Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Yêu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14835 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Yêu
Chu Tử

Phần IV- 2

Từ biệt Thoại, Tuấn chậm chạp nặng nhọc bước ra khỏi phòng khách. Chàng ít khi buồn, hoặc có buồn thì cũng chỉ thoáng qua. Gặp chuyện bực bội đến đâu, chàng chỉ cần tặc lưỡi một cái là quên hết. Thế mà lần này, chàng cảm thấy mình “già” như trái đất, tâm hồn rách nát không còn lê bước nổi. Là vì trong túi chàng có hai cái thư, mà chàng có sứ mệnh phải trao cho hai người. Cái thứ nhất là thư của Trường gửi cho Uyển, trước khi Trường uống thuốc ngủ tự vẫn!...
Tuấn bị kết án ba tháng tù. Vừa ra khỏi khám Chí Hòa, chàng tìm đến Uyển thì Uyển nhờ ngay Tuấn vào thăm Trường, vì Tuấn là bạn học của Trường. Tuấn gặp Trường hai lần thì lần thứ ba chàng tới, vừa kịp dự đám táng Trường, vì Thoại giấu không cho chị em Uyển biết...
Ngoài Thoại và Tuấn, không có một người thân thích nào, một thiếu nữ nào theo sau linh cữu Trường. Đám táng Trường cũng đìu hiu, u uất như cuộc đời chàng. Dự đám táng xong, Thoại bảo Tuấn về nhà riêng của Thoại, và Thoại đưa cho Tuấn coi bức thư Trường viết cho Uyển trước khi chết...
Ý kiến của Thoại là không nên đưa cái thư của Trường cho Uyển. Tuấn thì cho rằng ý muốn cuối cùng của người chết phải được tôn trọng, dù cái thư đó có làm cho Uyển đau khổ...
Và Tuấn xin nhận lãnh nhiệm vụ trao thư cho Uyển. Thấy ý kiến của Tuấn hữu lý, Thoại đành trao thư cho Tuấn.
Cái thư thứ hai là của Diễm nhờ trao cho Trang. Từ nửa tháng nay, giữa Trang và Đạt không có chuyện gì xích mích, bất hòa, thì đột nhiên Trang bỏ đi, đến ở chung với Tâm. Trang dặn Tâm phải tuyệt đối giữ bí mật chuyện nàng tá túc ở nhà Tâm, nên Đạt lùng kiếm hoài mà không tìm ra chỗ ở của Trang. Mãi một tuần lễ, sau khi ra khỏi khám, Tuấn mới được Tâm báo cho biết là Trang hiện ở với nàng...
...
Tuấn đi thất thiểu tới một quán giải khát gần đó. Chàng gọi một ly “cà phê” để có cớ ngồi suy nghĩ...
Tuấn nhìn những giòng người, giòng xe cộ ngược xuôi, chàng có cảm tưởng như tất cả những người đang quay cuồng đều chết, đều vô tri vô giác, duy chỉ có Trường hiện đương nằm dưới mồ, là vẫn đau đớn, vẫn sống với nỗi oán hờn của chàng. Nâng ly cà phê lên môi, chưa bao giờ Tuấn thấy cà phê đắng như lúc này. Cả cuộc đời chàng, chàng coi nhẹ như bấc, thế mà, cái nhiệm vụ đưa một cái thư của một người chết, chàng tự nhiên thấy nặng nề, trọng đại.
...
Tuấn tần ngần rút bức thư của Trường khỏi túi, mở ra đọc một lần nữa. Chàng nhìn những giòng chữ thật đẹp, thật bay bướm của Trường trên trang giấy xanh, tươi thắm, yêu đời như tất cả những bức thư tình:
Uyển,
Cũng như con chim sắp chết kêu thương, những ý nghĩ cuối cùng của tôi, những câu viết cuối cùng của tôi là để dành cho Uyển, người tôi thương nhất và oán nhất, oán ngang với Thượng Đế đã sinh tôi làm người. Tôi không có đạo nào, không tin có Chúa Trời, không tin là linh hồn con người bất diệt, nhưng nếu quả là có Chúa Trời, quả là linh hồn con người bất diệt, thì sau khi xuống Đia. Ngục—vì chắc chắn là tôi không được lên Thiên Đường, mà tôi cũng chả cần lên Thiên Đường làm gì—thì câu đầu tiên tôi sẽ chất vất Thượng Đế là tại sao sinh tôi ra làm kiếp người, tại sao lại bắt tôi phải gặp Uyển, tại sao lại cho tôi mắc bệnh cùi, tại sao lại bắt tôi tái ngộ Uyển trong trại cùi. Cũng cần nói rõ với Uyển, là nếu không gặp Uyển trong bệnh viện, thì tôi còn kéo dài kiếp sống, còn kéo dài cái hy vọng mong manh chữa lành bệnh để một ngày kia, trở lại cái xã hội lành mạnh (!) của Uyển. Nhưng tái ngộ Uyển thì là...
hết, hết tất cả, hết cả hy vọng lành mạnh...
Lành mạnh để làm gì nữa, vì Uyển đã biết tôi mắc bệnh cùi, và Uyển sẽ không bao giờ gội rửa được cái cám giác ghê tởm đối với kẻ mắc bệnh cùi...
Cho nên, nếu tôi oán Uyển một phần vì đã hất hủi tôi, đã chửi vào mặt tôi khi tôi ngỏ ý yêu Uyển, tôi còn oán Uyển mười phần vì đã tới bệnh viện gặp tôi giữa lúc tôi đã bị gạt ra khỏi xã hội loài người, giữa lúc mà tôi không muốn nhìn thấy ai, gặp bất cứ ai. Nhất là tấm lòng thương xót của Uyển khi tái ngộ tôi, lại càng làm cho tôi cương quyết chấm dứt cuộc đời mình. Không, Uyển ạ! Tôi không muốn ai thương xót! Những người lành mạnh không cùi thể xác, thì cũng cùi về tâm hồn, tâm hồn cũng lở loét, họ có hơn gì ai mà thương xót ai? Tâm hồn Uyển cũng vậy! Thà rằng khi tái ngộ, Uyển hất hủi tôi như trước kia, Uyển đã bảo tôi “soi gương để biết mình hơn” thì chưa biết chừng tôi còn đủ căm hờn để mà sống, cố điều trị. Lòng thương xót của Uyển, tôi trả lại Uyển, trả lại bằng cách tôi thương xót Huyền vì thực tình là tôi thương xót mà Huyền chứ còn đối với Uyển, thì không bao giờ tôi thương xót mà chỉ có căm hờn. Tôi đã hứa với Huyền là sẽ cố gắng sống, thế mà tôi đành không giữ lời hứa, chỉ vì tôi không chịu nổi cái nhục bị Uyển thương xót...
Tôi chết đi để Uyển từ nay có yêu ai thì yêu, chứ đừng thương xót. Và một ngày nào đó, một buổi chiều thê lương nào đó, nếu quả Uyển cảm thấy yêu tôi, yêu một người xấu xí, cùi là tôi, thì lúc đó, Uyển hãy tìm đến phần mộ tôi, đặt một bó hoa yêu đương bên một chí của tôi, chứ Uyển đừng mang những giọt nước mắt thương hại rảy lên mộ tôi, thêm đau khổ một linh hồn đã yêu Uyển đến chết vì Uyển.

Trường
Đọc hết cái thư của Trường, Tuấn bất giác lấy cái ly cà phê chỉ còn một ít cặn, đưa lên miệng. Rồi chàng lấy cái thư của Diễm gửi cho Trang ra đọc:
Thưa chị,
Em lúc này đã khoẻ: Em muốn được gặp chị nhưng không biết chị Ở đâu mà tìm...
Anh Tuấn đã giải tán cái hội “Những người lưu manh lương thiện” của anh để làm hội viên hội “Bạn những người cùi”. Cho nên em muốn đến thăm chị để thưa với chị là sau khi anh Khải chết và sau khi đước bác Thoại đưa đi thăm những người cùi ở đường Lê Vân Duyệt, em như người tỉnh mộng, tỉnh giấc mộng yêu đương...
Không phải là em dám coi thường yêu đương, cho chuyện yêu đương là nhỏ đâu. Nhưng chị Ơi, ở đời không phải chỉ có yêu đương, và chưa chắc cái quan niệm yêu đương của em, cũng như của chị, của chị em chúng mình, từ trước đến nay, đã là đúng và mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Vì vậy, em mong chị sẽ thương em, như chị thương anh Tuân, cho em được gặp, em có nhiều điều muốn nói với chị lắm. Dĩ nhiên là me không dám khuyên chị điều gì mà chỉ mong được chị khuyên và an ủi, nâng đỡ.
Em,
Diễm

Đọc hết hai cái thư, Tuân càng thấy hoang mang, mệt mỏi, sợ không làm nổi cái “sứ mệnh” của chàng! Tuấn uể oải đứng lên, với ý định đến gặp Trang trước, vì việc đưa thư cho Trang dễ dàng hơn, và biết đâu Trang chẳng giúp cho Tuấn những ý kiến thiết thực...
...
Tâm đi vắng, Trang đang nằm khàn đọc sách thì Tuấn tới...
Trước kia, mỗi lần Tuân tìm đến em gái chỉ là để cầu cứu tiền, cho nên chang vẫn đóng vai lép vế đối với em, có muốn khuyên can, răn dạy gì em, chàng cũng không dám, và chàng cho những lời khuyên của mình chỉ là những lời vô duyên, lạc điệu! Nhưng lần này, Tuấn gặp em với một tâm trạng đặc biệt, nên mặt chàng cứng rắn, nghiêm nghị. Thấy bộ mặt Tuấn đúng là bộ mặt một ông anh, Trang len lét nhìn Tuấn:
- Anh có chuyện gì mà bơ phờ vậy?
Tuấn không trả lời, đặt mình xuống cai đi văng, Tuấn lấy thuốc lá hút...
trong khi Trang rót nước bưng tách trà, lặng lẽ để trước mắt Tuấn...
Đột nhiên, Tuấn sừng sộ hỏi em:
- Tại sao mày lại bỏ nhà, đến đây sống? Mày đien à?
Giọng gay gắt của Tuấn làm Trang sợ sệt ngó anh. Sự thực, nàng cũng không biết trả lời Tuấn cách nào! Bởi vì giữa Đạt và Trang không có chuyện gì xích mích xảy ra. Trái lại, Đạt vẫn yêu thương nang hết lòng hết da....
Nhưng từ đêm Trang bắt chợt nghe tiếng thở dài của Đạt, thì nàng đâm bực tức vô cớ, chỉ tìm cách sinh sự với Đạt, và thấy Đạt nhẫn nại, vui vẻ chịu đựng, thì Trang lại càng mất bình tĩnh...
Thế rồi, Trang bỏ đị..
Nàng biết mình làm như vậy là vô lý. Nhưng Trang thấy mình không thể nào không bỏ đi được. Không phải là nàng chán Đạt...
Trái lại là đằng khác...
Nhưng nàng hiểu là nàng còn sống chung với Đạt thì nàng còn gây sự với Đạt...
Thà rằng, bỏ đị..
để xem Đạt đối xử cách nào...
Thấy Trang im lặng, Tuấn rút lui, lấy cái thư của Diễm và của Trường vứt lên bàn, nói như mắng:
- Mày đọc mà coi! Hờn với giận mãi!...
Trang lặng lẽ cầm lấy hai cái thư. Nàng đọc cái thư Diễm gửi cho nàng trước...
rồi đọc cái thư tuyện mệnh của Trường...
Nàng hơi tái mặt, hỏi anh:
- Thế anh Trường chết chưa?
- Chôn rồi!
Trang lặng người. Nàng thốt kêu:
- Vô lý quá!
Tuấn cười gằn:
- Có gì là vô lý!
Vẫn còn tấm tức, Tuấn nói tiếp:
- Tao không kể tao, vì tao thì vứt bỏ rồi. Nhưng còn ai vô lý bằng mày. Thà không lấy vợ như tao, chứ lấy chồng như mày, rồi đột nhiên bỏ đi, bỏ đi vô lý, ai mà chịu nổi!
Lời nói của Tuấn không những làm cho Trang sững sờ, mà chính Tuấn cũng ngạc nhiên về những lời đày ý thức trách nhiệm của mình. Nàng cuống quit phân trần với anh:
- Em có bỏ ông Đạt đâu! Mai mốt, em sẽ về chứ!
Tuấn lại càng được thể làm già:
- Không có mai mốt gì cả...
Mày về ngay hay ở lại thì cho tao biết...
- Em về ngay!
Tuấn thở ra một tiếng phào! Lần đầu tiên, chàng đóng vai đạo đức, chàng thấy cái trò đó cũng hay hay, mang lại cho mình một niềm vui mà chàng chưa bao giờ được hưởng...
Chàng nói một câu khen em:
- Mày biết điều thế là khá lắm! Tao tưởng mày cứ rắn đầu thì tao đến tự vẫn như Trường thôi...
À...
hay em đi cùng với anh lại cô Uyển, đưa cái thư này cho cô ấy, anh đi một mình, anh ngại quá...
- Cũng được...
...
Trang không trang điểm, lấy áo dài mặc, rồi hai người ra đi. Hai an hem ngồi trên taxi, nét mặt đăm chiêu, không ai nói với ai câu nào. Trang nhớ lại những lời Trường viết trong thư cho Uyển và tự nhủ: “Đúng là tâm hồn mình cũng bị cùi từ lâu”. Ý nghĩ đó làm Trang hối hận, muốn gặp ngay Đạt để nhìn mặt chồng, rồi gục đầu vào ngực chồng, khóc cho đỡ cô đơn.
...
Hai anh em Tuấn gặp Uyển ngay ở cửa nhà Uyển. Thấy Trang, Uyển lộ vẻ vui mừng:
- May quá! Tôi đang tính đến bác Thoại, tìm gặp anh Tuấn để nhờ đưa lại gặp chị, thì chị tới...
Tuấn đưa mắt nhìn em...
Trang lúng túng chưa biết nói sao thì, nhìn vẻ mặt khác thường của hai an hem Tuấn, Uyển sinh nghi, đoán biế có biến cố gì xảy ra. Nàng hỏi luôn:
- Có chuyện gì vậy?
Trang ấy úng, trả lời để kéo dài thời giờ:
- Thì hãy vào trong nhà đã...
...
Ngồi trong phòng khách, Trang cố tình uống chậm chén nước trà, trước khi hỏi Uyển:
- Cô Huyền vá Tuyết đâu?
- Huyền và Tuyết vào thăm anh Hướng ở khám...
Tôi phải giục mãi Huyền nó mới đị..
Tôi cầu mong họ yêu nhau và sớm lấy nhau cho rồi. Nhưng có chuyện gì, chị cho biết đi, tôi tự nhiên thấy sốt ruột la....
Hai anh em Tuấn lại nhìn nhau. Mãi một lúc sau, Trang mới ấy úng:
- Anh Trường...
Rồi Trang im bặt, chưa biết nói tiếp ra sao. Như có linh tính báo trước chuyện chẳng lành, Uyển tái mặt, đăm đăm nhìn Trang và mười phần nàng đã hiểu được chín. Nàng mím chặt môi, hơi cau đôi mày, trong sự căng thẳng của nghị lực, nàng lấy vẻ bình tĩnh nói với Trang, tuy giọng nàng đã lạc:
- Tôi có đủ can đảm để nghe bất cứ sự thật nào...
Chị nói đị..
Chị đừng làm tôi phải đoán mò, khổ sở lắm...
Trang thở ra, im lặng rút bức thư của Trường trong “sắc” đưa cho Uyển, tay nàng hơi run, và nước mắt nàng chảy vòng quanh. Uyển đón lấy thư như cướp giựt. Môi nàng vẫn mím, mắt nàng mở to đọc cái thư. Hai anh em Trang im lặng nhìn Uyển đọc, Tuấn không nghe thấy tiếng tích tắc của cái đồng hồ treo, có ảo giác chỉ nghe thấy tiếng đập hỗn loạn của con tim Uyển đang làm phập phồng cái ngực đẹp đến não lòng, đẹp đến giết người của Uyển...
Không biết bao nhiêu phút đã trôi qua, mắt Uyển vẫn mở to, dán vào bức thự..
Gương mặt Uyển như tạc vào đá...
Đôi mắt mở to vẫn trừng trừng nhìn vào bức thư. Sự đau khổ làm tâm hồn nàng tê dại đi, không cảm xúc nổi, không khóc nổi. Chỉ có tấm ngực là dạc dào lên xuống...
Trang và Tuấn thấy mình hoàn toàn bất lực, không biết nói gì để an ủi Uyển...
Mãi một lúc sau, Uyển mới thốt ra một tiếng cười làm Trang ghê rợn:
- Vậy là tôi giết người!... Tôi giết người...
Ngay lúc đó, luật sư Hoàng lững thững bước vào phòng khách...
Từ khi gặp Uyển ở khám Chí Hòa, Hoàng đã bị tiếng sét của ái tình đánh trúng, vì trường hợp gặp gỡ lạ lùng trong khung cảnh nhà lao cũng có, nhưng nhất là vì sắc đẹp, tâm hồn khó hiểu của Uyển. Trớ trêu một điều là Hoàng càng say mê, càng đeo đuổi riết, thì Uyển lại càng tìm cách xa lánh. Không phải là Uyển dửng dưng với Hoàng. Nhưng vì Hoàng gặp Uyển không đúng lúc, Hoàng gặp Uyển giữa lúc Uyển đang sợ yêu đương, đang thấy sắc đẹp mình là một hình phạt, một tai vạ, nên Uyển chỉ tìm cách lẩn tránh Hoàng...
Hoàng là một thanh niên tin tưởng ở mình nên chàng cho rằng chàng đã yêu Uyển, thì chóng hay chầy Uyển cũng sẽ yêu mình...
Chàng đã nhất định bào chữa cho Uyển, mặc dầu Uyển không nhờ cậy chàng. Chàng đã xin cho Uyển được tại ngoại, mặc dầu Uyển không thích. Chàng thường đến thăm Uyển mặc dầu biết Uyển chỉ tiếp mình lấy lệ. Và lần này, chàng lại đến không đúng lúc, chàng đến ngay sau khi Uyển đọc cái thư tuyệt mệnh của Trường, khiến Hoàng vừa thốt lên một tiếng chào vui vẻ, thì Uyển đã thấy máu uất đưa lên cổ. Bao nhiêu đau khổ, bao niềm uất hận của mình, Uyển bèn trút lên đầu Hoàng, và đột nhiên nàng trừng mắt nhìn Hoàng, nói như hét:
- Anh đi ra đi! Trời ơi! Yêu với không yêu. Tôi van anh, mời anh ra cho!
Nói xong, nàng rời rã, kiệt lực, nằm vật xuống đi văng, úp hai tay lên mặt, và lúc này nước mắt nàng mới trào rạ..
Tuấn nhìn đồng hồ, rồi nói với Hướng:
- Gần mười một giờ đêm rồi...
Có chắc là họ lại không?
- Chắc chứ. Tôi hẹn với các cô đó là trước mười hai giờ đêm...
Nhờ có sự vận động của Hoàng, Hướng đã được trả tự do cách đây hơn một tuần lễ...
Suốt thời gian ở khám, chàng đã luyện tập Yoga đều đặn, siêng năng và khi Hướng trở về với đời sống tự do, ai cũng phải thừa nhận là Hướng trẻ hơn, đẹp hơn, vững vàng hơn trước. Trong khám, các bị cang thường tổ chức những buổi “cầu cơ” để giết thời giờ...
Những người nhốt chung với Hướng lần lượt ngồi “cơ” nhưng đều vô hiệu quả, không có một “linh hồn” nào chịu nhập. Hướng cũng chiều lòng mọi người, ngồi “cơ” thử xem sao, thì chỉ một phút sao khi chàng tập trung tư tưởng, đã thấy linh ứng...
Từ đó, Hướng trở thành một “con đồng” bén nhạy kỳ lạ, và trong mười lần cầu cơ, thì ít nhất cũng có hiệu nghiệm bảy, tám lần. Không ai tin là Hướng “bịp”, vì không những Hướng đứng đắn, mà những điều Hướng tiết lộ trong những buổi cầu cơ chứng tỏ rằng Hướng đã cảm thông được với linh hồn người đã chết. Ra khỏi khám, Hướng bèn kể cho Tuấn nghe cái năng khiếu khác thường của mình. Tuấn không tin. Hai người bèn tổ chức một buổi cầu cơ. Tuấn yêu cầu được nói chuyện với linh hồn một người anh họ đã chết trong thời kỳ khói lửa...
Tuấn biết rõ là Hướng không quen thuộc, không biết một tý gì về người anh họ đó, thế mà khi Hướng ngồi “cơ” và linh hồn người anh họ nhập vào Hướng, tay run run của Hướng như có hồn ma thúc đẩy, và Hướng đã lần lượt chỉ hết mẫu tự này đến mẫu tự khác, tạo thành những câu trả lời đúng “phong phóc” về gia thế người anh, tên vợ, tên con, cùng những ước mơ, nguyện vọng thầm kín của người đã chết...
Tuấn ngạc nhiên đến phát sợ. Chàng đi khoe với bọn Uyển, Diễm...
Tuấn đề nghị tổ chức một buổi cầu cơ để tiếp xúc với linh hồn của Trường, và Uyển tán thành...
Từ khi Trường chết, Uyển “già” hẳn đi và nhiều lúc như người mất hồn. Ban ngày thì còn khả trợ, chứ ban đêm thì thực là một cực hình cho Uyển. Uyển không dám ngủ một mình, nàng ngủ chung giường với Tuyết. Nhưng nhiều đêm, nàng tỉnh giấc, mường tượng như nhìn thấy đôi mắt oán hờn đang nhìn nàng trong bóng u uất. Ban ngày, nàng đi quanh quẩn ở phía bên ngoài nghĩa địa mà không dám vào thăm mộ Trường...
Diễm quên cả buồn phiền riêng của mình để săn sóc chị, nhưng Uyển mỗi ngày mỗi gầy rạc như người bị rút sinh khí dần dần...
...
Mãi gần mười hai giờ, bọn Uyển mới tới, cùng với Thoại và một thiếu nữ mà Thoại nhận là cháu. Sự thực, thiếu nữ là em gái của Trường, nhưng tất cả mọi người đều không ai biết lai lịch của thiếu nữ, ngoài Thoại.
Mọi người ngồi yên vị rồi, Tuấn lấy ra một tấm bìa cứng, trên có viết sẵn các mẫu tự A.B.C. và một miếng gỗ nhỏ, hình trái tim, cắt ở nắp ván thiên hòm người chết được cải táng...
Anh thắp một nén hương, cắm lên bàn, rồi hỏi:
- Thế bây giờ, ai ngồi “cơ” cùng với anh Hướng?...
Diễm đề nghị Uyển...
Uyển từ chối. Tuấn lên tiếng:
- Nếu cô Uyển từ chối...
thì tôi đề nghị cô Huyền...
Hai con “đồng” cần phải dễ cảm thông với nhau, thì mới linh ứng...
Mọi người tán thành...
Huyền không thể đùng được, ngoan ngoãn, sợ sệt ngồi xuống bên cạnh Hướng, rụt rè đặt ngón tay run run lên con “cơ” cùng với Hướng...
Hướng định thần, tập trung tư tưởng, để giải thoát đầu óc, tâm hồn khỏi tất cả những ý nghĩ băn khoăn của thế tục. Gương mặt anh dần dần trở nên thanh thoát, bình thản. Hướng ngồi im lặng, không nhúc nhích...
Huyền đảo mắt nhìn Hướng, tự nhiên thấy hết bồi hồi và nàng bắt đầu thấy bình tĩnh...
Có tiến của Thoại nổi lên:
- Chúng tôi muốn được tiếp xúc với linh hồn anh Nguyễn Thế Trường, linh hồn anh Nguyễn Thế Trường...
Mọi người chăm chú nhìn xuống hai ngón tay của Hướng và Huyền đặt lên con cợ..
Một phút dài đằng đẵng trôi qua. Con cơ vẫn không nhúc nhích...
Rồi hai phút, ba phút...
Tự nhiên con cơ hình như có linh hồn, có âm lực...
cái âm lực con cơ truyền sang hai ngón tay của Hướng và Huyền, và vụt một cái, con cơ di động như hướng dẫn ngón tay hai người...
Tiếng Thoại trầm trầm hỏi:
- Có phải linh hồn anh Trường đó chăng?
Con cơ vụt đi thật nhanh chạy từ mẫu tự P, tới mẫu tự H, mẫu tự A, I, xếp thành chữ “phải”.
Mọi người như ngừng thở. Điếu thuốc lá tắt trên ngón tay Tuấn...
- Hồn có nhận ra va biết tên những người có mặt ở đây không?
Con cơ lặng lẽ xếp tên đầu tiên: “Nguyễn Thị Xuân Ánh”.
Người thiếu nữ lạ mặt nghẹn ngào, thốt ra một tiếng:
- Là tôi!
Bao nhiêu con mắt sửng sốt nhìn về phía Xuân Ánh...
Thoại hỏi luôn:
- Nguyễn Thị Xuân Ánh là người thế nào với hồn?
Con cơ xếp thành hai chữ “em gái”. Con cơ vừa đi tới chữ “i” cuối cùng, thì Tuấn đã ngước mắt nhìn Xuân Ánh, thầm hỏi có đúng không?
Nước mắt lặng lẽ trào ra, Xuân Ánh không gật đầu, nhưng mọi người đều biết rõ là con cơ đã trả lời đúng...
Uyển bắt đầu thấy rờn rợn, nàng bất giác nắm lấy tay Xuân Ánh...
trong khi con cơ tiếp tục chạy và xếp các mẫu tự thành tên những người trong phòng từ Uyển đến Tuấn...
Thoại sắp sửa tiếp tục hỏi, thì Uyển đã nói trước:
- Cho phép tôi hỏi một câu.
Rồi nàng đằng hắng để cổ họng khỏi vướng mắc:
- Anh Trường! Anh có bằng lòng cho tôi ngồi ở trong phòng này và hỏi anh một vài điều không?
Con “cơ” ngập ngừng, tiến lui, hỗn loạn một lúc, rồi chạy rất nhanh, xếp thành hai chữ “bằng lòng”, làm mọi người thở ra, nhìn Uyển. Gương mặt Uyển như tạc vào đá, giọng Uyển xa vắng:
- Em muốn xuống nghĩa địa thăm mộ anh, anh có cho phép không?
Con cơ trả lời “cho phép”. Uyển chảy nước mắt, hỏi luôn:
- Anh đã tha thứ cho em chưa?
- Tha thứ!
- Linh hồn anh có được thanh thỏa không?
- Cám ơn Uyển!
Uyển vừa khóc, vừa hỏi:
- Anh bảo em nên làm gì bây giờ?
Con cơ viết thành hai chữ “lấy chồng”, khiến mọi người cười rộ!...
Tuấn hỏi luôn:
- Theo ý hồn, thì cô Uyển sẽ lấy ai?
Uyển thở dài...
Con mắt thật buồn nhìn vào quãng không, mọi người đều theo dõi con “cơ”. Con cơ chạy như mắc cửi, khiến Tuấn phải lấy giấy bút viết từng chữ, đến khi chấp lại thì đọc thấy: “đến ngày 15 tháng 2 năm 1962, hội “Bạn những người cùi” sẽ khánh thành một xưởng tiểu công nghệ Ở bệnh viện. Hội chưa kiếm ra đủ tiền, Uyển sẽ gửi thư cho những người nào muốn lấy Uyển, người nào vui lòng hiến cả tài sản vào việc xây cất xưởng tiểu công nghệ, thì Uyển sẽ lấy người đó”...
Tuấn đọc to câu trả lời của “cơ”, khiến mọi người ngơ ngác nhìn Thoại. Không hiểu Thoại vờ kinh ngạc hay kinh ngạc thực:
- Kỳ lạ thật! Cái dự án xây cất xưởng tiểu công nghệ, chính Trường lúc sinh thời cũng không biết...
Vậy mà “cơ” nói vanh vách...
Tôi sợ quá...
Uyển thấy lành mạnh vì mồ hôi toát ra thấm ướt cả áo...
Nàng rơm rớm nước mắt, nói như nói với Trường, hiển hiện trước mặt nàng:
- Em sẽ vâng lời theo anh...
Nàng ngưng một lát, rồi nói tiếp:
- Theo ý anh thì Huyền sẽ lấy ai?...
Bao nhiêu con mắt đều đổ dồn vào Huyền và Hướng, Hướng vẫn lạnh lùng thản nhiên. Ngực Huyền đập hỗn loạn làm nàng nghẹt thở. Mắt Huyền hoa lên và ngón tay của nàng chạy theo con cơ, con cơ chỉ chữ nào, nàng cũng không rõ, không nhìn thấy gì. Mãi lúc con “cơ” dừng lại, và Tuấn mỉm cười, vừa đọc to câu trả lời: “lấy người ngồi “cơ” cùng với Huyền”, thì nước mắt nàng cũng trào ra, và qua làn nước mắt, nàng thấy một nụ cười huyền ảo, như nụ cười của đức Phật ngự trên tòa sen, nở trên môi Hướng...
Thấy Tuấn sắp sửa muốn nói, và đoán trước Tuấn sẽ hỏi gì, Diễm nói luôn:
- Còn tôi, thì khỏi phải hỏi, và anh cũng khỏi phải trả lời, có phải không anh Trường?
Cơ trả lời luôn:
- Đúng thế! Diễm là người của những kẻ cùi!
- Cám ơn...
Rồi đột nhiên đồng thăng, ai hỏi gì con cơ cũng không trả lời...
Tuấn vò đầu, vò tai, tỏ ý bực bội vì chàng còn định hỏi nhiều điều khác...
Tuyết mỉm cười chế nhạo, bảo Tuấn:
- Chừng anh định hỏi anh sẽ lấy ai phải không?
Tuấn đột nhiên nhìn Xuân Ánh, người em gái của Trường, và gật đầu. Chàng có cái tật gặp người thiếu nữ hơi đẹp nào lần đầu tiên, chàng cũng thấy lòng rào rạt, mê say đến nơi.
Tuyết biết ý, nói luôn:
- Để mai, em tổ chức cuộc cầu cơ khác cho anh và chị Xuân Ánh ngồi, thì chắc biết rõ...
Xuân Ánh ngước mắt nhìn Tuấn rồi chớp mắt khiến Tuấn tự nhủ: “Có nhẽ lần này mình yêu thực!”
...
Đồng thăng rồi, Hướng có vẻ mệt nhọc vì dùng nghị lực tập trung tư tưởng nhiều quá. Chàng đứng dậy nói nhỏ với Huyền:
- Chúng ta ra sân, tập làm một vài cử động hô hấp cho tinh thần đỡ căng thẳng...
Nhân thể, tôi hỏi riêng Huyền một câu.
Huyền xin phép mọi người, rồi ngoan ngoãn theo Hướng ra sân. Hướng mạnh dạn cầm lấy bàn tay lạnh, mềm của Huyền, hỏi luôn:
- Hình như lúc nãy “cơ” dạy em lấy anh phải không?
Huyền gật đầu...
- Em có bằng lòng không?
Huyền chỉ biết gật đầu...
Đột nhiên, Hướng dang, ôm lấy Huyền, nhấc ngửa mặt Huyền lên trời, hôn vào môi Huyền...
Từ lúc ngồi cơ, Huyền vẫn thấy gương mặt Hướng siêu thoát, có vẻ rất “tiên phong đạo cốt”...
Vậy mà khi hôn nàng, Huyền thấy Hướng hôn rất tham, rất say sưa như bất cứ kẻ phàm phu tục tử nào, khiến nàng sung sướng âu yếm nhìn vào mắt Hướng:
- Em cứ sợ anh thành “Phật” mất rồi...
Hướng không trả lời, hôn luôn Huyền một lần nữa! Một ý nghi ngờ, thú vị thoáng qua óc Huyền, làm nàng nhìn vào mặt Hướng, hỏi luôn:
- Có phải bác Thoại và anh bày ra cái trò “cầu cơ” để chữa bệnh cho chị Uyển không?
Hướng trợn mắt:
- Bậy nào! Chính em ngồi “cơ” với anh mà em không biết sao?... Thôi ta vào, kẻo mọi người chờ...
Vì không ai ngờ chuyện “ma ăn cỗ”, nên khi Hướng và Huyền điềm nhiên trở vào phòng, mọi người vốn biết Hướng rất đứng đắn, và Huyền rất mực từ bi, nên vẫn đinh ninh là hai người chỉ ra sân đề làm cử động hô hấp...
Có biết đâu, sau ba tháng nung nấu nhớ thương Huyền, Hướng—dù đã luyện tập Yoga—cũng vẫn thèm khát một cái hôn của người tình...
...
Cuộc cầu cơ đã chấm dứt mà mọi người vẫn chưa giải tán, không ngớt bàn luận. Có hai người khó tin nhất là Tuấn và Uyển thì cả hai người dù có muốn nghi ngờ cũng không nghi ngờ nổi. Nhất là Uyển thì như người được giải thoát...
Nàng chỉ muốn thực hiện ngay những lời đã hứa với Trường trong buổi cầu cơ. Huyền pha trà mời mọi người giải khát. Uyển quên cả khát, nàng đi đi, lại lại, tính nhẩm trong đầu óc những người nàng có thể loan báo đề nghị của mình, rồi nói với Thoại:
- Sáng sớm mai, cháu sẽ gửi thư cho tất cả bốn người vẫn có cảm tình và muốn lấy cháu. Cháu muốn trình bày rõ cái điều kiện duy nhất của cháu. Người nào ưng thuận và đến trước nhất, thì người đó sẽ là chồng cháu...
Thoại gật gù tán thành, trong khi Tuấn hỏi luôn:
- Nhưng liệu cô Uyển có thể cho biết ngay tên tuổi những “Sơn tinh, Thủy Tinh” đợt sống mới của cô được không?
- Được chứ! Tôi không có gì giấu giếm cả...
Rồi nàng kể danh sách...
Người thứ nhứt là Hà Hoài, giảng viên đại học văn khoa, đã theo đuổi Uyển ba bốn năm, hơi gàn, nhưng có nhiều tiền và bản tính hà tiện. Người thứ hai là Trần Đắc, chính trị gia kiêm “áp phe” gia, một thứ “arrivisite” nhờ thời cơ, đã có tiền, có danh vọng, chỉ thiếu một người vợ đẹp là cuộc đời đầy đủ, hạnh phúc hoàn toàn. Người thứ ba là nhà thầu khoán Lê Vỹ. Nghe đến tên Lê Vỹ, Tuấn sửng sốt:
- Chết! Ông Lê Vỹ đã trên năm mươi tuổi rồi...
Tôi biết ông ấy “mê” cô lắm. Có thể là ông ấy ký cả hai taỵ..
Nhưng cô lấy ông ta thì...
còn ra ý nghĩa gì nữa!
Uyển thản nhiên:
- Nhưng ông ta có tiền! Miễn là ông ấy bằng lòng...
Và biết đâu tôi chẳng tìm thấy hạnh phúc với ông già đó...
Onna kém Charlie Chaplin gần bốn mươi tuổi mà sao họ vẫn yêu nhau...
Uyển kể tiếp đến người thứ tư là dược sĩ Lưu Tích. Không thấy có tên Hoàng, Tuấn hỏi luôn:
- Sao thiếu tên luật sư Hoàng? Anh Hoàng cũng có tiền và không phải không say mê cộ..
Uyển ngồi thừ ra một lát, rồi miễn cưỡng trả lời:
- Cũng được. Thêm anh Hoàng nữa là năm.
- Có thế chứ! Như vậy mới công bằng...
...
Mãi tới hai giờ sáng, mọi người mới chia tay. Nhưng Tuấn không về nhà mình. Tuy đêm khuya, chàng cũng lùi lũi tìm đến nhà Hoàng, chàng đập cửa và nhận chuông điện inh ỏi, réo tên Hoàng ầm ầm, khiến Hoàng dang ngủ phải choàng dậy, hốt hoảng mở cửa. Nhận ra tiếng Tuấn, chàng vừa mở khóa, vừa hỏi vọng ra:
- Có gì đấy anh? Chuyện Uyển à?
Muốn cho Hoàng hồi hộp thêm, Tuấn im lặng một lát mới trả lời:
- Vâng, chuyện Uyển...
Bàn tay Hoàng luống cuống, cho ngược cái khóa vào ổ, loay hoay không cho khóa vào ổ nổi:
- Lành hay dữ anh?
Tuấn chậm rãi trả lời:
- Vừa lành vừa dữ!
Cánh cửa vừa mở tung, Hoàng đã hỏi:
- Gì vậy anh?
- Thì hãy vào trong nhà đã!
Tuấn lững thững bước vào phòng khách, đặt mình xuống cái ghế bành:
- Tôi vừa ở chỗ Uyển tới đây!...
anh, Uyển mới gửi thư cho tôi, đủ hiểu là Uyển coi thường, coi khinh tôi quá...
- Trời! Không ngờ anh kém thông minh đến thế! Uyển không muốn gửi thư cho anh, chính là vì Uyển có...
tình với anh, anh chưa nhận ra điều đó à? Và cả cái buổi Uyển đang đọc thư của Trường, anh lù lù dẫn đến, khiến Uyển lớn tiếng đuổi anh! Đuổi anh vì có cảm tình với anh đấy, anh có hiểu không?
Hoàng chợt hiểu, nhưng chàng vẫn làm ra vẻ không hiểu để được nghe Tuấn giải thích...
Hoàng vờ ngơ ngác hỏi:
- Anh bảo sao? Đuổi tức là có cảm tình?
Tuấn lắc đầu:
- Anh là luật sư mà không thấu triệt tâm lý Uyển, thì quả là đồ tồi...
Sở dĩ Uyển cố tình không liệt kê anh trong sổ “đoạn trường”, vì nàng cho rằng Trường đã chết oan vì nàng, Uyển muốn đền bù tội lỗi, muốn làm một cử chỉ hy sinh để rửa tội, cho nên nàng chỉ rắp tâm viết thư cho những người mà nàng không yêu...
đề nghị làm vợ họ. Chứ “hy sinh” bằng cách lấy người mà mình ưa như anh, thì dễ ợt, ai mà chả làm nổi. Uyển cố tình không muốn biên thư cho anh, theo ý tôi, là vì nàng vẫn có cảm tình ngấm ngầm với anh. Cũng như lúc anh lù lù dẫn tới, khi Uyển đọc thư tuyệt mệnh của Trường, khiến Uyễn càng bị hối hận rày vò là đã hất hủi Trường để chỉ nghĩ đến những người...
đẹp trai như luật sư Hoàng! Do đó, Uyển mới “đuổi” anh, chứ nếu Uyển dửn dưng hoặc ghét anh, thì việc gì Uyển phải bực tức khi thấy anh tới! Anh đã nghe thủng chưa?
Hoàng đã nghe thủng. Nhưng vẫn đóng vai giả ngây, chàng vờ ngớ ngẩn hỏi Tuấn:
- Theo ý anh thì Uyển có cảm tình với bốn người kia không? Và anh có tin là họ sẽ nhận điều kiêä Uyển đưa ra không?
Tuấn suy nghĩ trước khi trả lời:
- Theo ý tôi thấy thì thế này: người thứ nhất là Hà Hoài. Ông ta mê Uyển thật tình, nhưng ông ta cũng mê tiền, có nhẽ mê tiền hơn Uyển. Bắt ông ta phải hy sinh tài sản để lấy Uyển thì hơi...
khó...
Người thứ hai là chính trị gia Trần Đắc...
Ông ấy lấy Uyển là để làm một thứ đồ “luxe”, trang hoàng thêm cho cuộc đời có danh vọng, có tiền mà thôi. Chứ đòi ông hy sinh tất cả để lấy Uyển thì càng...
khó hơn. Còn ông Lê Vỹ, ông ta “dám” đánh đổi cả sản nghiệp để lấy Uyển. Nhưng nếu ông ta lấy được Uyển thì rồi sau này, Uyển sẽ oán anh vô cùng v.v...
- Oán tôi?
- Phải rồi, Uyển sẽ oán anh, mặc dầu Uyển tự ý lấy ông già...
Uyển sẽ oán anh, vì anh ngu muội, không hiểu nàng...
- Còn người thứ tư?
- Còn dược sĩ Lưu Tích thì nguy hiểm hơn cả, vì ông này lãng mạn như một học sinh mười sáu tuổi, yêu Uyển, có khi hơn cả anh. Tôi tin rằng nhận được thư Uyển, Lưu Tích sẽ tìm đến Uyển liền và ký cả hai tay. Nhưng tôi biết Uyển cũngkhông ưng nổi Lưu Tích, vì Lưu Tích còn non sữa quá...
không hợp với Uyển...
chỉ có anh...
Trong thâm tâm, Tuấn không tin tưởng là Lưu Tích có thể say mê Uyển đến độ hy sinh tất cả tài sản, nhưng Tuấn chỉ thấy Tích mới là tình địch mà Hoàng gờm, nên chàng nói khích Hoàng để Hoàng hết do dự. Hoàng đã thoáng nghe cái điều kiện “hy sinh cả tài sản” từ đầu, nhưng nghe Tuấn phân tích, Hoàng mới có ý thức rõ rệt là: muốn lấy Uyển, chàng phải hy sinh tất cả số bạc hơn một triệu đồng mà chàng đã đề dành bằng mồ hôi nước mắt. Sự thực, nói “mồ hôi nước mắt” thì không đúng, vì chàng chỉ mất nước bọt, và trổ tài...
cãi láo ăn tiền...
Nhưng dù sao, thì số tiền đó đối với chàng cũng là tiền “lương thiện”, do nhiều năm hành nghề tao nên. Vậy mà bây giờ chàng phải hy sinh tất cả, phải biếu tất cả cho trại cùi để được lấy Uyển...
Đột nhiên, Hoàng thấy mình hết bồng bột, hết lãng mạn, như quả bóng xì hơi, và cái bản tính ích kỷ, suy tính của anh trí thức trở lại với Hoàng. Chàng nghĩ bụng: “mình yêu Uyển thì yêu thật, nhưng yêu mà không suy tính, mà hy sinh tài sản, thì chẳng hóa mình điên hay sao”. Hoàng tần ngần hỏi Tuấn:
- Anh vừa nói phải hy sinh trọn tài sản...
Hy sinh trọn tài sản nghĩa là thế nào?
Tuấn phì cười:
- Là hy sinh cả tài sản, chứ còn nghĩa gì nữa, nhà luật học?
- Cô Uyển đã gửi thư chưa?
- Chắc sớm mai thì gửi...
Hoàng im lặng một lát, rồi hơi sượng sùng nói:
- Nếu tiện, nhờ anh nói với cô Uyển hãy khoan gửi cho tôi...
Để tôi suy nghĩ đôi chút...
Tuấn kinh ngạc nhìn Hoàng. Suy bụng ta ra bụng người, chàng không thể ngờ Hoàng có thể từ chối...
- Nghĩa là anh không muốn?
Giọng Hoàng đã trở lại giọng luật sư:
- Tôi vẫn muốn chứ! Nhưng tôi cũng cần phải suy nghĩ: Việc trăm năm đâu có thể “bốc đồng” được!
Chưa bao giờ Tuấn thấy ghét cay đắng bộ mặt của Hoàng như lúc đó. Tuấn nói huỵch toẹt luôn ý nghĩ của mình:
- Tôi không ngờ anh hèn đến thế!
Trong thâm tâm, Hoàng cảm thấy tĩnh từ “hèn” mà Tuấn dùng để mạt sát mình, thật là đúng. Nhưng chàng càng thấy đúng, thì chàng càng phát cáu. Chàng sừng sộ nói với Tuấn:
- Tôi muốn nhận lời hay từ chối thì kệ mẹ tôi, can chi đến anh...
Vẫn chưa hả giận, Hoàng cố tìm thêm một câu thật cay độc để trả thù tĩnh từ “hèn” mà Tuấn tặng mình:
- Tôi hỏi thực anh, cô Uyển đã cho anh ngủ mấy lần mà anh cúc cung tận tụy với cô ấy đến thế?
Hoàng nhận định Tuấn trước kia mỗi lần Tuấn đến năn nỉ mượn tiền chàng. Hoàng cho Tuấn là thiếu nhân cách và dù chàng có chửi Tuấn, Tuấn cũng không dám phản ứng quyết liệt. Hoàng không ngờ Tuấn lồng lên như thú dữ, chàng nhảy xổ lại, mắt trợn trừng , lấy hai bàn tay mà cơn giận biến thành sắt, bóp cổ Hoàng. Chàng rung rung đưa đi, đưa lại cái cổ Hoàng, môi chàng mím lại, rồi Tuấn phá lên cười gằn:
- Tao sẽ bóp cổ mày cho chết. Tao là một thằng lưu manh, nhưng mày ăn cứt tao cũng chưa đáng...
Biết chưa con, đồ trí thức đê hèn!
Miệng Hoàng há hốc, nhãi sều ra, con ngươi trợn ngược, như sắp lòi ra khỏi mắt. Sự kinh hoàng in rõ rệt lên khuôn mặt méo sệch Hoàng.
Tuấn bóp chặt thêm, cười ha hả, nói tiếp:
- Mày lạy tao ba lạy, thì tao tha cho. Cúi đầu!
Đầu Hoàng gục xuống, rồi lại ngửa lên, gục xuống.
Tuấn buông tay ra, tát trái cho Hoàng một cái bằng trời giáng, làm Hoàng bất tỉnh, ngã xuống sàn như xúc thịt đổ. Tuấn đưa mắt nhìn thấy trên bàn ly cà phê mà Hoàng để đó lúc nào, chàng cũng không rõ, chàng đưa luôn ly cà phê lên miệng, uống đánh “ực” một cái hết cả ly cà phê, rồi chàng lững thững mở cửa đi rạ..
Về tới căn phòng của mình, Tuấn bắt chợt thấy mình vừa mở khóa phòng, vừa hát nghêu ngao. Chưa bao giờ Tuấn thấy khoan khoái và tự bằng lòng mình đến thế...
Cái vai trò “người hùng” mà chàng vừa đóng với Hoàng đã làm tăng giá trị của chàng dưới mắt chàng; chàng không ngờ chàng dám hành hung Hoàng, lớn tiếng mắng Hoàng một cách vô lý là “hèn”, mà Hoàng vẫn len lét van lạy chàng. Tuấn tự nhủ: “Có lẽ hắn hèn thật, hắn hèn vì hắn yêu Uyển thật tình mà không đủ can đảm hy sinh cả tài sản vì Uyển...
Ồ...
nếu mình cũng có một, hai triệu như hắn, thì chả cần phải yêu Uyển, mình sẽ dám cho Uyển tất cả, để bọn có tiền mở mắt...

Cái ý nghĩ “bạc triệu” làm Tuấn liên tưởng đến ba cái vé số, chàng đã mua hai ngày trước khi xổ, mà chàng vẫn chưa đem so xem có trúng không. Tuấn thay quần áo, tìm tờ báo có xổ số, nằm dài lên giường, rút ví lấy ra ba cái vé số...
Chàng lơ đãng nhìn vào tờ báo nhẩm đọc số độc đắc, rồi nhìn vào ba tấm vé của mình. Thốt nhiên như bị điện giựt, chàng ngồi nhổm dậy, dụi mắt. Chàng nghẹt thở: Trời ơi! Trong ba vé số của chàng, số 535.247 trúng độc đắc...
!
Mắt Tuấn thao láo nhìn vào tờ báo và tấm vé số đang run run trong tay Tuấn. Hay nhà báo xếp lộn? Hay đứa bạn nào đã muốn đùa dai chàng? Nhưng ý nghĩ ngờ vực vô lý đó thoáng qua trong đầu óc Tuấn: chỉ vài giây sau, thì Tuấn hết ngờ vực. Đúng là chàng trúng số độc đắc!... Chàng reo lên một tiếng chửi thề âu yếm: “Đù mẹ nó! Trúng số độc đắc thực”...
Chàng không biết làm thế nào phát tiết cho hả cái hoan lạc ghê gớm của mình. Mặt chàng nóng bừng, chàng đi những bước thật nhanh trong phòng, miệng vẫn lẩm bẩm: “Đù mẹ nó! Trúng số độc đắc”...
Chàng cởi cái quần pyjama, mặc cái quần tergal, rồi sực nhớ lúc này là bốn giờ sáng, chưa thể đi lĩnh tiền được, chàng lại cởi cái quàn tergal, quên cả mặc quần pyjama, chàng cứ tồng ngồng với cái quần “sa loỏng”, đi đi, lại lại trong phòng, miệng không ngớt lẩm bẩm: “Đù mẹ nó! Trúng số độc đắc”...
Tuấn thành thật ghét tiền, khinh tiền, chàng vẫn cho bất cứ đồng tiền nào cũng là thứ tiền “maudit”, tiền bị Chúa nguyền rủa! Cho nên, chàng có tiền là tiêu cho bằng hết, và vẫn nghĩ là đồng tiền không thể nào làm cho chàng choáng váng, thay đổi...
Vậy mà vừa thấy mình trúng số, chàng quên bẵng mất Uyển, chàng quên bẵng mất điều chàng tự nhủ: “nếu mình trúng số một, hai triệu, thì chẳng cần phải yêu Uyển, mình sẽ dám cho Uyển tất cả, để bọn có tiền mở mắt”...
Chàng lại nằm vật ra giường, tay cầm tờ vé số, mắt thao láo nhìn vào những con số, chỉ sợ chúng biến thành con số khác. Chàng lại lấy tờ báo, đọc lại những con số mà chàng đã thuộc lòng...
Chàng nghĩ tới những điều mà chàng sẽ thực hiện, những điều rất đẹp và cả những điều rất xấu mà chàng sẽ làm với số tiền một triệu. Chàng sẽ báo ân, báo oán. Trong cái “dự án” sử dụng số tiền một triệu, dĩ nhiên là Uyển cũng dự phần, nhưng Uyển chỉ dự một phần nào thôi, chàng sẽ tặng Uyển vài trăm ngàn để Uyển cúng vào hội “Bạn những người cùi”...
Chàng quên bẵng mất là chàng đã lớn tiếng mắng Hoàng “hèn” vì không dám hy sinh cả tài sản mình.
Đột nhiên, Tuấn nhìn ra phía cửa để ngỏ. Nếu có kẻ nào biết chàng trúng số, đột nhập bóp cổ chàng, cướp tấm vé số thì sao? Không nghĩ ngợi, Tuấn chạy vội ra đóng cửa lại, và lần đầu tiên, chàng khóa cửa phòng rất cẩn thận. Khóa rồi chàng thử một lần nữa, xem cửa thật khóa chưa. Cái cử chỉ đề phòng của kẻ có tiền, đến với chàng một cách tự nhiên quá. Chàng không kịp suy nghĩ để mà tự khink mình, như chàng vẫn khinh những đứa giầu có...

<< Phần IV- 1 | Phần Kết >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 272

Return to top