Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Cờ thiêng đất thánh

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 23585 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cờ thiêng đất thánh
Nguyễn Trung Dũng

CHƯƠNG 28

 Ngày mồng tám tháng hai.
Lê Khắc Chinh chực sẵn ở Giao Chỉ, định lấy thế sức nhàn thắng sức mỏi. Đất Đan Hồng hẹp chỉ chứa được 1 phần quân Hán. Phần còn lại tập trung tại các khu phụ cận như Đào Phúc, An Thượng.. Bởi thiếu quân lương nên Lê Khắc Chinh lệnh cho dân trong vùng phải cung cấp đầy đủ lương thực, vật dụng bổ theo đầu người. Riêng dân thuộc trấn phải chịu gánh nặng gấp đôi ba lần. Kẻ nào có tiền lo lót còn đỡ, người không đủ khả năng chi trả thì bồng bế nhau, bỏ sản nghiệp mà về quê lánh nạn vì ở lại không tan cửa nát nhà mới là chuyện lạ. Chỉ trong gẫn chục ngày, cả thị trấn phồn thịnh dường ấy bỗng chốc tan hoang. Nhà cửa bị chiếm dụng, đồ đạc bị đập phá, người người nai lưng phục dịch kẻ thù. Bọn lính Hán đóng ngoài trấn còn được bỏ lỏng quân pháp, tràn đi cướp bóc hà hiếp lương dân. Tiếng khóc ri ri, lời than ai oán tràn ngập.
Việt Nghĩa Đoàn đóng quân ở Hoằng Giáo. Nỗi thống khổ của nhân dân bay đến tai Dương Đình Nghệ. Ông lập tức gửi chiến thư cho Lê Khắc Chinh. Lê Khắc Chinh phê vào chiến thư bốn chữ “ngày mai quyết đấu”. Chiến trường được chọn là bãi đất rộng ngàn mẫu phía tây quan lộ. Đến chiều, hai bên cho người đi xem xét tình hình, thấy đây là nơi thích hợp nhất cho một cuộc giao tranh sòng phẳng, khẳng định sức mạnh thực sự.
Buổi tối, Dương nguyên soái tập hợp toàn chúng Nghĩa Đoàn.
- Hỡi các chiến binh kiêu dũng của Việt Nghĩa Đoàn. Chúng ta đang đứng trước trận đánh lớn mà chiến thắng sẽ đưa chúng ta tiến một bước dài tới đích. Hoà bình và tự do đang chờ. Hãy dốc toàn bộ sức lực để dành lại tương lai cho đất nước.
- Vâng!
Tất cả đồng thanh hô lớn. Tiếng hô rung chuyển trời đất, tràn đến trại giặc. Lê Khắc Chinh rùng mình vội cho gọi Hỏa Thiên ưng lên: 
- Ngày mai, ngươi cùng vài gã mặc quần áo lính đứng lẫn trong hỗn quân. Khỏi cần quan tâm tới chiến cuộc, nhiệm vụ của các ngươi là giết bằng được Dương Đình Nghệ. Nếu không! Đừng về gặp ta.
Hỏa Thiên ưng vâng lệnh, hiểu nếu thất bại lần nữa, Nguyên Soái sẽ lấy cái đầu trên cổ của hắn. Hắn về trại, tìm ngay Huyết Quỷ, Phong Kỳ, Dị Hành Giả và Kim Quyết, đội trưởng các đội 1,2,3,4 Ngân Vệ. Điểm chung của chúng là độc ác, giết người không ghê tay và tuyệt đối trung thành với Hỏa Thiên ưng.
..............
Sáng mồng chín tháng hai.
Bầu trời thật trong trẻo. Thời tiết đúng độ xuân tươi với cỏ hoa mơn mởn. Chỉ có điều chưa bảnh mắt đàn quạ đã nhớn nhác tìm chỗ đậu trên những rặng cây, chiếu mắt xuống chiến địa, chờ bữa cỗ thịnh soạn chuẩn bị được bày ra. Lũ diều hâu nào chịu kém, thi nhau quần thảo trên trời.
Nhìn từng đoàn người ngựa lục tục lên đường, ta thấy ở đâu đó niềm phấn khởi, hào hứng, sự quyết tâm. Còn có cả vẻ bồn chồn lo lắng, sự căng thẳng chứa đựng đôi chút sợ hãi. Khác với các cuộc giao chiến trước, các chỉ huy hai bên có đầy đủ thời gian sắp xếp đội hình hàng ngũ một cách hợp lý chỉnh chu nhất. Sắp bước vào cuộc sinh tử, tự dưng con người ta biết kiên nhẫn.
Giờ tỵ hai khắc, sự náo động biết mất. Các chiến binh hoạ hoằn có trao đổi nhau bằng ánh mắt. Các tướng im lặng. Dương Đình Nghệ mặc một lần giáp tơ bên trong, ngoài phủ tấm áo chẽn màu vàng nhạt, hông đeo kiếm, cưỡi trên lưng con ngựa xám. Tác phong uyển chuyển mà dứt khoát, khí phách mạnh mẽ tự nhiên khiến ít ai ngờ rằng ông đang mang trên mình một vết thương lớn, chưa có thời gian để hồi phục và mỗi dặm đường trường lại thêm đau đớn trầm trọng. Ngược lại, Lê Khắc Chinh, người trông rất hung tợn vào ngày hôm nay. Khuôn mặt như bè ra, bộ râu thì quăn tít lại. Cơ thể gân guốc được che bằng cái áo giáp dầy cộp và miếng hộ tâm kính đỏ choé. Tấm khiên răng cưa khoác vai, thanh đao bán nguyệt giắt lưng, Lê Khắc Chinh trông giống một mãnh tướng phổi bò hơn bậc nguyên soái thao túng hàng vạn quân. Ông ta nói bằng giọng gió bão:
- Dương Đình Nghệ. Biết ngươi kéo toán quân ô hợp vượt vài trăm dặm, trăm phương ngàn kế tìm cách chiếm lại đất đai của tổ tiên. Nên ta sẵn sàng giúp ngươi dập tắt cái mơ ước hão huyền đó. Chiến trường này sẽ là mồ chôn của các ngươi, những kẻ không tự lượng sức, dám đối đầu với Nam Hán hùng mạnh.
- Lê Khắc Chinh. D ương Đình Nghệ đối lại bằng giọng tre xanh. Đến bây giờ ngươi vẫn ảo tưởng về sức mạnh của Nam Hán ư? Chúng ta sẽ cho mở mắt trước những tinh hoa dân tộc, ý chí và niềm tin chiến thắng của người Việt. Thứ sức mạnh mà mới vừa phát huy thôi, đám quân tướng trong tay ngươi đã lớp chết, lớp bỏ cả giáp trụ mũ nón để chạy thoát thân. Ngươi giả điếc để không nghe thấy tiếng thét của người Việt đang rung chuyển trời đất hay sao? Ngươi giả điếc để không nhìn thấy những đoàn quân đang ùn ùn kéo về từ muôn hướng, trong chớp mắt sẽ xoá sổ đế chế hung tàn của các ngươi hay sao? Hay là ngươi giả vô minh, không thấu hiểu lẽ trời mà chưa cởi giáp quy hàng, muốn để hàng vạn quân chết oan hay sao?
- Không nhiều lời. L ê Khắc Chinh gạt đi. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Đúng sai sau trận này sẽ biết. Cánh tay sắt của ta đâu!
- Có thuộc hạ.
Một tướng mặt đen như củ súng, cử thanh đại đao nặng trịch, sức vóc cuồn cuộn xuất trận.
Phía bên này, Hoàng Hải Bình, người khoẻ nhất nhì Nghĩa Đoàn hô to :
- Xin để hắn cho tôi.
Dứt lời, chàng múa cây bát xà mâu nhảy đến đón đầu. Hai tướng húc nhau rầm rầm. Hai thứ binh khí nặng được hai lực sĩ xoay chuyển nhẹ như không, tạo ra một trận sa mù phấp phới.
Lê Khắc Chinh lại gọi :
- Ngọn lửa đỏ của ta đâu!
- Có thuộc hạ.
Một tướng mặt đỏ như sắt nung, múa ngọn thiên phương hoạ kích hừng hực xung trận.
Phan Anh, đã thăng tiến thành đội trưởng đội Nỏ Thần, vẫn lạnh lùng bậc nhất Nghĩa Đoàn, khua song kiếm, giục ngựa ra. Khói bốc tứ tung khi nóng gặp lạnh. Hỏa kích gặp thủy kiếm, biến hoá liên miên khiến người xem chóng mặt.
Hai cặp đánh hồi lâu mà chưa phân thắng bại. Thấy rõ Điển Hắc Lang, tướng mặt đen, có đôi cánh tay rắn như thép và lối đánh không khoan nhượng. Còn Hoàng Hải Bình có lồng ngực bơm đầy sức mạnh và một ý chí sắt đá. Cây kích của Tư Mã Tuân, tướng mặt đỏ, nóng giãy ròn, có sức tàn phá vô biên. Còn song kiếm trong tay Phan Anh chẳng hề có cảm xúc, hiểm độc vô cùng. Biết cuộc đấu chỉ trông chờ vào sơ hở mà kết thúc chứ rất khó dùng tài năng để phân định thắng thua, Phạm Minh Thành bên phải, Triệu Văn Tuấn bên trái cùng giục ngựa lao về phía đối phương. Đáp lại, hai thượng tướng Nam Hán cũng lao ra. Dương Nguyên Soái thấy đã đến lúc chủ động khai cuộc hỗn chiến liền vung kiếm làm lệnh. Đội hình Nghĩa Đoàn rùng rùng chuyển động. Lê Nguyên Soái từng nếm đau khổ trước Cửu Cung trận đã có đối sách. Quân Nam Hán theo lệnh ào sang, ngáng vào các cửa để đối phương không biến đổi được thế trận.
Bắt đầu sát kiếp. Tám năm dồn nén cảm xúc. Tám năm kẻ phá người giữ, kẻ tiến người lùi, nay mới có dịp chạm mặt và bùng nổ. Trong chớp mắt, chiến địa vạng dội âm thanh. Tiếng quát tháo, tiếng hò hét, tiếng kêu la... Trộn với tiếng binh khí, tiếng vó ngựa, tiếng quạ kêu... Kinh hoàng làm sao khi hàng vạn con người xông vào nhau mà chém giết. Chẳng cần biết trước mặt ai, miễn khác tộc, ắt phải có người sống kẻ chết. Những thân người đổ xuống, những dòng máu tuôn ra. Hết lớp này đến lớp khác, bước chân vừa in dấu đã có ngay bước chân khác dẫm lên. Không ngưng không nghỉ, không mệt mỏi, không chậm trễ, cứ thế dấn thân.
Tương quan hai bên khá cân bằng dù quân Nam Hán đông hơn. Quân Việt bù đắp sự thiếu hụt lực lượng bằng tinh thần chiến đấu và sự đoàn kết vượt trội. Và sẽ rất sai lầm nếu nghĩ Lê Khắc Chinh biết phòng trước đối sách mà Dương Đình Nghệ lại không biết làm hơn. Quân Hán phần nào hạn chế được tác dụng của Cửu cung trận trong khi quân Việt cũng phân bố rất hợp lý. Năm trăm tay kiếm giỏi nhất Nghĩa Đoàn hoạt động tự do vô hiệu hoá đám đội viên Kim Ngân Vệ, những kẻ mang khả năng gây thương vong cao nhất bên đối phương. Phần còn lại trong bất cứ trường hợp nào vẫn phải giữ phương vị, luôn tạo thành tốp, một người hy sinh thì một người thay thế. Đội nữ binh chiến đấu rất hay nhưng một số đội nam binh vẫn để mắt trông chừng, đứng xen lẫn nhằm hỗ trợ khi nguy cấp. Cánh tướng soái chủ động tấn công các tay cự phách người Hán, Lê Lãm đánh với Hà Phủ Giang, Đinh Công Trứ giao chiến cùng Lưu Hạnh, tướng trấn thủ Hoan Châu, Ngô Quyền và Võ Thiên Nam lo hạ Tô Phi cùng nhóm Tam Sát Hung Thần, xuất thân từ Tử Xa Đoàn. Riêng Dương nguyên soái hầu như không tham chiến. Ông đứng giữa trận tiền, điều khiển thế trận, cổ suý tinh thần binh lính bằng một nỗ lực phi thường. Chốc chốc lại thấy cơn đau chạy qua mặt người chủ tướng, nhưng ông vẫn đứng, vẫn hò hét đến cạn kiệt sức lực.
Ngược lại, Lê Khắc Chinh quay cuồng trong vũ điệu tử thần. Lưỡi đao bán nguyệt vung nhang nháng, tấm khiên răng cưa phạt rào rào. Gần năm mươi tuổi mà sức lực vẫn còn nguyên, đi đến đâu, máu đổ đến đấy, con mãnh thú trong người họ Lê gầm thét điên đảo chiến trường. Đứng gần đó, tướng quân Phùng Hợp không thể nhịn được, chém bay đầu một tên lính Hán, mở đường lao đến trước mặt Lê Khắc Chinh. Họ Lê mừng rú khi gặp đối thủ, say máu chém liền. Họ Phùng tránh sang bên, vớt một đường đao nhằm mặt đối thủ. Lê Khắc Chinh giơ khiến đỡ. Hai người xoay tròn như đèn kéo quân..
Đôi bên đánh nhau từ giờ tỵ đến chính ngọ, thì quân Hán bắt đầu núng thế. Chẳng hiểu vì sao, một bộ phận bỗng đuối sức, bụng đau quằn quại. Cánh tay đưa chậm một chút là mất mạng ngay, quân Hán gục ngã hàng loạt, hở ra khoảng trống mênh mông giữa lòng tuyến. Quân Việt như được tăng đôi sức mạnh, đánh hay lên trông thấy, ép đối phương đến nghẹt thở. Lê Khắc Chinh bụng dạ hoang mang, trúng ngay một đao, cầu vai bọc sắt giúp khỏi rụng cánh tay nhưng tinh thần chấn động ghê gớm. Cây kích của Tư Mã Tuân văng xa năm trượng, đầu hắn lăn lông lốc dưới chân. Điển Hắc Lang luống cuống bị Hoàng Hải Bình đâm thủng bụng. Hà Phủ Giang đuối sức chực chạy. Còn mỗi Lưu Hạnh vẫn cầm đồng với Đinh Công Trứ.
Nhưng lúc đấy, năm gã kỵ binh cấp thấp, không hiểu tự bao giờ đã tiến sát đến chỗ Dương nguyên soái. Các cận vệ vừa nhận ra thì dây cung bật, một người trúng tên ngã nhào. Người bên cạnh nhanh tay dùng sống dao gạt phăng một mũi tên khác nhắm vào Nguyên soái. Năm gã kỵ binh nhất tề xông lên. Một gã bổ trượng xuống đầu người cận vệ vừa gạt mũi tên làm anh này vung đan đỡ. Sau tiếng “xoảng”, người cận vệ bị toạc hổ khẩu. Hai người còn lại định tiếp cứu đồng đội thì một gã dùng quỷ đao, một gã dùng giáo ba mũi, một gã dùng búa tầm sét lập tức vây kín lấy họ. Gã sử trượng thừa thắng tấn công ào ạt. Dương Nguyên Soái phân vân nhìn các thuộc hạ trung thành đang xả thân bảo vệ mình, một người bỏ mạng, ba người còn lại chỉ đủ sức cầm cự. Bản thân ông, cử động đã rất khó khăn, đừng nói là phải cầm thanh kiếm. Nhưng dù quý tính mạng đến đâu thì ông cũng không muốn bỏ chạy. Hơn nữa phía đối phương còn một tên nữa vẫn đứng ngoài cuộc chiến. Tay hắn cầm cung, bao đựng vũ khí bên yên ngựa có hình thù kỳ lạ. Ông từng thấy hắn bên bờ sông Cát Tiên.
- Không lẽ nào hắn chính là Hoả Thiên ưng.
Một người cận vệ vừa bị chém trúng. Bị những cái răng cưa trên lưỡi thanh quỷ đao xé toạc mạng sườn, anh lấy hết sức bình sinh chém trả hai đao khiến gã kia sợ hãi lùi tránh rồi hét to:
- Nguyên soái chạy đi. Chúng tôi sẽ cản đường.
Cả ba người cận vệ tung toàn lực vào những đòn đao liều mạng. Dương nguyên soái giật dây cương ngựa, miệng lẩm bẩm:
- Vì đại nghiệp.
Do quân của Nghĩa Đoàn sợ kẻ địch gây tổn thương Nguyên soái nên cố tình đánh rộng ra. Lúc họ tiến lên dồn ép đối thủ là lúc quanh họ Dương chỉ còn bốn cận vệ và một khoảng ngổn ngang xác chiến binh. Bọn Hoả Thiên ưng không muốn bỏ lỡ dịp may trời cho này chặn giữa Nguyên soái và Nghĩa Đoàn. Dương Đình Nghệ giục ngựa chạy, Hỏa Thiên ưng theo bén gót. Hai ngựa chạy song song, Hỏa Thiên ưng giương móng nhằm lưng vị nguyên soái, tay không tấc sắt mệt mỏi vì đau đớn mà bổ tới.
Gã kỵ binh cầm giáo ba mũi đâm tin cổ họng một cận vệ. Đồng bọn của hắn, gã cầm búa tầm sét bổ vỡ đôi đầu một cận vệ khác. Gã cầm trượng đã dừng tay và gã cầm quỷ đao cố chém nốt người còn lại. Đa số chiến binh Nghĩa Đoàn mải đánh nên không biết chuyện gì sảy ra, một số ít biết mà không thể làm gì vì chỉ sơ sảy là chính họ mất mạng. Song, từ bốn hướng, vẫn có người phát giác ra sự việc.
Dương Nguyên Soái chắc mẩm năm cái vuốt sắc chuẩn bị đâm vào lưng mình thì con ngựa vấp phải xác của quân Nam Hán chúi về phía trước. Ngựa của Hoả Thiên ưng phóng quá đà khiến đòn đánh của hắn trượt nhịp. Nguyên soái mừng rỡ quay ngựa sang hướng khác. Song Hoả Thiên ưng nào muốn buông tha. Với đôi chân khoẻ mạnh, hắn thúc ngựa một loáng đã theo kịp Nguyên soái.
Người cận vệ cuối cùng buông rơi vũ khí, trừng mắt nhìn thanh quỷ đầu đao sắp đoạt mạng mình thì....
Hai ánh sao băng xẹt qua.
Con ngựa của Hoả Thiên ưng hộc lên, hất hắn ngã lăn quay.
Lưỡi quỷ đao bật ngược trở lại làm chủ nhân suýt ngã ngựa.
Những vị cứu tinh đã đến.
Hoả Thiên ưng đứng được dậy thì con ngựa của hắn đã chết bởi ngọn Ngũ Hoa Thương cắm trên thân. Võ Thiên Nam nhảy vèo xuống ngựa, rút kiếm chỉ vào mặt Hoả Thiên ưng nói :
- Quá tam ba bận, phen này ta không để ngươi chạy đâu.
- Được lắm. Ta cũng đang muốn tìm ngươi tính nợ đây. 
Bốn con chiến mã đón đầu bốn gã kỵ binh. Bốn anh em Ngô Quyền đã có mặt. Gã cầm đao Huyết Quỷ tức tối tấn công Dương Thạch vì chàng mới cứu người. Thấy Tiểu Nhi sử gậy, Dị Hành Giả nghĩ đã tìm ra đối thủ thích hợp, cầm trượng đánh luôn. Phong Kỳ đã nhẵn mặt Ngô Quyền, biết ngoài hắn ra, ba tên kia đều không phải là đối thủ của chàng, bèn tung một đòn đoạt mạng từ ngọn giáo ba lưỡi. Kim Quyết cười khảy trong bụng, hắn cho rằng mình may mắn nhất với gã đối thủ mặt búng ra sữa.
Có điều Dương Vân không nghĩ vậy. Chàng vừa thắng Sơn Hùng nên ngọn búa kia hoá tầm thường. Chàng tránh khỏi một búa, lập tức xuất chiêu “Rắn chuyển mình”. Bởi đánh trên lưng ngựa nên Dương Vân chỉ uốn thân trên. Dử cho đối thủ giơ búa đỡ, chàng lật ngược cổ tay chém phăng đầu hắn. Kim Quyết chết khi chưa kịp chém nhát búa thứ hai.
Dương Thạch cũng dùng chiêu “R ắn chuyển mình” nhưng ở trình độ cao hơn nhiều. Chàng cố tình đẩy mình vào thế khó trước khi đâm kiếm tự vệ. Huyết Quỷ tưởng sẽ kết liễu đời chàng sau khi gạt thanh kiếm ra. Dĩ nhiên là hắn gạt trượt, Dương Thạch chỉ lắc cổ tay. Lưỡi kiếm như con độc xà uốn éo, đâm vào tim Huyết Quỷ, gần như một lúc với cú chém của Dương Vân.
Ngô Quyền hiểu rất rõ sự kỳ ảo trong cách đánh giáo của Phong Kỳ. Do đó chàng chủ động khoá tay hắn. Đòn đoạt mạng của Phong Kỳ tung chưa hết tầm thì bị Ngô Quyền dùng sống đao đè xuống. Hắn dịch mũi giáo đến đâu thì cây cương đao ép đến đấy. Chốc lát hai con ngươi bị kéo lại gần nhau Chỉ chờ có thế,  Ngô Quyền hét tiếng trợ oai, chém không cần đà. Mạnh mẽ thay thần lực của Ngô phó soái, lưỡi đao tiện ngọt phần eo lưng đối thủ. Hồn Phong Kỳ bay xuống tuyền đài cùng Huyết Quỷ và Kim Quyết cho có bạn.
So với anh em, Tiểu Nhi chiến đấu kém hiệu quả hơn hẳn. Cây gậy gỗ của chàng không phải thứ binh khí tối ưu trong chiến đấu. Hôm nay, nó oằn lên oằn xuống trước cây thiết trượng của Dị Hành Giả. Chàng đành bảo anh em chạy đến hộ giá trước, giải quyết xong chàng sẽ đến ngay. Biết tính chàng, họ giục ngựa phi tới chỗ Dương Nguyên Soái.
Ông đang nằm lả trên mình ngựa, hơi thở ngắt quãng. Dương Thạch vội vã bắt mạch. Mạch hơi yếu nhưng không đáng lo, tình trạng hiện tại chỉ vì bị động vết thương cũ. Họ đỡ Nguyên soái xuống ngựa, thì thầm báo cho ông biết quân Việt đang thắng to, phía Nam Hán lũ lượt bỏ chạy. Trận chiến lớn sắp đến hồi kết thúc với toàn thắng về ta. Cả trận chiến nhỏ giữa cặp oan gia Võ Thiên Nam và Hoả Thiên ưng cũng vậy. Họ Võ đã vạch thêm một vết trên má của con ưng lửa, vừa cân với vết thương cũ cũng từ tay ông. Hoả Thiên ưng bị làm nhục tức sùi bọt mép, vung vuốt bổ bừa. Thiên Nam nhẹ nhàng tránh khỏi, đưa nhát kiếm cuối cùng kết thúc cuộc đời gã tay sai tàn bạo.
Phó soái Lê Lãm phi ngựa tới báo Lê Khắc Chinh đã dẫn quân chạy về Đan Hồng, sáu vạn tinh binh giờ còn có mười lăm ngàn. Nguyên nhân thắng trận là hầu hết đám quân Nam Hán đóng trại ở Đan Hồng dùng thức ăn có độc. Khi chất độc phát tác, chúng không đánh mà tự gục kéo theo sự sụp đổ dây chuyền trong toàn quân. Với cái chết của Hỏa Thiên ưng và ba đội trưởng, Ngân Vệ coi như bị xoá sổ. Kim Vệ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngoài ra, trong các thượng tướng của địch, riêng mình Lưu Hạnh chạy thoát.
- Tình hình quân ta ra sao? Nguyên soái hỏi.
- Chết hơn vạn, phần lớn là quân tứ xứ. Riêng trong Nghĩa Đoàn số tử sĩ là ba nghìn, trong đó có hai trăm nữ binh, mười ba đội trưởng và một Tổng đội trưởng hy sinh.
- Ai vậy?
- Phùng Hợp, Tổng đội hậu quân. Ông ấy đã chiến đấu rất anh dũng, nhưng do con ngựa bị quáng mắt sa chân lúc đuổi theo Lê Khắc Chinh, nên bị hắn giết chết.
Dương Nguyên Soái thở dài, nói:
- Đáng tiếc. Nhờ Phó soái truyền lệnh xuống anh em là hẵng đến Đan Hồng trước. Ngày mai đánh Đại La.
Trấn Đan Hồng và vùng phụ cận đã rơi vào tay cha con Nguyễn Thuận. Đôi bên đụng độ toé lửa ở Đào Phúc, Lê Khắc Chinh ước chừng khó thắng nên không tham đánh mà chỉ cướp đường để chạy. Nguyễn Thuận cũng thu binh đón tiếp Nghĩa Đoàn.
Về cách Đại La mười dặm, quân Hán đương mệt mỏi lại gặp mai phục. Quân Hồng Châu khí thịnh, ào ra chém giết. Tướng Hán sợ hãi ôm đầu, quân Hán chống cự trong hoảng loạn. Đánh nhau đến giờ Dậu thì tan. Lê Khắc Chinh thoát chết về thành với vài nghìn tàn binh. Đỗ Mai Sơn thấy trời đã tối bèn ra lệnh hạ trại.
...................
Tối mồng tám tháng hai.
Dù còn đau, Dương nguyên soái vẫn triệu tập các tướng đến bàn bạc chiến lược. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Nguyên soái nói:
- Tuy ta vừa thắng 1 trận rất lớn nhưng chưa đủ làm giặc kiệt quệ hoàn toàn. Thành Đại La tường cao hào sâu, lưng giáp Nhị Hà, thế nghìn năm vững chắc. Trong thành vẫn còn ngót nghét vạn rưởi binh. Xem ra cần phải tìm ra kế sách chu toàn mới mong phá nổi. Theo thám báo thì trước Tết, Lý Tiến đã cho tích luỹ rất nhiều lương thảo phòng tình thế bị vây hãm trong nhiều tháng. Hơn thế, Lưu Cung vừa hạ chỉ chinh tây, phong Hàn Bích Liễu làm Nguyên Soái, thống lĩnh 15 vạn binh đi đường bộ. Phong Trần Bảo làm Phó Nguyên soái, mang 5 vạn binh tiến theo đường thuỷ. Chúng đang rục rịch khởi hành và chỉ ngày mốt ngày hai sẽ vượt qua biên giới. Vì lẽ đó, một mặt ta thuyết phục nghĩa quân Phong Châu trấn giữ những nơi hiểm yếu, đảm bảo cầm chân giặc càng lâu càng tốt. Mặt khác, ta phải nhanh chóng phá thành Đại La, trừ mối lo trong bụng trước để rảnh tay chống giặc ngoài. Sứ giả Phong Châu vừa đến Đan Hồng chiều nay, họ yêu cầu tăng viện cho lực lượng vốn dĩ khá mỏng của họ. -
- Hàn Bích Liễu là danh tướng bên Trung Hoa, cùng Tử Xa Đoàn, vừa đánh bại cuộc xâm lược của ba bốn chục vạn quân Đường, tiếng tăm lừng lẫy. Nay Lưu Cung bỏ vị trí trấn thủ quan trọng phía bắc để đánh nước Việt ta chứng tỏ chúng cố giữ quyền cai trị bằng mọi giá. Nhưng quân Hán chinh chiến liên miên, lại vượt quãng đường xa tất hao tâm tổn sức. Nghĩa binh Phong Châu sẵn có một vạn, nay ta chi viện thêm năm sáu ngàn nữa, cùng nhau dựa vào địa thế hiểm trở mà ngăn bước quân thù.
- Ta cần có một người đủ sức gánh trọng trách này.
Từ trong hàng, một vị đại tướng đầy mình uy vũ bước lên:
- Tôi xin nhận. Nhưng thế giặc chỉ có thể cản trong một thời gian, xin Nguyên soái cho đặt ra hạn định rõ ràng.
- Võ phó soái đảm nhận là ta rất yên tâm. Phó soái tuỳ ý chọn quân tướng, mai sẽ lên đường. Cứu binh như cứu hỏa, ta ước đoán chừng ba ngày, tức là chậm nhất sáng ngày mười hai, Tử Xa Đoàn sẽ đến nơi. Chắc chắn chúng sẽ dùng chước biển người như Lê Khắc Chinh tám năm trước. Phó soái nên dùng nhu chế cương, đảm bảo giữ đất trong vòng năm ngày. Đến sáng ngày mười bảy hãy thả cho chúng vào, từ đó triển khai kế sách chặn trước đánh sau để giành thắng lợi sau cùng.
- Tôi xin phép về trước để thu xếp.
Nguyên soái tán đồng rồi quay sang các tướng :
- Các vị đã nghe ta giao hẹn với Võ phó soái. Ông ấy sẽ giữ lời hứa. Chúng ta biết điều đó. Và đáp lại bằng việc hạ thành Đại La với tối đa là tám ngày. Rất khó nhưng có khả năng. Các vị hãy nghĩ xem ta nên làm như thế nào?
Phó soái Đinh Công Trứ hiến kế :
- Gần bảy mươi năm trước, tướng nhà Đường là Cao Biền làm Tiết độ sứ. Hắn sai đắp lại thành Đại La nhằm củng cố căn cứ thống trị. Từ đấy đến nay, đất đắp thành đã đạt độ rắn chắc nhất mà chưa hề cũ đi. Không vượt được tường thành vì Lê Khắc Chinh sẽ cắm đầy chông gai lên đó. Bởi vậy, đường duy nhất để vào thành là qua cổng chính. Theo tôi, điều tiên quyết phải mở được cánh cổng chính.
- Bằng cách nào? L ê Lãm băn khoăn.
- Bằng dải đê ngăn nước sông Nhị và sông Tô. Đinh Công Trứ đáp. Về việc này, lão tướng Nguyễn Thuận thông thạo hơn ai hết.
- Xin mời Nguyễn lão tướng quân. D ương Nguyên Soái nói.
Nguyễn Thuận dù tuổi đã cao nhưng trông vẫn rất tráng kiện.   
- Tôi từng có sáu năm chỉ huy đội phòng vệ Đại La nên nắm tường tận từng chỗ cao thấp của tường thành. Đúng như Đinh tướng quân đã nói. Tường thành Đại La hiện nay đủ đứng vững trước bất kể hình thức tấn công nào. Riêng góc tây nam có chỗ sạt lở, theo tôi được biết thì quân giặc vẫn cho đắp lại. Ta chỉ cần vượt con đê cao hơn một trượng là có thể vào được thành. Tôi đã già, không còn đủ sức nữa. Tuy nhiên, thằng cháu đích tôn Nguyễn Thắng sẽ thay tôi dẫn đường. Nó thuộc nằm lòng chỗ đó.
- Được vậy thì rất tốt. Nguyên soái mừng rỡ. Chúng ta sẽ liên tục công thành, cốt sao cho Lê Khắc Chinh và đám thuộc hạ của hắn luôn lo lắng tìm cách chống đỡ suốt ngày lẫn đêm. Trong lúc đó, sẽ lập một đội gồm năm mươi chiến binh sẽ theo Nguyễn Thắng bí mật nhập thành, mở cổng dẫn đại quân vào.
Các tướng xúm lại bàn bạc rất lâu để cụ thể cái kế hoạch mà Nguyên soái vừa vạch ra. Cuối cùng, tất cả đều hài lòng và thống nhất trong từng chi tiết nhỏ. Nguyên Soái chợt nói :
- Hôm nay chúng ta đã mất cả vạn binh. Nhưng số thương vong có thể còn tăng gấp nhiều lần nếu như quân Hán không bị chất độc phát tác. Đó là chiến công lớn của du kích Đan Hồng. Ta nghĩ các tướng cũng muốn gặp người thủ lĩnh của họ. Tại sao Ngô phó soái không mời ông ta đến dự họp nhỉ?
- Tôi đã mời rồi, nhưng ông ta còn bận tiếp khách phương xa nên cáo lỗi không đến được. Xin Nguyên soái và mọi người lượng thứ.
..................
- Cháu không cần nghĩ ngợi nhiều mệt đầu. Chú cam đoan Dương nguyên soái và các tướng sẽ bỏ quá cho chú vì không đến được. Ông chủ hiệu buôn Trung Nghĩa nói oang oang trên lầu Tây. Tối nay mối quan tâm duy nhất của chú là tiếp đãi thằng cháu yêu và mấy anh em kết nghĩa của nó. Nói thật lòng, chú không thích cái không khí căng thẳng của các bữa họp. Mà thiếu chú, các vị ấy vẫn thoải mái như thường.   
Dương Thạch mỉm cười. Ban chiều chàng dẫn mấy anh em đến nhà ông chú chơi để rồi một mực bị giữ lại ăn cơm :
- Phép tắc nào chả có chỗ du di. Mấy đứa trốn cùng đội một bữa ăn cũng chẳng chết được.
Ngoài Ngô Quyền bận nên ăn qua quýt cho xong, ba người còn lại bị cuốn vào những câu chuyện cà kê của chủ nhà. Từ đầu đến cuối bữa, ông chẳng nghỉ nói lúc nào, như cái cớ biện minh là bù cho sáu năm trời chiến đấu trong im lặng. D ương Thạch muốn phì cười. Nhưng kể ra, Đặng Tín cũng chịu lắm thiệt thòi, thậm chí vài lần bị vợ doạ bỏ, trong sáu năm gây dựng ở trấn này. Trồng cây đã đến ngày hái quả, mẻ thu hoạch lớn nhất đến vào đêm hôm qua, khi họ bỏ lượng thuốc độc lớn vào chỗ lương thực dành cho bữa sáng của một vạn rưởi quân Hán đóng tại Đan Hồng, tài tình hết mức. Quân Hán hoàn toàn chẳng cảm nhận nổi và chất độc khéo chọn thời điểm phát tác. Đặng Tín kể sơ sơ cho qua chuyện rồi hỏi han mấy vị khách đủ thứ. Rõ ràng ông khoái chí với cả bốn người. Dương Thạch không tính vì là thằng cháu yêu quý. Ngô Quyền không tính vì họ từng liên lạc nhiều lần và từng đối ẩm một trận bét nhè. Tiểu Nhi không tính vì anh chàng này cũng béo như ông và nói năng lắm lúc cũng văng mạng như ông. Dương Vân càng không tính vì là cậu bé dễ thương và vì tình cảm thường nảy sinh rất tự nhiên.
Dương Vân hỏi Đặng Tín cặn kẽ về lĩnh vực buôn bán sở trường của ông. Bởi chàng cũng là con nhà nòi. Tiểu Nhi thích lầu Tây ra mặt và cùng Đặng Tín mải miết tranh luận lĩnh vực ca hát, niềm đam mê chung của hai người. Còn Dương Thạch hỏi thăm về cha mẹ. Chàng lo lắng khi được cho biết ông bà Đặng Trí đang ở trong thành Đại La.
- Sau vụ đầu độc hôm nay. Lê Khắc Chinh kiểu gì chẳng suy ra chú. Hắn sẽ lùng bắt vợ chồng anh cả. Nhưng cháu yên tâm, họ đã ẩn mình từ hồi tháng riêng. Hắn có tài thánh cũng không tìm thấy. Người của ta trong thành hành xử cực kỳ kín đáo. Chú dám chắc chính họ sẽ quyết định chiến thắng trong trận tới...
Cứ thế họ nói chuyện đến khuya. Đặng Tín định lưu khách ngủ lại thì bị từ chối thẳng thừng. Ba anh em không muốn phá hết giới hạn quân luật. Họ quay lại đội ngũ. Lúc chia tay nhau về trại thì Văn Huyên của đội Bạch Hổ đi đến:
- Ba anh chắc chưa biết tin sáu nghìn quân, gồm Thanh Long và Bạch Hổ, sáng mai theo Phó soái Võ Thiên Nam lên Phong Châu đón đầu viện binh của giặc, nghe đâu là Tử Xa Đoàn.
Anh em bối rối nhìn nhau khi Văn Huyên đi khuất. Họ rất muốn sát cánh bên nhau trong những trận chiến khốc liệt nhất thì đùng một cái. Tiểu Nhi ở lại Giao Châu còn Dương Vân, Dương Thạch lên Phong Châu cản bước đoàn quân tàn bạo lừng danh từ phương Bắc cho chí nước Nam. Quân lệnh như sơn. Họ thở dài, chào tạm biệt trước cuộc chia tay sinh tử. Tiểu Nhi rẽ trái, hai chàng họ Dương rẽ phải. Đi dăm bước, đôi bên cùng dừng, quay đầu nhìn nhau. Tiểu Nhi nói :
- Đừng quên là hai đứa chưa đến nhà anh chơi đâu nhé.
Thế thôi, ai đi đường nấy. Lòng người chìm trong đêm yên tĩnh.


Ngày mồng chín tháng hai.
Võ Thiên Nam dẫn đầu sáu nghìn quân đi Phong Châu.
Việt Nghĩa Đoàn tiến đến chân thành Đại La hạ trại.
Hai phía đông tây có quân Hồng Châu, Giao Châu chờ sẵn.

<< CHƯƠNG 27 | CHƯƠNG 29 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 629

Return to top