Đường xa vạn dặm một mình em đi!
Nguyên Đỗ
Một người bạn văn, bạn thơ mới viết tâm trạng của mình lúc bước vào đường văn thơ nghệ thuật Đường xa vạn dặm một mình em đi! Sao mà giống tâm trạng của tôi và những người chấp nhận nghiệp dĩ của mình khi dấn thân vào đường viết lách dù chỉ là giải trí hay thực sự chuyên nghiệp sống với ngòi bút của mình.
Viết văn hay làm thơ đều là tự những cảm xúc riêng tư, mọi quan điểm, ý kiến được lựa lọc qua con mắt, suy nghĩ của riêng từng cá nhân, đôi lúc cả người thân thích nhất cũng không hiểu tại sao nữa. Nếu bạn đang ở trong trường hợp đó, bạn đừng ngạc nhiên, vì con đường phục vụ nghệ thuật đòi hỏi bạn phải có những suy nghĩ cá biệt, nên nhiều lúc rất cô đơn, có tâm trạng đường xa vạn dặm em đi một mình.
Đọc về tiểu sử hay tìm hiểu một số tác phẩm trên thế giới, tôi thấy có nhiều tác giả đóng cửa cô lập viết lách cả hằng năm, hay nói theo kiểu Á đông, về vườn ẩn dật để suy tư và viết lách hoàn thành tác phẩm của mình.
Chúng ta ở thời đại ngày nay không được hưởng cái thú thanh nhàn đó mấy, phải cật lực làm việc, phải hy sinh thời giờ để không làm những việc khác hấp dẫn hơn như coi phim giải trí, nghe nhạc... vì thế giới này đầy dẫy những cám dỗ dễ làm mình ra khỏi tháp ngà suy tư và viết lách.
Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình viết để làm gì, viết cho ai khi đi ngang những tiệm sách thấy sách báo nằm chèo queo một xó trong khi băng nhạc, phim ảnh khoe sắc khoe hình đầy ngập cả các tiệm. Thế giới này hình như là thế giới của thị giác, thích giác và cảm giác hơn là thế giới của tâm tình, trí não.
Đi các tiệc vui, tiệc sinh nhật, không nhà nào mà không để truyền hình chạy những băng nhạc mới thay vì bàn bạc những vấn đề văn hóa hay sinh hoạt văn nghệ nghệ thuật. Ở các thành phố đông người Việt hơn có lẽ các sinh hoạt văn hóa tương đối nhiều hơn, với những dịp Ra Mắt Sách của các văn nhân thi sĩ.
Người ở xa nơi hẻo lánh ít người Việt mình, bù lại, có nhiều thời giờ suy tư hơn để viết lách. Có người hỏi tôi, sao anh có giờ để viết nhiều thế? Thực ra, ai cũng có 24 giờ mỗi ngày, có người làm một việc cũng mất 8, 9 giờ, 8 giờ để lo việc trong gia đình, còn lại 8 giờ để nghỉ ngơi. Mỗi ngày mình cắt xén ra chừng hai giờ để viết lách, một tuần cũng được mười mấy giờ, một tháng cũng được ít nhất 40 giờ tương đương với một tuần làm việc ở công sở thì trong một năm số lượng viết sẽ nhiều thôi, còn phẩm chất là một vấn đề khác.
Đương nhiên mỗi người đều cố gắng viết những gì gần gũi nhất trong trái tim mình, những điều gì mình tha thiết nhất, những điều gì mình mong muốn nhất, có thể để cải tạo xã hội, có thể là chỉ để trang trải hồn mình, có thể chỉ để vui chơi, đùa giỡn với nhau, giải trí mà thôi. Dù gì đi nữa, mỗi cố gắng hằng ngày sẽ được đánh dấu bằng một bài thơ, một bài văn.
Sau vài năm, quay lại nhìn, ừ thì mình cũng có số lượng viết nhiều, chỉ vì mình trung thành với giờ mình hoạch định, mỗi ngày dành 1, 2 giờ để đọc, suy nghĩ và viết trau giồi khả năng văn hóa truyền thông trong xã hội vi tính thông tin.
Ông bà xưa thường dạy, văn ôn võ luyện. Võ sư, võ sinh phải luyện tập thân thể, những đường quyền cước hằng ngày, các văn nhân thi sĩ cũng thế, phải trau giồi kiến thức và ngòi bút của mình bằng đọc sách thường xuyên và viết lách hằng ngày. Người ta nói bỏ cái gì lâu cũng sẽ lùi lụn đi như thanh sắt ẩm ướt bỏ lâu ngày bị hoen rỉ. Cho nên, nếu bạn cũng như tôi thích viết, nên chịu khó siêng năng tập viết cũng như tập thể dục rèn luyện thân thể mỗi ngày và luôn nhớ rằng ở đâu đó quanh ta cũng có nhiều người, không kể mới vào hay đã ở lâu trong nghiệp viết văn làm thơ cũng đang ở tâm trạng đường xa vạn dặm một mình ta đi.
Nguyên Đỗ