Mùa xuân năm Canh Dần (930), những trận gió mùa từng mang giá rét cắt thịt cắt da, những cơn mưa lửng trời từng khiến cả thế gian rầu rĩ và những nhành cây khô khốc trơ trụi từng mang đậm dấu ấn của tàn phai cô quạnh bỗng đâu biến mất tăm mất tích. Người đẹp mùa đông khoác trên mình chiếc áo mỏng manh quyến rũ, kết thúc chuyến du ngoạn định kỳ, trở lại nhà tận ngọn núi Bóng Râm nơi chân trời xa khuất. Nàng Xuân phơi phới, ra mắt đất trời bằng những hạt mưa nhẹ như bông, êm như lụa, mà dịu ngọt vô cùng, tưới vạn vật tốt tươi, trăm hoa bừng hương sắc. Tết Nguyên Đán đến rồi đi qua cành đào thắm, nồi bánh chưng sôi sùng sục đêm ba mươi, cây nêu vươn thẳng, mâm ngũ quả đầu đặn cùng khói hương thơm nức. Người ta thấy vang vang tiếng chúc phúc và âm âm lời khấn nguyện. Nhà người nông dân mong mưa thuận gió hòa, vụ mùa thu bội. Nhà người thương nhân mong mua may bán đắt, lộc tổ lộc tiên dồi dào. Nhà người nho sĩ mong chữ nghĩa đầy bồ, gặp dịp phô tài kinh bang tế thế. Nhà người nghĩa quân mong hỏa tâm khởi vận, mã đáo thành công. Ai người đều muốn cuộc sống ấm no, non sông bình ổn. Có điều, người Hán với đại diện là Tiết độ sứ Lý Tiến cầu dẹp hết quân phản loạn, lấy đà đặng phát triển kinh tế. Còn người Việt muốn nguyện chiến đấu đến cùng, đánh đuổi giặc ngoại xâm, tìm tự do độc lập.
Thấm thoắt đã lập xuân, Dương Vân ngồi tư lự trên lầu Ngoạn Cảnh. Gió trở chiều đẩy mây xám bay ngơ ngẩn, cả khu lầu tịnh không một tiếng người. Hôm nay, Việt Nghĩa Đoàn mở hội xuân cầu phúc cho đất nước, là dịp dành niềm vui cho mọi người, tăng tình đoàn kết toàn quân. Hội mở từ tờ mờ sáng, cho đến nửa đêm. Buổi chiều có các màn thi đấu, trò chơi, ca hát, anh chị em nô nức đổ dồn đến lễ đường và nhà sinh hoạt chung. Dương Vân tự dưng chán nản, chàng tản bộ đến Ngoạn Cảnh lầu, ngồi gặm nhấm nỗi cô đơn.
Chồi xuân mơn mởn, nàng Xuân đến cạnh hỏi vì đâu chàng buồn bã trong khi vạn vật vui tươi. Chàng đáp “t ôi nhớ nhà”. Nàng Xuân lại hỏi sao chẳng thấy chàng buồn bã lúc buổi trời đông, mà chọn mùa xuân, mùa của hạnh phúc. Chàng trả lời “V ì mùa đông, tôi giống như tất cả, công việc bận rộn suốt ngày, nên thời gian qua vùn vụt. Nay, mới có thời gian rỗi rãi. Tết là ngày xum họp, là ngày cho những trái tim tha hương dồn nhịp đập về hướng quê nhà. Tôi nhìn đồng đội mà nhớ đến cha già. Năm nào cũng vậy, Tết đến cha lại buồn, sau giao thừa cha ngồi trước bàn thờ mẹ, đến tận hửng sáng. Cha chỉ muốn ngồi một mình. Ngày tôi ở nhà, dẫu vụng về vẫn giúp ông khuây khoả phần nào. Vì thế năm nay, tôi sợ ông sẽ đắm chìm trong men rượu, bỏ ngoài tay mọi lời khuyên của thầy thuốc. Tôi nhớ mẹ, ao ước được thốt lên “mẹ ơi”, giống hồi còn là con chim non chập chững. Tôi nhớ người thương, lo nàng buồn vì thiếu tôi. Nhưng giả như nàng không buồn, tôi lại càng lo. Từng ấy nỗi niềm luấn quấn, bảo sao tôi vui được!”.
Nàng Xuân cười bảo chàng trai trẻ, nỗi nhớ nhà đã không dứt nổi, làm việc lớn thế nào đây? Chàng thủng thẳng đáp “l àm người nên biết phân biệt rạch ròi, nào thể đánh đồng chuyện riêng chung. Dẫu hiểu lúc này tình yêu đất nước đương nhiên đặt lên trên cùng, hiến thân mình từ sức mạnh cánh tay đến độ dẻo dai của đôi chân, niềm tin trong ánh mắt nung nấu tư tưởng quyết chiến quyết thắng. Nhưng ai là người có thể giữ mãi ngọn lửa, bởi chuyện đó chẳng nên. Cương mãi thì dễ gẫy, mãnh liệt quá thì mau tàn. Chẳng phải cổ nhân từng dạy phải biết nhẫn mới làm nên việc lớn. Khi tinh thần tạm chùng xuống là khi trái tim tôi ấp ủ tình gia đình, giúp tôi thêm nghị lực, đánh giặc vì ngày mai được đoàn tụ bên gia đình”.
Nàng Xuân đồng ý, song bảo chàng nói đúng mà chưa đủ. Xa gia đình chàng nhớ cũng phải nhưng nơi đây cũng coi như một gia đình lớn, mọi người sống đùm bọc thương yêu. Chàng cô đơn hoá ra co mình lại, phủ nhận hết tình cảm đồng đội hay sao. Chàng đáp “nói yêu quý thì vẫn yêu quý thôi. Nhưng không đủ để chia xẻ suy tư chất chứa trong lòng”. Nàng Xuân hỏi há chẳng phải chàng còn có 3 người anh kết nghĩa, thân như ruột thịt? Chàng cười “ngay lúc này có thấy ông nào đâu?”. Nàng Xuân cũng cười, nói “có đấy”. Có người đã đến chân lầu thật. “Có phải anh ba không nhỉ?” Dương Vân thầm nghĩ. Lúc này, người mới đến nhìn lên, đúng là Dương Thạch, hơi ngạc nhiên khi cậu em có mặt tại nơi mình muốn đến. Chàng vừa lên khỏi bậc thang cuối, đã nghe Dương Vân hỏi:
- Anh không đi với Minh Nguyệt mà lại ra đây hóng gió à?
Đấy, cậu chàng láu táu, chưa gì đã động vào mối tương tư của ông anh. Dương Thạch tìm cho mình một chỗ hướng ra hồ, đáp :
- Không! Anh chào cô ấy trên đường rồi. Đi suốt mỏi chân nên anh muốn tìm chỗ yên tĩnh ngồi nghỉ.
“Có một tẹo thế đã làm được cho anh mỏi chân á?? Không đâu, chỉ vì cô nàng đó thôi”, Dương Vân tinh nghịch nghĩ, dù nói:
- Em cũng thấy mệt mỏi, ra đây ngồi nghỉ. Anh đến vừa hay.
Hai người nhìn mặt gương hồ trải rộng ra ngoài tầm mắt với những bông hoa đỏ thắm, lá tròn đang dập dềnh sóng nước. Dương Vân muốn im lặng, mặc cho niềm tâm sự lang thang nơi chân mây góc bể. Còn Dương Thạch ngập trong mối quan tâm có tên là Minh Nguyệt.
Võ Minh Nguyệt, cô gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành và bản lĩnh của trang nữ kiệt. Cha con họ Võ gia nhập Nghĩa Đoàn non tháng thì Dương Đình Nghệ trở về từ Hoan Châu. Sau khi cùng các tướng lĩnh khác bàn bạc cân nhắc kỹ càng, Nguyên Soái quyết định phong Võ Thiên Nam làm phó soái thứ tư, sau Ngô Quyền, Đinh Công Trứ và Lê Lãm. Phần Võ Minh Nguyệt, với cái khả năng được tôi luyện qua chiến trận được đánh giá rất cao, nàng nghiễm nhiên trở thành đội trưởng đội nữ binh Mộc Lan. Và việc nàng xuất hiện thu hút nhiều sự chú ý hơn hẳn người cha lừng lẫy tiếng tăm. Biết bao trái tim thổn thức theo mỗi bước chân uyển chuyển, biết bao xúc cảm lâng lâng theo mỗi cái nhìn lơ đãng. Nhan sắc đến, mang đến cơn bão lòng của những gã tiên phong, những chàng trung quân hay hậu cần, thậm chí còn ảnh hưởng sâu tận vào Uyên ương cư xá, nơi những tưởng bất khả xâm phạm. Minh Nguyệt không ở cùng cha trong doanh trại tướng sĩ mà dọn đến đội nữ Hoa Mộc Lan, khiến cho khu nhà của Tổng đội nữ binh vỗn rất đông khách khứa vào mỗi tối, không còn thấy đâu bóng dáng của sự yên tĩnh nữa. Căn phòng nằm gần trong cùng của khu nhà, đến phải lập tổ cảnh giới và bảo vệ nhằm ngăn cản phần lớn những vị khách. Vì bản thân nàng khá kén tính lẫn vốn chưa một lần nghĩ tới chuyện tình cảm nam nữ giữa thời loạn chiến nên khách khứa biết ý rơi rụng dần. Đến hôm nay, ngoài những người đã nản chí, những con tim thầm thương trộm nhớ nhưng chưa gom góp đủ can đảm, vẫn còn sót bốn kẻ chinh phục kiên trì.
Dữ dội nhất là Hồ Thế Hải, chàng trai mới 27 tuổi đã trở thành đội trưởng đội Cuồng Phong, chủ công Tổng đội tiên phong. Đội trưởng trẻ nhất nam binh là người Giao Châu hào hoa, mạnh mẽ quyết đoán, giỏi giang, là cái đích ngắm của rất nhiều thiếu nữ tuổi cập kê. Thế Hải bị tiếng sét ái tình đánh trúng ngay buổi đầu tiên Minh Nguyệt đến Nghĩa Đoàn. Chàng chạy sang doanh trại chỉ huy tìm phó soái Lê Lãm, theo yêu cầu Tổng đội trưởng Triệu Văn Tuấn, xin cho đội Cuồng Phong mượn thủy trại 2 ngày để hoàn tất nội dung luyện tập trước khi chuyển giai đoạn. Chàng gặp nàng tại hành lang phía tây, tay cầm đèn, mặc bộ màu lục nhạt, tóc để xõa gài đoá thiên hương trắng muốt. Tiên nữ vô tình rảo bước, để lại sau lưng một gã si tình. Cuộc gặp mặt suôn sẻ chỉ ỗi tội Phó soái hơi băn khoăn khi chàng trai trẻ một điều nhanh nhanh chóng chóng kết thúc buổi nói chuyện, như thể chàng ta còn phải làm ngay việc khác quan trọng gấp bội. Nếu theo chân chàng, hẳn ông sẽ ngạc nhiên khi thấy một trong những con người can đảm nhất Nghĩa Đoàn, đang cắm đầu cắm cổ chợt khựng lại ở cuối hành lang, rón rén liếc nhanh vào căn phòng mới có người dọn tới rồi lại cắm đầu cắm cổ về nhà, chẳng buồn báo lại kết quả với Tổng đội trưởng, mà leo ngay lên giường nằm ngủ. Hôm sau chàng lên ngay kế hoạch tốc chiến tốc thắng nhưng mới được đôi bước đã cộc trán vào bức tường đá do chính tay nàng dựng lên. Vốn tâm cơ nhạy bén, Thế Hải hiểu ngay mình phải dấn thân vào cuộc trường chinh. Ba bốn tháng rồi chàng coi như bước khởi đầu, kết quả nàng đã chịu nhận mấy món quà nho nhỏ chàng mang đến, thỉnh thoảng còn chịu dạo mát, ngắm trăng cùng chàng trên lầu Ngoạn Cảnh. Công bằng mà nói, tính cách hai người rất tương đồng, nên cơ hội của Thế Hải là không nhỏ.
Ngặt nỗi, trên đường đi đã xuất hiện 1 đối thủ lớn. Người này vốn dĩ đặt nền móng vững chắc từ tận 10 trước và giờ đây đường hoàng xếp gạch xây tường, nhăm nhe dựng riêng cho mình ngôi nhà hạnh phúc. Anh ta rất tự tin. Anh ta là đội trưởng đội Thiết Giáp, mạnh nhất của Tổng đội trung quân. Anh ta ba mươi mốt tuổi, trầm tĩnh và khôn ngoan. Anh ta là người Hồng Châu, từng là tuỳ tướng tâm phúc của Võ Thiên Nam và từng thực sự có quan hệ thân thiết, quý mến với chị em Minh Nguyệt, Thiên Dương. Anh ta tên là Bùi Thiên Đức. Nghe tin Võ Thiên Nam an toàn đến được Nghĩa Đoàn, Thiên Đức rất mừng. Anh dẫn dăm bạn đồng hương đến chào thủ lĩnh cũ. Họ Võ cảm thấy may mắn. Đôi bên mừng mừng tủi tủi trong ngày hội ngộ để rồi Thiên Đức chợt nhận ra cô bé con Minh Nguyệt ngày nào đã trở thành đoá hoa sắc nước hương trời. Minh Nguyệt mặt hoa rạng rỡ niềm vui tái ngộ với người anh đáng mến. Cảm tình của nàng đối với Thiên Đức, qua mười năm vẫn không đổi. Thời gian đầu, nàng coi đó là tình cảm anh em như thủa thiếu thời. Nhưng qua những biểu hiện đặc biệt của anh, nhận xét của bạn bè, nàng hiểu anh muốn họ có một quan hệ nghiêm túc hơn rất nhiều. Điều này khiến nàng phải cân nhắc. Dẫu chưa hề có ý định đáp lại nhưng nàng đã ưu ái đặt tình cảm của anh vào một nơi trang trọng trong lòng mình. Dần dà thì cha nàng cũng biết, nhưng không nói gì. Có thể ông trao cho con gái quyền tự quyết, cho nàng có thời gian chọn lựa nhưng có thể chính ông cũng mong muốn nàng tìm được người như Thiên Đức, vì tình cảm và vì những toan tính. Nên thủy chung, anh này đang chiếm thế thượng phong trong cuộc đua tranh khốc liệt này. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không còn cơ hội dành cho những người khác, nhất là khi trái tim người đẹp chưa hề có sự rung động.
Người thứ ba là 1 sát thủ trong tình trường. Chàng ta là người gốc làng Ràng, hai tư tuổi rưỡi, miệng lưỡi dẻo quẹo, giọng hát rất hay. Chàng ta tên Trần Kính, đội viên hậu quân, khéo và thông thuộc tâm tính con gái, rất giỏi làm xiêu lòng các thiếu nữ. Giàu cảm xúc nhưng chóng chán, hễ chàng ta tấn công vào thành nào, là thành đó xiêu vẹo, rồi khi cái bồng bột của thủa ban đầu tan hết, chàng ta bỏ đi chẳng hề tiếc nuối, mặc cho cái thành trống rỗng vì khóc than. Sau vài cuộc tình như thế, hễ thấy bóng Trần Kính thấp thoáng gần Tổng đội, chị em nữ binh lập tức đề phòng, dè bỉu, mắng nhiếc. Chàng ta cứ trơ ra, chờ lúc sơ hở để tấn công tiếp rồi lại bỏ chạy. Chuyện với Minh Nguyệt chẳng qua lúc đầu do đám bạn thân thách thức, chàng ta giả bộ tình cờ gặp nàng trên đường đến doanh trại chỉ huy và trổ hết tài thao lược. Ngặt nỗi, do vốn được các bạn cảnh báo từ trước và vốn ghét những con người cợt nhả, nữ tướng họ Võ đã mắng cho gã hồ đồ một chặp không kịp vuốt mặt. Những tưởng là đủ bẽ bàng cho gã tự vấn danh dự, buông rơi ý đồ, ai ngờ đêm ấy, Trần Kính thức trắng. Lần đầu tiên trong đời, sống thật với lòng mình, chàng ta lập tức cắt đứt hết những tơ vương phong nguyệt, kín đáo tiếp cận thánh nữ ái tình. Nàng khinh bỉ, chàng chẳng màng. Nàng lạnh lùng, chàng kiên nhẫn. Ai dám bảo ma vương không thể thành Phật?. Ai dám bảo những lời lẽ du dương không thể làm xiêu lòng con gái?. Mà ai dám bảo Minh Nguyệt là một cô gái bình thường?. Không thể thay đổi được quá khứ nhưng có thể nỗ lực cải thiện tương lai. Trần Kính đã biết yêu hết mình và chí ít chàng ta cũng xoá được thành kiến trong mắt nàng. Khi có thể chuyện trò một cách thoải mái, Trần Kính đặt mục tiêu làm tan chảy trái tim băng giá của nàng. Và chàng ta đang tiến hành điều đó hết sức nghiêm túc.
Thứ tư, không ai khác là người đang ngồi trên lầu Ngoạn Cảnh. Không có địa vị làm chỗ dựa, không quá táo bạo, hào hoa như Hồ Thế Hải, chẳng khôn ngoan, thân tình bằng Bùi Thiên Đức, thua sút tình cảm, kinh nghiệm với Trần Kính, đâm ra Dương Thạch là người thất thế nhất. Đáng lý chàng hơn bọn họ vì đã trải cùng nàng vượt qua một đêm sinh tử và cha con nàng phải mang ơn mấy anh em. Nhưng bản chất ưa sống nội tâm kéo chàng lùi sau vạch xuất phát. Dù Minh Nguyệt vốn thán phục tài năng của chàng và thích đi cùng với chàng vì đỡ phải nghe những lời ba hoa và được nói nhiều hơn thường lệ. Nhưng nàng thiếu một chút tinh tế để nhận ra tình cảm của chàng trong khi ông anh to mồm lại có thừa. Dương Thạch đã giấu và Tiểu Nhi đã biết. Và Tiểu Nhi đã cố kín miệng nhưng rồi ai cũng biết. Tin đến tai Minh Nguyệt làm nàng e ngại, có lẽ bởi nàng đã bị quá nhiều người yêu thương. Được cái, nàng cư xử rất có tình. Sau thời gian ngắn tránh mặt, nàng chủ động hẹn chàng lên lầu Ngoạn Cảnh, thuyết phục chàng thông cảm và cho nàng thời gian suy nghĩ vì đầu nàng đang rối như tơ vò. Nàng muốn hai người hẵng vui vẻ với nhau như không có chuyện gì sảy ra. Chàng lỡ miệng hỏi hay là nàng đã để ý đến một trong ba người kia. Nàng lắc đầu, nói sẽ chẳng quan tâm đến mối tình cảm nào trước khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Cảm động trước ý chí của người con gái, chàng hứa sẽ ở bên cạnh nàng, quan tâm đến nàng với tư cách của một người bạn mà thôi. Nàng vui vẻ nên chàng cũng vui vẻ. Song chẳng may, cuộc hẹn hò bị vài cặp mắt trông thấy và Dương Thạch bỗng giống cái bia tập bắn ngoài thao trường.
Đám nữ binh bàn tán xôn xao, mãi không tìm ra nguyên nhân để anh chàng đen thùi lùi, câm như hến này lọt vào mắt người đẹp khó tính. Thế Hải tự nhủ phải tấn công mạnh hơn nữa, Thiên Đức ngầm dè chừng tuy khó tin còn Trần Kính hứng chí vì có thêm động lực chiến đấu. Những chàng trai ngoài cuộc thì gật gù với câu nói tầm ngẩm mà đấm chết voi chí lý của các cụ. Riêng phần người trong cuộc, Minh Nguyệt dễ dàng bỏ ngoài tai những chuyện đàm tiếu, chuyên tâm vào công việc đang ngày càng nặng nề; Dương Thạch giữ vẻ im lặng vô tận khi Tiểu Nhi biết lỗi tránh bàn, chàng chỉ hơi khó chịu vì gặt phải những tiếng đồn, thứ chàng chúa ghét.
Con người nào phải gỗ đá, Minh Nguyệt tưởng cuộc nói chuyện giải quyết được thấu đáo vấn đề, vô tâm không hiểu người con trai đâu thể tắt lửa lòng chỉ với câu nói đơn giản dường ấy. Động thái này làm Dương Thạch hơi thất vọng, duy trái tim vẫn thúc giục chàng gặp nàng. Hội lập xuân, nàng rủ chàng đi xem hội. Thường thì chàng sẽ vô cùng mừng rỡ. Có điều lần này, dưng chàng thấy chán. Họ đi về phía nhà sinh hoạt chung, giữa đường thì gặp cha nàng và Thiên Đức. Giữa Thiên Nam và Dương Thạch vốn chẳng có mâu thuẫn nhưng phần vì Tiểu Nhi, phần vì Thiên Đức nên ông nhìn chàng với ánh mắt thật khó chịu. Minh Nguyệt không hề để ý. Dương Thạch nói thác có việc phải đi và nàng tưởng thật nên nói lời chào tạm biệt. Lòng nặng như chì, chàng mệt mỏi quay về. Mọi người đi chơi hội hết nên chàng nảy ý định ra hồ chơi.
Dương Vân vẫn cho rằng anh ba không thể thỏa lòng trong mối quan hệ với Minh Nguyệt, mà có thể thì cũng chẳng nên. Lý do là chàng không thích cô nàng. C ô nàng đẹp thật, chàng nghĩ, nổi bật trong cánh nữ lưu. Có điều chàng không ưng về tính cách, b ông hoa đẹp chỉ nên đứng xa mà ngắm, một người sâu sắc và tinh ý như anh ba, nếu sống với cô ta sẽ chẳng lấy gì làm sung sướng. Nghĩ thế thôi, cũng đang yêu vì thế chàng biết không thể cấm cản được tình cảm con người, tự anh ấy phải hiểu ra thôi.
Hai gã trai thi tài im lặng mặc kệ gió thổi mây bay. Dầu gì thì phải có người nói trước chứ. Và Tiểu Nhi có mặt để làm cái nghĩa vụ quen thuộc ấy.
- Trong kia đang vui sao kéo nhau ra đây ngồi hả hai ông tướng?
- Anh cũng thế đấy thôi. D ương Vân đáp. Cái túi gì đấy?
- Đồ ăn, chàng béo ngồi phịch xuống, tẩm bổ cái thân già này.
- Anh không nên ăn nhiều. Hãy chia bớt bọn em ăn hộ cho.
- Đã trốn ra đây mà cũng không thoát, Tiểu Nhi mở túi đồ ăn, may mà cẩn thận lấy nhiều.
Hai cậu em trố mắt nhìn, trong túi càn khôn chứa một cái đùi lợn to bự, hai xấp chả dày, mỗi miếng bằng bàn tay, gói dưa hành lẫn lộn và hơn nửa con gà. Toàn thịt, thêm chút rau.
- Em ngỡ anh còn bận trình diễn 1 bản hùng ca cơ đấy ? D ương Vân hỏi rất ngây thơ.
- Rồi. “Lửa cháy chân thành”. Tiểu Nhi ỉu xìu. C ái Nghĩa Đoàn này chỉ giỏi đánh nhau, ngoài ra chẳng có chút cảm nhận đúng đắn nào hết. Này Thạch, hồn phách bay hết theo con bé họ Võ rồi à? Anh nghĩ bay nên bỏ quách cho nhẹ người. Mà cái thằng địch thủ của bay, nó hát dở ra dở mà mọi người lại khen hay. Trái khoáy quá đi mất.
Hai ông em biết tốt nhất không nên tranh cãi về thứ âm nhạc của Tiểu Nhi vì anh chàng sẵn sàng gây gổ nếu có lời góp ý không lọt tai.
- Bất bình gì mà nói to thế? Giọng nói của Ngô Quyền vang từ dưới chân lầu.
- Anh cả. D ương Thạch và Dương Vân cùng thốt lên.
- Đến đây. Ngô Quyền thoáng đã lên lầu.
- Anh có nghe hát không? Tiểu Nhi nghi hoặc.
- Dĩ nhiên. Anh còn nghe hết những lời bình phẩm. Ngô Quyền cười. Có tay Phan Anh, đội Nỏ Thần nhận xét khá công bằng.
- Thằng cha mặt lạnh nói thế nào hả anh? Mặt Tiểu Nhi toát vẻ háo hức.
- Hắn nói cần giọng khoẻ như em, hát bài “Lửa cháy chân thành” mới toả hết sức nóng của hùng tâm tráng khí. Nhưng em chưa quan tâm đến những chỗ nhấn nhá, trầm bổng nên khó thăng.
Suýt nữa Tiểu Nhi nói “em biết chứ nhưng không cách nào làm được”, may là kịp hãm.
- Lúc đấy thấy em bực tức vào thẳng nhà ăn, anh đã chạy ngay đi kiếm nậm rượu. Xui khiến thế nào, anh em ta tụ cả một nơi.
- Anh em tương ý thông tình, Tiểu Nhi đã hoàn toàn vui vẻ. Anh mang rượu đến thật quá hay, em phải phạt hai đứa này cái tội dám bỏ qua phần trình diễn của anh nó.
- Không chơi, không chơi. D ương Vân lắc đầu ngoầy ngoậy.
- Phạt đúng lắm. Ngô Quyền nói. Từ lúc về do bận quá, anh có lỗi khi không thể dứt ra mà ngồi uống rượu với các em được. Anh cũng muốn chuộc lỗi.
- Vậy còn chờ gì nữa, Tiểu Nhi vỗ tay tán đồng.
- Nhưng kiếm chỗ khác, Ngô Quyền ngăn Tiểu Nhi đang định dỡ thịt, n ơi đây thanh tịnh quá, không hợp với bọn phàm phu tục tử chúng ta. Cậu ba có ý kiến nào hay không?
Dương Thạch chẳng cần quan sát, đáp liền :
- Sau rặng liễu đằng kia có có bãi cỏ rộng. Ta ra đấy ngồi uống.
- Cóc mở miệng. Tiểu Nhi nói. Trừ chuyện tình ái ra, hễ hắn nói cái gì là đúng cái đó.
Dương Vân tủm tỉm cười, tay buộc gói đồ ăn. Ngô Quyền nách cắp nậm rượu lớn, dẫn đầu tửu đoàn đến nơi hỉ hả. Cỏ xanh ngắt, liễu xanh um, nước hồ xanh trong, gió hiu hiu thổi. Mấy hôm rày trời không mưa nên mặt cỏ mềm và sạch. Ngô Quyền mở nậm rượu, mùi thơm bay bổng. Dương Thạch lôi trong người ra con dao dài cả gang, lưỡi mỏng tang, được dấu trong bao làm bằng gỗ kỳ, khéo léo lóc từng miếng thịt từ cái đùi lợn nướng. Dương Vân sực nhớ buổi sáng, chàng rút cái khăn phơi ngoài hiên nhưng quên chưa cất, liền lấy ra làm mâm. Tiểu Nhi đang ngồi rung đùi, chợt nói :
- Thôi chết. Chưa có đồ đựng rượu. Uống bằng cái nậm to như kia mệt lắm. Không thú! Không thú!
- Anh có mang theo đây. Ngô Quyền móc ra cái bát sắt bằng bàn tay khum.
Rượu lập tức được rót, khai vị cho mỗi chàng một bát. Dương Vân tâm đắc :
- Khà… Rượu ngon qua. Không giống rượu của nhà bếp.
- Chắc anh mượn tạm của bố vợ hả? Tiểu Nhi đế vào.
Ngô Quyền đưa bát rượu lên ngang miệng, hơi rượu đê mê:
- Em đoán trúng rồi. Năm ngoái, anh em Ngân Sơn gửi biếu nhạc phụ chục vò. Người đem chia cho Đinh, Lê phó soái, hai vị quản lý và bốn Tổng đội trưởng. Phần anh cũng được một vò mà chưa có dịp uống, lại đâm hay.
- Ngân Sơn nồng hương cay vị, tửu khách nhấp chưa ngấm đã say. Tiểu Nhi khề khà.
Rượu qua đôi tuần. Ngô phó soái ngắm ba ông em. Khuôn mặt trắng tuấn tú của Dương Vân đã ửng hồng, mặt Dương Thạch vẫn đen nguyên và mặt Tiểu Nhi thì bắt đầu tái. Chàng sinh ra đã là một hào trưởng tương lai trong thế lực hùng mạnh của người cha tại Đường Lâm. Ngay từ nhỏ, Ngô Quyền đã nhận thức ra đạo lý cuộc sống. Bao giờ cũng vậy, chàng giữ phép với người trên, khoan hoà với kẻ dưới. Dẫu không hề muốn phân biệt với bạn cùng trang lứa nhưng lời ăn tiếng nói, cung cách đi lại vẫn toát riêng vẻ uy vũ khác người. Vì thế chàng khó có bạn thân. Sau về đầu quân dưới trướng Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền bằng khả năng dồi dào, sứng đáng thăng tiến nhanh chóng đến tận chức phó thủ lĩnh của Việt Nghĩa Đoàn. Rồi chàng lấy nàng Ngọc, con gái Dương chủ soái, sinh bé trai tên Xương Ngập. Những bữa tiệc rượu chàng tham dự, nếu không giữa các vị tướng lính, rặt bàn chuyện quân cơ trong cử chỉ giữ gìn, lại đến lời mời của các đội, vui vẻ thì có vui vẻ nhưng người ta không muốn biểu hiện quá suồng sã trước mặt vị phó soái mà họ luôn tôn trọng. Nói chung chỉ uống một mình là thoải mái. May có được mấy ông em kết nghĩa. Chàng khoan khoái đi hết ba bát rồi bốc miếng chả ăn ngon lành :
Lập xuân nâng chén lên môi
Gió đùa gợn sóng mắt cười mênh mông
Hòa chan huynh đệ một lòng
Khí thiêng vẹn giải, non sông thu về. - Hay, hay... Tiếng tán thưởng hồ hởi.
- Quá hay. Không ngờ lâu nay anh cả giấu kỹ bầu thi hứng. Nét mặt Tiểu Nhi hết sức rạng rỡ. Xin phép cho em họa lại đôi vần.
- Anh rất mong chờ. Ngô Quyền ngửa lòng bàn tay, đưa ra trước mặt.
Tiểu Nhi uống cạn bát rượu, e hèm liền mấy tiếng. Sáu con mắt đang mong mỏi nhưng chàng chưa thể cất lên lời. Bỗng nhiên Dương Thạch có yêu cầu:
- Keo này anh hai hãy nhường cho em.
Tiểu Nhi gật đầu ngay tắp lự. Dương Thạch nhìn vào bát rượu sóng sánh, ngâm :
Lập xuân rượu đượm hương nồng
Tình xuân say đổ mênh mông đất trời
Sáng xuân ngạo nghễ lên môi
Đời xuân non nước xanh ngời dáng xuân. - Vân à. Thế là anh em mình bị hai người họ bỏ lại đằng sau mất rồi. Tiểu Nhi tếu táo
Dương Thạch cười hơi buồn, dốc cạn bát rượu xuân rồi chuyển cho Dương Vân. Chàng rót đầy bát, nói mấy câu cảm thán:
- Bên cạnh các anh, em chỉ là một đứa trẻ con. Em chưa thấy mình có tài cán gì, hoạ chăng mỗi thứ biết một chút trong khi các anh luôn làm được những việc lớn lao. Có lúc em tự hỏi tại sao các anh chấp nhận em vào nhóm??
- Vì em trong sáng và đáng mến. Tiểu Nhi phán.
- Vì em chân thành và tốt tính. Dương Thạch thú thực.
- Và vì em gắn kết bọn anh lại với nhau. Ngô Quyền kết luận. Nên em là người quan trọng nhất giữa chúng ta.
Những giọt rượu ấm lướt êm qua cổ họng chàng, hơi rượu bốc lên cay sè sống mũi. Ba ông anh cười thích chí ngắm nhìn khuôn mặt hồng hào đáng yêu của cậu em út. Ngô Quyền nói:
- Gian truân đã kéo chúng ta đến, với mỗi người mang một sức mạnh riêng. Nối lại bằng niềm tin, anh tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách. Đoàn kết là sức mạnh vô địch, từ nhóm nhỏ như anh và các em đến cả dân tộc. Chỉ cần nắm chặt tay nhau, người Việt ta có thể đường hoàng tiến lên phía trước mà không thế lực nào, kể cả Nam Hán, nhà Đường hoặc tỷ rộng hơn, lớn hơn nữa, có thể cản nổi. Sức mạnh ấy, anh đang cảm thấy rất rõ. Mà đứng trong tầm ảnh hưởng của nó, sức mạnh bản thân anh tăng lên gấp đôi, gấp ba. Báo cho mấy đứa là quân Giao Châu, Hồng Châu đã gật đầu đồng ý liên minh, còn phía Phong Châu vừa gửi lời đảm bảo dựng tường luỹ ngăn viện binh và chặn bại binh.
- Thế chúng ta sắp đồng khởi phải không anh? D ương Vân háo hức.
- Chưa. Ngô Quyền đáp.
- Hội ước xong, còn chờ gì mà không cả nước đứng lên, diệt hết quân xâm lược?
- Tinh thần tranh đấu đang sôi sục, ai cũng mong sớm quyết một trận để đòi lại non sông. Cờ khởi nghĩa đã dựng ở nhiều nơi, nhưng đều manh mún, tự phát. Nói chắc rằng cả nước vì Việt Nghĩa Đoàn nên hướng cả về ái Châu. Có điều, phải biết địch biết ta mới có thể trăm trận thắng cả trăm được. Quân tình nguyện đang nườm nượp đổ về Dương Xá, thật ra tổng cộng chúng ta bất quá cỡ sáu nghìn người. Nhiệt huyết có thừa, thao trường ngày nào cũng rộn rã nhưng cùng lắm mới định hình đội ngũ mà thôi. Giặc sẵn sàng trong tay cả chục vạn quân tinh nhuệ, bản lĩnh chiến đấu có thừa. Công bằng mà nói, nếu chúng ta không có núi rừng hiểm trở, không dựa vào nhân dân chắn đỡ, thì chúng càn đến đâu, ta vỡ đến đấy. Nên phải ém binh không bởi sợ hãi mà bởi võ luyện chưa tinh và thời cơ chưa đến. Chuyến đi may mắn mới rồi, anh đã thuyết phục được thủ lĩnh các vùng miền đồng ý đợi thêm một thời gian. Chúng ta công kích trực diện, họ nhắm vào sườn, tạo nên thế trận liên hoàn.
- Tin tức về sự tồn tại của mật quân Hồng Châu là chính xác? D ương Thạch hỏi.
- ừ, hồi đấy trong trận Thanh Yên, tuy họ thua to nhưng không tan nát như người ta lầm tưởng. Phó tướng Đỗ Mai Sơn cùng khá nhiều người mà đã thoát khỏi tay Lê Khắc Chinh. Mất một thời gian dài tái dựng đội ngũ, dần dà đã gần như trước. Biết Võ phó soái ở bên chúng ta, họ rất sẵn lòng hợp lực, chờ hiệu lệnh của Nghĩa Đoàn.
- Nghĩa Đoàn gánh hy vọng của cả nước, liệu có đủ sức không đây? Tiểu Nhi ta thán.
- Nếu cậu còn giữ được đôi vai chắc, thì không có gì phải lo. Ngô Quyền nhấp ngụm rượu. M à thôi, gác chuyện đó lại đã. Bây giờ anh đang muốn nghe kể về cuộc phiêu lưu của mấy đứa trong rừng Khủng khiếp.
Tiểu Nhi bèn thuật lại nguyên cớ làm sao mà họ đến trấn Mãn Phong để gặp hoàn cảnh của cha con họ Võ và cuộc rượt đuổi đẩy tất cả vào Khủng Khiếp Lâm. Dương Vân miêu tả rất chi tiết về cặp mắt đỏ của Dị Phong lang, cặp mắt lạnh của Chúa tể núi rừng và những gì chúng bỏ lại sau mỗi cuộc tấn công. Dương Thạch kể về hành trình theo dấu Hắc Nguyệt lẫn Minh Nguyệt, về cái cách mà Minh Nguyệt được cứu thoát khỏi móng vuốt tử thần.
Ngô Quyền chậc lưỡi khi nghe về trận chiến cuối cùng với hắc hổ, tiếc rẻ nói :
- Anh biết khá rõ về truyền thuyết và sự thật của khu rừng. Vậy mà lỡ dịp tham dự!
- Anh nói rõ hơn nữa đi!
- Nó giống như những gì các em đã biết, chỉ thêm thắt về phần quá khứ. Câu truyện này anh nghe qua lời người kể chuyện của Nghĩa Đoàn.
Người kể truyện của Nghĩa Đoàn? Ba đứa em trợn tròn mắt.
- Đừng thái quá thế, Ngô Quyền cười, mấy đứa đã gặp ông ta ngay ngày đầu tiên. Ông ta là người quản lý thư tịch của Tổng đội trung quân.
- Thằng cha lẩm cẩm đấy á? Tiểu Nhi không tin.
- Em lại trống miệng rồi. Đằng sau sự rề rà là một hiểu biết vô cùng phong phú. Ông ấy đã đi khắp thiên hạ để thu thập những câu chuyện trong dân gian nhằm giữ gìn cho hậu thế.
- Ông ta ngồi giữa bầy sói để nghe con cọp đen thuyết trình chăng? Tiểu Nhi giả bộ tò mò.
- Không, nhưng ông ấy sống trong nhà của người duy nhất có thể làm cái việc em mới tưởng tượng tức thì.
- ồ..., em rõ. Xin mời anh kể tiếp.
- Ngày xửa ngày xưa, bên rìa khu rừng thợ săn sống thành làng. Cuộc sống ngày ấy hẳn là rất sung túc vì muôn thú nhiều vô kể. Cho đến một ngày, quỷ dữ xuất hiện. Một ngày mà năm người thợ săn vào rừng, không ai trở ra. Sáng hôm sau, vợ mất chồng, con mất cha khóc lóc, những người dũng cảm nhất bàn với nhau vào rừng một chuyến. Chiều xuống rồi trăng lên... rồi mặt trời mọc đằng đông, đã có người trở lại. Ông cả, áo quần bê bết máu, ngã gục ngay đầu làng. Bà con hè nhau đưa vào nhà, rịt thuốc vào vết thương, nhưng vô ích. Ông chỉ đủ hơi lẩm bẩm mấy tiếng đứt đoạn sói,.., sói... mắt... đỏ. Cọp... đen, sau đó tắt thở. Trong làng tiếng khóc như ri, thương cho số phận người yểu mạng, thương cả cho số phận gia đình mình vì đêm xuống, cơn ác mộng tràn vào làng. Sáng ra, người ta thấy lỗ thủng lớn tại hàng rào nhà bà Thỉ, cửa mở tung. Nền nhà vương máu, mẹ góa con côi biến mất. Và sau đấy, ngày qua ngày, dân trong lòng cứ biến mất dần như phải ma. Nỗi hoảng sợ lên đến cao trào, sự kiên gan cạn kiệt. Dân làng kéo nhau, từ bỏ mảnh đất quen thuộc đi tìm yên ổn. Duy còn lại một người thợ săn trẻ tuổi và gan dạ. Anh ta quyết định vào rừng khi trời chang vạng tối, đi theo con đường những người mất tích đã qua. Đêm rằm, trăng soi rõ từng bước chân đơn độc. Anh tìm thấy cung tên bỏ lại bên từng bộ xương trắng, thấy dẫu vết của đàn sói dữ và những vết chân to bằng cái bát của chúa sơn lâm. Nhưng chúng không xuất hiện. Người thợ săn quyết định dựng nhà bên vách núi và cuộc chiến dai dẳng giữa người và thú bắt đầu.
- Câu chuyện anh kể cách đây bao lâu? D ương Thạch hỏi.
- Vừa tròn ba mươi năm.
- Tức là ông ta cứu Minh Nguyệt sao?
- Không. Ông ấy chết cách đây bốn năm rồi. Võ cô nương có lẽ do Hoa Cúc cứu.
????
- Là một con vượn lông vàng. Mé tây rừng sát vách núi có bãi rộng mọc đầy hoa cúc dại. Đến mùa cúc nở vàng rực làm con vượn mê mẩn thường ra chơi. Bữa đấy, nó mải ngắm hoa bị bọn Dị Phong Lang bao vây. Dị Phong lang là giống sói mắt đỏ di cư từ phương bắc đến. Tính mạng của con vượn đang chỉ mành treo chuông thì người thợ săn đến, dùng thứ thuốc, hẳn giống thứ thuốc của Dương Thạch, đuổi bọn sói. Con vượn khôn ngoan nhận ơn cứu mạng từ đấy không rời, người thợ săn bèn đặt tên cho nó là Hoa Cúc. Hoa Cúc nhanh chẳng kém bọn sói, cùng sức mạnh hơn người và khả năng trèo leo cực giỏi. Hai thầy trò ngày đêm săn lùng, giết được khá nhiều Dị Phong lang và hai lần đánh trọng thương hắc hổ. Nhưng vẫn để nó chạy thoát. Lũ quỷ điên cuồng trả thù, phá bẫy tấn công nhà người thợ săn. Lần ấy, Hoa Cúc đã cõng chủ chạy thoát. Rồi người thợ săn biến nhà mình thành cấm địa với vô kể loại bẫy khủng khiếp nhất, đi đâu ông cũng trang bị hàng đống vũ khí và có Hoa Cúc cảnh giới trên cao. Trong lúc Dị Phong lang hung hãn và hắc hổ tinh ma không giết nổi con người quả cảm thì một cơn sốt rừng lại dễ dàng làm được. Khi người kể chuyện của chúng ta đến nơi, bệnh tật đã ngấm sâu vào cơ thể người thợ săn, ông trút hơi tàn thuật lại câu truyện đời mình, nuối tiếc vì chưa diệt được con quái trừ hại cho dân và dặn dò Hoa Cúc rồi từ giã cõi trần. Người kể chuyện khẳng định đã nhìn thấy con vượn ngấn nước mắt, bỏ khỏi ngôi nhà sàn. Ông ta làm vài việc nhỏ sắp xếp các di vật của người quá cố. Xong xuôi, tính đem chôn thì Hoa Cúc quay lại, mình đầy đất, lẳng lặng mang xác chủ xuống nhà. Ra đến sân sau, người kể chuyện rất đỗi ngạc nhiên khi thấy con vượn trung thành đã bới đất thành huyệt lớn. Người và thú cùng nhau đắp mộ, nấm mộ sẽ yên lành vì người thợ săn đã tính trước ngày này, cắm bẫy đào hào xung quanh. Người kể chuyện càng ngạc nhiên hơn lúc Hoa Cúc đào một cái huyệt khác nằm dưới chân chủ, cách khá xa. Ông ước đoán nó đào mộ cho mình. Người kể chuyện rời khu rừng một cách an toàn trong sự bảo vệ của Hoa Cúc, chia tay nơi bìa rừng, con vượn lưu luyến mãi không rời. Ông ta tìm thấy cái bia có ba chữ “Rừng Khủng Khiếp” mà người thợ săn đã dựng lên để cảnh báo người qua lại, liền khắc thêm bài thơ thất ngôn mà lúc nãy Tiểu Nhi đọc.
- Thật không ngờ! D ương Vân thốt lên.
- Người thợ săn cũng không ngờ ước nguyện trong đời sớm được hoàn thành đến thế.
- Nguyên nhân chỉ bởi nhát kiếm của tên tiểu quỷ này mà ra.
Tiểu Nhi gõ đùa vào trán Dương Vân làm chàng ngượng ngập.
- Em rất gặp may khi đang không thanh bằng kiếm của gã Ngân Vệ vô tình chĩa lên.
- Em vẫn giữ nó phải không?
- Nó hợp với em ngoài tội hơi nặng. Nhưng sẽ giúp em rèn luyện sức khoẻ.
Ngô Quyền quay sang Tiểu Nhi, hỏi:
- Nhân chuyện anh muốn hỏi có phải em không chịu tập kiếm cùng đồng đội hay không?
- Đội trưởng đã kịp “tấu trình” việc này lên chỉ huy rồi sao? Tiểu Nhi cay độc
Ngô Quyền lắc đầu, nói :
- Em không nên ăn nói kiểu thế. Trách nhiệm của người đội trưởng là bảo ban, đôn đốc và quản lý anh em trong đội. Nếu có vần đề gì sảy ra phải báo ngay cho cấp chỉ huy để tìm hướng giải quyết. Trong chuyện này, em đừng vì tự ái cá nhân mà nghĩ người khác cố tình làm khó dễ mình. Em thừa hiểu đội trưởng Thanh Long có riêng sự khó xử. Vì tiến trình tập luyện chung của cả đội, anh ta gạt em ra cũng không có gì là sai cả.
- Vô lý, chỉ không dùng kiếm mà ra ngay kẻ vô dụng hay sao? Không thể tin nổi lại có cái nhìn hẹp hòi như vậy. Nếu sớm biết thế này, thà em chiến đấu chiến đấu một mình còn tốt hơn.
- Anh đoán thể nào em cũng nói thế. Nghe anh nói này Tiểu Nhi. Không ai dám chê tài nghệ của em, dù em không biết dùng kiếm. Nhưng vấn đề ở chỗ trận Kiếm Thủ là một trận bắt buộc đối với Tổng độ trung quân, mọi đội đều phải thực hiện cho kỳ được. Em không luyện là không xong, trừ khi.
- Làm thế nào hả anh?
- Trừ khi em chuyển sang Tổng đội tiên phong. Bên ấy quy định đỡ khắt khe hơn, rất hợp với em. Anh nghĩ kỹ rồi, hiện giờ đội Kim Tiễn đang thiếu người. Em gia nhập là coi như giải quyết xong vướng mắc.
- Được thế thì quá tốt. Tiểu Nhi mừng rỡ. Nhưng em sang một mình hay được kéo cả Dương Thạch đi cùng?
- Em phải đi một mình thôi.
- Em hiểu.
- Còn ý Thạch thế nào?
- Em tin là anh hai sẽ cảm thấy thoải mái hơn.- - Thống nhất vậy đi. Ngô Quyền nói. Uống thôi, vì ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm qua, phải không Vân?