Quan huyện ngồi kiệu bốn người khiêng đi về hướng trấn Mã Tang. Để tăng thanh thế, ông đem theo hai mươi lính của huyện, trong đó có mười cung thủ, mười hỏa mai. Ra khỏi thành, kiệu của ông đi qua bãi tập của Thông Đức thư viện, trông thấy hai trăm bốn mươi lính Đức đang tập ở đấy. Lính Đức quân phục tươi rói, thân hình cao lớn, thế trận hùng dũng, tiếng hô vang trời dậy đất. Quan huyện giật mình. Ông giật mình không chỉ thế trận, mà còn vì những khẩu môde trong tay bọn lính, hơn thế nữa, còn vì một dãy mười hai khẩu sơn pháo. Chúng như những con ba ba khổng lồ, cổ ngắn và thô, những bệ, những bánh xích nặng không thể tưởng. Quan huyện đã từng cùng với mấy chục huyện lệnh đến phủ Tế Nam tham quan năm nghìn tân binh được đưa từ Thiên Tân đến nhân dịp Viên Thế Khải đại nhân nhậm chức, khi đó được coi là lực lượng quan sự khả dĩ cân tài cân sức với liệt cường. Nhưng, về trang thiết bị so với đám quân này, quân đội của Viên được sĩ quan Đức huấn luyện chỉ là hạng hai. Người Đức làm sao có thể trang bị vũ khí tiên tiến nhất cho một đối tượng mà chúng định xâu xé? Viên đại nhân, ông thật lẩm cẩm!
Thực ra, Viên đại nhân không lẩm cẩm chút nào, mà người lẩm cẩm chính là quan huyện. Vì rằng, Viên đại nhân không hề có ý đưa tân quân của ông ta đi đánh nhau với các cường quốc.
Hôm ấy, tại thao trường Tế Nam, Viên đại nhân cho bắn thử ba phát đại bác. Đạn pháo bay qua sông, qua một quả đồi, rớt xuống một bãi cát đầy đá củ đậu. Quan huyện và các đồng liêu được tổng chỉu huy pháo binh dẫn đến tham quan chỗ đạn rơi. Quan huyện trông thấy hố đạn phân bố thành hình tam giác, mỗi hố sâu khoảng hai thước, đá nát vụn, những mảnh sắc nhọn bay xa hàng mấy trượng, quật gãy một số cây to bằng bắp tay, chỗ gãy nhựa chảy dầm dề. Các huyện lệnh tặc lưỡi, phục sát đất. Nhưng những khẩu pháo ở Tế Nam hôm ấy chỉ đáng là con của các khẩu pháo ở Thông Đức hôm nay. Quan huyện hiểu ra, vì sao Viên đại nhân liên tiếp nhượng bộ những yều cầu vô lý của người Đức; hiểu ra, vì sao trong vụ Tôn Bính, Viên đại nhân như một ông bố nhu nhược đứng về phía con cái những người quyền quí đã hạ nhục con mình. Con mình đã bị khinh rẻ, ông bố lại bồi thêm một cái tát! Chả trách trong cáo thị hiểu dụ dân Cao Mật, Viên đại nhân nói:… “Các ngươi phải hiểu rằng, người Đức tàu to súng lớn, đánh đâu thắng đấy. Các ngươi sinh sự nhiều thì thiệt nhiều. Há không nghe tục ngữ có câu Hiền lành sống nhăn, sắc sảo chết lăn đó sao? Câu danh ngôn thật chí lí, các người phải nhớ kỹ…”
Quan huyện so sánh đội hỏa mai, đội cung thủ mà ông vẫn tự hào, với quân đội Đức: xấu hổ quá, không muốn ngẩng mặt lên. Đội hỏa mai và đội cung thủ cũng lúng túng như anh gian phu bị bắt đi diễu phố, không mảnh vải trên người. Quan huyện đem theo lực lượng vũ trang đi đàm phán là nhằm khuyếch trương thanh thế của thiên triều, biểu thị sức mạnh với người Đức, nhưng giờ thì ông coi hành động đó là ngu xuẩn, chẳng khác anh mù soi gương. Chả trách khi ông lệnh cho quân lính xuất phát, các tùy tùng anh nào anh ấy cứ trợn trừng trợn trạc. Họ khẳng định là đã đi Thông Đức xem bọn lính Đức luyện tập, khi ấy ông đang ốm. Ông có nghe tùy tùng báo cáo là quân Đức đã kéo vào huyện lỵ, chiếm thư viện Thông Đức làm doanh trại. Lý do chiếm thư viện Thông Đức là ở cái từ “Thông Đức”, nghĩa là “Với Đức là một”, đã với Đức là một thì để Đức đóng quân. Khi ấy, ông chủ trương tìm cái chết, nên bỏ ngoài tai cái tin động trời này. Sau khi tự vẫn không thành, ông bắt đầu xem xét, thấy việc quân Đức chiến đóng thư viện Thông Đức là hành động kẻ cướp, coi thường huyện Cao Mật, đương nhiên coi thường cà sự tôn nghiêm của nhà Đại Thanh. Ông soạn thảo cả một thông điệp lời lẽ nghiêm khắc, sai Xuân Sinh và Lưu Phác đưa đến chỗ Tư lệnh Caclôt, yêu cầu Caclôt xin lỗi dân Cao Mật và lập tức rút quân về địa điểm qui định trong Điều ước Giao –Aùo giữa Trung Quốc và Đức. Khi trở về, Xuân Sinh và Lưu Phác nói, Caclôt bảo quân Đức đóng quân tại huyện thành Cao Mật là đã được sự đồng ý của Viên Thế Khải đại nhân và triều đình Đại Thanh. Quan huyện đang bán tín bán nghi thì Tri phủ Lai Châu sai ngựa lưu tinh chuyển đến văn bản chấp thuận của Viên đại nhân và Tào đại nhân; Viên đại nhân lệnh cho tri huyện Cao Mật phải cung cấp mọi phương tiện cần thiết cho quân Đức đóng tại Cao Mật, đồng thời giục quan huyện nhanh chóng giải cứu con tin bị kẻ phản loạn Tôn Bính giam giữ. Điện văn lời lẽ ý tứ sâu xa:
… Vụ giáo phái Cự Dã trước đây chỉ gây thiệt hại cho tỉnh Sơn Đông qua 1nửa chủ quyền, nay xảy ra vụ bắt giữ con tin này, hậu quả thực khôn lường! Vào giờ phút này, không chỉ quốc gia có thể bị chia năm xẻ bảy, mà gia đình, tính mạng ta chưa hẳn đã còn. Trong giờ phút nguy nan này, các ngươi hãy lấy giang sơn xã tắc làm trọng, không nề gian khổ, phấn đấu hy sinh, nếu kẻ nào chỉ nghĩ đến riêng tư mà coi thường quốc pháp, trễ nải lừng khừng thì nghiêm trị không tha! Bản chức sau khi đi Lỗ Bắc giải quyết vụ quyền phỉ, sẽ lập tức xử lý vụ Cao Mật… … Sau khi nổ ra vụ mồng hai tháng Hai, bản phủ từng nhiều lần điện cho tri huyện Cao Mật, yêu cầu bắt tên đầu sỏ Tôn Bính, phòng tái diễn sự vụ tương tự. Nhưng tri huyện Cao Mật điện trả lời gỡ tội cho Tôn Bính, thật u mê quá đỗi! Cứ để dằng dai như vậy, rút cuộc sẽ thành đại loạn. Tri huyện Tiền Đinh đùa với chức vụ, vốn định bãi chức xử nghiêm, nhưng nghĩ nay là lúc đất nước cần người, Tri huyện Tiền lại là cháu ngoại của trọng thần bản triều, vì vậy không chiếu theo pháp luật mà xử lý, chỉ ghi lại một tội lớn, mong rằng sẽ đới tội lập công, cấp tốc giải thoát con tin, xoa dịu tâm trạng người Đức…
Đọc xong bức điện, quan huyện mở to mắt nhìn phu nhân lúc này vẻ mặt ủ dột, nói:
- Phu nhân cứu ta làm gì?
- Tình cảnh ông hiện nay có gian nan hơn ông ngoại thiếp sau trận thua ở Tịnh Cảng không? – Bà huyện nhìn quan huyện, ánh mắt sắc như dao cau.
- Ông ngoại phu nhân chẳng đã nhảy xuống sông tự vẫn sao?
- Đúng, ông ngoại thiếp cũng đã tự trầm mình - Phu nhân nói – Nhưng sau khi được bộ hạ cứu sống, cụ quyết tâm phấn đấu, chỉnh đốn binh mã, dựng lại cơ đồ, kiên trì bất khuất, chịu đựng muôn vàn gian khổ, cuối cùng đánh chiếm Nam Kinh, diệt tận hang ổ quân tóc dài, dựng nên đại nghiệp lưu truyền dang thần thời trung hưng, cột trụ của nhà nước, phong hiệu cho vợ, tập tước cho con, tiếng tăm lừng lẫy, thờ tại miếu đường, lưu danh muôn thuở.
- Bản triều dựng nước hơn hai trăm năm, mới có một người như Tăng Văn Chính Công! – Quan huyện ngước nhìn chân dung Tăng Văn Chính Công treo trên tường, nói như hụt hơi – Ngài tuy cao tuổi nhưng vẫn không mất đi vẻ đường bệ. Bản quan tài sơ học thiển, ý chí bạc nhược, phu nhân còn cứu sống ta cũng chẳng làm nên trò trống gì! Phu nhân, tiếc cho phu nhân con nhà khuê các, lấy phải đồ giá áo túi cơm như ta.
- Phu quân, hà tất phải sỉ vả mình như thế? – Phu nhân nói, giọng nghiêm chỉnh – Ông chữ nghĩa đầy bụng, thao lược cùng mình, thân thể cường tráng, võ công hơn người. Thấp kém hơn người bấy lâu chẳng qua là chưa gặp thời, chứ không phải ông bất tài.
- Vậy bây giờ thì sao? – Quan huyện cười mỉa – Thời cơ đã đến chưa?
- Đương nhiên là đến rồi. – Phu nhân nói – Nay bọn quyền phỉ quậy phá, các cường quốc lăm le xâu xé; Tôn Bính tạo phản, người Đức nổi khùng, đất nước như trứng để đầu đẳng. Phu quân trổ tài thao lược giải cứu con tin, bắt giam Tôn Bính, tất sẽ được Viên đại nhân trọng thị, vừa hóa giải chuyện dữ vừa rồi, vừa được người ta trọng dụng. Chẳng lẽ đó không phải là thời cơ dựng nên nghiệp lớn đó sao?
- Lời bàn của phu nhân khiến ta sáng mắt – Quan huyện nói rất thực lòng, không hề có ý mỉa mai – Nhưng chuyện Tôn Bính có nguyên do của nó.
- Phu quân, ông ta vì vợ bị làm nhục mà đả thương người Đức, về tình thì đúng. Người Đức đòi trả thù cũng là chuyện bình thường. Lẽ ra, Tôn Bính phải bình tĩnh, chờ ngày phán xử của quan trên. Đằng này ông ta lại đi câu kết với bọn quyền phỉ, tự ý lập thần đàn, tụ tập hàng ngàn người đánh phá lều trại đường sắt, bắt giữ con tin, không còn kủ cương phép nước gì nữa! Phu quân, đó không phải giặc cỏ là gì? – Phu nhân nghiêm sắt mặt – Ông ăn lộc nhà Đại Thanh, làm quan triều Đại Thanh, gặp lúc nguy nan không tận lực vì quốc gia thì chớ, lại tìm cách giúp đỡ Tôn Bính, thoạt nhìn có vẻ đồng tình, nghĩ sâu hóa ra dung túng; thoáng qua, có vẻ yêu dân, thực tình thông lưng với phỉ. Phu nhân đọc sách hiểu lẽ thánh hiền, sao lại lầm lẫn đến như vậy? Chẳng lẽ vì một con bán thịt chó sao?
Aùnh mắt phu nhân sắc như dao, quan huyện hổ thẹn cúi mặt.
- Thiếp không thể sinh nở, phạm một trong bảy lỗi phải rời khỏi nhà chồng, may được phu quân ra ơn mà không đuổi, thiếp xin cắn cỏ ngậm vành – Phu nhân thoáng buồn – Việc này xong xuôi, thiếp sẽ kiếm cho phu quân một cô gái nhà lành, sinh con đẻ cái, hương khói phụng thờ. Nếu như phu quân vẫn si mê con bé họ Tôn, không ngại lấy vợ thừa của tên đồ tể, thì có thể lấy nó làm vợ bé, thiếp sẽ đối xử tử tế. Nhưng tất cả những cái đó là chuyện sau này. Nếu như phu quân không giải cứu được con tin, không bắt được Tôn Bính, thì vợ chồng mình sẽ chết không có đất chôn, con bé họ Tôn dù sắc nước hương trời đến mấy, ông cũng không được hưởng.
Tiền Đinh toát mồ hôi, ấp úng nói không nên lời.
Quan huyện ngồi trong kiệu, tình cảm lúc sôi sục, lúc lạnh tanh. Qua kẽ mành trúc, ánh nắng lúc chiếu trên tay, lúc nhảy sang đùi ông. Nhìn qua kẽ mành, ông thấy mồ hôi đầm đìa trên gáy phi kiệu. Người ông nhún nhẩy cùng với nhịp lắc của kiệu, không dừng lại ở chỗ nào. Khuôn mặt đen nhẻm nghiêm nghị của phu nhân, khuôn mặt kiều mị của Mi Nương, tiếp nối trong đầu ông. Phu nhân đại biểu cho lý trí, con đường của kẻ sĩ và công danh mũ cao áo dài, Mi Nương đại diện cho tình người, cuộc đời và tình yêu nam nữ. Cả hai đều không thể thiếu đối với ông, nhưng nếu như phải chọn một, thì… thì… chỉ mỗi cách là chọn phu nhân. Không cần bàn cãi gì nữa, cháu ngoại Tăng Văn Chính Công hoàn toàn đúng đắn. Nếu không giải thoát con tin, nếu như không bắt Tôn Bính qui án, tất cả sẽ hỏng bét. Mi Nương, cha nàng là cha nàng, nàng là nàng, vì nàng mà ta phải bắt cha nàng, bắt cha nàng cũng là vì nàng mà bắt!
Kiệu qua cây cầu bằng đá trên sông Mã Tang, men theo con đường đất vào Cửa Tây trấn Mã Tang. Mặt trời đã lên cao mà cửa vẫn đóng im ỉm, trên đầu tường cao cao chất đầy gạch đá, rất nhiều người tay cầm binh khí đứng trên đó. Trên vọng lâu của cổng lớn cắm một lá cờ đại màu vàng hoa hiên, chính giữa thêu chữ “Nhạc” to tướng, đứng bên bảo vệ cờ là mấy thanh niên đầu đội khăn đỏ, thắt lưng đỏ, mặt bôi đỏ.
Kiệu dừng lại trước cổng, quan huyện chui ra. Từ trên vọng lâu có tiếng hỏi sang sảng:
- Ai đấy?
- Tiền Đinh, tri huyện Cao Mật.
- Ngài đến có việc gì?
- Gặp Tôn Bính.
- Nguyên soái chúng tôi đang luyện công, không tiếp khách lạ.
Quan huyện cười nhạt, nói:
- Vu Tiểu Thất, đừng có ra vẻ thần thần thánh thánh với ta! Năm ngoái ngươi tụ tập cờ bạc, bản quan thấy ngươi còn mẹ già tuổi đã bảy mươi, nên tha cho ngươi bốn mươi lượng chắc ngươi chưa quên?
Tiểu Thất dẩu môi, nói:
- Tui nay đội tên tiểu tướng Dương Tái Hưng.
- Ngươi có đội tên Ngọc Hoàng Thượng Đế thì cũng vẫn là Vu Tiểu Thất! Mau gọi Tôn Bính ra đây, nếu không ta sẽ bắt ngươi về huyện đánh đòn.
- Vậy quan lớn đợi một chút – Tiểu Thất nói – Để tui vào thông báo.
Quan huyện nhìn tùy tùng đứng bên cạnh hắn, kín đáo mỉm cười, bụng nghĩ, chà, thì vẫn là đám đông phu hiền như đất!
Tôn Bính mặc áo bào trắng, đầu đội ngân khôi, trên mũ cắm hai chiếc lông chim dùng cho diễn kịch, tay cầm gậy gỗ táo, đứng trên vọng lâu.
- Tướng nào đến dưới chân thành, mau xưng tên họ?
- Tôn Bính ơi là Tôn Bính – Quan huyện giễu – Ông diễn xuất hay đấy!
- Bản soái không đập chết kẻ vô danh, mau xưng rõ họ tên?
- Anh chàng Tôn Bính bán trời không văn tự nghe đây, ta là Tri huyện Cao Mật nhà Đại Thanh, họ Tiền tên Đinh, tự Nguyên Giáp.
- Thì ra là Huyện lệnh Cao Mật nhóc! – Tôn Bính nói – Ngươi không ngoan ngoãn làm quan tại huyện, đến đây có việc chi?
- Tôn Bính, ngươi có để ta yên đâu mà làm quan?
- Bản soái chỉ quan tâm đến đại sự diệt Tây, không rỗi hơi ngó vào một tên Huyện nhóc!
- Bản quan đến gặp ngươi cũng vì đại sự diệt Tây đây, mau mở cửa cho ta vào, nếu không, đại quân mà tới thì ngọc nát vàng tan!
- Có chuyện gì cứ đứng ngoài đấy mà nói, bản soái nghe thấy hết.
- Chuyện kín, bản quan muốn trực tiếp bàn với nhà ngươi.
Tôn Bính trầm ngâm một lúc, nói:
- Chỉ cho một mình ông vào.
Quan huyện chui vào kiệu nói:
- Khiêng vào đi!
- Phu kiệu không được vào!
Quan huyện vén rèm, nói:
- Ta là mệnh quan của triều đình, ngồi kiệu mới phải lẽ.
- Vậy chỉ cho phu kiệu cùng vào.
Quan huyện bảo các đầu mục đứng sau:
- Các ngươi đợi ở đây.
- Bẩm đại nhân – Xuân Sinh và Lưu Phác vội giữ đòn kiệu lại – Đại nhân không nên vào một mình.
Quan huyện cười:
- Yên tâm, Nhạc nguyên soái là con người thấu tình đạt lý, không hại bản quan.
Cánh cổng rít lên kin kít, mở ra. Kiệu quan huyện ngất ngưởng đi vào. Lính hỏa mau và cung thủ định xông theo, nhưng gạch đá trên tường thành ném xuống như mưa, định bắn trả thì quan huyện quát lui.
Kiệu quan huyện diễu qua chiếc cổng gỗ thông được gia cố bằng một lớp tôn, dầu thông tỏa mùi thơm gắt. Nhìn qua rèm, ông thấy hai bên đường có đến sáu lò rèn, bễ thổi phì phò, lửa lò rừng rực, tiếng đe búa chan chát, hoa lửa bay tứ tung. Đám phụ nữ và trẻ con đi lại trên đường, người bê bánh mới ra lò, người cầm hành củ đã bóc vỏ, ai nấy khó đăm đăm, mắt lấm lét. Một thằng bé đầu để trái đào, bụng tròn xoay, tay cầm cái vò đất màu đen bốc hơi nghi ngút, cất giọng hát một điệu Miêu Xoang: Rét căm căm tuyết phủ đầy trời, gió tây bắc luồn trong tay áo… Cái giọng cao vút non choẹt khiến quan huyện thích thú, nhưng ngay sau đó là nỗi buồn tê tái. Quan huyện nhớ lại cảnh diễn tập bắn đạn thật của lính Đức ở bãi tập Thông Đức, rồi nhìn lại đám dân quê ở Mã Tang bị yêu thuật của Tôn Bính làm cho mụ đi. Ý thức trách nhiệm trước dân trào lên trong ông. Ông lẩm bẩm như tuyên thệ: phu nhân nói có lý, trong giờ phút nguy nan này, vì nước hay vì dân thì cũng không được tự tìm đến cái chết. Lúc này mà tự tìm đến cái chết là hành động đớn hèn, vô liêm sỉ. Đại trượng phu thời loạn nên noi gương Tăng Văn Chính Công, không từ nguy hiểm, cứu muôn dân thoát khỏi lầm than. Tôn Bính, ngươi là tên tồi tệ, vì thù riêng mà ngươi lôi kéo hàng nghìn dân Mã Tang vào cảnh nước sôi lửa bỏng! Bản quan phải bắt ngươi!
Tôn Bính cưỡi con ngựa màu táo chín, đi trước dẫn đường. hai chân sau con ngựa bị trụi một vệt lông vì dây kéo miết vào, chỗ da trụi có màu đen. Cặp mông gầy giơ xương bám nhoe nhoét phân lỏng. Nhìn thoáng qua, quan huyện cũng nhận ra đây là loại ngựa kéo cày, chở phân ra đồng, nay trở thành ngựa chiến của Nhạc nguyên soái. Thương thay cho con ngựa! Đi trước ngựa là một thanh niên mặt bôi đỏ, tay cầm cây gậy trơn bóng giống cán cuốc. Đi sau ngựa là một thanh niên mặt bôi đen, tay cầm cây gậy trơn bóng giống cán xẻng. Quan huyện đoán hai người này là Trương Bảo và Vương Hoành, hai nhân vật trong “Chuyện kể Nhạc Phi”. Tôn Bính ngồi thẳng đuỗn trên lưng ngựa, một tay cầm cương, một tay cầm cây gậy gỗ táo, điệu bộ rất khoa trương. Tư thế này chỉ hợp với khung cảnh trăng lạnh biên thùy hoặc mênh mông bình nguyên… với con tuấn mã phi như gió. Quan huyện nghĩ, rất tiếc là không có ngựa chiến, mà chỉ có một con ngựa già chốc chốc lại ỉa phân lỏng, chỉ có một con đường chật hẹp bụi mù, một con gà mái đang bới rác, một con chó gầy trơ xương chạy trong ngõ. Cỗ kiệu đi theo Tôn Bính đến bên một vũng cạn rất rộng ở trung tâm thị trấn. Quan huyện trông thấy trên mặt đất khô nẻ có vài trăm đàn ông, đội khăn đỏ, thắt lưng đỏ, ngồi im như bụt. Trên một cái bệ xây bằng gạch vỡ, trước mặt đám đông, mấy người ăn mặc lòe loẹt đang gân cổ hát Miêu Xoang, làn điệu bi thảm mà lời của nó thì hai bằng tiến sĩ như quan huyện cũng chịu không rõ nghĩa:
… Chính nam thổi tới luồng gió xoáy, Hồng Thái úy đã thả bạch miêu tinh. Bạch miêu tinh, lông trắng mắt đỏ bạch miêu tinh! Chỉ hút máu tanh! Thái Thượng Lão Quân đã hiển linh… Luyện thần quyền bảo vệ Đại Thanh! Giết sạch bạch miêu tinh, lột da móc mắt, thắp thiên đăng…
Tôn Bính dừng ngựa trước một túp lều bằng chiếu mới dựng bên vũng. Con ngựa lắc lắc cái bờm rối như lá hẹ, ho khan một hồi rồi khuỵu hai chân sai ỉa ra một bãi phân lỏng. Mã tiền Trương Bảo buộc ngựa vào gốc liễu đã chết khô, Mã hậu Vương Hoành đón cây gậy gỗ táo từ tay Tôn Bính. Tôn Bính ngó kiệu của quan huyện, biểu thị một thái độ vừa kiêu kỳ vừa ngu xuẩn. Phu kiệu hạ đòn khiêng, vén rèm, quan huyện vén áo chui ra. Tôn Bính ngênh ngang bước vào trong lều, quan huyện theo sao.
Trong lều thắp hai cây nến, ánh nến leo lét, soi sáng một tranh tượng treo trên vách. Thần tượng trong tranh, đầu cài lông trĩ, mặc mãng bào, cầm có bộ râu đẹp, ba phần giống Tôn Bính, bảy phần giống quan huyện. Quan huyện nhiều năm dan díu với Tôn Mi Nương, nên hiểu rất sâu lịch sử Miêu Xoang. Ông biết người trong tranh là Thường Mậu, ông tổ Miêu Xoang, giờ đây Tôn Bính thỉnh về làm thần hộ mệnh cho Nghĩa hòa quyền. Quan huyện vừa bước vào trong lều thì nghe có tiếng thị uy phát ra từ trong bóng tối, định thần nhìn kỹ, thấy tám man đồng đứng hai bên, bốn mặt đỏ, bốn mặt đen, quần áo trên người cũng bốn đen bốn đỏ, cựa một cái là sột soạt như bằng giấy. Quả nhiên là bằng giấy. Các man đồng đều cầm gậy, và đều là cán cuốc. Quan huyện càng coi thường Tôn Bính, tưởng nhà ngươi có cái gì mới mẻ kia, té ra vẫn mấy cái trò lăng nhăng quen thuộc trên sân khấu ở nông thôn. Nhưng ông biết, người Đức không cho là lăng nhăng, triều đình và Viên Thế Khải không cho là lăng nhăng, hơn ba nghìn trấn Mã Tang không cho là lăng nhăng, những thanh niên thường trực trong lều không cho là lăng nhăng, người cắm đầu là Tôn Bính càng không cho là lăng nhăng.
Cùng với tiếng thông báo, Tôn Bính khệnh khạng bước tới chiếc ghế co tay vịn bằng gỗ pơ mu, điệu bộ rất kịch, ngồi xuống vá dài giọng hỏi:
- Tướng kia hãy thông báo họ tên!
Quan huyện cười nhạt:
- Tôn Bính, nói theo kiểu Cao Mật các ông, ông đừng có xỏ chân lỗ mũi. Bản quan đến đây, một không phải đến nghe hát, không phải đến cùng ông diễn Miêu Xoang. Ta đến bảo ông điều này…
- Ngươi là thằng đếch nào mà dám ăn nói như thế với nguyên soái ta – Mã tiền Trương Bảo cầm gậy chỉ vào mũi quan huyện – Nguyên soái nhà ta thống lĩnh hàng ngàn binh mã, lớn hơn nhiều so với cái huyện bé tí của ngươi.
- Ông đừng quên – Quan huyện vuốt râu, nhìn chằm chằm vào cái cằm lỗ chỗ như người bị chốc đầu, hỏi – Tôn Bính, vì sao râu của ông không còn nữa?
- Biết ngay tên gian tặc này làm chuyện ấy. Ta còn biết, trước khi đọ râu, nhà ông đã chải râu bằng keo nước trộn với muội than, nếu biết, chắc ta không thua ông. Ta thua thì đã đi một nhẽ, trước mặt mọi người, ông tuyên bố tha cho ta rồi lại sai người vặt râu ta.
- Ông muốn biết ai vặt râu ông không?
- Chẳng lẽ nhà ông?
- Ông đoán đúng – Quan huyện bình tĩnh nói – Hiển nhiên là râu ông đẹp hơn râu của ta, nếu ta không ra tay trước, chắc chắn ta sẽ thua. Trước mặt mọi người, ta tha ông để các hương hiền thấy ta là người khoan hồng độ lượng; đến đêm ta che mặt vặt rau ông để trị cái thói ngông của ông, để ông làm con người biết điều.
- Tên quan chó má! – Tôn Bính đập bàn giận dữ đứng lên – Các con, bắt thằng chó cho ta, vặt sạch râu nó đi cho ta. ngươi biến cằm ta thành bãi đất phèn, ta phải biến cằm ngươi thành sa mạc Gôbi.
Trương Bảo, Vương Hoành vác côn lăm le xông vào, tám tên man đồng hó hét trợ oai.
- Ta đây mệnh quan triều đình, đường đường một tri huyện, xem thằng nào dám đụng vào cái lông chân của ta – Quan huyện nói.
Mắng Tiền Đinh vô ý vô tình… Ngươi như con thiêu thân rơi trúng tay ta… mối thù này hôm nay phải báo…
Tôn Bính vừa hát điệu Miêu Xoang vừa vác gậy xông tới…
Bớ tên giặc… nhằm đỉnh đầu quan huyện bổ một gậy.
Quan huyện né sang bên, bổ hụt, ông tiện tay tóm được gậy dúi một phát, Tôn Bính ngã bổ chửng.
Trương Bảo, Vương Hoành nhảy xổ vào ông huyện. Ông huyện nhẹ nhàng nhảy lui một bước như một con mèo đực, rồi tung mình nhảy tới linh hoạt như một chú gà trống, Trương Bảo, Vương Hoành dập đầu vào nhau đánh “cốp” một cái, hai cây gậy đã lọt vào tay quan huyện không biết từ lúc nào! mỗi tay một gậy, ông vụt Trương Bảo bên trái, ông vụt Vương Hoành bên phải, chửi:
- Đồ khốn, cút!
Trương Bảo và Vương Hoành ôm mặt kêu rối rít rồi chuồn ra bên ngoài. Quan huyện vứt bớt một cây gây, chỉ giữ lại một cây, quát:
- Bọn đốn mạt các ngươi, đợi ta nện cho các ngươi một trận hay cút đi cho khuất mắt!
Tám tên man đồng thấy tình thế rắc rối, tên thì vứt, tên kéo lê gậy chuồn sạch. Quan huyện túm cổ áo Tôn Bính, nhắc khỏi mặt đất, hỏi:
- Tôn Bính, ngươi phải nói thật, ba người Đức giam ở đâu?
- Họ Tiền kia, ngươi giết ta đi! – Hát:
Ta đây nhà tan, người mất, cô quạnh một mình. Sống thì sống, chết thì chết, tim ta không sờn…
- Người Đức giam ở đâu?
- Chúng ấy à? - Tôn Bính cười nhạt, lại cất tiếng hát:
Hỏi những tên chó Đức ở đâu, lòng ta lại nổi cơn thịnh nộ. Chúng đang ngủ trên trời, chúng đang nấp dưới đất, chúng đang trong rãnh nước, chúng đã chui vào bụng chó, nấp dưới xương sống lưng…
- Ngươi giết họ rồi hả?
- Chúng đang sống nhăn, ngươi có giỏi thì đi mà tìm!
- Tôn Bính – Quan huyện buông tay, thái độ chuyển sang thân thiết – Ta nói thực với ông, người Đức đã bắt giam con gái ông. Nếu ông không trả người cho họ, thì họ sẽ treo Mi Nương trên cổng thành.
- Thích treo thì cứ treo! – Tôn Bính nói – Con gái là con nhà người, ta không thể giúp gì con ta!
- Tôn Bính, Mi Nương là con gái độc nhất của ông, đừng quên ông nợ cô ấy nhiều lắm – Quan huyện nói – Nếu ông không giao cho ta những người Đức, thì hôm nay ta buộc phải bắt ông! – Quan huyện túm tay Tôn Bính ra khỏi lều.
Lúc này, mấy trăm người đội khăn đỏ, thắt lưng đỏ dưới sự chỉ huy của một người mặc trang phục sân khấu, ùn ùn chạy lên, vây Tôn Bính và quan huyện vào giữa. Người kia mặc quần da hổ, vẽ mặt khỉ, tay cầm cây gập sắt, nhảy vào giữa vòng người, trỏ gậy sắt vào quan huyện, nói giọng tỉnh ngoài:
- To gan! Tên yêu nghiệt ở đâu đến nhục mạ nguyên soái ta?
- Huyện lệnh đâu mà huyện lệnh! Rõ ràng là yêu nghiệt hóa thành người! Các con, phá bùa phép của nó cho ta!
Quan huyện chưa kịp phản ứng thì đã bị máu chó đổ đầy đầy mặt từ phía sau, tiếp theo là phân đầy người. Ông vốn ưa sạch, cả đời chưa bao giờ bị bẩn như thế này, ruột gan lộn cả lên chỉ muốn nôn ọe, phải buông Tôn Bính ra.
- Tôn Bính, chính ngọ trưa mai trao đổi con tin ở bên ngoài cửa Bắc, nếu không, con gái ngươi sẽ bị hành hạ đến chết. – Quan huyện vuốt mặt, mở mắt ra, tuy bẩn kinh khủng, nhưng ông vẫn tỏ ra cứng rắn – Ông không được coi lời ta như gió thoảng ngoài tai.
- Đánh chết nó đi! Đánh chết tên quan chó má đi! – Đám đông hét to.
- Bà con nông dân, ta chỉ muốn tốt cho các vị! – Quan huyện nói rất thành khẩn – Ngày mai trả con tin đi, sau đó muốn làm gì thì làm! Đừng theo Tôn Bính làm bậy nữa – Quan huyện nói với vị sư huynh Nghĩa hòa quyền bằng giọng châm biếm – Còn hai vị thì Tuần phủ Viên đại nhân có nghiêm lệnh giết sạch Nghĩa hòa đoàn, không để sót một mống, nhưng hai vị từ xa đến đây thì là khách, bản huyện bảo lãnh cho hai vị, mở cho hai vị con đường sống. Vậy hai vị nên mau rời khỏi nơi này, binh mã của tỉnh mà về đây thì muốn đi cũng không kịp.
Hai đại ca sắm vai Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới ngẩn người. Nhân đà, quan huyện bảo Tôn Bính.
- Tôn Bính, chuyện quan hệ đến mạng sống của con gái ông, ông không được bội ước. Trưa mai, đúng gờ ngọ, tại đầu cầu cách cửa Bắc huyện thành ba dặm, ta đợi ông ở đấy. Rồi quan huyện rẽ đám đông, bước những bước dài trên đường phố chính. Bọn phu kiệu hối hả khiêng kiệu chạy theo. Quan huyện nghe thấy Tôn Ngộ Không hát điệu Miêu Xoang:
Nghĩa hòa quyền, thần giúp quyền, giết hết dương quỉ giữ Trung nguyên, Nghĩa hòa quyền, giỏi như thần, đao thương kiếm thích không thể đâm…
Ra khỏi trấn, quan huyện chạy như bay. Các phu kiệu, bọn lính huyện chạy theo như một đàn dê. Họ ngửi thấy mùi thối trên người quan huyện, nhìn thấy các màu đỏ đỏ vàng vàng trên người ông, buồn cười mà không dám cười, muốn khóc mà không khóc nổi, định hỏi lại không dám, đành ra sức mà chạy theo. Đến cầu bắc qua sông Mã Tang, quan huyện nhảy ùm xuống sông, nước bắn tung tóe. Xuân Sinh và Lưu Phác đồng thanh kêu to:
- Đại nhân…
Họ nghĩ quan huyện tự vẫn, nên chạy vội đến bờ sông định nhảy xuống thì đã thấy đầu quan huyện nổi lên. Tháng Tư vẫn còn lạnh, nước sông màu xanh lưu ly, quan huyện cởi quan phục ra giặt, rồi sau đó giặt mũ.
Quan huyện sau khi tắm rửa sạch sẽ, được các tùy tùng trợ giúp, lóp ngóp lên bờ, người run cầm cập, lưng cúi gập. Ông mặc áo của Xuân Sinh, quần của Lưu Phác rồi lên kiệu. Xuân Sinh phơi bộ quan phục lên nóc kiệu, Lưu Phác phơi mũ quan trên tay đòn kiệu. Các phu kiệu vội khiêng kiệu về huyện, có đam lính rồng rắn đi theo. Quan huyện nghĩ:
- Mẹ kiếp, y như một tên gian phu trong vỡ diễn!
Cái tin người Đức bắt giam Tôn Mi Nương là do quan huyện bịa ra, hoặc cũng do linh cảm, nếu Tôn Bính tiếp tục giam giữ con tin, thì người Đức sẽ làm như thế. Ông đem theo vài tùy tùng thân tín, Caclôt cũng đem theo chừng ấy người đến địa điểm đã hẹn: đầu càu cách cửa Bắc ba dặm, đợi Tôn Bính. Quan huyện không nói với Caclôt chuyện trao đổi con tin, mà nói Tôn Bính đã hối cải, đồng ý trả lại con tin. Caclôt nghe vậy rất vui, qua phiên dịch, nói rằng nếu các con tin được tha, thì sẽ đến gặp Viên đại nhân xon cho quan huyện. Quan huyện cười buồn, trong lòng thấp thỏm không yên. Vì rằng, qua những lời ỡm ờ của Tôn Bính, ông đồ chừng những người Đức lành ít dữ nhiều. Ông cầu may mà đến, do vậy không hề nói chuyện Mi Nương với ai. Với Xuân Sinh và Lưu Phác, ông chỉ dặn đem theo một cỗ kiệu hai người, trong kiệu để một tảng đá.
Mặt trời đã lên cao, Caclôt rất sốt ruột, chốc chốc lại xem đồng hồ và qua phiên dịch, gặng hỏi xem liệu Tôn Bính có giở trò gì không? Quan huyện ậm ừ cho qua chuyện, không trả lời thẳng vào câu hỏi. Lòng như lửa đốt, nhưng bên ngoài ông cố làm ra vui vẻ thoải mái, nhờ anh chàng phiên dịch cằm nhọn:
- Ông giúp tôi hỏ tiên sinh Caclôt một câu, sao mắt ông ta xanh thế?
Anh chàng phiên dịch ngớ ra, không biết đối phó ra sao. Thế là quan huyện cười khanh khách.
Một đôi chim khách líu ríu trên cây liễu đầu sông, lông cánh màu sắc phân minh, trắng đen rành rẽ, thấp thoáng giữa đám tơ liễu buông mành, đẹp như tranh thủy mạc. Bên kia sông có mấy người dân đẩy xe, gồng gánh từ con đường nhỏ lên mặt đê, nhưng khi lên đến nơi, trông thấy con ngựa cao lớn của Caclôt và cỗ kiệu bốn người của quan huyện, họ hốt hoảng quay lui.
Giữa trưa, trên con đường đất mạn bắc, một đoàn rồng rắn đi lại. Caclôt vội lấy ống nhòm ra xem, quan huyện cũng đưa tay lên ngang mày che nắng để nhìn. Ông nghe tiếng Caclôt kề bên:
- Tiền, không có, tại sao không có?
Quan huyện đón chiếc ống nhòm từ tay Caclôt, đoàn người xa xa hiện ra trước mắt. Ông thấy Tôn Bính vẫn mặc trang phục sân khấu rách tả tơi, vẫn cây gậy gỗ táo, vẫn con ngựa già, nụ cười trên mặt không hiểu là ngu si hay ranh mãnh! Đi trước ngựa vẫn là Trương Bảo gầy như khỉ, đi sau ngựa vẫn là Vương Hoành ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới cưỡi ngựa đi sau. Sau lưng họ có bốn thợ kèn, hai thổi Sôlana, hai thổi kèn bầu. Sau nhóm kèn là cỗ xe bánh gỗ do la kéo, trên xe quây kín bằng chiếu cói. Sau cỗ xe là một đám hơn chục người đội khăn đỏ, tay cầm súng. chỉ người Đức là không thấy. Quan huyện lạnh người, mắt nhòa đi, tuy đúng như đã lường trước, nhưng ông vẫn le lói tia hy vọng, rằng trong xe có ba người Đức. Quan huyện trả ống nhòm cho Caclôt, tránh cái nhìn của lão ta. Ông ước lượng sức chứa của cỗ xe để xem liệu có ba người Đức ở trong đó không? Ông nghĩ đến hai kết quả, một, trên xe có ba lính Đức; hai, trên xe có ba cái xác lính Đức. Ông vốn không mê tín trời đất quỉ thần, nhưng lúc này ông thầm xin trời đất thần linh phù hộ ba tên lính Đức xuống xe yên lành, hoặc khiêng xuống cũng được, chỉ cần còn hơi thở, sự việc sẽ được giải quyết đâu vào đấy. Nếu xuống xe là ba cái xác thì hậu quả sẽ ra sao, quan huyện không dám nghĩ tiếp. Rất có thể là trong cuộc đổ máu, một cuộc đại tàn sát, lúc ấy thì cá nhân thăng gián ra sao có đáng kể gì!
Trong lúc quan huyện suy nghĩ miên man, thì đội ngũ của Tôn Bính đã kế cận đầu cầu. Giờ thì không cần ống nhòm, quan huyện cũng nhìn rõ từng chi tiết. Ông quan tâm cỗ xe bí hiểm. Lắc lư trên con đường gồ ghề, cỗ xe chở cái gì rất đáng kể, nhưng không thật nặng. Hai bánh cao lêu đêu chậm rãi lăn, phát ra tiếng kin kít. Đoàn người đến đầu cầu thì dừng lại, đội kèn cũng dừng thổi. Tôn Bính thúc ngựa lên mặt đê, cao giọng tự bạch:
- Ta, Nguyên soái Đại Tống Nhạc Phi. tướng kia mau xưng rõ tên họ?
Quan huyện gọi to:
- Tôn Bính, mau thả con tin ra.
- Ông bảo bọn chó Tây thả con gái ta ra - Tôn Bính nói.
- Tôn Bính, bảo thật ông, họ không bắt con gái ông - Quan huyện vén rèm kiệu – Ở trong này chỉ có một tảng đá.
- Ta biết ngay là ông nói dối – Tôn Bính cười – Bản soái có nhiều tai mắt trong huyện, nhất cử nhất động của các người, đều biết hết!
- Nếu ông không trả con tin, tính mạng của Mi Nương khó bảo đảm – Quan huyện nói.
- Bản soái đã đoạn tuyệt tình cha con với Mi Nương, nó chết hay sống là ở ông! – Tôn Bính nói – Nhưng bản soái vốn độ lượng, bọn chó Tây có thể bất nhân, còn bản soái thì không bất nghĩa! Bản soái đã đem chúng đến đây, sẽ thả chúng ngay bây giờ.
Tôn Bính phẩy tay về phía sau, các đội viên Nghĩa hòa quyền, lôi từ trên xe xuống ba bao tải, kéo đến chỗ đầu cầu. Quan huyện thì thấy hình như trong bao tải có vật cựa quậy và phát ra tiếng kêu quái gở.
Các đội viên đến giữa cầu thì ngừng lại, đợi lệnh Tôn Bính. Tôn Bính nói to:
- Thả chúng ra!
Các đội viên mở miệng bao tải, cầm góc rũ một cái, trút ra hai con lợn mặc áo lính Đức và một con chó trắng đội mũ lính Đức. Con chó sủa anh ách, vừa bò vừa lăn đến chỗ Caclôt như con chạy đế chỗ bố.
Tôn Bính nói nghiêm túc:
- Chúng đã tự biến thành chó lợn!
Bộ hạ của Tôn Bính đồng thanh reo:
- Chúng đã tự biến thành chó lợn!
Cảnh tượng trước mắt khiến quan huyện khóc dở cười dở. Caclôt rút súng nhằm Tôn Bính nã một phát, viên đạn trúng cây gậy gỗ táo Tôn Bính cầm trên tay, phát ra một tiếng động kỳ quặc. Nhìn bộ dạng Tôn Bính, người ta không nghĩ rằng đạn bắn trúng gậy, mà là ông ta dùng cây gậy gạt đạn bắn đi nơi khác. Trong lúc Caclôt nhằm bắn Tôn Bính thì một thanh niên cầm súng hỏa mai cũng nhằm Caclôt đẩy một phát. Đạn ghém ra khỏi nòng, xòe ra như lưỡi chổi, có đến mấy viên trúng con ngựa lớn của Caclôt đang cưỡi. Con ngựa bị thương lồng lên, hất ngã Caclôt, chạy xuống sông, Caclôt bị kéo theo. Quan huyện trong phút nguy kịch ấy vọt tới như một con báo, ôm chặt cổ con ngựa đã bị đạn mù mắt. Các tùy tùng chạy tới rút chân Caclôt khỏi bàn đạp. Caclôt bị trúng một viên đạn ghém, thủng tai. Sờ tai, thấy chảy máu, hắn kêu thất thanh.
- Tổng đốc đại nhân nói gì vậy? – Quan huyện hỏi người phiên dịch.
- Tổng đốc đại nhân nói, ông ta sẽ tố cáo ông với Viên đại nhân.
Lính Đức và một tiểu đoàn bộ binh thuộc Hữu quân Bộ đội Cảnh vệ Tiểu Trạm Thiên Tân điều đến ngay trong đêm, bao vây trấn Mã Tang. Quân Thanh phía trước, quân Đức phía sau, vội vã phát động tiến công. Quan huyện và Thống lĩnh tiểu đoàn bộ binh Mã Long Tiêu, một bên trái một bên phải, đứng kèm Caclôt tai quấn băng, chẳng khác hai bảo tiêu áp tải hàng. Phía sau, trong rừng liễu, pháo binh Đức đã chuẩn bị xong xuôi, đứng sau mỗi khẩu pháo là bốn lính Đức, thẳng đuỗn như cây cột vô tri vô giác. Quan huyện không biết Caclôt đã điện cho Viên đại nhân hay chưa, chỉ biết rằng, buổi trưa có chuyện trao đổi con tin, thì buổi chiều Mã Long Tiêu đã đưa quân đoàn về tới nơi.
Quan huyện thu xếp cho Tiểu đoàn một nơi ăn chốn ngủ, rồi đặc cách sửa một tiệc rượu tẩy trần thết đãi Mã Long Tiêu. Mã là con người khiêm nhường, hết lời ca ngợi, tỏ lòng khâm phục Tăng Văn Chính Công, lại nói từ lâu đã ngưỡng mộ học vấn của quan huyện. Khi cuộc rượu gần tàn, Mã nói nhỏ với quan huyện rằng, Mã với Tiền Hùng Phi, người bị xử tội lăng trì ở Thiên Tân, là bạn thân. Chỉ một chuyện này đã khiến quan huyện coi mối quan hệ với Mã là mối quan hệ đặc biệt, coi Mã như bạn thâm giao, chẳng có điều gì cần giấu.
Để hỗ trợ Mã Long Tiêu lập công, quan huyện điều động tất cả năm mươi lính của huyện, làm nhiệm vụ dẫn đường cho lính Thanh và lính Đức, tranh thủ còn lúc còn tối đất, hoàn thanh nhiệm vụ bao vây. Quan huyện cũng đến cùng binh lính. Cuộc trao đổi con tin hôm qua đúng là một hành động ngu ngốc. Tôn Bính dùng một trò ranh ma để hạ nhục ông và người Đức. Lời tự bạch của Tôn Bính và bọn thủ hạ cứ từng đợt vang bên tai ông: chúng nó đã tự biến thành chó lợn! Chúng nó đã tự biến thành chó lợn! Quan huyện nghĩ, lẽ ra phải hiểu, bọn Tôn Bính không cho ba tên Đức sống. Chính ông đã nghe kể, bọn Tôn Bính trói ba tên tù binh vào gốc cây, tưới nước tiểu nóng lên đầu, sau đó đã khẳng định bọn chúng lấy tim gan để tế hai mươi bảy vong hồn. Vậy mà ta cứ ngây ngô cho rằng ba tên Đức vẫn còn sống, buồn cười hơn là còn định giải cứu họ, lập một chiến công vĩ đại để Viên đại nhân vì nể. Đúng ra, ta bị phu nhân nói khích mới có những hành động cực kỳ ngu xuẩn như thế. Thằng khốn Caclôt cũng không gặp may. Hắn bắn Tôn Bính, vậy là có huyền thoại về Tôn Bính võ nghệ cao cường, dùng gậy đánh văng đạn; còn bộ hạ của Tôn Bính thì bắn chơi một phát đã giết một con tuấn mã và thủng tai Caclôt. Quan huyện biết, cáo trạng về ông đã có thể đánh đi, dù chưa đánh thì sớm muộn sẽ đánh. Viên đại nhân có thể đã rời Tế Nam tiến về Cao Mật. Nếu trước khi Viên đại nhân về đây mà đã bắt được Tôn Bính, thì may ra ông còn giữ được cái đầu, nếu không, tất cả sẽ chấm hết.
Quan huyện trông thấy đám lính của ông, cầm đầu là Lưu Phác, đang khom người tiến về phía tường vây. Những thằng cha này, với dân thì như hùm sói, nhưng đánh giặc thì nhát như cáy! Lúc đầu, đội hình hãy còn phân tán, càng gần tường vây càng túm tụm lại như một đàn gà sợ rét. Ông huyện tuy chưa có kinh nghiệm chiến trận, nhưng ông đọc rất nhiều lần binh thư của Văn Tăng Chính Công, ông biết rằng ken dày thế này rất dễ bị sát thương. Ông hối tiếc đã không huấn luyện cho họ đôi chút trước khi đưa đi tấn công, nhưng bây giờ thì muộn rồi. Họ tiến về phía tường vây. Phía trên vẫn yên tĩnh, hình như không có người. Nhưng quan huyện biết trên đó có người, vì ông trông thấy cứ cách vài trượng lại có một đám khói đen, thậm chí ông còn ngửi thấy mùi cháo. Binh thư của Văn Tăng Chính Công dạy rằng, không phải những người giữ thành nấu cháo để ăn, lý do vì sao thì ông đã biết, nhưng không dám nghĩ tiếp. Lính của ông tiến đến cách tường vây vài trượng thì dừng lại, bắt đầu bắn, người sử dụng hỏa mai thì bắn hỏa mai, người sử dụng cung thì bắn cung. Tiếng súng rời rạc, đì đẹt chưa đầy hai chục phát đã câm bặt. Tến bắn vọt qua tường hoặc đụng tường rơi xuống. So với hỏa mai, tên nỏ càng vô tích sự, chẳng khác đồ chơi của trẻ con. Hỏa mai thì sau khi bắn, xạ thủ lại quì xuống, dốc thuốc súng từ bầu hồ lô đeo lủng lẳng bên sườn, vào nòng. Đây là loại hồ lô thắt đáy ở giữa, bên ngoài phủ ba lớp sơn ngô đồng bóng lộn, rất đẹp. Đã một thời, quan huyện dẫn đội lính về thôn xã bắt bạc, bắt trộm, vẫn rất tự hào về hai chục bầu hồ lô này. Giờ so với Hữu quân CẢnh vệ và lính Đức, súng ống của quan huyện chỉ là trò trẻ con! Nạp thuốc rồi, đội hỏa mai lại bắn một loạt, rồi hò hét giời ơi đất hỡi xông lên. Tường vây tuy không cao, chỉ khoảng một trượng, đầu tường, cỏ khô từ năm ngoái run rẩy. Kỳ thực, cổ khô run hay quan huyện run? Hai phu kiệu khênh một cái thang chạy lên. quanh năm khiêng kiệu đã rèn cho họ bước chạy nhún nhảy, đúng ra là không biết chạy, chỉ là rê chân theo nhịp. Trong giờ phút khẩn trương xung phong hãm trận, mà chúng cứ ung dung thanh thản như khiêng quan huyện nhàn du. Đến chân tường, chúng dựng thang, phía trên vẫn không động tĩnh, quan huyện đã hơi mừng. Dựng xong, hai tên đứng hai bên giữ thang, đội hỏa mai và cung nỏ nối đuôi nhau trèo lên. khi trên thang đã có ba người, và người trên cùng đã tiếp cận mặt thành, thì có rất nhiều khăn đỏ nhô lên, rồi thì từng chảo cháo bỏng trút lên đầu lên mặt bọn lính đang trèo. Tiếng rú thê thảm của bọn lính khiến quan huyện run bắn. Ông có cảm giác sắp bĩnh ra quần, nên nghiến răng nghiến lợi cố kìm lại. Ông trông thấy lính hỏa mai bật ngửa từ trên thang xuống. Phía dưới, bọn lính bò lê bò càng về phía sau. Các đội viên Nghĩa hòa đoàn khoái trí cười ha hả. Lúc này, một hồi kèn vang lên từ trong đám binh, lính bộ binh được huấn luyện tốt của Hữu quân xách súng chạy lên, vừa chạy vừa bắn.
Chứng kiến đợt tấn công của quân triều đình bị các đội viên Nghĩa hòa đoàn dùng nước sôi, cháo bỏng, thuốc nổ và gạch đá đánh lui, quan huyện mới thấy mình đánh giá thấp Tôn Bính. Ông cứ tưởng Tôn Bính chỉ giỏi sắm vai quỉ thần, không dè Tôn Bính rất giỏi quân sự. Quan huyện tiếp nhận kiến thức quân sự qua sách vở, Tôn Bính nắm nghệ thuật quân sự qua kịch bản, không những sáng sủa về lý luận mà còn phong phú trong thực tiễn. Nhìn quân đội ưu tú nhất của triều Thanh cũng tháo chạy cuống cuồng như lính dõng của ông, quan huyện thấy được an ủi phần nào, thậm chí cảm thấy vui là khác. Dũng khí và sự tự tin trở lại trong ông. Giờ thì đến lượt quân Đức. Ông liếc sang Caclôt đang dùng ống nhòm quan sát tình hình trên tường vây, không nhìn được cả mặt, chỉ nhìn được một nửa bên má giật giật của hắn. Quân Đức phục phía sau quân triều đình, chưa hề phát lệnh xung phong, trái lại, còn rút lui đến mấy chục trượng, xem ra đã có tính toán từ trước. Caclôt bỏ ống nhòm xuống, trên mặt thoáng một nét cười khinh thường. Hắn nói rất to câu gì đó với pháo đội phía sau, những tên Đức đứng im như phỗng bỗng nhốn nháo. Chỉ một lát sau, mười hai phát đạn pháo tít chói tai, bay về phía tường vây như những con quạ đen, bung từng đám khói trắng phía trước phía sau bức tường, rồi một loạt tiếng nổ xé màng nhĩ. Quan huyện trông thấy những mảng tường bị trúng đạn, trong đám gạch ngói bắn tung lên trời có cả những mảnh thịt người. Lại một loạt đạn pháo tiếp theo, những mảnh thịt người bắn tung lên càng nhiều hơn. Trên tường có tiếng kêu gào, cổng lớn bằng gỗ thông trúng đạn pháo, vỡ toang. Lúc này, Caclôt cầm lấy ngọn cờ đỏ do tùy tùng đem tới, vẫy về phía quân Đức. Lính Đức ôm súng, vừa hò hét vừa xông lên qua chỗ cổng vỡ. Lính triều đình vội chỉnh đốn hàng ngũ, phát động xung phong lần thứ hai. Chỉ riêng đám lính dõng của ông là thương vong nặng nề, nằm la liệt kêu cha khóc mẹ. Quan huyện rối như tơ vò, ông biết trấn Mã Tang dứt khoát bị san bằng, sau khi san bằng, mấy nghìn dân biết chạy đi đâu? Thị trấn phồn hoa vào bậc nhất của vùng Cao Mật này sẽ không còn nữa. Biết là như vậy, nhưng ông bất lực, mà ngay nhà vua có đến đây thì cũng không ngăn được bọn Đức tiến công một khi đã nắm chắc phần thắng. Lập trường quan huyện bây giờ lại đứng về phía dân. Ông hy vọng những người dân trong thị trấn, nhân lúc quân Đức chưa vào tới nơi, cấp tốc chạy về hướng Nam. Hướng Nam tuy có con sông Mã Tang, nhưng dân trấn đa phần biết bơi. Ông cũng biết ở đó có một tiểu đội Hữu quân mai phục, nhưng cứ bơi xuôi dòng sẽ thoát, với lại, ông tin rằng tiểu đội này sẽ không giết đàn bà trẻ con, dù sao cũng là người Trung Quốc với nhau!
Tình hình phát triển ngoài dự đoán của quan huyện, quân Đức đang ùn ùn kéo qua chỗ cửa mở bỗng biến mất, phía sau cổng bốc lên một đám bụi lớn, tiếp đó vọng lại tiếng kêu gào của chúng. Quan huyện lập tức hiểu ra, Tôn Bính đa mưu túc kế đã cho đào hố phía sau cổng, một cái hồ thật to. Quan huyện thất Caclôt tái mặt, vội phất cờ ra hiệu cho quân Đức lùi lại. Ông biết, lính Đức tương đối có giá, kế hoạch phá thành mà không mất một tên quân của Caclôt phá sản, nhưng ông khẳng định Caclôt sẽ cho nã pháo tiếp, từng hòm đạn pháo chất đống như thế kia, chắc chắn sẽ biến trấn Mã Tang thành đống gạch vụn. Ông cũng dự đoán, rằng thắng lợi cuối cùng sẽ về tay quân Đức. Quả nhiên Caclôt gầm lên với Đầu mục đội pháo. Đúng lúc ấy, một ý nghĩ chợt lóe trong đầu, quan huyện chợt nảy ra một kế hoạch táo bạo. Ông bảo người phiên dịch đứng sau Caclôt:
- Nói với Caclôt khoan nã pháo, bản quan có điều quan trọng muốn nói với ông ta.
Người phiên dịch nói lại, quả nhiên Caclôt cho ngừng bắn. Hắn nhìn quan huyện bằng cặp mắt xanh biếc. Ngay cả Mã Long Tiêu nét mặt ủ dột cũng ngước nhìn ông. Quan huyện nói:
- Tổng đốc tiên sinh, Trung Quốc có câu “Muốn bắt giặc trước hết bắt tướng”, những người dân trấn này bị Tôn Bính dụ dỗ mê hoặc, mới dám chống lại quân đội quí quốc. Tất cả là do Tôn Bính gây ra. Chỉ cần bắt Tôn Bính xử thật nặng nề làm gương cho những kẻ khác, thì sẽ không còn ai phá đường sắt, nhiệm vụ của các hạ cũng hoàn thành. Bản quan nghĩ, quí quốc đến Trung Quốc, cái chính là để được lợi lộc, mà không phải đến để đánh nhau với dân chúng tôi. Nếu như các hạ thấy lời bản quan phần nào có lý, bản quan tự nguyện một mình vào thành khuyên Tôn Bính ra hàng.
- Có phải ông định vào để bày mưu tính kế cho Tôn Bính? – Người phiên dịch dịch xong lời ông, lại dịch luôn lời Caclôt.
- Tôi là mệnh quan của nhà Thanh, gia đình tôi ở cả đây – Quan huyện nói – Tôi tự nguyện vào nơi nguy hiểm, thực ra là không muốn đội quân của các hạ thương vong thêm nữa. Quân đội quí quốc vượt biển đến Trung Quốc, mỗi quân mỗi lính đếu quí như châu ngọc, nếu để thương vong nhiều quá, Hoàng đế của các hạ liệu có ban thưởng cho các hạ không?
- Mã Long Tiêu đại nhân phải bảo lãnh – Phiên dịch nới lại lời Caclôt.
- Tiền huynh, đệ hiểu ý tôn huynh – Mã Long Tiêu lo lắng – Vạn nhất cái dân cứng đầu cứng cổ ấy…
- Mã đại nhân, ta nắm chắc năm mươi phần thắng rồi – Ta không muốn thị trấn trù phú này bị san thành bình địa, càng không muốn những người dần vô tội bị tàn sát!
- Nếu đại nhân dụ được Tôn Bính ra hàng, tránh được thương vong cho quan quân, lại bảo toàn được tính mạng cho dân chúng – Mã Long Tiêu thái độ rất thành khẩn – Đệ sẽ đề nghị Viên đại nhân khen thưởng Tiền huynh.
- Sự tình đã như thế này, ta không cần thưởng công, chỉ cần không tội – Quan huyện nói – Mã đại nhân, nói với Caclôt, khi bản quan dụ được Tôn Bính ra thì ông ta rút quân.
- Đệ xin bảo đảm – Mã Long Tiêu rút trong bọc ra một khẩu súng lục mới tinh đưa cho quan huyện, nói – Tiền huynh cầm lấy, phòng khi…
Quan huyện xua tay tỏ ý không cần, nói:
- Xin Mã đại nhân nghĩ đến dân mà thuyết phục được Caclôt đừng nã pháo nữa.
Quan huyện cưỡi ngựa đi qua chỗ cổng vỡ, quát to:
- Ta là tri huyện Cao Mật, bạn của nguyên soái cá người, có việc quan trọng cần bàn với nguyên soái – Nói rồi thúc ngựa xông vào cổng, tất nhiên là không bị ai ngăn trở. on bị ai ngăn trở. Ông đi vòng quanh cái hố bẫy, trông thấy hơn một chục lính Đức đang giẫy giụa, kêu gào thảm thiết dưới đó.
Hố sâu hơn một trượng, cắm chông tre và thép, răng cưa dày đặc. Lính Đức có tên đã chết, có tên bị thương nặng, trông như những con ếch ộp mặc áo có gai dài. Mùi thối xộc lên, chứng tỏ Tôn Bính không chỉ bố trí những vật sắc nhọn, mà cả cứt đái dưới hố. Quan huyện chợt nhớ lại chuyện cách đây mấy chục năm, một vị đại sứ nào đó đã dâng kế lên Hoàng thượng, nói rằng lính Tây ưa sạch, sợ nhất là cứt, nếu như quân của thiên triều khi ra trận, mỗi người cõng một thùng phân, chỉ việc vung phân ra là lính Tây bịt mũi bỏ chạy, thậm chí nôn mửa đến chết. Nghe nói vua Hàm Phong rất tán thưởng kế sách này, vừa đánh thắng địch, vừa tiết kiệm ngân sách. Chuyện này do phu nhân quan huyện kể, nó như một chuyện tiếu lâm. Khi ấy ông cũng cười rồi cho qua, ai ngờ Tôn Bính lại gia giảm đôi chút rồi đem nó ra sử dụng. Cái chiến thuật đậm màu sắc Trung Quốc mang tính bỡn cợt đó, khóc cũng dở, cười cũng dở. Thực ra, từ chuyện trao đổi con tin hoang đường hôm qua, quan huyện đã tìm hiểu sơ bộ phong cách chiến thuật của Tôn Bính. Đúng vậy, ông ta rất ấu trĩ, rất nhiều cách thức mang tính trẻ con, nhưng lại rất bất ngờ, hơn nữa, rất hiệu quả. Trong khi đi vòng bờ hố, quan huyện nhìn thấy hai bên lũy đất, dân Nghĩa hòa quyền bị thương la liệt, rất nhiều chảo ghênh bị vỡ tan tành, cháo nóng hòa trộn với máu chảy thành rãnh. Những người chưa chết ngay vật vã rên rỉ. Phụ nữ trẻ con chạy nháo nhác như những con nhặng xanh bị ngắt đầu, trên con đường cách đấy không lâu ông đi qua. Trên thực tế, thị trấn đã san bằng, quân Đức có thể hành tiến mà chiếm lĩnh. Nghĩ vậy, quan huyện thấy quyết định của ông vô cùng sáng suốt, hi sinh một Tôn Bính để đổi lấy tính mạng của hàng ngàn người. Bất kể ra sao cũng phải bắt bằng được Tôn Bính, văn không được thì phải dùng võ, tuy hồi nãy ông không đem theo khẩu súng của Mã Long Tiêu, nhưng ông tin rằng ông hoàn toàn có thể khống chế được Tôn Bính. Ông như đắm mình trong bầu không khí bi tráng, bên tai văng vẳng tiếng trống thúc, tiếng quân reo. Ông thúc ngựa phi thẳng tới bên bờ vũng, ông biết Tôn Bính ở đó.
Quan huyện trông thấy mấy trăm đội viên Nghĩa hòa quyền ở đáy vũng đang uống nước bùa, người nào cũng bê một cái bát to, trong bát là nước tro. Tôn Bính mà ông cần gặp đang đứng trên bệ gạch, hát rất to một câu thần chú. Không thấy Tôn Ngộ Không, vị đại sư huynh từ Tào Châu đến giúp, chỉ có vị nhị sư huynh Trư Bát Giới đang biểu diễn dũi đất để trợ oai. Quan huyện xuống ngựa, bước thẳng lên bệ gạch đá đổ hương án, quát:
- Tôn Bính, người của ông ngoài tường vây chết như rạ, ông còn ở đây bịp bợm nỗi gì?
Hộ pháp Trư Bát Giới từ phía sau Tôn Bính xông lên. Quan huyện nhanh như cắt, vọt ra phía sau Tôn Bính, rút dao găm sáng loáng kề lưng Tôn Bính, phía sau tim, quát:
- Không được động!
Tôn Bính giận dữ, nói:
- Tên quan chó má, ngươi lại đến phá thần quyền của ta! Ta đây mình đồng da sắt, dao kiếm không đứt, nước lửa không vào!
- Bà con hãy ra chỗ tường vây mà xem, thịt người làm sao chặn được đạn pháo? – Quan huyện dựng chuyện – Ngay đại sư cao cường Tôn Ngộ Không cũng còn bị xé thành trăm mảnh nữa là.
- Nói láo! – Tôn Bính gầm lên.
- Tôn Bính – Quan huyện lạnh lùng hỏi – Có phải ông đã luyện được mình đồng da sắt, không thể bị thương, đúng không?
- Ta đây rắn như kim cương, ngay cả đạn cũa bọn Tây cũng bắn không thủng.
Quan huyện cúi nhặt viên gạch vỡ, đập một phát vào trán Tôn Bính. Tôn Bính không tránh kịp, ngã ngửa. Quan huyện nắm cổ áo, xốc Tôn Bính đứng dậy, nói:
- Để mọi người chiêm ngưỡng cái thân thể kim cương của ngươi rắn đến mức nào?
Máu đen từ vết thương trên trán Tôn Bính chảy xuống mặt như những con giun. Nhị sư huynh Trư Bát Giới vung đinh ba quật ngang mông quan huyện. Quan huyện né sang bên, đồng thời phóng tay ra, lưỡi dao đã ngập bụng Trư Bát Giới. Trư Bát Giới gào lên đau đớn, lăn xuống bệ.
- Bà con thấy rõ rồi chứ? – Quan huyện nói – Họ là sư huynh và đàn chủ các vị, nhưng gạch vỡ và dao găm của bản quan đã không chống nổi, thì chống chọi làm sao với đạn pháo?
Đám đông dao động, bàn tán sôi nổi.
Quan huyện nói:
- Tôn Bính, hảo hán như ngươi không nên vì mình mà để bà con toi mạng. Bản quan đã thuyết phục được Tổng đốc người Đức, chỉ cần ngươi đầu hàng là ông ta rút quân. Tôn Bính, ngươi đã làm được một công việc động trời, thế giới phải kinh ngạc. Nếu ngươi dám hi sinh thân mình để bảo toàn sinh mạng cho bà con, thì nhà ngươi sẽ lưu danh thiên cổ!
- Ôi, cũng là ý trời! – Tô n Bính thở dài, hát:
Cắt đứt nộp Kim, xưng thần tử, Nhẫn tâm khi bỏ chúng lê dân. Mười năm sự nghiệp sự nghiệp tan một buổi, cầu hòa nhục, tan đàn hận, chỉ e nửa giang san cũng không còn! Chớ nghĩ Nhạc Phi ngậm hờn nơi ngục thất, thiên hạ ai người quên Tướng quân!
Quan huyện túm chặt cánh tay Tôn Bính, kéo xuống bệ, nhân lúc mọi người nhốn nháo, lôi tuột ra cổng lớn, bỏ cả ngực ở lại.
Quan huyện bắt Tôn Bính ra khỏi trấn Mã Tang, trong lòng rộn lên niềm cảm khái của chủ nghĩa anh hùng, nhưng ngay sau đó ông bị giáng một đòn chí mạng, Ông lại phạm một sai lầm trao đổi con tin: Caclôt không vì Tôn Bính ra hàng mà rút quân. Khi trông thấy quan huyện và Tôn Bính đến trước mặt, hắn lập tức lệnh cho khẩu đội, mười hai khẩu pháo, đồng loạt nã đạn vào thị trấn. Khói lửa mù trời, chớp lửa sáng rực, dân chúng kêu la thảm thiết. Tôn Bính nổi điên bóp cổ quan huyện. Quan huyện không phản ứng, kệ cho ông ta bóp. Nhưng Mã Long Tiêu hò đám vệ binh gỡ tay Tôn Bính ra, cứu thoát quan huyện. Ông nhắm mắt trong tiếng chửi bới nhục mạ của Tôn Bính. Trong lúc bàng hoàng, người mụ đi như vậy, ông nghe thấy tiếng hô xung phong của bọn lính Đức, ông hiểu, cái thị trấn trù phú Mã Tang không còn nữa. Xảy ra chuyện này là do Tôn Bính, cũng có thể nói là do người Đức, cũng có thể nói là do ông.