Vào một buổi chiều yên tĩnh, chúng tôi đang ngồi uống trà. Dạo ấy tôi có nhiều trà đen của đám bạn từ cao nguyên gửi cho. Tôi cũng đã quen uống trà đen nóng pha với một thìa mật ong hoặc một mảnh đường phổi hay một thìa đường cát. Thứ trà ấy ngọt dịu, thấm được nỗi nhớ mơ hồ vương vấn, thấm đượm những cảm giác không gọi được tên, những cảm giác thường lẫn quất trong khoảng trống vắng của tâm hồn người lính.
Có hai người ngồi với tôi: Xê phó Thái và binh nhất Tạo. Thái có một nửa gói lương không BA70. Tạo có hai quả bứa chín. Cộng với nước trà đường của tôi tạo nên bữa tiệc ngọt tuyệt vời.
Rừng chiều êm ả trong ánh thái dương. Không khí hiền hòa đến mức Tạo đang thao thao nói về cách ngào chè lam ở quê cậu ta cũng đột nhiên ngừng lại. Cả ba chúng tôi lặng lẽ uống trà, lặng lẽ nhìn những vòm lá rừng xao xuyến.
Đột nhiên vang lên tiếng kêu quái gở:
- Ngoeo oeo oeo...
Tiếng kêu rít lên như còi, lại méo mó âm thanh như tiếng còi đó bị dẫn qua một chiếc ống cong queo rồi mới phát ra.
Cả ba chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.
- Ngoeo oeo oeo...
Tiếng kêu lần thứ hai thật rùng rợn... Một con mèo rừng lao thẳng vào. Thái và tôi cùng đứng bật dậy lui về phía sau. Lúc ba chúng tôi dàn ra cũng là lúc con mèo rừng lao thẳng vào chiếc bàn ghép bằng nứa, nơi chúng tôi vừa ngồi uống trà. Nó chụm bốn chân lại, cong lưng lên như định nhảy. Nhưng nó không nhảy mà lại đưa mắt nhìn khắp lượt xung quanh. Mắt nó phát ra những tia sáng lạnh như nước đá .
Tôi vừa đặt tay lên hông, Thái hét:
- Đừng bắn!
Con mèo đập đuôi vào bát nước trà, dựng ngược lông lên. Cặp mắt nó như nở to ra, long lanh ma quái. Một lần nữa nó quay đầu nhìn thẳng vào mắt chúng tôi, từng người một, với cái nhìn hung hãn của quỉ sứ. Nó không hề sợ, ánh sáng từ đôi mắt xanh rêu trong như thủy tinh phát ra làm chúng tôi tê liệt. Thái run run nhắc lại:
- Đừng bắn... đừng ai bắn...
Mặt Thái tái nhợt. Tạo lui ra sau ghế, chuẩn bị sẵn vũ khí. Con mèo lườm cả ba chúng tôi một cách khinh bỉ:
- Ngoeo oeo oeo...
Nó kêu lần thứ ba rồi nhảy vọt ra ngoài. Chúng tôi đứng lặng đi vài tích tắc, ớn lạnh xương sống. Rồi Tạo kêu:
- Khiếp! Chưa gặp con mèo rừng nào kinh khủng thế!
Mặt Thái vẫn tái nhợt. Anh uống một ngụm nước như để lấy lại bình tĩnh. Tôi nói:
- Mười năm bảy tháng lính tôi mới gặp con quỉ này.
Thái im lặng. Tôi nói tiếp:
- Tôi tưởng giống mèo rừng thấy người là chạy. Nó chỉ hung dữ khi đang nuôi con.
Lúc ấy, Thái mới nhìn vào mắt tôi và kể: “Chú tôi làm nghề mộc và thi thoảng theo phường săn đi săn. Ông nói rằng giống mèo rừng không bao giờ mon men xuống nương rẫy hoặc làng bản. Người ta đặt bẫy hổ ngừa nó cõng lợn cõng bò, đặt bẫy lợn lòi ngừa nó xuống dũi nương sắn, đặt bẫy khỉ ngừa chúng bẻ trộm ngô, thậm chí đặt bẫy gấu ngừa những con gấu tinh ranh xuống ăn vụng mật ong nuôi trong vườn... Không ai đặt bẫy mèo rừng. Cho nên khi nào mèo rừng xông tới nơi người ở là điềm báo trước một tai họa bất thường vô cùng khủng khiếp. Có thể đời ông qua đời cháu, mèo rừng mới xuống một lần. Những lần ấy, thế nào cũng có trận lũ cuốn trôi cả một bản, cơn hỏa hoạn đốt trụi cả vùng hay bệnh dịch không thể cứu chữa... Chú tôi còn bảo nếu có ai đó đánh chết con mèo báo mộng thì tai họa sẽ xảy ra triền miên không bao giờ dứt. Nếu có bệnh dịch thì bệnh dịch ấy sẽ lưu truyền từ đời này qua đời khác, thập niên này qua thập niên khác. Nếu có hỏa tai hay lũ lụt thì năm nào nó cũng tới hành hạ con người... Anh đừng cho là tôi mê tín. Chú tôi thật thà chất phác, cả đời chú ấy không nói sai một câu, tôi không thể không tin...
Tạo túm áo tôi, rú lên:
- Eo ơi, rợn hơn cả chuyện ma.
Tôi bảo:
- Đừng có kể cho ai chuyện này nhé.
Thái gật đầu:
- Ừ, cậu phải giữ hoàn toàn bí mật...
Ba chúng tôi cùng im lặng
Buổi chiều ấy qua đi, nhưng thi thoảng câu chuyện con mèo rừng vẫn ám ảnh tôi. Một tháng rưỡi sau, tôi bắt đầu thấy nó ứng nghiệm.
Thời gian ấy, chiến dịch "Mũi tên thần tốc" mở màn.
Đang mùa khô mà bỗng dưng trời u ám. Sương mù buổi sớm tan rất muộn, có mùi hăng ngột ngạt như mùi các lò chế độc dược bí truyền. Khắp các thung lũng, các khe sâu, các hẻm núi lửng lơ một lớp khí trong suốt, màu lam, nặng nề luân chuyển với các ảo ảnh bị tan vụn, bị cát rời. Những luồng hồi quang mơ hồ, vụt ẩn, vụt hiện in dấu giữa không trung các hình ảnh lạ kỳ, khi là những đường kỹ hà quái lạ, khi là bức thành cổ tua tủa những mũi lao, khi là những gương mặt tươi cười bị cắt làm ba, bốn mảnh, các mảnh lẻ ấy rượt đuổi nhau, chập chờn, kỳ ảo như những chiếc bong bóng xà phòng trẻ con thổi...
Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ bảo toàn lực lượng, làm lương khô cho giai đoạn chót chiến dịch. Chúng tôi phải thay đổi vị trí tập kết luôn luôn, thực hiện nguyên tắc: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. Như giống mèo hóa thân, chúng tôi phải xóa kỹ mọi dấu vết của mình: bếp lửa nấu ăn phải dập tắt, vết chân không được lộ, đi đồng phải chôn phân thật kỹ... Mùa khô năm trước, một đơn vị bị lộ chỉ vì một cậu lính tai quái không chịu đái nơi bụi rậm mà lại đái vào một bông loa kèn rừng. Thường các cuộc hành quân bắt đầu lúc vào đêm. Người dẫn đường đeo mặt nạ, chỉ hở cặp mắt. Khẩu lệnh thay đổi từng tuần. Lính không được hỏi, không được nói, không có giờ giải trí. Đến địa điểm tập kết, sau khi mắc võng, tổ chức nơi ăn ở, phải ăn cơm và đi ngủ ngay. Tất cả đều hiểu rằng đó là giai đoạn đợi chờ... Một tối, khi chúng tôi đã đến vị trí thứ tư, Thái gọi tôi vào rừng. Tôi nghĩ đó là cuộc hội ý thường lệ nên hỏi:
- Khuê đâu?
Thái lắc đầu:
- Không cần. Tôi có chuyện riêng với anh.
Đoạn cậu ta quay lưng đi trước. Chúng tôi vào khe núi, nơi hai bên um tùm những cây đại thụ và vách đá. Đêm ấy sáng trăng. Chúng tôi ngồi dưới một tàn cây rậm và bóng tối phủ chúng tôi tựa một con mèo khổng lồ dâm đãng. Bên ngoài, những đốm lửa lạnh lẽo của mặt trăng rãy qua tầng lá rừng đùa giỡn vì gió, thứ gió đỏng đảnh chỉ có ở vùng núi miền Tây.
Thái nói:
- Anh Quân này, em tôi chết rồi.
Tôi hỏi:
- Thăng hả?
- Phải, tôi chỉ có một mình nó là em trai. Đã có lần tôi nói với anh...
- Nhớ rồi... Cậu ấy ở đại đội giữ B41.
Lần ấy, Thái bi sốt rét ác tính. Cậu ta tưởng chết nên lúc tỉnh kể chuyện nhà, gửi gắm đứa em trai và ông bố già cho tôi. Nhà Thái có đến bảy anh chị em, nhưng chỉ có hai anh em trai là Thái và Thăng. Mẹ Thái chết vì hậu sản khi đẻ đứa con gái út. Bố Thái làm nghề trồng thuốc lào, ở vậy nuôi con cho tới tận bây giờ.
Giọng Thái run. Cậu ta hỏi:
- Anh Quân biết tay Hữu, chính ủy trung đoàn không?
- Biết chứ.
- Trung đoàn trưởng đi vắng, lão Hữu muốn lập công với sư đoàn nên quyết định đánh lẻ. Bọn dưới nịnh lão, ủng hộ kế hoạch tác chiến vắng mặt sư trưởng. Lão lại là bí thư đảng ủy trung đoàn, toàn thể các đảng ủy viên nhất trí quyết định của ban thường vụ. Đại đội trinh sát vừa muốn lấy lòng lão Hữu, vừa lười nên báo cáo ẩu, đia hình địa vật hoàn toàn sai. Thế là đại đội B41 của thằng em tôi được lệnh tiêu diệt các hỏa điểm của địch, mở đầu trận F.E.18. Chúng nó bò tới trận địa, vừa rút xẻng ra đào hầm trú ẩn thì bị ngay. Ở đó, không phải loại đất pha cát như tụi trinh sát báo cáo, thuần một thứ đất sỏi pha đá ong già, lưỡi xẻng chọc xuống là lửa lóe lên. Các hỏa điểm đích cứ thấy đốm lửa lóe lên ở đâu là nã cối và các loại đạn nóng vào đó. Đại đội B41 phơi lưng, không một hòn đá, gốc cây ẩn núp. Địch trút cả núi đạn xuống. Hôm sau phải điều động ba đại đội tới đánh trả và lấy xác các tử sĩ ra. Lại thêm năm mươi nhân mạng hy sinh... Đại đội B41 chỉ còn một cậu, nghe đâu quê ở Quảng bình, thoi thóp, đưa về trạm phẫu phải cắt cả lách lẫn gan, giờ không biết ra sao...
Tôi hỏi:
- Cả một đại đội bị xóa sổ! Có lấy được hết xác ra không?
- Làm sao lấy ra được hết tử sĩ hả anh?
- Cậu ấy đã có người yêu chưa?
- Chưa... chưa... Tôi còn chưa kịp yêu nữa là nó. Nó chết rồi. Đại đội ấy toàn là những thằng trẻ như nó cả....
Rồi Thái bật lên nức nở:
- Em tôi chết oan, anh Quân ơi... Cả đại đội ấy chúng nó cũng chết oan....
Tôi im lặng nhớ tới hai bàn chân đỏ hỏn đạp trong chiếc chậu sành. Những làn nước sóng sánh ánh chiều hôm... Hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu bàn chân đỏ hỏn như thế. Những thằng con trai đã hăm hở chào đời, và hăm hở ra đi...
Tiếng Thái nức lên, âm thầm trong bóng đêm. Tôi ngồi lặng lẽ chờ cho cậu ta bình tĩnh lại rồi bảo:
- Thôi nhé. Trông chừng tinh thần anh em.
Thái nói:
- Tôi hiểu. Nhưng tôi cần phải nói với anh.
Tôi trả lời:
- Tôi e rằng sẽ đến lúc không ai buồn nói với ai...
Chúng tôi ra về. Nhưng tôi biết Thái đang nghĩ tới hình ảnh con mèo rừng bữa trước. Vì chính tôi cũng đang bị nó ám ảnh.
Ngày hôm sau, từ sáng sớm, y tá báo cáo một tiểu đội bị sốt rét. Anh em thì thầm rằng tiểu đội đó xấu tính, đi ăn mảnh, vớ phải thứ quả độc. Ba ngày sau, lần lượt các tiểu đội khác nộp mạng cho Thần Rừng. Ngày thứ tám, số người ốm đã quá một phần ba quân số . Không ai còn thì thầm đùa giỡn. Mặt ai nấy xanh lè. Những người khỏe nhất được phân công kèm giữ mấy cậu lên cơn sốt ác tính. Họ thường la hét, trần truồng bỏ chạy vào rừng. Họ bị một ngọn lứa đốt tử trong gan ruột đốt ra, bị nỗi sợ hãi vây bủa trùng điệp như cảnh rừng núi xung quanh, bị nỗi thèm muốn điên cuồng không gọi được tên hành hạ... Ngày thứ mười, tôi cử người mang báo cáo lên cấp trên thì đúng lúc có lệnh: rời vị trí tập kết, bất cứ giá nào. Người mang lệnh nhìn tôi qua khe hở của chiếc mặt nạ, nói với giọng ồm ồm:
- Ngay đêm nay, không chậm trễ.
- Nhưng một phần ba quân số ốm!?
Trên yêu cầu hành quân gấp. Đây là vị trí tập kết cuối cùng của các đồng chí trong chiến dịch này. Đêm ấy, sương dày hơn bao giờ hết. Một thứ gió âm u lùa sau chúng tôi, buốt lạnh sống lưng. Đại đội đi thành hàng dọc, cứ hai người khóc cõng một người ốm, kèm theo tư trang.
Đường mòn, cây và dây leo bò ngang chân. Tôi phải đi đầu, phát quang cho trống. Người dẫn đường đi cách tôi vài bước, luôn luôn nhìn thấy tấm lưng thẳng cứng của anh ta, như một phiến gỗ. Thái đi cuối đoàn quân. Còn Khuê, mạnh khỏe nhất, chạy lên chạy xuống, chăm sóc những người bệnh nặng và, khi cần thiết, võng thay anh em. Không ai nói được một lời nào. Sự mệt nhọc quá độ khiến mọi người phải căng toàn bộ thần kinh để cố gắng nhích từng bước một về phía trước. Hành quân... hành quân... hành quân... tôi chợt nhớ khúc quân hành mười năm trước chúng tôi đã hát vang trên đường tiến vào phương Nam, tiếng hát làm rung chuyển rừng già. Năm ấy tôi mười tám tuổi...
- Đoàng....
Một phát súng dội vào tai. Người dẫn đường nằm phục xuống, quát:
- Đứng lại!
- Đoàng...
Một phát chỉ thiên thứ hai. Tôi chạy lên, ngọn đèn pin trong tay, tôi rượt đuổi. Người dẫn đường cũng chạy theo một bóng đen. Chỉ vài phút sau, chúng tôi đã tóm được nó. Đó là một thằng bé loắt choắt, da đen xam, đầu trọc. Nó ngồi bệt trên đám lá mục, giơ hai tay lên, cổ thụt giữa hai vai:
- Em lạy hai anh, em lạy hai anh...
Giọng nói trọ trẹ của nó là giọng dân Hà tây. Cái ba lô đeo sau lưng dúm dó, bẩn thỉu như cái đãy thằng ăn mày. Nó chắp hai tay, hổn hển: - Em lạy hai anh, em chắp tay lạy hai anh...
Hơi nó yếu. Có lẽ nhịn đói đã lâu. Tôi bảo:
- Đào ngũ hả? Giấy tờ đâu?
Nó móc túi đưa ra chiếc thẻ quân nhân và cả tờ công lệnh nhàu nát:
- Em không phải lính đào ngũ... em bị lạc...
Tôi đọc lướt các thứ giấy tờ của nó rồi bảo:
- Mày lại muốn lừa tao hả?... Công lệnh tháng sáu năm ngoái sao giờ còn ở đây?
- Báo cáo thủ trưởng, em lạc... rồi em sốt rét. Em ở trong kia với người Vân kiều. Nó giơ tay chỉ nhưng vì bóng tối quá dày, tôi không nhìn rõ nó chỉ hướng nào. Ngọn đèn của người dẫn đường lại rọi thẳng vào bộ mặt choắt cheo, hốc hác của nó. Móc trong túi một mảnh giấy nhàu nát, nó đưa cho tôi:
- Dạ, có giấy của bà con Vân kiều chứng nhận.
- Tối thế này làm sao tao đọc được? Nhưng không đào ngũ, tại sao mày không tìm đơn vị ?
Mồm nó méo xệch rồi bỗng dưng nó ti tỉ khóc:
- Báo cáo thủ trưởng... em nhớ u em lắm... U em... có mỗi mình em... mà đơn vị em xa quá, giờ ở tận B9, làm sao em tìm được.
Lúc đó, Khuê chạy lên, hỏi:
- Gì thế?
Tôi bảo:
- Vớ một thằng lỏi con đào ngũ.
Khuê nói:
- Thôi, dong nó cùng đi đi... Mấy cậu dưới kia sắp lên cơn ác tính rồi...
Tôi gật đầu:
- Ừ, đi đi
Những chàng lính phải võng bệnh nhân nhờ cơ hội ấy vừa được nghỉ ngơi, lại chuẩn bị đặt đòn lên vai.
Tôi bảo thằng bé:
- Đi theo tao.
Người dẫn đường vượt lên và cuộc hành quân tiếp tục. Lát sau chúng tôi vượt khỏi cửa rừng, tới một lối nhỏ men theo núi. Đường sáng hơn nhờ trăng chiếu rọi. Kẻ đào ngũ đi sau lưng tôi, thỉnh thoảng lại chúi đầu ngã. Lần nào nó cũng vấp phải gót chân hoặc sau đùi tôi. Tôi quay lại:
- Làm sao thế, mày đói à?
Nó lặng thinh. Tôi móc túi áo, tìm mảnh lương khô Thái đưa cho tôi buổi trưa, dúi vào tay nó:
- Này.
Nó im như thóc. Từ lúc ấy, nó không vấp ngã. Đôi lúc quay lại, tôi thấy nó lẽo đẽo bám gót tôi, im lặng như cái bóng.
- Mẹ nó là ai nhỉ?... Có lẽ là một người đàn bà lam lũ vùng Hà tây. Có thể tôi đã gặp bà ta trong số những người đàn bà gánh nặng trẹo cả vai nào ốc, nào su hào, rau cải, nào chuối, nào khoai lên thành phố, đi bộ đèo đẽo vài chục cây số để kiếm mấy đồng bạc tiền lời. Hay mẹ nó là một trong những người đàn bà chân đất vẫn cầm ấm chè xanh chạy rong theo các xe chở khách?
Hay mẹ nó ở trong số những người chúi mặt xuống bùn cấy lúa để, đến mùa thu hoạch, được chia mấy đấu thóc còm, vẫn sung sướng tươi cười vì được ghé mặt vào chụp ảnh với đồng chí bí thư tỉnh? Mẹ nó là ai?...
Ý nghĩ tôi miên man như mê sảng. Trăng sáng. Lạnh như kem. Trước mặt chúng tôi, núi rừng bị trăng phủ, mơ hồ như những bóng quỉ ngồi. Hơi thở của lính tan loãng trong bầu không khí lạnh. Bất chợt, tôi quay đầu lại và thấy thằng oắt đang cắm cúi bước... Đã có lần, tôi nghe bọn lính xuyên tạc một bài quân hành ra những lời lẽ sau:
"
Tao là con của bố tao mẹ tao,
Muốn về là tao cứ ra về,
Tao không cần ba lô
Không còn lương khô
Không cần ô tô.
Tao về ăn Tết xong tao lại lên"...
Chắc thằng oắt này là một trong số những kẻ đặt lời xuyên tạc đó. Những bài hát như thế, các sử gia chiến tranh không thèm để tâm!
Chúng tôi đến được nơi tập kết thì số người ngã bệnh lên tới non nửa quân số. May sao, thuốc đã chở tới kịp thời. Dứt bệnh sốt cũng là lúc chúng tôi tham dự trận đánh.
Chiến dịch "Mũi tên thần tốc" đã sang giai đoạn thứ ba, và đơn vị chúng tôi là một trong hai con chủ bài của giai đoạn này. Cuộc đấu diễn ra không thuận lợi như chiến dịch "Sóng sông Hồng". Đơn vị tôi chỉ còn Thái, tôi và mười bảy lính. Khuê đã hy sinh từ trận đầu tiên. Đại đội của chúng tôi được tặng danh hiệu đại đội anh hùng và bổ sung quân số tức khắc. Dẫu sao, chúng tôi cũng đã thắng. Tôi được lệnh đưa anh em về nơi tập kết bởi vì mùa mưa sắp tới. Đám lính trẻ cần được tập luyện và làm quen với nghề chinh chiến.
Trước khi lên đường, mười chín người chúng tôi được gọi là bộ khung của đại đội, làm lễ vĩnh biệt những người đã khuất. Chúng tôi đóng trước lễ đài, dựng bằng nứa từ hôm trước, trên phủ vải trắng. Tôi hạ lệnh đốt lửa. Phải có một ngọn lửa thật lớn mới đủ soi sáng hơn một trăm gương mặt những người đã khuất. Họ luôn luôn đóng bên cạnh chúng tôi với bộ mặt xanh xám của kẻ bị rút hết máu, tỉ tê, hờn dỗi, đòi ân oán...
Tôi mơ giấc mơ áo xanh. Người đàn bà mặc áo xanh từ khoảng trời xanh hiện ra. Nàng vừa giống, vừa xa lạ người đàn bà tôi mộng tưởng. Không với khuôn mặt hao gầy và cái bụng kềnh càng sắp tới ngày sinh nở mà với gương mặt kiều diễm có hai hàng mày dài. Tôi đã yêu nàng tới kiệt sức. Tôi yêu nàng tới mức tôi sẵn sàng từ bỏ cõi đời vì đã được yêu...
Nhưng tôi tỉnh dậy trong võng một mình, áo quần ướt mồ hôi và dơ dáy:
- Khốn nạn, mơ với mộng, hão huyền...
Một thằng đàn ông rít lên chửi thề, nghiến răng trèo trẹo. Một thằng khác nhẫn nại xuống suối tắm giặt, đi ăn cơm chiều và bàn với Thái kế hoạch hành quân ngày mai.
Buổi tối, khi chúng tôi ngồi uống trà thì liên lạc trung đoàn xuống. Cậu ta chuyển cho tôi tờ lệnh của sư đoàn. Tôi có nhiệm vụ áp tải bốn tù binh quan trọng tới đia điểm tập kết, giao cho bộ phận điều tra xét hỏi. Lệnh nhấn mạnh: Không được để tù binh thất lạc hay bỏ trốn, hoặc ốm chết trong bất kỳ tình huống nào. Lệnh do chính Lương ký thay sư trưởng.
Mưa rừng ập xuống, như tai nạn dọc đường, như tình ái không báo trước. Mưa ròng rã nửa tháng liền không cho mặt trời kịp nháy mắt. Trắng xối xả không gian. Suối dâng ào ào, đường tắc, chúng tôi đành đóng quân ở binh trạm X3-57.
Ngày này qua ngày khác, nhìn dòng nước tuôn như thác, nhìn những tầng lá rung giật, quằn quại dưới mưa. Đêm nọ qua đêm kia, nhìn những ngọn đèn săng khói mù, tỏa thứ ánh sáng đỏ cáu lên mùi hôi khét, những gương mặt mốc meo quanh đám chơi bài. Tôi trở nên cáu bẩn.
Tôi hay nhớ đến em trai tôi. Tôi mơ thấy đôi chân đỏ như son của nó quẫy đạp như con cá mắc lưới, vào giữa chừng một bữa cơm chỉ mắm tôm rang ớt, hay giữa chừng buổi trò chuyện quanh một ấm nước lá rừng. Không phải mơ, dường như tôi nhìn thấy nó. Kỷ niệm ấy khiến tôi ủ ê.
Đến lúc, tôi thấy chính tôi như con cá mắc lưới, bị dĩ vãng dày vò...
Cũng một buổi sáng, mưa. Tôi trở dậy, tới lán số 2. Từ nơi tôi ở qua lán số 1, số 2 và số 3 có các mái hiên dài, người đi không ướt. Dọc theo các mái hiên, chăng từng dãy dây phơi quần áo. Mùa mưa, quần áo chỉ vắt lên dây cho róc hết nước, muốn khô phải đem xuống bếp than hơ một đêm.
Mưa vẫn tuôn không ngừng. Đang đi, chợt tôi bắt gặp tên tù binh số 4 đứng một mình đầu mái lán. Hắn đang hứng mưa. Nước xổ từ mái nứa xuống lòng tay hắn bắn lên tung tóe. Gương mặt hắn nhìn nghiêng giống hệt như Hòa, cô em gái của người đàn bà tôi yêu.
Đường sống mũi, vành môi, khuôn cằm... tất thảy gợi dáng nét của một tu sĩ. Hắn không nhìn thấy tôi. Hắn chăm chú chơi trò hứng mưa, hồn nhiên như học trò tiểu học... "Nếu có Hùng ở đây, chắc gã sẽ cười khẩy và trề môi ra nói: Bọn trai Mỡ, bọn Gà giò. Gảy đàn, thổi sáo, viết nhật ký, làm thơ, ép hoa khô... đó là trò khỉ của những tâm hồn oặt oèo, ủy mị, bọn lính Cậu, bọn trai Hoi - Tao cầu cho bom dập chúng mày thành cám - Tao cầu cho pháo cối băm chúng mày thành món pa-tê..."
Bất chợt một cành khô gãy. Tên ngụy giật mình quay lại, mặt đỏ bừng: - Bẩm thưa ông...
Tôi định trấn an hắn, song tự cảm thấy điều đó lố bịch.
Hắn vẫn không hết luống cuống:
- Dạ... thưa ông.
Tôi chợt thấy hắn giống Hòa ghê gớm. Có lẽ hắn cũng trạc tuổi Hoàng. Hắn có viết những dòng nhật ký miên man mê cuồng không? Hắn... có từ bỏ một giảng đường để đi tìm lý tưởng không?... Tôi bảo hắn:
- Tù binh số 4, về buồng tôi.
Đoạn, tôi quay lưng đi trước. Hắn lẽo đẽo theo sau.
Buồng tôi ở là một gian được ngăn cách trong dãy lán đặc biệt dành cho ban chỉ huy binh trạm và chỉ huy các đoàn quân tạm trú. Buồng thưng gỗ ván, kín đáo, treo vài tấm lịch đã phai màu. Đồ dùng khá đủ: Giường nằm, tủ đựng tài liệu, bàn ghế. Tất cả đều đóng bằng gỗ mộc.
- Vào đi.
Tôi bảo tên lính. Hắn rón rén vào phòng, cúi đầu lau mái tóc ướt vào cánh tay áo.
Tôi trỏ chiếc ghế đối diện:
- Ngồi xuống.
Hắn ngồi, thu hai tay vào lòng. Hắn có đôi bàn tay mỹ nhân, ngón dài, nuột nà như tay tố nữ trong tranh. Tôi rót cho mình một chén nước và cho hắn chén thứ hai:
- Uống đi cho nóng.
Nước còn bốc khói. Hắn khẽ nhấp một ngụm rồi lại ngồi yên, vẻ lo lắng. Khi hắn nhìn xuống, hai hàng mi dài và đen che một phần tròng mắt. Lưa thưa hai bên mép và môi trên, có vài chấm râu. Thấy tôi ngồi yên, tên tù binh ngước nhìn sợ sệt. Tôi nhìn đôi mắt hoảng loạn của hắn, bảo:
- Yên tâm đi, tao không giết lén mày làm gì.
Hắn lặng thinh, mắt cụp xuống.
Tôi nói tiếp:
- Mà ở đây, cho thêm kẹo chúng mày cũng không dám trốn. Đúng không?
Hắn ngẩng lên:
- Bẩm ông, trung tá Huyên cũng nói thế.
Tôi cười thầm vì hắn quả là thật thà. Chưa tên ngụy nào đối đáp như vậy. Tôi hỏi:
- Huyên là tên tóc muối tiêu, tù binh số 1, đúng không?
- Bẩm ông, phải. Ngài trung tá nói nếu trốn, chúng con sẽ rơi vào các đơn vị khác. Mười phần, chắc tám chín là được nếm kẹo đồng hoặc lưỡi lê.
Tôi cười:
- Phải rồi. Bọn chúng mày cũng cáo lắm. Không ai có đủ lòng từ thiện để chia từng mẩu lương khô giữa mùa mưa lũ với bọn người nã pháo cối vào họng mình. Bọn mày là kẻ thù, nhân đạo nhất là người ta cho chúng mày vài viên kẹo.
Hắn im lặng. Tôi nói tiếp:
- Ở đây với tao được an toàn vì tao có nhiệm vụ nộp chúng mày cho bộ phận khai thác tù binh. Tao phải nuôi sống và bảo vệ chúng mày.
Tôi châm điếu thuốc, lơ đãng nhìn dòng nước trắng xóa bên ngoài. Bỗng dưng tôi nhớ mẹ khủng khiếp. Tôi lang thang trên bãi tha ma giữa đồng vắng. Những nấm mộ nhấp nhô giữa những bụi dứa gai, những lùm dây mây và những ngọn cỏ leo đỏ như tiết lợn. Tôi lượm từng thoi vàng bẹp dúm giữa cỏ, giữa đất ướt. Tôi dẫm lên những mảnh ván- thối... Mẹ ơi... Nắm hương bén lửa bốc cháy đùng đùng. Chắc mẹ đã nghe tôi gọi.
- Kìa!...
Tên tù binh chợt thốt tiếng kêu. Hắn chỉ vào tay tôi.
Điếu thuốc cháy bỏng lớp da ngoài. Tôi ném mắu thuốc ra ngoài mưa, nhìn hắn:
- Tên gì?
- Dạ, thưa ông, con tên Huỳnh Hoài An, mười tám tuổi
- Quê quán?
- Dạ, Gia định, Sài gòn.
- Nghề nghiệp?
- Thưa ông, Ba con dạy trung học, Má có cửa hàng may.
- Thợ may?
- Thưa ông, chuyên may đồ cho phụ nữ.
- Tại sao đi lính?
- Dạ thưa ông...
Hắn hớt hải nhìn tôi, rồi cắm mặt xuống bàn.
- Tại sao?
- Dạ, thưa... vì nhiệm vụ với quốc gia...
- Cái gì?
- Dạ... thưa... vì lý tưởng quốc gia...
Tói nhớ đến gã đàn ông đeo kính gọng vàng, trắng như con dê nhốt trong bóng tối: "Lý tưởng, đó đơn giản là bánh thánh phát cho lũ trẻ vị thành niên. Muốn chúng mặc áo thầy tu, mặc áo lính hay áo cảnh sát quốc gia cũng chỉ cần dùng bấy nhiêu từ..." ông ta cười. Nụ cười của kẻ quyền uy, khả ái một cách đáng khâm phục! Dù sao tôi cũng phải cảm ơn chuyến tàu hôm ấy...
Tên tù binh vẫn nhìn tôi, căng tẳng chờ cuộc hỏi cung.
Tôi mỉm cười:
- Lý tưởng?
- Dạ...
- Bảo vệ non sông gấm vóc?
- Dạ... thưa...
- Làm tròn nhiệm vụ của người thanh niên yêu nước, xứng đáng với dòng dõi Lạc Hồng?
- Dạ... thưa ông...
- Ta thề hy sinh tới giọt máu cuối cùng phụng sự cho Tổ quốc?
- Dạ...
Hắn dạ nhịp sau mỗi câu tôi nói, mặt mỗi lúc mỗi tái xanh. Hai tay hắn run như giẻ. Hai chân hắn cũng bắt đầu run. Hắn không hiểu thằng Việt cộng này đang giương ra thứ bẫy nào để đưa hắn tới đoạn đầu đài hay giá treo cổ... Tròng mắt hắn lạc đi.
Tôi hỏi tiếp:
- Thờ thánh thần nào?
Hắn hổn hển đáp:
- Dạ... thưa ông... nhà con không theo đạo...
Môi hắn xệch đi, mếu:
- Dạ, thưa ông... Má con chỉ ăn chay niệm Phật ngày mùng một và ngày rằm...
Tôi lắc đầu:
- Tao hỏi: thờ thánh thần nào?
Hắn chắp hai tay vái:
- Dạ, thưa... xin ông tha cho...
Tôi bảo:
- Đừng có khóc... Không ai ăn thịt mày mà sợ! Nghe tao nói đây này:
Chúng tao thờ một chủ thuyết. Chúng mày cũng thờ một chủ thuyết. Vị thần chúng tao thờ tên là Mác, mũi lõ, mắt xanh, râu rậm. Còn vị thần chúng mày thờ tên là gì? Tóc thưa hay tóc rậm? Trán hói hay trán vuông? Để râu dê hay râu cáo?
Đến lúc ấy, hắn bắt đầu hoàn hồn. Hắn thở dốc từng cơn:
- Dạ, thưa ông, không có...
Tôi nhăn mặt:
-
Sao không? Lý tưởng quốc gia của chúng mày kém thế . Không tìm được vị thần nào mà tôn ngôi à? Hắn lắp bắp:
- Dạ, xin ông tha lỗi, con không hiểu...
Tôi nói:
- Đừng vờ, nhất định phải có...
Hắn đáp hối hả:
- Thưa ông, dạo học Trung học, con có nghe các thầy nói tới ông Mác, với lại ông He-ghen, ông Lăng, ông Nít... Nhiều lắm. Nhưng con không ưa môn triết nên không tò mò...
Tôi cười:
- Ghê thế cơ à?... Chúng mày thờ đa thần... Cái lý tưởng quốc gia của chúng mày tham lam quá!... Tại sao mày bị bắt?
- Dạ, thưa ông, chúng con bị phục kích. Con là lính tháp tùng cho trung tá Huyên.
- A, thằng lùn tóc muối tiêu. Thủ lĩnh của tụi mày?
- Dạ.
- Mày ra trận lần thứ mấy rồi?
Thưa ông, lần thứ hai.
- Lần thứ nhất, mày bắn được mấy thằng Việt cộng?
- Dạ, thưa...
- Có khi tao chạm trán mày trận ấy... Có khi chính viên đạn của mày nghiến sứt vành tai tao đây này, thấy chưa?...
Tôi chìa cho hắn vành tai phải bị mảnh pháo tiện cụt một mẩu. Mặt tên tù tái xanh, nước mắt rân rấn quanh tròng:
- Dạ... Con làm sao bắn trúng ông được ạ!
- Sao không?
- Thưa ông... vì lần ấy, nghe súng nổ, thấy xung quanh nhiều người chết quá nên con chúi đầu xuống đất, không dám ngẩng lên.
- Không dám ngẩng lên à?... Đúng thế thật... Nhưng lần thứ hai, lần thứ ba mày sẽ ngẩng lên... Và lần thứ tư mày sẽ ngắm trúng họng tao mà bắn... Đúng không?
Hắn run rẩy:
- Thưa ông...
Tôi nhìn hắn, mỉm cười. Lần nữa, tôi thấy hắn ngần mặt ra và hắn giống cô bé Hòa như đúc! Có lẽ hắn không hiểu tôi là người hay quỉ. Các thớ thịt trên khuôn mặt hắn cứng đờ. Có lẽ đầu óc hắn rối tung và hắn không thể tìm được lời giải. Tôi khoái chí nhìn hắn:
- Đừng sợ. Bắn giết là công việc của chiến tranh. Bước ra trận tao cũng bắn tụi mày như bắn lũ sâm cầm, không ghê tay... Có lẽ vì tụi mày thờ đám thần khác với thần của chúng tao nên mới khổ vậy. Hay mày về nói với lão trung tá Huyên xin chính phủ chúng mày đổi sang thờ thần Mác?
Tên tù binh há miệng nhìn tôi chằm chằm. Hoặc là hắn nghi tôi điên. Hoặc hắn sắp điên.
Tôi nói tiếp:
- Hoặc giả chúng tao với bọn mày sẽ chọn chung một ông nào đó. Ví như ông Thổ địa, cái vị bụng phệ vẫn ngồi bệt ở dưới góc nhà ấy... Không ai chém giết nhau vì một ông thần cỏn con như thế...
Tên tù há mãi miệng ra mới nói được vài lời:
- Con xin ông... tha tội... Con chẳng hiểu ông nói gì... con xin...
Tôi cười phá lên, bảo:
- Không có gì đâu?... Tao đùa tí chơi... Về đi...
Hắn đứng lên, chắp hai tay vái:
- Thưa ông, con xin phép...
Hắn lùi ra sau vài bước. Khi tới cửa, hắn quay lưng bước nhanh như chuột. Ánh mắt hắn nhìn tôi hãi hùng như ánh mắt đứa bé gái nhìn thấy con yêu râu xanh!