Ngày thứ hai sau vụ Mã Tang, quan huyện ngồi trong phòng văn thư, đích thân soạn thảo công văn, đệ trình tri phủ Lai Châu Tào Quế, Đạo Đài đạo Lai Thanh Đàm Dung, Tuần phủ Sơn Đông Viên Thế Khải, báo cáo tội ác tày trời của lính Đức đối với nhân dân vùng Đông Bắc Cao Mật. Cảnh tượng bi thảm mà ông mục kích đêm qua, cứ diễn đi diễn lại nhiều lần trước mắt ông. Bên tai ông, lúc liên tục lúc đứt đoạn, tiếng khóc, tiếng chửi. Ông giận điên người, bút vung như múa, câu chữ dưới ngòi bút ông đầy sắc thái bi tráng.
Viên Lại phụ trách hình sự rón rén bước vào, trình quan huyện một bức điện báo của Tuần phủ Sơn Đông gửi phủ Lai Châu chuyển huyện Cao Mật, nội dung thúc giục huyện Cao Mật nhanh chóng bắt bằng được Tôn Bính, đồng thời yêu cầu huyện Cao Mật lo đủ năm ngàn lượng bạc bồi thường tổn thất cho người Đức. Điện báo còn yêu cầu Tri huyện Cao Mật sắm sửa lễ vật thật hậu, đi bệnh viện Thanh Đảo thăm viên kỹ sư Đức Stêphan, qua đó xoa dịu người Đức, tránh thêm chuyện không hay sau này, vân vân…
Đọc xong bức điện, quan huyện vỗ án đứng dậy, chửi một câu rất tục: “Đồ khốn nạn!”, không hiểu chửi Viên đại nhân hay chửi người Đức? Ông nhìn thấy bộ râu dê của viên thơ lại rung rung, ánh mắt ranh ma của viên thơ lại nhấp nháy. Ông huyện thực tình không ưa viên thơ lại này, nhưng không thể dùng hắn. Bút hắn sắc như dao, hắn lắm mưu nhiều kế, thông thạo các mánh khóe của quan trường, hơn nữa lại là anh em họ với viên thơ lại phụ trách hình sự của Tri phủ. Tri huyện muốn công văn của mình không bị trả lại thì không thể thiếu viên thơ lại này.
- Lão phu tử, bảo chuẩn bị ngựa!
- Dám hỏi ông lớn, chuẩn bị ngựa đi đâu ạ?
- Đi phủ Lai Châu.
- Không rõ ông lớn đi phủ Lai Châu có việc gì?
- Ta định gặp Tào đại nhân, đòi công lý cho dân Cao Mật.
Viên thơ lại sỗ sàng giật lấy bức điện mới khởi thảo, ngó qua, hỏi:
- Điện văn này gửi Tuần phủ Lai Châu phải không?
- Đúng, nhờ ông nhuận sắc hộ.
- Bẩm đại nhân, kẻ hèn này gần đây mắt mờ, tai nghễnh ngãng, đầu óc lẩn thẩn, chỉ sợ hỏng việc của đại nhân. Xin đại nhân làm ơn cho kẻ hèn này về quê dưỡng lão – Viên thơ lại cười ngượng ngịu, lấy trong tay áo tờ đơn đặt lên bàn, nói – Đây là tờ trình xin thôi việc.
Quan huyện liếc qua tờ đơn, cười nhạt:
- Lão phu tử, cây chưa đổ, chồn cáo đã bỏ chạy!
Viên thơ lại không giận, chỉ cười mỉm tỏ vẻ khiêm nhường:
- Đa tạ quan lớn ân chuẩn.
- Đợi ta đi Lai Châu về, sẽ sửa tiệc rượu tiễn biệt ông.
- Cảm ơn thịnh tình của đại nhân.
- Vậy chào ông! – Quan huyện phẩy tay.
Viên thơ lại đi ra đến cửa, quay lại nói:
- Đại nhân, theo tiểu nhân thì, đại nhân không nên đi phủ Lai Châu, bức điện này cũng không nên gửi.
- Lão phu tử nói rõ hơn xem nào.
- Bẩm đại nhân, tiểu nhân xin nói một câu: đại nhân làm quan cho trên, chứ không phải làm quan cho dân. Muốn làm quan thì không được có lương tâm, muốn có lương tâm thì không nên làm quan!
- Chí lý đấy, còn gì nữa, lão phu tử nói nốt đi.
- Bắt ngay Tôn Bính để làm án. Đây là phương thuốc duy nhất để đại nhân tránh được tai vạ – Viên thơ lại nhìn chằm chằm vào mặt quan huyện, nói – Nhưng tiểu nhân biết, quan lớn không làm được!
- Vì vậy ông bỏ đi – Quan huyện nói – Ông cáo lão về quê là giả, cao chạy xa bay là thật!
- Đại nhân thật sáng suốt! – Viên thơ lại nói – Thực ra, nếu đại nhân dứt được nhi nữ thường tình, thì bắt Tôn Bính dễ như trở bàn tay! Nếu đại nhân không muốn lộ mặt, tiểu nhân tình nguyện trổ tài khuyển mã!
- Khỏi, khỏi! – Quan huyện lạnh nhạt, nói – Mời ông đi ngay cho!
Viên thơ lại chắp tay:
- Vậy xin chào đại nhân, chúc đại nhân được như nguyện!
- Lão phu tử cẩn thận giữ mình – Quan huyện ngoảnh vào trong sân, gọi to – Xuân Sinh, bảo chuẩn bị ngựa!
Giữa trưa, quan huyện cưỡi con ngựa trắng khỏe mạnh của ông, mặc quan phục đồng bộ, ra đi theo đường Cửa Bắc, tháp tùng quan huyện là tay chân thân tín Xuân Sinh và Trưởng ban điều tra Lưu Phác. Xuân Sinh cưỡi con lừa đen to khỏe, Lưu Phác cưỡi con ngựa ô cái. Bị ém trong chuồng suốt mùa đông, ba con vật vui sướng như điên trước đồng ruộng mênh mông và tiết xuân mát lạnh, vừa chạy vừa nhảy cỡn, hí vang. Con ngựa cái của Lưu Phác gặm mông con ngựa trắng của quan huyện, con ngựa trắng vọt lên. con đường mòn khúc khuỷu đang tan băng, mặt đường đầy bùn nhão đen sì. Ngựa chạy không vững bước, mặt đường đầy bùn nhão đen sì. Ngựa chạy không vững bước, quan huyện phải nhổm trên yên, hai tay nắm chặt bờm ngựa.
Họ đi về phía đông bắc, nửa tiếng sau đã qua sông Mã Tang mùa xuân nước lũ tràn bờ, tiến vào bình nguyên rộng lớn vùng đông bắc. Nắng chiều ấm áp, dát vàng lên những bụi cỏ khô và những đám cỏ non mới nhú. Thi thoảng, những con thỏ đồng hoặc cáo giật mình trước vó ngựa, nhảy dựng lên, bỏ chạy. Trên đường đi, họ đã nhìn thấy nền đường cao cao của đường sắt Giao – Tế và những người đang làm việc ở đó. tâm trạng thanh thản trước đồng ruộng mênh mông và bầu trời xanh nhạt của quan huyện tan biến, trong đầu ông lần lượt diễn lại cảnh thảm sát tại trấn Mã Tang. Ông thấy con tim đau nhói và khó thở. Ông thúc gót giầy vào bụng ngựa, con ngựa lồng lên, người ông lắc lư, nỗi buồn cũng dịu đi phần nào. Lúc mặt trời gối lên đường chân trời, họ tiến vào địa phận huyện Bình Độ, chọn một nhà khá giả ở một thôn nhỏ có tên là thôn Gò Trước, nghỉ ngơi một lúc và cho súc vật ăn. chủ nhà là một ông tú tài cao tuổi, tóc bạc phơ, cung kính và lễ phép với quan huyện, đãi trà thuốc và cơm rượu, thức ăn có củ cải đỏ nấu với thỏ đồng, canh rau cải đậu phụ, có cả hoàng tửu cất từ hạt bo bo. Sự thù tiếp chân tình của cụ Tú khiến quan huyện cảm động. Một tình cảm cao thượng dâng lên trong đầu ông, bầu máu nóng chạy rần rật trong huyết quản. Cụ Tú cố lưu quan huyện nghỉ qua đêm, nhưng quan huyện một mực ra đi. Cụ Tú nước mắt rưng rưng, cầm tay quan huyện nói:
- Tiền đại nhân, vì dân mà không ngại gian khổ như đại nhân, thật là hồng phước cho dân Cao Mật.
Quan huyện khảng khái, nói:
- Thưa lão hương thân, hạ quan ăn lộc của triều đình, là chỗ nhờ cậy của dân, đâu dám không cúc cung tận tụy?
Dưới ráng chiều đỏ rực, quan huyện lên ngựa, chào tạm biệt cụ Tú ra tiễn tận đầu thôn, rồi ra roi. Con ngựa trắng hí vang, chồm lên trong tư thế hùng dũng rồi lao đi như mũi tên rời khỏi cây cung. Quan huyện không ngoái lại nhìn, nhưng những câu chữ đã trở thành kinh điển khi tống biệt đầy ắp trong đầu ông: bóng tịch dương, ráng chiều, bình nguyên hoang vắng, con đường xưa, cành khô lá héo, tiếng quạ kêu sương… đầy bi tráng.
Ra khỏi thôn, họ tiến vào vùng đồng bằng rộng lớn hơn, hoang vắng hơn vùng Đông Bắc Cao Mật. Nơi đây đất trũng, dân cư thưa thớt. Con đường mòn lượn như rắn, cỏ khô cao ngang bụng, ngựa ngẩng cao đầu mà chạy, cây cỏ bên đường quẹt loạt xoạt vào chân người cưỡi. Màn đêm đã nặng, trăng non hình lưỡi liềm, ánh trăng như bạc. Sao nhấp nháy trên bầu trời tím. Quan huyện ngẩng nhìn trời, chòm sao Bắc đẩu sáng rực, dòng sông Ngân rạng rỡ, sao băng rạch bầu trời. Trời tối hẳn, lạnh kinh người, ngựa chạy chậm dần, từ đại xuống kiệu, từ kiệu xuống gằn, từ chạy gằn xuống đi thủng thẳng. Quan huyện quất con ngựa một roi vào mông, nó bực bội rướn đầu lên, chạy nhanh được vài bước rồi lại thủng thẳng như cũ. Sự hăng hái của quan huyện giảm dần, nhiệt huyết trong người thôi sôi sục. Không có gió, hơi lạnh cứa vào da thịt như lưỡi dao. Quan huyện cài roi vào cầu yên, hai tay luồn trong ống tay áo, cương ngựa lồng trong cánh tay, thu người lại, mặc cho con ngựa đi thế nào thì đi. Trong màn đêm sâu thẳm của đồng bằng, nghe rõ mồn một tiếng thở của ngựa, tiếng loạt xoạt của cây cỏ cà vào quần áo. Đôi khi, tiếng chó sủa mơ hồ vọng lại từ một bản xa, càng tăng vẻ huyền bí của đêm thâu. Quan huyện rất buồn vì trong lúc vội vã, ông để quên chiếc áo lông cáo cộc tay ở nhà. Nó là quà tặng của bố vợ ông. Ông vẫn còn nhớ, nhạc phụ rất trịnh trọng khi tặng cái áo này cho ông. Nó vốn là quà tặng của Hoàng Thái Hậu cho đại soái Tăng Quốc Phiên, bố vợ của bố vợ ông. Nó nay đã cũ, đôi chỗ trụi hết lông, không còn đẹp nữa, nhưng rất ấm. Nhắc đến áo, ông lại nhớ những chuyện cũ.
Ông nhớ lại cảnh nghèo túng thuở thiếu thời, học hành gian khổ, vui như điên khi lên được cao trung, nhớ cảnh các bạn đồng niên chúc mừng ông kết duyên cùng cháu ngoại nhà họ Tăng, cảnh bạn học Lưu Quang Đệ mừng đôi câu đối. Người làm sao bào hao làm vậy, Quang Đệ nét chữ mạnh mẽ như con người của ông ta. Câu đối vẻn vẹn tám chữ: Châu gắn với ngọc, tài tử giai nhân. Khi ấy, con đường trước mặt gần như thênh thang rộng mở. Nhưng “tri phủ chết không bằng chuột nhắt sống”, ông ngời ở bộ công sáu năm, nghèo rớt mồng tơi, đành phải nhờ nhà vợ cầu cứu môn sinh nhà họ Tăng để ra làm quan tỉnh ngoài, xoay xở mấy năm nữa, mới được về tri huyện Cao Mật, một huyện được coi là trù phú. Về Cao Mật, quan huyện những muốn trổ tài kinh bang để có thành tích, được để bạt. Nhưng ông sớm hiểu ra, ở một vùng mà người Tây thèm rỏ dãi thì không thể thăng quan, càng không thể tấn tước, mãn nhiệm mà không có gì sai sót đã là may! Ôi, vương triều đã đến hồi mạt vận, vàng thau lẫn lộn, đàng lựa gió bẻ buồm, cố giữ lấy cái thân trong sạch.
Con ngựa trắng bỗng hắt hơi rất to khiến ông bừng tỉnh. Ông thấy trong bụi rậm không xa, có bốn đốm mắt sáng xanh. Sói! Quan huyện hét to, đồng thời, theo phản ứng tự nhiên, kẹp chặt hai chân vào bụng ngựa, tay giật cương. Con ngựa hí lên một tiếng, cất cao vó trước, hất ông ngã ngửa ra sau.
Lưu Phác và Xuân Sinh vẫn bám sau quan huyện. Hai người rét đến nỗi trông thấy quan huyện ngã ngựa mà không sao tiếp cứu ngay được. Mãi khi hai con sói đuổi bắt con ngựa thì họ mới hét lên, vừa hét vừa rút đao khỏi vỏ, thúc ngựa và lừa xông lên. hai con sói nhảy vọt vào đám cỏ rậm, chạy biến.
- Ông lớn, ông lớn! - Lưu Phác và Xuân Sinh gọi to, vội nhảy xuống chạy đến cứu chủ.
Hai bàn chân quan huyện kẹt trong bàn đạp, người treo ngược sau mông ngựa. Con ngựa sợ Lưu Phác và Xuân Sinh bỏ chạy, kéo lê quan huyện phía sau, may mà cỏ rất dày, nếu không, chắc chắn sẽ vỡ đầu. Lưu Phác có kinh nghiệm, ngăn không cho Xuân Sinh la. Hai người chững lại, chúm miệng bập bập dỗ con ngựa: Ngoan nào, ngoan nào, ngựa trắng ngoan nào… Nhờ ánh sao, họ tiếp cận rồi nhanh như chớp, Lưu Phác nhảy vọt tới, ôm chặt đầu ngựa. Xuân Sinh đang ngẩn ra thì Lưu Phác hét to: Ngốc ơi là ngốc, mau cứu ông lớn!
Xuân Sinh lóng ngóng lôi đầu lôi chân không gỡ được khiến quan huyện kêu như cháy đồi. Lưu Phác bảo: Cậu là đồ vô tích sự, mau lại ôm lấy cổ ngựa!
Lưu Phác rút bàn chân tê cứng của quan huyện khỏi bàn đạp, rồi ôm ngang thắt lưng giúp ông đứng dậy, nhưng hai chân vừa chạm đất đã nhũn ra, ông huyện ngồi bệt xuống đất. Ông thấy toàn thân tê dại, không sao điều khiển nổi bất cứ bộ phận nào. Gáy và cổ tay đau không chịu nổi. Trong lòng ông giận hờn lẫn lộn, không biết trút vào đầu ai.
- Bẩm, ông lớn có sao không ạ? - Xuân Sinh và Lưu Phác hỏi khẽ, vẻ e dè của người phạm lỗi.
Quan huyện nhìn khuôn mặt nhòa nhạt của hai thuộc hạ, thở dài, nói:
- Khỉ thật, làm một quan tốt quả không dễ!
- Bẩm ông lớn, trên đầu ba thước có trời xanh – Lưu Phác nói – Ông lớn vất vả có trời chứng giám.
- Ông trời sẽ phù hộ cho ông lớn thăng quan phát tài – Xuân Sinh nói.
- Có trời thật không? – Quan huyện nói – Ta chưa bị ngựa kéo chết, chứng tỏ có trời thật! Các ngươi ton không? Nào, người anh em, xem hộ đùi ta có gãy không?
Lưu Phác cởi xà cạp chân ông lớn, luồn tay vào sờ nắn một lượt, nói:
- Ông lớn yên tâm, chân chưa gãy.
- Sao ông biết?
- Tiểu nhân từ nhỏ được tiên phụ dạy cho chữa các bệnh về xương.
- Chà, không ngờ ông anh thôn Bùi của ta lại là Lang Trung về xương kia đấy! – Quan huyện thở dài – Vừa rồi ta nhớ lại thời học cao trung cùng với thân phụ cháu. Khi ấy còn xanh, tuổi còn trẻ, hăng hái vô cùng, ôm mộng làm nên đại sự cho dân cho nước, nhưng giờ thì… - Quan huyện buồn rầu nói – Chân chưa gãy chứng tỏ có trời! Hãy nâng ta dậy!
Xuân Sinh và Lưu Phác, một trái một phải, đỡ cánh tay ông đứng dậy, dò dẫm đi thử. Quan huyện không phát hiện được cụ thể đau chỗ nào, chỉ thấy nhói từ gót chân lên, buốt tận óc. Ông nói:
- Các ngươi kiếm cỏ đốt lửa sưởi. Cứ như thế này, ta không cưỡi ngựa được nữa!
Quan huyện ngồi bệt xuống đất, hai bàn tay xoa vào nhau, nhìn Xuân Sinh và Lưu Phác vơ cỏ đốt lửa sưởi như lời ông bảo. Dưới ánh sao mờ, hai người như hai con thú đang làm ổ, tiếng thở phì phò, tiếng bứt cỏ roàn roạt nghe rõ mồn một. Một trận mưa sao băng trên dải Ngân hà. Trong khoảnh khắc bừng sáng ấy, ông nhìn rõ nét mặt tím tái của hai người giúp việc. Nhìn mặt họ, ông có thể hình dung mặt ông. Chắc rằng giá lạnh đã làm biến mất vẻ hào hoa, thay vào đó, là những nét cau có.
Quan huyện chợt nhớ tới chiếc mũ quan – tượng trưng cho địa vị của ông, vội ra lệnh:
- Xuân Sinh, đừng vơ cỏ vội, chiếc mũ của ta đâu rồi?
- Lát nữa có lửa dễ tìm hơn.
Xuân Sinh dám không thi hành lệnh của ông, lại còn công khai đề xuất kiến giải của hắn, phải coi là chuyện động trời. Quan huyện suy nghĩ rất lung. Trong một đêm tối trời trên cánh đồng hoang, mọi chuẩn mực có thể bị thay đổi!
Xuân Sinh và Lưu Phác dồn cỏ trước mặt quan huyện, ngày càng nhiều, dần thành một đống lớn. Quan huyện sờ vào đám cỏ thấm sương, hỏi:
- Xuân Sinh, có cái đánh lửa không?
- Không có, hỏng rồi ạ.
- Có, trong tay nải của tiểu nhân – Lưu Phác nói.
Quan huyện thở ra một hơi, nhẹ cả người:
- Lưu Phác, ngươi rất chu đáo trong công việc. Đánh lửa lên, ta đã đông cứng lại rồi!
Lưu Phác lần trong tay nải, lấy ra đá lửa, bùi nhùi, liềm kéo lửa bằng sắt rồi ngồi kéo sồn sột. Mỗi khi liềm cà vào đá tóe lửa, Lưu Phác lại khẽ thổi vào bùi nhùi, đến lúc nào đó, bùi nhùi bén lửa, Lưu Phác phồng miệng thổi một hơi dài và đều, bùi nhùi hồng lên, rồi “bục” một tiếng, ngọn lửa trăng trắng bùng lên. Quan huyện vô cùng thích thú. Ông nhìn ngọn lửa đăm đăm, tạm thời quên cả mệt. Một mùi thơm đăng đắng tỏa trong không khí, khiến quan huyện trong lòng bồi hồi. Khói trắng ngày càng đậm đặc, gần như có thể nắm bắt được, cuối cùng, “bục” một tiếng, ngọn lửa màu vàng bùng lên cùng với khói trắng nhạt dần. Ngọn lửa rừng rực chiếu sáng cả một vùng. Ba con vật khịt mũi, ve vẩy đuôi đến bên đống lửa, khuôn mặt dài ngoẵng như vui cười, mắt chúng trong như thủy tinh, đầu hình như to ra, nhìn không thật tí nào. quan huyện đã nhìn thấy cái mũ. Nó rơi xuống một chỗ trũng cỏ mọc dày, trông giống một con chim mẹ đang ấp trứng. Ông bảo Xuân Sinh xuống lấy. Mũ dính đầy đất và cỏ mục, cái chóp thủy tinh tượng trưng cho phẩm trật ngoẹo sang một bên, hai cái lông gà rừng cũng tượng trưng cho cấp bậc thì gãy mất một chiếc. Rất xui, ông nhủ thầm. Nhưng nghĩ lại, ông thấy nếu như hồi nãy bị ngựa kéo chết thì còn đâu xui với hên? Ông đội mũ lên đầu, không phải vì trọng cái mũ, mà vì chống lạnh. Lửa rừng rực sưởi ấm phía ngực còn sau lưng thì lạnh. Nóng đột ngột, khiến da vừa rát vửa ngứa. Ông lùi xa đống lửa một chút, vẫn rát. Ông đứng lên, quay lại sưởi cho lưng, nhưng lưng vừa ấm thì ngựa lại lạnh, ông phải vội vàng xoay ngựa lại. Xoay đi xoay lại nhiều lần, cơ thể trở nên linh hoạt. Cổ chân vẫn còn đau nhưng không nặng. Ông vui lên, nhìn ba con vật bứt cỏ, hàm thiết kêu lách cách. Con ngựa trắng ve vẩy đuôi, lông đuôi như những sợi bạc. Ngọn lửa thấp dần, tiếng nổ lép bép cũng thưa và yếu dần. Ngọn lửa bò ra bốn bên như nước chảy về chỗ trũng. Lửa càng cháy càng lan xa, tốc độ lan càng nhanh, hơn nữa, từ lúc có đống lửa, gió nổi ngay trên cánh đồng. Những con vật có lông nhảy vọt trong ánh lửa, có lẽ đó là thỏ đồng hoặc cầy cáo. Một con chim kêu thất thanh bay vào màn đêm thăm thẳm, có lẽ đó là con sơn ca hoặc sẻ đồng. Đống lửa đã tàn, chỉ còn lại tro hồng bên dưới, nhưng lửa đồng thì đang lan rộng, đẹp lỗng lẫy. Quan huyện rất vui, mắt lonh lanh:
- Đẹp quá, cả đời ta chưa chắc thấy một lần! Xuân Sinh, Lưu Phác, chuyến đi này không uổng!
Họ lên yên, tiếp tục đi về hướng Lai Châu. Lửa đồng đã lan rất xa, trông như viền sóng của thủy triều. Đêm lạnh, không khí sặc mùi khói.
Sáng tinh mơ, quan huyện đến phủ Lai Châu. Cổng thành đóng, cầu treo kéo lên, không một bóng lính gác. Gà gáy ran ở các hộ nông dân. Hơi ẩm thấp đẫm cây cỏ. Lông mày lông mi Xuân Sinh và Lưu Phác bám đầy băng, mặt mày đen nhẻm gió bụi đường trường. Ông nghĩ, chắc mặt mũi ông cũng vậy. Ông muốn để nguyên dáng vẻ phong trần này mà gặp quan tri phủ, mong lưu lại một ấn tượng tốt đẹp ở ông ta. Ông nhớ bên ngoài cổng thành có cây cầu đá, nhưng nay nó đã bị dỡ bỏ, thay vào đó là chiếc cầu treo, chắc để đối phó với phong trào Nghĩa hòa đoàn đang sôi sục. Quan huyện cho rằng không cần phải đến như vậy, xưa nay ông không tin nông dân dám tạo phản, trừ ngày hôm sau họ chết đói thì không kể.
Lúc mặt trời mọc thì cổng thành mở, cầu treo ken két hạ xuống. Họ thông báo cho lính gác cổng, rồi cưỡi ngựa cưỡi la vào trong thành, cá sắt nện trên mặt đường đá ròn tan. Đường phố rất vắng, chỉ một số ít người dậy sớm múc nước bên giướng. Miệng giếng đầy hơi nước, lan can bên bờ giếng băng bám trắng tinh. Aùnh nắng màu hồng, những chỗ da thịt bị hở ngứa ngáy. Họ nghe thấy tiếng loảng xoảng vui tai của móc sắt đòn gánh chạm vào quai thùng. Những người lấy nước nhìn họ bằng cặp mắt kinh ngạc.
Phố nhỏ đối diện với phủ đường có một quán ăn nhỏ, chủ yếu là bán thắng cố. Một chảo lớn kê ngay trước cửa, người phụ nữ trắng trẻo, tay cầm gáo có cán dài đang khuất thắng cố sôi sùng sục, mùi thịt bò, mùi thảo quả thơm điếc mũi. Họ đến trước cửa quán thì xuống ngựa, xuống la. Quan huyện vừa chạm đất, chân đã nhũn ra. Xuân Sinh và Lưu Phác thì loạng choạng. Hai người dìu quan huyện ngồi xuống ghế đẩu bên bếp. Đít to mà ghế nhỏ nên quan huyện bị chổng vó. Chiếc mũ quan trên đầu không chịu yên, lăn ra chỗ nước bẩn. Xuân Sinh và Lưu Phác vội chạy tới đỡ quan huyện dậy, mặt thuỗn ra vì không tròn chức trách. Quan huyện lưng và bím tóc đều vấy bẩn. Sáng ra đã bị ngã, rơi mũ trên đầu, là điềm bất thường nghiêm trọng. Quan huyện rất buồn, toan mắng hai tùy tùng một trận, nhưng thấy vẻ sợ sệt của họ, ông lại thôi.
Xuân Sinh và Lưu Phác cố nhỏm dậy bằng cặp chân tê dại vì ngồi lâu trên yên, đỡ quan huyện đứng dậy. người đàn bà vội bỏ gáo xuống, chạy ra chỗ mũ rơi, dùng vạt áo lau lấy lau để những chỗ bẩn trên mũ rồi đưa trả quan huyện, ngỏ ý xin lỗi:
- Xin lỗi ông lớn.
Giọng trong và ấm, quan huyện cảm thấy mát dạ, đón lầy chiếc mũ, đội lên đầu. Thoáng cái đã nhìn thấy người đàn bà có cái nốt ruồi duyên bằng hạt đậu trên mép. Lưu Phác dùng tay nải chùi bím tóc cho quan huyện, nó bẩn như cái đuôi con bò bị ỉa chảy. Xuân Sinh trợn mắt mắng người đàn bà:
- Nhà chị mù hay sao mà thấy ông lớn lại không bê chiếc ghế tựa đến?
Quan huyện chấm dứt ngay sự vô lý của Xuân Sinh, đồng thời xin lỗi người đàn bà. Người đàn bà mặt đỏ bừng, vội vào trong nhà bê ra một chiếc ghế tựa dây đầy dầu mỡ, đặt phía sau quan huyện.
Quan huyện ngồi lên ghế, cảm thấy gân cốt trên người, không có chỗ nào không đau. Cái vật giữa hai chân, vừa lạnh vừa tê cứng, bắp chân nóng như chèm lửa. Trái tim ông cảm động sâu sắc với chính ông đã vì dân mà dầu dãi phong sương thâu đêm suốt sáng. Ông cảm thấy, ông có một tinh thần cao thượng bàng bạc khắp không gian, y như mùi thơm của chảo thắng cố trước mặt. Thân thể ông như một củ cải vĩ đại phơi dưới nắng, vỏ đã bắt đầu thối rữa, chảy nước vàng. Đó là một quá trình cực kỳ đau khổ và cũng vô cùng hạnh phúc. Mắt quan huyện rỉ ra hai giọt lệ đặc quánh, cảnh vật nhòe đi. Ông hình như nhìn thấy trước mặt ông là những người dân Đông Bắc Cao Mật đông như kiến. Họ ngẩng mặt lên, cảm ơn trời biển của ông. Những lời thốt ra từ cửa miệng họ, thật thà chất phác nhưng khiến ông cảm động sâu sắc:
Ông lớn Thanh Thiên… ôi, ông lớn Thanh Thiên…
Người đàn bà đặt trước mặt mỗi người một cái bát màu đen, trong bát có một nhúm gia vị cũng màu đen, rồi cắt vào mỗi bát một cái bánh tráng, một chút rau thơm các loại, chút tương ớt. Chị ta cứ thoăn thoắt, không cần hỏi cái gì nên cái gì đừng, cứ như là đối với khách quen của nhà hàng. Quan huyện nhìn khuôn mặt tròn vành vạnh trắng trẻo của người đàn bà, chợt nhớ tới quan hệ khăng khít của ông với người đàn bà bán thịt chó, mà cảm thấy ấm lòng. Người đàn bà khuấy đều chảo thắng cố, những tim gan mề phổi lòng ruột nhào lộn trong chảo, tỏa mùi thơm phức, khiến quan huyện thèm rỏ dãi. Một gáo đầy những cái đổ vào bát ông huyện, tiếp theo là một gáo chỉ toàn nước. Người đàn bà cúi xuống rắc hạt tiêu vào bát, nói khẽ: “Nhiều hồ tiêu một chút để trục phong hàn”, quan huyện cảm động gật đầu, cầm môi khuấy đều bát thắng cố, rồi ghé miệng húp một ngụm to. Lập tức trong miệng ông như có con chuột nóng bỏng nhào lộn, nhổ đi thì thô tục, ngậm ở miệng thì sợ bỏng, đành cắn răng mà nuốt. Quan huyện bụng dạ nóng ran, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa.
Sau khi vài chục ngụm thắng cố đã vào bụng, mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau bò ra. Cái gáo của người đàn bà vẫn khuấy đều trong chảo, chốc chốc lại thêm, khi thì cái khi thì nước vào bát mọi người. Aên nhanh thêm nhanh, ăm chậm thêm chậm. Cuối cùng, quan huyện vái người đàn bà một vái, nói: “Đủ rồi, bà chị, đừng thêm nữa!”. Người đàn bà mỉm cười: “Ông lớn cứ dùng thoải mái!”.
Aên xong bát thắng cố, ông cảm thấy sức lực đã hồi phục, cái chân hãy còn đau nhưng đã có cảm giác thực. Ông thấy ở chân tường phía sau lưng ông, có hơn chục người đang dòm ngó, họ đến xem hay họ đến ăn nhưng sợ cái mũ quan, nên không dám vào. Ông bảo Xuân Sinh trả tiền, người đàn bà kiên quyết không nhận, còn nói, ông lớn không chê quán nghèo là vinh dự cho tiểu nữ rồi, đâu dám thu tiền. Suy nghĩ một thoáng, ông lấy miếng ngọc bội từ trong hầu bao, nói: “Chị Hai, cảm ơn thịnh tình của chị, có miếng ngọc bội này chị cầm cho anh Hai làm kỷ niệm.” Người đàn bà mặt đỏ bừng, hình như vẫn không muốn nhận. Quan huyện đưa miếng ngọc bội cho Xuân Sinh. Xuân Sinh dúi vào tay người đàn bà: Ông lớn cho, chị khách khí làm gì! Người đàn bà cầm lấy miếng ngọc bội, sững sờ không nói được gì. Quan huyện sửa sang đôi chút rồi nhắm hướng phủ đường đi tới, ông biết sau lưng có rất nhiều ánh mắt dõi theo. Thậm chí ông còn nghĩ rằng, sau này, sự tích ông huyện Cao Mật ăn thắng cố sẽ trở thành giai thoại, người ta sẽ thêm dấm thêm ớt truyền tụng cho nhau, chưa từng sẽ đưa vào Mịeu Xoang, thế hệ này kế tiếp thế hệ kia mà diễn! Ông còn nghĩ, nếu nhưng trong tay có giấy bút, ông sẽ đề tên cái quán ăn của người đàn bà đã đem lại niềm vui cho ông, hoặc ông làm một bài thơ, và với thư pháp phóng túng của ông, quán sẽ đông khách. Bước trên phố phủ rộng lớn, quan huyện Cao Mật ngẩng cao đầu, dáng đi đường bệ của một mệnh quan triều đình, chân bước mà lòng ông tơ tưởng Mi Nương mặt hoa da phấn, tơ tưởng luôn cả người đàn bà cao cao trắng trẻo bán thắng cố, tất nhiên, tơ tưởng cả vợ ông. Ông cảm thấy ba người đàn bà, một lạnh như băng, một rực lửa, một ấm áp như chăn bông.
Quan huyện được quan phủ tiếp rất nhanh. Nơi tiếp là thư phòng của quan phủ, trên tường treo bức tranh vẽ cây trúc bằng mực nho của họa sĩ có tên tuổi Trịnh Ban Kiều tặng tri huyện Tăng Nhiệm Duy. Quan phủ mắt thâm quầng, con ngươi đỏ dòng đọc, bộ điệu cực kỳ mệt mỏi, ngáp sái cả quai hàm. Quan huyện thuật lại cặn kẽ vụ thảm sát kinh hồn ở Đông Bắc Cao Mật, nguyên nhân và hậu quả, tỏ ý căm giận người Đức, đồng tình với nhân dân Cao Mật. Nghe xong, quan phủ suy nghĩ rất lâu, câu đầu tiên khi mở miệng là:
- Ông huyện Cao Mật, bắt được Tôn Bính chưa?
Quan huyện sững người, đáp:
- Bẩm đại nhân, Tôn Bính bỏ trốn, chưa bắt được.
Quan phủ nhìn chằm chằm vào mặt quan huyện, ánh mắt như mũi dùi, khiến quan huyện cảm thấy phấp phỏng. Quan phủ cười nhạt hai ba tiếng, hỏi khẽ:
- Niên huynh, nghe nói ông với con gái Tôn Bính… ha ha ha… nàng có gì mà ông mê đến như thế?
Quan huyện ấp úng, toát mồ hôi lạnh.
- Sao không trả lời? – Quan phủ đổi sắc mặt.
- Bẩm đại nhân, giữa ti chức với con gái Tôn Bính không có chuyện bậy bạ… chả là ti chức thích ăn thịt chó của cô ấy…
- Tiền niên huynh – Nét mặt quan phủ trở lại hòa nhã thân thiện, ông ta lên giọng dạy đời – Ta và ông đều ăn bổng lộc nhà nước, chịu long ân của của Hoàng Thái Hậu, Hoàng thượng, phải hết lòng vì công việc, mới không phải với lương tâm. Nếu như vì tình riêng mà bỏ qua luật pháp, đùa với chức phận, thì…
- Ti chức đâu dám…
- Chết mấy thằng ương bướng thì có gì đáng kể – Quan phủ thong thả nói tiếp – Nếu người Đức cho qua chuyện này, không gây khó dễ, thì chưa hẳn đã là tốt!
- Nhưng còn hai mươi bảy sinh mạng, thưa đại nhân – Quan huyện nói – Nói với dân thế nào bây giờ?
- Còn nói với năng cái gì? – Quan phủ đập bàn – Chẳng lẽ bắt người Đức bồi thường tính mạng?
- Phải làm rõ đúng sai – Quan huyện nói – Nếu không, ti chức không còn mặt mũi nào trông thấy dân Cao Mật!
Quan phủ cười nhạt:
- Ta không có cái đúng sai nào đưa cho ông, mà dù ông có đi hỏi Đàm Đạo Đài, đi mà hỏi Viên Tuần phủ, đi mà hỏi Hoàng thượng Hoàng Thái Hậu, thì cũng chẳng có cái nào đúng sai nào đưa cho ông.
- Hai mươi bảy sinh mạng kia mà, thưa đại nhân!
- Nếu ông hết lòng vì công việc, thì ông đã tóm luôn Tôn Bính giao cho người Đức, thì người Đức chẳng phải điều quân, chẳng xảy ra chuyện hai mươi bảy nhân mạng – Quan phủ vỗ vỗ chồng giấy tờ trên bàn, cười nhạt – Tiền niên huynh, có người bảo, ông báo trước nên Tôn Bính mới chạy thoát, chuyện này mà đến tai Viên đại nhân thì rất bất lợi cho niên huynh.
Quan huyện mồ hôi ướt đầm.
- Do vậy, công việc bức thiết hiện nay đối với Tiền niên huynh không phải là khiếu kiện hộ dân, mà là cấp tốc bắt ngay Tôn Bính quy án – Quan phủ nói – Bắt được Tôn Bính rồi, thì đối trên đối dưới đối nội đối ngoại đều dễ, không bắt được Tôn Bính thì nói với ai cũng khó!
- Ti chức hiểu…
- Niên huynh – Quan phủ mỉm cười hỏi – Mi Nương ngon lành cỡ nào mà tim ông rung động đến thế? – Quan phủ đùa – Không phải cô ta có tới bốn bú hai đồ chơi chứ?
- Đại nhân cứ đùa…
- Nghe nói trên đường đi ông vừa ngã rơi cả mũ phải không? – Quan phủ nhìn đỉnh đầu quan huyện, hỏi một câu ý tứ sâu xa. Không đợi quan huyện trả lời, ông ta cầm chén trà gõ trôn chén vào cạnh dĩa một cái, đứng dậy bảo quan huyện – Niên huynh phải hết sức cẩn thận, rớt mũ là chuyện nhỏ, rơi đầu mới là chuyện lớn!
Sau khi về Cao Mật, quan huyện bị ốm. Thoạt tiên là đầu váng mắt hoa, thượng thổ hạ tả, sau đó là sốt cao, mê sảng. Tri huyện phu nhân một mặt trông bệnh bốc thuốc, một mặt bày hương án, đêm đêm khấn cái cầu cho quan huyện tai qua nạn khỏi. Không hiểu do thuốc hay do thần linh phù hộ, quan huyện xì mũi ra nửa bát huyết đen tanh tưởi, sau đó sốt lui, tả cũng dừng. Lúc này đã là trung tuần tháng Hai, điện báo từ tỉnh, đạo, phủ về việc tróc nã Tôn Bính như bươm bướm, các thơ lại nháo nhác như đê vỡ, còn ông huyện thì mê mê tỉnh tỉnh, cơm chẳng buồn ăn, cứ như thế này thì nói gì đến chuyện thăng đường nghị sự, ngay cả tính mệnh cũng khó đảm bảo. Phu nhân đích thân vào bếp, trổ hết tài nấu nướng, cũng không làm sao cho quan huyện thấy ngon miệng.
Trước tết thanh minh mười mấy ngày, buổi chiều, phu nhân cho gọi Xuân Sinh vào Đông Hoa sảnh để hỏi.
Xuân Sinh thấp thỏm bước vào phòng, thoáng thấy phu nhân cau đôi mày liễu, sắc mặt hầm hầm, ngồi ngay ngắn trên ghế dựa như một pho tượng, liền quì sụp, nói:
- Phu nhân cho gọi tiểu nhân, chẳng hay có điều gì sai bảo?
- Ngươi đã làm một việc tốt đấy! – Phu nhân lạnh lùng nói.
- Tiểu nhân có làm gì đâu ạ!
- Ông lớn đã đi lại với con Tôn Mi Nương như thế nào? – Phu nhân nghiêm giọng hỏi – Có phải cái đồ khốn nạn nhà ngươi dắt mối không?
- Bẩm phu nhân, quả thật oan cho tiểu nhân – Xuân Sinh vội phân trần - Tiểu nhân chỉ như con chó bên cạnh đại nhân, đại nhân chỉ đâu cắn đấy.
- Xuân Sinh to gan! Lại còn chống chế - Phu nhân nổi giận – Ông lớn bị bọn bay dụ dỗ làm cho hư hỏng rồi!
- Quả tình oan cho tiểu nhân…
- Thằng nhóc Xuân Sinh, thân danh làm tay chân thân tín của ông lớn, đã không khuyên giải ông lớn dẹp bỏ ham muốn, tận tụy việc quan, trái lại, dẫn dắt ông lớn thông gian với dân nữ, vậy là đại ác, lẽ ra phải đánh què hai chân ngươi, nhưng niệm tình ngươi hầu hạ ông lớn đã mấy năm, nên ta tha cho lần này. Từ nay về sau, chỗ ông lớn có chuyện gì phải báo ngay cho ta, nếu không, tội cũ tội mới ta sẽ cho một trận!
- Tạ ơn phu nhân không đánh, Xuân Sinh không dám thế nữa ạ. – Xuân Sinh dập đầu tạ ơn, sợ bĩnh cả ra quần.
- Ngươi đến hiệu thịt chó gọi con Tôn Mi Nương đến đây cho ta - Phu nhân lạnh lùng nói – Ta có chuyện cần nói với nó.
- Bẩm phu nhân – Xuân Sinh bạo dạn hẳn lên – Thực ra, Tôn Mi Nương rất tốt bụng…
- Lắm mồm! - Phu nhân đe – Chuyện này không được cho ông lớn biết. nếu ngươi dám rỉ tai ông lớn…
- Tiểu nhân không dám ạ…