Tôi định bụng sẽ dậy sớm để ra đi một cách âm thầm sau khi viết một ít lời để lại cho thầy Dũng nhờ thầy nói lại với gia đình bao bọc lo cho chỗ tôi ngủ, nhưng khi nghe tiếng gà gáy sáng thì tôi đã thấy ông trưởng làng lúi cúi chụm hai thanh củi chỉ có tí ti vết đỏ thổi lửa cho cháy lên một cách cực nhọc. Tôi với lấy bao lô xem tôi còn hộp diêm nào không. May quá, vẫn còn mấy hộp! Tôi lấy một hộp còn đầy que diêm, và xé mấy tờ giấy đã viết , nói:
-- Để tôi chụm lửa cho!
Ông trưởng làng tên Ksor Ya cười:
-- Ông thầy có cay mắt không? Khói quá mà!
-- Không sao, tôi có cách làm cho hết khói và cháy mau! Tôi có hộp diêm đó!
Tôi châm que diêm và đốt giấy bỏ vào bếp cùng với các thanh củi nhỏ. Khi lửa bắt đầu lan thì tôi mới bỏ những thanh củi lớn vào bếp. Tôi đưa ông trưởng làng hộp diêm:
-- Ông cầm lấy hộp diêm này dùng khi cần.
-- Thật không? Ông thầy không cần à?
-- Không sao, tôi còn. Khi nào tôi về tỉnh tôi mua thêm.
-- Lúc thầy trở lại, mua cho tôi ít muối, thuốc lá và quẹt lửa nhé!
-- Được, để tôi ghi vào sổ. Tôi sẽ nhớ để mua cho ông!
-- Để tôi đưa ông thầy gạo trước nha!
-- Không tôi phải về huyện dạy cả hai tuần rồi tôi mới về thị xã mua đồ rồi mới trở lại được, lấy gạo của ông, rồi cả tháng mới giao hàng, tôi áy náy lắm!
-- Không sao mà, tôi và dân làng tin tưởng thầy! Đâu có gì mà ông thầy phải lo!
-- Vậy ông cho tôi bao nhiêu gạo cũng được!
Ông trưởng làng đi vào góc nhà, lấy gạo đổ vào đầy ruột tượng là túi vải may như một cái ống dài, bộ đội và du kích thường đeo gạo trên vai vừa nhẹ nhàng, gọn ghẽ, dễ đi lại. Nguyên một túi ruột tượng cũng khoảng 4 tới 5 ký gạo chứ chẳng chơi, tha hồ mà mua bánh thuốc khô, muối , quẹt và đá lửa. Những người Kinh buôn bán thường đi vào các buôn làng đổi chác một cách cắt cổ mà dân làng chất phác chẳng hề hay biết. Tôi thì đổi chác một cách sòng phẳng, tính cách giúp đỡ đồng bào cũng như tiện việc ăn uống thôi chứ chẳng mong làm giàu, dù muốn làm giàu cũng không khó, vì tôi rành rẽ tiếng của dân làng và đã phần nào có uy tín với họ.
Tôi giao súng và đạn chú Minh đã cho tôi trưa hôm qua cho ông trưởng làng, nói:
-- Ông giữ súng và đạn giùm tôi. Ông có thể dùng để đi săn! Súng đạn này là của bộ đội giao cho tôi. Nếu họ tới đây đòi lại, ông cứ việc giao lại. Tôi không muốn đeo súng khi tôi đi về huyện dạy học. Súng này tôi chỉ dùng để đi săn trên vùng này thôi.
-- Thầy không sợ mất à?
-- Ông là trưởng làng, ai mà dám lấy cắp ở nhà ông?
-- Được, ông thầy tin tôi thì tôi giữ cho. Tôi chưa để mất lòng tin của ai bao giờ!
-- Tôi biết mà, ông mà làm mất uy tín thì làm sao có thể làm trưởng làng mà cả các làng chung quanh cũng kính phục ông?
Tôi từ giã ông Ksor Ya và ra đi lúc trời còn mờ sáng. Thầy Dũng và mọi người vẫn còn ngủ, tôi nhớ mãi lời ông trưởng làng khi tôi khen ông dậy sớm: " Làm trưởng làng cũng như làm cha mẹ của dân, phải dậy trước mọi người, lo những cái lo của mọi người, cũng như thầy làm cán bộ phải lo những cái lo của thầy giáo trước mọi người! Tôi còn muốn làm nhiều hơn, nhưng cái tuổi cao rồi như cái cây cổ thụ không biết ngày nào đổ xuống!" Tôi tự nhủ trong thâm tâm, kỳ trở lại thị xã tôi sẽ cố gắng bỏ tiền mua đủ mọi thứ, thuốc men, muối, thuốc lá giao cho trưởng làng này. Ksor Ya! Ksor Ya! Ông thật xứng đáng là một lãnh tụ.
Chuyện ra đời của ông cũng đã thành giai thoại của dân làng. Mẹ của ông sinh ông lúc ngồi nghỉ cạnh con suối thường khô cạn trong mùa nắng gặp cơn mưa suối khô thành con suối nước chảy xiết. Người mẹ trong lúc lâm bồn không biết có phải khát nước hay thấy nước mưa chảy mạnh cứ la to: " ya, ya, ya" hoà với tiếng khóc oa oa của trẻ sơ sanh. Cha mẹ ông, thầy mo đặt tên ông là Ya, tước là nước cũng từ đó. Theo thầy mo bấy giờ ông sẽ trở thành một lãnh tụ hướng dẫn dân làng kinh qua nhiều biến cố mà cuộc sống của ông Ksor Ya đã và sẽ chứng minh sau này.
Bao lô khoác trên vai, ruột tượng kéo từ vai sang hông, và ôm một mớ cơm ống cuộn trong áo mưa kể cũng nặng nhưng tôi hôm ấy đi nhanh thoăn thoắt vì tôi phải về tới phòng giáo dục hôm nay, lại còn phải ghé căn cứ bộ đội trước khi về. Một đêm ngủ ngon đã hồi phục sức khoẻ của tôi. Lòng phấn chấn tôi hớn hở đi miết, tới gần chỗ ẩn nấp của các bạn mới của tôi ở rừng lồ ô thì tôi lủi vào, nhẹ nhàng đi vì không muốn để lại dấu tích nào khả nghi.
Tôi đang len lỏi vào khu lồ ô thì có tiếng nói không to lắm nhưng đủ nghe rõ ràng:
-- Tôi quả quyết anh ấy không trở lại đâu!
Có tiếng con gái, nhỏ nhẹ hơn:
-- Anh Quang sẽ trở lại, anh ấy không phải là người như anh nghĩ đâu!
-- Thôi đừng suy đoán lung tung nữa, tôi thì tin tưởng Quang sẽ trở lại, có lẽ vì lý do nào đó mà Quang không tới được thôi. Các anh không nghe hôm qua có một loạt tiếng súng là gì sao?
Chẳng còn nghi ngờ gì tôi cũng biết là họ đang hoài nghi vì sự trễ hẹn của tôi. Tôi đã hẹn với họ chiều đến là tôi ghé lại, nhưng vì chuyện săn trâu, chuyện làng có người chết nên việc trở lại của tôi không thực hiện ngay được. Tôi cũng không muốn lén nghe chuyện họ bàn tán nên giả bộ huýt sáo đi từ từ lên chỗ lùm tre. Nghe tiếng huýt gió thì tiếng nói chuyện cũng ngưng. Tôi đi lên như không hề biết chuyện gì, đưa mắt nhìn quanh, cũng không thấy ai. Thì ra, các bạn ấy cũng đề cao cảnh giác, dù cũng còn sơ sót vì việc nói chuyện vừa rồi. Tôi ngẩng mặt nhìn lên bụi tre: " Xuống đi, Quang đây! Không có ai khác đâu!"
Anh Trung lác cành le trèo xuống:
-- May quá, Quang vừa tới! Cả bọn vừa bàn cãi chuyện Quang tới hay không tới! Anh Minh và Cường thì cho Quang đã quên bọn mình rồi. Có Hồng , Tâm và Trung là nhất quyết Quang sẽ trở lại.
-- Họ đâu hết rồi?
Anh Trung hất hàm về phía mấy bụi tre gần đó:
-- Họ leo cả trên mấy bụi tre kia!
-- Tốt, thực ra các anh cũng thông thạo việc trốn tránh rồi. Quang đỡ lo. Hôm qua chỗ làng Tung Breng có người chết, dân làng bị bệnh nhiều, Quang phải lên căn cứ bộ đội xin thuốc, rồi đưa bộ đội đi bắn trâu, rồi ở lại cúng Giàng với dân làng, mệt quá nên ngủ lại, sáng nay mới tới được.
Đang phân trần với anh Trung, thì anh Tâm, Minh, Cường cũng như cô Hồng leo xuống và đi lại chỗ chúng tôi:
-- Chào các anh chị nhé. Quang vừa nói với anh Trung lý do tới đây trễ vì trong làng có người chết và bị bệnh...
Cô Hồng ngắt lời tôi:
-- Anh Quang không cần phân trần mà! Anh còn bận bao nhiêu việc, Hồng biết chắc nếu anh tới trễ là có lý do đặc biệt.
Tôi đưa mắt liếc nhìn anh Minh xem phản ứng ra sao. Hình như anh ta có vẻ khó chịu, có thể là ghen bóng ghen gió gì đây, tôi tảng lờ.
-- Cám ơn chị và các anh đã tin tưởng Quang. Thôi có một mớ cơm ống và ít gạo của đồng bào cho đây. Anh chị giữ mà dùng. Quang ghé thăm dặn dò một tí rồi phải đi ngay, vì nội trong ngày phải về tới Phòng Giáo Dục đó!
-- Anh Quang không ngồi nghỉ một lát được sao? Các anh ở đây và Hồng còn muốn hỏi nhiều việc với anh mà.
-- Có việc gì thì cứ hỏi đi.
-- Ở đây không ai rành đường rừng bằng anh Quang, anh có thể vượt biên với bọn này không?
-- Quang chưa hề nghĩ tới chuyện này, hơn nữa Quang có nhiệm vụ xóa nạn mù chữ mà, đâu có thể bỏ đi ngang xương vậy. Quang giúp các anh chị vì thấy các anh chị cần thôi, chứ việc ra đi Quang không đi đâu. Nếu các anh chị theo những lời chỉ dẫn của Quang thì chín mươi phần trăm là thành công, còn mười phần nữa là do số phận đó!
-- Thôi mà, Hồng năn nỉ đó!
-- Không được chị ạ! Quang còn nhiều việc dự định phải làm, chưa thể cuốn gói ra đi được. Quang hy vọng các anh chị có thể tới mảnh đất tự do được bằng an.
Tôi ngồi chỉ vẽ lại cho anh Trung, anh Tâm, anh Cường và cô Hồng, còn anh Minh, sau khi hỏi tôi có thể ghé bưu điện gởi một lá thư về thị xã, được tôi gật đầu, thì ra một góc viết thư. Tôi nói sơ qua về tình hình ở khu vực mà tôi biết được với chuyện tôi trở lại đây trong vòng ba tuần sau khoá huấn luyện giáo viên dân tộc thiểu số. Tôi tả qua sông Krong Poco, mực nước, xuồng và cách đi lại.
-- Tóm lại, từ nay trở đi, các bạn tuỳ cơ ứng biến! Đi được thì đi, còn không đêm rằm tới Quang trở lại, có thể giúp các bạn thêm một đoạn đường nữa. Nhưng tuyệt đối các bạn không thể để bị lộ hay để các dấu tích đáng nghi ngờ khiến việc giúp đỡ của Quang không thể thực hiện được. Nếu vì một lý do nào đó Quang không thể tới chừng hai ba ngày sau đêm trăng rằm thì coi như Quang không thể tới và các bạn phải tức tốc tìm cách ra đi. Còn nếu các bạn có thể đi trước được thì càng hay. Các anh chị đồng ý chứ?
Tôi đổ gạo ra khỏi ruột tượng vào bao đựng đồ của anh Trung, giữ lại bao vải để trả lại cho trưởng làng đồng thời nhỡ có chuyện gì không ai có thể nghi ngờ tôi thông đồng với những người vượt biên. Tôi cầm thư anh Minh đã dán cẩn thận, rồi từ giã mọi người. Anh Trung đi theo tôi một quãng, nói nhỏ:
-- Quang cẩn thận. Anh Minh có vẻ đáng nghi ngờ và không hẳn là người yêu của cô Hồng đâu. Trung đã nghe hai người cự nự nhau gì đó!
-- Không sao, cám ơn anh! Anh trở lại đi. Quang sẽ để ý!
Tôi rời khu rừng lồ ô, gánh nặng đã trút xuống, không còn gạo, không còn cơm ống, mà sao chân bước không nhẹ nhàng như lúc tôi tới. Tôi cảm thấy lòng nặng trĩu vì có sự khả nghi, vì có một cái gì đó không thể định nghĩa. Tôi phải suy nghĩ và tìm ra sự linh tính đáng ngại này. Tôi không nghĩ chú Minh hay chú Dũng sẽ phiền lòng vì chuyện tôi gởi súng đạn nơi ông trưởng làng. Có lẽ họ hơi ngạc nhiên, chứ không đến nỗi nghi ngờ tôi là phản động. Tôi đã nói với họ là tôi không thích cầm súng khi đi giảng dạy, súng với tôi chỉ là công cụ đi săn kiếm lương thực mà thôi. Tôi sẽ nói rõ cho họ là ông trưởng làng tên Ksor Ya nắm giữ giùm. Nếu họ cần lấy lại tôi có thể viết vài lời cho ông trưởng làng. Tôi đã nói với ông là súng do bộ đội giao, nếu bộ đội cần thì cứ giao lại cho họ. Tôi biết là hai chú cũng như các anh bộ đội khác không thể trách tôi về việc đó, nhưng sao lòng tôi cũng cứ thật nặng nề. Hình như có việc gì bất tường có thể xảy ra nếu tôi không giữ gìn cẩn thận.