Xưa có một chú bé chăn dê nghèo, bố mẹ đều chết cả, quan trên
đưa chú cho một nhà giàu nuôi dạy. Song vợ chồng nhà này rất cay
nghiệt. Của cải đã có thừa mà họ vẫn tham lam bủn xỉn. Hễ có ai
ăn mất của họ một tí bánh mì là họ đã tức giận rồi. Chú bé phải
làm cật lực mà được ăn rất ít mà thường là ăn đòn nhiều hơn.
Một hôm, chủ giao cho chú trông con gà mái và một đàn gà con.
Gà mẹ đuổi con lạc qua một bụi tầm xuân. Bỗng một con diều hâu
từ trên cao bổ xuống, quặp lấy gà mẹ bay đi mất. Chú bé lấy hết hơi
sức gào: "Kẻ cắp! kẻ cắp! Bắt lấy quân kẻ cắp!". Nhưng nào có ích
gì. Diều hâu đâu có chịu tha mồi về trả. Chủ nghe tiếng kêu vội
chạy ra. Lúc biết là mất gà, hắn ta giận điên lên đánh chú bé tới
tấp, đến nỗi mấy ngày sau chú vẫn không nhúc nhích được.
Giờ chú phải trông đàn gà vắng mẹ. Khó khăn càng nhiều hơn
vì lũ gà cứ bỏ chạy lung tung. Chú bèn nghĩ ra một cách, chú lấy
dây buộc chằng lũ gà lại với nhau. Chú tưởng thế là diều hâu không
thể bắt được một con gà nào nữa. Nhưng chú đã lầm to, mấy hôm
sau, chú vừa ngủ thiếp đi vì mệt và đói thì con chim độc ác kia lại
đến, sà xuống bắt một con gà con. Vì con nọ đã buộc chằng vào con
kia nên diều hâu vớ được trọn cả một đàn. Nó tha tít lên ngọn cây
nuốt hết sạch. Vừa khi ấy tên nhà giàu cũng về tới nhà. Thấy tai
họa xảy ra, hắn phát khùng, lại đánh chú bé một trận không tiếc
tay, đến nỗi chú phải nằm liệt giường mấy ngày liền.
Khi chú đã đi lại được, hắn bảo: "Mày đần độn quá không thể
nào trông coi cái gì hết, thôi để sai vặt vậy".
Hắn giao cho chú một làn nho đến biếu viên thẩm phán, kèm
theo một bức thư. Giữa đường, vừa đói vừa khát, chịu chẳng nổi,
chú bé đánh liều ăn mất hai chùm nho. Lúc chú đem nho đến nhà
tên thẩm phán, viên quan này bóc thư ra xem, rồi lại thấy thiếu
mất hai chùm nho liền bảo:
- Thiếu mất hai chùm.
Chú bé thật thà thú nhận là giữa đường đói và khát quá chú đã
trót ăn mất số nho đó rồi. Viên thẩm phán viết thư cho người nông
dân đòi phải nộp đủ số nho như đã viết trong thư.
Lần này chú bé lại phải đem nho với một lá thư khác đi. Và dọc
đường, đói khát quá, cực chẳng đã, cũng như lần trước, chú lại ăn
mất hai chùm. Song lần này, để giấu bức thư khỏi lộ, chú đã lục làn
lấy thư ra, chặn dưới một hòn đá rồi ngồi đè lên trên. Thế mà viên
thẩm phán vẫn cứ hỏi chú về số nho bị thiếu.
Chú kêu lên: "Trời ơi, sao mà ông biết được! Đến bức thư cũng
không thể biết chuyện ấy cơ mà, vì tôi đã chặn một hòn đá lên rồi".
Viên thẩm phán phì cười về sự ngây ngô của chú. Ông ta biên thư
cho tên nhà giàu khuyên hắn nên đối xử tốt hơn với chú bé nghèo,
phải cho chú ăn uống đầy đủ và dạy cho chú biết phân biệt phải
trái.
Con người nhẫn tâm nói: "Rồi ta sẽ dậy cho mày phân biệt. Nếu
mày muốn ăn thì mày cũng phải chịu làm. Mày làm sai trái, ta sẽ
dạy mày bằng roi vọt".
Hôm sau hắn giao cho chú bé một việc khó. Chú phải băm mấy
bó rơm làm thức ăn cho ngựa. Hắn đe chú: "Trong năm tiếng nữa, ta
trở về, nếu mày vẫn chưa băm xong chỗ rơm này thì ta sẽ đánh cho
mày một trận bò lê bò la". Hắn cùng vợ, đầy tớ trai, đầy tớ gái đi
phiên chợ hàng năm và chỉ để lại cho chú bé có một mẩu bánh mì con.
Chú bé ngồi trên đống rơm ra sức băm. Được một lúc thấy
nóng, chú cởi áo ngoài ra quẳng lên đống rơm. Trong bụng chỉ lo
làm không kịp, chú ra sức băm. Giữa lúc hăng hái, chú quên khuấy
băm nát cả tấm áo của chú lẫn trong rơm. Đến lúc nhớ ra thì đã
muộn rồi, không còn làm thế nào được nữa. Chú kêu lên: "Trời ơi,
chết tôi rồi. Con người cay nghiệt kia có bao giờ dọa suông đâu! Hắn
về mà thấy mình làm thế này thì hắn sẽ đánh mình chết mất. Thà
tự tử trước còn hơn".
Đã có một lần chú bé nghe thấy mụ chủ bảo: "Ở dưới gầm
giường có niêu thuốc độc". Sự thật mụ ta chỉ nói để dọa những kẻ
tham ăn vì niêu đó đựng mật ong. Chú mới bò vào gầm giường lôi
cái niêu ra đánh hết nhẵn.
Chú tự bảo: "Không hiểu sao người ta vẫn bảo cái chết là cay
đắng mà mình ăn lại chỉ thấy ngọt. Trách nào mụ chủ cứ muốn
được chết".
Chú ngồi lên cái ghế, bình tĩnh đợi chết. Nhưng chú không
thấy mình lả đi, trái lại nhờ món ăn rất bổ kia, chú lại cảm thấy
mình khỏe ra. Chú tự bảo: Chắc không phải là thuốc độc. Song
mình còn nhớ có lần lão chủ bảo: Trong hòm quần áo có chai thuốc
diệt ruồi. Nhất định nó là thuốc độc thật và phải uống thứ thuốc đó
mới chết được". Song đó cũng không phải là thuốc diệt ruồi thật mà
chính là rượu nho.
Chú lôi cái chai ra tu sạch. Chú bảo: "Thứ thuốc độc này cũng
ngọt". Nhưng chỉ một lúc sau rượu bắt đầu ngấm. Chú thấy người
ngây ngất lại nghĩ bụng: chắc chết đến nơi rồi. Chú tự nhủ: "Có lẽ
mình sắp chết, phải đi ngay ra nghĩa địa tìm sẵn lấy một cái huyệt
mới được". Chú bước đi lảo đảo, đến nghĩa địa nằm trong một cái
huyệt mới đào. Mỗi lúc, chú thấy mình càng thêm choáng váng.
Gần đó có một quán ăn, trong quán đang có đám cưới. Nghe tiếng
nhạc, chú bé cứ ngỡ mình đã lên tới thiên đàng. Sau đó chú lim đi
hoàn toàn. Chú bé không bao giờ tỉnh lại nữa, hơi rượu nóng và
sương đêm giá buốt làm chú chết thật. Chú mãi mãi ở lại nơi chú đã
nằm xuống.
Tên nhà giàu nghe tin chú bé chết sợ lắm, hắn chỉ lo bị tòa án
xét xử. Hắn lo sợ quá ngã xuống đất ngất đi. Mụ vợ khi ấy đang
rang lúa mạch dưới bếp vội chạy lên tìm cách chạy chữa cho chồng.
Nào ngờ ngọn lửa bốc vào lòng chảo, rồi cháy lan ra khắp nhà. Vài
giờ sau chỉ còn lại một đống tro tàn. Những năm cuối cùng của đời
họ, cả hai người đều bị lương tâm cắn rứt và sống rất nghèo nàn cực
khổ.
Các em có thấy chú bé nghèo đáng thương không? Chú bé chịu
rất nhiều khổ cực đến nỗi chú phải tìm đến cái chết nhưng tên nhà
giàu phải ân hận suốt đời.