Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Tiểu Thuyết Vô Đề

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 58669 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tiểu Thuyết Vô Đề
Dương thu Hương

Chương 5

Người tiếp tôi không phải sư trưởng Nguyễn văn Hào, cũng không phải chính ủy Đoàn Trọng Liệt! Uổng công tôi gìn giữ hai lá thư nọ phẳng phiu, khô ráo. Cả sư trưởng lẫn chính ủy đã rời K từ mười hai ngày trước, đi dự một hội nghị quan trọng trên quân đoàn.
Người tiếp tôi là Đào Tiễn, thấp béo, mắt ti hí, giọng nói rổn ráng sang trọng. Ông ta cỡ ngoài năm mươi tuổi, đầu hơi hói. Sau khi đọc xong cả hai lá thư của Lương gửi sư trưởng và chính ủy, Tiễn bảo:
- Ba chúng tôi như anh em một nhà. Đồng chí cứ xem xét tình hình rồi đề xuất biện pháp. Việc gì đồng chí Hào, đồng chí Liệt giải quyết được, tôi cũng giải quyết. Đừng ngại.
Thấy tôi nóng ruột muốn gặp Biền ngay, ông ta cản:
- Chín ngày đêm đi bộ không phải chuyện bỡn. Hãy nghỉ ngơi đã. Cậu ấy chẳng thăng thiên cũng không độn thổ được đâu .
Nói xong, ông cười hềnh hệch. Con mắt bé tí ánh lên vẻ ranh mãnh của một thằng ôn vật hơn là một người chững chạc đã tới tuổi ngũ tuần. Tôi đành xuống phòng khách sư đoàn ngủ. Nhưng chưa kịp mắc màn, ông sư phó đã mò vào:
- Đồng chí uống nước chè chưa?
- Cảm ơn, không cần đâu.
- Tôi có mang chè xuống đây. Chè Tây Nguyên uống tạm. Nước đen thui như nước gạo rang.
Ông ta lúi húi pha chè vào chiếc ca quân dụng rồi rót ra hai chiếc bát sắt tráng men cỡ nhỏ:
- Mời đồng chí.
- Vâng, cảm ơn.
– Ơn nghĩa gì! Đồng chí trẻ tuổi mà sao khách sáo thế . Dân Hà nội à?
- Không, tôi người làng Đông tiến.
- Trông như người thành phố ấy!
- Bề ngoài thôi. Cái bề ngoài hay làm người ta nhầm.
- Có vẻ như cả bề trong nữa. Tôi ít khi nhầm lắm. Cả sư đoàn biết điều đó.
Tôi mỉm cười:
- Trường hợp này thì đồng chí nhầm.
Ông ta cười:
- Ư thế cũng hay. Đồng chí bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi tám.
- Tuổi con khỉ, đúng bằng thằng em út tôi. Nó cũng bộ đội .
- Anh em gặp nhau chắc toàn chuyện lính, tha hồ vui.
- Chẳng vui lắm đâu... Trước nó cứ đòi đi học đại học y làm bác sĩ. Tôi phải chỉnh cho nó một trận nên thân nó mới chịu vào lính.
Tôi nói:
- Thành bác sĩ cũng có ích cho xã hội. Cứ gì phải làm lính mới nên người. Trong đơn vị tôi chẳng hạn, có một gã tên là Hùng... đánh trận giỏi, giết năng xuất nhưng...
Đào Tiễn giơ tay, xua lấy xua để:
- Thôi thôi, tôi biết luận điệu của đồng chí rồi. Y như thằng em trai tôi. Bọn trai trẻ bây giờ suy nghĩ nông cạn lắm. Chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, không nhìn thấy cái lợi lâu dài. Chỉ nhìn thấy vinh quang của bản thân, không nhìn thấy vinh quang của Tổ quốc.
“ Đ. mẹ thằng già, lại bắt đầu lên lớp." Tôi cười nhạt:
- Vâng, tuổi trẻ chúng tôi ngu dốt, đồng chí cứ phân tích cho.
Sư phó Tiễn nhìn xói vào mắt tôi:
- Này, đừng riêu nhá... Tôi không lạ gì tụi lính trẻ bây giờ.
Tôi uống một ngụm chè đen, đỡ mệt. Tôi bảo ông ta:
- Tôi tỉnh ngủ rồi, xin tiếp chuyện đồng chí. Thực ra ai mà chẳng có cái ngu. Nhưng chắc chắn cái ngu của người này khác cái ngu của người kia. Bọn tôi lớn lên, đến tuổi thi hành nghĩa vụ thì đăng lính. Ai cũng có máu Việt nam trong tim cả. Cứ có một thằng giặc khác dòng giống nào trên đất của mình thì sống chết cũng phải đánh bạt chúng đi. HọTrần ngày xưa diệt quân Nguyên cũng thế. Họ Lê ngày xưa diệt quân Minh cũng vậy.
Ông ta gật gù quấn một điếu thuốc, thứ thuốc lá đen của dân Vân kiều, nhựa đặc sánh như mật gấu, người không quen, hút một hơi là lăn quay! Cuốn chặt lá thuốc, Tiễn lè lưỡi liếm cho mép lá dính chặt thành sâu kèn. Vẻ mặt ông ta toát ra niềm tự đắc và viên mãn:
- Cũng đúng. Nhưng chỉ là một nửa sự thật thôi. Các đồng chí ít tuổi mà không chiu học tập chính trị . Tổ tiên chúng ta dũng cảm nhưng không có may mắn được lịch sử lựa chọn và trao gửi một trọng trách như chúng ta bây giờ. Đồng ý là nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn đã có những chiến thắng oanh liệt, nhưng đó chỉ là những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc đơn thuần. Chúng ta khác: Chiến thắng của chúng ta không chỉ là chiến thắng của một dân tộc nhược tiểu với lũ đế quốc mà còn là chiến thắng của hệ tư tưởng Mác-xít. Chỉ có hệ tư tưởng Mác-xít mới thiết lập được chủ nghĩa cộng sản trên toàn trái đất, thực hiện được giấc mơ...
- Có tôi nhớ rồi... thiên đường của loài người.
Đào Tiên vội hỏi:
- Các đồng chí không qua các đợt học tập à?
- Có. Nhưng chúng tôi học cách đánh hơi kẻ thù, thăm dò độ cứng của đất, bố trí các ổ hỏa lực nhiều hơn... Thành ra chúng tôi quên béng những bài học kia.
Đào Tiễn nhường cặp mắt ti hí lên:
- Ơ hay, đồng chí chỉ huy đơn vị mà...
- Vâng, đơn vị chúng tôi chiến đấu cừ lắm nên được cấp trên cưng chiều, chúng tôi ít phải học tập chính trị. Hết đánh trận thì chúng tôi đánh bạc bôi râu và đi săn thú cải thiện...
Đào Tiễn thở dài:
- Lạ thật!
- Em trai đồng chí chắc cũng giống tôi. Tuổi trẻ mắc tật hay quên là thường chứ đâu có gì lạ.
Ông ta cau mày:
- Vấn đề chính là sự nghiêm túc trong tư tưởng. Không thể quên những điều hệ trọng như thế được!
- Sự lãng quên không có tư tưởng...
Ông ta trả lời gần như gắt:
- Đồng chí không hiểu ý tôi!
- Vâng...
Hai chúng tôi ngồi im lặng. Ngọn đèn săng nổ lép bép.
Tôi buồn thầm, riêng nghĩ "Thôi, trêu chọc lão ta làm gì? Dầu sao lão cũng hiền lành, tử tức. Vả, ngày mai, chính lão sẽ giải quyết chuyện thằng Biền..." Bên ngoài, tiếng cú rúc vọng tới. Rồi sau đó, âm điệu mơ hồ của đêm.
Tôi nói vớ vẩn:
- Chè đen của đồng chí ngon đấy.
– Ơ, thứ này ngon nhất trong các loại chè đen. Nhưng không thể sánh được với chè Thái nguyên miền Bắc.
- Vâng, chè Thái tuyệt thật.
Tôi hình dung thứ nước chè trong vắt, màu vỏ chanh hượm hượm chín, róc vào chén sứ men ngọc. Tôi thấy thứ chén chè sang trọng như thế, lần đầu tiên tại nhà một thằng bạn quê ở Hà nội. Chúng tôi quen nhau vì nó sơ tán, ở nhờ nhà dì Huyên trong xóm. Thái nguyên, Trung du... Cỏ chơ vơ đợi nắng trên các mỏm đồi. Con đường rải đầy rơm tươi, nồng nàn mùi lúa chín... Chúng tôi là những người đồng hương. Ôi ,... miền Bắc... tôi hỏi:
- Em trai anh tên gì?
- Đào Khánh. Hồi mới sinh, ông cụ tôi đặt Đào Bảo Khánh. Sau, nó tự ý bỏ tên lót đi. Cái thằng bố láo.
- Khánh ở sư đoàn nào?
- Z 702. Hình như cách đây vài tháng, đơn vị nó chuyển tới thung lũng Ba cây sồi.
Tôi giật thót trong tim:
- Đồng chí nói sư đoàn nào?
Đào Tiễn đáp:
- Sư đoàn Z 702. Tên khó nhớ nhỉ?... Cái thằng tính oái oăm, vào đơn vị có con số cũng oái oăm! Rõ thật nồi nào vung ấy.
Tôi ngồi lặng. Z.702... Z.702... không thể nhầm được, đúng con số đã ám ảnh tôi cũng như nhiều anh em trong đơn vị từ ít lâu nay.
Ba tháng trước đây, chúng tôi bị rơi vào vòng vây của ngụy. Bọn chúng khống chế các điểm hỏa lực ưu thế hơn tụi tôi . Lực lượng cũng hơn tụi tôi ít nhất ba lần. Trận đánh diễn ra từ lúc mờ sáng cho đến nửa đêm. Số thương vong quá lớn, không còn hy vọng tải thương ra và tìm đường thoát thân. Chúng tôi vừa hứng chịu các làn đạn của địch, vừa chiến đấu một cách tuyệt vọng với ý muốn cuối cùng là nhích đến sự cân bằng phương trình hủy diệt. ít nhất cái chết của mỗi chúng tôi cũng phải đổi được dăm bảy sinh mạng đối phương. Chúng có thể mạnh hơn, ưu thế hơn, nhưng bọn công tử ăn trắng mặc trơn ấy không thể có được chí quyết tử. Tinh thần quyết tử là phẩm chất đầu tiên của người lính, của bất cứ đội quân nào muốn chiếm lĩnh khải hoàn môn.
Mặc dầu bóng đêm dãy đặc đã bao phủ, các điểm hỏa lực không ngừng róc. Khả năng chịu đựng bền bỉ cuộc đấu thì chắc chắn chúng tôi hơn hẳn mọi đội quân trên thế gian.
– Cho ngụm nước.
Cậu nào ghé tai tôi. Hóa ra Phiến! Tôi bảo:
- Bi-đông tao dắt sau đít ấy.
Phiến gỡ bi-đông, uống ừng ực, rồi cậu ta mò mẫm thắt lại vào dây lưng tôi.
- Anh Quân, mình bắn dính thật!
- Sao biết?
- Nghe tiếng chúng hộc lên thì biết. Tai em thính nhất đơn vị mà! Sao anh điểm hỏa tài thế
- Tao ngửi mùi.
- Ngửi mùi!
- Tại tao cầm tinh con chó, gì tao cũng ngửi mùi hết.
- Thôi, về vị trí đi. Sắp sửa rồi đấy...
Tôi vừa nói xong thì “Thụp!!”... một quả cối cá nhân rớt rất gần. Chúng tôi chúi đầu, nghe mảnh pháo rít sột sạt ngang tai. Lại một trận đối khấu của các họng súng...
Khoảng hai giờ sáng, các hỏa điểm của địch yếu dần, bọn chúng giàu đạn nhưng có lẽ đã cạn người... Chúng tôi kiểm điểm lại số quân chiến đấu và số thương vong. Thái không nói gì, tôi cũng không nói gì nhưng trong lòng không khỏi kiêu hãnh. Nghệ thuật cân bằng phương trình hủy diệt là nghệ thuật siêu đẳng của chiến tranh. Một ta bằng bảy nó. Kẻ địch bao giờ cũng bị định giá rẻ mạt như thế. Ai tìm được cách cân bằng phương trình sẽ thắng.
- Thèm thuốc quá!
Thái ghé sát tai tôi thì thào. Giọng cậu ta khản đặc.
Tôi bảo:
- Nhịn tí nữa.
Thái nói:
- Anh chì thật.
Tôi lặng im không đáp. Tôi đang tranh thủ chợp mắt. Tựa lưng vào mô đất, kẹp súng giữa hai đùi, tôi lơ mơ ngủ. Trong mọi cuộc chiến, tôi đều chóng vánh ngủ được ngon lành như thế. Chỉ cần năm phút, bảy phút, mười lăm phút... thư giản toàn bộ thần kinh, tự cắt bỏ cảnh trạng quanh mình, tự ru mình vào cơn phiêu lãng ngắn ngủi, tự đắm chìm vào những cơn mơ đẹp nhất. Và liền ngay sau đó tôi sẽ lại hồi sinh. Lúc này đây, tôi đang mơ thấy một mảnh ruộng xanh. Khoảnh đất gần đình, nơi dành riêng gieo mạ ngày mùa, và, những chiều rảnh rỗi, bọn trẻ làng ra đá bóng. Tôi ngửi thấy mùi mạ non. Tôi nhìn rõ những nhánh mạ lốm đốm vệt bùn...
Chợt một tràng trung liên rộ lên phía nam, âm vang theo khu Bỏ chữa. Tiếp nối là những tràng súng khác. Thái quát:
- Bọn chó đến tiếp viện!
Tôi nhỏm dậy:
- Bình tĩnh đã.
Thái bảo:
- Nó tới đông đấy. Mình điểm hỏa luôn, thi uy trước.
Tối thế này, nhà ngói như nhà tranh. Nếu để tụi nó đến gần, lúc trời rạng sáng, biết chỉ có một dúm người là chúng nó nghiền mình thành bột. Thái vừa nói xong, hai ổ trung liên của mấy cậu phía sau đã khạc lửa đỏ lòe. Thái huých vào lưng tôi:
- Định hướng cho chính xác nhá. Đạn cứ ăn giữa khe là thế nào tụi chúng cũng dính.
Một trận bắn quyết liệt giữa hai bên. Nhưng có một ý nghĩ lởn vởn khiến tôi bối rối. Tôi không hiểu mình nghĩ gì.
Phút chốc, tôi đứng đờ ra nhìn những đường đạn đi vàng khè. Bóng đêm bị cày nát, bị xé rách tơi tả vì vệt đạn băm.
- Anh Quân...
Tôi quay lại:
- Cậu nào?... à, Phiến.
Phiến thở hổn hển:
- Anh Quân, dừng lại đi... Em nghi ta bắn nhầm!
Tim tôi khựng lại. Một tia sét bổ đôi óc tôi ra và tôi chợt hiểu cái ý tưởng lù mù từ nãy như đám sương lởn vởn:
- Tại sao?
Tôi quát hỏi Phiến, nhưng trong lòng đã xác định một sự thật hiển nhiên. Phiến run run đáp:
- Toàn tiếng súng của ta. Không có cối cá nhân. Không có một phát cối cá nhân nào.
Tôi hô:
- Dừng lại, tất cả dừng lại...
- Dừng lạiii...
Thái ngừng tay trước hết. Sau đến các tay súng khác.
Tất cả im bặt, chờ lời giải thích. Tôi nuốt nước bọt, lên tiếng:
- Có thể là quân tiếp viện của chúng ta.
Tất cả im lặng. Nghe rõ tiếng chân Thái đạp lên chiếc vỏ đồ hộp. Lát sau, Lũy run run nói:
- Thảo nào em cứ ngờ ngợ... Bắn cứ ghê ghê tay!
Thái hỏi tôi:
- Giờ làm sao?... án binh bất động, chờ đến sáng chăng?
Đến sáng thì từng bầy trực thăng sẽ đổ quân tiếp viện xuống. Lúc ấy mới thật cùng đường.
- Thế anh định sao?
- Ta chủ động khai hỏa. Mục tiêu ở phía tây, chúng ta không có đạn cối. Nếu ta nhận được tiếng đạn của quân tiếp viện thì các đồng chí ấy cũng sẽ đoán được tiếng đạn của ta và tập trung hỏa lực vào mục tiêu. Xong, phải tìm cách rút ngay. Rút về hướng nam, dọc theo khe Bỏ chửa. Tất cả làm công tác thương binh, tử sĩ cho tốt.
Có lẽ, vào khoảnh khắc ấy, sự nghiệm sinh đã cho tôi khả năng nhận định tình thế một cách minh mẫn. Sau khi chúng tôi khai hỏa được chừng vài phút, có tiếng súng hiệp đồng quả nhiên phát động bên phía nam. Hàng ngàn tia lửa đạn rạch như pháo thăng thiên chụm về tuyến quân dịch. Hỏa lực của chúng rất yếu. Thi thoảng mới có vài phát cối cá nhân. Liên thanh bắn từng tràng rồi đứt đoạn. Một giờ hai mươi lăm phút sau, tiếng súng bắn trả ngưng lặng.
Chúng tôi hối hả kiểm điểm thương binh tử sĩ, phân công nhau cõng và tải thương rồi rút lui. Rạng sáng, chúng tôi gặp quân tiếp viện tại cánh rừng lùi sau khe Bỏ chửa chừng non cây số. Đơn vị này mang số hiệu Z.70Z... Đó là kỷ niệm u ám nhất trong những kỷ niệm của đời tôi!...
Tôi nhìn sư phó Đào Tiễn, lén lút lục soát trí nhớ xem trong đám thương vong của Z.702 có gương mặt nào na ná giống ông ta không. “Hai mươi tám... Tuổi con khỉ... Ngang bướng lắm...”
Biết đâu em trai ông ta đã chẳng dính đạn mà tử vong trong cái đêm kinh hoàng ấy?
Nhưng gương mặt lính sau cuộc chiến đều nhem nhuốc khói súng, máu, đất bụi... Tử thi nào cũng giống nhau.
Đào Tiễn chợt cất tiếng hỏi tôi:
- Tôi có bản tin mới, đồng chí đã đọc chưa?
- Vâng, tôi đọc rồi.
Trước đây, tôi chăm đọc các bản tin của mặt trận. Nhưng có lần, tình cờ nhặt được ở binh trạm 88 một mảnh báo Nhân Dân cũ. Trên mảnh báo ấy, người ta tán tụng những thắng lợi của mặt trận B5 năm Mậu Thân, đúng là mặt trận của chúng tôi. Và đúng cái năm quỉ khốc thần sầu này, một tay tôi đã chôn không biết bao nhiêu đồng đội. Cái năm tôi đã cõng tử thi cậu bé Hoàng, - vị thiên thần lạc lõng của chiến tranh, - khỏi vòng tử điạ, cậu bé chỉ còn một cánh tay, một cẳng chân và cuốn nhật ký miên man những giấc mộng vàng...
Tôi xé vụn mảnh báo ném xuống suối.
Tất nhiên tôi không nói sự thật kia với ai cả.
Nhưng từ dạo ấy, tôi biết nói dối là trò chơi thường nhật của con người và những kẻ càng cao đạo lại càng thích đùa giỡn với lương tri. Tôi không đọc báo nữa. Huống chi là các bản tin! Nhưng tôi hiểu đám đông không được biết sự thật thì sung sướng miên man trong các chiến thắng thật cũng như các chiến thắng rởm. Và chính mù quáng đã tạo nên một sức mạnh phi thường nơi họ...
Đào Tiễn há miệng ngáp thật to rồi nói:
- Ta đi ngủ. Mai sẽ bàn việc cậu Biền.
- Vâng.
- Đồng chí có cần để đèn không?
- Sao cũng được ạ.
Đào Tiễn bảo:
- Thế thì tắt đi nhá... Cho đỡ tốn xăng...
Rồi ông ta đi ra.
Hôm sau, Đào Tiễn đến đánh thức tôi dậy. Hình như vịsư phó này cũng buồn và thèm có người nói chuyện. Ông ta mời tôi ăn cơm với đu đủ xào mắm tôm. Có tráng miệng bằng hai lát khoai dẻo.
- Đồng chí hút thuốc không? Tôi còn một bao Điện biên.
- Vâng.
Đào Tiễn châm lửa cho tôi. Chắc cử chỉ đó với ông ta rất hiếm!
Tôi ôn tồn:
- Tối hôm qua, tôi nói gì, đồng chí đừng để bụng nhé. Tụi trẻ chúng tôi không mấy khi nhã nhặn.
Đào Tiễn lắc đầu:
- Đồng chí đánh giá tôi thấp quá! Các đồng chí là tương lai đất nước. Lớp già chúng tôi có nhiệm vụ uốn nắn tư tưởng cho thế hệ đi sau. Chúng tôi không có quyền ghét bỏ mà phải thương yêu đàn em mình.
- Vâng.
Đào Tiễn trinh trọng hơn nữa, nói tiếp:
- Như thằng em tôi chẳng hạn. Khi nó hiểu rõ phải trái, bỏ trường y nhập ngũ là tôi lại vui vẻ thuận hòa... Không góp phần tạo dựng một sứ mệnh cao cả như thế cho đất nước thì thật tệ hại.
- Vâng.
Tôi dáp và nhìn một con châu chấu vừa nhảy thóc qua. "Góp một phần cho sự cao cả!... Phải tham dự vào bữa tiệc vinh quang của ngày mai….”
Từ hòn xôi miếng thịt trong làng vinh thăng lên tới phần cỗ trong sứ mệnh lịch sử! ?...
Mười năm trước, tôi đã choáng váng vì những ảnh tượng này. Các danh từ ấy làm tôi mê mẩn. Lần đầu ngủ với gái tôi cũng không mê mẩn đến như thế! Ấy là bận hành quân qua Nghệ an, một làng nhỏ ven núi. Con gái vùng ấy thật dễ dàng. Các cô sán đến cấu chí, chỉn đùi cọ vú vào bọn tôi. Tối đến, chúng tôi lần mò lên đồi Gió thổi mát rượi đưa những tiếng cười rúc rích, lướt qua những thảm cỏ mịn màng ấm nóng nấp sau những tiếng thì thầm, tiếng rên, tiếng nấc của những bụi sim hổn hển, chao đảo, nhấp nhô.
Trong vòng tay tôi, cô ta vừa ôm chặt lấy tôi, vừa líu ríu nói gì đó tôi nghe không rõ... Tôi đã mê mẩn những danh từ trang trọng kia hơn cuộc kết hợp chợt gặp này. Nhưng rồi năm tháng qua trong bùn và máu, các danh từ ấy bị mài dũa, sờn mòn đi như đôi giầy cũ của chú linh già...
Tôi ngán những trò vinh thăng, phong thánh. Tôi nhìn đăm đăm vào khoảng hư không mà chẳng biết mình tìm gì nơi đó. Con châu chấu quay lại, nhảy thóc vào cổ tôi . Nó bám những móng chân sắc lém vào da, tôi vội lấy tay vuốt mạnh. Đào Tiền cười:
- Quê đồng chí có nhiều châu chấu không?
- Cũng khá nhiều.
- Quê tôi cũng vậy... Hồi bé ở nhà, chị tôi chúa ăn châu chấu rang. Tôi sợ nhất món ấy. Mẹ tôi bảo: Con nhà lính, tính nhà quan... Chẳng nói ra chứ lòng vả cũng như lòng sung, ai chẳng thích làm quan, ai chẳng thích ăn trên ngồi trốc?
Tôi hờ hững:
- Vâng.
Đào Tiền nhìn đồng hồ rồi phẩy tay:
- Đi đi . Giờ này, mấy cậu y tá đã dậy rồi.
Vi sư phó đi trước, tôi theo sau. Chúng tôi đi qua dãy lán dài, qua đồi, sang một căn lán chơ vơ giữa bãi cỏ.
Tôi hỏi:
- Trạm y tế sư đoàn ở đó?
- Phải. Trước định làm sát khu doanh trại. May mà chính ủy có sáng kiến đấy, nếu không thì rắc rối to!
- Sao cơ?
- Sao nữa?... Mấy cậu sốt rét ác tính điên rồ, cởi hết áo quần ra mà nhảy múa, la hét. Còn cậu Biền thì điên thật.
- Có ai chết không?
- Có . Đã mấy trường hợp nhiễm trùng và sốt rét ác tính chuyển không kịp. Tụi tôi làm báo cáo và chôn họ ở kia kìa.
Tôi nhìn theo tay Đào Tiễn chỉ. Lướt qua những đám gai dại và cỏ kim, có chừng dăm nắm đất lô nhô. Mỗi mộ cắm một tấm biển bằng tôn lá hoặc sắt đóng vào cọc gỗ. Giữa khu nghĩa địa với trạm có chằng dây thép gai. Xung quanh trạm cũng chăng dây thép gai, cả thứ thẳng lẫn thứ vòng, trông như một ấp chiến lược. Dọc theo hàng rào, treo lủng lẳng những chuỗi ống bơ và những vỏ đồ hộp. Cảnh kỳ cục nửa như trò chơi, nửa như trại tù binh. Tôi hỏi sư phó Đào Tiễn:
- Sao hàng rào lại treo lỉnh kỉnh các thứ đồ vớ vẩn ấy?
- Phòng mấy ông điên bỏ trốn. Húc đến hàng rào, các thứ ống bơ kêu rủng rẻng, y tá mới biết đuổi theo...
Tôi không hỏi thêm gì nữa, lặng lẽ cùng đi tới cổng trạm, cổng đóng bằng gỗ đẽo sơ sài. Đào Tiễn thò tay qua khe hở, đầy cây chốt bên trong. Ông mở cửa cho tôi đi qua rồi đóng lại như cũ.
Chúng tôi đi về phía gian phòng cuối, nơi nhốt Biền. Cách phòng chừng mươi thước đã ngửi thấy mùi phân và nước tiểu. Phòng thương gỗ ván, dầy và chắc. Có một khuôn cửa sổ không cánh, trông thô kệch. Tôi bước thẳng đến cửa sổ nhìn vào.
Một gã trai trần truồng, bẩn thỉu đang ngồi gục đầu xuống hai gối. Nghe thấy tiếng động, gã ngẩng lên. Vì mặt trời rọi từ sau lưng tôi chiếu tới nên gã không nhìn được rõ mặt tôi. Đôi mắt gã âm u, trống rỗng. Vẻ mặt tiều tụy, hai gò má nhô cao. Tóc gã kết từng món xù ra như lông nhím khiến đầu gã to dị thường so với cái thân thể vốn cũng đã rất vạm vỡ. Xung quanh nơi gã ngồi, ngổn ngang trên nền đất là phân, rác, nước tiểu đóng thành váng trắng. Một tờ lịch nhàu nát với nửa lon nước lã... Phải, gã chính là Biền, người bạn thuở thiếu thời của Lương và của tôi. Cố nén cảm giác tởm lợm vì mùi khai, mùi thối, tôi cất tiếng gọi:
- Biền.
Và tôi đứng lùi sang một bên, chếch ánh nắng. Biền ngẩng phắt lên lần thứ hai. Lần này, gã nhận ra tôi. Trong khoảnh khắc, ánh mắt Biền lóe lên mọi thứ tình cảm mà một con người lành mạnh có thể có được. Sau khoảnh khắc ấy gã lại cúi gầm mặt xuống hai gối, cất tiếng khóc hu hu.
Khóc một hồi rồi gã hát sẩm:
"Sáng trăng sáng cả vườn chè
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau...
Tam thiệp phải lụy dâu
Chúng thiệp phải qua cầu đắng cay... "
Dứt tiếng hát sẩm, gã hét:
- Xung phong... Anh em đâu, xung phong. Tiểu đội I theo tôi... Giương lê lên, nhằm phía trước đâm cho trúng...
Trận này, ta đánh giáp lá cà...
Hò hét xong, gã nhảy dựng lên, đập đầu đôm đốp vào vách gỗ. Đập như thế được vài phút, máu chảy đầm đìa từ chân tóc rơi xuống.
Đào Tiễn nói:
- Ván có đinh. Cậu ta cứ dọi đầu vào mấy cái mũ đinh, không tiếc máu... Mà thế là còn may đấy! Dạo chưa nhốt được vào phòng này, ngày nào cậu ấy cũng nhảy vào đám dây thép gai vòng mà lăn, gai thép đâm toàn thân thể nát như tương, máu chảy đỏ lòm từ đầu xuống chân, anh em trong đơn vị nhiều người phải ngoảnh mặt đi, không dám nhìn...
Tôi kéo tay ông ta:
- Đi đi thôi.
Đào Tiễn bảo:
Cậu ấy điên nặng như thế, đồng chí định ra sao?
- Điên mấy cũng có lúc tỉnh. Tôi sẽ đến vào lúc ấy, chắc cậu ấy sẽ nhận ra tôi.
- Hồi xưa, nhà đồng chí ở cạnh nhà cậu Biền?
- Vâng.
- Nhà cậu ấy có dòng điên không?
- Không... à... à mà cũng có thể... Tôi không rõ lắm...
Hình như họ hàng bên ngoại...
- Đồng chí hãy nhớ kỹ lại đi... Tôi bảo đảm rằng nếu không họ nội thì bên họ ngoại cậu ấy có máu điên.
– V… vâng... có lẽ...
Không phải có lẽ mà chắc chắn! Tôi biết chuyện này: “Trước nhà tôi là một ông giáo hẳn hoi, một ông dạy cấp ba, người nho nhã đường hoàng, vợ con nề nếp sang trọng... Bỗng dưng cảm hàn một trận. Khỏi ốm, phát điên luôn. Suốt ngày cởi truồng, bò lông nhông như con vện ngoài đường, mồm sủa gâu gâu... Ông ta đến đâu, chó nhảy cớn lên sủa đến đấy. Cả làng khiếp. Có người bảo vì anh ruột ông ta làm chánh án tòa án tỉnh, một tay ký không biết bao nhiêu án tử hình... Tôi duy vật, tôi không tin mấy thứ lý luận ba láp, tôi dò hỏi... Hóa ra họ ngoại ông ta có máu điên.
- Vâng, chắc bên họ ngoại cậu Biền có máu điên.
Hồi đầu, tôi cứ nghi là cậu ta giả tảng...
- Tại sao?
- Cậu ấy đang khỏe mạnh, hăng hái như mọi người. Chỉ đôi lúc bần thần. Rồi bỗng một hôm cậu ta mò xuống trại bò và bị bò đá. Anh em khiêng vào trạm y tế, săn sóc. Được hôm trước thì hôm sau cậu ta phát điên. Trời rét cắt ruột, cậu ta cởi hết quần áo, trần như nhộng nhảy múa ngoài trời. Lúc thì cầm mảnh vải hô to: “Cắm cờ lên cứ điểm.” Lúc lại cầm gậy đập đôm đốp vào đầu. - Anh em xì xào bàn tán. Người cho cậu ấy mắc bệnh tâm thần, người bảo cậu ấy giả điên vì xấu hổ.
Tôi hỏi:
- Cậu Biền có làm gì mà xấu hổ?
Đào Tiễn tủm tỉm cười:
- Có chứ. Tại sao bỗng dưng cậu ấy mò xuống trại bò? Cái trại ấy tổ cấp dưỡng quản lý. Cứ dịp tổng kết, chúng tôi lại cho thịt khao quân. Toàn bò chưa đẻ nên không thể vắt sữa trộm. Người ta cho rằng cậu ấy khỏe quá, máu rực lên như lửa, lại bốn năm năm không tìm được gái, đành xuống trại bò...
- Chuyện nhảm nhí!
- Đồng chí không tin à?... Chuyện ấy cũng đã có: “ở làng Hắc môn giáp làng tôi, có một thằng Tây" lai mười bảy tuổi . Tụi giặc càn, mẹ nó gánh hàng xáo chạy chậm nên bị một thằng Ma-rốc hiếp. Nó lớn lên, cao đến gần hai thước, tóc quăn tít như bụt ốc, da đen thui, răng trắng nhởn. Ngoài mẹ nó ra, không ai dám gần. Đã thế, nó lại khùng khùng. Đám đàn bà con gái trong làng khiếp nó như khiếp thú dữ! Rồi đến một hôm, mấy đứa chăn trâu hớt hải chạy về gọi mọi người. Cánh đàn ông tay dao tay thước chạy ra nghĩa địa, nơi trẻ làng vẫn thả trâu. Họ thấy thằng khùng đang làm cái trò khỉ đó với một con bò. Ai nấy kinh hoảng. Có người định đánh nó. Nhưng ông bác tôi, - một ông già làm nghề bốc thuốc, hồi xưa đăng lính leo đến chức xuất đội, - đã khuyên mọi người để mặc: “nếu không sẽ có ngày nó phạm tội loạn luân. Lúc đó Thành hoàng làng sẽ bỏ đình mà đi dân chúng sẽ sa vào cảnh khốn quẫn..."
Tôi bảo:
- Chuyện của đồng chí nghe như chuyện ma quái?
Đào Tiễn lắc đầu:
- Không đâu. Tôi sống nhiều năm hơn đồng chí, qua trải nhiều cảnh, chí dù ít tôi cũng nhận ra nhiều điều...
- Nhưng cậu Biền không phải thằng Ma-rốc lai.
Vi sư phó cười xuýt xoa:
- Thôi, thôi, đừng tranh luận... Thoạt tiên tôi cũng nghi. Nhưng khi cậu ấy lăn vào vòng thép gai như con thiêu thân lao vào lửa, tôi tin là cậu ấy điên thật.
- Thật không ngờ... A, mà bây giờ tôi nhớ: Biền có một bà dì điên? Bà ta thường quấn lá chuối quanh bụng mà đi dọc theo bờ đê. Hồi đó tôi còn nhỏ. Lớn lên, tôi không thấy bà nữa. Chắc bà ấy chết rồi...
Im lặng một lát, tôi chậm rãi nói thêm:
- Thật đáng buồn là Biền đã không được dòng giống của ông bố di truyền. Họ bên nội của cậu ấy toàn là những người khỏe mạnh, làm việc quanh năm không nghỉ một ngày...
Đào Tiễn lắc đầu, chép miệng:
- Ở đời, có ai học được chữ ngờ đâu?
Lúc này, nét mặt ông ta thật hiền. Tôi không ngờ mình đã dắt câu chuyện được ngọt ngào đến thế! Chúng tôi đi qua một bãi gai trinh nữ nở tràn những bông hoa tím phơn phớt. Một nhành gai mắc vào gấu quần Đào Tiễn. ông ta cúi xuống gỡ. Lưng ông đã hơi gù, phị mỡ. Nước da bủng của người ở rừng lâu.
Tôi tự hỏi: “người đàn ông này đã xa vợ con bao năm và có lúc nào lòng khắc khoải?... Hay ông ta chỉ là một bộ máy hăm hở tiến về phía trước, nơi hứa hẹn một Khải-hoàn-môn và những phần Cỗ-vinh-quang?
Tôi bảo:
- Khí hậu vùng này độc ác thật.
Đào Tiễn gật:
- Ờ, trời trở mặt như bàn tay. Khối cậu chết vì cơn sốt ác tính.
Tôi nói:
- Chúng ta ăn cơm rồi đồng chí nghỉ đi. Đến tuổi này, đồng chí đừng coi thường sức khỏe. Chiều, tôi sẽ xuống trạm một mình.
Chúng tôi ăn cơm, lại đu đủ xào mắm tôm, ớt mọi. Cũng không còn khoai dẻo tráng miệng nhưng bù vào đó, tôi kể cho vi sư phó nghe những câu chuyện tầm xàm của bọn lính trẻ.
Rõ ràng ông đào Tiễn buồn và thèm nói chuyện. Ở đây, đóng vai trò lãnh đạo, ông ta không được
phép bả lả với lính tráng. Tôi chia tay ông với một chút tình cảm rồi trở về nhà khách sư đoàn.
Đồng hồ chỉ mười hai giờ ba phút. Tôi nằm vật xuống giường. Còn một giờ năm mươi bảy phút nửa tôi mới có thể được đến trạm y tế.
Mùi phân lưu cữu... mùi nước tiểu lưu cữu... Những dòng máu đỏ chảy dàn dua trên khuôn mặt hốc hác, bẩn thỉu... Tôi không ngờ Biền đến nông nỗi ấy... Nó là một mảnh đời tươi sáng của tôi:
“Những ngày mùa. Gió thu rợn tới chân mây trong lẻo. Lũ trai làng chúng tôi ngả lưng trên đống rơm tươi, chuyện gẫu. Chuyên rôm nhất bao giờ cũng là chuyện huê tình.
- Này, Biền ơi, sao mày bỏ con Hòa?
- Em có bỏ đâu, anh Lương khủng bố tinh thần em nhá.
- Tao nghe Hòa kể...
- Phịa!
- Chú bảo tao phiạ hả?
- Không. Cái Hòa nó phịa. Lỗi tại nó đấy.
- Lỗi thế nào?
- Nó cứ ngùng ngoằng với em.
- Nó bảo nó yêu chú mày.
- Yêu gì mà yêu ì ì...
Hòa là em ruột Hoa, người con gái tôi để mắt. Tôi hiểu chị em nhà ấy. Nhút nhát, mảnh dẻ, sợ bộc lộ tâm tình đến mức như gàn dở. Chắc chắn Hòa không thể chịu được tình yêu khủng khiếp của Biền. Đó là gã trai nặng cân nhất làng, cao nhất làng, ngày gánh trăm gánh lúa chạy veo veo, gánh nào cũng ngót nghét một tạ. Bữa sáng mờ sương, Biền ăn hết năm bát vật. Bữa trưa, tám chín bát. Bữa chiều cũng tám chín bát. Đi chơi lỡ chừng trăng mọc lại phải làm vài bát chè đỗ đen hoặc lưng rá khoai. Da thịt Biền chắc như gỗ lim. Môi đỏ, răng trắng đều tăm tắp. Tóc gã đen, dày tới mức chỉ nắm chỏm tóc đầu đã chặt chét tay. Mắt gã long lanh, lúc nào cũng long lanh. Gã cười như nước reo ở cửa cống thủy lợi. Biền thửa hưởng những đặc tính ấy của cả bố lẫn mẹ. Ông Biên bà Nhàn là cặp vợ chồng kỳ lạ, tiếng đồn khắp vùng. Cả hai đều cao lớn như hai đô vật. Ông Biên tóc đen, râu rậm, nước da đồng hun, mắt xếch như mắt tướng Tàu. Bà Nhàn da trắng, tóc dài, giọng lanh lảnh như chuông, môi tròn như hai trái mận chín. Cả hai đều làm giỏi. Tay họ đứng đến đâu ra tiền đến đấy . Họ trồng hành tây một vụ bằng nhà khác cày sâu cuốc bẫm cấy lúa mười năm. Lúc họ bỏ hành tây sang trồng cà chua, một vụ thu vài bị tiền. Khi cả vùng trồng cà, trồng hành, vợ chồng ấy đã lại xoay sang nấu rượu, nuôi lợn nái... Thiên hạ cứ nhìn họ cũng đủ chóng mặt! Thêm nữa, họ đẻ những mười sáu đứa con, đứa nào cũng nên tấm nên đần. Thêm nữa, họ công nhiên bày tỏ cảnh yêu đương đến nỗi thiên hạ sững sờ. Chẳng có cặp vợ chồng nào ngần ấy tuổi mà còn mặn nồng đến thế, quấn quít đến thế! Bà dinh cho ông be rượu, ông mua cho bà nắm xôi. Đôi khi giữa chốn tụ tập họ hàng, ông bà lại cũng vẫn còn cấu chí thì thầm, khúc khích nhấm nháy. Ở nông thôn, người ta đã quen với kiếp sống lầm lủi, tối tăm, ăn con gà cũng phải ăn thầm, ăn lén. (Sư bố nó, nhà ấy ghê thật, chẳng giỗ kỵ gì cũng đè gà ra mà thịt). May được tấm áo mới cũng phải cất đi, chờ ngày Tết hoặc dịp lễ chùa (Mẹ bố cái con ớ Soạn, đang mùa cày cấy cũng diện áo xanh áo đỏ như con cào cào.) Trai gái yêu nhau phải chờ đêm tối, hẹn hò nơi bụi cây bờ ruộng, mặc kệ cứt trâu, lá ngứa, đè nhau ra mà vật cho thỏa cơn nhớ cơn thèm. Còn giữa thanh thiên bạch nhật, chớ có đầu mày cuối mắt, nếu không, thế nào cũng được nghe chửi đến ủng óc... Cho nên, chẳng vì cớ gì mà thiên hạ cứ thù ghét vợ chồng ông Biên. Ghét nhưng mà sợ, vì bắp tay ông ta nần lên như bắp cày. Rồi... một bận, có mụ đàn bà nào đó không nhịn được cơn nanh nọc, thấy ông Biên đi qua bèn chửi đổng:
- Cha tiên nhân cái giống dê già.
Ông Biên nghe thấy, lừ lừ quay lại:
- Dê già hả?... Đúng thế. Xưa nay tao toàn dê với vợ ở nhà. Giờ, tao thử con đàn bà lăng loàn này xem nó to hay miệng nó, tay ông dứt phăng dây rút quần mụ nọ. Mụ đàn bà tô hô đứng... chưa kịp hiểu ngô khoai ra làm sao... Ông Biên thuận tay lột tuột tấm áo cánh của mụ, phân bua với đám người xung quanh:
- Các ông các bà nghe đấy nhé. Con mụ này nó đòi tôi phải dê. Mọi người làm chứng để thằng chồng mụ biết.
Đoạn ông vật mụ ngay xuống vệ đường.
Lúc ấy mụ đàn bà khốn khổ mới hiểu tình thế của mình. Hai tay che bảo vật, chân đạp loi choi như nhái bén, mụ la hét:
- Ôi giời ơi, ối đất ơi i i... Các ông các bà cứu tôi...
Mọi người xúm đến khuyên can:
- Thôi mà... người ta trót nhỡ miệng...
– Ông anh ra tay thế là họ kệch đến già, thôi, xin ông anh tha cho mụ ấy.
Trong thâm tâm, đám người ấy cũng van vỉ cho chính họ.
Ông Biên dận một chân lên cái bụng đen sì dăn dúm của mụ đàn bà, sẵng giọng nói:
- Mụ đen đủi xấu xí như con cóc già thế này, làm sao tao dê với mụ được. Từ giờ khôn hồn, có miệng thì cắp, có nắp thì đậy, kẻo ta không dê với lỗ trôn mà tao dê với cái lỗ miệng mụ, nghe chưa?
Nói đoạn, ông Biên bỏ đi. Người làng xanh mặt, họ đành nén lòng đố kỵ. Dần dần về sau, bồ thóc nhà ông lớn quá, nhiều kẻ tới vay, túi tiền nhà ông to quá, lắm người đến mượn, thiên hạ đành phải chấp nhận kiểu sống ngông ngược của ông. Biền là con trai lớn của ông Biên. Cơ thể ngùn ngụt lửa sống của nó không thể cam chiụ cảnh tình suông như tôi với Hoa: Vài khóe mắt đưa tình, dăm bảy lá thư, dăm lần chuyện gẫu trong những cuộc sinh hoạt tập thể, hoặc cắt lúa, hoặc làm thủy lợi... Biền đã bỏ Hòa để đi theo Vinh, cô gái làng Xuân viễn. Tôi bảo:
- Anh Lương ơi, anh không biết nhưng tôi biết. Thằng Biền nó cắp tráp theo em Vinh rồi.
Lương hỏi:
- Vinh nào, Vinh chèo làng Xuân viễn phải không?
Tôi đáp:
- Đích thị.
Lương cười:
- Thế thì tao giơ tay hàng chú mày. Táo gan thật...
Một cậu trai làng đang nằm vắt chân chéo khoeo chợt ngồi phắt dậy, cười hô hố:
- Thằng Biền dại quá, hứng của thừa thằng Sính làng Xuân viền. Hai đứa ấy cặp với nhau suốt vụ mùa năm ngoái, đêm nào đi lưới tao chẳng gặp?...
Một cậu khác chắc lưỡi:
- Cũ người mới ta, miễn là đẹp.
Cậu kia gân cổ:
- Đẹp? Gái làng mình đẹp hơn chán vạn mấy con Xuân viễn. Tao không hiểu mắt chúng mày để đâu... Mà báu gì cái con Vinh chèo, ớ rạc ớ dài...
Lương cắt ngang lời bọn chúng:
- Các cậu rõ thật buồn cười ! Nồi nào vung nấy chứ, thì cứ lo chọn vợ cho mình đi hẵng...
Biền im lặng. Cậu ta hiền, không ưa tranh cãi. Ai nhờ việc gì, dù nặng nhọc đến mấy cũng nai lưng ra làm. Nhưng đấu khẩu thì sẵn sàng thua đứa bé mười hai... Chúng tôi mến nó. Cả cái năng lượng tình dục ngùn ngụt như núi lửa của nó bị coi là điều dị hợm với một xã hội khô héo, cay nghiệt, chúng tôi cũng chấp nhận. Tôi nhớ một đêm rạng rỡ sáng trăng. Ba chúng tôi nằm hóng mát trên một bãi cỏ bên hồ. Cả buổi chiều, chúng tôi đã nô giỡn sau mẻ quăng chài đánh cá. Ngoài phần đem ra chợ, người nhà có bớt lại một mớ cá cho chúng tôi nướng ăn. Em trai tôi mang ra một ấm chè nụ và một óc cơm. Tôi cho nó vài đồng mua kẹo rồi đuổi về làng.
Ba thằng nằm gác chân lên nhau, nhìn trời màu pha lê tím. Dăm vì sao óng ánh như vảy cá dắt trong mắt lưới. Không gian lồng lộng làm chúng tôi ngây ngất. Cách đầu chúng tôi hai sải tay, đống lửa nướng cá còn ngún cháy, trổ những bông than đỏ thắm...
Bỗng nhiên, Biền cất tiếng:
- Anh Lương ơi.
- Gì thế?
- Anh có bao giờ nghĩ đến thánh thần không?
Không. Làm sao cơ?
- Em tưởng tượng cảnh này hay lắm.
Cảnh thế nào?
- Anh bảo thần có to lớn không?
- Tao không biết... Nhưng theo các cụ kể thì thần thánh cao gấp đôi gấp ba người thường.
Không phải gấp dôi gấp ba mà gấp trăm nghìn lần!
- Sao mày biết?
- Dễ biết lắm chứ...
Tới đó, Biền hi hí cười, vẻ thú vị lắm. Khi chúng tôi hỏi cười gì thì cậu ta lại cười sằng sặc to hơn, cười rũ rượi đến dàn cả nước mắt.
Tôi quát:
- Thằng điên. Lặng im đã nào...
Lương bảo:
- Mày kể cho nghe đi.
Biền chùi nước mắt, nói:
- Này nhé. Các cụ có câu: Cái... của bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng. đi... của ông Tứ Tượng bằng mười bốn con sào. Thế rõ ràng là các vị thần thánh to lớn gấp trăm nghìn người thường, phải không?
Lương ậm ừ ra chiều tính toán rồi bảo:
- Ừ. Cũng có thể.
Biền nói:
- Dứt khoát là thế... Anh Lương ạ, em tưởng tượng ra một cảnh hay lắm...
- Cảnh gì? Hay ho thế nào?
- Cảnh bà Nữ Oa với ông Tứ Tượng... ối giời ơi, họ ngủ với nhau hẳn là phải mây mưa lở đất, sấm sét long trời!
Tôi ngớ người: Cái thằng lành như đất mà nghĩ ra những trò oái oăm... Lương cười, thủng thẳng nói:
- Chú mày ôm con Vinh chèo chưa thỏa hay sao mà lại còn vẽ ra cảnh bà Nữ Oa ôm ông Tứ Tượng... Thật quá thể!
Biền cười hình hích rồi co giò ngồi nhỏm lên:
- Anh Lương ơi, em đói rồi...
Nó quay lại, vỗ vai tôi:
- Quân ơi, tao với mày chia nhau con chép nhá...
Tôi ngồi dậy. Dưới lớp than đỏ rực kia, tôi vùi con chép nặng cân rưỡi. Chép tươi giãy đành đạch, để nguyên ruột, nguyên vảy, bọc lá chuối tươi, ngoài đắp bùn. Cứ thế nướng cho tới khi bùn khô trắng, nứt nẻ. Bấy giờ đem ra đập vỡ bùn, lật lá, tuột lớp vảy đi. Thịt con cá chép hiện ra, trắng nõn nà, thơm phưng phức... ôi chao...
Hình như tôi thiếp đi được mươi phút. Lúc tôi mở mắt, đã đúng hai giờ. Tôi xuống trạm y tế. Mấy cậu y tá phụ trách thấy tôi đã đi với Đào Tiễn buổi sáng nên mặc tôi tự do. Tôi đi thẳng tới cửa chính, mở then chốt ngoài... Mùi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi tôi. Biền đứng choàng lên. Nó định nhảy. Tôi khẽ dằn từng tiếng:
- Đứng im!
Biền đứng im. Tôi nói tiếp, giọng nhỏ hơn:
- Những vết thủng trên đầu mày buổi sáng chưa lành đâu .Mày có khỏe như trâu, tim mày cũng chẳng phải cái thùng không đáy.
Biền lặng nhìn xuống đất. Tôi bảo:
- Ra đây. Tao không muốn ngửi mùi cứt.
Biền đưa mắt nhìn xung quanh. Tôi nói nhẹ:
- Tao xuống đây có một mình. Đi ra...
Nó đi ra, theo tôi. Chúng tôi rời khỏi căn phòng xú uế.
Mấy cậu y tá thò đầu ra nhìn. Hẳn là họ kính nể tôi như... một ông bác sĩ tâm thần siêu đẳng!
Chúng tôi đi khá xa. Quãng đường từ trạm y tế đến lạch suối, gần nhất cũng già một cây số. Suối cạn, nước chỉ đến ngang ngực người vóc cao trung bình. Nước khá trong và chảy nhanh. Tôi bảo Biền:
- Xuống tắm đi.
Móc trong túi quần, tôi đưa cho nó một miếng xà phòng với chiếc quần đùi sạch:
- Tắm nhanh lên kẻo lão sư phó của mày mò ra đấy.
Biền lẳng lặng xuống suối lặn ngụp, tắm. Đầu nó kết đất, bọt xà phòng nổi lềnh bềnh trên mặt nước đặc như bọt cua. Trên mình nó, chằng chịt những vết sẹo - không biết bao nhiêu lần lăn trong vòng thép gai. Lưng trồi cả đãy xương sườn. So với ngày nhập ngũ, nó gầy đi nhiều lắm. Lúc đợi mặc quần áo lính, trong gian đình làng, cả bọn tồng ngồng, thằng nọ nhìn thằng kia, cười sằng sặc. Dạo ấy, những thớ thịt nổi vồng trên ngực và trên lưng Biền như những con chuột đồng vĩ đại...
- Xát xà phòng vào gáy toàn ghét đen thui kia kìa...
Tôi bảo nó. Biền ngoan ngoãn xát xà phòng sau gáy, hai bả vai, dọc theo sườn lưng. Ghét vón lại từng đám.
Tôi hỏi:
- Mấy tuần rồi chúng nó không đưa mày đi tắm?
Biền đáp:
- Hai tháng.
Bỗng nó ngước mắt nhìn qua vai tôi. Tôi quay lại thấy
Đào Tiễn đang lúc lắc tấm thân nặng nề đi tới. Điều tôi dự đoán không sai. Tôi nói nhỏ, dặn Biền:
- Mày phải giữ bộ mặt diên dại.
Biền gật đầu. Tôi đứng dậy, thong thả đón ông sư phó.
Ngủ được một giấc đầy, ông ta vui vẻ hẳn lên, niềm nở:
- Đồng chí tài thật! Làm sao dỗ được cậu Biền ra đây?
- Người điên nào cũng có lúc tỉnh. Cách đây vài năm, tôi vớ được một cuốn sách nói về các loại bệnh tâm thần. Tôi biết cách chuyện trò với những người điên khi họ tỉnh và khi họ sắp chuyển từ trạng thái tỉnh sang trạng thái mê.
Đào Tiễn nói:
- Cẩn thận, cậu ta khỏe ghê gớm. Hồi trước, khi cậu ấy lên cơn, năm người giữ không nổi đâu!
- Giữ người điên, giữ bằng mẹo. Không dại gì mà đem đọ sức
Đào Tiễn cười tít:
- Đồng chí thông minh ra trò, thằng em tôi cũng thế. Tuổi con khỉ phải cái vất vả nhưng mà đầu óc thì sáng láng.
Tôi nói:
- Tuy thế, tôi vẫn phải chuẩn bị sẵn sợi dây để trói hai cổ tay vì chỉ chừng nửa giờ nữa, cậu ta sẽ chuyển sang trạng thái điên...
Miệng nói, tay tôi rút sợi dây dù trong túi quần. Đoạn, tôi xuống suối dắt Biền lên, dụ cậu ta mặc quần rồi trói nghiến hai cổ tay lại. Biền nhìn tôi bằng đôi mắt đờ đẫn. Thi thoảng, Biền lại nhếch mép cười.
Ba chúng tôi về nhà khách sư đoàn. Tôi hỏi Đào Tiễn:
- Đồng chí có thuốc ngủ không?
- Có. Thứ nhẹ nhất: Xê-luy-xen.
- Tốt rồi. Tôi xin đồng chí ba viên cho cậu ta uống.
Đào Tiễn lắc đầu:
- Không ăn thua. Hồi trước, y tá đè cổ cậu ấy ra cho
uống cả vốc...
Tôi ngắt lời:
- Ăn thua là ở chỗ kết hợp với biện pháp trị liệu tâm lý.
Đào Tiễn lẳng lặng đi lấy thuốc cho tôi. Không ngờ mấy danh từ lang băm học mót lại có hiệu quả!
Trong bữa cơm chiều hôm ấy, tôi đã trổ hết tài khua môi múa mép để vị sư phó vui lòng. Buổi tối, tôi khéo léo đề xuất một phương án rất linh hoạt với tương lai Biền: Có thể cậu ta sẽ được điều trị nếu bệnh điên không có cơ vãn hồi. Có thể cậu ta sẽ được giải ngũ nếu không còn khả năng khôi phục trạng thái tinh thần. Có thể cậu ta sẽ được chuyển sang một đơn vị nào đó thích hợp hơn với sức khỏe trong tình huống tốt nhất. Đào Tiễn tỏ ra dễ tính:
- Tôi chiù đồng chí hết mức đấy nhá.
Tôi đáp:
- Thưa vâng.
Ông ta cười hề hề:
- Cậu Biền có mả tống táng hàm rồng nên mới có bạn hiền.
- Chiến hữu mà anh... Bọn tôi cùng sống với nhau từ thuở tắm truồng. Lại cùng vào lính...
Đào Tiễn bảo:
- Chả phải ai cùng vào lính cũng tốt với nhau như thế. Tôi có cậu bạn cùng nhập ngũ một ngày... Đồng chí biết không, - nói ra lại bảo tiêu cực, - lúc bị vây còn bao nhiêu thực phẩm nớ cuỗm hết rồi chuồn, bỏ lại mình dưới gốc tre...
Tôi cười:
- Đồng chí biết hơn tôi chứ: lụa dệt cũng có mặt trái.
Đào Tiễn bỗng thở dài:
- Biết, nhưng mà vẫn chẳng biết...
Tôi đặt tay lên vai ông ta, người đàn ông to béo này thật thà và duy cảm. Có lẽ ông ta khao khát một tình bạn nhưng không tìm được nó. Tôi nói nhẹ nhàng:
- Người tốt như đồng chí sớm muộn cũng gặp bạn hiền. Trời không phụ... Kỳ này tôi về ngoài Bắc sau khi giải quyết việc cậu Biền. Đồng chí có gửi gấm gì cho gia đình không?
Mắt Đào Tiễn sáng lên:
- Đồng chí giúp tôi nhá?
- Vâng.
- Đêm nay tôi sẽ viết thư. Sớm mai tôi gửi đồng chí. Thế nào chúng ta cũng còn phải chia tay...
Nói đoạn ông ta hấp tấp quay về buồng.
Hôm sau, vào giờ cơm sáng, Đào Tiễn đưa cho tôi một phong bì nặng trịch. Có lẽ ông ta đã thức suốt đêm mới viết được ngần ấy. Kèm theo bì thư là một chiếc lược làm bằng mảnh máy bay cho con gái, một tấm dù trắng làm khăn choàng cho vợ, một chiếc bút bi ba màu của Mỹ cho con trai.

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 725

Return to top