Tôi gặp Du cũng đã thật lâu rồi. Nàng yêu thơ và làm thơ hằng tuần. Lúc đó tôi chưa hề viết một bài thơ nào, nhưng tôi rất thích được nghe nàng nói chuyện về thơ, đọc thơ ... Thơ đối với nàng như hơi thở . Có lúc tôi lặng nhìn nàng đọc thơ hàng giờ. Chúng tôi chơi thân với nhau mà chẳng hề nghĩ đến tình yêu trai gái trong thời gian quen nhau. Chuyện thơ văn là giây nối mối tình bạn thơ mộng của chúng tôi.
Nàng là giáo viên được cử lên huyện Chu Pah, Gialai-Kontum khi chưa đầy mười tám tuổi nên trong đôi mắt nàng lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn xa nhà. Tôi là giáo viên chuyên trách Bổ Túc Văn Hoá, đến nhận việc trước nàng khoảng ba tháng nên kể ra cũng rành đường đi nước bước hơn nàng trên làng thượng hẻo lánh. Chúng tôi ở ngay tại Phòng Giáo Dục huyện. Ban ngày ngoài giờ dạy học, tôi dẫn nàng đi thăm các thôn làng gần đó, kể cho nàng nghe phong tục lối sống của những người dân tộc thiểu số. Buổi tối chúng tôi ngồi phòng khách nói chuyện văn thơ cùng với các giáo viên khác.
Thông thường các giáo viên khác đi nghỉ sớm, còn lại hai đứa tôi thì Du đem thơ nàng ra đọc cho tôi nhận xét. Dĩ nhiên nhận xét của tôi rất tài tử, thấy hay thì nói hay, thấy dở thì nói dở chứ không có lý thuyết gì hết vì tôi có am tường luật thơ gì đâu . Mọi nhận xét chỉ theo cảm nghĩ của một thanh niên vừa lớn.
Mọi người trong phòng giáo dục tưởng hai đứa chúng tôi có tình ý với nhau nên lúc nào cũng tò mò để ý xem quầng mắt chúng tôi có sâu sau những đêm bàn bạc về văn thơ . Hẳn nhiên khuôn mặt chúng tôi vẫn tươi tắn và chẳng có dấu vết nào mà mọi người chờ đợi .
Chúng tôi càng cười thầm với nhau trong lúc mọi người trông chờ một cái gì bất thường trong cuộc sống của chúng tôi . Chúng tôi gần như là đồng lõa trong tấn tuồng đáng tức cười này . Ai nấy đều chờ đợi, nhưng hai nhân vật chính của một cuộc tình lại chẳng tỏ ra chút đam mê nào . Hai đứa chúng tôi cứ giữ mối tình bạn trong trắng cho đến khi một giáo viên cấp hai từ Qui Nhơn được bổ lên huyện chúng tôi .
Thầy Phong dáng cao phong sương, chơi đàn tây ban cầm rất giỏi, và tán gái cũng thật tài. Sau ba tuần thầy đã chinh phục cô Hương, một giáo viên ở Phòng Giáo Dục huyện . Sự đời oái ăm, cái gì dễ thì chóng quên . Thầy hỏi tôi có quan hệ gì với Du không, tôi dại khờ nói chỉ là bạn thôi . Thầy cười nói thầy muốn theo đuổi Du . Tôi có quyền gì mà ngăn cản đành cười trừ.
Du rất ghét thầy Phong, vì cô Hương đã từng tâm sự với Du về chuyện tình của hai ngườị Du nói với tôi, "Ông thầy Phong dê không đúng chỗ! Du là bạn thân của Hương, đã là người tình của ông Phong mà ông Phong lại theo đuổi Du thì ông không phải là người đứng đắn!"
Oái ăm sao! Thầy Phong và Du được bổ vào làng Ea Blang để dạy các học sinh trong đó. Trong đó chưa có học sinh cấp hai, nên thầy Phong cùng Du chỉ dạy từ lớp 1 cho đến lớp 5, mỗi lớp cũng chỉ có ít người thôị
Du ngao ngán, xin khiếu nạị Ông trưởng phòng giáo dục lại là người miền Bắc cử vào Nam nên không cứu xét hoàn cảnh tế nhị của giáo viên nam và nữ trong cảnh đơn chiếc ở một làng xa xôi . Du buồn lắm, nói với tôi, "Quang phải vào thăm Du thường xuyên đó!"
Tôi là giáo viên chuyên trách, nhờ tôi chịu khó học tiếng Gia-rai nhanh với một giáo viên Thượng ở phòng giáo dục, anh It . Anh xem tôi như một người em, lúc nào cũng chỉ dạy tôi tiếng Thượng và phong tục người Thượng .
Hằng ngày, sau khi ăn cơm xong, anh It và tôi thường đem lưới và cần câu cắm xuống ruộng và mương để kiếm thêm cá phụ trội cho ẩm thực ít ỏi do nhà nước cấp. Sáng nào tôi hoặc anh Ít cũng đi gỡ lưới và nhổ câu cắm. Hôm nào chúng tôi cũng có thêm cá tươi cho bữa ăn tốị