Nóng quá! Càng vào sâu năm học, càng thấy nóng. Mùa khô như Hồng Hài Nhi đang thở ra lửa. Những bụi bông giấy đỏ rừng rực, thêm nhức mắt. Đôi lúc tôi tưởng tượng đang bồng bềnh trên sa mạc. Trống ra chơi vừa dứt, chúng tôi sà vào hàng ăn trong trường, chen nhau ăn ăn uống uống. Mấy bạn gái cầm bịch nước ngọt cắm ống nhựa, đem ra chỗ vắng, mút từng chút ngon lành. Bọn tôi uống như cát thấm nước. Buổi sáng, bà tôi gọi như hò đò (mẹ tôi nói vậy), tôi vẫn nằm queo trên giường. Đến khi tiếng bà bán quà sáng rao vang lên: "Bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn đê... ê...", tôi mới bật dậy. Đâu kịp uống nước ở nhà. Nhiều đứa khác chắc cũng thế thôi.
Vậy mà Việt không bao giờ ăn gì. Bạn ấy không có tiền chớ không phải sợ mất vệ sinh. Mà mấy bình nước của nhà trường thì "cúp" từ lâu rồi (Tùng Lém nói trong bình chỉ có rắn ráo). Đã thế Việt còn bị gọi là Lạc đà. (Không biết đứa nào gọi đầu tiên).
Tôi rủ bạn đi uống nước ngọt. Việt lắc đầu, kêu không khát. Tôi kể chuyện này với bố mẹ tôi. Bố tôi trầm ngâm:
- Lạc đà chỉ nên có ở sa mạc thôi.
Còn mẹ tôi chép miệng:
- Lẽ ra nhà trường vẫn phải nấu mấy bình nước như hồi nào.
Buổi tối coi tivi đến mục khoa học với đời sống, nói nước cần cho cơ thể con người như thế này, thế nọ, tôi lại nhớ đến bạn Việt. Đến ngày sinh nhật Việt, bọn tôi đãi một chầu nước mía đã đời. Tôi còn tặng Việt một cái bình nhựa nhỏ để chứa nước. Bạn đỏ mặt lên, cảm ơn tôi. Được vài ngày, tôi không thấy bạn ấy mang bình nước. Việt cười nhỏn nhoẻn:
- Em mình thích quá. Mình cho nó rồi.
Ơ, lớn rồi mà còn mang bình nước với bình mực nữa, thì cũng bất tiện thật. May sao, đến dịp thi giải Lê Quý Đôn, Việt được nhất. Thủ khoa vừa được thưởng lại vừa được học bổng. Từ đó, thỉnh thoảng bạn cũng uống một ly nước cùng bọn tôi. Bạn ấy rành tiểu sử nhà bác học Lê Quý Đôn hơn ai hết: Lê Quý Đôn làm thơ rắn đầu biếng học. Lê Quý Đôn làm thẻ sách nghiên cứu mấy giống lúa... Riêng tôi thầm nghĩ: cụ Lê Quý Đôn hay thật. Cụ giúp cho con cháu đỡ khát nước.