- Một điên rồ chưa từng thấy.
- Những chuyên gia cho rằng bước đầu thí nghiệm đã thành công. Lũ Người-Nước-Mắt đã biến thành một lũ Người - Ngoan. Tuy vậy người ta còn tiếc rẻ vì hai phần ba số người thay não bằng não khỉ đã không chịu được.
- Nghĩa là đã có hàng nghìn người chết sau khi thay não.
- Không có ý nghĩa gì với A1. Những xác chết còn tươi ấy lại được dùng vào những thí nghiệm khác. Ở Cực Thiên Thai có một trung tâm nghiên cứu thuốc bổ dưỡng; nguyên liệu của nó là các phủ tạng và thịt người. Có loại thuốc quý nhất dùng riêng cho A1 được gọi là viên trường sinh có khả năng cải lão hoàn đồng.
- Những viên thuốc màu xanh đựng trong hộp ny-lông màu hồng?
- Chính những viên thuốc đó. Tôi có thể liệt kê cho anh vài thứ quí dược kiểu ấy: Cao xương người ( được giới thiệu còn tốt hơn cao hổ cốt ), Phi-la-tốp thai nhi (lấy từ thai của các bà đẻ). Hê-pa-phốt gan người, tinh chất giáp trạng, tinh chất thượng thận, Phi-la-tốp não người, Phi-la-tốp tủy sống ... Nhưng các ngài tai to mặt lớn thích nhất hai loại biệt dược: nước ép tinh hoàn và nước ép buồng trứng người.
- Thôi, thôi ... Xin đừng nói nữa.
- Anh không tin lời tôi sao? Theo cách lập luận ở đây: người thượng cổ thích ăn thịt người; sau đó đến một thời kỳ dài việc ăn thịt người bị cấm; theo phép biện chứng, cuối cùng con người lại trở về thói ăn thịt người nhưng ở một trình độ cao hơn. Tức là xác những người chết sẽ được kỹ nghệ chế biến thành thức ăn, thành thuốc. Con người ăn thịt người một cách gián tiếp. Họ cho rằng đó là trong một vòng tròn khép kín không lãng phí về mặt kinh tế. A1 khinh thường Hit-Le vì tên này hiểu biết quá sơ sài về mặt kinh tế. Thiêu xác người làm phân bón cũng là kinh tế, nhưng việc sử dụng kinh tế ấy quá thô thiển và lãng phí. A1 cho rằng trong tương lai, mọi xác người chết đều phải được tái sản xuất, để trở thành thức ăn, thuốc bổ cho người sống. Phương hướng đó nhằm giải quyết nạn thiếu thức ăn. Tương lai, nền công nghiệp thực phẩm thịt người sẽ là công nghệ tinh vi nhất, phồn thịnh nhất.
- Thôi! Ngừng lại! Tôi buồn nôn quá rồi.
- Đừng vì buồn nôn mà làm ngơ, không dám nói. Con người đang quay trở về Mông Muội. Ngày xưa, người ta ăn thịt người còn ở một phạm vi hẹp và lén lút. Bây giờ, ăn thịt người biến thành một kỹ nghệ. Mới đầu người ta còn buồn nôn khi ăn thịt người, nhưng dần dần việc đó sẽ thành quen. Mới đầu người ta còn thờ ơ, sau đó người ta sẽ thích thú với chuyện đó. Vì vậy, ta cần phải giữ cái phản xạ buồn nôn khi nghĩ đến ăn thịt người, và phải giữ phản xạ ấy kéo dài mãi cho đến ngày cuối cùng của loài người.
- Có tiếng máy chạy sè sè. Cái lồng kính nhốt Tám bỗng từ từ được nâng cao, kéo lên trần nhà. Tám cúi đầu, cố dặn vói xuống:
- Họ đưa tôi đi làm thử nghiệm lần cuối, xem đầu óc tôi có thay đổi chút nào trên cái thân xác khỉ này không.
- Nếu không thì sao?
- Thì họ sẽ đục não tôi ra, và thay thế bằng một bộ não khỉ.
- Anh Tám. Anh Tám ...
Tôi kêu to, gọi theo, nhưng chiếc lồng kính đã chui tụt vào trần nhà. Chung quanh tôi lúc này chỉ là một màu trắng bơ vơ.
- Anh Tám. Anh Tám.
Tôi cúi đầu, ôm mặt nức nở. Rồi sau đó số phận anh Tám ra sao? Tôi không đủ can đảm để hồi tưởng tiếp.
Ngày ... tháng ... Nghe tin tôi khỏi bệnh, Lân đến thăm. Tôi vui mừng bám lấy Lân để hàn huyên, kể lể, tâm sự, cứ như thể xa cách hàng năm. Lân nhận xét:
- Đúng thời gian anh ốm, Tám cũng đi đâu mất. Tôi đến nhà mấy lần, chỉ thấy cửa đóng im ỉm. Chẳng có lẽ ...
- Có lẽ gì nữa. Thật là huyền hoặc, nhưng tôi tin chắc Tám cũng vừa trải qua cuộc du hành. Anh ấy đi tìm tôi trong giấc mơ, và đã gặp tôi trong xứ Vui. Anh ấy đến để hỗ trợ tôi, giúp đỡ tôi. Điều đó đúng với tính cách của Tám.
- Sao lại giúp đỡ?
Câu hỏi đột nhiên làm giấc mơ dĩ vãng lại tái hiện trong óc tôi rõ mồn một.
- Đáng lẽ người ta cũng đưa tôi đi mổ não, thay một bộ phận não bằng bộ phận não khỉ. Tôi ngồi trong căn buồng trắng suốt ngày ôm đầu lo lắng. Chính lúc ấy, anh Tám trở về với tôi. Khi bị thẩm vấn lần cuối để xác định đã thay đổi tư tưởng chưa, Tám trở nên ngớ ngẩn. Người ta dùng hết mọi biện pháp khoa học ( như điện não đồ, soi đáy mắt, test tâm lý, test ngôn ngữ, tìm phản ứng trong tình trạng stress ...) để kiểm tra bộ não thực sự của Tám ra sao. Cuối cùng, người ta đã đày Tám lên rừng; họ nghĩ rằng máu huyết của cái thân xác khỉ kia đã biến đổi anh thành giống Người - Khỉ thực sự. Song họ đã lầm. Tám đánh lừa được họ; đầu óc anh vẫn tỉnh táo. Và chính nhờ vào cái chân, cái tay khỉ ấy, Tám đã có thể nhẩy chuyền trên những cây cao, tìm về nhà giam cứu tôi, Tám đã cõng tôi trên lưng, leo cây, trở về rừng. Anh đã chỉ cho tôi biết con suối sương mù, con suối chảy mấp mé giữa bờ sống và bờ chết. Tôi đã lội ngược theo con suối ấy, tìm đường trở về cõi nhân gian.
- Thật huyền hoặc. Nhưng ...
- Nhưng sao?
- Nhưng rất trùng khớp.
- Trùng khớp cái gì?
- Tám cũng vừa mới trở về.
- Sao anh chẳng mời Tám đến chơi với tôi? Tôi muốn gặp anh ấy quá. Tiếc rằng tôi chưa khỏe hẳn để đến nhà anh ấy.
Lân rầu rĩ tiếp:
- Anh ấy trở về với chiếc ba lô bộ đội sờn rách trên vai. Song, anh ấy chẳng đến đây được nữa.
- Sao?
- Tám đã mất trí.
Tôi kêu to:
- Trời ơi!
- Suốt ngày Tám chỉ leo cây. Phải chăng trong cơn điên, Tám lặp lại công việc của một con khỉ? Chẳng có lẽ. Bởi vì, trước kia trong bộ đội đặc công, Tám chuyên làm công tác trinh sát từ trên cây cao. Tám leo trèo rất giỏi.
Ngày ... tháng ... Nhắm mắt, bóng Tám hiện ra. Mở mắt, bóng Tám vẫn hiện ra.
Hình ảnh ấy là một phẫn nộ, một tố cáo, hay một cuộc tra hỏi không nguôi?
Bóng dáng ấy, có đêm đứn giơ tay lên trời, và rì rầm kêu gọi:
Poóc xi nô ma ni
Anh đứng giữa đêm đen, đầu ngật ngưỡng lắc lư bơ vơ như một nhà tiên tri, chuộc lỗi cho thế gian. Hình ảnh ấy có vẻ ma quái, nhưng vơi nhẹ lòng ngườil.
Thật hay mơ? Dù là một giấc mơ thì cũng là một niềm an ủi. Bởi vì, chưa thấy một con đường, nhưng ít ra cũng thấy một con người gánh chịu. Bởi vì chưa thấy một Thích Ca, nhưng đã thấy một Bồ Tát, đã thấy một luân hồi đội đá phù sinh.
Ngày ... tháng ... - Anh Tám! Anh đang nói gì với tôi vậy? Hãy nói to thêm chút nữa cho tôi nghe rõ.
- Anh nói rằng: Tất cả đều phụ thuộc vào duyên.
- Duyên là gì?
Tôi hỏi to, nhưng bóng Tám lại biến đi.
Ngày ... tháng ... - Anh Tám! Sao anh lại ngồi thẫn thờ tư lự?
- Anh Tám! Sao anh không nói? Hãy đối thoại với tôi đi.
- Anh Tám! Sao tôi hỏi, anh cứ lặng im? Ừ, mà có thể tôi đã hiểu. Trời ơi! Hồn ma mà cũng mệt mỏi. Cả đến Tiên, Phật chắc lúc này cũng có thể rã rời.
Ngày ... tháng ... - Hồ Ly ơi! Hồ Ly ơi! Mi ơi !
Ta gọi tên em như một tiếng nhạc mà cứ ngỡ gọi tên một loài hoa thơm ngát. Giờ này em ở đâu? Ta chợt rùng mình khi nghe tiếng em thất thanh.
- Hoàng ơi! Hoàng ơi!
Ta chợt nhìn thấy em đầm đìa nước mắt, rẫy rụa trong lâu đài đá hoa, cái đẹp diễm kiều bị chôn trong một nấm mồ nhung lụa.
Hồ Ly ơi! Cái đẹp của ta ơi! Nước mắt của ta ơi! Họ đã giết mất em rồi chăng? Ta vẫn thấy bàn tay mềm mại của em chới với. Ta không tin, dù một kẻ sát nhân gớm ghiếc đến thế nào cũng chẳng dám giơ dao đâm vào trái tim ngọc ngà của em.
Anh van em đấy. Hãy hiện hình ra đi. Để anh lại cầm tay em, cô Hồ Ly xinh đẹp của anh, đem trả lại cho Tây Hồ, trả lại cho mặt nước sương mù. Và để em lại ban cho anh một chiếc hôn thầm vơi nhẹ.
Nàng hiện ra như một đám mây xa vời, như một ảo ảnh. Người đi trong sa mạc, dù tìm thấy một ảo ảnh cũng vẫn có niềm an ủi. Bởi vì còn ảo ảnh, chân ta còn bước. Ta chỉ sợ đến lúc, trên thế gian này, ảo ảnh rồi cũng tắt.
Ngày ... tháng ... Vợ tôi hỏi:
- Anh Hoàng! Sao đêm đêm anh vẫn thở dài? Anh rì rầm với ai trong giấc ngủ? Anh tỉnh lại rồi hay vẫn nằm mơ? Anh khỏi bệnh hay còn điên dại?
Tôi không trả lời. Và vợ tôi khóc:
- Hay anh còn giận em?
Tôi ôm lấy đôi vai gầy guộc rung rung của nàng. Và trong tay người đàn bà, tôi chợt quên đi vũ trụ.
Ngày ... tháng ... Tôi đã đứng dậy nổi một mình, đã đi được quanh quẫn trong nhà ngoài sân.
Sức khỏe tôi dần dần bình phục. Và bóng dáng của Tám cũng dần dần thưa thớt, ít hiện về.
Ngày ... tháng ... Tôi đã bình phục hẳn.
Giấc mơ dài mà tôi vừa trải qua cũng chìm dần vào ký ức. Chỉ còn dư đọng lại trong tôi lúc này một cảm giác buồn buồn vô hình. vô ảnh.
Từ khi ốm dậy, tôi không ngó đến cái chuồng lợn mà mấy tháng trước, ngày nào tôi cũng túc trực say mê. Tôi cũng chẳng buồn nhắc đến tên những con Lợn Bò, Lợn Lang, Lợn Ỉn ... những con vật đã cùng tôi tham dự vào một chuyến phiên lưu.
Hay là sự thoát chết, sự sống lại đã biến tôi trở thành nhút nhát, trở thành kẻ sợ hãi đến cả kỷ niệm.