Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đàn Hương Hình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19745 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đàn Hương Hình
Mạc Ngôn

II-Chương 4

Ông mở mắt, thấy tia nắng lọt qua một chạc cây, rọi xuống. Cảnh tượng mà ông mục kích trên cây, lại thoáng hiện trong đầu, nỗi đau của ông chẳng khác con trâu lúc bị thiến, rúm người lại. Từ giờ phút này trở đi, trong tai ông ầm ầm như tiếng gõ cấp tập của trống và thanh la, y như màn dạo đầu của một vở Miêu Xoang. Tiếp theo là tiếng dài lê thê của sáo và kèn bầu, mở đường cho dàn miêu cầm liên miên bất tận những điệp khúc. Những âm thanh làm bạn với ông suốt nửa đời người, giúp ông thuần hóa nỗi đau sắc nhọn trong tim, như gạt đi mỏm nhọn của núi cao, lấp bằng vực sâu nghìn trượng, biến nỗi đau thành cao nguyên mênh mông. Từng đàn chim thước bay lượn rất kịch tính, đệm cho cho dàn nhạc trong lòng ông. Chúng như những cụm mây nhỏ có màu lam của ngói lưu ly, nhẹ nhàng bay lượn. Còn như tiếng mổ cốc cốc không mệt mỏi của con chim gõ kiến thì đúng là nhịp phách, cầm trịch tiết tấu của bản nhạc. Tơ liễu phất phơ trước làn gió nhẹ, y như bộ râu đẹp của ông khi xưa…
Tui tui tui cầm ngược cây côn… mình giắt yêu đao sắc như nước… đi một bước kêu trời… đi hai bước hận đời… Tui tui tui bước gấp, đường mòn heo hút còn xa lắc…
Tiếng hát bi phẫn dội lại trong tim ông. Ông vịn cây, đứng lên một cách khó nhọc, đầu lắc lư, chân đập đập…
Tang tang tang tang tang tang… tang bụp tang bụp tang bụp… tang! Tôn Bính tui ngó về quê nhà phương bắc, cuồn cuộn khói đen che kín nửa trời. Vợ tui nàng nàng nàng chôn thây bụng cá, các con tui… thảm lắm trời ơi… một gái một trai mệnh táng suối vàng… Đáng hận thay, bọn giặc tóc trắng mắt xanh, độc như rắn rết, táng tận lương tâm, giết người vô cớ, khiến tui tan cửa nát nhà, thân đơn bóng chiếc… Tui tui tui… thảm lắm trời ơi…
Tôn Bính chống cây gậy gỗ táo đã gây tai họa cho ông, loạng choạng ra khỏi rừng liễu… tui tui như con nhạn lạc đàn, như hổ xuống đồng bằng, như rồng mắc cạn trong vũng hẹp… Ông giơ cây gậy lên, vụt đông vụt tây, vụt nam vụt bắc, những cây liễu bị đáng đến tróc vỏ, cả đàn cây bật khóc hu hu…. Bớ giặc Đức, ngươi ngươi ngươi giết vợ giết con tui, ác như loài thú… thù sâu như biển này, tui quyết báo… tang tang tang tang tang tang… thù này không báo, không làm người… Ông vung cây gậy, loạng choạng nhảy xuống sông Mã Tang, nước sông ngập ngang bụng. Tháng Hai tuy băng tan, nhưng vẫn buốt thấu xương. Vậy mà ông không cảm thấy, ngọn lửa báo thù thiêu đốt trái tim ông. Ông lội nước rất khó khăn, nước như bọn lính Tây ngăn trở ông, níu kéo ông. Ông tả hữu đột, vụt mặt nước lia lịa…bốp bốp bốp bốp bốp, mặt nước tung tóe, bọt bắn tứ tung… như hỗ giữa đàn dê… nước bắn lên mặt ông, tối mắt tối mũi, một màu xám nhạt, một màu đỏ như máu… Xông vào nơi hang hùm ổ rắn, giết một lèo máu chảy thành sông, tui tui tui giữ sổ Nam tào, lấy mạng chúng bất kể khi nào… Ông bò cả tay lẫn chân lên mặt đê, quì xuống sờ vết máu chưa khô trên mặt đất… Kiều nhi ơi Kiều nhi, nàng đã xuống suối vàng, tui đứt từng khúc ruột… tui choáng mày choáng mặt, tui trời đất quay cuồng, tui tóc tai dựng ngược… Tay ông dính đầy máu và bùn đất. Ngôi nhà đang cháy dở, nóng hầm hập. Tro bay đầy trời. Ông thấy ngọt mặn đắng cay ở họng, cúi xuống nôn ra một bụm máu tươi.
Hai mươi bảy sinh mạng của trấn Mã Tang bị tàn sát. Mọi người khiêng xác lên mặt đê, đặt thành hàng, đợi quan huyện về khám. Ông hai Trương nhờ cậy mấy thanh niên xuống sông mò vớt xác Đào Hồng cách đó năm dặm và xác bé Bảo, bé Vân, lên bờ, để cùng chỗ với xác người trong trấn. Người ta đáp cho vợ ông cái áo rách lên người, cặp chân trắng nõn duỗi thẳng, thảm quá! Tôn Bính nhớ lại những vai nữ tướng mà vợ mình đã sắm, trên đầu cài lông chim trĩ, lưng giắt thanh bảo kiếm, chân đi giày thêu, mũi giày đính quả hồng nhung to bằng nắm tay, tay áo phất phơ, dáng đi uyển chuyển, mặt tựa hoa đào, eo như cành liễu, tiếng oanh thỏ thẻ, cái nhìn đắm say… Vợ của tui, nào ai ngờ mưa gió dập vùi, sao chịu nổi gió sao sương kiếm, tui tui tui huyết lệ chảy tràn… Kìa ma8tt trời đã ngả về tây, vầng trăng sớm treo cao, mục đồng ca bi tráng, tiếng quạ gọi đêm về… thanh la xủng xoảng, đòn kiệu lắc lư, kìa tri huyện Cao Mật đã tới…
Tôn Bính trông thấy ông lớn Tiền khom người chui ra khỏi kiệu. Tấm lưng cánh phản của ông vốn luôn luôn thẳng đuỗn, nay gập xuống một cách kỳ quặc. Bộ mặt vốn tươi tắn, nay co giật đáng sợ. Bộ râu vốn mượt như lông đuôi ngựa, nay rối bù khó coi. Cặp mắt vốn tinh nhanh sắc sảo, nay tối rầm, chậm chạp lừ đừ. Hai tay ông không biết làm gì, lúc nắm lại, khi thì vỗ trán. Mấy lính thị vệ đeo vũ khí, thận trọng bám sát ông lớn, không rõ bảo vệ ông hay giám sát ông. Ông xem xét từng thi thể trên đê, khi ấy, mọi người yên lặng nhìn ông. Ông đưa mắt nhìn bao quát đám đông đứng im như thóc mục, lập tức mồ hôi trên đầu ướt đẫm tóc. Cuối cùng, ông chấm dứt những bước chân hoang mang. Lấy ống tay áo thấm mồ hôi. Ông nói:
- Các vị phụ lão và bà con, các vị phải kiềm chế…
- Thưa ông lớn, ông lớn định liệu cho chúng con… - những người dân gào khóc, quì cả xuống, đen ngòm một mảng.
- Bà con mau đứng dậy! Xảy ra thảm án này, bản quan lòng như dao cắt, nhưng người thì chết thì không thể sống lại, các vị hãy chuẩn bị áo quan, khâm liệm, chôn cất cho họ mồ yên mả đẹp…
- Lẽ nào người nhà chúng con chết oan uổng như vậy sao? Chẳng lẽ cứ để bọn giặc Tây hoành hành như vậy sao?
- Bà con, nỗi đau của các vị cũng là nỗi đau của ta – Tri huyện nước mắt lưng tròng – Cha mẹ của các vị cũng là cha mẹ của bản quan. Con cái của các vị cũng là con cái bản quan. Vạn lần mong các vị bình tĩnh, đừng nóng vội, không thể cứ ý mình mà được việc. Ngày mai bản quan lên tỉnh xin gặp Tuần phủ đại nhân, nhất định phải làm cho ra nhẽ.
- Chúng con khênh xác lên tỉnh!
- Không nên, không nên, quyết không nên – Ông lớn vội ngăn – Các vị hãy tin ở ta, bản quan sẽ dùng lý lẽ mà ra sức tranh đấu, dù phải trả giá bằng cái mũ đầu trên đầu!
Trong khi dân chúng kêu gào thảm thiết, Tôn Bính trông thấy ông lớn Tiền len lén đi tới, ấp úng bảo ông:
- Tôn Bính, phiền ông đi cùng bản quan một chuyến.
Tiếng nhạc hồi vọng trong lòng Tôn Bính, đột nhiên chuyển sang cao trào như trời long, như đất lở, âm thanh cao vút. Lông mày dựng ngược, mắt tròn như mắt hổ, ông giơ cao cây gậy gỗ táo…
Hỗi tên quan chó má, ngươi đạo mạo mà chỉ giỏi giả vờ, ngươi nói rằng vì dân tranh đấu, nhưng rõ ràng ngươi đánh lừa ta, ngươi bắt ta nộp trên lĩnh thưởng! Ngươi làm quan mà không lo cho dân, cam tâm tiếp tay cho giặc. Vợ con ta chết oan chết khốc, không báo thù ta sống bằng thừa! Dù cho ngươi hai bằng tiến sĩ, dù cho ngươi có là Hoàng đế, ta chẳng coi ngươi là đáng kể! Ta xắn tay áo, ta xoa bàn tay, ta liều thân như chẳng có, ta quyết đập chết màu… Nhằm đầu quan lớn Tiền giáng mạnh… Chà chà chà, rụng đầu chẳng qua là vết thương bằng miệng bát. Đập chết ngươi, tên tri huyện giúp hổ cắn người… Quan huyện Tiền nhanh nhẹn né tránh, Tôn Bính đập hụt. Các nha dịch thấy ông lớn gặp nguy, múa đao xông tới định bắt Tôn Bính. Tôn Bính gầm lên, chẳng khác con thú bị trọng thương, mắt tóe lửa. Đúng là một người liều mạng, nghìn người khó đánh lại. Công chúng đồng loạt ra tay, lửa giận ngất trời. Tôn Bính múa cây gậy vù vù, một nha dịch bị quật ngang lưng, lăn lông lốc xuống chân đê. Quan huyện Tiền ngửa mặt than rằng:
- Hừ, bản quan tốn bao tâm cơ, xin có trời xanh chứng giám! Bà con nông dân, chuyện này liên quan đến người Tây, nhất thiết không được manh động. Tôn Bính, ông tránh được mồng một, nhưng không tránh khỏi ngày rằm, hãy giữ mình cho cẩn thận!
Quan huyện Tiền được các nha dịch bảo vệ, chui vào kiệu. Cỗ kiệu chuyển động, các phu kiệu chạy như bay, chân không bén đất, cả đoàn người bị màn đêm nuốt chửng. Đêm ấy, trấn Mã Tang thức trắng. Đây đó vang lên tiếng gào khóc của phụ nữ, tiếng đóng áo quan, cho đến khi trời sáng. Ngày hôm sau, họ giúp nhau khâm liệm, chôn cất người chết, các quan tài nhất loạt dùng đinh đóng nắp.
Chôn cất người chết xong xuôi, mọi người đâm ra ngơ ngác, y như tỉnh dậy sau cơn ác mộng. Mọi người tụ tập trên đê, nhìn về phía lều trại đường sắt. Nền đường cao to đã đến Liễu Đình, thôn tận cùng phía đông vùng Đông Bắc Cao Mật, cách trấn Mã Tang chỉ sáu dặm. Phần mộ tổ tiên bị đè bẹp, con kênh tiêu úng bị san lấp, phong thủy ngàn năm bị phá hoại, huyền thoại về cắt đuôi sam bắt linh hồn, sống động bày ra trước mắt, cái đầu của con người không được bảo vệ. Quan phụ mẫu chỉ là chó săn của người Tây, cuộc sống khốn khổ của quần chúng sắp tới gần. Chỉ một đêm mà tóc Tôn Bính bạc trắng, mấy sợi râu còn sót biến thành cỏ khô, sợi rụng sợi gãy. Ông kéo lê cây gậy gỗ, nhảy nhót trên đường như một võ sinh dở người. Mọi người nhìn ông thông cảm, cho rằng tinh thần ông không bình thường. Không ngờ ông cực kỳ thông minh khi nói những lời sau đây:
- Thưa bà con, Tôn Bính tui đánh chết tên kỹ sư Đức, tai họa này liên lụy đến mọi người, tui xấu hổ lắm, tui sợ lắm! Các vị hãy trói tui nộp cho quan huyện Tiền Đinh, để ông ta nói chuyện tình cảm với người Đức. Chỉ cần họ đồng ý thay đổi tuyến đường, Tôn Bính có chết cũng không oán hận.
Mọi người đỡ ông dậy, năm người mười câu khuyên can:
- Ông Bính ơi ông Bính, ông là hảo hán, đáng mặt nam nhi, không sợ quan không sợ Tây, ông là anh hùng. Tuy họa Mã Tang là do ở ông, nhưng chuyện này khó lòng tránh khỏi. Xảy ra muộn chẳng bằng xảy sớm. Bọn giặc mà làm xong đường sắt, cuộc đời ta cũng khó yên lành! Nghe nói con rồng ấy nó núi rung đất chuyển, nhà cửa ta chắc chắn tan tành. Nghe đâu phủ Tào Châu có Nghĩa hòa quyền, cùng giặc Tây một mất một còn. Ông hãy trốn đi Tào Châu phủ, đưa về các viện binh, chấn hưng Trung Hoa, diệt giặc Tây dương, cứu chúng sinh!
Mọi người góp tiền, đưa Tôn Bính lên đường ngay trong đêm. Tôn Bính mắt ngậm lệ mà hát rằng:
Ơi bà con, đẹp không đâu đẹp bằng quê hương, thân không đâu thân bằng tình cố hương. Tôn Bính tui rụng hết răng vẫn không quên ơn đức, không mời được viện binh, tui quyết không về!
Quần chúng hát rằng:
Hãy giữ mình, đường xa dặm thẳm, hãy giữ cho tỉnh táo cái đầu! Bà con sẽ ngửa cổ ngóng trông, mong cho ngày viện binh về tới!
Hai mươi ngày sau. Buổi chiều. Tôn Bính mặc áo dài trắng, ngoài khoác áo giáp trắng, sau lưng cài sáu lá cờ lệnh, trên mũ đính quả tú cầu lụa bằng nắm tay, mặt tô màu đỏ chu sa, lông mày vẽ xếch ngược, chân đi ủng đế cao, tay cầm gậy gỗ táo, ba bước lại rung gậy một cái, trở về trấn Mã Tang. Theo sát nút ông là hai hổ tướng, một người tầm thước, chân tay nhanh nhẹn, quần da hổ, đầu đội kim cô, tay cầm gậy như ý, giọng choe chóe, chạy nhảy lung tung, trông giống như Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ Không. Vị thứ hai bụng phệ, khoác áo thụng đen, đầu đội mũ tì lư, tay cầm đinh ba đảo phân. Chẳng nói cũng biết đó là Thiên Bồng nguyên soái Trư Ngộ Năng.
Đoàn ba người nay xuất hiện trên đê Mã Tang đúng lúc ánh nắng lọt qua kẽ mây rọi lên người họ. Họ áo quần sặc sỡ, hình dung cổ quái, y hệt thiên bình thiên tướng từ trên mây nhảy xuống. Người đầu tiên trông thấy họ là cậu cả Ngô. Cậu cả Ngô không nhận ra Tôn Bính. Tôn Bính cười với cậu, khiến cậu không hiểu ra sao, sau đó sợ run lên. cậu nhìn theo ba con quái vật đi vào cửa hiệu bán bếp lò ở đầu phía tây của thị trấn rồi không thấy đi ra.
Lúc hoàng hôn, dân phố theo thói quen, bê bát cháo ra đường ăn. Cậu cả Ngô chạy từ đầu đông sang đầu tây con đường lớn, thông báo tin yêu quái xuất hiện ở trấn. Cậu cả Ngô vốn hay trên mây dưới gió, nên mọi người chỉ nửa tin nửa ngờ, nghe thì nghe, nhưng chỉ coi như dấm ớt trong bữa cơm. Lúc này đầu phía tây thị trấn bỗng nổi thanh la, thấy Tư Hỉ, người giúp việc ông thợ bếp lò, đội tấm da mèo đen, vẽ mặt con linh miêu trên mặt, nhanh nhẹn chạy ra, cái đuôi mèo vung vẩy sau gáy. Anh ta vừa gõ thanh la vừa hét to:
- Tôn Bính rất phi thường, học được Tào Châu Nghĩa hòa quyền. Dẫn về Tôn, Trư hai đại tiên. Phá đường sắt, giết Hán gian, đuổi giặc Tây cho dân bình an. Đêm đêm tập luyện Nghĩa hòa quyền, địa điểm tại đầu cầu, trẻ già nam nữ đều đến tập, ai ai cũng học Nghĩa hòa quyền. Học được Nghĩa hòa quyền, gươm đao không dính thân, sống lâu và sống khỏe. Học được Nghĩa hòa quyền, bốn bể là anh em, ăn cơm không mất tiền. Học được Nghĩa hòa quyền, Hoàng thượng phải chiêu an, một khi đã chiêu an, ai cũng làm đại quan, vợ con hưởng phú quí, được chia ruộng cấp lương…
- Thì ra là Tôn Bính! – Cậu cả Ngô sững người – Chả trách trông rất quyen, lại còn cười với mình nữa!
Cơm tối xong, chỗ đầu cầu đốt một đống lửa trại, sáng nửa bầu trời. Mọi người tụ tập quanh đống lửa với tâmtrạng tò mò cao độ, đợi Tôn Bính biểu diễn Nghĩa hòa quyền.
Trước đống lửa kê một chiếc bàn bát tiên, trên bàn đặt bát hương, trong bát cắm ba nén hương. Hai bên bát hương là hai giá nến, mỗi giá cắm một cây nến đại màu đỏ, làm bằng mỡ cừu. Aùnh nến bập bùng càng tăng vẻ huyền bì. Lửa cháy rực, nổ tí tách, nước sông phản chiếu lửa trên bờ, lăn tăn những vẩy bạc.
Cửa hàng của ông thợ đắp lò, cửa vẫn đóng im ỉm. Mọi người sốt ruột, có người gọi:
- Tôn Bính, Tôn Bính, mới xa nhau có mấy hôm mà đã không nhận ra nhau sao? Ỡm ờ gì ma với quỉ? Mau ra biểu diễn thần quyền của ông cho bọn tui xem nào!
Tư Hỉ lách qua cửa ra ngoài, nói nhỏ:
- Đừng ồn, các vị đang uống bùa.
Cửa quán bỗng mở rộng y hệt một con thú há miệng. Đám người đứng im như phỗng, mắt mở to, ngóng Tôn Bính và hai vị đại tiên chẳng khác ngóng diễn viên ra sân khấu. nhưng Tôn Bính vẫn chưa ra. Im lặng, im ắng đến nỗi nghe thấy nước chảy dưới chân cầu, ngọn lửa phần phật như cờ bay trước gió. Mọi người đang đợi thì chợt nghe vút lên giọng nam cao của làn điệu Miêu Xoang, cao và hơi rè nên càng hấp dẫn:
Trả thù sâu nên phải xa quê…
Giọng hát cao từng cung bậc như các đốt của cây trúc, cao đến chín tầng mây, từ từ xuống thấp, rồi đột nhiên lại vút lên cao, cao cao mãi, đến nỗi không thể nghe thấy gì nữa. Tiếng thanh la của Tư Hỉ dồn dập, không tiết tấu, không giữ nhịp. Cuối cùng, Tôn Bính xuất hiện. Ông vẫn ăn mặc như ban ngày: áo bào trắng, mũ bạc, mặt đỏ, mày xếch, ủng đế cao, cậy gậy cầm ngược. Theo sát ông là Ngộ Không và Bát Giới. Tôn Bính chạy kiểu chạy đàn tràng quanh đống lửa, gần như không nhấc chân khỏi mặt đất, trên cơ sở vũ đạo cua kịch nghệ, bổ sung công phu của võ nghệ, nên bước chân càng thoăn thoắt, như hành vân lưu thủy. Rồi thì đấm đá, lắc mình, nhào lộn, cuối cùng là động tác ra mắt đầy kịch tính, hát tiếp:
… Tại phủ Tào Châu học Nghĩa hòa quyền, các lộ thần tiên đều về hỗ trợ, bọn Tây dương không thể sống còn. Lúc chia tay, đại soái dặn dò, lập thần đàn tại quê ta Cao Mật, truyền thụ nhân quyền, luyện tập võ nghệ, nhân tâm một mối, bẩy được Thái Sơn. Biệt phái sư huynh hai hộ pháp, chân tiên hạ phàm chính hai ông…
Khi hát điệu Miêu Xoang trên, Tôn Bính bị quần chúng coi thường ngay. Thần quyền ở đâu mà thần quyền, vẫn là bình cũ rượu cũ! Tôn Bính vòng tay thi lễ:
- Thưa các vị láng giềng hàng xóm, người anh em lần này đến Tào Châu bái kiến đại sư huynh Chu Hồng Đăng. Nghe tin giặc Đức làm con đường sắt vắt qua vùng Đông Bắc Cao Mật giết hại người vô tội, đại sư huynh lửa giận cành hông. Đại sư huynh vì nghĩa quên thân, những muốn dẫn thần binh, thân chinh đánh Đức, nhưng ngặt nỗi quân vụ nặng nề, không dám bỏ cho ai. Đại sư huynh bèn truyền thụ cho tui thần quyền tâm pháp, lệnh cho tui trở về thiết lập thần đàn, dạy thần quyền, đánh đuổi Tây dương khỏi Trung nguyên. Hai vị đây là Hầu nhị ca và Trư tam ca, có thần lực dao đâm không thủng, đạn bắn không vào, đợi lát nữa biểu diễn các vị xem. Tiếp theo đây, tui biểu diễn một lượt, âu cũng là thi triển tài mòn để đại sự thành!
Tôn Bính đặt cây gậy xuống, lấy từ bao hành lý của Tôn Ngộ Không một tệp giấy màu vàng, đốt một tờ. Tờ giấy cháy trên tay ông, tàn tro theo dòng khí lưu của đống lửa trại, bay lên theo đường xoắn ốc. Xong xuôi, Tôn Bính quỳ trước hương án, kính cẩn lạy ba lạy. Sau đó, lấy trong túi đựng hành lý của ông một đạo thần phù, đem đố trong một cái bát màu đen. Ông rót nước từ hồ lô đeo bên mình vào bát, lấy đôi đũa mới tinh khuấy tan tro, đặt bát lên hương án, rồi lại quỳ xuống lạy ba lạy, rồi vẫn quỳ, hai tay bê bát uống cạn một hơi, uống xong lại lạy ba lạy, rồi lim dim mắt đọc thần chú, mọi người nghe câu được câu chăng, những lời hàm hồ không rõ nghĩa. Giọng ông lên bổng xuống trầm, du dương thánh thót, liên miên bất tậm. Dài dặc như chức cẩm hồi văn, khiến quần chúng hai mắt lim dim, ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gà ngủ gật. Bỗng ông thét lên một tiếng, méo sùi bọt trắng, toàn thân co giật, ngã ngửa ra sau. Mọi người bừng tỉnh, định chạy lên cứu, nhưng Ngộ Không và Bát Giới ngăn lại.
Mọi người chỉ chờ trong giây lát, Tôn Bính đã vọt lên như cá chép vượt vũ môn, cơ thể cao to nặng nề của ông nhẹ nhàng bay lên cao ba thước, rồi từ từ hạ xuống. Mọi người đều không lạ gì tài năng của ông, chỉ là anh kép hát nghiệp dư, nhào lộn dăm cái trên sân khấu đã thở phì phò, nay thấy ông trổ tài khinh công trác tuyệt, tất thảy đều trố mắt, lạ lùng hết sức. Qua ánh lửa, mọi người thấy mắt ông phóng ra những tia thần bí, khuôn mặt đỏ au cũng mang sắc thái thần tiên, vừa quen vừa lạ. Ông mở miệng, những người quen nghe giọng ông, thấy ngay đây là giọng của người khác, rành rọt, âm vang, lẫm liệt:
… Mỗ đây đại nguyên soái, họ Nhạc tên Phi, tự Bằng Cử, người Thang âm, Hà Nam…
Quần chúng thót tim, chẳng khác quả táo đỏ treo trên cành mềm, đung đưa đung đưa, rồi bình ổn rơi xuống, vang lên tiếng đá tiếng vàng.
- Đại nguyên soái Nhạc Phi.
- Nhạc Vũ Mục nhập hồn.
Trong đám quần chúng có một người quì xuống, mọi người nhất loạt quì theo, chỉ thấy Tôn Bính, người được đại nguyên soái nhập hồn, xoay tít quanh đống lửa, đá song phi, nhẹ nhàng, uyển chuyển. Thân hình lúc vươn cao lúc cúi thấp, cờ soái sau lưng bay phấp phới, giáp bạc trên người lấp lánh như sao. Tôn Bính lúc này không phải là người trần, là con giao long giữa con người. Thôi múa, ông vung cây gậy như vung ngọn giáo bạc, đâm trái gạt phải, đỡ trên, tránh dưới, như mãng như sà, quần chúng hoa cả mắt, tâm phục khẩu phục, dập đầu lạy như tế sao. Ông thu cây gậy, cất giọng kim mà hát rằng:
Hận thay nước mất, mười hai đạo kim bài, ba quân cùng gào thét, Hoàng Hà cuồn cuộn chảy về xuôi!… Khá thương thay, chúng phụ lão trong cảnh nước sôi lửa bỏng, đáng than van thánh chúa chửa hồi triều! Rỡ Hồ phía bắc khi nào sạch, nghiến răng căm uất lũ quyền gian! Căm hờn chất chứa cùng ai tỏ, nuốt kiếm mà than thấu tận trời!
Mỗ, tên Nhạc Bằng Cử, nay phụng mệnh Thiên đế giáng linh thần đàn, nhập vào Tôn Bính, truyền thụ võ nghệ cho các người, quyết một trận tử chiến với Tây dương. Tôn Ngộ Không đợi lệnh!
Sư huynh sắm vai Ngộ Không tiến lên một bước, quì một chân, nhí nhảnh:
- Có mạt tướng.
- Bổn soái ra lệnh cho ông dẫn mười tám Hầu côn, diễn tập để dân chúng xem.
- Xin tuân lệnh.
Tôn Ngộ Không xiết chặt quần da hổ, giơ tay vuốt mặt. Sau khi vuốt, như đeo mặt nạ, khuôn mặt hoàn toàn thay đổi, linh lợi, sống động, nháy mắt chau mày đúng như khỉ. Mọi người rất buồn cười mà không dám cười. Hầu vương thay đổi nét mặt xong, lộn một vòng tại chỗ. Mọi người ồ lên tán thưởng. Được khen, Hầu vương càng hăng, ném mạnh cây gậy Như ý lên trời, tung mình nhào theo, lộn liền hai cái trên không rồi vững vàng tiếp đất không một tiếng động, vươn tay đón cây gậy Như ý vừa vặn rơi xuống. Một chuỗi những động tác kế tiếp nhau, không sai lệch nửa phân, chính xác gần như tuyệt đối. Mọi người vỗ tay như điên. Hầu vương thi triển côn thuật trong tiếng vỗ tay, dưới ánh lửa trại, người nhu rồng cuốn, côn như rồng bay. Đâm, vụt, gạt, quét, thọc, đón, đỡ, quat, chiêu nào cũng tinh thông, chiêu nào cũng đẹp mắt. Tiếng gậy vù vù, bóng gậy loang loáng. Cuối cùng, Hầu vương trồng gậy đứng thẳng trên mặt đất, cất mình nhảy lên đứng một chân trên đầu gậy theo thế kim cô độc lập, tay che ngang mày như khỉ nhìn xa. Rồi, lộn một vòng ra phía sau, nhẹ nhàng tiếp đất, vòng tay chào công chúng, không thở dốc, không ra mồ hôi, ung dung thư thái, thật không bình thường. Công chúng vỗ tay hoan hô.
- Giỏi quá!
Nhạc nguyên soái lại ra lệnh:
- Bát Giới nghe lệnh.
Anh ba Bát Giới ngất ngưỡng chạy tới, giọng ồm ồm:
- Có mạt tướng.
- Bổn soái lệnh cho ông biểu diễn mười tám bài đinh ba thuật cho dân xem.
- Mạt tướng tuân lệnh.
Bát Giới kéo lê đinh ba, ngơ ngẩn cười khí với đám đông, y như anh ngố dùng đinh ba đảo phân. Mọi người cũng thấy vũ khí của Bát Giới chính là cây đinh ba bình thường dùng để đảo phân, nhà nào cũng có, ai cũng biết sử dụng. Bát Giới kéo lê đinh ba lượn một vòng, lượn một vòng nữa, rồi lại một vòng nữa. Dân chúng đã bắt đầu ngán, lại vừa buồn cười, bụng nghĩ, cái ông Bát Giới này sao cứ lượn vòng mãi? Sau ba vòng, Bát Giới quẳng cây đinh ba, bò vòng quanh bằng bốn chân tay, vừa bò vừa hộc lên như con lợn nái bới cái ăn. Cuối cùng, dân chúng không nhịn được bật cười ha hả. Nhìn Nhạc nguyên soái, thấy ông vẫn đứng yên, nghiêm trang lẫm liệt, uy nghi như một pho tượng đá. Quần chúng lại đoán già đoán non:
- Có lẽ tuyệt chiêu là ở phần cuối.
Quả nhiên, Bát Giới sau ba vòng bắt chước lợn dũi đất, hai chân hai tay bò nhanh như bay, nhanh hơn cả lợn thật. Bò được mấy vòng, bắt đầu cuộn người chợt đứng thẳng lên, cây đinh ba đã trong tay từ lúc nào. động tác của Bát Giới trông có vẻ vụng, nhưng người có nghề thấy sự tinh diệu nằm trong cái vụng, từng chiêu từng thức đều đúng chỗ. Quần chúng vỗ tay hoan hô.
Nhạc nguyên soái nói:
- Các vị hương thân nghe đây, bổn soái phụng mệnh Ngọc hoàng đại đế, chấp thưởng thần đàn, tụ tập dân chúng luyện quyền, bất nhật sẽ cùng Tây dương khai chiến. Bọn Tây dương là hóa thân của bọn lính Kim. Bọn lính Tây có súng Tây, pháo Tây cực kỳ lợi hại, nếu các người không luyện tập võ nghệ thì làm sao đương nổi? Thượng đế sai bổn soái chuyển thần quyền cho các người, luyện được thần quyền, dao đâm không thủng, lửa đốt không cháy, rắn như kim cương cũng không thể xuyên thủng. Các vị thích học thầy nào?
Quần chúng hoan hô:
- Thích được Nhạc nguyên soái điều khiển.
Nhạc nguyên soái gọi:
- Tôn, Ngô hai tướng nghe lệnh!
- Mạt tướng nghe lệnh.
- Mạt tướng nghe lệnh.
Nguyên soái nói:
- Lệnh cho hai tướng quân biểu diễn cho mọi người xem thần quyền Kim Chung Chao.
- Tuân lệnh – Tôn, Trư hai người đồng thanh đáp lời.
Nhạc nguyên soái đích thân đốt hai đạo bùa, lệnh Tôn, Ngô hai tướng uống cạn. Sau đó, nguyên soái hai tay bắt quyết, miệng niệm chân ngôn, lần này Người đọc rõ ràng, như cố ý để mọi người học thuộc:
… Kim Chung Chao, áo sợi thép, nhất nhất qui thuộc Nghĩa hòa quyền. Nghĩa hòa quyền, đầu đội trời, uống kinh phù thành Thiết Tiên. Thiết Tiên là ông Tiên thép, tọa lạc đài sen thép, đầu thép, lưng thép, lều trại thép, súng đạn không sao bắn trúng người…
Niệm thần chú xong, Nguyên soái tợp một ngụm nước lã phun vào người Tôn Ngộ Không, rồi tợp ngụm nữa phun vào người Trư Bát Giới. Nguyên soái nói:
- Xong rồi, luyện đi!
Tôn Ngộ Không vận khí, chỉ vào đầu. Trư Bát Giới vung bồ cào, nhằm đầu Tôn Ngộ Không bổ xuống. Tôn Ngộ Không rướn cổ lên đỡ, đầu không xây xát mảy may.
Trư Bát Giới vận khí xuống bụng, Tôn Ngộ Không vung cây gậy như ý, nhằm bụng Trư Bát Giới vụt một gậy. Một lực phản hồi cực mạnh, đẩy bật Ngộ Không trở lại. Trư Bát Giới xoa bụng, cười hề hề.
Nguyên soái nói:
- Ai chưa tin, mời lên thử.
Một anh chàng lỗ mãng họ Dư tên Kim rất khỏe, từng đấm ngã trâu , nhặt viên gạch vỡ, nhảy lên, đập mạnh vào đầu Tôn Ngộ Không. Gạch vỡ, đầu không hề gì. Dư Kim bảo Tư Hỉ vào trong quán lấy ra con dao thái rau, hỏi Nguyên soái:
- Thưa Nguyên soái, được chứ?
Nguyên soái cười mỉm, không nói gì.
Trư Bát Giới gật đầu ra hiệu.
Du Kim vung dao lên, hết sức bình sinh chém vào bụng Trư Bát Giới, chỉ nghe “chát” một tiếng như chém vào sắt thép, bụng Bát Giới xuất hiện một vết trắng, còn con dao thì quăn hết lưỡi.
Lúc này quần chúng mới phục sát đất, nhao nhao đề nghị học quyền thuật. Nguyên soái nói:
- Cái hay nhất của thần quyền là học nhanh, ngay dù sức trói gà không chặt, chỉ cần thành tâm là linh nghiệm. Uống bùa thì thần linh nhập và người, cầu thần linh nào, có thần linh ấy. Thích Hoàng Thiên Bá có Hoàng Thiên Bá, thích Lã Động Tân, có Lã Động Tân. Thần linh đã nhập vào người thì trở nên võ nghệ cao cường, sức mạnh vô cùng. uống thêm một đạo bùa chú, thân thể rắn như kim cương, dao chém không đứt, nước thấm không vào. Cái hay của Nghĩa hòa quyền không để đâu cho hết, tiến quân phá địch, rút quân an toàn.
Quần chúng đồng thanh hoan hô:
- Xin bái Nguyên soái làm tướng!
Mười ngày sau. Tiết thanh minh. Buổi sáng trong mưa phùn, Tôn Bính cắt đặt mọi việc, tập hợp đội ngũ vừa được huấn luyện, đi tấn công lều trại của bọn Đức.
Mười ngày, cả ban ngày lẫn ban đêm, ông cùng hai Hộ pháp Tôn, Trư lập thần đàn bên đầu cầu, không quản mệt nhọc vẽ bùa niệm chú, luyện thuật tránh súng đạn, gươm giáo. Đàn ông khỏe mạnh trong trấn đều gia nhập thần đoàn, lạy thần đàn, luyện thần quyền. Những thôn lân cận đều vác lương thực đến tự nguyện tham gia. Mộc Độc, chàng chăn dê bên bờ nam sông Mã Tang và anh chàng lỗ mãng Dư Kim trở thành tùy tùng tin cậy của Tôn Bính. Độc Mộc đội tên mã tiền Trương Bảo, Dư Kim đội tên mã hậu Vương Hoành. Hôm tập quyền, mỗi người đếu lấy cho mình tên của một vị thần tiên hoặc một anh hùng hào kiệt mà mình kính phục: Nhạc Vân, Ngưu Cao, Dương Tái Hưng, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung, Lý Quì, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Thổ Hoành Tôn, Lôi Chấn Tử, Khương Thái Công, Trình Giảo Kim, Trần Thúc Bảo, Uất Trì Kính Đức, Dương Thất Lang, Hồ Diên Khánh, Mã Lương, Tiêu Tán… tóm lại, những nhân vật trong kịch, những anh hùng trong sách vở, những ma quỉ trong truyền thuyết, đếu xuất động, hạ sơn, hóa phép thần thông, nhập vào dân trấn Mã Tang. Tôn Bính cũng mang tên trung thần Nhạc phi, một danh tướng chống Kim lừng lẫy, tập hợp anh em hào kiệt trong thiên hạ, ai cũng có lòng trung nghĩa, người nào cũng võ nghệ tuyệt luân, chỉ mười ngày luyện được tấm thân sắt thép, quyết so tài cao thấp với quân Đức.
Uy tín Nhạc nguyên soái lên cao, nhất hô bách ứng. Bộ hạ dưới quyền có tám trăm chiến tướng. Ông còn tích cực vận động phụ nữ nhuộm vải đỏ may khăn và thắt lưng. Ông thiết kế một lá cờ đỏ như lửa, thêu chòm sao Bắc Đẩu. Ông chia tám trăm người thành tám Đội, mỗi Đội chia mười Ban. Đội có Trưởng, Ban có Đầu. Đầu Ban chịu sự chỉ huy của Đội trưởng, Đội trưởng chịu sự chỉ huy của Hộ pháp, Hộ pháp chịu sự chỉ huy của Nguyên soái.
Mờ sáng hôm tết thanh minh, Nhạc nguyên soái và hai Hộ pháp bày hương án ở đầu cầu, dựng cờ có chữ “Soái”. Khăn và thắt lưng thì đã phát từ hôm trước. Lệnh tập hợp lúc gà gáy ba bận cũng đã phố biến. Phụ nữ các nhà nửa đêm dậy làm cơm. Cơm gì mà cơm? Nhạc nguyên soái có lệnh: Hôm nay đi tác chiến, phải ăn ngon chút đỉnh, bánh thì bánh mì trắng, trứng thì phải trứng tráng, đàn ông đi đánh giặc, phải ăn bụng no căng. Nguyên soái ra lệnh, để ăn được ngon miệng, tương ớt cùng hành củ, phụ nữ chuẩn bị đủ. Phụ nữ nghe lời ông, bảo gì cứ thế làm. Nguyên soái đã nói vậy, ai mà dám cưỡng lại, cưỡng lại chắc phiền toái. Phiền thế nào? Khi ra trận, bùa không thiêng, đạn vốn không có mắt. Nguyên soái còn bảo, không được ngủ với vợ, nếu ngủ đạn không sợ, liên can đến sinh mạng, ai dám cho là đùa!
Lúc tế cờ, trời bắt đầu mưa phùn. Gió lặng. Hai lá cờ rủ xuống, không một lần phe phẩy. Trong cái hay cũng còn có cái dở, nhưng biết làm thế nào được? nhưng vì trời mưa, nên khăn đội đầu đặc biệt đỏ tươi. Màu đỏ ươn ướt khiến nguyên soái rất thích.
Tư Hỉ gõ thanh la càng mạnh hơn. Mấy ngày nay chú gõ thủng chiếc thanh la, chỗ tay cầm phỏng rộp, phải lấy vải trắng quấn lại. Trong tiếng thanh la cấp tập, ý hướng của mọi người dần tập trung về một mối, ý thức nghiêm chỉnh đậm dần lên, không khí thần bí dần quánh lại. Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới khiêng đến một con dê trói bốn chân, đặt trên bàn bát tiên. Con dê không chịu nằm yên, cứ ngóc đầu dậy, kêu thảm thiết. Tiếng dê kêu làm mọi người thót tim, thấy nó thật đáng thương. Đáng thương thì cũng phải giết. Trận mạc là phải hy sinh. Đánh nhau với giặc Tây, phải giết dê tế cờ để cầu may mắn. Tôn Ngộ Không dằn con dê xuống mặt bàn cho nổ nó dài ra. Trư Bát Giới bê con dao bầu to tướng đến, gác cổ con dê lên mặt đế, nhổ liền ba bãi nước bọt vào lòng bàn tay, nắm chắc cán dao bầu, lùi lại hai bước lầy đà rối dướn tới, “hự” một tiếng sập mạnh, đầu dê lìa khỏi cổ, máu vọt ra như xối.
Nhạc nguyên soái vẻ mặt nghiêm trang, bê huyết dê bằng hai tay, vẩn lên ngọn cờ đang rủ, rồi quì xuống lạy. Mọi người làm theo. Nguyên soái đứng dậy, vẩy chỗ huyết còn lại vào hàng quân, nhưng huyết ít không thể vẩy khắp, những người dính đôi giọt đặc biệt sung sướng. Khi vẩy rượu, miệng nguyên soái lẩm bẩm, đây là lễ cầu tập thể như trên đã kể. Vì thời gian eo hẹp, không thể từng người uống bùa để đồng nhập. Tất cả các thần linh đều do nguyên soái thay mặt cầu giúp. Lòng thành ắt thiêng. Nguyên soái yêu cầu mỗi người tâm niệm vị thần của mình mà đi vào trạng thái mơ màng. Không rõ được bao lâu, nguyên soái hét to:
- Trời linh thiêng, đất linh thiêng, kính thỉnh tổ sư hãy hiển linh. Một thỉnh Đường Tăng Trư Bát Giới, hai thỉnh Sa Tăng Tôn Ngộ Không, ba thỉnh Lưu Bị Gia Cát Lượng, bốn thỉnh Quan Công Triệu Tử Long, năm thỉnh Tế Cán ngài Phật tổ, sáu thỉnh Lý Quì Hắc Toàn Phong, bảy thỉnh Thời Thiên Dương Hương Vũ, tám thỉnh Võ Tòng và La Thành, chín thỉnh Biển Thước về trị bệnh, mười thỉnh Thác Tháp Thiên Vương Kim Tra Mộc Na Tra ba thái tử soái lĩnh mười vạn thiên binh, xuống trần giúp đả bọn Tây dương, diệt giặc Tây dương, thiên hạ thái bình, Ngọc hoàng đại đế cấp cấp như lặc lệnh…
Đột nhiên, mọi người như được tiêm thần lực, dòng máu căng lên trong huyết quản, tinh thần phấn chấn, cơ bắp rắn chắc đầy sức mạnh, đồng thanh hét lớn, nhảy nhót như hổ báo sài lang, rung râu trợn mắt, vung tay đá chân, tư thế hùng dũng khác thường.
Nhạc nguyên soái ra lệnh:
- Xuất phát!
Nhạc nguyên soái tay cầm gậy gỗ xông lên trước. Tôn Ngộ Không vác đàn kỳ màu đỏ, Trư Bát Giới vác soái kỳ màu trắng, Ngải Hỗ gõ thanh la, xúm xít theo sau. Rồi đến các lộ thần tiên bám sát, vừa đi vừa hò hét.
Trấn Mã Tang kề bên sông, phía nam là con đê Mã Tang dài hút tầm mắt, phía bắc là bình nguyên mênh mông. Để chống phỉ cướp bóc, trấn có tường vây hình bán nguyệt, chia các cửa đông, tây, bắc. Tường vây cao hơn đầu người, bên ngoài có hào, trong hào có nước, trước mỗi cổng có cầu treo.
Đội quân của Nguyên soái ra khỏi trấn theo cửa bắc. Theo sau đội ngũ là một lô một lốc trẻ em tinh nghịch. Chúng giơ cao cành cây, thân cao lương và thân cây hoa quỳ, mặt bôi nhọ nồi hoặc màu đỏ. Chúng bắt chước người lớn, hò hét bằng giọng non choẹt. Chúng cũng khệnh khạng hành tiến. Các cụ già thì tụ tập chỗ tường vây, thắp hương cầu thắng lợi.
Ra khỏi trấn, Nhạc nguyên soái bước càng nhanh, tiếng thanh la của Ngải Hổ càng thôi thúc. Mọi người bước theo nhịp thanh la. Khu lều trại đường sắt cách trấn không xa, ra khỏi tường vây đã nhìn thấy. Mưa phùn bay bay, từng đám hơi nước là là trên mặt ruộng. Tiểu mạch đông đã nảy mầm, mùi đất nồng đậm. Bờ mương hướng mặt trời, rau diếp dại đã nở hoa, cây nào cây ấy trắng như bông. Đội quân làm đôi chim gáy hoảng sợ, cất cánh bay đi. Tiếng cú cu từ rừng cây xa xa vọng lại.
Con đường sắt Giao – Tế, đoạn từ Thanh Đảo đến Cao Mật cơ bản đã làm xong, lặng lẽ nằm phục trên đồng ruộng như con rồng dữ, chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi. Một số người đang làm việc trên đường, dụng cụ bằng sắt đập vào nhau tinh tang. Trong lều, khói thổi cơm màu trắng sữa bay lên. Tuy còn cách một dặm, nhưng Nguyên soái đã ngửi thấy mùi thịt nướng.
Khi còn cách khu lều trại một dặm, Nhạc nguyên soái ngoái lại nhìn đội ngũ mình. Đạo quân rất tề chỉnh lúc ra khỏi trấn, giờ lộn xộn chẳng ra thể thống gì. Trên đồng không có đường, lội ruộng, chân người nào người ấy lấm bê bết những bùn là bùn, bước đi lạch bạch, vụng như gấu. Nguyên soái lệnh cho Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới đi chậm lại. khi mọi người chụm lại đã tương đối, nguyên soái ra lệnh:
- Các con, chùi chân đi, chuẩn bị tiến công!
Mọi người vẩy chân, có người vẩy cả bùn lên mặt, có người vẩy mạnh quá, giày văng đi mất. Nguyên soái thấy đã đến lúc, bèn hô lớn:
- Đầu bụng thân thép, doanh trại thép, chắn đạn cho ta đạn chẳng vào. Hỡi các tướng sĩ, xung phong! Phá đường sắt, giết Tây dương, con cháu muôn đời hưởng thái bình!
Động viên xong, Nguyên soái giơ cao cây gậy gỗ táo, vừa hét vừa xông lên. Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới vác cờ theo sát nút. Ngải Hổ ngã vập miệng xuống đất, giày kẹt lại trong bùn. Chú vùng dậy, cứ chân đất mà xông lên. Quần chúng đồng lao5t gào thét, xông tới khu lều trại như đàn ong.
Một tiều đội lính thủy quân lục chiến Đức làm nhiệm vụ bảo vệ đường, tất cả có mười hai lính. Chúng đang ăn cơm. Nghe bên ngoài ồn ào, tên Tiểu đội trưởng chạy ra ngó, thấy tình hình nguy hiểm, vội chạy vào lệnh cho bọn lính chuẩn bị súng. Khi đám quân của Nhạc nguyên soái chỉ còn cách khu lều khoảng chục bước, đám lính Đức đã xách súng chạy ra khỏi lều.
Nhạc nguyên soái trông thấy đầu nòng súng của bọn Đức phụt ra những bông hoa trắng, đồng thời tai nghe tiếng nổ, phía sau ông có tiếng kêu thảm thiết. Nhưng ông không kịp quay lại, cũng không có thì giờ suy nghĩ, ông thấy mình như cây gỗ giữa dòng nước lũ, theo đà xông vào trong lêu bọn Đức. Ông trông thấy một chiếc bàn kê to giữa lều, trên bày một đĩa thịt lợn, một số dao, dĩa trắng tinh. Thịt lợn thơm điếc mũi. Một tên lính Đức rúc nửa người vào gầm giường, cặp chân dài thượt vẫn ở ngoài. Trư Bát Giới lấy đinh ba đâm một nhát vào chân nó. Nó hét lên một tiếng dài lê thê, không hiểu có nghĩa gì, đoán chừng là kêu khóc cha mẹ! Nhạc nguyên soái chạy ra khỏi lều, truy bắt những tên Đức chạy trốn. Hầu hết chúng chạy về phía đường sắt. Mọi người đuổi theo sát nút.
Chỉ có một tên Đức chạy ngược lại, Nhạc nguyên soái cùng Ngải Hổ đuổi theo nó. Thằng Đức chạy không nhanh, khoảng cách ngắn dần lại. Nguyên soái thấy cặp chân như hai que củi thì rất buồn cười. Bỗng tên Đức tụt xuống lòng mương, và ngay lập tức, một làn khói nhỏ từ bờ mương bay lên, Ngải Hổ đang chạy đằng trước bỗng chúi một cái, cắm đầu xuống đất. Lúc đầu, nguyên soái tưởng Ngải Hổ trượt chân, nhưng liền sau đó, thấy máu chảy trên đầu, ông hiểu Ngải Hổ đã trúng đạn thằng Đức. Khúc bi ca lập tức nổi lên ầm ầm trong đầu, ông vung gậy xốc tới. Một viên đạn vút qua tai, nhưng ông đã ở trước mặt thằng Đức. Nó nâng khẩu súng cắm lê lên, nhưng bị cây gậy của ông đánh văng đi, nó hoảng sợ bỏ chạy dọc theo dòng mương. Nhạc nguyên soái đuổi theo. Tên Đức đi giày ủng lún trong bùn, không chạy được. Nhạc nguyên soái lấy đà, vụt một gậy vào ót nó. Ông nghe thấy nó kêu thất thanh, đồng thời ngửi thấy mùi thịt dê. Thằng cha này chắc tuổi dê – Ông nghĩ.
Tên Đức chúi đầu trong bùn. Khi nó từ từ ngóc đầu lên, Nhạc nguyên soái vụt một gậy, chiếc mũ đội trên đầu nó bẹp rúm. Ông định đập cho vỡ đầu nó, nhưng chợt trông thấy cặp mắt xanh da trời của nó giống hệt mắt con dê tế cờ, chớp chớp đáng thương quá, tay ông nhũn ta, nhưng ông không kịp thu gậy, cây gậy sượt qua đầu, rơi trên vai tên Đức.

<< II-Chương 3 | II-Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 601

Return to top