Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Yêu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7799 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Yêu
Chu Tử

Phần I- 1

Năm mẹ con đã ngồi bên bàn ăn thì Thúc mới lững thững bước vào, tay cầm tờ báo. Ông có thói quen vừa xem báo vừa ăn cơm, và tuy là giáo sư dạy moan triết học, ông vẫn ham mê tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, nên bao giờ cũng dành chuyện kiếm hiệp ở trang hai tờ báo để đọc trong lúc ăn.
Thúc ngồi vào ghế, tay vớ chén cơm đưa lên miệng, mắt vẫn không rời tờ báo, không nhìn rõ bàn ăn có món gì. Uyển, đứa con gái đầu lòng, nói trêu Thúc:
- Để con gắp thức ăn vào chén cho Ba nhé?
Thúc lặng lẽ chìa bát cho con gắp thức ăn. Vợ Thúc lườm chồng, nửa bực dọc, nửa âu yếm:
- Cái gì mà bữa ăn nào cũng chúi mũi vào báo… Già rồi mà còn mê tiểu thuyết như con nít…!
Thúc đã có tuổi, nhưng tâm tính hồn nhiên và trẻ… Vợ chàng sinh được bốn người con—điều là gái—rồi tắt đẻ. Bốn cô đều đẹp, mỗi đứa đẹp một vè riêng biệt, cũng như tính nết họ, chẳng đứa nào giống đứa nào… Uyển hai mươi hai tuổi, đẹp dữ dội, lồ lộ, khêu gợi… Diễm hai mươi tuổi, đẹp kín đáo, mơ màng, đầy sức quyến rũ ngấm ngầm. Huyền mười tám tuổi, đẹp kỳ lạ, vì đôi mắt nàng hơi lác (lé). Phải nhìn kỹ, mới nhận ra đôi mắt nàng lác, nhưng đã nhìn kỹ thì không tránh khỏi bị đôi mắt của Huyền thôi miên. Lạ nhất là gương mặt Huyền không giống cha, không giống mẹ, không giống các chị em, và đôi mắt Huyền ngày từ lúc mới đẻ đã mang một bí mật mà chính Huyền không biết, cho nên Huyền không những ít nói, mà còn hay buồn, thích đi tu… trái hẳn với cô gái út là Tuyết mười sáu tuổi, đẹp một cách Tây Phương, ngổ ngáo, ranh mãnh.
Bốn cô con gái đến tuổi lấy chồng trong một nhà, nếu không phải là một tai va, thì ít nhất cũng là một mối đe dọa thường xuyên cho vợ chồng Thúc. Nhưng được cái bốn đứa đều đẹp, và vợ chồng Thúc rất mực thương yêu con—không lấy chuyện không có con trai làm buồn—nên gia đình Thúc lúc nào cũng vui, nhộn, đầm ấm, tấn nập khách khứa. Đối với những người thường lui tới nhà Thúc, từ ông thầu khoán triệu phú, muốn đem túi bạc mua chuộc cô Uyển lồ lộ, đến cậu sinh viên lãng mạn, kiết lõ đít, chết mệt vì đôi mắt huyền bí của Huyền. Thúc vì mang sẵn tâm trạng hoài nghi của một triết gia, nên vẫn cho là họ mò đến thăm Thúc, không phải vì Thúc mà là vì lũ con Thúc. Đã từng điêu đứng, đau khổ vì yêu, Thúc thường có thái độ phóng khoáng, dễ dãi đối với những gã “lăm le bắn sẻ”; và riêng đối với những anh chàng nhút nhát, hoặc ít có hy vọng chiếm được trái tim lũ con Thúc, thì thái độ khoan dung, dễ dãi của Thúc lại càng bộc lộ rõ rệt, gần như là khuyến khích, nâng đỡ, bày mưu thiết kế giùm họ, để may ra họ thủ thắng những tình địch lợi hại, nhiều bản lĩnh hơn. Vì vậy, trong gia đình, vai trò của Thúc nhiều khi chỉ là vai trò một tối cao cố vấn, chuyên đứng về phe những “cây si” yếu thế để ủng hộ họ, và gián tiếp phá đám những kẻ mà Thúc gọi là bọn “tình phiệt”, cậy có tiền, có tài, có địa vị, có đủ phương tiện chiến thắng dễ dàng hơn. Chả thế mà vợ Thúc vẫn không ngớt rầy la chồng vì không những Thúc không tìm cách kiếm giai tế, chàng còn ngang nhiên “bàn ra”, chứ không “tán vào”, khiến lũ con Thúc đã từ khước nhiều đám rất “sộp”, làm vợ Thúc tiếc ngơ tiếc ngẩn. Sở dĩ Thúc ngấm ngầm phá đám có lẽ vì Thúc quá thương yêu con, không muốn chúng sớm đi lấy chồng. Trong cả một đời hoạt độn, đầy dẫy thất bại, chán chường, Thúc lúc này chỉ còn một an ủi và tự hào cuối cùng là bốn mụn con, bốn “tác phẩm” sống nhất, thực nhất của đời mình. Thúc đã có lần nói với lũ con:
- Bao giờ chúng mày đi lấy chồng hết, thì tao và mẹ mày, mỗi người uống một liều thuốc ngủ là, a-lê-hấp! Về thiên đàng hay địa ngục!
Có lẽ vì thấy Thúc quá thương con, nên cả bốn đứa, mặc dầu rất nhiều đám ngấp nghé nom nhòm, vẫn chưa chính thức nhận lời lấy ai, vẫn tiếp tục theo đuổi việc học: Uyển học năm thứ hai ban Luật học, Diễm mới đậu Tú tài và sửa soạn học Dược khoa, Huyền đang chuẩn bị thi nốt Tú tài phần hai, còn Tuyết thì học trường Pháp.
… Đọc hết mẩu chuyện kiếm hiệp, Thúc mợi rời tờ báo, nhìn vào bàn ăn, nhìn vợ và các con, rồi đột nhiên như vừa sực nhớ một tin lạ, Thúc gật gù, mỉm cười, nói với vợ:
- À quên! Có một tin thật khủng khiếp cần nói cho mình và các con rõ…
Hòa—Vợ Thúc—trề môi hỏi ngạo chồng:
- Tin khủng khiếp gì mà mình đọc hết chuyện kiếm hiệp mới nhớ ra?
Vẫn nụ cười bí mật trên môi Thúc:
- Lại thêm một chiến sĩ tình nguyện xung phong ôm những trái bom “ba càng” của nhà này. Mà ông chiến sĩ này thuộc cỡ đại chứ không phải hạng tép riu!
Hòa thở ra:
- Tưởng cái gì! Nhưng ai vậy? Mà hỏi đứa nào?
Thúc buông thong:
- Đạt!
Hòa há hốc miệng, miếng cơm hình như dừng lại nơi cổ họng:
- Sao lại Đạt! Đạt nào mới được chứ?
Thúc vẫn điềm nhiên:
- Còn Đạt nào nữa! Anh Đạt, bạn của chúng mình chứ còn ai!...
Cái tin Thúc ném ra quả là một trái siêu bom! Vì Đạt vừa là bạn của vợ chồng Thúc—tuy kém Thúc bảy, tám tuổi—vừa là thầy dạy học sinh ngữ của cả bốn chị em từ hai năm nay.
Đạt vẫn một tuần lễ hai kỳ đến nhà Thúc, dạy cả bốn chị em học thêm Pháp và Anh văn. Đạt lại nổi tiếng đứng đắn, khắc khổ, mặc dầu độc thân. Cho nên, Đạt dự định lấy vợ đã là chuyện lạ, mà Đạt dự định hỏi con của vợ chồng Thúc mới lại là chuyện động trời hơn nữa!
Tuyết lém lỉnh, ngổ ngáo, nói như reo:
- A ha! Thế là “thầy” Đạt hỏi chúng con! Nhưng mà thầy Đạt hỏi ai hở Ba? Trong nhà có bốn cô con gái ế chồng, mà Ba không nói rõ thầy chúng con hỏi ai thì chí nguy!
Thúc chỉ vào Diễm, trả lời:
- Hỏi chị Diễm mày đấy!
Hòa trợn mắt, kinh hoàng thêm một lần nữa! Vì bà vẫn đinh ninh là Đạt đã trên, dưới bốn mươi tuổi; nếu Đạt có điên rồ hỏi con gái bà thì tất nhiên Đạt phải hỏi người con gái đầu lòng, lớn nhất là Uyển… nổi tiếng đẹp và sắc sảo nhất, theo ý bà. Thế mà Đạt lại hỏi Diễm!
Uyển cũng không kém ngạc nhiên. Nàng tò mò nhìn Diễm, bất giác hỏi Thúc:
- Sao ông ấy không hỏi con, Ba nhỉ?
Thúc phì cười:
- Sao mày lại chất vấn tao? Tối nay, ông ấy đến dạy học, mày hỏi ông ấy thì biết…
Nhưng người xúc động nhất vẫn là Diễm. Mặt nàng tái đi, khi nghe cái tin “khủng khiếp” của cha nàng, nàng hốt hoảng đến nỗi đôi đũa nàng cầm suýt rời khỏi tay. Diễm vội nắm chặt đôi đũa, che giấu sự bồi hồi của mình bằng cách gắp hết món này đến món khác, đưa lên miệng mà cũng không biết mình gắp cái gì, nhai cái gì. Nhìn nét mặt hốt hoảng của Diễm, một ý nghĩ nghi ngờ đột nhiên thoáng qua óc Hòa, khiến bà bất giác kêu:
- Chết chửa! Hay là?...?...
Đoán biết sự băn khoăn của vợ, Thúc thẳng thắn nói:
- Mình đừng nghĩ bậy về Đạt. Tôi biết hắn đứng đắn. Chính hắn nói với tôi, là trong suốt hai năm dạy tụi này học, hắn chưa hề nói một lời nào có ý “tán” con Diễm, và lần này, trước khi định “tán” con Diễm, hắn nói trước ý định cho tôi biết, để xin phép tôi.
Rồi nhìn về phía các con, Thúc hỏi:
- Ông ấy quả quyết như vậy có đúng không/ Ông Đạt có bao giờ “tán” chúng mày chưa?
Diễm không nói, chỉ lắc đầu. Còn Uyển trả lời bằng một giọng hơi bực tức:
- Mặt ông ta lúc nào cũng lầm lì như chó ăn vụng bột, còn tán tỉnh cái gì! Nhất là vào giờ học, ông ấy lập nghiêm đến con cũng phát hoảng… Ngờ đâu, ông ta cũng chỉ là một “thứ” đạo đức giả… Để tối nay, con xem cái bộ mặt lầm lì của ông ta “tán” cô Diễm nhà tar a sao!
Vợ Thúc lơ đãng nghe Uyển nói, gương mặt trầm ngâm, hầu như bà ta rất khó chịu về cái tin của Thúc, rồi không hiểu nghĩ sao, bà lên tiếng cự nự chồng:
- Hỏi con bạn và học trò của mình làm vợ, thật “chướng” quá! Sao mình không mắng át để ông ta đừng tính chuyện vớ vẩn nữa?
Thúc phì cười:
- Có gì là “chướng”! Chướng hay không chướng là do sự nhận định của mỗi người! Riêng tôi thấy thì cũng chả lấy gì làm chướng. Ít ra, hắn đã đường hoàng, thẳng thắn ngỏ ý kiến trước với mình…
Vợ Thúc lắc đầu:
- Như vậy mà mình còn cho là không chướng thì tôi chịu mình thật. Không những chướng mà còn bất tiện là đường khác! Theo tôi, thì tối nay ông ấy lại, đừng cho ông ấy dạy những đứa nhà này nữa. Bất tiện và mang tiếng lắm!
Thúc trêu vợ:
- Vậy đợi đến tối, hắn lại, nhờ mình đuổi hắn ra dùm.
- Tôi sợ gì mà không đuổi! Nêu không đuổi, cuộc hôn nhân của con Diễm với thằng Khải khó mà thành lắm! Khổ quá! Mình phá các con hoài!
Nghe vợ buộc tội mình một cách vô lý, Thúc chỉ cười xòa như một triết gia vốn coi khinh đàn bà. Sự thật, thì về triết học, không hiểu Thúc có là một giáo sư ưu tú hay không, nhưng ít nhất đối với vợ, chàng xử sự đúng ra vẻ một triết nhân, nghĩa là sẵn sàng chịu thua vợ trong mọi cuộc bàn cãi…
Kinh nghiệm sống đã dạy cho chàng biết, muốn cho gia đình êm ấm, cần nhất là phải chiều vợ, chiều cả những cái vô lý, oái oăm của đàn bà. Thuộc nòi sợ vợ, Thúc chỉ hơn những anh chàng sợ vợ khác ở điểm chàng đã nâng đức nể vợ lên hàng một nghệ thuật, một triết lý, nên chàng sợ vợ mà vẫn có vẻ phóng túng, chớ không đến nỗi co rúm, bần tiện như phần đông những anh chàng sợ vợ. Được cái vợ Thúc, tuy nhiều lúc oái ăm, lý luận ngược đời, bà vẫn là người có học, có tâm hồn, nên chỉ bắt nạt chồng khi nào sự bắt nạt không làm mất nhân cách chồng, cho nên gia đình Thúc vẫn êm ấm, êm ấm trong sự cãi lộn hàng ngày.
Biết vợ sắp sửa bù lu bù loa, Thúc hướng về phía các con, hỏi như phân bua:
- Mẹ mày Ba phá chúng mày! Vậy Ba phá chúng những đám nào, và chúng mày hụt bao nhiêu đức ông chồng vì Ba?
Cả bốn cô gái cùng cười. Tuyết cười lớn nhất, nói trêu bố:
- Kể ra thì Ba không phá đám, nhưng thỉnh thoảng Ba ưa ra một vài nhận xét “giết người” về những ông “prétendant” của chúng con, khiến chúng con phát ngán họ! Như thế, cũng có thế gọi là “phá” phải không mẹ?
Được con gái út—cục cưng của Thúc—về hùa với mình, Hòa càng được thể tấn công chồng:
- Đúng thế! Chỉ vì Ba chúng mày thường nói ngãng ra, khiến chúng mày õng ẹo, chê hết đám này đến đám khác… Đấy rồi coi: Cứ để yên thì thế nào thằng Khải cũng lấy con Diễm. Nhưng lại thêm ông Đạt nhào vô, thì còn chán chuyện rắc rối. Mà con Diễm thì còn đủ long đong khổ sở. Lắm mối, tối nằm không là vậy!...
Về tình cảm, người đàn bà đánh hơi ít khi nhầm lẫn: Tuy Khải trẻ, đẹp trai, nhiều tương lai hơn Đạt; và tuy Diễm có cảm tình đằm thắm với Khải, thế mà khi nghe chồng báo tin Đạt có ý hỏi Diễm, Hòa tự nhiên lo sợ vẩn vơ cho con gái và thấy Đạt sẽ là tình địh nguy hiểm của Khải, vì bà biết Diễm không những cảm phục Đạt, mà tâm hồn Diễm ngay từ hồi còn thơ dại đã mang hình ảnh Đạt, đã được nhào nặn do bàn tay của Đạt, đã chịu ảnh hương lối suy tư, cảm xúc của con người vừa là thầy dạy—kỹ sư sư tâm hồn của Diễm—vừa là bạn học của Hòa, vừa là bạn đồng sự của Thúc. Hòa lại hay xem tướng, và bà thấy tướng Đạt lá tướng những người chuyên mang tai họa, sóng gió đến cho mọi người. Cho nên bà đón cái tin Đạt định hỏi con gái mình, như đón một tai vạ. Không phải là bà không có cảm tình với Đạt. Trái lại, chính vì bà có cảm tình với Đạt mà bà thấy oán giận Đạt tại sao lại rắp tâm hỏi Diễm làm vợ.
Nét mặt đăm chiêu, Hòa cau có hỏi chồng:
- Nhưng sao mình không nói cho ông ta biết là con Diễm đã yêu thằng Khải và hai đứa sắp sửa đính hôn?
Thúc thở dài:
- Khổ lắm! Thì tôi cũng nói na ná như bà nói, nhưng hắn trả lời rằng hắn biết con Diễm chỉ mới có cảm tình với thằng Khải, chứ chưa yêu thằng Khải. Hắn lại quả quyết rằng, nếu trong thời gian hai tháng, hắn không chinh phục được tình yêu của con Diễm thì hắn xin rút lui… có trật tự…
Tuyến nhìn Diễm, phá lên cười ròn tan:
- Thật là lộn xộn! Nhưng theo ý Ba, mẹ và các chị thì trong hai cu cậu, “thầy” Đạt và anh Khải, nên chọn “cậu” nào cho chị Diễm! Bắt đầu là Ba!... Ý kiến Ba thế nào?
Thúc gật gù:
- Kể ra thì cả hai người đều xứng đáng! Vậy tốt hơn hết là…
Tuyết cướp lời:
- Tốt hơn hết là chị Diễm lấy cả hai người… Có phải không Ba?
Thúc cười:
- Đại khái như vậy!
Vợ Thúc lườm chồng:
- Quả là ông “ba phải”. Như vậy mà mình cũng dạy triết học, và học trò của mình cũng thi đậu thì thật là chuyện động trời!
Thúc đắc chí:
- Nếu dạy triết học mà không biết “ba phải” thì chỉ có cách tự tử…?
Tuyết xen vô:
- Ba đã phát biểu ý kiến là… chị Diễm nên lấy cả hai người. Bây giờ đến lượt mẹ!
Vợ Thúc lắc đầu mệt mỏi:
- Lại còn ý kiến gì nữa! Đã có hai người điên là ông Đạt và Ba chúng mày… Chả nhẽ con Diễm cũng điên nốt để bằng lòng lấy một người gần tuổi bố mình lại lừng khừng, ngang như cua…
Tuyết bắt chước Thúc, lên giọng triết nhân:
- Biết đâu chị Diễm lại chẳng đien nốt! Bí mật của tình yêu mà lỵ! Nhưng ý kiến mẹ thế là đủ rồi… Đến lượt chị Uyển?
Uyển im lặng nhìn Diễm, rồi cười nhạt trả lời:
- Theo ý chị, Diễm nên lấy “thầy” Đạt!
Không hiểu sao, mọi người đều có cảm tưởng Uyển không thành thực khi bày tỏ ý kiến của mình, tuồng như lòng tự ái của Uyển bị thương vì chuyện Đạt định hỏi Diễm làm vợ… Sự thực nếu Đạt hỏi Uyển làm vợ, thì chắc chắn là Uyển từ chối… Nhưng câu chuyện Đạt rắp tâm hỏi Diễm làm vợ mà không cầu hôn Uyển, vẫn làm cho Uyển khó chịu một cách vô lý… Vô lý hơn nữa là không thiếu gì những người giỏi trai, có địa vị, giàu sang hơn Đạt, đã hỏi Uyển, Uyển đều tàn nhẫn từ chối, chả nhẽ lúc này, Uyển lại ghen tức với em mình…
Tuyết quay về phía Huyền:
- Bây giờ đến lượt chị Huyền. Ý kiến chị thế nào?
Huyền ngồi vào bàn ăn, vẫn im lìm, không thốt một lời. Vì bản tính nàng trầm lặng, nên không ai để ý đến sự nín thinh của nàng! Nhưng khi Huyền cất tiếng nói, mọi người đặc biệt chú ý lắng nghe… Huyền nở một nụ cười từ bi nhưng rất trẻ, nói với em:
- Theo ý Huyền, thì chị Diễm không nên lấy ai trong hai người. Mình không có quyền làm cho ai buồn khổ. Nếu lấy Khải, thì thầy Đạt buồn; nếu lấy thầy Đạt, thì anh Khải buồn. Vậy tốt hơn hết là từ khước cả hai người và tìm một người thứ ba…
Tuyết vỗ tay thích thú:
- Đúng rồi. Tìm một người thứ ba. “Một thằng ăn trộm thứ ba”. “Un troisième larron” có phải không Ba?
Thúc trìu mến bá cổ con gái út:
- Mày lém quá! Tuyết ơi!
Vợ Thúc nhìn Diễm, đột nhiên nhắc lại câu hỏi mà Uyển đã hỏi cha:
- Ừ nhỉ! Sao ông Đạt không hỏi con Uyển mà lại hỏi con Diễm hở mình?
Thúc tủm tỉm cười, đặt tay lên vai Diễm, giọng âu yếm có pha chút chế nhạo:
- Ly kỳ lắm! Theo lời Đạt thì đó là duyên kiếp tiền định. Nếu Diễm không sợ “mắc cở” thì Ba sẽ kể những lời Đạt đã nói cho cả nhà nghe…
Diễm ngẩn mặt, nhìn thẳng vào mắt cha:
- Ba cứ nói… Giữa con và ông Đạt không có gì ám muội cả…
Thúc gật gù:
- Ba biết chứ! Ba biết là không có gì ám muội… Nhưng theo lời Đạt thì con đã có lần hứa với Đạt, sẽ lấy Đạt làm chồng có đúng không?
Diễm mở to đôi mắt kinh ngạc:
- Bao giờ ạ?
Thúc thỉnh thoảng trả lời:
- Cách đây mười năm! Hồi đó… Kháng chiến… Gia đình nhà này tản cư lên Tuyên Quang… Đạt cũng chạy lên Tuyên, thường lui tới dạy thêm lũ trẻ nhà này. Con Diễm, năm đó, chỉ mới đọ bảy, tám tuổi, cả ngày chỉ quấn quit bên “chú” Đạt của nó. Theo lời Đạt thì có một buổi, Diễm bị mẹ mắng, khóc thúc thít, Đạt bèn đưa Diễm ra suối tắm. Nó công kênh con bé ra giữa dòng suối, và trong lúc hai chú cháu nô rởn với nước, Đạt hỏi con Diễm: “Nhớn lên, cháu làm gì?”, thì con Diễm trả lời thon lỏn: “Nhớn lên, cháu lấy chú Đạt”… Vì Đạt không quên lời mày nói hồi nhỏ nên bây giờ mới có ý định hỏi mày làm vợ… Có đúng vậy không con?
Cả nhà phá lên cười. Diễm lặng người, mặt đỏ như gấc, không biết trả lời sao. Những lời Thúc nói vụt làm trỗi dậy trong tâm hồn nàng, một kỷ niệm từ tiềm thức dâng lên: Diễm đột nhiên nhớ lại—một cách rành mạch như thấy hiển hiện trước mắt—cái buổi chiều có nắng thu, Đạt cầm tay nàng, xềnh xệch lôi nàng trên con đường mòn đưa tới suối, và nàng lật đật chạy theo Đạt, thỉnh thoảng lại nấc lên một tiếng vì cơn khóc mới chấm dứt… Diễm nhớ lại từng chi tiết khung cảnh chiều hôm đó, từng cử chỉ của Đạt, nhớ lại cả khuôn mặt lầm lì và cái nhìn nghiêm khắc của Đạt, khi Đạt cởi quần áo cho nàng, bế nàng xuống nước… Diễm như sống lại cái cảm giác mênh mông khi nước suối lành lạnh mùa thu làm nàng ôm chầm lấy Đạt và Đạt công kênh nàng lên vai, đưa nàng ra giữa dòng suối, khiến Diễm vừa sợ, vừa thích. Kỷ niệm thời thơ ấu đó, Diễm đã quên khuấy từ lâu, thế mà chỉ một lời nhắc nhở của Thúc cũng đủ làm cho tất cả cái dĩ vãng xa lắc, xa lơ, tưởng chừng như đã chết, lúc này vụt sống lại, khiến nàng ghẹt thở vì xúc động trước sự hiển hiện của quá khứ. Diễm nhớ lại… nhớ lại tất cả từ bầu trời vàng đến khúc sông xanh, tất cả những mầu sắc mơ hồ của buổi đi tắm suối… Diễm hình dung cả nét mặt rạng rỡ của Đạt khi nàng hồn nhiên và ngây ngô trả lời Đạt: “Nhớn lên cháu lấy chú Đạt”, và Diễm chợt hiểu, như nghe một người mù chợt nhìn thấy ánh sáng… Diễm chợt hiểu tại sao từ trước đến nay, Diễm vẫn cảm thấy mình bị ràng buộc với Đạt một cách thật tha thiết, âm thầm mà không cắt nghĩa nổi. Thì ra cái kỷ niệm thời thơ ấu—mặc dầu nàng đã quên khuấy từ lâu—vẫn ngấm ngầm tác động, chi phối cuộc đời tình cảm của nàng…
Nhìn gương mặt đỏ, rồi tái nhợt của Diễm, Hòa lo lắng hỏi con:
- Chết chửa! Mày hứa thực, hở con?
Diễm ấp úng:
- Hơn mười năm rồi, làm sao mà nhớ lại được…
Tuyết ôm lấy chị, xoa đầu như xoa đầu một đứa con nít, cười nghiên ngả:
- Thôi chị Ơi! Chị nói dối không tài bằng em đâu… Thì chị cứ nhận là có nói câu “bất hủ” đó đi! Đời nào, thầy Đạt, kiêm “chú” Đạt rất đứng đắn, nghiêm nghị của chúng con lại bịa chuyện, có phải không Ba?
Thúc gật đầu:
- Có nhẽ Đạt không bịa! Nhưng con Diễm thì chắc là quên thật rồi. Vả lại, chuyện trẻ con thì dĩ nhiên là ngô nghê, vô lý. Dù Diễm có nói vậy, cũng chỉ là chuyện thường tình của trẻ con…
Tuyết lắc đầu lia lịa:
- Con thì không cho là chuyện trẻ con thường tình như Ba nói, mà là chuyện nghiêm trọng lắm! Chị Diễm mới lên bảy tuổi, mà đã đã đòi lớn lên lấy “chú” Đạt, thì đó là triệu chứng chị Diễm đã “mê” ông Đạt ngay từ thời thơ ấu rồi! Cái đó mới nguy hiểm, chứ đâu phải chuyện “trẻ con” hở Ba?
Tuy biết là Tuyết trêu cợt chị, Hòa vẫn cho lời Tuyết là đúng và sự lo sợ của bà không phải là không có lý do. Tự nhiên bà thấy cần phải mắng át Tuyết:
- Mày chỉ nói nhảm. Con Diễm nào mê cái ông Đạt dở người đó!
Rồi bà quay lại cự chồng:
- Mà mình cũng lẩn thẩn nốt! Câu chuyện trẻ con và vớ vẩn như vậy, mình cũng đem ra kể, thật vô lý hết sức.
Thúc cười xòa:
- Ơ kìa! Thì cũng tại mình muốn biết vì sao Đạt lại định hỏi con Diễm mà không hỏi con Uyển, nên tôi phải thuật lại cho mọi người nghe…
Rầy la chồng, con rồi, vợ Thúc vẫn còn bực tức và thấy cần phải triệt hạ uy tính Đạt, tìm xem Đạt có gì xấu để phanh phui ra, không phải cho bõ ghét, bõ giận, vì thực tình bà cũng không ghét gì Đạt, nhưng cốt là để lại hẳn Đạt “ra ngoài vòng chiến” như lời Tuyết thường nói, ngõ hầu Diễm sẽ không còn bao giờ tơ tưởng đến Đạt, không còn lẩm cẩm so sánh Đạt với Khải nữa. Bởi vì, tuy Khải có đầy đủ ưu thế hơn Đạt, bà vẫn nơm nớp lo ngại Diễm sẽ vì Đạt, bỏ Khải, thì thật là một tai họa. Thế bất lợi đầu tiên của Đạt là tuổi của Đạt. Cho nên bà tấn công liền:
- Tuổi thật của ông Đạt bao nhiêu mình nhỉ? Đã đến bốn mươi lăm chưa?
Thúc vô tình bên vực Đạt:
- Làm gì tới! Trông hắn trẻ hơn tôi nhiều!
Hòa bĩu môi:
- Trẻ hơn mình? Già hơn thì có! Tôi trông ông ta lụ khụ, vai lại so như người nghiện dở. Biết đâu ông ta chẳng hút á phiện!...
Biết mẹ cố tình “tố khổ” Đạt, Tuyết vờ về hùa với mẹ:
- Đúng thế. Trông Ba còn trẻ hơn ông Đạt nhiều… Chưa biết chừng ông Đạt đến năm mươi tuổi cũng nên!
Thúc cười ngất:
- Sao mày không bảo là Đạt bảy mươi tuổi cho mẹ mày vui lòng!
Vợ Thúc cũng phì cười. Nhưng bà vẫn chưa chịu thôi. Bà tấn công luôn đợt hai:
- Nghe nói ông ta cũng lăng nhăng lắm phải không, mình?
- Đâu có! Các bạn bè đều nói hắn sống khắc khổ như thầy tu…
- Sao nghe nói ông ta có một đứa con riêng… Khắc khổ như thầy tu mà cũng có con riêng thì khắc khổ ở chỗ nào?
Tuyết đỡ lời mẹ, tố thêm:
- Mẹ nói chí lý lắm! Khắc khổ mà có con riêng thì khắc khổ ở cái “khổ” nào? Ông Đạt có con riêng thật hở Ba?
- Ông ấy có con riêng thực… Nhưng đứa con riêng đó hình như không phải con ông ta!
Vợ Thúc lắc đầu:
- Ai mà chịu được chuyện của mìh… Đã là con riêng mà vẫn không phải con ông ta, vậy thì con ai?
Huyền vốn ít nói, cũng xen vào:
- Chắc là con của Ba, phải không mẹ?
Mọi người đều cười… Thúc nói với Huyền:
- Mày ác lắm con ạ! Mỗi lần cóc mở miệng thì y như có chuyện! Mày chỉ cần thêu dệt một vài chi tiết, đặc thêm một vài nghi vấn nữa là mẹ mày sẽ đinh ninh đứa con của Đạt là con tao, cho mà coi!
Vơ Thúc chăm chú nhìn chồng:
- Biết đâu đấy! Đàn ông có trời cũng không hiểu nỗi…
Thúc nói như reo với các con:
- Biết ngay mà! Mẹ mày đã bắt đầu nghi ngớ rồi! Chúng mày cứ việc “tố” thêm vào…
Uyển tò mò hỏi cha:
- Nhưng câu chuyện ly kỳ thế nào mà đứa con riêng của ông Đạt lại không phải là con thực của ông, thưa Ba?
- Tao cũng không biết rõ. Nghe đâu…
Huyền ngắt lời cha:
- Chuyện này con biết tường tận lắm. Để con kể thay Ba cho cả nhà nghe…
Uyển cau đôi lông mày:
- Phá hoài! Mày mà biết chuyện… Để yên cho Ba kể…
Huyền điềm tĩnh trả lời chị:
- Em biết thực mà! Em biết vì chính ông Đạt đã kể cho em nghe, chính ông Đạt đã đưa em tới gặp đứa con riêng của ông!
Tuyết lên tiếng:
- Có nhẽ chị Huyền biết chuyện thực. Ông Đạt xem chừng ưa tâm sự với chị Huyền lắm…
Huyền gật đầu:
- Đúng! Những bí mật của ông Đạt, ông chỉ kể cho một mình Huyền biết. Câu chuyện đứa con riêng của ông đáng nhẽ Huyền không có quyền nói ra, nhưng vì mẹ đả động tới và ông Đạt định hỏi chị Diễm, nên Huyền thấy cần phải kể cho cả nhà nghe…
Nghe Huyền nói, vợ Thúc mở to đôi mắt nhìn con. Bà không thể nào tưởng tượng nổi, cô con gái vốn dịu dàng, trầm lặng, thích đi tu của bà, lại biết cả những chuyện thầm kín nhất của Đạt, lại có thể ăn nói một cách “bà cụ non” như Huyền vừa nói. Thì ra, mỗi cô con gái của bà đều là một thế giới riêng rẽ, đầy bí mật mà bà không biết, không hay!
- Mày đã đến thăm con riêng ông ấy, có thực không?
- Dạ. Thằng bé thông minh và bướng bỉnh ghê, mẹ ạ! Con định xin phép Ba, mẹ nhận nó làm em nuôi có được không mẹ?
Thúc hỏi đùa:
- Nhưng mày có thấy nó giống tao ở điểm nào không? Tao lo quá!
Huyền tủm tỉm cười:
- Nó không giống Ba, nhưng rất giống con ở một điểm.
- Điểm nào?
- Nó cũng hơi lé mắt như con và…
Mọi người cười ngất. Thấy câu chuyện đi quá xa, Uyển giục em:
- Mày biết thì kể đi… Con cà con kê mãi…
Huyền vẫn thong dong:
- Chị khỏi phải sốt ruột… Chuyện ly kỳ như tiểu thuyết nhưng hơi dài… Vậy mẹ có chịu nghe không?
- Thì kể đi… Giáo đầu hoài!
Và Huyền bắt đầu kể câu chuyện mà cách đây một năm Đạt lần đầu tiên kể cho Huyền biết:

“… Năm 1949… Kháng chiến… Hằng cùng mẹ di cư về miền Mỹ Đức, Hà Đông. Là một nữ sinh trường Đồng Khánh, lại có sắc đẹp. Hằng hồi đó là một thanh nữ cứu quốc có tinh thần cao chót vót, yêu nước đắm say. Di cư được ba tháng, mẹ Hằng đột nhiên lâm bệnh, từ trần, Hằng sống trơ trọi một mình với mấy chục lạng vàng do mẹ nàng để lại… Hằng tha thiết muốn tham gia vào phong trào phụ nữ địa phương, nhưng các chị em địa phương hầu hết là nông dân nên có thành kiến, tỏ thái độ e dè, ngờ vực đối với nàng, mà họ liệt vào thành phần “tạch tạch sè” (tiểu tư sản) phản động. Hằn ức lắm, ức nhất là nhiệt huyết sôi sùng sục trong huyết quản, thế mà nàng hầu như bị gạt ra ngoài cuộc chiến đấu, lại còn bị mọi người ở địa phương nghi ngờ, theo dõi là đằng khác…
… Hằng không biết làm gì cho khuây khỏa, bèn mở một cái quán bình dân, bán sôi, chè, bánh chưng, bánh rợn v.v… Không phải là để mưu sinh, vì nàng còn mấy chục lạng vàng của mẹ để lại, nhưng cốt là cho các “đồng chí” cán bộ, quân nhân đi công tác qua đó, có chỗ dừng chân, ăn quà. Đặc biệt đối với các an hem cán bộ, nàng chỉ lấy một chút ít tiền tượng trưng hoặc không lấy tiền gì cả.
Nàng đẹp, trẻ, lịch sự, lúc nào trên môi cũng sẵn nụ cười quyến rũ, nên chẳng bao lâu, quán của nàng tấp nập khách.
Đối với ai, nàng cũng niềm nở tươi cười, nên người thanh niên nào cũng tưởng nàng có tình ý riêng với mình, nhưng thực ra thì nàng không để ý tới ai hoặc chưa thèm để ý tới ai. Trong những người thanh niên thường lai vãng tới quán Hằng, và rất say mê nàng, có hai chàng: một thanh niên du kích phụ trách việc canh gác ở cổng làng Mỹ Lý, sát ngay quán bán hàng của nàng, và một đại đội phó quân đội chính qui, thuộc đơn vị đang đóng trong làn Mỹ Lý. Anh đại đội phó có bộ mặt đẹp trai lại kiêm chức chính trị viên đại đội, nên không khỏi có chút tự kiêu, tưởng mình đã lọt vào mắt xanh người đẹp; tuy nhiên, vốn là một bạch diện thư sinh nhát gái, đã nhiều lần anh định thổ lộ tâm tình với nàng mà vẫn dụt dè, chưa dám khai khẩu. Còn anh dân quân du kích thì cục mịch, hiền lành, anh thấy nàng cười với anh thì anh vội suy luận một cách giản dị rằng: “Nàng cười với ta thì tất phải yêu ta”. Nhưng anh càng mê nàng thì càng câm nín, chỉ biết ngẩn người nhìn nàng không chớp mắt, thỉnh thoảng thở dài…
Một bữa nọ, gió mùa Đông lùa vào tâm hồn trống trải của anh đại đội phó si tình. Anh bèn đội mưa, mò đến quán của Hằng, với ý định cương quyết là lần này cóc sẽ mở miệng…
Nhưng khi anh tới thì cái quán bé nhỏ của nàng đầy nghẹt khách. Anh đại đội phó—tên anh là Thanh—ngồi đợi hai tiếng đồng hồ, mà hết đám này tới đám khác, khách vẫn không vãn. Anh nhìn Hằng, đôi má ửng hồng, cái ngực căng phồng, lồ lộ sau làn áo cánh “phin” noon, anh nhìn nàng lòng rạo rực, bấn loạn đến phát sốt, phát rét. Rồi đột nhiên, không hiểu anh nghĩ sao, anh đứng lên, quả cảm như một chiến sĩ ra mặt trận, anh tiến lại gần nàng, đường hoàng dõng dạc nói với Hằng:
- Mời cô vào nhà trong, tôi cáo chút việc riêng muốn nhờ cô…
Hằng không nghi ngờ gì cả, đinh ninh Thanh có chuyện gì quan hệ, vội “dạ” một tiếng rất ngoan, rồi đứng lên thẳng thắn, lịch sự mời Thanh:
- Xin mời anh vào trong nhà…
Nhưng khi anh theo gót Hằng bước vào nhà trong thì anh hết hùng dũng, ba hồn bảy vía của anh đã bay lạc đi đâu mất… Bao nhiêu câu tỏ tình đẹp đẻ, lâm ly anh đã nghiền ngẫm, học thuộc lòng trong những đêm không ngủ, để nói với nàng, thì lúc này anh quên phứt tất cả. Thần trí bàng hoàng, anh chỉ thốt ra được một câu bất ngờ, thật kinh khủng như có ma quỉ nào nhập vào anh, mượn miện anh, nói lên câu đó, chứ không phải anh định nói. Vì anh đã ghé vào tai Hằng, và qua hơi thở, thỉ vỏn vein nói một câu tỏ tình gọn thon lỏn, rất duy vật:
- Thèm quá, ủng hộ một tý…
Người thiếu nữ mở to đôi mắt kinh ngạc nhìn anh và mãi tới ba mươi giây đồng hồ sau, nàng mới hiểu… Nàng suy nghĩ rất nhanh, rồi nét mặt không biến đổi, không giận mà cũng không “thẹn”, nàng điềm tĩnh, hơi buồn bảo anh:
- Xin vâng! Nhưng anh đợi một lát, khách về hết đã!...
Bom của thực dân nổ bên tai Thanh cũng chưa làm cho Thanh kinh hoàng bằng khi nghe câu trả lời “khứng chịu” của Hằng. Vì sau khi Thanh thốt ra câu bất hủ kể trên, mà thấy mình vẫn còn sống, vẫn chưa độn thổ cho đỡ xấu hổ, thì anh đứng sững, chờ nàng sẽ tát vào mặt mình, hoặc ít ra cũng nổi cơn thịnh nộ, chửi bới cho chàng một trận xứng đáng… Thế mà nàng không tát, không mắng chửi, lại “khứng chịu” một cách bình thản, không e lệ, thẹn thùng, thì còn trời đất nào hiểu được!
Thanh vẫn còn ngẩn ngơ, cho rằng tai mình đã huyễn hoặc mình, chứ không bao giờ nàng có thể “khứng chịu” thì Hằng đã bình tĩnh nói tiếp:
- Anh ngồi đây. Tôi ra nói khéo cho khách hàng về, sẽ trở vào…
Thanh bàng hoàng ngồi xuống mép giường. Anh mở to đôi mắt tháo láo, mà vẫn ngờ chiêm bao, vẫn chưa ý thức được rằng chỉ một lát nữa, người thiếu nữ, chàng hằng mơ ước, sẽ hiến dâng tấm thân ngà ngọc “ủng hộ” chàng, theo ý muốn của chàng! Thốt nhiên, Thanh sợ seat nhìn ra phía ngoài, tưởng chừng Hằng sắp sửa tri hô lên, gọi người vào bắt mình. Nhưng anh thấy Hằng vẫn dung dị, và khi anh nghe Hằng xin lỗi khách hàng để đóng cửa quán sớm hơn thường lệ, vì “mắc bận, phải đi với đồng chí đại đội phó”, thì anh thở ra một hơi dài, trút hết lo âu… Anh rút mùi soa trong túi quần, lau bộ mặt đẫm mồ hôi của anh, vì giữa mùa đông rét căm căm của miền Bắc, anh đã toát mồ hôi như tắm sau khi thốt ra câu tống tình nọ!
Thanh định thần nhớ lại tất cả những câu văn hoa, tha thiết mà anh rắp tâm nói với nàng, anh lại cảm thấy ngượng, xấu hổ một cách sung sướng… Thanh cố bình tĩnh xếp đặt một vài câu đẹp đẽ khác để lát nữa, sẽ nói tạ tội với người đẹp, nhưng mười lăm phút sau, khi nàng điềm tĩnh, nghiêm trang bước vào, thủng thẳng đóng cửa và nói với chàng bằng tiếng pháp: “Je suis prête” (Tôi đã sẵn sàng), thì chàng lại líu lưỡi, quên tất cả những điều mình định nói. Đôi mắt khờ dại đi, anh chỉ biết vụng về ôm choàng lấy nàng, hơi thở đứt đoạn từng hồi, phả vào mặt Hằng, khiến Hằng nhắm mắt, buông thõng hai tay…
Nhưng nhất cử nhất động của anh đại đội phó từ lúc đầu bước chân vào quán, cũng như nhất cử nhất động của Hằng đều không lọt qua mắt anh dân quân du kích lúc đó đứng gác ngoài điếm canh. Cho nên mặc dầu mưa phùn gió rét, anh dân quân du kích—tên anh là Đa—cũng thấy mặt mình nóng bừng và mồ hôi toát ra đầm đìa hơn cả anh đại đội phó, khi thấy người thiếu nữ và anh thầm yêu, trộm nhớ, bước vào nhà trong, đóng cửa lại… Căm hờn—không phải căm hờn giai cấp—dâng lên làm méo xệch cái mặt không còn là mặt người của anh nữa và giọng anh lạc hẳn đi khi anh nói không thành tiếng với các bạn đồng đội:
- Cô Hằng đang bị thằng đại đội phó hiếp dâm… Mau vào cứu cô, cá đồng chí!
Rồi anh vác dáo chạy ập tới. Các bạn đồng đội của anh ngơ ngác không hiểu sao, cũng vác dáo chạy theo anh.
Thanh vừa nhập thiên thai… thì bị bắt quả tang… được anh dân quân du kích tình địch trói chặt chẽ, hơn cả những khi anh trói Việt gian.
Biên bản lập xong, dân quân du kích bèn giải hai người lên uỷ ban huyện, rồi lên ủy ban tỉnh, nhưng vì Thanh là quân nhân, người ta lại phải giải hai người lên Tòa án Binh liên khu.
Hồi đó, Đạt vì có chút vốn về luật học nên chui vào làm Dự thẩm ở Tòa án Binh để tránh những con mắt dò xét của Việt Minh. Sắc đẹp và trí thông minh, hiểu biết của Hằng khiến Đạt đặc biệt lưu ý tới cái “cá Hằng bị “hiếp dâm”. Anh tò mò tìm hiểu tâm trạng thực của Hằng khi đem thân mình hiến cho anh đại đội phó. Anh không khòi sửng sốt khi Hằng tiết lộ cho biết, là mặc dầu nàng đã sẵn sàng hiến thân cho Thanh, nhưng vì cả hai người đều ngờ nghệch, nên Thanh chưa phá được tiết trinh của nàng, thì dân quân du kích đã ập vào! Hỏi Hằng tại sao một thiếu nữ còn trong trắng như nàng, lại có thể “khứng chịu” một cách quá dễ dàng thì Hằng đã thẳng thắn trà lời rằng cô không yêu Thanh và cũng không thèm muốn xác thịt, nhưng cô tự cho là “ủng hộ” anh đại đội phó, tức là phụng sự dân tộc…
Nghe Hằng nói, Đạt mỉm cười, bảo Hằng:
- Cô lãng mạn quá, nên tự đánh lừa được cả mình! Cô không yêu người đại đội phó, không thèm khát sinh lý mà lại dễ dàng tự hiến thân cho người ta. Ai mà hiểu nổi! Vậy tôi hỏi cô: Giả thử người nói với cô, câu “Thèm quá, ủng hộ một tý” không phải anh đại đội điển trai Thanh, mà là anh chàng “răng đen mã tấu” dân quân du kích, thì liệu cô có dễ dàng ưng chịu không?
Nàng trả lời không lưỡng lự:
- Tôi chẳng cần suy nghĩ cũng có thể trả lời ông! Tôi đã nói quả quyết tôi không yêu Thanh. Vậy nếu Đa ngỏ ý, dĩ nhiên là tôi không khước từ cũng như tôi không khước từ Thanh…
Đạt làm ra vẻ nghiêm nghị:
- Cô bảo là cô không khước từ! Vậy nếu tôi cho gọi người dân quân du kích vẫn thầm yêu cô tới đây để người đó chính thức yêu cầu cô “ủng hộ” thì cô nghĩ sao?
- Tôi ưng chịu liền, chứ còn nghĩ gì nữa! Lập trường của tôi dứt khoát…
… Chiều hôm đó, Đạt thuật những lời Hằng đã nói trong cuộc thẩm vấn cho viên Chánh án Tòa án Binh nghe. Chánh án Tòa án Binh hồi đó, vốn là một đồng bào dân tộc thiểu số, “hảo ngọt” hơn ai hết. Từ khi thấy mặt Hằng, ông Chánh án cũng cay cú lắm, nhưng nghĩ mình “phương diện quốc gia”, ông chưa dám làm ẩu, đương nghĩ cách chiếm đoạt nàng một cách êm thấm… thì nghe Đạt kể, ông bèn nảy ra một kế: ông sẽ dùng Đa làm con bài thí nghiệm, làm kẻ mở đường. Nếu Đa xin “ủng hộ” mà được nàng ưng chịu thì đến lượt ông xin “ủng hộ”, nàng cũng sẽ ghe theo! Bởi vì, tuy là Chánh án Tòa án Binh liên khu, ông vẫn chưa gội rửa được những mặc cảm tự ti của một người dân thiểu số, ít học, nên rất ngại cái trí thức lém lỉnh của các cô con gái kinh kỳ, vì ông là người sợ tán gái, tuy ông rất thèm gái.
Thấy viên Chánh án định thực hiện cuộc thử thách đối với Hằng, Đạt đâm hoảng vì anh không muốn do cái trò anh bày đặt ra mà Hằng mất trinh tiết… Đạt bèn tìm cách phá cuộc thử thách, nhưng anh càng khuyên can viên Chánh án đừng làm, thì viên Chán án lại càng nhất quyết. Ngay chiều hôm đó, viên Chánh án cho liên lạc viên đi gọi người dân quân du kích làng Mỹ Lý…
Đạt thầm cầu mong Hằng sẽ không đến nổi điên rồ, tự hủy hoại cuộc đời mình với anh dân quân du kích. Nhưng ba ngày sau, lối mười hai giờ đêm, Đạt và viên Chánh án ngồi nhấp cà phê chờ đợi tin tức cuộc thử thách, thì từ phòng riêng giam giữ Hằng, Đa trở về; nhìn bộ mặt bẽn lẽn kiểu cô dâu mới về nhà chồng của Đa, Đạt hiểu ngay là điều oái ăm vô lý nhất đã xảy ra: Hằng đã bị phá trinh tiết. Viên Chánh án cười going, hất hàm hỏi Đa: “Thế nào?” thì Đa chỉ cúi đầu, lúng túng, dạ dạ vâng vâng, xem chiều còn xúc động… Riêng Đạt thấy lợm giọng, muốn tát cho viên Chánh án một cái bạt tai mà không đủ can đảm…
Tướng bở, tối hôm sau, viên Chánh án mò tới Hằng, chắc mấm nàng sẽ “ủng hộ” mình như đã ủng hộ anh dân quân du kích. Ai ngờ, không những nàng không chịu mà còn chửi bới, chống cự quyết liệt, cào cắn viên Chánh án người Thổ khoẻ như hùm, nên nàng bị hắn đánh ngã bất tỉnh, và lần này nàng bị hiếp dâm thực sự!
Sáng hôm sau, nàng vẫn không ngớt chửi bới… Sợ viên Chánh án bị nhục, tìm cách thủ tiêu nàng, Đạt thỏa thuận với người chính trị viên của đơn vị, bố trí cho nàng trốn khỏi cơ quan, bảo liên lạc viên đưa nàng về Hà Nội!
Khi Đạt hồi cư, tái ngộ Hằng thì Hằng đã có một đứa con. Không ai đoán được đứa bé là con ai, con anh dân quân du kích si ngốc, hay con ông Chánh án hảo ngọt. Đạt bèn ngỏ ý với Hằng, nhất đứa bé là con. Vì Đạt độc thân mà Hằng từ khi hồi cư cũng không lấy chồng, hai người lại quen nhau từ hồi còn ở bong, nên ai cũng tưởng thằng bé là con của hai người!...”
Kể xong câu chuyện, Huyền rót một ly nước, uống một hơi, nhìn mọi người, thấy ai vẫn im lặng, thì nàng nói tiếp:
- Hết ạ! Ý kiến Ba thế nào?
Thúc im lặng một lát mới gật gù:
- Câu chuyện cũng lý thú đây chứ!
Không biết Hòa có cho câu chuyẹn là lý thú hay không nhưng Thúc đã cho là “lý thú” thì tất nhiên bà phải nói ngược lại, nên bà lắc đầu:
- Chuyện vô lý như vậy mà mình cũng cho là lý thú! Đàn bà đâu có đàn bà thối đến thế!
Thúc gật gù theo kiểu “ba phải”
- Mình nói có lý lắm!
Rồi quay về phía Huyền, Thúc hỏi:
- Mày đã gặp bà Hằng, mày thấy bà ta thế nào, có vẻ “đĩ thối thây” không?
Mọi người đều nhìn Huyền, chờ đợi câu trả lời. Huyền đắn đo một lúc, mới nói:
- Con chỉ gặp một lần nên không dám quyết đoán…
Vợ Thúc nhìn Diễm, nói dằn từng tiếng, cốt để Diễm nghe:
- Thế nào ông Đạt và bà Hằng chẳng dang díu nhau… Chuyện con Huyền kể nghe khó tin quá. Biết đâu thằng bé chẳng là con hai người!
Thúc đưa mắt nhìn các con, tủm tỉm cười, và năm bố con đều hiểu là Hoà cố tình triệt hạ uy tín Đạt, nên Tuyết vội gật đầu lia lịa nịnh mẹ:
- Mẹ nói đúng lắm! Con cũng nghi lắm!
Uyển tò mò hỏi Huyền:
- Bà ta có còn trẻ, đẹp không?
- Không lấy gì làm trẻ, nhưng không phải là không quyến rũ! Bà ta có đôi mắt đẹp, nụ cười bí mật và ngạo đời…
- Em thấy bà ta đối xử với ông Đạt ra sao? Như một người yêu hay một người bạn?
- Dĩ nhiên là hai người thân nhau. Nhưng em không hiểu nổi đó là tình bạn hay tình yêu!
Hòa cười mỉa:
- Có gì mà không hiểu nổi! Một anh thì chưa vợ, một chị thì chưa không chồng. Tránh làm sao chẳng yêu nhau! Thế mà còn dám tính chuyện hỏi con Diễm nhà này! Chịu ông ta thực!
Tuyến nói với Huyền:
- Hôm nào, chị đưa em lại thăm bà ta nhé! Xem mặt, mũi bà tar a sao…
Thúc xen vào:
- Cho tao đi cùng với!...
Vợ Thúc lườm chồng:
- Để làm gì! Mình lạ quá!... Có phải để bắt chước anh đại đội phó “thèm quá” không?
Cả nhà phá lên cười, Thúc cười khoái trá nhất. Thúc biết vợ hay ghen, nên anh càng thích trêu vợ. Anh hỏi Tuyết:
- Hôm nào đi chúng mày?
Hòa trừng mắt nhìn chồng:
- Này! Tôi cấm mình và các con làm quen với “con mẹ đó”, mình biết không?
- Biết lắm! Nhưng sao lại cấm. Mình sợ bà ta à!
Hòa chu chéo:
- Ai thèm sợ cái đồ thối thây… Nhưng mình định trêu gan tôi, phải không? Con Tuyết! Mày cốc dùm Ba mày một cái cho tao! Tội vạ đâu tao chịu! Tao sắp điên đầu lên đây!
Giọng Hòa vẫn là giọng đùa cợt, nhưng Tuyết biết mẹ sắp sửa “điên đầu” thực sự, nên Tuyết vội ôm đầu bố, rồi giơ cao đánh nhẹ, nàng khẻ cốc vào đầu Thúc:
- Tội Ba to lắm! Ba có biết không? Mẹ càng thêm tuổi thọ thì lại càng ghen vô lý. Thế mà Ba cứ chọc giận mẹ hoài, hỏi làm sao mẹ không điên đầu!
Nghe Tuyết nói, Hòa tuy tức bực mà cũng phì cười mắng con:
- Con chết tiệt! Tao ghen cái gì! Tao thèm ghen bao giờ, mà mày bảo tao ghen vô lý!
Thúc cũng làm bộ mắng:
- Mày còn ngu là đàng khác! Mày bảo mẹ mày “cao tuổi thọ”! Làm như mẹ mày “già” lắm rồi sao! Riêng tao thấy, thì mẹ mày với mày, trông như hai chị em, không ai bảo là mẹ con, có đúng không chúng mày?
- Dạ, dạ… đúng lắm, thưa Ba.
Hòa biết là chồng nói trêu, nhưng bà vẫn không khói thích thú mỗi khi được ai khem mình trẻ. Vì bà vẫn tự hào mình còn trẻ. Mỗi khi bà đi cùng các con ra đường người không quen biết, vẫn lầm là chị em. Cho nên thấy chồng mình đúng tâm lý mình, Hòa sung sướng, quên hết ghen, bà mỉm cười tha thứ:
- Thôi không nói chuyện cái ông Đạt lẩm cẩm nữa. Mình đi nghỉ, kẻo hết giờ rồi…
… Buổi chiều, trong bữa cơm, hình như mọi người đã thỏa thuận ngầm là không nói tới chuyện Đạt nữa, nhưng cái việc Đạt rắp tâm hỏi Diễm và câu chuyện của Hằng vẫn lởn vởn trong đấu óc mọi người, nhất là sau bữa cơm chiều, Đạt sẽ tới dạy học, nên trừ Thúc, Tuyết và Huyền là hồn nhiên không đặt thành vấn đề; còn Hòa, Uyển, Diễm thì mỗi người đều tự hỏi sẽ phải đối xử với Đạt cách nào cho ổn. Nhất là Uyển! Uyển bắt chợt thấy mình nghĩ tới việc Đạt rắp tâm hỏi Diễm nhiều quá! Buổi tối, nàng bắt chợt thấy mình nhìn vào gương, sửa lại mái tóc, thoa một chút phấn hồng lên má, trước khi xuống dưới nhà, vào phòng học. Cử chỉ của Uyển làm Uyển tức bực chính mình, vì trước kia, nàng có bao giờ để ý sửa sang sắc đẹp của mình mỗi khi gặp Đạt… Uyển biết mình đẹp, chẳng cần trang điểm cũng đẹp. Vậy thì tại sao nàng lại thoa phấn trước khi gặp Đạt? Nàng ghen với em chăng? Vô lý quá! Vì thiếu gì người đẹp trai, có địa vị hơn Đạt đã hỏi Uyển mà Uyển khước từ! Đạt thì có gì đáng kể! Nhưng Uyển vẫn băn khoăn tự hỏi: “Tại sao Đạt không hỏi mình? Đạt không hỏi ta mà rắp tâm hỏi Diễm, tức là Đạt coi thường ta, coi khinh ta… Thà rằng, Đạt hỏi mình, để mình từ chối, rồi Đạt sẽ hỏi Diễm, như thế Đạt mới là người lịch sự, biết điều chứ”. Uyển lý luận một cách vô lý—mà nàng cho là rất hữu lý—như vậy , khiến nàng tự giận mình lẩn thẩn, rồi giận lây sang Đạt, sang Diễm. Nàng nhìn Diễm, thấy Diễm để nguyên bộ tóc rối, ngồi vào bàn học, lấy sách ra đọc, đợi Đạt lại, thì Uyển lại càng khó chịu, và nàng tự nhủ: “Biết đâu em mình nó chả đạo đức giả, làm bộ như vậy. Biết đâu ông Đạt và nó chẳng yêu ngấm ngầm từ lâu rồi?”
Ý nghĩ đó làm cho Uyễn càng thêm bực tức với bản thân mình: “Mình thật kỳ quặc! Dù cho họ có yêu nhau chăng nữa thì có liên can gì tới mình”.
Người băn khoăn thứ hai là Hòa. Bà phác họa cả một chương trình trong đầu, để lát nữa gặp Đạt, bà sẽ thực hiện. Việc đầu tiên là bà sẽ đổi cách xưng hô, gọi Đạt bằng “ông” chứ không gọi bằng “anh” như mọi khi! Việc thứ hai là sau giờ học, bà sẽ mời Đạt lên phòng khách, nói “đốp chát” với Đạt là nếu Đạt thực là người tốt, thì Đạt hãy buông tha Diễm, đừng rắp tâm “tán” Diễm, rắp tâm hỏi Diễm làm vợ nữa!
Bà đã ấn định chương trình rành mạch, nhưng khi Đạt vừa bước vào nhà, lên tiếng chào “Chị ạ” thì, vì thói quen, bà đã niềm nở buột miệng: “Kìa anh, mời anh vào”. Bà vội nghiêm nét mặt lại, như một bà mẹ vợ, cố nghiêm mặt trước một ông con rể tương lai, suýt soát tuổi mình. Nhưng Đạt đã bắt tay Thúc, nói:
- Hôm nay, cho tôi dạy luôn, để còn phải về có việc hơi cần.
Rồi chàng đi thẳng vào buồng học khiến Hòa nhìn theo lắc đầu, nói nhỏ với chồng:
- Hắn định hỏi con Diễm, mà hắn vẫn gọi tôi là “chị” gọn thon lỏn. Tợn quá!
Thúc cười trả lời:
- Hắn chưa hỏi con mình làm vợ, mà mình đã muốn hắn đổi cách xưng hô, như thế là hắn “tợn” hay mình “tợn”? Mà hắn đã đổi cách xưng hô rồi, mình không nhận thấy à?
- Đổi ở chỗ nào?
- Trước kia anh ta chào “chị ạ”, tiếng “chị” to, tiếng “ạ” nhỏ. Hôm nay, trái lại, tiếng “ạ” át cả tiếng “chị”. Như thế là có sự chuyển hướng rõ rệt rồi còn gì nữa!
Hòa thấy sự phân tích của Thúc thật tinh vi, đúng là sự phân tích của một giáo sư dạy môn tâm lý học. Bà hơi kinh ngạc—cái kinh ngạc có pha chút kính phục âu yếm—nhìn chồng và thấy Thúc kỳ quặc: nhiều lúc Thúc có vẻ xuề xòa, “ruột để ngoài da”, chẳng để ý đến cái gì, nhưng nhiều lúc Thúc lại có những nhận xét rất tinh tế, chứng tỏ Thúc không phải chỉ là người vô tâm, đãng trí, và Thúc có đường lối suy tưởng, có quan niệm sống riêng của mình, chứ không xuề xòa như bà tưởng… Tự nhiên bà cảm thấy dỡ băn khoăn, thêm tin tưởng ở sự nhận định sáng suốt của chồng… Sực nhớ đến nhiệm vụ chủ nhà, bà đứng lên gọi người pha trà mang vào phòng học, rồi thủ thỉ bảo chồng:
- Kể cũng tội nghiệp cho anh Đạt, vất vưởng suốt đời… Nếu hắn còn trẻ và đừng ngang tàng thì con Diễm lấy hắn cũng chả sao! Chỉ phiền anh ta già quá, so với con Diễm, có phải không mình?
Nhưng Thúc đã trở lại bản tính lơ đãng của mình. Ông nghe vợ nói mà chẳng hiểu vợ nói gì, vì ông đã quên chuyện Đạt để mãi nghĩ đến bài tâm lý học mà hôm sau ông phải giảng cho học sinh. Ông chỉ thoáng nghe thấy một tiếng “già” thì tưởng vợ nói là mình đã già nên ông cũng trả lời bừa:
- Ừ, kể vợ chồng mình cũng già rồi, chứ còn trẻ với ai!
Hòa tức bực, nhìn chồng, lắc đầu. Bà bỏ Thúc ngồi một mình, lững thững đi vào buồng học. Bà tò mò muốn xem Đạt dạy học các con bà ra sao. Cái quang cảnh im lặng và nghiêm trang của phòng học làm bà hơi sửng sốt vì bà vẫn tưởng sau câu chuyện Thúc đã tiết lộ về ý định của Đạt, Đạt khó mà giữ được tư thế và uy tín như trước đối với lũ con bà, mà bà vẫn gọi là “lũ trời đánh”. Bà vừa vào phòng học, thì Tuyết đã lè lưỡi, ra hiệu cho biết là không khí rất căng thẳng…
Thực tế, ngay từ lúc bước vào phòng, thoáng nhìn thấy gương mặt lầm lì của Uyển, gương mặt tinh quái của Tuyết, thì Đạt hiểu ngay là Thúc đã nói rõ ý định của mình cho các con gái biết. Nhất là khi thấy Uyển, làm ra vẻ mãi đọc sách nên quên không chịu đứng dậy chào Đạt, thì Đạt cũng đứng yên, không chịu ngồi. Đạt đưa mắt nhìn bốn người; Uyển đợi cho Tuyết kéo áo, mới uể oải đứng lên, trong bụng nghĩ thầm “Lại còn lập nghiêm! Lập nghiêm thì ai sợ!”
Mà Đạt lập nghiêm thực! Anh bắt đầu bắt Tuyết phải đọc thuộc lòng bài kỳ trước, khiên1 cả bốn cô đều giật mình vì cả bốn cô đều đinh ninh là sau khi Đạt đã thổ lộ ý định của mình, Đạt sẽ không dám bắt họ phải đọc bài, cho nên bốn cô đều không thuộc đến nửa dòng bài thơ “La mort du Loup” Đạt vừa giảng kỳ trước…
Tuyết tuy ngổ ngáo, nhưng lại là đứa dễ hoảng hốt nhất. Thấy Đạt thản nhiên, bình tĩnh gọi mình đọc bài, Tuyết đâm cuống, đứng lên ấp úng sợ sệt chưa biết nói sao. Tuyết nghĩ ngay rằng chắc cha nàng bịa ra câu chuyện buổi trưa, chứ nếu chuyện có thực, thì đời nào Đạt còn dám bắt mình đọc bài.
Tuyết lại càng sợ, lấm lét nhìn Đạt:
- Thưa thầy… em… quên!
- Quên cái gì?
- … Quên… không học!
- Quên!... Đi học mà quên! Tôi không thích đùa trong giờ học. Tuyết biết không?
- Dạ biết!
Tuyết ngồi xuống, trống ngực vẫn đập. Nàng lấy mùi soa lau mặt, và nàng vừa hoàn hồn đã tủm tỉm cười, nhìn các chị sắp đến lượt bị “truy”. Đạt vẫn thản nhiên:
- Đến lượt cô Huyền!
Huyền bình tĩnh đứng lên:
- Em xin lỗi thầy. Em không thuộc!
- Cám ơn Huyền! Còn Diễm?
Mọi người nhìn về phía Diễm: Diễm mở to đôi mắt, thẳng thắn nhìn Đạt, không có vẻ e lệ như mọi người chờ đợi. Diễm nói rất lễ phép:
- Thưa thầy, em không thuộc!
- Cám ơn Diễm! Còn cô Uyển?
Uyển không đứng thẳng lên, chỉ khẽ nhổm đít chiếu lệ, trả lời hơ xẵng:
- Cũng thế!
Đạt cau mày:
- Cũng thế là thế nào?
Uyển nhếch mép cười nhạt như thách thức:
- Cũng thế là cũng không thuộc ạ!
- Cám ơn cô.
Rồi Đạt đem bài ra giảng. Không khí bớt căng thẳng nhưng vẫn going gạo. Đạt hỏi ai thì người đó trả lời. Liến thoắng và lém như Tuyết mà cũng nghiêm trang, im lìm. Mãi đến giờ giải lao, Tuyết mới thở phào, khoan khoái… Thường thường trong lúc học, Đạt rất nghiêm, nhưng vào những phút giải lao thì Đạt mặc cho bọn Tuyết muốn trêu cợt gì cũng được. Bị Đạt khủng bố trong giờ học, Tuyết ức lắm, loay hoay tìm mưu “rửa hận”. Nhân lúc Đạt đi ra sân, Tuyết thủ thỉ với các chị:
- Lúc nãy em sợ quá!
- Sợ ra sao?
Tuyết buột miệng nói một câu thật “hỗn” để trả thù Đạt:
- Sợ… gần vãi đái!
Uyển phì cười nhìn Diễm, Diễm cũng cười gượng. Riêng Huyền, vốn đôn hậu và trọng nể Đạt nên hơi nheo mặt, bảo Tuyết:
- Em ăn nói bừa thật!
Uyển bênh Tuyết:
- Ai bảo ông ấy đạo đức giả! Một mặt muốn lấy Diễm, một mặt muốn lên mặt “thầy”, bắt người ta phải trọng vọng! Đâu có được!
Diễm im lặng nghe chị nói, không dám bày tỏ ý kiến mà cũng không biết nói cái gì. Tự nhiên Diễm thấy buồn nản như người chưa yêu mà đã thấy tan vỡ! Diễm không hiểu rõ lòng mình, không hiểu là mình có yêu Đạt không, nhưng nàng thấy hầu như chỉ có một mình nàng là hiểu Đạt, thương hại Đạt. Diễm biết là Đạt không đạo đức giả như chị Uyển kết án, nhưng Uyển nói rất đúng khi nàng bảo rằng Đạt tham lam, vừa muốn lấy Diễm, vừa muốn bọn Tuyết phải trọng vọng Đạt như thầy… Diễm nói với chị giọng thành thực:
- Em suy nghĩ thấy mẹ nói đúng lắm. Hết buổi hôm nay, ta nên thưa với Ba để ông Đạt tạm nghỉ. Em cũng thấy bất tiện như mẹ.
Không ngờ Uyển lại phản đối:
- Việc gì mà nghỉ! Nếu Diễm thấy bất tiện thì Diễm nghỉ, còn chúng mình cứ việc học, có phải không Huyền, Tuyết?
- Dạ!
Hai chị em gượng gạo trả lời, hơi ngạc nhiên thấy Uyển có vẻ gay gắt.
Uyển cũng vừa thấy mình gay gắt vô lý nên dịu giọng bảo Diễm:
- Nói đùa vậy, chứ dù chúng mình muốn tiếp tục học hay nghỉ cũng phải đợi sự quyết định của Ba. Nghỉ cũng được, chả sao!
Diễm nhìn chị, hơi lạ về thái độ của chị. Nàng không bao giờ nghi ngờ Uyển có thể bực về chuyện Đạt định hỏi Diễm; nàng cũng không bao giờ nghi ngờ Uyển có ác cảm với Đạt… Diễm chỉ đoán rằng Uyển muốn Đạt suy tôn như một bà chị vợ tương lai, mà Đạt vẫn coi Uyển như một người học trò cho nên Uyển khó chịu… Để làm vừa lòng chị, Diễm nói liều một câu:
- Kể ra hôm nay ông Đạt cũng hơi lố!
Không ngờ câu chỉ trích của Diễm chỉ càng làm Uyển thêm bực mình: Uyển nhận ngay ra là Diễm chỉ trích Đạt cốt để làm vui lòng mình, thì Uyển càng bực tức cho rằng Diễm đã đứng về phía Đạt để bào chữa cho Đạt. Vì vậy, Uyển không dè dặt đáp, giọng mỉa mai:
- Việc gì mà quá lố! Ai dạy học mà chả phải giữ kỷ luật! Trừ khi ông ấy đã chính thức là chồng cô, ông ấy lập nghiêm, mới là đáng trách, mới là quá lố! Chớ bây giờ mình vẫn là học trò ông ấy cơ mà!
Diễm nín thinh, không dám đối đáp chị ra sao. Nàng mơ hồ cảm thấy dù nàng chỉ trích Đạt hay khen Đạt đều làm cho Uyển khó chịu… Đột nhiên Diễm nghĩ đến lời mẹ, bàn về “tướng” của Đạt thuộc hạng người chuyên mang sóng gió, tai vạ đến cho người khác. Diễm lại nhớ lời mẹ nói: “Để yên thì thế nào con Diễm cũng lấy thằng Khải, nhưng lại thêm ông Đạt nhảy vô, thì con Diễm còn đủ long đong, khổ sở”. Diễm nhận thấy lời mẹ nói rất đúng và nàng bắt đầu cảm thấy khổ sở, như người biết tai vạ sắp giáng xuống cuộc đời mình, mà vẫn lùi lũi đi đón nó…
Giữa lúc đó, Đạt trở lại phòng, Diễm không e lệ ngước mắt lặng ngắm Đạt, tìm xem cái tướng “gieo giắc sóng gió” của Đạt ẩn hiện trong những nét nào của gương mặt, dáng đi? Cái nhìn chăm chú của Diễm gặp cái nhìn của Đạt và trong thoáng giây, Diễm có cảm tưởng là tất cả những ý nghĩ băn khoăn vừa rồi của nàng, Đạt đều đã thông cảm, đã hiểu, qua cái nhìn của Đạt. Diễm chớp mắt như để xua đuổi một ảo ảnh, trong khi Đạt tiến lại bên chỗ Huyền ngồi, hỏi Huyền:
- Chiều mai Huyền tan học lúc mấy giờ?
- Thưa thầy, năm giờ rưỡi.
- Tôi sẽ xin phép trước với Ba má Huyền chiều mai tôi sẽ đến đón Huyền, rồi đưa Huyền đi ăn kem, nên tiện tôi sẽ nhờ Huyền chút việc.
- Dạ…
Tuyết vội nói xen vào:
- Ăn kem hở thầy? Sao thầy không cho em đi với… thèm quá…
Ngồi bên cạnh Tuyết, Huyền mới nghe Tuyết nói “thèm quá” thì thất sắc, vì Huyền biết Tuyết sẽ có thể nhắc lại câu của anh đại đội phó “thèm quá, ủng hộ một tý” để trêu Đạt, nên Huyền lấy hết sức bình sinh bẹo ngầm cho Tuyết một cái thật đau khiến Tuyết chỉ kịp kêu “ái” một tiếng thất thanh. Đạt ngơ ngác không hiểu, còn Uyển, Diễm thì cố bịt miệng để khỏi phá lên cười…
Nằm trên giường, Diễm đọc không biết là lần thứ mấy, lá thư của Đạt do Huyền trao:
Diễm,
Lá thư Diễm đọc đây, Diễm coi như một bức thư “tình” cũng được, hoặc coi như thư của “chú” Đạt cũng được! Mà coi như “thư của chú Đạt” thì tiện hơn vì “chú” Đạt thì tất nhiên thực hơn, gần gũi hơn, không thể có những lời giả dối với “cháu” Diễm được.
Chắc Diễm không khỏi ngạc nhiên khi Ba Diễm cho biết tôi dự định hỏi Diễm làm vợ. Vì vậy, tôi muốn nói rõ lý do để Diễm hiểu:
Từ khi mà—cách đây hơn mười năm—giữa dòng suối, Diễm bá cố chú Đạt để hồn nhiên nói với “chú” rằng: “Nhớn lên cháu lấy chú Đạt”, tôi vẫn nhớ lời Diễm, và từ đó, tôi vẫn tự nhủ: “Mình cố gắng làm một cái gì, lập sự nghiệp gì, đợi cho Diễm nó nhớn lên, rồi lấy nó là vừa”. Thật là một ý nghĩ ngông cuồng, lãng mạn! Nhưng thú thật với Diễm, là qua cái bề ngoài lừng khừng, khô khan của tôi, “chú” Đạt của Diễm cho đêm lúc này, cũng vẫn chỉ là một đứa mơ mộng bất trị “reveur incorrigible” như Ba Diễm thường phê bình tôi. Chính vì tôi là đứa mơ mộng hão huyền, nên mặc dầu tôi biết là khi nói “Nhớn lên, cháu lấy chú Đạt” Diễm chỉ là đứa con nít bảy tuổi và Diễm không hiểu “lấy” là thế nào, chỉ mơ hồ thấy Ba má Diễm yêu nhau thì lấy nhau, nên đinh ninh rằng hễ ai yêu ai thì tất nhiên “lấy” nhau! Chính vì tôi mơ mộng cho nên tôi vẫn không quên lời “hứa” của Diễm và không hiểu sao, tôi vẫn tin một cách vô lý là Diễm còn nhớ lời Diễm nói, còn nhớ cái buổi chiều “lịch sử” tắm suối đó! Vậy Diễm còn nhớ không hay đã quên, quên hết rồi? Riêng tôi thì tôi nhớ lắm, nhớ một cách rất rành mạch! Tôi nhớ và tôi đợi Diễm nhớn lên!...
Bầy giờ thì Diễm nhớn rồi, Diễm hiểu “lấy” là thế nào rồi. Nhưng Diễm nhớn thì tôi lại thấy mình “già” rồi, “già” nghĩa là không xứng đôi với Diễm chứ không phải “già” là già. Già và nhất là chưa làm được cái gì, chưa lập được sự nghiệp “chó” gì như lời Ba Diễm thường phàn nàn chung cho tôi và cho Ba Diễm! Không những chẳng lập được sự nghiệp gì mà còn mất mát rất nhiều. Nhưng tôi càng mất dần tin tưởng ở cuộc đời thì tôi lại càng cố bám vào cái tin tưởng cuối cùng, tin tưởng rằng nhớn lên “Diễm lấy chú Đạt”. Bởi vì tôi vẫn băn khoăn lo một ngày kia mình không những không tin ở lý tưởng bình sinh nữa mà cũng không còn yêu đương nổi nữa! Sống không lý tưởng mà cũng không biết yêu đương thì còn sống để làm gì, có phải không Diễm?
Cho nên vấn đề tôi thường tự đặt ra cho tôi và hôm nay tôi muốn đặt ra với Diễm là trong hoàn cảnh và vị trí mỗi người chúng ta hiện thời, chúng ta có thể yêu nhau, lấy nhau được không? Kể ra thì khó lắm và cần nhiều nghị lực, can đảm lắm, mới vượt nổi những trở ngại tự trong lòng chúng ta và tự bên ngoài đưa tới. Một tỷ dụ: khi bắt đầu viết cái thư này, tôi rất muốn bắt chước những kẻ yêu nhau, gọi Diễm bằng “em” và tự xưng là “anh”, thế mà tôi vẫn không thể làm được vì thấy “nó làm sao ấy” và tôi tự hỏi: “Ta già quá, cằn cỗi quá rồi chăng”. Bởi vì như lời Uyển nói rất đúng, tôi tham lam lắm, tôi muốn Diễm yêu tôi, không những như một học trò yêu thầy, như “cháu” Diễm yêu “chú” Đạt, mà còn như một người “tình” yêu một người tình, một người vợ yêu một người chồng, một đồng chí yêu một đảng viên. Tình yêu của chúng ta phải là một tình yêu quá khứ lẫn tương lai, gồm tất cả các thứ tình, từ tình thầy trò, tình chú cháu, tình trai gái, tình yêu đương, tình vợ chồng, tình đồng chí, tình nhân loại v.v…
Tôi cũng biết đòi hỏi như vậy là khó thực hiện lắm vì có thể là Diễm yêu tôi như một học trò yêu thầy, như chấu Diễm yêu chú Đạt, mà không cảm thấy yêu như một người con gái yêu một người con trai v.v…
Riêng tôi, khi tôi dự định hỏi Diễm làm vợ, tôi cảm thấy rõ rệt là tôi yêu Diễm bằng cái tình yêu toàn diện kể trên, và sẽ không có ai yêu Diễm như tôi yêu Diễm từ mười năm nay, từ cái buổi bên dòng suối, tôi bế thân hình bé bỏng, trong trắng của Diễm trong lòng và tự nhủ: “Cái kho tàng này là thuộc về phần ta”.
Tôi đã tóm tắt cảm nghĩ của tôi. Bây giờ đến lượt Diễm tự hỏi lòng mình và trả lời tôi. Tôi tin chắc là Diễm sẽ hết sức thành thực cũng như tôi thành thực. Tôi tin chúng ta lấy nhau hay không lấy nhau đều là do duyên kiếp… Vậy chúng ta chỉ cần nói thực cho nhau những điều mình nghĩ để mặc cho Định Mạng an bài, có phải không Diễm!
Đạt
Diễm đọc lá thư một lần nữa, tần ngần gấp thư lại, để bên gối… Tay vắt lên trán, Diễm mở to mắt, đăm đăm nhìn lên trần nhà, lòng bâng khuâng, khác hẳn với niềm vui nhẹ nhàng, giản dị mà những bức thư của Khải vẫn mang lại cho nàng. Diễm đã nhận được của Khải nhiều thư và mỗi lần đọc thư của Khải, nàng đều hưởng cái cảm giác khoan khoái, thinh thích của người thiếu nữ được người con trai khen đẹp, được người con trai suy tôn làm thần tượng. Thư của Đạt trái lại bắt Diễm phải suy nghĩ, khắc khoải như kẻ sắp bước vào một cuộc phiêu lưu to lớn, đầy bất trace nhưng cũng đầy say mê. Tự nhiên Diễm so sánh Khải với Đạt và Diễm tự nhủ: “Mình yêu ai? Lấy ai bây giờ?” Diễm nghĩ tới câu nói đùa của Tuyết: “Tốt hơn hết là chị Diễm lấy cả hai người” và nàng mỉm cười, tự chết nhạo mình, vì quả tình, trong phút hoang mang, nàng cũng nghĩ chỉ có cách lấy cả hai người là ổn thỏa nhứt.
Diễm đang trầm ngâm nghĩ ngợi thì có tiếng the thé của Tuyết từ phòng khách vọng vào?
- Chị Diễm ơi! Có anh Khải lại!
Diễm ngồi nhổm dậy; nhặt cái thư của Đạt, mở tủ, lấy cái hộp đựng thư của nàng, để bỏ cái thư vô, nhưng nàng mở nắp, thấy mấy cái thư của Khải trong đó, thì nàng lại đậy nắp hộp lại, lấy cái cặp sách vở của nàng, nhét cái thư của Đạt vào quyển Dân Luật. Xong đâu đấy, nàng trở lại bên cái gương, đứng tò mò ngắm nét mặt mình trong gương, rồi vuốt lại mái tóc tơi bời. Nàng sắp sửa đi ra phòng khách thì Tuyết đã chạy vào, giục nàng:
- Chị làm gì chậm trễ thế! Anh Khai? muốn xin phét cho tụi mình đi “xi-nê”, có đi không chị?
Rồi nàng ghé vào tai chị, nói nhỏ:
- Đừng quên lời mẹ dạy hôm nọ: “Lắm mối tối nằm không!”. Coi chừng mà sôi hỏng bỏng không, bớ chị!
Diễm thụi cho Tuyết một cái vào mạng mỡ rồi lữõng thững đi ra. Nàng chào Khải bằng cái cười đẹp nhất của mình.
- Anh!
Chưa bao giờ Diễm niềm nở với Khải như lần này. Tuồng như sau khi đọc cái thư của Đạt và nghĩ tới Đạt nhiều hơn là nghĩ tới Khải, Diễm cảm thấy cần phải đền bù lại cho Khải:
- Anh dùng gì để em lấy! Em pha cà-phê cho anh uống nhé!
Diễm kém Khải sáu tuổi, nhưng con gái thường sớm khôn hơn con trai, nên trong cách đối xử với Khải, Diễm có vẻ già dặn hơn. Không phải Khải là đứa ngốc nghếch ngây thơ: Trái lại, Khải là một thanh niên có học, đẹp trai, khoẻ và thông minh.
Nhưng dù sao, Khải vẫn chỉ là một bạch diện thư sinh chưa từng sống, chưa có kinh nghiệm và nhất là chưa niếm mùi cay đắng của đời, nên vẻ mặt cũng như cử chỉ, ngôn ngữ vẫn có vẻ “non choẹt”; trong khi Diễm, vì có nhan sắc, lại sống trong một gia đình phóng khoáng, luôn luôn bị bọn đàn ông đủ các loại, các cỡ tấn công, mưu lợi dụng, khiến nàng phải đem tất cả bản năng tự vệ của người đàn bà ra đối phó, do đó nàng rút được nhiều kinh nghiệm sống và có vẻ từng trải hơn Khải. Diễm lại thông minh, tế nhị, có cái cảm quan bén nhậy của người đàn bà, nên nàng có những nhận xét rất tinh vi về đàn ông; chỉ qua một cái thoáng nhìn, hay một cử chỉ nhỏ bé, Diễm hiểu ngay lòng dạ của họ, hiểu cả những ý nghỉ thầm kín của họ. Cho nên Khải rất mê say Diễm, vì Khải cảm nghĩ gì, ao ước gì, Diễm điều biết trước, đoán trước, cả những phản ứng bất ngờ của Khải.
Khải học y khoa, sắp thi ra. Chàng là con nhà giàu, dòng dõi gia thế. Khải là người có trí, có lý tưởng; tuy cái trí, cái lý tưởng của chàng cũng chỉ là chịu khó học cho thành tài, mưu một địa vị trong xã hội.
Ngoài ra, Khải không băn khoăn, thắc mắc gì. Những đau khổ của lớp người thời đại đối với chàng thật xa lạ, vì từ bé đến lớn chàng vẫn sống trong nhưng lụa, trong thừa thải, chàng ích kỷ một cách hồn nhiên, vôi tội! Đối với đàn bà, từ trước đến nay, Khải cũng chỉ lơ mơ quen biết một vài nữ sinh, một vài bạn gái, nhưng khi chàng gặp Diễm, thì tiếnt sét của ái tình nổ. Khải say mê Diễm, nhất định lấy Diễm, và tin tưởng là thế nào Diễm cũng bằng lòng lấy chàng. Tuy Diễm chưa chính thức nhận lời, Khải vẫn cho rằng Diễm là con gái nên làm ra vẻ khó khăn như vậy. Anh không tự phụ, nhưng anh hiểu là anh đầy đủ điều kiện hơn bất cứ người thanh niên nào, anh không có nhược điểm nào khiến Diễm có thể “chê” anh!
… Thấy gương mặt Diễm rạng rỡ và Diễm có vẻ âu yếm săn sóc mình, Khải sung sướng nhìn Diễm không chớp mắt:
- Hôm nay Diễm có gì vui mà tươi như hoa vậy?
- Đã hai ba hôm nay không thấy anh lại, nên gặp anh, em vui chứ sao!
Diễm nói dối mà không biết mình nói dối. Nhưng nói xong, nàng mơ hồ cảm thấy là mình chưa hoàn toàn thực với lòng mình và niềm vui của nàng có những nguyên nhân phức tạp hơn. Nàng vộ đổi hướng câu chuyện:
- Mấy hôm nay, anh bận học thi, phải không anh?
- Bận thực tập hai ngày liền, Diễm ạ! Nhưng bây giờ thì rảnh rồi, nên anh định mời em và cả nhà đi xi-nê. Nếu em đồng ý, anh sẽ xin phép Ba má em. Hai bác có nhà không em?
- Má em ở trên lầu. Còn Ba em chưa về.
- Vậy anh lên xin phép nhé?
Diễm không muốn đi xi-nê, nhưng cũng không muốn làm phật lòng Khải. Nàng còn lưỡng lự chưa biết trả lời sao thì Tuyết từ trong nhà trở ra, điềm nhiên mách Khải:
- Này anh Khải này! Báo động để anh hay, có người định hỏi chị Diễm đấy!
Diễm giật mình, biết là Tuyết sắp kể chuyện Đạt. Nàng trừng mắt nhìn em: nửa như van lơn, nửa như dọa nạt. Nhưng Tuyết “phớ” tỉnh. Với cái tàn ác hồn nhiên của đứa con gái được cha mẹ nuông chiều, Tuyết vẫn thường áp dụng chiến thuật báo động lung tung cho những anh chàng rể tương lai của nhà mình, để những người này luôn luôn tự đặt mình vào “tình trạng khẩn cấp” do đó phải cầu cứu Tuyết, vấn kế Tuyết, nhờ Tuyết điều này điều nọ và Tuyết cũng chạy ngược chạy xuôi lo cho họ, chia xẻ niềm lo âu hay hy vọng với họ. Tuyết sắp đến tuổi yêu nên tò mò muốn xem người ta yêu nhau ra sao, hờn ghen, nhớ nhưng nhau cách nào, và nhất là Tuyết thích làm cho bọn con trai trở thành những tình địch của nhau để xem họ đối phó với nhau ra sao.
Nghe Tuyết nói, Khải hơi thất sắc hỏi Tuyết:
- Thật không em?
Tuyết cười bí mật:
- Thật hay không anh hỏi chị Diễm thì biết.
Khải đưa mắt nhìn Diễm, giọng cố làm ra vẻ bình tĩnh:
- Có thất không em?
Diễm cười gượng:
- Anh còn lạ gì con Tuyết! Nó chuyên môn bịa chuyện mà! Chuyện lăng nhăng, chưa có gì rõ rệt cả!
- Nhưng ai định hỏi em vậy?
- Em đã bảo là chuyện lăng nhăng, không đâu vào đâu. Vậy anh cần gì phải hỏi “ai”!
- Thế sao những đám trước kia định hỏi em cũng chỉ là chuyện lăng nhăng, em đều cho anh hay. Mà đám này, em lại không cho anh biết?
Diễm bắt đầu hơi bực. Nhất là vì Khải nhận xét không sai: những lần trước, bất cứ ai ngỏ ý xa gần muốn cầu hôn nàng, Diễm đều kể cho Khải nghe. Thế mà lần này, nàng không muốn cho Khải biết tý gì về ý định của Đạt. Tuy hơi khó chịu, Diễm vẫn ôn tồn, dịu dàng nói với Khải:
- Người ấy là chỗ quen biết từ lâu với gia đình em, mà câu chuyện chỉ là chuyện “nói chơi” không ăn nhằm gì, nếu em tiết lộ tên tuổi người ta, em mang tiếng… Em nói vậy, anh đã tin em chưa, hay vẫn còn muốn em phải khai tên tuổi cho anh nghe!
Rồi Diễm nhìn vào mắt Khải, nhắc lại:
- Anh đã tin em chưa?
Khải đành cười xòa, nói “tin rồi” tuy trong bụng chàng vẫn băn khoăn, muốn biết tại sao Diễm lại cố tình giấu. Nhưng Khải cũng không dám vật nài hơn nữa, vì Diễm vẫn chưa chính thức nhận lời cầu hôn của anh, thì dĩ nhiên là anh chưa có quyền gì!
Thuyết phục được Khải tin mình rồi, Diễm quay sang phí Tuyết , bẹo tai em:
- Mày quả là Vua bịa chuyện!
Tuyết nhe răng, kêu “ái ái”:
- Sao lại “Vua”? Nữ Hoàng chứ lỵ! Mà bỏ tay ra. Mẹ ra kia kìa!
Mẹ Diễm đang khâu vá trên lầu, được Tuyết lên cho hay là Khải đến xin phép cho Diễm và Tuyết đi xi-nê, bà bèn xuống phòng khách để xem Diễm tiếp Khải có chu đáo, niềm nở không, vì sau cái chuyện Đạt dự định cầu hôn Diễm, bà vẫn nơm nớp lo, Diễm sẽ “giở quẻ”, mà lạnh nhạt với Khải… Vừa tới phòng khách, bà thấy Khải đang cười ngắm Diễm bẹo tai em, thì bà mừng lắm. Không đợi Khải chào trước, bà vui vẻ lên tiếng:
- Cậu Khải đấy à! Làm gì mà Diễm bẹo tai, vậy.
Khải vội đứng lên, lễ phép thưa:
- Lạy bác ạ! Con đang tính lên lầu để xin phép Bác cho con đưa Diễm và Tuyết đi xi-nê…
- Ừ, đi thì đi. Nhưng nhớ đưa các em về sớm!
- Dạ!
Hòa giục các con:
- Chúng mày liệu sửa soạn mà đi chứ! Lát nữa Huyền nó về, má cùng nó đi lễ chùa và sẽ đợi các con về ăn cơm một thể…
Rồi quay về phía Khải, bà vui vẻ giải thích:
- Kể ra thì ít có đâu thực hiện tự do tín ngưỡng triệt để như gia đình này! Nhà tôi có sáu người thì tôi và con Huyền theo đạo Phật, con Uyển trước kia học trường “Sơ” nên theo đạo Thiên Chúa, con Tuyết thì năm ngoái được Ba nó đưa lên Tây Ninh, thăm tòa thánh Cao Đài, nó thấy Cao Đài thờ các danh nhân thế giới trong đó có Victor Hugo là thi hào nó ưa thích, thế là nó xin theo đạo…
- Dạ thế còn bác trai và Diễm?
- Bác trai và Diễm thì không theo đạo nào… Duy có bác trai thỉnh thoảng muốn ngạo tôi thì kêu là mình theo đạo “sợ vợ”.
Khải cười, trả lời bà, nhưng mắt nhìn Diễm:
- Dạ! Chắc sau này con sẽ theo đạo của bác!
Bà Hòa cười sung sướng, Diễm cũng mỉm cười, tuy trong thâm tâm, câu “nịnh đầm” của Khải không làm cho nàng vui.
Diễm biết là từ chối đi xi-nê sẽ không những làm Khải buồn lòng mà còn làm phật ý mẹ mình, nên Diễm vờ vui vẻ bảo Khải:
- Đợi em hai phút, em sửa soạn nhé!
Rồi Diễm và Tuyết rũ nhau lên lầu thay đồ. Vừa lên tới gác, Diễm cốc vào đầu em một cốc, nhăn nhó mắng em:
- Mày đúng là con Thảo Mai mách lẻo… Mày định mang chuyện Đạt ra kể hả…
Tuyết cười ngặt nghẽo:
- Chị sợ à! Sợ cái gì mới được chứ! Phải cho hai bên biết kẻ địch họ là ai để xem họ trổ tài, đem “phích không chưởng” ra chơi nhau thì mới vui chứ!
Diễm tò mò hỏi:
- Phích không chưởng là cái gì mày?
Tuyết lại cười ngất:
Hỏi Ba thì biết! Đọc tiểu thuyết võ hiệp, em thường thấy nói đến “Phích không chưởng”. Em hỏi Ba, ông Vua nghiền tiểu thuyết Tàu, thì xem chừng Ba cũng không hiểu nốt, nên Ba trả lời: “Môn võ “Phích không chưởng” bí mật lắm, không thể tiệt lộ ra được!”
Rồi, vốn mắc cái tật của những cô gái học trường “đầm” thường pha tiếng pháp vào câu chuyện, Tuyết lên giọng ngâm mấy câu thơ ngụ ngôn của La Foutaine để chế riễu chị:
Deux coqs vivaient en paix
Une poule survint
Et viola la guerre allumée.
Diễm đành lắc đầu nhìn em, nói như van lơn:
- Thôi tao lạy mày. Mày hứa với tao là sẽ không nói chuyện ông Đạt cho Khải biết nhé. Mày hứa đi…
Thấy chị xuống nước, Tuyết cười hỉ hả:
- Tốt lắm! Tốt lắm! Chị đã biết điều như vậy thì em cũng vui lòng “đại xá” cho chị. Được rồi… em hứa! Nhưng em thấy tình hình sẽ có thể găng lắm! Em lo cho chị đấy!
Nghe Tuyết nói, Tuyết “lo” cho mình, tự nhiên Diễm cũng thấy lo và nàng bảo em:
- Ừ, mà chị cũng lo thực! Tuyết bảo chị nên phải làm thế nào bây giờ! Trong hai người nên lấy người nào, hở Tuyết?...
Thường thường mỗi khi có điều gì thắc mắc, có tâm sự nan giải, Diễm thường mang ra hỏi Uyển. Nhưng lần này, về chuyện Đạt, không hiểu sao, Diễm lại thấy không dám thổ lộ với chị. Diễm không bao giờ nghi ngờ là Uyển có thể ghen tức với mình, nhưng nàng cũng mơ hồ cảm thấy là Uyển không hoan hỉ về cái tin Đạt định cầu hôn Diễm. Không dám thổ lộ tâm sự với Uyển, Diễm đành nhỏ to với Tuyết. Tuyết đột nhiên được chị tôn lên hàng cố vấn thì không khỏi hãnh diện, nên nàng trịnh trọng lên giọng bà cụ, trả lời chị:
- Nếu cần tìm một người chồng để chiều chiều đi “rước đèn” ở Catinat, thì dĩ nhiên chỉ anh Khải là xứng đáng. Anh Khải đẹp trai, nhà giàu, học giỏi… chị với anh ấy đi ngoài đường thì nhất định là hách rồi, đáng vì một đôi uyên ương lắm! Mà ở cái đời này, người con gái nào chả cần oai, cần bảnh có phải không chị! Chứ ông Đạt thì kể cũng hơi già! Đi với thầy Đạt ngoài đường mà nhỡ đứa nào nó chào “lạy cụ, lạy cô ạ” thì thật ế người! Nhưng nếu chị yêu ông Đạt thật tình, thì lại là chuyện khác…
- Chuyện khác là thế nào?
Thấy gương mặt Diễm đăm chiêu, và Diễm có vẻ tin tưởng lời Tuyết nói, Tuyết lại càng được thể, lên giọng “thầy đời”, cái giọng thầy đời của những cô bé chưa từng yêu, nhưng thuyết giảng đâu ra đấy về tình yêu. Bắt chước bà giáo sư văn chương ở trường, mỗi khi muốn dò xét tâm lý ai thì nhìn chòng chọc vào mắt, Tuyết cũng nhìn thẳng mắt chị, giống hệt giọng bà giáo:
- Em hỏi điều này, chị đừng giấu em thì em mới có thể giúp chị được. Có thực hồi chị lên bảy tuổi, chị đã nói với ông Đạt là “nhớn lên, cháu lấy chú Đạt không”. Chị nói thực đi!
Lời lẽ trịnh trọng của Tuyết làm Diễm phì cười. Nàng sẽ gật, bẽn lẽn bảo em:
- Ừ, tao nhớ mang máng là hình như có. Nhưng quan hệ gì chuyện con nít đó!
Tuyết ra vẻ nghiêm trang, gật gù nhìn chị, Tuyết nhớ lại một đoạn văn mà nàng đã đọc trong tác phẩm của Stendhal hay Blzac nào đó, nàng bèn sửa giọng cho thật trịnh trọng trả lời chị:
- Quan hệ lắm chứ! Câu đó chứng tỏ là chị đã yêu ông ta từ lâu, yêu trong tiềm thức, mà tiềm thức là cái bất trị lắm, không thể coi thường được!
Tuyết vừa nói vừa nhìn chị, đợi thưởng thức sự kính phục hiển hiện trên gương mặt Diễm. Mà Diễm phục em thật! Thấy em nói như đi guốc trong bụng mình, Diễm đâm hoảng, dụt dè hỏi em:
- Mày học ở đâu mà biết tài như vậy?
Tuyết vênh mặt:
- Học gì! Em có kinh nghiệm chứ!
Diễm giật mình, mở to đôi mắt nhìn em:
- Mày có kinh nghiệm! Mày yêu ai mà có kinh nghiệm?
Đến lúc đó, Tuyết mới sực nhớ ra rằng mình chưa yêu ai, và nàng cười ngây thơ với chị:
- Ừ nhỉ. Có nhẽ em chưa yêu ai thực… và kinh nghiệm đó là kinh nghiệm… trong sách!
Hai chị em nhìn nhau cười. Diễm trang điểm qua loa, chọn một cái áo nội hóa, không hoa, màu nhạt, còn Tuyết thì vận một bộ đồ cao bồi, tuy có vẻ ngổ ngáo, nhưng không đến nỗi “mất dạy” vì bộ đồ hợp với khuôn mặt và tuổi của Tuyết.
Vừa nhìn thấy cách phục sức của hai cô con gái, từ trên lầu bước xuống, bà Hòa đã la:
- Quần áo của các cô để cả đâu mà ăn vận toàn những thứ rẻ tiền như vậy! Một đứa thì đánh cái áo dài chữ thọ của bà già, một đứa thì bộ cao bồi của con nít! Tôi lạ cho các cô quá!
Diễm cười hỏi Khải:
- Anh thấy thế nào? Có xí lắm không?
Khải chăm chú ngắm Diễm, thành thực khen:
- Đẹp lạ! Cái áo tuy rẻ tiền như bác nói, nhưng độc đáo và làm tôn khuôn mặt dịu dàng, quí phái của Diễm! Ai chọn cho Diễm mà khéo vậy?
Nghe Khải vô tình hỏi “ai chọn cho Diễm”, Diễm chợt nhớ ra và chợt hiểu tại sao mình lựa cái áo nọ. Diễm chợt nhớ là chính tay Đạt đã chọn vải và màu cái áo cho nàng, nhân một tuổi Đạt đưa chị em nàng đi chơi phố, cách đây hơn một tháng. Và khi chọn màu áo, Đạt cũng đã phát biểu ý kiến tương tự như Khải là áo đó hợp với khuôn mặt của nàng.
Thì ra, để đi chơi với Khải, Diễm đã vô tình mặc cái áo do Đạt chọn màu! Diễm bối rối nhận thấy sự chi phối và ảnh hưởng ngấm ngầm của Đạt trong cả những hành vi nhỏ bé nhất của mình. Như để chống lại ảnh hưởng của Đạt, Diễm dịu dàng nói với Khải:
- Hay em đi thay cái áo khác?
Nhưng Khải vội can:
- Sao lại thay! Anh thích được thấy Diễm mặc cái áo này. Bác cho Diễm vận như vậy, thưa Bác?
- Ừ, cái áo tuy rẻ tiền mà nhã đáo để! Cậu Khải đã ưa thì con cứ vận!
Nghe mẹ và Khải nói, Diễm tự nhủ: “Nếu mình mặc cái áo do Đạt chọn, là do ý muốn của Khải, không phải tại mình…”. Rồi nàng nói to như thúc giục:
- Vậy thì đi… Chúng con xin phép mẹ! Mẹ Ở nhà nhé.
… Ra tới xe của Khải, Diễm điềm nhiên trèo lên xe, ngồi xát ngay bên cạnh Khải, trái với lệ thường, mỗi lần Khải đón chị em nàng đi chơi, Diễm vẫn để Tuyết hay Huyền ngồi giữa mình và Khải… Thấy Diễm ngồi sát bên mình, Khải sung sướng nhìn nàng. Anh cầm “vô lăng” từ từ cho xe nổ máy, nét mặt hân hoan, mãn nguyện… Khải không ngờ rằng cử chỉ thân mật khác thường của Diễm chỉ là phản ứng vô tình của Diễm chống lại ảnh hưởng tiềm tàng của Đạt.
Họ vui vẻ nói chuyện và ngược với bản chất dịu dàng kín đáo của mình, Diễm cũng ba hoa, lém lỉnh không kém Tuyết…
Trước khi lấy vé, vào rạp Eden, Tuyết còn bắt hai người thả bộ đi lượn một vòng, và trên vỉa hè đường Tự Do, Diễm thong dong đi giữa, Khải và Tuyết đi hai bên: thỉnh thoảng một vài thanh niên, đã đi qua mặt nàng, còn ngoái cổ lại nhìn theo ngắm nàng và Khải, Tuyết v.v… khiến Diễm nhớ tới lời phê bình của Tuyết, trước khi ra đi: “Nếu cần tìm một người chồng, đề chiều chiều đi rước đèn ở đường Tự Do thì chỉ có Khải là xứng đáng”. Diễm vừa đi, vừa liếc nhìn Khải, khoẻ, đẹp trai lại có vẻ trí thức, quí phái với đôi kính trắngk, điệu bộ hào hoa… và ngay lúc đó, Diễm cho lời mẹ nàng nói rất đúng: nàng phải là người điên rồ thì mới khước từ Khải để nhận lời lấy Đạt!
Tới thư quán Xuân Thu, Diễm rủ Khải và Tuyết rẽ vào, mua một quyển tạp chí. Nhưng vừa bước qua ngưỡng cửa nhà hàng, Tuyết đã nhìn thấy Đạt, đứng phí trong, bên giẫy bàn bày sách, lưng quay ra đường… Tuyết sẽ bấm tay chị, chỉ về phía Đạt, khẽ nói:
- Ông Đạt kia kìa!
Diễm thất sắc. Nàng cũng vừa nhận ra cái vai gầy và mớ tóc rối của Đạt. Thấy Tuyết thì thầm với chị, Khải vội hỏi:
- Tuyết nói gì? Tuyết có mua gì không?
Tuyết ấp úng chưa biết trả lời sao thì ngay lúc đó Đạt cũng xây lưng, đi ra… Nhận thấy Diễm và Tuyết, Đạt vui mừng tiến về phía Diễm, nhưng khi nhận ra, ngoài Diễm và Tuyết, còn có Khải, thì gương mặt Đạt đột nhiên sa sầm, nhưng đã chót tiến về phía Diễm rồi, Đạt không thể lùi được…
Nụ cười trên môi tắt ngay khi Đạt nhìn thấy Khải, Đat khó khăn lắm mới tạo được một cái nhếch mép gượng gạo…
- Thầy ạ!
Tuyết cất tiếng chào rất tự nhiên trong khi Diễm nói lí nhí trong miệng, không ai nghe rõ. Đạt bắt tay Khải nhưng không nói gì với Khải, mắt nhìn Tuyết:
- Hai chị em đưa nhau đi mua sách?
- Dạ.
- Hôm nay Tuyết lại vận “cao bồi” cơ à?
- Thưa thầy, Ba má em bảo em có “cao bồi tính” thì tất nhiên em phải mặc “cao bồi” chứ!
Mọi người cùng mỉm cười. Mãi lúc đó, Đạt mới đưa mắt nhìn Diễm! Sự ngạc nhiên hiện rõ trong mắt chàng khi Đạt thấy Diễm mặc cái áo do chính tay Đạt đã chọn màu! Sự ngạc nhiên có đượm chút oán trách, oán trách Diễm tại sao lại mặc cái áo do Đại chọn để đi chơi cùng Khải! Diễm bắt gặp cái nhìn đó và nàng hiểu ngay những cảm nghĩ thầm kín của Đạt… Đạt nhìn Diễm, mỉm cười, cái mỉm cười mà riêng Diễm thấy hơi chua chát:
- Cô Diễm thì giản dị quá với cái áo nội hóa…
Đạt ngừng một giây, rồi nhắc lại câu mà chàng đã nói hôm đưa Diễm đi chọn màu áo:
- “Giản dị nhưng có vẻ cao quí”.
Diễm chưa biết trả lời sao thì Đạt đã chìa tay bắt tay Khải từ biệt, nhưng vẫn không nói gì với Khải. Khải cũng im lặng, lễ phép bắt tay Đạt. Nhưng Tuyết đã thân mật nắm lấy cánh tay Đạt, ngây thơ một cách rất ác:
- Thầy có bận gì không? Mời thầy đi “xi-nê” với chúng em!
Đạt hơi ngạc nhiên:
- Đi xi-nê à?
- Dạ! Anh Khải đã xin phép Ba má cho chúng em đi.
- Thế à!
Đạt gỡ khỏi tay Tuyết, khẽ đập lên vai Tuyết:
- Thôi hai chị em đi cho vui nhé!
Rồi chàng đi thẳng… bước nhanh như người có việc gấp… Khải nhìn theo, hỏi Tuyết:
- Ông Đạt phải không?
- Dạ! Anh quen thầy ấy chứ?
- Không quen, nhưng biết tiếng! Tôi có mấy người bạn trước kia là học trò của ông…
Khải quay sang nhìn Diễm, hỏi tiếp:
- Lúc này Diễm vẫn học ông ấy chứ?
- Dạ…! Cả nhà vẫn học thêm ông Đạt!
Nghe Diễm nói “cả nhà”, Tuyết cười thầm, hiểu Diễm muốn giải thích với Khải là không riêng gì mình Diễm học thêm Đạt, mà cả bốn chị em! Tuyết muốn nói một câu để trêu chị, nhưng nhìn gương mặt Diễm, tự nhiên Tuyết thấy không nỡ.
Còn Khải định hỏi Diễm một vài điều khác về Đạt, nhưng Khải nhìn Diễm rồi cũng im bặt. Không khí đột nhiên trở nên gò ép… Mặc dầu Diễm vẫn vui vẻ niềm nở, Khải cũng như Diễm, đều có cảm tưởng là có cái gì đã đến làm vẩn đục không khí cởi mở và thân mật. Riêng Khải thì không giấu nổi sự hậm hực của người có điều gì chứa chấp trong lòng, muốn nói ra mà không nói được. Trong suốt hai tiếng đồng hồ ngồi tại rạp, mặc dầu Khải lịch sự, chu đáo và Tuyết gắng bông đùa, không khí vẫn hơi nặng nề.
Mãi tới lúc ra khỏi nhà chớp bóng, ba người ngồi giải khát tại quán Ly Lan, trước khi trở về nhà, Khải xoay ba vòng, ly sữa tươi trước mặt, rồi đột nhiên hỏi Diễm:
- Ông Đạt là thế nào đối với Diễm?
Diễm phải trấn tĩnh lắm mới điềm nhiên trả lời bằng cách hỏi lại:
- Tại sao anh lại hỏi như vậy?
Khải không lưỡng lự:
- Tôi thấy thái độ của Diễm khi gặp ông ấy và sau khi gặp ông ấy, hơi lạ!
- Hơi lạ là thế nào thưa anh? Hơi lạ Ỡ chỗ nào?
- Tôi tưởng Diễm hiểu hơn ai hết “hơi lạ Ở chỗ nào”! Gương mặt xa vắng của Diễm làm tôi hết vui…
Diễm cười ròn rã:
- Em có vẻ “xa vắng” à! Anh nói thì em mới biết đấy!
Rồi nàng nhìn thẳng vào mắt Khải, nói tiếp:
- Anh muốn biết sự thực thì để Diễm nói hết cả anh nghe. Đáng nhẽ, Diễm cũng khỏi cần phải phân trần, biện bạch với anh cũng như anh đã hơi vô lý khi anh cật vấn Diễm: “Ông Đạt là thế nào với Diễm”, vì anh thừa hiểu là em chưa chính thức hứa hẹn gì với anh cả. Nhưng nếu em không nói thực thì có nhẽ anh sẽ gán cho Diễm những tội tày đình… Vậy sự thực chỉ có thế này… Lúc nãy, Tuyết nói vừa mách anh là có người định hỏi em…
Nàng ngừng một lát, quay sang phía Tuyết:
- Người đó là ai, Tuyết nên nói thẳng cho anh Khải hết nghi ngờ…
Tuyết lườm chị:
- Sao lúc nãy chị bảo đừng nói, bây giờ thì lại bảo nói ra! Chị rắc rối lắm.
- Lúc nãy khác, bây giờ khác…
- Vậy thì chị nói lên, sao lại bắt em nói!
Diễm vẫn dịu dàng:
- Chị có bắt em nói đâu! Chị thấy Tuyết thích mách anh Khải thì chị muốn nhường Tuyết nói cho sướng miệng! Nhưng Tuyết không muốn nói thì để chị nói.
Rồi Diêm quay qua nhìn Khải, giọng làm ra vẻ thản nhiên:
- Người định hỏi em, mà vừa rồi Tuyết đả động tới, chính là ông Đạt!
Tiếng “Đạt” rơi xuống giữa bàn giải khát như một tiếng đàn ngan cung! Tuyết bất giác ngừng uống ly sữa đã kề trên môi, chăm chú nhìn Khải để thăm dò phản ứng trên khuôn mặt Khải.
Nhưng bề ngoài, Khải không tỏ vẻ gì xúc động. Anh thong thả lấy bao thuốc lá trong túi quần, rút một điếu, chậm rãi châm lửa, hút một hơi dài, như để nuốt cái gì vướng mắc ở cổ, rồi mới cất tiếng hỏi Diễm, giọng cố làm ra vẻ bình thản:
- Thế Diễm trả lời ông ấy ra sao?
- Ông Đạt có gửi cho em một cái thư. Em chưa trả lời, nhưng chắc chắn đến chín phần mười là em từ chối
- Chắc chín phần mười?
- Dạ, chín phần mười!
Tuyết cười, nói xen vào:
- Thế nghĩa là ông Đạt chỉ có một phần mười hy vọng, còn anh Khải có tới chín phần mười!
Thực ra, nghe Diễm nói “chắc chắn chín phần mười” là sẽ từ chối Đạt, Khải không những không hài lòng mà còn bực bội vì cái “một phần mười” dành cho Đạt.
Không ai yêu mà lại chịu xan xẻ hy vọng với người khác, dù là một phần trăm, hoặc một phần nghìn. Đằng này, Diễm lại dành những một phần mười hy vọng cho Đạt! Cho nên, trong bụng Khải rất hậm hực. Chàng định hỏi mát Diễm: “Liệu cái chín phần mười của tôi có đánh át được cái “một phần mười” của Đạt không”; nhưng không hiểu sao, chàng lại diễn tả sự hậm hực của mình bằng một câu hỏi khác:
- Tôi có thể biết lý do của cái “một phần mười” dành cho ông Đạt không?
Diễm cười hồn nhiên, lắc đầu:
- Anh khó tính quá! Thôi anh đưa chúng em về.
Vừa nói Diễm vừa đứng lên, tỏ ý muốn chấm dứt câu chuyện! Nhưng Khải vẫn ngồi yên, không nhúc nhích:
- Em nhất định không cho biết lý do?
Tuyết nắm cánh tay Khải, lôi Khải đứng lên, nói trêu Khải:
- Anh đưa chúng em về, rồi ở nhà tha hồ anh ăn vạ chị Diễm, chứ ở đấy sao tiện!
… Cho đến lúc ngồi trên xe, Khải vẫn còn giữ bộ mặt hờn dỗi và Diễm, Tuyết cũng bắt chước Khải , im lìm không ai nói với ai. Mãi khi xe gần tới nhà, Diễm mới mỉm cười hỏi Khải:
- Anh đã hết giận chưa?
Khải đành phải gật:
- Hết rồi. Nhưng anh vẫn muốn biết lý do…
- Anh thật kỳ lạ! Có lý do gì đâu mà anh đòi biết.
Tuyết thấy chị mình chưa chính thức nhận lời lấy Khải mà Khải đã ghen tuông bóng gió, thì Tuyết lại càng muốn trêu Khải. Tuyết bèn thủn thẳng góp ý kiến:
- Riêng em thì em hiểu lý do của cái “một phần mười” hy vọng dành cho ông Đạt… Nhưng em nói ra, sợ chị Diễm bại tai, vậy nếu chị Diễm cho phép… thì em nói.
Diễm lườm em, lắc đầu:
- Mày lại mưu tính bỏ thêm vài quả bom hả? Anh Khải có muốn điên đầu thì cứ việc nghe nó…
Nhưng Khải điềm nhiên trả lời:
- Anh sẵn sàng muốn điên đầu! Vậy Diễm cứ cho Tuyết nói!
- Thì em có cấm đâu! Vậy Tuyết cứ bịa hộ chị một vài lý do cho anh Khải “điên đầu”!
Tuyết gật gù:
- Không phải là Tuyết “bịa” mà là nói thật. Thế này nhé… Sở dĩ ông Đạt cũng có hy vọng—không nói tràn trề nhưng cũng khá “suya”—không phải chỉ vì ông Đạt là thầy dạy của chị Diễm mà nhất là vì hồi chị Diễm còn là đứa con nít lên bảy tuổi, chị Diễm đã có lần long trọng hứa với ông Đạt rằng: “Nhớn lên, cháu Diễm lấy chú Đạt”. Cho nên chị Diễm bị ràng buộc bởi lời hứa thuở con nít và chị có cởi được “lời thề” cũng còn mệt! Có đúng không chị Diễm?
Nghe Tuyết nói huỵt toẹt cả những chuyện thầm kín của mình, Diễm tái mặt, muốn bạt tai cho Tuyết một cái mà không dám. Còn Khải thì chăm chú nhìn Diễm hỏi:
- Có đúng vậy, không em?
Diễm ấp úng:
- Chuyện con nít, anh nghe làm gì!
- Nhưng có thực là hồi nhỏ, Diễm đã hứa với ông ta như vậy không?
Thực tình là Diễm vẫn thẹn về câu chuyện “hứa hôn năm lên bảy”, nên bị hỏi dồn, Diễm phát cáu:
- Thực hay không em làm sao mà nhớ được!
Nói xong, Diễm cảm thấy ngượng về câu nói dối của mình, vì Diễm “nhớ” chứ không phải là không nhớ! Diễm càng bực tức, quay sang mắng Tuyết:
- Tao chịu mày thật. Chuyện không đâu vào đâu mà mày cũng đem ra kể!
Tuyết gân cổ cãi:
- Em tưởng chuyện như vậy cũng “có đâu” chứ không phải “không đâu”. Có phải không anh Khải?
Khải không trả lời. Gương mặt Khải thêm nặng. Vừa lúc đó, xe đã tới nhà Diễm.
- Mời anh vào nhà em một lát đã!
Khải lắc đầu:
- Thôi để anh về. Nhưng Tuyết về trước đi, cho phép anh nói riêng với Diễm một câu.
Tuyết mỉm cười, mở cửa xe đi thẳng vào trong nhà. Khải bèn lên giọng nghiêm trang nói với Diễm:
- Từ mấy tháng nay, anh vẫn chờ đợi Diễm trả lời sự cầu hôn của anh, để anh kịp thưa với gia đình đến chính thức hỏi Diễm! Lúc này, anh nhận thấy không thể chờ đợi thêm được nữa. Vậy anh mong Diễm nghĩ kỹ một vài ngày rồi trả lời anh dứt khoát… Chứ chờ đợi phập phồng, khổ sởlắm…
Diễm nhìn Khải:
- Anh cho Diễm một tháng nữa được không?
- Một tháng! Suy nghĩ gì mà cả một tháng! Anh tưởng em cũng đã hiểu anh… như anh hiễu và yêu em!
- Vậy mười lăm ngày anh nhé!
Khải đắn đo một lúc mới trả lời:
- Cũng được. Nhưng trong khi chờ đợi Diễm trả lời dứt khoát, anh mong Diễm sẽ chiều ý anh một điều…
- Điều gì ạ?
- Diễm sẽ tạm thời nghỉ học với ông Đạt…
Chính Diễm cũng có ý định nghỉ học với Đạt, từ khi biết rõ ý định của Đạt, nhưng nghe Khải yêu cầu, gần như đặt điều kiện, tự nhiên Diễm thấy khó chịu. Nàng phải cố gắng lắm mới cười nhạt, trả lời Khải:
- Cũng được! Nhưng anh vào chơi trong nhà đã! Nói chuyện ngoài đường không tiện!
- Thôi cám ơn Diễm.
Rồi Khải cho xe chạy luôn!
Diễm nhìn theo xe Khải, đợi cho xe Khải mất hút ở góc đường, Diễm mới thẫn thờ đi vào nhà…
… Thấy mẹ vẫn còn ở nhà, chưa đi lễ, Diễm hỏi luôn:
- Sao mẹ chưa đi lễ chùa. Huyền đâu mẹ?
- Lạ quá! Con Huyền đi đâu mà hôm nay về không đúng giờ. Nó có về chậm bao giờ! Nhưng cậu Khải đâu?
- Anh ấy về rồi!
- Sao lại về?
- Anh ấy mắc bận, phải về! Nhưng Huyền nó đi đâu mà chưa về mẹ nhỉ?
- Mày đi tìm em xem! Làm sao giờ này nó vẫn chưa về! Mọi khi, nếu có về chậm thì bao giờ cũng nói trước…
Diễm chợt phỏng đoán là Đạt sau khi gặp bọn Diễm ở nhà hàng Xuân Thu, đã đến đón Huyền trước cửa trường và sở dĩ Huyền về chậm là vì mắc đi với Đạt.
Mà Diễm đoán không sai! Diễm như có cái giác quan về tình yêu khiến nàng biết trước những phản ứng ý nghĩ của những người yêu nàng. Thực thế, sau khi chạm trán Khải ở hiệu sách Xuân Thu, Đạt không thấy hứng đi đâu nữa; anh định trở về nhà nhưng nghĩ đến cái cảnh cô quạnh buồn hiu của căn nhà mình ở, tự nhiên Đạt thấy ngại, không muốn về, trái với thói quen, Đạt đi đâu thì chỉ mong sớm trở về, nằm suy tưởng bên những chồng sách, báo bề bộn. Lần này thì khác hẳn: sau khi gặp bọn Diễm, Đạt ngạc nhiên thấy mình buồn bực—buồn bực và hờn ghen hơn cả Khải từ biệt Diễm—vì thấy Diễm mặc cái áo do chàng đã chọn màu, để đi chơi với Khải! Nhất là lại đi chơi với Khải sau khi chàng đã viết cho Diễm cái thư do Huyền trao!
Lòng tự ái của Đạt khiến Đạt nghĩ rằng Diễm không thể nào lại vô tình đến mức vui vẻ đi chơi với Khải, sau khi đọc thư mình. Đạt có ngờ đâu chính vì Diễm đã nghĩ nhiều tới Đạt nên đã đi chơi với Khải, để “đền bù” lại cho Khải. “Hay Huyền chưa đưa thư cho Diễm?” Đạt tự hỏi như vậy và chợt có ý nghĩ tìm đến trường, đón Huyền để hỏi xem Huyền đã đưa thư chưa?
Đạt liền lùi lũi gọi taxi, lại thẳng trường Gia Long. Nhưng khi chàng tới, thì còn gần hai mươi phút mới tan học. Đạt đành bách bộ trước cổng trường, thất thểu như một cậu học sinh vị thành niên sớm si tình. Trước khi viết thư cho Diễm, Đạt vẫn băn khoăn, tự hỏi liệu mình còn có thể “đau khổ” vì yêu được nữa không, mình có thể “trẻ con và ngây thơ” như những tình nhân yêu nhau lần đầu tiên không? Thì lúc này chàng tự bắt chợt thấy nình đang “đau khổ”, đang hờn ghen một cách rất không đâu!
Đạt bắt chợt thấy mình đang sốt ruột, chờ đợi từng phút, từng giây—không phải để được gặp người yêu—mà chỉ là để được gặp em gái của người yêu, thì chàng không khỏi cười thầm, tự nhủ: “Ta yêu thực rồi! Ái tình “con nít hóa” mình rồi!”.
Đạt đang ngớ ngẩn, nghếch mắt nhìn lên cái đồng hồ lớn trước cổng trường thì một bàn tay đập nhẹ lên vai chàng:
- Đi đâu mà lại lò dò ở đây?
Đạt giật mình quay lại, hốt hoảng như người làm điều lỗi bị bắt quả tang phạm pháp: Đó là Lữ, một giáo sư Việt Văn của trường nữ học. Đạt gượng gạo, vụng về bắt tay Lữ, miệtn ấy úng:
- Tôi… tôi đến đón đứa cháu!
- Thế à?
Lữ không mảy may nghi ngờ Đạt, vì Đạt vẫn được tiếng là đứng đắn. Nhưng nghe Lữ buông thõng hai tiếng “thế à”, Đạt có cảm tưởng như Lữ đã đi guốc trong bụng mình và Lữ thừa hiểu tại sao chàng lại đứng vớ vẩn trước cổng trường. Đạt ngượng ngập hỏi Lữ:
- Tan chưa anh?
- Tan rồi… Tôi ra trước một phút…
Ngay lúc đó, các nữ sinh đã lũ lượt, phất phới tiến ra. Đạt vội chia tay bắt tay Lữ, nhưng Lữ vô tình vẫn chưa chịu buông tha Đạt:
- Nhưng anh không đợi cháu anh à? Tên nó là gì? Học lớp nào?
- Tên là… Tên là Huyền… Học đệ nhất…
- Đệ nhất à…
Đạt liết mắt nhìn về đám nữ sinh, thấy thấp thoáng một nữ sinh có bóng dáng giống Huyền thì chàng lại bắt tay Lữ một lần nữa:
- Thôi! Chào anh, đứa cháu tôi nó ra kia rồi!
Nhưng người nữ sinh đó không phải là Huyền, Đạt ngơ ngác nhìn ngược, nhìn xuôi, thấy nữ sinh ùn ùn kéo ra, mà không thấy Huyền đâu. Đạt đã bắt đầu lo ngại là Huyền đã ra rồi mà Đạt không nhìn thấy, thì Huyền đã đứng cạnh Đạt lúc nào Đạt không rõ.
- Thầy!
Đạt giật mình một lần nữa! Nhưng nhận ra Huyền, gương mặt Đạt tươi tỉnh, rạng rỡ ngay. Đạt thở ra:
- Trời! Thầy tưởng Huyền đã về rồi!
Huyền cũng vui vẻ:
- May quá! Em cũng định tạt qua nhà thầy, trước khi về nhà…
- Có chuyện gì vậy?
- … Thưa… em có chút việc riêng, muốn hỏi ý kiến thầy…
- Vậy à! Ta kiếm cái quán giải khát nào, nói chuyện một lát, rồi thầy đưa Huyền về. Được không?
- Dạ.
Nhưng Huyền chợt đổi ý:
- Hay thầy cho em lại nhà thầy. Rồi lát nữa, thầy đưa em về. Em có việc muốn hỏi ý kiến thầy, nói chuyện trong tiệm, e không tiện…
- Càng hay! Nhưng có gì quan trọng không?
- Thưa không! Em thấy hơi gút mắt nên muốn hỏi thầy…
Ngồi trên xe, Đạt nhiều lần định hỏi Huyền xem cái thư của mình đã tới tay Diễm chưa. Nhưng Đạt ngập ngừng chẳng khác một thanh niên phập phồng lo sợ cho số phận bức thư tình đầu tiên của mình. Mãi khi về tới nhà, Đạt vừa mở khóa cửa, vừa cất tiếng hỏi Huyền, làm ra vẻ như vừa chợt nhớ tới bức thư:
- À! Cái thư của tôi, Huyền đưa cho Diễm chưa?
- Dạ, đưa rồi!
Tiếng lách cách mở khóa chợt tắt. Cái khóa nằm im trong ổ. Đạt quay mặt ra, hỏi Huyền:
- Đưa rồi thật à?
- Dạ… đưa ngay sau khi thầy giao cho em.
- Đưa ngay lúc đó?
Huyền hơi ngạc nhiên:
- Dạ đưa ngay, có sao không thầy?
- Không sao cả.
Đạt nói “không sao” nhưng vẫn có cái gì vướng mắc trong cổ họng.
Đạt mở cửa phòng, mời Huyền ngồi, lấy một đĩa trái cây trong tủ ra để trước mặt Huyền:
- Nhờ Huyền vắt cam, pha dùm hai ly… Rồi thầy kể chuyện vừa rồi thầy gặp Diễm cho mà nghe.
- Thầy vừa gặp chị Diễm?
- Đi cùng với Khải…
Huyền mở to mắt:
- Đi cùng với Khải…?
Đạt cười gượng:
- Họ đi “xi-nê”… Có cả Tuyết nữa!
Đạt và Huyền rất tâm đầu ý hiệp! Bất cứ chuyện gì, dù là chuyện tâm tình sâu kín, Đạt cũng kể cho Huyền nghe và Huyền không giấu giếm Đạt điều nào. Nghe Đạt kể chuyện gặp Diễm đi xi-nê với Khải, Huyền biết là Đạt không vui, nàng muốn tìm một câu an ủi Đạt, nhưng câu nào, nàng cũng thấy vô duyên, nên Huyền chỉ yên lặng vắt cam, lay hoay tìm một câu thích đáng để nói với Đạt. Nàng đặt ly nước cam trước mặt Đạt, rồi dịu dàng nhìn Đạt như một đứa em ruột nói với anh:
- Chị Diễm vẫn có cảm tình với anh Khải. Nếu chị đi xi-nê với anh Khải và Tuyết thì cũng là chuyện thường tình… Dù chị Diễm có nhận lời lấy anh Khải chăng nữa, em vẫn cho là cảm tình của chị Diễm đối với thầy là một cảm tình đặc biệt, không thể so sánh được.
Huyền nói tế nhị quá, nhất là Huyền biết vuốt ve lòng tự ái của Đạt, khiến Đạt đang ngấm ngầm bực tức, mà chỉ một lời nói của Huyền cũng đủ cởi mở hết mọi ưu tư vô lý của mình. Đạt tươi tỉnh ngay lại. Mãi lúc đó, Đạt mới sực nhớ Huyền sơ dĩ đến thăm mình vì Huyền có điều muốn hỏi ý kiến:
- Huyền vừa nói là có chuyện “thắc mắc”. Chuyện gì vậy? Huyền kể đi!
Huyền cười rất nhân hậu:
- Nhưng thầy đã hết buồn chưa?
Đạt cũng cười vui vẻ:
- Huyền là nàng tiên mang an ủi lại cho mọi người. Nghe Huyền nói thì còn buồn thế nào được!
- Vậy thì để em kể một câu chuyện… hơi buồn cho thầy nghe… Thầy có biết ông Tuấn không? Lê Tuấn, họa sĩ ấy mà!
- Có phải Lê Tuấn, họa sĩ kiêm kịch sĩ không? Anh ta được giải nhì về kịch phẩm “Hết đường” trong giải thưởng văn chương năm vừa rồi phải không?
- Có nhẽ đúng!
- Thế thì thầy chỉ biết, chứ không quen. Có chuyện gì vậy?
Huyền mở cặp, lấy ra một cái thư đưa cho Đạt:
- Đây là cái thư của ông Tuấn gửi cho em. Thầy đọc rồi em nói rõ thầy hiểu.
Đạt đọc lướt qua cái thư ngắn. Không phải là một bức thư tình mà là một bức thư hỏi mượn tiền, trong đó Lê Tuấn khẩn khoản nhờ Huyền “xoay” hộ cho ba ngàn đồng. Đạt trả lại thư cho Huyền:
- Sao lại mượn tiền! Mà Huyền thì tiền đâu mà cho anh ta mượn! Huyền quen ông ta đã lâu chưa?
Huyền chậm rãi trả lời:
- Để em kể thầy nghe… Cách đây gần hai năm, em có đứa bạn là em họ Ông Tuấn, nó rủ em đi xem phòng triển lãm tác phẩm của ông ta. Đứa bạn có giới thiệu ông Tuân với em. Thì ra ông Tuấn cũng là học trò cũ của Ba em. Từ đó, anh thường đến chơi nhà em. Thấy em ưa nét vẻ của anh, anh ấy có xin phép Ba má, họa một bức chân dung của em—Bức chân dung em treo trong phòng học, để rồi hôm nào em đưa thầy coi. Quen biết anh Tuấn, em thấy anh ấy là người rất ham chơi, bừa bãi, gần như hư hỏng. Cờ bạc, đàn bà và cả thuốc phiện nữa, cái gì anh ấy cũng thích. Được một điều là anh ấy không giấu giếm ai, và đã có lần, anh đèo xe Vespa một cô vũ nữ, đến đợi em ở cổng trường để xin tiền “để ét-xăng”! Em cũng đã gắng khuyên can anh đừng trụy lạc, nhưng anh chỉ ừ ừ, ào ào, hoặc ngoan ngoãn được vài bữa rồi đâu lại vào đấy. Ít lâu nay, em nghe nói anh ấy “sống chung” với một người vũ nữ, đêm đêm anh đưa người nũ nữ đi làm, đợi cô vũ nữ, hết giờ làm việc ở vũ trường, hai người lại đưa nhau đi đánh phé. Vừa rồi, người vũ nữ đưa tiền cho anh ta đánh, anh ta hăng máu ra sao, tháu cáy mấy ván, “đốt” hết cả số tiền người vũ nữ gửi anh giữ dùm. Người vũ nữ nổi điên, tát kiện anh về tội quyến rũ và làm tiền…! Cái thư hỏi vay tiền em có nhẽ cũng bắt nguồn từ chuyện đổ vỡ kể trên. Chắc anh ấy cần tiền để thanh toán cô vũ nữ…
Đạt im lặng một lát, mới hỏi Huyền:
- Đối với ông ta, cảm tình của Huyền ra sao?
- Cố nhiên là thương hại anh ấy lắm! Muốn cứa vớt anh ấy mà em thấy không cứa vớt nổi…
Đạt cười buồn:
- Nhưng điều cần biết là liệu ông ta có tự cho là mình cần phải cứu với không đã! Nếu đó chỉ là nếp sống rất tự nhiên của một người theo chủ nghĩa “hiện sinh” thì Huyền nghĩ sao?
Gương mặt rất trẻ của Huyền đượm vẻ suy tư:
- Em cũng lo như vậy. Cho nên em mới hỏi ý kiến thầy. Có nên giúp anh ấy hay không hở thầy? Em không có tiền, nhưng vẫn có cách giúp ông ta.
Đạt hỏi:
- Huyền bảo có cách xoay ra tiền để giúp ông ta. Vậy Huyền có thể cho biết cách nào không?
Huyền không lưỡn lự:
- Em có giây chuyền bằng vàng của bà cô em cho. Em rất ghét những đồ trang sức bằng vàng. Em sẽ xin phép Ba em—má em thì chắc phải giấu—đem “cầm” cái giây chuyền thì sẽ có đủ tiền…

<< LỜI NGƯỜI VIẾT | Phần I- 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 670

Return to top