Khu vực này hưởng lợi từ hai con sông lớn, phải là sông Đăng, trái là sông Để theo hướng Đan Hồng đi Lý Nhân. Cận giang, cận cả đường cái quan nên dân cư trong vùng hết sức đông đúc, phải nói là có dãy liên hoàn các làng quanh hai con dốc liền kề. Phía sông Đăng có làng Mẫu, làng Đình, làng Phụ, làng Mọc, làng Phương, làng Phùng, làng Tại, làng Tân, làng Văn và làng Phúc. Phía sông Để có làng Tiên, làng Hậu, làng Tổ, làng ẩn, làng Phong, làng Phú, làng Nhờ, làng Chùa, làng Võ và làng Lộc. Từ lâu nay, vùng đệm này luôn nằm trong cuộc giành giật dữ dội. Trên danh nghĩa thì binh lính Nam Hán nắm quyền kiểm soát còn thực tế thì chia đôi. Cơ bản thuộc về Ngân Vệ đội và cơ sở là của quân khởi nghĩa. Bọn Ngân Vệ có ngang ngược đến đâu cũng phải dè chừng khi đến những ngóc ngách thôn xóm. Đôi cánh tay nối dài của Lê Khắc Chinh khác nhau chính ở điểm này. Kim Vệ thường xuyên mặc đồng phục màu vàng, hoạt động công khai sẵn sàng mở những đợt càn quét lớn vào những nơi đáng nghi hoặc tưởng như là đáng nghi. Còn Ngân Vệ không dám mơ đến cái quyền đó, bộ đồng phục màu trắng chỉ được chúng mặc trong đồn thường trú hay những lúc đón đại tướng quân qua thăm. Do phạm vi hoạt động quá rộng nên các tên đội viên khôn ngoan phải mặc thường phục, đi đứng nhìn trước ngó sau, hành tung mang nặng tính bí mật. Nghe có vẻ hơi bạc nhược nhưng là điều tối cần trong hoàn cảnh đối thủ của chúng ngày càng trở nên khôn ngoan và ghê gớm. Nên dù biết gã nghi phạm Ngô Lâm vào trong làng Mọc mà chưa thấy ra, bọn chúng cũng không dám làm mạnh, chỉ ngấm ngầm dò xét tính bài bắt gọn. Dĩ nhiên là chúng mất công vô ích.
Mỗi bí mật đều được che bởi một bức vách. Mà bức vách gia đình họ Nguyễn xây lên đặc biệt chắc chắn. Làm quan vài năm dưới thời Tiết độ sứ Khúc Hạo, cụ Nguyễn Thuận cáo lão về làng. Mảnh đất của gia đình đã khá rộng, cụ mua thêm của mấy người hàng xóm rồi cùng họ hàng và hai con trai bắt tay xây dựng bốn ngôi nhà như thường thấy trong vùng, tức là có những gian nhà tường cao, cái sân gạch, cái bếp mái rạ, mảnh vườn rộng, cái ao sâu nằm quây liền nhau hơn bù kém thành hình vòng cung, chém cạnh bằng hàng rào, giữ lại khoang đất ở giữa. Kể cả bà con trong làng cũng chỉ vài người tin cẩn biết cụ Thuận xây căn nhà ẩn giữa cái hình vòng cung đó. Họ không biết đằng sau cái hàng rào cao quá đầu người, mây ken dầy đặc, cụ cho trồng ba hàng cây, hàng cây lấy bóng mát và hai hàng cây ăn quả xen kẽ đến một hàng rào nữa cũng quấn đầy mây song song với hàng rào bên ngoài nhằm mục đích bịt hoàn toàn những con mắt tò mò của bọn trẻ chăn trâu và người lạ. Hai bên là nhà vợ chồng ông cháu họ của cụ và gia đình ông ảnh, bạn thân của ông Thao. Những nhà này có vườn trùm ra ngoài khá nhiều, rào bao không vuông, đường vào dích dắc dễ đánh lừa cảm giác về khoảng cách. Hai ngôi nhà ở giữa, gần thẳng góc với hai ngôi nhà nói trên, có vườn thụt hẳn ra sau. Cái to hẳn đến tám gian của đại gia đình cụ Thuận, cái nhỏ hơn ngày trước để trống, vài năm gần đây cho người họ hàng xa về ở. Bọc bởi những mảnh hàng rào mây bao tứ phía, ngôi nhà lọt bên trong tồn tại bí mật. Cụ Thuận khoái làm hàng rào nên cả bốn ngôi nhà chi chít những rào là rào, khiến người trong nhà cố phải thuộc lối và người ngoài ngõ khó vào. Thêm sở thích nữa của tuổi già là cụ nuôi lũ chó lâu nhâu rất ưa sủa và vài con còn biết cắn. Ngày cụ phác ra kế hoạch xây lên cái người ta gọi là căn cứ bí mật dân dã này, những người có liên quan mặc dù rất kính trọng cụ cũng vẫn mất mấy đêm suy nghĩ, cãi vã, cản ngăn rồi mới thuận theo.
Phải lo việc gần mới tránh được họa xa, cụ bảo, tôi làm cái nhà này chỉ mong đời ta, đời con cháu ta không sử dụng hết những tác dụng của nó. Nhưng mong ước đó xa vời lắm. Bọn phương Bắc như lũ hổ đói lẽ nào không nhe nanh múa vuốt chực tấn công.
Ngày xưa cụ từng là tướng nên nhất nhất điều phối mọi chuyện êm ru. Sáu năm nước nhà rơi vào tay giặc là sáu năm ngôi nhà này thành địa điểm giấu người mài kiếm lập mưu bày kế, lúc che lúc chống, hữu dụng vô song. Cái hay nhất của hệ thống rào của cụ là sự bố trí lặp ảo khiến người ngoài quan sát những tưởng rào tuy kín nhưng chỉ đơn manh, vườn tuy rộng lại rất thưa cây. Nếu đứng ngoài nhìn thấy gian nhà ở giữa, một trăm người sẽ có hơn chín mươi chín người nghĩ đấy là bếp của nhà cụ Thuận. Hoạ hoằn lắm nếu ai đó vào vườn quan sát thế nào cũng nghĩ sau hàng rào là bãi cỏ hoặc đất vườn nhà bên cạnh. Các bác Ngân Vệ cứ gọi là tìm đến nhức mắt, nghĩ đến đau đầu mà những sợi chỉ vẫn tuột khỏi tay.
Bình minh chưa ló rạng, trước khi con gà chăm chỉ nhất làng Mọc thức dậy, Ngô Lâm và Dương Vân đã thu dọn xong xuôi. Tối qua, nhà họ Nguyễn cứ nằng nặc lưu hai người lưu lại chờ trời quang mây tạnh rồi hẵng đi nhưng Ngô Lâm từ chối vì phải về gấp.
Buổi trưa trên cung đường Nam Phúc, đội trưởng đội 6 Văn sáu ngón đã buộc ngựa dưới gốc cây hơn nửa canh giờ. Con đường vắng rung lên đều đặn, tiếng vó ngựa mài lên mặt đường pha cát đưa tới mỗi lúc một gần hơn. Văn đội trưởng vẫn bất động. Khi con bạch mã bị ghì cương trước mặt, hắn không thèm mở mắt :
- Chào Hắc Nguyệt đội trưởng.
- Chào Văn đội trưởng.
Từ trên lưng con bạch mã, lực lưỡng nhảy xuống một gã bán khổng lồ cao chạm mái nhà, chân ngang gốc mít, tay tựa thân xoan, cơ thể to ngổn ngang toàn lông lá cơ gân. Tên thật của hắn ta là Đại Cực Quang nhưng người ta thường gọi trưởng đội 13 Ngân Vệ là Hắc Nguyệt. H ắc rõ ràng là chỉ tâm còn Nguyệt có thể dính dáng đến phong nguyệt. Có giả thiết khác cho rằng Hắc Nguyệt là tên thanh bảo kiếm hắn luôn kè kè bên mình, lấy tên kiếm gắn vào tên người bởi nó là đồ ăn cắp, thậm chí với kẻ bạo miệng thì hắn đã giết sư phụ mình để có được. Không có lửa làm sao có khói. Song ai hiểu rõ về Cực Quang sẽ đều ngả theo vế thứ nhất. Chẳng rõ có nghe được những lời sầm sì sau lưng không, chỉ biết hắn vênh vang tợn với cái biệt danh nghe rất kêu này. Và đừng ai thấy lạ khi Văn sáu ngón chào đón kẻ đồng cấp theo cách vừa rồi. Hầu hết nhân vật Ngân Vệ đội đều coi thường, nếu không nói là khinh bỉ hắn. Vì sao ư? Bởi đơn giản là những điều tưởng thật to tát mà đội trưởng đội 13 thể hiện ra ngoài thì bên trong đều trống rỗng hay bé tin hin, trừ sức mạnh. Kể ra tạo hoá hiếm khi đạt tới sự tương phản mạnh mẽ đến thế. Thật khó hình dung nổi lại có kẻ mình rộng mà lòng hẹp, cử chỉ hùng dũng cùng giọng nói eo éo như mèo cái mất chồng, những lời thẳng thắn cảm khái đi đôi với sự nịnh bợ, nhũn trước kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, kèm theo tính háo sắc, bần tiện và vị kỷ. Nhưng nếu bảo Tiết độ sứ, Lê đại tướng và Hỏa Thiên ưng toàn là phường ưa nịnh thì nhầm to. Ông trời là đấng anh minh, sau khi trót tạo ra những khiếm khuyết trong tâm hồn, người bù đắp cho Đại Cực Quang sức mạnh của thể xác vầ tốc độ trong hành động. Tóm lại là biến hắn thành cái chày giã bẹp những sự phản kháng, đặt hắn vào một vị thế đảm bảo thỏa mãn được những phút yếu lòng. Đáng khinh vẫn là đáng khinh dù thực tế cuộc sống luôn phải chấp nhận.
Văn sáu ngón rất khó chịu khi kẻ nhỏ mọn này mò ra từ ái Chấu xen vào chuyện của hắn. Dù vậy thì hắn vẫn giả lả:
- Lâu lắm mới gặp. Trong kia thế nào rồi ông bạn?
- Thật quá tốt.
- Nghe nói ông làm việc nhanh và rất có trách nhiệm.
- Tính tôi quen một phát xong ngay, đã có việc là phải giải quyết hết. Nhiều người kêu khó nhưng với tôi thì rất dễ. Chỉ cần anh minh hơn người là xong hết. Ông thấy phải không?
- Phải. Thật sự tôi nể các ông vì vùng đó lộn nhộn phải biết. à, ông có hay vụ Tiên Lộc?
- ừ,.. ừ. Tôi phụ trách cùng với đội 14. Cũng tại thằng Cẩm Miêu ngu độn, tôi đã bảo nó bao nhiêu lần. Đã thế nó còn bảo tôi thế này thế nọ với thủ lĩnh. Tôi nói một là một, có bao giờ quanh co đâu. Tôi chẳng thèm chấp cái đồ tiểu nhân chỉ nói thẳng vào mặt nó là anh em sống với nhau cho có tình có nghĩa. Làm người, ai chả mắc lỗi.
- Chắc các ông cũng giải quyết xong hậu quả vụ tấn công rồi?
- Trông chờ Cẩm Miêu chỉ phí công nên tôi tự mình làm hết, còn một ít. Chính vì thế nên tôi chưa muốn theo thủ lĩnh về kinh lần này, nhưng thủ lĩnh bảo Tiết độ sứ đòi gặp tôi. Nói chung ngài rất hài lòng, tôi bảo còn nhờ công sức của anh em. Có thể sắp tới Tiết độ sứ sẽ đặt mỗi địa bàn đưới tay một người quản lý chung.
- Tiết Độ Sứ nói thế thật sao?
- Không, là tôi đoán ý ngài. Tôi nghĩ là việc cần thiết.
- Ông vội vàng làm gì với việc của người trên? Tôi nghĩ kẻ dưới chúng ta nên cố làm tốt nhiệm vụ của mình trước đã.
- ấy chết, ông đừng hiểu lầm tôi muốn ngồi cao. Các vị ở trên sẽ có lựa chọn xứng đáng. Lẽ ra tôi đã về tới Mãn Phong rồi, có điều thủ lĩnh muốn giữ tôi lại đây để hỗ trợ cho các ông. Bạn bè có bổn phận giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
Ai thèm bạn bè với mi, Văn sáu ngón nghĩ thầm.
- Vậy xin cho biết cao kiến của ông?
- Ông đừng giận nhé.
- Cứ nói đi.
- Theo ý của tôi thì hắn không đi đường này đâu, ông đã phí quân cho việc chặn ở hai đầu và phí công chờ đợi. Nếu khôn ngoan hắn sẽ chuồn sang bên kia quan lộ. Bên đó nhằng nhịt đường ngang ngõ tắt, tôi nắm rất rõ, từ làng Lộc có ít nhất hai con đường vòng tránh dốc Cạm. Sang bên ấy, có trời ngăn cản được hắn.
- Đâu có dễ, binh lính bên kia nhiều kém gì trên cá sông Để. Nhất cử nhất động đều đã được kiểm soát hoàn toàn.
- Tôi nói cho ông nghe. Hắn chỉ sợ chúng ta thôi chứ bọn lính quèn hắn coi vào đâu. Có thủ lĩnh, tôi và ông tập trung bên này, hắn không chuồn vội thì tôi bé lại bằng con kiến.
Văn đội trưởng gãi gãi ngón tay chẽ thừa, ra chiều suy nghĩ làm Cực Quang đắc ý tợn.
- Tôi nên nghĩ ra điều này sớm hơn, hy vọng hắn chưa đi xa.
- An tâm, hắn sẽ không thoát khỏi tay tôi, à.. tôi và ông đâu, giọng Cưc Quang hiu hiu.
Văn sáu ngón bỏ qua thái độ xấc xược đó, nói:
- Chờ thám báo đã.
- Dùng dằng lỡ mất cơ hội, tôi chẳng vướng víu để tôi đi trước.
- Ông không đợi lệnh thủ lĩnh sao?
- Tôi đề đạt với thủ lĩnh rồi và ngài tán thành ngay. Ngài đang trên đường sang làng Lộc.
Cặp mắt Cực Quang mờ đi trong vênh váo nên không nhìn thấy sự căm ghét nổi trên mặt Văn sáu ngón. Thằng khốn này luôn miệng ton hót định cướp công.
- Phiền ông đi trước hầu hạ thủ lĩnh, xong việc tôi sẽ sang ngay.
- Chuyện vặt, tôi đi đây. Ông cố sang nhanh để kịp chứng kiến tôi bẻ nanh con rắn độc.
Dứt lời, Đại Cực Quang nhảy phắt lên mình ngựa, con bạnh mã hí vang lao đi. Văn sáu ngón nhổ toẹt bãi nước bọt vào chỗ gã Hắc Nguyệt đội trưởng vừa đứng, khốn thật bọn thuộc hạ mãi chưa về. Đủ thời gian tàn nén hương, ba tên đội viên đáng tin cậy nhất của đội 6 mới xuất hiện, chúng lập tức trở thành cái bị cho gã đội trưởng trút giận. Hắn phun như mưa những khẩu ngữ hay ho đặc trưng vào vẻ nín thít của đám thuộc hạ. Đánh trước hỏi sau, khoan khoái vì trút được vị khó tiêu trong bụng, Văn sáu ngón hất hàm hỏi:
- Bọn vô dụng chúng mày bẩm báo xem sao.
- Thưa... đội trưởng, t ên dũng cảm nhất lên tiếng. Bọn thuộc hạ đã rà rất kỹ các làng xung quanh mà chưa thấy.
- Bọn thuộc hạ đã chặn mọi các ngả ra sông Đăng.
- Còn bọn thuộc hạ dõi theo toàn tuyến Bắc Mẫu- Nam Phúc.
- Ăn hại cả đám, Văn sáu ngón gầm gừ, bọn mày ngu ngốc làm ầm ầm khác gì lùa nó sang bên kia để thằng cẩu Hắc Nguyệt ăn tranh mất. Cốc mò cò xơi. Thằng Bảo, mày chạy đi ra lệnh đám kia giữ nguyên vị trí, còn hai đứa theo tao.
Quá trưa trên cung đường Nam Phúc, nắng vẫn nguội như ban sáng nhưng lệnh cấm đã được bãi bỏ. Con đường ngập bởi dòng người. Lẫn trong đó, Ngô Lâm đang giải thích cho Dương Vân nghe:
- Quần thể những ngôi làng này được hình thành đã hơn hai trăm năm, từ thời Mai Hắc Đế. ít lâu sau khi chúng ta giành được độc lập, Dương Tu Húc nhà Đường mang mười vạn quân theo lộ trình ngày trước của Mã Viện chớp nhoáng tấn công vào đại bản doanh của Mai Hắc Đế. Bị bất ngờ nên Hắc Đế chống không nổi phải rút vào rừng cố thủ rồi bị bệnh mất ở đấy. Quân giặc sau đó đã tàn sát dân ta, thây chất thành gò. Một số những người sống sót chạy đến đây lập nên làng Phụ và làng Tổ. Nơi này đất đai phì nhiêu, địa thế thuận lợi cho nghiệp an cư. Trăm năm sau tiếp tục có một cuộc đổ bộ ồ ạt bởi loạn Nam Chiếu. Giặc Nam Chiếu hung hãn đánh đến phủ thành Giao Châu giết hơn mười lăm vạn người. Nặng lòng lá lành đùm lá rách, dân làm Tổ, làng Phụ mở rộng cửa, đón tiếp và giúp đỡ đồng bào gặp nạn. Dần dần các làng Mọc, Phúc, Mẫu, Tiên… được hình thành. Dân mỗi làng có sự phân hoá về tính cách và nghề nghiệp nhưng chung lại họ được lịch sử hun đúc nên sức phản kháng khôn ngoan và mãnh liệt. Âu cũng là lý do để Cao Biền từng đem bùa trấn đến đây, những đời thống trị sau này thường mềm mỏng nhằm mua chuộc lòng người. Bọn Ngân Vệ dù rất nghênh ngang, vẫn không dám làm mạnh, nếu chúng ta còn trụ trong làng thì bọn chúng còn không làm gì được. Ngày ấy, các làng thống nhất cùng nhau mở hai con đường Bắc Mẫu - Nam Phúc và Bắc Tiên - Nam Lộc nối hai dãy làng tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, một con đường xương sống rẽ nhiều nhánh vào các làng hay ra đường cái quan. Ta tình cờ lạc vào ngách đường nào đó rồi tình cờ nghe được cuộc đối thoại của hai nhân vật chủ yếu. Từ đó ta biết được ánh mắt họ tập trung vào đâu.
- Chuyện này làm cháu khó tin, tại sao bọn chúng dễ dàng nghe theo lời cái gã Hắc Nguyệt huyênh hoang bỉ lậu mà bỏ cả trận địa quan trọng chạy sang làng Lộc bắt bóng của chúng ta.
- Vì thế chúng ta vẫn đi đứng cẩn thận. Văn sáu ngón là kẻ xảo quyệt còn Hỏa Thiên ưng thì khỏi phải nói. Có thể bọn chúng lấy Hắc Nguyệt làm mồi nhử. Mà cháu có vẻ coi thường hắn?
- Không.. nhưng rõ ràng hắn quá ngu dốt. Nghe Văn sáu ngón nói mỉa mà cứ ngỡ là thật..
- Vì thế cháu cho rằng hắn dễ đối phó sao?
- Dạ...
- Đánh giá thấp đối thủ. Ngô Lâm lắc đầu, là điều tối kỵ trong mọi hoàn cảnh. Có thể cha mẹ Hắc Nguyệt chỉ tạo được cho hắn dáng dấp của thần hộ pháp và bụng dạ của con chuột chù. Có thể tất cả đội viên của Ngân Vệ đều ghét cái môi mỏng của hắn nhưng đám chủ trò đặt hắn vào vai đội trưởng, có nghĩa hắn là đại nhân trong đám tay sai đấy. Mà chúng ta sẽ còn phải gặp hắn nhiều nên cháu cần nhìn ra được những ưu điểm của hắn.
- Nom hắn tràn đầy sức lực. D ương Vân nói không chút đắn đo.
- Hắn tưởng hắn mạnh nhất trần đời. Ngã này vào làng Tân, chúng ta còn..
Ngô Lâm chưa kịp nói hết thì bỗng đằng trước có ông mặt béo vừa đi vừa càu nhàu rõ to cho mọi người nghe:
- Bà con cẩn thận! Phía trước có đàn ruồi lông trắng bu đầy, ai nhiều của cải xin cất ngay đi vì con ruồi to cầm đầu là con ma đói.
Nghe giọng ông ta rõ ràng vừa bị hoạnh hoẹ.
Ngày xưa có một đại điền chủ là dân làng Phúc, do mâu thuẫn với người trong làng nên bỏ ra ngoài, gây dựng được sản nghiệp cực lớn với bạt ngàn ruộng vườn nhà cửa, trâu bò lợn gà. Thừa thãi của cải, ông đánh cây cối từ khắp nơi về tạo nên một cánh rừng nhỏ, thả nhiều loại động vật nhỏ để thỉnh thoảng thỏa niềm vui săn bắn. Ông này sống đến ngoài tám mươi tuổi thì mất. Theo di chúc của chồng, ông này không có con cái, bà vợ trẻ đã hiến toàn bộ ruộng cho làng rồi bán sạch những tài sản còn lại về quê tận trong Hoan Châu sinh sống. Làng Phúc bỗng thành làng nhiều ruộng nhất trong vùng, nhiều người vô gia cư bỗng có chỗ nương thân, lập nên làng Thừa Phúc. Cánh rừng nhỏ của ông điền chủ quá cố bị bỏ hoang, người ta mở nột con đường trong chốn cây cối um tùm ấy nối hai nhánh của đường Nam Phúc, gọi là đường tránh ma. Làng Thừa Phúc chỉ tồn tại được hơn chục năm rồi tan nát khiến cho ngã ba Lâm Phúc một ngả vào làng Thừa Phúc, hai ngả rẽ ra Nam Phúc trở nên hoang vắng. Và theo truyền thống, đã rất nhiều cuộc phục kích được tiến hành ở đây. Hai khách bộ hành tiếp tục dấn bước với các giác quan được nhắc nhở liên tục.
Cạch.
Dương Vân nghe tiếng động sau lưng, cánh tay rất mạnh của Ngô Lâm kéo chàng hụp xuống.
Véo.. phập.
Hắc, hắc, hắc.
Ha ha ha ha.
Họ tự chui đầu vào thòng lọng, trên thân cây thông bên vệ đường ứa ra lớp nhựa đục, bởi con dao cắm lút cán. Quá nguy hiểm! Con dao phi ngang tầm cổ Ngô Lâm, nếu ông cúi xuống chỉ cúi không thì có lẽ Dương Phong sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy con trai nữa
Ngã rẽ sau lưng họ đã bịt bằng bốn gã đội viên.
Đường bên trái, vào làng Thừa Phúc đã bỏ hoang, kẻ vừa phi dao đứng gãi gãi ngón tay chẽ thừa ra cạnh ngón cái.
Con đường trước mặt, ngồi ở đó từ bao giờ cái bóng khoằm khoằm. Hắn nâng bộ vuốt sáng lạnh trên tay, âm vực lan khắp ngã ba ma:
- Cung kính chào đón Ngô phó soái!!!