SUỐT tháng 2, tôi bận nghiên cứu kỹ những công việc có liên quan trực tiếp tới sự hoạt động của Bộ Tổng tham mưu. Làm việc 15 - 16 giờ một ngày, tôi thường thường ngủ lại ở phòng làm việc. Tôi không thể nói rằng, ngay tức khắc tôi đã nắm được sự hoạt động nhiều mặt của Bộ Tổng tham mưu. Tất cả những điều đó không thể làm được ngay. N.Ph. Va-tu-tin, G.K. Ma-lan-đin, A.M. Va-xi-lép-xki, V.D. I-va-nốp, A.I. Xi-mô-na-ép, N.I. Chét-ve-ri-cốp và các đồng chí khác trong Bộ Tổng tham mưu đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Chúng ta đã có những gì khi chiến tranh bắt đầu, đất nước và các lực lượng vũ trang của ta đã chuẩn bị sẵn sàng để đánh trả quân địch một cách đích đáng chưa?
Trả lời đầy đủ cho câu hỏi quan trọng nhất này trong toàn bộ sự tổng hợp các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự, tính đến tất cả những yếu tố chủ quan và khách quan, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu hết sức công phu. Tôi tin rằng các nhà bác học, nhà viết sử của chúng ta sẽ đảm đương được nhiệm vụ đó.
Về phía mình, tôi sẵn sàng nói lên ý kiến, trước hết về mặt quân sự của vấn đề, theo sức và khả năng của mình, dựng lại khung cảnh chung và nêu lên những sự kiện riêng biệt của những tháng và những ngày lo âu trong nửa đầu năm 1941.
Chúng ta hãy bắt đầu từ vấn đề chủ yếu nhất - sự phát triển kinh tế và công nghiệp, cơ sở của khả năng quốc phòng ở nước ta.
Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1938-1942) là sự tiếp tục tất nhiên của các kế hoạch 5 năm lần thứ hai và lần thứ nhất. Mọi người đều biết rằng hai kế hoạch đó đã được thực hiện vượt mức.
Công nghiệp trong 4 năm của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tăng hai lần, mức định tăng trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai là 2,1 lần, thực tế đã tăng lên 2,2 lần. Lúc này Đại hội XVIII của Đảng cộng sản liên bang (b) lại quy định mức tăng sản phẩm công nghiệp trong 5 năm là 1,9 lần. Liệu có cơ sở gì để cho rằng kế hoạch đó là không thực tế, không hoàn thành được không?
Không có. Mà ngược lại.
Đến tháng 6-1941, so với mức đề ra cho cuối năm 1942, tổng sản lượng công nghiệp đã đạt 86%, mức chuyên chở của giao thông đường sắt – 90%. 2.900 nhà máy, nhà máy điện, mỏ than, mỏ kim loại và các xí nghiệp công nghiệp mới khác đã bước vào sản xuất.
Nếu lấy vốn đầu tư tính bằng tiền, thì kế hoạch mới đã dành cho việc xây dựng các xí nghiệp mới và sửa sang các xí nghiệp cũ một khoản chi 182 tỷ rúp so với 103 tỷ rúp trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai và 39 tỷ rúp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Từ đó ta thấy rằng, tính cả giá xây dựng có đắt hơn trong những năm gần đó, chúng ta đã huy động một nguồn lực sản xuất nhiều hơn so với nguồn lực huy động trong hai kế hoạch 5 năm trước cộng lại.
Tình hình công nghiệp nặng và đặc biệt là công nghiệp quốc phòng như thế nào? Trong bản báo cáo trước Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản liên bang (b) về kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân có nói rằng, trong quá trình thực hiện các kế hoạch trước, vì tình hình quốc tế thêm phức tạp, nên đã có những điều chỉnh quan trọng trong việc phát triển công nghiệp nặng, tăng một cách đáng kể nhịp độ đã dự tính về phát triển công nghiệp quốc phòng. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ ba, công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng, vẫn được phát triển đặc biệt nhanh chóng.
Thực vậy, sản lượng hàng năm của toàn bộ công nghiệp trung bình tăng lên 13%, còn công nghiệp quốc phòng tăng 39%. Một loạt các nhà máy chế tạo cơ khí và các nhà máy lớn khác đã được chuyển sang sản xuất kỹ thuật quốc phòng, việc xây dựng các nhà mấy quốc phòng đặc biệt loại lớn được đẩy mạnh.
Ban chấp hành trung ương Đảng đã giúp đỡ các xí nghiệp mới sản xuất kỹ thuật chiến tranh trong việc cung cấp nguyên liệu hiếm và các thiết bị mới nhất. Để các nhà máy quốc phòng lớn có đủ mọi điều kiện đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Ban chấp hành trung ương Đảng đã cử các cán bộ Đảng giàu kinh nghiệm, các chuyên gia lớn với tư cách là cán bộ tổ chức tới làm việc ở các nhà máy đó. Cần phải nói rằng I.V. Xta-lin đích thân làm việc nhiều với các xí nghiệp quốc phòng, biết rõ hàng chục giám đốc nhà máy, các cán bộ Đảng, các kỹ sư trưởng, thường xuyên gặp họ, và với tính kiên quyết vốn có của mình, I.V. Xta-lin thúc giục phải thực hiện bằng được những kế hoạch đã định.
Như vậy là, đứng về mặt kinh tế, thấy rõ nền công nghiệp quốc phòng được phát triển không ngừng và nhanh chóng, thậm chí tôi có thể nói là rất gấp.
Thêm nữa, không được quên rằng, một là sự phát triển to lớn đó trong mức độ đáng kể đã đạt được là nhờ ở tinh thần lao động vô cùng khẩn trương của quần chúng, hai là nó diễn ra phần lớn nhờ vào sự phát triển công nghiệp nhẹ và các ngành khác trực tiếp cung cấp cho nhân dân thực phẩm và hàng hóa. Cũng cần phải hiểu thêm rằng sự phát triển của công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng diễn ra trên cơ sở của nền kinh tế hòa bình, trong khuôn khổ một nước yêu chuộng hòa bình chứ không phải quân sự hóa.
Vì vậy nếu làm mạnh và nghiêng nhiều nữa về mặt này thì sẽ là thực tế chuyển sự phát triển hòa bình của đất nước sang con đường phát triển sản xuất hàng chiến tranh, sẽ dẫn đến sự thay đổi đảo lộn cả cơ cấu của nền kinh tế quốc dân, quân sự hóa nền kinh tế quốc dân, có hại trực tiếp tới lợi ích nhân dân lao động.
Tất nhiên, đứng ở vị trí của những năm sau chiến tranh thì dễ nói rằng đối với loại vũ khí này lẽ ra phải chú trọng nhiều hơn, đối với loại kia - ít hơn. Nhưng thậm chí đứng ở vị trí đó, cũng không thể đòi phải có sự thay đổi căn bản toàn diện về kinh tế đến mức nào đó trong nền kinh tế trước chiến tranh. Tôi xin nói thêm: khi nhớ lại rằng chúng tôi, các cán bộ quân sự đã đòi hỏi ở công nghiệp như thế nào và đòi hỏi những gì trong những tháng hòa bình cuối cùng, tôi thấy là, có khi chúng tôi đã không tính hết đến tất cả những khả năng sản xuất thực tế của nền kinh tế nước ta. Mặc dù, có lẽ, đứng trên cương vị trách nhiệm của mình, chúng tôi vẫn đúng.
Ví dụ, nhiều điều kiện khách quan đã hạn chế những đề nghị của Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng về mở rộng sản xuất hàng loạt máy bay, xe tăng, xe kéo pháo, xe hơi vận tải, phương tiện liên lạc và kỹ thuật chiến tranh khác thuộc loại mới nhất.
Tất nhiên, trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đã có nhiều thiếu sót, khó khăn mà chúng ta sẽ còn nói tới. Do quy mô xây dựng rộng lớn nên thiếu nhân lực lành nghề, chưa đủ kinh nghiệm sản xuất vũ khí mới và tổ chức sản xuất hàng loạt vũ khí đó. Nhu cầu về phương tiện kỹ thuật chiến đấu và vũ khí ngày càng vùn vụt vượt lên.
Quy chế xét duyệt một loại vũ khí mới để sản xuất hàng loạt như sau:
Thoạt tiên các loại mẫu phải qua những cuộc thí nghiệm của nhà máy có đại diện quân đội tham dự, tiếp sau là các cuộc thí nghiệm trong quân đội, và chỉ sau đó Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng mới kết luận. Chính phủ, có sự tham gia của Ủy viên nhân dân quốc phòng, các Ủy viên nhân dân công nghiệp quốc phòng và các tổng công trình sư, xét đề nghị và thông qua quyết định cuối cùng.
Thực hiện theo quy thế đó mất khá nhiều thời gian. Có khi, trong lúc còn đang chế tạo và thí nghiệm kỹ thuật mới thì các công trình sư đã có loại mới hơn, hoàn thiện hơn, và hoàn toàn đúng theo quy luật là, trong trường hợp này, vấn đề xét duyệt vũ khí bị xếp lại cho đến khi thí nghiệm đầy đủ loại mới nhất.
Nói chung, các nguồn lực sản xuất to lớn được xây dựng trong hai kế hoạch 5 năm trước chiến tranh và đặc biệt trong 3 năm sát trước chiến tranh đã đủ làm cơ sở cho sức phòng thủ của đất nước.
Đứng về quan điểm quân sự, chủ trương của Đảng nhằm phát triển nhanh chóng công nghiệp ở các vùng phía đông, xây dựng các nhà máy sản xuất thời bình nhưng có thể chuyển ngay sang sản xuất phục vụ thời chiến trong một loạt các ngành chế tạo cơ khí, sản xuất dầu hỏa và hoá học, đã có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ở đây đã xây dựng ¾ tổng số các lò cao mới, cơ sở dầu lửa lớn thứ hai giữa Vôn-ga và U-ran, các nhà máy lớn luyện kim loại màu ở Trung Á, ngành công nghiệp nặng ở Viễn Đông, các nhà máy lắp ráp xe hơi, các nhà máy liên hợp sản xuất nhôm và các xí nghiệp sản xuất thép ống, thép dát, các nhà máy thủy điện.
Trong thời gian chiến tranh, kết hợp với các xí nghiệp được di chuyển tới, miền đông nước ta đã có một cơ sở công nghiệp mới đủ đảm bảo đánh lui và đánh tan quân thù.
Tôi muốn nói vắn tắt về tình hình dự trữ vật tư trước chiến tranh. Những lượng dự trữ này nhằm đảm bảo chuyển nền kinh tế sang kinh tế chiến tranh và nuôi quân đội trong thời gian mà nền kinh tế chưa cung ứng đầy đủ cho nhu cầu thời chiến. Từ năm 1940 đến tháng 6-1941, tổng giá trị các lượng dự trữ vật tư của Nhà nước đã được tăng từ 4 tỷ lên đến 7,6 tỷ rúp. Trong đó bao gồm lượng dự trữ các nguồn lực sản xuất, nhiên liệu, nguyên liệu, năng lượng, kim loại đen và màu, lương thực.
Những lượng dự trữ có sát trước chiến tranh này, mặc dù khá nhỏ bé, đã giúp cho nền kinh tế quốc dân trong năm 1941, là năm có nhiều khó khăn, nhanh chóng có được nhịp độ và quy mô cần thiết để tiến hành chiến tranh.
Như vậy là, nhịp đập của công nghiệp nặng, của công nghiệp quốc phòng là nhanh, trong những năm và những tháng sát trước chiến tranh nó đã đạt tới mức căng thẳng và đầy đủ nhất. Cả đời sống của nhà nước nói chung cũng trở nên khắc khổ hơn, dường như phải thắt lưng buộc bụng lại.
Kỳ họp bất thường lần thứ IV của Xô-viết tối cao Liên Xô vào tháng 9-1939 đã thông qua “đạo luật toàn dân làm nghĩa vụ quân sự”. Theo đạo luật mới này những người 19 tuổi được gọi nhập ngũ, còn đối với những người đã tốt nghiệp trung học, tuổi nhập ngũ quy định là 18. Để nâng cao trình độ thành thạo về kỹ thuật quân sự, thời hạn tại ngũ được tăng lên: đối với các hạ sĩ quan lục quân và không quân từ 2 năm tăng lên 3 năm; đối với toàn bộ chiến sĩ không quân và chiến sĩ hạ sĩ quan bộ đội biên phòng - lên 4 năm, trên các chiến hạm và các đơn vi hải quân – lên 5 năm.
Việc thực hiện nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ ba nói chung và những nhiệm vụ trong ngành công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng nói riêng, cũng như nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công quân sự vào Liên Xô đòi hỏi phải tăng thêm số lượng thời gian làm việc dành cho nền kinh tế quốc dân. Do đó, Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô ngày 26-6-1940 ra sắc lệnh “về việc chuyển sang ngày làm việc 8 giờ, tuần lễ làm việc 7 ngày, và cấm công nhân viên chức tự ý thôi việc ở xí nghiệp, cơ quan”. Đã thực hiện một hệ thống mới đào tạo công nhân lành nghề trong các trường chuyên nghiệp dạy nghề và đường sắt, các trường kỹ thuật ở các nhà máy, những trường này đào tạo hàng năm trung bình từ 80 vạn đến một triệu người.
Cũng hồi đó, giữa năm 1940, Đoàn chủ tịch xô-viết tối cao Liên Xô đã ra sắc lệnh “về trách nhiệm của xí nghiệp công nghiệp đối với việc sản xuất sản phẩm xấu và đối với việc không tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc”. Những biện pháp nghiêm ngặt nhằm cải tiến sự lãnh đạo các xí nghiệp được áp dụng; kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và nội quy được củng cố. Cơ quan nhà nước, bộ máy quản lý công nghiệp cũng có những thay đổi quan trọng, trở nên linh hoạt hơn, không còn cồng kềnh, không tập trung ở trung ương quá mức cần thiết. Bộ Ủy viên nhân dân công nghiệp quốc phòng chia thành bốn bộ mới: Bộ công nghiệp hàng không, Bộ công nghiệp đóng tàu, Bộ đạn dược, Bộ vũ khí; Bộ Ủy viên nhân dân công nghiệp cơ khí chia thành các Bộ công nghiệp cơ khí nặng, trung và tổng hợp.
Các Bộ Ủy viên nhân dân mới (Bộ giao thông xe hơi, Bộ xây dựng, v..v...) được thành lập, có liên quan trực tiếp tới việc củng cố quốc phòng. Công tác của Hội đồng kinh tế thuộc Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên xô được cải tiến. Trên cơ sở của Hội đồng này đã thành lập các ủy ban công nghiệp quốc phòng, luyện kim, nhiên liệu, cơ khí, v..v... Các nhà hoạt động lớn của Nhà nước, các Phó chủ tịch Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô - N.Đ. Vô-dơ-ne-xen-xki, A.N. Cô-xư-ghin, V.A. Ma-lư-xép, v..v... được cử làm chủ nhiệm các ủy ban.
Tất cả những sự thay đổi đó là cần thiết để đáp ứng với khối lượng công việc ngày càng lớn, với những yêu cầu của việc chuẩn bị phòng thủ tích cực chống ngoại xâm, mà khả năng xảy mỗi tháng thêm tăng.
Để thích ứng với điều kiện lúc đó và do có “đạo luật toàn dân làm nghĩa vụ quân sự”, cơ quan quân sự trung ương, các cơ quan quân sự địa phương cũng được hoàn thiện. Tại các nước cộng hòa tự trị, các tỉnh và các biên khu, thành lập các ủy ban quân sự và áp dụng quy chế hoạt động mới của các ủy ban đó.
Những vấn đề có tính nguyên tắc và lớn trong Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng được đem ra xem xét tại Hội đồng quân sự trung ương Hồng quân. Chủ tịch Hội đồng quân sự trung ương là Ủy viên nhân dân quốc phòng, ủy viên của Hội đồng là các Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng và một ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản liên bang (b). Những vấn đề đặc biệt quan trọng thường được báo cáo và quyết định với sự có mặt của I V. Xta-lin và các ủy viên khác trong Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản liên bang (b).
Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô ngày 8-3-1941 quy định rõ việc phân công trách nhiệm trong Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng Liên Xô. Ủy viên nhân dân quốc phòng lãnh đạo Hồng quân thông qua Bộ Tổng tham mưu, các Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng và thông qua hệ thống các tổng cục và các tổng vụ. Tổng cục xe bọc thép, văn phòng Bộ, Tổng cục tài vụ, Tổng cục cán bộ và ủy ban phát minh sáng chế trực tiếp đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy viên nhân dân quốc phòng.
Trước chiến tranh, trách nhiệm trong Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng được phân công như sau:
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, đại tướng G.K. Giu-cốp phụ trách Cục liên lạc, Cục cung cấp nhiên liệu, Tổng cục phòng không, Học viện Bộ Tổng tham mưu và Học viện M.V. Phơ-run-dê.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng thứ nhất, nguyên soái Liên Xô X.M Bu-đi-on-nưi phụ trách Tổng cục hậu cần, Cục quân y và Cục thú y của Hồng quân, ngành vật tư.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng về pháo binh, nguyên soái Liên Xô G.I. Cu-lích phụ trách Tổng cục pháo binh, Cục chống vũ khí hóa học và Học viện pháo binh.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng, nguyên soái Liên Xô B.M. Sa-pô-sni-cốp phụ trách Tổng cục công binh, Cục xây dựng công trình phòng thủ.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng phụ trách huấn luyện quân sự, đại tướng K.A. Mê-rét-xcốp làm công tác thanh tra tất cả các quân chủng, phụ trách Cục nhà trường quân sự và Cục quân huấn Hồng quân.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng, đại tướng P.V. Rư-cha-gốp, chủ nhiệm Tổng cục không quân của Hồng quân.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng, chính ủy tập đoàn quân bậc một A.I. Da-pô-rô-giét, chủ nhiệm Tổng cục tuyên truyền chính trị Hồng quân, phụ trách các cơ quan xuất bản và văn hóa giáo dục Hồng quân, Học viện quân chính V.I. Lê-nin, Học viện quân pháp và các trường quân chính.
Tôi muốn nhắc lại rằng, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, từ năm 1931 là nguyên soái Liên Xô A.I. Ê-gô-rốp, từ năm 1937 là nguyên soái Liên Xô B.M. Sa-pô-sni-cốp, từ tháng 8-1940 là đại tướng K.A. Mê-rét-xcốp.
Bây giờ chúng ta xem các lực lượng vũ trang của chúng ta ở thời gian sát trước chiến tranh như thế nào. Để tiện cho người đọc và để dễ rút ra kết luận, tốt hơn là trình bày tất cả những điều đó theo trình tự: những gì nhân dân, Đảng và Chính phủ đã làm được, những gì chúng ta định làm trong thời gian tới và những gì chưa kịp làm hoặc không làm được. Tất nhiên, chỉ sử dụng một số ít tư liệu để nêu lên những nét cơ bản.
Bộ binh. Tháng 4-1941 đã thực hiện quy chế thời chiến đối với bộ binh. Sư đoàn bộ binh - binh đoàn bộ đội hợp thành cơ bản của Hồng quân - gồm ba trung đoàn bộ binh và hai trung đoàn pháo, một tiểu đoàn chống tăng và một tiểu đoàn pháo cao xạ, một tiểu đoàn công binh và một tiểu đoàn liên lạc, các đơn vị hậu cần và cơ quan. Theo quy chế thời chiến, một sư đoàn có gần 14.500 người, 78 pháo dã chiến, 54 đại bác chống tăng và đại bác 45 mm, 12 pháo cao xạ, 66 súng cối 82 - 120 mm, 16 xe tăng loại nhẹ, 13 xe bọc thép, hơn 3.000 ngựa. Các sư đoàn bộ binh được hoàn chỉnh như vậy có thể là đơn vị chiến đấu khá cơ động và mạnh.
Năm 1939 - 1940 và nửa đầu năm 1941, bộ binh đã có hơn 105.000 trung liên, thượng liên, đại liên và trọng liên, gần 85.000 tiểu liên. Đó là còn do việc sản xuất vũ khí bộ binh - pháo binh trong thời gian này có phần bị giảm xuống. Nguyên nhân là vì đã thôi không sản xuất các loại cũ mà sản xuất hàng loạt loại mới lại gặp khó khăn vì nó phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt
Giữa tháng 3, X.K. Ti-mô-sen-cô và tôi đề nghị I.V. Xta-lin cho phép động viên thêm quân số hậu bị dành cho các sư đoàn bộ binh để có thể cấp tốc huấn luyện theo yêu cầu chiến đấu hiện đại. Lúc đầu đề nghị của chúng tôi không được chấp nhận; chúng tôi được giải thích lại là, việc động viên quân số dự bị với quy mô đó có thể là cái cớ cho bọn Đức khiêu khích chiến tranh. Song, cuối tháng 3 đã có quyết định động viên 50 vạn chiến sĩ và hạ sĩ quan và đưa quân số đó đến bổ sung cho các quân khu vùng biên giới nhằm nâng quân số các sư đoàn bộ binh lên, dù chỉ là lên tới 8.000 người.
Để không trở lại vấn đề này nữa, tôi xin nói ngay rằng, ít ngày sau đã có quyết định động viên 30 vạn quân hậu bị để bổ sung các quân nhân chuyên nghiệp cho các khu phòng thủ vững chắc và các quân chủng, binh chủng khác, cho pháo binh dự bị của Bộ tổng tư lệnh, cho công binh, bộ đội liên lạc; bộ đội phòng không và hậu cần của không quân. Như vậy là sát trước chiến tranh, Hồng quân đã được bổ sung thêm gần 80 vạn người. Việc tuyển quân dự định sẽ tiến hành vào tháng 5 - tháng 10 năm 1941.
Tính đến sát trước chiến tranh, tại các quân khu vùng biên giới, trong tổng số không ít các đơn vị - 170 sư đoàn và 2 lữ đoàn - có 19 sư đoàn với quân số 5.000 - 6.000 người mỗi sư đoàn, 7 sư đoàn kỵ binh với quân số 6.000 người mỗi sư đoàn, 144 sư đoàn với quân số 8.000 – 9.000 người mỗi sư đoàn. Tại các quân khu phía trong, đa số các sư đoàn cũng có quân số theo biên chế giảm bớt, và nhiều sư đoàn bộ binh vừa mới được thành lập và đang bắt đầu huấn luyện.
Bộ dội xe tăng thiết giáp. Trên kia, khi nói về công nghiệp sản xuất xe tăng của Liên Xô, tôi đã nhấn mạnh đến nhịp độ phát triển cao của nó và trình độ khá hoàn thiện về cơ cấu của các xe của ta. Tới năm 1938, so với thời gian đầu những năm 30, mức sản xuất xe tăng đã tăng hơn 3 lần. Để đáp ứng nhu cầu mới của công cuộc phòng thủ đất nước, Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô đã đề ra cho các công trình sư và những người sản xuất xe tăng nhiệm vụ chế tạo những xe tăng có lớp vỏ bảo vệ bằng thép khỏe hơn, súng mạnh hơn, có sức cơ động cao và sử dụng được bền hơn. Trong những năm 1939 - 1940, nhiệm vụ này được hoàn thành một cách rực rỡ.
Các nhóm công trình sư tài giỏi dưới sự lãnh đạo của G.Ya. Cô-tin đã chế tạo xe tăng hạng nặng KV, dưới sự lãnh đạo của M.I. Cô-skin, A.A. Mô-rô-dốp và N.A. Cu-che-ren-cô đã chế tạo xe tăng hạng vừa T-34 nổi tiếng. Những người sản xuất động cơ đã chế tạo
động cơ đi-ê-den cực mạnh V-2 cho xe tăng. Các xe tăng KV và T-34 là những xe loại tốt nhất được chế tạo sát trước chiến tranh. Và trong quá trình chiến tranh, các xe tăng này đã giữ vững ưu thế đối với những xe tăng loại tương đương của quân địch. Vấn đề là làm thế nào để nhanh chóng sản xuất nó ra hàng loạt.
Theo chỉ thị tháng 12-1940 của Ban chấp hành trung ương Đảng, sau khi nghiên cứu tình hình sản xuất các xe tăng loại mới, Hội đồng quốc phòng đã báo cáo với Ban chấp hành trung ương Đảng rằng, do một số nhà máy không hoàn thành kế hoạch và có những khó khăn lớn trong quá trình sản xuất nên việc trang bị xe tăng KV và T-34 cho quân đội hết sức chậm. Chính phủ đã đề ra những biện pháp khắc phục. Cùng một lúc, Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng các Ủy viên nhân dân đã thông qua quyết định “tổ chức sản xuất hàng loạt các xe tăng ở Pô-vôn-gie và U-ran”. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt đối với công cuộc phòng thủ đất nước.
Từ tháng 1-1939 đến ngày 22-6-1941, Hồng quân đã được trang bị hơn 7.000 xe tăng, riêng năm 1941 nền công nghiệp đã cung cấp gần 5.500 chiếc tất cả các loại. Về xe tăng KV và T-34, tới đầu chiến tranh các nhà máy đã sản xuất được 1.861 chiếc. Tất nhiên, số lượng đó là ít. Thực tế là mãi đến 6 tháng cuối năm 1940, loại xe tăng này mới bắt đầu được đưa tới bộ đội các quân khu vùng biên giới.
Cùng với những khó khăn về số lượng lại có thêm những vấn đề về tổ chức. Có thể người đọc còn nhớ rằng quân đội ta đã là quân đội đi đầu trong việc thành lập các đơn vị cơ giới lớn – binh đoàn, lữ đoàn và quân đoàn. Song vì không coi trọng kinh nghiệm sử dụng các đơn vị cỡ đó trong điều kiện đặc biệt ở Tây Ban Nha, nên chúng ta đã giải tán các quân đoàn cơ giới. Tuy vậy, ngay từ trận đánh ở Khan-khin Gôn, nhờ tích cực sử dụng các đơn vị xe tăng cơ động, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi. Quân Đức dã sử dụng rộng rãi các xe tăng lớn trong khi đi xâm lược các nước châu Âu.
Cần thiết phải gấp rút lập lại các đơn vị xe tăng thiết giáp lớn.
Năm 1940, bắt đầu xây dựng các quân đoàn cơ giới, sư đoàn xe tăng và cơ giới mới. Chín quân đoàn cơ giới đã được thành lập. Tháng 2-1941, Bộ Tổng tham mưu đã đề ra kế hoạch thành lập nhiều đơn vị xe tăng thiết giáp và cơ giới hơn so với nghị quyết năm 1940 của Chính phủ.
Tính đến số lượng bộ đội xe tăng cơ giới trong quân đội Đức, Ủy viên nhân dân quốc phòng và chúng tôi đã đề nghị nên lấy các lữ đoàn xe tăng hiện có và thậm chí cả các binh đoàn kỵ binh là những đơn vị về mặt “tinh thần cơ động” gần hơn cả với bộ đội xe tăng để xây dựng các quân đoàn cơ giới.
I.V. Xta-lin chắc là chưa có ý kiến dứt khoát về vấn đề này nên do dự. Thế là thời gian trôi qua và mãi tháng 3-1941 mới có quyết định thành lập 20 quân đoàn cơ giới mà chúng tôi đề nghị.
Song, chúng tôi đã không tính đúng khả năng khách quan của ngành công nghiệp xe tăng của ta. Để trang bị đầy đủ các quân đoàn cơ giới mới, chỉ riêng xe tăng loại mới đã cần có 16.600 chiếc, còn tổng số các loại xe tăng thì cần 32.000. Trong một năm, thực tế là trong bất kỳ điều kiện nào, cũng không thể lấy đâu ra được số lượng xe tăng như thế, cán bộ kỹ thuật, chỉ huy cũng không đủ.
Như vậy là, đến đầu chiến tranh chúng ta mới trang bị được non nửa số quân đoàn đã thành lập. Và chính những quân đoàn này đã đóng vai trò to lớn trong việc đánh lui những trận tấn công đầu tiên của quân thù. Còn những quân đoàn cơ giới và xe tăng đang ở thời kỳ thành lập khi chiến tranh bắt đầu, thì đã được sử dụng để tổ chức lực lượng dự bị chiến lược và hoạt động của nó chủ yếu là ở giai đoạn thứ hai của chiến tranh.
Pháo binh. Theo tài liệu lưu trữ chính xác, từ ngày 1-1-1939 đến ngày 22-6-1941, Hồng quân đã nhận của ngành công nghiệp 29.637 pháo dã chiến, 52.407 súng cối, tổng số pháo và súng cối tính cả đại bác trên xe tăng là 92.578. Phần lớn số vũ khí này trang bị cho pháo binh trực thuộc, nằm trong biên chế các bộ đội và binh đoàn. Pháo binh trực thuộc ở các quân khu biên phòng, về cơ bản, được trang bị đủ pháo theo biên chế.
Sát trước chiến tranh, chúng ta có 60 trung đoàn lựu pháo và 14 trung đoàn pháo nòng dài. Pháo binh dự bị thuộc Bộ Tổng tham mưu chiếm khoảng 8% toàn bộ pháo binh. Số lượng đó thật hoàn toàn không đủ.
Mùa xuân năm 1941, chúng ta bắt đầu thành lập 10 lữ đoàn pháo chống tăng, nhưng cho đến tháng 6 chưa được trang bị đủ. Thêm nữa sức kéo của pháo binh còn yếu nên không cho phép cơ động ra ngoài các đường lớn, đặc biệt là vào tiết thu đông. Tuy vậy, các lữ đoàn pháo chống tăng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt xe tăng địch. Trong một số trường hợp, đó là phương tiện duy nhất vững vàng để chặn những cuộc tiến công lớn bằng xe tăng của giặc.
Là người báo cáo chính về các vấn đề pháo binh, nguyên soái G.I. Cu-lích không phải bao giờ cũng trình bày đúng với I.V. Xta-lin về hiệu lực của loại này hay loại khác của vũ khí pháo binh và súng cối. Lúc đầu chiến tranh, Tổng cục pháo binh đã không thấy hết tính năng, tác dụng của vũ khí phản lực mạnh như BM-13 (Ca-chiu-sa), mà những loạt bắn đầu tiên của nó ở vùng Oóc-sa đã làm cho các đơn vị quân địch phải bỏ chạy. Hội đồng quốc phòng mãi đến tháng 7 mới ra quyết định sản xuất hàng loạt loại vũ khí này. Cần phải nêu lên tinh thần khẩn trương và lao động sáng tạo của những người sản xuất ra vũ khí của ta. Họ đã làm tất cả những gì có thể làm được để chỉ 10 - 15 ngày sau khi nổ ra chiến tranh, quân đội ta đã có những số vũ khí đầu tiên thuộc loại mạnh đó.
Lẽ ra cũng có thể làm ra được nhiều súng cối hơn nữa. Kế hoạch sản xuất đã được nêu ra trong nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng ngày 30-1-1940 “về việc tăng mức sản xuất súng cối và đạn súng cối”. Song, mãi đến sát trước chiến tranh, quân đội mới bắt đầu nhận được số lượng cần thiết súng cối 82 mm và 120 mm. Tháng 6-1941, về mặt số lượng và chất lượng, các súng cối của ta đã vượt khá xa các súng cối Đức.
I.V. Xta-lin coi pháo binh là phương tiện quan trọng nhất của chiến tranh, chú trọng nhiều đến việc hoàn thiện nó. Ủy viên nhân dân Bộ vũ khí trong thời gian chiến tranh là Đ.Ph. U-xti-nốp, Ủy viên nhân dân Bộ đạn dược trước chiến tranh và trong thời chiến tranh là B.L. Van-ni-cốp, các tổng công trình sư các loại pháo binh là tướng I.I. I-va-nốp và tướng V.G. Gra-bin. I.V. Xta-lin biết rõ tất cả các đồng chí này, thường xuyên gặp họ và hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của họ.
Binh chủng thông tin, công binh, đường sắt và đường bộ. Từ giữa năm 1940, tiểu ban thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng Ủy viên nhân dân Liên Xô đã nhận xét đúng rằng, số lượng công binh trong thời bình không thể đảm bảo cho nó triển khai công tác ở mức bình thường trong thời chiến.
Vào thời kỳ sát trước chiến tranh, quân số các đơn vị thông tin và công binh chủ lực đã được tăng lên, nhiều đơn vị mới được thành lập, việc huấn luyện chung của công binh được cải tiến, cơ cấu và quân số chiến đấu của các đơn vị bộ đội thông tin được nâng cao; các đồng chí phụ trách thông tin binh đoàn đã chú ý nhiều hơn đến việc chuẩn bị hoạt động trong điều kiện thời chiến; công binh và bộ đội thông tin bắt đầu có trang bị kỹ thuật công binh và phương tiện liên lạc mới. Song đến trước khi chiến tranh bắt đầu, chúng ta cũng chưa kịp khắc phục hết những thiếu sót trong công binh và bộ đội thông tin..
Cuối tháng 2, cùng với Ủy viên nhân dân quốc phòng, chúng tôi đã xem kỹ lại công việc xây dựng các khu phòng thủ dọc theo biên giới, tình hình đường sắt, đường cái lớn, đường đất và tình hình phương tiện thông tin liên lạc. Chúng tôi đã được nghe các tướng N.Ph. Va-tu-tin, G.K. Ma-lan-đin và A.M. Va-xi-lép-xki báo cáo rành rọt về các vấn đề đó. Về cơ bản có thể kết luận như sau:
Mạng lưới đường cái lớn ở tây Bê-lô-ru-xi và tây U-crai-na còn xấu. Nhiều cầu không chịu được xe tăng hạng vừa và pháo binh, còn các đường qua làng mạc thì cần sửa chữa lớn.
N.Ph. Va-tu-tin, Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất, đã báo cáo tỉ mỉ với Ủy viên nhân dân quốc phòng về tình hình đường sắt ở tất cả các quân khu vùng biên giới.
- Các đường sắt gần biên giới chưa thể phục vụ nhiều cho việc chuyên chở lớn của quân đội - N.Ph. Va-tu-tin báo cáo - Những con số sau đây chứng tỏ điều đó. Hệ thống đường sắt của Đức chạy đến biên giới Lít-va có khả năng thông 220 chuyến xe trong một ngày đêm, còn trên hệ thống Lít-va của ta chạy đến biên giới Đông Phổ chỉ có thể chạy được 84 chuyến. Tình hình ở tây Bê-lô-ru-xi và tây U-crai-na cũng không khá hơn. Ơ đây các tuyến đường sắt của ta ít hơn gần hai lần so với của địch. Bộ đội đường sắt và các đội xây dựng trong năm 1941, rõ ràng là không thể hoàn thành được những công việc cần làm.
Nghe xong báo cáo, Ủy viên nhân dân quốc phòng cho biết, năm 1940 thi hành chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Ủy viên nhân dân giao thông đã lập kế hoạch 7 năm tu bổ kỹ thuật trên các đường xe lửa phía tây. Tuy vậy lúc này vẫn chưa làm được gì, ngoài việc sửa lại các đường và những công việc cải tạo thông thường để có thể chuyên chở quân đội và bốc dỡ vũ khí với quy mô lớn hơn.
Chúng tôi được biết rằng tư lệnh Quân khu miền Tây, Đ.G. Páp-lốp ngày 18-2-1941 đã gửi báo cáo số 867 lên I.V. Xta-lin, và V.M Mô-lô-tốp và X.K. Ti-mô-sen-cô. Đ.G. Páp-lốp đề nghị dành một số khá lớn phương tiện để đắp các đường cái lớn và đường đất, và trong báo cáo có đoạn viết:
“Tôi cho rằng nhất thiết phải chuẩn bị đầy đủ chiến trường miền tây trong năm 1941, vì vậy theo ý kiến tôi, kéo dài việc xây dựng ra trong mấy năm là điều dứt khoát không thể được”.
Tư lệnh binh chủng thông tin Hồng quân, thiếu tướng N.I. Ga-ích, báo cáo với chúng tôi rằng, hiện nay không đủ phương tiện thông tin liên lạc hiện đại và thiếu lượng dự trữ phương tiện đó để sử dụng khi tổng động viên cũng như để phòng bị lâu dài.
Thực vậy, mới có 39% mạng lưới ra-đi-ô của Bộ Tổng tham mưu được trang bị đài vô tuyến loại RAT, 60% đài vô tuyến loại RAF và các đài thay thế nó là 11-AK, v..v..., 45% các máy nạp điện, v..v... Quân khu gần biên giới miền Tây chỉ có các đài vô tuyến ở mức 27% so với yêu cầu, Quân khu Ki-ép - 30%, Quân khu Pri-ban-tích – 52%. Các phương tiện liên lạc khác bằng ra-đi-ô và điện thoại cũng ở trong tình trạng tương tự.
Trước chiến tranh đã có quan niệm cho rằng, trong thời chiến, để lãnh đạo, chỉ huy các phương diện quân, các quân khu phía trong và bộ đội dự bị của Bộ tổng tư lệnh, chủ yếu sẽ dùng các phương tiện liên lạc của Bộ Ủy viên nhân dân bưu điện và của bộ đội thuộc Bộ Ủy viên nhân dân nội vụ. Các đầu mối liên lạc của Bộ tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và các phương diện quân sẽ có đủ mọi phương tiện cần thiết do các cơ quan thuộc Bộ ủy viên nhân dân bưu điện ở các địa phương phục vụ. Nhưng về sau mới thấy là các cơ quan đó chưa được chuẩn bị đầy đủ để làm việc trong điều kiện chiến tranh.
Tôi được biết về tình hình bộ máy liên lạc thông tin địa phương bởi vì, trong một số lần hành quân và diễn tập cán bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu, tôi đã sử dụng các phương tiện của họ. Ngay từ khi ấy chúng tôi đã không tin rằng, các cơ quan liên lạc thông tin địa phương có thể đảm bảo vững vàng việc liên lạc của lực lượng vũ trang trong thời chiến.
Tất cả tình hình trên là nguyên nhân đưa đến một thiếu sót trong công tác huấn luyện cán bộ chỉ huy, cơ quan tham mưu binh đoàn và tập đoàn quân: cán bộ ta không quen chỉ huy bộ đội trong những điều kiện tình hình phức tạp và thay đổi nhanh chóng của chiến tranh. Anh em đã tránh không muốn sử dụng đường liên lạc vô tuyến và ưa dùng liên lạc đường dây. Điều đó đã dẫn đến hậu quả như thế nào trong những ngày đầu chiến tranh, mọi người đều đã rõ. Mạng liên lạc vô tuyến nội bộ trong các đơn vị máy bay chiến đấu, trong mạng lưới các sân bay, trong các đơn vị xe tăng là những nơi nói chung không dùng liên lạc đường dây, cũng không được đảm bảo thật tốt.
Cần phải có những biện pháp khẩn cấp để ổn định mạng lưới dây nói - điện tín, mạng lưới ra-đi-ô và ra-đi-ô chuyển tiếp. Mạng lưới đường dây ngầm cần thiết để phục vụ các cơ quan chiến dịch và chiến lược hoàn toàn không có.
Những lần bàn bạc về các vấn đề này với Bộ Ủy viên nhân dân bưu điện đều không có kết quả. Và không phải là vì có người cho đó là công việc thừa nên không làm, trái lại, vấn đề cải tiến tổ chức liên lạc đã rõ ràng là hoàn toàn cần thiết. Bộ Ủy viên nhân dân bưu điện đã không đủ sức thực hiện các yêu cầu của quân đội. Những việc làm được vào cuối năm 1940 - đầu năm 1941 để hoàn thiện sự liên lạc trong từng địa phương và của một số trung tâm với Mát-xcơ-va, không đủ để hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra.
Sau khi nghe báo cáo của chúng tôi, X.K. Ti-mô-sen-cô nói:
- Tôi đồng ý với sự nhận định tình hình của các đồng chí. Nhưng tôi nghĩ rằng khó mà có thể làm được gì hơn, để ngay bây giờ loại trừ được tất cả những thiếu sót đó. Hôm qua tôi gặp I.V. Xta-lin. I.V. Xta-lin đã nhận được điện của Đ.G. Páp-lốp và đã chỉ thị trả lời Đ.G. Páp-lốp rằng, những yêu cầu của đồng chí đó rất chính đáng, song hiện nay chúng ta không có khả năng đáp ứng những yêu cầu đó.
Lực lượng không quân. Tôi đã có nói, Đảng và Chính phủ luôn luôn hết sức chú trọng đến việc phát triển không quân xô-viết. Năm 1939, Hội đồng quốc phòng quyết định xây dựng 9 nhà máy mới sản xuất máy bay và 7 nhà máy mới sản xuất động cơ máy bay, và có thêm 7 nhà máy thuộc các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân được chuyển sang chế tạo sản phẩm dùng cho máy bay. Cũng trong năm đó, các xí nghiệp đều được trang bị máy móc loại một và đến cuối năm 1940, công nghiệp sản xuất máy bay so với năm 1939 đã tăng lên 70%.
Cùng một lúc với việc xây dựng các xí nghiệp mới để sản xuất động cơ máy bay, chúng ta đã xây dựng thêm những nhà máy sản xuất thiết bị máy bay trên cơ sở những xí nghiệp thuộc các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân được chuyển cho công nghiệp sản xuất máy bay.
Theo số liệu lưu trữ chính xác, từ ngày 1-1-1939 đến ngày 22-6-1941, Hồng quân đã nhận được của ngành công nghiệp 17.745 máy bay chiến đấu, trong số đó có 3.719 chiếc thuộc các loại mới.
Giai đoạn phát triển mới của không quân bắt đầu. Thực tế là, Viện nghiên cứu hàng không khí động lực trung ương đã hoàn toàn được cải tổ các cơ quan thiết kế mới của không quân được thành lập. Các công trình sư có tài X.V. I-li-u-sin, A.I. Mi-côi-an, X.A. La-vốt-kin, V.M. Pét-li-a-cốp, A.X. Ya-cốp-lép, cùng với các tập thể trẻ tuổi của mình, đã chế tạo cho không quân các máy bay tiêm kích Yak-1, Mig-3, LAGG-3, máy bay cường kích IL-2, máy bay phóng pháo PE-2 và nhiều loại khác - tất cả gần 20 loại. Cuối năm 1940 - đầu năm 1941, đã tích cực phấn đấu để nhanh chóng sản xuất hàng loạt các loại máy bay tốt nhất. Ban chấp hành trung ương Đảng, I.V. Xta-lin dành nhiều thì giờ làm việc với các công trình sư máy bay. Có thể nói không quân đã được sự chú ý đến say mê của I.V. Xta-lin.
Song nền công nghiệp vẫn không theo kịp đòi hỏi của thời đại. Về số lượng, sát trước chiến tranh, các máy bay của không quân phần lớn là kiểu cũ. Khoảng 75 - 80% tổng số máy bay của ta kém hơn các máy bay cùng loại của phát-xít Đức về các chỉ tiêu kỹ thuật bay. Về không quân hiện đại, chúng ta chỉ có máy bay mới, nhưng thiết bị kỹ thuật hàng không hiện đại thì mới kịp trang bị cho 21% các đơn vị không quân.
Thực ra số lượng các binh đoàn không quân tăng lên rất nhanh - đến tháng 6-1941, tổng số các trung đoàn không quân đầy đủ biên chế tăng hơn nhiều so với năm 1939. Đơn vị kỹ thuật cao nhất của không quân tiêm kích, cường kích và ném bom là sư đoàn, chủ yếu là các sư đoàn hỗn hợp, gồm bốn - năm trung đoàn. Mỗi trung đoàn có bốn - năm đại đội.
Hệ thống tổ chức không quân đó đã cho phép đảm bảo hợp đồng chiến đấu tốt hơn giữa các binh chủng không quân và giữa không quân với lực quân. Sát trước chiến tranh, tương quan giữa các binh chủng quan trọng nhất của lực lượng không quân như sau: các tnmg đoàn ném bom - 45%, các trung đoàn tiêm kích - 42%, các trung đoàn cường kích, trinh sát, v..v... - 13%.
Cuối năm 1940, Ủy viên nhân dân quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu cùng với tư lệnh và bộ tham mưu không quân đã nghiên cứu và báo cáo lên Ban chấp hành trung ương Đảng những đề nghị nhằm cải tổ và trang bị lại lực lượng không quân. Những đề nghị của chúng tôi được xét và chuẩn y ngay.
Quyết định “Về việc cải tổ lực lượng không quân của Hồng quân” đề ra việc thành lập các đơn vị mới (106 trung đoàn không quân), mở rộng và kiện toàn các trường không quân, trang bị lại các phi đoàn chiến đấu bằng các máy bay loại mới. Đến cuối tháng 5-1941, đã thành lập và trang bị gần hoàn chỉnh 19 trung đoàn.
Ít lâu sau, lực lượng không quân lại được kiện toàn thêm một bước... Ngày 10-4-1941, Ban chấp hành trung ương Đảng và hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô ra quyết định cải tổ hệ thống hậu cần không quân. Hệ thống hậu cần mới của lực lượng không quân được tổ chức theo nguyên tắc khu vực đất đai: cơ quan hậu cần thuộc các phi đội và phi đoàn chiến đấu được giải thể, thay vào đó chúng ta thành lập các khu căn cứ không quân và các tiểu đoàn phục vụ sân bay. Các khu căn cứ không quân trở thành cơ quan hậu cần của không quân trực thuộc các tập đoàn quân, quân khu, phương diện quân.
Trong thành phần các khu căn cứ, thì mỗi sư đoàn có một sân bay trong đó mỗi trung đoàn không quân có một tiểu đoàn phục vụ sân bay. Không quân trinh sát và không quân trực thuộc các binh chủng vẫn có cơ quan hậu cần riêng của mình. Việc chuyển sang hệ thống tổ chức hậu cần mới, cơ động hơn của không quân được dự định sẽ thực hiện xong vào tháng 7-1941. Nhưng thực tế là tất cả những việc đó được hoàn thành trong quá trình chiến tranh.
Căn cứ vào tính chất của việc chiến đấu sắp diễn ra, chúng tôi nhận thấy cần tăng thêm nhiều bộ đội đổ bộ đường không. Tháng 4-1941 bắt đầu thành lập 5 quân đoàn đổ bộ đường không. Đến ngày 1-6-1941 đã có đủ số quân, song phương tiện kỹ thuật chiến đấu thì còn thiếu. Vì vậy trong thời gian đầu chiến tranh, trong các quân đoàn mới chỉ có các lữ đoàn quân đổ bộ đường không cũ đảm đang được nhiệm vụ của bộ đội đổ bộ đường không, còn phần lớn các đơn vị mới khác được sử dụng như bộ binh.
Tháng 2-1941, Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô phê chuẩn kế hoạch xây dựng thêm sân bay. Dự định sẽ xây dựng ở các khu miền Tây 190 sân bay mới. Đến đầu chiến tranh, công việc xây dựng này được tiến hành rất khẩn trương, song phần lớn sân bay chưa làm xong.
Nói chung, chiến tranh nổ ra vào lúc lực lượng không quân ta đang trong giai đoạn cải tổ lớn, giai đoạn chuyển sang trang bị vật chất mới và huấn luyện lại cho phi công và nhân viên kỹ thuật. Chỉ có một số phi đoàn được huấn luyện kịp để hoạt động trong những điều kiện thật phức tạp và mới có không quá 15% các đơn vị được huấn luyện để hoạt động ban đêm. Bộ tư lệnh không quân chú trọng nhiều tới việc huấn luyện lại phi công theo trang bị vật chất mới, song đã có phần coi nhẹ việc duy trì sự sẵn sàng chiến đấu theo trang bị vật chất cũ.
Chỉ vẻn vẹn một năm đến một năm rưỡi sau, không quân ta đã hoàn toàn đổi mới, có sức chiến đấu rất mạnh mẽ.
Bộ đội phòng không. Mối uy hiếp của cuộc tiến công bằng không quân vào Liên Xô trong những năm trước chiến tranh đã tăng lên rõ rệt. Vì vậy Ban chấp hành trung ương Đảng đã nâng cao yêu cầu đối với việc bảo vệ bầu trời, đề ra những biện pháp cụ thể để tăng cường đáng kể công cuộc phòng không. Trước hết những cải tiến quan trọng về mặt tổ chức đã được tiến hành, vì hệ thống phòng không được áp dụng từ năm 1932 nay đã quá cũ.
Các vùng phòng không được thành lập trong tất cả các quân khu cụ thể là có các vùng phòng không Bắc, Tây-bắc, Tây, Ki-ép, Nam, Bắc Cáp-ca-dơ, Da-cáp-ca-dơ, Trung Á, Da-bai-can, Viễn Đông, Mát-xcơ-va, O-ri-ôn, Khác-cốp. Các vùng phòng không lại chia thành các khu vực phòng không gồm các trận địa phòng không. Trong một vùng phòng không, có các binh đoàn và đơn vị bảo vệ thành phố và bảo vệ mục tiêu.
Trách nhiệm của tư lệnh các quân khu đối với việc phòng không được nâng cao, tuy vậy các đơn vị máy bay của quân khu được tách ra làm nhiệm vụ phòng không vẫn thuộc dưới quyền chỉ huy của lực lượng không quân quân khu. Tất nhiên, tốt hơn cả là có sự thống nhất về lãnh đạo và tập trung về chỉ huy phòng không trên phạm vi toàn quốc. Điều này được thực hiện vào tháng 11-1941.
Lực lượng phòng không được vũ trang bằng gì và như thế nào?
Đến tháng 6-1941, số đơn vị trung cao có đủ súng chiếm 85%, số đơn vị tiểu cao - 70%. Máy bay tiêm kích còn thiếu 40% (trước chiến tranh có 39 trung đoàn không quân được tách ra làm nhiệm vụ phòng không nhưng thực ra nó vẫn dưới quyền chỉ huy của các tư lệnh không quân quân khu và về sau được sử dụng vào các nhiệm vụ chiến đấu khác), trang bị súng máy, cao xạ mới được 70%, về khí cầu phòng không và đèn chiếu mới có độ một nửa.
Bộ đội phòng không thuộc các quân khu gần biên giới miền Tây cũng như Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát được trang bị tốt hơn cả. Các quân khu miền Tây nhận được nhiều vật tư mới hơn các quân khu khác. Về pháo cao xạ, họ được trang bị tới 90 – 95%, lại có các phương
tiện mới để phát hiện và theo dõi quân địch trên không. Bộ đội bảo vệ Mát-xcơ-va, Lê-nin-grát và Ba-cu nắm trong tay 40% tổng số pháo trung cao xạ. Ở đó cũng có tới 30 trạm ra-đa RUX-2 hoạt động.
Căn cứ vào báo cáo của chúng tôi, Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô đã ra quyết định thành lập các quân đoàn máy bay tiêm kích để tăng cường sức phòng không của thủ đô và Lê-nin-grát. Các quân đoàn này, như chúng ta đều biết, đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh lui những cuộc tiến công của không quân phát-xít vào Mát-xcơ-va và thành phố Lê-nin.
Tới khi nổ ra chiến tranh, hệ thống phòng không mới chưa được kiện toàn đầy đủ, việc trang bị kỹ thuật chiến đấu chỉ mới được bắt đầu, ranh giới “vùng bị uy hiếp” (phạm vi không quân ném bom của địch có thể tới được) quy định không chính xác. Vận tải không được hoàn bị.
Hải quân. Sau khi nhận chức vụ Tổng tham mưu trưởng, vì thời gian quá ngắn và vì quá bận các công việc liên quan trực tiếp tới Hồng quân, nên tôi không thể tìm hiểu đến nơi đến chốn tình hình hải quân. Song tôi được biết rằng đội ngũ hải quân được chuẩn bị tốt, các tư lệnh hạm đội, giang đội và các bộ tham mưu các đơn vị đó đều sẵn sàng chiến đấu. Bộ tham mưu trung ương hải quân hồi đó do đô đốc I.X. I-xa-cốp đứng đầu. Đô đốc I-xa-cốp là người tài, có đầu óc sáng tạo và có nghị lực.
Nhịp độ trang bị của hải quân tăng nhanh. Chỉ trong 11 tháng của năm 1940 đã hạ thủy 100 tàu các loại bao gồm tàu khu trục, tàu ngầm, tàu quét mìn, tàu phóng ngư lôi, tất cả đều có tính năng chiến đấu cao. Gần 270 tàu các loại được đóng vào sát cuối năm 1940. Những căn cứ hải quân mới được xây dựng, các khu vực ở Biển Ban-tích, Biển Bắc và Biển Đen được củng cố thêm. Trên tất cả các hạm đội, các đơn vị đều được bổ sung nhiều tàu mới, các đơn vị tàu khu trục lớn và phóng ngư lôi mới được thành lập. Sát trước chiến tranh, hải quân đã có lực lượng tàu ngầm và tàu nhẹ trên biển được huấn luyện tốt, có khả năng thi hành đắc lực những nhiệm vụ chiến đấu.
Sát trước chiến tranh, trong biên chế chiến đấu của hải quân có gần 600 tàu chiến đấu, trong đó có 3 thiết giáp hạm, 7 tuần dương hạm, 49 tàu khu trục, 211 tàu ngầm, 279 tàu phóng ngư lôi, hơn 1.000 nòng pháo phòng thủ bờ biển, trên 2.500 máy bay.
Hải quân hiện đại đòi hỏi chi phí rất tốn kém. Đặc biệt tốn là các tàu lớn, nhưng chính vì nó lớn nên lại là mục tiêu tốt cho không quân và tàu phóng ngư lôi tiến công. Năm 1939, Hội đồng quốc phòng thuộc Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô đã thông qua một quyết định rất đúng: giảm bớt và sau đó đình chỉ hẳn việc đóng các chiến hạm hạng nặng đòi hỏi chi những món tiền khổng lồ, tốn nhiều kim loại và thu hút một số lớn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân ngành công nghiệp đóng tàu.
Mặt khác, việc phòng thủ bờ biển và phòng không, việc vũ trang thủy lôi và ngư lôi không được chú ý đúng mức. Khuyết điểm nghiêm trọng nữa của Bộ Ủy viên nhân dân hải quân là không đánh giá đúng vai trò của hạm đội phía Bắc mà lẽ ra nó phải đóng vai trò cực lớn trong chiến tranh.
Nói chung, sát trước chiến tranh, hải quân Liên Xô được mọi người tin tưởng và đã đánh trả quân địch một cách đích đáng.
Trong cuốn sách “Sát trước chiến tranh” của mình, đô đốc N.G. Cu-dơ-nép-xốp có viết về việc tôi được cử làm Tổng tham mưu trưởng như sau: “Lúc đầu tôi nghĩ, chỉ có quan hệ giữa tôi và G.K. Giu-cốp không được ổn, còn người bạn đồng nghiệp của G.K. Giu-cốp là I.X. I-xa-cốp, Tham mưu trưởng Bộ tham mưu trung ương Hải quân sẽ tâm đồng ý hợp với G.K. Giu-cốp. Song, I-xa-cốp cũng không tâm đồng ý hợp gì”.
Bây giờ tôi không còn nhớ các đồng chí nói trên “không tâm đồng ý hợp” với tôi hay là tôi “không tâm đồng ý hợp” với các đồng chí đó, - điều này hoàn toàn không có nghĩa lý gì cả[1]. Nhưng để giữ tinh chính xác về mặt lịch sử, tôi phải nói rằng, nói chung, Ủy viên nhân dân quốc phòng X.K. Ti-mô-sen-cô cũng như Tổng tham mưu trưởng đều không được mời dự khi I.V. Xta-lin bàn đến các vấn đề về hải quân.
Việc tăng quân số các lực lượng vũ trang của chúng ta cũng nói lên rõ ràng tầm lớn lao của những biện pháp mà Đảng và Chính phủ đã áp dụng nhằm củng cố quốc phòng trong các năm 1939-1941. Trong thời gian này quân số đã tăng lên 2,8 lần, thành lập 125 sư đoàn mới, và tới ngày 1-1-1941 trong lục quân, không quân, hải quân, bộ đội phòng không có hơn 4,2 triệu người.
Ở một chương đầu của cuốn này tôi đã nói qua về vai trò của việc huấn luyện quân sự toàn dân. Chúng ta vẫn coi việc huấn luyện cho người dân thường và trước hết cho toàn thể - thanh niên những điều cần thiết để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, trước khi họ nhập ngũ, là một việc làm có tính chất truyền thống. Lúc bấy giờ, có Hội trợ lực quốc phòng và xây dựng hàng không – hóa chất để chuyên trách việc huấn luyện quần chúng về các môn cần thiết cho quốc phòng. Đến ngày 1-1-1941, trong hàng ngũ của Hội có hơn 13 triệu người và mỗi năm có hàng chục nghìn người mê nghề lái máy bay, thích môn nhảy dù, bắn súng, cơ khí máy bay đã được huấn luyện tại hơn 300 câu lạc bộ máy bay và ô-tô - mô-tô, các trường hàng không và các câu lạc bộ tàu lượn. Những kết quả luyện tập đó về sau đã rất có ích cho anh chị em dân quân và du kích.
Còn về mặt huấn luyện chuyên môn cho các cán bộ chỉ huy các cấp thì hàng trăm nghìn người chỉ huy đã được học theo chương trình đầy đủ trong hơn 200 trường quân sự của Hồng quân và Hải quân, trong 19 học viện, hàng chục các khoa quân sự thuộc các trường đại học ngoài quân đội, 7 trường Hải quân cao cấp. Theo quyết định của Hội đồng quân sự trung ương và chỉ thị số 120 của Ủy viên nhân dân quốc phòng, hệ thống đào tạo trong
các trường quân sự đã được cải tiến.
Tới thăm Học viện thuộc Bộ Tổng tham mưu mà tôi phụ trách, một lần nữa tôi lại có thể thấy được rõ ràng, sát trước chiến tranh, tại các khoa quân sự, trong giáo trình, trong chương trình giảng dạy và trong khi các học viên nghiên cứu học tập, đều quán triệt lý luận quân sự hiện đại, và kinh nghiệm của Thế chiến thứ hai đang diễn ra cũng được chú ý nghiên cứu.
Các học viên đều nghĩ rằng, các cuộc chiến tranh trong thời đại hiện nay là chiến tranh không tuyên bố, rằng bọn xâm lược mưu giành cho mình mọi ưu thế của cuộc tiến công bất ngờ. Điều được mọi người chú ý đúng là, ngay từ lúc thoạt đầu, chủ lực của hai bên tham chiến sẽ đi vào cuộc chiến tranh với tất cả những đặc điểm về chiến lược và chiến dịch sinh ra từ các đặc điểm nói trên. Mọi người đều nhấn mạnh tính chất không thể dung hòa và ác liệt của đấu tranh vũ trang. Ai cũng biết chiến tranh sẽ lâu dài, cần phải động viên sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, bảo đảm sự thống nhất giữa tiền phương và hậu phương trong chiến đấu
Chiến lược quân sự được xây dựng chủ yếu trên điều khẳng định đúng đắn rằng, chỉ có thể đánh tan được quân xâm lược bằng hành động tiến công. Nhưng trong khi đó các hình thức chiến đấu khác, - tao ngộ chiến, rút lui bắt buộc, chiến đấu trong điều kiện bị bao vây (tất nhiên, không tính theo từng tài liệu riêng biệt, mà theo phương hướng chung giảng dạy các môn quân sự) - không được chú ý đầy đủ.
Sau khi bắt đầu trở lại làm việc ở cơ quan Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng, tôi liền chú ý ngay xem, trong khi xây dựng điều lệ và điều lệnh chúng ta đã quán triệt các quan điểm mới, tiên tiến về tính chất và các phương thức tác chiến như thế nào. Cục quân huấn Hồng quân cũng như các tổng cục phụ trách các quân chủng, binh chủng thuộc lực lượng vũ trang trong hai năm gần đó đã ban hành hàng chục điều lệnh và điều lệ quan trọng. Song, không phải tất cả những điều đó đã được đưa ra áp dụng trong các đơn vị, nhiều quy định vẫn còn là tạm thời.
Nói chung, có thể nói, lý luận quân sự được nêu lên trong các tác phẩm, bài giảng của những năm đó và được cô đúc lại trong các điều lệnh cơ bản đáp ứng với yêu cầu của thời đại. Song, việc làm vẫn chậm hơn lý thuyết ở mức nhất định.
Nghiên cứu những vấn đề chiến dịch và chiến lược, tôi đi tới kết luận là, trong công cuộc phòng thủ một nước lớn như nước ta, đã có nhiều thiếu sót quan trọng. Các cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong Bộ Tổng tham mưu cũng cùng ý kiến đó, các đồng chí ấy còn cho tôi biết rằng, các đồng chí trước đây đảm đương chức vụ của tôi cũng đã nhiều lần nêu lên vấn đề này.
Việc quân đội Đức tập trung một số lượng lớn ở Đông Phổ, Ba Lan và vùng Ban-căng đã làm cho chúng tôi rất không yên tâm. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang ta đóng ở các quân khu phía tây chưa hoàn toàn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, điều đó thật đáng lo ngại.
Sau khi suy nghĩ kỹ mọi mặt về tình hình, tôi cùng với N.Ph. Va-tu-tin đã báo cáo tỉ mỉ với Ủy viên nhân dân quốc phòng về những thiếu sót trong công tác tổ chức và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta, về tình hình các lượng dự trữ đã được động viên, đặc biệt là về trái phá và bom. Ngoài ra, chúng tôi cũng nêu lên tình hình nền công nghiệp không thực hiện kịp các đơn đặt hàng của chúng tôi về phương tiện kỹ thuật chiến đấu.
- Tất cả những điều đó, cấp trên đã biết rõ. Tôi cho rằng vào lúc này đất nước ta không thể cung cấp cho ta nhiều hơn nữa - X.K. Ti-mô-sen-cô nói
Một hôm, X.K. Ti-mô-sen-cô gọi tôi tới và nói:
- Hôm qua tôi gặp I.V. Xta-lin để bàn về vấn đề súng cối phản lực. I.V. Xta-lin có hỏi, anh đã nhận việc của K.A. Mê-rét-xcốp bàn giao chưa và trong công tác mới anh thấy thế nào? I.V. Xta-lin chỉ thị anh tới báo cáo.
- Cần phải chuẩn bị những vấn đề gì? - Tôi hỏi.
- Tất cả các vấn đề - Ủy viên nhân dân quốc phòng trả lời - Nhưng anh cần biết là I.V. Xta-lin sẽ không nghe báo cáo dài dòng đâu. Những gì mà anh nói với tôi trong suốt mấy tiếng đồng hồ thì chỉ cần báo cáo với I.V. Xta-lin chừng mươi phút.
- Trong mươi phút thì tôi biết báo cáo những gì? Các vấn đề đều lớn, đòi hỏi phải được đặc biệt quan tâm. Bởi vì cần hiểu rõ tầm quan trọng của những vấn đề đó và phải quyết định về những biện pháp cần thiết của Nhà nước.
- Những điều mà anh dự định báo cáo, về căn bản I.V. Xta-lin đã biết, - Ủy viên nhân dân quốc phòng nói - Vì vậy, hãy cố gắng chỉ đề cập tới những vấn đề mấu chốt thôi.
Sau khi đã chuẩn bị một loạt vấn đề để báo cáo, tối thứ bảy tôi tới nhà riêng của I.V. Xta-lin. Ở đây đã có mặt nguyên soái X.K. Ti-mô-sen-cô, nguyên soái G.I. Cu-lích. Một số các đồng chí ủy viên Bộ chính trị cũng có mặt.
Sau khi chào hỏi, I.V. Xta-lin hỏi tôi đã biết súng cối phản lực “Ca-chiu-sa” chưa.
- Tôi mới nghe nói, nhưng chưa nhìn thấy. - Tôi trả lời.
- Vậy thì đồng chí cùng với Ti-mô-sen-cô, Cu-lích và A-bô-ren-cốp trong những ngày tới, cần đến trường bắn để xem bắn thử. Còn bây giờ đồng chí cho chúng tôi biết về công việc của Bộ Tổng tham mưu.
Sau khi nhắc lại vắn tắt những điều mà tôi đã báo cáo với Ủy viên nhân dân quốc phòng, tôi nói rằng, do sự phức tạp của tình hình quân sự và chính trị, cần phải có những biện pháp cấp bách và kịp thời để khắc phục những thiếu sót hiện có trong việc bảo vệ biên giới phía tây và trong các lực lượng vũ trang.
V M. Mô-lô-tốp ngắt lời tôi:
- Sao, đồng chí cho rằng chúng ta sẽ phải đánh nhau với Đức à?
- Hãy khoan... - I.V. Xta-lin cản lời V.M. Mô-lô-tốp.
Sau khi nghe xong báo cáo, I.V. Xta-lin mời mọi người ăn cơm.
Câu chuyện bị ngắt quãng lại tiếp tục. I.V. Xta-lin hỏi, tôi đánh giá không quân Đức như thế nào. Tôi nói điều mà tôi đã từng suy nghĩ:
- Không quân Đức không phải là kém, đội ngũ phi công Đức có thực tiễn chiến đấu khá tốt trong hợp đồng với bộ binh. Còn về mặt vật chất, các máy bay tiêm kích và ném bom của ta không hề kém máy bay Đức, có phần còn hơn. Chỉ tiếc rằng nó quá ít.
- Đặc biệt là ít máy bay tiêm kích - X.K. Ti-mô-sen-cô bổ sung.
Có ai đó đưa ra nhận xét:
- Xê-mi-on Kôn-xtan-ti-nô-vích Ti-mô-sen-cô chỉ nghĩ nhiều đến không quân phòng ngự.
Ủy viên nhân dân quốc phòng không đáp lại. Tôi cho rằng vì hơi nặng tai nên X.K. Ti-mô-sen-cô không nghe rõ hết.
Bữa ăn rất giản dị. Món thứ nhất: súp rau U-crai-na; món thứ hai: mì mạch đen nấu rất ngon và nhiều thịt nhừ; món thứ ba: nước quả và quả tươi. I.V. Xta-lin vui vẻ, nói đùa nhiều, uống rượu vang nhẹ Gru-di-a “Khơ-văn-chơ-ca-ra” và mời khách rượu vang đỏ, nhưng khách chọn rượu cô-nhắc.
Cuối cùng, I.V. Xta-lin nói rằng, cần phải suy nghĩ và nghiên cứu những vấn đề cấp thiết nhất và đưa ra Chính phủ quyết định. Nhưng trong khi đó cần xuất phát từ những khả năng thực tế của ta chứ đừng vẽ vời ra những thứ mà hiện nay chúng ta không thể bảo đảm được về mặt vật chất.
Đêm khuya, tôi trở về Bộ Tổng tham mưu, ghi lại tất cả những gì I.V. Xta-lin đã nói, và thảo ra những vấn đề cần được giải quyết trước tiên. Những đề nghị này đã được đưa trình Chính phủ.
Ngày 15 - 20 tháng 2-1941, Hội nghị toàn liên bang của Đảng Cộng sản liên bang (b) lần thứ XVIII họp. Tôi được dự Hội nghị này. Hội nghị đã đặc biệt lưu ý các tổ chức Đảng về những nhu cầu của công nghiệp và giao thông vận tải, đặc biệt là của các xí nghiệp quốc phòng. Những nhu cầu này được nâng cao hơn. Trong các nghị quyết của Hội nghị có nêu lên rằng, các cán bộ lãnh đạo, các Bộ Ủy viên nhân dân công nghiệp hàng không, công nghiệp hóa chất, đạn dược, công nghiệp điện và nhiều ngành kinh tế quốc dân khác phục vụ quốc phòng cần phải rút ra những bài học qua những lời phê bình của Hội nghị để làm tốt hơn nữa công việc của mình. Vào trường hợp ngược lại, họ sẽ bị cách chức.
Kế hoạch kinh tế quốc dân thời bình cuối cùng cho năm 1941 do Hội nghị thông qua đã chủ trương phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng.
Tại Hội nghị, nhiều cán bộ quân sự được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng và vào Ban kiểm tra trung ương: I.V. Chiu-lê-nép, M.P. Kiếc-bô-nô-xơ, I.X. Yu-ma-xép, V.Ph. Tờ-ri-bút, Ph.X. Óc-chi-a-brơ-xki và các đồng chí khác. Tôi cũng được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng, đó là sự tin cậy cao quý của Đảng đối với tôi.
Sát trước chiến tranh, trong Bộ Tổng tham mưu chúng tôi có một tập thể làm việc thân thiết, đoàn kết chặt chẽ, gồm các tướng lĩnh và sĩ quan có trình độ và có kinh nghiệm. Tôi chỉ xin nêu lên một số đồng chí.
Phó tổng tham mưu trường thứ nhất là trung tướng N.Ph. Va-tu-tin, một người được cả nước biết là một cán bộ hết sức cần cù và có tầm suy nghĩ rộng lớn về chiến lược. Phó tổng tham mưu trưởng chuyên trách về vấn đề tổ chức là trung tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki, nguyên tham mưu trưởng Quân khu Mát-xcơ-va; đồng chí được cử làm Phó tổng tham mưu trưởng từ đầu mùa xuân năm 1941. Trong những năm chiến tranh, Va-xi-li Đa-ni-lô-vích Xô-cô-lốp-xki tỏ ra có năng khiếu của nhà chỉ huy quân sự lớn. Phụ trách Cục tác chiến là thiếu tướng G.K. Ma-lan-đin, một chuyên gia về tác chiến có kiến thức cao và có tài. Ở đây còn có thiếu tướng A.M. Va-xi-lép-xki.
Trong thời gian chiến tranh A.M. Va-xi-lép-xki đã là một tướng lĩnh lỗi lạc của lực lượng vũ trang chúng ta. A.M. Va-xi-lép-xki đã lãnh đạo nhiều chiến dịch rất lớn và xuất sắc. Sát trước chiến tranh, tại Bộ Tổng tham mưu, A.M. Va-xi-lép-xki đã phụ trách kế hoạch tác chiến của hướng tây-bắc và hướng tây.
Ngoài các cán bộ quân sự nói trên, trong Bộ Tổng tham mưu còn có nhiều nhà chỉ huy quân sự khác có tài và có nghị lực, bằng tinh thần lao động sáng tạo của mình, họ đã góp phần làm cho tập thể Bộ Tổng tham mưu có được khả năng làm việc lớn. Bộ Tổng tham mưu phụ trách những việc lớn về tác chiến, về tổ chức và động viên, là bộ máy chủ yếu của Ủy viên nhân dân quốc phòng. Khi chiến tranh nổ ra, nó trở thành bộ máy của Đại bản doanh của Bộ tổng tư lệnh.
Song trong công tác của bản thân Bộ Tổng tham mưu cũng có những thiếu sót. Ví dụ, nếu nghiên cứu tình hình công tác trong mùa xuân năm 1941 thì thấy rằng, Bộ Tổng tham mưu cũng như Ủy viên nhân dân quốc phòng và tư lệnh các quân chủng, binh chủng đã không chuẩn bị các sở chỉ huy để khi xảy ra chiến tranh có thể từ đó chỉ huy các lực lượng vũ trang, nhanh chóng truyền các mệnh lệnh của Bộ tổng tư lệnh tới quân đội, nhận và nghiên cứu các báo cáo của các đơn vị.
Trong những năm trước chiến tranh, đã bỏ qua việc xây dựng các sở chỉ huy. Đến khi chiến tranh nổ ra, Bộ tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, tất cả các bộ tham mưu các quân chủng, tổng cục đều phải thực hiện sự lãnh đạo từ các phòng làm việc của mình trong thời bình, điều đó làm trở ngại nhiều cho công việc.
Đến đầu chiến tranh, chúng ta vẫn chưa giải quyết xong vấn đề cơ quan của Đại bản doanh và Bộ tổng tư lệnh, ví như: cơ cấu bộ máy, dự kiến bổ nhiệm cán bộ, trụ sở, cơ quan phục vụ và các phương tiện vật chất, kỹ thuật.
Trong 5 năm trước chiến tranh đã thay đổi 4 Tổng tham mưu trưởng. Việc thay đổi cán bộ lãnh đạo luôn như vậy gây nhiều trở ngại cho việc nắm vững hoàn toàn đầy đủ công cuộc phòng thủ đất nước và làm cho không thể suy tính sâu xa về tất cả mọi chi tiết của cuộc chiến tranh sắp nổ ra.
Những vấn đề cơ bản gì đã được chuẩn bị ở Bộ Tổng tham mưu trong những tháng đó?
Hiện nay, một số tác giả các hồi ký về chiến tranh nói rằng, trước chiến tranh chúng ta không có các kế hoạch động viên lực lượng vũ trang và các kế hoạch triển khai chiến lược. Tất nhiên và thực tế là tại Bộ Tổng tham mưu đã có các kế hoạch tác chiến và động viên lực lượng vũ trang. Việc nghiên cứu đề ra và điều chỉnh các kế hoạch đó được tiến hành liên tục. Sau khi thành hình, các kế hoạch đó được báo cáo ngay lên cơ quan lãnh đạo Nhà nước và khi được phê chuẩn, lập tức được đưa tới các quân khu. Sát trước chiến tranh, Cục tác chiến - các tướng G.K. Ma-lan-đin, A.M. Va-xi-lép-xki, A.Ph. A-ni-xốp và các đồng chí khác - đã dành nhiều thì giờ để làm các kế hoạch tác chiến và động viên. Trước khi tôi tới Bộ Tổng tham mưu, việc nghiên cứu đề ra các kế hoạch được tiến hành dưới sự lãnh đạo chung của nguyên soái Liên Xô B.M. Sa-pô-sni-cốp, sau đó là đại tướng K.A. Mê-rét-xốp và trung tướng N.Ph. Va-tu-tin.
Ngay từ mùa thu năm 1940, kế hoạch tiến hành chiến tranh xây dựng trước đây đã được đem ra nghiên cứu lại để làm cho nó có căn cứ hơn và cho nó sát với những nhiệm vụ phải giải quyết trong trường hợp bị tấn công. Nhưng trong kế hoạch, có những sai lầm về chiến lược do một nhận định không đúng gây ra.
Hướng nguy hiểm nhất về mặt chiến lược đã được coi là hướng tây-nam, tức là U-crai-na - chứ không phải hướng tây - tức là Bê-lô-ru-xi mà ở đó tháng 6-1941, bộ chỉ huy tối cao của Hít-le đã tập trung và tung vào những cụm bộ binh và không quân mạnh nhất của chúng.
Vì vậy ngay trong những ngày đầu chiến tranh đã phải điều tập đoàn quân 19, nhiều đơn vị và binh đoàn của tập đoàn quân 16, từ trước vẫn đóng ở U-crai-na hoặc mới chuyển về đó sang hướng tây[2] và các đơn vị này vừa đánh vừa chuyển thuộc Phương diện quân miền Tây. Tình hình đó tất nhiên đã có ảnh hưởng tới quá trình chiến đấu phòng ngự ở hướng tây.
Mùa xuân 1941, từ tháng 2 đến tháng 4, khi đề ra kế hoạch tác chiến, chúng tôi đã không triệt để sửa chữa điều dự tính sai đó. I.V. Xta-lin tin rằng trong cuộc chiến tranh với Liên Xô, bọn Đức trước nhất sẽ nhằm vào chiếm U-crai-na, vùng Đô-nết, để làm cho nước ta bị mất những miền kinh tế hết sức quan trọng, còn chúng thì chiếm được vựa lúa mì U-crai-na, than Đôn-bát, rồi tiếp đó dầu lửa Cáp-ca-dơ. Mùa xuân 1941 khi xét kế hoạch tác chiến, I.V. Xta-lin đã nói: “Không có những nguồn sống hết sức quan trọng đó, bọn Đức phát-xít sẽ không thể tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài và lớn được.”
I.V. Xta-lin có uy tín hết sức lớn đối với tất cả chúng tôi, khi đó không ai nghĩ đến chuyện nghi ngờ những lập luận và nhận định tình hình của I.V. Xta-lin. Tuy rằng sự phán đoán đó của I.V. Xta-lin cũng có cơ sở của nó, nhưng nó đã không tính đến những kế hoạch của quân địch nhằm tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng chống Liên Xô.
Phương án cuối cùng về kế hoạch động viên các lực lượng vũ trang (các vấn đề về tổ chức và vật chất) đã được phê chuẩn hồi tháng 2-1941 và mang ký hiệu MP-41. Đến ngày 1-5-1941, kế hoạch này đã được phổ biến tới các quân khu kèm theo chỉ thị điều chỉnh các kế hoạch tác chiến cũ.
Năm 1940, đã có quyết định đưa ngay một phần quân đội các quân khu phía tây sang các vùng lãnh thổ miền tây mới thống nhất vào Liên Xô. Mặc dù các vùng này chưa được chuẩn bị đúng mức cần thiết để phòng thủ, các đơn vị tuyến một của bộ đội các quân khu phía tây đã sang đóng ở đó.
Ở đây tôi muốn đề cập tới vấn đề những khu phòng thủ vững chắc mới và cũ. Việc xây dựng các khu phòng thủ mới ở biên giới phía tây được khởi công vào đầu năm 1940. Dự án xây dựng các khu đó được I.V. Xta-lin duyệt theo báo cáo của K.E. Vô-rô-si-lốp.
Đến đầu chiến tranh đã xây được gần 2.500 công sự bê-tông cốt sắt, trong số đó 1.000 công sự được trang bị pháo binh phòng ngự, còn 1.500 công sự có súng máy. Song việc xây dựng các khu phòng thủ chưa làm xong hoàn toàn.
Nếu nói về U-crai-na, thì trong tháng 6-1941, các khu được chuẩn bị chiến đấu tốt nhất là các khu Ra-va - Ru-xki và Pê-lê-mư-slơ, trong những ngày đầu chiến tranh các khu này đã đóng vai trò rất tích cực mà tôi sẽ nói tới sau.
Bây giờ tôi muốn nói rõ vấn đề bỏ trang bị pháo binh ở các khu phòng thủ vững chắc cũ.
Từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1941, Hội đồng quân sự trung ương của Hồng quân đã hai lần thảo luận việc nhanh chóng hoàn thành công cuộc xây dựng và trang bị các khu phòng thủ mới. Tôi còn nhớ kỹ những cuộc bàn luận gay gắt diễn ra trong Hội đồng. Nhưng bàn luận gì thì bàn luận vẫn không tìm ra cách giải quyết cụ thể để xúc tiến việc sản xuất pháo binh phòng ngự và đảm bảo những thiết bị cần thiết cho các khu phòng thủ. Vì vậy, Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng chuyên trách về vũ khí, nguyên soái G.I. Cu-lích và Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng chuyên trách về khu phòng thủ, nguyên soái B.M. Sa-pô-sni-cốp, cũng như ủy viên Hội đồng quân sự trung ương A.A. Giơ-đa-nốp đã đề nghị lấy một phần pháo binh phòng ngự ở một số khu phòng thủ cũ để trang bị cho các khu mới đang được xây dựng. Ủy viên nhân dân quốc phòng, nguyên soái Ti-mô-sen-cô và tôi không tán thành đề nghị đó với lý do là các khu phòng thủ cũ còn có thể được dùng tới.
Vì không nhất trí trong Hội đồng quân sự trung ương nên vấn đề được báo cáo lên I.V. Xta-lin. I.V. Xta-lin đồng ý với ý kiến của G.I. Cu-lích, B.M. Sa-pô-sni-cốp, A.A. Giơ-đa-nốp và đã chỉ thị lấy một phần pháo ở các nơi thứ yếu đưa sang các hướng tây và tây-nam.
Các khu phòng thủ cũ được xây dựng trong các năm 1929-1935. Các lô-cốt chủ yếu đều có súng máy. Trong năm 1938-1939, nhiều lô-cốt được tăng cường hệ thống pháo binh. Theo quyết định của Hội đồng quân sự trung ương Hồng quân, ngày 15-11-1939, quân số các khu phòng thủ cũ đã giảm bớt hơn 1/3. Bây giờ ở một số nơi, lại lấy vũ khí đi.
Song, sau khi báo cáo lần thứ hai với I.V. Xta-lin, chúng tôi được phép giữ lại một phần vũ khí ở những nơi bị lấy vũ khí đi.
Về các khu phòng thủ được bắt đầu xây dựng trong các năm 1938-1939, ngày 8-4-1941, Bộ Tổng tham mưu đã ra các chỉ thị số UN/584814 và UN/584815 cho các tư lệnh Quân khu đặc biệt miền Tây và Quân khu Ki-ép với nội dung như sau:
“Cho đến khi có chỉ thị đặc biệt, các khu phòng thủ Xlút-xcơ, Xê-be-giơ, Xê-bê-tốp, I-di-a-xláp, Sta-rô-côn-xtan-ti-nốp, Ô-xtơ-rô-pôn-xcơ vẫn giữ nguyên trạng thái cũ.
Để sử dụng các khu phòng thủ nói trên khi chiến tranh nổ ra, cần phải chuẩn bị và tiến hành các biện pháp sau đây:
- Thành lập bộ máy chỉ huy các vùng phòng thủ vững chắc.
- Để củng cố hệ thống hỏa lực pháo và súng máy ở mỗi khâu phòng thủ và mỗi điểm tựa, cần có các công sự bằng đất và gỗ hoặc bằng bê-tông đá hộc, các công sự này cần được xây dựng trong 10 ngày đầu từ khi chiến tranh nổ ra bằng lực lượng của bộ đội dã chiến...
- Căn cứ theo các dự án và hướng dẫn kỹ thuật của Cục xây dựng các khu phòng thủ của Hồng quân, cần tính toán nhu cầu về vũ khí và thiết bị bên trong đơn giản nhất...
- Khi tính toán lực lượng, phương tiện và các kế hoạch xây dựng, cần chú ý đến các công sự bê-tông cốt sắt đã được xây dựng trong các năm 1938-1939 ở các vùng Lê-ti-chép, Mô-ghi-lép, Yam-pôn-xcơ, Nô-vô-grát, Vô-lưn-xcơ, Min-xcơ, Pô-lốt-xcơ và Mô-dưa...
Cục trưởng Cục xây dựng khu phòng thủ có trách nhiệm đề ra và đến ngày 1-5-1941 gửi cho các quân khu những điểm hướng dẫn kỹ thuật để đặt vũ khí và thiết bị bên trong giản đơn nhất trong các công sự năm 1938-1939”.
Các khu phòng thủ tại biên giới cũ không bị hủy và vũ khí ở đó không bị lấy đi như trong một số hồi ký và tài liệu nghiên cứu lịch sử đã nói. Các khu đó vẫn được giữ lại ở tất cả những nơi và hướng trọng yếu, lại còn được dự định tăng cường thêm. Nhưng quá trình diễn biến chiến sự trong thời gian đầu chiến tranh đã không cho phép thực hiện đầy đủ những biện pháp dự định và không cho phép sử dụng các khu phòng thủ cũ theo đúng ý nghĩa của nó.
Còn về các khu phòng thủ mới, Ủy viên nhân dân quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đã nhiều lần ra chỉ thị cho các quân khu phải đẩy mạnh việc xây dựng. Hàng ngày có gần 14 vạn người làm việc để củng cố công trình quốc phòng trên các biên giới mới. I.V.Xta-lin cũng thúc giục chúng tôi phải làm nhanh công việc này.
Tôi xin nêu ra một chỉ thị số UA/584838 ngày 14-4-1941 của Bộ Tổng tham mưu về vấn đề này:
“Mặc dù đã có nhiều chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, việc xây nắp hầm tránh bom đạn cho các công sự chiến đấu lâu dài và chuẩn bị cho các công sự đó sẵn sàng chiến đấu được tiến hành hết sức chậm chạp.
Ủy viên nhân dân quốc phòng ra lệnh:
1. Toàn bộ vũ khí dành cho các vùng phòng thủ trong phạm vi quân khu cần được bố trí xong trong các công sự chiến đấu và chuẩn bị cho các công sự sẵn sàng chiến đấu.
2. Nếu thiếu thiết bị đặc biệt thì tạm thời (che lấp giản đơn) đặt các thượng liên, đại liên vào các hầm có lỗ châu mai và nơi nào có thể, đặt cả các pháo vào ụ súng.
3. Đưa các công sự vào tư thế sẵn sàng chiến đấu dù còn thiếu các thiết bị khác theo quy định, nhưng nhất thiết phải có các cửa bằng thép, bằng kim loại và có chấn song.
4. Tổ chức việc trông nom và bảo vệ chu đáo các thiết bị trong công sự.
5. Cục trưởng Cục xây dựng khu phòng thủ của Hồng Quân có trách nhiệm gửi ngay tới các quân khu những chỉ thị kỹ thuật về việc đặt các thiết bị tạm thời trong các công sự bê-tông cốt sắt.
Đến ngày 25-4-1941 phải báo cáo lên Bộ tổng tham mưu Hồng quân về những biện pháp đã tiến hành.
Tổng tham mưu trưởng Hồng quân
Đại tướng GIU-CỐP đã ký
Sao nguyên bản: Cục trưởng Cục các khu phòng thủ
Bộ Tổng tham mưu Hồng quân
Thiếu tướng X. SI-RI-A-EP”
Tháng 3-1941, Bộ Tổng tham mưu hoàn thành việc nghiên cứu kế hoạch động viên đối với công nghiệp sản xuất sản phẩm quốc phòng trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Tôi và Phó tổng tham mưu trưởng, tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki báo cáo kế hoạch này với Chủ nhiệm ủy ban quốc phòng thuộc Hội đồng các ủy viên nhân dân.
Bộ Tổng tham mưu còn có một bản báo cáo đặc biệt nói về đạn dược gửi lên Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng các ủy viên nhân dân. Bản báo cáo này chuyên nói về việc bảo đảm đạn dược cho pháo binh. Chúng tôi nêu lên tình hình hết sức nghiêm trọng đối với đạn trái phá và đạn cối. Đạn lựu pháo, cao xạ và pháo chống tăng không đủ. Đặc biệt đạn cho các loại pháo tối tân rất thiếu.
I.V. Xta-lin ra chỉ thị phải nghiên cứu bản báo cáo của chúng tôi và cùng với Bộ Ủy viên nhân dân đạn dược và Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng báo cáo xem trên thực tế, những gì cần phải làm và có thể làm được.
N.A. Vô-dơ-nê-xen-xki và các đồng chí khác cho rằng những yêu cầu của chúng tôi quá cao và đã báo cáo với I.V. Xta-lin là yêu cầu về năm 1941 cần được giải quyết nhiều nhất là 20%. Đề nghị này được phê chuẩn.
Song, sau khi nghe báo cáo lần thứ hai, I.V. Xta-lin đã chỉ thị ra chỉ lệnh đặc biệt, trong nửa sau năm 1941- đầu 1942 phải sản xuất đạn dược nhiều hơn nữa.
Trong suốt mùa xuân năm 1941, các cơ quan hậu cần trung ương thuộc Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng đã tích cực lo việc tăng thêm kho dự trữ lâu dài cho tất cả các quân khu gần biên giới phía tây. Số kho này lấy ở số dự trữ của nhà nước về nhiên liệu, lương thực và các vật dụng. Các kho đạn pháo binh quân khu nhận được thêm nhiều đạn dược do các kho của Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng cung cấp.
Ủy viên nhân dân quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và cả tôi nữa đều cho rằng trong điều kiện chiến tranh đang nhích gần, cần phải đưa các phương tiện vật chất và kỹ thuật tới gần quân đội, gần người sử dụng. Đã tưởng như vậy là đúng, nhưng sau thì thấy rằng tất cả chúng tôi đã sai. Khi chiến tranh nổ ra, quân địch trong một thời hạn ngắn đã chiếm được những lượng dự trữ vật chất, kỹ thuật của các quân khu, điều đó đã gây khó khăn đối với việc cung cấp cho quân đội và đối với những biện pháp nhằm xây dựng lực lượng dự bị.
Mùa xuân năm 1941, trong khi nghiên cứu các kế hoạch tác chiến, chúng tôi chưa cân nhắc thật đầy đủ các phương thức mới để tiến hành chiến tranh trong giai đoạn đầu. Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đã cho rằng, chiến tranh giữa các nước lớn như Đức và Liên Xô có thể bắt đầu ở cả hai bên theo trình tự đã có từ trước: quân chủ lực sẽ bước vào chiến đấu mấy ngày sau những trận đánh ở biên giới. Về mặt thời hạn tập trung và điều quân, chúng tôi cho rằng, nước Đức phát-xít cũng ở trong những điều kiện giống như chúng ta. Trên thực tế thì lực lượng cũng như điều kiện rất khác nhau.
Khả năng kinh tế của Đức cho đến khi tiến công Liên Xô như thế nào?
Sau khi nắm được hầu hết các nguồn lực kinh tế và quân sự chiến lược của châu Âu, nước Đức, như chúng ta đều biết, đã trang bị cho lực lượng vũ trang của chúng đầy đủ vũ khí hiện đại, binh khí kỹ thuật và đủ số lượng phương tiện vật chất. Tình hình ở Tây Âu không có các hoạt động tích cực về mặt quân sự đã làm cho bọn Hít-le rảnh rang tập trung tất cả các lực lượng chủ lực của chúng để đánh Liên Xô.
Sát trước chiến tranh, nước Đức cùng với các nước bị Đức chiếm đóng sản xuất được 31,8 triệu tấn thép, một mình Đức khai thác được 257,4 triệu tấn than, và cùng với các nước chư hầu - 439 triệu tấn. Liên Xô thì sản xuất được 18,3 triệu tấn thép, 165,9 triệu tấn than. Chỗ yếu của Đức là khai thác dầu lửa, nhưng trong mức độ nào đó nó đã được bù đắp bằng việc nhập dầu lửa Ru-ma-ni, bằng số dự trữ đã có và nhiên liệu nhân tạo.
Sau khi trắng trợn hủy bỏ những điều hạn chế của hiệp ước Véc-xây, bọn cầm đầu nước Đức, nhằm đảm bảo các kế hoạch xâm lược của chúng, đã hướng toàn bộ chính sách kinh tế vào việc phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược mà chúng dự định tiến hành. Công nghiệp Đức đã chuyển toàn bộ sang kinh tế chiến tranh. Tất cả những việc khác đều lùi lại phía sau.
Nước Đức đã có một tiềm lực kinh tế chiến tranh lớn, trong thời gian tương đối ngắn đã xây dựng hơn 300 nhà máy lớn sản xuất hàng quân sự, mức sản xuất hàng chiến tranh ở Đức năm 1940 đã tăng lên 2/3 so với năm 1939 và 22 lần so với năm 1932. Năm 1941, công nghiệp Đức đã sản xuất hơn 11.000 máy bay, 5.200 xe tăng và xe bọc thép, 30 nghìn pháo các cỡ, gần 1,7 triệu carbin, súng trường và tiểu liên. Thêm vào đó cần tính thêm những lượng dự trữ lớn vũ khí cướp được và sức mạnh sản xuất của các nước chư hầu của Đức và của các nước bị Đức chiếm đóng.
Hồi đó chúng ta đã biết những gì về lực lượng vũ trang mà Đức tập trung để đánh Liên Xô?
Theo các tài liệu của Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng Quân do tướng Ph.I. Gô-li-cốp phụ trách, nước Đức bắt đầu đưa thêm quân tới Đông Phổ, Ba Lan và Ru-ma-ni từ cuối tháng 1-1941. Cục tình báo cho biết, trong tháng 2 và tháng 3, số lượng quân địch đã tăng lên 9 sư đoàn: đối diện với Quân khu Pri-ban-tích có thêm 3 sư đoàn bộ binh; đối diện với Quân khu miền tây có thêm 2 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn xe tăng; đối diện với Quân khu Ki-ép có thêm 2 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn xe tăng; đối diện với Quân khu Ô-đét-xa có 1 sư đoàn bộ binh và 3 trung đoàn xe tăng.
Tin này do Cục trưởng Cục tình báo tướng Ph.I. Gô-li-cốp nêu ra, đã được chúng tôi báo cáo ngay lên I.V.Xta-lin. Tôi không biết tướng Ph.I. Gô-li-cốp còn báo cáo riêng với I.V.Xta-lin những tin tức tình báo gì nữa.
Đến ngày 4-4-1941, quân số tăng thêm của Đức từ biển Ban-tích đến Xlô-va-ki, theo tài liệu của tướng Ph.I. Gô-li-cốp, là 5 sư đoàn bộ binh và 6 sư đoàn xe tăng. Đối diện với Liên Xô, tất cả có 72-73 sư đoàn. Cộng với số lượng đó cần phải tính thêm số quân đội Đức đóng ở Ru-ma-ni và Hung-ga-ri tất cả là 9 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn cơ giới.
Đến ngày 5-5-1941, theo báo cáo của tướng Ph.I. Gô-li-cốp, số lượng quân đội Đức chuẩn bị đánh Liên Xô đã lên tới 103-107 sư đoàn, kể cả 6 sư đoàn đóng ở vùng Đan-xích và Pô-dơ-nan, và 5 sư đoàn ở Phần Lan. Sự phân bố các sư đoàn đó ở các nơi như sau: ở Đông Phổ, 23-24 sư đoàn; ở Ba Lan đối diện Quân khu miền Tây, 29 sư đoàn; ở Ba Lan đối diện Quân khu Ki-ép, 31-34 sư đoàn; ở Pri-các-pát, 14-15 sư đoàn.
Quân địch ráo riết tiến hành công việc chuẩn bị chiến trường: lập đường sắt thứ hai tới Xlô-va-ki và Ru-ma-ni, mở rộng mạng lưới các sân bay và các bãi đỗ máy bay, tăng cường xây dựng các kho quân dụng. Tại các thành phố và các công trình công nghiệp, chúng tổ chức huấn luyện phòng không, xây dựng các hầm trú ẩn và tiến hành các cuộc động viên thử.
Trong số quân đội Hung-ga-ri có tới 4 binh đoàn đóng ở vùng U-crai-na - Pri-các-pát, một phần đáng kể quân đội Ru-ma-ni đóng ở miền Các-pát.
Ở Phần Lan, quân Đức đổ bộ lên cảng A-bô, ở đây từ ngày 10 đến ngày 29 tháng 4, chúng đã đổ bộ tới 22.000 quân, số quân này về sau đã chuyển đến vùng Rô-va-ni-ê-mi rồi đến Kiếc-ki-ne-xơ.
Tướng Ph.I. Gô-li-cốp cho rằng trong thời gian tới, quân đội Đức có thể sẽ còn được tăng thêm bằng lực lượng có thể rút ở Nam Tư.
Đến ngày 1-6-1941, theo tài liệu của Cục tình báo, để chuẩn bị đánh Liên Xô, Đức đã có tới 120 sư đoàn.
Mùa xuân 1941, bọn Hít-le đã yên tâm vì thấy đối phương phía tây không có những hành động đe dọa nghiêm trọng, và cùng thời gian đó lực lượng chủ lực của chúng đã được tập trung dọc suốt từ biển Ban-tích đến biển Đen.
Đến tháng 6-1941, Đức đã đưa tổng số quân đội của chúng lên tới 8,5 triệu người, tăng 3,55 triệu người so với năm 1940, tức là lên tới 208 sư đoàn. Đến tháng 6, các lực lượng vũ trang Liên Xô có gần 5 triệu người, tính cả các đợt nhập ngũ bổ sung.
Hít-le cho rằng thời cơ có lợi để tiến công Liên Xô đã đến. Hắn vội vã và không phải là không có cơ sở. ..
Bộ chỉ huy Đức bắt đầu ồ ạt chuyển quân sang phía Đông từ ngày 25-5-1941. Tới thời gian này đường sắt của đức hoạt động ở mức cao nhất. Riêng từ 25-5 đến giữa tháng 6, đã có 47 sư đoàn Đức, trong đó có 28 sư đoàn xe tăng và cơ giới, được đưa tới gần biên giới Liên Xô.
Còn ở phía chúng ta tình hình diễn ra như sau. Trong suốt tháng 3 và tháng 4 năm 1941, Bộ Tổng tham mưu khẩn trương làm việc để xác định kế hoạch bảo vệ biên giới phía tây và kế hoạch động viên khi chiến tranh nổ ra. Trong khi xác định kế hoạch bảo vệ, chúng tôi báo cáo với I.V.Xta-lin rằng, chúng tôi đã tính toán và thấy quân số hiện có của các Quân khu Pri-ban-tích, miền Tây, Ki-ép, Ô-đét-xa sẽ không đủ để chống lại sự tiến công của quân Đức. Cần phải cấp tốc lấy ngay quân của các đơn vị ở phía trong để thành lập một vài tập đoàn quân và để đề phòng mọi trường hợp bất trắc, đầu tháng 5, phải đưa các đơn vị đó đến Pri-ban-tích, Bê-lô-ru-xi và U-crai-na.
Bốn tập đoàn quân với quân số giảm bớt đã được điều về U-crai-na và Bê-lô-ru-xi - mỗi nơi hai tập đoàn quân dưới hình thức tập hành quân dã ngoại. Chúng tôi được căn dặn là phải hết sức thận trọng và phải có các biện pháp giữ bí mật về cuộc điều động này. Cùng khi đó, I.V.Xta-lin ra chỉ thị phải tăng cường bằng mọi cách công việc xây dựng mạng lưới các sân bay cơ bản và dã chiến. Nhưng chỉ được phép lấy sức người sau khi hoàn thành công việc đồng áng vụ xuân.
Một lần, sau cuộc họp bàn công việc thường lệ, I.V.Xta-lin có hỏi về tình hình gọi thêm quân hậu bị vào quân thường trực. Ủy viên nhân dân quốc phòng trả lời rằng, việc tuyển quân được tiến hành bình thường, quân số tuyển thêm đến cuối tháng 4 sẽ có mặt ở các quân khu gần biên giới. Đầu tháng 5, các đơn vị sẽ bắt đầu huấn luyện số quân này.
Ngày 13-5, Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị điều quân từ các quân khu phía trong sang phía tây. Tập đoàn quân 22 từ U-ran chuyển đến khu Vê-li-ki Lu-ki; tập đoàn quân 21 từ Quân khu Pri-vôn-ga đến Gô-men; tập đoàn quân 19 từ Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ đến Be-lai-a Séc-cốp; quân đoàn khinh binh 25 từ Quân khu Khác-cốp đến giáp Tây Đờ-vi-na; tập đoàn quân 16 từ Da-bai-can đến Se-pê-tốp-ca thuộc U-crai-na.
Tổng cộng trong tháng 5, đã có 28 sư đoàn khinh binh và 4 cơ quan tư lệnh tập đoàn quân được chuyển từ các quân khu phía trong tới gần biên giới phía tây.
Cuối tháng 5, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho các tư lệnh quân khu gần biên giới cấp tốc chuẩn bị các sở chỉ huy, và giữa tháng 6 đã chỉ thị đưa các cơ quan chỉ huy các phương diện quân tới các sở chỉ huy đó: Phương diện quân Tây-bắc - tới vùng Pa-nê-vê-gi-xơ; Phương diện quân miền Tây tới vùng O-bu-dơ; Phương diện quân Tây-nam - tới vùng Téc-nô-pôn; Quân khu Ô-đét-xa với tính chất là cơ quan chỉ huy tập đoàn quân tới Ti-ra-xpôn. Cơ quan chỉ huy dã chiến của các phương diện quân và các tập đoàn quân từ ngày 21 đến 25 tháng 6 phải đến các vùng đó.
Đóng gần với đối phương hơn cả có 47 đơn vị bộ binh và 6 đơn vị hải quân biên phòng, 9 đơn vị biên phòng độc lập, 11 trung đoàn quân tác chiến thuộc Bộ Ủy viên nhân dân nội vụ và các sư đoàn khinh binh tuyến I đóng sát biên giới nhưng chưa triển khai đội hình chiến đấu thuộc các tập đoàn quân bảo vệ biên giới.
Tổng cộng ở các quân khu và các hạm đội gần biên giới miền tây có 2,9 triệu người, hơn 1.500 máy bay các loại mới và khá nhiều máy bay các loại cũ, gần 35.000 pháo và súng cối (không có súng cối 50 mm), 1.800 xe tăng hạng nặng và hạng vừa (2/3 là xe tăng các loại mới) và một số đáng kể các xe tăng loại nhẹ hạn chế về sức mạnh.
Việc huấn luyện chiến đấu và tinh thần chiến đấu ở các quân khu gần biên giới không đều nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: truyền thống của cán bộ chỉ huy trong việc giáo dục bộ đội, tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, tính tổ chức và quyết tâm trong việc thực hiện những yêu cầu của điều lệnh chiến đấu. Bây giờ khó mà dựng lại một cách đầy đủ tất cả những gì đã diễn ra ở các quân khu gần biên giới và thuật lại không khí của các nơi đó khi chiến tranh nổ ra. Tôi còn nhớ, trong thời gian đầu làm việc ở Bộ Tổng tham mưu, tôi vẫn nghĩ tới quân khu đặc biệt Ki-ép là nơi tôi mới rời khỏi. Tình hình ở đó ra sao?
Nhân đây tôi muốn trích dẫn vài đoạn trong hồi ký của nguyên soái Liên Xô I.Kh. Ba-gra-mi-an - hồi đó là đại tá trưởng phòng tác chiến Quân khu đặc biệt Ki-ép. Tôi nghĩ rằng những trang hồi ký này phản ánh đúng tình hình công việc trong quân đội với tất cả những khó khăn của những tháng sau cùng trước chiến tranh.
“Chúng tôi vừa mới tiễn đồng chí tư lệnh của mình đi dự Hội nghị Đảng lần thứ XVIII - I.Kh. Ba-gra-mi-an viết - thì Bộ Tổng tham mưu có chỉ thị: tham mưu trưởng quân khu cùng với nhóm các tướng và sĩ quan tham gia vào việc xây dựng kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia phải về Mát-xcơ-va ngay. Cùng với M.A. Puốc-ca-ép lên đường đi Mát-xcơ-va còn có các tướng N.A. La-xkin - tham mưu trưởng không quân, I.I. Tơ-rút-cô - phó tham mưu trưởng quân khu phụ trách các vấn đề tác chiến - hậu cần, D.M. đô-bư-kin - chủ nhiệm thông tin quân khu, đại tá A.A. Coóc-xu-nốp - trưởng phòng giao thông quân sự quân khu, tôi và người phó của tôi - đại tá A.I. Đa-ni-lốp. Đến Mát-xcơ-va mới biết rõ mọi việc: tất cả chúng tôi phải tham gia việc nghiên cứu những biện pháp tác chiến của quân khu.
Công việc của chúng tôi đang tiếp tục thì bỗng có lệnh cho chúng tôi phải trở về Ki-ép ngay để thi hành nhiệm vụ theo chức vụ ở đây, trước hết phải xem xét các kế hoạch bảo vệ biên giới của các tập đoàn quân do các bộ tham mưu các tập đoàn quân đề ra theo chỉ thị của bộ tư lệnh quân khu. Chúng tôi rất mừng là các kế hoạch của các tập đoàn quân không đòi hỏi phải chỉnh lý nhiều. Chỉ cần sửa đổi chút ít.
Song, ít lâu sau - ngay sau khi bọn phát xít bắt đầu chiếm đóng Nam Tư - Bộ Tổng tham mưu chỉ thị dựa vào kế hoạch bảo vệ biên giới nhiều điều bổ sung quan trọng. Bộ tư lệnh quân khu được lệnh phải tăng thêm quân số đảm đương nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ biên giới...
Tướng Kiếc-pô-nô-xơ phàn nàn rằng lực lượng dự bị ở đây đã giảm sút rõ rệt và lực lượng đưa vào “phòng thủ tiêu cực” là quá nhiều so với mức cần thiết. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh: ngày 18-4, chúng tôi đã chỉ thị cho các tập đoàn quân đưa vào kế hoạch những sự thay đổi đó. Do nguyên nhân này nên trong tháng 4 chúng tôi cũng vẫn chưa “chấm” xong các kế hoạch bảo vệ biên giới của các tập đoàn quân.
Tham mưu trưởng các tập đoàn quân cùng với các cán bộ tham gia xây dựng kế hoạch lại được triệu tập về Bộ tham mưu quân khu. Mọi việc lại được làm lại từ đầu. Khó khăn lớn kéo dài công việc là ở chỗ các tướng và sĩ quan thảo kế hoạch phải tự tay viết tất cả từ trang thứ nhất đến trang cuối cùng...
Việc làm lại các kế hoạch cần phải kết thúc trước ngày 10-5. May thay, đó là sự bổ sung quan trọng lần cuối cùng, chứ không thì các kế hoạch có thể không được dựng xong trước khi bọn phát-xít bắt đầu tiến công.
Trong nửa sau của tháng 4, cơ quan lãnh đạo Hồng quân bắt đầu tích cực thực hiện những biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh cho các quân khu gần biên giới. Tôi còn nhớ, ngày 26-4, quân khu chúng tôi nhận được lệnh của Mát-xcơ-va: tới ngày 1-6 phải tổ chức xong 5 lữ đoàn pháo cơ động chống tăng và một quân đoàn đổ bộ đường không. Bốn sư đoàn khinh binh của chúng tôi được cải tổ thành các sư đoàn khinh binh chiến đấu ở rừng núi. Bộ tư lệnh quân khu được báo cho biết, đến ngày 25-5, quân khu được bổ sung thêm cơ quan chỉ huy quân đoàn bộ binh nhẹ thứ 31 từ Viễn Đông tới.
Tháng xuân cuối cùng không hề làm ấm thêm bầu không khí quan hệ quốc tế. Việc I.V. Xta-lin bỗng nhiên được cử làm Chủ tịch Hội đồng các Ủy viên nhân dân được mọi người trong quân khu coi là điều chứng tỏ tình hình quốc tế trở nên phức tạp. Lần đầu tiên trong những năm có chính quyền xô-viết, sự lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước tập trung vào một người. Ngoài ra còn những dấu hiệu khác về mối nguy cơ đang tăng nhanh.
Vào nửa sau của tháng 5, chúng tôi nhận được của Bộ tổng tham mưu lệnh tiếp nhận của Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ và bố trí nơi đóng quân cho cơ quan chỉ huy quân đoàn bộ binh nhẹ 34 cùng với các đơn vị của nó - 4 sư đoàn khinh binh với quân số 12.000 người mỗi sư đoàn và một sư đoàn khinh binh chiến đấu ở rừng núi.
Một đoàn cán bộ thuộc Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ do phó tư lệnh thứ nhất quân khu, trung tướng M.A. Rây-te đứng đầu, sẽ tới để chỉ huy các đơn vị này. Việc bố trí số quân mới tới cũng do Bộ tổng tham mưu quy định. Theo lệnh này thì các đơn vị của Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ sẽ bắt đầu tới vào ngày 20-5. Mặc dù mệnh lệnh này không phải là bất ngờ đối với bộ tư lệnh, song vẫn là điều phải lo: trong một thời gian ngắn phải bố trí cho hầu như cả một tập đoàn quân. Do phải làm nhiệm vụ mới khẩn cấp nên chúng tôi đành phải hoãn lại cuộc diễn tập cán bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu các tập đoàn quân đã được dự định tiến hành vào nửa thứ hai của tháng 5.
Cuối tháng 5, các đoàn quân cuồn cuộn tới quân khu. Phòng tác chiến trở thành tựa như trạm điều hành, ở đó tập trung toàn bộ tin tức hành quân và tình hình các đơn vị thuộc quân khu Bắc Cáp-ca-dơ tới. Tôi còn nhớ một việc điển hình. Các cán bộ chỉ huy được cử đến nắm các sư đoàn bổ sung cho quân khu, khi báo cáo về khả năng chiến đấu của các sư đoàn này đã nhấn mạnh rằng, tất cả các đơn vị đều tổ chức theo quy chế thời bình do đó thiếu không những một số lớn quân số và cán bộ chỉ huy, mà thiếu cả trang bị kỹ thuật, trước hết là các phương tiện vận tải và phương tiện liên lạc, mà lẽ ra các sư đoàn được nhận khi có lệnh động viên.
Rõ ràng là cả trong vấn đề này, ý muốn nghiêm chỉnh tuân thủ những điều kiện của hiệp ước với Đức phát-xít cũng đã có tác dụng không nhỏ.
Tôi xin nói trước một chút, khi chiến tranh nổ ra, các sư đoàn này được cấp tốc điều đến hướng chiến lược phía tây và trong khi đang hành quân đã buộc phải đánh nhau.
Năm sư đoàn của Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ chưa kịp hoàn thành việc tập trung ở phạm vi quân khu chúng tôi, thì đầu tháng 6, Bộ Tổng tham mưu đã báo tin, Ủy viên nhân dân quốc phòng ra lệnh thành lập bộ tư lệnh tập đoàn quân 19 và đến ngày 10-6, bộ tư lệnh này phải tới Chéc-ca-xư. Tập đoàn quân 19 gồm 5 sư đoàn thuộc quân đoàn khinh binh 34 và 3 sư đoàn thuộc quân đoàn khinh binh 25, tất cả đều của Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ. Thêm vào đó mệnh lệnh lại quy định rằng, tập đoàn quân mới trực thuộc Ủy viên nhân dân quốc phòng. Tư lệnh Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ, trung tướng I.X. Cô-nép được cử chỉ huy tập đoàn quân này.
Ngày hôm sau, Bộ Tổng tham mưu báo cho bộ tư lệnh quân khu chuẩn bị tiếp nhận và bố trí nơi đóng quân cho một tập đoàn quân nữa - tập đoàn quân 16 của trung tướng M.Ph. Lu-kin từ Da-bai-can tới. Kế hoạch dự tính tập trung đủ quân của tướng Lu-kin trên đất Quân khu đặc biệt Ki-ép trong thời gian từ 15-6 đến 10-7.
Như vậy là trong một thời gian rất ngắn, chúng tôi phải tiếp nhận và bố trí cho tập đoàn quân thứ hai nữa ở trong phạm vi quân khu. Điều đó làm mọi người phấn khởi. Không còn phải lo, khi chiến tranh nổ ra, ở phía sau chúng tôi không có quân đội. Bây giờ đã thấy hoàn toàn rõ ràng là Ủy viên nhân dân quốc phòng và Bộ tổng tham mưu đã quan tâm đến điều đó khi ra lệnh chuẩn bị đưa tất cả các lực lượng của quân khu tới trực tiếp gần biên giới”[3].
Có lẽ bây giờ đã đến lúc có thể nói về sai lầm chính của thời kỳ ấy và tất nhiên, từ đó sinh ra nhiều sai lầm khác, đó là việc tính sai thời gian quân đội phát-xít Đức có thể tiến công.
Trong kế hoạch tác chiến năm 1940 mà sau khi chỉnh lý đã được áp dụng trong năm 1941, có đề ra:
- trong trường hợp có nguy cơ chiến tranh, tất cả các lực lượng vũ trang phải ở trong tư thế hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu;
- lập tức tiến hành ở trong nước việc động viên nhập ngũ;
- phát triển các đơn vị đúng với biên chế thời chiến theo kế hoạch động viên;
- tập trung và triển khai tất cả lực lượng được động viên trên các vùng biên giới phía tây theo kế hoạch của các quân khu gần biên giới và của Bộ tổng tư lệnh.
Những biện pháp đề ra trong kế hoạch tác chiến và động viên nói trên chỉ được thi hành khi có quyết định đặc biệt của Chính phủ. Quyết định đặc biệt đó mãi tới rạng sáng ngày 22-6-1941 mới có. Còn trong những tháng gần sát chiến tranh, các chỉ thị của cơ quan lãnh đạo không thấy đề ra những biện pháp cần tiến hành khẩn cấp trong thời kỳ chiến tranh đặc biệt uy hiếp.
Tất nhiên, nảy ra vấn đề: vì sao cơ quan lãnh đạo do I.V. Xta-lin đứng đầu không thực hiện những biện pháp của kế hoạch tác chiến thời chiến mà mình đã phê chuẩn?
Về những thiếu sót và sự tính sai này, người ta thường quy vào lỗi của I.V. Xta-lin. Tất nhiên, I.V.Xta-lin quả là có những thiếu sót nhưng không thể xem xét nguyên nhân các khuyết điểm đó tách rời những quá trình và hiện tượng lịch sử khách quan, tách rời toàn bộ khối tổng hợp các nhân tố kinh tế và chính trị. Không có gì giản đơn hơn việc trở lại từ đầu để đánh giá các sự kiện khi tất cả mọi hậu quả của nó đã rõ ràng. Và không có gì phức tạp bằng việc phân tích rõ được toàn bộ khối tổng hợp các vấn đề, toàn bộ sự đấu tranh giữa các lực lượng, đối chiếu rất nhiều các ý kiến, các tài liệu và các sự việc ngay trong thời kỳ lịch sử đó.
So sánh và phân tích tất cả những lời của I.V. Xta-lin nói với những người gần gũi trong những lần tôi có mặt, tôi nhận thấy một điều chắc chắn: tất cả ý nghĩ và việc làm của I.V. Xta-lin đều quán triệt một mong muốn: tránh chiến tranh và tin tưởng rằng có thể đạt được điều đó.
I.V. Xta-lin hiểu rất rõ rằng, chiến tranh với một quân thù mạnh và có kinh nghiệm như Đức phát-xít có thể sẽ gây ra cho nhân dân Liên Xô những tai họa như thế nào, vì vậy I.V. Xta-lin cũng như toàn thể Đảng ta cố tìm cách ngăn chặn nó lại.
Bây giờ ngay trước mắt chúng ta, đặc biệt trong những tài liệu được công bố rộng rãi, về cơ bản có đủ những tài liệu báo trước về cuộc tiến công đã chuẩn bị đánh vào Liên Xô và về việc quân đội Đức đã tập trung ở biên giới nước ta, v..v... Nhưng, các tài liệu thu thập được sau khi phát-xít Đức bị đánh bại lại chứng minh rằng, hồi đó, nhiều tin tức, thông báo hoàn toàn thuộc loại khác đã được đưa tới bàn làm việc của Xta-lin. Đây là một ví dụ.
Theo lệnh của Hít-le đưa ra trong cuộc họp ngày 3-2-1941, tổng tham mưu trưởng Đức, thống chế Cây-ten ngày 15-2-1941 đã ra “chỉ thị đặc biệt về việc đánh lạc hướng đối phương”. Để giữ kín việc chuẩn bị cho chiến dịch “Bác-ba-rô-xơ”, cục tình báo và phản gián bộ tổng tham mưu quân Đức đã đề ra và thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm tung ra những lời đồn và tin tức giả. Việc điều quân sang phía đông được dựng lên như là “thủ đoạn đánh lạc hướng lớn nhất trong lịch sử để làm cho người ta không chú ý đến những công việc chuẩn bị cuối cùng cho cuộc xâm nhập vào Anh”.
Những tài liệu về địa dư nước Anh được in ra rất nhiều. Nhân viên phiên dịch tiếng Anh được phái thêm đến các đơn vị quân đội. Việc “phong tỏa” một số vùng trên bờ eo biển Măng-sơ, Pa-đơ Ca-le và ở Na Uy được chuẩn bị. Tin về quân đoàn đổ bộ đường không tưởng tượng được tung ra. Những ụ tên lửa giả được bố trí trên bờ biển. Trong quân đội truyền bá tin về khả năng được đi nghỉ trước khi đánh Anh, và về khả năng quân Đức sẽ vượt qua lãnh thổ Liên Xô để đánh Ấn Độ. Để làm cho giả thuyết về việc đổ bộ sang Anh thêm phần đúng sự thật, Đức đề ra những kế hoạch đặc biệt mang mật hiệu “cá mập” và “đinh ba”. Bộ máy tuyên truyền hoàn toàn quay vào việc chống Anh và thôi không chống Liên Xô như thường lệ nữa. Các nhân viên ngoại giao cũng tham gia vào công việc này, v..v...
Những tài liệu về tin tức giả đó cộng với tình trạng thiếu sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang đã làm cho I.V. Xta-lin hết sức thận trọng khi đưa ra thực hiện những biện pháp cơ bản của kế hoạch tác chiến - động viên nhằm chuẩn bị chống lại cuộc xâm lược có thể xảy ra.
I.V. Xta-lin còn tính đến tình hình, do chuyển từ hệ thống địa phương sang hệ thống chính quy, các cán bộ chỉ huy và chính trị phụ trách các đơn vị còn chưa nắm được nghệ thuật chiến dịch - chiến thuật theo cấp mình.
Thi hành nghị quyết của Đại hội Dáng lần thứ XVIII và các chỉ thị sau đó của Ban chấp hành trung ương Đảng về việc lựa chọn, đào tạo và giáo dục các cán bộ lãnh đạo, cho đến mùa hè 1941, các cấp chỉ huy, các cơ quan công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội đã tiến hành một khối lớn công tác huấn luyện, giáo dục để nâng cao trình độ lý luận chung và năng lực thực hành của cán bộ. Song vấn đề cán bộ chỉ huy lực lượng vũ trang trong các năm 1940 - 1941 vẫn còn gay go. Việc đề bạt hàng loạt cán bộ chỉ huy trẻ, chưa qua trận mạc lên giữ các chức vụ cao, trong một thời gian nào đó, đã làm giảm sức chiến đấu của quân đội. Sát trước chiến tranh trong khi tiến hành những biện pháp quan trọng và lớn lao về mặt tổ chức, đã cảm thấy thiếu đội ngũ cán bộ chỉ huy giỏi, không đủ chuyên gia, chiến sĩ lái xe tăng, chiến sĩ pháo binh, phi công và đội ngũ nhân viên kỹ thuật hàng không cũng mỏng. Qua đó càng thấy rõ quân số đã tăng lên nhiều. Mọi nhược điểm đó, dự tính đến cuối năm 1941 sẽ có thể khắc phục về căn bản.
Trong khi mong muốn giữ vững hòa bình, coi đó là điều kiện quyết định đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, I.V. Xta-lin thấy rằng, các chính phủ Anh và Mỹ đã làm mọi việc để đẩy Hít-le tới chỗ gây chiến tranh với Liên Xô, rằng, Anh và các nước phương Tây khác bị lâm vào tình trạng chiến tranh nặng nề và muốn cứu mình khỏi tai họa nên hết sức trông chờ vào việc Đức tiến công Liên Xô. Chính vì thế mà I.V. Xta-lin nghi ngờ thông báo của các chính phủ phương Tây cho biết về việc Đức chuẩn bị tiến công Liên Xô.
Chúng ta chỉ cần nhắc đến một số sự việc, mà những tin tức về nó đã làm cho I.V. Xta-lin thêm hoài nghi các thông báo nói trên. Đó là việc đàm phán bí mật với Đức phát-xít ở Luân Đôn, cũng vào năm 1939, khi Liên Xô đang tiến hành các cuộc đàm phán quân sự với Anh và Pháp mà tôi đã kể.
Giới ngoại giao Anh muốn thỏa thuận với bọn Hít-le trong việc phân chia phạm vi ảnh hưởng của nhau trên thế giới. Bộ trưởng thương mại Hát-sơn trong cuộc đàm phán với Vôn-tát - cố vấn mật của chính phủ Đức, một người gần gũi của thống chế Gơ-rinh – đã tuyên bố rằng, đối với hai nước, có ba khu vực rộng lớn để hoạt động kinh tế: hệ thống các thuộc địa Anh, Trung Quốc và Nga.
Cuộc đàm phán này đã bàn tới các vấn đề chính trị và quân sự, các vấn đề tìm kiếm nguyên liệu cho Đức, v..v... Tham gia cuộc đàm phán còn có các nhân vật khác; đại sứ Đức ở Luân Đôn là Điếc-sen báo cáo về Béc-lanh rằng, y nhận thấy có “những chính sách có chiều hướng xây dựng trong giới cầm quyền ở đây”.
Nhân đây tôi thấy rất đúng chỗ để nhắc lại rằng, khi Hít-le định đề nghị với Liên Xô cùng nhau tính đến việc phân chia thế giới ra các phạm vi ảnh hường, thì đã bị Liên Xô bác bỏ thẳng thừng và dứt khoát, thậm chí chúng ta phản đối ngay cả việc nói về vấn đề này. Những tài liệu và những người tham gia vào chuyến đi của V.M. Mô-lô-tốp sang Béc-lanh tháng 11-1940 đã chứng minh việc này.
Như mọi người đã biết, cuối tháng 4, U. Sớc-sin gửi thông điệp cho I.V. Xta-lin. Bức thông điệp đó viết: “Tôi nhận được tin chắc chắn của một người đáng tin cho biết; sau khi cho là Nam Tư đã nằm trong rọ của chúng, tức là vào ngày 20-3, bọn Đức đã điều 3 sư đoàn xe tăng và xe bọc thép trong số 5 sư đoàn đóng ở Ru-ma-ni sang miền Nam Ba Lan. Nhưng khi chúng được tin về cuộc cách mạng ở Séc-bi, việc điều quân này đã bị bãi bỏ. Ngài sẽ dễ dàng đánh giá được ý nghĩa của hành động này”. I.V. Xta-lin không tin vào bức thông điệp này. Năm 1940, có lúc báo chí thế giới đã truyền đi tin đồn về việc giới cầm quyền Anh và Pháp đích thân chuẩn bị tiến công vào Bắc Cáp-ca-dơ, ném bom Ba-cu, Grô-dơ-nưi, Mai-cốp. Sau đó lại xuất hiện các tài liệu xác nhận điều đó. Nói tóm lại, không những chỉ có những việc làm và lời nói chống Liên Xô, chống chủ nghĩa cộng sản - điều đó U. Sớc-sin không hề giấu giếm, mà còn có nhiều sự việc cụ thể khác của hoạt động ngoại giao thời đó đã làm cho I.V. Xta-lin phải thận trọng khi nghe thông báo của các giới đế quốc
Mùa xuân năm 1941, tại các nước phương tây lưu truyền nhiều tin tức khiêu khích về sự chuẩn bị ồ ạt của Liên Xô nhằm gây chiến với Đức. Báo chí Đức tìm mọi cách thổi phồng những tin tức đó và ca thán rằng, những tin tức này gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ Xô-Đức.
- Xem đấy! - I.V. Xta-lin nói - họ đem người Đức ra dọa chúng ta, và lấy chúng ta để dọa Đức, họ xúc xiểm chúng ta và Đức.
Còn đối với hiệp ước không tiến công lẫn nhau đã ký với Đức năm 1939, vào lúc nước ta có thể bị tiến công từ hai mặt - từ phía Đức và từ phía Nhật - thì không có cơ sở nào để nói rằng, I.V. Xta-lin hy vọng vào hiệp ước ấy. Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định rằng, hiệp ước này không làm cho Liên Xô thoát khỏi nguy cơ một cuộc xâm lược phát-xít, nhưng nó mang lại khả năng tranh thủ thời gian để củng cố quốc phòng ở nước ta, làm cản trở sự thành lập mặt trận thống nhất chống Liên Xô. Dù sao tôi cũng không hề thấy ở I.V. Xta-lin có nhận định gì tỏ ra yên tâm đối với hiệp ước không tiến công lẫn nhau đã ký với Đức.
Ngày 5-5-1941, I.V. Xta-lin phát biểu trước các học viên Học viện của Hồng quân trong cuộc chiêu đãi nhân dịp họ tốt nghiệp.
Sau khi chúc mừng những người đã tốt nghiệp các Học việc quân sự, I.V. Xta-lin đề cập tới những sự biến đổi trong quân đội ở thời gian gần đó.
- Các đồng chí, - I.V. Xta-lin nói - các đồng chí rời quân đội 3-4 năm nay, bây giờ trở lại hàng ngũ, các đồng chí sẽ không nhận ra quân đội nữa. Hồng quân nay đã không phải là Hồng quân của mấy năm trước đây. Chúng ta đã xây dựng được một quân đội mới, trang bị cho nó bằng kỹ thuật quân sự hiện đại. Xe tăng, không quân, pháo binh của chúng ta đã khác trước. Các đồng chí về quân đội sẽ thấy nhiều cái mới.
Tiếp đó, I.V. Xta-lin nói đến những sự biến đổi trong từng loại quân chủng và binh chủng.
- Các đồng chí từ thủ đô về các đơn vị - I.V. Xta-lin nói tiếp – các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy Hồng quân sẽ hỏi: tình hình hiện nay đang diễn ra như thế nào? Tại sao Pháp bị bại? Tại sao Anh bị thua mà Đức thì thắng? Có thực quân đội Đức là vô địch không? Tư tưởng quân sự của quân đội Đức đang phát triển. Quân đội chúng được vũ trang bằng kỹ thuật tối tân, được huấn luyện về các phương thức mới tiến hành chiến tranh, có nhiều kinh nghiệm. Sự thật là Đức có quân đội mạnh về mặt kỹ thuật cũng như về mặt tổ chức, những người Đức quan niệm một cách vô ích rằng quân đội của họ là quân đội lý tưởng, vô địch. Không có những quân đội vô địch. Đức sẽ không thể có được thắng lợi dưới những khẩu hiệu “chiến tranh xâm lược”, “ăn cướp”, dưới những khẩu hiệu “chinh phục các nước khác”, “khuất phục các dân tộc và các nước khác”.
Đề cập tới những nguyên nhân thắng lợi về quân sự của Đức ở châu Âu, I.V. Xta-lin nói rằng, quân đội ở một số nước không được quan tâm đúng mức, không được ủng hộ về mặt tinh thần. Đó là yếu tố mới làm tan rã quân đội. Quân nhân bắt đầu bị khinh rẻ. Quân đội cần được nhân dân và chính phủ đặc biệt quan tâm và yêu mến, đó là sức mạnh tinh thần hết sức to lớn của quân đội. Cần phải coi trọng quân đội.
Trường quân sự có trách nhiệm và có thể tiến hành huấn luyện các cán bộ chỉ huy trên cơ sở sử dụng kỹ thuật mới, sử dụng rộng rãi kinh nghiệm của chiến tranh hiện đại. Sau khi vắn tắt đề ra những nhiệm vụ cho pháo binh, bộ đội xe tăng, không quân, kỵ binh, bộ đội liên lạc, bộ binh trong chiến tranh, I.V. Xta-lin nhấn mạnh rằng cần phải cải tiến công tác tuyên truyền, thông tin, báo chí của chúng ta. Để chuẩn bị đối phó với chiến tranh không những cần phải có quân đội hiện đại, mà cần phải chuẩn bị về mặt chính trị.
Như vậy là, chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ các tình hình trên đây? Cần đánh giá như thế nào đối với những gì đã làm được trước chiến tranh, những gì mà chúng ta định làm trong thời gian sắp tới và những gì chúng ta không kịp làm hoặc không làm được trong việc củng cố khả năng phòng thủ của Tổ quốc chúng ta? Ngày nay, sau khi tất cả mọi việc đã đi vào quá khứ, khi đánh giá tình hình, chúng ta phải suy xét một cách có phê phán về những điều đã qua, đồng thời phải đặt mình vào thời gian sát trước cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Tôi suy nghĩ nhiều về tất cả những điều đó và đi tới ý kiến như sau:
Tôi nghĩ rằng, công việc phòng thủ đất nước trên các điểm chủ yếu và phương hướng cơ bản, đã được tiến hành một cách đúng đắn. Suốt trong nhiều năm, về mặt kinh tế và xã hội, chúng ta đã làm tất cả hoặc gần như tất cả những gì có thể làm được. Còn đối với thời kỳ từ năm 1939 đến giữa năm 1941, thì trong thời gian này nhân dân ta và Đảng ta đã có những cố gắng đặc biệt, đã đưa tất cả sức lực và phương tiện ra để củng cố quốc phòng.
Công nghiệp phát triển, chế độ nông trang tập thể, toàn dân biết chữ, sự thống nhất giữa các dân tộc, sức mạnh của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước rất cao của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng sẵn sàng kết hợp tiền tuyến với hậu phương - đó là cơ sở tuyệt diệu của khả năng phòng thủ đất nước vĩ đại của chúng ta, là nguyên nhân thứ nhất của thắng lợi lớn lao mà chúng ta đã giành được trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít. Mặc dù có những khó khăn và thiệt hại to lớn trong 4 năm chiến tranh, nền công nghiệp của Liên Xô đã sản xuất một số lượng hết sức lớn các loại vũ khí - gần 49 vạn cỗ pháo và súng cối, hơn 10,2 vạn xe tăng và pháo tự hành, hơn 13,7 vạn máy bay chiến đấu, điều đó nói lên rằng, cơ sở của nền kinh tế, đứng về quan điểm quân sự, quốc phòng, đã được xây dựng một cách đúng đắn và vững chắc.
Sau khi đã một lần nữa suy xét về quá trình xây dựng các lực lượng vũ trang của Liên Xô bắt đầu từ thời gian nội chiến, tôi cũng phải nói rằng, trong vấn đề này, về cơ bản chúng ta cũng đã đi con đường đúng. Nền lý luận quân sự xô-viết, những nguyên lý giáo dục và huấn luyện bộ đội, việc trang bị cho quân đội và hải quân, việc đào tạo cán bộ chỉ huy, cơ cấu và tổ chức của các lực lượng vũ trang đã không ngừng được hoàn thiện theo những phương hướng cần thiết. Đạo đức và tinh thần chiến đấu, ý thức giác ngộ và sự trưởng thành về chính trị của quân đội luôn luôn ở một trình độ rất cao.
Tất nhiên, nếu như có thể đi lại cả con đường đó, thì cũng có thể có gì đó cần phải bỏ, không làm. Nhưng bây giờ thì tôi không thể nêu lên được một phương hướng lớn có tính nguyên tắc nào trong việc xây dựng các lực lượng vũ trang của ta mà cần phải xóa đi, vứt bỏ, thay đổi. Còn thời kỳ từ năm 1939 đến giữa năm 1941 thì nói chung, được đánh dấu bằng những biến đổi mà lẽ ra sau đó hai ba năm đã có thể làm cho nhân dân Liên Xô có được một quân đội tuyệt vời
Đối với những nhân tố chủ yếu, cơ bản - và đó chính là những nhân tố cuối cùng quyết định vận mệnh của đất nước trong chiến tranh, những nhân tố quyết định thắng hay bại - thì Đảng và Nhà nước đã chuẩn bị đủ cho việc phòng thủ Tổ quốc.
Tôi nói lên điều này không phải là để rút phần trách nhiệm của mình đối với những sơ suất trong thời kỳ đó. Nhân đây cần nói là bất kỳ người nào biết suy nghĩ chín chắn cũng hiểu rằng, ngay ở vị trí chức vụ cao như Tổng tham mưu trưởng Hồng quân, cũng không thể làm được tất cả mọi việc trong vòng bốn tháng rưỡi. Về một số khuyết điểm của mình tôi đã nói tới, về những khuyết điểm khác tôi sẽ nói sau. Điều quan trọng đối với tôi là giúp cho việc miêu tả tình hình thật đúng với thực tế.
Lịch sử quả là dành cho chúng ta quá ít thời gian hòa bình để có thể xếp đặt mọi việc vào đúng vị trí của nó. Chúng ta bắt đầu làm đúng nhiều việc và chưa kịp làm xong nhiều việc. Chúng ta đã tính sai thời gian có thể nổ ra cuộc tiến công của Đức phát-xít, và đó là nguyên nhân đưa đến những sơ suất trong việc chuẩn bị chống lại những trận đánh đầu tiên.
Những nhân tố tích cực mà tôi đã nói tới, đã phát huy tác dụng liên tục, phát triển ngày càng rộng hơn và mạnh mẽ hơn, trong suốt cuộc chiến tranh từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, và đã tạo điều kiện cho thắng lợi. Nhân tố tiêu cực - tính sai thời gian - đã gây tác động, rồi dần dần giảm đi, nhưng đã hết sức làm tăng ưu thế khách quan của quân thù, bổ sung ưu thế tạm thời cho chúng và do đó đã gây nên tình hình nặng nề cho chúng ta trong thời gian đầu chiến tranh.
Năm 1940, Đảng và Chính phủ đã thông qua một loạt những biện pháp bổ sung để tăng cường quốc phòng. Song, khả năng kinh tế đã không cho phép trong thời gian ngắn đến như thế có thể thực hiện được trọn bộ những biện pháp đã định về mặt tổ chức và các mặt khác đối với lực lượng vũ trang. Chiến tranh đã đến vào lúc đất nước đang trong giai đoạn cải tổ, vũ trang lại và huấn luyện lại các lực lượng vũ trang, đang xây dựng những lực lượng hậu bị cần được động viên và các lực lượng dự trữ của Nhà nước. Vì không định gây ra chiến tranh và mong cố tránh nó, nhân dân Liên Xô đã dành mọi sức lực vào việc thực hiện các kế hoạch kinh tế hòa bình.
Trong tình hình. nguy cơ chiến tranh đã chín muồi, chúng tôi, các cán bộ quân sự, có lẽ đã không làm tất cả những gì có thể làm, để I.V. Xta-lin thấy rõ là chiến tranh rất gần rồi và để chứng minh sự cần thiết phải thực hiện những biện pháp cấp bách mà các kế hoạch tác chiến và động viên đã đề ra.
Tất nhiên, những biện pháp đó có thể không đảm bảo được thắng lợi hoàn toàn trong việc chống lại cuộc tiến công của quân địch, bởi vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch. Nhưng có thể là quân đội ta sẽ bước vào chiến đấu một cách có tổ chức hơn, và, do đó, gây cho địch những tổn thất lớn hơn nhiều nữa. Các trận phòng ngự có kết quả của các đơn vị ở các vùng Vla-đi-mia - Vô-lưn-xcơ, Ra-va - Rút-xcai-a, Pê-rê-mư-slơ và trên các trận địa của Phương diện quân miền Nam đã chứng tỏ điều đó.
Hiện nay, có nhiều giả thiết về vấn đề chúng ta đã biết hay không biết chính xác ngày chiến tranh nổ ra và kế hoạch chiến tranh của Đức.
Tôi không thể nói một cách chính xác rằng I.V. Xta-lin có được báo cáo đúng không, có thực là I.V. Xta-lin đã được báo cáo về ngày nổ ra chiến tranh không. Những báo cáo quan trọng loại này, I.V. Xta-lin có thể đã nhận được riêng, và không cho tôi biết.
Thực ra có một hôm, I.V. Xta-lin nói với tôi:
- Có một người báo cáo với chúng ta những tin rất quan trọng về ý đồ của chính phủ Hít-le nhưng chúng ta có phần nghi hoặc...
Có thể đây là R. Doóc-ghê, người mà sau chiến tranh tôi mới được biết.
Liệu cơ quan lãnh đạo quân sự có thể tự mình và kịp thời phát hiện ra việc quân địch tiến vào những vùng xuất phát tiến công của chúng và từ đó bắt đầu cuộc tiến công vào ngày 22-6 không? Trong những điều kiện hồi ấy, rất khó làm được việc đó.
Thêm nữa, qua các bản đồ và tài liệu sau này chiếm được của địch, chúng ta biết rằng bộ chỉ huy quân Đức mãi đến giờ phút cuối cùng mới tập trung quân ở biên giới, còn bộ đội xe tăng thiết giáp của chúng đóng ở khá xa, mãi đến rạng sáng ngày 22-6 mới được đưa vào các vùng xuất phát.
Tiếc là, ngay từ những tin đã có, không phải lúc nào cũng rút ra được những kết luận đúng để có thể dứt khoát và rõ ràng giúp cho cơ quan lãnh đạo tối cao định phương hướng hành động. Dưới đây là một số tài liệu trong kho lưu trữ của quân đội, có liên quan tới điều đó
Ngày 20-3-1941, Cục trưởng Cục tình báo, tướng Ph.I. Gô-li-cốp đưa lên cơ quan lãnh đạo bản báo cáo về những tin đặc biệt quan trọng. Trong tài liệu này có nêu những phương án về các hướng tiến công có thể có của quân Đức phát-xít khi chúng đánh vào Liên Xô.
Về sau này tôi thấy rõ những phương án đó đã phản ánh đúng quá trình bọn Hít-le nghiên cứu kế hoạch “Bác-ba-rô-xơ”, và một trong những phương án đã phản ánh đúng thực chất của kế hoạch này. Trong bản báo cáo có nói: “ trong số những hoạt động quân sự có thể diễn ra nhất nhằm chống Liên Xô, đáng chú ý những điều dưới đây:
Phương án số 3 theo tài liệu... tháng 2-1941: “... để tiến công Liên Xô, - trong báo cáo viết - đã thành lập ba cụm tập đoàn quân: cụm thứ nhất do chuẩn thống chế Bốc chỉ huy đánh vào hướng Pê-trô-grát; cụm thứ hai do chuẩn thống chế Run-stết chỉ huy đánh vào hướng Mát-xcơ-va và cụm thứ ba do chuẩn thống chế Lê-ép chỉ huy đánh vào hướng Ki-ép. Mở màn cuộc tiến công vào Liên Xô được phác định vào ngày 20-5.
Theo báo cáo ngày 14-3 của tùy viên quân sự của ta, - trong báo cáo nói tiếp, - một thiếu tá Đức đã tuyên bố: chúng ta thay đổi hoàn toàn kế hoạch của chúng ta. Chúng ta tiến sang phía đông, vào Liên Xô. Chúng ta sẽ lấy của Liên Xô lúa mì, than, dầu lửa. Khi đó chúng ta sẽ là vô địch và có thể tiếp tục chiến tranh với Anh và Mỹ...”
Cuối cùng, trong tài liệu này, dựa vào tin của tùy viên quân sự ở Béc-lanh, có nói rằng: “Khởi đầu chiến sự chống Liên Xô sẽ vào khoảng từ ngày 15-5 đến ngày 15-5 năm 1941”.
Song những kết luận rút ra từ các tin đã nêu trong bản báo cáo, về thực chất, lại đã gạt bỏ toàn bộ ý nghĩa của những tin đó. Cuối bản báo cáo của mình, tướng Ph.I. Gô-li-cốp viết:
“1 - Trên cơ sở tất cả những điều và những phương án hành động có thể diễn ra mùa xuân năm nay đã trình bày ở trên, tôi cho rằng, thời gian bắt đầu hành động chống Liên Xô có khả năng chính xác nhất là sau khi đã thắng Anh hoặc đã ký với Anh một hòa ước vinh dự cho Đức.
2 - Tin đồn và những tài liệu nói về cuộc chiến tranh chống Liên Xô tất nhiên sẽ xảy ra vào mùa xuân năm nay cần được coi như là sự đưa tin đánh lừa, do cơ quan tình báo Anh và thậm chí, có thể, do cơ quan tình báo đức tung ra”.
Ngày 6-5-1941, Ủy viên nhân dân hải quân, đô đốc N.G. Cu-dơ-nét-xốp viết thư gửi I.V. Xta-lin: “Tùy viên hải quân ở Béc-lanh, đại tá hải quân Vô-rôn-xốp báo cáo: ... rằng, theo lời một sĩ quan Đức ở trong tổng hành dinh của Hít-le, quân Đức chuẩn bị đến ngày 14-5 xâm nhập vào Liên Xô qua Phần Lan, Pri-ban-tích và Ru-ma-ni. Đồng thời chúng dự định tiến công mạnh bằng không quân vào Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát và đổ quân nhảy dù xuống các trung tâm sát biên giới”
Những tin tức nói trong tài liệu này cũng có giá trị đặc biệt. Song những kết luận do đô đốc N.G. Cu-dơ-nét-xốp đề ra với cơ quan lãnh đạo đã không phù hợp với những sự việc do chính đô đốc nêu lên.
“Tôi cho rằng, - trong thư viết, - những tin tức này là những tin tức giả và đặc biệt là chúng tung ra để xem Liên Xô sẽ phản ứng đối với việc đó như thế nào”.
Tình hình căng thẳng đã tăng thêm. Và nguy cơ chiến tranh càng tới gần thì ban lãnh đạo Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng càng làm việc khẩn trương. Các cán bộ lãnh đạo Bộ ủy viên nhân dân quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt là nguyên soái X.K Ti-mô-sen-cô, trong thời gian này làm việc 18 - 19 tiếng đồng hồ một ngày. Thường thường đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng ở lại phòng làm việc của mình cho tới sáng.
Ngày 13-6, X.K. Ti-mô-sen-cô, với sự có mặt của tôi, đã gọi dây nói tới I.V. Xta-lin và đề nghị cho phép ra lệnh chuyển bộ đội các quân khu gần biên giới vào tư thế sẵn sàng chiến đấu và triển khai các đơn vị tuyến một theo kế hoạch bảo vệ.
- Chúng tôi sẽ suy nghĩ - I.V. Xta-lin trả lời.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại tới I.V. Xta-lin để báo cáo về tình hình đáng lo ngại ở các quân khu và về sự cần thiết phải ra lệnh chuyển quân đội vào tư thế hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu.
- Các đồng chí đề nghị ra lệnh động viên ở trong nước, báo động quân đội ngay và điều quân đội tới biên giới phía tây? Như thế là chiến tranh rồi! Cả hai đồng chí có hiểu điều đó hay là không?
Tuy thế, sau đó I.V. Xta-lin vẫn hỏi:
- Chúng ta có bao nhiêu sư đoàn đóng ở các Quân khu Pri-ban-tích, miền Tây, Ki-ép và Ô-đét-xa?
Chúng tôi báo cáo rằng, tính đến ngày 1 tháng Sáu ở 4 quân khu gần biên giới phía tây có tất cả 149 sư đoàn và 1 lữ đoàn bộ binh độc lập. Trong số đó:
Quân khu Pri-ban-tích có 19 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn cơ giới, 1 lữ đoàn độc lập;
Quân khu miền Tây - 24 sư đoàn bộ binh, 12 sư đoàn xe tăng, 6 sư đoàn cơ giới, 2 sư đoàn ky binh;
Quân khu Ki-ép - 32 sư đoàn bộ binh, 16 sư đoàn xe tăng, 8 sư đoàn cơ giới, 2 sư đoàn ky binh;
Quân khu Ô-đét-xa - 13 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn cơ giới, 3 sư đoàn ky binh.
- Như vậy chẳng lẽ còn ít sao? Theo tài liệu của chúng ta, bọn Đức không có số quân đến như thế - I.V. Xta-lin nói.
Tôi báo cáo rằng, theo tin tinh báo, các sư đoàn Đức được kiện toàn và vũ trang theo biên chế thời chiến. Quân số sư đoàn có từ 15.000 đến 16.000 người. Còn các sư đoàn của chúng ta thậm chí với quân số 8.000 người một sư đoàn, thực tế vẫn yếu hơn các sư đoàn Đức tới hai lần.
I.V. Xta-lin nói:
- Không thể tin ở tình báo trong tất cả mọi việc.
Trong khi I.V. Xta-lin đang nói chuyện với chúng tôi thì A.N. Pô-xcơ-rê-bu-sép, thư ký của I.V. Xta-lin bước vào phòng và báo cáo là N.X. Khơ-rút-xốp từ Ki-ép gọi dây nói tới. I.V. Xta-lin cầm máy nói. Qua những câu trả lời, chúng tôi hiểu là cuộc nói chuyện về nông nghiệp.
- Tốt - I.V. Xta-lin nói.
Chắc là N.X. Khơ-rút-xốp báo cáo, trong màu sắc rực rỡ, về triển vọng tốt của vụ mùa...
Chúng tôi từ Crem-lanh ra về trong lòng nặng trĩu.
Tôi muốn đi bộ một lúc. Lòng tôi không được vui. Trong vườn hoa A-lếch-xan-đrơ cạnh Crem-lanh, trẻ em đang nhởn nhơ chơi đùa. Tôi cũng nhớ đến các con gái tôi và tự dưng cảm thấy đặc biệt sâu sắc rằng, tất cả chúng ta đang gánh vác trách nhiệm lớn lao như thế nào đối với các trẻ em, đối với tương lai của chúng, đối với toàn thể đất nước...
Mỗi một thời hòa bình có những đặc điểm của nó, màu sắc của nó, cái tuyệt vời của nó. Nhưng tôi muốn nói những điều tốt đẹp về thời gian trước chiến tranh. Nó nổi bật ở tinh thần phấn khởi, lạc quan có một không hai, rất đặc biệt, phấn chấn như thế nào đó và đồng thời sốt sắng, giản dị và chân thật trong cách đối xử với nhau. Chúng ta đã bắt đầu sống một cách tốt đẹp, rất tốt đẹp!
Vài nhà kinh tế, nhà triết học hoặc nhà văn nào sẽ có thể miêu tả được một cách xác thực việc, nếu như chiến tranh không cắt quãng còn đường xây dựng, phát triển rộng lớn, hòa bình và mạnh mẽ của những năm đó thì ngày nay đất nước ta đã phồn vinh như thế nào, chúng ta đã vượt lên phía trước xa đến như thế nào...
Tôi đã nói về những biện pháp gì đã được áp dụng để không tạo nên cớ cho Đức gây ra xung đột quân sự. Ủy viên nhân dân quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và các tư lệnh các quân khu gần biên giới đã được báo trước rằng họ phải chịu trách nhiệm riêng đối với những hậu quả có thể xảy ra do những hành động không thận trọng của quân đội chúng ta. Chúng tôi nhất thiết không được điều quân đội ra tiền duyên theo kế hoạch bảo vệ, nếu không được phép của I.V. Xta-lin.
Ủy viên nhân dân quốc phòng X.K. Ti-mô-sen-cô đã dặn các tư lệnh quân khu phải tiến hành các cuộc huấn luyện chiến thuật của các binh đoàn ở ngay cạnh biên giới quốc gia để có thể đưa quân tới gần các khu vực triển khai đội hình theo kế hoạch bảo vệ. Lời dặn này của đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng đã được các quân khu thực hiện, song, có một điều cần lưu ý: một phần lớn pháo binh không tham gia vào hành quân.
Vấn đề là pháo binh thuộc các sư đoàn, quân đoàn và pháo cao xạ hồi đầu năm 1941 còn chưa qua các cuộc bắn tập và chưa được huấn luyện đầy đủ cho nên chưa chiến đấu được. Vì vậy, tư lệnh các quân khu đã quyết định đưa một phần pháo binh đi bắn tập ở các thao trường. Do đó, một số quân đoàn và sư đoàn bảo vệ biên giới, khi phát-xít Đức tiến công, đã ở trong tình trạng thiếu một phần đáng kể pháo binh của mình.
Tối 21-6 tham mưu trưởng quân khu Ki-ép – trung tướng M.A. Puốc-ca-ép gọi dây nói cho tôi và báo cáo rằng một lính Đức chạy sang gặp quân biên phòng của ta, tên này đã quả quyết ràng quân Đức đang tới các địa điểm xuất phát tiến công, cuộc tiến công sẽ bắt đầu vào sáng 22-6.
Tôi lập tức báo cáo với Ủy viên nhân dân quốc phòng và I.V. Xta-lin những điều mà M.A. Puốc-ca-ép báo cáo. I.V. Xta-lin nói:
- Mời đồng chí cùng với đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng tới Crem-lanh.
Mang theo bản dự thảo mệnh lệnh cho quân đội, tôi cùng với Ủy viên nhân dân quốc phòng và trung tướng N.Ph. Va-tu-tin đi vào Crem-lanh. Dọc đường chúng tôi nhất trí với nhau dù thế nào cũng phải đề nghị bằng được quyết định ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu.
I.V. Xta-lin một mình đón chúng tôi. I.V. Xta-lin rất tư lự.
- Liệu có thể là bọn tướng Đức tung người chạy sang để khiêu khích gây ra xung đột không? - I.V. Xta-lin hỏi.
- Không. - X.K. Ti-mô-sen-cô trả lời - chúng tôi cho rằng người chạy sang đó nói đúng sự thật.
Lúc này các ủy viên Bộ chính trị bước vào phòng làm việc của I.V. Xta-lin.
- Chúng ta sẽ làm gì? - I.V. Xta-lin hỏi.
Không có câu trả lời tiếp theo.
- Cần phải ngay tức khắc ra lệnh chuyển tất cả các đơn vị các quân khu gần biên giới vào tư thế triệt để sẵn sàng chiến đấu - Ủy viên nhân dân quốc phòng nói.
- Các đồng chí đọc xem! - I.V. Xta-lin trả lời.
Tôi đọc bản dự thảo mệnh lệnh. I.V. Xta-lin nói:
- Bây giờ ra mệnh lệnh đó còn sớm, vấn đề còn có thể giải quyết được bằng con đường hòa bình. Cần phải ra mệnh lệnh vắn tắt, trong đó nói rằng, cuộc tiến công có thể nổ ra do hành động khiêu khích của các đơn vị quân Đức. Bộ đội các quân khu gần biên giới không được rơi vào bất kỳ sự khiêu khích nào để khỏi gây ra những rắc rối.
Không để mất thời gian, tôi và N.Ph. Va-tu-tin đi sang phòng bên và nhanh chóng dự thảo chỉ thị của Ủy viên nhân dân quốc phòng.
Trở lại phòng làm việc, chúng tôi đề nghị được phép báo cáo. I.V. Xta-lin, sau khi nghe bản dự thảo và tự mình đọc lại một lần nữa, sửa chữa một số điểm và chuyển bản chỉ thị đó cho Ủy viên nhân dân quốc phòng ký.
Do tầm quan trọng đặc biệt của nó tôi xin đưa ra đây toàn văn bản chỉ thị.
“Gửi các Hội đồng quân sự Quân khu Lê-nin-grát, Quân khu đặc biệt Pri-ban-tích, Quân khu đặc biệt miền Tây, Quân khu đặc biệt Ki-ép, Quân khu Ô-đét-xa.
Sao gửi: Ủy viên nhân dân hải quân.
1. Trong thời gian 22 - 23 tháng 6 năm 1941 có thể xảy ra cuộc tiến công bất ngờ của quân Đức tại các mặt trận thuộc các Quân khu Lê-nin-grát, Pri-ban-tích, miền Tây, Ki-ép, Ô-đét-xa. Cuộc tấn công có thể nổ ra do hành động khiêu khích.
2. Nhiệm vụ của quân ta: không được rơi vào bất kỳ sự khiêu khích nào có thể gây ra những sự rắc rối lớn. Đồng thời Quân đội các Quân khu Lê-nin-grát, Pri-ban-tích, miền Tây, Ki-ép và Ô-đét-xa phải hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đối phó với sự tiến công bất ngờ có thể xảy ra của quân Đức hoặc quân các đồng minh của chúng.
3. Tôi ra lệnh:
a) Trong đêm 21 rạng ngày 22 tháng 6 năm 1941, bí mật chiếm lĩnh các hỏa điểm các khu phòng thủ vững chắc ở biên giới quốc gia;
b) Trước rạng ngày 22 tháng 6 năm 1941, phân tán toàn bộ không quân kể cả không quân trực thuộc ra các sân bay dã chiến, ngụy trang chu đáo;
c) Tất cả các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Bộ đội phải đóng phân tán và ngụy trang;
d) Bộ đội phòng không sẵn sàng chiến đấu, không cần huy động thêm quân số dự phòng. Chuẩn bị mọi biện pháp để ngụy trang ánh sáng của các thành phố và các mục tiêu;
e) Không có lệnh đặc biệt không được tiến hành bất kỳ biện pháp nào khác.
Ti-mô-sen-cô. Giu-cốp.
Ngày 21 tháng 6 năm 1941”.
N.Ph. Va-tu-tin mang chỉ thị này đi ngay về Bộ tổng tham mưu để lập tức truyền đi các quân khu. Việc truyền chỉ thị này tới các quân khu được làm xong vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 22-6-1941.
Bản sao chỉ thị đã được chuyển tới Ủy viên nhân dân hải quân.
Với tâm trạng lạ lùng, bàng hoàng khó tả, tôi và X.K. Ti-mô-sen-cô từ chỗ I.V. Xta-lin ra về.
Một mặt, dường như đã làm tất cả những gì phụ thuộc vào chúng tôi để đối phó một cách có chuẩn bị tới mức tối đa với nguy cơ chiến tranh đang đến gần: nhiều biện pháp lớn về mặt tổ chức theo kế hoạch tác chiến - động viên đã được tiến hành; các quân khu phía tây là những quân khu đầu tiên sẽ phải đánh nhau với quân thù, đã được củng cố theo mức có thể làm được; sau nữa, hôm nay đã được phép chỉ thị cho quân đội các quân khu gần biên giới sẵn sàng chiến đấu.
Nhưng, mặt khác, sáng ngày mai quân Đức có thể tiến công, mà nhiều biện pháp quan trọng của chúng ta vẫn chưa được hoàn thành. Và điều đó có thể làm cho cuộc chiến đấu với một quân thù có kinh nghiệm và mạnh sẽ phức tạp thêm nhiều. Chỉ thị, mà lúc này Bộ Tổng tham mưu truyền đi các quân khu, có thể bị chậm.
Trời tối đã lâu. Ngày 21 tháng 6 đang hết. Tôi và X.K. Ti-mô-sen-cô im lặng đi về tới cổng Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng, nhưng tôi cảm thấy rằng cũng những điều lo âu đó đang thu hút mọi suy nghĩ của Ủy viên nhân dân quốc phòng. Bước xuống xe hơi, chúng tôi thỏa thuận mười phút nữa sẽ gặp nhau tại phòng làm việc của đồng chí.
---
[1] Trong nhiều tài liệu, sách và các bài báo có tính chất hồi ký đã nêu lên những sự đánh giá khác nhau về công tác của tôi trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đối với những lời tốt đẹp, tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả. Về những thiếu sót và sai lầm của mình, mà tôi mắc phải, cũng như mỗi người, tôi sẽ nói trong cuốn này. Còn về những lời phê phán, đặc biệt là có tính chất cảm tính chung chung, thì tôi đã định không tranh luận, nếu như những lời phê phán đó không liên quan đến những vấn đề chung, mà nhận định sai về những vấn đề đó có thể có hại cho chân lý.
[2] tức là Bê-lô-ru-xi - ND
[3] “Ghi chép của trưởng phòng tác chiến”. I.Kh. Ba-gra-mi-an