Quái Thai.
Thông tấn xã vỉa hè cho biết ở Nam Định, có người đàn bà đẻ ra một ổ năm người con mình người, đầu lợn.
Tin vỉa hè, nhưng chắc là sự thực, bởi vì theo các nhà khoa học thì số quái thai trên thế giới ngày càng tăng. Tôi nhớ đã đọc một tờ báo Mỹ (Newsweek thì phải) năm ngoái, thấy đăng tin một người đàn bà Mỹ cũng đẻ được một ổ bốn đứa con mình người, đầu lợn.
Như tôi đã phát biểu, nguồn gốc loài người, ngoài chất khỉ, còn có chất lợn. Sách Tây du có chép, Trư Bát Giới đã hiếp dâm và thông dâm với rất nhiều phụ nữ. Nhiều sách cổ khác cũng ghi lại những trường hợp thông dâm với lợn.
Các nhà bác học cho rằng việc sinh đẻ ra những quái thai người lợn là do con người đã thử bom nguyên tử quá nhiều. Những đám mây phóng xạ bay trên tầng cao khí quyển, và bụi phóng xạ lẫn vào nước mưa rơi trên khắp địa cầu, con người do hít phải bụi phóng xạ, ăn phải cá phóng xạ ... nên đã đẻ ra những quái thai.
Tôi cho rằng phải dùng thuyết di truyền để lý giải hiện tượng quái thai. Riêng sự tạp nhạp từ thời hoang sơ với lợn đã tạo ra những con người - lợn. Có thể những gien lợn trội sẽ tạo ra những con người có đầu lợn, hoặc chân lợn, hoặc tai lợn ... Cũng có thể gien lợn ấy lại nằm ở một tính cách một tâm lý, và những điều đó sẽ không bao giờ xuất hiện cho ta dễ thấy như bộ mặt lợn, hoặc cái tai lợn ...
Con người tăng theo cấp số nhân, giống người - lợn cũng tăng theo cấp số nhân. Và vì khả năng nhân giống của lợn so với người lớn hơn, vì vậy số người - lợn trên trái đất khá đông.
Thật thú vị nếu ta có một thứ "Chiếu Trư kính", nghĩa là một thứ kính nào đấy có thể nhìn ra những gien lợn trong mọi con người. Chắc rằng thứ "Chiếu Trư kính" ấy phải đem lại cho chúng ta nhiều điều sửng sốt, có thể ngạc nhiên nhiều hơn cả những điều mà ta đã tìm ra qua chiếc kính hiển vi; bởi vì kính hiển vi chỉ cho phép ta nhìn thấy những vật thể cực nhỏ trong cơ thể con người, còn "Chiếu trư kính" thì lại có khả năng giúp ta nhìn thấy tính cách của con người.
Ngày ... tháng ... Tin Lân bị bắt làm cho cái ngõ nghèo của tôi ồn ào hẳn lên. Người hàng xóm báo tin khi tôi đang cho lợn ăn. Tôi không tin ở tai mình nữa và tôi cũng không tin chuyện đó xảy ra. Lân là anh bộ đội phục viên, hiền lành, suốt ngày chỉ lăn lóc với đàn lợn ... anh ấy không thể làm điều gì phi pháp.
Người hàng xóm giải thích:
- Thì anh cứ ra mà xem. Đã chín giờ rồi. Giờ này là giờ của anh Lân nấu cám. Đáng lẽ cái lò luyện cám của anh ấy phải khói um. Thế mà, nay vẫn lặng tờ.
Tôi vội vã ra đường, nhìn về phía nhà Lân, quả nhiên không thấy ngọn khói đen sì như con rắn của anh bay lượn trên trời. Tôi hối hả đi đến nhà anh. Chị Lân và lũ trẻ đang sụt sịt ở góc nhà.
- Câu chuyện ra làm sao? - Tôi hỏi.
Người đàn bà mếu máo trả lời:
- Họ đến từ sáng sớm. Họ đọc lệnh khám nhà. Họ bảo nhà tôi bị tố cáo tàng trữ của gian. Họ lục lọi rất kỹ rồi bắt anh ấy đi. Họ bảo tôi cứ yên chí, chắc có sự nhầm lẫn gì đấy, chỉ vài ngày anh ấy lại về.
- Họ mang theo những thứ gì đi.
- Một chiếc xe đạp ... Tôi có hỏi ... Họ bảo sự nhầm lẫn chắc bắt đầu từ chiếc xe đạp Phượng Hoàng này ... Khốn khổ! Tôi bảo mua chiếc xe ấy bằng tiền bán lợn ... Họ lại bảo không sao cứ yên chí ... chỉ vài hôm anh ấy sẽ về cùng với chiếc xe đạp.
Tôi sốt ruột hỏi gặng:
- Họ còn mang đi thứ gì khác nữa?
- À ... Họ còn mang đi chồng giấy anh Lân vẫn để ở dưới đáy cái tủ mọt.
- À ... Ra thế ...
Tôi đã chợt hiểu vấn đề, tôi an ủi chị Lân vài câu rồi buồn bã ra về. Tôi buồn rũ hẳn đi, vừa xót xa, vừa lo lắng, lo cho bạn và xót xa cho mình.
Chồng giấy mà họ lấy đi đó là tập bản thảo của tôi. Nó mới chỉ là cái trứng, cái bào thai, những dòng chữ của tôi đâu đã được nhìn ánh mặt trời ... Thế mà họ đã bắt nó đi. Cả đến quyển sách cũng mang kiếp tù ngục.
Tôi lại ngồi vào chiếc ghế bành cà khổ và lại miên man suy nghĩ.
... Những năm tháng lưu đày, tôi vẫn cặm cụi như con dã tràng đi theo cái nghiệp chướng của tôi. Tôi lầm lũi ghi ghi, chép chép. Ban đêm, khi vợ con đã ngủ, tôi vặn to ngọn đèn dầu hỏa, và dưới ánh sáng vàng khè, đã biết bao đêm. tôi thả trí tưởng tượng của tôi mặc cho nó nổi trôi trên trang giấy. Tôi là kẻ đi tìm một vẻ đẹp hiếm hoi ở cõi đời này. Tôi là kẻ đi tìm một chút từ bi còn sót lại ở cõi nhân gian hiện đại. Những ngày thẩm vấn, đêm tôi vẫn viết. Những ngày cải tạo, sau nhọc nhằn tôi vẫn viết. Những ngày đói khát, tôi nhỏ nước mắt ra trên trang giấy. Viết để thông in, viết còn để chuốc thêm lo lắng sợ hãi. Nhưng biết làm sao được ... Đó là nghiệp chướng của tôi ... nghiệp của một kẻ phải làm nhân chứng ở đời. Ta chỉ nói đến cái thật, ta đâu có làm hại cho ai, thậm chí chỉ làm lợi cho mọi người là khác. Cớ sao các người lại săn đuổi ta, dồn ta đến những miền cay cực. Cả số phận của những trang giấy của ta cũng là số phận lưu đày. Các người chỉ biết truy tìm, chỉ biết hủy bỏ, chỉ biết kết tội. Ôi! Từ ngàn đời xưa đã có tội yêu thư, yêu ngôn; đã có cắt lưỡi chặt đầu, đã có nạn cung hình vì sách. Trời hỡi! Nói lên những ý nghĩ mà cũng phải giấu giếm. Ta đã đút sách trong ống bương đầu hồi để cho con mắt người đời khỏi nhòm ngó. Chuột vào làm tổ trong sách, ta thương những tờ giấy nát vội phải đào hố, chôn sách ngủ im dưới đất. Mưa to, nước tràn nhà rách, ta lo lắng lôi sách lên để gối đầu giường. Ngồi bó gối, ta nhìn làn nước lũ mênh mông quanh mình; nhìn những con rắn phởn phơ ve vẩy, gặp kỳ hồng thủy, đang hoành hành bơi lội, ta muốn kêu to, xé sách, muốn gào gọi mưa lớn hơn nữa cho lũ cuốn phăng đi cả cái thế gian này đi cho khuất mắt.
Hôm ấy, ta đã ôm mặt khóc. Người bạn nghèo thương ta, hiểu ta, đã nâng niu trang sách, đem nó về, đặt dưới đáy chiếc tủ mọt. Và cũng vì những trang giấy nát ấy, hôm nay bạn tôi lâm nạn. Lân ơi! Cái ơn này của anh khi nào tôi trả nổi.
Chị Lân ạ, họ sẽ trả chồng chị về, nhanh chóng thôi. Cái xe đạp chỉ là một cái cớ vớ vẩn bịa ra cho hợp lý, mặc dù nó không hề hợp lý. Họ muốn tìm cái khác cơ. Họ nghe nói tôi vẫn viết; một vài người bạn đã đến đọc bản thảo của tôi. Rồi người nọ đồn người kia và tiếng đồn tới tai họ. Như vậy số phận cuốn sách phải được truy lùng, săn đuổi. Vợ tôi vẫn luôn luôn láy đi láy lại một điệp khúc buồn phiền:
- Anh viết để làm gì? Nên vương, nên tướng gì? Bao nhiêu tai vạ vào thân, thế mà đêm nào anh cũng chong mắt ra, để mà hí húi, để mà lầm bầm như một thằng rồ. Tôi lạy anh, tôi van anh, anh bẻ bút đi.
Cây Lộc vừng hiền hậu quê tôi đã nói như vậy đó.
Hôm nay, thấy tôi nằm lì đắp chăn trên giường, mắt đắm vào xa vời, vợ tôi hình như cũng đoán biết ra được phần nào tâm trạng của tôi. Trong những ngày tôi bị thẩm vấn, tôi cũng đã nhiều lần nằm trơ câm lặng như thế đó. Những lúc như vậy, tôi chẳng muốn nói chuyện với ai; và mọi người trong gia đình hình như cũng biết được lòng tôi, nên chẳng ai hỏi tôi một lời. Tôi cám ơn sự im lặng của mọi người, bởi vì mọi ngôn ngữ an ủi đều là thừa, là vớ vẩn; nó chẳng giúp gì được ta và chỉ làm lòng ta thêm bối rối.
Trong những lúc như thế này tâm trạng của tôi là gì? Oán hận ư? Cũng có; thương người ư? Cũng có; thương mình ư? Cũng có. Tôi kiêu hãnh chấp nhận thách đố. Tôi xin gánh chịu. Lúc này, còn chút xíu gì cần thiết nhất cho con người, chắc đó là nhân phẩm. Mong sao tôi cố giữ gìn được cho mình chút nhân phẩm đó. Và khi còn chút nhân phẩm, nếu tôi biết một sự thật nào đó nghiêm trọng mà tôi không nói ra, tức là tôi có tội.
Vợ tôi không nói trực tiếp với tôi, cô ta rì rầm với con dưới bếp. Lát sau, thằng Linh lên nhà bảo tôi:
- Bố ơi! Con nấu cháo cho bố ăn nhé?
Ngày ... tháng ...
Như tôi đã dự đoán và chờ đợi. Tôi đã nhận được giấy gọi của Cục điều tra xét hỏi. Cả đêm, tôi không ngủ, nằm suy nghĩ liên miên, cuối cùng cũng tìm ra được một quyết định cho thái độ của mình. Sáng, tôi dậy sớm, hâm bát cơm nguội cho nóng lên, rồi ăn. Những hạt cơm khô khốc như tắc lại ở cổ, song tôi cố nuốt. Tôi có nhiệm vụ phải ăn để ấm bụng, để lấy sức. Tôi thay quần áo, ăn mặc sạch sẽ, thậm chí còn lấy lược chải mớ tóc bù xù.
Sau đó, tôi đạp xe đạp đến phố B. Lần gọi này, người ta không hẹn tôi đến một trụ sở chính thức nào, mà lại hẹn ở ngôi nhà số 113 phố B. Tôi lần đi dọc theo dãy nhà số lẻ. Tôi tần ngần rồi ngạc nhiên; không có số nhà 113. Hay có sự nhầm lẫn. Có thể là số 13. Tôi đến số nhà 13. Đó là một cửa hàng bán đồ trang điểm cho phụ nữ. Thế là tôi tần ngần đứng và liếc nhìn người đàn bà trẻ lộng lẫy đứng sau một tủ kính nhỏ. Cuối cùng tôi đánh bạo đến gần, nhưng chưa dám hỏi. Cô bán hàng nhìn tôi ăn mặc xoàng sỉnh nên không chào mời. Có lẽ cô ta tưởng tôi là một anh bộ đội già quê mùa nào đó, thấy những đồ lạ thì ngơ ngáo nhìn xem. Cuối cùng tôi cũng đánh bạo:
- Xin lỗi cô ... Cho tôi hỏi nhờ ... đây có phải là ... một địa điểm ... của công an.
- Công an gì? - Cô gái cong hàng mi giả ngạc nhiên hỏi lại.
Người chồng cô ta đang ở trong nhà, bước vội ra:
- Ông muốn hỏi gì?
- Tôi ... Tôi muốn hỏi ... Cục Điều Tra Xét Hỏi.
Người chồng mỉm cười:
- Thưa ông, ở đây chỉ có xi-lip, xú chiêng, son, phấn, và nếu ông cần có cả viên tránh thụ thai ... Ở đây chúng tôi ít quan tâm đến sự điều tra, xét hỏi. Chúng tôi chỉ quan tâm đến người đàn bà, sao cho đẹp ...
Tôi đỏ bừng mặt, xin lỗi rồi dắt xe đi. Sau lưng tôi, vẫn còn nghe thấy tiếng cười khúc khích của đôi vợ chồng trẻ. Thế đấy, cuộc đời đâu cần đến ưu tư của ta. Cái người ta cần là miếng ăn ngon, người đàn bà sao cho đẹp. Tôi là một thằng ngớ ngẩn, một thằn gàn, tôi đã lầm lẫn bước vào cõi đời này chăng? Tại sao tôi lại tự làm khốn khó vào thân ...
Tôi buồn rầu, dắt xe đạp đi đến cuối phố; có lẽ tôi định về. Chính lúc ấy, một chàng thanh niên trắng trẻo, khôi ngô mặc bộ quần áo jeans đến trước mặt tôi:
- Xin lỗi. Ông có phải là Hoàng ...
- Vâng. Tôi đây.
- Đồng chí ấy chờ ông đã nửa tiếng.
- Tôi đã không tìm thấy số nhà 113.
Anh thanh niên chỉ cho tôi ngôi chùa nằm ở ngã tư đường phố. Một ngôi chùa to, có bóng hoàng lan, có vườn chuối xanh ngát, có những ngôi tháp táng mộ sư tổ, cao thấp, xây bằng gạch nung giả để trần mộc mạc ... Ngôi chùa không có số nhà, ngôi chùa nằm ở một ngã tư, chông chênh như chẳng thuộc về đâu. Té ra là thế.
Tôi bước qua cổng tam quan. Tôi bước vào nơi xa lánh tục lụy. Ô hay! Ở chốn hư vô này, mà tục lụy vẫn xâm nhập được vào sao?
Sư tổ là một cụ già gầy guộc đeo kính đang đứng bắt sâu cho một bụi hoa sói. Tôi kính cẩn chào.
Người sư già đáp lại: "A di đà phật". Rồi ông ngước nhìn khuôn mặt tôi. Một nét buồn thoáng hiện trên khuôn mặt vị tu hành. Người thanh niên bảo tôi chờ một lát, anh bước vào lối sau chùa. Tôi nói với vị sư già:
- Chỗ cụ tịch mịch quá. Thưa cụ, nhiều lúc cháu thèm tịch mịch ...
- Thưa ông, cái tịch mịch là trong tâm. Tâm mà sáng thì ở giữa chốn phồn hoa, lòng ta vẫn tịch mịch.
Tôi cúi đầu lặng yên. Vị sư già lại cúi xuống bụi hoa. Câu nói của cụ là bâng quơ, hay một lời khuyên nhủ; tôi chẳng biết nữa, nhưng thực sự nhờ lời nói của cụ, lòng tôi bỗng bớt xốn xang.
Người thanh niên dẫn tôi vào nhà tổ. Ngôi chùa kiến trúc hình chữ tam, mà nhà tổ là nét chữ cuối cùng.
Người sĩ quan an ninh lần này là người khác; không phải là người gầy guộc đeo kính như cách đây chục năm. Đó là một người tầm thước, không béo, không gầy, vẻ mặt đôn hậu đã mang nhiều nếp nhăn từng trải, mớ tóc hoa râm đã ngả nhiều sang màu trắng.
Ông ta hòa nhã bắt tay tôi, rồi mời tôi ngồi ở chiếc tràng kỷ đối diện. Ông ta mở đầu:
- Xin lỗi ông Hoàng. Tôi muốn hôm nay là một cuộc trao đổi chứ không phải là một cuộc thẩm vấn. Chính vì vậy, chúng tôi mới chọn địa điểm ngôi chùa này. Chúng tôi nhờ tạm sư cụ để làm việc với ông.
Người tóc bạc hoa râm rót phích nước pha trà, rồi mời tôi hút thuốc.
Những lần trước là sự đe dọa, là căn phòng trắng lạnh lẽo phi nhân. Lần này là sự mời mọc, là một ngôi chùa nhân ái. Lần trước là một con người khắc khổ cứng nhắc, lần này là một con người từng trải đầm ấm. Tuy nhiên, tôi không hề ngạc nhiên. Tôi hiểu mục đích cuối cùng mới là quan trọng.
Chúng tôi bắt đầu vào cuộc trao đổi, hay nói cho đúng hơn, vào cuộc thẩm vấn êm ái:
- Ông Hoàng ạ. Chắc ông đã biết, chúng tôi đã sưu tập được bản thảo cuốn tiểu thuyết của ông.
- Tôi biết các ông đã lấy ở nhà anh Lân. Việc đầu tiên tôi đề nghị, xin các ông thả anh ấy ra. Anh ấy không có tội.
- Việc đó chúng tôi sẽ giải quyết. Nhưng điều chúng tôi muốn biết là tại sao ông lại dấu cuốn sách đó đi nhỉ?
- Tôi không giấu. Tôi chỉ sợ mất nó. Chắc ông cũng rõ quyển sách đó làm tôi mất bao nhiêu tâm huyết.
Thực ra việc mang giấu nó đi đã mang một hàm nghĩa phạm tội. Tại sao phải giấu? Vì nội dung của nó chứ gì? Nhưng thôi, đấy chỉ là vấn đề nhỏ, chúng ta cho qua. Điều chúng tôi muốn ông trao đổi đó là những quan niệm của ông về mọi mặt của cuộc sống. Trong cuốn sách ông dùng đến nhiều ẩn dụ, biểu tượng ...
- Thưa ông, cho phép tôi không cần trình bày về những quan điểm nghệ thuật. Tôi đã có ý định trao đổi thành thật với các ông về những quan điểm của tôi, vì thực ra có gì đáng giấu giếm đâu.
- Ông thành thực?
- Vâng, tôi muốn thành thực. Bây giờ, thành thực là nguy hiểm, người ta bảo thành thật là xuẩn ngốc.
Đúng vậy. Nhiều người bạn đã khuyên tôi như vậy. Nói thẳng những ý kiến của mình ra với những người săn đuổi mình ư? Thật điên rồ. Nhưng đêm qua tôi đã quyết định rồi. Trong thực tế hiện đại, từ đông sang tây, vì những lý do văn hóa, vì sự đàn áp, vì những tham vọng .... con người luôn phải khoác trên người bộ áo giáp giả dối. Sự thành thực chỉ là một trò xa xỉ.
Thế nhưng, hôm nay tôi đã thành thực với những con người làm tôi đau khổ. Không phải thành thực để xin xỏ họ một điều gì. Cũng không phải vì muốn sắm vai anh hùng rơm. Tôi không cần, tôi bất cần mọi thứ. Tất cả chỉ vì tôi đã chán ngấy.
Khi Trung Quốc mang mấy chục vạn quân đánh tràn ra khắp biên giới nước ta, một anh bạn, cũng bị kết tội là một tên chống đối như tôi lại bị kết thêm cái tội thứ hai bởi vì vợ anh là người lai Trung Hoa, đã bảo tôi rằng: "Hay là tao chết, mày có thấy cần không? Bây giờ, tao có thể cầm một bình xăng để tự tưới vào mình, tự châm mồi lửa vào mình, và chết bất cứ lúc nào, ở một địa điểm nào xét ra có lợi cho mọi người. Hoàng ơi!! Mày nói thực lòng đi. Tao có cần làm thế không? "Ôi! Cái thế hệ ngây thơ, lý tưởng chủ nghĩa của tôi đã bỏ cả tuổi xanh đẹp đẽ của mình và đầu óc đầy những ảo tưởng đẹp đẽ. Bây giờ, chúng tôi còn cần gì nửa đâu. Chúng ta đang đứng trước một ngõ cụt.
Chính vì thế nên tôi đã nói với người sĩ quan an ninh già kia:
- Đất nước chúng ta đang rơi vào một chủ nghĩa hư vô. Người ta đã dè bỉu, rồi xóa tất cả những cái nhân đạo xưa, để thay vào đó bằng một thứ chủ nghĩa nhân đạo mới, ở đó bóng dáng con người mờ nhạt. Người ta vẫn rao giảng một cái gì đó quá ư khoa trương, đẹp như một ống kính vạn hoa, để rồi con người soi mình vào đó và không thấy khuôn mặt mình ở đâu cả. Cái áo quá đẹp ấy không hợp với kích cỡ con người. Chúng tôi chán ngấy sự ồn ào mĩ miều và chỉ thèm một thứ nhân đạo đích thực, ở đó người nào nhìn vào cũng thấy khuôn mặt của mình.
Hình như người sĩ quan an ninh tóc bạc kia hơi thay đổi nét mặt; song, tuyệt nhiên tôi không tìm thấy trên khuôn mặt ông ta những biểu hiện cụ thể.
Tôi thì lột bỏ mặt nạ; còn ông ta vẫn đeo mặt nạ. Sự thành thực của tôi liệu có ý nghĩa gì không? Tuy nhiên, tôi vẫn nói, vẫn cố định hình những ý nghĩ mung lung trong tôi:
- Sự tham vọng quá lớn, định làm những điều quá to tát, không hợp kích thước ở thế gian này, đã đẩy chúng ta vào ngõ cụt. Đất nước đang gặp thất bại và sẽ còn khó khăn . Nhưng cho dù, về mặt vật chất, các ông có thành công chăng nữa thì tôi cũng xin nói rằng: cách mạng sẽ chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn khi nó nhân đạo hơn, dân chủ hơn, vừa tầm vóc con người hơn mọi lý tưởng khác.
Người sĩ quan đã phải tỏ ra nôn nóng, ngắt lời tôi:
- Anh đang nói đến một thứ nhân đạo đúng ở mọi thời đại? Cái gốc rễ chống đối của anh là ở đó.
- Anh muốn nói sao tùy ý, tuy nhiên, các anh đã mất đi những cái tuyệt đối mà ở thời buổi nào con người cũng tìm kiếm. Lương tâm, cái đẹp, cái đạo lý, sự thương xót con người, tình yêu ... tất cả những cái đó đều phải được lý tưởng hóa đến chỗ tuyệt đối. Cái tuyệt đối sẽ đúng ở mọi thời đại, và có nó con người mới trở thành người. Điều đáng buồn là những ai đi tìm đến chúng đều bị các anh cho là chống đối.
- Anh thù ghét chúng tôi đến thế sao?
- Tôi chỉ thù ghét sự lầm lạc man rợ.
- Còn chúng tôi?
- Tất cả chúng ta đều đáng thương.
Mặt người sĩ quan an ninh tóc bạc kia bỗng đỏ bừng, nhưng ông ta vẫn cố tự chế ngự mình để giọng nói vẫn ôn hòa:
- Những tư tưởng của anh hoàn toàn chống đối.
- Mong ông nói rõ.
- Anh muốn cái nhân đạo tuyệt đối thắng cái nhân đạo có tính giai cấp. Anh muốn cái tinh thần thắng cái vật chất ...
- Có lẽ ông chưa hiểu hết tôi ... Mà cũng có thể nói, có lẽ ông không hiểu được nổi khát khao của mọi người. Nếu cái tinh thần mà không được tôn vinh ...
Bây giờ thì người sĩ quan an ninh không dừng được nữa rồi. Ông ta bắt đầu tranh luận với tôi. Mặt ông ta đỏ bừng. Mắt ông long lanh. Giọng ông hùng hồn ... Ông ta thật hay giả? Ông ta đã lột mặt nạ hay lại đeo chồng lên thêm một chiếc mặt nạ thứ hai? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng chúng tôi tranh luận với nhau rất lịch sự và rất gay cấn. Ông ta giảng giải cho tôi đủ mọi vấn đề: Hạnh phúc, dân chủ, giai cấp cần lao, chính quyền, bạo lực ... Ông ta nhe nanh vuốt với tôi bằng ngôn ngữ ... Càng gần về cuối cuộc trao đổi, lòng tôi càng thêm chán nản. Tôi nghĩ về những chiếc vỏ bọc, nghĩ về sự sơ cứng tâm hồn ... Tôi hầu như không nghe thấy lời của ông ta nói nữa, bởi vì cần gì nghe tôi đã biết ông ta nói gì. Tiếc thay! Một gương mặt đôn hậu thế kia! Đôi con mắt linh hoạt thế kia! Một giọng nói ấm áp thế kia! ... Chắc cũng như tôi, ông đã đi vào cách mạng với một trái tim hoàn toàn trong trắng ... Nhưng, chúng tôi đang đứng ở các chặng đường khác nhau ... Và bây giờ, tôi đã bị coi là kẻ thù ... là tội nhân của ông ta ... Tiếc thay! Những chiếc vỏ bọc! ... Này! Ông bạn già. Có thể nào tôi còn hy vọng ở ông một chút ít gì không nhỉ? Tôi tin tưởng vào lương tri. Chỉ có điều là phải sáng láng. Cách mạng cần phải được thiên khải (illuminé). Cũng có sáng; và người dân đã được ơn nhờ hạnh phúc. Tại sao thời hiện đại này lại không có được sự thiên khải, sự minh sáng nhỉ? Tôi chắc là còn hy vọng.
Cái cách giao cảm hàm ẩn bằng tia mắt mà tôi vẫn thường dùng, có phần nào làm cho cuộc tranh luận dịu đi. Ở tòa chính điện Phật, vị sư già đã bắt đầu gõ mõ. Tiếng chuông đã boong boong. Phải chăng tiếng chuông ấy, tiếng gõ mõ đều đều nhân từ ấy đã làm lòng chúng tôi dịu lại. Chúng tôi châm thuốc hút. Qua cuộc cấu xé hằn thù nhau bằng ngôn ngữ, hình như chúng tôi còn ngượng ngùng khi nhìn mặt nhau. Lúc ông ta đã nhìn thẳng được vào đôi mắt tôi, thì đôi mắt ông ta đã hiền lành đi nhiều. Ông ta nói với tôi những lời cuối cùng:
- Ông Hoàng ạ. Tôi chỉ khuyên ông một điều: Ông cần có đầu óc thực tế hơn một chút. Có lẽ ông đã quá nhọc nhằn vì những trang sách của ông. Thực ra, chúng tôi cũng không muốn phiền toái. Nhưng , ông cũng phải để chúng tôi yên chứ ....
Té ra mục đích cuối cùng của cuộc gặp gỡ này là việc khuyên tôi không nên cầm bút nữa. Vợ tôi cũng đã nhắc nhở tôi nhiều lần bằng điệp khúc ấy:
"Anh chỉ là cát bụi. Anh viết để làm gì? Sao đêm nào anh cũng chong mắt ra, để mà hí húi, để mà lầm bầm như một thằng điên, để mà chuốc thêm nợ. Anh chết đi, tôi sẽ chôn theo đống sách của anh vào hòm áo quan, để cho anh sung sướng."
Xong cuộc, người sĩ quan an ninh già không bắt tay tôi, cũng không tiễn tôi ra cửa. Có lẽ khung cảnh nhân hậu của ngôi chùa làm tôi quên mất thân phận của tôi chăng, cho nên tôi mới nghĩ đến chuyện ấy. Thái độ của ông ta đã nhắc nhở tôi trở về vai trò của mình. Trong cuộc sống, con người hoàn toàn là những vai kịch mà số mạng đã sắp đặt. Vai trò của người sĩ quan tóc bạc kia là vai trò của người cầm gậy. Ông ta phải có bộ mặt nghiêm nghị, phải có đôi mắt lạnh lùng, phải có thái độ cứng rắn đối với những người ông ta cho là phạm tội. Ông ta đứng đấy, trên thềm nhà tổ, tay chắp sau lưng, nhìn theo tôi như muốn răn đe. Ông ta đã làm đúng vai trò của mình. Còn tôi, vai trò của tôi là phải bước đi, đầu cúi xuống, lưng trĩu nặng. Nhưng bộ óc phải luôn luôn tỉnh táo, bởi vì đôi mắt tôi còn cần nhìn, bởi vì thân phận tôi là thân phận nhân chứng ở đời; bởi vì tôi còn muốn sung sướng - Như vợ tôi đã nói - Cái hòm áo quan lúc tôi chết sẽ đầy ắp những trang giấy mà tự tay tôi viết.
Đêm nay, tôi tìm gặp Hồ Ly.
Nỗi buồn sau cuộc gặp gỡ với người sĩ quan già kia, cứ ray rứt làm tôi không chịu nổi. Lòng tôi nhức nhối và tôi bỗng nhớ Ly. Tôi thấy nhu cầu phải đi bên cạnh một người đàn bà đẹp. Chỉ đi bên cạnh thôi, chắc chắn lòng ta sẽ vơi nhẹ. Cái đẹp bên ta tự nó đã tỏa ấm, tỏa sáng, tự nó đã xua tan đi những phiền muộn ở đời.
Người đàn bà ấy rất chìu tôi. Ly bảo:
- Đêm nay Ly bỏ buổi dạy học, sẽ đi với anh đến đêm.
- Chúng mình đi bộ.
- Em cũng thích đi bộ.
Hà Nội đã lên đèn. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau. Tôi không nói và Ly cũng không nói. Cả Ly của tôi đêm nay cũng hơi buồn. Sao vậy? Tôi không muốn hỏi.
Chúng tôi đi thơ thẩn nhìn những con người tất bật hối hả, thỉnh thoảng Ly lại nhìn tôi và cười với tôi bằng nụ cười mỉm làm ánh mắt cô rực sáng.
Chúng tôi vào một quán cà phê, ngồi đối diện với nhau, cúi đầu ngoáy cốc và thỉnh thoảng nhìn nhau.
Chúng tôi vào một hiệu phở. Tôi vẫn thích nhìn Ly ăn. Cô ăn như một con mèo, nhẹ nhàng và ngon lành. Cô cắn cọng hành xanh biếc, vừa nhai, vừa nhìn tôi cười. Cô húp một thìa nước sóng sánh; tiếng sụp soạt, tiếng suýt soa vì nóng, vì cay nghe đã thấy ngon.
- Sao cứ nhìn em ăn thế? Ăn đi chứ anh ... Mà này, hôm nay Ly cũng muốn nhìn anh ăn đấy.
- Tại sao?
Mãi đến khi đi cạnh nhau trên một phố vắng đầy cây, Hồ Ly mới hỏi tôi:
- Anh nghĩ gì vậy?
- À ... Anh đang nghĩ cuộc sống thật giản dị; ví như chúng mình đang đi trên hè phố này, thật sung sướng. Vậy mà tại sao con người lại phải cấu xé nhau dữ dôi đến như thế?
- Cũng lạ thật đấy.
- Còn Hồ Ly, em đang nghĩ gì?
- Em nghĩ rằng: ước gì con Hồ Ly của anh không phải đi xa để cho chúng ta cứ được đi bên nhau như thế này mãi mãi.
Tôi dừng lại, cầm tay cô gái
- Em nói sao?
Hồ Ly không trả lời.
- Em sắp phải đi xa?
Hồ Ly gật đầu. Tôi không hỏi gì thêm nữa. Tôi buông tay cô gái và tiếp tục vừa đi vừa suy nghĩ: "Thế đấy. Cái ốc đảo gia đình của ta tan rả. Rồi đến Hồ Ly, cái bóng mát cuối cùng của đời ta cũng bay đi nốt. Ta sẽ khát suốt đời." Tôi thở dài. Nỗi buồn của tôi vừa hầu như được vơi nhẹ, nay bỗng sưng tẩy lại. Nỗi căm phẫn số phận làm tôi tức thở. Trên quảng đường đời tiếp tới, tôi sẽ một mình đương đầu với nắng chang chang. Tôi là một kẻ mất bóng râm.
Hồ Ly nắm lấy tay tôi, làm tôi bước chậm lại.
- Anh Hoàng, anh đang nghĩ gì vậy?
Tôi lắc đầu. Cô gái bóp chặt tay tôi, hình như muốn truyền dịu dàng qua bàn tay để xua đuổi những ý tưởng đen tối đang như cơn lốc hình thành trong đầu óc tôi. Cô rụt rè nói:
- Em xin lỗi. Hình như ... người ta vừa mới ... hành hạ anh ... có phải không? ... Ôi! Tội nghiệp. Thế mà em lại làm phiền lòng anh thêm nữa.
Chúng tôi đi bên nhau cho đến lúc nỗi buồn sâu đậm đã dần chuyển thành dịu dàng man mát. Đến lúc ấy, nó lại cho ta niềm sung sướng. Sự sung sướng của kẻ chia xẻ, và kẻ được chia xẻ.
Chúng tôi đi có lẽ đến quá nửa đêm. Hồ Ly dừng lại ngước nhìn tôi. Hình như đến phút cuối cùng này, cái rét cuối đông mới thấm vào cô:
- Anh ơi! Em lạnh lắm. Em đang run lên đây này.
Tôi nhẹ nhàng ôm lấy cái thân hình mảnh mai của Hồ Ly. Cô gái nép vào ngực tôi. Cô bỗng dưng nghẹn ngào:
- Tức thật! Tức thật!
Tôi vuốt ve mái tóc, cố làm dịu đi những xúc cảm, những suy nghĩ trong cô. Cô gái vẫn tiếp:
- Tại sao? Tại sao ... nhỉ?
Tôi rất cám ơn những ý nghĩ đang hình thành trong lòng mà cô gái không thể biểu hiện ra được. Ly vẫn cố tìm lời:
- Em rất muốn giúp anh.
- Anh hiểu. Hiểu chứ!
- Anh không hiểu. Vì em chẳng giúp gì được anh cả.
- Có chứ. Em giúp anh nhiều lắm.
- Ôi! Anh đừng nên nói thế.
- Thực đấy. Rất nhiều. Tiếng cười của em như pha lê! Hình ảnh của em là một bóng râm mát. Những tia mắt của em nữa ...
- Hoàng ơi! Đừng phỉnh nịnh em .
- Em không hiểu đấy. Em không hiểu là chỉ riêng em đi bên anh thôi, điều đó đã quí giá cho anh biết chừng nào.
Vai Hồ Ly chợt rung lên.
- Em khóc đấy ư?
- Anh ơi! Sao nước mắt em không chảy ra được thế này?
Tôi thì thầm:
- Cứ áp đầu vào ngực anh là lòng em sẽ nguôi đi ngay.
Hồ Ly nức nở:
- Trời ơi! Nước mắt của tôi biến đi đâu rồi?
... ... ...
Tôi thở dài khi viết những dòng chữ này. Nỗi chua xót của kẻ mất bóng râm, và nỗi chua xót của một bóng râm tan biến. Tất cả chỉ còn là hư không.