Tôi nhớ khôn nguôi người đàn bà mộng tưởng của tôi, người đàn bà đi qua đường chân trời. Gương mặt ấy ngời ánh sao trong đêm lúa vàng rượi. "Bao giờ mình cưới hả anh?” Cái eo lưng mảnh mai đến thế. Và ánh nhìn xanh xao của em ngày tôi nhập ngũ, ánh nhìn vời vợi qua những con đường lầm bụi, nhưng con đường thối rữa trong bùn, những con đường mục nát cây cỏ và tử thi... Tôi nhớ khôn nguôi, người đàn bà xa vắng của tôi. Gương mặt ấy mơ hồ, có lúc hao gầy, có lúc tươi thắm như gương mặt mẹ ngày xưa với tiếng cười lảnh lót rạng đông, với cái nhìn không bao giờ vơi cạn, với cả điệu nựng nịu ngây ngô và bất tận.
“Bồng bồng, bống bống, bang bang...” Nắng vàng tự đỉnh trời rãy xuống.
Ở sư đoàn, Lương bảo tôi rằng trong thời gian tôi đi vắng, Lũy đã mắc chứng bệnh điên, thêm trầm cảm. Một tuần lễ, cậu ta ủ rũ không nói, xê phó Khuê hết dọa nạt lại dỗ dành cũng không moi được một lời. Sau đó, sang ngày thứ tám, Lũy không ăn uống, không đi ra ngoài. Cậu ta chúi đầu vào một xó nhà, hai tay lúc nào cũng giơ lên che mặt. Hễ ai tới gần lại rú lên sợ hãi. Sang ngày thứ mười, Lũy không chỉ sợ người lại sợ cả ánh sáng. Cậu ra rúc dưới tấm chăn, nhất đinh không chịu bỏ ra. Lũy gầy rộc đi, hôi hám, con mắt lơ láo như mắt thú bị đạn. Sư đoàn đã cho chuyển cậu ta tới bệnh viện quân khu. Từ đó tới nay chưa có tin tức gì.
Lương an ủi tôi và bảo tôi về đơn vị chuẩn bị. Chúng tôi sắp tham gia một trận đánh lớn.
Khi tôi kể chuyện Biền, chuyện gia đình anh và làng xóm, anh chỉ lặng yên nghe. Tôi hơi bực nhưng lại tự an ủi rằng thời thơ ấu đã qua lâu rồi. Giờ Lương là sư phó, hàm đại tá . Sự vinh quang chờ đợi anh ngay bên kia ngưỡng cửa.
Anh không thể còn là người bạn nguyên vẹn của tôi. Anh bắt đầu bài tập chối bỏ gốc rễ...
Tôi chào anh, hậm hực đeo ba lô về đơn vị.
Trận đánh của chúng tôi tuyệt đẹp. Sóng Sông Hồng đã đại thắng, chứng minh khả năng kỳ lạ của kỹ thuật chiến tranh. Một trung đoàn đích bị xóa sổ, hai trung đoàn tan tác. Chúng tôi được lệnh rút về hậu cứ nghỉ ngơi, nuôi dưỡng sức lính.
Dọc đường hành quân, một hạ sĩ vấp mìn chết!
Anh em bảo cậu ta mò vào rừng đi đồng hay đi tiểu. Nhưng khi mở chiếc ba lô nặng chích ra kiểm kê, tôi thấy hơn ba chục chiếc vừa thìa, vừa dao, vừa nĩa... Toàn đồ i-nốc Mỹ. Chút nữa tôi hạ lệnh quẳng cả mớ đồ xuống suối. Rồi tôi nghiến răng lại. Có ích gì đâu chút đau đớn của kẻ nghèo? Anh em trong đơn vị ngạc nhiên vì thấy tôi nổi khùng lên vô cớ. Họ im lặng chịu đựng. Còn tôi, tôi lỉnh ra bờ suối một mình.
Ở đó, tôi đốt thuốc liên miên, nhìn những vòng khói uốn lượn rối ren. "Đồ khốn! Lẽ ra tao phải dựng xác mày lên cho mấy cái tát. Cớ sao mày dám đổi mạng lấy một món chiến lợi phầm khốn cùng?" Tôi chửi rủa người đã chết. Tôi tự chửi rủa mình.
Sau rốt, cánh đồng lênh láng nước hiện lên với đàn cò trắng. Những con chim kiếm ăn chốn bùn lầy. Những con chim cùng khốn... Tôi thấy các lùm tre quằn quại trong gió và đàn cò ướt lướt thướt, lông cánh xác xơ dò dẫm bước ven đầm...
Giấc mơ quen thuộc trở lại ám ảnh tôi. Trong khoảng một năm lại đây, nó như kẻ đòi nợ thuê lẽo đẽo theo tôi khắp mọi ngả đường. Lại một chân trời mịt mù, vô định.
Con tàu lang thang. Những chiếc toa rỗng xô nhau lịch kịch nơi mối nối đường rầy. Ngọn đèn ám khói lắc lư và thi thoảng, tiếng còi rúc từng hồi ảo não nhuốm lên cảnh tượng nỗi buồn vô hạn.
Gió lang thang trên con tàu lang thang, cuốn từ toa này sang toa kia những tờ giấy vụn, những trang sách giáo khoa bị mọt ăn dở, những mảnh giấy thấm chằng chiu hình vẽ và chữ ký... gió lăn từ toa này sang toa kia những viên phấn gãy bình mực cạn, chiếc mũ trắng, ngời bóng dáng mùa hè thơ ấu. Những đồ vật vỡ vụn ấy lăng lông lốc, cười rốn ráng hòa với tiếng còi thê lương.
- Báo cáo thủ trưởng...
Tiếng quen thuộc. Nhưng nó bị chìm trong các âm thanh khác. Con tàu bổng thét lên hồi còi dài, lao rầm rầm trên đường rầy như kẻ mắc chứng khùng, rồi, sau dó, mất hút nơi chân trời ảm đạm. Thay vì nó là những con chim đen tử đồng cỏ ướt, lướt thướt nhoi lên. Chúng không bay mà sải cánh đi trên bình nguyên, bước đi vụng về dữ tợn.
Chúng đến gần, mỗi lúc mỗi gần. Tôi kinh hoảng vì nhận ra đó không phải là loài cò loài diệc hay những con ngỗng trời phiêu bạt. Đó là những con kên kên, loài chim ăn thịt, kẻ thu dọn bãi chiến trường, loài vật ám ảnh giấc mơ đúng ngọ và khoảnh khắc lạc hồn của người lính.
Chúng tiến về phía tôi, lúc lắc cái đuôi bẩn thỉu, đầu chúi về phía trước và há ngoác ra cái mỏ đỏ lòm, - hình ảnh ghê rợn nhất đối với tất cả những ai đã từng sống trên vùng rừng núi này - nó gợi ra những bản làng cháy thui rụi, ngổn ngang xác chết trương phềnh, những thung lũng ngập ngụa máu thịt, mùi thối khẳng, dòi nhặng vo ve..., ánh nắng cô đặc tất cả để khảm vào trí nhớ.
- Thủ trưởng...
- Báo cáo thủ trưởng...
Không chỉ là tiếng gọi mà cả hai bàn tay ai đó lay dữ dội. Tôi choàng dậy. Trung đội trưởng Mão đứng đầu giường:
- Báo cáo thủ trưởng: “đồng chí Hùng vừa đâm vào mạng sườn đồng chí Tếu.”
- Tại sao?
- Báo cáo, họ trêu nhau. Rồi đồng chí Hùng nổi cơn .
- Vết thương cậu Tếu ra sao?
- Y tá đơn vị khám sơ sơ cho biết: vết thương dài bảy phân, sâu khoảng từ năm đến bảy, chắc chắn chạm lá lách.
- Chuyển thương ngay.
- Vâng, tôi cũng đã chuẩn bị tư tưởng để chuyển thương. Hiện y tá đang băng bó.
- Còn cậu Hùng?
- Dạ...
Đồng chí dạ cái gì?... Trong trường hợp này, xứ lý thế nào?
- Dạ... dạ...
Mặt anh ta tái đi, miệng lúng búng. Rõ ràng cậu ta sợ.
Tôi cười gằn:
- Việc xảy ra trong trung đội của đồng chí. Lẽ ra phải bắt giam kẻ phạm pháp ngay. Không làm nổi, chắc tôi phải thay thế kẻ bị giam là đồng chí...
- Dạ... báo cáo... dạ...
Mão đứng nghiệt ra, miệng lắp bắp một cách thảm hại.
Tôi dằn giọng:
- Ra lệnh bắt giam ngay kẻ phạm tội. Cử người chuyển thương lên trạm phẫu. Sau đó, đồng chí trở lại đây gặp tôi tường trình.
- Báo cáo, rõ.
Mão đi.
Tôi ngao ngán. Tôi đã mơ tưởng đến một ngày an vui.
Lâu lắm đơn vị mới có được những ngày nghỉ ngơi thoải mái như bây giờ. Thêm nữa, sau hàng năm trời nghiền măng với rau rừng, ba tuần nay thực phẩm được cung cấp thừa thãi.
Đường vàng phễu và B5 đã mở, quân 559 chuyển vào đây nào gạo, nào thịt hộp, cá hộp, nào mỡ tổng hợp, kẹo Hải châu, lương khô BA70, mắm tôm đặc, ca-la-thầu... Sang trọng hơn cả là sữa hộp Liên xô và bột trứng Trung quốc.
Hôm qua, tôi họp các trung đội trướng, hạ lệnh phát gấp đôi suất thực phầm cao cấp để liên hoan. Tôi cũng yêu cầu mọi người để cho tôi ngủ bù vì suốt bốn đêm qua, tôi thức trắng viết báo cáo tổng kết gửi giao liên kịp mang lên trung đoàn trước ngày ấn định...
Vậy mà cơn mơ chưa tan, máu đã đổ!
Tôi sục chân vào giày, đi rửa mặt. Khi trở lại lán, trung đội trưởng Mão đã ngồi chờ. Hai tay anh ta khoanh trước ngực. Tôi ngồi đối diện với Mão, quẳng cho anh ta điếu thuốc:
- Hút đi.
Mão lật bật châm lửa.
Đó là một người chất phác, hiền lành. Nếu tạo ra bầu không khí nghiêm trọng, chắc chắn anh ta sẽ hoảng lên, rối loạn đầu óc. Nghĩ vậy nên tôi điềm tĩnh ni liền vài hơi thuốc rồi mới nói:
- Chán thật. Tới một ngày vui!
Mão thở dài nhẹ nhõm gật:
- Vâng, đáng lẽ thì thật là vui.
Tôi rít tiếp hơi thuốc, nhả khói thành vòng tròn và đưa mắt theo dõi những vòng khói lơ lửng bay lên. Bất giác, Mão cũng ngước mắt nhìn theo. Tôi hỏi:
- Các cậu đã ăn chưa?
- Chưa,... báo cáo anh, chưa kịp ăn mà đã xảy ra chuyện rủi ro mới bực...
- Hôm nay, anh em bày ra món gì thế
- Nhiều lắm: thịt hộp hầm măng, nộm chuối rừng, nộm rau mì chính với lại...
- Rồi chuyện xảy ra sao?
- A... a... Báo cáo anh, hôm nay bếp trưởng là cậu Tếu.
Cậu ấy làm món thit ếch tẩm bột trứng, rán...
- Bột trứng thì sẵn có nhưng ếch đào đâu ra?
- Báo cáo anh: thế mới rách việc... Cậu Tếu đổi nửa thùng bột trứng lấy góc con heo của người Vân kiều. Anh em đều khen là sáng kiến. Cậu ấy hấp thịt heo, thái từng miếng giả thịt ếch rồi đem nhúng bột trứng. Nhưng trước khi nhúng, cậu ta đã mút hết nước ngọt thành ra miếng thịt nhạt thếch như nước lã...
- Trò quỉ... rồi sao?
- Chưa hết ạ. Cậu ta còn lấy một miếng...
Mão ấp úng... Trông điệu bộ, tôi biết cậu ta ấp úng thật chớ không phải vờ vĩnh để che dấu một uẩn khúc nào. Tôi bảo:
- Cứ thẳng thắn nói cho tôi nghe.
Mão thoáng sượng mặt lại, nhếch mép cười rồi hạ giọng:
- Báo cáo... cậu ta lấy một miếng... bướm lợn... tức là bộ phận sinh dục của lợn cái, kẹp vào đó quả ớt, rồi đem tất cả nhúng bột trứng, thả vào chảo mỡ rán...
Chút nữa tôi phá ra cười: Cái trò ấy thì ông cố nội tôi sống lại cũng không nghĩ ra được. Trung đội trưởng Mão nhăn nhó:
- Báo cáo anh... Khi Tếu rán xong, Hùng sục xuống đòi nếm. Cậu Hùng có cái tính ấy từ lâu. Tếu để cho Hùng bốc sáu bảy miếng ăn rồi mới hỏi: "Hùng ơi, mày không thấy miếng thịt lợn này nhạt à?" Hùng hiểu ra... Vì chính cậu ta, hai năm trước, trong lần liên hoan tại rừng Chồi cũng đã mút hết nước tảng thịt bò luộc rồi mới thái cho anh em
trong đơn vị ăn.
- Chuyện có thế thôi?
- Báo cáo anh, còn ạ: Lúc Hùng biết, đinh xông đến đâm Tếu thì một cậu kéo áo Hùng lại bảo: "Mày dây với thằng ôn con đó làm gì cho hổ mặt anh hào, cứ chọn những miếng to miếng ngon chén sạch. Tí nữa thằng Tếu sẽ bị bọn chúng nó làm lông". Hùng bảo: "Được, phương án ấy hợp lý" . Cậu ta sấn đến chộp miếng to nhất. Đó chính là cái...
- Biết rồi. Cậu Hùng ăn hết rồi mới vỡ lẽ?
- Không ạ. Cái đồ quỉ ấy dai lắm... xưa nay có ai ăn được đâu? Hùng cố ăn vài ba miếng. Sau đó, vừa dai vừa cay, cậu ấy phải lè ra. Anh em xung quanh cười phá lên. Hùng vỡ lẽ, rút dao nhảy xổ vào đâm Tếu. Sự việc nhanh chóng chớp mắt nên không ai kịp can.
Mão kể xong, khoanh tay chờ đợi. Nhìn mặt cậu ta, tôi biết chằng thể hỏi thêm điều gì, tôi nói:
- Đưa cậu Hùng lên gặp tôi.
- Vâng.
Mão đứng dậy, xăm xăm đi. Khi anh chàng trung đội trưởng bước ra tới cửa lán, tôi chợt thấy điều mình làm vô nghĩa. Tôi gọi Mão, bảo anh ta cử người canh gác Hùng cẩn mật, chờ sáng mai giải lên quân đoàn. Lúc ấy các lán khác lặng như tờ.
Sau biến cố, anh em buồn tẻ ăn cơm rồi im lìm về lán...
Không nghe thấy cả tiếng sát phạt quanh ván bài. Giờ này, mọi khi thường có những chiếu bạc... liền đặt là thuốc lá, kẹo bạc hà, kẹo cao su, dù pháo sáng, dao i-nốc và ảnh đàn bà. Dạo đói thảm đói sầu, không có gì đặt được, lính tráng chơi trò bôi râu và trồng cây chuối, bắt vạ anh nào thua.
Dẫu sao, đó cũng là những giây phút êm diụ.
Đời lính, niềm khao khát yên vui như con suối chảy giữa khe núi. Nó có thể chảy đến gặp được dòng sông, cũng có thể cạn khô dưới chân núi lèn đá. Sự rủi ro là chuyện cập nhật, đủ loại rủi ro... Vậy mà tôi chưa lường được sự rủi ro ngày hôm nay.
Miệng nhạt thếch, tôi đành moi bao thuốc chiến lợi phẩm để dành trong ba lô ra hút. Cậu liên lạc mang phần cơm trưa vào:
- Anh em đã ăn hết. Thủ trưởng mời cơm kẻo nguội.
- Được để lên bàn cho tôi. Cậu nghỉ đi.
- Báo cáo thủ trưởng, trông thủ trưởng xanh lắm.
- Cảm ơn, tôi sẽ chú ý. Cậu đi đi...
Tôi nhìn cậu ra rời khỏi buồng, nhanh như loài chuột nhắt. Con mắt tròn láo liên, thỉnh thoảng lại quét vụt lên.
Tôi không ưa thứ người như vậy. Bên dưới vẻ khúm núm ấy, chẳng biết ẩn giấu mưu cầu gì: xuất học viên sĩ quan ngoài miền Bắc? một kỳ nghỉ phép? một bậc quân hàm...
không loại trừ một âm mưu đào ngũ. Loại người như thế không ít, ta khó tránh. Cho nên, khi Thái đề cử cậu ta làm liên lạc, tôi gật đầu ngay. Tất cả những ai ở dưới quyền kiểm soát của tôi, tôi có nhiệm vụ bao dung họ. Mà cái nhiệm vụ đó cũng na ná như một thứ cực hình...
Giờ này, không hiểu kẻ phạm tội đang nghĩ gì. Những người đã trói và phải canh giữ cậu ta đều là bạn đồng ngũ, cùng nằm bên nhau trước vòng phong tỏa của địch, cùng ngồi sát nhau quanh chiếu chơi bài...
Tôi tìm mấy tờ giấy trắng trong xà-cột. Chính tôi phải viết tường trình về vụ này. Phải viết kíp gửi lên trung đoàn vào sáng sớm mai. Từ trung đoàn, người ta sẽ chuyển tội phạm sang tòa án binh, cách hành dinh hai cánh rừng. Ở đó có các trại giam và quản thúc. Tôi mới chỉ nghe nói chớ chưa từng đi tới.
Cây bút trong tay nặng trĩu. Tôi cúi xuống trang giấy lại vừa tách mình ra ngoài nhìn ngắm gã sĩ quan thi hành công vụ, một công vụ thảm sầu như của con trâu phải kéo cày san ủi mồ mả...
Tên :
Phi Hùng... Tuổi:
25 Quê quán:
Không rõ. Trú quán:
Làng Mai động, quân Hai Bà Trưng. Gã trai ấy là chiến sĩ giỏi trong đơn vị. Không có hiểm nguy nào làm gã chùn bước. Không tình huống nào khiến gã bối rối. Trời sinh ra gã để làm nghề giết người.
Đúng như sách Binh thư yếu lược đã dạy ta tiêu chuẩn tuyển chọn binh lính: Thượng đẳng là quân đầu trộm đuôi cướp không cửa không nhà, thứ đến bọn tứ cố vô thân, cầu bơ cầu bất. Bọn ấy liều chết chẳng tiếc thân.
Về tướng mạo, bọn đó có: Một gương mặt vẻ u ám, hình cong diệp cày, - mũi nhọn và khoằm - cằm rất dài nhô ra như mảnh sành vỡ dưới hai gò má bẹt, - hai mắt nhỏ, xếch, cái nhìn ngưng đọng như cái nhìn của loài rắn. Họ có dáng đi lừ đừ nhưng trong nửa giây thoắt biến thành con mèo rừng chộp mồi, sau đó tức khắc trở lại vẻ lừng khừng an nhiên.
Hùng thường nghĩ ra những cách giết người đặc sắc trong các trận giáp lá cà. Và gã kể lại cho đồng đội nghe với khoái cảm không che đậy. Kẻ thì gã xọc lê tử họng xuống tim, - kẻ gã chọc từ nách bên phải qua bên trái, - kẻ gã lại đâm từ hạ bộ ngược lên ở bụng. Kỳ thú nhất là một lần đánh ấp, gã bò vào phòng riêng một tên sĩ quan nguỵ , chờ tên này dính chặt với cô vợ trắng phôm phốp của y như một cặp cá thờn bơn, gã mới phóng lê tử trên xuống "Một xọc xuyên hai, bảo đảm là sướng mắt".
Có lần tôi vô tình hỏi Hùng: "Hôm tòng quân có em nào khóc trên vai câụ không đấy?". Gã bỗng trợn trừng mắt nhìn chằm chặp vào mặt tôi, tưởng tôi trêu chọc. Sau một lát biết tôi hỏi thật tình, gã bảo: "Chẳng đứa nào rỏ nước mắt cho em. Mà từ khi biết sự đời, em không nhớ có lần nào mình khóc. Thiên hạ chỉ cười thôi! Họ cười khi em bị đứa
nào đớ sừng hơn, quật ngã em. Hoặc họ cười vụng khi công an còng tay em điều qua chợ. Thủ trưởng biết không, làng em ở, chuyên nghề thịt trâu trộm. Thịt trâu trộm và trộm trâu là mặt lục và mặt nhất của con súc sắc. Em sống bằng hai nghề đó. Khi nào có tiền, em đánh bạc. Mười lần thì chín lần rưỡi là thua. Nhưng hễ vơ được tiền thì vơ cả nắm. Có nắm tiền trong tay, phải có lưỡi dao cắt lìa cổ thằng khác mới giữ nổi tiền."
Kể xong, gã cười. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái cười ấy.
Tôi bắt đầu chú ý đến Hùng. Nếu không vì buổi tâm sự thì những thành tích chiến đấu của gã đã chinh phục tôi tuyệt đối . Gã nhiều tài vặt: thịt nai, thịt sơn dương, thịt dô ộc, không nói đến thịt trâu thịt lợn, kể đến thịt, voi gã cũng làm được khéo léo, trơn tru. Gã đan rổ đan rá cũng tài. Nghe đâu, trước khi trở thành thằng bụi đời ở chợ Mai động, gã đã từng ở quê vài năm. Gã chữa súng nhanh hơn cả những tay quân khí sừng sỏ. Đôi lần hứng lên, gã hát khá hay. Giọng gã ấm nhưng lời hát kinh dị:
"
Con chó xồm nằm trong xó nhà
Cho một nhát là nằm quay lơ
Nào chả, nào hầm, nào xóc bún tao bằm thây
mày làm bảy món
Riêng cái đầu chặt giữ đem sấy khô... "
Gã chỉ hát đi hát lại mấy câu ấy suốt bảy năm trong quân ngũ. Có lẽ trong nhà tù gã cũng hát như vậy.
Tôi hơi thích gã, ít nhất gã cũng hấp dẫn hơn những thằng nịnh nọt như câụ liên lạc. Tôi cũng ghê ghê khi gần gã . Hùng không mái nhà trú thân, không anh em, họ hàng.
Bố mẹ đẻ không biết. Mụ chột mà gã nhận là mẹ nuôi, - chuyên mua rẻ đồ ăn cắp của Hùng và cho gã ngủ trên chiếc bàn bán quà vặt - chỉ là một liên minh ma quỉ tạm bợ của kiếp bụi đời. Có lẽ chính vì chẳng bận bịu gì với ai mà Hùng đã gia nhập vào cuộc sống này như một cuộc trùng phùng vô tiền khoáng hậu.
Tôi có một kỷ niệm với gã...
Dạo ấy, mùa thu oan nghiệt năm Mậu thân đang rà lưỡi hái của Tử thần trên đầu chúng tôi từng giây, từng phút, từng ngày. Mỗi chiều, - hoàng hôn tro xám nơi phương trời phía Tây, mịt mù khói súng và bụi - mỗi chiều chúng tôi lại kéo xác đồng đội rời khỏi vùng đất lầy máu thit, máu thịt tươi tanh ói của ban ngày, máu thịt thối nồng nặc còn lại từ hai, ba hôm trước và máu thịt lưu cữu đã qua bảy đêm sương bốc lên một mùi thối khẳn, - mùi thối độc địa không thứ văn chương nào tả nổi.
Trong ánh chiều chạng vạng, từng bầy dơi liệng một bên trời và đàn quạ bay bên trời kia buông tiếng kêu đỏ lòm thịt sống. Chúng tôi, đứa nào đứa nấy nhễ nhại mồ hôi, nhễ nhại máu, vác trên lưng cả súng lẫn tử thi. Có tử thi nguyên vẹn, có tử thi cụt đầu hoặc chân tay, gan ruột xổ lòng thòng.
Máu đồng đội quyện với mồ hôi muối xót thấm khắp người, trí óc mê mụ đi vì mệt mỏi, vì tuyệt vọng, chúng tôi dồn toàn lực vào cuộc rút chạy không phải vì ước vọng bảo toàn đời sống mà vì ý muốn điên cuồng tham dự vào cuộc chém giết sắp tới ngày mai. Chúng tôi phải sống để hai mươi bốn giờ nữa, hoặc bốn mươi tám giờ nữa, hoặc bảy mươi hai giờ nữa, những nòng súng của chúng tôi sẽ khạc lứa vào kẻ thù.
Trước luồng đạn ấy sẽ có những xác thịt đổ xuống, sẽ có những vòi máu phun lên, sẽ có từng bụm óc trắng phọt ra... sẽ phải có tất cả cái cảnh tượng ngoạn mục ấy, - vì chúng tôi đã từng trải nghiệm nó: Phương trình phải được cân bằng hai vế. Sự hủy diệt phải được hưởng thụ bình đẳng. Cái khát vọng điên cuồng ấy, lớn hơn mọi khát vọng, độc chiếm tâm hồn.
Buổi chiều hôm ấy, tiếng kêu chiu chít của bầy dơi hòa lẫn tiếng quạ đuổi theo đám làn quân tới tận cửa rừng.
Những cặp cánh đen loạng choạng giữa bóng chiều. Trời lặng gió, tim tôi ứ lên ngột ngạt. Tôi bảo anh em tạm nghỉ để lấy sức vượt qua quãng đường sau chót. Mỗi người kiếm một gốc cây, chúng tôi đặt xác đồng đội và vũ khí sang một bên rồi, kẻ nằm vật ra cỏ, người ngồi dựa gốc cây thở.
Không ai nhìn rõ mặt ai vì trời tối, nhưng tất cả đều ngấm đầy độc tố cay đắng, tủi hổ và thù hận. Tôi rờ rẫm lên mái đầu bết máu bụi của tử thi Hoàng, cậu lính trẻ nhất đơn vị. Đó là người trong trắng nhất trong đám chúng tôi. Hoàng mười tám, con đầu lòng của một gia đình trí thức, cha bác sĩ, mẹ giáo viên cấp ba. Hoàng có hai em gái.
Đỗ đầu trong khóa thi tuyển học sinh đặc biệt học toán Ở nước ngoài nhưng Hoàng đã tình nguyện nhập ngũ: "Không, giảng đường với tôi không cần thiết bằng chiến trường. Các giảng đường đã, đang và sẽ còn lâu dài với tất cả những ai mong muốn nó. Nhưng sứ mệnh lịch sử với Tổ quốc chỉ có trong cuộc chiến đấu này mà thôi. Tôi đã nghe tiếng gọi thiêng liêng đó... Tạm biệt mái trường thân yêu với màu phượng đỏ cháy rực trên bầu trời Thủ đô. Tạm biệt hồ Tây, Quảng bá, những vườn hoa lộng lẫy và những kỷ niệm êm đềm... Ngày nào đó chúng ta sẽ lại gặp nhau..."
Nhật ký của cậu bốc miên man... nồng nhiệt như thế! !
Gương mặt Hoàng thon thon, da trắng, môi đỏ, mắt trong veo như nước hồ. Hoàng ưa tắm giặt và thu dọn đồ đạc sạch sẽ, thích hái hoa rừng cắm nơi lán trú quân... Tất tật những thói quen của đời sống nền nếp đô thị đã quá xa xôi và lạc lõng với khung cảnh của cuộc chiến.
Tôi mến Hoàng nhưng tôi cố dấu niềm mến đó. Nếu không, Hoàng sẽ thành con mồi cho sự đố kỵ của tập thể. Nhưng tôi vẫn kín đáo theo dõi và hỗ trợ cho cậu tránh khỏi lầm lạc thường xảy ra với những cậu học trò có tinh thần nhiều tế nhị và quá mẫn cảm trong cuộc đời lính tráng. Tôi từng thấy nhiều trường hợp mà loại người mỏng manh như vậy đã bị nghiền nát trong thô lậu và hà khắc.
Mảng pháo chém cụt chân trái và tay trái của Hoàng. Máu cậu đã chảy hết, thấm vào lưng áo tôi, khô cứng như mo cau. Xác đã lạnh, bắt đầu cứng. Tôi vuốt ve tóc và vai cậu. Bóng tối che phủ. Sẽ không ai thấy được hành vi đó. Sẽ không ai biết sự yếu mềm của tôi. Thằng bé chết rồi. Tôi có quyền bộc lộ mối cảm tình riêng nặng niềm tiếc hận: Bao lâu nay, tôi phấp phỏng dè chừng. Vậy mà, cuối cùng, điều lo ngại cũng vẫn xảy ra: Tôi đã không bảo vệ được cậu bé.
Cái chết?
Nó như một gã mắc chứng bạo dâm, bao giờ cũng lựa những cô gái yêu kiều nhất. Nó như một thằng súc sinh tham ăn, tục uống, bao giờ cũng ngửi ra những miếng thịt mềm ngon.
- Khét khét... két... ét...
Đột nhiên, mấy tiếng chim rừng! Cậu lính ngồi gần tôi giật bắn lên, thì thào:
- Chạm rồi.
- Ssss suỵt!
- Đích thị bọn chó.
- Truyền tin. Coi chừng có cậu ngủ gật.
Hai chúng tôi bắt đầu bò tới từng người, thì thầm.
Cũng có vài cậu mệt quá, ngủ gật. Nhưng tất cả tỉnh như sáo tức khắc. Tiếng chân bọn địch đã quá gần. Chúng tôi không thể bàn bạc, cũng chẳng có kế hoạch tác chiến nào hết. Tất cả, ngửi mùi mà nhận ra nhau, cùng nhạy tạt vào một mé rừng, và, từ đó, chúng tôi nã súng như điên vào khoảng bóng tối đối nghịch, nơi gió đưa tới một mùi khác lạ, mùi kẻ thù... Tiếng kêu, tiếng rú, tiếng đạn nổ điên loạn. Những vạch lửa rét rét đỏ lóe cắm vào bóng đêm.... Loáng thoáng nhìn thấy hình thù bọn chó. Có lẽ chúng là một trung đội độc lập nhận nhiệm vụ truy quét hoặc phối hợp với quân chủ lực. Cũng có thể bọn bổ xung nhưng hành quân tới chậm?... Nhưng chắc chắn đấy là lũ gà tồ - danh từ chỉ bọn lính mới - chưa từng nếm mùi, chưa say máu chiến. Cứ nghe tiếng rú loảng loạn và điệu bộ lóng ngóng của chúng khi tản đội hình là rõ.
Chúng tôi, đám tàn quân, những kẻ mang nặng nỗi tủi hổ và cay đắng sau một ngày bị tàn sát khốc liệt, lúc ấy bùng lên khát vọng trả thù. Cái đói, sự mệt nhọc, nỗi đau đớn tan biến. Cần ăng-ten của người lính trở nên tinh tường. Mắt sọc qua những lằn sáng mờ nhạt để đinh vị mục tiêu, mũi đánh hơi để nhận biết con mồi di chuyển... Chúng tôi đã bắn như để tẩy rửa nỗi đớn đau và cơn tuyệt vọng của mình.
Lặng dần, lặng dần những tiếng kêu, những làn đạn bắn trả. Sau rốt, im lặng hoàn toàn. Nghe rõ tiếng kêu lạc của chim đêm. Một tiếng rên bật lên sau hồi yên tĩnh. Tiếp theo một phát đạn gằn. Rồi giọng của Hùng vang lên rành rọt:
- Được chưa con? Bố mày gia ân cho đấy nhé...
Lại im ả. Bóng Hùng lướt sát bên tôi. Giọng gã ném vào không gian tối om, rời rạc như từng viên đá rơi xuống khe núi:
- Thằng nào còn sống, biết điều thì đứng lên.
Hùng cười gằn, ngừng một chút rồi thong thả nói tiếp:
- Không xó xỉnh nào thoát được mắt Tôn Hành Giả đâu, bố cho các con biết...
Tôi nghe tiếng tiểu liên Hùng đập vào đùi. Tôi bảo:
- Đồng chí Hùng, không được bắn tù binh. Giải cả về cứ .
Nói xong, tôi thấy một bóng đen từ sau lưng tôi lò dò đi lên, run rẩy:
- Con... con xin...
Hùng nói:
- Lại đây, mày có hai thằng bạn sau lưng tao đây rồi.
Lúc ấy tôi mới biết Hùng đã bắt được hai tù binh khác. Trung đội rủi ro của bọn ngụy bị xóa sổ. Hùng dẫn ba tù binh. Chúng tôi lần mò tìm lại xác đồng đội của mình, tiếp tục đi nốt quãng đường cuối. Chợt tôi sực nhớ, gọi hỏi:
- Đồng chí Hùng, lúc nãy đồng chí cõng ai?
- Không cõng ai cả. Tôi vác súng hộ đồng chí Thêm.
Sau này, tôi biết Hùng không chịu làm công tác thương binh hay tử sĩ. Có lần, gã cười hềnh hệch "Đòm bao nhiêu thằng cũng không ngán. Nhưng cõng mấy đứa cụt đứa què với xác chết, tao chả chơi."
Đêm hôm đó, chúng tôi mò mẫm đi như những bóng ma. Cơn say máu chiến đã qua, cái đói, mỏi mệt thấm vào từng thớ thịt. Xác cậu bé Hoàng đã cứng, lại mất một bên chân nên tôi luôn bị chòng chành. Các chiến sĩ của tôi cũng mệt.
- Cố lên, sắp tới rồi... các cậu....
Thỉnh thoảng tôi lại lên tiếng động viên anh em, biết điều đó vô ích vì chính tôi cũng hoa mắt lên từng chặp và lưng gần như sụm xuống.
Rồi chúng tôi đi qua vực Khan. Con vực dài, sâu hút. Những lay động âm u trong đêm khe khẽ vọng lên. Có lẽ chỉ nửa giờ nữa là tới cứ. Chợt nghe tiếng Hùng quát:
- Nhanh lên.
- Dạ... thưa ông... con đau....
- Đứng lên. Tao cho mày một phút.
- Dạ ạ ạ...
- Rộp.
Một tiếng động khô khan. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì núi rừng rung lên bởi tiếng thét man rợ của kẻ xấu số.
Một cây thịt đổ xuống vực Khan, dội lại tiếng đá lăn giữa hẻm núi. Hai tên tù binh còn lại rú lên như mất trí. Chúng đã chúng kiến cãi chết của đồng bọn. Chúng bỏ chạy.
- Rộp....
Lại một tiếng động khô khan, đanh gọn.
Sau đó hai phát đạn.
Hai cái xác rơi tiếp xuống vực. Các hồi âm đuổi nhau, vọng theo....
Lúc đó, tôi đã tới sát mặt Hùng. Chúng tôi cùng nghe rõ hơi thở của nhau. Hơi thở gã đều đặn, bình thản. Hơi thở của tôi, hổn hển vì mệt và sợ hãi. Đáng lẽ tôi phải cao giọng trách mắng, cảnh cáo Hùng trước mặt mọi người: Luật nhân đạo với tù binh, quy ước của chiến tranh, nhân phẩm và danh dự của chiến sĩ... Nhưng lưỡi tôi như cứng lại trong hàm ếch. Tôi đồng lõa?!... Vì cái chết của cậu bé Hoàng, vì nỗi đau sót của kẻ tuyệt vọng, vì tính chất quá khủng khiếp của tội ác?... Có lẽ vì tất cả... Hoặc, có lẽ chẳng vì điều gì hết.
Chúng tôi đứng im phắc trong bóng đêm. Cả các chiến sĩ trong đơn vi cũng vậy. Dường như tất cả chúng tôi bị tê liệt. Rồi, khoảnh khắc sau đó, chính Hùng, trước tiên, cất giọng khàn khàn, uể oải nhưng đầy tự tín:
- Chúng ta đi thôi... Sắp tới rồi...
Nói xong, gã cất bước. Gã vác có hai khẩu súng, gã nhẹ nhõm hơn tất cả chúng tôi, gã là người chỉ huy đích thực!...
Tôi thấy máu nóng trào lên họng. Có lẽ sự tủi hổ này của tôi cũng không hơn không kém sự tủi hổ trong trận đánh thảm bại vừa trải qua... Giờ đây, kỷ niệm ấy thức dậy. Tôi bỗng nóng mặt bởi cái điều chưa bao giờ tôi dám thú nhận với chính tôi: không phải chỉ vì đồng lõa với tội ác mà còn vì mặc cảm của kẻ thua kém. Tôi không muốn dằn mặt Hùng.
Tôi đặt bút lia, không nghĩ ngợi, tóm tắt sự kiện đơn giản. Lời đề nghị: Cấp có thẩm quyền xử quyết. Rồi tôi gọi Mão, đưa bản tường trình:
- Xong rồi. Đồng chí nộp lên cấp trên.
Mão đáp:
- Rõ.
Tôi bảo:
- Mang theo ba tay súng tin cậy. Đề phòng khả năng nó thịt các cậu rồi đào ngũ.
Mão gật đầu:
- Báo cáo thủ trưởng, tôi cũng nghĩ tới điều đó.
Cậu ta đi. Tôi tần ngần bước tới trước phần cơm nguội lạnh. Mặc dầu hổ thẹn, tôi không thể không công nhận rằng lòng tôi nhẹ nhõm như cất được gánh nặng khi nghĩ tới buổi
sáng ngày mai.
Ngày mai, thằng cha ấy sẽ rời khỏi nơi đây!
Một giọng nói vui vẻ cất lên sau lưng tôi:
- Thủ trưởng khao em nhé...
Tôi quay lại: khuôn mặt tròn xoe của cậu Tạo đang sáng bừng lên, mắt lấp lánh cười. Tôi hỏi:
- Gì thế?
- Thủ trưởng khao em đi... Thủ trưởng có thư nhà.
Cậu bé rút trong túi áo ngực một chiếc phong bì đưa cho tôi... Tôi vui vẻ khất:
- Cho nợ nhé. Hôm nay tôi hết kẹo cao su rồi...
Thư của người đàn bà ngày xưa tôi mộng tưởng. Một chiếc phong bì hoen ố, vàng khè, có nhiều vết dán gặm xung quanh và mép hồ. Dấu bưu điện hoàn toàn mất.
Anh Quân của em,
Em đã gửi mười sáu lá thư mà không nhận được thư tin .
Tháng nào chị Soạn, cô Liên cũng rủ em lên bưu điện huyện hỏi. Họ nói không có thư đọng hòm. Chi em chúng em đành kéo nhau về tay không. đường xa mà thời rét căm căm, bọn em vừa đi vừa chảy nước mắt.
Anh ơi, anh sống chết thế nào mà bặt vô âm tín. Lá thư cuối cùng em nhận của anh đã cách đây mười bốn tháng rồi.
Làng xóm mình vẫn như xưa chẳng có gì thay đổi. Năm nay lúa kém nên dạo tháng mười một ngày lễ vào mùa chẳng có gà cũng chẳng nên xôi. Ai nấy chỉ cúng hoa quả với rượu trắng, quèn hơn cái lễ hôm xưa chúng mình cùng nhau đi chùa.
Quân ơi, em nhớ anh, nhớ anh nhiều lắm. Tám năm hai tháng đã qua từ ngày anh đi. Em bây giờ gầy, không còn được như xưa.
Hôm lên huyện, em chỉ cân được bốn mươi mốt cân rưỡi.
Anh còn yêu em không hở Quân ? Em yêu anh, thương anh mãi mãi... Một chữ ký run rẩy, ngoằn ngoèo, với những nốt nhòe không hiểu do thời gian hay nước mắt. Thư ấy, viết cách ngày tôi về phép một năm, bảy tháng, mười ba ngày...