tôi. Họ nghe lời ông. Thường trong các cuộc hội họp, ý kiến của ông là ý kiến cuối cùng được mọi người tán thưởng. Tôi rất yêu cha tôi và ông cũng hay chiều tôi. Nhưng cũng có lúc cha tôi nghiêm khắc phạt tôi, thậm chí còn đánh tôi bằng dây da, bắt tôi phải xin lỗi. Nhưng tôi rất bướng, đánh mấy thì đánh, tôi vẫn không xin lỗi.
Một lần cha tôi đánh tôi một trận dữ dội, đến nỗi tôi phải chạy trốn mất ba ngày trong bụi gai gần nhà hàng xóm. Ngoài chị tôi không ai biết tôi ở đâu cả. Tôi dặn chị tôi đừng nói với ai cả và đem thức ăn cho tôi. Người ta tìm tôi khắp nơi nhưng tôi trốn rất kín. Bất ngờ bà hàng xóm thấy tôi và đưa tôi về nhà. Cha tôi còn đánh thêm nữa, nhưng sau ông thương hại và tha cho tôi.
Tôi còn nhớ khi nào vui, cha tôi hay cho tôi đi theo vào quán uống trà. Quán ở làng Ô-gúp bên cạnh. Chủ quán là phú hộ Ni-ki-pho Cu-la-ghin, ông ta buôn nhiều loại hàng thực phẩm. Đàn ông và thanh niên thường họp nhau ở quán. Họ kháo chuyện về các tin tức này nọ, chơi lô-tô, chơi bài với nhau hoặc uống rượu vì một lý do nào đó, đôi khi cũng chẳng có lý do gì, họ cũng uống.
Tôi thích uống trà trong quán cùng với người lớn. Họ nói chuyện thông thạo về Mát-xcơ-va, Pê-téc-bua. Có lần tôi giao hẹn với cha tôi đi đâu cũng phải cho tôi đi để tôi được nghe người lớn nói chuyện.
Người em bà mẹ đỡ đầu của tôi tên là Prô-kho làm đầy tớ trong quán này. Chân cậu có tật, mọi người gọi cậu là “Prô-sca thọt”. Tuy thọt nhưng cậu ấy là một người đi săn rất say mê. Mùa hè cậu ấy bắn vịt trời, mùa đông đi săn thỏ, hồi đó ở vùng chúng tôi rất nhiều thỏ, đặc biệt là thỏ đen.
Cậu Prô-kho thường dắt tôi theo. Đi săn làm cho tôi rất vui. Đặc biệt là khi nào cậu tôi bắn được con thỏ do tôi đuổi cho. Chúng tôi đi săn vịt trời ở Ô-gu-bli-an-ca hoặc ở các hồ. Thường cậu Prô-kho bắn ít khi trượt. Nhiệm vụ của tôi là phải lội xuống nước nhặt vịt.
Đến nay tôi còn rất mê đi săn. Có thể là do cậu Prô-kho đã tập cho tôi thích đi săn ngay từ hồi còn bé.
Không bao lâu cha tôi lại trở lên Mát-xcơ-va. Trước khi đi cha tôi kể cho mẹ tôi nghe, ở Mát-xcơ-va và Pi-tơ[3], công nhân thất nghiệp và bị bóc lột nặng nề, đình công luôn.
- Bố nó đừng dính dáng vào công việc của họ, không rồi sen đầm lại bắt đi đày xa đấy - mẹ tôi nói.
- Đó là công việc của công nhân chúng tôi. - Cha tôi đáp - Mọi người đi đâu thì mình đi đó với người ta chứ?
Sau khi cha tôi ra đi, lâu lắm chúng tôi không được tin tức gì; ở nhà rất lo.
Ít lâu sau chúng tôi được tin ở Pi-tơ ngày mồng 9 tháng Giêng, bọn lính Sa hoàng đã bắn vào đám biểu tình hòa bình của công nhân đưa đơn đến Sa hoàng đòi cải thiện đời sống.
Cũng mùa xuân năm 1905 ở các làng thường xuất hiện những người lạ mặt, họ tuyên truyền gọi nhân dân đấu tranh chống bọn địa chủ và chế độ chuyên chế của Sa hoàng.
Ở làng tôi, nông dân chưa tích cực hoạt động, nhưng họ rất bất mãn. Họ đều biết tin về những cuộc bãi công chính trị, cuộc chiến đấu bên chiến luỹ và cuộc nổi dậy vũ trang của những nhà cách mạng tháng Chạp ở Mát-xcơ-va. Người ta nói các cuộc nổi dậy ở Mát-xcơ-va và các thành phố khác trong nước Nga của công nhân đã bị chính phủ Sa hoàng đàn áp dã man và nhiều nhà cách mạng đứng đầu giai cấp công nhân tham gia khởi nghĩa đã bị giết hại, giam cầm trong ngục tối hoặc bị đày đi biệt xứ. Người ta cũng nghe tin cả về Lê-nin, người đại diện cho quyền lợi của công nhân và nông dân, lãnh tụ Đảng Bôn-sê-vích, một đảng lấy tôn chỉ mục đích là giải phóng người lao động khỏi bàn tay địa chủ, tư bản và ách thống trị Sa hoàng. Những tin tức ấy do người làng tôi đi làm ở Mát-xcơ-va, Pi-tơ và những thành phố khác ở khắp nước Nga đưa về.
Năm 1906 cha tôi trở về làng. ông nói, ông sẽ không đi Mát-xcơ-va nữa vì cảnh sát cấm không cho ông cư trú ở thành phố, nên từ nay ông về quê làm ăn. Tôi rất mừng vì cha tôi sẽ ở nhà mãi mãi.
Cũng năm ấy tôi học hết trường dòng. Ở lớp nào tôi cũng đều đạt điểm “xuất sắc” và được cấp giấy khen. Cả nhà đều hài lòng vì tôi học giỏi và tôi cũng mừng. Để mừng tôi thi đỗ, mẹ tôi tặng tôi một chiếc áo mới, còn cha tôi tự tay khâu cho tôi một đôi giày.
- Bây giờ thì con biết chữ rồi. - Cha tôi nói - có thể gửi con đi Mát-xcơ-va học nghề được rồi đấy.
- Thôi cho con nó ở nhà thêm một năm nữa rồi gửi ra tỉnh. - Mẹ tôi nói - Để cho nó lớn thêm một tí nữa đã.
Từ mùa thu năm ấy tôi lên 11 tuổi. Tôi biết đây là mùa thu cuối cùng được sống ở nhà mình. Mùa đông sẽ đến, rồi tôi sẽ phải đi ở. Tôi phải nai lưng ra làm việc cho nhà người ta. Mẹ tôi vẫn đi vào thành phố làm nghề vận chuyển, còn cha tôi thì khâu giày từ sáng sớm đến tối mịt. Tiền kiếm được chẳng là bao, vì người làng ai cũng túng thiếu, không trả đủ tiền công cho ông được. Mẹ tôi thường kỳ kèo cha tôi vì ông lấy tiền công rẻ quá.
Hễ kiếm được tiền công kha khá là ông đi vào thành phố U-gốt-xki Da-vốt uống rượu. Lúc về chị em tôi ra đón ngoài đường, thế nào cũng được quà, khi cái bánh khô, khi thì ít kẹo.
Mùa đông, khi nào rỗi việc nhà, tôi thường đi câu cá, đi trượt băng ở Ô-gu-bli-an-ca hoặc trượt tuyết trên núi Mi-khai-lép-xki bằng những giày trượt tự chế.
Mùa hè đến, lòng tôi càng hồi hộp vì sắp đến ngày tôi phải xa gia đình, xa những người thân yêu, bạn bè để đi Mát-xcơ-va. Tôi biết rằng tuổi nhỏ của tôi đã qua. Thực ra, đối với tôi chỉ những năm đã qua ấy mới có thể tạm cho là thời thơ ấu mà thôi, chứ tôi cũng không rõ bao giờ là thời thơ ấu tươi đẹp hơn nữa.
Tôi còn nhớ một buổi tối có mấy người hàng xóm đến tụ tập trong nhà tôi. Họ bàn chuyện gửi con cái đi Mát-xcơ-va. Người thì nói sẽ đưa con đi nay mai, kẻ thì lại bàn đợi thêm một vài năm nữa. Mẹ tôi bảo sau hội chợ thì cho tôi đi. Ở làng tôi sau ngày lễ Chúa độ một tuần thì có hội chợ. Li-ô-sca Cô-lô-tưa-nưi đã được gửi đi học nghề trong xưởng thợ mộc. Chủ xưởng là Ma-ra-skin, một nhà giàu trong làng.
Cha tôi hỏi tôi định học nghề gì. Tôi nói tôi muốn học nghề in. Ông nói không có người quen nào có thể đưa tôi vào nhà in. Còn mẹ tôi quyết định sẽ xin người anh ruột của bà là Mi-kha-in cho tôi vào làm trong xưởng thuộc da. Cha tôi đồng ý vì ông nghĩ làm nghề thuộc da kiếm được nhiều tiền. Tôi thì sẵn sàng làm nghề gì cũng được, miễn là có ích cho gia đình.
Tháng 6-1907, người anh mẹ tôi - Mi-kha-in Ác-tê-mi-ê-vích Pi-li-khin về làng Choóc-nai-a Gri-a-dơ bên cạnh. Kể cũng nên nói một chút về ông ta.
Ông Mi-kha-in Pi-li-khin cũng như mẹ tôi, lớn lên trong nghèo đói. Mười một tuổi ông được gửi vào làm trong một xưởng thuộc da. Sau bốn năm rưỡi, ông trở thành thợ cả. Ông Mi-kha-in rất tiết kiệm, sau mấy năm dành dụm, ông có một số tiền và mở được một xưởng nhỏ. ông là một người thuộc da lông thú giỏi, được nhiều khách giàu đặt hàng, ông tha hồ mà “cắt cổ”.
Ông Mi-kha-in Pi-li-khin mở rộng dần xưởng, đưa số công nhân trong xưởng lên đến 8 người, ngoài ra thường xuyên còn có 4 thằng nhỏ học nghề nữa. Ông cũng bóc lột tàn tệ không kém những người chủ khác. Nhờ vậy ông tích lũy được một số vốn khoảng 50.000 rúp vàng.
Đó là ông bác mà mẹ tôi định gửi tôi đến học nghề. Mẹ tôi đến gặp ông ta đang nghỉ hè ở Choóc-nai-a Gri-a-dơ. Khi về, mẹ tôi nói bác ấy bảo đem tôi đến cho bác ấy xem. Cha tôi hỏi ông Pi-li-khin nêu những điều kiện gì.
- Ông biết rồi còn gì. - Mẹ tôi đáp, - sau bốn năm rưỡi làm nhỏ thì thành nghề.
- Thôi đành vậy, biết làm thế nào hơn. - Cha tôi nói - Cứ đưa thằng Ê-goóc-ca đến cho ông Mi-kha-in.
Hai ngày sau cha tôi dẫn tôi đến làng Choóc-nai-a Gri-a-dơ. Đến gần nhà ông Pi-li-khin, cha tôi dặn:
- Kia kìa, người ngồi ở thềm là ông chủ tương lai của con đấy. Khi đến gần thì cúi đầu chào và nói: “Chào ông Mi-kha-in Ác-tê-mi-ê-vích ạ!”.
- Không, con sẽ nói: “Cháu chào bác Mi-sa ạ!” - Tôi cãi lại.
- Con đừng có quên rằng: ông ấy là bác con nhưng là chủ tương lai của con, ông chủ giàu không ưa có bà con nghèo đâu. Con hãy ghi sâu lấy điều đó vào lòng.
Bước đến thềm, chỗ bác Mi-sa ngồi trên ghế bành mây, cha tôi chào xong, đẩy tôi lên phía trước. Không chào đáp, cũng không bắt tay cha tôi, ông Pi-li-khin quay người nhìn tôi. Tôi cúi đầu chào và nói:
- Chào ông Mi-kha-in Ác-tê-mi-ê-vich!
- Chào cháu. Thằng bé khá lắm! Sao, muốn làm nghề thuộc da à?
Tôi im lặng.
- Nghề thuộc da khá tốt, nhưng khó đấy?
- Cháu nó không sợ đâu, nó đã quen lao động từ bé rồi. - Cha tôi trả lời.
- Có biết chữ không?
Cha tôi đưa giấy khen của tôi ra cho ông ấy xem.
- Khá lắm! - Bác nói, rồi quay về phía cửa, gọi – Ê! Chúng bay đâu? Ra đây bảo.
Hai đứa trẻ béo mập, con bác ta là A-lếch-xăn-đrơ và Ni-cô-lai trong buồng chạy ra, ăn mặc tươm tất. Sau cùng bà chủ cũng bước ra theo.
- Xem đây này! Đồ mất xác! Học phải như thế này này! - Bác chỉ vào giấy khen của tôi và nói - Còn chúng mày thì suốt đời điểm ba.
Cuối cùng, bác quay lại nói với cha tôi:
- Thôi, tôi nhận con chú vào học nghề. Thằng bé khỏe và có vẻ thông minh đấy. Tôi còn ở đây ít ngày rồi đi Mát-xcơ-va, nhưng tôi không đem nó theo được. Một tuần nữa, chú Xéc-gây, em nhà tôi đi Mát-xcơ-va sẽ dẫn nó tới chỗ tôi.
Đến đây chúng tôi từ biệt ra về. Tôi rất mừng vì còn sống ở nhà thêm một tuần nữa.
- Sao, anh tôi tiếp bố con ông như thế nào? - Mẹ tôi hỏi.
- Cũng như các ông chủ tiếp ông anh bà thôi.
- Anh ấy không mời uống nước à?
- Thậm chí đi đường xa đến mà anh ấy cũng không mời cha con tôi ngồi nữa là! Anh ấy ngồi, còn chúng tôi đứng như lính hầu. - Và cha tôi nói thêm một cách giận dữ - Cần gì nước của họ. Bây giờ cha con tôi đi vào quán uống, tiền của tôi vậy!
Mẹ tôi giúi cho tôi một cái bánh khô và cha con tôi đi về phía quán trà.
Việc chuẩn bị đi Mát-xcơ-va thật chóng vánh. Mẹ tôi gói cho tôi hai bộ quần áo, một cái khăn bọc chân thay bít tất, một đôi khăn mặt và cho tôi năm quả trứng, một ổ bánh mì đi ăn đường. Chúng tôi ngồi lặng một chút theo phong tục Nga trên chiếc ghế dài.
- Thôi Chúa phù hộ con! - Mẹ tôi nói, rồi không kìm được, mẹ nức nở khóc, siết chặt tôi vào lòng.
Tôi thấy mắt cha tôi cũng đỏ hoe, mấy giọt nước mắt lăn trên má. Tôi suýt bật lên tiếng khóc, nhưng kìm lại được.
Tôi và mẹ tôi đi bộ sang Choóc-nai-a Gri-a-dơ. Con đường này trước kia tôi thường đi học qua và đi vào rừng hái nấm và nhặt hạt dẻ.
- Mẹ! Mẹ có nhớ không? Mẹ và con đã gặt lúa ở chỗ gần ba cây sồi kia kìa, hôm con cắt phải tay ấy mà?
- Mẹ nhớ chứ! Các bà mẹ luôn luôn nhớ những gì đã xảy ra với con mình. Nhưng có nhiều đứa con hư, có khi quên cả mẹ.
- Mẹ ạ, con thì không bao giờ thế đâu! - Tôi nói cứng.
Khi tôi và chú Xéc-gây lên tàu xong thì trời mưa như trút nước. Trong toa tối om. Một ngọn đèn dầu lờ mờ chiếu sáng lối đi chật hẹp trong toa hạng ba. Con tàu phóng nhanh. Bóng đen của rừng cây và ánh lửa ở các làng xa lướt nhanh ngoài cửa sổ.
Tôi chưa được đi xe lửa bao giờ, cũng chưa bao giờ thấy đường sắt. Cho nên chuyến đi này đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Qua ga Ba-la-ba-nô-vô, bỗng phía xa hiện ra những ngôi nhà nhiều tầng sáng rực.
- Bác ơi, thành phố gì thế kia? - Tôi hỏi một người đàn ông đứng tuổi đứng cạnh cửa sổ.
- Không phải thành phố đâu cháu ạ! Đấy là nhà máy dệt Na-rô Phô-min-xcơ của lão Xa-va Mô-rô-dốp. Bác đã làm ở đấy 15 năm. - ông ta buồn bã đáp - Bây giờ bác không làm ở đấy nữa.
- Tại sao? - Tôi hỏi.
- Chuyện dài lắm... Bác đã chôn vợ và con gái bác ở đó...
Tôi thấy mặt ông tái đi và ông nhắm mắt lại một lúc.
- Mỗi lần đi qua cái nhà máy đáng nguyền rủa này, bác không thể bình tĩnh được khi nhìn con quái vật đã nuốt mất những người thân yêu của mình...
Ông đột nhiên rời khỏi cửa sổ và ngồi vào một chỗ tối, bắt đầu hút thuốc, còn tôi tiếp tục ngắm “con quá quái vật đã “nuốt” người kia, không dám hỏi thêm xem nó đã nuốt người như thế nào.
Chúng tôi đến Mát-xcơ-va vừa tảng sáng. Nhà ga làm tôi sửng sốt. Mọi người hấp tấp ra cửa, mang nào sọt, giỏ, lẵng. Tôi ngơ ngác không hiểu sao mọi người vội vã như vậy.
Chú dẫn đường dặn tôi:
- Ra đây phải trông trước trông sau cho cẩn thận, đây không phải như nhà quê đâu, đừng có há hốc mồm ra nghe không.
Cuối cùng, chúng tôi đến quảng trường ga.
Mặc dù còn sớm, quanh một quán nhỏ, người ta đã xúm xít mua bán quà bánh. Ở đây khách qua đường có thể ăn lót dạ với giá không phải là đắt lắm. Đến nhà ông chủ còn quá sớm, nên chúng tôi vào quán nghỉ chân. Quanh quán trà có những vũng nước lầy và bẩn, trên hè phố có mấy người say rượu ăn mặc rách rưới nằm lăn ngay dưới đất. Trong quán, một điệu nhạc vang lên. Tôi nhận ra bài hát quen thuộc “Trận cháy Mát-xcơ-va âm vang”. Mấy người khách rượu đã ngà say đang đứng ngồi lố nhố.
Ra khỏi quán, chúng tôi đi đến phố Bôn-sai-a Đrô-gô-mi-lốp-xcai-a đợi xe ngựa. Hồi đó Mát-xcơ-va vừa mới có xe điện, đường phố này xe điện chưa chạy tới. Trong lúc nhốn nháo, vội vã lên xe ngựa, một người đàn ông vô tình thúc gót giày vào mũi tôi. Máu mũi chảy ra.
- Tao đã bảo phải nhìn trước nhìn sau mà? - chú Xéc-gây quát tôi. Còn người kia thì đưa cho tôi một miếng giẻ rồi hỏi:
- Ở nông thôn ra à? Ở Mát-xcơ-va thì phải nhìn cao hơn lỗ mũi một chút, nghe không?
Quảng trường ga, phố xá ngoại ô không gây cho tôi một ấn tượng nào đặc biệt. Nhà ở đây bằng gỗ, nhỏ bé và trơ trụi. Phố Đrô-gô-mi-lốp-xcai-a bẩn thỉu, lầy lội, lòng đường có nhiều vết xe sâu hoắm. Lắm người say rượu, đa số ăn mặc tồi tàn.
Nhưng càng gần trung tâm, cảnh tượng thành phố càng thay đổi dần. Nhà cửa to lớn, phố xá nguy nga, ngựa xe tấp nập. Tôi như bàng hoàng, ngơ ngác. Chưa bao giờ tôi được thấy nhà cao hơn hai tầng, chưa thấy đường phố lát đá, chưa thấy những xe ngựa bánh hơi mà người ta gọi là “xe song mã” phóng nhanh trên đường phố như vậy. Tôi cũng chưa bao giờ thấy phố xá đông đúc như vậy. Tất cả làm tôi ngơ ngác. Tôi im lặng và lơ đãng đi theo chú dẫn đường. Chúng tôi vòng sang Bôn-sai-a Đi-mi-tơ-rốp-ca (bây giờ là phố Pu-skin) và xuống xe ở ngõ Ca-méc-ghéc-xki (nay gọi là ngõ Nhà hát Nghệ thuật).
- Mày sẽ ở nhà này đây - Chú Xéc-gây bảo tôi - Trong sân kia là xưởng thợ. Mày sẽ làm việc ở đấy. Cửa chính vào nhà quay ra ngõ Ca-méc-ghéc-xki, nhưng công nhân và đám nhỏ chỉ ra vào theo chiếc cổng đen ở phía sân.
- Nhớ cho kỹ. - Chú Xéc-gây nói tiếp - Kia, cầu Cu-dơ-nét-xki, các cửa hàng lớn nhất Mát-xcơ-va đều ở đây cả. Còn nhà hát Đi-mi-na thì kia, nhưng công nhân không đến đấy xem hát được đâu. Đằng xa, ở bên phải là Ô-khết-nưi Ri-át, ở đấy người ta bán rau, thịt thú, thịt lợn, bò, cá. Ít nữa mày sẽ đi mua hàng cho bà chủ ở đấy đấy?
Đi qua một cái sân lớn, chúng tôi tới chỗ mấy người đang làm việc chào hỏi các ông thợ. Chú Xéc-gây xưng hô với họ một cách kính trọng.
- Tôi đem ở quê lên cho các bác một thằng bé học nghề đây! - Chú Xéc-gây nói.
- Rõ chán! - Một người nói - Phải để cho nó lớn thêm chút nữa có hơn không?
- Cháu mấy tuổi? - Bác già dáng hơi cao, hỏi - Thôi cũng được, nó thấp nhưng vai nó rộng.
- Không can gì, nó sẽ thành thợ thuộc da khá đấy? - Bác thợ già nói một cách dịu dàng.
Đó là bác Phê-do I-va-nô-vich Cô-li-ô-xốp mà về sau tôi được biết là một con người biết điều, giàu kinh nghiệm và có uy tín nhất trong đám thợ ở đây. Chú Xéc-gây dẫn tôi ra ngoài và nói cho tôi biết tên từng người thợ và từng người học việc, và nói qua cho tôi nghe về họ.
Tôi nhớ rõ nhất anh em nhà Mi-sin.
- Người anh là thợ rất giỏi, nhưng uống rượu ghê lắm. – Chú Xéc-gây nói - Còn người em kia kìa, hà tiện từng đồng xu. Người ta bảo là anh ta ăn tiêu cả ngày chỉ hết có 10 cô-pếch. Lúc nào cũng chỉ mơ đến chuyện làm giàu. Còn đây là Mi-khai-lô, anh chàng hay rượu. Sau khi lĩnh tiền vài ngày là uống nhẵn. Anh ta có thể đổi chiếc áo cuối cùng để uống rượu, nhưng lại là tay thợ giỏi tuyệt Còn thằng bé cao cao kia là Cu-dơ-ma, thằng nhỏ lớn tuổi nhất, nó sẽ là chỉ huy trực tiếp của mày. Sang năm nó thành thợ rồi. Thằng tóc quăn kia là thằng Gri-gô-ri Mát-vây-ép ở làng Tơ-ru-bi-nô, nó còn là bà con xa với mày đấy!
Leo qua một chiếc cầu thang tối tăm và bẩn, chúng tôi lên tầng hai, vào xưởng thợ.
Bà chủ đi ra, chào chúng tôi và nói là ông chủ đi vắng có lẽ cũng sắp về.
- Ra đây, tao chỉ cho mày xem nhà cửa, rồi xuống bếp mà ăn cơm.
Bà chủ giao nhiệm vụ cho tôi một cách tỉ mỉ, nhiệm vụ của một thằng nhỏ bé nhất: quét nhà, lau giày cho chủ và con cái. Bà chỉ cho tôi những cây đèn dầu trên bàn thờ Chúa và cách đốt đèn, v..v...
- Còn gì nữa, thằng Cu-dơ-ma, và bà Ma-tơ-ri-ô-sa sau sẽ chỉ cho mày.
Sau đó, thằng Cu-dơ-ma, thằng nhỏ học việc lớn tuổi nhất, gọi tôi xuống bếp ăn cơm. Bụng đói nên tôi ăn rất ngon lành. Cũng vì thế xảy ra một chuyện không may đối với tôi. Tôi chưa biết cái lệ ở đây là đầu tiên, từ trong bát thức ăn lớn, người ta chỉ được múc nước canh ra ăn, gần xong bữa ăn, khi nào bà thợ cả ăn thịt thì tất cả mới được múc thịt ăn. Mới đầu vào, tôi đã múc ngay hai miếng thịt chén một cách ngon lành và đang sắp múc miếng thứ ba thì bất ngờ bị một cái thìa đập mạnh vào trán nổi u lên.
Tôi rất bực vì trong thời gian nửa ngày ở Mát-xcơ-va đã, hai lần bị đánh.
Thằng nhỏ Cu-dơ-ma tỏ ra là người tốt bụng, nói:
- Không can gì. Có bị đánh cũng chỉ bị một lần thôi.
Ngay hôm đó nó dẫn tôi tới quán mua thuốc lá và rượu cho các bác thợ. Bà Cu-khác-ca Ma-tơ-ri-ô-sa (bà cũng là thợ cả) bảo cho tôi cách rửa bát và đun nước.
Sáng ngày hôm sau, người ta bảo tôi ngồi vào một góc xưởng và học khâu da lông thú. Bà thợ cả đưa kim, chỉ, đồ bao tay và kỹ thuật khâu da cho tôi. Bà ta nói:
- Chỗ nào không khâu được, đến tao bảo cách cho mà làm.
Tôi hăng hái thực hiện bài học đầu tiên của mình. Thợ làm việc từ 7 giờ sáng cho đến tận 7 giờ tối, buổi trưa nghỉ 1 giờ để ăn cơm. Bình thường thời gian làm việc là 11 giờ, nhưng hôm nào nhiều việc, có khi kéo dài mãi đến 10 - 11 giờ đêm. Trong những hôm đó, công nhân phải làm đến 15 giờ một ngày, những giờ làm thêm họ được trả thêm tiền.
Trẻ con học việc hôm nào cũng phải dậy từ 6 giờ sáng. Chúng tôi rửa mặt qua loa rồi chuẩn bị nơi làm việc và tất cả mọi thứ cần thiết cho công nhân. Đến 11 giờ đêm, thu dọn và chuẩn bị đầy đủ cho ngày hôm sau xong mới được đi ngủ. Chúng tôi ngủ ngay dưới nền nhà của xưởng. Hôm nào rét quá thì ngủ cạnh lò sưởi ngay lối vào cổng sau.
Mấy hôm đầu tôi rất mệt. Tập quen thức khuya là cả một chuyện khó khăn. Ở nhà quê chúng tôi thường ngủ rất sớm. Nhưng dần dần rồi cũng chịu đựng được chế độ làm việc vất vả đó.
Thời gian đầu tôi rất nhớ nhà, nhớ quê. Tôi nhớ tới những đám rừng đẹp đẽ thân thiết mà tôi thích để đi săn với cậu Prô-kho, và đi hái nấm, nhặt hạt dẻ, hái củi với chị tôi. Lòng tôi se lại và tôi chỉ muốn khóc. Tôi nghí rằng không bao giờ lại được gặp cha, mẹ, chị và bạn bè tôi nữa. Bốn năm nữa mới được về thăm nhà, và, tôi thấy hình như thời gian đó không bao giờ tới.
Thứ bảy nào Cu-dơ-ma cũng dẫn tôi đi lễ nhà thờ vào lúc chập tối, còn chủ nhật thì đi lễ lúc sáng sớm và lúc gần ăn cơm trưa. Những ngày lễ lớn, ông chủ dẫn chúng tôi đi lễ sáng, trưa ở Crem-lanh và nhà thờ U-xpen-xki, và đôi khi ở nhà thờ Cri-xtơ cứu thế. Chúng tôi không thích đi nhà thờ và thường tìm cách thoái thác. Tuy vậy chúng tôi thích đi nhà thờ U-xpen-xki vì ở đó có đội đồng ca rất lớn. Ơ nhà thờ Cri-xtơ cứu thế thì được nghe phó giám mục Rô-dốp giảng rất hay. Giọng ông như kèn đồng.
Một năm trôi qua. Tôi đã nắm tương đối tốt phần đầu của nghề thuộc da, mặc dù không phải là không gian khổ. Vô ý một chút là người chủ đánh chúng tôi không tiếc tay. Tay hắn như hộ pháp. Công nhân đánh, thợ cả đánh, và cả vợ chủ cũng đánh chúng tôi nữa. Khi nào người chủ không vui thì tốt nhất là đừng có bén mảng đến trước mặt hắn, hắn có thể bợp tai một cách vô cớ đến nỗi suốt cả ngày tai vẫn ù.
Đôi khi chủ xưởng bắt hai thằng nhỏ có lỗi đánh nhau bằng roi đập da, rồi đứng ngoài thúc: “Đánh mạnh, mạnh nữa vào?”. Chúng tôi đành cắn răng mà chịu.
Chúng tôi biết rằng: ở đâu chủ cũng đánh người học việc như thế cả. Đấy là quy luật, là tục lệ. Những người chủ nghĩ rằng, họ được giao toàn quyền cai quản, hành hạ trẻ học việc, không có ai phàn nàn về việc đánh đập, đối xử vô nhân đạo với trẻ học việc cả. Thậm chí không ai để ý đến việc chúng tôi làm ra sao, ăn ở như thế nào? Người phán xét cao nhất của chúng tôi là người chủ. Cứ thế, kéo dài mãi cuộc đời khổ nhục của chúng tôi. Cuộc đời mà không người lớn nào có thể chịu đựng nổi.
Thời gian trôi đi. Tôi đã 13 tuổi, đã hiểu biết hơn và học được nhiều điều trong xưởng thợ. Tuy bận rộn nhiều, nhưng tôi cũng tạo cơ hội để đọc sách. Tôi mãi mãi nhớ ơn thầy giáo Xéc-gây Ni-cô-lai-ê-vích Rê-mi-dốp của tôi đã tập cho tôi ham đọc sách. A-lếch-xăn-đrơ, con trai lớn chủ xưởng cũng giúp tôi học. Tôi với nó cùng tuổi và nó đối xử với tôi tốt hơn những người khác đối với tôi. Ban đầu nó giúp tôi đọc tiểu thuyết “Người nữ y tá”, một chuyện rất hay về Na-chi-a Pin-kéc-tôn-na, cuốn “Cuộc phiêu lưu của Sée-lốc Hôn-mét” của Cô-nan Đuyn và những chuyện phiêu lưu in trong các loại sách rẻ tiền. Đọc như vậy rất thích, nhưng không bổ ích gì cả. Tôi muốn học tập một cách nghiêm chỉnh. Nhưng làm thế nào học được? Tôi trao đổi với A-lếch-xăn-đrơ. Nó tán thành ý định của tôi và hứa sẽ giúp đỡ.
Chúng tôi bắt đầu học thêm tiếng Nga, toán, địa lý và đọc sách khoa học phổ thông. Cả hai đứa thường học chung với nhau, nhất là khi người chủ đi vắng hoặc ngày chủ nhật. Chúng tôi cố giấu nhưng ông ta vẫn biết được việc học hành của chúng tôi. Tôi tưởng là ông ta sẽ đuổi tôi hoặc ít nhất cũng phạt tôi rất nặng. Nhưng thật không ngờ, ông lại khen chúng tôi đã làm đúng.
Sau hơn một năm tự học đạt được kết quả, tôi vào học lớp phổ thông buổi tối, theo chương trình các trường trung học thành phố.
Mọi người trong xưởng thợ đều thích tôi, cả chủ xưởng cũng thế, mặc dù đôi khi ông vẫn cho tôi ăn đòn. Ban đầu chủ không muốn cho tôi đi học buổi tối, nhưng sau bọn con ông nói hộ nên ông đồng ý. Tôi rất mừng. Thật ra tôi phải chuẩn bị bài vào ban đêm, bên lò sưởi cạnh cầu tiêu, ở đấy chỉ có một ngọn đèn con khoảng 20 oát.
Một tháng trước khi mãn khóa, vào một ngày chủ nhật, chủ xưởng đi thăm bạn bè, chúng tôi ngồi đánh bài. Tôi còn nhớ chúng tôi đánh bài 21 điểm. Khi chủ trở về, không ai biết. ông đi vào bếp. Tôi cầm cái và đang vận đỏ. Thình lình ai tát tôi một cái điếng người. Tôi quay lại - Hoảng quá? - Chủ xưởng? Tôi lặng người
không nói được một tiếng nào. Chúng nó bỏ chạy cả.
- Mày học để làm thế đấy hả? Để tính điểm à? Từ nay tao không cho mày đi đâu nữa hết, tao cấm không cho Xa-sa[4] học với mày!
Sau đó mấy hôm tôi lại đến lớp ở phố Tơ-vóc-xcaí-a và kể lại chuyện đã xảy ra. Tôi chỉ còn học tất cả hơn một tháng nữa thôi. Người ta cười tôi và cho phép tôi dự kỳ thi. Kỳ thi mãn khóa trường trung học thành phố, tôi đỗ.
Đến năm 1910, tôi đã làm việc ở xưởng 3 năm và được làm trưởng tốp học nghề. Lúc này tôi được cai quản 3 thằng nhỏ. Tôi thuộc đường Mát-xcơ-va nên thường hay phải mang hàng đặt đến cho khách ở các nơi trong thành phố. Tôi vẫn còn muốn tiếp tục học thêm, nhưng không có cách nào học được. Còn đọc thì tôi vẫn có mẹo giải quyết. Báo hàng ngày thì sau khi Cô-li-ô-xốp đọc rồi là đến lượt tôi. Cô-li-ô-xốp có hiểu biết chính trị hơn tất cả đám thợ. Tạp chí thì A-lếch-xăn-đrơ cho tôi mượn. Còn sách, tôi tiết kiệm tiền “đi tàu” để mua. Đôi khi chủ sai tôi đem da cho khách hàng ở Ma-ri-na hoặc Da-mô-xcơ-vô-rét-chi-ê, ông cho tôi tiền đi xe ngựa, nhưng tôi vác da lên vai cuốc bộ, còn tiền thì tôi để dành.
Sang năm học nghề thứ tư, tôi đã trở thành một chàng trai khỏe mạnh. Tôi được đi Ni-giơ-ni Nốp-gô-rốt (bây giờ là thành phố Goóc-ki) để dự hội chợ lớn. Ở đấy người chủ xưởng thuê một cửa hàng để bán lẻ lông thú thuộc. Hồi đó ông càng giàu thêm, giao thiệp buôn bán rất rộng, và sống cũng càng kiệt hơn.
Nhiệm vụ tôi ở hội chợ là đóng gói những hàng đã bán và gửi theo địa chỉ cho sẵn qua bến trên sông Vôn-ga, qua bến Xi-biếc-xcơ trên sông Ô-ca hoặc theo đường sắt qua phòng chuyển hàng.
Lần đầu tiên tôi được thấy sông Vôn-ga và tôi đã rất đỗi ngạc nhiên trước cảnh đẹp bao la của nó, trước đó tôi chưa hề thấy con sông nào rộng và lớn hơn sông Prốt-va và sông Mát-xcơ-va. Đó là vào một buổi sáng sớm, sông Vôn-ga lấp lánh dưới ánh bình minh. Tôi say sưa ngắm cảnh sông nước huy hoàng đó không chớp mắt, lòng thầm nghĩ: “Bây giờ mình mới hiểu tại sao có nhiều bài hát ca ngợi sông Von-ga và tại sao người ta đã gọi nó là người mẹ vĩ đại”.
Người mua và buôn bán khắp nước Nga kéo đến hội chợ Ni-giơ-ni Nốp-gô-rốt. Cả nhiều nước khác cũng đưa hàng đến hội chợ. Hội chợ nằm phía ngoài thành phố, giữa Ca-na-vin và Ni-giơ-ni Nốp-gô-rốt, trong một thung lũng thấp, thường hay bị ngập trong kỳ nước lũ mùa xuân.
Ngoài thương gia và người mua hàng, ở hội chợ Ni-giơ-m Nốp-gô-rốt còn có nhiều hạng người, kẻ đến làm ăn lương thiện, người đến vì mục đích đen tối. Bọn trộm cướp, lừa đảo, gái điếm và những bọn chạy áp-phe khác cũng bâu vào như đàn quạ.
Sau hội chợ Ni-giơ-ni Nốp-gô-rốt, trong năm ấy, tôi còn phải đi các hội chợ khác, hội chợ U-ri-u-pi-nô ở tỉnh Vôi-xcô đôn-xcôi-ê. Lão chủ không đi các hội chợ ấy, chỉ cử viên quản lý Va-xi-li Đa-ni-lốp đi thay. Hội chợ ở U-ri-u-pi-nô không có gì đáng nhớ sâu sắc như ở Ni-giơ-ni Nốp-gô-rốt và Vôn-ga. U-ri-u-pi-nô là một thành phố nhỏ và bẩn thỉu, quy mô hội chợ này cũng không lớn.
Quản lý Va-xi-li Đa-ni-lốp là người hung dữ và độc ác. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao y thích hành hạ một đứa bé 14 tuổi vì những lý do không đâu như vậy. Có một lần tôi không nhịn được, đã dùng thanh gỗ để buộc da quật mạnh vào đầu y. Y ngã xuống và ngất đi. Tôi sợ quá, tưởng là đã đánh y chết, nên tôi bỏ gian hàng trốn. Nhưng sau không có gì lôi thôi cả. Khi về Mát-xcơ-va y mách với chủ. Không phân phải trái, chủ đánh tôi một trận nên thân.
Năm 1911, tôi được phép về thăm nhà 10 ngày. Lúc đó ở nhà quê đang bắt đầu mùa cắt cỏ, một loại công việc đồng áng thú vị nhất. Đàn ông, thanh niên ở thành phố trở về làng cắt cỏ giúp đàn bà để sớm có thức ăn cho súc vật trong mùa đông.
Khi ở làng ra đi, tôi chỉ là thằng bé. Đến khi về phép tôi đã là một thanh niên cao lớn. Tôi đã 15 tuổi và đã là thợ học việc năm thứ tư. Trong khi đó ở làng đã có bao nhiêu thay đổi, có người đã mất, có người đã đi học việc, có người đã đi làm xa. Tôi không nhận ra nhiều người, và nhiều người cũng không nhận ra tôi. Người thì quá vất vả nên đã già trước tuổi, trong khi đó cũng có những đứa trẻ đã trở thành người lớn hẳn hoi.
Tôi lên chuyến tàu chở khách đi nghỉ đến Ma-lô-ya-rô-xla-vét để về quê. Suốt đường từ Mát-xcơ-va đến ga xép Prốt-va (cách Mát-xcơ-va 150 kilômét) tôi đứng cạnh cửa sổ. Bốn năm trước đây khi lên Mát-xcơ-va, tàu chạy ban đêm nên tôi không nhìn được phong cảnh dọc đường. Hôm nay, tôi say mê ngắm các công trình kiến trúc nhà ga và cảnh đẹp diệu kỳ của các khu rừng ngoại ô Mát-xcơ-va.
Khi ga qua Na-rô Phô-min-xcơ, tôi nghe một người khách nói với người bên cạnh:
- Trước năm 1905 tôi thường đến đây... Anh thấy không, những ngôi nhà gạch đỏ kia là nhà máy của Xa-va Mô-rô-đốp.
- Người ta nói ông ta là người Đảng dân chủ, - người thứ hai nói.
- Dân chủ tư sản thôi, nhưng nghe nói ông ta đối với công nhân tốt lắm. Tuy vậy ban quản trị của ông ta là một lũ lang sói độc ác
- Đều là một giuộc chúng nó thôi, - người bên cạnh bực tức nói.
Thấy tôi lắng nghe chăm chú, (tôi nhớ lại câu chuyện trong toa tàu về nhà máy này mà tôi đã được nghe mấy năm trước đây), họ liền thôi không nói chuyện nữa.
Mẹ tôi đón tôi ở ga xép Prốt-va. Sau bốn năm, mẹ tôi thay đổi nhiều, già hẳn đi. Tôi nghẹn ngào cố nén để khỏi nấc lên.
Mẹ tôi khóc rất lâu, hai bàn tay sần sùi và chai sạn của mẹ xiết chặt tôi vào lòng nói:
- Con yêu của mẹ! Mẹ tưởng đến chết mẹ không được nhìn thấy mặt con.
- Mẹ nói sao! Mẹ thấy không? Con đã lớn rồi, bây giờ mẹ sẽ đỡ khổ hơn.
- Lạy chúa!
Về đến nhà, trời đã tối. Cha tôi và chị tôi đón chúng tôi trước cổng.
Chị tôi đã lớn và đàng hoàng như một cô dâu. Cha tôi già đi nhiều quá và lưng càng còng thêm. Ông đã 70. Ông đón tôi theo cách riêng của ông. Ông hôn tôi. Nghĩ đến điều gì đó, cha tôi nói:
- Hay lắm! Bố sống đến hôm nay, bố đã thấy con lớn lên, rắn rỏi.
Tôi muốn cho cha mẹ và chị tôi mừng, liền mở gói và trao quà cho từng người. Ngoài ra tôi còn đưa cho mẹ tôi ba rúp, hai cân đường, nửa cân chè và một cân kẹo[5].
- Cám ơn con! - Mẹ tôi mừng rỡ - Đã lâu lắm nhà ta không được uống chè chính cống với đường.
Tôi còn biếu cha tôi thêm một rúp để ra quán uống trà.
- Bố con thì hai chục cô-pếch cũng đủ - Mẹ tôi nói.
- Tôi đợi con tôi bốn năm nay, bà đừng nói đến tiền nong làm cho nó buồn.
Cách một ngày sau, tôi cùng với mẹ và chị tôi đi cắt cỏ. Tôi vui mừng được gặp lại bạn bè, đặc biệt là Li-ô-sca Cô-lô-tưa-nưi. Chúng nó đều lớn cả. Ban đầu tôi cảm thấy cắt cỏ không quen. Tôi mệt quá, mồ hôi tháo ra, có lẽ vì bốn năm không làm. Sau dần quen tay, tôi cắt không kém ai, nhưng miệng tôi khô đi và tôi cố cắt cho đến khi giải lao.
- Sao E-gô-ru-sca, công việc nhà nông vất vả lắm phải không? - Bác Na-da nắm vai tôi và hỏi.
- Công việc vất lắm, bác ạ! - Tôi đồng ý.
- Ở nước Anh người ta cắt cỏ bằng máy - Một người đàn ông trẻ đi đến chỗ chúng tôi, nói. Người này trước kia tôi không biết.
- Còn chúng ta thì quanh đi quẩn lại chỉ có cái cày với cái hái. Ê, phải không, chú bé? - Bác Na-da nói.
Tôi hỏi bọn trẻ, người nói đến máy đấy là ai.
- Anh Ni-cô-lai đấy. Con ông trưởng thôn. Anh ta bị đuổi khỏi Mát-xcơ-va vì tội tham gia biểu tình năm 1905. Anh ấy rất bạo miệng, dám chửi cả Sa hoàng đấy.
- Không sao. - Li-ô-sca nói - Chửi Sa hoàng cũng được. Chỉ cần không cho cảnh sát và mật thám nghe là được.
Giờ giải lao đã hết. Mặt trời lên cao. Người ta ngừng cắt cỏ và bắt đầu phơi cỏ. Đến trưa, tôi và chị tôi chất cỏ lên xe rồi đánh xe về nhà. Ở nhà có sẵn khoai tây rán và nước trà đường. Hôm ấy chúng tôi ăn sao mà ngon thế!
Tối đến, quên cả mệt mỏi, đám thanh niên tập trung cạnh kho thóc. Cuộc vui bắt đầu. Họ hát những bài hát trữ tình. Con gái hát giọng cao, trong trẻo. Bọn con trai cố cất giọng trầm còn non choẹt của mình. Rồi họ nhảy múa cho đến mệt lả. Mọi người chia tay nhau vào lúc gần sáng. Chúng tôi vừa mới chợp mắt một tí thì mẹ tôi đã gọi dậy và chúng tôi lại đi cắt cỏ. Tối đến lại diễn lại như thế. Khó mà biết được rằng chúng tôi ngủ lúc nào.
Có lẽ tuổi trẻ có thể làm được tất cả mọi việc! Lúc trẻ, người ta mới khỏe làm sao!
Những ngày nghỉ phép trôi qua rất nhanh. Đã đến ngày phải trở về Mát-xcơ-va. Đêm trước ngày tôi lên đường, làng Cô-xtin-ca bên cạnh có đám cháy. Gió rất mạnh. Bắt đầu cháy từ giữa làng và lan nhanh sang những nhà ngang, kho lúa bên cạnh. Chúng tôi đang đi chơi, bỗng nhìn thấy cột khói lớn ở phút làng Cô-xtin-ca.
Một người la lớn:
- Cháy!
Mọi người lao tới kho cứu hỏa, mỗi người vớ lấy một dụng cụ rồi xách chạy về phía làng Cô-xtin-ca. Chúng tôi đến cứu trước tiên, thậm chí đội chữa cháy Cô-xtin-ca còn đến sau chúng tôi.
Cháy rất lớn, mặc dù các đội chữa cháy của các làng xung quanh đã cố hết sức dập lửa, nhưng cũng bị cháy mất nửa làng.
Trong khi xách thùng nước chạy ngang qua một ngôi nhà, tôi nghe tiếng kêu:
- Cứu, cứu chúng tôi với!
Tôi chạy tới chỗ có tiếng kêu và lôi được ra khỏi nhà một em bé tái đi vì sợ và một ông già đang ốm.
Cuối cùng, ngọn lửa bị dập tắt. Bên cạnh đống tro tàn, những người đàn bà kể lể, trẻ con khóc. Nhiều người mất hết nhà cửa, tài sản, có kẻ không còn lấy một mẩu bánh mì.
Sáng ra tôi thấy chiếc áo vét mới người chủ cho tôi trước khi đi phép (đây là tục lệ) thủng hai lỗ bằng đồng xu.
- Ấy chết! Ông chủ sẽ mắng mày - Mẹ tôi nói.
- Mặc kệ. - Tôi trả lời - Cho ông ấy mắng, cái áo thủng nhưng cứu được đứa bé.
Tôi ra đi lòng nặng trĩu. Tôi càng cám cảnh khi nhìn những đống tro nhà cháy, ở đấy những người chủ bất hạnh đang mò mẫm, đào bới. Họ đang tìm xem may ra còn lại cái gì chưa cháy. Tôi thông cảm với nổi khổ của họ vì bản thân tôi cũng đã hiểu như thế nào là cảnh vô gia cư.
Tôi đến Mát-xcơ-va vào lúc sáng sớm. Chào chủ xưởng xong, tôi kể về đám cháy trong làng và đưa chỗ áo cháy cho ông xem. Tôi ngạc nhiên vì ông không mắng tôi câu nào, và tôi thầm cám ơn ông về điều đó.
Mãi sau mới biết là tôi gặp may. Hôm trước, chủ vừa bán được món hàng rất bở và kiếm được nhiều lời.
- Nếu không có cái đó - Phê-do I-va-nô-vich nói - thì mày đã bị đánh tuột da ra như dê tái ấy rồi!
Cuối năm 1911, thời gian học nghề của tôi đã hết. Tôi trở thành thợ trẻ. Chủ hỏi tôi đồng ý ở lại xưởng hay ra ở nhà riêng, ông nói:
- Nếu mày ở lại xưởng, ăn ở dưới bếp với bọn trẻ con như trước thì được lĩnh mỗi tháng 10 rúp, còn ra ở nhà riêng thì được lĩnh 18 rúp.
Kinh nghiệm sống còn ít, tôi nói là sẽ ở lại xưởng. Có lẽ như thế chủ thích hơn vì sau khi tan tầm, tôi luôn luôn phải làm những việc gấp, không công.
Một thời gian sau, tôi quyết định: “Như thế này không ổn. Mình phải ra ở nhà riêng thôi. Buổi tối mình sẽ được đọc sách thoải mái hơn.
Đến lễ Giáng sinh tôi lại về thăm nhà. Bấy giờ tôi đã trở thành người tự lập rồi. Tôi đã 16 tuổi và điều quan trọng nhất là tôi đã thành nghề, mỗi tháng lĩnh được 10 rúp. Điều đó, lúc bấy giờ đâu phải ai cũng làm được.
Hình như chủ tin tôi, vì tôi thật thà. Ông thường sai tôi đến ngân hàng lấy séc hoặc nộp tiền. Ông cho tôi là người dễ bảo nên thường sai tôi đi đến các cửa hàng, ngoài việc thuộc da, còn giao cho tôi đóng gói và gửi hàng đi các nơi.
Tôi thích công việc này hơn làm ở trong xưởng, vì trong xưởng thì ngoài những câu chửi của công nhân, tôi không còn được nghe chuyện gì hơn. Ở cửa hàng thì khác. Ở đây được tiếp xúc với những người có am hiểu ít nhiều, được nghe những câu chuyện họ trao đổi về những biến cố đương thời.
Các bác công nhân ít đọc báo, ngoài Cô-li-ô-xốp, trong xưởng tôi không còn ai hiểu biết về chính trị. Tôi nghĩ ở các xưởng thuộc da khác cũng có tình trạng như vậy. Hồi đó chưa có công đoàn thuộc da, mỗi người hành động theo cách riêng của mình. Mãi sau này người ta mới tổ chức hội liên hiệp thợ da thu hút những người thợ da vào đó.
Trong thời kỳ này thợ thuộc da không tham gia chính trị. Họ sống riêng lẻ, mỗi người có một thế giới riêng. Nhiều người không kể đúng, sai gì hết, cứ cặm cụi gom góp cho được một số vốn nhỏ và ước mơ mở xưởng riêng. Thợ thuộc da, thợ may và các thợ thủ công khác hẳn với công nhân ở các nhà máy xí nghiệp là những người vô sản thực sự vì vậy thợ thủ công chưa có ý thức giai cấp, thiếu tình đoàn kết chặt chẽ của những người vô sản.
Công nhân ở nhà máy không mong gì có xưởng riêng. Muốn lập nhà máy phải có hàng nghìn rúp. Họ được lĩnh từng hào, may ra chỉ đủ ăn. Điều kiện làm việc, nguy cơ thất nghiệp đã làm cho họ đoàn kết lại để đấu tranh chống bóc lột.
Công tác chính trị của Đảng Bôn-sê-vich hồi đó tập trung vào giới công nhân trong nhà máy. Bọn men-sê-vich, bọn xã hội cách mạng và các bọn giả danh cách mạng khác hoạt động trong đám công nhân thủ công. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà số thợ thủ công rất ít tham gia cách mạng 1905 và giai đoạn Cách mạng tháng Mười.
Năm 1910 - 1912 không khí cách mạng rất sôi nổi. Các cuộc đình công xảy ra luôn luôn ở Mát-xcơ-va, Pi-tơ và những vùng công nghiệp khác. Sinh viên cũng tham gia các cuộc xuống đường và đình công. Ở nông thôn, yêu cầu cách mạng lên đến cực độ vì nạn đói năm 1912 xảy ra rộng rãi khắp nơi.
Mặc dù sự hiểu biết trong giới công nhân thuộc da kém, nhưng chúng tôi cũng biết về cuộc bắn vào công nhân ở mỏ vàng Lên-xcơ và không khí bất mãn chính trị ngày càng tăng ở khắp nơi. Thỉnh thoảng Phê-do I-va-nô-vich Cô-li-ô-xốp mới có được những tờ báo của Đảng Bôn-sê-vich “Ngôi sao” và “Sự thật”. Các báo này giải thích một cách giản dị và rõ ràng, vì sao không thể điều hòa mâu thuẫn giữa công nhân và tư bản, giữa nông dân và địa chủ, phú nông và vạch rõ quyền lợi chung giữa công nhân và nông dân nghèo.
Hồi đó tôi hiểu biết về các vấn đề chính trị còn lơ mơ, nhưng tôi cũng biết là những tờ báo đó phản ánh quyền lợi của công nhân và nông dân, còn tờ báo “Tiếng nói nước Nga” và tờ “Công báo Mát-xcơ-va” phản ánh quyền lợi của bọn chủ ở nước Nga Sa hoàng và của bọn tư bản. Mỗi khi về làng, tôi cũng đã kể chuyện và giải thích được cho bạn bè và đám đàn ông trong làng về một số vấn đề.
Bắt đầu Thế chiến thứ nhất, tôi còn nhớ đã xảy ra cuộc đập phá các cửa hàng ngoại quốc ở Mát-xcơ-va. Nhân viên công an và mật vụ nấp dưới những khẩu hiệu yêu nước, đã tổ chức cuộc đập phá các hãng Đức và Áo. Việc đó đã thu hút được nhiều người muốn nhân dịp đục nước béo cò. Nhưng vì không hiểu tiếng nước ngoài, nhân dân đã đập phá luôn cả các hãng ngoại quốc khác của Anh, Pháp.
Do ảnh hưởng của tuyên truyền, nhiều thanh niên, đặc biệt trong số con những nhà giàu, được kích động lòng yêu nước, đã tự nguyện ra mặt trận. A-lếch-xăn-đrơ Pi-li-khin cũng quyết định ra mặt trận và luôn luôn khuyên tôi cùng đi.
Ban đầu tôi cũng thích những lời rủ rê đó, nhưng dầu sao tôi nghĩ cũng cần phải hỏi ý kiến bác Phê-do I-va-nô-vich là người có uy tín nhất đối với tôi. Khi nghe tôi nói xong, bác đáp:
- Tao hiểu nguyện vọng của A-lếch-xăn-đrơ. Bố nó giàu vì thế nó phải chiến đấu. Còn mày chiến đấu vì cái gì? Thằng ngốc! Có phải mày chiến đấu vì cha mày bị đuổi khỏi Mát-xcơ-va, vì mẹ mày đói phát phù chăng? Đi về mà què chân, cụt tay thì ai còn cần đến mày nữa!...
Tôi nghe theo. Tôi nói với Xa-sa là tôi không ra trận đâu. Nó chửi tôi thậm tệ và tối hôm đó nó trốn nhà ra mặt trận. Hai tháng sau nó bị thương nặng, được đưa về Mát-xcơ-va.
Lúc đó tôi vẫn làm việc ở xưởng, nhưng tôi sống ở nhà riêng ở dãy phố Ô-khốt-nưi, trước mặt khách sạn “Mát-xcơ-va” hiện nay. Tôi thuê nhà bà quả phụ Ma-lư-sê-va mỗi tháng 3 rúp. Tôi yêu con gái bà tên là Ma-ri-a. Chúng tôi chuẩn bị cưới nhau. Nhưng chiến tranh, xưa nay vẫn thế, đã phá hoại hy vọng và tính toán của chúng tôi.
Vì tổn thất lớn ở mặt trận nên tháng 5-1915, đã phải động viên các thanh niên chưa đến tuổi ra mặt trận. Tôi cũng đến lượt phải đi.
Tôi không phấn khởi lắm vì mỗi bước đi trên đường phố Mát-xcơ-va, tôi đều gặp những người tàn tát từ mặt trận trở về, trong khi đó vẫn thấy bọn con nhà giàu sống phong lưu, nhàn nhã như xưa. Chúng nó đi nghỉ trên những xe sang trọng đua ngựa, trượt băng, uống rượu ở tiệm ăn “Ya-rơ”. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu người ta lấy tôi vào quân đội, tôi sẽ trung thành chiến đấu cho nước Nga.
Tháng 6-1915 có lệnh động viên thanh niên cùng tuổi với tôi vào lính. Tôi xin phép chủ xưởng về làng từ biệt cha mẹ, đồng thời giúp gia đình thu hoạch lúa mì.
---
[1] Đơn vị đo trọng lượng Nga bằng 16,3 kg - ND.
[2] Tên gọi thân yêu hơn của A-lếch-xây.- ND
[3] Thành Pê-téc-bua gọi theo tiếng La-tinh. Sau này trở thành Lê-nin-grat - ND.
[4] Tức A-lếch-xăn-đrơ, con chủ xưởng - ND.
[5] Một cân Nga bằng 0,409 ki-lô-gam - ND.