Tôi về tới Phòng Giáo Dục lúc mọi người đã đi vắng cả, chỉ trừ chị Chức là chị nuôi của phòng. Chị nuôi, anh nuôi là danh từ miền Bắc gọi những người lo ẩm thực, nấu bếp nuôi quân trong bộ đội. Chị người miền Trung, chắc khoảng ba mươi mấy. Chồng chị đi lính Cộng Hoà, chết trận trong mùa hè đỏ lửa tại Kontum năm 1972. Tôi hỏi tại sao mọi người đi vắng hết và họ đi đâu mất rồi. Chị trả lời:
"Các anh chị trong Phòng đi họp bên huyện."
"Về chuyện gì thế, chị biết không?"
"Nghe anh Nhật nói về chuyện gì do chính em đề nghị đó!"
"À chuyện tuyển dụng các người Thượng biết tiếng Jrai để làm giáo viên và dạy tiếng Thượng cho những người lớn tuổi không học được tiếng Kinh lúc đầu."
"Đúng rồi, chị thấy anh Nhật chọc anh Ít làm lớn gì gì đó!"
Lợi dụng trời còn sớm, tôi tranh thủ thời gian đi vào làng Ea Blang thăm Du, thầy Phú, thầy Phong sau khi dặn chị Chức là tôi sẽ về ăn tối tại đây. Thường lệ là khi ăn hay không ăn, cần phải báo cho nhà bếp biết để nhà bếp nấu vì ăn uống có chế độ, nghĩa là có thể chế và điều độ gì đó theo cách nói của các anh chị miền Bắc. Mỗi người được cấp phát đúng khẩu phần gạo và thức ăn của mình trong tháng, xài nhiều thì sẽ thiếu. Chị Chức chọc tôi, "Liệu mà giữ hồn đấy nhé, em đào hoa vừa thôi, vừa đưa cô nào đó về thị xã, lại vào thăm cô Du. Coi chừng ban ngày lắm mối tối nằm không!"
Tôi cười nói với chị, "Thế chị không thấy xưa nay em không nằm không đấy à?"
"Thôi đi đi, khỉ quá, cho kịp về ăn tối!"
Thôi thầm nghĩ trong bụng hôm nay tôi đạt giải quán quân về lội bộ, đi một lượt mấy làng và làm những chuyện khó mà tưởng tượng. Lỡ rồi, mà nếu có gặp lại trường hợp tương tự nào nữa tôi cũng sẽ làm như tôi đã làm. Làm sao tôi có thể làm ngơ không giúp người hoạn nạn gặp đường cùng như Nhung, như các anh Trung, anh Tâm...
Thầy Phong và cô Du còn đang dạy học, nên tôi ghé nhà thầy Phú trước hỏi qua tình hình dạy bổ túc văn hoá. Thầy Phú và tôi nói chuyện một hồi về công tác xoá nạn mù chữ, rồi tôi hỏi thầy Phú xem ở đây là làng lớn, có ai biết viết tiếng Thượng khá không, thầy cho tôi được mấy tên, tôi ghi vào sổ, coi như mục đích vào làng của tôi đã tạm hoàn thành. Người ta thường nói đừng kết hợp việc tư với việc công, tôi thì thích làm chung cả hai cho có kết quả khi có thể như vậy mới vui hơn và không ai trách cứ mình. Cuộc đời đã khổ sở, tại sao mình không đem tâm trí ra để vui trong công việc của mình chứ. Cứ lo buồn, than thân trách phận, mà chẳng làm được gì thì buồn chán mãi, sinh bệnh thôi. Khi tôi hỏi thầy Phú về cô Du và thầy Phong, thầy Phú chọc, "Chết Quang rồi đó nhé, lần này không tránh khỏi trận đòn ghen của cô Du."
Tôi tự nhủ, đúng là thầy Phong mắc dịch lại hoa hoè hoa sói nói lung tung rồi. Tôi cười với thầy Phú mà nhói đau, "Đâu có gì đâu, Quang xem mọi người đều là bạn mà!"
"Bạn cái con khỉ, cô Du khóc mấy đêm liền kìa!"
"Chuyện gì mà phải khóc?"
"Còn chuyện gì nữa, bồ Quang từ thị xã lên tận trên này thăm Quang. Quang lại đưa nàng về, lại còn giả bộ ngây thơ nữa!"
"Ai nói Quang đưa bạn Quang về cho anh nghe!"
"Thì còn ai nữa, chính cô Du đó! Thầy Phong đưa tin về bạn Quang lên chơi, hai hôm sau thì Du ra Phòng Giáo Dục thì biết tin Quang đã về thị xã. Không đưa bồ Quang về thì về thị xã làm gì!"
"Chết chưa, thật đúng là tình ngay lý gian, Quang đưa các bạn Quang về thật, nhưng còn ít chuyện khác nữa chứ bộ"
"Nói sao thì nói, liệu có thể thuyết phục được cô Du không thì mới tài!"
"Chẳng có gì để thuyết phục cả, anh ạ!"
Ngoài miệng tôi nói như thế, nhưng trong lòng ngổn ngang. Tôi và Du rất thân thiết nhau, nhưng chúng tôi cũng chưa bao giờ tỏ tình với nhau, nên trong tình cảnh này, dù tôi có muốn yêu nàng, tôi cũng không nên nói, cho đến khi mọi sự ngã ngũ rõ rệt. Tôi không muốn bị người khác cho tôi là người lang chạ người này người khác. Tôi phải khác thầy Phong hay những người đào hoa khác. Đâu được để trái tim mình hoen ố vì những chuyện không đáng, đi ngược lại với lương tâm trong sạch của mình.
Tôi đi ra bờ suối chặt ít cây đót, tức là cây bông lau về làm chổi và ít hoa quỳ vàng cho Du trước khi Du dạy xong. Hoa quỳ trông rất đẹp mùi hăng hăng không có hương thơm như những loại bông khác. Cây quỳ rất dễ trồng, chỉ cần chặt cây, cắm nước cho mọc rễ là có thể trồng được. Vào mùa mưa, chặt cành quỳ rồi cắm ngay xuống đất sốp, cành quỳ cũng có thể đâm rễ và mọc lên được. Cây quỳ mọc rất nhanh, thường người Kinh chặt trồng làm hàng rào, hoặc chặt làm phân xanh. Làm phân xanh là chặt các cây hôi, cây quỳ ra nhỏ rồi ủ đất lên, sau một thời gian, hoặc trộn với phân chuồng là đồ phế thải của heo, gà, bò ... hoặc trộn với đất thường dùng làm phân chăm bón cho mùa màng rất tốt.
Tôi đưa hoa quỳ cắm trong ống tre cắt ra có thể dùng để đựng bút hoặc muỗng, đũa... Tôi đang loay hoay cột cây đót lại làm chổi thì lớp học xong, Du về.
"Anh Quang vào chơi đó hở?"
Tôi ngẩng đầu lên nhìn Du, khuôn mặt nàng lạnh lùng chứ không lộ vẻ niềm nở như ngày nào. Tôi bình tĩnh nói:
"Quang mới ở thị xã lên, có quà cho Du nè! Có thư của gia đình Du nữa! Quang ghé lại nhà ba má Du, nói vì Quang về gấp quá nên không kịp vào thăm Du ở một làng mới trước khi về. Gia đình Du mọi người đều khoẻ, chị Xuân vẫn làm ở Sở Thông Tin Văn Hoá thị xã. Chị vẫn làm thuyết minh."
Tôi đưa quà, nói một hơi dài, như để thoa dịu lòng Du, nhưng không có kết quả. Du giữ nét mặt lạnh lùng, chỉ nói "Cám ơn!"
Những năm đầu sau giải phóng, nhà nước hoặc muốn tiết kiệm ngân quĩ hoặc muốn kiểm soát tư tưởng nên phim ngoại quốc thường có phụ đề như trước đây thì bây giờ các phim ngoại quốc được diễn tả qua giọng nói của các nhân viên thuyết minh. Phim Long Tranh Hổ Đấu của Lý Tiểu Long được lồng vào khung cảnh cách mạng chống áp bức chứ không còn thuần tuý như nguyên bản. Chị Xuân có giọng ấm áp nên thuyết minh rất hay.
Tôi hỏi gì Du cũng trả lời một cách khô khan. Tôi đâm vào cảnh khó xử, nói thật thì không được, nói Nhung chỉ là bạn từ thị xã lên thăm thì cũng khó xuôi. Tôi muốn phân trần nhưng phải làm sao đây, dưới danh nghĩa gì. Tôi thấy trời đã chiều chiều nên đứng dậy từ giã, hẹn mai mốt trở lại nói chuyện nhiều hơn, thì Du nói, "Khỏi cần đi, Du tự lo được mà!"
Khỏi cần nói, mặc dù đã có những lời báo trước của thầy Phú, chị Chức, tôi thấy hồn mình trĩu nặng. Tôi tự hỏi lòng mình hay là mình đã yêu và tình yêu nào cũng có những đắng cay. Hôm nay tôi mới nếm thử hương vị đầu đó thôi mà tim tôi như đã có một mũi tên đâm thủng một lỗ lớn. Không biết lấy gì để vá víu khoảng trống đó!
" A ha, anh chàng đào hoa đã về!" Tiếng anh Nhật làm tôi giật mình khi tôi đang trầm ngâm suy nghĩ trên đường về Phòng Giáo Dục.
"Anh Nhật, anh làm em giật mình! Anh mới đi họp bên huyện về?"
"Đúng, phen này cậu phải giúp tớ hết mình nhé! Đề án của cậu đã được huyện chấp thuận rồi! Cậu và lão Ít phải lo cho chu đáo!"
Tôi cười rạng rỡ, "Nhất định thành công mà anh Nhật! Làng Ea Blang chỗ thầy Phú ở có 3 người có thể bổ xung làm giáo viên sau khoá huấn luyện ngắn! Em chắc chắn ở các làng gần thị xã sẽ tuyển dụng thêm được nhiều giáo viên vì họ thường có trình độ cao hơn những làng xa xôi hẻo lánh!"
"Chút nữa ăn cơm xong, cậu và anh Ít vào phòng tớ, mình bàn thêm! Tháng tới bắt đầu được!"
"Tháng tới, tức là chỉ còn 3 tuần nữa?"
"Đúng vậy!"
Chết thật, ba tuần nữa trong khi khởi đầu bằng số không. Dù sao, cũng hy vọng nhiều vì về phiá nhân tâm đã đạt được, còn nhân lực chắc cũng sẽ có đủ, địa lợi thì giáo viên Thượng dạy người Thượng thì phong thổ họ quen thuộc không thấy có gì trở ngại, chỉ còn yếu tố thiên thời nữa thôi. Ba tuần, có quá gấp rút không? Tôi tự hỏi. Không thể trì hoãn được, trì hoãn huyện họ suy nghĩ lại, cắt ngân khoản một cái là tiêu đời kế hoạch đáng làm này. Tôi sẽ dốc quyết tâm để lo việc này cho tới nơi tới chốn với sự cộng tác của nhiều người. Tôi mừng lắm vì đây là lần đầu tiên kế hoạch đã đạt được sự chú ý của huyện với một qui mô lớn, chứ không phải chỉ ở phạm vi nhỏ.
Đêm nay tôi sẽ tự an ủi và tự thưởng mình bằng cách dưới ánh điện phòng mở và đọc bức thư dày cộm của Nhung mà tôi nóng lòng chưa kịp đọc vì quá bận rộn với việc này việc nọ. Đêm nay tôi sẽ thả hồn mình phiêu lãng trong những ngày còn đi học, còn cười đùa vui với bạn bè, với Nhung, với Hải ...