Pi-la chìa cái cốc:
- Ông có biết, ở bên chúng tôi gọi rượu gin là gì không?
- Ở “bên chúng tôi” tức là ở đâu? - Xla-vin nhìn Glép rồi hỏi - Cô muốn nói tới ở bên hãng của cô hay là nói về địa lý?
- Tôi nói về Tây Ban Nha của tôi.
Thế thì ở bên đó gọi là hi-nê-brôi, có đúng không?
- Ông Vít nói tiếng Tây Ban Nha rất giỏi - Glép nói - Như tất cả các điệp viên, ông biết rất nhiều tiếng nước ngoài.
- Cái đó thì ông Giôn biết hơn tôi ấy chứ. Nếu không thì có lẽ cũng khó khăn đấy. Hãy thử sống, ví dụ ở Hồng Kông, mà không biết tiếng Trung Quốc chẳng hạn, là hỏng việc ngay, Pi-la ạ, cô chưa bao giờ ở Hồng Kông sao?
- Thế còn ông? - Glép hỏi, cười to, hơi ồn ào - Ông Vít ạ, chắc hẳn là ông đã từng sống ở khắp nơi?
- Tôi chưa được phép đến Hồng Kông. Tôi đã đề nghị được đến gần đấy về vụ Vin-hem San-xơ, nhưng Bắc Kinh gây sức ép với chính quyền địa phương, và họ trả lại giấy tờ của tôi…
Pi-la nhìn sang Glép rất nhanh, khuôn mặt cô ta vẫn xinh đẹp, mỉm cười như trước kia, nhưng trong mắt ánh lên một chút gì lo sợ, con ngươi mở to hơn và do đó có cảm giác như mắt cô ta không nhìn rõ, phải rướn lên.
- Kể cũng hay - Glép nói, - chắc là ông có kể lại chuyến đi đó trên báo chí Nga?
- Đây đâu phải đề tài báo chí. Và cũng không nên đưa nó lên báo. Đây là cả một cuốn tiểu thuyết. Cô Pi-la này, cô cũng yêu thích những tiểu thuyết phiêu lưu chứ?
- Vâng, tôi rất thích những chuyện phiêu lưu - Cô gái trả lời chậm rãi, lại liếc nhìn Glép.
- Cô ta thích xem phim. Phim về thám thử Giêm Bôn - Glép nói, - và về cả các điệp viên Nga, họ chỉ chút xíu nữa thì thành công, nhưng cuối cùng thì lại thất bại, chỉ vì chúng tôi mạnh hơn.
- “Chúng tôi”? - Một lần nữa Xla-vin lại cười - Tôi đâu biết rằng hãng buôn bán của ông lại có liên quan đến mật thám Anh như vậy. Ông biết không, nếu tôi là đạo diễn, tôi sẽ quay một cuốn phim nữa ấy chứ. Mà cũng không phải quay tất cả, đúng hơn là tôi quay nốt cho trọn vẹn thôi. Tôi sẽ quay thêm, nối vào cuốn phim “Đem tình yêu từ nước Nga trở về” một cảnh thôi: Sau khi Giêm Bôn may mắn đem được một cô mật mã viên Nga về Luân Đôn, trên màn ảnh sẽ xuất hiện hàng chữ “Chiến dịch thâm nhập đã thắng lợi. Đã sẵn sàng làm nhiệm vụ với Tổ quốc! Ca-chi-a I-va-nô-va!”(1)
- Chắc Pôn Đích sắp đến bây giờ, ông hãy bán lại cho anh ta cái ý ấy, nhưng đừng bán rẻ. Vít ạ! Không thể dưới một ngàn đâu!
Pi-la uống một ngụm rượu Tin-tô đỏ, mắt vẫn không rời Xla-vin, nhận xét thêm:
- Lắm lúc, anh Giôn ạ, anh thật chả biết buôn bán gì cả. Vì tôi có biết qua chút ít về giới nghệ thuật, tôi xin nói lại: cái ý ấy giá trị không thể ít hơn mười ngàn đồng đâu. Mà phải trả ngay tại chỗ ấy chứ.
- Xin mời các vị cứ việc trả giá - Xla-vin nói - Tôi sẵn lòng.
- Có thể, anh sang Mỹ, người ta còn trả nhiều hơn ấy chứ.. - Glép nói, thôi không cười - tôi nói nghiêm túc đấy, tôi sẵn sàng liên hệ với Hô-ly-út ngay, tôi vẫn có quan hệ tốt với họ mà.
- Và ông tin rằng, chỉ một lời giới thiệu của ông là đủ sao? - Xla-vin hỏi.
- Tin chứ!
- Nếu vậy, ta đi viết kịch bản thôi chứ?
Glép vỗ vào đùi, cong cả người xuống, là bộ như hắn ta hết sức buồn cười, rồi lại trở nên vui vẻ, cởi mở và trở lại như lúc bình thường:
- Nhưng mà ông Vít ạ, ông thật đáo để! Không nên lợi dụng những người không thành thạo trong việc buôn bán ở lĩnh vực nghệ thuật như vậy!
- Vi-ta-li là một cái tên rất hay - Pi-la nói - Như tên Vít-to-rê trong tiếng I-ta-li-a.
- Cũng giống như tên Đức là Vin-hem San-xơ-hem vậy - Xla-vin cũng tiếp tục nhận xét, - Tất nhiên ý nghĩa thì khác nhau.
- Vít ạ, tôi cũng có gặp ông già Vin-hem San-xơ ấy ở Hồng Kông đấy. Có phải ông già có cái mũi xanh không?
- Mũi ông ta xanh là vì tuổi già thôi. Hồi ba mươi tuổi, mũi ông ta hoàn toàn đỏ đắn, ông ta không uống rượu, vì ông ta làm việc ở cơ quan Ghét-xta-pô, ở đó ai say rượu sẽ bị giam giữ kia. Một cơ quan đứng đắn mà!
Pôn Đích đến, rất tỉnh táo. Anh ta chào hai người đàn ông, vẻ không vui, hôn tay Pi-la rất lịch sự, và từ chối không uống uýt-xky:
- Không được. Hôm nay và ngày mai, tôi không uống đâu.
- Chuyện gì vậy? - Xla-vin hỏi.
- Đang chuẩn bị một đòn nên thân để giáng vào ông đấy, ông Vít ạ.
- Có đáng làm việc đó không?
- Đáng chứ. Phải biết chơi sòng phẳng, đứng đắn.
- Tán thành - Xla-vin nói - Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến đó. Nhân tiện xin nói với ông là tôi có ghi được một ít các câu chuyện thú vị, có liên quan đến một trò chơi không đứng đắn, tôi có thể bán cho ông được.
- Tôi nhận mua đấy. Mua chịu.
- Chịu cũng được. Tôi sẵn lòng chờ ông trả. Nào, tôi xin bắt đầu kể về Hồng Kông, về một vụ ma-phi-a qua mắt hải quan…
- Không, không, - Glép nói - tốt hơn là ông bán cho Pôn cái ý về thám tử Bôn ấy! Pôn ạ, anh không tưởng tượng được, là cái đó thông minh và độc địa đến ngần nào! Tôi thán phục ông Vít đấy. Anh hãy tưởng tượng, là sẽ kết thúc ở chỗ cô gái mà Bôn mang được về Anh, cái cô nhân viên Uỷ ban An ninh Xô-viết ấy mà, cô ấy lại điện về nhà từ Luân Đôn như sau: “Chiến dịch thâm nhập đã thắng lợi, tôi hoàn toàn có thể sống công khai và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ”. Được quá, phải không?
- Ở bên chúng tôi, khi nào nói “hoàn thành nhiệm vụ” có nghĩa là người làm trọn trách nhiệm đó đã phải hy sinh - Xla-vin nhận xét…
Pôn Đích nhìn Xla-vin một cách buồn bã, u ám nữa:
- Dù sao, đấy cũng là một chủ đề cay độc. Nó nhắc nhở ta đến sự thật.
- Đâu có phải chúng tôi nghĩ ra cái nhân vật Bôn ấy, một kẻ luôn sát hại người bên chúng tôi.
- Thôi được, ông kể câu chuyện vừa hứa đi.
- Khoan đã, ông phải trả bao nhiêu về cái chuyện thám tử Bôn ấy đã chứ! Giôn đề nghị mười ngàn đấy.
- Đấy là tôi đề nghị chứ, ông Vít ạ, ông nhầm rồi - Pi-la nói.
- Nhưng hãy kiếm cho tôi những đạo diễn chịu làm phim đó đi - Pôn Đích lần đầu tiên “hừm” một tiếng trong suốt câu chuyện - tôi sẽ kiếm được mười triệu trong một tuần, ông sẽ được dành cho bảy mươi phần trăm, ô-kê? Thôi nào, kể đi. Mà cũng rất tuyệt, nếu chủ đề chuyện của ông không nằm ở Hồng Kông mà lại ở Luy-xbua, vì số phận của Dô-tốp làm tôi quan tâm không kém gì các ông. Đầu tiên là một người Nga làm gián điệp, sau đó là một người thứ hai, như vậy không phải là quá nhiều trong một tuần sao?
- Không có người thứ ba nữa hay sao - Xla-vin nói và nhìn Glép bằng cái nhìn dò hỏi - Còn câu chuyện thì thế này. Ông có nhớ ở Nuy-rem-be có một người tên là Vin-hem San-xơ bị dẫn đến đó vì những việc liên quan đến bọn SS không?
- Tôi không nhớ.
- Chúng tôi, những người Mỹ, thuộc về một dân tộc không hay hồi tưởng - Glép nhận xét - Hồi ức nặng nề ngăn cản cuộc sống, nó giống như những vết tấy trong chỗ bị thương, nhức lắm…
- À, nếu dân tộc chúng ta cũng bị mất đi hai mươi triệu sinh mạng, thì hồi ức của ta cũng sẽ như họ thôi - Pôn nhận xét - Tôi không nhớ tên San-xơ ấy, có lẻ, hắn thuộc vào hạng tôm tép trong đám đao phủ thôi…
- Đúng thế. Hắn chỉ là tên thực hiện. Chúng tôi đã chứng mình được rằng hắn có tham gia vào bốn mươi bảy vụ thủ tiêu.
- Thủ tiêu gì vậy? - Pi-la hỏi- Nếu đây là chuyện tàn bạo, thì thôi, ông Vít ạ, đừng nói nữa, vì cũng đã quá nhiều nỗi đau khổ trên thế giới này rồi.
- Thủ tiêu đối với họ nghĩa là tiêu diệt sạch sành sanh dân chúng ở một làng quê hoặc một thị trấn, đếm đầu từ đứa trẻ sơ sinh cho đến những người đau ốm.
- Đấy chắc là trong lúc họ tiêu diệt du kích? - Glép hỏi.
- Có thể coi đây là lời biện hộ được không? - Xla-vin đẩy cái cốc về phía Pi-la, và cô ta liền rót ngày cho anh rượu gin vào cốc.
- Tôi bỏ đá bằng tay được không? - Cô ta hỏi.
- Được chứ có sao - Xla-vin nói, và vẫn nhìn vào mắt Glép - Vậy thưa ông Giôn, đánh nhau với du kích có thể là cái cớ biện hộ cho huỷ diệt như được chứ?
- Tất nhiên là không, ông Vít ạ. Tôi chỉ nói thêm thế cho rõ, chứ tội ác man rợ của bọn phát-xít thì thật đáng kinh tởm.
- Vâng, và thế là chúng tôi đã vạch mặt cái tên San-xơ ấy, hắn sống ở Ca-na-da, nhưng họ không chịu trao cho chúng tôi, rồi hắn thoát đi đâu mất. Thế rồi lại thấy hắn thò mặt ra ở Hồng Kông, lần này với một tấm hộ chiếu Mỹ…
- Không thể có được - Glép nhăn trán lại - Theo tôi, ông ta chỉ có một tấm giấy có thị thực của Ni-ca-ra-goa hay Ta-hi-ti. Chứ ông ta không thể là công dân Mỹ được, tôi tin là thế.
- Thật chứ? Thế thì cũng tốt thôi… Vậy là khoảng mười năm về trước, có một vụ bê bối xảy ra ở Hồng Kông, trên sân bay người ta đã bắt giữ một nhóm người Trung Quốc liên quan đến việc buôn hê-rô-in, và chính San-xơ đã tổ chức cho một phụ nữ Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha gì đó, trốn đi khỏi thành phố. Cô ta tên là Các-men, cũng xinh đẹp như Pi-la đầy sức quyến rũ của chúng ta đây. Lại còn một người nữa, phải đẩy kẻ thế mạng ra khi nhận tội về mình. Đấy là ông Lưu, phải không Giôn?
- Tại sao ông lại hỏi tôi về chuyện đó?
- Anh đã làm việc ở Hồng Kông mà lại - Pôn nhún vai - chính do thế mà anh ta hỏi anh.
- Tôi chỉ làm việc ở đó trong khi ghé qua, ở khoảng vài tuần, hoàn toàn là một công việc kinh doanh tài tử.
- Rõ rồi - Xla-vin nói - Và chắc hẳn, ông không biết về người đại diện CIA ở hải quan hồi đó chứ, anh ta cũng bị lôi kéo vào vụ bê bối ấy đấy. Và cái vụ này người ta thu xếp cách nào đó, để bịt nó đi, nhưng tàn than thì vẫn còn cháy âm ỷ đấy, Giôn ạ, vẫn còn âm ỷ đến giờ. Pi-la, cô nghĩ sao, nhóm dậy cái đống than âm ỷ ấy, kể cũng lý thú đấy chứ nhỉ?
- Biết nói thế nào với ông… Kể cũng có những chi tiết đấy, nhưng chưa đủ để dựng nên một chuyệt giật gân bây giờ - Glép lại cười rất to, dù Xla-vin nhận thấy khuôn mặt hắn cẳng thẳng tột độ.
- Ông Vít ạ, ở nước chúng tôi thiếu gì chuyện ồn ào ở mức siêu đẳng nữa ấy chứ. Những chuyện như ông kể, chỉ là chuyện cơm bữa, một tiểu phẩm giễu cợt buồn tẻ.
- Ồn ào ở mức siêu đẳng là những chuyện gì? - Xla-vin hỏi.
- Chẳng hạn, vợ nát rượu - Pôn trả lời - chông thì lại ái nam ái nữ, nhưng buộc cô em gái phải sống chung với những người nào có lợi cho hắn. Hoặc bố là triệu phú nhưng con lại vào Đảng Cộng sản. Hoặc một vụ ăn của đút khổng lồ, vượt quá mười vạn đô-la, tuy nhiên, như vậy cũng chưa đi đến đâu. Tốt hơn hết là có được một chuyện nhân tình nhân ngãi của Tổng thống từ trong phòng riêng, cái đó thì giá trị lắm với các đối thủ, nhất là… đối thủ có thế lực.
- Trong chuyện tôi kể cũng có vai trò bà vợ nghiện ma tuý, lại cũng có họ với ông chồng, nói rõ hơn là cháu gái. Vốn là con gái một đảng viên quốc xã. Và bản thân có tham gia vào sự việc. Ông thấy thế nào?
- Đọc tên cho tôi ghi - Đích trả lời - Tôi sẽ tả sao cho câu chuyện phải bốc khói lên chứ, và không những sẽ chỉ cho tiền thôi mà còn nổi tiếng nữa. Tôi đã bị quên lãng rồi, ở bên chúng tôi, người ta quên tuốt, kể cả những ai đã dành nhau với bọn quốc xã, họ chỉ nhớ những ai đã bị tai tiếng vì các chuyện vô đạo đức đại loại như những chuyện tôi đã kể vừa rồi. Nào, vào việc chứ, không cần phải rào đón láu cá với nhau nữa.
Xla-vin ôm Glép và nói nhỏ:
- Phải rào đón một chút chứ, Giôn? Hay là chỉ mở bài một phần?
Pi-la uống một ngụm rượu và trả lời:
- Tôi mà ở vị trí của ông thì tôi cũng phải rào đón ít nhiều đã
- Đồng ý. Bây giờ hãy để Pôn nói xem ông ta đã biết gì về Dô-tốp đã chứ? Họ không cho tôi vào bệnh viện và cũng từ chối không cho gặp. Vậy xin mời ông Pôn cho biết ước đoán của mình.
- Đối với anh chàng Nga này thì mọi cái đã rõ cả.
- Người ta sẽ không thể tha thứ cho ông khi ông viết “Với anh chàng Nga này” - Xla-vin cắt ngang.
- À, cái ấy ở bên các ông gọi là gì nhỉ? Chủ nghĩa sô-vanh nước lớn chứ gì - Pôn mỉm cười - Ông đừng giận, chỉ tại tôi đọc các tên Nga thấy rất khó.
- Pôn ạ, không bao giờ nên thú nhận điều đó, người ta sẽ buộc tôi ông là trình độ nghề nghiệp thấp. Người làm báo phải biết tên của tất cả các đối thủ của nhau, kể cả khi tên ấy khó nhớ. Chúng tôi chẳng hạn, rất nhớ tên các địch thủ của chúng tôi.
- Tôi không coi Dô-tốp là địch thủ - Pi-la nói - Anh ta chỉ thừa hành nhiệm vụ của mình.
- Ai chứng minh được điều đó? - Glép nhún vai - chúng ta sống trong một thể chất mất dân chủ, tội trạng của anh ta càn phải được xác minh bằng chứng cứ chứ. Còn cái máy truyền tin kia, đâu phải là chứng cớ? Hoàn toàn có thể do người ta vứt vào nhà để buộc tội.
- Đúng thế - Xla-vin tán đồng - Hôm nay, tờ “Niu-xơ” (Tin tức) đã viết về sự việc này giống như những lời ông nói.
- Thật à - Glép ngạc nhiên - Thế thì cừ thật, vậy mà tôi chưa được đọc đấy.
- Thế đây là cái gì - Pôn hất đầu về phía tờ “Niu-xơ” đang nằm trên bàn, ở chỗ đăng bài bình luận về Dô-tốp, có vạch dưới bằng bút chì đỏ.
- Đây là do tôi đọc đấy - Pi-la vội trả lời - Tôi rất lo lắng cho số phận của Dô-tốp, và sẵn sàng giúp đỡ anh ta.
- Thì sao? - Glép nói - Tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ anh ta.
- Thế thì rất đơn giản - Xla-vin nói - Phải tìm ra những kẻ tổ chức cuộc đột nhập vào phòng anh ta.
- Và tìm ra kẻ nào đã phá két sắt ở chỗ Lô-ren-xơ
- Ông Pôn - Glép nói - ông cư xử như vậy không đúng luật của người quý phái.
- Quý phái quá đi chứ, vì chính ông Lô-ren-xơ đã đồng ý trò chuyện với tôi, và tôi đã gửi bài về cho báo của mình.
- “Cái đẹp - đó là biểu tượng của sự tin cậy”, tôi nghĩ như thế khi thấy những gì bọn găng-xtơ đã làm trong trụ sở của công ty “Điện thoại quốc tế”: Chúng săn tìm tên tuổi, những “người bạn tin cậy” của công ty này, cái công ty đã biết thiết lập “quan hệ tin cậy” giữa Hoa Kỳ và nhóm Pi-nô-chê, khi ông ta còn chưa trở thành tên độc tài, mà đang đứng cạnh A-gien-đê trong lễ duyệt binh.
- Được lắm - Xla-vin nói - Cái đoạn ghi chú thật tuyệt đấy, Pôn ạ! Thêm nữa, ông có biết rằng, chính ông Lô-ren-xơ này là người đã chối từ không trả lời một loại những điểm chất vấn ở thượng nghị viện về vụ đảo chính ở Xan-chi-a-gô không?
- Thì chính là ông ta chứ ai.
- Nhân viên CIA ở đây chăng?
- Các bạn ơi, về việc ấy thì nên hỏi tôi - Glép nói - dù sao tôi và ông ta cũng đã chơi thân với nhau từ nhiều năm. Ông ta là người của CIA cũng ở mức độ, như tôi là nhân viên của Ghet-xta-pô ấy mà!
- Kể cũng lý thú - Vừa đăm chiêu uống rượu gin, Xla-vin vừa nói - nếu như ông Pôn có thể nhận được tư liệu về chuyện một nhân viên CIA có liên hệ với bọn quốc xã, bọn phát-xít cũ cũng như mới thì điều đó cũng có thể có tiếng vang nào đó trên báo chí chứ?
- Khi báo chí phải tranh chấp với CIA - Pôn trả lời - nó thật sự ao ước có được một tài liệu như thế. Đấy là một cú nốc-ao, ông Vít ạ, nhưng…
- Tôi cũng có học quyền Anh, biết đánh sơ sơ mấy miếng, tôi sẵn sàng có thể giúp anh về phương pháp - Xla-vin nói.
- Vậy là các ông tuyển mộ báo chí “tự do” và “tin cậy” như vậy đấy - Glép lại cười ta và hai mắt hắn như hai kẽ hở nhỏ nhắm tít lại.
- Ông Vít, tôi muốn chỉ cho ông xem bộ sưu tập hết sức tự hào của tôi - Pi-la nói - Ông đi xem không?
- Thế cô không muốn cho tôi xem niềm tự hào ấy với cô à? - Pôn hỏi.
- Khi người ta thật sự tự hào về cái gì, người ta thích được tự hào một mình thôi! - Glép trả lời thay.
- Một câu nói hay - Xla-vin nói - Câu nói của một con người biết cách chiến thắng.
Pi-la cầm tay Xla-vin kéo đi theo mình lên cái cầu thang xoáy trôn ốc dẫn lên tầng hai. Trên đó, trong căn phòng có mái che bằng kính, có một cái đi-văng to bọc da hổ, tường bốn phía treo rất nhiều ảnh thánh - tất cả đều được tô vẽ lại, rất nhiều chỗ thếp vàng, và đặc biệt, những con mắt được vẽ rất rõ nét.
- Sao? - Pi-la hỏi - không tưởng tượng được, đúng không? Toàn những thứ của thế kỷ mười bảy, ở phương Bắc nước Nga, cái đất nước lúc ấy đang hướng ra biển, nghĩa là hướng tới tự do.
- Phục chế lại ở đâu vậy. Ở đây sao?
- Không phải.
- Nên làm cô mất tinh thần hay nên phỉnh cô?
- Ông Vít ạ, tôi bao giờ cũng thích nghe sự thật. Tới cùng. Trọn vẹn. Chỉ khi đó, tôi mới sẵn lòng nói ra sự thật.
- Trọn vẹn?
- Cái đó là tuỳ thuộc ở ông.
- Chả lẽ lại chỉ tại tôi?
- Tôi không làm vợ ai, không phải thư ký của riêng ai, tôi có công việc riêng của tôi, ông Vít ạ, vì thế tôi được hưởng cái hạnh phúc lớn nhất ở đời: tôi không bị lệ thuộc vào ai hết. Tôi rất coi trọng cái hạnh phúc ấy, vì tôi đã phải đi đến nó từ nhà hầm bước trên những bậc thang ọp ẹp - Vậy ông cứ nói sự thật.
- Tốt lắm. Đồ cổ thế kỷ mười bảy, nhất là các tranh tượng thánh, chúng tôi có thể phân biệt được tức khắc, và không chỉ do phong cách vẽ thôi đâu Pi-la ạ, cô chỉ có được một bức tranh thánh thật, còn tất cả chỗ còn lại - nếu cô muốn biết sự thật - thì đó toàn là của giả. Nhưng tôi sẽ không nói với ai về điều đó, tôi biết giữ gìn các bí mật của người khác.
- Ông không biết giữ các bí mật của người khác lắm đâu, khi ông nói về San-xơ.
- Nhưng đấy có phải là bí mật của ai đâu?
- Ông Vít, ông đang muốn đạt tới điều gì vậy?
- Sự thật.
- Đấy đúng là một câu trả lời của người Nga. Tôi đã trở thành người Mỹ, tôi quen sự chính xác của cách đặt vấn đề, những nhiệm vụ cụ thể, giá hàng, thời hạn và hình thức để đảm bảo.
Xla-vin cầm tay Pi-la, hôn lên tay, và hỏi:
- Cô hiện đang cầm hộ chiếu công vụ ngoại giao Hoa Kỳ trong tay, hay đang sống bằng một trong những hộ chiếu cũ.
- Ông Vít, ông chưa trả lời câu hỏi của tôi.
- Có lẽ là câu hỏi về “người bạn tin cậy” của công ty Lô-ren-xơ tên là gì, nên đặt ra cụ thể hơn với ông Pôn?
- Chính ông đã đặt ra chứ?
- Cô thử nhắc lại câu nói của tôi, và cô cũng sẽ tin rằng tôi đã không đặt câu hỏi ấy. Tôi chỉ là người giàu óc tưởng tượng. Ai làm báo, đều bắt buộc phải giàu tưởng tượng.
- Nhưng nếu tôi trả lời câu hỏi ấy, ông sẽ trả lời những câu hỏi của ông Pôn chứ?
- Không được đâu, Pi-la ạ, cô thật ưa thích những tiểu thuyết phiêu lưu. Tôi lo cho cô đấy. Tôi không muốn để cô phải gặp trở ngại gì trên từng bước lên thang của mình. Nói chung, phải có một người đàn ông trọng danh dự đi bên cạnh phụ nữ, trên những lối đi cheo leo như thế, đúng không? Một người đàn ông có đầu óc và có sức vóc, biết làm việc theo kiểu Mỹ: Có đảm bảo chính xác và thạo công việc.
- Được rồi, bây giờ tôi sẽ gọi Giôn lên xem nhé - Pi-la nói.
- Tôi đây rồi, cô bé! - Glép cười, lên tiếng
Hắn ta đang đứng cạnh bức tường ngăn, một cái cửa không trông thấy ở sau hắn từ từ khép lại.
- Tôi rất muốn được nghe câu chuyện ở Hồng Kông của ông Xla-vin thêm một lần nữa, chi tiết hơn, và hãy nhìn thẳng vào mắt nhau.
(1): Giêm Bôn là tên một thám tử Anh. Trong cuốn phim “Đêm tình yêu từ nước Nga trở về” một phim tình báo Anh rẻ tiền khuếch khoác nhưng được làm rùm beng, Giêm Bôn không những đã thắng lợi mỹ mãn mà còn đạt được tình yêu: Cô Ca-chi-a I-va-nô-va, người Nga, đã bỏ Tổ quốc theo anh ta (ND)