- Không, I-van ạ, trăm lần không, - cái anh chàng béo lôi thôi, lếch thếch trong bộ ka-ki, kẻ đã réo gọi Xla-vin, đã nhắc lại một cách ương ngạnh, cái ương ngạnh của những người thường say rượu – Các ông đã diệt sạch mọi thứ bằng bàn tay của mình, các ông và cả Xta-lin của các ông, chính ông ấy vẫn thường đe dọa xâm lược Châu Âu đấy. Chúng tôi còn cách nào khác?
- Ông lặp đi lặp lại như học thuộc lòng vậy, - Xla-vin hớp một ngụm bia, nhìn sang Glép, nhu muốn chờ lão ủng hộ mình.
- Ông Xla-vin nói đúng – Glép tán thành ngay – Tơ-ru-man là một tay xoàng, Pôn ạ. Và ông ta lại không ưa cộng sản, việc ấy thì có gì mà phải che giấu?
Pôn không nhìn Glép, gọi thêm một vại bia nữa, đặt tay lên vai Xla-vin, và cả hai mắt nhấp nháy một cách lạ lùng, như thể gã đang muốn nói chuyện đồng thời với cả hai người, mà với người nào cũng giở ngón tinh ranh ra cả. Gã nói rất chậm, ra bộ đau đớn:
- I-van, I-van, ông còn nhớ hồi tháng Năm 1945 chúng ta đã đi suốt đêm, khắp Đre-xđen và nghĩ về tương lai, sau đó, chúng ta đã hân hoan ở Nuy-rem-be, khi lôi bọn bợm ấy lên ghế bị cáo. Ông nhớ chứ?
- Tôi nhớ lắm. Ông khi đó không những nhấp nháy mắt mà cái cổ còn hay giật giật, ngúc ngắc vì bị thương. Ông cười nhạo bản thân hết sức cay độc, để cho người khác không thể còn cười trước vào đâu được nữa, và ông không chịu uống gì kể cả bia, nhưng lại say mê một cô gái Đức có cái quá khứ quốc xã nữa chứ!
- Vết đập ở cổ khỏi rồi, còn tôi, một kẻ không thành đạt thì ai chả cười được, tôi chỉ biết bực mình thôi. Cũng như mọi kẻ bị thiệt thòi, tôi hay bực, ông ạ, bực nhiều lúc quặn cả tim lại ấy chứ! Còn thói quen tự giễu mình, tôi bỏ rồi, đó là đặc quyền của kẻ mạnh kia. Tôi bây giờ chỉ uống rượu từ sáng sớm và coi đó là niềm vui sướng tối cao. Còn cô ả người Đức với cái quá khứ quốc xã, ông không ưa nó không phải là vô cớ, nó đẻ một thằng con cho tôi, rời bỏ tôi, lại đi lấy một thằng từ trại tập trung Đa-khau ra. Bây giờ cô ta tự tô vẽ mình là nạn nhân chủ nghĩa phát xít, nhận trợ cấp và vào ban lãnh đạo của một cái ủy hội nhân đạo với súc vật, ở Đuy-xen-đoóc. Mà cô ả lập ra uỷ ban ấy sau khi các ông phóng con chó Lai-ca lên vũ trụ đấy! Đấy, tôi đã tường trình đủ về mình rồi đấy. Còn ông? Ông đã làm gì sau thời kỳ ở Nuy-rem-be?
- Tôi sống thôi, Pôn ạ, phải sống chứ. Ông có muốn đến chỗ tôi chơi không? Có vốt-ca Nga chính hiệu, có bánh mì khô với muối, có cá vô-bla nữa.
- Rất vui lòng, - Glép lên tiếng đáp ngay – không có gì tuyệt diệu hơn là vốt-ca Nga. Uýt-xki của chúng tôi còn là vét đĩa so với nó.
- Tất cả các quan chức hành chính đều thích chửi cái gì của mình – Anh chàng Pôn Đích say rượu nói tiếp. Pôn vốn là phóng viên của bảy tờ báo tỉnh lẻ, người đã từng đoạt giải thưởng Pu-lít-de (1), một siêu phóng viên có lòng can đảm đến liều mạng, hai mươi ba năm trườc còn là một chàng trai béo khoẻ tuấn tú, một vận động viên. Còn bây giờ như một người đã tắt hết tinh anh, nồng mùi rượu, về già.
Khi đã ở trong thang máy, vừa lững lờ nghe Glép kể cho Xla-vin về cái nhà chứa kinh khủng đang ngự trị ở Luy-xbua, về sự càn rỡ của bọn tư bản độc quyền đang len lỏi vào tất cả ngóc ngách của xứ này, Pôn cau mày, tiếp tục câu chuyện của mình:
- Tất cả các quan chức hành chính, nếu không làm nghề nghe trộm, thì đều đi chửi bới nước mình, để làm vừa lòng khách ngoại quốc. Một trò rẻ tiền, thô bỉ.
- Ông ấy sẽ lại sắp nói tôi là đảng viên bí mật của Đảng cộng sản đấy – Glép thờ phì ra, - đồng thời lại là nhân viên CIA và trùm “Ma-phi-a” (2) ở đây nữa đấy!
- Về cái khoản trùm “Ma-phi-a” của ông bạn ở đây thì tôi không dám khẳng định, vì không có chứng cớ. Nhưng ông bạn đã từng ở Hồng Kông thì có chứ. Ông bạn cũng không phải CIA, vì Đa-lét chỉ ưa chọn lựa bọn trẻ tuổi, thông minh, lại có tý quá khứ tả khuynh như kiểu Mác-cuy-dơ thì mới đạt. Còn Đảng cộng sản thì ông bạn có chân thế nào được, vì ông bạn đâu có cảm tình với nó, lại nữa, ông bạn đã từng đánh nhau ở Việt Nam kia!
Glép để Xla-vin và Pôn Đích đi ra trước, lấy tay che tia sáng nhỏ ở cửa thang máy để nó khỏi tự động đóng sập lại, những cái thang máy ở đây bất kham lắm. Khi đã bước ra hành lang yên tĩnh, phủ thảm xanh và được điều hoà không khí mát mẻ, Glép mới nói:
- Tôi thích một điều là chúng ta nói năng thả cửa một cách độc miệng và không sợ cái gì cả. Đó là diễm phúc tối cao của tự do.
- Chính xác – Xla-vin đồng ý – Tôi tán thành.
- Lời nói, đâu phải tự do – Pôn nói – Các ông đã bóp chết tất cả I-van ạ, và những cuộc gặp gỡ thế này chỉ là ngoại lệ. Còn nếu như nó đúng quy tắc thì tôi rất bực mình, bực hết sức, ông hiểu không?
Xla-vin đẩy cửa vào phòng và nhận xét:
- Ông bảo chúng tôi bóp chết à? Thế khi Sớc-sin (3) đọc diễn văn ở Phun-tơn thì sao? Thế khi phương Tây hợp sức lại để chống nước Nga? Cỏ còn chưa kịp mọc trên những hố bom đạn kia kìa…
- Sớc-sin thì còn biết làm gì hơn? Phun-tơn đối với ông ta chỉ là cố gắng cuối cùng để cứu vãn uy tín đế quốc Anh, sau khi khích bác cho chúng tôi và các ông cãi nhau. Ông ta mơ đến vai trò trọng tài mà – các vai trò trung gian thường có với nước Anh. Khi bọn ngu xuẩn ở nước chúng tôi đã làm vô số việc ngốc nghếch và trên thế giới đã sặc mùi thuốc súng, thì tại chính cái lão Sớc-sin ấy đi kêu gọi các nước đồng minh cũ ngồi vào bàn thương lượng, lại vẫn cái vai trọng tài mà, thích thắng lợi của uy tín…
- Nhưng còn các ông thì sao, các ông có giúp chúng tôi hiểu Sớc-sin không? – Xla-vin trả lời, anh với tay lấy chai vốt-ca, cá vô-bla và hộp trứng cá từ trong tủ lạnh ra – Khi ấy chúng tôi còn trẻ trên đường chính trị, Pôn ạ. Năm 17 tuổi, khi Sớc-sin phát biểu ở Phun-tơn, nước chúng tôi mới tròn 30 tuổi. Các ông có cho chúng tôi hiểu được gì ở ông ta không? Hay ch1inh các ông chỉ xua xua: “Eo ôi! Bọn đỏ!”.
Pôn Đích nhún vai:
- Các ông đã vi phạm hiệp ước Pốt-xđam! (4)
- Về cái gì? – Xla-vin đột ngột hỏi sẵng – Ông cho chứng cớ?
- Chứng cớ mà làm gì, I-van? Trông xu thế là đủ rõ. Các ông đã có thể nhảy vào Pa-ri và Rô-ma được rồi. Tô-rê và Tô-gli-at-ti đang đợi các ông ở đó (5).
- Có thể? Hay là đã nhảy vào?
- Tôi rất hãnh diện là đã được kết bạn với nhiều người Nga – Glép ngắt lời - những chàng trai rất thông minh, nhưng hễ cứ động đến các vấn đề tranh cãi thì họ lại nói hệt như báo “Sự thật”.
- Họ làm như vậy là đúng. Thôi, xin chúc sức khoẻ ông Pôn. Rất vui được gặp lại ông. Một khi ông đã sang đây, có nghĩa là sẽ có những sự kiện mới đấy.
- Sắp tới chúng ta sẽ sang Na-gô-ni-a chào mừng sự lật đổ Gri-xô – Pôn trả lời và dốc ực cốc vốt-ca vào họng, không cần tợp, không hớp ngụm nào, cái mồm mà Xla-vin nhìn thấy như cái bếp lò, sao nó đỏ hực như bốc lửa.
- Đừng có đem ý muốn ra mà tưởng thật – Glép nói – Dù muốn lật đổ Gri-xô thì cũng phải có người và có tiền, mà cái đó thì đối thủ của Gri-xô hiện chưa thể có.
- Đừng có giả dối – Pôn phẩy tay – Có tiền, có người chứ!
- Vậy là ông biết nhiều hơn tôi – Glép nhún vai và đưa mắt nhìn chai rượu.
“Hắn muốn Pôn chóng uống say chốc nữa và đâm ra nói năng lảm nhảm, khi ấy người đối thoại sẽ cho rằng mọi lời nói của Pôn đều là lẩn thẩn”. – Xla-vin hiểu ý.
Xla-vin vẫn rót thêm rượu ra.
- Xin chúc mừng các chàng trai Nga tuyệt diệu – Glép đề xướng – Chúc cho chúng ta học được cách hiểu nhau và tin nhau! Rốt cuộc, chúng ta đều phải sống trong một thế giới này, ở trên chỉ có một bầu trời, ngăn cách chúng ta chỉ có một đại dương, mà có thể và cần thiết phải bắc một cây cầu qua chứ.
- Rất tán thành – Xla-vin chạm cốc với Glép. Anh uống cạn, đứng dậy rồi bước tới chỗ đặt điện thoại hỏi - số nào là số gọi người phục vụ nhỉ?
- Ông cứ quay số 15 – Glép đáp - Lạc rang của họ thì tuyệt tác, họ rang với muối rất ngon và rẻ, một món nhắm ra trò đấy.
- Thế nếu tôi muốn thết khách đàng hoàng hơn?
- Ông gọi số 22. Đó là số điện tiệm ăn ở trong khách sạn, nấu nướng tốt lắm, nhưng khá đắt.
- A lô, đây là phòng 607, chào các ông. Các ông có thể thu xếp một thực đơn bữa tối cho chúng tôi được không. Chúng tôi có ba người. Trứng cá à? Cám ơn, chúng tôi có trứng cá Nga rồi. Cá à? Cá gì? Cá a-xau?
Glép nhìn Xla-vin, lắc đầu nói nhỏ:
- Thứ ấy đắt lắm, không nên, ông hãy yêu cầu cho món cá vược đi, giá phải chăng mà lại rất ngon.
- Cho cá vược đi nhé, xà-lách và cà phê. Vâng cảm ơn. Kem à? – Xla-vin lấy tay che ông nghe quay lại – Kem của họ cũng rất đắt phải không?
- Rất rẻ, như bên các ông ấy, - Glép phá lên cười – nhưng không ngon bằng.
- Thôi được, ba xuất kem nhé. Vâng, kem hoa quả. Cám ơn. Chúng tôi chờ.
Pôn rót vốt-ca cho mình, lại dốc cạn, rồi tỉnh táo nhìn Glép. Anh ta nói:
- Các ông có biết tôi mơ gì không? Tôi mơ được mắc bệnh ung thư. Mọi chẩn đoán phải đi đến kết luận là bị ung thư thật sự. Nhưng không được đau đớn. Sao cho đừng phải chịu đau là điều rất quan trọng đấy. Thế là tôi sẽ đi chơi thoả chí. Chơi cho đến chừng nào chưa bị quỵ thì thôi, chơi thoải mái như chưa bao giờ tôi tự cho mình được chơi thoải mái thế, vì lúc nào cũng công với việc chết tiệt cả, chơi đến mức ai cũng phải thèm muốn. Không bao giờ còn thèm sợ hãi cho cơn say sưa ngày mai nữa. Đó mới thực là sống kiểu hội hè thật sự, một cách giải thoát hoàn toàn.
- Thây kệ ông, - Xla-vin nói và lại rót sóng sánh cả vốt-ca ra các ly rượu – Ông vẽ nên một viễn cảnh kinh thật chứ, tôi thì muốn uống thật say để quên những lời ấy đi. Kìa sao ông không uống, ông Glép.
- Uống chứ! Ông xem, tôi uống như ngựa đấy thôi!
“Ngựa thông minh lắm đấy, - Xla-vin nghĩ – nhưng ngựa sẽ chẳng thể soi mói quan sát người uống rượu thế kia! Chẳng hau háu nắm bắt từng dấu hiệu quá chén thế kia! Ta cứ giả đò quá chén đi, còn ngươi đừng vội xoay sở lợi dụng. Lẽ ra ngươi không nên vội vã thế, tuy thì giờ là vàng bạc, bởi vì ngươi sẽ thua cuộc do cái tính vội vã vụ lợi của ngươi. Glép ạ, mi sẽ phải say, say trước tiên, sẽ thiếp đi trên ghế. Khi ấy mọi sự sẽ tỏ tường, và ta mới có thể tin là quả thực mi chỉ đến bán máy móc và phụ tùng ra-đi-ô ở đây thôi. Còn cái gì đó nữa, hình như Pôn có nói, bán rẻ cả Tổ quốc, rồi công việc dính líu với bọn “Ma-phi-a”; chắc là buôn bạch phiến…”
Nặng nề mở hai mắt – những mi mắt hùm hụp như bằng chì, Pôn rướn người như bơi về phía Xla-vin:
- I-van ạ, ngay bây giờ nữa, các ông cũng có lỗi. Ở đây, ở châu Phi này, các ông có lỗi trong mọi việc. Chúng tôi phải mò đến đây cũng chỉ là để ngăn chặn các ông lại.
Xla-vin lại rót rượu cho mình và cho Glép, làm sóng vốt-ca ra cả quần Glép, anh không xin lỗi gì cả, say thực sự rồi, trong không khí nóng bức thế này, người ta càng chóng say lắm chứ. Anh nói lè nhè:
- Chắc các ông vừa lòng nếu có người của Mao dính vào đây nhé? Và các ông cũng rất ưng ý để cho người ta dí súng lục vào bụng bà già châu Âu tội nghiệp chứ? Bà ta sẽ trở nên lắm điều đấy, cái mụ già mĩ miều ấy… Hay là các ông hiểu rõ mối đe dọa này rồi, và quyết định điểm huyệt châu Âu…
- Người Trung Quốc là lũ sâu kiến, I-van ạ. Giặc châu chấu! Bọn họ bất lực, bọn họ làm sao xua nổi chúng tôi và các ông…
- Không được nói như ậy về một dân tộc vĩ đại – Xla-vin cắt ngang - Thật không trung thực chút nào. Người Trung Quốc là những người tuyệt vời, thông minh, tốt bụng…
- Tốt hơn hết là nên uống mừng đàn bà – Glép nói - Vứt quách đi các chuyện chính trị của các ông.
“Hẳn bây giờ hắn sẽ đề nghị gọi đàn bà đến – Xla-vin nghĩ. Hắn sẽ cho gọi uýt-ki và một con bạn gái. Hoặc sẽ khuyên đi xem thoát y vũ ở đây”.
- Tôi ủng hộ ý kiến ấy đấy – Xla-vin nói – vào cái thời sống ào ạt này, chỉ còn có đàn bà là tượng trưng cho sự đáng tin cậy, tức là cái đẹp.
- Được đấy – Pôn cười khẩy – Bàn đi, I-van. Vẻ đẹp là tượng trưng cho sự đáng tin cậy. Đáng 10 đô-la đấy! Thậm chí 15 đô-la. Tôi sẽ bắt đầu bài phóng sự cho cái bọn chăn lợn của chúng tôi rằng: “Vẻ đẹp là tượng trưng cho sự đáng tin cậy; tôi nghĩ thế khi chiếc trực thăng đang đưa tôi vào rừng sâu, đến bên bờ đại dương, đến với ngài Ô-ga-nô cao quý, một nhà hùng biện và một chiến sĩ, người đang hứa hẹn sẽ trả về cho nhân dân Na-gô-ni-a tự do, mà tên bù nhìn Gri-xô của điện Krem-li đã chà đạp lên…” - Được đấy chứ, hả?
- Cho là thế. Còn bây giờ, ông đưa lại tôi 15 đô-la hay cho tôi theo đến với Ô-ga-nô nào?
- KGB (6) sẽ bỏ tù ông, - Pôn trả lời – Ô-ga-nô là kẻ thù của phía các ông, làm sao ông có quyền tiếp xúc với ông ta cơ chứ, I-van? Tôi gài rồi, những việc bên các ông, tôi đều đã biết tỏng hết…
- Các ông huyên thuyên thế đủ rồi – Glép nói – hình như họ đang đem đồ ăn đến, các ông có nghe thấy không, có tiếng động ngoài hành lang.
- Chẳng có tiếng gì cả, - Xla-vin phản đối - đấy là ông ù tai.
Nhưng ngay lúc ấy có tiếng gõ cửa.
- Xin mời vào - cả ba cùng đáp, hai người tiếng Mỹ, một người tiếng Nga.
Trên ngưỡng cửa hiện ra một anh da đen đẩy cái xe, trên có những đĩa cá. Trong đầu Xla-vin loé lên một ý nghĩ tinh quái, là nhất quyết người hầu bàn gốc Nga sẽ đến đây. Nhưng không, té ra cũng chỉ là một ý nghĩ đồng bóng mà thôi!
… Pôn Đích lấy dĩa xỉa cá vược, nếm thử rồi nhăn mặt.
- Người Phi không biết nấu nướng. Rời bỏ người Pháp và người Bỉ, những kẻ sành ăn trên thế giới, họ chỉ còn biết rơi vào vòng nô lệ của các hãng “Mắc Đô-nan” của chúng ta mà thôi! Nào xúc xích, bánh mì kẹp pho mát, cà phê, tiện và rẻ, được cái là vừa túi tiền mọi người.
- Bánh mì kẹp pho mát rất rẻ - Xla-vin nhủ thầm – Các quán ăn của hãng Mắc Đô-nan… Còn gã thiếu ngón thì làm nghề gì ở “Hin-tơn”? Ở tiệm ăn? Cái lệ ở đây, họ không cho hầu bàn được nuôi ăn ở tiệm của mình làm, ở đây chứ có phải ở Nga đâu! Ông ta vì sao không đến ăn ở tiệm của hãng “Mắc Đô-nan” cho rẻ nhỉ?
- Thế ra là hãng “Mắc Đô-nan” cũng đã vào cả đây rồi – Anh hỏi, tay đẩy món xà-lách cho Glép – Ăn khách sạn ở đây thì chỉ có nhẵn túi, chạy vội ra cửa hàng bán rẻ ở ngoài, ban ngày, kể cũng tiện đấy chứ?
- Làm sao mà bọn “Mắc Đô-nan” lại không mò vào đây cho được – Glép trả lời, sau khi nuối tiếc nhìn chai vốt-ca đã cạn. Có điều người ta chưa cho phép họ len vào được trung tâm. Họ len lỏi về phía dinh tổng thống từ các khu ngoại vi nghèo khổ. Mà bọn họ cừ thật, đã xây thêm đủ các phòng đánh bi-a ở các quán bán ba làm bọn da đen tiêu hết thì giờ rỗi vào đó, bi-a chả rẻ hơn xi-nê đến 7 lần kia mà…
- Thế còn máy thu hình của họ?
- Ông điên sao? Dân ở đây, ai có thể mua nổi máy thu hình? – Glép lại nhìn cái chai rỗng. Pôn rút cục cũng nhận thấy cái nhìn của Glép, anh ta đứng dậy, bước lại máy điện thoại, quay số 15 (“Gã say, say lắm rồi, mà trí nhớ vẫn tốt thật, - Xla-vin nhận xét - nhất là khi dính đến chuyện mua rượu!”) và yêu cầu:
- Hai chai uýt-ki cho phòng…
- 607, Glép nhắc.
- Cho phòng 607, nhưng tính tiền trả ở phòng 905 của Pôn Đích. Nhanh lên nhé!
“Khoe trí nhớ thế để làm gì? – Xla-vin chậm rãi nghĩ, đầu vẫn gật gù phụ họa với Glép đang kể chuyện tiếp về công ty Mắc Đô-nan làm được một vụ áp-phe lãi to về cà phê, thông lưng với chi nhánh của hãng sữa “Ne-xtơ-lê” - người bình thường không nhớ kỹ con số phòng tỉ mẩn như khắc sâu vào óc đến thế, cũng không chăm chăm nghe đồng thời cả mấy người tiếp chuyện một lúc như vậy, cả mình, cả Pôn. Còn anh chàng Thiếu ngón, theo lời Khơ-rê-nốp thì phải trực 12 tiếng một ngày. Phải xác định rõ xem những người hầu bàn làm bao nhiêu tiếng một ngày. Sao mình quá lưu tâm đến tay hầu bàn ấy thế? Và sao Glép cũng chằm chằm để ý đến mình thế; chỉ biết là hắn cứ soi mói rình rập mình. Hắn chưa thể biết việc mình gặp Khơ-rê-nốp được, hãy còn sớm, dù cứ cho rằng hắn là người của CIA đi nữa và đã thu xếp ổn thoả, mối liên hệ với cảnh sát địa phương; không, mình tự doạ mình thế thôi, người ta chưa thể kịp báo cho hắn được”.
- Ông Xla-vin, ông định viết về tình hình Luy-xbua phải không? – Glép hỏi.
- Phải nói là tôi rất quan tâm đến Na-gô-ni-a hơn.
- Thế sao ông lại không tới đó đi? Hay là ông ủng hộ giả thuyết chính thhức của các ông là trụ sở bọn âm mưu đảo chính nằm tại Luy-xbua?
- Dĩ nhiên là tôi ủng hộ, vì tôi không tách mình với Mát-xcơ-va, và còn một lý do khác là ở đây đã có một đồng nghiệp của tôi rồi.
- Ông Xtê-pa-nốp phải không? Chúng tôi có đọc cả sách của ông ấy nữa, chứ không chỉ đọc các bài báo của ông ta thôi đâu. Ở đây nhiều người cáu ông ấy vì ông ấy quá gay gắt.
- Sao các ông không phản bác đi. Nếu ông ấy nói sai, các ông cứ việc bác bỏ, chứ cáu kỉnh mà làm gì, lại không dân chủ.
- Xtê-pa-nốp viết hay, dù có nói láo chăng nữa – Pôn nói và rót rượu, chai đã cạn, chỉ còn rỉ giọt – 31 giọt, không hơn, Xla-vin nhận xét – Thì các ông thấy đấy, nghề báo, nghề văn là gì nếu không phải nói láo. Càng giống thật bao nhiêu càng tài bấy nhiêu. Nói láo mà y như thật cũng là một nghệ thuật đấy. Hãy tả lại đời mình, tưởng tượng thêm, để không tẻ nhạt như cuộc đời người ta vẫn sống; khi ấy ông đã trở thành Tôn-xtôi hay Hê-ming-uê rồi.
- Ai? – Glép hỏi – Hê-ming-uê à? Ông ta chết rồi kia mà…
Pôn bực dọc nổi khùng:
- Phải… Còn Tôn-xtôi thì mới chuyển từ bang Mi-nê-xô-ta xuống sống ở Mai-a-mi (7), và giờ đang câu cá trong vịnh đấy! Rồi anh ta quay sang Xla-vin – Hê-ming-uê giờ đây quả thực đã bị quên lãng ở bên tôi. Nếu ông ta sinh ra từ thế kỷ trước, thì đó lại là chuyện khác, còn như thế này thì vẫn là người đương đại với chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ông ta, đã ăn uống với ông ta. Làm sao có được các nhà cổ điển của thế kỷ 20, khi các phương tiện thông tin đại chúng đã đến độ tràn lan. Vào thời Tôn-xtôi, người ta còn sống với những lời đồn thổi, những chuyện truyền khẩu, còn bây giờ, mọi cái được lên khung trên các cột báo với những hàng tít phụ chú đập ngay vào mắt. Thử đi mà tạo uy tín xem, thử đi mà bỏ qua mọi chuyện ba lăng nhăng in trên báo xem… Rồi lại còn điện thoại… sự giao tiếp giữa con người đã đơn giản hoá đến mức tệ hại. Ngày trước ông cứ thử đi mà gọi dây nói đến I-a-xnai-a Pô-li-a-na (8) mà lấy phỏng vấn - mẹ kiếp! Phải đến tận nơi, phải được phép chứ! Mà cái đó sẽ tạo nên trách nhiệm, nó vạch một vạch ngăn giữa nhà văn và chúng ta… Còn bây giờ, chỉ việc cầm ống điện thoại lên: “A-lô, thưa bá tước, xin ngài hãy bình luận giúp về “Chiến tranh và hoà bình!”…
- Đúng – Xla-vin tán đồng – Ông nói đúng Pôn ạ. Rất tàn nhẫn, nhưng đúng. Hoá ra là chính chúng ta đã tự làm mất đi những nhà cổ điển? Thế kỷ 20 muốn đi vào hư vô không có các nhà cổ điển ư? Chúng ta không biết chúng ta đang làm trò gì.
- Sao lại không? Biết chứ!
- Hay vì trình độ văn hoá quá cao? Ai cũng hiểu mọi điều? Cho nên có quá nhiều thị hiếu? Nhiều cảm tình khác nhau?
- Nói rằng có quá nhiều mối ác cảm thì đúng hơn. Còn về trình độ văn hoá, ông chỉ nói đúng một phần. Ông đem phóng ta nước Nga lên phạm vi toàn thế giới là sai lầm.
- Các bạn ơi, chưa đến lúc chúng ta nghĩ đến đàn bà sao? – Glép nói – Tôi tất nhiên cũng rất hiểu trí thức, văn hoá, vân vân, nhưng các ông đâu phải là người không có giới tính, tôi nghĩ thế. Hay là ông Xla-vin sợ hậu quả? Theo như tôi được biết, bên phía các ông cấm các lối giao du kiểu ấy…
“Đã dứ rồi đấy – Xla-vin nghĩ – theo đúng kế hoạch mà! Cái trò cũ rích, nhưng vẫn cứ tác động quỷ tha ma bắt chúng mày. Được, cứ để xem sao đã”, và Xla-vin nói:
- Bên các ông, tôi nghe nói cũng không khuyến khích lối giao du kiểu ấy.
Glép nhìn vào mắt Xla-vin, thậm chí vào cả đâu đó trên lông mày, mặt hắn giây lát trở nên nặng nề, không có sinh khí, nhưng chỉ trong khoảnh khắc thôi, rồi hắn tiến lại điện thoại, ngả người nhẹ xuống ghế bành, rút từ túi quần sau ra quyển sổ ghi chép đã nhàu, giở ra như đã thuộc lòng, nhìn Xla-vin, lại gấp sổ lại, rồi bắt đầu loay hoay nghĩ ngợi, lấy vẻ mặt một ông già Nô-en đang bày một trò chơi vui vẻ để sẽ kết thúc bằng một món quà trác tuyệt.
- Ông thích loại nào, tóc vàng hay tóc đen? - Hắn hỏi, tay lật lật quyển sổ.
- Tôi bị bệnh mù màu sắc – Xla-vin trả lời.
Pôn phá ra cười ha hả.
- Ồ, ông Xla-vin mới ranh ma chứ! – Glép nói – Ông lúc nào cũng né tránh các câu trả lời chính xác.
- Chỉ có toà án mới phải đòi có câu trả lời chính xác.
- Ông biết rõ công việc của toà thế cơ à?
- Dĩ nhiên.
- Còn hơn ông ấy, Giôn ạ - Pôn nói – Ông ấy đã ngồi cùng với tôi suốt vụ án Nuy-rem-be từ lúc chuông vào đến lúc chuông ra đấy.
- Đấy là chuyện chính trị, Pôn ạ, còn bây giờ Xla-vin trả lời tôi về chuyện đàn bà, mà như một nhà vạch mưu lược có kinh nghiệm: chẳng ừ cũng chẳng không, và trong mọi trường hợp, ông đều trong sạch trước mọi chỉ thị.
- Chỉ thị nào đấy? – Xla-vin hỏi – Ông nhắc đến chỉ thị nào?
Sự xuất hiện của người hầu bàn mang các chai uýt-xki và cốc có đá vào đã giải cứu cho Glép; Xla-vin hiểu rằng Glép sẽ không thể gỡ ra được - thực vậy, một thương gia làm sao có thể giải thích được việc mình quen làm việc với các chỉ thị?
Pôn lại uống ngay và rót vào ly cho Xla-vin và Glép.
- Chờ tý nhé – Glép lên tiếng, tay quay số điện – một phút nữa thôi Pôn ạ - Hắn lắng nghe tiếng “tút tút” trong máy một lúc, thở phì ra, ngắt máy và lại quay số khác.
- Lũ gái trẻ của ông đã chui vào phòng tắm ở những phòng khác rồi – Pôn nói – Thôi, mặc thây chúng nó, đồ bỏ.
- Xì, bỉ ổi chưa – Glép nói – Cậu đừng nói những câu vô sỉ như vậy, Pôn. Chẳng qua là vì chưa có những người bạn gái xứng đáng lọt vào tầm mắt cậu đấy, cậu chỉ có rặt một bọn gái giang hồ thôi chứ gì!
- Người bạn gái hay nhất là một ả giang hồ không ưa xấu hổ, với loại ấy, không cần phải giảng giải về Bram-xơ (9) cũng không phải giả vờ làm bộ am hiểu Xtơ-ra-vin-xky (10) làm gì – Pôn làu nhàu.
- A-lô, Pi-la đấy à – Glép hỏi và nháy mắt với Xla-vin – Tôi đang ngồi cùng hội với những người bạn thông minh nhất đời. Cô có muốn nhập hội với chúng tôi không? Sao vậy? Cô làm tôi buồn đấy, Pi-la ạ… Nào, cố gắng nhé… Tôi rất mong cô đấy!... Ừ, có thế chứ, cừ lắm! Phòng 607 ấy, Pi-la ạ, chúng tôi đang ở đây cả. Chúng tôi đợi nhé!
“Phòng 607 ở địa điểm nào? – Xla-vin nhận định ngay – Trong thành phố còn những 15 khách sạn nữa, hình như trụ sở CIA đóng ở ngay đây. Thêm nữa, cô ta đồng ý thay đổi ý kiến quá nhanh nhảu… lúc đầu cô ta từ chối, mà hắn có đưa ra lý lẽ gì xác đáng hơn để mời cô ta đâu… Có lẽ, không phải là từ chối thật, chẳng qua do hắn bày trò, làm ra cái vẻ “đoan trang” của quý bà…”
Pi-la quả thực rất xinh: một cô gái Tây Ban Nha cao dong dỏng, mảnh dẻ, có đôi mắt to, nụ cười thực quyến rũ. Cô ta chào Pôn và Xla-vin rất điệu rồi hôn Glép một cách thân tình nhưng không xuồng xã – hôn vào bên thái dương, rồi ra bật đài, ra dáng chủ nhân; lúc ấy ở “Hin-tơn” đang truyền chương trình nhạc gia-đơ và cô ta cắm đúng nút ngay không nhầm lẫn. Cô đỡ ly rượu uýt-xki từ tay Xla-vin, hơi nhấp môi, rồi sau khi nhận thấy cái nhìn của anh, vội giải thích:
- Ông đừng giận, tôi vốn người Tây Ban Nha, chúng tôi thích uống bia cơ, tuy nhiên thường không say vì bia, mà lại vì những người đối thoại thông minh.
“Được, bây giờ mình sẽ dành cho cô ta một dịp trò chuyện với một người đối thoại không phải là không biết dắt chuyện đâu” – Hơi lạnh người một chút vì hồi hộp, Xla-vin vụt nghĩ vậy.
Kể từ buổi nói chuyện đầu tiên trong phòng Côn-xtan-ti-nốp, ngày đêm không phút nào anh không sống với giả thiết: bác người Nga đã gửi lá thư kia chắc là một trong những người lưu vong có số phận hẩm hiu, đang kéo lê thân phận cay đắng làm một thứ nô lệ phục vụ cho kẻ khác. Tất nhiên, người ta trả công, ở “Hin-tơn” trả công cũng hậu lắm…, nhưng trong cả buổi nói chuyện dài dòng này Xla-vin chưa tưởng tượng ra được rằng sẽ đến lúc anh có một quyết định linh hoạt rất bất thần. Có lẽ, các quy luật vĩnh cửu về lượng biến thành chất (trong trường hợp này là những tư duy, ước đoán, tìm kiếm lời giải tối ưu…) đã đưa Xla-vin tới một hành động thoạt tiên có vẻ lạ lùng. Nhưng trên thực chất, lại là duy nhất khôn ngoan trong tình huống này. Anh đứng dậy và nói với mọi người:
- Các vị chờ tôi một phút nhé, tôi sẽ trở lại ngay.
Anh đi xuống tiệm ăn của khách sạn, người hơi có vẻ lảo đảo, tiến lại chỗ ông quản lý khách sạn và hỏi thẳng thắn:
- Thưa ông, chỗ các ông có người hầu bàn nào gốc Đức hoặc Anh không? Mà tốt nhất là Nga, nhưng có lẽ với yêu cầu như thế, thì đào đâu ra phải không ông?
- Nhưng có việc gì vậy thưa ông? Người phục vụ gốc Pháp ấy không thể làm ông vừa lòng sao?
- Đấy là trường hợp bất đắc dĩ… chúng tôi đang định thết đãi một bà quý phái, bà này không uống uýt-xki, chỉ muốn uống rượu cốc-tây, cốc-tây Nga thôi…
- Gượm chút đã nhé, ở dưới nhà hầm chúng tôi có lão Bê-liu làm việc, hình như lão này gốc người Đông Âu đấy… Khi những tên hầu phòng da đen bãi công, chúng tôi đã lấy lão lên phục vụ các phòng, nhưng sau rồi lại thôi, vì lão ta cụt mấy ngón tay, làm việc lóng ngóng, không đạt yêu cầu lắm… Ông chờ chút xíu nhé, thưa ông.
Quản lý khách sạn nhấc ống điện thoại, quay số 3, hỏi:
- Này anh Lu-ít, lão Bê-liu đã xong việc chưa nhỉ? Có vị khách muốn yêu cầu lão lên phòng…
- 607 – Xla-vin nhắc, cố giãn hết gân cốt ra để khỏi lộ sự tập trung căng thẳng ở anh.
- Phòng 607. Chà, thế à, thôi được Lu-ít ạ. Thế khi nào lão đến thay ca? Tám giờ kia à! Cảm ơn…
Ông ta đặt ống nói xuống:
- Bê-liu ngày mai, tám giờ sáng mới tới làm việc… Thưa ông, tôi rất tiếc…
“Bây giờ thì phải tìm cớ để ra khỏi khách sạn, - Xla-vin suy tính nhanh chóng khi trở lên phòng – Mình phải tán Pi-la và sẽ đưa cô ta về nhà. Rồi sẽ đến sứ quán lấy ảnh. Và 8 giờ sáng mình sẽ gặp Bê-liu. Và ngay ngày mai, mình sẽ bay về nhà, vì lúc ấy Bê-liu đã kịp chỉ tay vào đúng mặt kẻ nào đã bị CIA tuyển mộ”.
(1) Giải thưởng báo chí đặt ra từ 1917 ở Mỹ, lấy tên nhà báo nổi tiếng người Mỹ gốc Hung-ga-ri là Pu-lít-de (1847 – 1911). (ND)
(2) Ma-phi-a: Tổ chức chuyên hành nghề phạm pháp như buôn ma-túy, ám sát, giết người, tống tiền… Vốn xuất phát từ đảo Xi-xin (I-ta-li-a) hiện nay tổ chức này có tính chất quốc tế. (ND)
(3) Uyn-xtơn Sớc-sin (1874 – 1965): Chính khách nổi tiếng, làm thủ tướng Anh một thời gian dài (từ 1940 đến 1945 và từ 1951 đến 1953). (ND)
(4) Hiệp ước Pốt-xđam ký tháng 8-1945 giữa các nước phe Đồng minh, sau khi thắng phát xít, về việc phân chia các khu vực chiếm đóng, bồi thường chiến tranh… (ND)
(5) Mô-ri-xơ Tô-rê (1900 – 1964), Pan-mi-rô Tô-gli-at-ti (1893 – 1964) các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp, I-ta-li-a. (ND)
(6) KGB: Tên tắt của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô. (ND)
(7) Mi-nê-xô-ta: Một bang ở Bắc nước Mỹ, Mai-a-mi: thành phố nghỉ mát bên bờ đại Tây Dương. Đây là cách nói phản ứng của Pôn trước cái dốt nát của Glép. (ND)
(8) Nơi ở của Tôn-xtôi. (ND)
(9) Bram-xơ (1833 – 1897) Nhạc sĩ cổ điển Đức nổi tiếng. (ND)
(10) Xtơ-ra-vin-xky (1882 – 1971) Nhạc sĩ Nga sống ở Pháp, một đại diện tiêu biểu của trường phái nhạc mô-đéc. (ND)