Chuyện tôi giao súng lại cho ông trưởng làng hoá ra chẳng thành vấn đề gì sau khi tôi nói chuyện với chú Minh. Chú cười cười nói: " Cậu lại trở lại đây trong dịp trăng tròn tới mà, có gì đâu! Với lại về huyện huấn luyện giáo viên thì đâu còn giờ để đi săn!" Các chú và các anh bộ đội giữ tôi lại ăn trưa rồi mới cho về. Chú Minh dúi vào túi tôi một mớ tiền nhờ tôi mua mấy thứ vặt vảnh nếu tôi về thị xã. Tôi lấy sổ viết những thứ chú cần rồi đứng dậy giã từ.
Trên đường về Phòng Giáo Dục tôi vẫn không trút hết được nỗi lo âu không hiểu vì lý do gì. Chuyện súng đạn để trong làng đã không gây cho tôi một trở ngại nào thế mà lòng tôi cũng không yên. Tôi nghĩ tới chú Quốc, anh Lý, anh Tiến, anh Công và các anh bộ đội đang truy lùng người vượt biên mà lo sợ. Không biết có phải chuyện này không mà lòng tôi không an tâm mấy.
Các anh Lý, Tiến, Công thì tôi không lo ngại, nhưng với chú Quốc thì đáng sợ lắm vì chú đã nói thẳng thừng là gặp người vượt biên là bắn bỏ chẳng cần tốn công giam giữ làm gì. Tôi lo ngại lỡ mà họ tìm được dấu vết đi tới rừng lồ ô thì thật khổ, cả năm người bạn mới của tôi không chừng sẽ chẳng biết chết bất cứ lúc nào, mà gặp chú Quốc đánh đập tra tấn thì còn tàn nhẫn hơn, mấy anh còn đỡ, một thân con gái như cô Hồng không biết có chịu nổi không.
Vừa nghĩ tới cô Hồng, tôi lại nhớ tới Nhung, tới Du. Không biết bây giờ họ đang làm gì. Không biết Du đã trở lại làng chưa, và Nhung giờ này đang làm gì, hay là lại ngồi trước bàn viết nhật ký. Việc Du giận tôi vì hiểu lầm, không cho tôi một cơ hội giải thích cũng khiến tôi bực mình. Nhưng biết làm thế nào, tôi thực là tình ngay mà lý gian. Đối với người ngoài, Nhung thực sự là vị hôn thê của tôi, hai bên cha mẹ đã gặp nhau, tuy không phải là đi hỏi. Chúng tôi có nhiều cảm tình với nhau, tin tưởng nhau, nhưng trừ nụ hôn âu yếm như người yêu lần đó chưa hề chúng tôi hò hẹn trai gái với nhau một lần nào. Chúng tôi đã từng đi chơi riêng thuở còn học trò nhiều lần nhưng với tính cách bạn bè mà thôi.
Lâu nay lúc một mình đi công tác tôi thường nghĩ tới Du và Nhung. Tôi biết tình cảm của tôi với Du là tự nhiên, do chúng tôi cùng một sở thích văn thơ và cùng công tác trên miền cao, nhưng nếu tiến tới xa hơn cũng cam go lắm vì gia đình tôi đạo Thiên Chúa từ đời xửa đời xưa còn gia đình Du rất sùng đạo Phật. Má Du tới ngày rằm hay mồng một mỗi tháng đều lên chùa tụng kinh, lại có cả một bàn thờ Phật trong phòng khách lúc nào cũng nhang khói. Với Nhung, thì từ xưa đến lúc tôi đọc nhật ký của Nhung, tôi vẫn xem Nhung là một người bạn gái tốt. Tình cảm của tôi với Nhung có thể đã đổi khác nếu như Hải không yêu Nhung thuở ban đầu và Hải không nhờ tôi giúp đỡ. Hải là bạn thân của tôi và tôi lúc đó cũng chưa rung động nên gồng mình làm quân tử Tàu sẵn sàng làm mai. Ai biết chuyện đời có nhiều cái trớ trêu như chuyện tình yêu lòng vòng.
Tôi vừa đi vừa trầm ngâm suy nghĩ chẳng biết là mình đã gần ra tới đường lớn, xe có thể chạy dẫn từ thị xã Pleiku lên tận vùng biên giới B.10, B. 12 nơi có công trường lớn của các anh các chú bộ đội. Đi theo đường này thì nhanh hơn, không phải đi vòng, hay ghé các làng và thỉnh thoảng nếu may mắn có thể đón xe bộ đội quá giang lên biên giới hay về huyện hoặc thị xã.
-- Đồng chí kia, làm gì lùi lũi đi không chào hỏi gì cả?
Tôi giật mình ngẩng đầu lên nhìn:
-- A chú Quốc, anh Lý, anh Công, anh Tiến, ... Chào tất cả các anh! Các anh ở làng Ea Yut về rùi hở?
-- Còn nhớ tên chú là còn khá lắm! Đây ngồi xuống đây dưới bóng cây nghỉ mát một chút!
Tôi vừa ngồi xuống cạnh anh Tiến vừa nhìn chú Quốc nói:
-- Sao quên được chú? Mới gặp mấy hôm mà quên sao? Các chú và các anh có gì lạ không?
-- Không, đi mấy ngày chẳng tìm được ai hay con thú nào! Nghĩ cũng bực mình! À ở gần đây có vùng nào có thú rừng không? Đồng chí có rảnh không? Dẫn bọn chú đi săn một lúc!
Tôi phá lên cười ha hả:
-- Các chú các anh tính làm mắm trâu hở? Ở căn cứ vừa mới bắn được ba con trâu hôm qua, mà bây giờ các chú định đi săn nữa sao?
-- Thật không? Đồng chí không bố láo chứ? Làm gì mà săn được một lúc ba con trâu?
-- Ba con trâu to kềnh đó chứ cháu có nói dối đâu! Chú và các anh về căn cứ mà coi! Chú Minh, chú Dũng sẽ kể cho chú và các anh.
Tôi nhớ chuyện chú Dũng ăn gian bật cười nức nẻ:
-- Chú Quốc nhớ hỏi chú Dũng chuyện đếm từ một tới một ngàn nhá!
-- Sao có chuyện gì sao mà cậu vui thế?
-- Cái này cháu không nói được, chú phải hỏi chú Dũng! Cháu nói ra mất hay! Chú không cười không được!
-- Cái gì mà rào đón dữ vậy?
-- Cháu nói không được mà! Chú và các anh cứ về căn cứ hỏi là biết ngay.
Anh Tiến ngồi cạnh tôi quay sang hỏi:
-- Anh Quang không đùa đó chứ? Bắn được ba con trâu thật sao?
-- Thật đó, em phải gọi dân làng ra xẻ thịt heo đủ chia cho cả hai làng và cả căn cứ các chú và các anh.
Chú Quốc và các anh bộ đội nhao nhao hỏi, tôi đành kể lại chuyện tôi gặp bầy trâu rừng và chuyện đi săn của chú Dũng và các anh bộ đội khác nhưng tránh không nhắc chuyện ăn gian của chú Dũng. Chú Quốc đập đùi mạnh một cái nói to:
-- Tiếc đếch chịu được! Thật là một chuyện hy hữu trong rừng! Đồng chí Quang phải trở lại dẫn chúng tôi đi săn một chuyến đã như vậy mới được! Mà sao đồng chí có số may mắn sao đó, đi đâu cũng có thú rừng để ăn, có người để làm bạn!
-- Được chú đã nói thế chừng tháng tới cháu lên dẫn chú đi bắn heo rừng, hay nai rừng! Trâu rừng thì cháu không dám chắc, vì chúng di chuyển nhanh lắm, ít khi quanh quẩn một chỗ.
-- Nhớ đó nha! Đồng chí mà bố láo, đếch làm đồng chí với nhau nữa!
-- Cháu có khi nào dám nói dối chú! Cháu sẽ lên lại mà! Nói thật chú này nha! Cháu được nhận làm bộ đội danh dự ở căn cứ các chú, các anh rồi đó nhé!
-- Thế nào? Nói cho chúng tôi nghe đi!
-- Chuyện này chú và các anh cũng phải hỏi chú Minh và chú Dũng!
Chú Quốc vừa cười vừa chửi thề:
-- Cái thằng này nói chuyện ỡm ờ đếch chịu được! Bọn mình phải về thôi, không có thì rượu cạn mà thịt trâu cũng chẳng còn.
Tôi dò hỏi chuyện truy lùng người vượt biên, chú Quốc nói:
-- Chắc bọn phản động. cũng chết bờ chết bụi hay dã đi về hướng khác rồi, thuộc phạm vi của căn cứ của đơn vị khác mình chẳng đáng quan tâm.
Nghe vậy tôi cũng tạm yên lòng, chứ không cũng lo vì rừng lồ ô tuy không gần căn cứ chú Minh, chú Dũng, chú Quốc, nhưng nếu họ cố truy lùng thì không khéo họ có thể tìm ra nếu các anh chị kia không cẩn thận. Trốn một hai ngày hay di chuyển đều thì dễ chứ ở một nơi, đi vệ sinh không khéo thôi thì cũng đủ gây nên những mùi hôi thối đáng nghi ngờ hay chân dẫm lên cỏ lá cũng có thể để lại dấu tích. Tôi thầm hy vọng anh Trung, anh Tâm sẽ hướng dẫn ba người mới kia.
Các chú bộ đội chào tôi rồi đi về hướng Tây, còn tôi cũng lững thững đi về hướng Đông. Cuộc nói chuyện vừa rồi với các anh bộ đội phần nào trấn an tôi, nhưng khi nghĩ tới năm người bạn mới lòng tôi thấy nóng bức chi lạ. Không lẽ chuyện gì sẽ xảy ra? Chuyện anh Minh và chị Hồng chưa phải là người đính hôn thì có liên hệ gì với tôi. Chị Hồng rồi cũng sẽ ra đi. Đâu có vướng bận gì tới tôi mà tôi phải lo nghĩ chứ!
Tôi nghĩ tới nghĩ lui, công cuộc huấn luyện giáo viên này là do ý kiến của tôi và anh Ít. Tôi nhất định không để một lý do nào ngăn cản sáng kiến táo bạo và tiến bộ này. Đồng bào họ trông chờ sự hiện diện của các giáo viên sắc tộc, nói và viết được tiếng mẹ đẻ của họ. Đây là bước đầu của việc phát triển dân sinh dân trí có thể làm thăng bằng cán cân chính trị giữa người Kinh và người Thượng. Không có văn hoá thì cơ sở chính trị dân tộc cũng bị lung lay và có nguy cơ bị đồng hoá.
Tôi đã tiếp xúc, sống và tìm hiểu được nhiều về người Jrai. Họ có nền văn hóa rất cao, thể hiện qua lời ca tiếng hát và những trường ca " khan" hay " ri" của họ. Những bài ca đó cũng có tính cách trữ tình, phối cấu hình tượng và kỹ thuật cũng cao, không kém gì trường ca Đam San của dân tộc Rhade ở vùng Ban Mê Thuột, hay Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, hay Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du. Lời lẽ có phần mộc mạc, cụ thể, nhưng rất linh động như trong truyện ca mang tên chàng Jiong:
" Chàng trèo qua bảy núi
Chàng lội qua bảy mương
Đem dao rừng đẵn củi
Đi tìm bóng người thương" (1)
Công việc của anh Ít và tôi trong những ngày sắp tới là đào tạo một lớp giáo viên Jrai hăng say dạy tiếng mẹ đẻ và thu thập những truyện ca, những ca dao, những truyện truyền khẩu của dân tộc Jrai để bảo tồn và phát triển văn hoá đặc biệt của họ trước khi bị tàn lụi với thời gian vì thiếu chữ viết.
Nguy cơ mất cả kho tàng văn hoá Jrai rất rõ rệt khi tôi ngồi nghe những người già hát, rồi tôi hỏi những người trẻ 20 đến 40 họ đều lắc đầu không biết mặc dù họ đã nghe những " ri" những " khan" này nhiều lần. Có đêm tôi ngồi nghe hát, cứ láy hoáy viết xuống, rồi sau khi người già hát xong mỗi đoạn, tôi lại xin họ hát thêm lần nữa để tôi tẩy tẩy xoá xóa hay thêm vào cho đúng. Sau đó tôi gân cổ lên thử hát, ngâm như các cụ già làm bao nhiêu người ngạc nhiên, hỏi làm sao tôi có thể nhớ những tình ca của họ.
Tôi cầm quyển vở với những dòng chữ nguệch ngoạc, nói với họ:
-- Tất cả ở trong này, tôi đã viết xuống đây, rồi đọc lại thôi!
-- Khó tin quá, ông thầy là con Jrai rồi. Không ai có thể biết những chuyện này nếu Giàng không cho phép. Giàng chỉ cho những người con đặc biệt của núi rừng thôi.
Tôi cũng thấy vui vì những ý nghĩ chất phác của họ, có lần tôi bảo:
-- Chắc tôi là con Jrai được người Kinh nhận làm con nuôi lúc nhỏ quá! Xem này, tôi cũng nâu đen như các anh chị đó!
Họ gật đầu đồng ý, tôi hẳn là con Thượng do hoàn cảnh chi đó được giao cho người Kinh nuôi dưỡng bây giờ Giàng gọi trở lại núi rừng giúp đỡ những người Jrai trong hoàn cảnh mới.
Nghĩ tới công việc sắp tới và việc tiếp xúc với người Jrai, hồn tôi phấn khởi, nhưng chỉ được một đoạn đường. Tới gốc cây lớn bên đường toả bóng mát dìu dịu, tôi ngồi xuống nghỉ mệt, tôi lại áy náy sốt ruột sao đó. Tôi bỏ bao lô xuống, lấy bi đông nước ra uống một ngụm nhỏ, liếc nhìn địa chỉ người nhận trên bià thư anh Minh gởi cho người nhà.
Không ai khác hơn là một đoàn viên từng sinh hoạt ở phường Hoa Lư của tôi. Cô này chúng tôi lén lút gọi là những người cách mạng 30 tháng Tư rất hăng say với chế độ mới và đã đưa bao nhiêu người vào cảnh khổ. Chúng tôi rủa thầm những người cách mạng tháng Tư còn thậm tệ hơn cả các cán bộ từ miền Bắc đưa vào.
Tôi có nên mở thư gởi riêng ra đọc không? Mở làm sao? Có liên quan gì tới tôi hay tới ai không? Tôi đâu thể mù quáng giúp đỡ người rồi tự đưa tôi vào chỗ chết được. Phải khôn ngoan như con rắn, phải hiền lành như bồ câu. Tôi phải làm gì? Có nên mở thư người khác khi họ tin tưởng giao cho mình không? Làm thế thì mất sự tín nhiệm, tồi quá!
Tôi lắc đầu, " Mình lại lẩn thẩn nghĩ quấy rồi! Chắc tại đi đêm nên nghĩ tới ma thôi!"
Tôi bỏ bi đông nước vào túi bao lô, rồi khoác bao lô lên vai. Đi đường vẫn vẩn vơ nghĩ tới bức thư gởi cô cách mạng 30 tháng Tư, bứt rứt. Có thể là mọi lo lắng của tôi bắt đầu từ đấy! Hôm gặp anh Minh, anh Cường và Nhung, ba người chỉ có bộ quần áo trên người, làm sao có giấy viết sẵn mà viết vậy. Có thể anh Minh xin anh Trung, nhưng xin anh Trung lúc nào mà tôi không biết. Bức thư này vậy đã viết trước rồi chứ không phải lúc chúng tôi ngồi nói chuyện anh Minh mới bắt đầu viết. Vậy trong đó anh Minh viết những gì? Có nguy hiểm gì cho tôi không?
Chú thích(1) Truyện ca " ri" mang tên chàng Jiong.