Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Tiểu Thuyết Vô Đề

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 58681 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tiểu Thuyết Vô Đề
Dương thu Hương

Chương 13

Mưa vẫn rơi sầm sập trút thác ngoài trời. Các mái lán rung rào rào dưới mưa rơi. Nước hắt bụi vào tận nơi tôi ngồi lạnh lạnh, tê tê. Tôi nhìn màn mưa trắng xóa, thấy núi rừng trùng điệp lô xô, mặt trận nọ nối tiếp mặt trận kia, hun hút tới chân trời.
Trên vùng đất mênh mông ấy, lúc nhúc những binh đoàn như kiến đen và kiến đỏ, kiến gió và kiến lửa, kiến ong và kiến mối... lúc nhúc ngoi lội giữa bùn, giữa nước, giữa đồng khô nắng cháy...
Cả hai bên đều hò hét, cả hai bên đều điên cuồng chém giết, - cả hai bên đều rú lên khoái trá khi máu đối phương phụt khỏi tim, óc đối phương vọt khỏi não, - cả hai bên đều quằn quại như sâu bọ dưới những làn đạn lửa, - phần sống sót lê khỏi chiến địa để làm mồi dự trữ cho các mặt trận tiếp theo, - phần đã chết tự hiến nốt hình hài cho các loài ác thú và dòi bọ.
Cả hai bên đều yên trí là mình đã hy sinh xứng đáng cho lý tưởng. Than ôi, họ có chung một nòi giống, con của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Họ là những hữu thể được tái sinh trong cùng một bào thai - không xứ sở nào có được cái huyền thoại mê ly đến thế!...
Tôi đã sốt liền một tuần không ăn uống. Y tá chuyền nước muối đẳng-trương và đường Glu-cô trực tiếp vào mạch. Sang ngày thứ tám, dứt cơn sốt, tôi đòi ăn cháo. Mưa đã tạnh. Buổi chiều nắng ấm, tôi chống gậy mò ra cửa ngồi chơi.
Rừng đẹp não lòng. Tôi sung sướng vì mình còn sống, bắt đầu thả cơn mơ mộng lãng đãng dọc theo đường quê, từ bờ đê chạy thõng xuống ánh đồng, nghe tiếng chim vịt lưng trời gom nhặt lại những mình thời gian đã mất, uống nước trong với tí tẹo trời lơ khuấy trong đáy cốc... Có thể tôi sẽ mọc lên như nhành mạ sót, lay lắt giữa khí trời thù địch, và những cơn bão rớt nhưng sẽ còn trổ bông?...
- Đề nghị thủ trưởng vào lán ngay.
Cậu y tá miệng nói, tay lôi tôi vào giường, bắt tôi nằm ngoan dưới tấm chăn. Nhưng, thân thể vừa ấm, tôi lại chìm vào cơn mê buốt lạnh.
Tôi thấy Hoa. Cô đang ăn nằm với một gã đàn ông đen sì, dị dạng. Cô kêu ú ớ, mặt tái nhợt như kẻ chết trôi. Gã đàn ông bóp nắn cô với đôi cánh tay gầy, lông lá. Tóc gã dựng đứng. Tấm thân gã cử động khó nhọc và quái dị như con đười ươi. Tôi thấy gã nhìn tôi, nhăn nhở cười, phơi bày cuộc chiến thắng bỉ ổi một cách hể hả...
Tim tôi nhói đau vì ước muốn trả thù. Tôi định hét to một tiếng. Nhưng cổ họng tôi bỏng rát. Rồi bỗng dưng tôi tan biến. Tôi thấy một cảm giác tan nhuyễn lạ kỳ khi xương thịt mình hóa thành làn nước, lan qua đồng cỏ, hòa nhập vào dòng sông lặng lờ miền quê cũ...
Hôm qua có một tay kẻng trai trên trung đoàn xuống chơi. Ông ta đem theo thư của Lương với một hộp táo tầu và nửa cây thuốc lá. Trên sư đoàn, Lương đã nghe tin tôi bị sốt rét ác tính. Anh không xuống được nên nhờ người chuyển thư và quà. Sứ giả của anh hơn tôi một hàm, hơn mười một tuổi. Rất giỏi tán. Sau bữa cơm, chúng tôi ngồi tán gẫu.
Bất chợt, ông ta khoe bắn một thằng trúng đầu gối trên đường tới đây. Tôi hỏi:
- Thám báo hả?
Ông ta lắc đầu:
- Không, một thằng đào ngũ. Đáng kiếp. Hai phát đạn của tôi trúng hai đầu gối nó. Thế nào nó cũng phải tháo khớp háng. Từ ngày vào lính, chưa bao giờ tôi bắn chính xác như lần này.
Tôi hỏi:
- Thằng ấy nom thế nào?
ông ta kể:
- Nghe giọng biết là dân Hà nam. Nó còn nhóc lắm... Chắc bằng tuổi thằng con lớn của tôi. Ngu như bò. Hô dừng lại cứ lao đầu chạy tiếp nên mới chết.
Rồi ông ta cười:
- Này, cái bật lửa của ông chúa quá. Tụi sĩ quan ngụy cũng khó kiếm thứ hàng cao cấp thế? Kỷ niệm cho tôi nhé?
- Sẵn sàng.
Tôi ném chiếc bật lửa vào lòng ông ta và nhìn bộ mặt ông ta rạng rỡ lên.
Các cán bộ cỡ đại đội trở lên phải dự một cuộc tập huấn. Địa điểm chính xác không biết trước nhưng từng chặng tập kết có giao liên đưa đường.
Tôi mới ốm dậy nên đề nghị Thái đi thay nhưng cấp trên không chuẩn y.
- Đành vậy. Cậu ở nhà lo cho cơm ngon canh ngọt. Rỗi rảnh thế này, bọn lính dễ đi sục gái. Không cẩn thận lại xảy ra chuyện rầy rà...
Trong buổi bàn giao công việc đại đội, tôi bảo Thái như vậy. Cậu ta đần mặt ra hồi lâu mới nói:
- Anh đi xa, tôi chống chếnh lắm!
Tôi cười:
- Cậu phải nghĩ tới lúc tôi tỏi chứ.
Thái nói:
- Đừng.
- Cậu vớ vẩn. Chuyện đó là thường. Riêng trong đơn vị này, nó đã xảy ra với một trăm ba mươi bảy người.
Thái lắc đầu:
- Nhưng với mười chín người còn lại thì không.
- Tại sao?
- Tại tôi tin thế. Chẳng lẽ trời không có mắt?
- Nếu trời có mắt, con người đã chẳng chém giết nhau!
Thái cúi đầu hạ giọng:
- Anh Quân này, hết chiến tranh rồi mình sẽ sống ra sao? Nhà tôi chẳng hạn, có mỗi mống em trai thì chết mất, còn lại một đống em gái... Ai sẽ lấy đàn vịt cái ấy?... Rồi suốt ngày chúng sẽ quàng quạc bên tai tôi...
- Cậu lo xa quá!... Trước mắt hãy lo cho cứng gân cốt mà đi qua cuộc chiến tranh này.
Thái đưa cho tôi gói thuốc Vĩnh bảo của một cậu đồng hương tặng. Thuốc gửi từ miền Bắc vào, qua bao nhiêu ngày đường nên đã mốc. Thái phải rửa sạch, sao lại. Tuy thế, còn hơn hút rễ cây hồng-ma hay lá đu đủ. Tôi đi từ lúc mờ sương, theo đường giao liên tới địa điểm tập kết thứ nhất. Nghỉ ngơi ở đó một đêm, sáng hôm sau, tôi cùng năm chục người được đưa lên một chiếc ô-tô tải xuyên rừng. Xe phủ bạt kín mít. Đi hai ngày một đêm thì tôi điểm tập kết thứ hai.
Đấy là một cánh rừng rậm, lán dựng san sát dưới các vòm cây. Khói bếp tập thể luồn qua ống dẫn tới tận khe sâu. Người đi kẻ lại rầm rập, khua bát khua thìa, chuyện trò râm ran...
Ở đấy các hội đồng hương tha hồ hoạt động, các cuộc kết nghĩa vườn đào được tổ chức quanh các bếp lửa hoặc ven suối, các buổi biểu diễn văn nghệ tự động liên miên ngày đêm. Giọng ngâm thơ miền Trung lẫn với giọng quan họ xứ Bắc. Toàn bọn đàn ông mà cũng rôm rả lắm trò... Sớm ngày thứ hai, giao liên tới.
- Nữ giao liên, anh em ơi...
Ai đó hô to. Thế là bỗng dưng, người trong các lán đổ ra và tiếng hoan hô vang dậy trời:
- Hoan hô… ô… ô...
- Ha …a… a...
– Hô… ô… ô...
Có nhiều cậu nhẩy cẫng lên. Cả đám người xao động, nháo nhác chạy ngược chạy xuôi. Tôi đứng lẫn trong đám đông, lòng rộn ràng. Mãi mươi phút sau, chúng tôi mới thấy người con gái ấy. "Cũng bỏ công mọi người chờ đón..." Cô xinh xắn, tuy không đẹp. Da trắng xanh, tóc đen, mắt đen, răng khểnh. Cô lại nhỏ bé, có vẻ yếu ớt.
Tất cả chúng tôi xô ra, ai cũng cố nói với cô một câu, chạm vào vạt áo đen mềm hay mái tóc xõa ngang lưng. Cô giao liên cười với tất cả, gật đầu chào tất cả bằng thái độ bình tĩnh, nhẫn nại.
Chắc chắn cô đã quen với cảnh rồ dại của đám đàn ông bị nhốt lâu trong rừng. Vị nữ thần xinh xắn ấy đưa tới một đoạn thuyền. Chúng tôi theo cô, vượt rừng tới ngọn nguồn một con sông xanh biếc. Mười hai chiếc thuyền, mỗi thuyền chở mười hai người vừa tròn một tiểu đội. Chúng tôi đã được phiên chế rất nhanh trên đường đi. Nữ giao liên đi thuyền đầu tiên, cùng với ban chỉ huy. May sao, tôi không được bầu vào ban chỉ huy ấy. Khi đoàn thuyền bắt đầu xuôi, bóng người con gái đứng nơi mũi thuyền khắc vòi vọi giữa khung trời. Trong chiếc áo bà ba lụa đen mềm mại, trông cô xinh đẹp và mời gọi. Ở những thuyền đi sau, tôi nghe tiếng thở dài. Một giọng:
- Làm chỉ huy, sướng thật!
Một giọng khác:
- Được ngồi thuyền ấy, chỉ ngửi mùi cũng đỡ nhớ!
Giọng kia:
- Gió ơi, hãy đem mùi thơm của nàng chia đều cho chúng anh.
Giọng thứ hai:
- Cậu ca cải lương đó à?
Giọng đáp lại:
- Cải lương gì?... Đúng bỏ mẹ còn làm bộ!...
Vài tiếng cười khúc khích. Sau đó là yên lặng. Những gương mặt đờ đẫn.
Hai bên bờ, núi rừng xanh thẳm chầm chậm trôi. Tiếng mái chèo khua buồn tẻ. Cứ ba giờ, thay chèo một lần. Người dẫn thuyền chỉ trực tiếp chèo những đoạn lắm ghềnh hoặc nhiều mỏm đá. Chúng tôi tựa vào nhau, ngủ gà gật, khi thời gian trôi cùng với con thuyền, đưa chúng tôi về đồng bằng. Tôi tỉnh ngủ vào lúc trời chiều. Mặt trời ở sau lưng chúng tôi, nơi đuôi thuyền, dập dềnh giữa sóng nước. Trước mặt tôi, ở hai bên bờ, mênh mông cát đỏ...
“Xứ Chàm... Mình đã gặp trên đường tới K..." Tôi chợt nhớ tới chàng Vân kiều Te Chiêng. Anh ta đái tồ tồ ngay bên cạnh tôi và tiếng nước tiểu rót trong buổi sáng hôm ấy đã cứu tôi khỏi các ám ảnh... Miền cát đỏ... Tôi ngồi thẳng dậy, sửng sốt nhìn. Các triền cát chạy dọc theo con sông, miên man, với những lượn sóng mờ và các đám cỏ xam xám.
Giờ này vào lúc hoàng hôn, màu cát ngả sang tím nhợt như cánh hoa bèo. Giờ này vào lúc hoàng hôn, nó không ám ảnh tôi bởi các bóng ma quá vãng mà trải trước mắt tôi nỗi sầu thảm mênh mông. Miền cát đỏ đã nguội đi hơi nóng mặt trời, ngọn lửa thù hận, các cuồng vọng và những đam mê. Vùng cỏ xám mờ dần trong hơi thở miên man của đất đai, không khắc khoải, không chờ đợi. Tôi nghe tiếng nức nở. Phải chăng ấy là tiếng sóng vỗ lúc chiều hôm?... Một giai điệu u hoài văng vẳng. Đêm đen, với ngọn lửa lập lòe bên chân thành ốc. Ai đó đang ngồi, cái bóng âm thầm, câm nín kề một bên mũi giáo. Ánh lửa soi xanh rờn giọt nước mắt đọng nơi khóe mắt, chưa kịp rơi.
- Ai kia?
- Ta .
- Ông là ai?
- Ta là ông tổ bảy đời của con.
- Tôi không quen ông.
- Phải, con người không thể quen tổ tiên của chính mình.
Cái bóng ngẩng lên. Giọt nước mắt lăn khỏi khóe mắt, từ tử bò thành dòng trên gò má. Gương mặt ấy dường như tôi đã gặp đâu đó trong cuộc hành trình của đời mình. Vừa quen, vừa lạ. Nhất là nét cong cuối tràng mày và những nếp nhăn trên trán.
Tôi hỏi:
- Ông cần gì?
- Ta phải gặp con.
- Để làm gì vậy?
- Con đã dựng ta khỏi mồ, vì lòng hờn oán.
- Vâng... Có thể...
- Con đã từng tới vùng đất này, đã bị bóng ma Chàm rượt đuổi, đã sợ hãi và nguyền rủa chúng ta.
- Phải.
- Đừng thế.
- Tội ác đó có thật. Dù chôn dưới bảy tầng đất đen, sự thật vẫn là sự thật.
- Phải.
- Nếu vậy, không còn gì để nói.
- Còn...
Bóng ma ngẩng lên nhìn tôi. Một cái nhìn đắm đuối. Tôi lạnh toát sống lưng. Tôi không muốn mình bị chinh phục bởi một hồn ma. Nhưng rõ ràng, trong cái nhìn u buồn đau đáu kia, ẩn chứa một tình yêu không cưỡng chế. Bóng ma khẽ nhếch môi cười, hướng đôi mắt xa vắng vào mắt tôi:
- Còn một sự thật nữa...
Tôi cau có, gằn giọng:
- Vậy thì ông nói đi.
Bóng ma cười buồn:
- Có một con hồ xa vắng, có một dòng sông xa vắng, có cánh rừng xa vắng...
Tôi gắt:
- Ông nói dài dòng tôi không hiểu?
Bóng ma cười hiền:
- Rồi con sẽ hiểu... Tít xa kia, nơi phương Bắc... Có một con hồ xanh biếc, có một dòng sông, một cánh rừng và những đồng lúa tốt... ấy là quê hương ta, và quê hương xưa cũ của con. Ông tổ bảy mươi đời của ta đã sinh ra ở đó, đã lấy vợ, đẻ con, gây dựng cơ đồ... Rồi bọn rợ phương Bắc tới cướp đất, chiếm nhà, đánh bạt tổ tiên ta khỏi vùng quê ấy... Tổ tiên của ta phải ra đi...
Tôi nói:
- Tôi hiểu rồi. Bọn rợ phương Bắc rượt đuổi các ông. Và các ông lại tiến về phương Nam chinh phạt. Một vòng tròn luẩn quẩn của tội ác.
Bóng ma nói:
- Lịch sử đầy tội ác.
Tôi hỏi:
- Tại sao các ông không chống lại nó?
Bóng ma lắc đầu:
- Con người không chống được số phận của mình.
Tôi nói:
- Chính các ông đã truyền lại cho chúng tôi câu nói:
- Số bảy, người ba.
Bóng ma cười:
- Phải, đấy là điều ta muốn nói.
Tôi hỏi:
- Tại sao không làm mà lại nói?
Bóng ma đáp:
- Thời ta sống, người ta đâm chém nhau bằng gươm giáo. Muốn chuyển một bức thư, ngựa chạy cả tuần trăng. Con người bị cắt chia trong các khu vườn tối tăm, man dã. Chúng ta sống giữa u mê như bầy thú mù lòa, chúng ta không thể vượt qua những lũy tre đầy gai nhọn tìm vùng đất mới.
Tôi nói:
- Các ông để lại cho chúng tôi một chiếc túi rỗng.
Bóng ma đáp:
- Có
Tôi hỏi:
- Cái gì?
Bóng ma bảo:
- Những khải hoàn môn.
Tôi cười sằng sặc:
- Khải hoàn môn của chúng tôi bây giờ còn to hơn.
Bóng ma nói:
- Kiêu ngạo là thói thường của lũ trẻ đầu xanh... Con hãy nhìn ta xem: ta không có giày, có mũ, có súng. Chân ta đi đất, vai ta đeo ruột tượng đựng lương khô - Lương khô ấy là bắp rang trong nồi đất. Cây giáo của ta rèn trong bếp lửa làng quê... Chúng ta trần trụi. Và chúng ta đã dựng cho các con những khải hoàn môn bằng xương máu của chính mình.
Tôi nói:
- Cóc cần những khải hoàn môn của các ông... Cóc cần cả ông nữa... Sao ông cứ ám tôi?... Tôi chán lắm rồi...
Bóng ma đáp:
- Con là giọt máu của ta. Dù luân lạc qua bao đời, nó vẫn là của ta... Đừng cáu bẩn... Đừng bội bạc... Trước kia khi đã từng oán hận tổ tiên như vậy... Nhưng con ơi, chúng ta không lựa chọn được lịch sử cho mình...
Tôi thấy ngột ngạt. Dường như tôi sắp khóc. Tôi hét lên:
- Tôi cóc cần!
Bóng ma vẫn nhìn tôi, không nổi giận, không an ủi:
- Người ta không nên bước vào đời với một cái đãy rỗng không. Nhưng cũng chẳng nên thò tay bốc gạo trong đãy ăn mà không nghĩ cách cắt lụa may một chiếc đãy mới. Kẻ không có gia tài đáng tủi nhục còn kẻ không tạo được gia tài cho con cháu thì cần khinh bỉ.
Tôi nhìn chăm chăm vào đôi mắt xa vời của hồn ma, hoang mang:
- Ông định nói gì?... ông còn muốn gì ở chúng tôi?
Bóng ma nói:
- Chúng ta đã để lại cho con những khải hoàn môn. Sao các con không dựng lấy những khải hoàn môn của chính mình?...
Tôi nghĩ "A... thật hàm hồ... cái ông cụ ông kị này... Chẳng lẽ ông ấy không thấy chúng tôi đang làm gì hay sao?... Chẳng lẽ ông không thấy bao nhiêu lớp người đã ra đi, và đã gục xuống, và đã hát khúc khải hoàn... Tất cả đang tiến về phía cái nửa vòng tròn huyền diệu của chân trời tương lai?" Nhưng lưỡi tôi bỗng cứng ngắc, không thốt lên lời .
Bóng ma nhìn tôi giờ lâu, âu yếm, thắm thiết. Một cái nhìn vừa khoan dung vừa trông đợi. Một ánh mắt đau đáu, vượt qua thăm thẳm thời gian, vượt qua mọi cách biệt thế hệ, vượt qua các triều đại và các nền văn minh... Đôi bàn chân lấm đất, bên trên quấn xà cạp. Bộ áo quần bằng vải thô dơ dáy. Một mũi giáo và cái ruột tượng đựng ngô rang... ôi những con người đã dựng lên các khải hoàn môn... Tổ tiên đau khổ của tôi...
- Này, lại ngủ hả?...
Tôi giật mình quay lại: Không phải ngọn lửa chập chờn bên chân thành cổ mà là bộ mặt tí tởn của anh chàng ở B9 mới ra. Anh ta cười:
- Nghĩ gì mà ngồi ngây như tượng?... Nhìn kia kìa...
Anh ta chỉ cho tôi. Trên chiếc thuyền chỉ huy, cô giao liên đang ngủ, tựa đầu vào vai một tay trung tá. Ông này vừa thích vừa sợ xung quanh di nghị nên ngồi cứng ngắc như tượng, mắt nhìn về phía trước.
Anh chàng ngồi bên cười toe toét, bảo tôi:
- Đằng ấy muốn được thay vị trí không?
Tôi đáp cộc lốc:
- Không!
Anh ta nhăn mũi:
- Sĩ diện!
Tôi lặng im không tranh cãi.
Mặt trời chìm xuống nước, chỉ còn nhô lên cái mí đỏ như vành móng tay. Ánh dương rực rỡ hắt lên mặt sông.
Phía trước, những giải mây xám đang chập chờn trên bờ cỏ. Các triền cát ngả sang màu tím thẫm. Đấy là màu của buổi chiều hoang vắng xưa, khi tiếng tiêu cô độc lướt qua bãi chiến trường ngổn ngang những thây người cùng thây ngựa...

<< Chương 12 | Chương 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 662

Return to top