Nửa đêm, Mai-cơn Ven-sơ gặp đại sứ đặc nhiệm Mỹ. Trước hai mươi ba giờ, là cuộc họp cuối cùng trước khi chiến dịch “Ngọn đuốc” bắt đầu. Cuộc nói chuyện với Lầu năm góc khá căng thẳng.
Cuộc gặp mặt được bố trí trong một khách sạn Mã Lai gần Đại sứ quán Liên Xô, điều này làm Ven-sơ cảm thấy có một cái gì đấy thích thú.
Viên đại sứ đang ngồi chờ hắn, cái mũi tẹt như một võ sĩ quyền Anh, gí sát vào bản thực đơn.
- Rất hân hạnh được gặp ông - Ven-sơ nói - xin lỗi là chúng ta buộc phải gặp nhau vào lúc nửa đêm thế này. Không thể nào sớm hơn được, bởi tôi luôn bị bận vì những việc chung của chúng ta.
Viên đại sứ quay sang nhìn những người ngồi ở các bàn cạnh.
“Một kẻ chuyên hoạt động bí mật! - Ven-sơ khinh bỉ nghĩ - Ông ta sợ người khác nghe trộm. Không biết ông ta sẽ phản ứng thế nào, nếu mình nói là tất cả ba bàn bên cạnh với các ông, các bà khách đáng quý đang ngồi kia, đều đã được mình thuê trước”.
- Thưa ông - Ven-sơ nói tiếp - Tôi đã chuẩn bị bài phát biểu cho ba đại sứ ở Hội đồng bảo an. Người phát biểu đầu tiên là đại sứ Chi-lê. Theo tôi, tính đa cảm yếu đuối của ông sẽ là tăng hiệu quả cuộc họp. Tôi sẽ gửi cho ông toàn văn bài phát biểu đó qua người giúp việc của tôi, vào ngày kia, ngay trước khi chiến dịch bắt đầu…
- Không cần, thưa ông. Nếu biết trước, tôi sẽ có cảm giác lúng túng. Tôi thích lối ngẫu hứng hơn.
- Một bài phát biểu được học thuộc lòng từ trước là một bài nói ngẫu hứng tồi nhất - Ven-sơ mỉm cười - nhưng thôi, tuỳ ông. À, hôm nay tôi cho đặt các món ăn Mã Lai chính cống đấy, ông có thích không?
- Vâng, tất nhiên! Rất ngon!
- Thế thì tốt - Ven-sơ ngả người xuống lưng ghế, quan sát người hầu bạn lặng lẽ đặt những chiếc đĩa bé tý với các món ăn đặc sản xuống bàn.
- Rất tiếc là bác sỹ cấm tôi uống rượu - Viên đại sứ thở dài.
- Vâng, vậy là sau khi đại sứ Chi-lê nói xong, - Ven-sơ tiếp tục câu chuyện bỏ dở - đại sứ I-xra-en sẽ đánh đòn thứ hai. Không một chút tình cảm, chỉ số liệu và số liệu! chúng ta không thể để khối Liên Xô và thế giới thứ ba giữ thế chủ động, người tấn công là chúng ta. Sau đại sứ I-xra-en là đại sứ Pa-ra-goay: “Sự xâm lược của Liên Xô và Cu-ba ở châu Phi là mối đe doạ hoà bình toàn thế giới! Cần phải thành lập ngay lực lượng vũ trang thống nhất toàn châu Phi”. Đại diện của Nam Phi sẽ ủng hộ đề nghị này, và yêu cầu chấm dứt ngay sự đổ máu ở Na-gô-ni-a, lấy cớ là ngọn lửa xung đột vũ trang đã lan sang nước ông ta. Ông ta sẽ cho đại diện và đại sứ các nước xem các bức ảnh và lời khai của những người xin nhập cư. Sau đấy nên nhường lời cho các đại sứ thuộc khối Liên Xô, mặc họ muốn tuyên bố gì thì tuyên bố.
- Còn châu Âu thì sao? Phản ứng của các đại sứ châu Âu sẽ thế nào?
- Trước hết, chắc ông muốn biết lập trường của Cộng hoà liên ban Đức?
- Vâng, tất nhiên.
- Theo những dự đoán ban đầu, Bon sẽ phản đối. Chúng tôi sẽ cố gắng thu xếp, nhưng tôi không muốn làm ông quá nhiều hy vọng. Điều quan trọng là phải kéo dài thời gian, thời gian chữa lành mọi vết thương mà… Tôi đã yêu cầu đại sứ Chi-lê nói càng dài càng tốt. Cần phải làm cho người nghe mỏi mệt. Theo kế hoạch, các nhân viên của tôi đã chuẩn bị, chỉ sang ngày hôm sau ông mới phát biểu. Vâng, vâng đúng thế. Trong khi ấy, Ôn-ga-nô sẽ làm cái công việc dọn dẹp quang quẻ nhà ông ta, nghĩa là như chúng tôi dự đoán, ông ta sẽ nắm tất cả các vị trí then chốt, giành quyền lãnh đạo toàn bộ đất nước. Đại sứ của Trung Hoa lục địa sẽ lên án vai trò của Mỹ ở Na-gô-ni-a, như chúng tôi dự định, mới đến lượt ông nói.
- Vâng, theo tôi, bố trí như thế là tốt… Thế quan điểm của Pháp thế nào?
- Tôi biết ông quan tâm đến lập trường của châu Âu, nhưng chúng tôi đã dựng lên cái cảnh này, có thể nói là khá giật giân. Và chúng tôi cũng đã chuẩn bị một vài thứ cho ông…
- Cám ơn. Thú thật, tôi vốn sợ các sơ đồ, công thức, nhưng…
- Cũng đúng thôi. Chúng tôi đã chuẩn bị một số liệu cụ thể trên cơ sở những tài liệu không công bố dưới bất kỳ hình thức nào…
- Thế à?
- Nếu ông không phản đối, sáng mai, người giúp việc của tôi sẽ mang những tài liệu này đến phòng làm việc của ông.
- Xin cảm ơn. Cứ cho đưa tận tay tôi.
- Cốt lõi của kế hoạc của chúng tôi là ở chỗ trước hết, ông hãy chứng minh rằng phong trào của Ô-ga-no mang tính chất dân tộc chân chính, bày tỏ thái độ thông cảm, thương tiếc đối với gia đình Gioóc-giơ Gri-xô, sau đấy ông hãy chỉ cho mọi người thấy rằng sự kiện bi thảm xảy ra ở Na-gô-ni-a chung quy chỉ là kết quả của chính sách bành trướng của Krem-li, kẻ đang định biến Na-gô-ni-a thành một Việt Nam thứ hai và lôi kéo nước Mỹ vào cuộc xung đột vũ trang. Vì vậy, ông phải đề nghị các nước thuộc khối NATO, mà trước hết là châu Âu, hãy gởi quân của mình đến Na-gô-ni-a. Đồng thời ông hãy đồng ý rút ngay hạm đội của chúng ta ra khỏi lãnh hải Na-gô-ni-a.
- Tuyệt! Bằng cách này, ta bắt châu Âu nhảy vào cuộc. Tuyệt, tuyệt lắm, thưa ông. Như bất kỳ một nhà ngoại giao nào khác, tôi không thật thích người của các ông lắm, nhưng lần này, tôi sẵn sàng cạn cốc với ông để chúc mừng những cái đầu thông minh của cấp dưới ông, những cái đầu đã vạch ra một kế hoạch kỳ diệu thế này. Nen-xơn Grin đã biết điểm này rồi chứ?
- Ven-sơ lắc đầu:
- Bởi vì, không giống như ông, tôi không phải là người có cổ phần trong công ty “Kim cương thế giới” nên tôi muốn trước hết giới thiệu kế hoạch này tới ông đã. Vả lại chính ông là người công khai tỏ thái độ mất thiện cảm đối với nghề của chúng tôi…
Đại sứ đặc nhiệm mỉm cười, rồi đặt lòng bàn tay hình bánh rán của mình vào bàn tay nhỏ nhưng khoẻ mạnh của Ven-sơ.
*
* *
Buổi sáng, đại sư Mỹ ở Mát-xcơ-va được gọi lên Bộ ngoại giao của Liên Xô.
Ngồi cạnh nhà ngoại giao Xô-viết là Côn-xtan-ti-nốp, với đôi mắt hõm sâu, mờ đỏ vì mất ngủ. Vẫn như mọi khi, râu ông được cạo nhẵn bóng, chiếc cà-vạt được thắt một cách duyên dáng đến khó tả. Chỉ riêng tuần vừa qua, ông gầy mất năm kí-lô, vì vậy vòng cổ áo sơ-mi ông đang mặc trở nên như rộng quá cỡ.
Khi viên đại sứ Mỹ rời đôi mắt khỏi lọ thuốc độc, nhà ngoại giao Liên Xô mở chiếc cặp đang để trước mặt ông:
- Thưa ngài đại sứ, đây là bản chụp các câu hỏi và chỉ thị CIA đã đặt ra cho nhân viên phản gián của mình. Các câu hỏi và chỉ thị ấy chứng minh một điều là trong những ngày sắp tới sẽ có một cuộc xâm lược vào Na-gô-ni-a. Nếu chúng tôi cho đăng lên báo chí việc CIA đưa thuốc độc và những tài liệu này về vấn đề Na-gô-ni-a, thì lúc ấy…
- Với một thái độ phù hợp - Lợi dụng lúc nhà ngoại giao Xô-viết dừng lại, viên đại sứ vội nói - chính phủ tôi sẽ đánh giá cao việc chính phủ các ông không cho công bố vụ này trước dư luận…
- Chúng tôi có thể hy vọng rằng, để đáp lại cử chỉ đó chính phủ ông sẽ không những chỉ giải phóng hai công dân Xô-viết là Dô-tốp và Xla-vin, mà phải huỷ nay kế hoạch xâm lược Na-gô-ni-a, đúng không, thưa ngài đại sứ?
*
* *
… Sau đây là trích lời của viên đại sứ đặc nhiệm Mỹ:
- Chiến dịch ồn ỹ được dựng lên bởi các nước thuộc khối thân Liên Xô về cái gọi là cuộc xâm lược và Na-gô-ni-a đã không được thực tế xác minh. Không hề có một tiếng súng nào nổ ra. Các toán quân của Ô-ga-nô, một người cánh tả cấp tiến, hiện vẫn đóng ở ngoài biên giới Na-gô-ni-a. Bản thân ông Ô-ga-nô cũng tuyên bố là người của ông ấy vẫn ở trong các ấp trại nông nghiệp, chứ không phải trại lính dưới sự chỉ huy của các “cố vấn CIA huyền bí” nào đó! Từ diễn đàn cao cả này, tôi muốn nhắc lại một lần nữa, rằng thậm chí nếu không thích chế độ chính trị của nước này hoặc nước nọ, chúng tôi cũng không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Thiết tưởng, bằng lời tuyên bố này, tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho một chiến dịch tuyên truyền mà mục đích duy nhất là bôi xấu chính phủ chúng tôi trước con mắt của nhân dân, chính phủ và đứng đầu là Nhà nước Na-gô-ni-a, ngài Gioóc-giơ Gri-xơ.
*
* *
Từ phòng giam, không rẽ vào khách sạn, Xla-vin đi thẳng đến bệnh viện, nhưng Dô-tốp đã được đưa ra sân bay. Nhà chức trách Luy-xbua đề nghị được cử một bác sĩ chuyên về chấn thương học đi kèm kỹ sư Dô-tốp. Đại sứ Liên Xô đồng ý, và nói:
- Người ta báo cho tôi biết rằng, cùng bay chuyến máy bay của Hội chữ thập đỏ, còn có một bác sĩ Xô-viết nổi tiếng cùng phái đoàn của ông ta. Và tôi nghĩ bác sĩ của các ông có thể chuyển lại bệnh án của Dô-tốp cho các bác sĩ của chúng tôi và giải thích cho họ việc bệnh nhân trước đấy đã được điều trị như thế nào…
*
* *
Xla-vin tới đại sứ quán. Người ta đưa cho anh một bức điện khác thường của Côn-xtan-ti-nốp: “Hãy cạn cốc”.
Và không một chữ nào nữa.
Anh phá lên cười, rồi yêu cầu I-go Đu-lốp đăng ký vé để anh bay về Mát-xcơ-va vào chuyến bay đầu tiên sắp tới. Anh im lặng nghe Đu-lốp khuyên không nên trở lại khách sạn: “Chuyện gì cũng có thể xảy ra, Glép không tha thức cho anh đâu” rồi cho xe chạy về “Hin-tơn”
Khi đóng xong cửa phòng và đang chuẩn bị vào phòng tắm, tiếng chuông điện thoại bỗng réo.
- Chào anh bạn - tiếng Glép vang lên trong ống nghe - anh bạn có muốn gặp người bạn Mỹ thất nghiệp này không? Cuộc nói chuyện sẽ thực sự thú vị…
- Được, xin mời - Xla-vin đáp - Pi-la sẽ chuẩn bị cốc-tai cho bọn mình chứ? Hay dùng tạm vốt-ca Nga?
*
* *
… Chuẩn bị xong công văn gửi lên Xô-viết tối cao, đề nghị tặng huy chương “Chiến công” cho Grư-ri-a, Grê-sa-ép, Đrô-nốp, Ni-kô-đi-mốp, Cô-nô-va-lốp, Pa-nốp, Prô-xcu-rin, Xtơ-ren-xốp và Xla-vin xong, Côn-xtan-ti-nốp không cho gọi xe, mà quyết định đi bộ dạo chơi một lúc - sự căng thẳng của những ngày vừa qua vẫn chưa hết. Đến đại lộ Ka-li-nin, ông bước lên ô-tô-buýt. Một cậu thanh niên mới lớn ngồi cạnh cửa sổ, mang chiếc đài bán đãn đang đọc tờ “Tin tức”. Qua đài, nữ ca sĩ A-la Pu-ga-sô-va đang hát bài yêu thích của ông về Ác-lơ-canh.
Công nhìn qua vai chàng trai: ở góc phải phía dưới tờ báo có đăng một mẫu tin nhỏ:
“TASS được quyền tuyên bố: trong những ngày gần đây, cơ quan phản gián Xô-viết đã khám phá và chặn đứng được một chiến dịch của CIA nhằm chống Liên Xô và Na-gô-ni-a, đất nước anh em đã ký với chúng ta hiệp ước tương trợ và hợp tác hữu nghị. Những kẻ âm mưu tiến hành các chiến dịch kiểu đấu di sản cũ kỹ của thời kỳ “chiến tranh lạnh”, cố tình ngăn cản sự phát triển và củng cố các quan hệ láng giềng tốt giữa nhân dân hai nước Liên Xô và Mỹ, sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”
Côn-xtan-ti-nốp đọc xong tuyên bố của TASS, trước mắt ông lần lượt hiện lên khuôn mặt của các bạn đồng nghiệp của ông.
“Dù sao - ông nghĩ - những việc làm thầm lặng vẫn có gì đó thú vị. Nó bao hàm sự công nhận cao thượng, hoặc như cảm giác về một trách nhiệm cao cả. Ấy thế mà, dù sao mình vẫn muốn ngồi xuống cạnh anh bạn trẻ này, và nói: “Này, anh bạn, chính các đồng chí của tôi, và cả tôi nữa, đã làm việc cật lực, để TASS được quyền tuyên bố mấy lời này đây. Anh bạn cứ đọc đi, đọc cẩn thận vào, đồng ý chứ?”
1980.
Hết