Tớ họ Triệu, tên Giáp Con
Tinh mơ đã dậy, cười rất ròn.
(Ngốc mà lại!)
Tớ mơ thấy hổ trắng
Hổ trắng mặc áo chẽn đỏ,
Đít vổng đuôi to.
(Ha ha ha)
Đuôi to đuôi to đuôi to
Hổ trắng và tớ đấu tay bo
(Ngoác miệng phô hàm răng trắng nhởn)
Hổ định xơi tớ chắc?
Hổ bảo:
Lợn béo dê mập ăn không hết
Cớ gì phải ăn một anh ngốc?
Không xơi thì đến có việc gì?
Hổ bảo:
Anh phát rồ vì sợi râu hổ
Tui đến giơ mép cho anh nhổ.
(Ha ha ha, ngốc sở ngốc khổ!)
Miêu Xoang “Đàn hương hình – Oa oa xoang”.
Miu miu, chưa vội mở mồm nói, hãy học tiếng mèo kêu.
Mẹ tớ bảo, ria mép hổ có nhiều sợi, trong đó sợi dài nhất quí giá vô ngần. Người nào có được sợi ria đó giắt trong người, có thể nhìn thấy bản tướng của người khác. Mẹ tớ bảo, con người sống ở trên đời đều do con vật đầu thai mà sinh ra. Nếu ai có cái râu hổ quí giá kia, thì trong con mắt người đó không bao giờ có con người. Trên phố, trong ngõ, nơi quán rượu, trong nhà tắm toàn là trâu ngựa chó mèo tuốt tuột! Mẹ kể, có một người lúc ở Quan Đông đập chết một con hổ, lấy được cái râu quí đó, sợ mất, lấy vải bọc ba lượt bên trong, ba lượt bên ngoài, lại còn khâu vào bên trong lần lót áo bông. Về đến nhà, bà mẹ hỏi: “Con ơi, con ở Quan Đông bấy nhiêu năm, chắc là giàu có rồi?” Anh chàng vênh váo, nói: “Giàu thì chưa giàu, nhưng con được một báu vật”. Anh ta vừa nói vừa tháo chỉ lấy ra cái gói vải, mở từng lớp lấy chiếc râu hổ cho mẹ xem. Nhưng khi ngẩng đầu lên thì không thấy bà mẹ đâu cả, chỉ thấy một con chó già, mắt kèm nhèm. Sợ quá, anh ta bỏ chạy, giữa sân đụng phải một con ngựa già một cú như trời giáng. Anh ta trông thấy con ngựa miệng ngậm tẩu, đang rít thuốc xèo xèo, lỗ mũi phả ra từng làn khói trắng. Sợ đến suýt ngất xỉu, anh ta định vọt qua tường bỏ chạy, con ngựa già gọi đúng tên cúng cơm của anh: “Tiểu Bảo đấy phải không? Thằng ôn, không nhận ra bố đẻ à?”. Anh ta biết, những trò vè này đều do chiếc râu hổ gây ra, nên vội gói lại giấu vào nơi kín đáo, lúc này anh mới thấy bố không phải ngựa, mẹ không phải chó. Ngay khi ngủ, tớ cũng muốn có chiếc râu hổ đó. Miu miu, gặp ai tớ cũng nói về chiếc râu hổ, gặp ai tớ cũng hỏi làm thế nào để có được chiếc râu hổ. Có người bảo tớ lên Đông Bắc, vào rừng mà tìm râu hổ. Tớ định đi, nhưng lại không muốn xa vợ. Có chiếc râu đó thì hay biết mấy! Tớ vừa kê xong phản thịt trên phố thì trông thấy một con lợn đực to đùng đầu đội mũ quả dưa bằng sa tanh màu đen, mình mặc áo chùng, tay xách lồng chim họa mi ngất ngưởng đi tới, gọi to:
- Giáp Con, cho hai cân thịt lợn, loại ngũ hoa ấy!
Rõ ràng là một con lợn, nhưng nghe giọng nói, tớ nhận ra đó là ông già Lý ở Lý Thạch trai, bố đẻ ông tú tài học rộng, người cùng phố, ai đã gặp đều sinh lòng kính nể. Người nào không kính nể, ông lên giọng than: “Cá không ăn muối cá ươn rồi!”. Nào ai biết bản tướng của ông lại là con lợn đực! Ngay bản thân ông cũng không biết mình là lợn, chỉ tớ biết. Nhưng nếu ông bảo là lợn, ông sẽ nện vỡ đầu tớ bằng gậy đầu rồng. Lợn chưa đi khỏi thì một bà ngỗng trắng dùng cánh xách làn trúc lạch bạch đi tới. Đến trước phản thịt của tớ, bà ta lườm tớ như thể từ lâu đã có mối thâm thù, nói: Giáp Con, đồ dã man! Thịt chó nấu đông hôm qua bán cho ta, có một cái móng tay! Cậu không treo đầu chó bán thịt người đấy chư? – Bà ta quay lại bảo ông lợn đen – Nghe rõ chưa nào? đêm hôm kia, nhà họ Trịnh đánh chết tươi con dâu, khắp người không còn một chỗ lành lặn, thảm quá! – Nói xong, ngỗng trắng quay lại nói với tớ:
- Cắt cho bác hai cân thịt chó, đổi món một tí.
Tớ nghĩ bụng, mụ già thối thây này, mụ là cái thá gì? Mụ là ngỗng cái chỉ đáng đem nấu đông, cho chừa cái thói lắm điều! Nếu như có một chiếc râu hổ như thế thì hay biết mấy!
Buổi chiều hôm đó mưa to, ông Hà ngồi uống rượu trong quán. Ông nhọn miệng lộ hầu, mắt tinh ranh đảo như chớp, chắc chắn bản tướng là con khỉ đột. Tớ lại nói với ông về chuyện chiếc râu hổ. Tớ nói, bác Hà, bác hiểu nhiều biết rộng, chắc có nghe nói về chiếc râu hổ? Bác biết làm thế nào để kiếm được nó? Ông ta cười, bảo tớ:
- Giáp ơi là Giáp, cậu ngố quá đấy! Cậu bán thịt ở đây, còn vợ cậu thì đang ở đâu?
- Vợ tui đem thịt chó đến chỗ quan lớn Tiền – cha nuôi của cô ấy.
Ông Hà nói:
- Ta thấy đem thịt người đến thì có. Vợ cậu trắng nõn, thịt thơm phải biết!
- Bác đừng đùa, nhà tui chỉ bán thịt lợn, thịt chó, có đâu thịt người mà bán? Vả lại, Tiền đại nhân không phải là hổ, sao lại ăn thịt vợ tui? Nếu ông ấy ăn thịt vợ tui thì đã ăn từ lâu rồi, vợ tui đâu còn sống đến giờ.
Ông Hà mỉm cười ranh mãnh:
- Tiền đại nhân không phải là bạch hổ, mà là thanh long. Vợ cậu là bạch hổ.
Bác Hà lại nói lung tung rồi! Bác lại không có cái râu hổ, làm sao nhìn thấy bản tướng của Tiền đại nhân và vợ tui? Bác Hà nói:
- Cậu ngốc, rót cho ta bát rượu, ta sẽ chỉ cho cậu nơi có chiếc râu hổ.
Tớ vội rót cho ông ta một bát rượu đầy có ngọn, giục ông ta nói mau.
Ông bảo, cậu biết đấy, đó là của quí, bán được nhiều tiền lắm. Tớ bảo, tui muốn có cái râu hổ không phải để bán lấy tiền, mà để chơi. Bác thử nghĩ, cầm cái râu hổ trong tay đi trên phố, trông thấy bọn súc vật áo quần mũ mãng nói tiếng người, hay thật đấy! Ông Hà hỏi:
- Cậu thật tình muốn có cái râu hổ chứ?
Thậ, rất muốn, ngay cả khi ngủ cũng mê thấy nó. Vậy được, cậu hãy thái cho ta một đĩa thịt, ta sẽ mách cho cậu. Bác Hà, chỉ cần bác cho biết kiếm cái râu hổ ấy ở đâu, bác ăn hết cả con chó tui cũng không lấy tiền, một xu cũng không lấy. Tớ thái thịt chó cho ông ta, rồi nhìn ông, chờ đợi. Ông Hà khoan thai nhấp từng ngụm rượu, nhai từng miếng thịt, nói chậm rãi: Cậu ngố cần cái râu hổ thật à? Bác Hà, rượu thịt tui đã cho bác rồi, nếu không mách là bác lừa tui, về nhà tui sẽ mách vợ tui, khinh tui thì được chứ khinh vợ tui thì khó đấy! Vợ tui chỉ một cái dẩu mỏ là bác bị lôi lên huyện, gậy nện tới tấp với mông! Ông Hà thấy tui đưa vợ ra, vội bảo:
- Cậu Giáp, cậu Giáp thân mến, ta sẽ mách cho cậu, nhưng cậu phải thề, không nói ta bảo cậu, ngay cả với vợ cậu cũng vậy. Nếu không, dù có, râu hổ cũng mất thiêng!
- Được được! Tui sẽ không nói với bất cứ ai, kể cả vợ. Thề rằng, tui mà nói với ai thì vợ tui sẽ đau bụng. Ông Hà nói, mẹ cái thằng! Thề với thốt gì thế? Vợ cậu đau bụng thì liên quan gì đến cậu? Sao lại không liên quan? Vợ tui đau bụng thì tui đau xót lắm, tui buồn đến phát khóc! Ông Hà nói:
- Vậy ta cho cậu biết nhé – Ông ta nhìn ra phố như sợ có ai nghe thấy. Mưa rào rào, nước giọt gianh chảy như một tấm rèm màu trắng. Tớ giục, ông ta bảo:
- Cẩn thận vẫn hơn, để người khác nghe thấy là không lấy được râu hổ. Ông chồm người qua bàn, ghé sát cái miệng nóng hôi hổi vào tai tớ, thì thào:
- Vợ cậu ngày nào cũng đến nhà Tiền đại nhân. Giường của ngài có trải tấm da hổ. Đã có da hổ, lo gì không có râu hổ? Hãy nhớ cho kỹ, cậu nhờ vợ cậu lấy cho một sợi loăn xoăn màu vàng kim, sợi ấy mới thiêng! Những sợi khác không thiêng.
Khi vợ tớ đưa thịt trở về, trời tối đen như mực. Sao giờ đằng ấy mới về? Hắn vừa cười vừa nói: “Anh đại ngốc ơi, em phải cho ngài ăn từng miếng cho đến hết. Với lại, trời mưa chóng tối. Sao anh không châm đèn?”. Đằng ấy không thêu thùa, tớ không đọc sách, thắp đèn để làm gì? Hắn bảo: “Anh Giáp tính toán ra phết! Giàu nghèo chi một đọi đèn, huống hồ nhà mình không nghèo! Cha nuôi nói rồi, từ năm nay trở đi, sẽ miễn thuế cho mình. Anh cứ yên tâm đốt đèn lên”. Tớ đánh lửa châm vào đĩa đèn dầu lạc, hắn lấy trâm cài đầu khêu bấc đèn, căn buồng sáng lên như dịp Tết. Dưới ánh đèn mặt hắn đỏ hồng, mắt long lanh như vừa uống nửa cân rượu. Đằng ấy uống rượu phải không? Hắn nói: “Mũi thính như mũi mèo đói ấy! Cha nuôi sợ đi đường lạnh, đưa chỗ rượu thừa trong be cho uống… Đừng quay lại, em thay quần áo bị ướt đây”. Thay làm gì, chui luôn vào chăn có hơn không! “Ý hay đấy!” – Hắn cười khúc khích: “Ai dám bảo Giáp Con nhà ta ngốc? Khôn ra phết!”. Hắn cởi quần áo, vứt từng cái vào chậu giặt, trắng phau như con lệch vừa lên khỏi mặt nước, nhảy một phát lên giường, nhào một cái chui luôn vào chăn. Tớ cũng tụt quần, mông trần như khỉ chui vào theo. Hắn cuộn chăn quanh người, bảo: “Anh đừng quấy rầy em. Làm lụng suốt ngày, xương cốt như muốn long ra!”. Tớ không quấy đằng ấy, nhưng đằng ấy phải kiếm cho tớ cái râu hổ. Hắn cười rúc rích: “Anh ngố, kiếm râu hổ cho anh ở đâu?”. Hôm nay có người bảo tớ, đằng ấy có thể kiếm được râu hổ. “Ai bảo anh?” Không cần biết là ai bảo. Tớ cần một sợi loăn xoăn, phần đầu có màu hoàng kim. Hắn đỏ bừng mặt, rủa: “Thằng mất dạy nào bày cho anh đấy? Em phải lột da nó làm trống! Đứa nào lỡm anh, đứa nào?”. Đằng ấy có giết tớ cũng chẳng nói. Tớ đã lấy bụng đằng ấy ra thề rồi! Tớ thề là nếu tớ để lộ ra thì bụng đằng ấy đau! Hắn lắc đầu: “Anh ngố, mẹ anh trêu anh cho vui đấy. Anh thử nghĩ, làm gì có chuyện ấy trên đời!” Ai cũng đánh lừa được tớ, vậy mẹ tớ đánh lừa tớ làm gì? Tớ muốn có cái râu hổ đó cả nửa đời người rồi. Tớ van đằng ấy hãy kiếm cho tớ một cái. Hắn nổi cáu, thở phì phì: “Kiếm đâu bây giờ, lại còn loăn xoăn nữa… Anh ngố, anh là thằng đại ngố!”. Người ta bảo, trên giường Tiền đại nhân có tấm da hổ, có da là có râu. Hắn thở dài đánh thượt, nói: “Giáp Con, Giáp Con, em nói gì với anh bây giờ?” Tớ van đằng ấy, kiếm cho tớ một cái, nếu không, tớ không cho đằng ấy đi đưa thịt chó nữa. Người ta bảo đằng ấy đưa thịt người. Hắn nghiến răng nghiến lợi, nói: “Lại thằng nào nói vậy?” Đằng ấy không cần biết là ai nói, chỉ biết là có người nói như thế. Hắn bảo: “Được thôi, em sẽ kiếm cho anh một sợi, còn bây giờ thì đừng quấy nữa”. Giáp Con nhệch miệng ra cười.
Tối hôm sau, quả nhiên vợ tớ đem về cho tớ một chiếc râu hổ. Hắn nhét vào tay tớ một cái lông màu vàng kim, bảo: “Đây rồi, đừng để nó bay mất!” Rồi hắn cười rũ ra. Tớ giữ khư khư cái râu hổ đó, trống ngực đập thình thịch. Cả đời mong nó, không ngờ lại kiếm được dễ dàng đến thế! tớ ngắm nghía vật báu trong tay, quả nhiên nó cong queo, phía đầu màu vàng y như ông Hà nói. Cầm sợi lông trong tay, tớ cảm thấy cổ tay tê tê, báu vật có khác, nặng ra phết! Hắn che miệng, vừa cười vừa nói: “Soi xem nào, xem em là phượng hoàng hay là chim sẻ?” Ông Hà nói đằng ấy là bạch hổ! Mặt hắn biến sắc, giận dữ quát: “Quả nhiên là cái lão chết tiệt ấy chõ mõm vào! Mai bảo cha nuôi tóm lão lên huyện nện cho hai trăm gậy, cho lão nếm mùi “quả roi”!
Tớ cầm sợi râu hổ, đăm đăm nhìn vợ tớ dưới ánh đèn. Tim tớ đập loạn xạ, cổ tay run lên. Trời ạ, con rất muốn nhìn thấy bản tướng của vợ con. Hắn là hóa thân của con vật nào nhỉ? Lợn, chó, thỏ, dê, cáo, nhím? Con vật nào cũng được, nhưng đừng là rắn. Từ bé tớ đã sợ rắn, lớn lên càng sợ, giẫm phải cái nùi rơm, tớ gật bắn mình cao ba thước. Mẹ tớ bảo, rắn thường biến thành người đẹp, đa phần các cô gái đẹp là do rắn biến thành! Anh chàng nào ngủ cùng người đẹp vốn là rắn biến thành, sớm muộn sẽ bị hút hết não tủy. Xin trời phù hộ, vợ con là gì biến thành cũng được, cóc nhái, thạch sùng cũng được, nhưng đừng có là rắn. Nếu là rắn thì con xin nhặt nhạnh đồ nghề, chạy không ngoái cổ! Vợ tớ cố ý khêu bất thật cao, hoa đèn to như hoa thạch lựu, căn buồng sáng trưng! Tóc hắn đen nhánh như được bôi một lớp dầu. Trán hắn bóng lộn, có thể so với bụng ông Di Lặc. Lông mày cong cong như hai lá liễu. Mũi hắn trắng ngà như được đẽo gọt từ ngó sen, cặp mắt long lanh, con ngươi như trái nho chín chìm trong lòng trắng trứng. Miệng hắn hơi rộng, môi không tô son mà đỏ, hai mép cong vắt như củ mã thầy. Tớ nhìn mỏi mắt mà không thấy vợ tớ là hóa thân của con vật nào!
Vợ tớ bĩu môi, hỏi mỉa:
- Có thấy gì không? Em từ con vật nào biến thành? Nói đi chứ!
Tớ lắc đầu, bâng khuâng, trả lời không nhìn thấy gì. Bảo bối này trong tay tớ sao lại trở nên mất thiêng?
Hắn giơ một ngón tay dí vào đầu tớ, nói:
- Anh bị ma ám rồi! Sợi lông đã hủy hoại cuộc đời anh. Mẹ anh chẳng qua kể chuyện cho vui, còn anh thì lại cho đó là thực. Giờ còn tin nữa hay thôi?
Tớ lắc đầu, nói đằng ấy không đúng! Mẹ tớ không bao giờ lừa tớ. Ai cũng có thể lừa tớ, riêng mẹ tớ thì không.
- Vậy sao anh cầm râu hổ trong tay, lại không nhìn thấy em từ con vật nào biến thành? – Hắn nói. Em không cần râu hổ cũng biết kiếp trước anh là con lợn, một con lợn ngu xuẩn to đùng!
Tớ hiểu hắn đang kiếm cách chửi tớ, không có râu hổ trong tay thì hắn không thể nhìn thấy bản tướng của tớ là lợn. Nhưng vì sao tớ có râu hổ trong tay lại không nhìn thấy bản tướng của hắn? Vật báu này tại sao không linh nghiệm nữa? Thôi, hỏng rồi! Bác Hà nói rằng, nếu gọi tên nó ra thì nó sẽ mất thiêng. Vừa nãy mình lỡ miệng gọi tên nó. Cực ơi là cực! Ngu quá, cái vật báu mãi mới kiếm được, hỏng mất rồi!
Tớ đứng ngây ra, tay vẫn cầm cái râu hổ, nước mắt đầm đìa.
Thấy tớ khóc, vợ tớ thở dài, nói:
- Chẳng biết khi nào anh hết ngố? Hắn nhổm dậy, cướp lấy chiếc râu hổ trong tay tớ, thổi phù một cái, chiếc râu hổ bay mất tăm. Ôi, báu vật của tớ…! Tớ òa khóc. Hắn quàng cổ tớ, dỗ dành:
- Thôi, thôi, đừng ngốc nữa! Để em ôm anh ngủ một giấc!
Tớ vùng vẫy thoát ra. Ôi, râu hổ của tớ, râu hổ của tớ! Tớ giơ cả hai tay sờ soạng trên chiếu tìm chiếc râu hổ. Tớ hận hắn, tớ căm hắn! Trả đây, trả đây! Đền tớ đây! Tớ vừa khóc, vừa chửi, vừa tìm chiếc râu. Hắn đứng im như phỗng nhìn tớ, hết lắc đầu lại thở dài. Cuối cùng, hắn nói, không phải tìm nữa, đây rồi! Tớ mừng ra mặt, đâu? Hắn dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp chặt sợi râu hổ loăn xoăn, đầu sợi màu vàng kim, thả vào tay tớ, bảo, giữ cẩn thận, đừng để mất lần nữa lại oán em! Tớ cầm chắc sợi râu, dù không thiêng nhưng vẫn là báu vật! Nhưng sao nó lại không thiêng nữa nhỉ? Thử lần nữa xem nào. Tớ lại nhìn như đóng đinh vào vợ, nghĩ bụng, chỉ cần nó vẫn thiêng, vợ tớ là rắn cũng được. Nhưng vợ tớ vẫn vợ tớ, chẳng là con gì cả!
Vợ tớ bảo:
- Anh ngố, nghe em nói đây, câu chuyện mẹ anh kể, mẹ em cũng đã kể cho em nghe. Bà nói, không phải lúc nào cai râu hổ cũng thiêng, chỉ những lúc nguy cấp nó mới thiêng. Nếu không, phiền phức không để đâu cho hết. Đâu đâu cũng toàn là súc vật, sống thế nào được? Em bảo này, anh cất kỹ cái bảo bối ấy đi, thì nó mới thiêng.
Đằng ấy nói thật chứ, không lừa tớ chứ?
Hắn gật đầu:
- Anh là người chồng thân yêu của em, em nỡ lòng nào lừa dối anh!
Tớ tin lời hắn, tìm miếng vải điều bọc cái râu hổ lại, cuốn chỉ xung quanh không biết bao nhiêu vòng rồi nhét vào kẽ nứt trên tường, giấu kỹ.
Bố tớ ghê gớm thật, dám đuổi thẳng cổ hai tên công sai do Tiền đại nhân phái đến. Bố tớ chưa biết Tiền đại nhân ghê gớm như thế nào, nhưng tớ thì tớ biết. Tiểu Khuê người phường Đông Quan nhổ nước bọt vào kiệu của ông ta, liền bị hai tên công sai xích tay bằng xích sắt, lôi đi. Nửa tháng sau, bố Tiểu Khuê nhờ được người đứng ra bảo lãnh, bán đi hai mẫu ruộng mới chuộc được Tiểu Khuê ra, nhưng anh ta đã chân dài chân ngắn đi cà nhắc, ngón chân bấm đất vẽ thành một dấu phẩy. Mọi người gọi anh ta là Tây, vì những dấy phẩy vẽ trên đường giống như chữ Tây. Từ đó, hễ ai trước mặt Tiểu Khuê nhắc đến Tiền đại nhân, là anh ta ngất xỉu, sùi bọt mép. Tiểu Khuê đã nếm mùi lợi hại của Tiền đại nhân, nói gì nhổ nước bọt vào kiệu, mà chỉ cần trông thấy kiệu của Tiền đại nhân là anh ta ôm đầu chạy trốn. Bố, chuyện hôm nay của bố hơi rắc rối đấy! Những chuyện khác thì con ngốc, nhưng chuyện của Tiền đại nhân thì con không ngốc chút nào. Tuy rằng vợ con là con nuôi của ông ta, nhưng ông ta thuộc loại mặt sắt đen sì, bắt luôn cả bố vợ con là người không tranh hơn kém với ai, thì làm sao ông ta tha cho bố?
Có điều, tớ cũng đã thấy, bố tớ chẳng phải tay vừa. Bố tớ không phải bố đậu phụ, mà là bố kim cương. Bố tớ là dân từng trải ở kinh thành, đầu người rụng dưới lưỡi đao của bố phải lấy xe mà chở, dùng thuyền mà tải. Bố tớ đọ với quan lớn Tiền thì đúng là cuộc đọ sức giữa rồng và hổ, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào! Trong lúc cấp bách như thế này, tớ chợt nhớ tới chiếc râu hổ. Thực ra, tớ chưa lúc nào dám quên báu vật của tớ. Vợ tớ bảo nó là bùa hộ mệnh cho tớ, giắt nó trong người là chuyển dữ hóa lành! Tớ vội trèo lên giường lấy cái gói vải trong kẽ tường, mở ra cầm cái râu lên, cảm thấy nó đang cựa quậy trong tay y như cái nọc con ong mật, cắm vào lòng bàn tay.
Một con bạch xà mình to bằng cái thùng gánh nước đứng trước giường, vươn đầu về phía tớ, lưỡi màu đỏ tía, miệng đỏ chót, tứ đó phát ra tiếng nói của vợ:
- Giáp Con, anh định làm gì vậy?
Trời ơi, rõ ràng ông trời biết con sợ rắn, vậy mà ông cứ bắt vợ con phải là rắn. Bản tướng vợ tớ là bạch xà, vậy mà tớ ngủ cùng hắn mười mấy năm, không biết hắn là rắn. “Bạch xà truyện”, nhớ ra rồi, năm xưa vợ tớ trong ban hát từng sắm vai Bạch Xà, tớ trở thành Hứa Tiên. Sao hắn chưa hút não tủy của mình nhỉ? Vợ tớ chưa phải là con rắn hoàn chỉnh, chỉ cái đầu là rắn, còn lại vẫn là người: chân, tay, hai vú và tóc trên đầu. Nhưng như vậy cũng đã đủ khiến tớ chết khiếp! Tớ vứt cái râu cầm bỏng tay đi. Chỉ một thoáng vậy thôi, mà khắp người đổ mồ hôi đầm đìa.
Vợ nhìn tớ cười nhạt. Vừa thấy bản tướng của hắn, nên giờ đây tớ cảm thấy hắn xa lạ nên hơi sợ. Con bạch xà béo núc ẩn trong mình hắn, sẵn sàng phá vỡ cái vỏ mỏng tang chui ra bất cứ lúc nào. Có lẽ hắn biết tớ đã nhìn rõ bản tướng của hắn, nên nụ cười trên mặt hắn có vẻ giả tạo và gượng gạo. Hắn hỏi:
- Anh nhìn thấy chưa? Em do con gì biến thành?
Đột nhiên, ánh mắt hắn trở nên thâm hiểm, hai con mắt tuyệt đẹp trở nên vừa xấu vừa dữ, đúng là mắt của loài rắn!
Tờ cười gượng để che giấu sợ hãi. Môi tớ run, da mặt như có kiến bò, chắc chắn là bị hắn phun nọc độc. Tớ lắp bắp:
- Không thấy, không thấy gì cả!…
- Anh nói dối – Hắn lạnh lùng nói. – Chắc chắn là anh đã nhìn thấy cái gì – Hắn thở ra một luồng khí lạnh và tanh tưởi, đúng là hơi thở của rắn, phả vào mặt tớ.
- Nói thật đi, em là con vật nào biến thành?
Nụ cười kỳ quặc đọng trên mặt hắn, những gì như vẩy lấp lánh dưới da mặt hắn. tớ không thể nói thật. Nói thật là tự hại mình. Bình thường tớ là thằng ngốc, nhưng lúc này tớ không ngốc chút nào, tớ chẳng nhìn thấy gì cả, thật đấy! Anh không bịp nổi em đâu, Giáp Con, anh không biết nói dối, mặt anh đỏ lên rồi kìa, mồ hôi túa ra rồi. Nói mau, em là con hồ ly hay là con chuột chù? Nếu không, em là con lươn trắng! Lươn trắng là chị em họ với rắn trắng, sát nút rồi, đang bủa vây mình đây! Tớ quyết không bị mắc lừa, trừ phi hắn tự nhận mình là rắn, còn tớ thì không bao giờ ngốc nghếch nói ra cái điều ấy. Nếu tớ bảo tớ trông thấy hắn là rắn, thì lập tức hắn hiện nguyên hình, ngoác miệng rộng bằng cái chậu nuốt chửng mình! Không, hắn biết tớ có dao, tớ sẽ rạch bụng chui ra, hắn cũng không sống nổi. Hắn sẽ khoan thủng đầu tớ một lỗ bằng cái răng có nọc độc cứng như cái mỏ của con gõ kiến, sau đó hắn sẽ hút cạn óc tớ. Hút cạn óc xong, hắn hút tiếp tủy của tớ, rồi sau đó hút máu tớ, biến tớ thành một cái túi da bọc xương! Đừng có mà nằm mơ! Đằng ấy có dùng kìm cũng đừng hòng cạy được miệng tớ! Mẹ tớ đã khuyên tớ: ba không, hỏi gì cũng không biết, thần tiên cũng chịu phép! Thật mà, chẳng nhìn thấy gì cả! Bỗng hắn thay đổi nét mặt, bật cười khanh khách. Cùng với tiếng cười, phần rắn trên mặt ít đi, phần người nhiều lên, cơ bản đã là hình người. Thân hình mềm mại, hắn trườn ra cửa, ngoảnh đầu bảo, anh đem theo bảo bối, soi xem ông bố bốn mươi bốn năm chặt đầu người của anh là do con vật nào biến thành? Em đoán ông là con rắn độc, chắc chắn là như thế! Lại nhắc đến rắn! Tớ biết hắn giở trò vừa ăn cướp, vừa la làng, mẹo vặt ấy làm sao đánh lừa được tớ!
Tớ nhét báu vật vào khe tường. Giờ đây, tớ hối hận vì được báu vật. Con người ta biết in ít thôi thì tốt, càng biết nhiều càng khổ, nhất là đừng biết gì về bản tướng của con người, biết rồi khó mà tiếp tục sống! Tớ đã trông thấy bản tướng của vợ tớ, hắn có tốt đến mấy cũng không còn là vợ nữa. Không biết hắn là do một con rắn biến thành, tớ có thể thích thú ôm hắn mà ngủ. Biết là rắn rồi, làm sao còn dám ôm mà ngủ? tớ không dám thấy bản tướng của bố tớ. Người thân chẳng còn ai, vợ thì là một con rắn, chỉ còn mỗi bố.
Giấu xong vật báu, tớ trở lại phòng lớn. Cảnh tượng trước mắt khiến tớ giật thót. Trời ạ, một con báo đen gầy guộc, ngồi chồm hổm trên cái ghế thái sư bằng gỗ đàn hương của bố tớ. Con báo liếc nhìn tớ, ánh mắt rất quen thuộc đối với tớ. Tớ biết, con báo đen này là bản tướng của bố tớ. Báo đen há cái miệng rộng, động đậy hàm ria, nói:
- Con trai, bây giờ thì con đã biết, bố con là tên đao phủ hạng nhất của triều Thanh, được đương kim Hoàng Thái Hậu ban thưởng! Tay nghề của ta không được thất truyền!
Tớ sợ run lên. Trời ạ, chuyện gì thế này? Chuyện mẹ tớ kể về cái anh người Quan Đông ấy sau khi giấu kỹ cái râu hổ, lại nhìn thấy bản tướng của bố mẹ là người, bố anh không phải là ngựa, mẹ anh không phải là chó nữa. Còn tớ thì đã giấu kỹ chiếc râu hổ, vậy tại sao bố tớ vẫn là con báo đen? Chắc chắn tớ bị hoa mắt, hoặc giả hơi của báu vật dính ở tay, vẫn thiêng? Chịu đựng vợ rắn đã quá đủ, thêm một ông bố báo đen, mạch sống của tớ thế là tắc tị! Tớ hoảng hốt chạy ra sân, múc một thùng nước giếng rửa tay, rửa mặt thật kỹ, cuối cùng, nhúng hẳn đầu vào nước. Hôm nay, mới sáng sớm mà đã bao nhiêu là chuyện, làm cho đầu tớ phình ra, mong rằng nhúng nước nó sẽ bé lại như cũ.
Rửa ráy xong, tớ trở lại phòng lớn, vẫn thấy con báo đen ngồi trên ghế thái sư bằng gỗ đàn hương chứ không phải bố tớ. Con báo nhìn tớ bằng ánh mắt khinh thường, có ý rẻ rúng tớ là một thằng nửa người nửa gợm. Con báo đội mũ quả dưa có tua đỏ che cái đầu có mái tóc lởm chởm, hai tai mọc đầy lông, luôn cảnh giác dựng đứng hai bên mũ. Vài chục sợi ria cứng như dây thép, chĩa sang hai bên mép như ngạnh trê, cái lưỡi đầy gai rất linh hoạt, hết liếm mép lại liếm mũi “roạt… roạt” rồi há miệng đỏ lòm ra ngáp. Con báo mặc áo dài, bên ngoài khoác áo chẽn hoa. Hai chân thò ra khỏi tay áo dài đầy vuốt có những u đệm dày cộp, trông vừa quái đản vừa tức cười, khiến tớ vừa buồn cười vừa muốn khóc. Hai bàn chân còn lần tràng hạt nhoay nhoáy nữa chứ!
Mẹ tớ từng bảo, hổ lần tràng hạt giả làm người hiền! Còn báo đen lần tràng thì sao?
Tớ nhẹ nhàng bước giật lùi, thực tình tớ muốn bỏ chạy. Vợ là bạch xà, bố là báo đen, rõ ràng không thể ở cái nhà này! Trong hai người, chỉ cần một người thú tính nổi lên là tớ lãnh đủ. Dù họ còn nghĩ tới tình xưa nghĩa cũ không nỡ ăn thịt tớ, nhưng sống mà cứ nơm nớp thì sao sống được? Tớ nặn ra bộ mặt tươi cười để họ khỏi nghi. Một khi họ đã nghi, tớ sẽ chạy không thoát! Lão báo đen tuy không còn trẻ, nhưng hai chân sau bắt chéo trên ghế thái sư còn săn lắm, có vẻ sức bật còn tốt, chỉ cần một cú nhún, lão vọt cao hàng trượng là ít. Hàm răng lão tuy đã già nhưng hai răng nanh thì vẫn như răng cưa thép, khẽ bập một phát là đứt họng tớ. Cho dù tớ thoát khỏi lão báo đen, thì con bạch xà kia cũng không tha tớ. Mẹ tớ đã bảo, rắn mà thành tinh, thì bằng nửa con rồng, chạy nhanh như gió, hơn cả ngựa long câu. Mẹ tớ đã tận mắt trông thấy một con rắn to bằng bắp tay, dài bằng chiếc đòn gánh, rượt đuổi một con hươu nhỏ trên đồng cỏ. Con hươn nhảy vùn vụt, nhanh như tên bắn. Còn con rắn thì sao? Nửa thân trên thẳng đứng, cỏ hai bên rẽ ra rào rào, kết cục là con rắn nuốt chửng con hươu! Vợ tớ to bằng cái thùng gánh nước, hẳn phải to gấp nhiều lần con rắn mẹ tớ kể. Tớ có chạy nhanh hơn thỏ cũng không lại tốc độ vùn vụt của hắn.
- Giáp Con, định đi đâu vậy? Một giọng khàn khàn vang lên sau lưng tớ. Tớ ngoảnh lại, báo đen hai chân trước tì lên tay vịn của ghế, hai chân sau chồm hổm trên nền gạch màu xanh nhạt, nhìn tớ bằng cặp mắt nảy lửa. Trời ạ, lão báo đen đang trong tư thế nhảy vọt, cú nhảy của lão mèng nhất cũng đến giữa sân. Giáp ơi Giáp, đừng cuống! Tớ tự nhủ, đánh bạo cười hì hì, vừa cười vừa nói, bố, con ra cửa hàng bán thịt, thịt còn tươi thì vừa nặng cân vừa đẹp mã. Báo đen cười nhạt:
- Con ơi, con chuẩn bị chuyền nghề, cũng vẫn là “giết”, nhưng giết lợn thì lụn bại, giết người thì nên người!
Tớ vẫn bước giật lùi, nói, đúng đấy bố ạ, từ nay con không giết lợn nữa, con sẽ học bố cách giết người.
Lúc này con bạch xà ngỏng đầu lên, những vẩy to bằng đồng tiền lấp lánh trên cổ, khiếp quá! Cạch cạch cạch, tiếng cười của hắn lổn nhổn như gà đẻ trứng. Hắn nói:
- Giáp Con, anh nhìn rõ chưa? Bố anh là hóa thân của con vật nào? Sói, hổ hay rắn độc?
Tớ trông thấy cái cổ đầy vẩy bạc của hắn thoắt cái vươn dài ra, áo hồng quần lục trên người hắn đổi màu như da kỳ đà. Hắn giương cặp nanh nhọn hoắt, gần như chạm vào mặt tớ. Mẹ ơi, tớ kinh hoàng vội nhảy giật lùi. Rồi thì trong tai vang lên một tiếng bụp, mắt nảy đom đóm, tớ sùi bọt mép, ngất xỉu… Về sau, hắn bảo tớ mắc chứng động kinh, bậy, tớ chưa bao giờ bị choáng, nói gì đến động kinh! Rõ ràng là tớ sợ hắn, cứ lùi, lùi mãi, ngã ngửa, gáy đập phải ngưỡng cửa, trên ngưỡng có một cái đinh. Cái đinh đâm thủng đầu tớ, thế thôi.
Tớ nghe từ nơi rất xa, có một phụ nữ gọi tớ:
- Giáp Con, Giáp Con… không rõ là tiếng mẹ hay tiếng vợ tớ. Tớ cảm thấy đau đầu kinh khủng, muốn mở mắt ra nhưng hai mi dính chặt không mở được. Tớ ngửi thấy mùi thơm, tiếp đó, lại ngửi thấy mùi cỏ úa, tiếp đó lại ngửi thấy mùi thum thủm của lòng lợn luộc. Rất cố chấp, tiếng gọi cứ rót vào tai tớ:
- Anh Giáp ơi, anh Giáp! Bỗng một khối nước lạnh giội thẳng lên đầu tớ, lập tức tớ tỉnh lại.
Tớ mở mắt, thoạt tiên thấy các màu xanh đỏ tím vàng như màu sắc cầu vồng bay loạn xạ. Tiếp theo, mắt chói vì ánh nắng, rồi nhìn thấy một khuôn mặt trái xoan bự phấn cúi sát mặt tớ. Đó là khuôn mặt vợ tớ. Tớ nghe hắn nói:
- Anh Giáp, anh làm em sợ quá! Tớ thấy bàn tay hắn đẫm mồ hôi. Hắn cố sức kéo tớ khỏi vũng nước. Đầu ong ong, tớ hỏi, đây là đâu? Hắn đáp:
- Ngốc ạ, còn ở đâu nữa? Nhà mình đấy thôi!
Nhà mình, tớ nhíu mày đau khổ, chợt nhớ lại tất cả. Trời ơi, tớ không cần cái râu hổ ấy nữa, không cần nữa. Tớ sẽ ném nó vào lửa. Hắn cười nhạt, ghé sát tai tớ thì thầm: Ngốc ơi là ngốc, anh tưởng nó là râu hổ thật à? Nó là cái lông trên người em. Tớ lắc đầu, đầu đau, đau khủng khiếp! Không phải, trên người đằng ấy làm gì có cái lông như thế? Mà dù cái lông ấy là của đằng ấy, thì sao cầm nó, tớ vẫn nhìn được bản tướng của đằng ấy? Khi không cầm nó trong tay, tớ vẫn nhìn được bản tướng của bố tớ? Hắn tò mò hỏi:
- Vậy anh nhìn thấy em là con gì? Tớ nhìn khuôn mặt trắng trẻo, nhìn chân nhìn tay hắn, ngó sang ông bố hình người dáng báo trên ghế thái sư, y như vừa tỉnh giấc mơ. Có lẽ tớ nằm mơ, mơ thấy đằng ấy là một con rắn, mơ thấy bố tớ là một con báo đen. Hắn cười bí hiểm:
- Có lẽ em là con rắn! Kỳ thực em đúng là một con rắn! – Mặt hắn bỗng dài ra, mắt xanh lè – Nếu là rắn – hắn nói, giọng hằn học – em chui luôn vào bụng anh. Mặt hắn càng dài ra, những vẩy lấp lánh trên cổ lại xuất hiện. Tớ vội bưng mặt, gào to:
- Đằng ấy không phải là rắn, đằng ấy là người!
Giữa lúc ấy, cổng nhà tớ bật tung.
Tớ trông thấy hai tên công sai hồi nãy bị bố tớ xua đuổi, giờ đã là hai con sói xám quần áo hẳn hoi, tay tì đốc gươm, chia nhau đứng hai bên cổng. Tớ bị choáng vì sợ, vội nhắm tịt mắt, hy vọng dùng cách đó để cứu mình ra khỏi cơn ác mộng. Khi mở mắt ra, thấy về cơ bản mặt họ đã là mặt người, nhưng tay họ mọc đầy lông dài màu xám, ngón cong như lưỡi câu, tớ đau xót mà nghĩ rằng, cái lông trên người vợ tớ lợi hại hơn nhiều chiếc râu hổ thần thông quảng đại kia! Chiếc râu hổ thì khi anh nắm chặt, nó mới phát huy thần lực, còn cái lông của vợ tớ chỉ cần sờ vào nó, là ma lực của nó đã bám dính lấy anh, cho dù anh giấu kỹ nó hay vứt bỏ nó, anh còn nhớ nó hay đã quên nó!
Sau khi hai tên công sai đứng gác hai bên cổng, cỗ kiệu bốn người khiêng đã hạ xuống mặt đường đá xanh, ngay trước cổng nhà tớ. Bốn phu kiệu, tất nhiên bản tướng của họ là lừa, tuy đôi tai đã giấu trong chiếc mũ ống, nhưng điệu bộ của họ thì thật độc đáo: chân trước vịn đò kiệu, mép sùi bọt trắng, thở phì phò. Xem ra, họ chạy nước rút thì phải, bụi bám đầy ủng. Viên thơ lại họ Điêu phụ trách hình danh – người ta gọii lão là Viên Phu tử, bản tướng của lão là con nhím mõm nhọn – giơ vuốt trước màu phấn hồng vén góc rèm lên. Tớ nhận ra đó là kiệu của Tiền đại nhân. Tiểu Khuê nhổ nước bọt vào cái kiệu này mà gặp đại họa. Tớ biết, người sắp chui ra khỏi kiệu chính là Tiền đại nhân, bố nuôi của vợ tớ. Lý ra, bố nuôi của vợ cũng là bố nuôi của tớ. Tớ rất muốn đi thăm ông ấy, nhưng vợ tớ chết thì chết không chịu. Có trời chứng giám, quan lớn Tiền đối xử không bạc với nhà tớ, đã miễn thuế cho nhà tớ mấy năm rồi. Nhưng ông lớn không nên vì một bãi nước bọt mà đánh thằng Khuê gãy chân, thằng Khuê là bạn tốt của tớ. Nó bảo, anh ngố Giáp này, ông lớn Tiền cho anh cái mũ màu lục, sao không đội? Tớ về nhà hỏi vợ, vợ ơi vợ, thằng Khuê nói là quan lớn Tiền cho tớ cái mũ màu lục, nó thế nào? Sao đằng ấy không cho tớ xem? Hắn mắng tớ:
- Anh ngốc, Khuê là thằng mất dạy, không cho anh chơi với nó nữa! Anh còn với nó là em không ôm anh ngủ nữa đâu. Sau đó chưa đầy ba hôm, thằng Khuê bị đánh gãy chân. Vì một bãi nước bọt mà đánh gãy chân người ta, quan lớn Tiền kể cũng hơi ác, hôm nay đến đây, để xem ông là giống vật nào biến thành?
Tớ trông thấy cái đầu hổ trắng to bằng gốc liễu thò ra ngoài kiệu. Trời ạ, thì ra quan lớn Tiền là do hổ biến thành. Thảo nào mẹ tớ bảo, nhà vua là do rồng biến thành, quan to là do hổ biến thành. Bạch hổ đội mũ màu lam, mặc quan phục màu đỏ, ngực thêu hai quái điểu màu trắng, chim không phải chim, vịt không phải vịt. Ông bề thế hơn bố tớ, ông là con hổ béo, bố tớ là con báo gầy. Ông mặt trắng như mâm bột, bố tớ đen như hòn than. Ông xuống kiệu, khệnh khạng bước vào cổng, đúng là dáng đi của hổ! Lão nhím chạy vượt lên, lớn tiếng thông báo:
- Tri huyện Tiền đại nhân đã tới!
Lão hổ và tớ chạm trán, lão vằn mắt nhìn tớ, tớ sợ quá nhắm mắt lại, chỉ nghe thấy tiếng lão:
- Triệu Tiểu Giáp phải không?
Tớ vội khom người trả lời vâng, kẻ hèn mọn này là Giáp Con.
Nhân lúc tớ nhắm mắt, lão đã giấu được một nửa bản tướng của lão, chỉ còn cái đuôi vẫn thò vạt áo sau, kéo lê dưới đất, bám đầy bụi và nước bẩn, thể nào cũng dụ bọn nhặng xanh đến cho mà xem! Vừa nghĩ như vậy, lũ nhặng đậu trên tường đã bay lên vù vù, xông tới. Chúng đậu trên đuôi, cả trên mũ, tay áo, cổ áo của ông lớn. Ông lớn giọng hòa nhã:
- Giáp Con, vào báo có bản quan tới gặp.
Tớ bảo, mời quan lớn cứ vào, bố tui biết cắn người đấy!
Viên thơ lại vội thu hồi bản tướng nhím của lão, trợn mắt quát:
- Tiểu Giáp to gan! Dám không vâng lời quan lớn, mau vào gọi cha ngươi ra đây!
Quan lớn Tiền giơ tay ngăn cơn thịnh nộ của viên thơ lại, khom người bước vào trong nhà. Tớ vội vào theo để xem giây phút gặp gỡ giữa hổ và báo. Tớ rất muốn họ lập tức trở thành kẻ thù của nhau, gầm gừ, dựng lông gáy lên, tia mắt xanh biếc, răng trắng nhởn. Hổ trắng nhìn chằm chằm báo đen, báo đen nhìn chằm chằm hổ trắng; hổ trắng lượn quanh báo đen, báo đen lượn quanh hổ trắng, không bên nào chịu lép. Mẹ tớ bảo, nói chung thú dữ vào trận, con nào cũng gầm ghè diệu võ giương oai, trước tiên áp đảo đối phương bằng khí thế. Chỉ cần một bên tỏ ra khiếp nhược, cụp tai, kẹp đuôi giữa hai chân, mắt nhìn xuống thấp, là bên kia ào lên ngoạm vài miếng là quị. Chỉ sợ hai bên đều căng, không ai nhường ai, chắc chắn không thoát khỏi một cuộc ác chiến. Không đánh không hay, ác chiến mới hay. Tớ rất mong bố tớ và Tiền đại nhân nổ ra cuộc chiến giữa hổ và báo, không ai nhường ai. Tớ trông thấy họ vờn quanh nhau, càng vờn càng nhanh, bố như một làn khói đen, Tiền đại nhân như một làn khói trắng, từ trong nhà chuyển ra ngoài sân, từ trong sân chuyển ra ngoài đường, xoay tít hoa cả mắt, xoắn lại thành con quay, cuối cùng, hai bên nhập làm một, trong đen có trắng, cuộn thành một quả trứng; trong trắng có đen, bện thành sợi dây thừng. Từ đông cuộn sang tây, từ nam cuộn lên bắc, lúc cuộn lên mái nhà, lúc cuộn xuống giếng sâu. Bỗng một tiếng “ngoao” vang lên như trời long đất lở, cuối cùng, được thua đã được trờ đất định đoạt. Tớ trông thấy con hổ trắng và con báo đen cách nhau hơn một trượng, ngồi kiểu chó chực, thè lưỡi liếm vết thương bên vai. Cuộc chiến giữa hổ báo, tớ xem mà đầu váng mắt hoa, thót tim thót bụng, mồ hôi cùng mình. Nhưng vẫn chưa phân thắng bại. Lúc hai người xoắn lấy nhau, tớ rất muốn giúp bố một tay, nhưng không sao thực hiện được.
Tiền đại nhân căm giận nhìn bố tớ, trên mặt nở nụ cười khinh miệt. Bố tớ căm giận nhìn Tiền đại nhân , trên mặt nở nụ cười khinh miệt. Bố tớ thật sự coi khinh viên tri huyện, kẻ đã đánh thằng Khuê sống dở chết dở. Bố tớ thật sự là báo, là lừa, là trâu! Hai người ánh mắt giao nhau, như gươm đao chạm nhau tóe lửa, “lốp bốp” tàn lửa bắn vào mặt tớ, phỏng lên mấy chỗ. Hai người đấu mắt, không ai chịu nhìn đi nơi khác. Tim tớ cứ thập thò ở cổ, há miệng là nó vọt ra, rơi xuống đất biến thành thỏ đồng cụp đuôi chạy trốn, chạy ra khỏi sân, chạy trên đường phố, chó đuổi theo, thỏ chạy càng nhanh, chạy đến dốc Nam, dừng lại ăn cỏ. Cỏ gì? Cỏ mật, ăn thật no, ăn thật nhiều, ăn bấy nhiêu, rồi quay lại. Tớ trông thấy hai vị hổ báo đang lên gân, móng vuốt từ từ giương ra, nhảy xổ vào nhau, xoắn chặt lấy nhau bất cứ lúc nào. Giữa lúc gay cấn đó, vợ tớ từ buồng trong bước ra, hương thơm sực nức, nụ cười trên mặt như đóa hoa hồng, lớp cánh lớp đài nở bung từng đợt. Eo hắn xoắn lại xoắn, mềm như sợi dây thừng. Bản tướng của hắn chỉ lộ ra một thoáng, rồi lại lẩn sau lớp da vừa trắng vừa mịn vừa thơm vừa ngọt. Vợ tớ õng ẹo, quì xuống, cất giọng ngọt hơn mật, chua hơn dấm:
- Dân nữ Tôn Mi Nương bái kiến tri huyện đại nhân!
Vợ tớ vừa quì xuống, lập tức quan lớn Tiền nhũn ra. Ngài liếc ngang, bắt chước tiếng ho của con sơn dương bị trúng phong “khậc khậc khậc, khậc khậc khậc”, rõ ràng là giả vờ, tớ tuy ngố, nhưng vẫn nhận ra. Liếc sang chỗ vợ tớ, ngài không dám nhìn thẳng, không dám ngừng lại lâu, cái nhìn lấm lét, nhảy cóc như bọ ngựa va phải bức tường. Mặt ngài co rúm trông thật thảm hại, không hiểu vì ngượng hay vì sợ. Ngài nói như liên thanh “Miễn lễ miễn lễ, đứng dậy đứng dậy”. Vợ tớ đứng lên, nói:
- Nghe tin quan lớn bắt cha tui giam trong đại lao, được người Tay ban thưởng hậu hĩ, tui đã chuẩn bị rượu thịt đến mừng quan lớn.
Tiền đại nhân cười gượng, ậm ừ một lúc mới trả miếng:
- Bản quan ăn lộc triều đình, đâu dám không tận tâm với chức vụ.
Vợ tớ cười ngặt nghẽo, rồi không kiêng nể gì cả, tiến tới tóm lấy bộ râu đen của quan lớn Tiền, giật giật cái đuôi sam to tướng của ngài – sao mẹ tớ không cho tớ một cái đuôi sam to to một tí – rồi lại bậy bạ đến mức vòng ra sau ghế đàn hương, giật giật cái đuôi sam bé tí của bố tớ.
Hắn nói:
- Hai ông, một người là cha nuôi, một người là cha chồng. Cha nuôi bắt cha đẻ tui, sai cha chồng giết cha đẻ tui. Cha nuôi cha chồng ơi, tính mạng cha đẻ tui nằm trong hai tay vị đấy.
Vợ tớ nói xong câu ấy liền chạy đến xó nhà ho khan. Tớ thương vợ, con cón chạy tới đấm lưng cho hắn. Tớ hỏi, vợ ơi, có phải họ làm đằng ấy giận đến phát ốm phải không? Hắn đứng thẳng lên, nước mắt giàn giụa, giận dữ quát tớ:
- Đồ ngốc, lại còn hỏi? Bà đã có thai, sẽ đẻ cho nhà ngươi một của nợ nối dõi tông đường!
Vợ tớ, miệng chửi tớ, nhưng mắt thì lại nhìn Tiền đại nhân. Bố tớ vẫn ngước nhìn nóc nhà, có lẽ tìm lũ thạch sùng béo múp thường xuyên xuất hiện ở đó. Tiền đại nhân cứ xê dịch đít một cách không tự nhiên, y như đứa trẻ mót ỉa. Tớ trông thấy tóc ông ta ướt đẫm mồ hôi. Thơ lại Điêu tiến lên, vái một vái, nói:
- Ông lớn, hãy làm việc công đã, Viên đại nhân đang đợi trả lời ở công đường.
Quan lớn Tiền lấy tay áo lau mồ hôi trên mặt, sửa lại chòm râu bị vợ tớ làm rối, bắt chước tiếng sơn dương ho một hồi, rồi mặt lạnh như tiền, cực chẳng đã chắp tay xá một xá, nói:
- Nếu hạ quan không lầm thì ngài chính là “Già” Triệu Giáp tiếng tăm lừng lẫy!
Bố tớ đứng dậy, tay vẫn lần tràng hạt, kiêu hãnh:
- Tiểu dân Triệu Giáp trong tay có chuỗi tràng hạt bằng gỗ đàn hương do Hoàng Thái Hậu đích thân trao tặng, nên không thể quì lạy quan phụ mẫu!
Nói xong, bố tớ giơ cao chuỗi hạt bằng gỗ đàn hương nặng như những viên bi sắt lên khỏi đầu, hình như đang chờ đợi điều gì đó.
Quan lớn Tiền lùi lại một bước, đứng nghiêm, phủi tay áo, quì sụp xuống, trán chạm đất, nói như khóc:
- Thần Huyện lệnh Cao Mật Tiền Đinh chúc Hoàng Thái Hậu sống lâu muôn tuổi!
Quan lớn Tiền chúc xong, đứng dậy, nói:
- Không phải hạ quan đến quấy rối ngài, mà Tuần phủ Sơn Đông Viên đại nhân có lời mời.
Bố tớ không quan tâm lời giải thích của Tiền đại nhân, tay lần tràng hạt, mắt nhìn con thạch sùng trên trần nhà, nói:
- Thưa quan lớn, chiếc ghế đàn hương tiểu dân đang ngồi là của đương kim Hoàng thượng thưởng cho tiểu dân, theo qui định trong quan trường, thấy vật như thấy nhà vua vậy.
Sắc mặt Tiền đại nhân thoắt cái đỏ hơn cả màu gỗ đàn hương, xem ra ông ta rất cáu, nhưng cố kiềm chế. Bố tớ cũng quá quắt, bắt ông lớn lạy một lần đã đảo lộn càn khôn, xóa nhòa trên dưới! Vậy mà còn bắt lạy hai lần! Bố, vừa phải thôi bố ạ. Mẹ tớ bảo, quan xa, bản nha thì gần, vua to thật đấy, nhưng xa tít mù tắp, quan huyện thì nhỏ, nhưng ở ngay trước mặt. Ông ấy chỉ kiếm một cái cớ là bố con mình lãnh đủ, bố, quan lớn Tiền không phải là cây đèn đã cạn dầu. Con đã kể với bố chuyện thằng Khuê chỉ nhổ một bãi nước bọt vào kiệu của ông ta mà bị đánh gãy đùi rồi.
Quan lớn Tiền cố rặn ra một nụ cười nhợt nhạt trên khuôn mặt hầm hầm, nói: Hạ quan học vấn nông cạn, nhưng ít nhiều đã đọc những sách kinh điển… Xưa nay, ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài, không có vị Hoàng đế nào nhường ghế của mình cho người khác, càng không có chuyện đem ghế thưởng cho một tên đao phủ! Già Triệu, ông có nói dóc không đấy? Ông có bạo gan quá không đấy? Sao ông không nói, Hoàng thượng đem cơ đồ ba trăm năm, giang sơn mười vạn dặm nhà Đại Thanh tặng ông có hơn không? Ông sử dụng cây đao ở Bộ Hình bấy nhiêu năm, lẽ ra cũng nên biết đôi chút điển luật của nhà nước, hạ quan xin hỏi, bịa chuyện thánh chỉ, ngụy tạo thánh vật, đem điều tiếng đổ lên đầu Hoàng Thái Hậu và Hoàng Thượng, theo luật phải trị tội gi? Lăng trì hay chém ngang lưng? Giết cả nhà hay giết cả họ?
Bố ơi là bố, mới sáng nứt mắt mà đã nói xằng, họa lớn rồi! Tớ kinh hồn bạt vía, vội quì xuống xin. Tớ nói, Tiền đại nhân, bố tui đắc tội với ngài, ngài có róc thịt đem cho chó ăn cũng đáng. Nhưng vợ chồng tui không làm gì để ngài tức giận, mong ngài nới tay đừng giết cả nhà tui. Nếu ngài giết cả nhà tui, thì lấy ai đem rượu đem thịt cho ngài. Lại nữa, vợ tui vừa nói đã có thai, giết cả nhà thì đợi đẻ xong hãy giết, phải không ạ?
Thơ lại Điêu ngắt lời: Triệu Tiểu Giáp lẩm cẩm quá đấy. Đã giết cả nhà thì nhổ cỏ phải nhổ cả gốc, một mống cũng không còn, lẽ nào còn để cho anh một người nối dõi!
Bố tớ đến trước mặt, đá cho tớ một cái, mắng: “Cút, cái đồ bị thịt! Lúc không có việc thì hiếu thuận đâu ra đấy, vậy mà khi nguy cấp thì chỉ là đồ bỏ đi!” Chửi xong, bố quay lại nói với Tiền đại nhân: “Thưa quan lớn, nếu ngài hoài nghi tôi bịa đặt, bịp bợm người đời, thì sao ngài không vào Kinh hỏi Hoàng Thái Hậu và Hoàng thượng? Nếu ngại xa xôi cách trở, chi bằng ngài về huyện hỏi Viên đại nhân, chắc hẳn ông ta nhận biết chiếc ghế này”.
Lời bố mát nước thối đá, Tiền đại nhân ắng họng. Ngài nhắm mắt thở dài một tiếng, mở mắt nói: “Thôi, hạ quan hiểu biết nông cạn, mong Già Triệu đừng cười!” Ngài xá một xá, phủi tay áo, quì xuống dập đầu một cái thật kêu, gầm lên như chửi nhau ngoài phố: “Thần Cao Mật Huyện lệnh Tiền Đinh kính chúc Hoàng đế của thần sống lâu muôi tuổi!”
Hai bàn tay nhỏ bé lần tràng hạt của bố run lên, vẻ đắc ý không giấu được qua cặp mắt.
Quan lớn Tiền đứng dậy, vừa cười vừa nói: - Già Triệu, nhà vua còn thưởng cho bác vật nào nữa không? Một lần cũng là lạy, hai lần cũng là lạy, ba bốn lần cũng lạy!
Bố tớ cười: - Quan lớn đừng giận, đây là phép tắc của triều đình.
Tiền đại nhân nói: - Nếu không còn gì nữa, mời Già đi cùng hạ quan. Viên đại nhân cùng Tổng đốc Caclôt đang kính cẩn đợi Già Triệu ở công đường huyện.
Bố tớ nói: - Cảm phiền đại nhân cho người khiêng cái ghế này đi. Tôi muốn để Viên đại nhân phân biệt thật giả.
Tiền đại nhân lưỡng lự giây lát rồi khoát tay, nói: - Được! Bay đâu?
Hai tên công sai hóa thân từ sói khênh chiếc ghế tựa của bố. Tiền đại nhân và bố sánh vai bước ra cổng. Trong sân, vợ tớ nôn ọe, vừa nôn vừa gào khóc: “Cha đẻ ơi, cha hãy cố mà sống, con gái cha đã có mang thằng cháu ngoại của cha!” Tớ trông thấy sắc mặt Tiền đại nhân hết tái lại đỏ rất không tự nhiên. Nét mặt bố tớ càng vênh váo. Đến trước kiệu, Tiền đại nhân và bố tớ khách khí nhường nhau lên trước, in hệt hai ông quan cùng cấp, hai ông bạn thân tình. Rốt cuộc chẳng ai lên kiệu, hai tên công sai bỏ ghế vào trong kiệu, nhét không vào, đành gác trên đòn khiêng. Bố tớ để chuỗi hạt trong kiệu rồi trườn xuống đất. Rèm buông xuống, che khuất những vật thiêng liêng không ai được xâm phạm. Bố tớ hai tay đều rỗi, dương dương đắc ý nhìn Tiền đại nhân. Quan lớn Tiền cười lên một tiếng như điên dại, nhanh như chớp đánh một bạt tai trúng giữa miệng bố tớ, bốp một tiếng, át hẳn tiếng kêu của con ễnh ương. Bố tớ không kịp đề phòng xoay đi nửa vòng, vừa đứng vững, Tiền đại nhân lại đánh một bạt tai nữa. Cú này mạnh hơn nhiều, bố tớ ngã lăn ra, mắt trợn trừng nhổ ra một bụm máu lẫn cái răng gãy, Tiền đại nhân nói: “Đi!”.
Bọn phu khiêng kiệu chạy như bay. Hai tên công sai lôi bố dậy, mỗi tên cầm một tay lôi như lôi chó chết. Tiền đại nhân ngẩng cao đầu ưỡn ngực đi trước, tư thế hùng dũng, chẳng khác gà trống vừa nhảy từ trên lưng gà mái xuống. Do không nhìn đường, ông ta có vấp phải một hòn gạch suýt ngã lăn quay, may mà lão Điêu đỡ kịp. Nhưng trong lúc lấn bấn ấy, Tiền đại nhân đánh rơi mũ, vội nhặt đội lên đầu, đội lệch, lại phải sửa cho ngay ngắn. Tiền đại nhân đi sau kiệu, thơ lại Điêu theo sau Tiền đại nhân, hai tên công sai lôi bố tớ, bố tớ kéo lê hai chân lết theo thơ lại Điêu, đám trẻ con bạo gan bám theo chân bố tớ, một hàng mười mấy người rồng rồng rắn rắn đi về huyện.
Tớ ứa nước mắt, tiếc mình không xông tới liều mạng với lão Tiền. Chả trách bố chửi tớ lúc thường thì hiếu thuận, gặp lúc nguy nan thì là đồ giẻ rách. Lẽ ra tớ phải dùng gậy đánh gãy chân lão, phải lấy dao đâm thủng bụng lão… Tớ nhặt thanh đại đao chạy ra đường định đuổi theo Tiền Đinh, nhưng sự tò mò đã giữ tớ lại. Tớ cùng với lũ nhặng tìm thấy cái thứ mà bố tớ nhổ ra. Đúng là răng, hai cái đều là răng hàm. Tớ dùng mũi dao gạt cái răng chơi một lúc, trong lòng rất buồn, hai giọt nước mắt ứa ra. Sau đó tớ đứng dậy nhìn theo bóng dáng của họ, nhổ một bãi nước bọt lớn tiếng chửi:
- Đ. mẹ mày… - hạ giọng – Tiền Đinh!