Người bạn tôi tên là Vinh, một anh lính già thất thế về vườn. Vinh là một cậu tú; anh đỗ tú tài toán xong thì cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ.
Con người lý tưởng chủ nghĩa ấy xếp ngay bút nghiên lên đường đánh giặc. Anh đi bộ đội, đã trải qua nhiều chiến trường, nhiều khó khăn gian khổ. Chín năm đánh Pháp ấy đã hằn dấu trên con người anh. Anh gầy một cách kỳ lạ, gầy nhom, gầy giơ xương sườn; khuôn mặt dài chỉ nhìn thấy đôi gò má cao toàn xương, chiếc cằm nhọn, vầng trán nhô ra làm cặp mắt sáng càng thêm sâu. Nước da anh vàng sạm, đôi môi thâm xịt. Mới trên năm mươi, mà trông anh xọm như ông lão bảy mươi.
Sở dĩ Vinh phải về hưu trước tuổi vì anh luôn đấu tranh với ông vụ trưởng của mình. Vinh bảo tôi:
-Nói cho đúng, đầu tiên mình ghét hắn ta, vì hắn béo, béo phây, béo mỡ màng. Mình nghĩ, một con người cứ béo phị ra trong khi toàn dân đều gầy gò, ắt hẳn con người đó không thể là con người tốt. Ta hãy suy luận theo một logic toán học: Tại sao anh béo? Khi anh béo, chắc chắn anh phải ăn ngon và làm việc ít. Đã là người cách mạng, chắc chắn lương anh ít. Vậy anh lấy đâu ra tiền để ăn ngon mặc đẹp. Tất nhiên, sự phè phỡn ấy phải do xoay sở. Hơn nữa, khi đã quá no đủ, con người sẽ dâm dật. Một hệ luận có thể suy ra: Anh ta tất nhiên phải suy đồi về đạo lý. Một người như thế sẽ nịnh bợ cấp trên, đàn áp kẻ dưới. Từ cách suy luận lô gích ấy, tôi đi tìm cứ liệu để chứng minh cho giả thuyết đặt ra. Quả nhiên, tôi đã không lầm: Ông vụ trưởng của tôi đã tham ô, đã dùng quyền lực ép buộc để ngủ với cô thư ký và cô phục vụ tạp dịch. Hàng tuần, hắn vẫn xum xoe đến nhà thứ trưởng... Thế là tôi đấu tranh. Phải đấu tranh, vì tôi nghĩ đi làm cách mạng, một mục đích là tiêu diệt những mẫu người như vậy. Thế mà, mẫu người đó lại chồm chỗm trên đầu, trên cổ mọi người. Điều đó không được phép tồn tại.
Tôi cười vang:
-Cái lô gích phán xét theo kiểu béo - gầy như của anh thật là kỳ. Theo anh, có lẽ một cuộc cách mạng chân chính nhất sẽ chỉ còn toàn những con người gầy gò như anh.
-Không hẳn thế. Tôi nghĩ cách mạng là để toàn thể mọi người trong xã hội đều béo. Nhưng khi cách mạng nghèo, ai béo người ấy là kẻ có tội.
-Anh có ghen tức không?
-Thề trên lương tâm, tôi không bao giờ biết ghen tức. Điều đó xa lạ với tâm hồn tôi. Nếu cấp trên của tôi là một con người chân chính, tôi sẽ trung thành tuyệt đối với anh ta. Nếu anh ta cần tôi nhảy vào lửa, tôi sẽ nhảy vào lửa.
-Anh có khắt khe quá không?
-Cách mạng là sắt thép. Tôi phải khắt khe.
-Anh có ngây thơ quá không?
-Cách mạng cần sự ngây thơ, vì ngây thơ là trong trắng.Nếu hết sự trong trắng, cách mạng sẽ tàn lụi.
Khi nói về sự ngây thơ, mắt anh bỗng sáng lên và đầu anh lắc lư. Giọng nói của anh trở nên hùng hồn:
-Thời cổ, vua Hùng Vương biết đi cày với dân; con gái vua, vợ vua biết chăn tằm dệt vải. Ngày hội, vua quan cùng nhảy múa với dân. Đó là thời kỳ ngây thơ thịnh trị ngày xưa. Cách mạng của chúng ta cũng có những ngày ngây thơ tuyệt đẹp; đó là những ngày đầu đánh Pháp. Ngày đó quan và lính cùng chia nhau củ khoai củ sắn, cùng mặc chung một manh quần rách, cùng hò hát với nhau những đêm liên hoan, cùng theo nhau xông vào đồn giặc... Đó là những ngày ngây thơ vàng son cách mạng. Ngày nay, những điều đó hết rồi; chúng chỉ còn là những kỷ niệm ấu thơ... Nhưng chẳng lẽ lại vậy ư? ... Tôi tin rằng cách mạng sẽ thanh xuân hóa trở lại. Sẽ có ngày chúng ta lại "ngây thơ" như xưa... nghĩa là... rồi ta sẽ có ngày rất đẹp.
-Anh chờ đợi?
-Vâng, tôi chờ đợi.
Vinh chờ đợi bằng cách nuôi lợn.
Một người bạn khá giả nhượng lại cho anh một mảnh đất nhỏ ở một xóm ven nội. Vinh dựng lên ở đó một túp lều. Anh thả nhờ Hợp tác xã nông nghiệp một vạt bèo; anh trồng trước lều ba luống rau. Anh mua một đôi lợn nhỏ xíu, trông xinh xinh dễ thương. Và anh bắt đầu hy vọng, chờ đợi đôi lợn lớn lên. Hàng tuần, tôi được chứng kiến nỗi vui mừng của anh. Anh luôn khoe cùng tôi:
-Tuần này con lợn đen của tôi dài thêm ra 1cm.
-Anh xem, con lợn trắng của tôi lớn có nhanh không? Ăn phệ bụng. Bụng to cóc ra.
-Tháng này tôi cân kiểm tra. Mỗi con tăng ba cân.
Tôi thương hại, nhìn anh bạn thơ ngây ấy vui một nỗi vui quá ư hồn hậu. Tăng ba cân một tháng, đối với nghề nuôi lợn, tức là lỗ vốn. Nhưng bạn tôi lại vui. Biết nói sao đây? Vạch ra sự thật ư? Tôi không nỡ tàn nhẫn xóa đi một nỗi vui cỏn con hiếm có của người bạn nghèo ấy. Thực ra, vì bạn tôi nghèo, thức ăn kém, giống lợn xấu, nên đôi lợn ấy quá còi cọc. Bốn tháng ròng chăm sóc mà mỗi con lợn chỉ đượ ngót nghét mười lăm cân.
Rồi một hôm, tôi đến chơi, thấy Vinh ngồi im re bên bàn nước. Tôi hỏi:
-Có chuyện gì mà buồn thế?
-Đôi lợn chết rồi anh ạ.
-Sao? - Tôi nghe tin như sét đánh.
-Chúng bị tụ huyết trùng . Tôi định đem đi vứt. Người hàng xóm thương tình đem bán giúp. Được ngót trăm bạc.
Tôi im lặng, chẳng biết nói sao. Tôi nhớ, tháng trước Vinh đã dự kiến với tôi, nếu bán đôi lợn được năm trăm bạc, anh sẽ mua cho cháu Phượng một chiếc áo pha ni lông màu da trời. Thế là những hy vọng đợi chờ trong bốn tháng qua đã sụp đổ.
Tôi liếc nhìn cháu Phượng ngồi bên cửa sổ đan len. Cái kiểu người ngồi bên cửa sổ nghĩ cũng cổ lỗ. Thấy nó xưa xưa. Ngày xưa, chị Vinh khi còn sống cũng hay ngồi bên cửa sổ như cháu Phượng. Có lẽ chị là người cuối cùng còn sót lại của cái thời ba mươi - bốn lăm. Song trước kia anh Vinh thích vợ mình ngồi như thế, và bây giờ anh lại thích con mình ngồi như thế. Hình như, đó là biểu hiện của một sự "nề nếp" mà anh cố giữ.
Phượng suốt ngày ngồi bên cửa sổ đan len. Cô bé mười sáu tuổi ấy lúc nào cũng mang một khuôn mặt đăm đăm. Phượng mồ côi mẹ từ lúc còn nhỏ. Có thể nói, cô bé là bản sao chép về tâm tình của ông bố. Cô bé ham đọc sách. Cô thích những câu chuyện bâng khuâng của một nhà văn Nga, với những bông tuyết rơi, với những giọt mưa lác rách, với tiếng đàn piano làm nức nở tim người, với những anh lín Hồng quân lịch thiệp và tốt bụng, với những cô gái thủy chung và mơ mộng. Có một lần tôi thấy cháu Phượng long lanh nước mắt. Tôi hỏi:
-Sao cháu khóc?
-Cháu đọc chuyện: "Cô gái mù và con cánh cam"
-À...
-Con cánh cam đã bay đi. Và hạnh phúc đã không bao giờ đến với cô gái mù lòa... Chú Hoàng ơi! Có thật thế không hả chú?
Tôi biết cô cháu gái đang đặt ra câu hỏi về hạnh phúc của con người. Hạnh phúc có thật hay không? Và nếu có, bao giờ nó sẽ đến? Biết nói thế nào với cháu tôi nhỉ? Bởi vì chính bản thân cuộc sống là hạnh phúc. Chỉ cần ta biết sống. Phượng ngồi đan len bên cửa sổ. Cháu tôi cũng như bố cháu đang đợi chờ hạnh phúc. Có thể một ngày nào đó, có một chàng trai, một anh Hồng quân Việt Nam, hoặc một anh sinh viên đi qua khung cửa sổ và hạnh phúc của cháu tôi chợt lóe hiện. Và cũng có thể chẳng bao giờ hạnh phúc sẽ đi qua cửa sổ. Phượng ạ, cửa sổ nhà cháu ở một nơi quá hẻo lánh. Có thể vì thế mà hạnh phúc ít ngang qua.
Này... hay là cháu rời bỏ khung cửa sổ ấy, mà lên đường. Hãy đi dạo phố, vào một xưởng náy, đến một chợ đông... Hạnh phúc có thể tìm thấy ở giữa chợ cũng nên.
Nhưng, ý nghĩ của tôi quá lông bông so với những cứng rắn, nghiêm túc của Vinh. Vì lẽ đó, nên tôi chẳng nói gì. Tôi chỉ biết khuyên cháu tôi bằng những lời nói chung chung...
Dù sao chuyện đôi lợn cũng chỉ là một chuyện nhỏ. Nó chỉ làm Vinh buồn đi mất vài ngày, sau đó anh quên ngay. Bởi vì nỗi đợi chờ của bạn tôi to lớn hơn nhiều. Sự quan tâm của anh là đối với cả dân tộc, đối với cả loài người. Một hôm anh tiên đoán với tôi:
-Tôi tin chắc rằng, chẳng bao lâu nữa, ta sẽ gắn bó chặt chẽ với Liên Xô. Tôi tin ở nước Nga, bởi vì đó là quê hương gốc rễ của cách mạng. Nước Nga sẽ giúp ta làm thay đổi triệt để gương mặt Việt Nam.
Có lúc anh lý thuyết một cách biện chứng:
-Trăng khuyết rồi tròn. Hết suy đến thịnh. Lúc này đất nước đang gặp nguy khốn. Đói khát, tham nhũng, trộm cướp hoành hành người. Bây giờ ai ai cũng nghĩ được việc cần thay đổi một cách cách mạng. Chính đó là mầm mống cho cái tốt nảy sinh ồ ạt...
Tôi im lặng, không bàn cãi.
Và bạn tôi cứ chờ đợi, cứ mơ mộng chờ đợi một sự tái sinh. Đã bao nhiêu biến cố xảy ra... và sự tái sinh vẫn chẳng thấy bao giờ ló bóng...
Hai cha con kiên nhẫn chờ đợi. Mỗi người chờ đợi một điều riêng. Nhưng, một hôm, cháu Phượng đã phá lệ. Cháu đã tự tìm ra lối đi riêng. Cháu không chờ đợi nữa. Cháu đã lên đường, ra phố, đi vào giữa chợ đông.
Một hôm tôi đến, Vinh buồn rầu tâm sự với tôi:
-Cháu Phượng hỏng mất rồi anh ạ.
-Sao?
-Nó hư. Nó đã đưa về nhà một thằng bé đầu tóc bù xù, ăn mặc lố lăng và giới thiệu là người yêu của nó. Tôi đã điên lên và đuổi thẳng cổ thằng ma cà bông ra khỏi nhà.
-Sợ rằng anh nóng quá.
-Sao lại nóng? Và anh, anh cũng chấp nhận được điều đó sao? Cách mạng mà lại thế ư? Con gái tôi mà lại lấy một thằng chồng như thế sao? Anh đứng về phía nó? Thật là đảo điên, đảo điên...
Tôi lựa lời, nhẹ nhàng:
-Tôi nghĩ nếu anh không bằng lòng, thì cũng nên từ từ.
-Sao lại từ từ? Phải dứt khoát. Phải minh bạch.
Đầu Vinh lắc lư, mắt Vinh đau khổ. Anh ôm cái ngực lép kẹp rồi ho. Anh rũ rượi ho cho đến lúc nước mắt ràn rụa và đôi môi nhợt nhạt. Rứt cơn ho, anh nằm dài trên giường hổn hển. Tôi rót cho anh cốc nước lạnh. Và hai chúng tôi đều im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Tôi biết Vinh có nhiều ước vọng cho con gái. Cuộc sống của anh là một sự chờ đợi những điều tốt đẹp, trong đó con gái anh là một phần của ước vọng ấy, Anh yêu con bằng một tình yêu lặng lẽ. Anh chăm chút nó rất cẩn thận từ lúc bé. Không bao giờ thấy anh nói nặng với con một lời. Anh thường ngày dạy thêm cho con. Nhiều lúc anh khoe:
-Con bé rất giống tôi. Nó giỏi toán lắm anh ạ.
Vinh định bụng sẽ cho con gái thi vào khoa toán trường đại học tổng hợp. Nhưng vừa bước vào lớp mười, cô gái đã từ giã cha và dấn thân vào chợ đời. Vinh giảng giải, mắng mỏ con gái suốt mấy ngày liền, Phượng chỉ khóc,. Vinh hỏi:
-Thế nó làm nghề gì?
-Anh ấy làm... bụi đời.
-Trời ơi! Bụi đời!
Vinh nghiến răng lại rồi ho.
Phượng cũng bướng bỉnh chẳng kém gì bố. Cô khăng khăng theo ý mình. Cô bé đã trông thấy con cách cam tím biếc của mình bay trên bầu trời và cô đã chạy đuổi theo nó. Phượng bỏ nhà đi theo người yêu.
Thế là một mảng của hy vọng bị sụp đổ. Vinh gần như chết nửa người. Từ khi con đi, Vinh đóng kín chiếc cửa sổ mà con anh vẫn hàng ngày ngồi bên đan len. Anh chỉ còn hé mở cánh cửa sổ nhìn ra hồ nước sau nhà.
Hồ rộng. Đó cả là một thế giới... Bên kia hồ là rặng tre, ở đó có đôi cuốc suốt ngày ra rả. Đàn vịt bầu nhà hàng xóm thường rúc mồi ở đám khoai nước gần đấy. Đám bèo Nhật Bản hoa tím trông mát mắt. Anh suốt ngày ngồi bên cánh cửa hé mở ấy mà im lặng tư lự. Ngồi cho đến đêm, cho đến lúc trăng lên, ngồi để xem cá đớp trăng...
Vinh càng ngày càng gầy. Thực ra anh chỉ còn là một bộ xương có tấm da bọc nhăn nheo, có lẽ vì anh ăn uống quá ít và cả vì buồn não nữa. Da mặt anh tái ngoét gần chuyển sang mầu chì. Tôi cứ nghĩ rằng, khi bị một cú đòn choáng như vậy, chắc Vinh thể nào cũng gục; Nhưng, Vinh vẫn sống, anh vẫn hy vọng chờ đợi. Có thể sự hy vọng tạo ra năng lượng sống cho con người.