- Chị Rai-xa ạ - Côn-xtan-ti-nốp vừa nói vừa bước vào căn phòng xinh xắn trải thảm, - tôi đến để nhờ chị một việc.
- Mời đồng chí vào – Rai-xa Ni-a-mê-tô-va chấp nhận một cách thoải mái – có điều tôi chưa hề biết gì về đồng chí. Người ta chỉ gọi điện thoại cho tôi báo rằng sẽ có một vị tướng đến, còn để làm gì thì họ không giải thích.
- Tôi không thể hy vọng là cuộc nói chuyện giữa tôi và chị sẽ hoàn toàn bí mật, đối với mọi người xung quanh, kể cả đối với người thân, bạn bè gần gũi nhất?
- Đồng chí tin vào lời hứa danh dự chứ? - Người phụ nữ thở dài, cái nhìn của chị vô tình lướt ngang những bức ảnh trên tường - chị và người chồng cũ.
Prô-xcu-rin đã cho Côn-xtan-ti-nốp xem một trong các tấm ảnh này. Họ đã bỏ nhau ba năm về trước. Anh chồng mê một cô khác, vả lại cũng chẳng có cách gì để giữ anh ta nữa: Sau khi mổ vì chửa ngoài dạ con, Rai-xa không thể có con được nữa.
- Tôi rất tin lời hứa danh dự - Côn-xtan-ti-nốp trả lời – không biết chị có biết câu chuyện này không; khi Crô-pốt-kin (1) chết, bà vợ goá đã viết thư cho Lê-nin. Tất cả đám vô chính phủ lúc ấy đang ngồi tù, chẳng còn ai đưa vị công tước nổi loạn kia đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Quả phụ xin Lê-nin cho phép tạm tha bọn vô chính phủ để đi đưa tang. Lê-nin gọi Dgiéc-din-xky đến, sau khi thảo luận, hai người thống nhất để Dgiec-din-xky tới Bu-tri-rơ-ka, yêu cầu cho tất cả đám vô chính phủ bị tù xếp hàng lại. Rồi đồng chí đến từng người và lấy lời hứa danh dự là sau khi chôn cất Crô-pốt-kin xong, người đó sẽ quay lại nhà tù. Ấy vậy mà bọn họ đã quay về tất cả! Đủ hết, thế đấy! – Và tôi là người của KGB, hậu sinh của Tsê-ka, nên dễ hiểu là tôi đã được rèn để tin vào lời hứa danh dự.
- Không lẽ bọn họ lại quay về tất cả? - Người phụ nữ hỏi khẽ - kỳ diệu thật. Sao sách vở lại không viết về chuyện này nhỉ?
- Có viết đấy chứ. Tôi đã được đọc ở trong sách mà! – Côn-xtan-ti-nốp đáp.
- Tôi cũng xin hứa danh dự - Rai-xa nói – Hơn nữa, chú tôi, Sa-ríp Sa-ki-rô-vích cũng làm việc ở cơ quan Tsê-ka và đã bị phát-xít xử bắn ở nhà tù Mô-a-bít cùng với Mu-xa (2) đấy.
- Tôi có biết việc ấy. Thế này nhé, chị Rai-xa I-xmai-lốp-na, tôi đang cần biết tất cả những gì liên quan đến Ôn-ga Vin-te.
- Ôn-ga? – Rai-xa kinh ngạc, mắt chị bỗng chốc ứa lệ - có chuyện gì vậy, đồng chí? - Thật đau đớn, trời ạ, đau thương quá… sao đồng chí lại quan tâm đến cố ấy đúng vào lúc này?
- Tôi muốn hỏi chị ấy đã đến chỗ chị lần cuối vào khi nào?
- Tôi không nhớ rõ… Năm ngày trước đó, hay bốn ngày thì phải, vậy thì sao hả đồng chí?
- Chị ấy đến có một mình sao?
- Không. Đi cùng Xê-ri-ô-gia.
- Xê-ri-ô-gia nào?
- Còn Xê-ri-ô-gia nào nữa? Đu-bốp ấy. Họ đến chỗ tôi quãng bảy giờ, đem rượu sâm-banh đến; Xê-ri-ô-gia kiếm ở đâu đấy, được loại rượu tinh chất A-brau Đuyếc-xô, loại sâm-banh chay chưa hề pha gì hết ấy. Cả hai ngồi đây, chuyện phiếm một lát rồi về.
- Chị thấy sức khoẻ Ôn-ga hôm đó thế nào?
- Hoàn toàn tốt, thế mới khủng khiếp chứ! Giá như chị ấy ốm yếu thì đành một nhẽ…
- Chị cố nhớ lại xem buổi tối hôm ấy có những chuyện gì?
- Người ta thường nhớ những giây phút đỉnh điểm, có gì bất ngờ, còn hôm ấy thì chẳng có gì đặc biệt cả… Xin lỗi, đồng chí tên là gì nhỉ?
- Côn-xtan-tin I-va-nô-vích.
- Đồng chí cũng thấy đấy, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ, khó mà kể lại cho người khác nghe về câu chuyện đã nói với một người bạn gái, một câu chuyện thật tầm thường, như không có gì… Ôn-ga đã mở băng cát-xét, - Rai-xa bật khóc – chị ấy thuộc tất cả các băng cát-xét, vì chính chị ấy đã đem tặng tôi hàng chồng một, mỗi khi chị ấy đem chúng từ Luy-xbua về.
- Hôm ấy chị ấy mở băng Đê-mi-xơ Rút-xốt (3), chị ấy ngồi cạnh Xê-ri-ô-gia và hỏi anh ta có nhớ bài hát này không, anh ta trả lời là không nhớ, chị ấy bèn nói: “Ngốc ơi, đấy là bài hát của chúng mình mà”. Anh ta kinh ngạc nhìn chị, còn chị ấy thì phá lên cười, cười một cách kỳ lạ, chỉ có người chết mới cười lạ đến như thế, và bảo: “Anh nhớ không, bài hát này lúc nào cũng thấy truyền trên ra-đi-ô ở cái phòng “Luých” của chúng mình ấy”. Anh ta lại tỏ ra không hiểu: “Luých” nào nhỉ? Ôn-ga lại càng khoái trá hơn: “Ở Hin-tơn ấy, khách sạn Hin-tơn ấy mà!”. Anh ta đứng phắt ngay dậy như bị ma ám, hất đổ cốc sâm-banh vào người chị ấy, mà bộ trang phục của Ôn-ga hôm ấy thật tuyệt diệu, có xếp nếp, bằng thứ vải giếc-xy của Anh, rất nhẹ, giờ đang đúng mốt. Anh ta rất phiền muộn, cầm lấy tay chị, dắt ra buồng tắm để gột áo, rồi họ quay vào, lặng lẽ, lạ lùng là sao ấy… - Tôi hỏi Ôn-ga: “Nào, kể tiếp về cái phòng “Luých” của các cậu xem nào?”. Chị ấy nhìn Xê-ri-ô-gia, gắng gượng mỉm cười và đáp: “Thôi, để lần khác”. Và chị ấy im bặt, không nói gì thêm nữa.
- Đấy là tất cả những gì đã diễn ra trong sáu mươi phút? – Côn-xtan-ti-nốp hỏi nhỏ - Chị có nhớ ai trong các nhà văn vĩ đại, đã khẳng định rằng “Tài năng – đó chíng là chi tiết” không nhỉ?
- Hình như là Sê-khốp?
- Không phải, Sê-khốp nói khác kia, ông bảo: “Sự ngắn gọn của chị em là tài năng” – Côn-xtan-ti-nốp thở dài – Cũng là điều hay, nếu như các nhà văn của chúng ta biết theo đúng cái phương châm này… Còn về câu “chi tiết” kia là do Tuốc-ghê-nhép nói.
- Nhưng Tuốc-ghê-nhép hoàn toàn có thể ướm vào mình ý nghĩ của Sê-khốp, vì mọi tiểu thuyết của ông đều rất ngắn gọn.
- Đúng, - Côn-xtan-ti-nốp đồng ý – (Ông cố ý cắt ngang tiến độ của câu chuyện để người phụ nữ có dịp bình tâm lại, nói về người bạn gái đã khuất là điều không phải dễ gì, nhất là khi đã phải hứa danh dự là giữ im lặng về câu chuyện này với đồng chí cán bộ công an). Cũng dễ hiểu, chị hãy đọc lại Tuốc-ghê-nhép lần nữa, tôi chưa nói về tiểu thuyết vội, hãy chỉ lấy các bức thư của ông thôi, chị có nhớ nhà văn đã mô tả chi tiết đến thế nào về tiếng ngân vang của chim họa mi?... Đoạn ấy có thể in thành một bài thơ bằng văn xuôi! Tuốc-ghê-nhép đã tìm được ngôn từ để truyền đạt hết từng cung bậc của bài ca buổi sáng do chim họa mi hót lên trong từng huyện một của tỉnh Cuốc-xcơ. Thật tuyệt diệu!
- Đồng chí biết không, chính Ôn-ga cũng là một loại người ưa buổi sáng đấy – Rai-xa tư lự, rồi lại sửa lại - Phải, trước đây kia, trước đây cô ấy đã là một người như thế…
- Tôi không hiểu…
- Đấy là tôi bắt đầu từ chuyện hoạ mi sang ấy mà – Rai-xa lý giải – Có loại người ưa buổi sáng, có loại người ưa buổi chiều. Người ưa buổi sáng luôn luôn tươi cười dù họ có gì không như ý chăng nữa, như thể là họ sợ làm những người xung quanh bực bội, vì tâm trạng xấu của mình. Còn người ưa buổi chiều thì luôn đem trưng bày cái tâm trạng u ám của mình ra như bày hàng trong tủ kính! Tôi không hiểu vì sao đồng chí lại quan tâm tới Ôn-ga, tôi biết là không phải bỗng dưng cơ quan an ninh lại đi quan tâm tỉ mỉ đến một con người.
- Chị vừa nói là Đu-bốp đứng phắt dậy, đến nỗi hất đổ cốc rượu. Chị hãy cố nhớ lại nữa xem, sau lời nói nào của Ôn-ga, thì sự việc ấy diễn ra?
- Ôn-ga chỉ nói: “cái phòng “Luých” của chúng mình”, và anh ta không hiểu. Khi chị ấy nhắc đến “Hin-tơn”, thì anh ta vụt đứng dậy… - Rai-xa bỗng im lặng, trên trán dường như tụ lại những vết nhăn nhỏ, thường có ở những người thích sưởi nắng và rất chóng bắt nắng.
- Chị có thể cho biết, chị Rai-xa ạ, tôi xin lỗi chị vì câu hỏi tò mò này, sự gần gũi giữa họ đã bắt đầu chưa, từ hồi còn ở Luy-xbua?
- Đồng chí nói phải, đúng là “sự gần gũi”. Bây giờ người ta hay dùng từ “họ cưa kéo nhau”. Nghe tầm thường quá phải không? Tôi không hỏi Ôn-ga về chuyện đó bao giờ, và chị ấy cũng không nói, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ… Tuy hết sức cởi mở, nhưng chị ấy cũng rất kín đáo khi câu chuyện liên quan đến đời tư. Nhưng như tôi thấy, thì hình như mọi chuyện giữa họ đã bắt đầu từ khi còn ở đó.
- Chị ấy có chuẩn bị sẽ lấy Đu-bốp không?
- Khó nói thật. Tôi cũng không rõ. Tôi chỉ nhớ có một lần, Ô-ga thú nhận: “Xê-ri-ô-gia không thích trẻ con”. Rồi sau đó, đến ba tuần liền, chị ấy trách gặp anh ta, chị đến ở với tôi, mà nhà tôi không mắc máy điện thoại, muốn tìm cũng khó, nên cứ việc dưỡng thân cho khoẻ…
- Thế chị ấy còn có thể ẩn náu ở đâu nữa?
- Ở chỗ Ga-li-a Pô-ta-pen-cô, cô bạn gái của chúng tôi và… Ồ, có lẽ không còn đâu khác nữa…
- Vin-te có các nghiên cứu sinh ở viện chứ, chị Rai-xa?
- Anh nói quá thản nhiên: “Vin-te…”. Chị ấy đối với tôi bao giờ cũng là Ô-len-ca (4) kia!... Còn chuyện nghiên cứu sinh, thì theo tôi, ai đang chuẩn bị luận án tiến sĩ mà lại chả có học trò.
- Vâng, tôi cũng nghĩ thế…
- Sao, đồng chí cũng đã học qua nghiên cứu sinh?
- Bản thân tôi cũng đã từng có các nghiên cứu sinh nữa. Xin mạn phép chị, tôi cũng là tiến sĩ về công pháp quốc tế.
- Chết, tôi đâu ngờ được!
- Vì sao vậy?
- Vì đồng chí còn trẻ quá!
- Tôi bốn mươi bảy rồi đấy, còn trẻ trung gì nữa? Thế nếu Put-skin bị giết vào năm ba mươi bảy tuổi thì sao? Và Bai-rơn? Léc-mông-tốp? Pi-xa-rép? Chúng ta hay tỏ ra quá hào hiệp trong việc định nghĩa sự trẻ trung của con người!...
*
* *
…Ga-li-na I-va-nốp-na Pô-ta-pen-cô là cán bộ kinh tế bậc cao của “Cục bảo dưỡng ô-tô Liên bang Nga”. Điện thoại trên bàn chị luôn réo không ngớt… Côn-xtan-ti-nốp mấy lần định bắt đầu vào chuyện nhưng vẫn không ăn thua. Ông vô tình nhìn đồng hồ. Năm phút đã trôi qua từ khi ông ngồi đợi, nhưng Pô-ta-pen-cô vẫn tiếp tục câu chuyện về việc xây dựng một cơ sở nào đó ở Brôn-ni-xư, người ta đang giục gấp cho kịp Đại hội Ô-lem-pích Mát-xcơ-va, rồi việc bảo dưỡng và phục vụ xe hơi trên dọc các trục giao thông của Liên bang Nga, vì sẽ có mười ngàn ô-tô từ nước ngoài tới, phải chuẩn bị sẵn sàng đâu vào đấy…
- Chị Ga-li-na I-va-nốp-na – Côn-xtan-ti-nốp nói nhỏ - chị thông cảm cho tôi, đang hết sức phải tranh thủ thời giờ…
Người phụ nữ gật đầu, lấy tay bịt vào màng máy và nói:
- Chúng ta sẽ ra ngoài hành lang nhé, đồng chí chờ tôi một phút nữa thôi.
Côn-xtan-ti-nốp đã quyết định không cho mời Pô-ta-pen-cô đến trụ sở mình, một là, ông cho rằng nói chuyện trong phòng làm việc của ông sẽ mang một tính chất hoàn toàn khác, chị ấy có thể sẽ đâm bối rối. Đâu phải không có ý nghĩa khi một bác sĩ giỏi thường đến thăm tận nhà người bệnh. Trong nhà, người ta yên tâm hơn, người bệnh thấy mình là chủ nhân, thấy thoải mái. Hai là, Côn-xtan-ti-nốp cho rằng ông không đủ cơ sở để thẩm vấn, thẩm vấn cũng không phải phải việc của ông. Đây chỉ là công việc cần điều tra, tìm hiểu.
- Nào, ta ra ngoài nghỉ chút, hút thuốc đi, - Pô-ta-pen-cô nói, chị đặt ống điện thoại xuống - Ở đây thì không thể thở được. Ngoài hành lang hai người ngồi lên chiếc đi-văng nhỏ bên cửa sổ. Pô-ta-pen-cô hút thuốc, tay trái ôm lấy đầu gối. (Phụ nữ thường ngồi ở tư thế này ngoài bãi tắm, đó là những người bơi giỏi). Chị quay lại nói với Côn-xtan-ti-nốp:
- Rai-xa đã gọi điện cho tôi, chị ấy yêu cầu tôi giúp đỡ. Tôi sẵn sàng thôi, xin cho anh lời hứa danh dự ngay.
- Cảm ơn chị. Vậy là chị đã biết vấn đề mà tôi quan tâm?
- Vâng. Tất cả chuyện ấy thật lạ lùng…
- Chính xác là cái gì? Và tại sao lại lạ lùng?
- Anh biết không? Ôn-ga đến tôi vào buổi sáng mắt đau làm sao ấy, như đã bị vắt hết nước mắt, tôi chưa bao giờ thấy chị ấy như thế… thậm chí, tôi cũng không biết, là nói với chị ấy có nên không… Tóm lại, là chị ấy đến nhờ tôi giá hộ đôi hoa tai… Đôi hoa kim cương có gắn ngọc bích, rất đẹp…
- Sao chị ấy không tự đến hiệu kim hoàn hỏi giá?
- Bởi vì tháng trước, chính tôi mua hoa tai cho đám cưới cô em, và đã nhờ được bác Grô-gô-ri Mác-kô-vích giá hộ, bác ấy già lắm, đã làm thợ kim hoàn từ thời Nga hoàng kia.
- Có thể hỏi địa chỉ bác ấy chứ?
- Bác ấy không tiếp đâu. Bác ấy nghỉ hưu rồi, chỉ tiếp người quen, các cụ thợ kim hoàn là hay đa nghi lắm… Đôi hoa của chị ấy có một điều rất lý thú là ở trong hộp, dưới lần da dê thuộc có một dòng chữ “Xê-ri-ô-ski-ốt Xê-ri-ô-ski” (5). Vậy là Đu-bốp đã tặng chị ấy.
- Đấy là vào lúc nào chỉ?
- Sau khi họ ở nhà chị Rai-xa về độ ba tiếng. Ôn-ga để hoa tai lại, chị ấy bảo đến trước chuyến bay sẽ quay lại lấy, thế mà rồi…
- Vậy đôi hoa tai ấy đâu rồi?
- Tôi vẫn giữ… Tôi định đến chỗ cụ thân sinh của chị ấy. Nhưng đau đớn quá, hãy khoan đã, vì tôi nghe nói cụ già đang ốm nặng, rất khó thở…
- Ôn-ga không giải thích gì cho chị cả?
- Giải thích cái gì mới được chứ?
- Chẳng hạn, tại sao lại trông thiểu não như vậy? Đánh giá món quà tặng của anh bạn để làm gì?
- Những việc như thế không ai giải thích bao giờ, anh Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ, nhất là đối với bạn gái.
- Còn đàn ông chúng tôi thì cứ có gì nói hết với bạn, nếu thực sự là bạn thân ấy.
- Chính vì thế mà phụ nữ chúng tôi mới yêu các anh!
- Có lẽ chị nói đúng thật. Trong rừng, con dê cái rất thận trọng, cón con dê đực thì mất hết vẻ tinh khôn!
- So sánh của anh cũng kỳ đấy!
- Cách so sánh của người đi săn, chị ạ!
- Vậy là bác Gri-gô-ri Mác-cô-vích đã định giá đôi hoa tai. Nó trị giá bảy ngàn rúp. Thật hoàn toàn không tưởng tượng nổi phải không anh. Bác ấy còn cho rằng nó hoàn toàn không phải được làm ra ở trong nước nữa.
- Thế thì do đâu sản xuất?
- Bác ấy cho rằng đó là hàng kim hoàn của Bỉ. Vì kim cương là của châu Phi, mà ngày xưa bọn Bỉ nắm quyền khai thác các mỏ kim cương mà.
- Chị có quen thân với Đu-bốp không?
- Biết nói với anh thế nào. Phải nhận là tôi không có cảm tình với anh ta lắm, tuy anh ta thông minh, và như Ôn-ga nói, có tài, lại không uống rượu, nhưng dù sao, thâm tâm tôi vẫn thấy là không thể gần gũi anh ta được.
- Sao vậy?
- Tôi cũng không biết nữa… Không gần được, thế thôi! Tôi cũng không đến viếng nữa, vì biết là đến thì sẽ lại phải nghe giới thiệu cà kê, y như kịch, mà tôi thì tôi không chịu nổi điều ấy, tình cảm thì nên giữ trong lòng…
- Ở chỗ chị về, Ôn-ga còn đi đâu?
- Tôi không rõ… Chị ấy gọi điện đi đâu đó, hỏi về các tập quảng cáo, các sách tra cứu… Tôi không nhớ rõ, hình như chị ấy có nhắc đến một tên ai là Lép.
*
* *
Prô-xcu-rin chăm chú nghe Côn-xtan-ti-nốp, mở cặp giấy ra, lật giở các trang và nói:
- Chỉ có một người quen chị ấy có tên gọi là Lép!
Côn-xtan-ti-nốp bật cười:
- Anh nói một câu chuẩn thật, y như làm bài dịch từ tiếng Anh ra ấy! Thế anh Lép này có họ gì?
- Lu-kin Lép Va-xi-li-ê-vích Lu-kin.
- Tôi nhờ anh gặp anh ấy nhé. Gặp ngay đi. Đồng ý chứ? À, mà này… Đã hiện rõ hìng Đu-bốp, hiện lên với một vẻ kỳ lạ khác thường. Anh ta ở đâu nhỉ?
- Tôi đã bắt đầu tìm kiếm anh ta, đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ, nhưng anh ta cứ như lặn xuống nước ấy.
- Cũng biệt vô âm tín à! – Côn-xtan-ti-nốp lại mỉm cười – Anh cố tìm ra trước buổi chiều nhé.
*
* *
- Đồng chí Lu-kin, tôi là Prô-xcu-rin từ Cục an ninh tới. Xin chào đồng chí.
Lu-kin mời Prô-xcu-rin vào phòng. Những giá sách dựng trong một căn phòng lớn, xếp đầy sách, từ điển, sách tra cứu. Lu-kin làm việc ở phòng Quốc tế Vụ thông tin kỹ thuật.
- Đồng chí đừng để tâm đến vẻ bừa bộn này – Lu-kin nói - đấy chỉ là cái bừa bộn bên ngoài thôi. Tôi sẵn sàng giúp đồng chí, đồng chí Prô-xcu-rin ạ.
- Vâng, tôi hiểu.
- Thế này nhé, đồng chí Lu-kin ạ. Tôi muốn biết là chị Ôn-ga Vin-te đã hỏi đồng chí về vấn đề gì, lần cuối cùng?
- Ôn-ga hỏi tôi về các tập quảng cáo các khách sạn “Hin-tơn”. Thế có chuyện gì vậy?
- Đồng chí Lu-kin, đồng chí cho phép tôi hỏi trước nhé.
- Xin mời đồng chí.
- Các tập quảng cáo ấy có những gì vậy?
- Mô tả các khách sạn, tiệm ăn, quán bán bia, tiệm thuê phòng, địa chỉ, số điện thoại, số tê-lếch.
- Những tập quảng cáo này được in từ đâu?
- Theo tôi là từ I-ta-li-a. Hoặc từ Anh. Hình như là từ Luân Đôn, à mà phải, đích thị là từ Luân Đôn.
- Đồng chí thử nhớ xem, có bản mô tả khách sạn “Hin-tơn” ở Luy-xbua không?
- Tất nhiên là có. Theo tôi, Ôn-ga quan tâm tới chính cái khách sạn đó.
- Vì sao vậy?
- Tôi không hỏi. Chị ấy xem hết cuốn sách, dừng lại ở đúng trang có ảnh “Hin-tơn” ở Luy-xbua, chị ấy còn gấp mép lại nhưng rồi lại vuốt thẳng ra, vì chị ấy biết tôi giữ gìn sách như thế nào.
- Thế quyển quảng cáo ấy bây giờ ở đâu rồi?
- Ôn-ga cầm theo người.
- Chị ấy có hứa sẽ trả chứ?
- Vâng, hôm đến viếng, tôi còn trông thấy quyển ấy ở trong phòng Đu-bốp.
- Chị ấy đến hỏi anh ngay lập tức về quyển này, hay là trước đó đã có lần nói chuyện với anh về nó?
- Không. Vừa đến cửa, chị ấy đã nói ngay: “Lép, anh cho tôi mượn tập quảng cáo “Hin-tơn” chút nhé!”. Thế là tôi đưa. Nhưng có chuyện gì vậy, đồng chí Prô-xcu-rin?
- Đồng chí có nhận thấy điều gì khác thường trong thái độ của Vin-te không?
- Ai? À, chị Ôn-ga ấy à? Chị ấy chỉ trông khác hẳn, như sau một đêm mất ngủ vậy, còn thì tôi không thấy có gì khác thường nữa.
*
* *
Cô-nô-va-lốp ngồi với bác thợ kim hoàn lão luyện A-bra-mốp, người được mời đến làm giám định. Anh nhìn mảng trán hói bóng loáng của bác, còn bác đang viết, gắng nắn nót từng chữ:
“Tôi là A-bra-mốp I-gơ-na-chi Va-xi-li-ê-vích, được mời đến làm chuyên viên về một vụ điều tra “mỹ nghệ kim hoàn”, đối với các câu hỏi đề ra, tôi xin trả lời như sau đây: Hoa tai lồng kim cương, được làm bằng vàng, nền dát bạch kim, là một tác phẩm độc nhất vô nhị của nghệ thuật làm kim hoàn, hiển nhiên là nó không phải được chế tạo tại Liên Xô. Chắc chắn hơn cả là nó được sản xuất ở Bỉ hay Hà Lan; cũng không thể phủ nhận khả năng là nó có thể được làm ở xí nghiệp kim hoàn của hãng “Cúc và các con” ở Niu Yoóc, nếu xét cả kiểu hộp, cách lót nhung và cái kẹp bằng xen-tuy-lô-ít; lại cũng có thể giả định rằng nó được làm tại Pháp, cũng ở hãng chi nhánh của “Cúc và các con”, hiện nay lấy tên là “Tu-lu-dơ oa-rơ”. Giá đôi hoa tai hiện nay xấp xỉ năm ngàn rúp. Giả định theo giá ngoại tệ lưu chuyển tự do, thì đôi hoa tai nói trên trị giá từ ba đến bảy nghìn đô-la, tùy từng nơi mua”.
- Đúng là hãng “Cúc” hả bác A-bra-mốp? – Sau khi đọc lại lần nữa kết luận của bác, đại tá Cô-nô-va-lốp hỏi – Không thể nhầm lẫn được chứ bác?
- Thợ kim hoàn cũng như công binh, nhầm lẫn chỉ có đến một lần trong đời là cùng! Ngọc óng ánh như giọt lệ, lỗ khoan xanh lơ, các mặt đánh bóng bằng tay, kèm với gọt giũa chút ít bằng máy cho nhẵn – Còn ai vào đây, nếu không phải hãng “Cúc” làm? Chỉ có bên ta mới không cần giữ khách và không nghĩ đến việc giữ được thiện cảm tiếp nối vói khách hàng, còn bên họ thì phải thế, không thể khác được, họ sống bằng thị trường, chứ đâu phải bằng các cuộc học tập chính trị suông! Xin đồng chí đừng giận nếu tôi nói quá bạo mồm, nhưng tôi quen nói thẳng những gì tôi nghĩ.
- Ở đâu có những chi nhánh của hãng “Cúc và các con”, bác có thể chỉ giúp được không?
- Ở đâu nghĩa là thế nào? Bọn “Cúc” nắm cả thế giới, ở nước nào chả có văn phòng của họ, đây đâu phải chuyệnchỉ bán hạt giống rau đậu, đây là kim cương bằng thật! Thứ này có uy tín rất cao, có dễ gì người ta mỗi lúc biết xác định được cái giá của uy tín đâu?
- Đúng, chưa phải ai cũng biết đâu – Cô-nô-va-lốp tán đồng – Này, thế bác bảo kiểu hoa tai này có thể được liệt vào loại quà tặng ra mắt không?
- Úi chao! Quà tặng ra mắt à, đó chỉ là cỡ cái bút “Pác-ke” thôi chứ! Anh chưa biết nước ngoài đấy, chứ tôi thì lạ gì! Quà tặng ư? Thì quyển sổ ghi chép này, hộp diêm nhãn đẹp này, hay cao nhất là quyển sách tranh ảnh về nền kiến trúc Pô-ly-nê-di! Anh cứ tưởng bọn tư sản nó hào hiệp lắm phỏng? Nó hà tiện lắm! Còn hà tiện hơn anh thanh tra tài chính của ta ấy! Hãng “Cúc” không cần phải phát quà ra mắt! Hàng của hãng “Cúc” chỉ có thể tặng một lần trong đời đã là quý lắm: vào ngày cưới cho người yêu, và vào lễ mừng con gái đến tuổi thanh niên, thế thôi. Anh hãy quên cái chuyện phát chẩn quà ra mắt đi, khi đặt hãng “Cúc” vào trong câu chuyện!
Cô-nô-va-lốp mỉm cười:
- Cảm ơn bác, cảm ơn đồng chí A-bra-mốp nhé!
*
* *
“Điện gửi Xla-vin.
Cố gắng xác định xem Đu-bốp có thuê phòng ở “Hin-tơn” không, và nếu có thì là phòng nào? Chu kỳ thuê theo thời hạn nào? Giá cả? Trả tiền ra sao - bằng séc hay tiền mặt? Xác định xem cơ quan đại diện của hãng kim hoàn “Cúc và các con” ở đâu? Ai là tổng giám đốc? Có bảng ca-ta-lô hàng kim hoàn của Bỉ không? Có thể tìm lại được tên người nào đã mua hoa tai kim cương có đính ngọc bích trị giá khoảng từ ba đến bảy nghìn đô-la khoảng một năm trước đây không?
Trung tâm”
*
* *
Bộ phận của Cô-nô-va-lốp tổng họp các tư liệu về Đu-bốp. Trong đó, Côn-xtan-ti-nốp còn giao thêm nhiệm vụ xác minh tại sao sau khi ở Luy-xbua về Đu-bốp từ chối không tiến hành làm luận án tiến sĩ mà người ta đề nghị.
- Thưa đồng chí thiếu tướng, anh ta không những từ chối không làm luận án tiến sĩ thôi đâu – Cô-nô-va-lốp báo cáo, sau khi đã khái quát lại các tài liệu thu thập được cho tới đêm trước – Mà là cả một bối cảnh khá thú vị hiện ra nữa. Một là, người ta đề nghị cử anh ta làm trưởng phòng ở trong vụ, lương tháng 350 rúp, vậy mà anh ta cũng từ chối. Thật lạ, bởi vì anh ta thường tỏ ra với người xung quanh, tuy không cố tình, dai dẳng, nhưng chính xác, là anh ta cũng khá thiếu tiền. Anh ta cũng từ chối cả việc được cử đi học thêm ở Viện Hàn lâm. Ba tháng trời anh ta chờ đợi chức chuyên viên bậc một ở chính cái phòng của Viện điều phối tư liệu, mới tụ tập đủ các tài liệu mật nhất về cái “nút thắt ở châu Phi”. Lương tháng của chức chuyên viên ấy chỉ có 200, không có tiền thưởng thêm.
- Anh ta được lợi lộc gì ở Viện điều phối chăng? Những chuyến đi công tác thú vị? Triển vọng còn lên nữa?
- Chẳng có gì cả. Nếu anh ta nhận chức trưởng phòng kia, người ta có thể bảo đảm cho anh ta có khả năng đi công tác gần như khắp thế giới. Còn nếu anh ta định làm luận án, người ta cũng sẽ hứa tạo cho nhiều điều kiện ưu đãi. Còn triển vọng tăng tiến ở Viện điều phối không đáng kể, may chăng chỉ có là bảo vệ luận án.
- Thế anh ta đang viết luận án chứ?
- Không. Chúng tôi đã hỏi kỹ, anh ta thậm chí cũng không đặt cả vấn đề này ra nữa.
- Người ta nhận xét thế nào về anh ta?
- Tốt cả thôi. Có kỷ luật, khiêm tốn, rất cẩn thận trong công việc khi dùng đến các tài liệu mật.
- À, mà ở nhà anh ta có máy thu thanh loại gì?
- Anh ta hiện không có ở Mát-xcơ-va, thưa đồng chí. Chúng tôi không có quyền – ít ra là vào lúc này - bước vào căn hộ của anh ta.
- Phải nghĩ cách xác minh xem anh ta có loại máy thu thanh gì?
*
* *
…Bốn giờ sáng, Prô-xcu-rin tới. Côn-xtan-ti-nốp hỏi:
- Đu-bốp ở đâu?
- Tôi sẽ làm mọi cách để có thể tìm ra anh ta hôm nay.
- Không được, trong trường hợp này, không thể cho phép đồng chí làm mọi cách, mà chỉ được làm những gì không trái với luật pháp thôi…
Côn-xtan-ti-nốp mở cặp có những bức điện thượng khẩn ra.
- Đồng chí hãy trả lời, ai trong số những người còn nằm trong danh sách thu hẹp, biết được việc cung cấp hàng của ta cho Na-gô-ni-a?
- Tôi phải xem lại lần nữa các tài liệu về những “Phi-guya-răng” đã.
- Ai kia? – Côn-xtan-ti-nốp nhăn trán – “Phi-guya-răng” à, nếu theo như Bác-khu-đa-rốp (6) định nghĩa, thì chỉ có nghĩa là “nghệ sĩ ba-lê”.
- Người ta vẫn chấp nhận nói thế đấy, thưa đồng chí thiếu tướng. “Phi-guya-răng” là cái từ đối với chúng ta xác đáng hơn cả, để biểu đạt ý nghĩa chứa chất trong nó.
Côn-xtan-ti-nốp cự lại một cách đăm chiêu:
- Bản thân cái từ không là gì cả, nó không thể là giả dối hay xác thực, hình như Xô-crát đã nói thế. Giả dối hay xác thực xuất phát từ việc kết hợp các từ lại với nhau thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là “quan điểm…”. (Đã từng làm thợ tiện ở Đa-pô-rô-gie, Côn-xtan-ti-nốp được Đoàn thanh niên đề cử vào ngành an ninh theo chế độ động viên, năm năm mươi tư (1954). Tốt nghiệp Đại học Luật tại chức; ông viết nốt cả một luận án khác nữa, với tư cách thí sinh tự do, và xin thi cả ở khoa Ngữ văn, đề tài ông chọn là văn học Anh thế kỷ 19. Cụ thân sinh ra Côn-xtan-ti-nốp là chiến sĩ biên phòng đã hy sinh trong thời kỳ phòng thủ Brét-xtơ, vốn cũng là một giáo viên tiếng Nga, có lẽ vì thế mà Côn-xtan-ti-nốp thường có một đòi hỏi đặc biệt chính xác khi trình bày các ý nghĩ. Một trong những quyển sách yêu thích của ông là công trình của nhà văn Lê-nin-grát Lép U-xpen-xky. Cuộc đấu tranh thường xuyên của nhà văn già bậc thầy này để gìn giữ sự trong sáng của ngôn ngữ, đã làm Côn-xtan-ti-nốp khâm phục).
- Tôi phải xem lại các tài liệu về các “phi-guya…” - ấy xin lỗi, về các nhân vật mà chúng ta đang quan tâm!... Nhưng còn câu hỏi về việc cung cấp hàng thì nhân lý do gì mà lại cần đến nữa? – Prô-xcu-rin hỏi thêm.
- Nhân có bức điện của Xla-vin. Tôi có thể gà đồng chí trước một chút: Ở Luy-xbua, về việc cung cấp hàng này, chỉ có một người biết – đó là Dô-tốp.
- Chắc hẳn về việc này Ôn-ga Vin-te cũng có biết – Prô-xcu-rin cười - nếu ta xét đến quan hệ của anh ta với vợ là hữu nghị và chung sống hoà bình!
- Cho là như vậy đi. Còn ai nữa?
Một giờ rưỡi sau, Prô-xcu-rin báo cáo là tin mật đó – xét trên gốc gác công việc – thì chỉ còn có một người nữa được đọc, đó là Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích Đu-bốp.
*
* *
“Tối mật.
Gửi thiếu tướng Côn-xtan-ti-nốp.
Theo yêu cầu của đồng chí, tôi xin báo là vé máy bay đi Át-le cách đây bốn ngày đã được bán cho một hành khách tên là Đu-bốp Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích ở hãng A-ê-rô-flốt, tại khách sạn “Mê-tơ-rô-pôn”.
Trung tá Du-cốp”.
(1) Pi-ốt Crô-pốt-kin (1842 – 1921) công tước Nga, nhà địa lý học nổi tiếng, tham gia phong trào Dân tuý rồi trở thành một trong những người cầm đầu phái cách mạng vô chính phủ ở Nga. Sau 1917 từ nước ngoài (ông sống lưu vong từ năm 1876) mới trở về Nga. (ND)
(2) Mu-xa Gia-lin (1906 – 1944) Nhà thơ Tác-ta nổi tiếng, anh hùng Liên Xô, tác giả tập thơ “Quyển vở ở Mô-a-bít”, được truy tặng giải thưởng Lê-nin (ND).
(3) Đê-mi-xơ Rút-xốt (sinh năm 1917) ca sĩ tạp kỷ gốc Mỹ-Latinh, sinh ở Ai Cập, hết sức nổi tiếng ở phương Tây trong những năm 1968 – 1978 (ND).
(4) Gọi “Vin-te” là họ, thì không có biểu hiện gì đặc biệt. Còn gọi “Ô-len-ca” là tên Ôn-ga, nhưng là cách gọi âu yếm (ND).
(5) “Xê-ri-ô-ski-ốt Xê-ri-ô-ski” chơi chữ rất tinh tế, nhờ ở hai từ đồng âm “Xê-ri-ô-ski”, chữ thứ nhất nghĩa là “đôi hoa tai nhỏ”, chữ thứ hai “Xê-ri-ô-ski” tức là của “Xê-ri-ô-gia” tặng gọi một cách âu yếm (ND).
(6) Bác-khu-đa-rốp: nhà ngôn ngữ học Liên Xô, tiến sĩ khoa học, tác giả nhiều công trình về ngữ pháp tiếng Anh (ND).