“Điện gửi Xla-vin.
Tìm kiếm mọi chi tiết liên quan đến Đu-bốp. Tính chất quan hệ của anh ta với Vin-te? Có xác định được việc anh ta từng gặp Lô-ren-xơ hay Glép không, dù là gặp một cách tình cờ?
Trung tâm”.
*
* *
“Tối mật.
Kính gửi thiếu tướng Côn-xtan-ti-nốp.
Xin thông báo theo yêu cầu lần thứ hai của đồng chí, rằng hành khách Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích Đu-bốp hôm qua đã bay đi Át-le trên chuyến bay số 852.
Trung tá Dư-cốp”.
*
* *
“Những tư liệu quan sát “Áo Trắng” (mật danh do các nhân viên an ninh ở Áp-kha-di-a đặt cho Đu-bốp vì Đu-bốp bay đến nghỉ ở đây trong bộ com-lê trắng, áo sơ-mi cũng trắng, thắt nơ trắng, chỉ có đôi giày là đen, nặng và đầu tù, giày cũ kiểu Mỹ).
Đến ở khu nhà nghỉ “Hải Đăng” phòng 212. Áo Trắng bắt đầu đi ăn sáng lúc 8h47. Anh ta ngồi vào bàn ăn có hai người đàn bà, một người da ngăm ngăm, khoảng hai mươi ba tuổi, đi cùng với anh ta ra khỏi tiệm ăn vào 9h17.
Anh ta đề nghị cô da ngăm đến phòng anh ta, và cô kia đã nhận lời. Trong phòng Áo Trắng, họ ở lại 52 phút, khi ra đã thay quần áo tắm và bước ra bãi tắm. Họ cùng tắm và phơi nắng ngoài bãi đến 12h49, sau đó cùng đi ăn trưa ở tiệm ăn ban sáng. Ăn ở bàn từ 13h05 đến 13h51. Sau đó lại về phòng Áo Trắng, ở tịt đó đến 16h10, rồi lại ra bãi tắm. Họ trở về vào 18h26, đi ăn tối, lại ngồi vào bàn ăn lúc sáng. Áo Trắng gọi một chai rượu vang có mác “Ti-ba-ni”. Sau đó, anh ta mời cô da ngăm đi dạo. Không gặp gỡ trò chuyện với ai, họ ra khỏi địa phận khu nghỉ mát “Pin-xun-đa”. Ở gần nha bưu điện, Áo Trắng bảo cô da ngăm chờ mình, rồi cầm đồng 3 rúp đổi lấy loại tiền xu 15 kô-pếch, sau đó gọi điện về Mát-xcơ-va theo số điện 341-97-88. Trong lúc nói chuyện với một người nào đó, có tên là Vích-to Lvô-vích, anh ta nói rằng “cần phải biết kiềm chế, rằng anh ta cũng rất muốn nhìn thấy cô ta, song mỗi người phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trước mọi người”. Anh ta cũng yêu cầu “Vích-to Lvô-vích đừng lên chỗ anh ta mấy ngày tới nữa, vì rằng sau một tuần, anh ta “mới đi công tác về”. Nói chuyện xong, Áo Trắng mời cô da ngăm vào “ba”, ở đó họ nhảy với nhau đến 12 giờ đêm. Sau đó hai người trở về phòng anh ta và ngủ lại đấy. Báo cáo của Ga-bu-nhi-a”.
Số điện 341-97-88 là của Vích-to Lvô-vích Vin-te, bác sĩ trưởng bệnh viện phụ khoa số ba Mát-xcơ-va. Còn cô “da ngăm đen” được xác định là Ôn-ga Vrôn-xkai-a, hai mươi hai tuổi, ở Mát-xcơ-va, thư kí văn phòng, đoàn viên Côm-xô-môn, chưa chồng, người gốc U-krai-na.
*
* *
Bác sĩ của bệnh viện số 52 trong thành phố nhìn Côn-xtan-ti-nốp một cách ngạc nhiên:
- Tôi đã giải thích tất cả rồi, thưa đồng chí.
- Giải thích với ai?
- Hôm qua có mấy người từ Viện của chị ấy đến, và tất nhiên, cả ông cụ của chị ấy, niềm tự hào của chúng tôi đấy, tôi đã phải giải thích cả cho ông cụ nữa…
- Nhưng tôi là bạn của chồng chị ấy.
- À ông chồng đang ở nước ngoài ấy ư?
- Vâng.
- Hiểu rồi… Anh ta chưa biết gì hay sao?
- Chưa.
- Vậy đồng chí hãy viết cho anh ta rằng chị ấy không đau đớn gì - đột nhiên bị mất hoàn toàn nhận thức… Một cái chết kì cục, tệ hại quá… Anh bạn của chị ấy kể rằng từ chập tối, chị ấy lên cơn rét, anh ta cho uống át-xpi-rin, chị ấy ngủ thiếp đi, nhưng sốt cao… Anh ta nhớ lại, là đã một tuần rồi, chị ấy bị ho, nhưng dù vậy, vẫn đi ra sân vợt chơi ten-nít, tất nhiên, thế là quá bất cẩn rồi. Đến sáng thì anh ta gọi xe cấp cứu… Chúng tôi đã làm mọi cách có thể làm được, nhưng, hình như phổi đã bị phù, và thế là chúng tôi bất lực.
- Nhưng sao lại “hình như”?
Bác sĩ không hiểu, nhìn Côn-xtan-ti-nốp như để hỏi lại. Côn-xtan-ti-nốp nói rõ hơn:
- Nếu mổ tử thi, thì không thể không rõ hơn nguyên nhân chính xác: nguyên nhân gì đã dẫn đến cái chết thê thảm của một phụ nữ còn trẻ và khoẻ mạnh.
- Đúng thế, nhưng chúng tôi đã không mổ… Xin lỗi, tên đồng chí là gì nhỉ?
- Côn-xtan-tin I-va-nô-vích.
- Rất hân hạnh. Còn tôi là Ác-sin Ghê-oóc-ghi-ê-vích. Vâng, vấn đề là chính Vích-to Lvô-vích, bố đẻ chị ấy đã đề nghị không mổ tử thi, lời nói của ông đối với chúng tôi giống như pháp lệnh, ông cụ là một nhà phẫu thuật đại tài, ai cũng nể, các phụ nữ ở Mát-xcơ-va - vẫn coi ông cụ như thần tượng đấy…
- Ác-sin Ghê-oóc-ghi-ê-vích, đồng chí có thể kể giúp thật chi tiết hơn, được không ạ?
- Ờ, chuyện thế này. Hôm ấy tôi trực. Buổi sáng, quãng tám giờ, có một người đàn ông gọi điện thoại…
- Anh bạn của chị ấy?
- Không, anh ta đến sau, cùng với tôi trên chiếc xe cấp cứu hồi sinh. Đây là người hàng xóm, tôi quên tên, một ông già, vốn là quân nhân… Ông ta báo rằng có một phụ nữ bất tỉnh nhân sự, đề nghị chúng tôi đến ngay. Chúng tôi lên xe đi liền. Ôn-ga khi ấy không những bất tỉnh, mà tôi còn cảm thấy là giờ hấp hối đã điểm, mạch chìm, mi mắt xanh nhợt, đồng tử hầu như không phản ứng. Ở trong xe, chúng tôi dùng bình ô-xy chống choáng cho chị ấy; và khi tới đây, chúng tôi lập tức mời giáo sư Ép-lam-pi-ép, tiếp máu cho chị ấy. Nói tóm lại trong vòng bốn giờ đồng hồ chúng tôi cố gắng hết sức để cứu sống chị ấy. Dù rằng, nói một cách thực bụng ra, tôi tin rằng sẽ không có kết quả…
- Thế tại sao lại không mổ?
- Thì tôi đã nói rồi.
- Không, tôi chưa hiểu lí do.
- Vích-to Lvô-vích đã đề nghị…
- Đấy đâu phải lí do. Chiều hôm trước, chị ta còn mạnh khoẻ, sớm hôm sau đã chết. Vậy mà bệnh viện lại không mổ khám nghiệm. Thế ngộ nhỡ là một bệnh dịch lây lan?
- Không, đây không phải là dịch bệnh. Theo dấu vết khám nghiệm thì là phù phổi bất thần, một cơn phù như gió lốc.
- Bệnh ấy có hay xảy ra không?
- Bản thân tôi thì chưa thấy… Cũng có thấy, nhưng phải qua ngày thứ ba, ngày thứ sáu, quá trình suy sụp làm phổi giảm sút dần dần…
- Thế người bạn của chị ấy… Anh ta là gì nhỉ?
- Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích. Chính anh ta đã kể lại là chị ấy bị ho từ lâu, không được khoẻ…
- Vậy dứt khoát không phải là một bệnh dịch hay lây rồi.
- Nhưng quá trình đột biến như gió lốc này kể ra cũng có trong y học. Đồng chí có nhớ sự việc một cảnh sát Mỹ chết bất thần vì ung thư phổi cũng như kiểu gió lốc này không? Anh ta đang để nghị được khai thêm những chứng cớ mới, người ta đang thẩm vấn anh ta, thế rồi, hai ngày sau anh ta chết.
Côn-xtan-ti-nốp đứng dậy đánh thót một cái, đôi mắt ông thường vẫn tươi cười, xanh biếc, bỗng trở nên xám đục như hai lỗ khoan nhỏ.
- Xin cảm ơn đồng chí Ác-sin Ghê-oóc-ghi-ê-vích… Hôm đó là…
- Đúng hôm tôi trực, như tôi đã trình bày.
- Vậy là bốn ngày trước đây?
- Đúng thế.
- Tôi có thể xin đồng chí sao lại cho một bản kết luận về trường hợp cái chết của chị ấy không? Tôi cần gửi cho chồng chị ấy, như vậy phải hơn. Sẽ có biên bản chính xác, không phải chỉ là miêu tả bằng cảm tính, đúng không? Hơn nữa, lại có bạn của chị ấy hộ tống đến bệnh viện nữa… Anh ta chắc cũng khổ tâm lắm?
- Phải, chúng tôi phải tiêm cho anh ta đấy… Anh ta sững người ra như đá, không khóc được. Nhưng là một người có nghị lực. Ông cụ đến - cụ Vích-to đang họp hội nghị ở Đúp-na, người ta điện cho cụ về, tất nhiên cụ bị choáng rồi và chính là Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích lại trấn tĩnh, đưa cụ về nhà, lo tổ chức ma chay trong có một ngày, anh ta biết kiềm chế mình rất giỏi.
*
* *
Viện sĩ y học, Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích Vô-gu-lép đã quen biết với Côn-xtan-ti-nốp trong lúc đi săn. Hai người cùng đi máy bay đến Ca-bác-đi-nô Ban-ka-ria, vào tận vùng Kha-si-xmen Xan-sô-kốp, rồi vào A-khơ-tư-ri cùng với Gmư-ri-a, và hai lần đi A-xtơ-ra-khan nữa.
Khác với Gmư-ri-a, viện sĩ là một nhà đi săn để chiêm ngưỡng, mang theo cả máy ảnh, làm Côn-xtan-ti-nốp cũng lây cái tính thích chụp ảnh khi săn, dù rằng Côn-xtan-ti-nốp thường say sưa hạ “tại chỗ” con mồi săn hơn hết, và điều duy nhất ông ghen tị trong cuộc sống là khẩu súng săn cực tốt trong tay một người bạn săn khác.
Vô-gu-lép thì lại dửng dưng với những thứ săn được. Ông sẵn sàng tặng bạn những nanh lợn lòi săn được, ông yêu thích những bữa ăn quây quần khi đi săn, ông thường bảo rằng trong thế kỉ chúng ta, không một an dưỡng đường nào làm giãn ra được sự căng thẳng thần kinh, chỉ có phương thuốc hiệu nghiệm nhất là đi săn lợn lòi hoặc săn gấu.
- Tất cả những phương pháp trị bệnh, - ông thường nói - dù là dùng các thứ thuốc mới, châm cứu, cho ngủ tĩnh dưỡng, nhịn đói đều là vớ vẩn hết. Phải đi săn! Cùng lắm thì mới phải mổ, dầu sao thì tôi cũng còn tin vào công việc của tôi. Nhưng đấy chỉ là trường hợp không đừng được, chẳng hạn khi chỗ ung thư đã tấy lên. Còn những chứng bệnh nhồi máu, chứng loét dạ dày, chứng xơ cứng mạch máu… chẳng hạn, thì cứ gọi là phải chữa ở đây, trong rừng núi, bằng cách đi săn. Ở đây toả lên mùi dẻ tươi, mùi cỏ tươi và đủ thứ cây quả rừng, khoẻ người lắm…
Côn-xtan-ti-nốp đã gọi điện cho ông, sau một lát suy nghĩ. Trong tình huống như hiện nay, ông không lấy xe riêng mà thường đi chiếc “Von-ga” của cơ quan có sẵn điện đài để dễ liên lạc thường xuyên với các phòng, ban của mình. Cô-nô-va-lốp, Pa-nốp, Prô-xcu-rin, Gmư-ri-a - tất cả các anh hiện nay đang ở tình trạng “cấm trại”. Họ hầu như không được phép về nhà, nhận được thông tin gì là họ tách biệt ra thành nhiều câu hỏi nhỏ, vì họ suy luận rất đúng rằng, càng nghiên cứu tỉ mỉ mỗi chi tiết nhỏ bao nhiêu thì càng có điều kiện đáng tin cậy bấy nhiêu để rút ra kết luận tổng quát.
- Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích, tôi sẽ đến thăm anh, nếu được anh cho phép - Côn-xtan-ti-nốp nói - Ngay bây giờ.
- Hoặc là anh đến trong mười lăm phút nữa thôi, hoặc là phải đến chiều tối, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ - Viện sĩ nói.
- Anh chuẩn bị mổ à?
- Còn khổ hơn ấy. Phải đến họp ở Viện Hàn lâm.
- Không đi được không?
- Có chuyện gì xảy ra vậy?
- Có đấy.
Vô-gu-lép nghe Côn-xtan-ti-nốp nói xong, tắt máy và vội quay ngay số khác:
- I-ri-na Pha-đê-ép-na, - ông nói, - tôi buộc phải đến muộn độ một tiếng. Chị làm cách nào thì tuỳ. Nhưng để các luận án tiến sĩ của Ga-vri-lin, Đa-ri-a-lô-va và Mác-ti-rô-xi-an lùi lại một chút, đừng thảo luận không có tôi nhé, vì những người có thiện chí có thể bị đổ mất. Sao? À, cứ nói với họ là tôi bị chậm, do một cuộc mổ gấp gáp. Cảm ơn chị.
Ông đặt máy xuống, bàn tay còn cứng cáp bóp bóp lên khuôn mặt đã nhăn nhưng còn đầy đặn, và đứng dậy…
*
* *
- Ta đi thôi. Tôi sẽ không gọi điện trước cho bố Ôn-ga đâu. Gọi thế chẳng khác gì lại phải hỏi đến cái chết hai lần, anh đợi trong xe nhé!
- Được rồi, chỉ có điều tôi xin anh lưu ý: không nên để Vích-to Lvô-vích biết, là anh quan tâm đến chính điều gì, xin anh luôn luôn nhớ hộ điều đó nhé…
- Tôi và ông ta đã cùng làm việc trong một quân y viện, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ. Chúng tôi đã từng đắp chung nhau một vạt áo va-rơi mà!...
- Anh chưa hiểu đúng ý tôi, Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích ạ. Tôi không hề có một chút nghi ngờ nào về lòng trung thực của ông già.
Khi đã ngồi trong xe, Vô-gu-lép hút một hơi thuốc và càng lặng lẽ hơn.
- Trong đống giấy tờ cũ của tôi, còn có một tấm ảnh cô con gái của ông ta, cô bé lúc ấy mới được ba tháng… Chúng tôi bị rơi vào vòng vây ở gần Rơ-giép, ông ta đưa tấm ảnh, ghi địa chỉ và yêu cầu, nếu tôi thoát được vòng vây, tôi sẽ đi tìm con bé Ô-li-a. Tôi nhớ khi đi, tôi đã tỏ ra giận dữ ông ta, thậm chí còn văng tục. Ông ta bảo tôi, ông ta là người Do Thái, bọn phát-xít sẽ bắn ngay nếu tóm được ông, còn tôi, may ra, có cơ thoát được. Nhưng tôi càng cáu, tôi bảo, tôi là người Bôn-sê-vích, nếu chúng bắn thì sẽ đồng thời bắn cả hai, chưa kể là chúng còn bắn tôi trước nữa. Tuy nhiên, hồi đó sức khoẻ ông ta quá ọp ẹp, ho khù khụ luôn, nên tôi cũng thoả thuận giữ lại tấm ảnh - dù sao những lời gửi gắm ấy cũng thật thiêng liêng, trong hoàn cảnh thật đặc biệt, khi đứa bé mới sinh được có ba tháng trời…
- Có thể ông ta sẽ hỏi, vì sao anh biết được nỗi khổ tâm của ông ta…
- Tôi sẽ nói, tôi đọc thấy tin buồn đăng trên báo…
- Nhưng trên báo có đăng tin buồn gì đâu…
- Ừ thì tôi bảo, do những người quen báo tin.
- Những người quen là ai mới được chứ?
Vô-gu-lép nhìn Côn-xtan-ti-nốp:
- Anh có gì úp mở chưa nói hết với tôi thì phải?
- Đúng thế.
- Sao vậy?
- Vì nếu anh nghe một cô y tá tỏ ý nghi ngờ chuyện gì thì chuyện ấy cũng không có ảnh hưởng nghiêm trọng tới ai. Còn tôi ở Uỷ ban An ninh quốc gia, tôi không thể chia sẻ những ý kiến với anh nghi ngờ của tôi trong bất cứ một chuyện gì, tôi chỉ có thể dựa vào sự kiện để kết luận.
*
* *
Ông già Vin-te nằm trên đi-văng, gối đầu trên cái áo khoác đã gập lại, tấm mền phủ kín đến tận cằm.
- A, Xê-ri-ô-gia(1) - ông nói nhỏ, và trên má bất giác chảy xuống những giọt nước mắt già nua - Anh đến thăm tôi là quý lắm rồi… Anh có muốn uống một ngụm rượu không?
- Tôi phải đến Viện họp, Vi-chi-a(1) ạ, ở đấy, đến người tỉnh táo cũng đã căng rồi, nếu lại uống chút rượu, cộng với tính khí của tôi nữa…
- Còn tôi, anh biết không, tôi cứ phải uống cho căng mình ra! Không thể khác được - chỉ cần tôi nhắm mắt lại thì lập tức lại nhìn thấy con bé…
- Phải, một tai hoạ kinh khủng. Vi-chi-a, đến nỗi tôi cũng không biết nói thế nào với anh bây giờ. Sao lại không là chúng ta? Sao lại là chúng nó đi trước, đám trẻ ấy!
- Rót cho tôi một chút đi anh!
- Chất cay à? - Vô-gu-lép hỏi, và rót vào chiếc cốc chia độ.
- Phải. Anh nhớ là anh đã từng dạy tôi uống rượu không?
- Ấy là khi anh ngã giúi giụi trong đầm lầy phải không?
- Đúng.
- Năm ngoái, tôi trở lại chỗ đó để đi săn. Ngốc thật! Tôi vẫn tưởng nơi đó là một xó hẻo lánh như năm 1843, ai ngờ người ta đã xây lên một nhà máy sứ, đường sá làm lại cả, ở các làng xung quanh đã đầy những dây ăng-ten.
- Anh gặp Ô-li-a lần cuối là vào lúc nào?
- Tôi có gặp được con bé lần nào đâu, Vi-chi-a. Sau chiến tranh, ai cũng trở nên sung túc, yên ổn cả, đâm ra ít gặp nhau. Chỉ khi hoạn nạn người ta mới lại tìm đến nhau… Thế là tôi không gặp con bé lần nào…
- Ai báo tin này cho anh biết?
- Gơ-nhi-đúc.
- À, phải rồi, Mi-kô-la. Anh ấy có gọi điện cho tôi… Ông già Vin-te uống ngụm rượu, kéo tấm mền phủ lên kín hết cả cằm, người co lại như ớn lạnh.
- Tôi cũng muốn đi theo nó, Xê-ri-ô-gia ạ.
- Vi-chi-a, anh còn bao nhiêu công việc phải làm.
- Làm gi nữa? Có ai cần nữa? Anh mới còn khả năng làm được một điều gì đó, anh biết nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề, còn tôi bây giờ thi tay chân lẩy bẩy, có nhấc nổi cái gì lên tay đâu… Mà chỉ biết nói suông thì tôi với anh không bao giờ chịu thế.
- Sao anh không gọi điện cho tôi, khi người ta mang Ôn-ga đến bệnh viện, Vi-chi-a?
- Tôi cũng được gọi về từ Đúp-na, về đến nơi thì mọi việc đã không cứu vãn được nữa rồi.
- Việc mổ khám nghiệm cho phép kết luận về bệnh gì?
- Tôi không cho mổ.
- Sao vậy?
- Theo các dấu hiệu bên ngoài thì là phù phổi nặng. Vì sao lại nhanh thế?... Tôi cũng chẳng nhớ có trường hợp nào tương tự, Xê-ri-ô-gia ạ… Nhưng tôi không thể cho phép mổ tử thi, anh hiểu không. Vì đâu có phải chỉ chôn đi một mình nó, nó còn mang theo mình cả một cái thai nữa…
- Thật thế ư?
Ông Vin-te nấc lên, vươn người ra, những ngón tay khô, bệt và mảnh dẻ với lấy cái cốc.
- Thôi, Vi-chi-a, không nên uống nữa, anh trắng bệch ra rồi kìa.
- Không, đừng ngăn tôi, anh cứ để tôi! Rót thêm cho tôi. - Ông lại uống, rồi đặt những ngón tay tê giá lên tay Vô-gu-lép.
- Anh có cháu gọi bằng ông rồi chứ?
- Một cháu gái.
- Cháu gái - Ông Vin-te nhắc lại - tuyệt thật, con gái thì nó lại dịu dàng hơn. Tôi cũng mơ ước có một đứa cháu gái, Xê-ri-ô-gia ạ. Trời ơi, tôi mơ ước được kéo dài chút hạnh phúc cuộc sống, được nhìn thấy một đứa trẻ trong nhà.
- Anh chắc chắn rằng, con bé định sẽ có một đứa con?
- Tôi cũng không biết chắc gì về chuyện ấy, đấy là do thằng Xê-ri-ô-gia nói lại với tôi.
- Con rể anh?
- Thôi, bạn già ạ, đừng hỏi tôi tỉ mỉ làm gì chuyện ấy! Chồng nó đang ở nước ngoài kia, Xê-ri-ô-gia chỉ là người yêu của nó. Không phải ngoại tình đâu, nó đã chia tay chồng nó rồi, nó không phải đứa hư hỏng, con tôi thì tôi biết chứ, nó không dám thể đâu… Nhưng chuyện đời mà… Nó chưa thực sự li hôn trên pháp lí, còn thằng kia thì làm việc ở Viện nghiên cứu mật nào đấy, sự thể như thế, lẽ nào ta lại đi vùi dập uy tín của thằng kia, một chàng thanh niên tốt nết, anh biết quá chứ, ở nước chúng ta, người ta đâu có bỏ qua những chuyện riêng tư… Làm hỏng đời thằng bé ấy làm gì? Ô-li-a thì đã mất rồi, nó thì yêu con bé, ta đừng để nó lại phải khổ hơn vì chuyện vỡ lở ra… Anh rót thêm cho tôi một ngụm nữa đi…
- Vi-chi-a, anh dọn tạm sang ở với tôi, được chứ? Dù tạm một thời gian cũng được. Bà Ca-chi-a nhà tôi sẽ rất vui khi tiếp đãi anh, còn cháu gái nó sẽ quấn lấy anh. Thôi, anh đừng khóc nữa, đừng tự xé tâm can mình làm gì.
- Cảm ơn anh. Nhưng tôi sẽ chẳng đi đâu khác hơn được nữa. Rồi Xê-ri-ô-gia sẽ đến ở với tôi, và cả hai chúng tôi sẽ luôn luôn cảm thấy như con con gái tôi bên cạnh.
- Vi-chi-a, tôi hết sức yêu cầu anh, trong khi anh chàng Xê-ri-ô-gia kia chưa đến, anh hãy cho phép tôi đưa anh về nhà tôi đã!
Ông Vin-te lắc đầu nhìn Vô-gu-lép bằng đôi mắt đen mở to, đầy nước mắt, rồi trả lời:
- Xê-ri-ô-gia, khi nào tôi chết, tôi nhờ anh chôn tôi ngay cạnh mộ con gái tôi, được chứ?
Trở về cơ quan, Côn-xtan-ti-nốp tập hợp các trưởng nhóm điều tra lại:
- Chúng ta bắt đầu phân tích trường hợp Đu-bốp. Để cho tiện, chúng ta hãy đặt mật danh cho anh ta là Gác Rừng(2). Có lẽ, phải duy trì được mối liên lạc thường xuyên bằng điện thoại, đặt cả đồng hồ đo điện nữa, mọi việc bây giờ phải giải quyết từng giờ một, dù rằng, (không rõ vì sao, ông lại rất chú ý nhìn vào Prô-xcu-rin) - đặc biệt lúc này, tất cả mọi sự hấp tấp và suy nghĩ theo một chiều sẽ có thể làm hỏng cả việc. Trong vòng mấy ngày tới, chúng ta phải tái lập được - phải tranh thủ đến từng phút - tất cả những gì liên quan đến những giờ phút cuối cùng của Ôn-ga Vin-te. Chúng ta lại không được phép hỏi cung bất cứ ai, điều đó là rõ rồi, chúng ta cũng không có một tang chứng gì để buộc tội Đu-bốp, vì thế phải làm rất khéo tay. Đó là việc thứ nhất. Tiếp đó, phải kiểm tra xem ai, ngoài Đu-bốp, có mặt trong cuộc hội đàm, khi bộ trưởng kinh tế trong phái đoàn chính phủ Na-gô-ni-a sang ta kí kết hiệp nghị.
- Còn có cả bộ trưởng quốc phòng nữa, - Gmư-ri-a nhận xét.
- Đúng thế, những vấn đề cung ứng vật tư chỉ liên quan đến cuộc hội đàm với bộ trưởng kinh tế. Điểm thứ ba, là phải chứng minh cho kiểm sát viên điều này, có lẽ bản thân tôi phải làm để thuyết phục ông ta cho khai quật tử thi và tiến hành giám định y khoa về cái chết của Ôn-ga Vin-te. Nhưng nếu tốt ra, thì phải đến chỗ ông ta với nhiều lí lẽ có sức nặng, hơn là những gì chúng ta đang nắm được.
- Tất nhiên, có nhiều hơn thế này chứ - Prô-xcu-rin nói.
- Đối với chúng ta thì đúng thế, nhưng trước pháp luật thì chỉ căn cứ trên hành động phạm pháp. Nếu kiểm sát viên hỏi, chúng ta có những tang chứng gì để buộc tội Đu-bốp, thì chúng ta sẽ trả lời sao?
- Trả lời, chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà Lun-xơ lại ở cạnh Đu-bốp ở nhà nghỉ Pi-xun-đa.
- Đó không phải là câu trả lời. Anh chưa chứng minh cho kiểm sát viên rằng Lun-xơ là nhân viên CIA. Chúng ta đặt Lun-xơ vào chiến dịch chống phản gián, đó là việc của chúng ta. Còn đối với mọi người Lun-xơ là nhà ngoại giao, đang vun xới cho quan hệ văn hoá, anh thử đi mà chứng minh ngược lại xem. Bản thân tôi sẽ không làm việc đó. Tất cả tin tức mới - tôi nhấn mạnh là tất cả - phải có ở bàn làm việc của tôi, nếu được hai bản thì tốt, một bản sẽ chuyển cho Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích Phê-đô-rốp, ngay sau khi tôi nhận được.
*
* *
- Đến đâu rồi, - tướng Phê-đô-rốp nói - Ta hãy thử tổng hợp nào. Các anh làm việc ấy, hay là cho phép tôi thử làm?
- Xin mời đồng chí - Côn-xtan-ti-nốp mỉm cười.
- Xin cảm ơn, vì các đồng chí tin cậy tôi. Ta bắt đầu từ một góc sự việc. Vậy là, Côn-xtan-ti-nốp đã táo bạo đề ra giả thuyết mà kết quả của sự táo bạo ấy thì lại là hợp lí, nghĩa là nó không xáo trộn gì, trên bình diện xã hội, nhưng lại cho phép chúng ta tiếp cận đến được khu vực quan tâm đặc biệt của CIA. Điều đó đã được chứng minh, đúng hơn, là đang được chứng minh, rằng chẳng bao lâu nữa, ở Na-gô-ni-a sẽ xảy ra đổ máu, và CIA đang cần đến mọi số liệu thường xuyên để biết rằng chúng ta đang nắm được gì về những kế hoạch của chúng. Chúng ta có biết một số sự việc, nhưng chỉ thế, không hơn… Chúng ta, cho đến nay, chưa biết được cả tên nhân viên CIA nào đang hoạt động ở Mát-xcơ-va, chưa biết cả nhân viên sứ quán nào đang liên lạc với hắn. Vậy là: chỉ có những buổi truyền phát điện đài thổ tả kia là chúng ta bắt được, nhưng chúng ta cảm thấy bất lực. Chúng đã bắt chúng ta phải đi tìm kiếm khắp nơi, hăm hở hết sức. Chúng ta đã tìm hiểu Dô-tốp, Vin-te, Pa-ra-mô-nốp và Sác-ghim. Hai lần với Sác-ghim và Pa-ra-mô-nốp. Chúng ta đã đứng trước những dấu vết sai. Pa-ra-mô-nốp đã bị loại ra khỏi vòng, có thể nói là một trăm phần trăm. Các anh gọi hắn ta là gì nhỉ, thằng cha Mì ống bét nhè à? Bét nhè thì rõ rồi, nhưng tại sao lại có cả mì ống nhỉ?
- Vì hắn chỉ đưa tiền đủ cho vợ mua mì ống để sống. Hắn phải nuôi vợ đến cả tạ mì ống ấy chứ chẳng chơi, rồi sau thì lại chạy theo mà nhởn với các cô gái khác!
- Đói quá thì bà ta thỉnh thoảng cũng phải mua thêm ít mật mà uống với nước chứ?
- Mật bây giờ ở ngoài chợ cũng đắt lắm, với số tiền mà hắn đưa, thì không chết đói đã là may, đồng chí Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ.
- À… ra thế… Tóm lại, Pa-ra-mô-nốp, loại ra. Sác-ghim, loại ra. Cũng một trăm phần trăm. Cuối cùng là Vin-te. Một cái chết kì lạ. Phù phổi cấp à, các anh bảo thế chứ gì?
- Xét trên sự việc là việc mổ tử thi chưa được tiến hành, xét trên sự việc là Đu-bốp đã có tác động đến ông già Vin-te, thì ở đây, cũng có cái gì đó là lạ, đồng chí Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ.
- Đồng chí sẽ khởi đầu bằng việc trình bày các buổi truyền tin qua điện đài, từ đó có thể khởi tố một vụ hình sự, vậy là có cơ sở để khai quật tử thi một cách hợp pháp… Chỉ có điều là cha của Ôn-ga lại không muốn cho mổ tử thi. Về đạo đức có vấn đề gì nếu ta đòi mổ?
- Gay cấn đấy, nhưng tôi nghĩ, vẫn hợp với đạo đức, Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ.
- Các anh sẽ đưa ra những lí do gì?
- Tên nhân viên CIA muốn tránh khỏi bị tố cáo, đã giết Ôn-ga.
- Tên CIA ấy sợ bị tố cáo vì cái gì? Hắn là ai? Tang chứng đâu? Tại sao Vin-te có thể tố cáo hắn? Thế ngộ nhỡ cô ta cũng là đồng bọn? Hoặc nói chung, có thể xảy ra một chuyện không may mà chết đột ngột.
- Khả năng ấy đã bị loại trừ.
- Chứng cớ?
- Người đàn ông vẫn rêu rao với mọi người là yêu cô ta, là Đu-bốp, đã vội vã chôn cất “người yêu” ngay, rồi đi nghỉ mát. Ngay ngày đầu tiên, anh ta đã lôi một cô gái khác đến giường mình, đến tiệm ăn và nhảy! Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích, đồng chí tưởng tượng xem, hắn đi nhảy đấy.
- Nhảy? Thằng đểu thật! Nhưng… Nhảy thì kệ hắn. Đấy đâu phải là tang chứng?
- Còn tang chứng thế nào nữa?
- Than ôi, đấy vẫn không thể là tang chứng, các đồng chí ạ. Tôi và các đồng chí đều chưa có tang chứng gì. Nhưng tôi muốn hỏi: các đồng chí và Xla-vin đã có đủ tài liệu để nói chung loại được hẳn Dô-tốp ra khỏi danh sách những người đáng nghi ngờ chưa?
- Tôi có thói quen là rất tin Xla-vin - Côn-xtan-ti-nốp nói.
- Tôi cũng vậy, nhưng dù sao, đấy vẫn không phải là câu trả lời.
- Nếu Xla-vin khẳng định được tính cách trung thực của Dô-tốp, thì tôi không thể không tin.
- Tôi cũng không cần sự khẳng định về tính cách trung thực của Dô-tốp. Tôi cần sự khẳng định là anh ta vô can trong việc này. Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ.
- Tôi sẽ gửi ngay cho Xla-vin bức điện. Dẫu rằng tôi đang định gửi một bức điện khác - mời anh ta trở về đây bình an vô sự.
- Vậy đồng chí phải viết lại đi - Nói rồi Phê-đô-rốp nhấc máy riêng - đường dây này thuộc hệ thống điện thoại của Hội đồng bộ trưởng, - và ông quay số - A lô, khi nào đồng chí có thể gặp Va-xi-li Lu-ki-a-nứt? À, ông ta bay đi rồi à… Vậy ai đang nắm công việc? Được rồi, xin cảm ơn - Ông lại quay số - Ni-cô-lai Gri-gô-ri-ê-vích, chào anh, Phê-đô-rốp ở Uỷ ban An ninh quốc gia đây. Tôi muốn được hỏi anh: Anh có tham gia vào cuộc hội đàm với Na-gô-ni-a không? Đúng, lần ấy đấy. Vậy ai đã chuẩn bị tư liệu? Không, không, tôi muốn hỏi về phía các chuyên viên kia, về chuyện cung ứng hàng chẳng hạn. Vậy à, rõ rồi. Anh ta ở phòng hay ban nào? Đu-bốp à? Anh thu xếp thời gian giùm, phụ tá của tôi là tướng Côn-xtan-ti-nốp sẽ đến anh đấy! À, thì cũng có chuyện rầy rà mà, thế thôi. Xin cảm ơn anh. Tạm biệt.
Phê-đô-rốp gác máy, bỏ kính ra và cất vào bao.
- Thế đấy - ông nói - Về các vấn đề kinh tế thì Đu-bốp chuẩn bị. Tôi xin chúc mứng anh, anh đã để Prô-xcu-rin theo dõi anh ta, anh làm việc đâu ra đấy thật, rất mạch lạc. Bây giờ anh chuẩn bị làm quyết định đi, liên lạc ngay với Viện kiểm sát, chúng ta sẽ phải khai quật tử thi.
*
* *
(Trích kết luận của các giám định viên tham gia vào việc khai quật và mổ tử thi Ôn-ga Vin-te:
Chứng phù hai bên phổi gây nên do tác động của một thứ thuốc (có mùi khó chịu), không hề thấy có trong danh mục các thứ thuốc được bào chế trong nước. Nghiên cứu chất thuốc còn đọng lại chưa tiêu hết, thì thấy khả năng bị mất nhận thức có thể xảy ra sau ba mươi, bốn mươi giây kể từ lúc uống thuốc, tuy nhiên thời gian chết hẳn thì xảy ra chậm hơn nhiều. Vì chúng tôi thấy không xác định được thuốc, nên hành động của những bác sĩ đã cấp cứu Ôn-ga Vin-te sau khi bất tỉnh, theo chúng tôi, là không có gì sai sót. Chính chúng tôi cũng không thể định đoạt được, là có thể dùng loại thuốc gì để có tác dụng đối kháng lại thứ thuốc kia và cứu được nạn nhân ra khỏi tình trạng trên. Còn về câu hỏi đặt ra, là xem nạn nhân có ở trong tình trạng mang thai không, chúng tôi xin xác định dứt khoát là không. Chúng tôi cũng phủ nhận khả năng nạn nhân có bất cứ một di chứng nào kinh niên về bệnh phổi. Phải xác nhận rằng trước khi uống thứ thuốc không xác định được kia, nạn nhân còn hoàn toàn khoẻ mạnh).
*
* *
“Gửi Xla-vin,
Gửi gấp câu trả lời về đại lí của hãng “Cúc và các con”. Những gì đang liên quan đến Đu-bốp, hoàn toàn giữ kín.
Trung tâm”.
“Gửi Trung tâm.
Đại lí của hãng “Cúc và các con” ở Luy-xbua không có.
Phòng loại sang, đắt tiền, số 1096, có hai buồng con ở trong, được dành cho Đu-bốp thuê tất cả 12 lần, từ tháng Ba 1976 đến hết tháng Bảy 1976. Giá thuê phòng 95 đôla một ngày. Lương của Đu-bốp từ tháng Ba đến tháng Bảy năm ấy, được 500 đôla mỗi tháng.
Xla-vin”.
(1) Xê-ri-ô-gia và Vi-chi-a là tên gọi thân mật từ tên chính Xéc-gây và Vích-to
(2) Tên Đu-bốp có gốc chữ là “đúp” nghĩa là cây sồi. Vì cây sồi là một cây cao to, xum xuê trong rừng Nga, nên Côn-xtan-ti-nốp mới đề nghị đặt mật danh là Gác Rừng.