Xla-vin đã hiểu cả, khi ba viên cảnh sát cùng đi với người gác cổng bước qua cạnh anh và mở cửa phòng nơi Bê-liu đã làm việc. Phòng không có cửa sổ, phía trên đầu chỉ có mấy đường ống điều hoà không khí, khá ngột. Trên bàn thợ, có kẹp cái ê-tô, đồ nghề để rải trên cái áo choàng bằng da, rải theo cách có thể đoán ngay rằng đó là đồ nghề làm việc của một người Nga: Sự lộn xộn đặc biệt có thể nói là hào hứng, mà chỉ có một anh thợ của ta, do làm hùng hục, bị cuốn vào việc đến quên cả thời gian mới thế; đến khi sực tỉnh, nhìn đồng hồ thì đã muộn, bèn quẳng nguyên tại chỗ. Người thợ Đức hoặc Mỹ sẽ xếp sắp đồ nghề 5 phút trước khi chấm dứt công việc, trong óc anh ta đã lắp sẵn đồng hồ rồi, không để thừa phút nào cả, một phút, cũng như đô-la, đối với anh ta đều có giá trị.
- Cái anh chàng khéo tay của các ông đâu rồi? – Xla-vin hỏi người gác cổng - người ta đã bảo với tôi là chỉ có anh ta mới có thể giúp tôi sửa cái vợt đánh ten-nít ưng ý…
- Anh ta bị giết rồi! - Người gác cổng trả lời, nhưng một viên cảnh sát quắc mắt nhìn bác ta, đến nỗi bác ta hoảng sợ; ho một cách vụng về, quay lưng lại Xla-vin, đi vào một góc, kéo cái ghế đẩu và ngồi xuống.
- Anh đứng lên đi, - vẫn viên cảnh sát kia nói. – và đừng có động tay vào bất cứ việc gì.
Xla-vin quay về phòng, mở ban công, ngồi vào ghế tựa, vặn người răng rắc. “Tao đã đánh giá mày chưa đúng, Glép ạ, - anh nghĩ, - mày đã nện tao, nện một cú thật mạnh, có điều là, bằng cú nện này, mày đã khẳng định rằng chính chúng mày đã tuyển mộ được một kẻ trong số chúng tao ở ngay đây, điều ấy, bây giờ đã hiển nhiên. Nghĩa là Bê-liu đã viết đúng sự thật. Bây giờ không ai còn có thể trỏ tay vào nhận dạng một trong những tấm ảnh đang nằm trong túi ta đây. Ta đã hành động đúng khi ta không bén mảng đến nhà Bê-liu: Nếu đến, Glép thừa sức đổ vấy việc này cho ta. Nhưng làm sao hắn đọc được ý nghĩ của ta nhỉ? Trong vụ này, ta sai lầm ở chỗ nào?”
Trong nhà tắm, Xla-vin đốt hết các tấm ảnh mà anh lấy ở chỗ Đu-lốp hôm qua, anh vò hết tro vụn ra, đổ nước, rẩy crê-din để hết mùi giấy cháy, và quay ra ban công. Anh vuốt mạnh khuôn mặt mình bằng bàn tay rắn chắc, đứng dậy, gọi điện cho Pôn Đích lúc anh chàng này còn ngủ, và mời anh ta đi uống cà phê.
“Phải lựa chiều đánh lạc hướng - cuối cùng Xla-vin ngẫm ra, - Phải làm cho Glép yên tâm, nếu không mình sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ, sẽ hỏng bét cả và không thể dò ra tên gián điệp. Chỉ có một người có thể giúp mình trong việc này, đó là Đích. Mình phải qua anh ta mà làm Glép tin rằng cái việc mình xuống tiệm ăn đêm qua chỉ là một sự vô tình, một sự vô tình vô nghĩa lý khi say. Tiếc là mình chưa trông thấy Bê-liu, dù là chỉ nhìn thoáng thấy mặt. Mình phải làm cho hắn tin rằng hắn đã uổng công mà lo sợ mình. Mình có thể làm được điều đó, nếu mình hé ra cho Pôn một góc sự thật. Và anh ta sẽ hiểu là Glép thuộc về CIA, cái đó cũng có lợi cho mình trong tương lai”.
Trong “ba” vắng tanh, Pôn Đích đi tới, nét mặt đăm đăm, nhếch nhác, tay run lẩy bẩy.
- Nghiện rượu là cái bệnh xã hội, I-van ạ, - anh ta thở dài – Dù sao chăng nữa, luận cứ kiểu ấy cũng cho phép tôi uống thoải mái từ sáng. Anh thích tợp một ngụm gì nào?
- Cà phê. Tôi muốn nhảy ra sân quần vợt một tý… Nhưng này, tại sao anh cứ gọi tôi là I-van mãi?
- Đối với tôi. Người Nga nào cũng tên là I-van. Kể cũng hay, khi có một cái tên xác định được cả dân tộc. Chúng tôi chẳng hạn, chẳng thấy người ta gọi đồng loạt là Giôn, như thế kể cũng tiếc.
- Sao vậy?
- Vì mỗi người chúng tôi sống cho mình, chúng tôi không có hướng chung, các ông thì là một khối, người ta bảo các ông thế nào thì các ông hành động thế!
- Này, Pôn, ông thử đọc lại Tôn-xtôi, Đốt-xtôi-ép-xki. Đừng có coi một dân tộc nào là một bầy cừu, chỉ biết ngậm miệng thi hành mệnh lệnh. Ông hãy đọc văn học Nga!
- Văn học chỉ nói phét, - Pôn Đích cười khẩy, - nó chỉ tung hoả mù! Nếu không, ông cứ đọc Đích-ken mà xem, rồi cứ tưởng như dân tộc Anh là đa cảm nhất ấy. Thế mà đúng thời kỳ ấy, họ đang chĩa nòng đại bác vào mà bắn thổ dân Xi-nai… Còn Mô-pát-xăng đã viết sự thực về người Pháp. Anh có nhớ chuyện một anh chàng chặt đứt tay kẻ khác chỉ để giữ lưới, đồ nghề đánh cá ấy không? Thế mà ta thì cứ tán: tính khoáng đạt của người Pháp! Thực ra thì bọn chúng cũng chi li, con buôn nhất hạng đấy, bọn người Pháp ấy!...
- Không nên vơ đũa cả nắm như thế về các dân tộc, Xla-vin nhận xét, - đây không phải là trí thức.
Pôn quay lại người hầu bàn đang đứng sau lưng, hơi cúi xuống và nói:
- Cho tôi rượu “Blê-đi Mê-ri” còn ông đây – cà phê.
- Sao anh lại đi tự giết mình thế, Pôn? – Xla-vin hỏi.
- Tôi đã chết rồi, I-van ạ, cho nên đây chỉ là giải khuây khi từ biệt.
- Gượm đã hãy chết, còn sớm mà. Đời còn thú vị chán…
- Hừm… Anh có biết kết cục thế nào với Xten-bếch (1) không? Chính Hê-ming-uê đã giết chết ông ta. Phải, đúng thế đấy! – Xten-bếch đã ghen tức lồng lộn với Hê-ming-uê, không chỉ trong văn học mà cả trong cuộc đời. Ông ta mới mò sang Việt Nam, cũng bắt chước kiểu phiêu lưu của Hê-ming-uê, gọi là vớt vát: vòng nguyệt quế của một phóng viên chiến tranh làm ông ta háo hức, dù bây giờ không còn cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, không còn nền Cộng hoà Tây Ban Nha, và thế là ông ta bèn sang Châu Á vậy, nơi có bắn nhau, để có thể tự an ủi mình là cũng dám xông pha nguy hiểm. Chính tôi đây, tôi cũng luôn ghen tỵ với mọi người, và sự ghen tỵ ấy đã bóp chết tôi, anh hiểu không? Điều đó nó đốt người ta thành tro ấy chứ…
- Anh có muốn tôi đề xuất một câu chuyện khác? – Xla-vin tỏ vẻ đăm chiêu nói.
- Lại về chủ nghĩa đế quốc đẫm máu chứ gì? Tôi xin đủ.
- Không, tôi muốn ông hứa sẽ không phản tôi thì tôi mới nói.
Người hầu bàn đem cốc rượu trắng với nước cà chua ép, và cà phê lại bàn, Pôn Đích uống hết, trên trán anh ta hiện ra những giọt mồ hôi to.
- Được, thế mới đáng để tôi nói chuyện với anh. Bồi, cho thêm một cốc nữa nhé, nhiều đá vào… Nào, bây giờ tôi xin thề với anh. Anh có tin tức gì vậy?
- Đêm qua vì tôi mà người ta đã giết chết một người.
- Phịa!
- Không phịa chút nào đâu.
- Anh giải thích xem, chuyện gì vậy?
- Anh có nhớ, hôm qua tôi rẽ xuống tiệm ăn không? – Tôi muốn thết các vị món cốc-tây kiểu Nga ấy mà.
- Tôi không nhớ, nhưng cái đó chả quan trọng gì. Rồi sao?
- Và tôi phát hiện được ra là có một người gốc Xla-vơ làm việc ở dưới nhà hầm, mang họ Pháp lai Mỹ. Tôi muốn nhờ anh ta giúp, vì anh ta hẳn phải biết ít nhiều cách thức nấu nước kiểu Nga. Thế là, do tôi hỏi han về người đó, các cơ quan tình báo nước các anh khám phá ra điều đó, nên ngay hôm nay người ta đã giết anh chàng tôi nghiệp kia.
- Ông nói nhảm.
- Ông phải biết rõ tính tôi chứ.
- Chắc đó là nội gián của các ông?
- Giá được thế - Xla-vin cười khẩy – giá anh ta là người của chúng tôi thì có phải chúng tôi biết được nhiều bí mật không, nhất là về hệ thống điều hoà không khí ở khách sạn “Hin-tơn” này của các ông!!...
- Thế tên họ anh ta là gì?
- Bê-liu, Ai-ven Bê-liu. Nếu ông có kể với Glép, thì đừng bảo là tôi nói nhé, được không?
- Sao vậy? Lại triệu chứng của người Nga – lo xung quanh toàn là mật thám, gián điệp?
- Cái gì về chúng tôi ông cũng biết cả!... Nhưng ông hãy nhớ rằng, chỉ cần ông hỏi Glép về Bê-liu lập tức ông ta sẽ hỏi: “Gã Xla-vin đã biết khi nào vậy?”. Có thể không hỏi ngay, mà sau độ nửa giờ, nhưng nhất định thế nào cũng hỏi.
- Cuộc chứ?
- Một chai vốt-ca!
- Xong ngay. Tôi sẽ gọi điện cho ông.
- Ông đến tôi thì tốt hơn. Hôm nay ông ăn chiều ở đâu?
- Còn chưa biết.
- Ta đến một hiệu của hãng “Mắc Đô-nan” ở ngoại ô vậy. Ngắm nhìn thiên hạ kể cũng thú.
- Được. Ta sẽ gặp nhau dưới tiền sảnh nhé. Hai giờ, ông thu xếp được không?
*
* *
Cô gái ở văn phòng cho thuê ô-tô, cuối cùng đã tìm được chiếc “Fi-át” vừa ý. Xla-vin không muốn thuê xe “Ya-gua” (đắt tiền, ngốn xăng đến 20 lít) lẫn “Méc-xê-đét”. Anh cho là “Fi-át” quen thuộc hơn, không phải “tìm hiểu” gì nó để thích ứng, chẳng gì nó cũng là kiểu trước của “Gi-gu-li”, cứ việc ngồi vào, dễ dàng ấn máy.
Trước khi choxe vào thành phố, Xla-vin nói dăm ba câu chuyện với anh thợ máy trông coi ga-ra ô-tô.
- Tôi chưa bao giờ ở châu Phi – anh nói – Anh bảo giùm tôi, làm sao khỏi chạm trán với các “Pha-ra-ông” (2) của các anh?
- Bọn họ cũng lành thôi, thưa ông. Dĩ nhiên, nếu ông đi ngang tàng quá thì họ thu bằng lái. Người da trắng như ông thì bọn họ lột khoảng 100 đô-la đã thành giá như vậy trong cảnh sát – nhưng nhất định trước khi lấy tiền, họ phải hành ông đã, họ chưa học được cái lối ăn hối lộ cho tế nhị đâu!
- Còn điều gì mà anh lái xe da trắng cần nhớ nữa không?
- Tôi thiết nghĩ chẳng còn điều gì, thưa ông! À, nếu đêm đến, ông có vớ một cô gái nào vào xe và hú hí với cô ta, thì đừng để cô ta cởi bỏ quần áo. Ở đây bây giờ lũ gái điếm ấy láu cá lắm, chúng cởi quần áo rồi hô hoán lên là bị cướp. Muốn dập nổi một vụ tai tiếng như thế, ông phải lo lót cho họ 300 đô-la, không thể ít hơn…
- Cám ơn, tôi sẽ nhớ kỹ - Xla-vin nói – Ngoài ra không còn gì sợ nữa chứ?
- Không. Ông đeo kính à?
- Vâng.
- Thế thì đừng để quên ở nhà. Họ kiểm tra đấy. Ông có thấy bây giờ ở đây nhiều người đeo kính không? Thị lực kém quá, nghe nói từ đời ông đời bà chúng tôi đã ăn uống chả ra sao, nên mới bị thiếu vi-ta-min, quáng gà, rồi trăm thứ bà dằn khác, thế là cảnh sát vớ bở. Tậht ra không mang kính thì chúng phạt không nhiều, chỉ độ 20 đô-la, đối với các ông thì chẳng đáng gì, nhưng đối với chúng tôi không gì sợ bằng bị phạt.
“Với tôi cũng thế chứ - Xla-vin nghĩ thầm, - cám ơn anh thợ cơ khí - giờ mình phải hành động, không thì hỏng, và mình sẽ tự dằn vặt mình về bác Bê-liu bất hạnh kia. Chỉ cốt sao cho Pôn đừng uống quá say. Anh ta không được nói lộ mình ra với Glép. Nếu anh ta phản thùng thì quả thực chẳng còn biết nói thêm gì nữa, nhịp độ ván bài của ta chỉ càng chóng vánh hơn. Nó đã bắt đầu, và bắt đầu bằng sự tấn công của hắn, đó là điều hiển nhiên. Nhưng dù sao, hắn cũng đừng nên vội tìm ta ở dưới nhà hầm thế, chớ nên tỏ vẻ đắc thắng rõ rệt thế”.
Xla-vin lái xe ra đại lộ rộng thênh thang dọc bờ biển, anh thử xe. Chiếc “Fi-át” đang nhận đà, bị thúc chân, phanh rất ăn, dừng đột ngột.
Xla-vin nhìn vào tấm gương con. Một chiếc “Méc-xê-đét” đen đi theo sau, trong xe có bốn hành khách.
“Được đấy, - anh nghĩ, - ta thử đua nhé, các vị! Các vị giở trò dớ dẩn thật phí công. Vô ích thôi! Giá các vị tống khứ Glép và các tên cùng hội cùng thuyền với hắn ra khỏi nơi đây có phải tốt hơn không, khi ấy tớ không phải bay đến đây để tìm Bê-liu, cũng không phải lượn khắp thành phố để xác định điều cần phải xác định. Thế mà tớ thề với các vị, là vẫn cứ phải tìm cho ra đấy, nhất định thế!”
Anh phanh gấp xe cạnh trạm xăng, quặt ken két,lốp rít lên. Chiếc “Méc-xê-đét” không kịp quay, phóng lướt qua và đỗ cạnh quán báo; cửa xe mãi không mở, có lẽ bọn cớm lưu động của Luy-xbua nghĩ là Xla-vin sẽ vòng xe và quay ngược hướng trở lại. Chỉ khi anh yêu cầu rót xăng và người phục vụ đã mở nắp xe, bật công tơ đo xăng lên, mới thấy một gã ra khỏi chiếc “Mec-xê-đét”, tiến lại người bán báo và lấy một tờ báo.
- Xin ông kiểm tra xem lốp bơm thế nào, - Xla-vin hỏi trong khi buộc cái đai lưng to vào chỗ ngồi.
- Hoàn toàn bình thường, - người phục vụ trả lời sau khi nhìn lốp xe.
- Tôi đề nghị ông kiểm tra kỹ cơ, chứ không phải xem qua, và nhờ ông lắc hộ cả bánh xe, xem ốc vít có chặt không, trục có “giơ” không – Xla-vin chìa đồng đô-la cho người phục vụ.
Anh này bằng một cử chỉ tài nghệ như làm xiếc huơ lấy tờ đô-la và thụp xuống, ngồi xổm. – Ê! – Xla-vin phá lên cười khi chiếc “Fi-át” con bắt đầu bị lúc lắc mạnh – Tôi không dặn ông vần cho lật xe đâu nhá!
- Xe vững lắm, thưa ông! Tôi muốn kiểm tra cho thật chắc mọi bề, - người phục vụ trả lời – Cái bánh trước, bên phải, bơm quá cũng có thể nổ, tôi hạ nó xuống một phảy chín, của ông trước đó là hai phảy bốn mươi.
Xla-vin tính toán khi ở ngã tư đằng xa vừa bật đèn xanh và dòng ô-tô lao lên, anh bèn dấn tốc độ, vọt khỏi chỗ đỗ và quay ngoặt lại, lũ người trong chiếc “Méc-xê-đét” bối rối - chẳng thể nào quay xe kịp nữa, dòng xe ngược chiều đang đi – Xla-vin rẽ vào một ngõ, tiến vào sân một khách sạn nhỏ và bước vào “ba”, đặt cà phê và nửa giờ sau mới lại vào ngồi bên tay lái. Lần này không thấy có “cái đuôi” nào nữa, bọn chúng đã mất dấu anh.
…Xla-vin phạm luật giao thông tới lần thứ 5 mới thấy có một viên cảnh sát giữ anh lại. Nóng bức không tưởng tượng nổi, mặt trời nung chiếc ô-tô hầm hập, mặt đường nhựa chảy ra, dường như đang đi trên mặt hồ băng mùa xuân trong lần câu cá cuối cùng, khi lũ cá măng ở gần Da-vi-đốp ra sức cắn câu, chỉ có điều ở đó, bạn cảm thấy cái lạnh và mùi quần áo mới giặt thơm tho, còn ở đây chẳng còn gì để thở và gót chân rát bỏng qua lần đế giày, cái xứ xích đạo khổ sở này…
- Ông đi với tốc độ bao nhiêu, thưa ông? Vừa mới dẫn xe vào đến chỗ râm, có mái che, viên cảnh sát mồ hôi nhễ nhại đã hỏi anh.
- Có lẽ quá mức quy định, - Xla-vin trả lời
- Tốt lắm, ông đã nhận lỗi ngay. Yêu cầu ông cho xem bằng lái xe…
Xla-vin vỗ vỗ khắp các túi.
- Tôi quên ở nhà… Tuỳ các ông “hành quyết” vậy!
- Hành quyết đã bị bãi bỏ ở nước Cộng hoà chúng tôi – Viên cảnh sát trả lời.
“Một kiểu nói như vừa rồi, ở nước ta sẽ tác động ngay đến tình cảm các cảnh sát giao thông – Xla-vin ghi nhận - khả năng ưa ân xá phù hợp với đặc tính dân tộc Nga, Phê-đô Mi-khai-lô-vích nói đúng thật, hết sức đúng!”.
- Vậy biết làm sao bây giờ? – Xla-vin hỏi.
- Về bót, thưa ngài. Phải xác định xem ngài là ai!
Thế là Xla-vin đã đạt ý muốn.
Ở bót, anh ngồi khoảng nửa giờ trong hành lang tối, không có máy điều hoà không khí, oi bức không chịu nổi. Một viên cảnh sát già, xét theo mọi biểu hiện bên ngoài, thì là người trực nhật, đang vất vả chống lại cơn ngủ gật.
- Ở đây bao giờ cũng phải đợi lâu thế này à? – Xla-vin hỏi.
- Ông cứ nghỉ đã, - ông ta đáp - ở đây không đến nỗi nắng quá như ở ngoài đường.
- Nhưng lại không có không khí mà thở.
- Không khí ở đâu chả có – ông ta phản đối – cháu tôi bảo ở ngay dưới biển cũng có không khí nữa là.
- Nếu tôi yêu cầu ông sĩ quan xác định nhanh hộ việc của tôi, ông ấy có nổi giận không? – Xla-vin hỏi.
- Ông ấy không nổi giận, nhưng dù sao bác sĩ cũng còn đi ăn trưa.
- Tôi không cần bác sĩ, vì tôi có bị tai nạn đâu.
- Thưa ông, ai đã vào đây cũng đều cần bác sĩ. Phải xác định xem, ông có say rượu không, có mắc bệnh mắt không, có uống thuốc ngủ trước đó không…
Bác sĩ, té ra là một cô gái Phi còn trẻ, cô đi lại nhanh nhẹn, đồng thời cũng có vẻ gì vòng vèo quay tròn trên đường như thân cô được lắp những bản lề bí mật nào đó, tạo những vòng uyển chuyển cho mội cử chỉ, ngay cả khi cô đã chỉ cho Xla-vin cái ghế ở góc phòng, nơi còn ngột ngạt hơn nữa, vì hai cái cửa sổ con đã bị che kín bằng thứ vải đen dày. Cô ta lên tiếng hỏi:
- Ông đã uống rượu? Nhiều ít? Khi nào?
- Hôm qua, tôi uống uýt-xky.
- Vào lúc nào?
- Vào buổi trưa.
Bác sĩ nhìn đồng hồ.
- Nếu vào khoảng hai giờ, thì phải phân tích máu sẽ chứng tỏ có dấu vết say rượu, và tôi buộc sẽ phải tước bằng của ông.
- Cô tước bằng hay ông sĩ quan cảnh sát?
- Chúng tôi không tách rời nhau, thưa ông!
- Thế còn vì lý do gì nữa, cô có thể tước bằng lái?
- Vì dùng ma tuý, vì bệnh xơ động mạch ở võng mạc, vì bệnh lác mắt. Nào ông đưa tay đây, để thử máu.
Sau 5 phút, bác sĩ từ phòng thí nghiệm quay về lắc đầu, tỏ ý tiếc rẻ: “Đúng là ông đã uống uýt-xky từ trước 2 giờ, trong máu không còn chứng tích gì là say nữa. Mời ông hãy ngồi vào góc kia, bịt mắt trái lại, và đọc những chữ trên bảng”.
- Không có kính thì tôi không nhìn thấy!
- Ông lấy quyền gì mà dám ngồi vào tay lái không đeo kính?
- Xin cô bớt giận!
- Luật pháp không cần giận dữ gì, - Cô bác sĩ cắt ngang, giọng cô thật trái ngược với vẻ tròn trặn không đổi của các cử động mà Xla-vin thầm thán phục, - luật pháp phải vô tư, dù rằng những người thì hành nó cũng có cảm xúc chứ.
“Họ đã bóp nặn Pa-ra-mô-nốp bao nhiêu, nếu mình đoán đúng? – Xla-vin nghĩ bụng. Anh ta có lẽ sợ mất bằng lái, nên phải chạy suốt đêm khắp Luy-xbua để vay tiền. Nói chung, mọi cái đều khớp với nhau, cầu trời cho nó khớp thật. Anh ta đã vay của Ni-ki-skin đêm ấy 50 đô-la, của Prô-klốp 75 đô-la. Thêm 25 đô-la của anh ta vào nữa, vị chi 150 đô-la, hoàn toàn đủ để là mềm tim những kẻ phục vụ luật pháp vô tư nhưng vẫn có “cảm xúc” ở đây…”
*
* *
“Điện gửi Trung tâm:
Đề nghị xác minh thị lực của Pa-ra-mô-nốp. Anh ta có mắc bệnh loạn thị không? Có mang kính không? Nếu có, thì mức độ kém thị lực là bao nhiêu? Những người mắc bệnh kinh niên ở đây bị mất bằng lái sau khi bị xét xử. Anh ta có nghiện rượu không?
Xla-vin”
“Gửi Xla-vin:
Đồng chí có thể xác minh được bằng các phương tiện của mình về số phận đoàn tàu vận tải số 642, khởi hành trên đường từ Luy-xbua đến Na-gô-ni-a không. Mọi thời hạn đã qua rồi, mà vẫn không thấy đoàn tàu đến nơi.
Trung tâm”
“Gửi Trung tâm:
Theo những tin tức của các giới thân cận với cơ quan báo chí của Ô-ga-nô, thì đoàn tàu vận tải số 642 đã bị quân đội hắn chiếm đoạt vào cuối tuần trước.
Xla-vin”
“Gửi Xla-vin:
Ai trong số cán bộ ta chịu trách nhiệm về hành trình và thời hạn chuyên chở hàng cho Na-gô-ni-a?
Trung tâm”
“Gửi Trung tâm:
Chịu trách nhiệm về thời hạn là Dô-tốp. Còn hành trình thì do Sác-ghin, cán bộ Ngoại thương, đến bàn bạc trong chuyến công tác sang Luy-xbua vào tháng tư năm nay.
Xla-vin”
“Gửi Xla-vin:
Đồng chí có thể cho biết gì về Sác-ghin?
Trung tâm”
“Gửi Trung tâm:
Sác-ghin được đánh giá tốt. Tuy nhiên, anh ta cũng ham nhậu nhẹt. Có nhận xét nữa là anh ta hay quan tâm đến các cuộc gặp gỡ với phụ nữ. Về chiếc máy thu thanh cực mạnh “Pa-na-xô-níc”, thì Sác-ghin đã mua nó trực tiếp ở đại lý của hãng này tên là Grê-gô-ri-ô A-ma-ra-la với giá 512 đô-la. Khi rời Luy-xbua, Sác-ghin còn khai trong tờ khai hải quan là có đem theo cả máy ảnh “Mi-nốc”, loại mới nhất, kích thước nhỏ nhất trong các máy thấy có ở đây. Theo tài liệu ở phòng kế toán của cơ quan thương vụ, Sác-ghin được nhận 650 đô-la một ngày tiền nhà do Liên hiệp các công ty trả.
Xla-vin”
“Gửi Xla-vin:
Hãy xác minh xem, đồng thời với Sác-ghin, có một thương gia của hãng “Tơ-rết Co-pô-rây-sân” là Van Dê-gơ cùng đến Luy-xbua không?
Trung tâm”
“Gửi Trung tâm:
Thương gia Van Dê-gơ không hề thấy đến Luy-xbua.
Xla-vin”
(1) Giôn Xten-bếch: Nhà văn Mỹ, sinh năm 1902, nổi tiếng thế giới vì những tác phẩm hiện thực phê phán thời kỳ đầu, như “Chùm nho nổi giận” (1939). Về sau phản động, ca tụng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. (ND)
(2) “Pha-ra-ông”: Các hoàng đế cổ xưa ở Ai Cập. Ở đây là từ lóng để chỉ bọn cảnh sát xưng hùng xưng bá ở các trạm kiểm soát. (ND)