Người đợi tôi không phải Sư đoàn trưởng mà lại là Lương, sư phó. Chúng tôi cùng làng, bạn từ thuở cởi truồng, nhà cách nhau một hàng dậu thưa trồng dâm bụt. Lương hơn tôi hai tuổi. Người tầm thước, mặt vuông, cằm vuông, mày ngang, dù hạ hay đông, môi cũng đỏ thắm như hoa hồng. Mười năm chiến tranh, sốt rét quật lên quật xuống, màu đỏ có phai nhưng, so với người khác, vẫn còn tươi. Anh có vẻ tư lự. Chúng tôi lẳng lặng uống rượu với món nộm chuối rừng và vài con cá trích hộp. Một giờ sau, anh rủ tôi ra suối tắm. - Tôi mới tắm hôm qua. Mà trời lạnh bỏ xừ, nó giáng cho một trận viêm phổi hay cảm hàn thì rách việc. Lương hạ giọng: - Không tắm thì ngồi chơi. Tôi có chuyện muốn nói với cậu . Tim tôi giật thót: Chẳng lẽ anh ta đã biết việc sáng nay?... Không, không... họa có là Thánh sống. Nếu có Thánh thì bom đạn mịt mùng, tử khí tụ đầy rừng núi cũng đủ cho các vị Thánh phải bay tới những phương trời khác... Yên trí, tôi gật đầu: - Ta đi đi. Chúng tôi rời lán vào lúc hoàng hôn. Vượt khỏi hầm chứa lương chừng ba trăm thước thì tới cửa rừng, nơi các ngọn cây nhuộm ánh trời rực rỡ. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi cùng ngửa cổ ngắm những vòm lá xao động gió chiều, hít từng hơi dài khoan khoái làn khí thoáng đãng. Lương đưa tôi qua giải đất thoai thoải men theo cửa rừng, mọc đầy loài gai nhỏ như cây ruổi với những chùm quả chi chít màu nghệ. Loài cây này mọc lan tới ven suối. Anh bảo tôi: - Ngồi đây. Chúng tôi ngồi bên nhau hồi lâu, hút thuốc, không ai nói với ai một lời. Ráng chiều đọng thành vũng trên suối cạn tựa mặt hồ nơi khuất gió, không gợn sóng. Từ màu vàng thếp, vũng suối cạn đã chuyển sang màu hồng, rồi màu tím. Tôi nói: - Sắp tối rồi. Lương gật đầu hờ hững: - Ờ , ờ Anh rít liền hai hơi thuốc rồi nói: - Này Quân, nhớ làng không? Tôi đáp: - Nhớ chứ. Sao lại không? Lương nói: - Ờ, nhớ nhất là con sông... Mỗi lần gặp suối, chân tôi ríu lại... Ghê gớm hơn cả là dịp qua con suối Phiêu bồng... Cậu cũng đến đấy rồi nhỉ? Tôi đáp: - Thằng lính nào đến vùng này mà chẳng phải qua suối Phiêu bồng. Lương gật gù: - Đẹp thật... Tôi nói: - Đẹp thì hẳn đi rồi. Nhưng anh gọi tôi ra đây chỉ để nói chuyện nhớ làng hay sao?... Lương há miệng: - Ơ ờ Chẳng ra thú nhận cũng chẳng ra tán đồng, anh châm điếu thuốc khác rồi nói: - Không thể để lính nó nghe thấy... Chiến tranh mà... Tôi cười: - Ờ, chiến tranh... Chúng tôi cùng nhập ngũ với nhau một ngày. Sau mười năm, Lương là cán bộ sư đoàn, hơn tôi ba hàm. Lăn lộn không thể hơn tôi, nhưng anh biết ghìm giữ con người mình. Hồi chúng tôi còn là tân binh, có một lần anh bị cán bộ huấn luyện giáng cho một bạt tai vì chuẩn bị số đạn ra thao trường không đủ. Tôi điên tiết định lao ra cho thằng cha một cú đấm nhưng Lương kéo ngay tôi lại: - Tôi van cậu... đứng im... Tôi van cậu... Anh thì thầm vào tai tôi, giọng rít lên quyết liệt trong khi mặt vẫn cúi gầm. Thằng cha cán bộ huấn luyện đứng cách chúng tôi mươi thước vẫn tiếp tục phun ra những lời chửi rủa lỗ mãng. Tôi còn nhớ mặt hắn: đen đủi, cằm bạnh, lỗ mũi huếch, có một chiếc răng vàng. Tối hôm đó, đi xem xi-nê về bắt gặp Lương ngồi quay mặt vào tường, im lặng. Khi tới gần, tôi thấy những dòng nước mắt bò ngoằn ngoèo trên hai má anh. Một chiếc thìa xúc cơm bị bẻ vụn từng mảnh rơi trên giường... Mười năm đã qua. Giờ Lương là một cán bộ có uy tín trong sư đoàn. Tuy là Sư phó nhưng được cấp trên tin cậy, trọng dụng. Đám sĩ quan cùng cấp thầm lén ghen tị anh. Họ xì ra với tụi lính tráng các đơn vị. Ai cũng biết ngày một ngày hai Lương sẽ được kéo lên quân đoàn. Anh là người của chiến tranh. Phẩm chất dầu tiên của chiến tranh là phải từ bỏ mình. Vũng suối cạn đã ngả sang màu tím sẫm. Những viền cỏ đen chập chờn trên cao. Lương bỗng đưa tay sờ quai hàm và nói: - Tôi gọi cậu lên vì chuyển cậu Biền. Tôi hỏi: - Sao cơ? Anh vẫn đưa tay sờ quai hàm. Hàm anh cân đối, vuông, và tôi biết bộ râu quai nón của anh tuyệt đẹp. Nếu anh chàng cạo, râu anh sẽ dày và rậm không thua gì râu Các- Mác, vị Thần ngự trị trên tất tật các trang sách giáo khoa, các bản kinh thề nguyền thường nhật và những lời tuyên thệ. Nhưng Lương không biết mình có hàm râu ưu thế, anh đang mân mê cằm vì mải nghĩ: - Biền bị điên. Hôm qua có người vượt tiền duyên vào đây báo tin cho tôi biết. Tôi buột miệng: - Láo, thằng Biền làm sao mà điên được? Lương từ tốn đáp: - Người đưa tin nói rành rẽ như thế. Hiện cậu ấy bị giam tại trạm xá chờ kiểm tra. Nếu đúng họ sẽ chuyển đến bệnh viện tâm thần. Tôi nói: - Tôi không tin. Nếu điên thì nó phải điên từ hồi gặp tôi ở Phải khen. Dạo ấy nó bị sốt rét ác tính. Lương im lặng. Anh có thói quen giấu ý nghĩ của mình. Nhưng chắc chắn anh cũng ngờ vực như tôi. Chúng tôi đều là bạn cùng làng, cùng chung nhau một cánh đồng, lô nhô gò mả, để chăn trâu, móc cua hay đánh vật, cùng chung nhau một mái trường thơ ấu, cùng bị ông giáo Khuê, biệt hiệu Khuê Khùng véo tai. Nhà anh Lương với nhà tôi vùng chung hàng dậu. Nhà Biền cách chúng tôi ba nóc, ở rìa làng. Biền bằng tuổi tôi nhưng cao hơn tôi nửa cái đầu, nặng bẩy mươi cân rưỡi, có thể gánh lúa từ tinh mơ sáng tới nửa đêm, gánh nào cũng như gánh nào, ngót nghét một tạ. Ba chúng tôi đã chung một niềm hân hoan trong ngày nhập ngũ. Ngày ấy, sân ủy ban đỏ chói những cờ. Khẩu hiệu treo la liệt trên các bức tường thôn: "Hoan nghênh anh em tân binh lên đường cứu nước" "Trai làng Đông tiến quyết trung thành với truyền thống của Cha ông!” “Chủ nghĩa Mác-lê-nin bách chiến bách thắng muôn năm" Đội thiếu niên đánh trống cà-rùng từ tinh mơ cho tới lúc đứng mặt trời. Những cô gái mặn mà nhất làng được tuyển vào đội văn nghệ phục vụ công tác nghĩa vụ quân sự. Các nàng giấu những tấm khăn hồng khăn xanh trong túi, rủ nhau tới trước máy phóng thanh véo von: "Yên tâm vững bước mà đi, hỡi người mà em yêu..." Chúng tôi đứng thành hàng nghiêm ngắm, mắt nhìn thẳng về phía trước trong lúc các bà mẹ lén lút hỉ mũi vào vạt áo ghìm tiếng nức trong họng, để rồi mỗi khi có vị đại điện nào tới thăm hỏi thì lại cố giương đôi mắt đỏ hoe lên, trệu trạo cười: - Dạ, thưa bác, cháu nó được lên đường, chúng em phấn khởi lắm ạ... - Dạ, báo cáo với bác, em xin hứa: Giỏi tay cày, Hai tay súng, xứng đáng với người ruột thịt ở chiến trường... - Dạ, phụ nữ làng Đông tiến quyết giật cờ đầu của huyện về phong trào ba đảm đang... Mẹ tôi mất sớm, hồi tôi tám tuổi. Nhưng tôi chứng kiến các bà mẹ khác ngồi thâu đêm trong căn bếp, trước ánh lửa leo lét của những đống trấu dấm, khóc thầm. Nước mắt họ thấm đẫm những vạt áo vỏ dà, những tấm khăn tay nát nhàu, nhem nhuốc. Rồi, sớm hôm sau, những vạt áo của họ loang lổ ngấn trắng và mắt họ đỏ mọng lên. Còn lũ trai trẻ chúng tôi đang bị lôi cuốn bởi một sứ mạng vĩ đại, bởi một vinh quang sáng chói. Cuộc chiến tranh này không đơn thuần là cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Nó là cơ hội vinh thăng cho toàn dân tộc. Đất Việt nam đã được lịch sử chọn lựa để hiển thánh. Sau cuộc chiến, Tổ quốc chúng tôi sẽ trở thành Thánh đường của nhân loại, nhân dân chúng tôi sẽ trở nên những con người khác biệt, được tôn vinh và kính nể... Bởi lẽ đó chúng tôi đã quay mặt đi, lảng tránh những giọt nước mắt yếu mềm... Từ đó tới nay đã mười năm. Chẳng ai nhắc lại, nhưng không ai không nhớ. Càng tiến sâu vào chiến cuộc, kỷ niệm ngày nhập ngũ càng sâu đậm. Những giọt nước mắt của các bà mẹ mặn thêm với mặc cảm thầm kín về sự vô tình của lũ con trai đi tìm kiếm vinh quang. Mặc cảm ấy liên kết chúng tôi lại với nhau, như các kỷ niệm thời chăn trâu, cắt cỏ. - Tôi không thể đi được... Lương chậm rãi nói tiếp: - Cậu hãy ra ngoài đó xem hư thực ra sao. Tôi có viết thư riêng cho Sư trưởng Nguyễn văn Hảo, Chính ủy Đoàn Trọng Liệt, tùy theo tình huống cụ thể mà cậu giải quyết. Xong việc, cậu có thể tranh thủ đi phép luôn. Từ miền tây Quảng bình ra Thanh hóa theo đường dây binh trạm. Đến Thanh hóa là có xe rồi. Giấy tờ của cậu tôi đã bảo người chuẩn bị. Mai về đơn vị bàn giao công việc cho cậu Khuê. Tôi nghĩ cậu ấy cũng là một tay kha khá, đủ khả năng đảm đương mọi thứ trong lúc cậu vắng mặt... Tôi ngồi lặng đi, ân huệ lớn quá không thể ngờ. Tôi cố trấn tĩnh, lấy giọng bình thản hỏi: - Từ chỗ cậu Biền về quê mình còn xơi đường. Anh tính làm sao tôi đi được? Lương đáp: - Cứ đi đi . Thời gian tôi lo. Miễn là cậu đừng có đào tẩu . Tôi cười: - Đào tẩu thì đã có trạm thu dụng chờ đón, lo gì? Lương cũng cười. Tôi nghe anh móc túi lấy cây đèn pin cỡ nhỏ, thứ hàng xa xỉ của mặt trận, rồi anh bấm thử công- tắc tách tách... Tôi hỏi: - Anh Lương... Tại sao anh cho tôi về phép? Vì chuyện cậu Biền. Việc của cậu chỉ là tiện dịp mà thôi. Anh đột ngột đứng lên bảo tôi: - Về lán. Tôi lẳng lặng bước theo anh. Tới trước cửa rừng, tôi kéo áo anh lại: - Chiến tranh còn kéo dài lắm, phải không anh? Lương im lặng, - tôi nằn nì: - Ở đây chỉ có tôi với anh thôi, nói đi. Lương đứng im một lát, không nói nửa lời. Rồi anh đột ngột quay đi. Tôi theo anh. Chúng tôi vào sâu trong rừng. Không khí trở lại ẩm ướt và ngột mùi lá mục. Bóng tối đổ xô tới vây quanh. Những con chim rừng buông tiếng kêu rời rã. Tôi muốn gọi anh Lương ơi... Tôi muốn khoác vai anh... nhưng kịp ghìm mình lại... Thời gian đã qua, chúng tôi không còn là những chàng trai trần truồng, bình đẳng, cùng nhảy xuống sông buổi chiều, cùng la hét, bơi lội và té nước trêu đám con gái... *** Mười chín ngày đêm ròng rã, tôi mới vượt qua đường tiền duyên. Sáng ngày thứ hai mươi, người liên lạc của trạm bảo: - Tới vùng phễu rồi, từ đây trở đi, đồng chí có thể dựa vào dân mà sống. Tôi phải quay về trại, một đoàn chuyên gia nghiên cứu tâm lý chiến đang chờ. Tôi có nhiệm vụ dẫn họ vào vùng sâu. Từ đây tới K cũng còn gay go. Tôi đã vẽ sẵn sơ đồ cho đồng chí. Anh ta rút trong túi mảnh vỏ bao thuốc nhàu nát, trên đó có những đường kẻ tay ngoằn ngoèo, những dòng chữ nhỏ li ti như kiến. Tôi gật đầu: - Thế này cũng tốt rồi. Cảm ơn đồng chí nhé. Không biết chúng ta có còn gặp nhau không? - Có. Lần vào tôi sẽ đưa anh. Số tôi khó chết lắm. Qua ba trăm mười bảy trận bom rồi. Tôi thọc tay vào ba-lô, tìm hộp thịt: - Chỉ còn mỗi thứ này là có thể dùng được. Đồng chí cầm đi. Người liên lạc trạm ngắm nghía món đồ hộp, gật gù: - Ờ, thứ này với lính là xôm lắm... Chào đồng chí. Anh ta nhét hộp thit vào ba-lô rồi quay đi. Anh ta có cái mũi khoằm và đôi mắt lộ tròng, lởn vởn những tia máu đỏ . Người ta bảo mắt như vậy thường dễ gặp tai ương. Phảng phất trên gương mặt anh ta như có làn mây xám làm cho một cảm giác tê rợn xâm nhập vào tôi . Đó là một người giao liên cần mẫn, một người đàn ông hiền lành tử tế... Lạy trời... dầu sao anh ấy cũng đã qua ba trăm mười bảy trận bom... Mặt trời nở bửng như một quả cầu lửa trên cao. Người giao liên vào hút trong rừng sâu. Tôi bước ra tráng cỏ. Lâu lắm tôi mới được tắm mình vào khoảng không thừa thãi ánh sáng và khí trời. Không còn bầu khí quyển tù hãm, không còn khoảng trời bịt bùng bởi các vòm cây. Không còn những luồng khí độc lướt qua da thit khiến lông tóc dựng đứng lên. Trên đầu tôi, trời xanh lơ trọn vẹn, không gợn mây. Trước mắt tôi, cỏ ngút ngàn. Tôi ném ba-lô và súng sang một bên, nằm xoài xuống... Ôi đất, ôi cỏ, ôi ánh nắng... óc não tôi vang lên những tiếng kêu, những thán từ cũ kĩ của trường tiểu học. Chính ông giáo Khuê khùng đã xoắn tai tôi đau điếng: "Mẹ sư mày, người ta dùng thán từ trong những trường hợp nào? Than ôi! gió lạnh trăng buồn, một xác thân khô, nửa mảnh tâm hồn, anh lê gót trên nẻo đường tha hương gập ghềnh gió bụi... Câu ấy hay nhất trong vở Mạc Tuyết Lan đấy, nhớ chưa?... Ví dụ thứ hai: Ôi! Tổ quốc Việt nam giàu và đẹp, bốn ngàn năm văn hiến, đang chờ bàn tay xây đắp của chúng ta...” Câu mở đầu bài tập đọc: “Tổ quốc Việt nam, phần chủ điểm mùa thu ấy, nhớ chưa? Chẳng lẽ tao rót cho mày con zê-rô, mẹ mày lại khóc lóc khốn khổ... Một điểm... Thôi về chỗ. Nhớ làm bài tập thán từ..." Vâng, thưa thầy, bây giờ tôi đã thuộc bài... Ôi! Hạnh phúc... áo quần tôi ướt đẫm sương. Những lá cỏ sắc cứa vào da thịt, buồn nôn, son sót. Nắng chiếu vào tóc, vào lưng, vào đám da gáy vừa cạo nhẵn. Trong luồng sáng ấm nóng ấy tôi thấy nhảy nhót lao xao triệu triệu hạt màu quang phổ, chúng đậu vào tóc tôi, chúng chạm vào thân xác tôi, chúng nhuộm lên da thịt xanh tái, nhợt nhạt của tôi màu sắc hoan lạc của đời sống. Tôi lật mình, nằm ngửa lên. Tức khắc tôi thấy vùng ánh sáng cuồng nhiệt qua mi mắt hồng hồng. Hai gò má, cổ, vùng ngực và hai cánh tay tôi ấm dần lên, như màu hồng đang lan chảy, truyền sinh lực tới. Tôi nằm như thế giờ lâu, không buồn ngủ chút nào, nhưng lại lơ mơ trong trạng thái đắm chìm, mộng mị. Qua lớp mi mắt hồng hồng, lần lượt lướt qua mọi gương mặt, mọi hình ảnh, những lời thì thầm, tiếng cười ánh ỏi. Tất cả đều bồng bềnh trong khói. Tất cả đều bi rọi chiếu bởi những lằn sáng mảnh và dài, tựa những sợi thủy tinh chói lọi và mong manh. Tôi chưa biết thế nào là hạnh phúc... Có lẽ giây phút này là hạnh phúc?... Tôi chưa từng biết đến tự đo. Có lẽ khoảnh khắc này tôi đã có tự do?... Trời mà hiểu... Những thứ chữ nghĩa như thế trơn tuột như con cá quẩy. Tưởng nắm được trong tay thì nó đã sụp xuống tận đáy bùn. Nhưng cỏ sắc quanh tôi là có thật. Khoảng trời lơ trên đầu tôi là có thật. Tôi sung sướng... Tôi nằm mãi... Đất đã nóng sực lên, ngây ngất. Sương đã khô hết và những sợi cỏ xanh thẫm lại. Có tiếng máy bay. Kệ xác... Tôi thầm nghĩ: Chạy cũng thế mà không chạy cũng thế. Đạn tránh người chứ người không tránh được đạn. Tôi nhỏm lên, đưa mắt nhìn thảm cỏ mượt mà, nguyên vẹn, không một gò ổ, không vết bom nào. Mười năm qua, tôi chưa gặp thảm cỏ nào như thế. Làm sao nó còn tồn tại qua bao nhiêu đợt oanh tạc của các loại máy bay?... Vẻ đẹp bất thường. Giống như một mụn sa-tanh vá trên tấm áo thô nháp, rách rưới của chiến tranh. Lũ máy bay rú lên, ào ào bay qua. Tôi nằm vùi trong cỏ . Cỏ cao chấm lưng người. Cỏ che chở cho tôi, ít nhất màu diệp lục cũng đem tới sự bình ổn trong tâm hồn. Bầy máy bay lao về phía tây nam, lấp lóa dưới nắng. Rồi từng loạt bom nối nhau rơi. Chúng rơi chênh chếch, từ từ, thản nhiên như đó không phải là bom mà là một đàn mối khổng lồ bi gẫy cánh đang rớt xuống mặt đất. Chừng nửa giờ sau, cơn giông tố qua đi, rừng núi trở lại yên tĩnh và âm u. Mặt trời đã lên tới đỉnh, trời sáng lóa. Đất quanh tôi bỏng rẫy, bốc hơi ngùn ngụt. Tôi bóc gói lương khô dở, ăn nửa phần, uống nước rồi đi. Thảm cỏ rộng hơn tôi tưởng. Bươn bả đi mãi trong biển cỏ đến lúc chiều tà tôi mới tìm thấy con đường mòn dẫn qua cành rừng thưa mang ký hiệu N22 trên tấm sơ đồ của người giao liên. Từ cửa rừng đi vào ba trăm mét có chứa dấu chữ thập, bên cạnh ghi chữ: "Lán". Tôi cầm tấm sơ đồ, cắm cúi đi. Quả nhiên, chừng trên bốn trăm bước chân, con đường mòn phình rộng thành một khoảnh sân, có lát những tấm gỗ và sắt lấy từ thùng xe hỏng. Từ mảnh sân đó có vài bậc thềm lót đá, dẫn lên một chiếc lán dựng áp sát vào vách núi. Tôi khum lòng tay làm loa, cất tiếng gọi: - Có ai trên lán không...ông...? Trời lặng gió, tiếng gọi của tôi dội vào rừng núi nghe rợn sống lưng. Ngay sau đó, có tiếng vọng đáp lại: - Đợi …ợi ….với …ới… ới … Tôi thầm nghĩ: “Cũng còn may". Bỏ chiếc mũ khỏi mái đầu ướt đẫm mồ hôi, tôi rút khăn tay lau mặt, yên tâm chờ. Mươi phút sau có tiếng chân bước huỳnh huỵch và một bóng đen to lớn tiến đến. Trời đã tối hẳn, không thể nhìn rõ khuôn mặt người vừa tới. Tôi nói: - Chào đồng chí. Tôi ở tuyến 3, vượt tiền duyên tới. Xin đồng chí cho ngủ nhờ đêm nay. Mai tôi đi sớm. Bóng đen cất giọng khàn khàn: - B quay à? Giấy tờ đâu? (B: chiến trường miền nam, B quay: ám chỉ việc đào ngũ) Tôi cười: - Không phải lính đào ngũ. Tôi có nhiệm vụ ở K. Giấy tờ đây. Bóng đen móc túi lấy chiếc đèn pin nhỏ xíu hệt như đèn của Lương, bật lên xem công lệnh và thẻ quân nhân. Nhờ ánh sáng hắt lên, tôi thấy một khuôn mặt vuông bẹt, rất to, lấm tấm mụn đỏ hai bên má. Hàm răng trên vổ đau vổ đớn chìa khỏi môi. Ánh đèn vụt tắt. Một bàn tay to lớn dúi xếp giấy vào tay tôi. Và cái giọng khàn khàn cất lên: - Anh đi theo em. Chút nữa thì tôi bật tiếng kêu: “Đàn bà, đó là một người đàn bà!" Người dẫn đường đã quay lưng bước đi, dẫn tôi lên lán. Chiếc đèn pin trong tay lúc bật lúc tắt, quét loang loáng trên các bậc đá gập ghềnh. - Cẩn thận kẻo ngã anh ạ. Bữa trước có một anh quê Lào Cai ngã gãy cả bốn cái răng. - Cảm ơn đồng chí... Tôi đáp khẽ, lí nhí trong kẽ răng. - Tới rồi... Chủ nhân vừa nói vừa đưa tay kéo tôi qua khung cửa ghép bằng gỗ thùng. - Anh chờ một lát nhé... Quái lạ, cái bật lửa vừa để đây mà... A, đây rồi... Có tiếng quẹt của bánh xe bật lửa, rồi ánh sáng bùng lên. Nữ chủ nhân châm ngọn đèn xăng pha muối, khiến làn khói đen cuồn cuộn bay. Lửa đỏ cháy hửng hực soi rõ mọi vật trong lán: chiếc giường cá nhân kê bằng các hòm đạn trải tấm tăng, chiếc bình-toong treo trên vách, mảnh gương nhỏ gắn một bông hoa giấy, hình các nữ diễn viên Ba lê và các chàng ca sĩ nổi tiếng dán la liệt khắp nơi. Tôi nhìn quanh quẩn rồi bỗng nhiên buột miệng nói một câu vu vơ: - Đèn sáng khiếp thật. Có sợ máy bay không?... - Máy bay thấy thế nào được. Phải bảo đảm an toàn chứ? Còn cái khoản xăng thì anh đừng lo! Ở đây, cánh lái xe cung cấp xăng cho em dư dả. Nữ chủ nhân nói đoạn, liền tong tả khuân mấy chiếc vỏ hòm đạn từ phía trong lán đem ra. Tôi hỏi: - Đồng chí làm gì thế? . - Làm giường cho anh. Ở đây ối vỏ hòm đạn. Tha hồ... - Cảm ơn. Nhưng tôi có võng rồi. - Có võng sao anh không ngủ quách ngoài rừng? Đã chui vào lán mà còn đánh võng có họa điên. Vừa nói cô vừa hì hục tráo đổi, sắp xếp lại mấy chiếc vỏ hòm đạn. Khi chúng đã được kê thành dãy phẳng phiu, cô rút mình tăng vắt trên sợi dây căng sát vách, bảo tôi: - Anh trải ra, em vào hang khuân ít củi. - Hang nào? - Hang ở phía sau lán. Đó là cái kho. Nói đoạn, cô lùi lùi chạy đi. Bóng tối nuốt mất cái dáng to lớn, kềnh kàng như con gấu ngựa. Tiếng củi rơi lích kịch vọng ra. Tôi trải tấm tăng, quăng ba-lô và súng vào một góc rồi ngồi xuống, duỗi dài đôi chân mỏi nhừ, nóng ran từ hông cho tới tận gót. Lúc ấy, nữ chủ nhân mang củi ra. Khi cô quỳ xuống bên bếp, ánh lửa rọi thẳng vào mặt cô. Tôi rùng mình vì cô xấu khủng khiếp! Cô ngẩng lên bảo tôi: - Em bắc cơm, anh ở nhà chụm lửa nhá... Em xuống suối tắm ù một cái rồi về. Tôi nhìn khung trời tối đen bên ngoài: - Giờ này còn xuống suối à? - Quen đi chứ... Mà em cũng phải tắm mới được... Lúc ấy tôi mới biết bộ quân phục cô đang mặc lấm đất, loang lổ từng đám như nhựa đen. Chúng bốc mùi tanh, mùi mồ hôi... - Quần áo cô sao thế, máu à? - Ừ máu... Từ trưa đến giờ, vật nhau với ba cái xác còn lại . - Sao vậy? Cô định cười nhưng chợt mím môi lại, hai cánh mũi huếch rung rung: - Có gì lạ?... em gác nghĩa trang N22. Có nhiệm vụ thu lượm những tử thi trong vùng. Phía sau núi là mộ các chiến sĩ chưa kịp liệt kê theo đơn vị hành chính. Cả ba người bị dính bom trưa nay cũng thế. Một tay em chôn hết. Hang sau lán là kho chứa quân trang, quân dụng của tử sĩ. Chờ ban công tác tới thì giao nộp. Nới xong, cô nhanh nhẹn mở chiếc xoong nhôm đặt sẵn trên bếp, xúc gạo trong chiếc thùng đựng bột trứng cũ gần đó và róc nước từ chiếc ống nứa đật sát cửa vào nồi: - Đừng vo gạo anh ạ. Vo hết cám, người phù lên thì chết. Ở đây không kiếm được thuốc chữa phù đâu. Đoạn cô đứng lên: - Anh nhóm bếp đi. Bật lửa đây, lấy gỗ thông làm mồi. Chẻ nhỏ ra thì nó cháy như hột trám ấy, chỉ chợp mắt là cơm sôi. Nói xong, cô vớ mấy chiếc quần áo trên giường rồi chạy vọt ra ngoài. Tiếng lạo xạo của sỏi đá vẳng lại. Tôi chẻ nhỏ mấy thanh gỗ thông, châm lửa rồi chất thêm củi, chăm chút cho tới khi nồi cơm sôi lục bục. Cơm vừa cạn, nữ chủ nhân bước vào. Cô đã thay bộ quần áo mới, tóc vừa gội quấn thành búi trên đỉnh đầu. Một tay cô vắt mớ quần áo ướt. Cô liếc tôi và bảo: - Gạt than ra mà hạ nồi cơm kẻo khê. Tôi làm theo lời cô như cái máy. Trong lúc ấy, cô đã kịp phơi mớ quần áo ướt lên sợi dây căng sát vách lều. Một mùi gây thoang thoảng lan tỏa rất gần gụi. Bất giác tôi khít khịt mũi. Cô tiến đến gần tôi, hất mái tóc ướt về sau gáy và nói: - Ba tháng nay em hết xà-phòng. Thiếu xà-phòng, tài thánh cũng không tẩy được mùi máu... Anh đốt lửa to lên, khói sẽ át đi, lát nữa là quen thôi... Cô chải tóc. Trong cách ve vuốt mái tóc cô rất đàn bà, dẫu thân xác cô giống như vị hộ pháp. Tôi chất thêm củi vào bếp, chăm chắm nhìn những lưỡi lửa phập phồng uốn lượn. Bên ngoài đã có sương. Một vài váng sương chập chờn trong khoảng không đen thẳm. Có lẽ trời lạnh lắm. Nữ chủ nhân đã ngồi xuống bên tôi, mái tóc chải mượt xõa trên lưng. Cô đặt lên bếp chiếc chảo nhỏ và bỏ vào đó chút mỡ: - Em đãi anh món rau mì chính vừa hái được ban sáng trước lúc bọn chó xả bom. Còn có cả một hộp thịt năm trăm gam nữa, tha hồ ăn... Cô ném vào chảo rau nắm ớt rừng với chút muối, cô đảo lìa lịa như người ta đảo thóc rang. Đoạn cô bắc chảo xuống cạnh bếp: - Anh gắp rau vào hăng-gô. Tôi ngoan ngoãn thực hiện. Cô đứng bật dậy rất nhanh, đi vào phía hang và trở ra tức thì, tay cầm hộp thịt: - Thịt hộp Trung quốc, vua đồ hộp đây... Chắc anh ăn nhiều lần rồi. Nạc ơi là nạc... Cô đặt hộp thịt bên bếp lửa. Tim tôi thót giật. Đó chính là hộp thịt tôi tặng người giao liên buổi sáng! Trên nắp còn hằn rõ vết dao cắt dở. Hộp thịt Lương đưa cho tôi trước lúc lên đường, nhưng tôi định mở ra đãi mấy chiến sĩ của anh. Vết cắt ấy là vết con dao nhíp Mỹ của cậu trợ lý. Lúc ấy Lương giữ tay tôi lại, cằn nhằn vì cái tính vô lo... - Cô lấy đâu ra thứ này? Tôi bật ra một câu hỏi vô tích sự. Cô gái nhìn tôi ngạc nhiên và bảo: - Thực phẩm thì được phép xử dụng. Chỉ phải kiểm kê những đồ vật khác trong ba~lô tử sĩ thôi. Anh chưa được xem bao giờ phải không? Mai em sẽ cho anh xem... Vui đáo để: Có anh chàng gom hàng tá khăn tay tới su-chiêng, xi~líp cho người yêu. Có người lại cất giấu từ hòn cuội đến quả thông khô khắc chữ. Chẳng ai giống ai. Nhật ký mười cuốn thì đến tám cuốn long cả bìa lẫn gáy... Mà thôi, ăn đi anh, em đói... Cô lật nắp hộp thịt xuống, đẩy tới trước mặt tôi. Rồi cô xới cơm, đưa tận tay tôi, hệt như một người vợ xới cơm cho chồng. Tôi lí nhí: - Mời đồng chí... Cô không đáp, cúi gầm mặt xuống và cơm. Tôi biết cô chờ đợi một lời mời khác: Mời em... Nhưng lưỡi tôi bị cứng. Tôi đói nên tôi cũng cắm cúi ăn. Giữa chúng tôi, thời gian lặng lẽ trôi. Tiếng lửa reo đếm nhíp thay cho tiếng tích tắc của quả lắc đồng hồ. Chợt một lát sau, cô ngẩng lên: - Ơ, sao anh ăn toàn rau thế? Sĩ quan cấp mấy mà chê thịt hộp? - Tói sót ruột. Lâu nay toàn ăn khan. - Chỗ anh không kiếm được măng à? - Thỉnh thoảng, nhưng ít lắm. Cô đón bát xới cơm tiếp cho tôi. Không khí dần dần bớt đi sự gượng gạo: . - Các anh lười bỏ cha. Rừng nào mà chẳng có măng? - Rau thì vô số! - Vâng, tụi lính đực vẫn vô tích sự hơn đàn bà. - Các anh vẫn gọi tôi em là lính cái phải không? Đồ đểu A, mà anh tên gì nhỉ? Lúc nãy đọc xong, quên rồi. - Tôi là Quân. - Quân... Tên đẹp ghê! Em tên Viếng. Anh ăn nữa đi. Thôi à? Lính tráng mà ăn thế thì kém tài. Em ăn hơn anh hẳn hai bát đấy nhé. - Cảm ơn đồng chí... - Cảm cúm hả... Khách sáo? Anh Quân người Hà nội phải không? - Tôi trai làng Đông tiến. - Anh chẳng có vẻ trai làng tí nào cả... Mất gốc rồi. Đây nước cơm cháy rang, uống mát lắm. Bát đũa cứ dẹp sang một bên, mai rửa. Đi ngủ đi thôi, em mỏi dừ xương ra rồi. Cô ngửa cổ uống một hơi hết bát nước rồi nằm vật ra giường. Chỉ tích tắc sau cô đã ngáy. Chiếc gối trắng có điềm chỉ đỏ tuột khỏi đầu. Miệng cô há và những chiếc răng vổ chĩa thẳng lên trời. Tôi lén lút nhìn cô, một chút sợ hãi, một chút tò mò, một chút thương hại... Rồi tôi chốt cửa lán, lên chiếc giường của mình và chìm vào giấc ngủ, - giấc ngủ mài miệt, an toàn, đem lại cho tôi sự phục hồi sức khoẻ cùng sự mẫn tiệp... Không mơ mộng gì hết, nhưng khi bị một vật nặng đè lên bụng, tôi tỉnh giấc ngay. Tôi biết rằng cô đã đến, nằm bên tôi, tóc cọ vào vai tôi, cánh tay vạm vỡ của cô vắt lên bụng tôi. Hình như cô đang tính toán, do dự, hơi thở phả nóng hổi. Thỉnh thoảng cô cựa quậy. Thỉnh thoảng cô thở dài lẩm bẩm gì đó nghe không rõ. Tôi nằm im,. đóng vai kẻ ngủ say. Nhưng toàn bộ giác quan đều căng thẳng như dàn ra-đa pháo binh trong khoảnh khắc đón chờ cuộc oanh kích của máy bay địch. Tôi biết cô đang nhìn chăm chắm vào mặt tôi, chờ động tĩnh. Dưới chân giường đống than hồng rực tỏa một thứ ánh sáng dễ chịu nhưng bất lợi cho tôi. Tôi đành nhắm nghiền mắt. Cô trăn trở, cục cựa mạnh hơn lên, hơi thở cô dồn dập. Rồi, không kiên nhẫn được nữa, cô túm lưng quần tôi, lay. Tôi ậm ừ, giả bộ ngáy ngủ, xoay mình đi. Động tác đó thật sai lầm. Cô hiểu ngay rằng tôi đã thức. Cô gọi: - Anh Quân... Tôi im lặng. - Anh Quân. Tôi không đáp. Cô buông lưng quần tôi, ngồi lên: - Anh Quân, sao anh ác thế ? Em ở đây một mình, buồn thối ruột gan. Anh mở mắt ra em bảo cái này. Tôi không dám mở mắt nhưng tôi xoay người lại, nói ôn tồn: - Đồng chí Viếng ạ... Chính vì đồng chí ở đây một mình nên tôi không dám gây phiền phức. Lỡ có chuyện gì không may xảy ra thì chết mất... Cô thốt lên một tiếng kêu khe khẽ rồi đổ ập xuống người tôi: - Chẳng có gì mà chết cả. Có nghén với anh càng tốt... - Anh Quân, anh Quân... Người cô uốn cong lên, cô rền rĩ, quằn quại. Tôi bảo: - Đồng chí bình tĩnh lại. Phải làm chủ được bản thân. Dại dột thế thì chết. - Không... không... Cô bật kêu khe khẽ: - Em đang muốn chết đây. Anh hãy giết em đi. Anh hãy làm cho em chết đi... Rồi cô siết chặt lấy tôi, ôm bồng lên bụng mình. Một cảm giác xộc lên khiến tôi như tê bại. Thoáng qua tiếng tặc lưỡi: "Thôi nhắm mắt cho xong... Nhắm mắt..." Chân tay tôi đờ ra. Một nỗi sợ hãi mơ hồ chập chờn, một cơn đói nhục thể chập chờn. Đúng lúc ấy cô lại thở hồng hộc và cất tiếng gọi: - Anh Quân... anh Quân...uấn... Trong ánh sáng hồng hồng của lửa than, tôi thấy cô nhắm nghiền hai mắt, miệng há ra, lắp bắp, hổn hển, những tiếng nói rời rạc lọt qua kẽ răng dị hình: - Anh Quân, anh giết em đi..i..i... Cái tiếng kêu quằn quại ấy thúc dậy trong tôi một cảm giác ghê tởm. Nó thiêu cháy các nhục cảm và làm tôi bỗng nhiên ráo hoảnh. Mặt nóng ran vì hổ thẹn, tôi đẩy người đàn bà sang một bên và ngồi dậy: - Đồng chí Viếng... không nên thế... Cô chồm đến bên tôi, gục đầu xuống: - Anh Quân, anh chê em xấu phải không?... Hay để em... tắt lửa đi nhá... Cô vùng đứng lên, chạy tới bên đám than hồng rực. Cô tìm thanh cời, tấp tro. Dáng điệu hối hả, tận tụy. Tôi nhìn tấm lưng cong cong của người đàn bà: - Đồng chí Viếng... Chạy đến bên cô, tôi bảo: - Hãy ngồi xuống, tôi nói cho mà nghe... Cô ngoan ngoãn bước theo tôi, đôi mắt ngước lên vẻ ưng chịu và thuần phục. Mọi đường nét trên khuôn mặt thô kệch: cái mũi hếch, vầng trán quá ngắn, những chiếc răng chĩa khỏi cặp môi lúc nào cũng như thiếu hụt... tất thảy toát ra vẻ chờ đợi nhục cảm, vẻ hân hoan dành cho mọi loài vật giống cái, từ con hoẵng tới người đàn bà. Trời đất! Sao tôi không có cái can đảm của Tô Vũ? Trong một chuyến đi sứ, lạc vào hoang đảo, ông đã kết duyên với con vượn cái. Sao tôi không đủ lòng quả cảm của một quân vương xưa, vì phẩm hạnh của một người đàn bà đã tôn xưng nàng lên ngôi hoàng hậu, quên đi cái dung nhan quỷ sứ Chung Vô Diệm? Ôi, những người đàn ông hiếm có ấy hoặc họ phải là tột bậc Thánh nhân, hoặc họ phải vô cùng thú vật! - Đồng chí Viếng này... Tôi vẫn nắm tay cô để giữ một khoảng cách an toàn giữa hai người, và tôi cố gắng nhìn thật lâu vào gương mặt cô, để cô khỏi có cảm giác tủi hổ: - Đừng giận tôi Viếng nhé. Tôi không muốn cho đồng chí buồn, nhưng quả thực... tôi không thể... Cô nhìn tôi, giọng run run, nghẹn ngào: - Anh Quân... - Mong đồng chí hiểu cho, tôi không thể... Viếng vụt đưa mắt hồ nghi nhìn tôi rồi bất chợt thọc tay vào bụng dưới tôi, khoảng giữa hai đùi... Lúc ấy, rõ ràng cô đã thấy tôi là thằng đàn ông vô dụng! Cuộc khám nghiệm có hiệu quả đảo ngược tình thế. Nữ chủ nhân thu tay về, đưa mắt nhìn tôi im lặng, cái nhìn đầy vẻ bao dung và khinh bỉ. Kẻ bị thương hại bây giờ là tôi. "Thế là may rồi? Thật hú vía!" Tôi thầm nghĩ và cố nặn ra bộ mặt tủi hổ: - Mong Viếng thông cảm... tôi cũng không muốn thế. Cô gái đứng lên, ngẩng mái đầu đồ sộ một cách tức giận: - Chắc là tại chất độc hóa học... Tổ sư thằng Mỹ... Rồi cô quay lại bảo tôi: - Thôi, anh đi ngủ, mai lấy sức mà cuốc bộ. Nói xong cô trở về giường. Tôi không ngủ được. Tôi nhen lửa, tiếp thêm củi rồi nhìn lửa đăm đăm như một con vượn già nhìn mặt trời. Nỗi khấp khởi mừng thầm đã tan biến, tâm hồn tôi đắng ngắt. Tôi có lỗi gì đâu? Nhưng cái trò dối gian kia thật bần tiện. Muốn hay không tôi cũng chẳng gạt bỏ được cảm giác tự xỉ. Nó mọc như thứ rêu vô hình, tăng trưởng, bám chặt vào những đường rãnh sâu trong óc não. Nó dần dà trùm phủ tâm hồn tôi bằng thứ bóng râm nhớt nhát, âm hiểm, khiến những ý nghĩ trong tôi trở nên rối loạn. Tôi là kẻ thiếu lực chăng! Một gã đàn ông thiếu chất đực tới mức phải quy hàng trước một cuộc kết hợp man sơ? Tôi là kẻ ích kỷ, thiếu sự vị tha tới mức tàn nhẫn? Tôi là nô lệ ngu tối, trung thành với những định kiến xửa xưa, với những quan niệm đức hạnh xửa xưa, với những ước mộng trong sạch về ái tình... Những giá trị xa lắc xa lơ, lạc lõng giữa một cuộc sống ngập ngụa máu và bùn. Hay là... Tôi không dám nghĩ nữa... Tôi đã chối từ người đàn bà đón tôi giản đi, nồng hậu, khao khát tôi như khao khát một mảnh đời chân thực - cái đời sống chúng tôi đã đánh mất lâu rồi và chỉ còn nhận biết nhờ khả năng trực cảm mong manh... Có lẽ vì cô quá xấu xí?... Không chỉ có thế... Người đàn bà đã vác ba tử thi đi qua một buổi chiều, một mình vuốt mắt cho ba người tử sĩ, một mình chôn họ ra sau đồi, lựa giữ các kỷ vật và cai quản các bóng ma như một phần tài sản của cuộc sống... Cô là người đàn bà của chiến tranh. Tôi từ chối cô không chỉ vì cô quá xấu xí mà vì tôi còn hèn yếu hơn, tôi sợ hãi đối thủ. Mười năm mặc áo lính, nếm đủ vinh và nhục, biết mọi trò chơi oái oăm của kiếp người thời loạn lạc, cho tới lúc gặp cô tôi mới tự hiểu mình. Tôi bại. Tôi không bao giờ nhập cuộc. Chú bé mười tám tuổi năm xưa hăm hở lao vào con đường binh nghiệp, giờ vẫn chỉ là một đứa bé đứng bơ vơ bên kia đường chân trời. Lửa cháy mỗi lúc mỗi to hơn, tỏa ánh sáng rực rỡ khắp lán. ấm áp thật! Người đàn bà đã ngủ lại, nhíp thở đều đều. Một cánh tay cô vắt qua trán, trông bình yên. Tôi trầm ngâm nhìn cô, lòng thầm nguyện cầu cho cô may mắn. Chắc chắn có những người đàn ông đích thực của chiến tranh. Họ sẽ đem lại hạnh phúc cho cô. Ghi vài dòng cảm ơn trên bìa cuốn sổ liệt kê đồ vật của tử sĩ, tôi đeo hành trang ra đi. Lúc ấy bốn giờ ba mươi hai phút. Trời tối mịt mờ, lạnh thấu xương. Tôi phải đọc kỹ sơ đồ rồi vừa đi vừa dò đường.