Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Duyên Tình Lạc Bến

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12098 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Duyên Tình Lạc Bến
Bà Tùng Long

Chương 1

Chiếc xe nhà của ông Đại, giám đốc hãng Hồng Tân, vừa đỗ trước cửa thì Lý đã ngắt nhỏ Huệ:
- Khổ quá! Đã tám giờ rồi mà sao Mỹ Dung chưa tới? Ông giám đốc đến kìa, không thấy Mỹ Dung chắc ông sẽ tức giận mà rầy cả tụi mình cho xem.
Cúc vừa đánh máy vừa nói:
- Làm việc đi các chị. Nếu không lại bị la cả đám. Không hiểu Mỹ Dung có bị bệnh không mà giờ này vẫn chưa thấy tới?
Ông Đại đã vào đến chỗ ba cô thư ký. Họ cắm cúi làm việc như không để ý đến những gì đã xảy ra quanh họ.
Ông Đại đi thẳng vào văn phòng. Cúc đợi ông đi khỏi liền nói:
- Hú vía, ông ấy không để ý đến sự chậm trễ của Mỹ Dung. Tội nghiệp Mỹ Dung quá, độ rày trông nó bơ phờ như kẻ mất hồn.
Lý nhún vai:
- Ai bảo yêu cái thằng lưu manh ấy cho khổ.
Huệ nói:
- Các chị đừng nói như thế. Ai ở trong cuộc đời mới biết. Chị chớ nên bảo Mỹ Dung yêu thằng lưu manh Mỹ Dung nghe được sẽ buồn rầu, tội nghiệp.
Lý nói:
- Lưu manh thì bảo là lưu manh, mà không lưu manh là gì? Lừa gạt và dụ dỗ các cô gái để lấy tiền ăn chơi đàng điếm, cái tên Vũ nào đó chỉ là hạng lưu manh. Tôi không hiểu tại sao Mỹ Dung lại mê Vũ được. Mỹ Dung hiền lành quá, đẹp đẽ quá, mà Vũ thật là vũ phu, mặt mày hung hăng, cử chỉ hống hách.
Cúc thở dài:
- Tình yêu mù quáng, người ta đã bảo thế, các chị không biết gì sao? Chỉ tội nghiệp cho Mỹ Dung, có bao nhiêu tiền dành dụm đem cúng cho Vũ cả. Các chị không để ý đến đôi bàn tay của Mỹ Dung à? Chiếc nhẫn hột xoàn của Mỹ Dung đâu mất rồi. Chắc là cầm bán gì rồi, để lấy tiền đưa Vũ.
Huệ kinh ngạc:
- Đến nước ấy à? Thế thì nguy lắm! Chúng ta phải can thiệp mới được. Đã là bạn bè, mình không nên ngồi yên mà nhìn một người bạn sắp sụp xuống hố.
Ba người đang nói đến đây thì Mỹ Dung ở ngoài hấp tấp đi vào, vẻ mặt lo lắng. Nàng đi ngay lại bàn, kéo ghế ngồi và lấy giấy tờ ra làm việc, không kịp chào các bạn.
Huệ thấy vậy đưa mắt liếc Lý, Cúc rồi hỏi Mỹ Dung:
- Chị có bệnh không mà đi trễ lại có vẻ mệt nhọc như thế?
Nghe bạn hỏi, Mỹ Dung ngẩng đầu lên, vội vàng nói:
- Chào các chị. Tôi đến trễ hấp tấp quên cả chào các chị, xin các chị tha lỗi chọ Thấy xe ông giám đốc đậu trước cửa, tôi quýnh quá…
Lý hỏi:
- Tại sao chị đi trễ?
Mỹ Dung nói thật nhanh, như che đậy một sự đau khổ:
- Có chút chuyện riêng chị ạ.
Rồi Mỹ Dung cắm cúi làm việc, cố tránh những con mắt tò mò của các cô bạn đồng sở.
Huệ lắc đầu tỏ vẻ thương hại Mỹ Dung. Thỉnh thoảng Huệ ngừng làm việc để nhìn trộm Mỹ Dung. Huệ thấy cô bạn gái của mình có vẻ bơ phờ, dường như có việc gì lo nghĩ lắm.
Hai ba lần Mỹ Dung bỏ viết xuống, chống tay vào má, đôi mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Một lát Mỹ Dung đứng dậy đi thẳng vào phòng ông giám đốc.
Huệ nói với Lý:
- Chắc không xong rồi! Mỹ Dung lo nghĩ quá. Mới một tuần nay mà chị ấy gần như sút hẳn đi, trông thiểu não quá. Chị Mỹ Dung vào phòng ông giám đốc làm gì vậy kìa?
Cúc nói, đầu không ngẩng lên khỏi những con số:
- Thì đem giấy tờ cho giám đốc ký chớ gì.
Huệ nói:
- Mỹ Dung đi với hai bàn tay không, giấy tờ gì đâu mà ký? Kìa, chị ấy ngập ngừng chưa dám vào.
Nhưng Mỹ Dung chỉ do dự có một chút rồi mạnh dạn đi vào.
Mỹ Dung, cô thư ký thân tín của ông Đại, là một thiếu nữ trạc độ hai mươi tuổi, có một vẻ đẹp kín đáo, nhu mì, tánh tình thì hiền lành, nhưng lanh lợi, vui vẻ.
Mỹ Dung là một thiếu nữ mồ côi, từ thuở bé sống ở một cô nhi viện. Năm Mỹ Dung được mười tám tuổi, nàng ra khỏi cô nhi viện để tự tìm lấy cái sống.
Bà giám đốc cô nhi viện giới thiệu cho nàng một việc làm, và ông Đại, giám đốc hãng Hồng Tân, một người bà con của bà giám đốc cô nhi viện , đã bằng lòng cho nàng làm thư ký riêng của ông. Ông Đại xem Mỹ Dung như con cháu, đối đãi với nàng rất tử tế, mà Mỹ Dung cũng xứng đáng với sự tin cậy của ông Đại. Chỉ trong vòng ba tháng nàng đã thạo tất cả công việc. Nàng thông minh, chịu khó, nên ông Đại rất vừa lòng.
Mỹ Dung lại còn được các bạn nam đồng nghiệp kính mến. Các bạn gái cũng không hề ganh tị với nàng mặc dù nàng đẹp và được chủ tin cậy. Hai năm nay, nghĩa là từ ngày Mỹ Dung ra làm việc, nàng thuê một căn phòng nho nhỏ, sống một mình. Từ khi bước chân ra khỏi cô nhi viện, Mỹ Dung gặp toàn sự may mắn nên nàng thấy đời nàng đang bước vào giai đoạn mới. Nàng sống tự lập, không nhờ cậy vào ai. Kể ra thì những ngày mới này dầu sao cũng tươi đẹp hơn những ngày ở cô nhi viện, Mỹ Dung thường nói với các bạn:
- Tôi sống một thời thơ ấu thiếu tình yêu, thiếu sự chăm nom, săn sóc. Với mười tám năm ở cô nhi viện, tôi còn giữ những kỷ niệm u buồn, đen tối. Tôi không biết cha mẹ tôi là ai, tôi cũng không hiểu tại sao cha mẹ tôi lại không nuôi tôi, không thương yêu tôi mà lại đem tôi bỏ vào cô nhi viện để tôi sống với những đứa bé cũng bạc phước như tôi. Vì đã trải qua một thời thơ ấu cực khổ tủi đau như thế, cho nên bây giờ tôi chỉ muốn sống một cuộc đời êm đẹp, được yêu và có thể yêu lại.
Cách đây tám tháng, trong tiệc cưới một bạn đồng sở, Mỹ Dung được quen với Vũ, một thanh niên hoạt bát, có bề ngoài sang trọng. Người ta giới thiệu Vũ cho nàng:
- Đây là anh Vũ, một giáo sư âm nhạc.
Hai người quen nhau từ đấy. Vũ tỏ ra vồn vã với nàng, nhưng lúc nào Mỹ Dung cũng dè dặt. Mỗi buổi chiều, Vũ thường đến trước hãng Hồng Tân, đón Mỹ Dung ở sở ra rồi hai người cùng về.
Họ chia tay trước nhà Mỹ Dung. Cả một tháng trời như thế, không bao giờ Vũ được Mỹ Dung mời vào nhà.
Vũ tỏ ý mời Mỹ Dung về phòng riêng của chàng thì Mỹ Dung kiếm cách thoái thác.
Thấy Mỹ Dung đứng đắn quá, Vũ cũng vị nể, không dám xúc phạm nàng.
Vũ thường nói với Mỹ Dung:
- Nhà anh cũng không giàu có gì, anh phải vừa làm vừa đi học. Tiền lương của anh, anh phải trả nào là tiền cơm, tiền trọ, lại còn phải mua sách vở nữa. Đôi khi anh muốn đãi em một bữa cơm, một chầu xinê, cũng không có đủ tiền. Em đừng cười anh, em nhé, anh thành thật lắm. Cái nghèo đâu phải là chuyện xấu hổ, phải không em? Miễn là mình nghèo mà mình giữ được nhân cách thì thôi. Chúng ta còn trẻ, đường đời còn dài. Ngày mai, khi ra trường, anh sẽ làm cho đời em được đầy đủ, hạnh phúc.
Những lúc Vũ nói với Mỹ Dung như thế thì má nàng ửng hồng, thấy lòng rạo rực một niềm vui khó tả.
Vì cư xủ rất khôn khéo nên Mỹ Dung không bao giờ nghi ngờ gì về Vũ cả. Vũ nói gì Mỹ Dung cũng tin răm rắp. Nàng đã nói với Vũ:
- Anh Vũ ơi! Anh cứ lo lập chí đi. Người con trai ít ra cũng phải có một sự nghiệp gì với đời. Em xin vui lòng chờ đợi ngày anh thành danh.
Thế là Mỹ Dung đã yêu Vũ và đặt hết tin tưởng vào Vũ.
Khi Vũ hiểu Mỹ Dung đã yêu mình tha thiết thì một hôm Vũ nói với Mỹ Dung, vẻ mặt buồn rười rượi:
- Chắc anh không thể dạy học được nữa, em ạ.
- Sao vậy anh? Anh bận nhiều bài vở lắm phải không?
Vũ lắc đầu:
- Không phải thế em ạ. Cực gì anh cũng có thể làm được, anh không sợ cực khổ đâu.
Mỹ Dung lại hỏi:
- Ông hiệu trưởng bất bình anh?
Vũ vẫn lắc đầu. Mỹ Dung không sao hiểu được.
- Thế thì vì lẽ gì, anh có thể cho em biết được không?
Vũ chỉ nói:
- Mất chỗ dạy thì anh phải bỏ học; chứ tiền đâu mà trả tiền cơm, tiền trọ, tiền trường? Em có cảm thông sự lo nghĩ của anh?
Không đợi Mỹ Dung trả lời, Vũ nói tiếp:
- Mỗi tháng tốn tất cả là ba nghìn. Phải dạy bốn chục giờ âm nhạc mới có được ba nghìn. Thôi đành bỏ mộng làm luật sư rồi. Xin được một chân thư ký quèn vậy.
Mỹ Dung nói:
- Mất chỗ dạy này, còn chỗ khác, việc gì anh phải chán nản như thế?
Vũ nói đầy vẻ thất vọng:
- Lúc này kiếm mỗi tuần mười giờ âm nhạc đâu phải chuyện dễ? Huống chi anh không quen cái lối đi xin việc em ạ. Anh sở dĩ được dạy ở trường này vì ông hiệu trưởng là bạn thân của cha anh trước kia.
Mỹ Dung ngạc nhiên:
- Thì có gì đâu! Ông ấy có một cô con gái học lớp đệ tử. Cô Liên Hoa thì còn ai không biết tiếng. Hoa hậu hội chợ mà lại. Cô ấy học âm nhạc với anh, rồi đâm ra mê anh như điếu đổ. Mà cơ khổ, nào anh để ý đến cô ta bao giờ!
Nói đến đây Vũ đưa mắt nhìn Mỹ Dung, Mỹ Dung cau mày lại, cặp mắt như dán vào đôi môi của Vũ, bao nhiêu tâm trí để cả vào câu chuyện.
Vũ làm ngơ như không để ý đến Mỹ Dung, chậm rãi lấy thuốc lá ra hút và nói:
- Cô ấy yêu anh đến nỗi lâm bịnh vì anh. Ông hiệu trưởng không hiểu cô đau bịnh gì, mời thầy chạy thuốc lăng xăng mà bịnh cô vẫn không thuyên giảm. Giữa cơn mê, cô ấy kêu tên anh rồi khóc. Mẹ cô tìm tòi trong sách vở, khám phá ra được tập nhật ký, trong ấy nói toàn là chuyện thương nhớ anh. Trời ơi! Như thế nào mà anh có hay biết? Mà dù anh có biết thì anh cũng chẳng bao giờ yêu được cô ấy. Hình bóng em đã ở trong tim anh rồi.
Mỹ Dung cảm động đến rưng rưng nước mắt. Nàng không ngờ Vũ yêu nàng đến thế. Nàng cũng không ngờ hạnh phúc và tình yêu nàng bị đe dọa một cách đáng lo ngại như thế.
Vũ nói tiếp:
- Ông hiệu trưởng liền gọi anh vào văn phòng và ngỏ ý muốn gả Liên Hoa cho anh. Anh liền từ chối. Ông ấy bất mãn nên báo cho anh biết trước hết tháng này sẽ cho anh nghỉ vì không thể để Liên Hoa gặp mặt anh nữa. Anh thà mất việc, chớ yêu Liên Hoa, anh không thể yêu được. Anh bỏ em đâu được, phải không em?
Mỹ Dung nhìn Vũ bằng đôi mắt biết ơn:
- Anh thương em nhiều quá. Em thành thật cảm ơn anh. Đời em mà không có anh thì còn gì đáng sống nữa. Em đã trải qua một thời thơ ấu đau khổ, thiếu tình thương, anh ạ.
Vũ nói:
- Không, không bao giờ anh phụ em được. Em là lẽ sống của anh. Nhưng rồi đây chúng ta mới làm sao xây mộng đẹp? Đành làm một công chức, một thư ký quèn à.
Mỹ Dung chưa kịp nói gì thì Vũ lại nói:
- Hay là gặp biến phải tùng quyền, em nhỉ? Anh nhận đại lời của ông hiệu trưởng…
Mỹ Dung hoảng hốt:
- Nghĩa là anh chịu cưới Liên Hoa?
Vũ nói:
- Em đừng nóng nảy, để anh trình bày hết ý kiến đã. Anh làm bộ bằng lòng cưới Liên Hoa, cốt để yên thân và có chỗ dạy đến ngày anh học thành tài. Gá tiếng thôi, em hiểu chưa? Chứ cưới thì không cưới đâu.
Mỹ Dung nói:
- Làm như thế không được đâu anh. Anh bắt Liên Hoa đợi anh à? Anh để Liên Hoa nuôi một hy vọng lớn lao để rồi tuyệt vọng thì còn gì là đời nàng? Thôi, dứt khoát đi cho yên. Anh bỏ dạy cũng được. Thủng thẳng kiếm việc khác mà làm. Anh cứ tiếp tục đi học. Trong khi chờ đợi, em xin anh cứ yên lòng, em sẽ lo cho anh về chuyện tiền cơm, tiền trọ.
Mỹ Dung vừa nói đến đây, Vũ đã bắt đầu lia lịa la lớn:
- Làm thế sao được? Lương em có là bao mà em giúp được anh mỗi tháng những ba nghìn đồng?
- Lương em không là bao nhưng em có thể lo cho anh ít lắm cũng một năm… Nhưng nói là nói vậy, chứ em tin rằng với tài của anh, trong vài tháng, anh sẽ tìm lại được chỗ làm khác.
- Em tốt quá, nhưng anh nỡ nào sống nhờ vào em một cách hèn mạt như thế? Em làm sao chịu được những sự tiêu xài vô chừng của anh?
- Hai năm nay ra làm việc, em để dành được một số tiền cũng kha khá. Lúc ở cô nhi viện, em lãnh thêu, lãnh đan cũng có một số vốn nữa… Em dám nói là em lo được cho anh một năm, nếu anh chưa tìm được việc làm.
Vũ nhất định không chịu thì Mỹ Dung năn nỉ hết lời. Thế là từ đấy, mỗi tháng Mỹ Dung đưa cho Vũ ba ngàn để trả tiền cơm, tiền học. Ngoài ra, Mỹ Dung còn mua cho Vũ, khi thì chiếc áo sơ-mi, khi đôi giày, khi cái nón.
Vũ rất khéo léo. Muốn sắm cái gì là chàng rủ Mỹ Dung cùng đi. Đến trước tủ kính chưng bày các món hàng ấy, chàng làm bộ trầm trồ khen ngợi, tỏ ý thèm muốn rồi lại thở dài:
- Bao giờ anh có tiền, anh sẽ sắm những thứ này, đi với em mới xứng đôi. Em đẹp quá, sang quá, còn anh thì lôi thôi, lếch thếch.
Mỹ Dung đâu chịu bỏ đi, nàng rút tiền ra mua cho Vũ…
Mới trong ba tháng mà nàng đã xài cho Vũ gần mười lăm ngàn đồng. Tuổi trẻ không biết lo xa, mà ái tình lại mù quáng, cho nên Mỹ Dung đâu có nghĩ đến ngày mai. Đời đẹp quá, mọi người quanh nàng tiêu xài, xa hoa, nàng làm sao không bị lôi cuốn theo nếp sống xa hoa, hào nhoáng.
Thỉnh thoảng, Vũ lại than đau, than mệt. Mỹ Dung phải đưa tiền cho chàng đi bác sĩ, mua thuốc bổ, đi đổi gió. Nàng không dám sắm thêm một chiếc áo, mua thêm một đôi giày cho mình, mà gom góp để dành tiền cho Vũ. Nàng tự an ủi:
- Vài năm nữa anh ấy ra trường, mở văn phòng, lúc ấy tha hồ mà mình chưng diện, tranh đua với chị em.
Nhưng Vũ cứ đòi hỏi mãi, hết tiền này đến tiền khác, Mỹ Dung không bao giờ than thở, nghi ngờ gì cả.
Vũ hỏi tiền thì Mỹ Dung đưa một cách vui vẻ, nhưng mỗi khi Vũ tỏ ý lả lơi, cười cợt với nàng thì nàng nghiêm sắc mặt ngay:
- Anh ráng học hành đã, anh ạ. Chuyện trăm năm nào phải một ngày mà anh hấp tấp vội vàng.
Nhưng đồng tiền của Mỹ Dung có hạn, mà sự tiêu xài, đòi hỏi của Vũ thì vô độ, vì thế túi tiền của nàng đã cạn.
Cách đây một tuần, Vũ đến tìm Mỹ Dung và nói:
- Em ơi, anh cần mua vài cuốn sách luật. Mấy lúc này anh để ý mua nhưng không có, vừa rồi có ông giáo sắp về Pháp, bằng lòng để lại cho anh những quyển sách ấy với giá rất hạ. Em có thể lo cho anh mua sách không?
- Bao nhiêu thì đủ hả anh?
- Độ bốn ngàn chứ không nhiều. Bộ sách ấy nếu mua lúc còn mới thì ít ra cũng đáng giá gấp đôi. Anh mà có bộ sách ấy thì sau này gặp những vụ án khó xử đến đâu anh cũng cãi bay, em ạ.
Mỹ Dung do dự vì nàng chỉ còn vỏn vẹn có một nghìn đồng.
Thấy Mỹ Dung lo nghĩ, Vũ liền nói:
- Thôi, em không có thì thôi.
Nhưng Mỹ Dung đời nào chịu để Vũ thất vọng:
- Được, anh cứ yên lòng, em sẽ hỏi mượn các bạn em, và ngày mai, chậm lắm là ngày mốt, em sẽ đưa anh.
Mỹ Dung hỏi mượn các bạn, nhưng các bạn nàng cô nào cũng tay làm hàm nhai, ai mà có dư tiền. Tuổi các cô còn trẻ, các cô lại thích làm đẹp, tiền lương không đủ cho các cô may sắm, áo quần, son phấn, có đâu dư để Mỹ Dung vay?
Chỉ còn cách là vay ông giám đốc. Cái ý nghĩ ấy đã đến với nàng và nàng đã mạnh dạn đi vào văn phòng ông giám đốc.
Nghe Mỹ Dung gõ cửa, ông giám đốc lên tiếng:
- Cứ vào.
Mỹ Dung đi vào, vẻ mặt dàu dàu. Ông giám đốc liền hỏi:
- Con có việc gì lo nghĩ phải không? Mấy lúc nay ta trông hình như con gầy hẳn đi.
Mỹ Dung nói:
- Thưa ông, con có chút việc muốn thưa với ông.
Ông giám đốc chỉ chiếc ghế cho Mỹ Dung:
- Con cứ ngồi xuống đây rồi sẽ nói sau.
Mỹ Dung vâng lời ngồi xuống, nàng lấy hai tay mân mê chiếc áo dài và nói:
- Con cần bốn nghìn để mua sách. Ông cho con vay tạm số tiền ấy, con sẽ trừ tiền làm bốn tháng, mỗi tháng một nghìn đồng…
Ông giám đốc nhìn Mỹ Dung với đôi mắt hiền lành và nói giọng êm ái như một ông cha nhân từ:
- Đã trên hai năm nay, con làm với ta, lúc nào con cũng đàng hoàng tử tế, ta khen con và mến con lắm. Chưa bao giờ con hỏi tiền tạ lần này con hỏi, chắc là có việc cần. Vậy lấy tư cách một người chủ, một người lớn tuổi, con cho phép ta được hỏi sơ con về sự tiêu dùng số tiền ấy. Con bảo là mua sách, vậy chớ sách gì mà đắt tiền như thế?
Mỹ Dung rụt rè:
- Thưa ông, con mua sách luật…
Ông Đại không giấu được sự ngạc nhiên:
- Con học luật?
Mỹ Dung thấy không thể giấu giếm ông Đại:
- Thưa, con thì học với hành gì? Nhưng vị hôn phu của con là sinh viên trường luật, anh ấy cần mua bộ sách ấy.
Ông Đại càng ngạc nhiên hơn nữa:
- Vị hôn phu của con? Vậy chớ con làm lễ hỏi với người ấy bao giờ mà không cho ta hay? Người ấy là ai vậy?
Mỹ Dung nói vắn tắt về Vũ, về chuyện chàng bị mất chỗ dạy vì mình cho ông Đại nghe.
Ông Đại ngồi nghe một cách chăm chú đoạn nói:
- Ta không muốn can thiệp vào đời tư của con, nhưng ta có đôi lời khuyên con. Đời này bọn con trai xảo quyệt lắm. Con đọc báo chắc cũng thấy. Những vụ làm tiền có phương pháp của những tên thiếu úy ma, kỹ sư ma, bác sĩ ma đến những kẻ khôn lanh hơn con còn bị vướng, nữa là con. Lại nữa, có bao nhiêu người bỏ tiền ra nuôi cho chồng ăn học, đến khi chồng công thành danh toại thì lại hất hủi vợ, phụ nghĩa, bạc tình. Ta cầu mong cho con đừng gặp những chuyện không may như thế.
Thấy Mỹ Dung buồn rười rượi, ông không nỡ nói nhiều, nhìn Mỹ Dung và hỏi:
- Mấy năm nay làm ở đây, con không để dành được đồng nào cả à? Thế thì lạ thật! Bà giám đốc cô nhi viện khi giới thiệu con với ta, có nói câu này mà đến nay ta cũng không quên: “Chỉ có con bé này trong suốt mấy năm sống ở cô nhi viện là để dành được một số tiền lớn mà thôi”. Số tiền ấy đâu rồi con?
Mỹ Dung ngập ngừng thì ông Đại nói:
- Tiêu xài hết cả rồi à?
Mỹ Dung rơm rớm nước mắt muốn khóc. Mấy lúc sau này, Mỹ Dung lo nghĩ nhiều quá, tâm trí có phần mệt mỏi. Giờ đây nghe ông Đại nói thiệt hơn cho nàng biết, nàng cảm động quá.
Ông Đại không nỡ để Mỹ Dung buồn, nên đứng lên mở tủ lấy ra bốn xấp bạc, trao nàng:
- Đây, tiền con mượn. Con ráng dùng nó vào sự có ích. Ta cho con mượn lần đầu nhưng cũng là lần chót, con nên nhớ như thế. Ta không hẹp với con, nhưng ta không muốn con phải đau khổ như bao nhiêu thiếu nữ dại khờ khác.
Đã có tiền trong tay, Mỹ Dung đâu còn muốn nghe bài giảng luân lý nữa. Nàng vội vàng cảm ơn ông Đại, rồi lui ra ngoài. Nàng giấu mấy xấp bạc trong vạt áo dài và lén lút cất vào cái ví da trên bàn, không cho các bạn trông thấy.
Lúc nãy không có tiền, nàng lo nghĩ làm việc không được. Giờ đây đã có tiền, nàng chỉ trông mau đến giờ để chạy đi tìm Vũ.
Làm cho Vũ vui, nàng thấy không có hạnh phúc nào hơn! Nàng chỉ lo sợ nếu nàng không có tiền thì Vũ sẽ bỏ nàng, để quay về nhận lời ông hiệu trưởng, cưới Liên Hoa.
Người ta mua ái tình bằng nước mắt, đôi khi cả bằng máu nữa. Nàng mới tốn kém với Vũ có vài chục ngàn, đâu phải là nhiều.
Mỹ Dung ngồi làm việc mà tâm trí để tận đâu đâu, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn chiếc đồng hồ lớn treo trên tường. Mười một giờ! Chỉ còn nửa giờ nữa là tan sở.
Nàng cất sổ sách vào các hộc bàn, khóa lại, tay cầm sẵn cái ví, chỉ đợi hồi chuông cứu tinh là ra về.
Nhưng sao hôm nay chuông chậm đổ như thế? Anh gác cửa ngủ gục hay sao? Thì giờ sao cứ đọng lại như thế này?
Lý đưa mắt nhìn Huệ và nói nho nhỏ:
- Mỹ Dung chỉ đợi chuông đổ.
Cúc cũng nói:
- Lúc nãy nó vào mượn tiền ông giám đốc thì phải. Nó cần tiền đến như thế à?
Đồng hồ trên vách đổ một tiếng, cùng với một hồi chuông reo. Mỹ Dung không kịp chào các bạn, vội vã ra về.
Bên kia đường, Vũ đã đứng dưới bóng cây đợi nàng. Nàng mừng quá, băng đại qua đường, không kể gì xe cộ.
- Hôm nay anh học về sớm thế? Anh đi đón em?
Vũ thấy vẻ mặt hớn hở của Mỹ Dung, biết nàng đã có tiền nên nói:
- Hôm nay giáo sư bị bịnh, anh nghỉ hai giờ. Không biết làm gì, anh lại đây đón em.
Mỹ Dung reo lên:
- Thảo nào mà em ngồi trong sở nghe nóng ruột quá. Mà hồi chuông hôm nay lại không chịu đổ để em ra về. Em định đi ngay lại trường đón anh đó.
- Chúng ta vào tiệm kia ngồi nói chuyện cho dễ. Hay là em đưa anh về nhà vậy?
- Chúng ta ngồi đây không tiện. Tụi bạn em thấy sẽ bàn tán lôi thôi. Mà chút nữa ông giám đốc ra về, trông thấy sẽ quở trách. Lúc sáng này ông đã cho em một bài học luân lý rồi, chán quá.
- Thế à? Ông ấy đã giảng gì cho em?
- Oái, hơi đâu mà nói. Chúng ta còn chuyện của chúng ta chứ.
Nghĩ ngợi một lúc, Mỹ Dung nói:
- Hay là chúng ta về nhà rồi bàn tính cho dễ?
Lần này là lần đầu Mỹ Dung mời Vũ về nhà. Nàng cần phải nói nhiều với Vũ về chuyện tương lai. Suốt đêm qua nàng đã nghĩ nhiều về chuyện này.
Vũ vui mừng reo lên:
- Hôm nay trời sắp mưa lớn rồi. Chắc là Sài Gòn được một bữa mát mẻ. Em mời anh về nhà!
- Không phải là em hẹp với anh. Nhưng bà chủ nhà cho mướn căn phòng ấy khó tánh lắm. Bà không muốn em rước một người bạn trai nào về nhà. Bà bảo bà có những năm cô gái…
Vũ cười:
- Bộ bà ấy sợ anh rinh mất năm cô con gái quý của bà sao?
- Đừng nói tầm bậy. Không sợ em giận sao?
Hai người đi song song bên nhau, Mỹ Dung mặt mày ửng hồng, mồ hôi lấm tấm trên trán. Vũ nhìn nàng tỏ vẻ thương hại:
- Nắng quá. Em của anh đẹp như thế mà phải dầm mưa dãi nắng thì thật vô nghĩa. Đầu đuôi cũng tại anh bất tài mà ra. Em ráng đợi anh một năm nữa thôi, không lâu đâu em ạ.
Hai người đi vào nhà. Vũ nhìn căn phòng của Mỹ Dung, trầm trồ khen ngợi:
- Chà, căn phòng của em đẹp quá. Em của anh sang thật!
Vũ ngồi phệch xuống chiếc ghế dựa và nói:
- Em ăn cơm với bà chủ nhà?
Mỹ Dung gật đầu. Vũ nói:
- Nếu vậy thì trưa nay anh phải nhịn đói. Bà ấy đâu có cho anh ăn chung.
Vũ nói xong cười ngất. Mỹ Dung nói:
- Hôm nay bà chủ của em về quệ Các cô thì đi nghỉ mát.
Vũ mừng lắm:
- Vắng chủ nhà, tha hồ cho gà bươi bếp, có phải thế không em?
Nhưng Mỹ Dung đã nghiêm nghị:
- Anh Vũ ạ, hôm nay chúng ta hãy nói chuyện đàng hoàng một chút.
Vũ làm bộ nghiêm:
- Bộ mấy bữa nay anh không nói chuyện đàng hoàng sao? Em đã có tiền cho anh mua sách chưa? Ông giáo sư của anh sắp về Pháp rồi.
- Có tiền rồi. Nhưng em muốn nói với anh điều này.
- Điều gì?
Vũ vội vàng hỏi, khi thấy Mỹ Dung do dự thì chàng nói:
- Hay là thôi, anh đừng mua sách nữa. Chớ còn tốn kém của em quá, anh không muốn.
- Không phải em muốn nói như thế đâu. À, anh Vũ này, anh có để ý tìm chỗ làm chưa?
Vũ nhìn Mỹ Dung chăm bẳm:
- Tại sao em lại hỏi anh như thế? Có ngày nào là anh không lưu tâm đến chuyện này đâu? Nhưng lúc này đang ở giữa niên học, làm sao tìm giờ dạy được? Bộ em hết tiền rồi sao? Em không lo nổi cho anh chứ gì?
Mỹ Dung rơm rớm nước mắt:
- Thật khổ tâm cho em quá. Anh làm sao hiểu được lòng em. Số là mấy tháng nay, tiền dành dụm của em đã hết. Em lo quá, lo không đủ cho anh học. Vì thế em đề nghị với anh thế này, anh xem thử có được không.
Vũ cau mày:
- Đề nghị cái gì?
- Em nói ra cũng kỳ, nhưng không nói thì không được.
Vũ bực dọc, ngồi thẳng người lên:
- Chuyện gì thì em cứ nói ngay ra, úp mở mãi chán chết.
- Em nói ra, anh xem được thì tốt, còn không được thì thôi, anh bỏ qua, đừng cười em, anh nhé. Hay là chúng ta làm lễ cưới cho đỡ tốn kém, anh nhỉ.
Vũ hỏi, dằn mạnh từng tiếng:
- Làm lễ cưới mà đỡ tốn kém à?
- Một khi chúng ta cưới xong rồi thì chúng ta dọn về ở chung một chỗ, tiền nhà bớt tốn mà tiền ăn cũng nhẹ bớt. Em đi làm, anh ở nhà học tập, tạm vài năm như thế.
- Cũng được, nhưng em còn được mấy chục ngàn mà dám tính đến chuyện cưới hỏi?
- Chúng ta chỉ cần mời vài người chứng làm hôn thơ hôn thú xong thì dọn ở chung, làm một bữa tiệc đơn sơ đãi các bạn quen biết, như thế em nghĩ cũng chẳng tốn kém là bao.
- Nhưng rồi còn phải thuê nhà, mua bàn ghế, sắm chút ít đồ đạc… Em còn được bao nhiêu tiền?
- Em chỉ còn có hơn một nghìn đồng. Lúc nãy em mượn của ông giám đốc thêm mấy nghìn để anh đủ tiền mua sách.
Vừa nghe Mỹ Dung nói thế, Vũ đứng ngay dậy và nói:
- Như thế thì cưới hỏi làm gì? Thôi, anh cũng chẳng cần mua sách nữa. Số tiền ấy em cất lấy mà xài, hay là đem trả cho ông giám đốc.
Vũ toan ra về thì Mỹ Dung kéo chàng lại.
Vũ hỏi:
- Ở lại đây làm gì? Trưa quá rồi, để anh về ăn cơm.
Mỹ Dung nói:
- Em đã nói với anh lúc nãy, hễ anh không bằng lòng thì cứ bỏ quạ Chuyện gì mà anh giận dỗi như thế? Thôi tiền đây, anh đi lấy sách đi, ngày mai chúng ta sẽ bàn lại.
Vũ nhận tiền, bỏ vào túi và nói:
- Được, chúng ta sẽ bàn lại.
Chàng đi vội ra cửa, nhưng bỗng quay lại. Có lẽ chàng cho rằng làm như thế thì có vẻ cộc cằn, hấp tấp quá, cho nên chàng đến trước mặt Mỹ Dung ôn tồn nói:
- Sợ trễ thì không mua được mấy quyển sách, nên anh có thái độ gần như chỉ biết có tiền. Em tha lỗi cho anh nhé. Anh cảm ơn em đã lo nghĩ vì anh.
Mỹ Dung đứng im, vẻ mặt buồn xọ Lần này là đầu tiên Mỹ Dung thất vọng trước cử chỉ thiếu đẹp đẽ của Vũ.
Một ý nghĩ đã nảy ra trong đầu óc nàng:
- Vũ có thành thật yêu mình không?
Vũ thấy vẻ mặt lạnh lùng của Mỹ Dung liền hỏi:
- Em giận anh đấy à?
Mỹ Dung lắc đầu:
- Em không bao giờ giận anh. Tính em lúc nào cũng thành thật. Dù có việc gì không may xảy ra đi nữa thì em cũng không ân hận. Em yêu vì lòng em yêu, ai có giả dối cũng không sao.
Vũ nhìn Mỹ Dung với đôi mắt soi mói:
- Em của anh hôm nay học được triết lý của ai như vậy? Cái gì mà ân hận? Lại ai là người giả dối đã chứ?
Để chấm dứt câu chuyện và để có thể ra về cho rồi, Vũ bước tới sát vào người Mỹ Dung định hôn đại vào trán nàng một cái, nhưng Mỹ Dung đã biết ý tránh kịp, không bằng lòng:
- Anh đừng làm như thế.
Vũ vừa nói vừa quay ra:
- Thôi, xin lỗi em.
Vũ cười lạt nói tiếp:
- Trước sau gì không cưới nhau, giữ gìn quá mất cả hay ho.
Vũ đi rồi, Mỹ Dung ngồi phệch xuống ghế, ôm đầu suy nghĩ.
Những lời nói của ông Đại văng vẳng bên tai nàng, nàng cố xua đuổi những ý nghĩ đen tối, nhưng không hiểu sao nó cứ ám ảnh nàng mãi.
Nàng đã không sợ xấu hổ, thúc hối Vũ cưới nàng để bớt sự tốn kém, tại sao Vũ lại không bằng lòng? Vũ không thành thật với nàng à? Vũ chỉ muốn lợi dụng nàng mà thôi à?
Mỹ Dung thở dài. Nếu Vũ ở riêng mà cứ tiêu xài như thế thì nàng làm sao cung cấp cho đủ?
Mỹ Dung ăn năn:
- Tại sao ta yêu làm gì để rồi phải lo nghĩ băn khoăn? Giá ta cứ ở một mình, đi làm nuôi thân thì có phải là yên ổn không?
Ở nhà Mỹ Dung ra, Vũ đi ngay lại nhà Liên Hoa, một cô đào hát. Vừa thấy mặt chàng, Liên Hoa đã cau có:
- Anh đến trễ một chút nữa thì tôi đã mang con bé này cho cô nhi viện rồi. Tôi không đủ sức nuôi nó thì cho họ nuôi là phải. Anh xem đó, nó đau mãi thế này, làm sao chịu được?
Vũ nói:
- Im đi, đừng có ồn ào như thế. Có tiền đây rồi.
Nghe nói có tiền, Liên Hoa tươi ngay nét mặt:
- Gớm thật, đi đâu mà cả ngày… Ừ, mà anh ăn cơm chưa?
Vũ nói cụt ngủn:
- Chưa… Nhưng không ăn đâu.
Chàng rút trong túi ra một nghìn đồng, ném trước mặt Liên Hoa:
- Tiền đó, ẵm con bé đi bác sĩ đi.
Liên Hoa liệng xấp bạc lại:
- Một nghìn thì đủ thiếu gì? Nào tiền nhà chưa trả, tiền gạo, tiền điện, đủ trăm thứ tiền mà anh đưa có một nghìn à?
Vũ trợn mắt hỏi Liên Hoa:
- Chứ đòi bao nhiêu? Thứ đàn bà ăn hại ngồi không ăn vạ chỉ được tài đòi tiền. Mấy nghìn cũng cho là không đủ!
Liên Hoa không chịu thua, đập mạnh tay xuống bàn, hét lớn:
- Nào phải tôi muốn ăn hại ai đâu? Tôi có nghề của tôi, tôi cũng có chồng tử tế… Ai đã đàn bên tai tôi, quyến rũ tôi, xúi xử tôi bỏ chồng rồi đem giấu tôi ở đây, mỗi tháng cung cấp cho tôi vài nghìn đồng mà cho là nhiều? Giá không có con bé này thì tôi đã bỏ đi rồi. Tôi sẽ làm cho anh ở tù, anh coi chừng đó!
Vũ thấy Liên Hoa làm dữ, liền lấy thêm một xấp tiền, để trước mặt Liên Hoa:
- Đó, đủ hai nghìn rồi, đừng la ỏm tỏi nữa. Cái của nợ này, ai vướng phải có nước chết đói. Ơû tù còn có ngày ra, chớ gặp mày thì có nước làm mọi suốt đời.
Nói xong Vũ đứng lên toan đi ra, Liên Hoa cất hai xấp bạc vào túi rồi chạy lại đứng ngay giữa cửa, dang hai tay ra:
- Đi đâu mà vội vàng như thế? Anh không vào thăm bé Oanh một chút à? Nó nóng như lửa đốt, sữa cũng không thèm uống… Thật trong đời này tôi không thấy ai tệ bạc và ích kỷ như anh.
Không thể từ chối, Vũ phải quay lại và cùng Liên Hoa đi vào phòng ngủ thăm bé Oanh.
Trong một chiếc bao vải màu hồng, bé Oanh nằm ngủ thiêm thiếp, làn da ửng đỏ vì sốt.
Vũ đưa tay sờ trán bé Oanh:
- Nó sốt mấy hôm rồi mà trông gầy quá vậy?
- Đã ba hôm rồi. Vì không tiền nên em không đưa nó đi bác sĩ, em chỉ cho nó uống Euquinine thôi.
- Chiều nay em đưa nó đi bác sĩ đi. Lựa ông nào chuyên môn về bệnh trẻ con và có lương tâm. Thôi anh về nhé.
Liên Hoa lại gần Vũ, kéo tay chàng:
- Anh đi đâu mà gấp vậy anh Vũ? Con bé ấy mê hoặc anh rồi sao? Anh liệu hồn đấy, nếu anh mê nó mà bỏ mẹ con em thì em sẽ đi thưa anh cho mà xem.
- Em dại quá! Sao lại có cái giọng ghen tuông ấy? Anh đâu yêu gì nó. Nhưng anh cần đồng tiền của nó để lo cho em và con. Mỗi tháng nó cho anh ba nghìn thì em đã lấy hết hai nghìn rồi, còn gì nữa?
- Nhưng người ta bảo với em là độ rày anh mê nó lắm. Có phải thế không?
- Ai đặt điều với em như vậy? Đừng nói nhảm. Nguy đến nơi rồi. Nó hết tiền rồi. Nay mai anh lại phải chạy tìm chỗ khác để có tiền cung cấp cho em.
Liên Hoa vội hỏi:
- Nó hết tiền rồi à? Thế thì anh còn theo nó làm gì?
Vũ cười có vẻ độc ác:
- Nó có tiền thì mình làm tiền. Nó hết tiền, mình làm tình với nó chớ chịu thua sao?
Liên Hoa lắc đầu chán nản. Nàng làm thinh không nói nữa và để mặc cho Vũ ra về.
Có tiền thì làm tiền, hết tiền thì làm tình, cái dã tâm của Vũ đáng sợ thật. Liên Hoa trước kia cũng là một nạn nhân của Vũ.
Liên Hoa là một cô đào hát. Nàng sở dĩ làm nghề ấy là vì trước kia cha nàng là một kép hát. Vừa bước chân vào nghề, tên nàng đã nổi như cồn, vì nàng sẵn có một sắc đẹp kiều diễm.
Cũng như các cô đào hát có sắc khác, Liên Hoa được các bạn trai hâm mộ tài nghệ. Ngày nào nàng cũng nhận được cả chồng thư khen tặng, xin gặp mặt. Ngày nào nàng cũng nhận được những hộp bánh, bó hoa và những giấy mời đi ăn hoặc xem hát.
Trong lúc danh tiếng lừng lẫy ấy, Liên Hoa làm quen với một nhà thầu khoán rất giàu nhưng đã lớn tuỗi, ông Cảnh.
Ông Cảnh mê Liên Hoa nên nhất định bỏ tiền ra cưới nàng. Khổ thay ông Cảnh đã có vợ và ba con.
Liên Hoa biết rõ chuyện ấy, nhưng cha nàng cứ ép nàng nhận lời làm vợ Ông Cảnh vì ông giàu, chịu mua cho nàng một căn nhà lầu, một chiếc xe hơi. Những người khác, tuy cũng mến tài sắc Liên Hoa, nhưng làm sao bì được với ông Cảnh.
Mỗi lần ông đến thăm Liên Hoa là một lần ông tặng cho Liên Hoa một vật kỷ niệm quý giá: một chiếc đồng hồ đeo tay trị giá gần hai vạn, một máy phát thanh kiểu mới, một cái tủ cẩn xà cừ.
Sự nuông chiều khéo léo của ông đã làm Liên Hoa không thể từ chối việc về ở chung với ông được nữa.
Bà Cảnh còn làm lạ gì tánh háo sắc của chồng; cho nên bà cứ để mặc cho ông muốn theo ai thì theo, muốn cưới thêm ai thì cưới. Bà cứ lo nuôi con, không sợ Ông Cảnh phụ bà vì bà có riêng một tiệm buôn lớn.
Liên Hoa ở với ông Cảnh được một năm thì công việc làm ăn của ông có phần lỗ lã. Ông lại không muốn Liên Hoa đi hát nữa. Ông ghen vì Liên Hoa còn trẻ đẹp; Liên Hoa quen nếp sống cũ, bỏ nghề về làm phận sự một người vợ, thấy buồn tẻ quá. Những ánh đèn xanh đỏ trên sân khấu, những lớp sóng người chen nhau vào rạp, những tràn vỗ tay không ngớt luôn luôn ám ảnh nàng.
Nói làm phận sự của một người vợ thì cũng hơi quá, nói làm con chim hoàng anh để người ta nhốt trong cái lồng xinh đẹp thì đúng hơn. Suốt ngày nàng ra vào, ngắm nghía sắc đẹp, áo quần của mình trong tấm gương lớn, đợi ông Cảnh đến sống những phút ái ân bất đắc dĩ và để đợi những bữa cơm có người dọn sẵn.
Trong những ngày đầu, ông Cảnh sống luôn bên Liên Hoa, nhưng qua tháng sau thì ông đã trở về với vợ con. Hai ba ngày ông mới đến nàng một lần, ở độ vài giờ rồi lại đi.
Vì thế Liên Hoa cảm thấy buồn tẻ. Đem chôn cuộc đời trong ngôi nhà ấy, Liên Hoa có khác nào con chim bị nhốt? Còn cuộc tình duyên của nàng và ông Cảnh chỉ là cuộc tình duyên ngang trái…
Lần lần, Liên Hoa sinh ra chán ông Cảnh, nàng muốn trở về với nghề đào hát của nàng.
Trong lúc ấy, nàng gặp Vũ… Qua vài lần chuyện trò với Liên Hoa, Vũ hiểu ngay tâm trạng của nàng. Vũ vốn là tay ăn xài lớn, lâu nay thích cờ bạc, rượu chè, đàng điếm. Lúc nào chàng cũng nghĩ cách làm tiền để có mà xài với bạn bè, với các cô gái. Gặp Liên Hoa, Vũ biết có thể làm tiền được. Liên Hoa không lầm chàng như Mỹ Dung đã lầm, nhưng Liên Hoa sa ngã theo chàng vì khao khát tình yêu và tự do…
Trước những lời đường mật, quyến rũ của Vũ, Liên Hoa đã trở thành nhân tình của chàng. Đồng tiền từ túi nàng thi nhau chạy qua túi Vũ để rồi chạy ra các sòng bạc, các quán ăn, các nhà khiêu vũ…
Liên Hoa theo Vũ đi chơi và đã có thai với Vũ…
Ông Cảnh hay được mọi sự, bỏ Liên Hoa, không cung cấp tiền nong cho nàng nữa.
Bao nhiêu tiền của Liên Hoa, Vũ xài hết. Mới trong vòng năm tháng mà Liên Hoa chỉ còn có hai bàn tay không. Vũ biểu nàng bán nhà, nhưng vì nhà ấy đứng tên cha nàng, nàng không có quyền bán. Cha Liên Hoa thấy Liên Hoa đi theo Vũ, tức lắm, liền đuổi nàng ra khỏi nhà.
Lúc bấy giờ Liên Hoa có thai gần ngày, bám sát bên Vũ, Vũ phải thuê phòng cho nàng ở, đợi ngày sanh đẻ.
Liên Hoa là người từ thuở bé quen sống với đào kép, nên nàng khôn ngoan, hung dữ, chớ không dại khờ như các cô thiếu nữ ngây thơ con nhà tử tế. Vì thế mà Vũ không sao bỏ Liên Hoa được. Nhưng không bỏ Liên Hoa thì Vũ mới đào đâu ra tiền để nuôi nàng?
Vũ phải tìm cách làm tiền, trong dịp ấy chàng gặp Mỹ Dung. Lúc đầu Liên Hoa ghen tuông và tìm cách phá cuộc gặp gỡ của hai người. Nhưng sau Vũ hăm dọa bỏ đi ngoại quốc và xin làm bồi tàu thì nàng không dám can thiệp vào hành động của chàng nữa.
Vũ đã nói với nàng:
- Con bé ấy dại khờ lắm, chắc có thể kiếm tiền được. Em cứ làm ngơ cho anh làm tiền đem về nuôi em.
Liên Hoa nói:
- Nhưng anh không được si mê nó mà bỏ em nhé. Nếu anh bỏ em, em sẽ kiện anh. Anh trước kia đã bao lần làm việc phi nghĩa, anh mà thôi lôi với em, em đi tố cáo, anh sẽ ở tù.
Mỗi lần lấy được tiền của Mỹ Dung , Vũ đem về cho Liên Hoa, và lần nào cũng vậy, chàng đều chế giễu Mỹ Dung:
- Con thư ký ấy khờ quá. Nó cứ tưởng anh là sinh viên trường luật, là giáo sư dạy âm nhạc. Nó cứ sợ anh cưới cô Liên Hoa, con ông hiệu trưởng, thật là buồn cười.
Liên Hoa nói:
- Nhưng nó đã là nhân tình của anh chưa? Nhân tình đúng nghĩa của nó ấy mà.
Vũ nói:
- Nó khờ dại thật nhưng khôn về chuyện khác. Nó nhất định giữ mình không cho anh được xâm phạm đến.
Liên Hoa nghe thế cũng hơi vững dạ. Liên Hoa trước kia quen sống với cái sống xa hoa, giờ đây sống trong thiếu thốn, làm sao chịu được. Rồi nàng sanh bé Oanh, tốn kém khá nhiều, đòi hỏi tiền của Vũ không ngớt.
Đôi khi Liên Hoa khổ quá, chịu đựng không được nữa, muốn đem bé Oanh bỏ vào cô nhi viện, rồi trở về sống với nghề đào hát.
Nhưng mỗi lần ý nghĩ ấy đến với nàng và nàng bàn với Vũ thì Vũ lại không chịu. Liên Hoa cũng không hiểu tại sao Vũ lại ngăn cản nàng, một khi Vũ không còn yêu nàng và bé Oanh.
Trong vụ này chắc có một điều bí ẩn mà Liên Hoa không hiểu được.

<< Chương 10 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 165

Return to top