Tôi mơ thấy một chàng trai có gương mặt vui vẻ dắt tôi qua cánh đồng tường vi. Mặt trời đã lên nhưng sương trắng chưa tan bay lang thang như ước vọng của kẻ si cuồng. Bốn bề xung quanh, hương nồng đậm, hoa tường vi nở mê man cho tới tận chân mây. Hai chúng tôi im lặng, mài miệt bước đi. Chợt một tiếng gọi dóng dả khiến tôi bừng tỉnh: - Quân, dậy mau không thì mày sẽ chậm tàu! Chật vật lắm tôi mới kiếm được một chỗ ngồi... Ngay trên đầu tôi, đung đưa đôi chân to như chân voi và dơ dáy của một cô buôn chuyến. Cô ta mắc võng ngay toa tàu, rồi cứ nằm há miệng ngáy, mặc cho kẻ qua người lại. Con tàu thời chiến giống bát cơm chộp giật trong cơn đói lầm than, khốn cùng. Tàu chỉ đỗ ở ga xép năm phút. Khách đi tàu chen lẫn nhau, đạp lên những bãi phân lổn nhổn rác và đá, đạp lên các túi xách, ba-lô, sọt đựng hàng, đạp cả lên lưng và chân nhau... Người ta cố phải tìm được một chỗ ngồi, dù trên ghế hay dưới sàn đầu toa, nước tiểu tràn lênh láng bốc mùi khai lợm. Những chiếc ghế gỗ cứng, long lở, nhem nhuốc vết dao cứa và nhựa hắc ín. Ở cửa: cái còn, cái mất, phủ đầy bụi lẫn muối than. Tàu sơn loang lổ màu rêu ngụy trang. Một người đàn ông gày gò, mặt đen nhẻm, huých tôi vào sát thành toa: - Nhờ anh tí nhá. Ông ta ghé mông ngồi xuống đồng thời đặt kê nửa chiếc bao tải nặng trĩu lên đùi tôi: - Thông cảm tí nhá. Tôi nói: - Việc gì khó, tôi sẵn sàng giúp ông. Nhưng đi đường dài, mà đặt bao tải nặng như cùm sắt thì làm sao chịu nổi? Ông ta nhăn nhó: - Bát. Toàn bát ăn cơm. Để dưới sàn vỡ mất. Tôi bảo: - Phải tìm cách thu xếp chứ? Ông ta lắc đáu quầy quậy: - Anh thông cảm, vỡ mất, ở vùng tôi, bom phá vỡ hết. Nhiều nhà phải ăn cơm bằng gáo dừa! Tôi dịu giọng: - Yên trí, tôi sẽ giúp ông. Thương lượng với mấy cô buôn chuyến, tôi xếp được tải bát giữa những cuộn chiếu cói và sắn khô. Người đàn ông sung sướng nhoẻn miệng cười. Hai hàm răng trắng làm sáng bừng gương mặt gầy choắt, đen như nhọ than. Ông ta thở phào: - May quá là may. Đoạn, rút trong túi dết ra một ổ bánh mì khô cứng, ông ta bẻ làm đôi mời tôi: Làm một miếng cho đỡ đói lòng. Tôi lắc đầu: - Cảm ơn, tôi vừa ăn cơm no. Người đàn ông hể hả, cầm bánh ăn. Miếng bánh mì đã có vết mốc. Tôi nhìn những lằn gân nổi chằng chịt trên cổ ông ta, cả hai bàn tay khô khẳng như rê duỗi... Trong chiến trường, có lúc đói trắng mắt, đói rã xương, mà lại có lúc thực phẩm dồi dào, ngập đũa ngập bát. Nhưng cái đói bình thường của người dân hậu phương là thứ đói triền miên vô tận! Thấy tôi nhìn, người đàn ông nói vồn vã: - Tôi hãy còn cái bánh nữa trong túi, anh ăn nhá? Tôi vui vẻ đáp: - Không, tôi nhìn cái mụn ruồi trên cổ ông. Nó giống hệt mụn ruồi của bố tôi. Người đàn ông cười hề hề, đoạn cúi xuống cẩn thận nhặt từng mẩu bánh vụn rơi trên đùi, bỏ vào miệng. Xong xuôi, ông ta khoanh tay trước bụng, nhắm mắt ngủ. Chỉ một lát sau, tiếng ngáy đã cất lên đều đặn. Con tàu thét lên hồi còi dài, nhưng vẫn chưa chuyển bánh. Cô buôn chuyến nằm võng trên đầu tôi nói mê: - Trả tiền tao ngay... Không cho khất được. Biết phiên chợ sau mày còn hay bom nó cắt hộ khẩu rồi... Trả tao... Cô ta nói rành rẽ khiến đám buôn chuyến xung quanh phì cười. Tàu rú hồi còi thứ hai. Một nhân viên hỏa xa bước vào toa: - Yêu cầu đồng bào lùi ra... yêu cầu lùi ra... Anh ta nói liên tục: - Dẹp cho tôi một lối đi, yêu cầu... Đám khách xô đẩy nhau, dạt sang hai phía, nhường đường cho anh ta. Một việc miễn cưỡng. Tuy nhiên, bộ đồng phục ngành hỏa xa, chiếc mũ kê-pi mới và chiếc túi giả da đeo bên hông khiến tấm thân lom khom của anh ta cũng có phần nào oai vệ. Phía sau anh ta, hai người đàn ông bước theo. Cả hai đều to béo, nhưng một người lùn, một người cao. ông lùn đeo kính gọng vàng, ông cao đeo kính cận dầy như trôn chén. - Nào, nào... dẹp vào... dẹp vào lấy lối... Người nhân viên hỏa xa tới dãy ghế đối diện với dãy ghế tôi ngồi. Ở dó, đã có hai hành khách đi từ ga nào chẳng rõ. Khi tôi lên tàu, họ đang ngủ, đầu ngoẹo vào nhau, mũ cối úp lên mặt. Cả hai đều mặc quân phục cũ. Chàng nhân viên hỏa xa đập vào vai họ: - Dậy, dậy... . Hai thanh niên bừng tỉnh, giương những con mắt đỏ kè nhìn xung quanh. Khi nhận ra người đứng trước mặt, họ bỗng ngồi thẳng lên. Người nhân viên hỏa xa nói lạnh lùng: - Yêu cầu cho kiểm tra vé. Cả hai thanh niên đều giữ khư khư mũ cối trước bụng, người nọ đưa mắt nhìn người kia. Cả vẻ mặt lẫn toàn thân họ toát ra vẻ khúm núm: - Dạ... thưa đồng chí... dạ... Người soát vé nhắc lại: - Yêu cầu cho kiểm tra vé... Hai người đàn ông đeo kính vẫn im lặng quan sát từ đầu bỗng cùng lên tiếng: - Thôi thôi... Nhân viên nhà ga bảo hai thanh niên: - Về phòng vé giải quyết. Đoạn, anh ta quay lại cúi dầu một cách lễ phép nói: - Xin hai đồng chí cho ý kiến: ngồi đây có được không? Người đàn ông lùn gật đầu: - Được Chàng nhân viên hỏa xa nói tiếp: - Dạ, có cần gì xin các đồng chí tìm tôi tại phòng vé. Tôi sẵn sàng phục vụ. Người đàn ông lùn gật đầu: - Được rồi. Nhân viên hỏa xa nói: - Tôi xin phép được đi ạ?... . Vì phải cúi xuống nói với người lùn một cách kính cẩn, trông bộ dạng anh ta hệt như thằng gù có bướu lưng. Người đàn ông lùn sẵng giọng: - Được rồi, cần gì tôi sẽ báo... Anh chàng nhân viên hỏa xa cúi đầu chào lần nữa rồi Hai người đàn ông không cớ hành lý gì đáng kể, ngoài một chiếc túi du lịch cỡ nhỏ chắc đựng đồ ăn. Không ai dám ngồi chen thêm vào ghế của họ. Những con người béo múp, trắng như đế nhốt lâu ngày trong bao diêm trở thành bậc chúa tể vô danh giữa đám đông. Người ta bắt đầu liếc nhìn họ một cách rụt rè, hoặc sợ hãi, hoặc muốn lấy lòng. Ngay đám buôn chuyến trâng tráo là thế cũng không dám thản nhiên buông những lời thô tục. Không khí trong toa tàu bớt ồn ĩ hẳn đi... Có một thứ quyền lực không tên khống chế mọi người! Con tàu rít lên hồi còi thứ ba, xô lắc rồi chuyển bánh. Hai người đàn ông tựa dầu vào thành toa, nhìn nhau. Ông lùn đeo kính gọng vàng cười ha hả: - Thấy chưa? Cậu đã thấy chưa?... Người cao lớn gật dầu, im lặng với vẻ như chờ đợi. Người lùn nới tiếp: - Cuộc đời không nhàm chán, mịt mù như văn chương, báo chí của các cậu. Chỉ bước lên toa tàu này mươi phút đã rõ. Người đàn ông đeo kính cận nói: - Chính vì muốn thấy rõ nên tôi mới theo cậu đi chuyến tàu chợ này. Chưa chi vợ tôi nó đã đe: - - - Liệu đấy, đem rệp về nhà thì tôi tống khứ! Người đàn ông lùn cười: - Vợ là kẻ thù không chính thức của mọi người đàn ông ha... ha... ha... Nhưng chúng ta không thể loại bỏ. Bây giờ trở lại vấn đề cậu quan tâm. Người đàn ông cao lớn hỏi: - Nội dung và hình thức. Người đàn ông lùn gật đầu: - Chính thế. Tôi khỏi cần bố trí diễn các tiểu phẩm làm minh chứng. Trước mặt chúng ta, vừa mới đây đã xảy ra một ví dụ hiển nhiên. Cậu hãy nhớ lại: Hai thằng trốn vé tàu gọi cậu nhân viên hỏa xa là đồng chí. Cậu nhân viên hỏa xa cũng gọi chúng ta là đồng chí. Nhưng thực chất mối quan hệ thứ nhất là mối quan hệ giữa những kẻ phạm pháp với người thừa hành pháp luật. Mối quan hệ thứ hai là quan hệ đầy tớ với ông chủ. Nói rõ thêm: cậu nhân viên kia chỉ là đầy tớ của đầy tớ chúng ta... Đúng chưa?... Vậy danh từ đồng chí là cái vỏ. Một hình thức chứa đựng những nội dung khác biệt nhau: Xét phương diện ngữ-nghĩa, đó là sự ngụy trá, - Xét phương diện lịch sử, đó là sự thích ứng, - Xét phương diện thực tiễn, đó là một mánh khóe của các nhà cai trị. Người cao lớn đưa tay sửa gọng kính, lắc đầu: - Trong xã hội văn minh, người ta phải tìm cách khắc chế sự bất-tương-đồng giữa hình thức và nội dung. Người đàn ông lùn nhìn vào mặt bạn, lại cười ha hả: - Cậu ngây thơ thật! Không phải lúc nào chúng ta cũng cần đến một xã hội văn minh. Người đàn ông cao lớn nói: - Tôi không hiểu. Người đàn ông lùn diễu cợt: - Tôi không hiểu... tôi không hiểu... Đừng nói câu đó khi tuổi ngoại ngũ tuần. Văn minh là con đường cực nhọc. Chúng ta lại thiếu thời gian. Cuộc đời chúng ta ngắn ngủi. Phải tìm kiếm vinh quang bằng con đường khác. Người đàn ông cao lớn nhăn mũi: - Cậu có những ý tưởng tàn nhẫn. Người đàn ông lùn cười: - Phẩm chất đầu tiên cần thiết cho các nhà cầm quyền là tàn nhẫn. Cậu giống như đàn bà, duy cảm bệnh hoạn! Người cao lớn nói: - Tôi giống tôi. Người lùn vẫn cười: - Cậu thấy con đà điểu chưa !... Khi gặp ác thú tiến đến, nó rúc đầu vào cát. Nó tưởng cát sẽ khắc chế dược hiện thực. Người đàn ông cao lớn bảo: - Nhưng chúng ta đã ra đi vì lý tưởng. Người đàn ông lùn gật đầu quả quyết: - Đúng. Đó là sự thực không thể chối cãi... Rồi ông ta lại cười. Lần này tôi thấy rõ hàm răng ông ta ám khói thuốc vàng vàng, lại hơi chìa ra phía trước. Mũi ông ta tẹt, hai lỗ mũi trống hoác. Có lẽ vật giá tri nhất trên con người ông ta là chiếc gọng kính bằng vàng nguyên chất. Sức chinh phục lớn nhất ở ông ta là cái vẻ tự tin pha lẫn diễu cợt chớt nhả của một thằng ôn con lõi đời. Ông ta nói tiếp: - Tôi và cậu, và nhiều người khác nữa, chúng ta đã ra đi vì lý tưởng. Nhưng đó là những ý nghĩ năm mười bảy tuổi. Vào lứa tuổi năm mươi, nó chỉ là những kỷ niệm mốc meo. Lý tưởng đó, đơn giản là bánh thánh phát cho lũ trẻ vị thành niên. Muốn chúng mặc áo thầy tu, mặc áo lính hay áo cảnh sát quốc gia cũng chỉ cần dùng bấy nhiêu từ. Người đàn ông cao lớn nói: - Không ít người nghĩ như thế. Nhưng... Người đàn ông lùn cắt lời: - Danh từ cũng như mọi vật: có lúc nảy sinh, có lúc lụi tàn. Người đàn ông cao lớn hỏi: - Vậy năm tôi với cậu rời Quảng trị ra đi, cái gì nảy sinh, cái gì đã lụi tàn? Người đàn ông lùn đáp: - Hồi ấy chúng ta mười lăm tuổi, tâm hồn và cách mạng đều tươi non. Suốt cuộc hành trình, chúng ta luôn miệng hát bài Đồng Chí.. Gì nhỉ?... "Quê hương anh nước mặn đồng chua. làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá..." Lời hay tuyệt, phải không? Nhưng qua thời gian đó, nó đã trổ bông kết trái. Giờ, tới lúc lụi tàn. Đó là qui luật. Cách mạng cũng như tình yêu, có nảy sinh, có thối rữa. Nhưng cách mạng thối rữa nhanh hơn ái tình...Đồng chí…. Khi thực chất mối quan hệ giữa những người cùng tham dự vào một trận tuyến không còn là đồng chí nữa thì các nhà cầm quyền cần phổ biến danh từ ấy một cách rộng rãi và ầm ĩ hơn... Đó chính là bổn phận của các cậu các nhà văn hóa và giáo dục cao cả. Người ta trả lương cho các cậu chính vì lẽ đó. Ông ta ngửa cổ lên cười. Rồi rút một điếu thuốc, châm lửa hút. Người đàn ông cao lớn ngập ngừng: - Có những hạt nhân có lý trong điều cậu nói... Nhưng mà... Người đàn ông lùn cướp lời: - Nhưng mà không chịu nổi, đúng không?... Ông ta cười tiếp. Hình như ông ta có điều gì vui vẻ lắm và cuộc chuyện trò chỉ là cái cớ để bùng nổ nhưng trận cười vô tiền khoáng hậu. Tới lượt người đàn ông cao lớn châm thuốc. Hai người thi nhau thả khói. Họ im lặng hồi lâu. Trong toa chỉ còn vài người đàn ông cùng tôi theo dõi câu chuyện. Đám đàn bà buôn chuyến đã há hốc mồm ra ngủ. Tiếng bánh sắt nghiến trên đường rầy buồn tẻ vô cùng. Chợt người đàn ông lùn hỏi: - Cậu có đem bia theo không đấy? Người kia gật đầu: - Có . Đã khát rồi à? Người đàn ông lùn lắc đầu: - Không. Tí nữa ta uống. Người cao lớn mỉm cười: - Đã muốn đi tàu chợ xem dân chúng sống ra sao mà lại còn phải đem theo đồ hộp!? Người đàn ông lùn cười xúyt xoa: - Tôi yếu bụng. Trình độ vệ sinh ăn uống của dân ta ở vào loại man rợ nhất nhì thế giới. Nước lã ở các nơi bên Tây Âu sạch hơn nước lọc giải khát đóng chai và hộp ở bên ta. Người đàn ông cao lớn cười mát: - Cậu thật mâu thuẫn! Vừa muốn hưởng tiện nghi của nền văn minh vừa không muốn thiết chế một xã hội văn minh!? - Thiết chế một xã hội văn minh là việc khó. Nhưng bảo đảm đời sống văn minh cho một nhóm người là việc dễ. Tôi đã bảo cậu rằng văn minh là con đường gai góc, tốn phí thời giờ lại phải chia xẻ quyền lực. Đối với một dân tộc ấu trĩ như dân ta, tìm cho họ một tôn giáo thích hợp, dẫn dắt họ đến lễ đài vinh quang bằng con đường ngắn nhất, dễ trăm lần hơn dạy họ văn minh... Người đàn ông cao lớn nheo mắt: - Cậu trắng trợn thế?... Người lùn cười hề hề: - Sự thật nào mà không trắng trợn?... Cậu cứ thử đặt điạ vị của cậu, vào vị thế của một ông vua... Lúc ấy, cậu sẽ khoái đứng trên lễ đài duyệt binh hơn lọ mọ trong triều đình để tìm kiếm các phát minh về một giống lúa mới hay một qui trình sản xuất mới. Đấy, cái nền văn minh của cậu bắt buộc các ông vua phải lọ mọ trong triều, phải gặp gỡ ve vuốt lũ trí thức gàn dở, kiêu ngạo... Còn đứng trên lễ đài, cờ xí rợp trời, lưỡi lê tuốt trần sáng lóe, súng đại bác gầm thét... đó là niềm thụ hưởng tối cao của quyền lực, - tiền bạc, và ái tình cũng không sánh được... Cho nên, chúng ta cần tôn giáo... Người đàn ông cao lớn nói: - Thế mà ít nhất cũng dăm bảy lần tôi nghe cậu trích dẫn câu nói của Lê-nin: Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Người đàn ông lùn cười cợt: - Cậu đến lạ! Tôi là giáo sư. Khi đứng trên bục giảng, tôi phải giảng bài đúng yêu cầu. Bọn sinh viên chúng cần ăn những thứ thực phẩm ấy, cũng như cần học thuộc lòng danh từ lý tưởng... Chúng ta không phải bọn chíp hôi... Vả lại, đừng cố chấp. Nếu đúng tôn giáo là thuốc phiện thì chúng ta cần thứ thuốc phiện ấy hơn ai hết. Người bạn đồng hành lắc đầu: - Đến thế là cùng... Người lùn nhìn bạn, vẻ ái ngại: - Cậu luôn luôn là một thằng học trò... Nhưng có lẽ tôi thích cậu cũng chính vì điều đó. Thế cậu tưởng rằng chúng ta là những kẻ vô thần hay sao?... Không phải thế! Khi chúng ta đập phá đình chùa miếu mạo, ấy là để dọn chỗ treo ảnh Mác, là để tạo đựng hình ảnh một tân-chúa cho đám đông. Cậu có nhớ những cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn năm 52-53 không? Chúng có khác gì những buổi lễ xưng tội ở nhà thờ? Trong đó con người tự hành xác, tự dằn vặt sám hối để lương tâm thanh sạch, để được tiến đến gần đấng chí tôn... Bây giờ cũng thế, tôi cũng đã dự những buổi kiểm điểm và kỷ luật đảng viên. Mác đã hiển thánh và trở thành tấm gương đạo đức. Tới đó, ông ta bật ra vài tiếng ho. Người bạn đồng hành lặng im. Rồi hai người cùng châm thuốc hút... Nhả vài hơi khói, người đàn ông lùn nheo mắt nhìn bạn: - Cậu đọc kỹ tiểu sử Mác chưa? - Chưa, chỉ một đoạn a-văng pờ-rô-pô (avant-propos) trong cuốn "Gia đình thần thánh" thôi. - Cố nhiên... Cố nhiên... Muốn cho Mác hiển thánh thì phải xóa đi mọi dấu vết của đời thường... Tôi, thì tôi đã tới tận ngôi nhà sinh ra Mác, tôi ký tên trên các bảo tàng về Mác, tôi đến đặt vòng hoa trên nghĩa trang Mác tại Anh... Ngửng nói, ông ta nghiêng đầu ngửa mặt nhìn người bạn. Mắt ông ta nheo lại, ánh lên nụ cười ranh mãnh. Cái gọng kính vàng lóng lánh dưới tràng mày thưa. Người đàn ông cao lớn quay sang nhìn, ông ta nói tiếp: - Tất nhiên, chân giá trị của một vĩ nhân không đặt ởphạm trù đạo đức cá thể... Nhưng mà, nói cho vui, cậu có biết về phương diện sinh hoạt, cá nhân Mác là người thế nào không? Đó là một thằng lùn trụy lạc. Từ thời sinh viên đã mò xuống các xóm nhà thổ chơi điếm. Đặc biệt, Mác rất thích đám con gái di-gan. Nói theo ngôn ngữ của Lép-tôn- tôi, đó là một thằng cha đi hoang không biết mệt. Đoạn đời sau của Mác, nhiều người biết: lão ngủ với cô đầy tớ, đẻ một đứa con. Khi Mác chết, Gien-ni đã tha thứ và công nhận đứa con ngoài hôn thú. - Ha ha... ha ha... ha... Ông ta cười rũ rượi. Người bạn đồng hành cũng cười. Họ thi nhau lấy khăn tay thấm nước mắt. Rồi họ châm điếu thuốc thứ ba, tiếp tục hút. Tôi ngồi im. Lưng tôi lạnh toát. Một cơn choáng váng xâm chiếm óc não tôi. Tôi có cảm tưởng như mình đang đi trên một cây cầu, trong chớp mắt nó hóa thành sợi dây và bên dưới là vực thẳm. Tôi lén lút đưa mắt nhìn người đàn ông đeo kính gọng vàng lần nữa. Ông ta đang chun mỏ thả khói thuốc, đầy vẻ mãn nguyện. Ánh mắt ông ta như còn tiếp tục cười cợt . Hai khóe mép nhếch lên vui vẻ nhưng mỉa mai... Tôi hiểu, những điều ông ta nói là sự thật... Tôi bỗng hình dung ông ta là tay phù thủy, vê cục bột thành một hình nhân, đặt lên bệ thờ, rồi ông ta phà ra luồng hơi phù phép. Hình nhân thằng lính kèn bằng bột hóa thành vị thần linh oai nghi, vĩ đại. Trước thần linh ấy, ngàn triệu người xì xụp quì lạy, khấn vái. Ngàn triệu cặp mắt ngước nhìn khiếp hãi, cuồng si. Ngàn triệu sinh linh chờ đợi một tín hiệu là nhất loạt nhảy vào bể dầu sôi hay hỏa ngục... Trong ngàn triệu người ấy có tôi, có tất thảy những người máu thịt thân thiết của tôi... Và ông ta, gã phù thủy thấp lùn mũi tẹt, ngồi ở hậu cung vừa nhả khói thuốc vừa tủm tỉm cười . - Báo cáo... Tiếng nói giật giọng khiến tôi sửng sốt! Tôi quay lại, thấy một anh chàng bận quân phục, đeo băng đỏ đang đứng trước mặt hai người đàn ông. Anh ta dằn từng liếng: - Có người đến báo rằng hai ông đã xúc phạm Các- Mác, vị lãnh tụ vĩ đại và đã bôi nhọ chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Người đàn ông lùn lập tức đứng bật dậy, ưỡn ngực quát: - Ai, ai tố cáo? Mặt ông ta đanh lại, không còn vẻ bỡn cợt mà trở nên nghiệt ngã: - Ai? Ông ta quát lại lần thứ hai, dõng dạc, khinh bỉ. Anh chàng cảnh vệ quay lại phía sau... Hẳn kẻ tố cáo đã nhanh chân lủi mất. Anh ta đứng đần độn, mặt đỏ lựng, ấp úng: - Có người đã tố cáo... Dứt khoát có người đã... Người đàn ông lùn rút trong túi áo một mảnh giấy, chìa cho chàng cảnh vệ: - Đây đọc đi . Một cuốn sổ nhỏ có bìa cứng màu đỏ, các góc hơi quăn lên. Tôi biết đó là tấm hộ chiếu ngoại giao, loại các ông lớn thường dùng. Anh chàng cảnh vệ run run đỡ lấy cái báu vật biểu hiện quyền uy, mắt như lạc khỏi tròng. Anh ta đọc rất nhanh, và, đọc xong, mặt tái xám. Người đàn ông mỉm cười, rút lại cuốn sổ nhỏ trên hai bàn tay thô kệch của anh ta, bảo: - Chính chúng tôi là những người đưa chủ nghĩa Mác vào Việt nam. Chính chúng tôi dạy cho nhân dân, trong đó có bản thân anh, hiểu thế nào là chủ nghĩa Mác. Cho nên, người bảo vệ chủ nghĩa Mác trước tiên là tôi chứ không phải là anh. Rõ chưa? Chàng thanh niên cúi gằm mặt xuống. Tôi nhìn rõ những hạt mồ hôi đọng trên hai thái dương của anh ta lớn dần lên. Người đàn ông lùn nói tiếp: - Tôi bỏ qua cho anh lần này... Lần sau còn hành động hồ đồ như thế, anh sẽ được đưa tới nơi cần thiết. Anh chàng vẫn cám mặt xuống sàn tàu. Người đàn ông lùn giật giọng: - Đi đi ! Ông ta ưỡn ngực, chắp tay sau đít, mặt hầm hầm khủng bố đến nỗi chàng cảnh vệ ngã dúi dụi vào đám hành khách. Đi tới gần cửa toa anh ta mới dừng thẳng lên được. Tức khắc, anh ta biến mất. Người đàn ông lùn ngồi xuống. Vẻ cau có, nghiệt ngã trên mặt ông ta tan biến. Ông ta quay sang người bạn, nháy mắt cười vui vẻ nói: - Cậu thấy chưa?...Dân mình ngu lắm. Phải có tôn giáo dẫn dắt và phải có ngọn roi để dạy dỗ họ.