Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đàn Hương Hình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18921 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đàn Hương Hình
Mạc Ngôn

II-Chương 2

Vầng trăng tròn vành vạnh treo giữa bầu trời như một người đẹp không mảnh vải che thân. Tiếng mõ canh ba vừa điểm, huyện thành im ắng. Gió mát đêm hè như tấm voan rộng mênh mông điểm xuyết bằng những chòm sao, trùm lên trời đất, đem theo mùi cây cỏ, cua cá, côn trùng. Aùnh trăng bàng bạc, soi tỏ Tôn Mi Nương đang đi dạo trong sân. Nàng cũng không mảnh vải che thân, lồ lộ dưới ánh trăng. Aùnh trăng như nước, nàng như con cá lớn màu nhũ bạc. Đây là một đóa hoa nở rộ, một quả đã chín tới, một cơ thể khỏe đẹp. Từ đầu đến chân, trừ bàn chân to, không một khiếm khuyết. Da mịn màng, chỉ một cái sẹo duy nhất khuất dưới mái tóc sau gáy.
Cái sẹo là vết cắn của một con lừa mõm nhọn. Khi đó, nàng vừa biết bò, nàng không biết mẹ nàng đã nuốt a phiến, nằm chết vắt ngang giường. Nàng bò lên mình mẹ ăn mặc chỉnh tề, như bò trên triền núi đẹp. Nàng đói muốn bú tí, không bú được, nàng khóc. Sau đó nàng ngã xuống đất, khóc rất to, không ai hỏi một câu. Nàng bò ra ngoài cửa. Nàng ngửi thấy mùi hoi của sữa. Nàng trông thấy con lừa con đang bú sữa. Con lừa mẹ tính nết dữ dằn, bị gia chủ cột vào cây liễu. Nàng bò đến bên con lừa mẹ, định bú tranh với lừa con. Lừa mẹ nổi giận, há miệng đớp vào gáy nàng, lắc mấy cái rồi lẳng nàng ra xa. Máu bê bết khắp người, nàng khóc thét kinh động hàng xóm. Bà hàng xóm tốt bụng bế nàng lên, rắc vôi bột vào vết thương sau gáy để cầm máu. Vết thương rất nặng, mọi người tin chắc nàng sẽ chết. Người cha phóng đãng cũng tin chắc nàng không qua khỏi. Vậy mà nàng sống. Mười bốn tuổi trở về trước nàng rất gầy, cái sẹo trên đầu bóng loáng. Nàng cùng gánh hát của cha đi khắp đó đây, nàng sắm vai trẻ nhỏ, vai tiểu yêu, vai mèo con. Năm mười lăm tuổi, nàng như cây lúa đói nước gặp cơn mưa rào, lớn nhanh như thổi. Năm mười sáu tuổi, tóc dài và mượt như cây thùy liễu chặt ngọn, những cành non mềm mại túa ra, rậm và khỏe khoắn. Suối tóc nhanh chóng che khuất cái sẹo sau gáy. Năm mười bảy tuổi, mỡ tích tụ nhiều dưới da, lúc này người ta mới biết nàng là con gái, còn trước đó, bởi chưng nàng có bàn chân to và mái đầu ngắn ngủn, ai cũng tưởng nàng là con trai. Năm mười tám tuổi, nàng trở thành cô gái đẹp nhất vùng Đông Bắc Cao Mật. Mọi người tiếc cho nàng: “Cô gái này nếu chân không to, thì vua phải tuyển làm quý phi!”.
Vì cái khiếm khuyết chân to, hai mươi tuổi, nàng đã trở thành gái già, không lấy được chồng. Về sau, Tôn Mi Nương mặt hoa da phấn đành hạ mình lấy Triệu Tiểu Giáp con nhà đồ tể ở cửa Đông huyện thành. Lúc Mi Nương về làm dâu, mẹ Giáp Con chưa chết. Người đàn bà bó chân này ghét cay ghét đắng cô con dâu chân to, nghĩ ra chuyện quái đản là dùng dao gọt bớt chân cho Mi Nương. Giáp Con không dám gọt, mẹ chồng đích thân ra tay. Mi Nương từ nhỏ sống tự do trong gánh hát, không được dạy bảo về tam tòng tứ đức, chỉ biết đao thương cung kiếm nhào lộn tối ngày, đại để còn là cô gái hoang dã, đi làm dâu phải nín phải nhịn, tức lộn ruột. Mẹ chồng lạch bạch đôi chân bó, cầm dao xông tới. Lửa giận cố nén lâu ngày được dịp bùng lên. Nàng tung một cú đá thể hiện đầy đủ ưu thế của bàn chân to và công phu luyện tập ở gánh hát. Mẹ chồng vốn ngật ngưỡng vì chân bó, trụ sao nổi một phi cước? Bà ngã lăn quay, Mi Nương xông tới, cưỡi lên mình mẹ chồng, đấm lia lịa như Võ Tòng đả hổ, mẹ chồng kêu trời kêu đất, vãi đái ra quần. Sau trận đòn ấy, bà già mang hận sinh bệnh, chẳng bao lâu thì chết. Từ đó, Tôn Mi Nương được giải phóng, trở thành gia trưởng thực sự. Nàng mở một quán rượu ở phố bên, bán hoàng tửu và thịt chó luộc. Chồng đần, vợ lẳng lơ làm chủ quán, khách khứa dập dìu. Những tay ăn chơi phóng đãng trong thành đều muốn ăn thịt ngỗng trời, nhưng chưa anh nào thỏa nguyện. Tôn Mi Nương có ba biệt hiệu: Nàng Tiên Chân To, Người Đẹp Một Nửa, Tây
Thi Thịt Cầy.
Mười ngày sau cuộc đọ râu, người ta vẫn chưa thôi bàn tán về dung mạo phong tình và tấm lòng độ lượng của quan huyện, lại đã tới ngày treo đèn kết hoa xem mặt phu nhân.
Theo lệ, hàng năm đến năm mười tám tháng Tư, người ta mở cửa sảnh Ba là nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường, đừng nói gì dân chúng, mà ngay cả nha dịch cũng không được tùy tiện ra vào, cho phụ nữ và trẻ con vào xem một ngày. Trong ngày ấy, phu nhân quan huyện, có quan ông ngồi cùng, từ sáng tinh mơ đã quần là áo lượt, ngồi dưới mái hiên sảnh Ba, mỉm cười luôn miệng, tiếp quần chúng. Đây là một cử chỉ gần dân, cũng là một lần tôn vinh lẽ đời phu quí phụ vinh.
Phong độ quan huyện thì mọi người đã được trông thấy; hoàn cảnh xuất thân và học vấn của phu nhân thì đã lan truyền tới tai đám phụ nữ. Họ nóng lòng chờ đợi ngày này. Họ đều muốn biết, quan huyện đẹp như người nhà trời, đã lấy một người đàn bà như thế nào? Những lời xì xầm như tơ nắng bay khắp chốn, có người nói, phu nhân mặt tươi như hoa, khuynh quốc khuynh thành; có người lại bảo, phu nhân mặt rỗ chằng rỗ chịt, tướng mạo như quỉ dạ xoa. Hai lời đồn trái ngược, khiến đán phụ nữ ngày càng tò mò. Các cô gái trẻ thì cho rằng, phu nhân quan huyện đương nhiên phải là người đẹp như hoa như ngọc; những cô lớn tuổi hơn, bằng vào kinh nghiệm phong phú của mình, lại cho rằng trên đời không bao giờ có sự hoàn mĩ. Họ rất tin câu ngạn ngữ “Chồng khôn vợ đụt, chồng xấu vợ xinh”. Họ lấy trường hợp quan huyện tiền nhiệm, chồng bẩn tướng, vợ hoa khôi, để chứng minh cho lập luận của mình. Nhưng đám thanh nữ, đặc biệt là các cô chưa chồng vẫn rất muốn cho rằng, phu nhân quan huyện phải là một tiên nữ giáng trần!
Tôn Mi Nương mong cái ngày này hơn tất cả những người khác. Nàng đã hai lần trông thấy mặt quan huyện. Lần thứ nhất là vào một đêm mưa phùn lất phất đầu xuân, nàng đuổi đánh con mèo ăn vụng cá, đụng phải kiệu quan huyện, dẫn đến chuyện quan huyện vào quán của nàng. Qua ánh nến sáng trưng, nàng thấy quan huyện tướng mạo đường hoàng, cử chỉ khoan thai như từ trong bức họa bước ra. Ông lớn nói nằng hòa nhã, thái độ dịu dàng, tuy chuyện vãn đôi câu nhưng ông đã tỏ ra thân tình khác thường. Người đàn ông nay so với người chồng giết chó mổ lợn của nàng… không, không thể so sánh như thế! Kỳ thực, trong trái tim nàng khi ấy hoàn toàn không có hình ảnh người chồng Giáp Con. Nàng cảm thấy bước chân nhẹ tênh, tim đập như trống làng, mặt nóng bừng. Nàng nói quá nhiều những câu xã giao và chân tay cứ quýnh lên vì săn đón để che giấu sự hoảng loạn của con tim, nhưng tay áo vẫn gạt vỡ bát rượu; chân vẫn va phải ghế băng. Tuy ông lớn phải làm ra vẻ nghiêm trang trước mặt mọi người, nhưng từ giọng ho một cách không tự nhiên và cặp mắt long lanh của ông lớn, nàng cảm nhận được tình cảm nảy sinh trong lòng ông. Lần gặp thứ hai là hôm đọ râu, nàng đảm nhiệm vai trò trọng tài có tiếng nói quyết định thắng thua. Nàng không những nhìn rõ hơn dung mạo, mà còn ngửi thấy mùi hương trên người ông lớn. Bím tóc đen mượt và cái gáy phẳng phiu của ông lớn kề sát làn môi nàng, ôi chao, gần ơi là gần… Nàng nhớ nước mắt mình rơi trên cổ ông lớn, chắc chắn là ông có biết nước mắt mình đã rơi trên cổ ông… Ông lớn thưởng cho nàng một lượng bạc để ghi nhận thái độ vô tư của nàng. Khi nàng đến lĩnh bạc, viên thơ lại có bộ râu dê nhìn nàng từ đầu đến chân bằng cặp mắt khác thường, ánh mắt dừng lại rất lâu trên hai bàn chân của nàng, khiến nàng đang từ mây xanh rơi xuống vực thẳm. Qua ánh mắt, nàng đoán ra tâm trạng của viên thơ lại. Nàng kêu thầm: Trời ơi, đất ơi, mẹ ơi, cha ơi, con tàn đời vì đôi chân này! Nếu mẹ chồng có thể gọt bé chân nàng bằng dao chọc tiết lợn, thì cứ để bà gọt, đau mấy nàng cũng chịu được! Nếu gọt bé chân mà phải chết sớm mười năm, nàng tình nguyện chết sớm mười hai năm! Nghĩ đến đây, nàng hận cha không để đâu cho hết! Cha ơi, ông đã hại mẹ tui lại hại cả tui, ông chỉ biết có ong bướm mà không lo toan gì cho con gái của ông, ông chỉ biết nuôi tui lớn lên mà không mướn người bó chân cho tui, cha ơi là cha!… Dù rằng bộ râu của ông có đẹp hơn râu của quan huyện thì tui cũng phán cho ông thua, huống hồ râu ông không đẹp bằng râu quan huyện!
Tôn Mi Nương cầm lượng bạc được thưởng về nhà, nhớ lại ánh mắt tình tứ của ông lớn mà lòng rạo rực, nhớ lại ánh mắt mà như lột da người ta của viên thơ lại mà lòng lạnh như băng! Ngày xem mặt phu nhân đã tới gần, đám phụ nữ trong thành bận rộn mua sắm phấn son, may quần may áo, làm như chuẩn bị về nhà chồng, nhưng Tôn Mi Nương thì vẫn bàng hoàng, chưa quyết định nên đi hay không? Dù rằng, chỉ gặp nhau mới có hai lần, ông lớn chưa hề nói nửa câu đường mật, nhưng nàng khăng khăng cho rằng, nàng và ông lớn đã cảm thông, sớm muộn hai người sẽ là một cặp uyên ương. Khi mọi người ra sức mà đoán về dung mạo của phu nhân, và vì thế mà bình luận không dứt, thì mặt nàng đỏ bừng, làm như họ bàn tán về người trong nhà nàng. Nàng quả thực cũng không rõ ràng hi vọng phu nhân đẹp như tiên, hay xấu như quỉ dạ soa? Nếu là đẹp như tiên thì nàng đừng hòng tơ tưởng! Nếu xấu như quỉ dạ soa thì buồn cho ông lớn! Nàng mong, đồng thời lại sợ cái ngày gặp mặt phu nhân quan huyện.
Gà gáy một, nàng đã tỉnh giấc, đợi mãi trời mới sáng. Chẳng còn bụng dạ nào thổi cơm, chẳng còn bụng dạ nào trang điểm. Nàng đi đi lại lại từ trong nhà ra ngoài sân, từ ngoài sân vào trong nhà, ngay cả chàng Giáp Con ngốc nghếch chỉ biết giết chó mổ lợn, cũng phát hiện nàng không bình thường. Giáp Con hỏi:
- Vợ ơi, vợ làm sao thế? Ngứa bàn chân hay sao mà đi ra đi vào mãi thế? Nếu ngứa chân thì để tớ lấy xơ mướp cọ là hết ngứa.
Thế nào là ngứa bàn chân? Trong bụng bồn chồn, không đi lại không chịu được! Nàng dấm dẳn nạt nộ Giáp Con, rồi ngắt một bông hoa lựu đỏ rực trên cây lựu bên bờ giếng, thầm khấn: Nếu là chẵn thì đi gặp phu nhân, nếu là lẻ thì không đi và cái tình với ông lớn cũng hết.
Nàng rứt từng cánh hoa, một cánh hai cánh ba cánh… mười chín cánh. Số lẻ. Trong lòng bỗng trở nên băng giá, tình cảm suy sụp. Không tính, vừa rồi mình không thành tâm khi khấn, vậy lần này không tính! Nàng lại ngắt một bông thật to, nâng bằng hai tay, nhắm mắt khấn thầm: Lạy thần trên trời, lạy tiên dưới đất, hãy chỉ bảo cho tui… Rồi, rất trịnh trọng nàng ngắt từng cánh hoa, một cánh hai cánh ba cánh… hai mươi bảy cánh, số lẻ. Nàng vò nát những cánh hoa ném xuống đất, đầu gục trước ngực. Giáp Con muốn lấy lòng, thận trọng hỏi:
- Vợ ơi, vợ định cài hoa phải không? Để tớ ngắt cho.
- Xéo, đừng quấy rầy người ta! – Nàng giận dữ gào lên, quay vào trong nhà nằm vật xuống giường, kéo chăn trùm kín đầu.
Sau khi khóc một trận, trong lòng thanh thản hơn. Nàng rửa mặt, chải đầu, lôi từ trong hòm chiếc đế giầy mới đột được một nửa, ngồi xếp bằng tròn trên giường, cố nén những ý tưởng bất chính, lúi húi đột tiếp, mặc cho tiếng nói cười lao xao ngoài đường của đám phụ nữ. Giáp Con chạy tới, hỏi:
- Vợ ơi, người ta đi xem mặt phu nhân, vợ có đi không?
Thoắt cái, lòng nàng lại rối như tơ vò.
- Vợ ơi, nghe nói người ta tung trái cây, vợ dẫn tớ đi cướp, được không?
Nàng thở dài, lên giọng mẹ dạy con: Giáp Con, anh đâu còn là trẻ con? Xem mặt phu nhân là công việc của phụ nữ, đàn ông đến đó làm gì? Chẳng lẽ anh không sợ đám công sai lấy gậy đập cho nát đít sao?
- Tớ muốn cướp trái cây.
- Thích ăn trái cây thì ra phố mà mua.
- Mua không ngon bằng cướp!
Tiếng cười của đám phụ nữ cuộn vào nhà như một quả cầu lửa, khiến nàng đau rát. Nàng nghiến răng ấn mạnh chiếc dùi vào đế giày. Chiếc dũi gãy. Nàng quẳng dùi và đế giày, thân mình cũng theo đà ngã sấp trên giường. Tâm trạng rối bời, nàng nắm tay đấm vào thành giường.
- Vợ ơi vợ, vợ lại đầy bụng phải không? – Giáp Con có vẻ sợ, hỏi.
Nàng nghiến răng nghiến lợi, gào lên:
- Ta phải đi, phải đi để xem mặt mũi phu nhân nhà ông thế nào?
Nàng tung mình nhảy xuống giường, quên luôn cả chuyện bói hoa lúc nãy, làm như chưa bao giờ do dự trong chuyện đi xem mặt phu nhân quan huyện. Nàng múc nước rửa mặt lần nữa, ngồi trang điểm trước gương. Trong gương, nàng má phấn môi son, dù mắt hơi mọng một tí, nhưng vẫn hiển nhiên là người đẹp. Nàng lấy trong hòm số quần áo thực ra đã chuẩn bị từ trước, thay ngay trước mặt Giáp Con. Anh chàng trông thấy bộ ngực nàng, liền đòi sờ ti. Nàng dỗ như dỗ trẻ: Giáp Con ngoan nào, cứ ở nhà, tui đi cướp trái cây về cho mà ăn!
Tôn Mi Nương trên mặc áo chẽn đỏ, dưới mặc quần xanh lục, bên ngoài, lồng chiếc váy cũng màu xanh lục, vậy là một đóa hoa mào gà rực rỡ đi trên phố. Nắng đẹp, gió nam ấm áp đưa tới hương thơm lúa tiểu mạch sắp chín. Gió nam vuốt ve, tiết xuân ấm áp, đúng là thời tiết của những phụ nữ đa tình! Nàng sốt ruột, chỉ tiếc không thể một bước tới huyện lị, chiếc váy quẩn chân, khiến nàng không thể đi nhanh. Sốt ruột nên sợ bước chậm, sốt ruột nên sợ đường dài. Nàng không ngần ngại xốc cao váy để bước nhanh, vượt lên đám phụ nữ bó chân lạch bạch đằng sau.
- Chị Hai Triệu, vội gì thế?
- Chị Hai Triệu, đi chữa cháy đấy à?
Nàng không trả lời, cắt đường đi tắt từ ngõ nhà họ Đới sang cổng bên của huyện. Nửa cây mận nhà họ Đới vươn qua tường nở đầy hoa. Hương thơm thoang thoảng, tiếng ong vo ve, chim yến thủ thỉ. Nàng giơ tay ngắt một bông hoa mận cài lên mái tóc. Con chó nhà họ Đới thính tai, sủa gâu gâu. Nàng phủi bụi tuy rằng không có bụi, thả váy xuống, bước vào huyện nha. Tên lính lệ nhìn nàng gật đầu, nàng mỉm cười đáp lại. Chỉ một thoáng, nàng đã mồ hôi đầm đìa trước sảnh Ba. Đứng gác sảnh Ba là một anh chàng mày rậm mắt sâu, nói giọng tỉnh ngoài. Mi Nương đã từng trông thấy anh ta hôm đọ râu, biết anh là người thân tín của quan huyện. Người thanh niên gật đầu chào, nàng vẫn dùng nụ cười mỉm để đáp lại. Trên sân chật kín phụ nữ, bọn trẻ con len lỏi giữa đám người. Nàng lách mình, rẽ bằng tay mấy lần là đã lên tận cùng phía trước. Nàng trông thấy dưới mái đao cong vắt của sảnh Ba, kê chiếc kỷ hình chữ nhật, phía sau kỷ là hai chiếc ghế bày song song, ghế bên trái quan huyện ngồi ngay ngắn, ghế bên phải phu nhân quan huyện ngồi ngay ngắn. Phu nhân đội mũ phượng, lưng thẳng đuỗn, chiếc áo đỏ như ráng chiều rực lên dưới nắng. Phu nhân che mặt bằng một tấm mạng mỏng, chỉ lờ mờ khuôn mặt, không thể nhìn rõ dung nhanh. Mi Nương lập tức cảm thấy nhẹ nhõm. Lúc này, nàng đã hiểu, nàng sợ nhất là phu nhân mặt hoa da phấn. Phu nhân đã không chịu lộ diện cho mọi người trông thấy, chứng tỏ bộ mặt phu nhân không đẹp. Tự nhiên Mi Nương đứng thẳng, trong lòng bùng lên ngọn lửa hy vọng. Lúc này, nàng mới ngửi thấy mùi hoa đinh thơm gắt. Nàng trông thấy hai bên góc sân, hai cây tử đinh hương cao to, hoa nở trắng một khoảng trời. Nàng còn trông thấy từng dãy tổ yến dưới mái hiên sảnh Ba, đàn yến bận rộn tíu tít bay ra bay vào, yến con há miệng màu vàng kêu chiếp chiếp. Truyền rằng, chim yến không làm tổ nơi công đường, mà chọn mái nhà của những nhà nông lành hiền. Nay từng đàn chim yến làm tổ ở huyện lị là điềm lành, là hồng phúc do quan huyện đem lại, chứ không phải do quan bà che mặt, chắc hẳn thế! Nàng chuyển ánh mắt từ phu nhân sang quan huyện, hai luồng ánh mắt gặp nhau, nàng cảm thấy sự ái mộ trong cái nhìn của ông lớn, vậy là lòng nàng như mê như say. Ông lớn ơi ông lớn, không nghĩ rằng một ông tiên lại lấy một phu nhân không dám để người ta xem mặt! Mặt bà ấy rỗ chăng? Bà ấy mắt hiếng mũi tẹt chăng? Bà ấy có hàm răng đen chăng? Ông lớn, thật buồn cho ông… Mi Nương đang nghĩ ngợi lung tung chợt nghe phu nhân ho lên một tiếng. Quan huyện chuyển luồng mắt theo tiếng ho, rồi nghoảnh sang nói với phu nhân điều gì đó. Một a hoàn tóc rẽ giữa, bê một sọt táo đỏ và lạc củ, nắm từng vốc tung về phía dân chúng. Bọn trẻ tranh cướp nhau, gây nên cảnh hỗn loạn. Mi Nương trông thấy phu nhân nhân hình như vô ý nhếch váy lên một cái, lộ ra hai gót sen vàng nhòn nhọn. Đám người đứng sau nàng ồ lên tán thưởng. Bàn chân phu nhân quả là đẹp, nàng Mi Nương chân to chỉ muốn độn thổ. Tuy đã có váy dài che khuất, nhưng nàng nghĩ rằng phu nhân đã biết chân nàng to, chẳng những biết chân nàng to, mà còn biết nàng si mê quan huyện. Phu nhân lộ hai gót sen vàng là để làm nhục nàng, giáng cho nàng một đòn. Nàng không định xem không muốn xem, nhưng hai mắt cứ dán vào bàn chân nhỏ bé của phu nhân. Bàn chân của phu nhân cong cong như củ ấu. Giày của phu nhân thật đẹp, đoạn xanh thêu hoa đỏ. Bàn chân của phu nhân như có phép màu, Mi Nương nhà họ Tôn đầu hàng ngay lập tức! Nàng cảm thấy hai ánh mắt diễu cợt xuyên qua tấm mạng, nhìn vào mặt nàng. Không, không phải thế, cái nhìn như xuyên thủng vậy, soi dọi đôi bàn chân nàng. Mi Nương hình như cảm thấy phu nhân khẽ nhếch môi, nụ cười cao ngạo trên khuôn mặt. Mi Nương biết nàng đã thua, thua thảm hại. Khuôn mặt nương nương mà đôi chân con ở! Nàng hốt hoảng rút lui, sau lưng hình như có tiếng cười nhạo. Lúc này, nàng mới phát hiện ra mình tác hẳn lên phía trước, độc diễn trước mặt ông lớn và phu nhân. Càng thấy xấu hổ, càng luốn cuống, chân giẫm phải váy, váy rách toang, nàng ngã chổng bốn vó.
Về sau, nàng nhiều lần nhớ lại, khi nàng ngã, ông lớn đã đứng phắt dậy. Nàng quả quyết sắc mặt ông lớn tỏ ra thương cảm và quan tâm đến nàng. Chỉ có những người chung trái tim khối óc mới biểu hiện như thế. Nàng còn quả quyết rằng, nàng tận mắt trông thấy, khi ông lớn định bước qua cái kỷ chạy tới nâng nàng dậy, phu nhân đã đá rất mạnh vào bắp chân ông lớn. Ông lớn sững người, rồi từ từ ngồi xuống. Khi phu nhân làm động tác trên với ông lớn, bà vẫn ngồi thẳng như không hề có chuyện xảy ra.
Mi Nương đứng phắt dậy trong tiếng cười diễu của đám phụ nữ.
Nàng sửa lại váy, không còn thì giờ chú ý đôi bàn chân to vừa nãy đã để lộ trước mặt ông lớn và phu nhân, quay người len vào đám đông. Nàng cắn chặt môi cố ghìm tiếng khóc, nhưng nước mắt thì tuôn ra như suối. Ra khỏi đám người, vẫn nghe những người đàn bà bàn tán sau lưng, người cười khúc khích, người lại bắt đầu tán dương đôi chân nhỏ của phu nhân. Nàng hiểu, phu nhân làm như vô ý, thực ra là cố ý phô bày cặp chân mình. Đúng là một đẹp che trăm xấu, phu nhân chưng ra một cặp chân đẹp, để người ta quên đi dung mạo của mình. Trước khi rời đám người, nàng lại nhìn ông lớn, và thật kỳ lạ, luồng mắt hai người lại gặp nhau. Nàng cảm thấy cái nhìn của ông lớn buồn rười rượi như là để an ủi nàng, cũng có thể là biểu thị sự đồng tình với nàng. Nàng lấy tay áo che mặt chạy khỏi sảnh Ba, vừa rẽ vào ngõ nhà họ Đới, nàng cất tiếng khóc thê thảm.
Mi Nương hớt hải trở về nhà, Giáp Con sán lại đòi trái cây. Nàng gạt Giáp Con sang một bên, bước vào trong buồng, nhào lên giường nằm khóc. Giáp Con đứng sau lưng, thấy nàng khóc cũng ồ ồ khóc theo. Nàng ngồi dậy, vớ lấy cái cán chổi quật vào chân mình. Giáp Con sợ quá, giữ chặt tay nàng lại. Nàng nhìn chằm chằm vào khuôn mặt vừa xấu vừa ngây ngô của Giáp Con, bảo: Giáp Con, anh lấy dao gọt bớt chân đi cho tui.
Cặp chân nhỏ của phu nhân như gáo nước lạnh giội lên đầu Mi Nương, nàng tỉnh ra được mấy ngày. Nhưng ba lần gặp ông lớn, đặc biệt là ánh mắt tình tứ của ông lớn, sự quan tâm của ông, với cặp chân nhỏ của phu nhân, mở đầu cho một cuộc phản kháng ngoan cường. Cặp chân nhỏ của phu nhân mờ đi như ảo ảnh, còn ánh mắt và khuôn mặt đẹp đẽ của ông lớn thì ngày càng rõ nét. Hình ảnh quan lớn Tiền đã choán hết trong đầu nàng. Nàng nhìn một cái cây, cây đó lắc lư rồi biến thành quan lớn Tiền. Nàng trông thấy cái đuôi chó, cái đuôi phe phẩy rồi biến thành cái đuôi sam của quan lớn Tiền. Nàng nhóm lửa ở bếp, trong ngọn lửa bập bùng có khuôn mặt tươi cười của quan lớn Tiền. Đi trên đường, nàng bỗng dưng đâm vào bức tường. Thái thịt, nàng cứa đứt ngón tay. Nàng để cho nồi đầy thịt chó cháy thành than mà không ngửi thấy mùi khét. Nàng nhìn vào cái gì, cái đó liền biến thành quan lớn Tiền. Nàng nhắm mắt liền thấy liền cảm thấy quan lớn Tiền đang đứng bên cạnh. Nàng có thể cảm thấy da buồn buồn vì râu của ông lớn cọ vào. Đêm nào nàng cũng mơ thấy ông lớn và nàng có quan hệ xác thịt. Trong giấc mơ, nàng hét toáng lên làm Giáp Con hoảng sợ lăn xuống đất. Sắc mặt nàng tiều tụy, người nà gầy đi trông thấy, nhưng cặp mắt thì sáng rực, đồng tử ươn ướt. Giọng nàng khàn đi một cách kỳ lạ. Nàng thường xuyên bật cười, tiếng cười trầm và rin rít mà chỉ những người đang bị lửa dục thiêu đốt con tim mới cười như thế. Nàng biết, nàng đã mắc bệnh tương tư nghiêm trọng. Nàng biết, tương tư là loại bệnh đáng sợ, người đàn bà mắc phải bệnh này chỉ còn cách chung chăn gối cùng người đàn ông mà mình tương tư, nếu không, huyết mạch sẽ cạn khô, sẽ mắc bệnh lao, thổ huyết mà chết. Nàng không thể ngồi yên trong nhà. Những việc trước đây lôi cuốn nàng, làm cho nàng thích thú, như kiếm tiền, thưởng hoa đều trở nên vô vị. Vẫn rượu ngon ấy, nhưng bây giờ miệng cảm thấy nhạt thếch. Vẫn hoa đẹp ấy, nhưng bây giờ mắt thấy nhợt nhạt. Nàng khoác làn trúc, trong làn có một đùi thịt cầy, ngày ba bận lượn trước nha môn. Nàng hy vọng gặp được ông lớn khi ông ra ngoài, không gặp được ông lớn thì trông thấy cỗ kiệu mui lợp nỉ xanh của ông lớn cũng được. Nhưng, y như con ba ba lặn xuống vực, không một dấu vết về ông lớn. quanh quẩn trước cổng, tiếng cười rin rít của nàng khiến đám lính gác vò đầu bứt tai. Nàng chỉ hận nỗi không thể ngó vào trong nhà mà hét thật to, những gì cố nén trong lòng tuôn ra cùng với tiếng hét, để ông lớn nghe thấy. Nhưng nàng chỉ dám lẩm bẩm:
- Ông thân yêu… gan ruột của tui… tui sắp chết vì nhớ ông đây! Ông làm ơn… hãy thương tui… Ông như quả đào tiên! Ôi sao mà thèm! Thoạt nhìn đã yêu! Ba sinh duyên nợ! Thèm ơi là thèm, thèm rõ dãi, quả chín trên cành cao, ẩn sâu trong kẽ lá, kẻ nô tài giương mắt đứng trông, ngày đêm đợi và mong! Tình yêu đơn phương không đã thèm, nước miếng chảy ướt mèm! Biết khi mô quả rụng, lay không rụng, ai người trèo lên.
Nàng cải biên lời tỏ tình nồng cháy thành điệu Si (tình) của Miêu Xoang, hát mãi không chán. Mặt đỏ bừng, mắt long lanh, như con thiêu thân múa lượn trước ánh đèn sáng chói. Đám lính thấy nàng rực lửa, định kiếm chác ở nàng nhưng lại sợ rách việc. Nàng quằn quại trong lửa đục, nàng giẫy giũa trong bể tình. Rồi, nàng thấy mình thổ huyết.
Sự kiện ho ra máu vạch một khoảng sáng trong đầu nàng. Người ta đường đường một tri huyện, một mệnh quan của triều đình, còn ngươi thì là gì? Con một anh kép hát, vợ một tên đồ tể, một phụ nữ không bó chân! Người ta là trời cao, ngươi là đất thấp, người ta là kỳ lân, ngươi là con chó hoang. Tình yêu đơn phương chắc chắn không đơm hoa kết trái. Nha ngươi cạn kiệt tâm huyết vì người ta, người ta đâu có biết? mà dù có biết, người ta chỉ cười khẩy, không ghi nhận cái tình của nhà ngươi! Nhà ngươi tự giày vò đến chết, ngươi chết là đáng lắm, chẳng ai thông cảm, chẳng ai hiểu ngươi, tất cả đều cười giễu, chửi rủa ngươi. Người ta cười ngươi không biết trời cao đất dày, cười ngươi không biết hai nhân ba là sáu! Người ta sẽ mắng ngươi là quân hoang tưởng, đũa mốc chòi mâm son, khỉ đòi hái mặt trăng, làn trúc đòi đựng nước, cóc muốn ăn thịt ngỗng trời! Tôn Mi Nương, hãy tỉnh lại đi, hãy yên phận đi, hãy quên quan lớn Tiền đi! Trăng sáng đẹp thật đấy, nhưng không thể lôi trăng vào giường. Quan lớn tuyệt diệu đấy, nhưng là người trên trời! Nàng thề sẽ quên quan lớn Tiền, ông đã khiến nàng thổ huyết. Nàng cấu vào đùi, châm kiam vào ngón tay, đấm vào đầu, nhưng quan lớn Tiền như một hồn ma, không sao rũ bỏ. Ông như bóng theo hình, gió thổi không tan, nước rửa không sạch, dao chém không đứt, lửa đốt không cháy! Nàng lắc đầu, tuyệt vọng mà khóc, rủa khẽ:
- Oan gia ôi oan gia, ông hãy tha cho tui… Ông hãy buông tui ra! Tui biết sai rồi, tui không dám nữa, chẳng lẽ ông nhất quyết bắt tui phải chết hay sao?
Để quên quan huyện Tiền Đinh, nàng hướng dẫn Giáp Con cùng nàng giao hoan. Nhưng Giáp Con không phải Tiền Đinh, đại hoàng không phải là nhân sâm! Giáp Con không phải thứ thuốc chữa được bệnh cho nàng. Đùa với Giáp Con xong, nỗi nhớ Tiền Đinh lại càng mãnh liệt, như lửa đổ thêm dầu. Nàng ra giếng múc nước, nhìn thấy dung nhan tiều tụy của nàng dưới giếng. Nàng cảm thấy đầu váng mắt hoa, lợm giọng buồn nôn. Trời ôi, lẽ nào thế là hết hay sao? Lẽ nào nửa nạc nửa mỡ thế này mà chết hay sao? Không, tui không muốn chết, tui phải sống!…
Cố làm ra vẻ phấn chấn, nàng xách chiếc đùi chó, hai xâu tiền đồng, rẽ quanh rẽ quẩn phố nhỏ ngõ hẹp, đến ngõ Thần tiên Cửa Nam, gõ cửa bà đồng Lã. Nàng đặt xâu tiền dính mỡ, chiếc đùi chó thơm phức lên bàn thờ Nàng Tiên Cáo. Trông thấy đùi chó, bà Lã khịt khịt mũi. Trông thấy xâu tiền, cặp mắt u buồn của bà Lã sáng lên. bà Lã thở dốc. Bà châm một cành kim hoa hít lấy hít để. Bà nói:
- Chị Hai, bệnh chị hơi nặng đấy!
Mi Nương quì dưới đất sụt sịt:
- Bà ơi, bà cứu con!
- Nói xem nào! bà Lã hít kim hoa, liếc nhìn Mi Nương, ý tứ sâu xa – Giấu cha giấu mẹ, không giấu được thầy thuốc! Con nói đi!
- Bà ơi, thực tình con không thể nói ra!
- Giấy thầy thuốc, không giấu được thần tiên!
- Bà ơi, con yêu một người… Người ấy đã hủy hoại con…
Bà Lã cười giảo hoạt:
- Dung mạo chị Hai như thế này mà sao không được như nguyện?
- Bà ơi, bà chưa biết người đó ấy thôi.
- Là ai? – Bà Lã nói – Chẳng lẽ là Cửu Động Thần tiên? Chẳng lẽ Tây thiên La hán?
- Bà ơi, người ấy không phải Cửu Động thần tiên, cũng không phải Tây thiên La Hán, người ấy là quan huyện Tiền Đinh!
Cặp mắt của bà Lã lại lóe sáng, tâm trạng bà vừa tò mò vừa phấn khích. Bà hỏi:
- Chị Hai muốn gì nào? Muốn già này làm phép tác thành cho chị ư?
- Không, không… - Nước mắt giàn giụa, nàng mãi mới nói được – Đất xa trời quá, không thể…
- Chị Hai, chuyện trai gái chị không hiểu đâu. Chỉ cần chị đừng tiếc công thờ phượng Nàng Tiên Cáo, thì dù là sắt đá, cũng khiến ông ta mắc câu!
- Bà ơi – Nàng bưng mặt, nước mắt chảy qua kẽ tay, vừa khóc vừa nói – Bà hóa phép cho con quên ông ta đi!
- Chị Hai, việc gì phải khổ như thế? – Bà Lã nói – Nếu thích ông ta thì sao không viên mãn công chuyện đi. Mọi chuyện trên đời, không gì vui thú bằng tình yêu trai gái! Chị Hai, chị đừng có lẩm cẩm!
- Chuyện có thể xong hay sao, hở bà?
- Lòng thành tất ứng!
- Con lòng thành.
- Vậy quì xuống!
Theo sự chỉ dẫn của bà Lã, Tôn Mi Nương cầm theo một khăn lụa trắng tinh, chạy ra đồng. Nàng vốn sợ rắn, nhưng giờ đây nàng lại mong gặp rắn. Hôm ấy, bà Lã bảo nàng quì trước linh vị Nàng Tiên Cáo, nhắm mắt mà khấn. Bà đồng lầm rầm đọc thần chú triệu hồn, rất nhanh, Nàng Tiên Cáo đã nhập vào bà. Bà Lã sau khi lên đồng, giọng the thé – giọng bé gái ba tuổi – Tiên Cáo bảo nàng ra đồng bắt một đôi rắn đang phủ nhau, bọc vào khăn lụa đem về. Đôi rắn giao phối xong, sẽ lưu lại một giọt máu trên khăn. Tiên Cáo bảo, cầm khăn này vẫy vẫy trước mặt người mình yêu, người ấy sẽ đi theo. Từ đó trở đi: linh hồn người ấy sẽ ngụ ở mình. Muốn người ấy quên mình, họa chăng là cầm dao giết bỏ.
Nàng cầm gậy trúc, chạy ra bãi cỏ cách xa huyện lỵ, sục vào những chỗ rậm, xông vào những nơi ẩm ướt. Lũ chim tò mò bay lượn, cất tiếng kêu trên đầu nàng. Đàn bướm bay lượn xung quanh nàng. Lòng nàng đang như bướm, bay lượn, bâng khuâng! Chân nàng như dẫm lên bông, ngả nghiêng, đứng không vững. Nàng đập trên cỏ, cào cào châu chấu, những con cuốc, thỏ đồng chạy tán loạn, duy chỉ có rắn là không thấy. Nàng muốn gặp nhưng lại sợ gặp rắn, trong lòng cực kỳ mâu thuẫn. Bỗng soạt một tiếng, con rắn lớn màu vàng rơm, từ bụi cỏ trườn ra, thè lưỡi một cái thật nhanh, làm nét mặt ngáo ộp với nàng. Con rắn thò thụt cái lưỡi màu đen, ánh mắt nham hiểm, khuôn mặt hình tam giác lạnh lùng cười ngạo. Một tiếng nổ bục trong đầu nàng, mắt tối sầm, không nhìn thấy gì trong một lúc. Trong lúc mơ màng, nàng nghe thấy một tiếng kêu run rẩy từ miệng nàng phát ra, nàng ngồi bệt xuống cỏ. Lúc trấn tĩnh lại, con rắn đã mất tăm. Mồ hôi ướt đẫm quần áo. Trống ngực đập thình thịch như có viên đá cuội gõ vào ngực. Nàng há miệng nôn ra một bụm máu.
Mình thật là ngốc, nàng nghĩ, sao mình lại tin những lời sằng bậy của bà đồng? Vì sao mình phải nhớ cái ông Tiền Đinh ấy? Tốt đẹp đến mấy cũng chỉ là con người chứ gì? Ông ta cũng cần ăn, uống, đi tiểu đó sao? Cho dù ông ấy có phủ phục trên người mình, chẳng vẫn cái trò đó sao? Ông ta khác Giáp Con cái gì? Mi Nương, ngươi đừng có lẩm cẩm! Nàng hình như nghe thấy tiếng nói nghiêm túc từ trên trời vọng xuống, trách móc nàng. Nàng ngửa mặt nhìn trời. Trời xanh trong không một gợn mây, từng đàn chim vừa bay vừa kêu lên vui vẻ. Tâm trạng nàng bắt đầu cởi mở, thanh thoát như bầu trời. Như ngủ mê chợt tỉnh, nàng thở dài đứng lên, phủi cỏ bám đít quần, sửa lại tóc, men theo con đường nhỏ đi về nhà.
Khi đi qua vùng đất trũng đầy nước, tâm trạng thảnh thơi của nàng lại biến đổi. Nàng trông thấy một cặp cò trắng đứng trong đầm, mặt nước phẳng như gương. Chúng không nhúc nhích, có lẽ chúng đứng ở đó đã một ngàn năm. Chim mái gác đầu lên lưng chim đực, chim đực ngoái đầu lại nhìn vào mắt chim mái. Cặp tình nhân này nhìn nhau mà không nói, im lặng tận hưởng giây phút ngọt ngào. Đột nhiên, có thể chúng đang đợi nàng để trình diễn một màn đặc biệt: chúng vươn cao cần cổ, giang rộng đôi cánh có lông vũ đen và trắng xen kẽ, rồi kêu lên lảnh lói, ra sức mà kêu để bầy tỏ nhiệt tình chào đón nàng. Chúng vừa kêu vừa ngoắc cổ vào nhau, cổ dài và linh hoạt như cổ rắn. Chàng ngoắc vào nàng, nàng ngoắc vào chàng, quay cuồng, xoắn xít, buộc chặt sợi dây tình! Xoắn nữa, xoắn nữa, như không bao giờ chặt, như không khi nào dừng. Rồi thì chúng cũng rời nhau ra, nhìn nhau âu yếm, chải lông cho nhau từ đầu đến chân, một cái cũng không bỏ sót… Màn trình diễn của hai con cò khiến Mi Nương ứa nước mắt. Nàng nằm sắp, tưới đẫm cỏ bằng nước mắt, vỗ mặt đất bằng nhịp đập của con tim. Nàng hết sức xúc động, cầu khẩn: Trời ơi, ông trời ơi! Ông hãy biến tui thành con cò, cũng biến ông lớn Tiền thành con cò! Người chia ra cao thấp sang hèn, chim chóc thì nhất loại bình đẳng. Ông trời hãy khiến cổ tui ngoắc vào cổ ông lớn, bện thành dây tơ hồng! Cho tui được thơm khắp người ông lớn. Tui cũng mong được ông lớn thơm khắp người tui. Tui chỉ muốn nuốt chửng ông, tui cũng mong được ông ăn thịt tui. Ông trời ơi, xin ông cho tui và ông lớn, cổ thì xoắn lấy nhau không bao giờ có thể gỡ ra, cánh thì giang ra như con công xòe đuôi, hạnh phúc là ở đấy, tình nghĩa là ở đấy!…
Khuôn mặt nóng bừng của nàng giụi nát đám cỏ, hai tay nàng thọc sâu trong bùn, nhổ bật rễ cỏ lên.
Nàng đứng lên, đi về phía hai con có với tâm trạng như mê như say. Nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt còn dính màu vàng của đất và màu xanh của cỏ. Nàng chìa tay, chiếc khăn lụa phất phơ trong gió. Nàng chỉ muốn bay ngay về huyện. Nàng lẩm bẩm: Cò ơi, cho tui xin một giọt máu của cò, tui không tham, chỉ cần một giọt để tui thực hiện giấc mơ của tui. Cò ơi, tui là cò, cò là ông ấy, để ông ấy hiểu tấm lòng của tui, cũng là tấm lòng của cò. Để hai trái tim gắn bó không rời. Xin cò hãy san cho tui một phần hạnh phúc của cò, phần nhỏ thôi, tui không dám xin nhiều. Cò ơi, hãy thương tui – người đàn bà khô héo vì yêu này!
Hai con cò bỗng sã cánh bỏ chạy, hai chân dài một cách kỳ quặc, không rõ vụng về hay nhanh nhẹn. Bước chân chúng khuấy động mặt nước yên tĩnh, tạo nên những vòng tròn đuổi nhau. Chúng tích lũy sức mạnh trong khi chạy, càng chạy càng nhanh, nghe rõ tiếng chân chạy, những giọt nước li ti bắn lên. Cuối cùng, chân duỗi thẳng về phía sau, chúng cất cánh bay là là mặt nước rồi đậu xuống phía bên kia đầm, chỉ còn nhỏ như hai chấm trắng. Hai chân Mi Nương lún trong bùn, nàng đứng như thể đã ở đó hàng ngàn năm, càng lúc càng sâu, lún tới bẹn, cặp mông nóng hổi của nàng đã chạm nước bùn mát lạnh…
Giáp Con ở đâu chạy tới, lôi nàng ra khỏi vùng lầy.
Nàng ốm một trận thập tử nhất sinh. Khỏi ốm, vẫn không dứt được nỗi nhớ ông lớn Tiền. Bà đồng Lã lén đưa cho nàng một gói bột màu vàng nâu, giọng thông cảm:
- Con ơi, Nàng Tiên Cáo thương xót con, sai ta đem đến cho con gói bột tình này. Uống đi!
Nàng nhìn gói bột hỏi:
- Bột gì đây, hở bà?
- Uống đi rồi ta sẽ nói cho con rõ, nó trước mất thiêng.
Nàng đổ bột vào bát, đổ nước sôi hòa tan, bịt mũi để khỏi phải ngửi cái mùi khó chịu, nàng uống cạn.
- Này con – bà Lã hỏi – Có thật con muốn biết đó là bột gì phải không?
- Thật.
- Vậy ta cho con rõ – Bà Lã nói – Ta hay mềm lòng, không muốn một cô gái đẹp ngời ngợi như con bị tàn lụi, liền giở phép màu này ra. Nàng Tiên Cáo không đồng ý sử dụng phép này, nhưng Nàng không còn phép nào khác. Con trúng độc rất nặng. Đây là phương thuốc gia truyền của dòng họ ta, chỉ truyền cho con dâu, không truyền cho con gái. Nói thật, bột con vừa uống khi nãy là phân của người con đang yêu. Chính xác một trăm phần trăm, không phải của bỡn đâu. Khó khăn lắm mới lấy được đấy. Ta dúi cho Hồ Tư, người nấu bếp của quan huyện, ba xâu tiền. Hắn đánh cắp phân ông lớn trong nhà xí cho ta. Ta phơi khô tán nhỏ, trộn với đậu đại hoàng, toànn là những vị mạnh, trừ tâm hỏa. Phương thuốc này không được dùng bừa bãi. Nàng Tiên Cáo bảo, dùng tà pháp sẽ tổn thọ, nhưng quả thật ta thương con, chết sớm hai năm thì chết, không sao. Con ơi, uống thuốc này để con rõ một điều: Dù đàng hoàng như quan lớn Tiền thì phân vẫn thối!…
Bà Lã vừa nói xong, Tôn Mi Nương đã gập người mà nôn hết mật xanh đến mật vàng.
Sau trận đó, trái tim bị mỡ lợn làm cho lú lẫn của Mi Nương dần tỉnh ngộ. Nàng tuy vẫn vấn vương quan lớn Tiền, nhưng không còn chết đi sống lại nữa. Vết thương lòng tuy vẫn còn đau, nhưng đã kín miệng. Nàng ăn đã biết ngon, muốn vào miệng biết mặn, đường vào miệng biết ngọt. Nàng dần bình phục. Trải qua lễ rửa tội kinh hồn táng đởm, cái đẹp ở nàng bốt vẻ hoang dã, đã thuần hơn. Đêm đêm nàng vẫn ngủ không ngon, nhất là những đêm trăng sáng.
Aùnh trăng như rắc bụi vàng bụi bạc trên giấy dán cửa sổ. Giáp Con ngủ say trên giường, chân tay dang rộng, ngáy như sấm. Nàng trần truồng đi ra sân, cảm thấy ánh trăng như nước chảy trên người. Cảm giác ấy thật là đẹp, nhưng lại chạm vết thương lòng, vết thương mà bất cứ lúc nào cũng tái phát. Tiền Đinh ơi Tiền Đinh, ông lớn Tiền, oan gia của tui! Khi nào ông mới biết, rằng có người đàn bà mất ngủ vì ông? Khi nào ông mới hay, rằng một quả đào mật đã chín nẫu, đang đợi ông thưởng thức… Ôi vầng trăng trên cao, Người là thần của giới nữ, là tri kiû của giới nữ. Nguyệt lão trong truyền thuyết có phải là Người không? Nếu Người là Nguyệt lão trong truyền thuyết thì sao không nhắn giúp tui một cái tin? Nếu Người không phải là Nguyệt lão trong truyền thuyết, thì Nguyệt lão chủ trì tình yêu nam nữ dưới trần là ngôi sao nào, hay vị thần nào dưới hạ giới? Một con chim trắng rất to theo ánh trăng bay tới, đậu trên cây ngô đồng ở góc sân. Tim nàng đập rộn lên. Nguyệt lão ơi Nguyệt lão, Người thiêng thật! Người không mắt nhưng thấu suốt vạn vật dưới trần gian. Người không tai, nhưng nghe thấy hết những lời riêng tư thầm thì. Người đã nghe thấy lời cầu xin của tui, sai tín sứ là con chim này đến gặp tui. Chim này là chim gì vậy? Một con chim lớn màu trắng, trắng đến nỗi sáng lóa dưới ánh trăng. Mắt chim như hạt vàng khảm trên nền bạch kim. Chim đậu trên cành cao nhất của cây ngô đồng, tư thế vô cùng đẹp mắt cúi nhìn tui. Chim ơi, chim thần ơi, hãy dùng cái mỏ trắng như bạch ngọc của chim chuyển cho người mà tui yêu thương mối tương tư còn nóng bỏng hơn lửa, triền miên hơn mưa thu, dày đặc hơn cỏ dại của tui, rằng chỉ cần ông hiểu được lòng tui, là tui dám nhảy vào rừng dao biển lửa, rằng tui nguyện hóa thành cái ngưỡng cửa nhà ông, để hàng ngày ông ra đụng vào đụng; rằng tui nguyện biến thành con ngựa, tùy ông cưỡi, tùy ông đánh bằng roi; rằng tui đã từng ăn phân của ông… Ông lớn thân yêu của tui, người anh của tui, trái tim của tui, sinh mạng của tui! Mối tương tư, cái tình của tui như một cây nở đầy hoa, hương thơm ngào ngạt, bông nào cũng thấm đẫm máu và nước mắt tui, mỗi bông là một tình thoại, cả cây là ngàn vạn lời tỏ tình. Ông thân yêu của tui! Tôn Mi Nương ngước nhìn cây ngô đồng, nước mắt chan hòa, môi nàng run run, những câu nói dứt quãng thoát ra giữa hai hàm răng trắng lóa. Đất trời cảm động vì lòng thành của nàng. Con chim kêu lên một tiếng rồi vỗ cánh bay đi, thoắt cái đã mất dạng trong ánh trăng, y như nước đá tan trong nước, như tia lửa bắn vào quầng lửa!
Đang ngẩn ngơ, tiếng gõ cửa khiến nàng giật mình đánh thót. Nàng vội vàng chạy về buồng mặc quần áo. Không kịp xỏ giày, nàng cứ chân trần chạy trên đất ẩm sương đêm, đến bên cổng. Nàng ôm ngực, run rẩy:
- Ai?
Nàng rất mong có chuyện lạ xảy ra, rất mong lòng thành của nàng cảm động được trời đất, thần linh đã đưa sợi xích thằng cho người nàng yêu. Chắc là, nhân có trăng, ông lớn đến thăm nàng. Nàng quì xuống, cầu mong giấc mơ biến thành sự thật. Nhưng bên ngoài có tiếng thì thầm:
- Mi Nương, mở cửa!
- Ai đấy?
- Con gái, cha của con đây mà?
- Cha, nửa đêm gà gáy cha đến đây làm gì?
- Đừng hỏi nữa, cha gặp nạn, mở cửa mau!
Nàng hốt hoảng rút then, mở cánh cổng lớn. cùng với tiếng rít của cánh cổng, cha nàng – kép hát trứ danh vùng Cao Mật, ngã nhào vào sân.
Dưới ánh trăng, nàng thấy mặt cha đầy máu. Bộ râu thua một cách vẻ vang trong lần đọ râu, nay chỉ còn lơ thơ vài sợi trên cái cằm đầy máu. Nàng kinh ngạc hỏi:
- Cha, sao thế này hở cha?
Nàng gọi Giáp Con dậy, vực cha vào giường, dùng đũa cậy miệng, đổ nửa bát nước lạnh cha nàng mới tỉnh. Vừa tỉnh, ông đã sờ lên cằm, và ông ồ khóc. Ông khóc rất thương tâm, y hệt như đứa trẻ bị đòn oan. Máu ở cằm rỉ ra, bôi bẩn mấy sợi râu còn lại. nàng lấy kéo cắt rụi, rồi vốc một nắm bột mì đắp lên cằm cho cha. Nàng hỏi:
- Kẻ nào hại cha đến nông nỗi này?
Mắt cha tóe lửa, những thớ thịt trên mặt giật giật, nghiến răng ken két:
- Chính hắn, chắc chắn là hắn! Chính hắn vặt râu ta. Hắn thắng ta, mà sao không tha cho ta? Trước công chúng, hắn tuyên bố miễn tội cho ta, vậy vì sao lại ngầm hạ độc thủ. Thằng này độc hơn rắn rết!
Lúc này nàng cảm thấy đã hoàn toàn khỏi bệnh tương tư. Nhớ lại mấy tháng trời mê mê mẩn mẩn, nàng vừa thẹn vừa hối hận, có vẻ như đồng lõa với Tiền Đinh vặt râu cha. Nàng nghĩ thầm: quan lớn Tiền, ông độc ác quá, ông nhỏ nhen quá! Còn đâu là một quan phụ mẫu nổi tiếng khoan dung nhân hậu? Hai năm rõ mười là một tên phỉ tàn ác! Ông đã hại tui đến nỗi ma chẳng ra ma, người chẳng ra người, cũng tại tui tự ti thái quá, ông lại còn hạ độc thủ với người đã chịu hàng phục ông. Ông là tên súc sinh mặt người dạ thú, vậy mà làm sao tui lại si mê ông? Ông có biết mấy tháng nay tui sống như thế nào không? Nghĩ tới đây tui lại thấy buồn não ruột! Tiền Đinh, ông vặt râu cha tui, tui sẽ lấy cái mạng chó của ông!
Nàng cẩn thận lựa ra hai đùi chó thật béo, rửa sạch cho vào nồi luộc. Để cho thịt thơm đậm nàng cho hương liệu vào luộc cùng. Nàng đích thân canh lửa, lúc đầu lửa to, nước sôi sùng sục, sau giữ lửa nhỏ, ninh dừ. Mùi thịt chó bay khắp phố. Thất Tai To là khách quen chạy tới, đập cửa rầm rầm:
- Nàng Tiên Chân To, gió nào thổi mà trời quang mây tạnh thế? Chị lại thịt chó rồi hả? Tôi đặt một đùi…
- Một đùi cái mả mẹ anh! – Nàng gõ muôi vào mép nồi, chửi toáng lên. Chỉ một đêm, nàng đã trở lại bản sắc của nàng Tây Thi Thịt Cầy cười đấy, chửi đấy. Vẻ nhu mì thời tương tư Tiền Đinh biến mất từ lúc nào. Nàng húp một bát cháo lòng, ăn một đĩa thịt vụn, rồi dùng muối tinh chà răng, nước lọc súc miệng, chải đầu rửa mặt, đánh phấn thoa son, thay quần áo cũ, mặc quần áo mới, ngồi trước gương vuốt tóc, cài bông hồng lên tóc mai. Nàng thấy mình bắt mắt quá, nàng si mê chính mình, thế là lửa tình lại bùng lên, khó mà dập tắt. Thế này đâu phải đi giết người, đi bán duyên thì có! Lửa dục bùng lên khiến nàng sợ run, nàng úp sấp gương, rồi nghiến răng nghiến lợi, mong lửa hận bùng cháy trong lồng ngực. Để củng cố quyết tâm, để mài rũa ý chí, nàng sang chái đông thăm cha. Bột mì đã đóng vẩy trên vết thương, cằm cha có mùi hôi, dụ ruồi nhặng kéo đến từng đàn. Khuôn mặt cha khiến nàng vừa hận vừa xót xa. Nàng cầm que củi chọc nhẹ vào cằm cha. Cha nàng đang ngủ bị đau, kêu lên một tiếng rồi tỉnh dậy, hé cặp mắt sưng mọng nhìn nàng.
- Cha, con hỏi cha – Nàng lạnh nhạt, hỏi – Nửa đêm cha vào thành có việc gì?
- Cha đi chơi động – Cha nàng trả lời thẳng thắn.
- Xì – Nàng diễu cha – Râu của cha bị bọn điếm nhổ làm phất trần, đúng không?
- Không phải, cha với bọn họ quan hệ rất tốt, họ không nỡ vặt râu ta! cha từ động ra về, đến ngõ sau huyện lỵ thì một người bịt mặt nhảy ra, đánh cha ngã xuống rồi vặt râu cha.
- Hắn có một mình mà vặt được râu của cha?
- Hắn võ nghệ cao cường, còn ta lúc đó đang say khướt.
- Vì sao cha khẳng định là hắn?
- Hắn đeo bao râu dưới cằm – Cha khẳng định – Chỉ người nào râu dài mới dùng bao râu.
- Vậy được, con sẽ báo thù cho cha – Nàng nói – Dù cha là đồ khốn kiếp, nhưng vẫn là cha của con!
- Con định báo thù kiểu gì?
- Con sẽ giết hắn!
- Không, con không thể giết hắn, cũng không giết nổi hắn – Cha nói – con vặt một nắm râu của hắn thì coi như đã báo thù cho cha!
- Được, con sẽ vặt râu hắn.
- Con cũng không vặt được râu hắn – Cha lắc đầu nói – Hắn khỏe lắm, vọt một phát cao ba thước, nhìn qua cũng biết là dân có nghề.
- Cha không biết câu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” sao?
- Cha đợi tin vui của con – Cha nói, giọng hài hước – Chỉ e cầm túi thịt đánh chó, có đi mà không có về!
- Cha hãy đợi đấy!
- Con gái ơi, cha tuy chẳng ra gì nhưng vẫn là cha của con, cha khuyên con đừng đi! Nằm ngủ một nửa đêm, ít nhiều cha đã hiểu, cha bị người ta vặt râu là đích đáng, không nên trách người ta – Cha nói – Cha sẽ về nhà ngay bây giờ, ai khuyên cha cũng không đi hát nữa. Một đời hát hổng, một đời hư! Vở diễn có câu “Thay da đổi thịt, trở lại làm người”, với cha hiện nay thì “Nhổ sạch râu ria, trở lại làm người”.
- Con không chỉ vì cha mà giết hắn…
Nàng vào bếp, dùng chao vớt đùi chó ra, để ráo nước, rắc lên một lượt tiêu ớt, gói kỹ bằng lá sen khô, cất vào làn. Nàng lục đống đồ nghề của Giáp Con, lấy ra con dao nhọn vẫn dùng để róc xương, gại ngón tay để thử độ sắc. Nàng giấu con dao dưới đáy làn. Giáp Con buồn bực hỏi:
- Vợ ơi, vợ lấy dao làm gì đấy?
- Giết người!
- Giết ai?
- Giết chồng!
Giáp Con sờ gáy, cười lặng lẽ:
- Không phải, vợ giết vợ.
Mi Nương đến trước cổng nha môn, lén giúi bạc vào tay Tiểu Đồn một chiếc vòng đeo tay bằng bạc, rồi véo một cái vào đùi hắn, nói:
- Người anh em, cho tui vào đi!
- Vào làm gì? – Tiểu Đôn cười tít mắt, hếch cằm về phía cái trống đại, nói – Kiện tụng gì thì cứ đánh trống lên!
- Tui không có oan ức mà phải đánh trống kêu oan! – Nàng nghiêng má, ghé sát tai Tiểu Đồn, nói – Ông lớn nhắn tui đem thịt chó lên.
Tiểu Đồn cố ý khịt khịt mũi:
- Thơm, thơm, thơm điếc mũi! Không ngờ ông lớn lại khoái cái của này!
- Bọn đàn ông thối tha các người, thế cái của nào thì không khoái?
- Chị Hai, hầu hạ ông lớn xong xuôi, xương xẩu còn thừa cho đàn em nhấm nháp mấy!
Nàng xì một cái vào mặt Tiểu Đồn, nói:
- Chị đây không khi nào để chú em thiệt! Này, giờ này ông lớn ở phòng nào?
- Giờ này… - Tiểu Đồn nhìn mặt trời, nói - Giờ này ông lớn làm việc ở phòng duyệt án, cái phòng kia kìa!
Nàng bước vào cổng, men theo lối đi thẳng tắp, qua khoảng sân đã từng có cuộc đọ râu, rẽ vào sân của sáu phòng ban, rồi vòng qua hành lang phía đông của đại sảnh. Những người gặp nàng đều giương mắt nhìn, vẻ tò mò. Với tất cả bọn họ, nàng đều đáp lại bằng nụ cười quyến rũ, thế là họ tinh thần phơi phới, thần hồn điên đảo. Bọn nha dịch nhìn không chớp eo lưng uyển chuyển của nàng, miệng há hốc, nước miếng chảy ra. Họ đưa mắt nhìn nhau, gật gật đầu ra vẻ đã hiểu. Đem thịt chó đến à, đúng, đem thịt chó đến. Ông lớn vốn thích khoản này. Đúng là một con chó cái thơm da thơm thịt, béo chảy mỡ… Bọn nha dịch nghĩ đến chuyện khác, cười rúc rích.
Bước vào sảnh Hai, nàng thấy tim đập thình thịch, miệng khô, hai đầu gối bủn rủn. Chàng thơ lại trẻ tuổi dẫn đường dừng lại, hất hàm về phía cửa phía đông của sảnh Hai. Nàng quay lại định cảm ơn, nhưng anh ta đã rút lui đến giữa sân. Nàng đứng trước phòng duyệt án, hít thật sâu để dịu bớt sóng gió trong lòng. Từ sân sau sảnh Hai, mùi tử đinh hương thơm gắt ùa đến từng đợt, khiến đầu óc nàng quay cuồng. Nàng giơ tay vén tóc mai, sửa lại bông hồng nhung, rồi xuôi tay lần theo đường chéo của vạt áo xuống tận gấu. Nàng kéo nhẹ cửa, tấm rèm màuu thanh thiên thêu hai con cò trắng màu nhũ bạc, chắn tầm nhìn của nàng. Nàng cảm thấy máu dồn về tim, nhớ lại hình ảnh hai con cò tình tứ bên nhau ở khu đầm lầy. Nàng cắn chặt môi để khỏi bật tiếng khóc. Nàng không thể nói rõ cơn bão lòng là yêu hay là hận, là oán hay hờn, chỉ biết như muốn nổ tung lồng ngực. Nàng lùi lại mấy bước một cách khó nhọc, gục đầu vào mặt tường mát lạnh.

Sau đó, nàng nghiến răng cố giữ bình tĩnh, trở lại đứng trước rèm. Nàng nghe thấy tiếng giở sách loạt soạt, tiếng va chạm vào dĩa, tiếp đó là tiếng ho khẽ. Cổ họng tắc nghẹn, nàng hít thở khó khăn. Đó là tiếng ho của ông lớn, người tình trong mộng của nàng, đồng thời cũng là kẻ thù bề ngoài tỏ ra nhân từ, trong lòng ác độc, kẻ thù đã vặt râu cha nàng. Nàng nhớ lại sự nhục nhã ê chề của tình yêu đơn phương, nhớ lại lời răn dạy của bà Lã và phương thuốc chất thải mà bà Lã cho nàng uống. Quân cường đạo, bây giờ tui mới hiểu vì sao hôm nay tui đến đây, chẳng qua là mượn cớ báo thù cho cha để tự đánh lừa mình. Kỳ thực, bệnh của tui đã vào xương tủy, kiếp này vô phương cứu chữa. Tui cần có một lối thoát. Tui cũng biết con một anh hát, vợ một tên đồ tể không lọt vào mắt xanh của quan huyện, cho dù tui có nhào vào lòng ông, thì ông cũng đuổi tui ra. Tui chẳng hy vọng gì và cũng không mong được cứu rỗi. Tui sẽ chết trước mặt ông hoặc để ông chết trước mặt tui, sau đó tui đi theo ông.
Để có đủ dũng khí bước qua cái rèm, nàng cố khơi dạy lòng căm thù trong nàng. Nhưng lòng căm thù của nàng chỉ như gió xuân khẽ đung đưa cành liễu, không có cơ sở, không trọng lượng, chỉ cần một gợn giò là bay mất dạng. Mùi hoa đinh hương khiến nàng choáng váng, bồn chồn không yên. Lúc này, bỗng có tiếng huýt sáo khe khẽ, ríu rít như chim vành khuyên, rất vui tai. Không ngờ đường đường qua tri huyện mà huýt sáo miệng như một thiếu niên lãng tử! Nàng cảm thấy một làn gió nhẹ mơn trớn, khắp người nổi da gà, trong đầu lại mở ra một kẽ hở. Trời ơi, nếu không ra tay thì không còn dũng khí nữa. Nàng phải thay đổi kế hoạch, lấy dao từ đáy làn cầm gọn trong tay. Nàng định vào làm ngay, đâm trúng tim ông lớn rồi đâm vào tim mình. Để máu của ông và máu của nàng cùng chảy. Nàng bạo lên, hất rèm bước vào, tấm rèm thêu hai con cò khép ngay lại sau lưng nàng, che khuất luôn thế giới bên ngoài.
Giữa phòng là chiếc bàn lớn, trên bày đủ văn phòng tứ bảo, những bức tranh chữ treo trên tường, những giá gỗ để xó nhà, trên giá là những bồn hoa, cửa sổ chan hòa ánh nắng. Tất cả những cái đó sau khi cơn kích động qua đi, nàng mới nhìn thấy. Còn khi vén rèm bước vào, chỉ thấy mỗi ông lớn. Ông mặc thường phục, áo rất rộng, người hơi ngả trong ghế thái sư, hai chân đi tất bông trắng tinh thì gác lên mặt bàn. Ông lớn giật mình, vội thả hai chân xuống, vẻ ngạc nhiên còn đọng mãi trên khuôn mặt. Ông ngồi thẳng lên, đặt sách xuống nhìn nàng không chớp, nói:
- Nàng…
Tiếp theo đó là bốn mắt nhìn nhau, ánh mắt như sợi xích thằng liên kết hai người lại. nàng cảm thấy từ đầu tới chân bị trói chặt, không còn chút sức lực để cưỡng lại. chiếc làn và con dao rơi xuống nền gạch. Con dao rơi dưới đất sáng quắc nhưng nàng không nhìn thấy, ông lớn cũng không nhìn thấy. Đùi chó dưới đất thơm phức, nàng không ngửi thấy, ông lớn cũng không ngửi thấy. Nước mắt nóng bỏng ứa ra từ hai hốc mắt của nàng, ướt đẫm khuôn mặt nàng, ướt đẫm ngực áo nàng. Hôm ấy nàng mặc chiếc áo lụa màu cánh sen, tay áo, cổ áo và gấu áo đều viền chỉ lục. Cổ áo cao cao càng làm nổi bật cái cổ trắng như ngó cần. Hai gò vú kênh kiệu rúc rích còn vương sương sớm, kiều diễm, mịn màng, e ấp, thẹn thùng. Quan lớn Tiền vô cùng xúc động. Người con gái như nà Tiên giáng trần này lại là người tình của ông, xa nhau bây giờ gặp lại.
Ông đứng dậy, đi vòng qua bàn giấy, góc bàn va tím đùi mà ông không hay. Đôi mắt ông không rời đôi mắt nàng. Trong lòng ông chỉ có người đẹp này, chẳng khác con nhộng sau khi lột xác thành con bướm, chỉ còn mỏng tang cái vỏ. Mắt ông ướt đẫm, ông thở hổn hển. Ông giơ cả hai tay, lòng ông rộng mở. Khoảng cách còn một bước, ông đứng lại. Hai người vẫn mắt trong mắt, mắt nào cũng lệ chảy tràn. Sức mạnh súc tích dần lên, nhiệt độ tăng dần lên. Cuối cùng, không rõ ai trước ai sau, hai người ôm chầm lấy nhau, dốc toàn bộ sức lực quấn chặt lấy nhau như hai con rắn, cả hai đều ngừng thở, xương cốt kêu răng rắc, hai miệng tìm đến nhau, dính chặt. Cả hai cùng nhắm mắt, chỉ còn bốn môi cùng hai lưỡi quyết trận thư hùng, trời nghiêng đất ngửa, ngậm và nuốt, hai cặp môi tan ra như kẹo mạch nha nóng chảy… Sau đó thì, nước chảy thành mương, dưa chín cuống rụng, không một sức mạnh nào ngăn được họ. Giữa thanh thiên bạch nhật, trong gian phòng duyệt án trang nghiêm, không giường ngà, không chăn uyên ương, hai người cởi phăng xác nhộng, lộ vẻ yêu kiều, lột xác thành tiên ngay trên nền gạch.

 

<< II-Chương 1 | II-Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 196

Return to top