Hồng, cô y tá có phận sự chăm lo hằng ngày cho Mỹ Dung, bước vào phòng dọn dẹp vài thứ bừa bãi trên bàn, làm lại giường nệm cho sạch sẽ, đoạn lại gần Mỹ Dung, đặt tay lên vai nàng:
- Cô Mỹ Dung, hôm nay cô nghe có đỡ hơn mọi hôm không?
Mỹ Dung đưa mắt nhìn Hồng, đoạn khóc nức nở. Nàng không hiểu câu hỏi của Hồng, mà hình như đang đeo đuổi theo một cái gì đó đang ám ảnh nàng. Nàng gào lên:
- Anh Vũ ơi! Anh đi đâu rồi? Sao anh không đến thăm em hả anh Vũ?
Hồng vuốt ve mái tóc Mỹ Dung:
- Sao cô khóc mãi vậy? Vũ sẽ đến thăm cô một ngày gần đây mà.
Nghe thế, Mỹ Dung im ngay, không khóc nữa, nhìn Hồng và nói:
- Cô nói thật chứ. Vũ không bị người ta hại à?
Rồi nhìn sững Hồng, Mỹ Dung có vẻ không tin:
- Cô là ai mà biết anh Vũ của tôi? Trời ơi! Anh của tôi tốt lắm. Anh ấy yêu tôi lắm. Người ta nói xấu anh Vũ của tôi nhiều quá. Sao người ta độc ác đến thế? Họ ganh ghét với anh Vũ chứ gì?
Hồng thay áo cho Mỹ Dung và nói với nàng:
- Bác sĩ gần vào rồi. Cô ngồi yên đấy nhé.
Mỹ Dung gật đầu. Nhưng khi Hồng vừa quay lưng đi ra ngoài thì Mỹ Dung đã đứng lên đi qua đi lại trong phòng, miệng nói lảm nhảm như người có việc lo nghĩ.
Bác sĩ Quân bước vào, theo sau là hai cô y tá và Hồng.
Bác sĩ Quân nhìn Mỹ Dung. Mỹ Dung tỏ vẻ sợ sệt, vội vã đi lại ngồi yên trên giường. Bác sĩ Quân bắt đầu nghe mạch. Mỹ Dung ngồi yên, đôi mắt lấm lét nhìn bác sĩ.
Bác sĩ Quân quay lại hỏi Hồng:
- Bớt sốt, bớt nói nhảm và đêm qua ngủ được phải không? Có mòi khá. Vẫn chích thuốc cũ. Nhớ cho uống thuốc ngủ như mọi ngày.
Bác sĩ Quân cầm tay Mỹ Dung:
- Cô ăn được mấy chén cơm?
Mỹ Dung nói:
- Một chén. Bác sĩ cho uống sữa nhé. Aên cơm không ngon.
Bác sĩ nói:
- Nhưng phải ăn cơm mới mau mạnh. Phải ăn mỗi bữa ba chén cơm nghe.
Mỹ Dung lắc đầu:
- Ngán lắm. Anh Vũ mới ăn được những ba chén.
Bác sĩ cau mày:
- Sao cứ nói đến anh Vũ mãi thế?
Mỹ Dung nói:
- Bao giờ tôi lành bệnh, bác sĩ cho tôi được về, thăm anh Vũ, tôi nhớ anh ấy lắm. Anh Vũ yêu tôi lắm kia.
Bác sĩ Quân nói:
- Được, tôi sẽ gọi Vũ đến thăm cô, nếu cô chịu uống thuốc cho mau lành bệnh.
Nghe nói uống thuốc, Mỹ Dung đưa tay lên bịt miệng, rùng mình:
- Tôi có bệnh gì đâu mà bác sĩ ép tôi uống thuốc mãi thế? Cả cô Hồng nữa, cô ấy cứ bắt tôi uống những thứ thuốc gì mà đen và gớm ghiếc làm sao.
Bác sĩ nói:
- Cô không uống thuốc thì tôi không cho phép Vũ vào thăm cô.
Mỹ Dung chắp hai tay lại nói:
- Tôi sẽ uống thuốc. Thuốc đâu đưa tôi uống cho mau lành để bác sĩ cho anh Vũ vào thăm tôi, cô Hồng nhé.
Hồng nhìn bác sĩ mỉm cười. Bác sĩ nói:
- Cô rót thuốc cho cô ấy uống đi.
Hồng đi rót thuốc và Mỹ Dung ực một hơi trước mặt mọi người.
Bác sĩ khen:
- Hôm nay cô ngoan lắm. Cô nằm xuống cho cô Hồng chích thuốc.
Nghe đến chích thuốc, Mỹ Dung rú lên, giãy giụa:
- Không, đừng chích thuốc cho tôi, đau lắm.
Nhưng hai cô y tá đã giữ chặt Mỹ Dung để Hồng làm phận sự. Mỹ Dung rên la ầm ĩ.
Bác sĩ và hai cô y tá đi qua các phòng khác, Hồng ở lại với Mỹ Dung. Mỹ Dung chỉ vào mặt Hồng và nói:
- Cô ác lắm, cứ chích thuốc cho tôi mãi. Anh Vũ đến, tôi sẽ mách anh ấy cho mà xem. Bao giờ anh Vũ đến hả cô?
Hồng nói:
- Cô không chịu để tôi chích thuốc cho mau lành thì anh Vũ không thèm đến đâu mà mong.
Mỹ Dung nhìn Hồng:
- Anh Vũ giận tôi à?
Và Mỹ Dung khóc lên:
- Anh Vũ, sao anh giận em? Đừng giận em, anh Vũ nhé. Em yêu anh quá mà.
Hồng hăm dọa:
- Nếu cô cứ khóc mãi thì tôi không ở đây với cô đâu. Cô Mỹ Dung, cô có nhớ trước đây cô đi làm cho hãng nào không?
Mỹ Dung nói:
- Tôi có đi làm gì đâu? Tôi và anh Vũ yêu nhau, rồi người ta tìm cách hại anh Vũ của tôi. Tôi nhớ rõ ràng như thế.
Hồng hỏi, cố gợi trí nhớ của Mỹ Dung:
- Cô có nhớ ông Đại không? Ông giám đốc hãng Hồng Tân ấy mà?
Mỹ Dung có vẻ ngơ ngác:
- Ông giám đốc? Tôi không quen với ông giám đốc nào cả.
- Thế còn cô Lý?
Mỹ Dung cau mày:
- Sao cô cứ hỏi lôi thôi mãi thế? Lý nào, tôi đâu có biết. Anh Vũ ơi! Sao anh không đến?
Bác sĩ Quân dặn cô Hồng, mỗi ngày phải tìm cách nói chuyện với Mỹ Dung, gợi Mỹ Dung nhớ lại những chuyện đã quạ Nhưng ngày nào cũng vậy, Hồng hỏi gì Mỹ Dung cũng không nhớ mà chỉ nhớ có Vũ.
Hồng liền quay qua hỏi về Vũ:
- Vũ làm nghề gì cô biết không?
- Vũ có xe hơi, có nhà lầu, Vũ đem hạnh phúc lại cho tôi.
- Nhưng Vũ làm nghề gì mà có lắm tiền thế?
Mỹ Dung không do dự, trả lời ngay:
- Anh Vũ làm luật sư… Ồ, anh Vũ mà khoác chiếc áo luật sư vào thì đẹp không sao nói được.
- Anh Vũ ở đâu cô biết không?
- Ở nhà lầu mà lại. Nhà lầu đẹp lắm.
Hồng cười có vẻ thương hại thì Mỹ Dung giương mắt hỏi:
- Sao cô lại cười tôi? Cô tưởng tôi nói láo sao? Để bao giờ anh Vũ đến, tôi bảo anh ấy đưa cô đi xem nhà của chúng tôi.
- Được rồi, cô nằm yên, nghỉ đi cho khỏe. Bao giờ anh Vũ đến thì báo cho tôi hay nhé.
- Nhưng bác sĩ có chịu cho anh Vũ đến thăm tôi không? Bác sĩ không cho ai vào thì làm sao anh Vũ vào được?
- Sao lại không cho người vào thăm? Cô quên rồi sao? Chứ ông giám đốc hãng Hồng Tân, cô Lý, cô Huệ, cô Cúc không vào thăm cô là gì? Sao họ vào cô cứ nhìn họ như người xa lạ?
- Tôi có quen họ đâu? Họ là ai? Sao họ đến phá rầy tôi mãi thế? Họ đem giấu mất anh Vũ rồi.
Mỹ Dung nằm im một lúc, thuốc dường như đã thấm, nên lim dim ngủ. Hồng sửa Mỹ Dung nằm ngay ngắn trên gối rồi ra ngoài, lại ngồi chiếc ghế kê ngoài hành lang và lấy báo ra đọc.
Đúng mười giờ Hồng se sẽ đi vào phòng. Vẫn thấy Mỹ Dung ngủ ngon lành, nàng ra ngồi vào chỗ cũ. Nàng thấy từ xa, bác sĩ Quân đi với một người đàn ông, ăn mặc rất sang trọng, tướng mạo đàng hoàng. Bác sĩ tiến về phía nàng. Hồng vội vàng đứng dậy và ngạc nhiên vì người đi với bác sĩ trông giống bức ảnh của Vũ mà các báo khi tường thuật vụ án đã đăng lớn ở trang đầu.
Bác sĩ Quân giới thiệu với Hồng người khách lạ:
- Cô Hồng à, đây là ông kỹ sư Văn, anh ruột của Vũ, người bị ám sát. Ông kỹ sư Văn muốn vào thăm cô Mỹ Dung.
Hồng nhìn Văn và nói:
- Ông giống ông Vũ quá. Nghĩa là giống bức ảnh của ông Vũ.
Bác sĩ Quân nói:
- Nãy giờ tôi nói chuyện rất nhiều với ông kỹ sư về vấn đề này rồi. Cô Mỹ Dung mất trí nhưng lại không quên ông Vũ. Chúng ta cứ để ông Văn vào thăm, xem thử phản ứng ra sao? Chúng ta sẽ dựa vào phản ứng ấy mà chữa bệnh cho cô Mỹ Dung.
Quay lại Văn, bác sĩ Quân nói:
- Cô Mỹ Dung quên tất cả các cô bạn cùng làm ở hãng Hồng Tân với cộ Chúng ta ngồi đây đợi Mỹ Dung tỉnh dậy đã. Cô Hồng nên lấy sẵn thuốc, để phòng cô Mỹ Dung có thể ngất vì cảm xúc.
Hồng đi lấy thuốc và hộp y cụ của bác sĩ Quân, để sẵn trên bàn. Một giờ sau Mỹ Dung tỉnh giấc, vẻ mặt trông khoẻ hơn lúc sáng. Hồng đỡ nàng ngồi lên, lấy lược chải tóc cho nàng, mặc cho nàng chiếc áo khác và nói:
- Có người vào thăm cô.
Mỹ Dung hỏi:
- Ai thế? Có phải anh Vũ không?
Và hai bàn tay của Mỹ Dung run lên, đôi mắt chớp lia lịa.
Hồng nói:
- Không phải anh Vũ đâu.
Nghe thế Mỹ Dung quay mặt vào vách:
- Không phải anh Vũ thì không ai cần thăm với viếng.
Nhưng bác sĩ Quân và Văn đã vào trong phòng. Nghe tiếng động, Mỹ Dung quay lại…
Đôi mắt nàng bỗng sáng lên. Nàng run lẩy bẩy và nhào xuống giường, chạy lại ôm chầm lấy Văn khóc rấm rứt:
- Anh Vũ ơi! Sao mãi hôm nay anh mới đến thăm em? Anh ở đây với em, anh Vũ nhé? Anh đừng bỏ em nữa nghe anh?
Văn đưa mắt nhìn bác sĩ, ngơ ngác, không hiểu phải nói gì. Nói cho Mỹ Dung biết là nàng đã lầm ư?
Bác sĩ Quân ra dấu cho Văn cứ nhận là Vũ.
Văn hiểu ý bác sĩ nên nói:
- Không, anh không bỏ em đâu.
Nghe vậy Mỹ Dung quỳ ngay xuống ôm hai chân Văn:
- Anh không lừa gạt em chứ, anh Vũ?
Đôi mắt nàng đẫm lệ, ngước nhìn Văn khiến Văn cảm động quá cũng phải rơi lệ. Từ trước đến giờ, chàng chưa bao giờ chứng kiến một mối tình êm đẹp, lâm ly như thế.
Mỹ Dung lại có một vẻ đẹp hiền lành quá, trông nàng như một nữ thần vẽ trong tranh.
Thấy Văn khóc, Mỹ Dung chắp hai tay giữa ngực:
- Trời ơi! Anh khóc sao anh Vũ? Lần đầu tiên em thấy anh khóc! Anh yêu em đến thế sao anh Vũ? Vậy mà người ta độc ác quá, họ cứ không cho anh đến thăm em.
Nói xong, Mỹ Dung quay lại nhìn bác sĩ Quân:
- Bác sĩ cho phép anh Vũ vào thăm tôi mỗi ngày để tôi chóng khỏe.
Bác sĩ Quân nói:
- Tôi sẽ cho anh Vũ vào thăm cô mỗi ngày, nhưng cô phải để cho cô Hồng chích thuốc và phải nghe theo lời của tôi.
Mỹ Dung gật đầu lia lịa:
- Tôi xin vâng lời bác sĩ và cô Hồng.
Bác sĩ Quân ra dấu cho Văn đi ra ngoài và nói với Mỹ Dung:
- Cô lại ngồi vào ghế kia, đợi tôi dặn ông Vũ vài điều, ông Vũ sẽ ở lại đây với cô cho đến chiều.
Mỹ Dung riu ríu vâng lời.
Bác sĩ Quân và Văn đi ra ngoài. Văn nói ngay:
- Tôi khổ tâm lắm nếu phải đóng vai này. Tôi không thể nói dối được bác sĩ ạ, tôi thấy lương tâm cắn rứt.
Bác sĩ Quân vỗ vào vai Văn và nói:
- Ông không nên thắc mắc vì những chuyện không đáng như thế. Ông nên nghĩ rằng, ông có bổn phận cứu một cô gái đáng thương hại đang lâm vào một chứng bệnh ngặt nghèo. Ông cứ tạm nhận mình là ông Vũ để tôi dựa vào đó mà trị cho cô Mỹ Dung lành bệnh.
Ông thấy đó, cô ta đáng thương hại quá, mối tình của cô ta đậm đà, tha thiết quá, dầu là gỗ đá cũng phải cảm động nữa là chúng ta.
Mỗi ngày ông ráng bỏ vài giờ vào thăm cô Mỹ Dung, gợi cổ nhớ đến những chuyện đã quạ Chỉ có ông mới có thể làm cho cô lấy lại trí nhớ. Tôi không dám tin ở tài của tôi. Ông đã chịu bỏ tiền ra lo thuốc thang cho cô ấy, thì tôi tin rằng ông không nỡ nào mà không đóng tạm vai ông Vũ…
Bác sĩ Quân nói rất nhiều và Văn phải nhận lời.
Bác sĩ Quân bảo Hồng đi lấy hồ sơ của Mỹ Dung, trao cho Văn:
- Đây là hồ sơ của Mỹ Dung. Đọc những trang này, ông sẽ hiểu về dĩ vãng của Mỹ Dung, ông cứ dựa vào đấy mà hỏi Mỹ Dung về những chuyện đã qua, ráng gợi xem cô ta có nhớ được chút nào không? Ông và tôi, chúng ta hãy hợp nhau lại để trị cho cô ấy lành bệnh.
Văn nói:
- Nhưng đến khi cô ấy lành bệnh rồi, tôi phải xử trí thế nào? Lẽ tất nhiên tôi sẽ nói thật cho cô ấy biết tôi không phải là Vũ… Theo ý tôi, lúc ấy nguy hiểm lắm. Cô Mỹ Dung có thể thất vọng chết được.
Bác sĩ Quân nói:
- Một khi cô ấy đã lành bệnh thì sẽ có đủ lý trí để kềm chế sự xúc cảm. Lúc ấy chúng ta sẽ từ từ phân giải lần hồi, không để cô bị thất vọng một cách đột ngột. Thôi, chúng ta hãy đi vào, cô Mỹ Dung đợi lâu quá rồi.
Văn theo bác sĩ Quân trở vào phòng Mỹ Dung. Bác sĩ Quân dặn Mỹ Dung:
- Cô phải nghe lời ông Vũ. Tôi cho phép ông Vũ ở đây với cô đến chiều… Cô Hồng ở bên phòng gác, nếu cô có điều gì cần thì nhấn cái chuông trên đầu giường.
Nói xong bác sĩ Quân đưa mắt ngó Hồng và cả hai cùng đi ra ngoài.
Văn ngồi xuống bên Mỹ Dung và nói:
- Em bị bệnh gì phải nằm đây?
Mỹ Dung nói:
- Anh bỏ em nên em buồn. Người ta cho em vào đây chớ em có bệnh gì đâu. Bây giờ anh không bỏ em nữa thì anh xin phép cho em ra nghe anh?
Văn nói:
- Em bị bệnh nhiều lắm… Em bị suy nhược thần kinh nên hay quên tất cả những điều đã qua.
Mỹ Dung có vẻ suy nghĩ:
- Thế à?
Nàng nhìn Văn một lúc lâu rồi nói:
- Lạ quá anh Vũ à, sao độ rày trông anh sang trọng và hiền lành quá? Giọng anh cũng êm dịu hơn trước. Mà anh ăn mặc cũng đàng hoàng hơn. Tại sao vậy anh Vũ?
Văn biết là Mỹ Dung chưa hẳn đã quên tất cả những chuyện đã quạ Mỹ Dung biết phân biệt Văn và Vũ khác nhau ở chũ nào. Tuy hai người mới nhìn thoáng qua, giống nhau như hai giọt nước.
Vũ có tính cẩu thả, giọng nói cộc cằn, và tính tình hung hăng, còn Văn lúc nào cũng đứng đắn, giọng nói êm ái và tánh tình thì hiền lành.
Văn nói:
- Anh không muốn làm em buồn nên cố gắng đổi tật xấu.
Mỹ Dung mừng lắm, đôi mắt sáng lên:
- Em cảm ơn anh. Anh yêu em đến thế sao anh Vũ? Thế mà người ta bảo em là anh bỏ em để đi cưới con gái ông hiệu trưởng. Cô ấy tên gì anh nhỉ?
Văn nói:
- Đố em biết cô ấy tên gì?
Mỹ Dung ngồi ôm đầu suy nghĩ, một lát nàng reo lên:
- Thôi, em nhớ ra rồi. Cô ta tên là Liên Hoa…
Văn khen:
- Em nhớ hay quá. Thế mà bác sĩ Quân nói với anh là em quên nhiều lắm.
Mỹ Dung cười mơn mớn:
- Bác sĩ Quân nói như thế à? Em quên là tại em không muốn nhớ đấy chứ? Nhớ làm chi những chuyện không đáng nhớ, phải không anh Vũ?
- Em lý luận hay quá. Nhưng còn ông Hồng Tân thì em nhớ là ai không? Ông Hồng Tân yêu em như con, ông ấy đưa em vào đây và chịu trả tiền cho bác sĩ Quân để bác sĩ săn sóc em.
- Ông Hồng Tân là ai kìa?
- Em chưa nhớ ra thì thôi, đừng suy nghĩ mệt óc… Ngày khác em sẽ nhớ, không sao đâu…
Mỹ Dung hỏi:
- Mấy lúc nay anh có học hành gì không? Uûa, mà tiền đâu anh đóng tiền cơm, tiền học?
Văn nói:
- Lúc này anh tìm được chỗ dạy rồi. Anh có nhiều tiền lắm.
Vừa nói Văn vừa rút trong túi ra một cái bóp đầy tiền:
- Em cứ yên tâm tịnh dưỡng cho mau lành, đừng lo chuyện tiền nong nữa. Em tốt quá, trời không để em khổ đâu.
Mỹ Dung nhìn Văn:
- Sao độ này anh nói câu nào cũng chí tình cả vậy anh Vũ? Trời không để em khổ phải không anh? Nay mai anh sẽ đậu luật sư và người ta gọi em là bà luật sư, ồ, lúc ấy sung sướng quá!
Văn cảm động trước vẻ đẹp thùy mị và mối tình quá cao thượng của Mỹ Dung. Chàng cứ ngồi nhìn Mỹ Dung không chớp mắt. Nàng cứ nằm nhìn Văn và trăm nghìn ý nghĩ đẹp đẽ tràn ngập tim nàng. Nàng cảm thấy chưa lúc nào sung sướng bằng lúc này…
Văn nói:
- Bộ em muốn làm bà luật sư lắm phải không?
- Anh hỏi thế chắc anh nghĩ em ham có chồng có chức phận. Không đâu anh, em chỉ cầu mong sao có một người chồng hiểu em và trung thành với em là được. Có tiền kể ra thì cũng sung sướng được phần nào, nhưng nhiều khi có tiền cũng có hại.
- Tại sao có tiền cũng có hại?
Mỹ Dung cau mày:
- Em nói thế vì em thấy phần đông những kẻ có tiền không biết dùng đồng tiền đúng chỗ.
- Hôm nay chúng ta nói chuyện như thế này cũng lâu quá rồi. Bác sĩ Quân không cho nói nhiều, vậy giờ em ráng ngủ đi. Anh ngồi đây canh chừng cho em ngủ.
- Anh định làm phận sự của cô Hồng đấy à? Cảm ơn anh, em sẽ ngủ bây giờ.
Nói xong Mỹ Dung lim dim đôi mắt, nằm im đợi giấc ngủ. Văn lấy tờ báo ra đọc, lòng rối như tơ vò. Muốn cứu Mỹ Dung, Văn đã làm một chuyện nguy hiểm. Một ngày kia khi Mỹ Dung lành bệnh rồi Văn phải cư xử như thế nào? Chàng làm sao có đủ can đảm nói sự thật khi Mỹ Dung đang tin tưởng rằng nàng lặn ngụp trong hạnh phúc. Gây thất vọng cho Mỹ Dung là làm một chuyện thất đức. Tại sao bác sĩ Quân lại bắt chàng phải đóng vai trò bạc bẽo ấy?
Một lát sau, Mỹ Dung đã ngủ ngon. Văn ngồi nhìn kỹ Mỹ Dung và bỗng có ý nghĩ so sánh Mỹ Dung với Nguyệt, vợ chàng. Thật là một trời một vực, Mỹ Dung hiền lành bao nhiêu thì Nguyệt lại hung dữ bấy nhiêu.
Mỹ Dung yêu Vũ một cách thắm thiết đến kẻ sắt đá tới đâu cũng phải cảm động trước mối tình của nàng.
Còn Nguyệt? Nguyệt không bao giờ yêu chàng. Cái tình của Nguyệt giả dối quá, tính toán quá…
Sao Vũ lại có phước hơn chàng về phương diện tình ái như thế? Vũ không xứng đáng với mối tình của Mỹ Dung. Chàng thì đàng hoàng, giàu có, có học, lại gặp một người vợ không ra gì. Đời sao lắm chuyện bất công như thế?
Mỹ Dung ngủ, vẻ mặt ngây thơ như một nữ sinh trong trắng. Đôi bàn tay nàng đẹp quá và mái tóc nàng lòa xòa trên trán trông dịu dàng làm sao!
Cảnh ngộ của chàng không cho phép chàng yêu Mỹ Dung, nhưng ai cấm chàng xem Mỹ Dung như một người em gái? Chàng sẽ tìm cách giúp đỡ và gầy dựng cho Mỹ Dung. Vũ đã chết, và nếu Vũ chết oan chỉ vì người ta ngộ nhận Vũ là Văn thì Văn phải có bổn phận giúp đỡ Mỹ Dung.
Văn ngồi đợi Mỹ Dung thức dậy. Người ta đem thức ăn vào cho Mỹ Dung. Hồng ở ngoài bước vào nói với Văn:
- Đã đến giờ ăn rồi, để tôi đánh thức cô Mỹ Dung dậy ăn.
Nhưng Mỹ Dung đã cựa mình, mở mắt ra và ngồi dậy hỏi:
- Anh Vũ về rồi à?
Nhìn thấy Văn ngồi nhìn nàng, Mỹ Dung e lệ sửa lại mái tóc:
- Anh chưa về dùng cơm sao?
Văn hỏi:
- Em không muốn anh ở đây với em à? Thế thì anh về vậy.
Mỹ Dung nói:
- Em sợ anh đói bụng. Anh về dùng cơm rồi chiều vô với em.
- Em của anh đáng quý quá. Thôi anh về rồi chiều anh sẽ vộ Em cần thức gì nói anh mua cho, chiều anh sẽ mang thật nhiều trái cây vô đây cho em.
- Anh nhớ mua cho em thật nhiều nhọ Em thích ăn nho mà thôi. Nhưng anh có tiền không?
Văn cười:
- Lúc này anh nhiều tiền lắm.
Văn đi rồi, Mỹ Dung nói với Hồng:
- Lạ quá, cô Hồng à, tôi nghe trong người khỏe quá, tôi lại nhớ những chuyện mà trước kia tôi đã quên.
Hồng mừng lắm:
- Cô nhớ lại những gì?
Mỹ Dung nói:
- Nhớ nhiều lắm. Tôi nhớ tôi thích ăn nho, tôi ưa mặc áo màu xanh nhạt và trước kia tôi làm thư ký cho ông Đại, giám đốc hãng Hồng Tân…
Hồng reo lên:
- Hay quá! Để tôi chạy lên báo tin mừng này cho bác sĩ Quân biết.
Mỹ Dung nói:
- Và cô nhớ xin bác sĩ cho tôi ra để tôi đi làm lại lấy tiền giúp anh Vũ học nhé.
Hồng nói:
- Vâng, tôi sẽ thưa lại cho bác sĩ Quân biết.
Mỹ Dung ngồi ăn ngon lành. Chưa bao giờ nàng đói bụng như hôm naỵ Nàng tự nghĩ:
- Sao độ rày anh Vũ trông đẹp hơn ngày trước nhiều quá? Anh ấy lại tỏ ra săn sóc mình và yêu mình một cách thành thật. Anh nhìn ta với đôi mắt êm ái làm sao, chan chứa bao nhiêu tình yêu mến!
Từ hôm ấy ngày nào Văn cũng vào thăm Mỹ Dung và lần nào cũng mang thức ăn, trái cây, bánh kẹo vào cho nàng.
Văn còn đem báo cho Mỹ Dung đọc và mua tặng nàng nhiều chiếc áo thêu bằng hàng đẹp vô cùng.
Trước sự săn sóc của Văn mà Mỹ Dung lầm là Vũ, bệnh của Mỹ Dung mỗi ngày mỗi thuyên giảm. Bác sĩ Quân cũng không ngờ bệnh của Mỹ Dung mau lành đến thế. Thế mới biết tình cảm là một phương thuốc trị bệnh thần diệu.
Bây giờ các nhân viên trong hãng Hồng Tân đến, Mỹ Dung đều nhận ra và nàng ân cần tiếp chuyện… Những kỉ niệm đã sống lại trong trí óc nàng.
Bác sĩ Quân đã nói với Văn:
- Ông đã cứu một mạng người. Ông đã đưa một người ra khỏi cảnh tăm tối.
Văn lắc đầu, đau khổ nói:
- Gần đến ngày phải nói sự thật phũ phàng rồi bác sĩ ạ. Tôi lo ngại quá.
Bác sĩ Quân nói:
- Ông phải nói từ từ… Ngay từ bây giờ ông có thể thuyết lần cho Mỹ Dung biết trước sự việc có thể xảy ra. Tôi giao phó cho ông công việc nặng nề ấy. Nếu có phản ứng nào, tôi xin lãnh phần sau. Tô tin ông đủ tài, đủ trí làm việc ấy.
Văn mím chặt đôi môi mà không đáp lại.
Văn vừa về đến nhà thì Nguyệt đang lớn tiếng mắng nhiếc những người giúp việc:
- Này, muốn hỏi tiền thì cứ đợi ông chủ về mà hỏi. Tao không có giữ tiền. Nay mai tao cũng bỏ nhả đi để ai ở thì ở… Người ta khinh tao ra mặt mà. Chán lắm!
Văn lặng lẽ đi vào nhà. Đã ba tuần nay cảnh ấy diễn ra như cơm bữa, chàng điếc tai rồi. Trước kia hễ Nguyệt gây sự như thế thì Văn xách nón đi ngay, đi lại sở ở cho yên. Nhưng từ ngày Vũ bị giết tại sở chàng làm việc thì chàng cũng hơi rờn rợn, không còn dể ngươi như trước nữa.
Văn cứ để Nguyệt nói cho mệt, chàng vào phòng nằm xem báo. Nguyệt thấy thái độ vừa lạnh lùng vừa khiêu khích của Văn thì tức giận lắm. Nàng nhất định phải đi tìm Tống để nhờ Tống bày cho cách đối phó với Văn.
Nguyệt về với Văn không còn trinh trắng, vậy người đã đến trước trong đời Nguyệt?
Nguyệt lúc còn là một nữ sinh đã có tiếng là lãng mạn, tự dọ Nàng ỷ mẹ nàng giàu có, nên đi học là để chưng diện, để se sua với chị em chớ không có tinh thần học hỏi gì cả. Lúc nàng mười sáu tuổi, nàng đã có cả chục bạn trai, với người nào nàng cũng viết thư và hứa hẹn đủ chuyện. Nhưng mẹ nàng thấy nàng tự do quá, sợ hư hỏng nên không cho nàng đi học nữa, bắt ở nhà phụ giúp bà trong việc buôn bán.
Nguyên bà Định có một người cháu họ, mồ côi cha mẹ, được bà nuôi cho ăn học. Sau khi thi đậu bằng trung học, Tống, người cháu họ ấy, làm thư ký riêng cho bà. Bà rất tin cậy Tống, sổ sách giao cả cho Tống, nào ngờ Tống đang rắp tâm chiếm gia tài của bà. Biết bà Định chỉ có một mình Nguyệt, gia tài của bà trước sau cũng về tay Nguyệt. Nhưng lúc ấy Nguyệt đâu thèm để ý đến Tống, Nguyệt đang nuôi nhiều hy vọng cao xa, nàng muốn có chồng vừa giàu vừa sang.
Nàng kén chọn mãi cho đến năm hai mươi hai tuổi mà vẫn chưa có ai vừa ý. Lòng nàng đã nghe gia lạnh. Lúc ấy Tống luôn luôn rất khéo léo nên đã chiếm được lòng Nguyệt.
Tuy được Nguyệt yêu, nhưng Tống cũng thừa biết trước bà Định không bao giờ chịu gả Nguyệt cho chàng trừ khi Nguyệt trót trao thân cho hắn.
Nhân lúc bà Định đi Lục tỉnh mua dừa khô cho một công ty làm dầu ở ngoại quốc, Tống rủ Nguyệt đi ăn uống no say và khi về đến nhà, Nguyệt không sao giữ mình được nữa, nghe theo lời Tống trao thân cho hắn.
Khi họ yêu nhau rồi, bà Định mới hay, nhưng bà nhất định không chịu gả Nguyệt cho Tống.
Bà nói:
- Dù con Nguyệt có thai đi nữa, tao cũng không gả cho mày đâu. Tao ráng nuôi nó cho đến lúc sanh đẻ cứng cáp rồi tao gả cho người khác. Mày là thằng bất nghĩa, không nghĩ cái ơn của tao nuôi nấng mày từ lúc bé đến giờ. Mày làm chuyện xấu xa, gần như loạn luân, vì dù sao thì mày và con Nguyệt cũng có họ hàng với nhau. Tao hiểu này, mày không thương yêu gì con Nguyệt đâu, mày chỉ nhắm vào gia tài của tao.
Tống trình bày cho bà biết là hắn yêu Nguyệt từ lâu vì hai anh em đã sống bên nhau từ thuở bé. Tống khóc lóc, Tống kêu van, nhưng bà Định nhất định đuổi hắn đi, chia rẽ hắn và Nguyệt.
Tống thất vọng ra đi, mang theo cái mộng giàu sang đã tan vỡ. Nguyệt không dám cãi lời mẹ, vả lại thật sự thì nàng cũng chẳng thương yêu gì Tống.
Lần lần Nguyệt quên Tống, và bà Định sau một chuyến buôn bán thất bại gần sạt nghiệp, đã phải năn nỉ với ông Khai để gả Nguyệt cho Văn.
Tại sao ông Khai, một người hết sức sáng suốt, lại có thể đi nghe theo một người đàn bà mưu lược như bà Định?
Nguyên bà Định trước khi về với ông Định, đã yêu ông Khai. Cha mẹ Ông Khai chê bà Định là người nham hiểm, sau này có con không tốt… Ông Khai không lấy được bà Định, cả hai đau khổ một lúc rồi thì mỗi người mỗi đường. Hai năm sau, khi cả hai đều có con, bà Định làm ăn giàu có, còn ông Khai thì túng thiếu. Bà Định lém chồng giúp ông Khai một số vốn để làm ăn. nhờ vào số vốn ấy, ông Khai làm giàu. Mối tình của họ thật cao thượng…
Mang cái tình và cái ơn của bà Định, ông Khai có bao giờ quên, vì thế khi bà Định ngỏ ý gả Nguyệt cho Văn, ông nhận lời ngay, không cần hỏi ý kiến Văn. Ông không cần biết đôi trẻ ấy có yêu nhau không và có thể hòa thuận với nhau không. Ông chỉ nghĩ đến chuyện đáp một cái ơn lớn.
Nếu không có người bạn lòng ấy, ông Khai sẽ không bao giờ giàu có được, và Văn làm sao thừa hưởng được gia tài kếch sù của ông để lại.
Nghe tin Nguyệt có chồng giàu, Tống vội vàng trở về Sài Gòn để gặp Nguyệt. Nguyệt cố tránh hắn nhưng không sao tránh được. Khi hai người gặp nhau, Tống đã nói với nàng:
- Không phải anh về đây để phá em đâu, em đừng nghĩ xấu cho anh mà tìm cách tránh anh. Anh về đây là để mừng cho em đó. ngày nay em có chồng giàu, em sướng, còn anh, anh vẫn sống một mình, nghèo nàn, đau khổ. Em nên thương xót cho anh, đừng phụ anh,.
Nguyệt hỏi:
- Anh nói thế là nghĩa làm sao?
Tống nói:
- Em hãy thưa với mẹ, cho anh trở về đây để xin lỗi mẹ, để giúp mẹ, khi em đã về nhà người tạ Anh muốn được sống gần em. Dù là gần một cách vô nghĩa như thế này.
- Không thể được đâu, anh ạ. Anh nên tránh tiếng cho em chứ.
- Anh hiểu phận thấp kém của anh mà, anh không dám làm phiền em đâu. Nhưng em hãy nói thử cho anh biết, vậy chớ em có yêu Văn không?
- Mẹ gả thì em phải bằng lòng, chớ em có thích Văn đâu.
Đôi mắt Tống sáng lên, hắn nhìn Nguyệt và nói:
- Đều là cảnh bất đắc dĩ cả.
Thế rồi Nguyệt về nhà chồng và bà Định đã đem Tống trở về giúp đỡ công việc cho bà.
Nguyệt bị Văn khinh bỉ sau đêm tân hôn và nàng vừa oán ghét vừa tức giận Văn. Nàng không chịu biết lỗi của mình mà còn trách móc Văn. Hai người sống bên nhau nhưng xa nhau. Họ không ly thân mà hoá ra ly thân.
Nguyệt đang còn xuân trẻ, sống trong tình lạnh nhạt của Văn, làm sao chịu yên thân và dứt khoát với Tống? Thế là Nguyệt và Tống đã lén lút nối lại đoạn tình ô uế cũ để trả thù Văn.
Không có việc gì xảy ra giữa Văn và nàng mà nàng không kể lại cho Tống nghe. Tống nghe xong lại chế thêm dầu vào lửa đẩ gây cho Nguyệt một sự ác cảm đối với Văn. Tống còn bày Nguyệt cách rút tiền của Văn đem về cho hắn. Họ còn âm mưu nhiều chuyện nhưng chưa thi hành được là vì bà Định còn sống sờ sờ đấy. Bà Định mưu gả Nguyệt cho Văn, chớ bà không bao giờ có ý nghĩ cướp của ông Khai, bà không chịu cho con bà ăn ở xấu với Văn.
Bà tinh ý thấy Tống và Nguyệt vẫn còn nặng tình với nhau thì rầy la Nguyệt:
- Người ta ai cũng có lúc lỡ lầm. Trước kia con trót lỡ, không nói gì. Nhưng bây giờ là con gái có chồng, con phải giữ nhân cách của con. Chồng con giàu có, học giỏi, con phải kính nể nó mới phải, sao con còn đi lại với thằng Tống?
Nguyệt nói:
- Văn khinh khi con ra mặt. Chỉ vì con không còn trinh tiết. Mẹ nghĩ xem, đã mấy tháng nay, Văn không thèm ngó ngàng gì đến con cả, chàng dọn một căn phòng rất đẹp ở ngoài phố rồi ở ngoài ấy cả tuần nay chưa về nhà.
Bà Định nghe con nói, biết Văn bỏ bê Nguyệt nên buồn rầu nói:
- Nếu vậy thì mẹ phải đến phân giải với nó.
Nguyệt cản mẹ:
- Mẹ đừng làm thế, Văn sẽ khinh mẹ. Mẹ cứ để con tự đối phó với Văn. Con không dại đâu, mẹ ạ. Vỏ quýt dày thì móng tay nhọn…
Bà Định rầy con:
- Văn xử tệ với con, không phải vô cớ mà làm như thế. Lỗi tại con, con không biết nhận, con còn phiền trách nó sao được?
Nguyệt không chịu nghe theo lời khuyên nhủ của mẹ, vì thế nàng và Tống cứ tự do qua lại với nhau và bà Định phải đuổi không cho Tống ở trong nhà, sợ mang tiếng với Văn.
Nguyệt liền bỏ tiền thuê nhà cho Tống ở, để làm chỗ lui tới tình tự với Tống và nghe Tống bày vẽ mưu kế.
Hôm nay, Nguyệt tìm đến Tống, vừa thấy mặt Tống, Nguyệt đã nghiến răng trợn mắt nói:
- Anh Tống ơi! Thật lúc này nó lộng quá, ai đời nó đi cả ngày đêm, bỏ cả công ăn việc làm. Có người nói cho em hay là nó đi nuôi con nhân tình của nó ở một bệnh viện nào đó, anh ạ.
Tống ngạc nhiên hỏi:
- Thế à? Thế sao bây giờ em mới cho anh hay? Được rồi, anh sẽ dọ hỏi và tin cho em biết sau. Bộ nó tưởng tụi mình thua trí nó hay sao chớ? Cũng tại em, em cứ ngăn cản không cho anh…
Nguyệt nhìn dáo dác:
- Anh sao hay ăn nói hớ hênh quá. Rủi có ai nghe thì sao? Phải cẩn thận mới được. Chính em, lúc sau này em còn phải làm mặt tử tế với nó kia mà.
Tống nhìn Nguyệt rồi nói:
- Bộ em muốn đẩy cây anh sao? Em cứ bắt anh phải chờ đợi mãi thế này, chịu sao nổi?
Nguyệt có vẻ hống hách:
- Ở không ăn tiền còn đòi gì nữa? Có ai bỏ đói anh ngày nào đâu. Đầu đuôi cũng tại anh vô tài, nhìn người này ra người khác cho nên hôm nay chúng ta vẫn còn đau khổ.
Tống nói:
- Thôi đừng có nói lôi thôi nữa. Anh đang cần vài nghìn đồng để trả nợ cho người tạ Em có thì đưa anh để anh đi dò hỏi thử Văn đã nuôi con bé nào ở bệnh viện.
Nguyệt cau mày:
- Hở động nhờ đến anh việc gì là anh đòi tiền trước. Tình với nghĩa, chán thật!
Tống nói:
- Lại cũng cái giọng ấy. Có chán thì em cứ tự do bỏ anh đi. Anh có nói gì đâu?
Nghe Tống nói thế, Nguyệt liền làm lành rút ở ví ra hai nghìn trao cho Tống nói:
- Anh ráng dò cho kỹ nghe anh. Em có cách trừ chúng nói…
Nguyệt nói xong toan ra về thì Tống gọi ngay nàng lại hỏi:
- Nó có vẻ gì nghi ngờ em không?
Nguyệt lắc đầu, Tống hỏi:
- Thế tại sao nó lại bỏ nhà đi mãi như thế?
- Đố ai biết được lòng dạ nó ra sao! Nó bí mật lắm. Nhưng em chú ý thì thấy độ rày nó thích chưng diện hơn trước, mỗi lần ra đi thì mặt mày hớn hở và khi về đến nhà thì lại như kẻ mất hồn, ngồi đâu ủ rũ đó. Em có hỏi thì nó chỉ ừ hữ lấy có.
- Như thế chắc chắn nó có nhân tình rồi.
Nguyệt lồng đôi mắt lên và nói:
- À, nó sẽ biết tay em.
Nguyệt cắn răng nghe kìn kịt và nói tiếp:
- Mình chưa nỡ ra tay đó thôi.
Và nàng giận dữ ra về.
Nguyệt đến nhà thì có người cho nàng biết bà Định đau nặng gọi nàng về gấp.
Nguyệt phải đợi Văn về để cho chàng biết rồi mới đi được. Nhưng đợi Văn suốt ngày mà Văn vẫn chưa về, Nguyệt đành phải về nhà mẹ, không đợi sự đồng ý của Văn.
Tống nhiều lần căn dặn nàng không được bỏ nhà ra đi hai ba ngày mà không có sự đồng ý của Văn. Vì Tống muốn Văn không thể dựa vào một sơ sót nào của Nguyệt để có thể xin ly dị với nàng.
Bà Định đau nặng lắm, bà muôn gặp Văn để nói với chàng vài lời. Thấy Nguyệt về một mình, bà không bằng lòng:
- Con về mời nó đến đây để mẹ dặn dò vài lời trước khi chết.
Nguyệt phải trở về nhà. Lúc bấy giờ Văn đã về đến nhà, đang nằm đọc báo. Nguyệt lại gần bên Văn:
- Mẹ đau nặng quá, có sai người cho anh và em hay từ lúc sáng. Em đợi anh về để cho anh biết và cùng anh về thăm mẹ, nhưng đợi mãi không thấy, em phải đi một mình.
Văn hỏi, mắt vẫn không rời tờ báo:
- Rồi sao nữa? Mẹ đã khỏe chưa?
Nguyệt nói, cố giữ bình tĩnh:
- Nhưng mẹ muốn gặp anh. Anh sửa soạn rồi đi ngay bây giờ với em…
Văn nói:
- Khuya lắm rồi, không đi được. Ngày mai mình sẽ đi. Mẹ đau sao em không ở bên ấy với mẹ?
Nguyệt nói:
- Chưa có sự đồng ý của anh.
Văn làm bộ ngạc nhiên:
- Sao độ rày em cẩn thận thế? Ngày nào em không đỉ Sự đi đứng của em hết sức tự do kia mà.
Nguyệt nói:
- Em đi chợ búa, may sắm, lẽ dĩ nhiên khỏi phải nói với anh. Cũng như anh, anh đi đâu, anh có nói với em không? Mấy lúc nay em thấy anh bỏ nhà đi rất thường.
Văn cau mày, ngồi ngay dậy:
- Em mà cũng quan tâm đến sự đi đứng của anh sao? Anh có chút việc riêng phải thu xếp cho xong, nghĩ rằng việc ấy không quan hệ mấy nên không nói với em làm gì.
Sáng hôm sau, khi Nguyệt đã sửa soạn xong và vào nhắc chàng đi thăm bà Định thì Văn giật mình:
- Đi thế nào được, anh có hẹn đưa một người bạn đi bác sĩ.
Nguyệt nghẹn ngào nói:
- Mẹ em muốn gặp anh trước khi chết. Người người sắp chết yêu cầu anh chút việc như thế, anh nỡ lòng nào chối từ, huống chi người ấy là mẹ em?
Văn nói:
- Em cứ về trước, nếu anh còn thì giờ thì anh về sau.
Nguyệt giận quá không dằn lòng được nữa:
- Anh tệ thật! Em đối đãi với anh không đến nỗi như thế. Ở đời như vậy còn gì là tình nghĩa?
Văn nói:
- Nếu em hiểu được thế nào là tình nghĩa thì anh không khổ tâm mấy lâu naỵ Thôi, em cứ về lo săn sóc cho mẹ. Mẹ không có bề nào đâu, mẹ còn sống lâu lắm.
Văn nhớ ra hôm nay chàng hẹn đến đưa Mỹ Dung đi chơi mát. Lần này bác sĩ Quân cũng sẽ cùng đi với Mỹ Dung và thử xem Mỹ Dung thật khỏi bệnh chưa.
Văn sẽ đem xe lại rước Quân và Mỹ Dung rồi cả ba sẽ đi Thủ Đức hoặc Biên Hòa… Bác sĩ Quân sẽ bố trí những người quen cho Mỹ Dung gặp để xem thử nàng có hoàn toàn nhớ lại những việc đã qua không.
Sự thí nghiệm đối với Văn rất quan trọng. Nó sẽ chấm dứt vai trò của chàng, Văn vừa vui mừng, vừa lo ngại.
Chàng vui mừng được sống bên Mỹ Dung những ngày êm đềm nhất của đời chàng. Từ thuở bé chàng ít được sống bên một mối tình dịu dàng như thế. Mẹ chàng chỉ yêu Vũ chứ không yêu chàng, Nguyệt thì không bao giờ có một nụ cười âu yếm, một lời nói hiền lành, một cái nhìn êm dịu.
Nhưng mỗi khi lòng chàng rộn lên trước sự âu yếm của Mỹ Dung thì chàng lại lo sợ cái ngày phải nói sự thật. Ngày ấy đến, chắc chàng buồn lắm. Mấy hôm nay, lẽ sống của chàng chỉ quanh quẩn trong đi nuôi, đi viếng Mỹ Dung. Bao nhiêu tư tưởng của chàng đều hướng về Mỹ Dung.
Đến ngày Mỹ Dung làng bệnh trở về với cuộc sống riêng sau khi đã biết rõ cái chết của Vũ, thì Văn cũng phải quay về sống bên người vợ mà chàng không chút yêu thương.
Nguyệt thấy Văn kiếm cách thối thác không chịu cùng về với nàng thì tức đến ngẹn lời, đi một mạch lại nhà Tống.
- Anh Tống ơi! Mẹ em đau nặng lắm, một hai gọi Văn về cho được, thế mà nó không chịu về. Nó hẹn đưa ai đi bác sĩ.
Tống cười có vẻ bí mật:
- Anh đã khám phá ra nhiều chuyện hay lắm, em có năn nỉ thì anh mới nói cho nghe…
Nguyệt tức quá khóc òa lên:
- Như thế này thì tôi chịu sao nổi nữa? Văn thì giày vò tôi về chuyện tôi đã trót lỡ lầm với anh, anh thì bóc lột tôi một cách vô nghĩa. Cái thói làm tiền của anh đã khiến tôi phải nghi ngờ nhiều, không biết anh yêu tôi, hay anh yêu tiền của tôi.
Tống cười lại:
- Đến hôm nay mới hỏi chuyện ấy sao? Em còn lạ gì anh? Nếu em bảo lầm anh, thì cho em được tự do lựa chọn người khác.
Nguyệt cứ khóc một hồi cho đỡ khổ rồi kéo trong ví ra một xấp bạc ném trước mặt Tống:
- Tiền thưởng đó! Nói mau lên, tôi còn đi về thăm mẹ bệnh.
Tống xô xấp bạc qua phía Nguyệt và nói:
- Anh không phải là kẻ đi ăn mày, em đừng có ỷ tiền. Nếu anh có nói việc này cho em nghe thì không có anh, em sẽ không biết làm sao đối phó với Văn…
Nguyệt giúi xấp bạc vào túi áo của Tống rồi nói giọng nũng nịu:
- Lại giận với hờn, khổ quá! Người ta đang chết cả ruột gan đây.
Tống nói:
- Văn đi nuôi một thiếu nữ rất đẹp tại bệnh viện của bác sĩ Quân. Cô này bị bệnh lãng trí, trước kia là nhân tình của Vũ.
Nguyệt thở dài:
- Té ra chỉ có thế? Nhưng tại sao Văn lại đi nuôi con nhân tình của Vũ?
Tống cau mày:
- Em thiệt thà quá. Câu chuyện này đáng cho chúng ta lo lắng đó, em ạ. Nguyên Vũ là nhân tình của Mỹ Dung. Vũ chết một cách đột ngột khiến cho Mỹ Dung đau đớn rồi mất trí. nhưng có ai nói cho Văn biết rằng Vũ chết thế cho chàng, người ta không chủ trương giết Vũ là mà giết Văn. Vũ vàVăn quá giống nhau nên Vũ mới bị giết oan.
Mặc của Nguyệt tái hẳn lại, nàng hỏi:
- Ai bảo với anh như thế?
- Anh đọc báo, xem tường thuật rồi đoán hiểu, chờ đợi ai nói? Nếu đợi ai nói thì còn gì là chúng mình nữa.
Nguyệt lo lắng lộ ra nét mặt:
- Vì thế mà Văn nuôi Mỹ Dung. Nhưng Văn giống Vũ thì Mỹ Dung có thể yêu Văn cũng như trước kia đã yêu Vũ. Người ta có thể lầm lẫn trên ái tình cũng như có kẻ lầm lẫn trên hình dung. Nếu vậy thì đáng nguy lắm. Anh đừng có dể ngươi.
- Tại sao lại dể ngươi? Chỉ còn cách là tính gấp lên, để trễ mới là nguỵ Anh khuyên em nên cẩn thận trong tiếp xúc hằng ngày với Văn. Ráng lấy lòng Văn và nhất là làm sao cho Văn tin cậy và giao tiền bạc cho em.
- Kể ra muốn gây tình cảm với Văn lúc này không phải dễ. Bên Văn đã có Mỹ Dung.
- Họ rất thích nhau, em ạ.
Nguyệt cau mày:
- Không thể để họ tự do như thế. Anh có cách gì bày vẽ cho em.
Tống nói:
- Thì anh đã nói lúc nãy rồi. Gây cảm tình với Văn để nó tín nhiệm, giao phó tiền bạc cho em, và như thế có thể bắt nó làm ngay tờ chúc thư từ bây giờ.
Nguyệt kinh ngạc:
- Bộ anh điên sao? Bảo Văn làm chúc thư có khác nào gợi sự nghi ngờ cho nó. Mới từng ấy tuổi có ai làm chúc thư bao giờ, huống chi Văn lại chưa có con.
Tống nói:
- Em không trổ tài được sao? Mềm mỏng, khéo léo thì việc gì mà không được?
Nguyệt làm thinh suy nghĩ, bỗng đứng lên:
- Được, để em liệu thử có được không. Còn anh, đừng có sẵn tiền mà xài bậy bạ nhé. Em mà hay được sự phụ bạc của anh, không để cho anh yên thân đâu.
Tống cười đắc chí:
- Sống chết có nhau mà. Chỉ sợ em giàu rồi quên bạn cũ mà thôi.
Ở nhà Tống ra, Nguyệt đi thẳng đến nhà mẹ. Bà Định đã mệt nhiều lắm nên bà chỉ nằm thở dốc chớ không nói được nữa.
Nguyệt thấy vẻ mặt hốc hác của mẹ, thương hại quá, chạy lại quỳ bên mẹ, nắm lấy bàn tay mẹ đưa lên miệng. Nàng nghe bàn tay mẹ lạnh ngắt và nhìn thầy đôi mắt của mẹ đã long lên sòng sọc…
Nguyệt hốt hoảng kêu lên:
- Mẹ Ơi! Mẹ làm sao thế?
Bà Định cố nhướng cặp mắt mệt mỏi lên nhìn Nguyệt rồi nói bằng một giọng yếu đuối. Nguyệt phải nghiêng tai sát bên miệng mẹ mới nghe rõ:
- Con, mẹ mệt lắm rồi… Mẹ muốn gặp Văn để gửi con cho Văn… Con tệ lắm, không xứng đáng với lòng quản đại của Văn… Trước đây mẹ ép ông Khai phải cưới con cho Văn… Con đã hư, mẹ biết rõ mà vẫn bắt Văn chịu đựng mọi điều… Bây giờ mẹ chết rồi, ngoài Văn ra con không thể nhờ ai được. Con nên sửa chữa, tu tỉnh lại để mẹ khỏi có tội với Văn…
Nói đến đây bà Định mệt ngất, mồ hôi ướt đẫm, bà ngất luôn.
Nguyệt òa lên khóc, chưa kịp hứa gì với mẹ.
Sự thật thì Nguyệt có bao giờ chịu nghe lời mẹ! Bà Định còn sống, nói Nguyệt còn không nghe, nữa là bây giờ bà đã chết.
Nguyệt cho người đi gọi Tống đến gấp và đồng thời báo tin cho Văn hay.
Một lát sau, Tống đến để phụ với Nguyệt lo việc ma chay, Tống táng bà Định. Văn hay tin cũng đến liền.
Thấy mặt Văn, Nguyệt giận lắm, nhưng nhớ lại những lời Tống dặn, nàng nhẫn nhịn nói với Văn:
- Mẹ đau nặng, mấy hôm nay cho người đi gọi anh đến mẹ trối trăng đôi điều, vậy mà anh không chịu đến, làm mẹ chết mà linh hồn không yên.
Văn hỏi:
- Thế mẹ không dặn gì em cả sao? Mẹ nhắn lại với em cũng được chớ.
Nguyệt nói:
- Mẹ không chịu nói với em. Vả lại khi em về thì mẹ cũng mệt lắm rồi.
Nguyệt nói rất nhiều, nửa tỏ ra đau khổ, nửa tỏ ra trách móc Văn. Văn hỏi:
- Bây giờ em tính sao?
- Thì lo chôn cất chớ tính gì nữa? Chôn cất xong còn phải lo việc thờ phụng ông bà, cúng kiến cha mẹ, nhưng em là gái, lại có chồng, đâu lo được việc ấy. Anh cũng đâu có để em về đây ở… Mẹ có trối trăn việc cúng kiếng nên giao lại cho anh Tống, vì anh ấy là con nuôi của mẹ. Vậy anh cho em biết ý kiến.
Văn vốn không ưa Tống, nên nghe đến tên chàng, Văn liền nói:
- Việc ấy mẹ dạy sao thì em cứ làm vậy… Nhưng hãy lo chôn cất mẹ xong rồi hãy bàn sau.
Nguyệt thấy Văn không tỏ ý phản đối chuyện để Tống về ở ngôi nhà ấy để lo việc thờ phụng ông bà thì mừng thầm, nên tỏ ra rất tử tế với Văn. Văn nói chuyện với Nguyệt một lúc thì ra về, hứa hôm sau sẽ lại đưa người đến giúp Nguyệt lo việc ma chay.
Đám tang của bà Định được cử hành một cách trọng thể, phần đông là bạn bè của Văn. Chôn cất xong, Nguyệt nói cho Văn biết là bà Định không còn tiền nong gì hết, chỉ còn ngôi nhà trệt xây cất theo lối xưa.
- Có bao nhiêu tiền thì mẹ cho em làm của hồi môn trước đây rồi.
Nguyệt nói như vậy chớ sự thật lúc nàng về với Văn, nàng cũng chẳng đem chút của hồi môn nào. Nguyệt nói:
- Về ngôi nhà này anh nghĩ sao? Chúng ta có thể giữ lấy và thuê người lo trông việc cúng kiếng, hay là chúng ta cho đứt anh Tống để làm nhà thờ ông bà luôn thể? Anh nên nghĩ kỹ để sau này khỏi phiền trách em sao chuyên quyền, ỷ nhà của mẹ em rồi muốn làm gì thì làm không cần hỏi ý kiến anh… Anh Tống tuy nghèo, nhưng rất tự ái và khó tánh… Anh ấy muốn anh nói với anh ấy một lời để anh dọn về đây…
Văn nói:
- À ra thế? Nhưng anh là rể, anh đâu có quyền gì trong chuyện này. Trước kia mẹ đem anh ấy về nuôi là mẹ đã giao việc thừa tự cho anh ấy rồi. Anh cần gì nói. Em có nói thì nói chớ anh không muốn can thiệp đến việc nhà của em. Nói thật cho em hiểu là ngôi nhà của mẹ trị giá cũng không là bao, anh giữ làm chi cho mang tiếng, em cứ đem cho anh Tống đi. Dù sao thì anh Tống cũng không thể sống mãi bên vợ đẩ làm cái phường giá áo túi cơm.
Nguyệt chưa bao giờ nghe Văn nói nặng lời đến Tống. Thế mà hôm nay, Văn lại gọi Tống là phường giá áo túi cơm, nàng biết Văn đang có chuyện bực mình. Nàng liền nói:
- Anh cứ bảo anh ấy một tiếng để anh ấy nhận lời… Em là chỗ bà con, có ăn thua gì đâu… Anh Tống nể anh lắm.
Văn cười lạt:
- Anh ấy mà nể ai? Chỉ nể đồng tiền mà thôi.
- Hình như anh không ưa anh Tống? Không ưa thì thôi, đừng bảo anh ấy về giữ nhà mẹ nữa.
- Anh đã giao em trọn quyền thu xếp. Khi nào anh Tống không chịu về thì em cho anh hay để anh tìm người đến ở coi chừng nhà cửa cho khỏi hư nát. Em hiểu ý anh chưa?
- Hiểu.